VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

423

Total

217

Share

The French colonial government's activities in managing and exploitating the Paracel Islands archipelago in the period of 1884-1945






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

After signing the Treaty of Patenôtre with the Hue court in 1884, France established a nation-wide colonial regime in Vietnam, allowing France diplomatically represent Vietnam in international relations and ensure sovereignty and territorial integrity of Vietnam as a protectorate. The paper aims to to clarify the activities of the French colonial government affirming, exercising and protecting sovereignty over the Paracel Islands before the Japanese coup d'etat (from 1884 to 1945). The study of this paper bases on fruitful sources to examine the hypothesis that during the colonial administration of Vietnam, the French never denounced the claims of sovereignty of Annam over the Paracel Islands. Although in the early stages, the local colonial administration did not fully understand the problems of Annam and for the sake of France, the administration were not really active in protecting sovereignty in the Paracels. However, after China and Japan took unreasonable actions to claim sovereignty over a number of islands in the Paracels, the French strongly protested and intensified their activities in the fields of politics, economics, science - technology, military, diplomatic and frequently consolidated management role over the archipelago. The activities of the French colonial government in the Paracels continuously and systematically. Overall, those activities were aimed to protect France's interests as much as possible; However, objectively, it has contributed significantly to maintaining, developing and organizing the enforcement of Vietnam's sovereignty over the sea and islands.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Quần đảo Hoàng Sa nằm ở khu vực Bắc Biển Đông, từ khoảng 15 0 45’ đến 17 0 15’ vĩ Bắc, 111 0 đến 113 0 kinh Đông, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý. Đây là một quần thể san hô, gồm khoảng 37 đảo, đá và bãi cát nửa nổi nửa chìm… được chia thành hai nhóm đảo, nhóm đảo phía Đông (nhóm An Vĩnh) và nhóm đảo phía Tây (nhóm Lưỡi Liềm). Quần đảo Hoàng Sa trên các hải đồ quốc tế được các nước phương Tây gọi là Paracel Islands hay Paracels nằm ngoài khơi Biển Đông – vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới, thuộc sự quản lý của các triều đại phong kiến Việt Nam ít nhất kể từ thế kỷ XVII và tiếp tục được củng cố, duy trì trong hai thế kỷ trước khi người Pháp đến [ 1 , tr.185]. Với tư cách là một quốc gia có chủ quyền đích thực đối với quần đảo này, hoạt động quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa dưới các triều đại phong kiến Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức cứu hộ, tuần tra, bảo vệ,... Năm 1884, triều đình Huế (triều Nguyễn) ký Hiệp ước Patenôtre, chấp nhận quy chế bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Với Hiệp ước này, chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương chịu trách nhiệm thay thế nhà nước phong kiến Việt Nam trong mọi vấn đề đối ngoại, cũng như trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đối với quần đảo Hoàng Sa, chính quyền thuộc địa Pháp có những biện pháp cụ thể để khẳng định, thực thi và bảo vệ chủ chủ quyền của Việt Nam bằng nhiều hoạt động khác nhau, tiêu biểu như xây dựng hải đăng, lập trạm khí tượng và vô tuyến điện, dựng bia chủ quyền, tổ chức thám sát hải dương, triển khai các hoạt động tuần tra, tổ chức lực lượng binh lính đồn trú, thiết lập đơn vị hành chính và đấu tranh với Trung Quốc và Nhật Bản.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Từ thế kỷ XVI, sau thành công của nhiều cuộc phát kiến địa lý, sự phát triển trên phạm vi toàn thế giới của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã thúc đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm thuộc địa ở phương Đông. Là quốc gia nằm ở rìa đông bán đảo Đông Dương, ngã tư đường giao thoa các nền văn hóa lớn, một nhịp cầu nối chính yếu giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo..., Việt Nam sớm nằm trong mục tiêu của các nước thực dân phương Tây. Thực hiện thôn tính thuộc địa, từ cuối thế kỷ XVI, các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Pháp từng bước thiết lập sự hiện diện ở Việt Nam thông qua truyền giáo và thương mại. Sau một quá trình chuẩn bị, ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng vào bán đảo Sơn Trà, đánh chiếm Đà Nẵng, mưu đồ thực hiện cuộc chiến tranh “chớp nhoáng”. Tuy nhiên, trước sự kháng cự của quân dân Việt Nam, quân Pháp bị cô lập, sa lầy tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày 4/1/1859, tướng Rigault de Genouilly báo cáo về Pháp: “Chúng ta đang xuống dốc đến kiệt quệ ở Đà Nẵng. Mọi phương tiện cải thiện tình hình bộ binh và hải quân đều hết sạch và vô hiệu” [ 2 , tr.270] . Ngày 2/2/1859, Rigault De Genouilly đưa 2/3 (hai phần ba) quân số và 8 trong 14 chiến thuyền tại mặt trận Đà Nẵng, tiến vào Nam và nhanh chóng chiếm được Gia Định. Sau đó, lần lượt buộc triều đình Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), Hiệp ước Giáp Tuất (1874), Hiệp ước Harmand (1883) và Hiệp ước Patenôtre (1884), thiết lập chế độ cai trị thuộc địa ở Việt Nam, đưa đến sự hình thành ba xứ với ba chế độ cai trị khác nhau: Bắc Kỳ (Tonkin) và Trung Kỳ (Annam) là xứ bảo hộ còn Nam Kỳ (Cochinchine) là xứ thuộc địa của Pháp.

Với các điều khoản theo Hiệp ước Patenôtre, từ năm 1884, Pháp thay thế Việt Nam (triều đình Nhà Nguyễn) trong mọi vấn đề đối ngoại và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ [ 3 , tr.667]. Nước An Nam thừa nhận và chấp thuận nền bảo hộ của nước Pháp. Nước Pháp sẽ đại diện cho nước An Nam trên mọi quan hệ ngoại giao. Những người dân An Nam nằm ở nước ngoài đều đặt dưới quyền bảo hộ của nước Pháp [ 4 , tr.124]. Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Chính phủ Pháp đã thiết lập sự đô hộ đối với An Nam, mà những hòn đảo này (Hoàng Sa và Trường Sa LVQ & NTAN ) thuộc An Nam nên Pháp có quyền sở hữu và trách nhiệm coi sóc đối với lãnh thổ mới này” [ 5 , tr. 385-387]. Ngày 17/10/1887 thực thi quyền bảo hộ, Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) gồm 6 xứ: Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ, Lào, Campuchia và Quảng Châu Loan. Tiếp đó, năm 1888, người Pháp gây sức ép, buộc triều đình Huế ký Đạo dụ số 1 cắt ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) làm nhượng địa (concession) của Pháp, với cơ chế cai trị như xứ thuộc địa Nam kỳ 6 . Đến đây, quần đảo Hoàng Sa về mặt pháp lý quốc tế đã hoàn toàn tách khỏi sự quản lý của triều đình Huế, trở thành lãnh thổ thuộc liên hiệp Pháp. Từ trách nhiệm bảo hộ, chính quyền Pháp có đầy đủ quyền hành xử chủ quyền mang tính nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nguồn tài liệu được sử dụng trong bài viết này có thể chia thành 3 loại: (1) tài liệu lưu trữ hiện đang lưu tại Bộ ngoại giao Cộng hòa Pháp, trung tâm lưu trữ Quốc gia II và Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa, bao gồm: các Công văn, Báo cáo, Chỉ thị, Nghị định, Quyết định của chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương; các tờ báo của Pháp ở Đông Dương đương thời… Đây là nguồn tư liệu quan trọng, ghi chép nhiều vấn đề liên quan đến quần đảo Hoàng Sa cũng như những hoạt động của chính phủ và chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương đối với quần đảo này; (2) những công trình nghiên cứu của các tổ chức, các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài đã xuất bản; (3) những ghi chép của đội ngũ quan chức trong chính quyền thuộc địa Pháp, quan lại triều Nguyễn và những khảo sát, thu thập thông tin tư liệu của tác giả.

