VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

543

Total

192

Share

The political ideology education for students at Viet Nam National University Ho Chi Minh City in the current context: Current situation and some key solutions






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Political ideology education for students in higher education institutions plays a pivotal role in nurturing their qualities and personalities, as well as endowing them with a scientific worldview and a correct methodology. This education contributes significantly to shaping generations of students, who possess both political integrity and professional competence, capable of undertaking substantial responsibilities in a landscape, where the nation enjoys numerous advantages but also faces hidden difficulties and challenges. Drawing from the research conducted on the political ideology education for students at Viet Nam National University Ho Chi Minh City, this article examines the present state of this endeavor from the two perspectives: the attained outcomes and the remaining challenges. By analyzing the current context, the article puts forward several key solutions aimed at enhancing the efficacy of this education within the contemporary pivotal framework for the country's development. The research findings show that the political ideology education for students at Viet Nam National University Ho Chi Minh City is consistently regarded as a crucial, strategic, and enduring task. It receives ample attention and implementation from the entire political apparatus, manifesting in a variety of approaches that blend tradition with modernity. Consequently, this educational effort has achieved depth and fortified its efficacy. However, notwithstanding its accomplishments, recent developments have revealed certain shortcomings and constraints stemming from both subjective and objective factors. Hence, there is a pressing need for fundamental solutions to augment the effectiveness of this education and align it more closely with the prevailing context.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sinh viên là “rường cột”, là chủ nhân tương lai của đất nước, vì thế họ cần được quan tâm đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng về tạo điều kiện về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt niềm tin và đề cao vai trò to lớn của thanh niên, sinh viên, vì thế, nhiều chủ trương, chính sách về công tác thanh niên, sinh viên đã được ban hành nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để thế hệ tương lai của đất nước phấn đấu vươn lên và có những đóng góp quan trọng. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Bối cảnh này vừa tạo ra nhiều cơ hội mới , vừa đặt ra những yêu cầu lớn lao đối với sinh viên cả về nhận thức chính trị cũng như trình độ chuyên môn. Trong thực tế, rất nhiều sinh viên Việt Nam đã tận dụng những cơ hội của tiến trình hội nhập và phát triển để vươn lên lĩnh hội các tri thức mới, trở thành những công dân toàn cầu và tích cực, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên hoang mang khi chọn lý tưởng sống, giảm sút niềm tin, hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân, chạy theo lối sống thực tế, có hành động không đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước [ 1 , tr.69]. Do đó, công tác giáo dục chính trị tưởng cho sinh viên đang đặt ra những yêu cầu mới để đáp ứng với các yêu cầu mới của thời đại và phù hợp với đặc điểm của thế hệ sinh hiện hiện nay.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo lớn của Việt Nam với 38 đơn vị trực thuộc, trong đó có bảy trường đại học thành viên . Hiện nay, ĐHQG-HCM đang đào tạo hơn 90.000 sinh viên đại học, hơn 9.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh; với hơn 6.000 cán bộ, viên chức, trong đó trong đó có hơn 1.100 tiến sĩ, hơn 350 giáo sư, phó giáo sư ở các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế - luật, khoa học sức khỏe và khoa học nông nghiệp 2 . Xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện con người, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ĐHQG-HCM trong những năm qua đã tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên và coi đó là một trong những trụ cột chính để thực hiện mục tiêu đảm bảo sự giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, để công tác giáo dục chính trị tư tưởng đạt hiệu quả, chúng ta cần có sự phân tích, đánh giá trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn về những thành tựu đạt được và những hạn chế còn tồn tại, từ đó xác định những nhóm giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thuật ngữ “giáo dục chính trị tư tưởng” ở Việt Nam đã được sử dụng rất phổ biến trong các văn kiện của Đảng, cũng như trong các tài liệu sách, báo ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm về giáo dục chính trị tư tưởng vẫn chưa được xác định rõ. Trên cơ sở tiếp cận các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ, quan điểm của các nhà khoa học, giáo dục chính trị tư tưởng được hiểu trong bài viết này về cơ bản là quá trình tổ chức giáo dục, truyền bá những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, thông qua một hệ thống các biện pháp, nhằm từng bước xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học đúng đắn. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên là quá trình tác động có chủ đích của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị của nhà trường để truyền bá một cách có hệ thống chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nội quy, quy định của nhà trường, nhằm xác lập cho sinh viên thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận khoa học, tư duy lý luận và thực tiễn; tạo sức đề kháng, khả năng “miễn dịch” với các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc niềm tin của sinh viên vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; từ đó hình thành một thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, cũng như yêu cầu của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay. Do đó, công tác này luôn được xem là một trong những trụ cột trọng tâm, quan trọng trong chương trình đào tạo bậc đại học, được tiến hành với nhiều phương thức khác nhau, bao trùm toàn bộ công tác giảng dạy, học tập và hoạt động giáo dục của nhà trường. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống, tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ; khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại; hình thành một lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc” 3 .

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học chính là nhiệm vụ quan trọng trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, lãnh đạo công tác này là nhiệm vụ của các cấp của Đảng thông qua các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, chương trình, hoạt động... được triển khai qua hệ thống các cấp ủy chi bộ, hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội sinh viên Việt Nam; song song đó, theo các chủ trương của Đảng, Ban Giám Hiệu chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Cụ thể, Phòng Công tác sinh viên sẽ tổ chức tuần sinh hoạt công dân, sinh hoạt định hướng, tổ chức các hoạt động liên quan đến đời sống tinh thần và thể chất cho sinh viên và người học như các các buổi nói chuyện chia sẻ định hướng nghề nghiệp, tinh thần phụng sự, tình hình an ninh trật tự, các hoạt động thể dục thể thao, các cuộc thi,... Trong khi đó, các khoa/ bộ môn sẽ tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên theo chương trình đã được quy định. Trong chương trình chung của Nhà trường, các đơn vị chuyên môn này còn tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, các chuyến đi thực tế, các đề tài nghiên cứu liên quan đến lý luận chính trị cho sinh viên... Như vậy, trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Tuy có tính thống nhất về quan điểm và nội dung triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trong cả nước nói chung và của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nhưng để công tác này đạt hiệu quả cao, các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu đều nhận thức rằng cần chủ động triển khai các chủ trương chung thống nhất này thông qua những phương pháp và cụ thể hóa các nội dung phù hợp với hoàn cảnh, tình hình thực tế của từng đơn vị. Thực tiễn trong những năm qua, ĐHQG-HCM đã triển khai công tác này một cách đồng bộ trong toàn hệ thống với nhiều phương thức khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi tập trung phân tích một số hoạt động trọng tâm vốn có tác động sâu rộng đến nhận thức và từ đó chi phối hành động của sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học. Các hoạt động trọng tâm của công tác giáo dục chính trị tư tưởng sinh viên bao gồm: tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, sinh hoạt định hướng, đây là những nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo cho sinh viên trong hệ thống ĐHQG-HCM. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng trình bày một số hoạt động do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức liên quan đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên.

