VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

263

Total

165

Share

Rach Cat Fort in the French estuaries and coastal defense system in Cochinchine in the early 20th century: Historical value and potential for tourism development






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The article focuses on studying Rach Cat Fort – which is considered the largest French military fortress in Indochina in the French estuaries and coastal defense system in Cochinchine during the colonial period. Based on the research results, the article suggests some solutions to promote the value of Rach Cat Fort for tourism development. Based on primary and secondary data sources along with specialized research methods and other research manipulations, the research has clarified the strategy of French colony after occupying the entire Cochinchine province. Due to the fearness of the spreading risk of World War I and in order to protect Saigon – the capital of the six southern provinces of Cochinchine from the eyes of Western countries, the French chose Long Huu islet (Can Duoc district, Long An province) – a “special location” at the mouths of three great rivers to build a military fortress called Ouvrage du Rach Cat (Rach Cat Fort). Along with other defensive works in Cochinchine, Rach Cat fortress became an important link in the defense system along the coast and estuaries, helping the French control all navigation into Saigon and down to the South, West and part of Vung Tau sea area with long-range artillery. This would made contributions to controlling the maritime route from Saigon to other countries in the region. After nearly 120 years of existence, Rach Cat Fort is still quite intact, is a prime example of western garrison architecture and classified as a national relic with great potential for tourism development.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm 1900, Pháp đã củng cố các tuyến phòng thủ bờ biển phía Tây Nam của Pháp và thiết lập hệ thống phòng thủ bằng các pháo đài dọc biên giới Đức – Pháp. Tại Việt Nam, Pháp tiến hành củng cố hệ thống phòng thủ dựa trên các đồn bốt của nhà Nguyễn để lại, hiện đại hóa bằng các lô cốt, pháo đài với các loại súng hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ 1 để phục vụ cho các mục tiêu chính trị, quân sự. Song song với việc triển khai các công trình phòng thủ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, để bảo vệ Sài Gòn – thủ phủ của lục tỉnh Nam Kỳ trước sự dòm ngó của các cường quốc phương Tây (Đức, Áo, Hungary…) qua biển Đông, tràn vào tranh giành thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, trấn áp các phong trào đấu tranh của quân dân Việt Nam cũng như phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa,…, Pháp củng cố và xây dựng tuyến phòng thủ bờ biển và các cửa sông trải dài từ Vũng Tàu đến Cần Giờ (Sài Gòn) qua Cần Đước (Long An). Tại cù lao Long Hựu, Pháp thiết lập một Pháo đài quân sự phòng thủ ven biển kiên cố, được thiết kế theo kiến trúc đồn bốt quân sự Châu Âu, rất thuận tiện trong việc phòng thủ và tiến công, với tổng chi phí xây dựng khoảng 7 triệu Franc 2 , cao gấp khoảng 3,5 lần so với chi phí xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội cùng thời 3 . Nhìn trên bản đồ, dễ dàng nhận thấy vị trí “đắc địa” của đồn Rạch Cát án ngữ ngay cửa 3 con sông lớn (Cần Giuộc (Rạch Cát), Nhà Bè và Vàm Cỏ), thông với cửa biển Vàm Láng (tỉnh Tiền Giang). Xét về mặt quân sự lẫn kinh tế, khu vực này là nơi giao thương hàng hóa từ lục tỉnh miền Tây Nam Kỳ lên Sài Gòn - Chợ Lớn với các tỉnh khác ở miền Đông Nam Bộ và ngược lại. Vị trí này còn kiểm soát toàn bộ giao thông thủy vào Sài Gòn, xuống miền Tây và xa hơn nữa là một phần biển Vũng Tàu; đồng thời, đồn Rạch Cát án ngữ trên con đường thủy có thể lưu thông qua Lào, Campuchia, Thái Lan 4 . Mặc dù trong quá trình tồn tại, đồn Rạch Cát đã không phát huy tối đa vai trò như tính toán của Pháp, nhưng nơi đây vẫn là một địa bàn đóng quân chiến lược, một chốt chặn quan trọng trong hệ thống phòng thủ ven biển và các cửa sông của Pháp ở Nam Kỳ. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, hiện nay mặc dù có một số hạng mục trong đồn bị xuống cấp, hư hỏng (đặc biệt là các tầng ngầm), nhưng xét một cách tổng thể, đồn Rạch Cát hiện vẫn còn khá nguyên vẹn, có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.

NGUỒN TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu về hệ thống phòng thủ của Pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ thuộc địa nói chung, đồn Rạch Cát trong hệ thống phòng thủ ven biển và các cửa sông của Pháp ở Nam Kỳ nói riêng, theo chúng tôi biết, cho đến nay, chỉ có vài công trình có đề cập một cách khái quát, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi dựa vào các nguồn tư liệu chính sau: (1) Tài liệu lưu trữ của Pháp hiện đang lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, mô tả về chủ trương, quá trình xây dựng và chức năng của đồn Rạch Cát. Đây là nguồn tư liệu quan trọng, có nhiều thông tin liên quan đến nghiên cứu này; (2) Những công trình của các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài có liên quan; (3) Tài liệu khảo sát thực địa và phỏng vấn các nhân chứng, các nhà quản lý di tích đồn Rạch Cát của tác giả.

Thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic nhằm làm rõ những nhân tố tác động đến quá trình hình thành đồn Rạch Cát, chức năng và hoạt động của đồn Rạch Cát được đặt trong hệ thống phòng thủ ven biển và các cửa sông của Pháp ở Nam Kỳ trong suốt thời kỳ thuộc địa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng các thao tác nghiên cứu như: phân tích, so sánh, đối chiếu,… để có thể nhận thức và đánh giá vấn đề nghiên cứu một cách khoa học và khách quan hơn, đặc biệt là trong việc gợi mở một vài giải pháp phát huy giá trị di tích đồn Rạch Cát để phát triển du lịch.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Những nhân tố tác động đến sự ra đời của đồn Rạch Cát

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đã kéo theo các chuyến hải trình tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong các thế kỷ XV, XVI. Các cuộc phát kiến địa lý do hoàng gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bảo trợ một lần nữa khôi phục lại các tuyến đường hàng hải nối liền Đông – Tây. Các quốc gia phương Tây đã biến cơ hội này thành cuộc đua xâm lược thị trường Viễn Đông mà thành công nhất có lẽ là Hà Lan, Anh, Pháp, sau này có thêm Mỹ, Đức,... Quá trình này đã dẫn đến sự xuất hiện các thuộc địa của các quốc gia phương Tây ở khu vực châu Á, trong đó có Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Là quốc gia nằm ở rìa Đông bán đảo Đông Dương, ngã tư đường giao thoa các nền văn hóa lớn, một nhịp cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, Việt Nam sớm nằm trong mục tiêu của các nước thực dân phương Tây. Thực hiện thôn tính thuộc địa, từ cuối thế kỷ XVI, các quốc gia phương Tây (đặc biệt là Pháp) từng bước thiết lập sự hiện diện ở Việt Nam thông qua truyền giáo và thương mại. Sau một quá trình chuẩn bị, đầu tháng 9/1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha dùng chiến thuyền tấn công vịnh Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam, rồi sau đó là cả xứ Đông Dương [ 5 , tr.1826-1827]. Trước sự kháng cự của quân dân Việt Nam, kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp thất bại, phải chuyển sang “chiếc lược xâm chiếm từng phần” 6 . Phải mất gần 40 năm người Pháp mới có thể ổn định tình hình, bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa.

Sau khi bình định được Nam Kỳ, Pháp đã tổ chức các chuyến thám hiểm ngược dòng Mekong để tìm đường sang Trung Quốc [ 7 , tr.76-78]. Có thể thấy việc tìm kiếm thị trường, nhất là thâm nhập thị trường Trung Quốc là mục tiêu lớn nhất của Pháp. Trong quá trình chinh phục mục tiêu này, Đông Dương chính là bàn đạp cho cuộc xâm lược của Pháp. Tuy nhiên, cuộc đua chinh phục thuộc địa luôn tiềm ẩn những nguy cơ cho các nước phương Tây (trong đó có Pháp), bởi vì trong một bối cảnh rộng lớn của quá trình thực dân hóa ở Đông Nam Á, thời kì Pháp bắt đầu khai thác Đông Dương cũng là giai đoạn chứa đựng nhiều bất ổn do các cuộc cạnh tranh giữa các nước đế quốc Mỹ, Đức và Nhật Bản. Các quốc gia này nhờ đi sau, thừa hưởng các thành quả khoa học kỹ thuật mới nên đã nhanh chóng vươn lên thành các nước đế quốc mới 8 . Tiềm lực lớn nhưng lại ít thuộc địa, việc gây chiến tranh để tái cân bằng thị trường là khuynh hướng tất yếu, không thể tránh khỏi trong thời kì đế quốc chủ nghĩa 9 . Không những vậy, ở khu vực bán đảo Đông Dương, những tranh chấp giữa Xiêm (Thái Lan), Campuchia và Lào diễn ra thường xuyên, trong một thời gian dài. Năm 1778, Lào trở thành thuộc địa của Xiêm. Cuộc tranh chấp giữa Pháp và Xiêm về vấn đề Lào đã diễn ra từ năm 1885 và kết thúc bằng việc năm 1893 hai bên ký Hiệp ước, theo đó nước Lào bị chuyển nhượng từ phong kiến Xiêm sang thực dân Pháp [ 10 , tr.11]. Cũng trong khoảng thời gian này, những căng thẳng giữa Campuchia và Xiêm thường xuyên diễn ra, là nước bảo hộ Campuchia, Pháp phải ra mặt và nhiều lần dẫn đến xung đột với Xiêm 11 mà đỉnh cao của sự căng thẳng trong quan hệ Pháp – Xiêm là việc Pháp điều pháo hạm đến cửa sông Chao Phraya và đưa ra các yêu sách về lãnh thổ phía trái sông Mekong của Xiêm [ 12 , tr.178]. Những sự kiện này cho thấy tình trạng an ninh thuộc địa của Pháp ở Đông Dương luôn tiềm ẩn những nguy cơ nhất định. Đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ, đặc biệt là trong thời điểm tham vọng chiến tranh của thực dân, đế quốc và phát xít đang bùng lên, Pháp đã tính đến nhiều phương án nhằm củng cố quyền lực tại Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung. Do sớm nhận thức được vị trí chiến lược của Biển Đông đối với công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương và để phục vụ cho tham vọng từng bước mở rộng ảnh hưởng ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Pháp đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát Biển Đông, tiến hành chiếm đóng và thực thi quyền kiểm soát từ sớm đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều hoạt động trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, ngoại giao [ 5 , tr.1827]. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng hệ thống phòng thủ, thiết lập các chốt chặn ở ven biển và các cửa sông để ngăn các thế lực từ Biển Đông tràn vào tranh giành thuộc địa, cũng như các lực lượng từ bên ngoài theo đường thủy vào Việt Nam cũng được Pháp đặc biệt chú ý.