Trên cơ sở khai thác nguồn tư liệu khá phong phú, thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp nghiên cứu logic và phương pháp tiếp cận trong quan hệ quốc tế nhằm bổ sung những phát hiện của các học giả đi trước bằng cách thể hiện một cách nhìn toàn diện và sâu sắc về tính pháp lý của chính quyền thuộc địa Pháp; những hoạt động cụ thể của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương và chính phủ Pháp trong việc quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ năm 1884 đến năm 1945. Bên cạnh đó, bài viết cũng sử dụng các thao tác nghiên cứu như phân tích, thống kê, so sánh, đối chiếu… để có thể nhìn nhận và đánh giá vấn đề nghiên cứu một cách khoa học và khách quan hơn.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng trạm hải đăng, đài khí tượng và vô tuyến trên quần đảo Hoàng Sa

Do sớm nhận thức được vị trí chiến lược của Biển Đông (trong đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) đối với công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương, chính phủ Pháp ở chính quốc và chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương đã tiến hành chiếm đóng và thực thi quyền kiểm soát từ sớm đối với quần đảo Hoàng Sa (và cả Trường Sa) với nhiều hoạt động trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, ngoại giao và thường xuyên củng cố vai trò quản lý đối với các quần đảo này. Ngày 18/2/1929 Bộ trưởng Hải quân Pháp (quyền Bộ trưởng Bộ thuộc địa), trong thư trả lời Bộ trưởng ngoại giao Pháp liên quan đến Hoàng Sa đã ghi nhận: “Đối với nhóm đảo không người ở này (quần đảo Hoàng Sa – LVQ & NTAN), An Nam có những quyền lịch sử khó tranh cãi hơn nhiều so với các quyền mà Trung Hoa Dân Quốc có thể đòi hỏi, và nước Pháp là nước có nghĩa vụ giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của vương quốc được bảo hộ” 7 .

Năm 1899, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thiết lập đề án và đề nghị chính phủ Pháp xây dựng một hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa [ 5 , tr.386]. Việc xây dựng hải đăng không chỉ nhằm khẳng định chủ quyền, phục vụ cho tàu thuyền lưu thông trên biển đông, mà theo tư duy của chính quyền thuộc địa Pháp, việc này sẽ mang đến một nguồn lợi không nhỏ về thuế hàng hải từ các thương thuyền quốc tế đi qua khu vực này [ 8 , tr.10]. Theo tính toán, việc đi vòng sẽ làm chậm hải trình của mỗi con tàu từ 4 đến 5 giờ, tốn từ 200 đến 300 quan Pháp, đem nhân với 1.000 tàu sẽ thành một số tiền rất lớn 9 . Đó là chưa kể, việc xây dựng hải đăng còn khẳng định chủ quyền của nước Pháp nhân danh nước An Nam bảo hộ. Trong Công hàm từ Bộ trưởng thuộc địa gửi Bộ trưởng ngoại giao Pháp ngày 26/7/1899, có đoạn: “Toàn quyền Đông Dương đã thông báo cho tôi biết rằng, ông cũng đồng ý với ông Pichou, là nhân sự việc này chúng ta cần khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo này (Hoàng Sa – LVQ & NTAN). Và cách tốt nhất để khẳng định chủ quyền là xây dựng hải đăng tại đây. Ông Doumer cũng nói với tôi, cần phải nghiên cứu kỹ việc xây dựng hải đăng, và ông ta hy vọng lần tới sẽ chuyển cho tôi biết một số thông tin về giá cả cũng như điều kiện thực hiện công trình này” 10 . Tuy nhiên, “việc thực hiện dự án đã bị ngưng lại do chi phí xây dựng và bảo trì ngọn hải đăng rất tốn kém. Ngân sách thuộc địa của chúng tôi cần dành cho những nhu cầu cấp thiết hơn” 11 .

Đầu thế kỷ XX, liên tiếp các vụ đắm tàu xảy ra ở các mỏm núi đá ngầm quanh quần đảo Hoàng Sa, gây ảnh hướng lớn đến việc đi lại của tàu thuyền cũng như hoạt động kinh doanh, tìm kiếm thị trường và mở rộng thuộc địa về phương Đông của các nước tư bản thực dân phương Tây (Pháp, Anh, Hà Lan,…). Năm 1929, phái đoàn của Perrier De Rouville sau chuyến khảo sát tại Hoàng Sa đã đề xuất xây dựng 4 hải đăng tại các đảo: Tri Tôn, Rạn Bắc, Linh Côn và Bông Bay [ 12 , tr.4]. Năm 1937 kỹ sư công chánh trưởng J. Gauthier, nhân danh chính quyền thuộc địa Pháp đưa một đoàn khảo sát ra quần đảo Hoàng Sa để nghiên cứu xây dựng bãi đỗ cho thủy phi cơ, nghiên cứu các điều kiện định cư ở đây và tìm địa điểm xây dựng hải đăng trên đảo [ 13 , tr.41]. Cũng trong năm 1937, tàu Paul Bert và tàu Astrolabe đã vận chuyển người và nguyên vật liệu ra xây dựng hải đăng và hoàn thành trong năm 1938 [ 14 , tr.51]. Công trình hải đăng ở Hoàng Sa với cột tháp được đúc bằng bê tông trên một dải cát san hô, đặt tại vị trí có tọa độ 16 0 32'2 vĩ Bắc, 111 0 35'8 kinh Đông, phía Tây Nam của đảo Pattle (Hoàng Sa lớn) thuộc nhóm Lưỡi Liềm, trong quần đảo Hoàng Sa. Ngọn đèn do Công ty Barbier, Bénard et Turenne có trụ sở tại Paris thực hiện 15 , với độ chiếu sáng khoảng 12 hải lý trong điều kiện thời tiết bình thường [ 16 , tr.78-79].

Cùng với việc xây dựng hải đăng, chính quyền thuộc địa Pháp cũng tiến hành xây dựng một trạm vô tuyến điện và khí tượng tại Hoàng Sa để đưa ra những cảnh báo thời tiết 5 , đồng thời có chỗ cho ngư dân tránh bão và bảo vệ ngư dân An Nam [ 17 , tr.1-3]. Ngay từ tháng 11/1908, Giám đốc Đài quan sát Trung ương Sở khí tượng Đông Dương đã đề nghị cho xây dựng trạm khí tượng và vô tuyến điện ở Hoàng Sa, “với dự án này, cần phải trang bị một số vốn lớn để đảm bảo an ninh trong giao thông đường thủy ở Biển Đông và đặc biệt là ở khu vực bờ biển Đông Dương… Theo bản đồ vùng Viễn Đông, chúng ta có thể thấy được lợi ích từ dự án này. Vấn đề còn lại là chúng ta nên xem xét có nên để cho một quốc gia khác chịu toàn bộ chi phí xây dựng trạm khí tượng trên đảo Tri Tôn, hay chính chúng ta sẽ chịu trách nhiệm với công việc này. Dù thế nào thì dự án này cũng đem lại cho chúng ta một khoản lợi nhuận khổng lồ” 18 . Ngày 29/4/1911, Giám đốc Đài quan sát Trung ương Sở khí tượng Đông Dương tiếp tục đề nghị cho xây dựng trạm khí tượng và vô tuyến điện ở Hoàng Sa: “Nhân dịp ông Péri, Trưởng sở điện tín không dây ở Đông Dương sang Pháp để bàn với ngài về việc thành lập một số trạm hoạt động của sở điện tín, tôi mạn phép xin ngài lưu tâm đến việc thiết lập một trạm khí tượng và trạm vô tuyến điện trên một trong những đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tôi xin không đề cập đến lợi ích đáng kể khi xây dựng các trạm như vậy ở thuộc địa, vì lợi ích mà các trạm này mang lại là điều hiển nhiên nếu xét về khía cạnh bão lốc ở đây. Chúng ta nhận thấy rằng, các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa hầu hết nằm trên tuyến đường có nhiều biến động về bão lốc đi qua Biển Đông, và đều đe dọa đến các bờ biển của chúng ta. Ngoài ra, tàu thuyền Pháp và nước ngoài hoạt động ở Viễn Đông sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc thông tin liên lạc, cũng như có thể yêu cầu giúp đỡ trong trường hợp bị nạn… Để thành lập trạm này, điều cần thiết trước tiên: (1) Thám hiểm cả quần đảo và chọn 1 đảo sau khi có Hiệp ước quốc tế. (2) Xây dựng một trụ sở làm việc và nơi ở cho quan trắc viên - điện tín, đóng vai trò như người gác hải đăng. (3) Thành lập một Sở quân dụng . Tôi có lý do để tin rằng, vì danh tiếng của một nền khoa học Pháp, Nha Giáo dục khó có thể từ chối ủng hộ dự án mang lại nhiều lợi ích về mặt khoa học và thực tiễn nay” 19 .

Năm 1937, việc thi công đài khí tượng Hoàng Sa được tiến hành, báo Des débats politiques et littéraires, số ra ngày 4/7/1938 đưa tin về các sự kiện này như sau: “Để đảm bảo an toàn cho việc điều hướng hàng hải trong khu vực này, chính phủ Đông Dương đã lắp đặt đèn chiếu sáng vĩnh cửu. Các phân đội nhỏ của lính bảo an An Nam được gửi đến đó để bảo vệ các công trình này, cũng như một trạm thời tiết được lắp đặt ở những hòn đảo này để sớm phát hiện các cơn bão” [ 20 , tr.6].