Để thu thập dữ liệu, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại bảy trường đại học trong hệ thống ĐHQG-HCM (Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế – Luật và Trường Đại học An Giang) từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023 qua việc sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính. Trong đó, chúng tôi đã khảo sát bằng bảng hỏi theo mẫu xác suất và có hệ thống với 2.590 sinh viên và phỏng vấn sâu 98 sinh viên vốn có sự đa dạng về ngành học, năm học, giới tính, tình trạng tham gia các tổ chức chính trị... Đặc điểm của thông tín viên tham gia trả lời bảng hỏi bao gồm 2.590 sinh viên, trong đó có 1.429 sinh viên nam (55,2%) và 1.161 sinh viên nữ (44,8%). Về tình trạng, sinh viên năm 1 là 690 (26,6%), sinh viên năm 2 là 795 (30,7%), sinh viên năm 3 là 632 (24,4%), sinh viên năm 4 là 473 (18,3%). Thông tin của phiếu khảo sát được thu thập và kiểm soát chất lượng thông tin ngay tại địa điểm và thời điểm thu thập. Các phiếu không đạt yêu cầu sẽ được yêu cầu phỏng vấn lại hoặc loại ra khỏi mẫu khảo sát. Thời gian thực hiện trung bình khoảng 30 phút mỗi phiếu khảo sát. Phiếu khảo sát hoàn thiện được mã hóa và nhập liệu bằng phần mềm phân tích số liệu thống kê SPSS. Đặc điểm của thông tín viên tham gia trả lời phỏng vấn sâu bao gồm 98 sinh viên, trong đó 42 sinh viên nam (42.9%) và 56 sinh viên nữ (57.1%). Về tình trạng, sinh viên năm 1 là 19, sinh viên năm 2 là 20, sinh viên năm 3 là 31, sinh viên năm 4 là 22. Có 37 sinh viên là đoàn viên, 39 sinh viên là Hội viên và 22 sinh viên là Đảng viên. Những thông tín viên tham gia phỏng vấn được thông báo về mục đích, quy trình nghiên cứu và nhận được danh sách câu hỏi trước khi tham gia phỏng vấn; được đảm bảo về quyền từ chối trả lời hoặc rút khỏi nghiên cứu mà không cần giải trình. Các cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 60-90 phút tại các cơ sở giáo dục hoặc trên nền tảng trực tuyến (Zoom/Google Meet) đảm bảo các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu. Dữ liệu từ cuộc phỏng vấn được thu thập thông qua ghi âm và ghi chép nhanh trong quá trình gặp gỡ các thông tín viên, sau đó được gỡ băng và phân tích chi tiết. Toàn bộ thông tin cá nhân được mã hóa và bảo mật. Bên cạnh đó, phương pháp quan sát tham dự được thực hiện trong các sự kiện như buổi sinh hoạt công dân đầu khóa, các buổi học môn lý luận chính trị và một số hoạt động liên quan đến giáo dục chính trị tư tưởng do Đoàn – Hội tổ chức, người nghiên cứu quan sát những tình huống, sự kiện và hoạt động mà sinh viên tham gia. Điều này giúp chúng tôi có cái nhìn trực tiếp về cách giáo dục chính trị tư tưởng được truyền đạt và tiếp thu trong môi trường học thuật. Đồng thời, nghiên cứu cũng sử dụng phương tiện thu thập dữ liệu từ các nguồn văn bản như sách, giáo trình, bài báo, văn bản chính trị, báo cáo nghiên cứu và chính sách giáo dục.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên

Phương châm về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trong hệ thống ĐHQG-HCM là duy trì mối liên kết mật thiết giữa công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên với nhiệm vụ chính trị của Đảng, mà cụ thể là một trong những trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Đảng ủy ĐHQG-HCM thiết lập mối quan hệ chặt chẽ trong tổ chức, quản lý, giáo dục và rèn luyện, tạo ra sự kết hợp đồng nhất và được cụ thể hoá qua các Nghị quyết, Kế hoạch chiến lược của ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQG-HCM lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ nhiệm vụ quan trọng nhất về xây dựng Đảng là phải: “tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nằng nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy Đảng viên, cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, đổi mới giáo dục đại học, chiến lược phát triển ĐHQG-HCM trong tình hình mới nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống, nhất quán trong hành động” [ 4 , tr.4].

Cụ thể hóa chủ trương nhất quán đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, các cơ sở thành viên của ĐHQG-HCM đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên với nhiều phương thức đa dạng và phong phú, như: chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng; nâng cao nhận thức chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua việc giảng dạy các môn lý luận chính trị, tổ chức tuần lễ sinh hoạt công dân, tổ chức quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chương trình cập nhật, bổ sung kiến thức, sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi đổi mới phương thức, tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vai trò, vị trí, nhiệm vụ, thành quả và những nội quy, đinh định của ĐHQG-HCM của từng đơn vị đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng lực lượng phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đánh giá về sự quan tâm của các cấp ủy đảng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết quả khảo sát cho thấy Đảng ủy ĐHQG-HCM luôn tổ chức thực hiện đầy đủ nội dung của các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các văn bản chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và sinh viên. Dựa trên những chủ trương quan trọng từ Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng ủy ĐHQG-HCM đã triển khai xuống các trường thành viên, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng và kỹ năng sống cho sinh viên; củng cố kỷ cương, tôn trọng nguyên tắc dân chủ trong môi trường học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tự rèn luyện và phấn đấu. Các trường thành viên thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị; chú trọng công tác tổ chức, nâng cao trình độ học vấn, phát triển năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa phương tiện dạy học, phát triển hệ thống thư viện, tài liệu phục vụ nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận chính trị.

Cũng theo đánh giá của sinh viên, nhà trường đã triển khai lan tỏa kiến thức về chính trị trong cộng đồng sinh viên thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa; tạo dựng cơ chế, khuyến khích, hướng dẫn các phòng/ ban chức năng, các tổ chức Đoàn – Hội xây dựng mô hình câu lạc bộ chuyên môn, đội/ nhóm, triển khai các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên . Việc áp dụng công nghệ trong việc tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác chính trị tư tưởng đã giúp sinh viên không chỉ biết và nhớ đến ngày truyền thống, những ngày lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước mà còn hiểu rõ hơn về truyền thống và công lao của các thế hệ tiền bối. Sinh viên Trần TT từ Đại học C chia sẻ “nhà trường thường thực hiện các hoạt động kỷ niệm thông qua việc đăng thông tin trên truyền thông và fanpage trường. Đặc biệt, những ngày quan trọng như ngày sinh của Bác, ngày thành lập Đoàn, ngày thành lập Đảng (ngày 3 tháng 2), ngày quốc khánh được tuyên truyền và kỷ niệm một cách nổi bật. Các fanpage lớn của trường, bao gồm cả các câu lạc bộ và đoàn thể của từng khoa, tích cực đăng bài truyền thông để khuyến khích sự tham gia của sinh viên. Sinh viên này nhấn mạnh việc đăng thông tin không chỉ giúp sinh viên nhớ và hưởng ứng những dịp quan trọng mà họ có thể chưa biết đến, mà còn góp phần vào việc giáo dục về truyền thống và công lao của các thế hệ cha ông. Bằng cách này, sinh viên được thúc đẩy nhớ đến đóng góp lớn của những người đi trước, tạo ra một ý thức lịch sử và lòng tự hào về quê hương, đồng thời hình thành tinh thần cộng đồng trong cộng đồng sinh viên” (trích biên bản phỏng vấn sinh viên Trần TT từ Đại học C).