Nam Kỳ có địa thế đường bờ biển dài, nhiều sông và kênh rạch có thể len lỏi vào sâu trong nội địa. Trước khi người Pháp đến, Nam Kỳ là vùng đất có nền kinh tế hàng hóa phát triển (đặc biệt là nông nghiệp) với các trung tâm thương mại nổi tiếng như: Cù Lao phố, Mỹ tho Đại phố, Hà Tiên, Chợ Lớn [ 13 , tr.82], không chỉ kết nối trong vùng mà còn mở rộng kết nối với các nước trong khu vực và thế giới. Theo Li Tana, hàng năm có 300 chiếc thuyền từ Trung Quốc đến Sài Gòn trong những năm 1800 để mua bán [ 14 , tr.205]; còn theo ghi nhận của John Crawfurd, thương mại của Việt Nam và Singapore đạt 40.000 tấn/năm vào năm 1823 [ 15 , tr.142]. Nguồn lợi từ lúa gạo ở Nam Kỳ có sức hấp dẫn rất lớn và người Pháp đã rất mau lẹ trong việc nắm bắt ngành kinh tế quan trọng này. Bên cạnh đó, với tư duy “không có kênh giao thông dễ dàng thì không có thuộc địa hóa, vì an ninh đường sông đi đôi với giao thông” [ 16 , tr.88], tận dụng mạng lưới thủy nông đã có từ trước, năm 1867, sau khi chiếm được ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Pháp triển khai tiến hành đo đạc, nạo vét, đào mới hệ thống kênh, rạch vừa để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ cho mạng lưới giao thông đường thủy và quan trọng nhất vẫn là mục tiêu quân sự. Pháp đã huy động hàng trăm ngàn dân công người Việt nạo vét sông, đào kênh ở nhiều nơi; nhiều thiết bị hiện đại và các phương tiện vận tải thủy chạy bằng hơi nước có trọng tải lớn được đưa từ Pháp sang để phục vụ cho công việc này [ 17 , tr.6]. Các tư liệu của Pháp cho biết các kênh lớn ở Nam Kỳ thường được đào có độ sâu khoảng 2,5m và bề rộng mặt nước khoảng 40m, lượng đất, đá đào vét ở Nam Kỳ trong những năm 1913-1930 dao động từ 6 đến 10m 3 mỗi năm 18 . Theo Pouyanne, Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương, từ năm 1886 đến năm 1925, khối lượng đất đào ở Nam Kỳ đã vượt qua khối lượng đào của kênh Suez [ 7 , tr.12]. Việc đầu tư cho hệ thống thủy nông đã mang lại món lợi nhuận kếch xù cho tư bản Pháp mà kết quả cụ thể nhất là làm gia tăng diện tích trồng lúa và sản lượng xuất khẩu, thặng dư về vốn gấp ba lần chi phí bỏ ra, lợi tức hàng năm từ số diện tích tăng thêm lên đến 167% chi phí. Từ năm 1870, sản lượng lương thực lúa gạo của Nam Kỳ tăng liên tục, sản lượng năm 1895 tăng gấp đôi so với năm 1870 và đến năm 1915 tăng gấp 3,25 lần 7 . Cũng theo tác giả Pouyanne, hệ thống giao thông đường sông toàn tuyến ở Nam Kỳ là 2.000km và khoảng 1.800km tuyến kênh rạch [ 7 , tr. 93]. Đối với kênh đào mới, người Pháp đã thực hiện thêm hàng vạn km, đưa tổng số kênh đào ở Nam Kỳ từ 2.500km thời Nguyễn lên 5.000km thời thuộc Pháp… [ 19 , tr.219], điều này đã tạo ra một mạng lưới hết sức thuận lợi không chỉ phục vụ việc tưới, tiêu mà còn phục vụ cho việc vận chuyển các mặt hàng (chủ yếu là vận chuyển lúa) từ lục tỉnh Nam Kỳ lên Sài Gòn – Chợ Lớn để xuất khẩu, trung bình khoảng 20.000 tấn/năm [ 7 , tr.12]. Tầm quan trọng của hệ thống đường thủy như trên đã thôi thúc Pháp tăng cường thiết lập các chốt chặn phòng thủ nhằm kiểm soát tàu thuyền qua lại trên tuyến đường thủy này.

Cù lao Long Hựu (trước đây thuộc làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn, ngày nay thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), nằm ở cửa 3 con sông lớn, có vị trí địa – chính trị và địa – kinh tế đặc biệt quan trọng. Cù lao này là vùng đất tận cùng phía Đông của tỉnh Long An, nằm trên vùng hạ lưu sông Soài Rạp ra Biển Đông, với diện tích hơn 3.500ha, được bao bọc bởi sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ và kênh Nước Mặn. Về vị trí địa lý, cù lao Long Hựu phía Tây giáp xã Phước Đông; phía Bắc giáp huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; phía Nam giáp huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang (ngăn cách bởi sông Vàm Cỏ); phía Đông tiếp giáp với Rừng Sác thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh (qua sông Soài Rạp) [ 20 , tr. 121]. Khu vực này có thể kiểm soát hệ thống giao thông đường thủy và đường biển kết nối từ miền Tây đi lên Sài Gòn – Chợ Lớn rồi lan tỏa đi các tỉnh khác ở miền Đông Nam bộ và ngược lại. Đặc biệt tuyến đường thủy này có thể lưu thông qua Lào, Campuchia và Thái Lan [ 20 , tr.81]. Theo lập luận của những nhà quân sự Pháp thời bấy giờ, bất cứ thế lực nào muốn đánh chiếm Sài Gòn đều phải vào sông Soài Rạp [ 8 , tr.53], do đó, việc phòng thủ từ xa (ngoài cửa sông Soài Rạp) là biện pháp tối ưu, thay vì để đối phương có thể dễ dàng tiến sâu vào trong đất liền để tiếp cận Sài Gòn. Đó chính là những lý do Pháp chọn khu vực này và xây dựng ở đây một pháo đài quân sự vào loại lớn nhất Đông Dương thời kỳ bấy giờ và gọi đây là “hệ thống phòng thủ các con sông và Cap Saint-Jacques” 2 . Bắt đầu khởi công năm 1903, đến năm 1910, việc xây dựng đồn Rạch Cát về cơ bản hoàn thành 21 , Pháp nhanh chóng bố trí nhân, vật lực để biến nơi đây trở thành pháo đài quân sự quan trọng, giúp Pháp kiểm soát được các tuyến đường quân sự lẫn thương mại ở hạ lưu sông Mékong.