Tổ chức nghiên cứu khoa học, tăng cường tuần tra, dựng bia chủ quyền, triển khai lực lượng binh lính đồn trú, thiết lập đơn vị hành chính để quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa

Dưới sự cai trị của chính quyền thuộc địa Pháp, hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân tại Hoàng Sa diễn ra khá sôi động vào cuối thời kỳ gió mùa Đông Bắc [ 21 , tr.85-87], ngư dân đánh bắt được nhiều rùa và hải sâm ở khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa [ 22 , tr.302-312]. Ngoài ngư dân Việt Nam đánh bắt cá, bắt rùa biển, vớt rong biển, còn có ngư dân Trung Quốc thả lưới để bắt rùa, hải sâm và ngư dân Nhật Bản khai thác mỏ và vớt rong biển 9 . Chính quyền thuộc địa Pháp xác định rõ, việc đánh bắt của ngư dân Trung Quốc hay Nhật Bản tại Hoàng Sa không dẫn đến việc xác lập chủ quyền đối với quốc gia của họ, bởi nó cũng giống như “ngư dân Pháp vẫn làm như vậy ở đảo Terre Neuve, song đảo ấy vẫn là của nước Anh” 22 , tr. 302-312]. Để hỗ trợ công việc khai thác hải sản của ngư dân, chính quyền thuộc địa Pháp đã có ý định thiết lập ở Hoàng Sa một hậu cần sản xuất hải sản để phục vụ cho việc đánh bắt, cũng như tính đến việc sử dụng công cụ đánh bắt hiện đại (dùng lưới quét) 23 . Tuy nhiên, việc khảo sát vùng biển Hoàng Sa cho thấy dù tìm ra nhiều loài cá ở đó, nhưng vì cấu tạo của đáy biển ở khu vực này gồ ghề, lại có nhiều san hô đang sinh trưởng nên đã gây khó khăn cho việc dùng lưới công nghiệp [ 5 , tr. 385-387].

Năm 1898, chính quyền thuộc địa Pháp có ý định cấp giấy phép cho các công ty tư nhân khai thác các đảo [ 1 , tr.185], và xây dựng một kho tiếp nguyên liệu ở Hoàng Sa để phục vụ các tàu, thuyền qua lại có thu phí hàng năm. Tháng 12/1898, Bộ trưởng thuộc địa Pháp đã gửi điện tín cho Toàn quyền Đông Dương: “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã thông báo cho tôi biết rằng, ông Chabrier, nhà báo sinh sống ở Paris, đã đề nghị thu một khoản phí hàng năm đối với việc cho phép xây dựng một số kho tiếp liệu cho ngư dân trên quần đảo Hoàng Sa” 24 . Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công việc này đã không được thực hiện. Trong điện tín ngày 26/7/1899, Bộ trưởng thuộc địa gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp có đoạn: “… qua điện tín ngày 5/10/1898 mà ông đã gửi để hỏi tôi về ý kiến của nhà báo Chabrier ở Paris, về việc thu phí hàng năm đối với giấy phép thiết lập các kho tiếp liệu cho ngư dân ở quần đảo Hoàng Sa. Tôi lấy làm vinh dự báo ông biết rằng, theo một số thông tin mà ông Doumer đã gửi cho tôi… các ngư dân thường qua lại vùng biển trên, không có nhu cầu về việc này và việc thực hiện dự án trên cũng chạm đến một nguồn kinh phí nhạy cảm. Mặt khác, đời sống của các ngư dân khác cũng sẽ gặp nguy hiểm, nếu chính phủ chỉ có thể cho phép một trong số các quốc gia nào đó được thiết lập kho tiếp liệu nói trên ở quần đảo này” 10 .

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, nhằm tăng cường kiểm soát Biển Đông, bảo đảm an ninh, chống cướp biển và bảo đảm hàng hải 25 , cũng như khai thác lợi ích kinh tế biển đảo, lực lượng hải quân Pháp thường xuyên tuần tiễu các vùng biển để giữ an ninh và trợ giúp các tàu thuyền bị đắm; đồng thời, cử các đoàn ra khảo sát tài nguyên và khẳng định chính sách bảo hộ của chính quốc Pháp đối với biển đảo Hoàng Sa: “Tàu của Sở thuế Đông Dương thỉnh thoảng ghé nơi này nơi kia giữa các đảo của quần đảo, khi thì can thiệp vào ngư dân An Nam và Trung Hoa đang hành nghề ở đó, trước tiên là ngăn chặn thói quen bán các sản phẩm từ việc đánh bắt của họ cùng với phụ nữ và trẻ em, hoặc để ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí hay thuốc phiện” [ 5 , tr.385-387].

Để có cơ sở cho việc đề ra chính sách quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa một cách hiệu quả, từ năm 1925, chính quyền thuộc địa Pháp xúc tiến khảo sát hải dương quanh vùng biển đảo Hoàng Sa. Năm 1925, Sở Hải Dương học và nghề cá Đông Dương, dưới sự chỉ huy của Dr. Krempt Giám đốc Sở, cùng với nhiều nhà khoa học đầu ngành của Pháp như Delacour, Jabouille,… đã thực hiện chuyến khảo sát quần đảo trên tàu lưới kéo De Lanessan để nghiên cứu về địa chất các bãi ngầm, hệ sinh vật biển và ảnh hưởng gió mùa. Báo cáo kết quả khảo sát cho thấy: “... Quần đảo được hình thành từ 36 đảo đá nổi và vô số đảo đá chìm. Chính yếu tố này đã gây nguy hiểm cho việc lưu thông qua đây bằng đường thủy. Các đảo này nằm rải rác trên một diện tích rộng, giữa 15-17 0 vĩ Bắc và 111-113 0 kinh Đông, cách phía Đông Đà Nẵng 150 dặm. Vào những đợt có gió mùa và thủy triều lên, tàu thuyền rất khó đến gần đảo… Bề mặt đáy đại dương ở quần đảo Hoàng Sa từ độ sâu 1.000m xuất hiện một vách đá dựng đứng cách mặt biển từ 40m đến 100m. Nói chung, nó có cùng cấu tạo địa chất giống như những đảo khác ở cùng độ sâu, với thềm lục địa trải dài song song với bờ biển dọc theo miền duyên hải Đông Dương. Chính cấu tạo địa chất gần đây đã làm cho bề mặt đảo biến đổi, cùng với mực nước biển hạ xuống từ 40m đến 100m do hiện tượng băng tan đã để lại nhiều nơi trên đại dương mênh mông những dấu vết giống như những cái mà chúng ta miêu tả ở đây” 26 . Sau đó, Dr. Krempt đề xuất thiết lập một đài quan sát, một trạm vô tuyến sóng ngắn, một trạm hải đăng, một bến cảng để có chỗ cho ngư dân tránh bão và bảo vệ thuyền cho ngư dân An Nam [ 17 , tr.1-3].

Trong những năm 1930 –1938 lực lượng Hải quân Pháp tăng cường tuần tra, thiết lập đơn vị hành chính, triển khai quân đồn trú đóng ở một số đảo quan trọng trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1930, Pháp tiến hành tuần tra, khảo sát quần đảo Hoàng Sa bằng chiến hạm tàu La Malicieuse; năm 1931 tàu Inconstant và tàu De Lanessan của Viện Hải dương học Đông Dương đến tuần tra, khảo sát và tuyên xác chủ quyền nhân danh nước An Nam tại Hoàng Sa; năm 1932, pháo hạm Alerte ra quần đảo Hoàng Sa [ 27 , tr.22]; ngày 7 và 10/4/1933, các thông báo hạm Astrolabe và Alerte đến Hoàng Sa để đặt cột mốc xác định chủ quyền; đồng thời tuyên bố dứt khoát chủ quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và tháng 7/1933 28 , “tàu Pháp mỗi chuyến tuần duơng thường đi vòng quanh các đảo Phú Lâm (Ile Boisee), đảo Tây (Ile Onest), đảo Cây (Tree Island), trước khi dừng ở đảo lớn Hoàng Sa” 29 . Năm 1938 chính quyền thuộc địa Pháp đã cho dựng lại bia chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa do triều Nguyễn lập từ năm 1816, với dòng chữ: “République Française - Royaume d’Annam - Archipels des Paracels 1816- Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa năm 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938) [ 30 , tr.43-44], và cắt cử một đơn vị lính bảo an ra trấn đóng ở các đảo Hoàng Sa. Các toán lính Pháp, lính bản xứ người Việt đồn trú tại đây được trang bị các xà lúp (xuồng máy) để đi tuần, kiểm soát các đảo và xua đuổi tàu bè các nước lại gần đảo 29 . Báo Affaires étrangères ngày 04/7/1938 đưa tin về sự kiện này: “Để đảm bảo an toàn hàng hải quanh vùng biển quần đảo Hoàng Sa, chính phủ Đông Dương đã bố trí đội lính bảo an người An Nam ở đó” [ 31 , tr.482]. Những người lính Việt Nam tham gia trấn giữ quần đảo Hoàng Sa sau khi trở về đất liền đã được chính phủ Đông Dương hết lời ca ngợi và dành cho họ một sự trân trọng đáng kể: “… một buổi lễ được tổ chức tại Huế để tôn vinh những cá nhân nổi bật trong công việc dũng cảm này. Tại ngày lễ năm nay của lính gác An Nam, ông Graffeil, Khâm sứ Trung Kỳ đã đeo Huân chương Đại Nam Long tinh lên cây cờ của lính bản xứ. Sau đó, ông gắn Huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng 4 lên ngực Thanh tra Grethen, người chỉ huy đội quân chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Nước Pháp đã không quên một trong những người phục vụ tốt của mình. Các lữ đoàn lính An Nam đều cử mỗi đơn vị một phái đoàn gồm 5 đến 6 binh sĩ An Nam và một sĩ quan Pháp, tổng cộng có 23 sĩ quan đến. Buổi lễ trang trọng này đã kết thúc với sự đánh giá rất cao những người lính gác và trang thiết bị của họ” [ 32 , tr.2].