Đánh giá về hình thức triển khai và tính nghiêm túc trong quá trình thực hiên, các sinh viên trường đại học A và đại học D cho biết: nhà trường đã thể hiện sự nghiêm túc trong việc triển khai Nghị quyết Đảng, đặc biệt là trong tổ chức các hoạt động liên quan đến học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các hoạt động này được triển khai một cách nghiêm túc, đặt ra mục tiêu cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động. Nhiều sinh viên cũng cho rằng việc triển khai học tập, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại trường đang được thực hiện khá tốt và thường xuyên. Hình thức đa dạng, phong phú, bao gồm việc tổ chức viết bài lý luận chính trị, tọa đàm, hội nghị, cắm trại,... Đồng thời, nhà trường đã tập trung vào việc bồi đắp kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như phát triển kỹ năng nhận diện và xử lý các vấn đề dư luận xã hội cho sinh viên.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát định lượng cũng cho thấy phần lớn sinh viên cho rằng nhà trường tổ chức đầy đủ các buổi quán triệt Nghị quyết, Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết chuyên đề, pháp luật của nhà nước, cũng như có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng các sự kiện chính trị của đất nước ( Figure 1 ).

Figure 1 . Đánh giá của sinh viên ĐHQG-HCM về công tác giáo dục lý luận chính trị, triển khai học tập, tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước (đơn vị: %) (Nguồn: Tác giả)

Đánh giá về vai trò của các chủ thể trong các cơ sở giáo dục đại học đối với công tác chính trị tư tưởng cho sinh viên, kết quả cho thấy 69,8% sinh viên ĐHQG-HCM cho rằng Đảng ủy là cơ quan đóng vai trò chính trong công tác chính trị tư tưởng 14,9% sinh viên xem đó là vai trò của Đoàn thanh niên ( Figure 2 ).

Figure 2 . Chủ thể giữ vai trò chính đối với công tác chính trị tư tưởng trong nhà trường (đơn vị: %) (Nguồn: Tác giả)

Mặc dù Đảng ủy ĐHQG-HCM luôn quan tâm và có nhiều đổi mới tích cực trong việc triển khai công tác chính trị tư tưởng cho sinh viên trong toàn hệ thống, nhưng thực tiễn trong thời gian quan công tác này vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Sự tương tác giữa Đảng ủy, Ban giám hiệu, giữa các phòng/ ban chức năng với các tổ chức Đoàn – Hội, giữa giảng viên và sinh viên tại một số trường trong hệ thống ĐHQG-HCM chưa được thực hiện một cách thường xuyên và đồng bộ. Việc triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên nhiều khi chưa kịp thời; cơ chế phối hợp giữa phòng/ ban chức năng và tổ chức Đoàn – Hội chưa thực sự hiệu quả; một số ngành, chuyên ngành liên kết đào tạo với nước ngoài chưa thực sự quan tâm đến việc giảng dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên.

Tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên

Các môn học trong nhà trường đều có vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên, đặc biệt là các môn lý luận chính trị. Trong hệ thống ĐHQG-HCM, tất cả sinh viên đều học 5 môn lý luận chính trị, bao gồm: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là các học phần bắt buộc ở tất cả các trường đại học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được dạy theo giáo trình thống nhất. Theo kết quả điều tra định lượng, 73,9% sinh viên ĐHQG-HCM trả lời tiếp thu kiến thức chính trị tư tưởng thông qua học các môn lý luận chính trị ( Table 1 ).

Table 1 Nguồn tiếp thu kiến thức chính trị tư tưởng của sinh viên

Kết quả khảo sát định tính cũng cho biết các môn lý luận chính trị không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giúp sinh viên khám phá, luận giải, phân tích một cách khoa học những khía cạnh quan trọng, từ đó hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Theo chia sẻ của sinh viên trường Đại học A: “Những môn học này không chỉ là nơi truyền đạt lý thuyết, mà còn là nền tảng để phát triển lý tưởng, tư duy khoa học, và đạo đức cách mạng trong sinh viên. Nó tạo ra năng lực sáng tạo, khả năng phân tích chặt chẽ, và tư duy logic, giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn một cách có hiệu quả” (trích biên bản trả lời phỏng vấn của sinh viên trường Đại học A).

Trong các cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ cán bộ giảng dạy các môn lý luận chính trị giữ vai trò trọng yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên. Hiện nay, đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị trong hệ thống ĐHQG-HCM chiếm tỷ lệ khoảng 5% tổng số giảng viên và đang giảng dạy khoảng hơn 10% tổng số giờ của các chương trình đào tạo 5 . Đánh giá về tầm quan trọng của giảng viên các môn lý luận chính trị, kết quả nghiên cứu cho biết đại bộ phận sinh viên đánh giá giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng, không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo và hỗ trợ giải quyết thắc mắc của sinh viên. Thực tiễn cho thấy nhiều giảng viên luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, hiểu biết về lý luận và thực tiễn, thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi phương thức đào tạo tiên tiến. Nhờ đó, những giờ giảng lý luận chính trị trở nên hấp dẫn hơn, kích thích sinh viên hứng thú học tập, nghiên cứu, vận dụng kiến thức lý luận chính trị để đánh giá các sự kiện, hiện tượng diễn ra trong đời sống chính trị đất nước và quốc tế.

Theo kết quả khảo sát định lượng, có hơn 80% sinh viên thể hiện mức độ đồng ý về kiến thức và phương pháp giảng dạy tích cực của giảng viên các môn lý luận chính trị trong hệ thống ĐHQG-HCM ( Figure 3 ).

Figure 3 . Đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị có kiến thức và phương pháp giảng dạy tích cực (đơn vị: %) (Nguồn: Tác giả)

Đồng thời, kết quả khảo sát định tính cũng ghi nhận nhiều ý kiến mô tả về phương pháp giảng dạy tích cực của giảng viên các môn lý luận chính trị. Theo đánh giá của một số sinh viên, đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị trong hệ thống ĐHQG-HCM có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, như: tổ chức các buổi seminar, thảo luận nhằm tăng khả năng tiếp thu cho người học. Sinh viên trường đại học F chia sẻ: “Gần đây nhất em học Lịch sử Đảng, Cô sẽ cho một vấn đề thực tiễn, ví dụ như vấn đề đang “hot” trong xã hội thì sẽ cho sinh viên bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề đó. Đó là những hình thức mà em nghĩ khá là hay và nó sẽ tạo cho sinh viên được hứng thú trong những vấn đề đó” (trích biên bản phỏng vấn sâu mã số 79) . Một chia sẻ khác cho biết: “Những môn đó (các môn lý luận chính trị - NTPL) mình thấy thầy cô giảng dạy nhiệt tình và mấy bạn chăm tương tác với thầy cô, có những bạn đứng lên trả lời câu hỏi và thuyết trình rất tự tin chứng minh là mấy bạn có sự hiểu biết nhất định về môn học đó, thầy cô dạy luôn tạo ra sự tương tác nhằm kiểm tra hiểu biết mà khiến cho môn đó sinh động hơn, thu hút sinh viên hơn, kiểu như sẽ cho sinh viên chia nhóm ra thuyết trình seminar hoặc là giảng viên sẽ đặt câu hỏi cho nhóm tìm hiểu về những bài học liên quan, mình thấy cách làm như vậy thì sinh viên sẽ tự giác trong việc học và tìm hiểu về môn mình đang học sâu hơn” (trích biên bản phỏng vấn sâu mã số 69) .