Đồn Rạch Cát – một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ ven biển và các cửa sông của Pháp ở Nam Kỳ thời thuộc địa

Nửa cuối thế kỷ XIX, cuộc chiến tranh giành thuộc địa ở các nước Đông Dương không chỉ có Pháp mà còn cả Anh, Đức, Nhật Bản... Vì vậy, sau khi chiếm được Nam Kỳ, Pháp thể hiện rõ âm mưu độc chiếm Đông Dương, đối với những kẻ thù tiềm năng như Anh, Đức, Áo,… Pháp nhận định nếu tàu chiến các nước này muốn sử dụng tuyến đường thủy từ Vũng Tàu tiến vào sông Soài Rạp để đánh chiếm Sài Gòn thì sẽ bị đánh chặn tại hai điểm Vũng Tàu và Rạch Cát. Do đó, khi xây dựng đồn Rạch Cát, Pháp đã chủ đích tạo ra một liên kết tam giác giữa ba địa điểm Sài Gòn – Rạch Cát – Vũng Tàu thông qua hệ thống điện đài, trong đó, đồn Rạch Cát chính là trung tâm của tam giác này 2 . Theo lập luận của Pháp, nếu như hệ thống địa pháo Núi Lớn, Núi Nhỏ và Cầu Đá ở Vũng Tàu có ý nghĩa về phòng thủ chiến lược ven biển 7 , ngăn chặn xâm nhập từ Biển Đông vào Sài Gòn theo cửa biển Cần Giờ, thì pháo đài Rạch Cát ở cù lao Long Hựu không chỉ có chức năng kiểm soát các cuộc tấn công từ xa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, đảm bảo an ninh đường thủy cho tuyến đường vận tải quan trọng từ Sài Gòn đi miền Tây Nam bộ và tuyến hàng hải từ Sài Gòn đi các nước trong khu vực [ 11 , tr.213]. Ở Đông Dương, đồn Rạch Cát nằm trong hệ thống công sự phòng thủ của Pháp nối liền bốn địa phương Phnom Penh – Sài Gòn – Rạch Cát – Vũng Tàu 7 . Dưới thời Pháp thuộc, phân khu quân sự Sài Gòn và Phnom Penh, Lữ đoàn 3 và phòng thủ Hạm đội Vũng Tàu thường do cùng một tướng người Pháp đứng đầu 22 .

Mang đặc điểm diện mạo của vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, được bao bọc bởi 3 con sông lớn và 12 con sông nội địa với chế độ thủy triều, cù lao Long Hựu là điểm thuận lợi để phát triển kinh tế, phòng thủ cũng như tấn công về mặt quân sự 23 . Ngoài ra, khu vực này còn có hương lộ 23 chạy dọc từ xã Phước Đông qua bến phà kênh Nước Mặn đến đồn Rạch Cát, thuận lợi về giao lưu kinh tế với các xã, huyện khác trong vùng qua các hệ thống giao thông chính là đường thủy và đường bộ. Kênh Nước Mặn được Pháp triển khai đào với chiều dài 1,9km mở ra một tuyến đường thủy nhanh chóng hơn: Sông Rạch Cát – Kênh Nước Mặn – Sông Vàm Cỏ – Sông Tra – Kênh Chợ Gạo – Sông Tiền. Do đó, cù lao Long Hựu trở thành một điểm thương mại thuận lợi cho tàu thuyền mua bán, trao đổi nông, thủy sản và lưu trú thời bấy giờ.

Bắt đầu khởi công từ năm 1903 và hoàn thành vào năm 1910, quá trình xây dựng đồn Rạch Cát gặp rất nhiều khó khăn từ việc vận chuyển vật liệu đến việc xử lý nền đất yếu, bởi vị trí xây dựng đồn lúc bấy giờ rất hoang vu, bao phủ bởi rừng ngập nước,… hàng trăm dân phu đã phải bỏ mạng vì bệnh tật do “rừng thiêng, nước độc” và công việc quá nặng nhọc 3 . Về tổng thể, tổng diện tích của đồn Rạch Cát (được cắm cột mốc ranh giới) là 22ha 2 , diện tích xây dựng với quy mô gần 30.000m 2 (chiều dài 300m, rộng 100m) với 5 tầng (2 tầng nổi, 3 tầng chìm trong lòng đất), được thiết kế theo hình vòng cung 2 và được bao bọc bằng hệ thống tường rào dày từ 60 đến 80cm, đủ chịu đựng sức tấn công của các loại vũ khí đương thời 21 . Cổng chính của đồn hình vòng cung, bên trên ghi dòng chữ “Ouvrage du Rach Cat 1910” 24 . Theo thông tin từ những người sống năm lâu ở Long Hựu và theo nguồn tư liệu của Pháp, trước đây, xung quanh đồn có hào nước cách ngăn (giống như nhiều lũy, thành khác ở Sài Gòn xưa), giúp tăng cường khả năng phòng thủ. Đồng thời, hai hàng lỗ châu mai được bố trí dày đặc xung quanh hệ thống tường bao bọc bên ngoài nhằm bẻ gãy các hướng tấn công từ trên bộ 24 , 2 .