Ngày 15/6/1932, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định số 156-SC, thiết lập một đơn vị hành chính với tên gọi là Đại Lý hành chính Hoàng Sa (Délégation des Paracels) và sáp nhập các đảo này vào tỉnh Thừa Thiên. Đại lý hành chính là đơn vị hành chính ở xa tỉnh lỵ, thường do Công sứ Pháp hoặc sĩ quan Pháp phụ trách và có chủ sở tại đảo Hoàng Sa 33 , lực lượng quân đội thay mặt Công sứ cải quản 34 . Ngày 5/5/1939, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévie tiếp tục ký Nghị định 3282 tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành 2 đơn vị. Lúc này, Hoàng Sa gồm hai đơn vị hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên, mỗi đơn vị hành chính đứng đầu bởi một Sở Đại lý hành chính (Délégation des Paracels) gọi là Délégation administrative des Paracels, gồm sở Đại lý Nguyệt Thiềm (Croissant) và phụ cận; sở đại lý An Vĩnh (Amphytrite) và phụ cận. Các phái viên hành chính đứng đầu hai sở Đại lý này với tư cách là ủy viên công sứ Pháp tại Thừa Thiên thường trú tại đảo Hoàng Sa, Phú Lâm [ 35 , tr.133] và sẽ được hưởng phụ cấp từ ngân sách địa phương Trung Kỳ theo quy định 36 .

Như vậy, dưới sự quản lý của chính quyền thuộc địa Pháp, cơ quan hành chính trực tiếp quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa là các phái viên hành chính được thành lập theo các Nghị định 156-SC (1932) và Nghị định 3282 (1939) của Toàn quyền Đông Dương. Về lực lượng dân sự, có các cơ quan nghiên cứu khoa học, như Viện Hải dương học Đông Dương; lực lượng hải quan; lực lượng quân sự, bao gồm quân đội đồn trú, các chiến hạm, tuần dương hạm (chủ yếu của quân đội Pháp) [ 37 , tr.119-120]. Những sự kiện trên cho thấy hoạt động thực sự của chính quyền thuộc địa Pháp trong việc khẳng định và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đấu tranh với Trung Quốc và Nhật Bản để bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa

Đấu tranh với Trung Quốc

Việt Nam và thế giới biết đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm (ít nhất là từ thế kỷ XIV-XV), song cho đến cuối thế kỷ XIX, nhà nước phong kiến Việt Nam trong suốt hai thế kỷ là quốc gia duy nhất xác lập chủ quyền ở vùng biển đảo này theo đúng chế độ luật pháp của thời kỳ đó mà không gặp phải bất cứ sự tranh chấp của quốc gia nào 38 . Trong hai năm 1895 và 1896, hai chiếc tàu Le Bellona (của Đức) và Imezi Maru (của Nhật) chở đồng cho chính phủ Anh bị đắm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, các ngư phủ người Trung Quốc đã đem xuồng đến cướp đồng và đem bán ở Hải Nam. Công ty bảo hiểm và đại diện chính phủ Anh ở Trung Quốc đã yêu cầu phía Trung Quốc phải có trách nhiệm, nhưng Trung Quốc từ chối với lý do “… các đảo Paracels (Hoàng Sa) không phải của Trung Hoa… chúng tôi không được sáp nhập về hành chính vào bất kỳ quận nào của Hải Nam” 38 , do đó Trung Quốc không chịu trách nhiệm về vấn đề này [ 39 , tr.1-14]. Sự kiện này được chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam báo cáo Toàn quyền Đông Dương ngày 31/8/1898 như sau: “Tôi mong ông lưu ý đặc biệt đến một số đoạn trong báo cáo liên quan đến các khiếu nại của công ty bảo hiểm Anh quốc trong việc tàu Le Bellona và Imazi Maru bị cướp, trong vấn đề này, Trung Quốc đã tuyên bố rằng “quần đảo Hoàng Sa là những đảo bỏ hoang, nó không thuộc về Trung Quốc, mà là của An Nam” 40 . Sự kiện này cho thấy, cho đến tận cuối thế kỷ XIX, nhà chức trách ở vùng cực Nam của Trung Quốc hoàn toàn chưa có ý tưởng gì về quần đảo Hoàng Sa (gần Trung Quốc hơn) chứ chưa nói đến Trường Sa (ở rất xa Trung Quốc) [ 41 , tr. 355-356].

Có thể xem dấu hiệu của sự tranh chấp giữa chính quyền thuộc địa Pháp và Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa bắt đầu từ sự kiện năm 1909, khi Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông) Trương Nhân Tuấn sai Lý Chuẩn (Lee Jun) – Thủy sư Đề đốc đem tàu ra thăm chớp nhoáng một số đảo trên quần đảo Hoàng Sa [ 42 , tr.174] và có một số hành động mang tính chất tượng trưng (cắm cờ trên đảo Phú Lâm, bắn đại bác) và quay lại Quảng Châu vào ngày hôm sau [ 1 , tr.186]. Mặc dù lãnh sự Pháp ở Quảng Châu có gửi thư về Pháp báo cáo, nhưng chính quyền Pháp không ngăn chặn hành động khảo sát trên, vì theo tư duy của chính quyền thuộc địa Pháp, hành động của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông chỉ là “một nghi thức hải quân nhân dịp chuyến thám sát” 43 . Bên cạnh đó, trong thời gian này, Pháp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ sở hữu quần đảo của nước An Nam mà Pháp bảo hộ theo Hiệp ước Patenôtre 1884, cũng như chưa nắm rõ được tất cả mọi vấn đề của Việt Nam (trong đó có chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa); đồng thời, chính quyền thuộc địa Pháp ngại sự ngăn chặn có thể làm phát sinh trong lòng dân chúng Trung Hoa một phong trào “sô vanh” (chauvinism) có hại cho quyền lợi của Pháp ở Trung Quốc… [ 44 , tr.243]. Với những lý do này, người Pháp chưa thực sự tích cực ngăn chặn hành vi xâm phạm của chính quyền địa phương Trung Quốc, mặc dù trên thực tế, các tàu tuần dương của Hải quân Pháp vẫn tiếp tục được cử tới các đảo trên Biển Đông để thị sát.

Tận dụng thái độ thiếu dứt khoát của chính quyền thuộc địa Pháp, ngày 30/1/1921, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ký văn thư số 831, tuyên bố sáp nhập quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông. Trước hành động này của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông, ngày 6/5/1921, lãnh sự Pháp ở Vân Nam, Trung Quốc đã gửi một thông báo lưu ý đến Toàn quyền Đông Dương về lợi ích mà vị trí địa lý của các đảo Hoàng Sa đem lại đối với Đông Dương, đặc biệt là sự dòm ngó của các nước xung quanh đối với các quần đảo trên Biển Đông [ 37 , tr.103]. Thông báo này cùng với dư luận đương thời, đặc biệt là báo chí Pháp ở Đông Dương và phản ứng của các nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội người Pháp ở Hà Nội 45 đã thúc đẩy chính quyền thuộc địa Pháp tăng cường kiểm soát trên Biển Đông kể từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất [ 14 , tr.46].

Ngày 8/3/1921, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp, và cho rằng việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa của chính quyền địa phương Quảng Đông là hoàn toàn không có cơ sở 46 . Tháng 3/1925, Toàn quyền Đông Dương tiếp tục tái khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp [ 35 , tr.134]. Ngày 9/12/1926 Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne ra Nghị định quy định việc áp dụng Luật của Pháp (ban hành ngày 1/3/1988) cho các thuộc địa, nghiêm cấm nước ngoài vào đánh cá trong các vùng lãnh hải thuộc địa được xác định là vùng biển xa bờ 3 hải lý tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất 47 . Bên cạnh đó, chính quyền thuộc địa Pháp cũng nhận trách nhiệm về chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát, nghiên cứu khoa học [ 37 , tr.105].