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những bất cập về nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong hệ thống ĐHQG-HCM. Kết quả khảo sát định lượng cho thấy vẫn còn trên 10% sinh viên còn phân vân về phương pháp giảng dạy và kiến thức lý luận và thực tiễn của giảng viên (xem Figure 3 ). Nhiều sinh viên đánh giá rằng một số giảng viên vẫn thiên về sử dụng phương pháp thuyết trình, ít dành thời gian cho thảo luận, tranh biện, gợi mở vấn đề hoặc thiếu liên hệ thực tiễn. Một sinh viên chia sẻ: “Thầy/cô triển khai phương pháp chưa đúng, ví dụ đối với những bạn năm nhất, thầy/cô cho sinh viên thuyết trình thì sẽ gây sự bỡ ngỡ và các bạn cũng không nắm vững kiến thức .. . Thay vào đó, chúng ta có thể áp dụng phương pháp tranh biện, từ đó tích hợp nhiều kiến thức và tạo sự linh động trong quá trình học” (trích biên bản phỏng vấn sâu số 9). Một số giảng viên, tuy có kết hợp thuyết trình với trình chiếu, sử dụng giáo án điện tử, nhưng do chưa thành thạo, biến tiết giảng theo kiểu “thầy đọc, trò ghi” trước đây thành tiết giảng “thầy chiếu, trò nhìn và chép bài”, dẫn đến việc sinh viên không tiếp thu được bài giảng: “Đối với môn Triết học Mác – Lênin, chúng em vô lớp thì chúng em học cũng có học nhưng mà không hiểu gì hết vì nhiều định nghĩa gây sự khó hiểu đến sinh viên nên chúng em nó cũng hơi khó khăn trong việc tiếp thu và nhớ được; Thay vào đó, giảng viên dạy rất dễ hiểu, liên tưởng vấn đề với thực tế để sinh viên có thể dễ hình dung hơn, dó đó tình trạng mà ngủ với lại lo ra trong giờ học không có nhiều” (trích biên bản phỏng vấn sâu mã số 36); “do kiến thức còn khá trừu tượng và nhiều nội dung trong bài học nên sinh viên cũng khó tiếp thu, khó hiểu. đối với trường và ngành của em đều thiên về kỹ thuật và kinh tế nhiều hơn nên các môn tư tưởng chính trị nói chung khiến các sinh viên e ngại. Đa phần các bạn đều học để qua môn chứ không để hiểu và nhớ” (trích biên bản phỏng vấn sâu mã số 17) “Mình đã được học qua mấy môn Tư tưởng hồi năm nhất năm hai, song giờ hỏi lại thì mình cũng không nhớ gì ” (trích biên bản phỏng vấn sâu mã số 34) . Bên cạnh đó, một số sinh viên cảm thấy phương pháp đánh giá kết quả học tập chưa thật sự phù hợp, hình thức thi trắc nhiệm dễ tạo ra cách học tủ, học vẹt, học đối phó: “Khi học ở Đại học 4 năm, em không nắm được nhiều và chưa vững kiến thức. Việc học trên lớp và đến ngày thi thì bên trường cho 1 đề cương 6 câu (ra thi 2 trong 6 câu), những bạn sinh viên sẽ học thuộc. Nếu bạn nào học thuộc lòng nhiều thì sẽ được điểm 9 điểm 10. Trong khoảng thời gian đó, một số bạn sẽ nhớ/ hiểu, song kết thúc môn thì sẽ không nhớ nhiều. Em chưa ấn tượng với bài giảng nào về những môn đại cương” (trích biên bản phỏng vấn sâu mã số 55) . Có giảng viên không đưa ra tiêu chí chấm điểm rõ ràng, quản lý lớp học chưa tốt hoặc cắt giảm thời gian giảng dạy; hoặc các lớp học môn lý luận chính trí thường có số lượng sinh viên đông, gặp khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy. Một số sinh viên trường đại học A, F chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, em nhận thấy một số vấn đề đối với lớp học của mình. Một số giáo viên có thể áp dụng các biện pháp "dễ dãi" như không điểm danh, giảm thời lượng học, và sử dụng các phương thức như tự học ở nhà hoặc thuyết trình. Điều này có thể làm cho sinh viên cảm thấy môn học không cần thiết” (SV TVL, Đại học A) . Hay “Em nhận thấy có sự khách biệt giữa cách giảng dạy của các giáo viên. Một số giáo viên thú vị, trong khi một số khác làm sinh viên buồn ngủ. Em nghĩ rằng việc thay đổi cách giảng dạy có thể giúp, không nhất thiết phải thay đổi nội dung. Đối với những môn như Mác – Lênin, em nghĩ việc học thực tiễn sẽ hữu ích hơn để áp dụng kiến thức vào thực tế, ví dụ như sử dụng phim lịch sử” (trích biên bản phỏng vấn SV NTMT, Đại học F).

Từ năm 1978 đến nay, nội dung, chương trình các môn lý luận chính trị trải qua nhiều lần cải tiến, đổi mới, nhưng do thiếu tính hệ thống và tư duy khoa học nên hiệu quả không cao, vẫn còn nặng tính hàn lâm, thậm chí vòng vo, luẩn quẩn 6 . Theo đánh giá của sinh viên trường đại học D: “Tài liệu thì em thấy đầy đủ nhưng mà nó khó tiếp cận lắm chị, tại nó dài dòng và nó rất là khó tiếp cận với sinh viên… mượn về thì mượn được nhưng mà cùng không ai mượn tại vì nó dài quá, kiếm một cái nội dung rất là khó, tại quá nhiều. Nó dạng như bị chồng chéo và quá nhiều vấn đề dồn vô có một cái cuốn sách” (trích biên bản phỏng vấn sâu mã số 42) . Kết quả định lượng cũng cho biết có hơn 14% sinh viên thể hiện mức độ phân vân về tài liệu các môn lý luận chính trị sát với thực tế, tạo hứng thú cho người học( Figure 4 ).

Figure 4 . Tài liệu các môn lý luận chính trị sát với thực tế, tạo hứng thú cho người học (đơn vị: %) (Nguồn: Tác giả)

Tổ chức các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên

Trọng tâm của công tác giáo dục chính trị tư tưởng là trang bị cho sinh viên những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng như các nội quy, quy định của đơn vị. Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy ĐHQG-HCM, Đảng ủy các trường thành viên luôn nhất quán chủ trương, chỉ đạo các phòng/ ban chức năng, triển khai tổ chức tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, sinh hoạt định hướng, đây là những nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo cho sinh viên.

Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa tại ĐHQG-HCM được tổ chức vào đầu mỗi năm học nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng quan trọng, giúp sinh viên hiểu rõ về môi trường học tập, ngành nghề đào tạo; đồng thời tập trung vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị và phát triển kỹ năng sống. Thông qua kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy đa số sinh viên ĐHQG-HCM đánh giá cao các hoạt động liên quan đến tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, khi cho rằng các hoạt động giúp sinh viên có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, chính trị, những vấn đề mang tính “thời sự” của đất nước; những nội quy, quy định của Nhà trường, từ đó sinh viên hiểu rõ hơn về giá trị, quyền lợi và trách nhiệm của bản thân. Bên cạnh đó, các hoạt động cũng góp phần nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, và tư duy lập luận, khuyến khích sinh viên nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, mở rộng tư duy và tạo cơ hội cho việc thảo luận và trao đổi quan điểm với người khác. Kết quả khảo sát định lượng cho biết có 55,7% sinh viên đánh giá những kiến thức, hiểu biết của bản thân về chính trị tư tưởng là thông qua tuần lễ sinh hoạt chính trị đầu khóa, sinh hoạt định kỳ (xem Table 1 ); hơn 80% sinh viên thể hiện mức độ đồng ý về việc nhà trường tổ chức hiệu quả tuần sinh hoạt công dân cho sinh viên ( Figure 5 ).

Figure 5 . Nhà trường tổ chức hiệu quả tuần lễ sinh hoạt công dân cho sinh viên (đơn vị: %) (Nguồn: Tác giả)

Không chỉ tham gia các hoạt động bắt buộc, sinh viên ĐHQG-HCM còn được giáo dục chính trị tư tưởng thông qua các hoạt động với nhiều hình thức đa dạng với vai trò quan trọng và nổi bật của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Đoàn Thanh niên đã cùng với Hội sinh viên và các tổ chức chính trị – xã hội khác trong các trường đại học thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, phát động các phong trào hành động như: các lớp bồi dưỡng về kiến thức chính trị, tư tưởng sinh hoạt chính trị, tư tưởng gắn với các câu lạc bộ lý luận; tổ chức các diễn đàn để sinh viên trao đổi thảo luận các vấn đề chính trị; tổ chức các hoạt động hành trình về nguồn; các cuộc thi về lý luận chính trị và các hoạt động gắn với sở thích và đam mê của sinh viên về văn hóa nghệ thuật hay thể dục thể thao... Những hoạt động này đã thu hút nhiều sinh viên tham gia. Kết quả khảo sát định lượng cho thấy có 21,2% sinh viên ĐHQG-HCM thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị tư tưởng; 23,2% sinh viên thường xuyên tham gia các CLB gắn với sinh hoạt chính trị tư tưởng; 22,2% sinh viên thường xuyên tham gia thảo luận vấn đề chính trị trên các diễn đàn; 29,2% sinh viên thường xuyên tham gia các hoạt động về nguồn; 20,6 sinh viên thường xuyên tham gia các cuộc thi về lý luận chính trị ( Figure 6 ).

Figure 6 . Mức độ sinh viên ĐHQG-HCM thường xuyên tham gia các hoạt động liên quan đến công tác chính trị tư tưởng (Nguồn: Tác giả)

Đánh giá về tính hữu ích của các hoạt động này, rất nhiều sinh viên cho rằng các hoạt động đã tạo môi trường thực tiễn để sinh viên rèn luyện và cống hiến. Kết quả khảo sát định lượng cho biết hơn 50% sinh viên đánh giá các hoạt động này là hữu ích trong việc giáo dục chính trị tư tưởng ( Figure 7 ).

Figure 7 . Đánh giá của sinh viên về tính hữu ích của các hoạt động (đơn vị: %) (Nguồn: Tác giả)

Cùng với Đoàn thanh niên, các phòng/ ban chức năng như Phòng Công tác sinh viên, các tổ chức chính trị – xã hội khác trong hệ thống ĐHQG-HCM bằng nhiều phương thức như sân khấu hóa, nghệ thuật hóa đã tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như các nội quy, quy định của đơn vị đến sinh viên; đồng thời tiếp cận và khai thác hiệu quả các công cụ truyền thông hiện đại, các công nghệ mới để tuyên truyền, vận động sinh viên tham gia các hoạt động. Kết quả khảo sát định lượng cho biết có 48,4% sinh viên cho rằng những kiến thức, hiểu biết của bản thân về chính trị tư tưởng là từ sinh hoạt Đoàn – Hội và các hoạt động câu lạc bộ đội/ nhóm trong trường; 44,1 % từ phòng/ ban phụ trách công tác chính trị, công tác sinh viên (xem Table 1 ).

Các cơ sở giáo dục trong hệ thống ĐHQG-HCM hiện nay đều có phòng chức năng để thực hiện công tác triển khai, nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội của sinh viên. Tùy theo nhóm đối tượng mà các cơ sở giáo dục sẽ phân công nhiệm vụ cho các phòng chức năng khác nhau để thực hiện công tác này. Cụ thể, đối với người học, hòng Công tác sinh viên và tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên là các chủ thể chịu trách nhiệm chính. Theo đó, các tổ chức và cá nhân trong toàn hệ thống sẽ cùng tham gia ở các cấp như lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác sinh viên ở các khoa, chi đoàn, chi hội, lớp học, các nhóm cộng tác viên và cả đội ngũ giảng dạy lồng ghép công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quá trình lên lớp. Theo kết quả khảo sát định lượng, có khoảng 80% sinh viên trong mẫu nghiên cứu “đồng ý” hoặc “hoàn toàn đồng ý” với hai nhận định được khảo sát, khi cho rằng công tác nắm bắt dư luận trong sinh viên được thực hiện khá tốt, và các vấn đề đều được giải quyết theo quy trình và trình tự các cấp ( Figure 8 ).

Figure 8 . Đánh giá của sinh viên về công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội (đơn vị: %) (Nguồn: Tác giả)

Bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả khảo sát cũng cho thấy những hạn chế liên quan đến công tác này. Mô hình tuần sinh hoạt công dân, sinh hoạt đầu khoá mặc dù đều được các trường tổ chức và thay đổi nội dung nhưng vẫn chưa thu hút sự tham gia nhiệt tình của sinh viên. Kết quả khảo sát định lượng cho thấy có hơn 10% sinh viên còn phân vân khi đáng giá về tính hiệu quả của công tác này (xem Figure 5 ). Có nhiều nguyên nhân như: (i) Chủ đề sinh hoạt khung định hướng là các vấn đề được cho là cần thiết đối với sinh viên nhưng thực tế chưa phải là vấn đề quan tâm của sinh viên; (ii) Năng lực đội ngũ báo cáo viên; (iii) Kinh phí và nhân lực triển khai hạn chế. Do đó, chương trình chỉ dừng lại ở mức tổ chức thực hiện và giám sát, còn thiếu sự khảo sát thường xuyên để đánh giá tính hiệu quả để có phương án cải tiến chương trình.