Công sự pháo đài Rạch Cát gồm hai khối công trình: khối công sự lộ thiên (nổi) gồm 2 tầng và khối công sự ngầm gồm 3 tầng. Ở tầng cao nhất, có hai mâm pháo với đường kính 6m chứa 4 khẩu pháo lớn (loại 605mm) với tầm bắn trên 20km 21 ; hệ thống ụ pháo được đúc bằng sắt, thành dày 10cm 24 . Bên dưới mâm pháo là tầng thứ tư, được chia thành nhiều phòng hình cánh cung, là nơi tiếp tế vũ khí và cung cấp nguồn điện (chạy bằng máy phát) cho các tầng ngầm ở phía dưới và để vận hành hệ thống pháo 21 . Tầng thứ tư cũng có hai ụ pháo có thể xoay tròn, tăng khả năng sát thương cao 21 . Nhằm tăng thêm tính phòng thủ và bảo vệ pháo đài chính, ở vị trí đối diện với cổng pháo đài, một lô cốt bê tông cao 1,3m được bố trí nhiều súng máy 2 , cùng với đó là hệ thống bót gác, chòi canh bảo vệ vòng ngoài và hệ thống kho đạn, kho hậu cần, cầu cảng… đảm bảo hậu cần, kỹ thuật 4 . Để vào bên trong đồn, lính đồn trú phải đi qua một cầu bằng xi măng dài 17m rộng 2,5m bắc qua hệ thống hào 21 . Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ xã Long Hựu Đông cho biết: Trong những tầng hầm của đồn có lối thoát ra các cửa sông và được gắn bằng loại kiếng trong suốt để quan sát. Tuy nhiên, do thời gian, kiếng vỡ, nước, bùn tràn vào nên khu vực phía dưới (hai tầng hầm dưới cùng – Tác giả) hiện nay không thể ra vào được 24 .

Điểm quan trọng nhất của đồn Rạch Cát là dàn đại bác ở hai đầu pháo đài thuộc vào loại hiện đại nhất lúc bấy giờ, trọng lượng mỗi khẩu nặng 140 tấn, đường kính nòng pháo lên đến 240mm, đạn chuyên dụng cho loại pháo này nặng 162kg 25 , với tầm bắn cực đại là 22,7km, được đặt trên tháp pháo bằng thép dày với thiết kế có thể xoay một góc 360 độ, tăng khả năng cơ động khi tác chiến 21 . Với hỏa lực mạnh từ các khẩu pháo tầm xa và hệ thống đài quan sát được bố trí xung quanh, pháo đài Rạch Cát có thể kiểm soát cả vùng cửa biển, tới tận Vũng Tàu, khống chế cả khu vực Cần Giuộc, Gò Công, Cần Giờ (Sài Gòn) 4 . Đặc biệt, để thuận lợi liên kết và tiếp tế cho các công trình công sự phòng thủ khác ở Nam Kỳ, Pháp còn thiết kế và xây dựng tại đây một cầu tàu khá lớn, với chiều dài hơn 50m, chiều rộng 2,4m 26 . Đây không chỉ là bến đỗ cho các tàu quân sự, mà còn là trạm tiếp nhận đạn dược, vũ khí cho đồn và tiếp tế cho các địa phương khác.

Song song với việc xây đồn, Pháp đã triển khai dự án và tiến hành thành lập các trường bắn tại các công sự ở đồn Rạch Cát và ở Sài Gòn. Ngày 20/10/1908, Pháp phê chuẩn dự thảo điều lệ về trường bắn Rạch Cát và đến năm 1911, tháp pháo được thiết lập để thực hiện công việc này 27 . Năm 1914, Thống đốc Nam Kỳ đồng ý thông qua Dự thảo chế độ trường bắn chuyên để bắn thử và bắn đại bác 95 mm định kỳ ở các công sự Sài Gòn và Rạch Cát. Trong thời gian này, hoạt động bắn thử tại Rạch Cát diễn ra thường xuyên do các địa phương Hanh Thông Xã, Tân Sơn Nhất, Tây Ninh, Bình Thới, Phú Lâm, Rạch Cát,... thực hiện 28 . Theo đó, đối với những khẩu ở phía bắc công sự thì về hướng phía Đông Bắc; đối với những khẩu ở phía nam công sự thì về hướng Nam 29 .

Đồn Rạch Cát là một chốt chặn quan trọng trong hệ thống phòng thủ ven biển và các cửa sông của Pháp ở Nam Kỳ trong việc ứng phó với các nước phương Tây nếu chiến tranh thế giới lan tới Đông Dương, đồng thời có ý nghĩa rất lớn đối với Pháp trong việc bảo vệ, kiểm soát tuyến đường thủy từ lục tỉnh Nam Kỳ lên Sài Gòn và tuyến hàng hải từ Sài Gòn đi các nước trong khu vực và ngược lại. Tuy nhiên, những dự định về việc “đón đầu” Chiến tranh thế giới I của Pháp đã không trở thành hiện thực. Trong thực tế, mặc dù Chiến tranh thế giới I đã nổ ra (năm 1914) nhưng Đông Dương không là chiến trường chính, do đó lượng vũ khí hiện đại nhất thời bấy giờ được trang bị tại đồn Rạch Cát trở nên dư thừa so với nhu cầu phòng thủ, Pháp quyết định rút bớt quân lính cùng một số khẩu pháo 605mm để chi viện cho địa phương khác 21 . Lực lượng đóng trú tại đồn Rạch Cát lúc này chỉ còn khoảng 15 người (gồm lính người Việt, người Campuchia) dưới sự chỉ huy của một viên tướng người Pháp 24 , 30 .