Năm 1931, vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc và chính quyền thuộc địa Pháp lại nổ ra, khi chính quyền Trung Quốc đòi đặc nhượng quyền khai thác phân chim trên đảo cho công ty Anglo - Chinese Development [ 30 , tr.43]. Trước đòi hỏi phi lý đó, chính quyền thuộc địa Pháp đưa ra các căn cứ lịch sử, cũng như pháp lý về chủ quyền lâu đời của Việt Nam ở Hoàng Sa mà hiện Pháp là quốc gia bảo hộ hợp pháp. Đồng thời, mạnh mẽ lên tiếng phản đối bằng cách gửi thông điệp cho công sứ quán Trung Quốc tại Paris, phản kháng về việc chính quyền Quảng Đông có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 29/4/1932, chính quyền thuộc địa Pháp tiếp tục thông báo chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa cho phía Trung Quốc, kháng nghị của chính phủ Pháp nêu rõ các danh nghĩa lịch sử và các bằng chứng về sự chiếm hữu của nước An Nam, sau đó là của Pháp. Không thể bác bỏ các bằng chứng lịch sử và pháp lý rõ ràng, chính quyền Trung Hoa cho rằng thời vua Gia Long, An Nam là chư hầu của Trung Hoa, vì vậy, Hoàng Sa - Trường Sa của An Nam cũng thuộc triều đại phong kiến Trung Hoa. Năm 1937, Pháp đề nghị giải quyết vấn đề một cách thân hữu hoặc qua một trung gian hòa giải, nhưng Trung Quốc không phúc đáp [ 42 , tr.174]. Bình luận về những sự kiện trên, Báo La Croix ngày 15/3/1934 cho biết: “Khi Trung Quốc tuyên bố (chủ quyền – LVQ & NTAN) vào năm 1909, Pháp đã thiết lập sự thay thế cho An Nam, với quan điểm trong các quan hệ đối ngoại của mình, theo hiệp ước bảo hộ, nên Pháp đã khẳng định quyền của nhà nước được bảo hộ trên các hòn đảo được đề cập. Mặt khác, hai cường quốc lớn là Anh và Nhật Bản là những quốc gia có thể quan tâm về mặt chiến lược đặc biệt của quần đảo nay và có thể mong muốn chiếm đóng quần đảo này, nhưng chưa bao giờ nêu lên bất kỳ tuyên bố nào về điều này. Cựu Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề của Nam triều năm 1925 đã khẳng định quần đảo này mãi mãi thuộc quyền sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh chấp trong vấn đề này” [ 48 , tr.3].

Trung Quốc phản đối những hành động của Pháp bằng cách dựa vào các điều khoản của Hiệp ước Pháp - Trung mà hai nước ký kết ngày 26/6/1887 để phản đối hành động của Pháp ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là một hiệp ước mà Pháp (đại diện cho Việt Nam) ký với Trung Quốc liên quan đến việc phân định ranh giới trên Vịnh Bắc Bộ. Hiệp ước quy định các đảo ở phía đông 105 0 43’ thuộc về Trung Quốc 49 (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và Trung Quốc lập luận theo hiệp ước, họ đã giành được chủ quyền đối với Hoàng Sa từ tay người Pháp [ 50 , tr.11], bởi vì vào thời điểm đó Pháp có chủ quyền đối với Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, mục đích của hiệp ước Pháp - Trung là phân định biên giới giữa Bắc Kỳ (Việt Nam) và Trung Quốc, như tiêu đề của hiệp ước đã đề cập (Công ước về phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ) 49 . Hơn nữa, quần đảo Hoàng Sa không bao giờ được đề cập trong các cuộc đàm phán khi ký hiệp ước [ 3 , tr.668]. Ngày 10/7/1938, đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp là M. Wellington Koo đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Pháp là M. Georger Bonnet để bày tỏ quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa: Dựa vào thực tế hiện nay, việc người Pháp hiện diện trên quần đảo Hoàng Sa tốt hơn rất nhiều so với sự chiếm đóng của người Nhật Bản, song phía Trung Quốc cũng luôn bảo lưu sự phản đối của mình trước sự chiếm đóng của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa 51 . Đáp lại quan điểm của Trung Quốc, Bộ trưởng M. Georger Bonnet khẳng định chủ quyền của Việt Nam (mà người Pháp hiện là đại diện) đối với quần đảo Hoàng Sa bằng việc dẫn các cứ liệu lịch sử, đồng thời khẳng định sự có mặt của người Pháp trên quần đảo Hoàng Sa là một điều hiển nhiên để bảo vệ quyền lợi của Pháp [ 52 , tr.51]. Những hành động này của chính quyền Pháp ở Đông Dương thể hiện quyết tâm đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền chính đáng của Pháp ở quần đảo Hoàng Sa.

Đấu tranh với Nhật Bản

Sau Hiệp ước Patenôtre năm 1884, Pháp áp đặt ách thống trị lên đất nước Việt Nam, sau đó là Đông Dương cùng với những chính sách nhằm mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Là cường quốc gắn bó lợi ích sống còn ở khu vực, đặc biệt là trên biển, sự có mặt của Pháp khiến Nhật Bản nhận thấy mối đe dọa to lớn đối với lợi ích chiến lược của mình. Do đó, Nhật Bản tìm mọi cách mở rộng ảnh hưởng mà trước hết là ở vùng Biển Đông nhằm cạnh tranh với Pháp và gạt bỏ Trung Quốc [ 52 , tr.51]. Để thực hiện cho mục tiêu trở thành một đế quốc có sức ảnh hưởng lớn ở châu Á, trong những thập niên đầu thế kỷ XX, Nhật Bản rất chú ý tới lợi ích ở Biển Đông (trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Năm 1907, hai công dân Nhật Bản là Komatsu Shigetoshi và Ikeda Kinzo đã tuyên bố khám phá ra quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa), sau đó nộp đơn lên Bộ Ngoại giao Nhật Bản đề nghị sáp nhập hai quần đảo này vào đế quốc Nhật Bản [ 53 , tr.123-124]. Kể từ đó, nhiều ngư thuyền Nhật Bản tiến về phía Nam, tập trung ở khu vực biển Hoàng Sa và Trường Sa 54 .

Sau bước đầu xây dựng cơ sở khai thác tại quần đảo Trường Sa, Nhật Bản tìm cách mở rộng ảnh hưởng và thăm dò thái độ của các bên liên quan bằng việc đề nghị với Pháp cấp giấy phép cho khai thác tài nguyên ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/9/1920, Công ty Mitsui Bussan Kaisha của Nhật liên hệ hỏi Tư lệnh Hải quân Pháp ở Sài Gòn [ 55 , tr.26] và nhận được câu trả lời không khẳng định chắc chắn quyền sở hữu của Pháp đối với quần đảo này vào thời điểm đó, điều này đã tạo điều kiện cho Nhật Bản thực hiện tham vọng của mình 56 . Trên thực tế, Nhật Bản đã tiến hành dự án khai thác phân chim ở Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Pháp [ 57 , tr.4]. Người Nhật đã thiết lập trên đảo Hữu Nhật (Pháp gọi là Robert), một tuyến đường sắt nhỏ và một cầu cảng dài 300 mét để thực hiện khai thác [ 11 , tr.237] tài nguyên trên đảo đảo Phú Lâm và Hữu Nhật thuộc quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng công nhân khai thác chủ yếu đến từ tỉnh Okinawa, Nhật Bản [54] và một số là nhân công người Hoa, cùng với một người quản lý mang quốc tịch Philippines 58 . Báo cáo kết quả khảo sát quần đảo Hoàng Sa của phái đoàn Hải Dương học Đông Dương năm 1926 cho biết: “Vào tháng 6/1926, khi chúng tôi đến, họ bỏ đi khi tài nguyên đã cạn kiệt và chuyển sang khai thác ở đảo Hữu Nhật,… và hình như những người Nhật đã khai thác những mỏ phosphate có đến hàng triệu tấn. Công ty này chủ yếu khai thác chất phosphate trong phân chim ở trên cát và đá vôi có trong san hô trên bề mặt đảo. Tại vùng khí hậu nhiệt đới ẩm ướt, được hình thành từ những đảo san hô, phân chim trên các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không thể giữ nguyên trạng thái như ở các đảo khô tại bờ biển Nam Mỹ. Hơi nước sẽ làm thay đổi nó, chất axit photphoric sẽ tan đi và bị nước cuốn đi thấm vào trong lòng đất. Từ đây, cùng với cát và đá san hô, nó hình thành nên một loại chất chỉ có trên đảo. Chất carbon trong đá vôi san hô sẽ chuyển thành chất phosphor không tan và ổn định,… Chất phosphor sau khi khai thác được xếp chồng lên nhau thành 2 lớp. Lớp đầu là những loại chất đã chuyển hóa từ đá san hô. Lớp này dày khoảng 30cm. Đây chính là thứ mà người Nhật khai thác trước hết” 26 . Một số lượng phosphate đáng kể từ Hoàng Sa đã được đưa về Nhật Bản [ 5 , tr.385-387]. Theo một tài liệu, năm 1925, chính quyền Đài Loan thuộc Nhật đã thu nhận được 7.200 tấn, năm 1926, 1927 thu được 36.000 tấn. Trong 9 năm (1919-1927), ước tính thu về 80.000 - 90.000 tấn [ 59 , tr.67].