Cũng theo đánh giá của nhiều sinh viên, các hoạt động liên quan đến công tác chính trị tư tưởng do các phòng/ ban chức năng và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức nhiều khi còn bị động, chưa có sự chuẩn bị tốt, nhiều hoạt động liên quan đến công tác giáo dục chính trị chưa thiết thực, chưa thu hút được đông sinh viên tham gia. Mặc dù các hoạt động về nguồn và các cuộc thi về lý luận chính trị được nhiều sinh viên đánh giá là rất hữu ích trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhưng kết quả khảo sát định lượng cho thấy mức độ tham gia của sinh viên chưa thường xuyên, có 54,7% sinh viên thỉnh thoảng tham gia và 16,2% sinh viên không tham gia các hoạt động về nguồn; 41,7% sinh viên thỉnh thoảng tham gia và 20,6% sinh viên không tham gia các cuộc thi về lý luận chính trị (xem Figure 6 ). Sinh viên trường đại học F chia sẻ: Trong chuyến về nguồn đầu năm học mới, nhiều sinh viên gặp khó khăn do thiếu thông tin chi tiết và hiểu biết về lịch sử tại địa điểm tham quan” (trích biên bản phỏng vấn sinh viên đại học F); nhiều hoạt động tổ chức thiếu sự linh hoạt, bị lặp lại, ít sáng tạo, không tạo được sự hứng thú cho sinh viên. Chia sẻ của sinh viên trường Đại học D: Có những hoạt động do Đoàn – Hội tổ chức không thiết thực, sinh viên tham gia để đối phó, lấy điểm rèn luyện, hoặc chỉ đơn giản là xuất hiện” (trích biên bản phỏng vấn sinh viên đại học F) . Việc tổ chức các hoạt động triển khai trong thời gian gấp dẫn đến việc có nhiều sinh viên không biết thông tin để tham gia. Các biện pháp tổ chức và kiểm tra giám sát thường chỉ đạt mức bề ngoài, thiếu tính tương tác và chất lượng thực sự. Kết quả khảo sát định lượng cho biết có 174/2.590 sinh viên (chiếm 8,6%) khi được hỏi cho rằng hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên chưa đa dạng, còn nhiều bất cập; 301/2.590 sinh viên (chiếm 11,6%) hầu như không tham gia hoạt động Đoàn – Hội, 53.2% sinh viên thỉnh thoảng tham gia 5 ( Figure 9 ).

Figure 9 . Mức độ sinh viên ĐHQG-HCM tham gia các hoạt động do Đoàn - Hội tổ chức (đơn vị: %) (Nguồn: Tác giả)

Bên cạnh đó, công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận, bảo vệ bền tảng của Đảng trong sinh viên cũng còn những hạn chế. Một số sinh viên được phỏng vấn cho rằng tổ chức Đoàn – Hội nên chủ động hơn nữa trong viêc nắm bắt tư tưởng của sinh viên bằng cách tổ chức hoạt động đa dạng hơn để tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên phát triển, góp phần định hướng tư tưởng sinh viên. Một số sinh viên hiện nay chưa chủ động quan tâm hoặc nắm bắt tình hình biến động xã hội nên dẫn đến hành vi sai lệch, điển hình như sinh viên vẫn tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp hoặc vay nặng lãi hay tham gia vào các hội nhóm có những hành vi vi phạm pháp luật, ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Trong thực tế, sinh viên chưa quan tâm nhiều các thông tin khác trong trường và của ĐHQG-HCM, vấn đề sinh viên quan tâm chủ yếu nhất vẫn là những nội dung liên quan như: học phí, lịch học, lịch thi, học bổng, các chế độ chính sách dành cho sinh viên. Do đó, trong các trường hợp đối diện với những thông tin sai lệch hoặc trái chiều, sinh viên có những ứng xử khác nhau. Theo dữ liệu khảo sát, đối với những sinh viên là cán bộ Đoàn – Hội hoặc là Đảng viên, họ tự tin trong việc xử lý các thông tin sai lệch, trái chiều gây ảnh hưởng đến tình hình xã hội trong sinh viên, hoặc của đơn vị. Các sinh viên nhóm này chủ yếu là sinh viên năm 3 trở lên, được tham gia học tập nhiều kỹ năng và kiến thức liên quan đến chọn lọc và xử lý thông tin, hoặc các bạn cũng thường xuyên được cập nhật các thông tin, chủ trương, đường lối của đơn vị để có cơ sở phản hồi. Tuy nhiên, đối với nhóm người học năm 1 và năm 2, nhiều sinh viên tỏ ra lo lắng và không đủ kỹ năng để tự chọn lọc, xử lý thông tin. Các sinh viên thường có hai phản ứng: (i) giữ im lặng hoặc không quan tâm đến các vấn đề dư luận đang xảy ra xung quanh; (ii) tham gia phản hồi đồng tình hoặc không đồng tình trên các kênh thông tin đăng tải tin tức.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, phức tạp, đặt ra nhiều cơ hội những cũng khó tránh khỏi những tác động từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc nhiều hơn với đời sống chính trị thế giới, từ đó giúp nâng cao nhận thức và trình độ. Tuy nhiên, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng làm du nhập những luồng chính trị ngoại lai không phù hợp với chế độ chính trị của Việt Nam. Bên cạnh đó, tác động của mặt trái kinh tế thị trường như tham nhũng, chạy chức, quyền trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo đã tác động tiêu cực đến nhận thức và hành động của sinh viên. Lợi dụng các yếu tố này, các thế lực thù địch đã triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, lôi kéo, làm một bộ phận sinh viên dao động, nhận thức sai lầm về chính trị, thậm chí mất phương hướng. Mặt khác, giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng đang làm nảy sinh trong sinh viên những nhu cầu, định hướng giá trị mới đòi hỏi phải có chính sách và giải pháp giáo dục phù hợp để sinh viên củng cố niềm tin và có nhận thức đúng đắn. Trước yêu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình hiện nay, từ kết quả khảo sát và quan sát thực tiễn công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên ĐHQG-HCM trong thời gian qua, có thể định hướng một số giải pháp trọng tâm của công tác này trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên

Với tư cách là đối tượng giáo dục, quá trình hình thành, phát triển ý thức chính trị của sinh viên trong các cơ sở giáo dục chịu sự tác động bao trùm của toàn bộ các hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường, được thể hiện trong toàn bộ đời sống học đường. Trong đó, chủ thể chính là sự lãnh đạo của Đảng ủy; thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy nhà trường về công tác giáo dục chính trị trong sinh viên là Phòng Công tác sinh viên, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị. Đây chính là các chủ thể trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và có vai trò quan trọng nhất trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên. Do vậy, các cấp ủy cần nhất quán mục tiêu: (i) giáo dục chính trị tư tương cho sinh viên cần thúc đẩy việc hiểu biết một cách đúng đắn, toàn diện và thực chất; (ii) phải coi công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng là một bộ phận không thể thiếu trong các tài liệu, giáo trình, các bài giảng lý luận chính trị trên giảng đường và các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên 7 ; (iii) Đảng ủy các cấp cần có định hướng, tập huấn, nâng cao phương pháp và kỹ năng cho các chủ thể đóng vai trò chính trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, đặc biệt là Phòng Công tác sinh viên, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên; (iv) quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, đội ngũ cố vấn học tập/ chủ nhiệm lớp, các báo cáo viên, tuyên truyền viên; (v) có cơ chế phối hợp với cơ quan làm công tác chính trị tư tưởng nhằm đảm bảo những hoạt động tổ chức mang tính thiết thực, hiệu quả 8 , đặc biệt là xây dựng và có biện pháp để nhân rộng, lan tỏa các mô hình giáo dục chính trị tư tưởng hay, hiệu quả trong sinh viên; (vi) phát huy vai trò của tổ chức trong việc giám sát, thực hiện và coi việc học tập lý luận chính trị, tu dưỡng đạo đức là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá sinh viên.

Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục các môn lý luận chính trị

Trong các cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ cán bộ giảng dạy các môn lý luận chính trị giữ vai trò trọng yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên. Nội dung giáo trình của các môn lý luận chính trị chính là thể hiện nội dung chủ yếu của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Thực tiễn thời gian qua, đội ngũ giảng dạy các môn lý luận chính trị trong hệ thống ĐHQG-HCM có nhiều đổi mới trong các tác giảng dạy; tuy nhiên, kết quả khảo sát định lượng cho thấy vẫn còn 11,7% sinh viên cho rằng phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó phương pháp truyền đạt của giảng viên đã gây nên sự không hứng thú trong sinh viên. Cùng với đội ngũ giáo viên, giáo trình và tài liệu liên quan đến lý luận chính trị trong các trường đại học thời gian qua mặc dù luôn có những thay đổi, cập nhật cho sát với thực tiễn, nhưng do thiếu tính hệ thống và tư duy khoa học và lại được biên soạn theo một chương trình khung và chuẩn quốc gia, nên vẫn còn bất cập. Kết quả khảo sát định lượng cho thấy 15,9% sinh viên cho rằng nội dung tài liệu các môn lý luận chính trị chưa sát với thực tế, chưa tạo được hứng thú cho người học; 11% sinh viên đánh giá nguồn tài liệu tuyên truyền chính trị chưa phong phú và khó tiếp cận. Cùng với sự phát triển của thời đại, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cũng cần phải có sự thay đổi và phát triển cho phù hợp với những thay đổi đó. Do vậy cần: (i) đổi mới giáo trình các môn lý luận chính trị, phải bảo đảm tính mở, thường xuyên bám sát sự phát triển của lý luận và thực tiễn của đất nước. Nội dung và phương pháp dạy của các môn này cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với thời đại ngày nay. Muốn vậy, dựa trên cơ sở chương trình khung, các trường có thể biên soạn giáo trình riêng cho từng khối ngành, chẳng hạn: khối khoa học tự nhiên và khối kỹ thuật; khối kinh tế – tài chính; khối khoa học xã hội và nhân văn...); (ii) tận dụng công nghệ để xây dựng bộ học liệu số liên quan đến lý luận chính trị (iii) cần tích hợp cả phương pháp giảng dạy truyền thống và các phương pháp giảng dạy mới, hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục sự trùng lắp, khép kín để môn học lý luận chính trị trở nên sinh động. Ở đó sinh viên được đối xử công bằng, được tôn trọng, được chấp nhận những mặt mạnh và cả những mặt yếu kém, được khơi mở tiềm năng, sáng tạo, được đưa ra những lập luận theo nhận thức của bản thân, từ đó giảng viên năm bắt và định hướng; (iv) tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) đang được triển khai ở ĐHQG-HCM trong việc giảng dạy các môn lý luận chính trị; (v) phải “xây dựng cho được đội ngũ giáo viên lý luận chính trị thật tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức về các môn học một cách sâu sắc, cập nhật, gắn với thực tiễn. Đây có thể coi là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong các nhà trường” 9 .

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng mà đặc biệt là Đoàn thành niên, Hội sinh viên, Phòng Công tác sinh viên và đội ngũ cố vấn học tập/ chủ nhiệm lớp

Công tác sinh viên nói chung, giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục nói riêng là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục thuộc ĐHQG-HCM dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, trong đó Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Phòng công tác chính trị sinh viên, đội ngũ cố vấn học tập/ chủ nhiệm lớp là những chủ thể đóng vai trò nòng cốt. Là tổ chức chính trị – xã hội, tập hợp lực lượng đông đảo các đoàn viên, sinh viên tham gia, các hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng và sâu rộng đến sinh viên. Do vậy, để thực hiện hiệu quả chức năng giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, tổ chức Đoàn – Hội cần: (i) cán bộ Đoàn – Hội chủ chốt nhất định phải là những người trình độ chuyên môn lý luận chính trị và thực tiễn, có kỹ năng, phương pháp truyền đạt, có uy tín, trách nhiệm và gương mẫu; (ii) tích cực tìm tòi các phương thức hoạt động thiết thực và có hiệu quả để lôi cuốn sinh viên tham gia thể hiện tài năng, có hướng phấn đấu và trưởng thành, góp phần nâng cao ý thức chính trị qua các hoạt động thực tiễn; (iii) khi thực hiện các phong trào, chiến dịch, cần có kế hoạch, xác định rõ mục đích, nguyên tắc tổ chức và nội dung nhằm đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả, hệ thống và sự tham gia. Để phát huy hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên qua các hoạt động của Đoàn – Hội trong các trường đại học, cần phải đảm bảo điều kiện: trước tiên là sự tham gia chỉ đạo, định hướng của Đảng ủy, Ban giám hiệu; sự tham gia của các phòng/ ban trong nhà trường như Phòng Công tác sinh viên, các khoa trong toàn trường; sự gương mẫu đi đầu của các cán bộ Đoàn – Hội chủ chốt, và sự tham gia của các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường. Cùng với tổ chức Đoàn – Hội, Phòng Công tác sinh viên chính là đơn vị giữ vai trò trực tiếp trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên. Do vậy, Phòng Công tác sinh viên và đội ngũ cố vấn học tập/ giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên tương tác để kịp thời nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng, nhận thức của sinh viên, để có những biện pháp hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, các hoạt động đầu khóa, mà cụ thể là tuần lễ sinh hoạt đầu khóa cho sinh viên thường do Phòng Công tác sinh viên tổ chức, được sinh viên đánh giá rất quan trọng, giúp sinh viên nâng cao nhận thức chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ và vận dụng các quy chế, quy định về đào tạo, rèn luyện của nhà trường. Do vậy, cần căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của đơn vị để tổ chức, đảm bảo triển khai hiệu quả và thuận lợi cho báo cáo viên, sinh viên. Cần tận dụng các nền tảng số để triển khai các hoạt động. Tiến hành ghi hình các buổi sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động để phục vụ tuyên truyền cho các khóa khác và trong suốt năm học. Trong quá trình thực hiện, cần phối hợp với tổ chức Đoàn – Hội để triển khai các nội dung liên quan.

Thứ tư, xây dựng môi trường học tập trong sạch, lành mạnh, phát huy vai trò nêu gương trong mọi lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao ý thức chính trị của sinh viên

C. Mác đã khẳng định: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy” [ 10 , tr.55], vì vậy, môi trường nhà trường, xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên. Môi trường học tập bao gồm môi trường vật chất và môi trường tinh thần. Việc xây dựng môi trường học tập trong sạch, lành mạnh sẽ góp phần định hướng sinh viên đến những giá trị tốt đẹp, tạo động lực cho sinh viên trải nghiệp, lĩnh hội; giúp sinh viên cảm thấy an toàn, tự tin thể hiện thái độ, hành vi... góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi cuộc cách mạng công nghiệp đang tác động trực tiếp, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, hàm chứa những thuận lợi và cả những khó khăn thách thức. Để xây dựng môi trường học tập lành mạnh, trong sạch, cần phát huy tinh thần đoàn kết, tính dân chủ trong toàn trường; mỗi cán bộ, Đảng viên, thầy cô cần phát huy vai trò nêu gương trên mọi lĩnh vực, với tinh thần “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Bởi lẽ “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” xây dựng nội quy, quy định của nhà trường một cách cụ thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu và lợi ích hợp pháp của sinh viên; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên. Từ đó, sinh viên tiếp nhận một cách trực tiếp các tác động tích cực, nâng cao nhận thức chính trị, tình cảm, niềm tin chính trị và ý chí quyết tâm.