Từ năm 1930, tình hình thế giới và Việt Nam có nhiều biến đổi, Nhật lộ rõ âm mưu xâm chiếm Đông Dương, trong khi ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam phát triển mạnh, làm cho Pháp gặp nhiều khó khăn. Trong những năm 1939-1945, chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương đứng trước hai thách thức lớn: nguy cơ Nhật chiếm đóng Đông Dương và phong trào cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Ứng phó với những thay đổi trên, Pháp tăng cường công tác bố phòng cho đồn Rạch Cát, xây thêm hai mâm pháo ở phía hai bên đồn để đặt hai khẩu pháo bán tự động 138mm, mỗi khẩu nặng 5,5 tấn với tốc độ bắn khoảng 18km và 7 khẩu pháo 75mm; đồng thời, xây thêm dãy hồ chứa nước, cất thêm nhà ở bên ngoài… 31 biến đồn Rạch Cát thành nơi biểu dương sức mạnh của chính quyền thuộc địa Pháp, là nơi tập trung lực lượng để đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là chuẩn bị đối phó khi Nhật nhảy vào Đông Dương.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp và tiếp quản đồn Rạch Cát, sau đó cho dỡ bỏ và trở đi 7 khẩu súng 75 mm và một số vũ khí, đạm dược khác 3 . Ngày 24/8/1945, khởi nghĩa ở Cần Đước giành thắng lợi, lực lượng thanh niên Tiền phong xã Long Hựu chiếm đồn. Với mục đích biến đồn Rạch Cát thành một căn cứ cách mạng, hai trung đội chính quy của Việt Nam được cử đến giữ đồn, vừa làm nhiệm vụ kiểm soát vũ khí, vừa kiểm soát tàu bè qua lại, góp phần phòng thủ và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa được thành lập [23]. Ngày 23/9/1945, được quân Anh và Nhật yểm trợ, Pháp nổ súng tái chiếm Sài Gòn, sau đó mở rộng lấn chiếm ra các tỉnh Nam bộ. Tháng 11/1945, Pháp tái chiếm đồn Rạch Cát và tăng cường vũ khí, binh lính đồn trú tại đây lên đến gần 50 người (gồm một đội lính Pháp, một trung đội lính người Việt và quân đánh thuê, cùng với 4 chỉ huy người Pháp với những mật danh Sectiecvr (Phú Lâm), Quotiver (Sài Rạp), Soquourtier (Cần Đước), Quertur (Cần Giuộc) 32 . Đồng thời, Pháp cho xây thêm doanh trại và sửa chữa khu nhà sàn để làm nơi cư trú cho binh lính cùng vợ con của họ 25 .

Sau năm 1947, đồn Rạch Cát vừa thực hiện chức năng pháo đài quân sự của Pháp vừa là nhà tù, giam giữ những chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Pháp cho tàu chở đi toàn bộ máy móc trong hai ụ súng và phá đường ray xe gòong từ cầu tàu vào đồn 3 . Năm 1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève, Mỹ thay chân Pháp chiếm đóng miền Nam Việt Nam. Dưới sự kiểm soát của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ thành lập ở miền Nam Việt Nam, đồn Rạch Cát không được đầu tư nhiều như thời Pháp nhưng vẫn là căn cứ quân sự quan trọng, là nơi tranh giành quyết liệt giữa lực lượng cách mạng Việt Nam với Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày 30/4/1975, Việt Nam hoàn toàn giải phóng, các lực lượng quân sự của Việt Nam tiếp quản và sử dụng đồn Rạch Cát là nơi đóng quân cho đến ngày nay.

THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu đã đóng góp thêm một mảng tư liệu quan trọng liên quan đến đồn Rạch Cát trong hệ thống phòng thủ Nam Kỳ của Pháp thời kỳ thuộc địa, cũng như cho thấy những giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật kiến trúc của di tích đồn Rạch Cát ngày nay có thể khai thác để phát triển du lịch. Trên cơ sở nội dung nghiên cứu mà bài viết đã giải quyết, chúng tôi cho rằng sau khi chiếm trọn Nam Kỳ, lo sợ nguy cơ thế chiến thứ nhất nổ ra và lan rộng, để bảo vệ Sài Gòn – thủ phủ của Nam Kỳ, Pháp rất chú trọng và triển khai xây dựng các công trình phòng thủ ở ven biển và các cửa sông để phục vụ cho mục tiêu chính trị và mục tiêu kinh tế của Pháp. Trong bối cảnh đó, đồn Rạch Cát ra đời và trở thành một căn cứ quân sự hết sức trọng yếu, một pháo đài kiên cố và hiện đại nhất Đông Dương những năm đầu thế kỷ XX. Tại đây, Pháp đã triển khai hệ thống phòng thủ, đặt tầm ngắm để bảo vệ những vùng xung quanh, tiến hành các hoạt động quân sự đi kèm với bắt bớ những người dân vào phục dịch trong đồn. Là một điển hình về kiến trúc đồn lũy Phương tây, đồn Rạch Cát được xây dựng như một hệ thống giao thông liên hoàn, tạo được thế chủ động trong việc tấn công và rút lui khi chiến sự xảy ra, đồng thời rất thuận lợi trong việc chi viện, hỗ trợ tối đa cho các khu vực xung quanh. Trên bình diện cả Nam bộ, đây là một trong số ít công trình quân sự với quy mô đồ sộ còn tồn tại khá nguyên vẹn cho đến hiện nay về quy mô và tính chất phòng thủ đường thủy với hệ thống lô cốt, pháo, cầu tàu... Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Thanh, cán bộ Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Long An, đồn Rạch Cát với tuổi đời hơn 100 năm, có giá trị rất lớn về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, có tiềm năng thế mạnh về địa hình, cảnh quan khu vực xung quang phù hợp cho việc khai thác, phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch về nguồn, kết hợp với du lịch sinh thái. Toàn miền Nam không có pháo đài nào sánh được với đồn Rạch Cát về mức độ hoành tráng, cổ xưa và thơ mộng 24 .