Việc cho Nhật Bản khai thác phosphate ở Hoàng Sa của Tư lệnh Hải quân Pháp tại Sài Gòn bị báo chí Pháp ở Đông Dương lên án mạnh mẽ, bởi người Nhật “chẳng trả một khoản thuế lớn nào cho An Nam song vẫn được khai thác phosphate tại vùng lãnh thổ của xứ An Nam, mà theo lý thuyết chỉ có người Pháp, người Tây Ban Nha mới có quyền như người An Nam” [ 60 , tr.12]. Càng về sau, hoạt động khai thác phosphate của Nhật tại Hoàng Sa càng làm cho giới chức Pháp lo lắng rằng Nhật Bản có thể sẽ xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo này, vì thế, chính phủ Pháp tăng cường kiểm soát trên Biển Đông ngày càng gắt gao hơn. Ngoài việc tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, triển khai nghiên cứu khoa học,… trong hai năm 1921, 1925 toàn quyền Đông Dương liên tiếp tuyên bố chủ quyền của Pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa [ 14 , tr.58]. Việc liên tiếp tuyên bố chủ quyền và thắt chặt tuần tra kiểm soát trên biển của Pháp khiến dư luận Nhật Bản rộ lên tin đồn Pháp muốn giành quyền khai thác phosphate ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Nhật Bản. Báo L’Europe nouvelle ngày 2/1/1921 bình luận: Cách bờ biển An Nam khoảng ba trăm cây số, có một nhóm đá hoang vu, đó là quần đảo Hoàng Sa. Gần đây, lãnh sự Nhật Bản đã viết thư cho chính quyền Đông Dương, để hỏi liệu Pháp có tuyên bố chủ quyền không. Câu trả lời thiếu dứt khoát. Không phải chính thức, nhưng người phác thảo kế hoạch đã nghĩ rằng một căn cứ tàu ngầm ở quần đảo Hoàng Sa sẽ đủ để chặn tất cả các bờ biển của Đông Dương [ 61 , tr.5]. Năm 1927, Kurosawa - lãnh sự Nhật Bản tại Hà Nội tuyên bố, theo chỉ thị của chính phủ Nhật Bản, quần đảo Hoàng Sa dứt khoát không được bàn đến, vì Nhật Bản không hề tranh luận chủ quyền của Hoàng Sa với Pháp và đã tự ý đặt Hoàng Sa dưới sự cai quản của chính phủ thuộc địa của Nhật Bản ở Đài Loan 62 . Phản bác lại những lập luận của Nhật Bản, ngày 25/7/1933, Pháp tiếp tục công bố lập trường không thay đổi đối với chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó, ngày 21/8/1933, Đại sứ Nhật Bản tại Pháp là Sawada đã có tuyên bố phản đối, đồng thời cho rằng: “Chủ quyền tại đây thuộc về Nhật Bản và Nhật Bản có quyền khai thác phân chim ở đây” 54 .

Sau một thời gian căng thẳng, tháng 8/1934, trong một hiệp ước ký kết tại Paris với Pháp, Nhật Bản đã tuyên bố chắc chắn rằng Nhật Bản hoàn toàn không có lợi ích nào tại quần đảo Hoàng Sa [ 38 , tr.112]. Tuy nhiên, việc Nhật Bản gia tăng các hành động ở Biển Đông lại khiến người Pháp lo ngại vì thế Pháp tiếp tục tiến hành hàng loạt các hoạt động nhằm bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 3/7/1938, Bộ Ngoại giao Pháp công bố về việc Pháp chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa: “Do sự đáng chú ý của việc chiếm lĩnh quần đảo Hoàng Sa, mà vào tháng 7/1938, Đại sứ của ta (Pháp) ở Tokyo nhắc lại sự sáp nhập quần đảo Trường Sa trước đây vào nước Pháp” [ 63 , tr. 302-312].

Chính phủ Nhật Bản phản đối hành động của Pháp và cho rằng năm 1920 người Nhật muốn tiến hành khai thác ở khu vực Hoàng Sa nên đã gửi công văn cho chính quyền Đông Dương lúc đó để hỏi về chủ quyền đối với quần đảo. Tướng Loumy đã trả lời rằng Hoàng Sa không thuộc về chủ quyền của nước Pháp 64 . Ngày 8/7/1938, Nhật Bản gửi công hàm phản đối việc Pháp cho quân đội đóng quân ở Hoàng Sa và cho rằng Pháp không có chủ quyền đối với quần đảo này. Tuy nhiên, những kháng nghị của Nhật Bản là không có căn cứ lịch sử. Báo Le Petit Parisien ngày 06/7/1938 viết: “Việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, phía đông nam Hải Nam bởi lực lượng bảo an của An Nam, đã gây ra một số bất bình ở Nhật Bản. Công văn từ Tokyo thuật lại sự cay đắng mà những người chịu trách nhiệm chính đã nhận xét về biện pháp của các nhà chức trách Đông Dương. Nhưng trái với những cáo buộc của người Nhật, quần đảo Hoàng Sa không bao giờ thuộc về đế chế Trung Quốc; chúng luôn luôn là một phần của vương quốc An Nam. Việc xác lập chủ quyền trên quần đảo đã được An Nam hoàn thành vào năm 1816; đến năm 1885, khi ký kết hiệp ước Pháp - Trung, sau khi thiết lập nền bảo hộ của Pháp trên lãnh thổ An Nam, nó đã được xác định rằng những hòn đảo này thuộc thẩm quyền của triều đình Huế... Do vậy, những kháng nghị đó, theo ý kiến của các cơ quan chính thức của chúng ta (Pháp), là không có nền tảng. Nhật Bản thậm chí còn có ít lý do hơn để đánh giá các biện pháp chính thức chiếm giữ hoặc thu hồi. Cần lưu ý rằng các biện pháp phòng ngừa đơn giản để bảo vệ ngọn hải đăng và trạm khí tượng do chính phủ Đông Dương xây dựng ở Hoàng Sa không mang bất kỳ tính chất quân sự nào” [ 65 , tr.3]. Báo Sciences politiques ra tháng 8/1938 đánh giá việc tăng cường quản lý Hoàng Sa của Pháp và triều đình Huế: “Trong tất cả các cường quốc phương Tây, nước Pháp tiếp tục là một cường quốc có thái độ năng động nhất ở Viễn Đông. Người ta sẽ nhớ rằng nước Pháp đã không dung thứ việc xâm nhập của quân đội Nhật Bản vào khu tô giới của mình ở Thượng Hải. Vào cuối tháng 6/1938, nước Pháp đưa ra một bằng chứng quyết định khác bằng cách chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, nơi có thể trở thành căn cứ hải quân để đe dọa Đông Dương” [ 66 , tr. 361].

Sau khi phát động cuộc chiến đánh chiếm Trung Quốc (1937), một năm sau (1938), Nhật Bản cho quân tiến sát Biên giới Việt - Trung. Để chuẩn bị cho cuộc chiến ở Thái Bình Dương, Biển Đông (trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, ngay từ khi cuộc chiến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bùng nổ, Nhật Bản đã bộc lộ rõ ý định: “Chúng ta, nhất là lực lượng hải quân, không thể để mặc cho Hoàng Sa bị chiếm đóng như là một căn cứ quân sự. Bởi nó sẽ cho phép lực lượng hải quân của các cường quốc triển khai hoạt động mới ở khu vực Biển Đông. Chúng ta phải gắn chặt vấn đề này với vấn đề an ninh quốc phòng quốc gia” 67 . Sau khi chiếm xong đảo Hải Nam, bất chấp sự phản đối của Pháp, Nhật Bản cho quân đánh chiếm 3 đảo Phú Lâm, Linh Côn và Hữu Nhật thuộc quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố sáp nhập cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Nhật Bản, đặt dưới sự quyền lý của chính quyền Nhật Bản tại Đài Loan [ 42 , tr.174] nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngày 31/3/1939, tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản là M. Sawada đã gặp Đại sứ Pháp tại Nhật là M. Arsènre Henry để thông báo quyết định của chính phủ Nhật Bản 68 . Ngay lập tức, đại sứ Pháp tại Nhật Bản đã trao công hàm phản đối cho Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản 69 . Ngày 05/5/1939 Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định sửa đổi Nghị định ngày 15/6/1938 và thành lập tại quần đảo Hoàng Sa hai cơ quan hành chính.