Thứ năm, xây dựng lực lượng nòng cốt, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập và rèn luyện

Sinh viên là lớp người rất năng động, tích cực và thường khá nhạy bén trong việc tiếp thu các thông tin, những luồng tư tưởng mới trong xã hội. Tuy nhiên, khả năng phân tích và chọn lọc thông tin của sinh viên có những hạn chế do giới hạn về kinh nghiệm sống và trình độ nhận thức. Do đó, sinh viên thường là đối tượng mà các thế lực thù địch hướng tới khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Thực tiễn trong những năm qua, những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên hướng đến sinh viên là: lấy sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu làm cái cớ để xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; “bôi nhọ”, “hạ bệ” các đồng chí lãnh đạo của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước; thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản hiện đại, tuyên truyền, cổ xúy lối sống phương Tây với những biểu hiện thực dụng, coi trọng giá trị vật chất, lối sống cá nhân, vị kỷ... 11 . Do vậy, việc xây dựng lực lượng nòng cốt trong sinh viên là rất quan trọng, để trực tiếp làm công tác tư tưởng cho các sinh viên khác, từ đó tạo ra sức đề kháng mạnh giúp sinh viên đủ sức “miễn dịch” trước âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, mỗi sinh viên cũng phải nỗ lực học tập và rèn luyện, trước tiên là phải khắc phục triệt để tình trạng lười học lý luận chính trị, tích cực tham gia vào các chương trình do Nhà trường và các hoạt động do các phòng/ ban, các tổ chức chính trị – xã hội trong trường tổ chức để rèn luyện, trang bị cho mình nền tảng lý luận vững chắc. Đồng thời, bản thân mỗi sinh viên phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo trước những chiêu bài mua chuộc của các thế lực thù địch; có trách nhiệm khi tham gia các trang mạng xã hội, không bình luận, chia sẻ những bài viết có nội dung bôi nhọ, hạ bệ danh dự của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Sinh viên nói chung, sinh viên ĐHQG-HCM nói riêng là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng, là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì vậy, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho đối tượng này là rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đến sự thành công của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay. Với những định hướng trọng tâm trên, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị ĐHQG-HCM, chúng ta tin tưởng rằng trong giai đoạn mới, công tác này sẽ được nâng cao, đi vào thực chất hơn nữa, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng mẫu hình sinh viên ĐHQG-HCM theo định hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

KẾT LUẬN

Để hình thành nên những thế hệ sinh viên có phẩm chất chính trị tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lý tưởng cách mạng trong sáng, có phẩm chất đạo đức tốt và tri thức khoa học để gánh vác những nhiệm vụ lớn lao trong bối cảnh đất nước ta đang có nhiều thuận lợi nhưng cũng ẩn chứa những khó khăn, thách thức, việc đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên càng có tính cấp thiết, quan trọng, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy Đảng ủy và các cơ sở giáo dục trong hệ thống ĐHQG-HCM luôn xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên là một trong những trụ cột quan trọng trong công tác giáo dục của nhà trường và mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, luôn nhất quán trong chỉ đạo, chủ động hoạch định, xây dựng, triển khai nhiều phương thức để nâng cao chất lượng của công tác này. Trong thực tiễn, các hình thức giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên ĐHQG-HCM thời gian qua đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và đi vào chiều sâu, vì thế đã từng bước khơi dậy khát vọng cống hiến trong sinh viên. Tuy nhiên, công tác này bên cạnh những thành tựu đạt được còn nhiều hạn chế, bất cập ở một số mặt, như: đội ngũ cán bộ chuyên trách còn yếu về chuyên môn và thiếu về số lượng; nội dung, biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng nhiều lúc, nhiều nơi còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu và chưa thực sự gắn kết với những chuyển biến của xã hội và các hoạt động thực tiễn của sinh viên. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận cán bộ, Đảng viên, giảng viên và sinh viên ĐHQG-HCM chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác này. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, vừa tạo ra nhiều cơ hội mới, vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với sinh viên cả về bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn. Do đó, cần nhận định, phân tích, đánh giá những thành tựu và hạn chế liên quan đến công tác này trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, từ đó đề xuất những nhóm giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trong thời gian tới là việc làm quan trọng và mang tính cấp thiết.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số ĐH 2022-18b-01 do Ngô Thị Phương Lan (Chủ nhiệm): “Đổi mới công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học: nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh”.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ chí Minh

TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

CLB: Câu lạc bộ

NXB: Nhà xuất bản

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của tác giả. Những dữ liệu và kết quả nghiên cứu được rút ra trong khuân khổ đề tài mã số ĐH 2022-18b-01.

References

  1. Nguyễn Tiến Dũng. Vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với sinh viên Việt Nam hiện nay. Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 5/2022, tr.69. . ;:. Google Scholar
  2. ĐHQG-HCM. Báo cáo thường niên năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/8/2023. . ;:. Google Scholar
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Hà Nội: Văn phòng Trung ương Đảng; 2016. . ;:. Google Scholar
  4. Đảng ủy ĐHQG-HCM. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQG-HCM lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Tp.HCM ngày 25/8/2020, tr.4. . ;:. Google Scholar
  5. Ngô Thị Phương Lan (cn). Đổi mới công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học: nghiên cứu trường hợp ĐHQG-HCM. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQG-HCM, Mã số ĐH 2022-18b-01. . ;:. Google Scholar
  6. Lương Khắc Hiếu. Thực trạng và kinh nghiệm giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông, ngày 12/7/2023. . ;:. Google Scholar
  7. Nguyễn Văn Việt. Giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Xây dựng Đảng, ngày 31/10/2021. . ;:. Google Scholar
  8. Nguyễn Văn Ký. Nâng cao ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay. Tạp chí Cộng sản, ngày 11/6/2023. . ;:. Google Scholar
  9. Ban Chấp hành Trung ương. Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014, của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hà nội ngày 28/3/2014. . ;:. Google Scholar
  10. C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 3. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia; 1995, tr.55. . ;:. Google Scholar
  11. Hà Thị Bích Thủy. Đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong sinh viên hiện nay. Tạp chí Điện tử Lý luận Chính trị, ngày 24/2/2021. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 2 (2024)
Page No.: 2380-2396
Published: Jun 30, 2024
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i1.982

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ngo, L. (2024). The political ideology education for students at Viet Nam National University Ho Chi Minh City in the current context: Current situation and some key solutions. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(2), 2380-2396. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i1.982

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 543 times
PDF   = 192 times
XML   = 0 times
Total   = 192 times