Đồn Rạch Cát đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia và trong thực tế, việc khai thác, phát huy giá trị của di tích này để phát triển du lịch đã và đang được chính quyền địa phương đầu tư, thực hiện. Tuy nhiên, theo tìm hiểu và quan sát thực tế của chúng tôi, việc đầu tư và khai thác chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, mức độ hợp tác của cộng đồng, vai trò của địa phương trong quản lý, phối hợp giữa các cơ quan ban ngành chưa được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, di tích Đồn Rạch Cát hiện nay thuộc quyền quản lý của lực lượng quân sự, nên đã và đang gây nhiều khó khăn trong việc phát huy giá trị của di tích này để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các dự án phát triển khu du lịch sinh thái kết hợp với du lịch nhân văn ở đồn Rạch Cát do Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Long An đảm nhận vẫn còn chậm trễ do chưa kêu gọi được đầu tư. Một điểm hạn chế nữa là do cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch (kết nối giữa di tích đồn Rạch Cát với các khu vực khác) còn nhiều khó khăn; tình trạng thiếu nguồn nước phục vụ dân sinh vẫn còn tiếp diễn sẽ là một thách thức nghiêm trọng trong quá trình phát triển du lịch lâu dài và căn cơ của cù lao Long Hựu (trong đó có di tích đồn Rạch Cát). Để phát huy giá trị của đồn Rạch Cát trong tổng thể ngành du lịch của tỉnh Long An nói chung, huyện Cần Đước nói riêng, theo chúng tôi cần thực hiện một số biện pháp sau: (1) cần có chính sách đồng bộ để bảo tồn, phát huy giá trị di tích đồn Rạch Cát; (2) xã hội hóa việc khai thác di tích đồn Rạch Cát; (3) có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành để xác định phạm vi và trách nhiệm của từng ngành trong việc chung tay xây dựng và phát huy giá trị di tích đồn Rạch Cát; (4) tận dụng hơn nữa thế mạnh công nghệ thông tin (4.0) để quảng bá di tích đồn Rạch Cát; (5) cần gắn di tích đồn Rạch Cát trong quy hoạch phát triển bền vững hệ sinh thái xung quanh để phát triển du lịch.

KẾT LUẬN

Mục đích của Pháp khi xây dựng đồn Rạch Cát nhằm hướng đến mục tiêu chính là phục vụ cho mục đích quân sự. Mặc dù trong quá trình tồn tại, đồn Rạch Cát không phát huy tối đa vai trò như Pháp đã để ra, nhưng nơi đây vẫn là một địa bàn đóng quân chiến lược của Pháp. Từ chức năng là pháo đài quân sự trong hệ thống phòng thủ ven biển và các cửa sông của Pháp ở Nam Kỳ nhằm bảo vệ tuyến đường huyết mạch vào Sài Gòn – thủ phủ của Nam Kỳ từ biển, bảo vệ vùng đất Nam Kỳ giàu tiềm năng kinh tế… trong thời kỳ thuộc địa, ngày nay, di tích đồn Rạch Cát đang thực hiện một chức năng mới phục vụ việc giáo dục truyền thống, nhu cầu tham quan du lịch góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Cần Đước nói chung, Long Hựu nói riêng ngày nay được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, ngoài 2 di tích quốc gia đồn Rạch Cát và Nhà 100 cột, nơi đây còn có một số cơ sở thờ tự cộng đồng; có lối đi Rừng Sác, Cần Giờ, ra biển Gò Công (qua sông Vàm Cỏ), và có đường ra biển Đông (qua cửa sông Soài Rạp); lại có kênh Nước Mặn là điểm nối các tỉnh miền Tây với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, nếu đi bằng đường bộ chỉ mất khoảng hơn 1 giờ là đến được khu vực này; nếu đi theo đường sông Soài Rạp lên phía bắc, qua bên kia cửa sông Rạch Cát là cảng quốc tế Long An; theo sông Soài Rạp xuống phía nam, qua bên kia cửa sông Vàm Cỏ là đất Gò Công; đối diện phía bờ bên sông Soài Rạp là Cần Giờ, dễ dàng kết nối với khu du lịch Rừng Sác và trận địa pháo Vũng Tàu 1 . Với vị trí “đặc địa” và ý nghĩa lịch sử to lớn của di tích đồn Rạch Cát, cùng cảnh quan thiên nhiên rừng ngập mặn xung quanh và hệ thống kênh rạch lý thú, nơi này đã được chính quyền địa phương quy hoạch thành khu du lịch sinh thái và nếu được khai thác một cách hợp lý sẽ trở thành một tiểu khu du lịch đặc biệt nằm trong hệ thống giao thông đường thủy Đông – Tây Nam bộ của Việt Nam.

LỜI CÁM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số B2022-18b-03.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐHQG: Đại học Quốc gia

TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

NXB: Nhà xuất bản

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của riêng tác giả. Kết quả nghiên cứu được rút ra trong khuôn khổ đề tài mã số B2022-18b-03 do tác giả làm chủ nhiệm.