Tháng 6/1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Lợi dụng cơ hội đó, chính quyền phát xít Nhật tăng sức ép lên chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương nhằm thế chân Pháp. Sau khi vào Đông Dương, Nhật Bản liên tục ép Pháp nhượng bộ, ký kết các hiệp ước có lợi cho Nhật trên tất cả các mặt kinh tế, quân sự, văn hóa - tư tưởng và từng bước chi phối Đông Dương. Để hợp pháp hóa sự chiếm đóng của mình, ngày 30/8/1940, Nhật Bản gây sức ép buộc chính quyền Pháp phải ký thỏa ước cho Nhật Bản được rộng quyền điều hành quân sự trên toàn cõi Đông Dương chống lại phe Đồng Minh nhưng người Pháp vẫn duy trì bộ máy cai trị của nhà nước bảo hộ và Nhật công nhận chủ quyền của Pháp [ 70 , tr.100]. Trong quá trình mở rộng vùng chiếm đóng ở châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản đã tổ chức xây dựng các công sự, hạ tầng cơ sở và căn cứ tàu ngầm ở một số hòn đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [ 71 , tr.162].

Từ giữa năm 1943, tình hình chiến sự thay đổi bất lợi cho Nhật Bản khi quân đội Nhật bị đẩy lui trên hàng loạt chiến trường và chịu tổn thất nặng nề tại Philippines, Miến Điện,… Để độc chiếm Đông Dương, ngày 9/3/1945, Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp. Toàn bộ quân Pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị bắt làm tù binh, quân Nhật quản lý trực tiếp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật rút dần ra khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 5/1945, một phân đội lính Pháp đã đổ bộ lên hai quần đảo và ở đây vài tháng. Trong thời gian từ ngày 20 đến ngày 27/5/1945, Đô đốc D’Argenlieu, Cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escamouche ra nắm tình hình ở Hoàng Sa [ 72 , tr.228]. Sau đó, với những thất bại liên tiếp trên chiến trường Thái Bình Dương, ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Sự kiện này đã khiến cho quân Nhật trên toàn Đông Dương mất tinh thần không còn khả năng chiến đấu. Ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, theo nguyên tắc, toàn thể lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam phải trở về quyền quản lý của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau tháng 9/1945, quân đội Nhật Bản rút hoàn toàn khỏi quần đảo Hoàng Sa.

THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu đã đóng góp thêm một mảng tư liệu quan trọng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như những hoạt động của chính quyền thuộc địa Pháp với tư cách “bảo hộ” vương quốc An Nam tiếp tục quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ sau Hiệp ước Patenôtre (1884) đến trước ngày bị Nhật đảo chính (1945). Trên cơ sở nội dung nghiên cứu mà bài viết đã giải quyết, chúng tôi cho rằng: (1) Việt Nam đã có được sự chiếm hữu thực sự, mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình qua các triều đại (từ đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đi khai thác sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ XVII đến thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816 (dưới thời vua Gia Long), mà không hề bị quốc gia nào lên tiếng phản đối hay phủ nhận, quốc tế đều biết đến; (2) Việt Nam bị thất bại trước cuộc xâm lược của Pháp và buộc phải ký hiệp ước Patenôtre (1884), chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp. Khoản 2, điều 1 của Hiệp ước Patenôtre quy định “Nước An Nam thừa nhận và chấp nhận nền bảo hộ của Pháp. Nước Pháp sẽ thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại” [ 73 , tr.234]. Theo Sắc lệnh ngày 17/10/1887 của Tổng thống Pháp, Việt Nam bị tách thành 3 kỳ thuộc Liên bang Đông Dương. Xét theo tập quán và công pháp quốc tế, mọi hoạt động thực thi và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nói chung, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng kể từ sau Hiệp ước Petenôtre đến năm 1945 là do chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương và chính phủ Pháp thực hiện trên cơ sở kế thừa hợp pháp chủ quyền của Việt Nam trong quá khứ; (3) Suốt thời kỳ quản lý thuộc địa Việt Nam, người Pháp chưa bao giờ tuyên bố phủ nhận chủ quyền của nước An Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước Pháp có trách nhiệm bảo hộ. Mặc dù trong giai đoạn đầu, việc chưa hiểu cặn kẽ tất cả các vấn đề của An Nam và vì lợi ích của nước Pháp đã khiến cho giới chức thuộc địa phải cân nhắc thiệt hơn, dẫn đến việc chưa thực sự quyết liệt trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, nhưng khi có một số nước (Trung Quốc và Nhật Bản) lên tiếng đòi hỏi chủ quyền vô lý ở một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì người Pháp có thái độ kiên quyết, tích cực trong việc quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa; (4) Cho đến trước khi quân đội Nhật Bản chiếm giữ, người Pháp đã xây dựng hải đăng, lập trạm khí tượng và vô tuyến điện, dựng bia chủ quyền, tổ chức thám sát hải dương, triển khai các hoạt động tuần tra, giám sát, tổ chức lực lượng binh lính đồn trú, thiết lập đơn vị hành chính, sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên…; (5) Các hoạt động của Pháp ở quần đảo Hoàng Sa xét cho cùng là nhằm để bảo vệ tối đa quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, về mặt khách quan, những hoạt động đó đã đóng góp không nhỏ vào việc duy trì, tổ chức chặt chẽ hơn việc thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam trước ngày bị Nhật đảo chính (9/3/1945).

KẾT LUẬN

Với tầm nhìn chiến lược và vai trò quan trọng của biển đảo, từ nửa đầu thế kỷ XVII, các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam đã sử dụng hình thức chiếm hữu thực sự, liên tục và hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn lịch sử đối với Hoàng Sa và Trường Sa, khi hai quần đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Với tư cách là chủ nhân của quần đảo này, nhà nước phong kiến Việt Nam trên thực tế đã làm chủ quần đảo Hoàng Sa bằng những hoạt động tổ chức khai thác kinh tế, khảo sát, đặt bia, xây miếu, bảo vệ ngư dân, đặt ra các quy định thưởng phạt, thực hiện nghĩa vụ trong việc bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế, cứu hộ người bị hại… Từ sau Hiệp ước Patenôtre (1884) đến trước ngày bị Nhật đảo chính (1945), người Pháp vẫn xem quần đảo Hoàng Sa “là một phần của chủ quyền thuộc An Nam, mà nước Pháp phải có trách nhiệm bảo vệ một cách chắc chắn về sự toàn vẹn” 74 , do đó, chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương và chính phủ Pháp ở chính quốc luôn tuyên bố chủ quyền, phản đối sự mạo nhận chủ quyền của Trung Quốc, Nhật Bản, đồng thời có những bước tiến lớn trong việc khai thác, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa bằng việc đưa chiếm hạm ra phối hợp cùng lực lượng tại chỗ để tuần tra, canh gác, chặn bắt tàu thuyền nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp; cùng với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo như đài khí tượng, hải đăng tại Hoàng Sa, cầu tàu, kho bãi cùng các cơ sở lưu trú; cấp phép đánh bắt cá, vớt rong biển, khai thác phosphate, dựng bia chủ quyền, thiết lập đơn vị hành chính.... Do đó, mặc dù có một thời gian dài bị mất độc lập, nhưng chủ quyền lãnh hải, hải đảo của Việt Nam không hề bị gián đoạn, và là cơ sở pháp lý quốc tế để nhân dân Việt Nam tiếp tục bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung, quần đảo Hoàng Sa nói riêng trong hiện tại và tương lai.

LỜI CÁM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong khuân khổ đề tài mã số B2022-18b-03.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐHQG: Đại học Quốc gia

TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

NXB: Nhà xuất bản

KHXH: Khoa học Xã hội

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Các tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của riêng nhóm tác giả. Kết quả nghiên cứu được rút ra trong khuân khổ đề tài mã số B2022-18b-03. Hai tác giả cùng phác thảo ý tưởng, thu thập dữ liệu, phân tích và trình bày các kết quả nghiên cứu. Tác giả Lưu Văn Quyết chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và hoàn thiện bài viết.