References

  1. Lâm S. Bên trong đồn Rạch Cát - pháo đài lớn nhất Đông Dương [online]. . ;:. Google Scholar
  2. Hồ sơ về quá trình xây dựng và vận hành đồn Rạch Cát (tài liệu tiếng Pháp). Hồ sơ số RC21, phông Thống đốc Nam Kỳ. Truing Tâm Lưu Trữ Quốc Ii. 1916. . ;:. Google Scholar
  3. Minh V. Di tích lịch sử, văn hóa đồn Rạch Cát [online]. [ngày 4/4/2021]. . ;:. Google Scholar
  4. Dũng T. Trăm năm - Đồn Rạch Cát [online]. [ngày 7/10/2018]. . ;:. Google Scholar
  5. Quyết LV, Nguyệt NTÁ. Một số hoạt động của chính quyền thuộc địa Pháp trong việc quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1884-1945. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Khoa học Xã hội và Nhân văn.. 2022;6(4):1826-38. . ;:. Google Scholar
  6. Kiệm NV. Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam. Hà Nội Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin. 2003. . ;:. Google Scholar
  7. Pouyanne AA. Các công trình giao thông công chính Đông Dương. Hà Nội Nhà Xuất Bản Giao Thông Vận Tải. 1994. . ;:. Google Scholar
  8. Khoang P. Vietnamese history in Cochinchine. Hanoi: Literature Publishing House; 1969. . ;:. Google Scholar
  9. Dillon M. China a modern history. London: I.B.Tauris Publishers; 2012. . ;:. Google Scholar
  10. Đỗ Thanh Bình, Nghiêm Thị Hải Yến. Về quá trình xâm lược, cai trị của thực dân Pháp ở nước Lào. 1885-1945. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á;2/2005:11-7. . ;:. Google Scholar
  11. Devillers P. Người Pháp và người an Nam bạn hay thù? Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp; 2006. . ;:. Google Scholar
  12. Tận NV. Nhìn lại chính sách ngoại giao "đổi đất lấy hoà bình" của Xiêm trong quan hệ với Anh, Pháp từ nửa sau những năm 50 của thế kỷ XIX cho đến những năm đầu của thế kỷ XX. Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, số. 2010;60:175-80. . ;:. Google Scholar
  13. Van Quyet L, Van Sen V. The role of the hoa people in the Southern Vietnam economy during the discovery period (from the seventeenth century to the first half of the nineteenth century). Comparative studies of Greater China, Incheon National University, Korea. 2023;1(4):77-113. . ;:. Google Scholar
  14. Tana L. Rice trade in the 18th- and 19th-century Mekong Delta and its implications. An International Seminar on Thailand and her neighbors. Vol. II: Laos. Vietnam and Cambodia. Bangkok; 1994. . ;:. Google Scholar
  15. Tana L. Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XIX: Quan hệ với Singapore. Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học quốc tế lần thứ nhất; 1998. . ;:. Google Scholar
  16. Khánh P. Đồng bằng Sông cửu Long lịch sử và lũ lụt. TP.HCM: Nhà xuất bản Nông nghiệp; 2001. . ;:. Google Scholar
  17. Oanh NM, Tâm BTH. Hệ thống giao thông ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1860 - 1945). Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 2015;10(76):5-15. . ;:. Google Scholar
  18. Báo cáo số 1151/UB ngày 18 tháng 6 năm 1930 về tình hình đào vét kênh rạch ở Nam Kỳ (tài liệu tiếng Pháp). Hồ sơ SG-1154, phông Thống đốc Nam Kỳ. Truing Tâm Lưu Trữ Quốc Ii. 1930. . ;:. Google Scholar
  19. Lê Quốc Sử. Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia; 1994. . ;:. Google Scholar
  20. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cần Đước. Cần Đước đất và người. Long An: sở Văn hóa Thông tin xuất bản; 1988. . ;:. Google Scholar
  21. Sở Văn hóa và Thông tin Long An. Lý lịch đồn Rạch Cát. Long An: sở Văn hóa Thông tin xuất bản; 2000. . ;:. Google Scholar
  22. Minh H. Gò Công xưa. Hà Nội Nhà Xuất Bản Thanh Niên. 2003. . ;:. Google Scholar
  23. Hồ Sơn Đài. Mấy đặc điểm về tổ chức chiến trường ở Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong: đại thắng mùa xuân 1975 - bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Hà Nội Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân. 2005. . ;:. Google Scholar
  24. Tài liệu khảo sát thực địa, phỏng vấn các nhân chứng và cán bộ một số sở, ban. ngành của tỉnh Long An và cán bộ quản lý di tích đồn Rạch Cát của tác giả. . ;:. Google Scholar
  25. Đảng bộ huyện Cần Đước. Cần Đước Từ Khi Có Đảng. 1930-1945. Long An: Sở Văn hóa Thông tin xuất bản;2005. . ;:. Google Scholar
  26. Nghị Định của Thống đốc Nam Kỳ, ngày 13 tháng 2 năm 1911 (tài liệu tiếng Pháp). Hồ sơ số NĐ/319, phông Thống đốc Nam Kỳ. Truing Tâm Lưu Trữ Quốc Ii. 1991. . ;:. Google Scholar
  27. Nam TĐ Kỳ. Quyết định của Tổng đốc Nam Kỳ, ngày 20 tháng 4 năm. Hồ sơ số QĐ/521-NK, phông Thống đốc Nam Kỳ. Truing Tâm Lưu Trữ Quốc Ii. 1914 (tài liệu tiếng Pháp);1914. . ;:. Google Scholar
  28. Dự thảo chế độ trường bắn chuyên để bắn thử và bắn đại bác 95 định kỳ ở các công sự Sài Gòn và Rạch Cát, ngày 8 tháng 6 năm 1914 (tài liệu tiếng Pháp). Hồ sơ số DT/645-NK, phông Thống đốc Nam Kỳ. Truing Tâm Lưu Trữ Quốc Ii. 1914. . ;:. Google Scholar
  29. Hồ Sơn Đài (cb). Lịch sử vũ trang nhân dân tỉnh Long An. Hà Nội Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân. 2010. . ;:. Google Scholar
  30. Phương T, Tuyến LQ. Địa chí Long An. Hà Nội Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. 1989. . ;:. Google Scholar
  31. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Long Hựu. Lịch sử truyền thống xã Long Hựu. Long An: sở Văn hóa Thông tin xuất bản; 2007. . ;:. Google Scholar
  32. Sở Văn hóa Thông tin Long An. Bước đầu tìm hiểu đồn Rạch Cát (Bản viết tay). Lưu tại Bảo tàng tỉnh Long An; 1978. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 3 (2023)
Page No.: 2171-2178
Published: Sep 30, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.881

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Quyet, L. (2023). Rach Cat Fort in the French estuaries and coastal defense system in Cochinchine in the early 20th century: Historical value and potential for tourism development. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(3), 2171-2178. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.881

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 263 times
PDF   = 165 times
XML   = 0 times
Total   = 165 times