References

  1. Hong Nguyen Thao. Vietnam's Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claims. Journal of East Asia International Law. No.1, 2012. . ;:. Google Scholar
  2. Nguyễn Phan Quang. Việt Nam thế kỷ XIX. Tp.HCM: Nxb Tp.HCM, 2002. . ;:. Google Scholar
  3. Christopher Budd, Dalbir Ahlawat. Reconsidering the Paracel Islands Dispute: An International Law Perspective, Strategic Analysis. No. 6 (39), 2015. . ;:. Google Scholar
  4. Nguyễn Phương Nam. Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn 1884-1954. In trong: Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Sức mạnh của tài liệu lưu trữ. Hà Nội: Nxb Thông tin và Truyền thông, 2015. . ;:. Google Scholar
  5. Sauvaire Jourdan. Les Paracels infiniment petits de notre domaine colonial. La Nature, Paris. 1 Novembre 1933, No. 2916. . ;:. Google Scholar
  6. Arthur J. Dommen. The Indochinese Experience of the French, and the Americans, Nationalism and Communism in Cambodia, Laos and Vietnam. Bloomington, IN: Indiana University Press, 2002. . ;:. Google Scholar
  7. Điện tín của Bộ trưởng Hải quân Pháp ngày 18 tháng 2 năm 1929. Hồ sơ số 6359-ĐI-CH. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  8. Lưu Anh Rô. Hoạt động khai thác và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Luận án tiến sĩ Sử học, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, 2020. . ;:. Google Scholar
  9. Henri Cucherousset. La question des îles Paracels. L'Éveil Economique de l'Indochine. 26 Mai 1929, N.623. . ;:. Google Scholar
  10. Điện tín ngày 26 tháng 7 năm 1899 của Bộ trưởng thuộc địa Pháp về quần đảo Hoàng Sa. Hồ sơ SG-INDO-31. Tài liệu lưu tại Bộ ngoại giao cộng hòa Pháp. . ;:. Google Scholar
  11. Olivier A., Saix. Lies Paracels. La Geographie, Paris. 11 December 1933, No.234. . ;:. Google Scholar
  12. Foreign Broadcast Information Service, Daily report. Asia & Pacific, Springfield. The Service, National Technical Information Service. 1982. . ;:. Google Scholar
  13. Do Thanh Hai. Vietnam and the South China Sea: Politics, Security and Legality. Routledge, 2017. . ;:. Google Scholar
  14. Lưu Văn Quyết. Chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1858 đến năm 1975. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (VNU-HCM), 2022. MS: B2022-18b-03. . ;:. Google Scholar
  15. Phương Lâm. Bộ hồ sơ đèn biển - minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam, 2014 (truy cập ngày 21/5/2022). . ;:. Google Scholar
  16. Bùi Hồng Long (cb). Quần đảo Hoàng Sa - Những hiểu biết đầu thế kỷ XX. Hà Nội: Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 2012. . ;:. Google Scholar
  17. Henri Cucherousset. Du Charbonpourle De Lanessan. L'Éveil économique de l'lndochine, Hanoi. 21 Juin 1925, No. 419. . ;:. Google Scholar
  18. Văn thư ngày 26 tháng 11 năm 1908 của Giám đốc Đài quan sát Trung ương Sở khí tượng Đông Dương về lập trạm khí tượng ở quần đảo Hoàng Sa. Hồ sơ 7-17575/GGI. Tài liệu lưu tại Bộ ngoại giao cộng hòa Pháp. . ;:. Google Scholar
  19. Văn thư ngày 29 tháng 4 năm 1911 của Giám đốc Đài quan sát Trung ương Sở khí tượng Đông Dương về lập trạm khí tượng ở quần đảo Hoàng Sa. Hồ sơ 7-17575/GGI. Tài liệu lưu tại Bộ ngoại giao cộng hòa Pháp. . ;:. Google Scholar
  20. Journal des débats politiques et littéraires, Paris. 4 Jullet 1938, No. 158. . ;:. Google Scholar
  21. Cù Thị Dung. Quần đảo Hoàng Sa trên báo Presse Indochinoise. Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng. Số 4, 2012. . ;:. Google Scholar
  22. Madrolle Claudius. La question de Hai-nan et des Paracels. Politique Étrangère. Juin 1939, No. 3. . ;:. Google Scholar
  23. Îles Paracels et Indochine. L'Éveil Economique. 30 Décembre 1928, No. 602. . ;:. Google Scholar
  24. Điện tín gửi Toàn quyền Đông Dương về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa tháng 12 năm 1898. Hồ sơ SG-INDO-31. Tài liệu lưu tại Bộ ngoại giao cộng hòa Pháp. . ;:. Google Scholar
  25. Henri Cucherousset. Les iles Paracels et la sécurité de l'Indochine. L' Éveil économique de l'Indochine. 10 Mai 1931, No. 685. . ;:. Google Scholar
  26. Báo cáo của J. Delacour và P. Jabouille về một số công tác của Sở Hải dương Ngư nghiệp học Đông Dương Sài Gòn, năm 1930. Hồ sơ: Bib-Som-653. Tài liệu lưu tại Bộ ngoại giao cộng hòa Pháp. . ;:. Google Scholar
  27. Bộ Ngoại Giao - Ủy ban biên giới quốc gia. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội: Nxb Trí thức, 2013. . ;:. Google Scholar
  28. Jing Huang, Andrew Billo (eds.). Territorial Disputes in the South China Sea: Navigating Rough Waters. Palgrave Macmillan, London, 2014. . ;:. Google Scholar
  29. Tư văn số 40-HC/3 ngày 1 tháng 9 năm 1960 của Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam về việc kiểm soát các quần đảo, đề nghị thiết lập tại đây 1 đơn vị xã. Hồ sơ 2679, ĐI-CH. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  30. Monique Chemillier-Gendreau. Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia (Nguyễn Hồng Thao dịch), 1998. . ;:. Google Scholar
  31. La Vie Diplômatique. Affaires étrangères, Paris. Octobre 1938, No. 8. . ;:. Google Scholar
  32. Echos et Nouvelles. Le Nouvelliste d'Indochine, Saigon. 5 Mars 1939, No.126. . ;:. Google Scholar
  33. Nguyễn Quang Ngọc. Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa - Tư liệu và sự thật lịch sử. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017. . ;:. Google Scholar
  34. Hồ sơ về ông Moshine Mahamedbhay đã làm việc tại Hoàng Sa. Hồ sơ 6810, ĐI-CH. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  35. Trương Minh Dục. Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài. Hà Nội: Nxb Văn hóa và Truyền thông, 2014. . ;:. Google Scholar
  36. Bulletin Administratif de l'Annam. 1930, No. 9. https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/cb327167055/date1930 (truy cập ngày 21/11/2021). . ;:. Google Scholar
  37. Hà Minh Hồng (cb). Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020. . ;:. Google Scholar
  38. Monique Chemillier-Gendreau. La souveraineté sur les archipels Paracels et Sparatleys. Maison d'édition L'Harmattan, Paris, 1996. . ;:. Google Scholar
  39. Lapique P. A.. A propos des Îles Paracels. Les Èditions d'Extrême-Asie, Saigon, 1929. . ;:. Google Scholar
  40. Báo cáo của phòng 2 Phủ toàn quyền Đông Dương ngày 31 tháng 8 năm 1898 về quần đảo Hoàng Sa. Hồ sơ SG-INDO-31. Tài liệu lưu tại Bộ ngoại giao cộng hòa Pháp. . ;:. Google Scholar
  41. Vũ Minh Giang. Căn cứ khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. In trong: Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Sức mạnh từ tài liệu lưu trữ. Hà Nội: Nxb Thông tin và Truyền thông, 2014. . ;:. Google Scholar
  42. Hurng Yu Chen. Territorial Disputes in the South China Sea under the San Francisco Peace Treaty. Issues & Studies. No. 50 (3), 2014. . ;:. Google Scholar
  43. Công hàm Bộ Ngoại giao Pháp gửi Đại sứ Trung Quốc tại Paris ngày 23 tháng 11 năm 1936. Tài liệu lưu tại Bộ ngoại giao cộng hòa Pháp. . ;:. Google Scholar
  44. Hạnh Dung, Minh Châu. Đóng góp của báo chí Pháp ở Đông Dương trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. In trong: Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Sức mạnh từ tài liệu lưu trữ. Hà Nội: Nxb Thông tin và Truyền thông, 2014. . ;:. Google Scholar
  45. Hồ Sĩ Quý. Quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - thực tế, không gián đoạn, hòa bình và minh bạch, 2014. https://vass.gov.vn/ (truy cập ngày 10/3/2022). . ;:. Google Scholar
  46. Letter No.704-A-Ex, dated 20 March 1930, from the Governor General ofIndochina, Hanoi, to the Minister for the Colonies, Paris. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  47. Phan Đăng Thanh. Biển, đảo Việt Nam và quy chế pháp lý của nó. Ngày 8/2/2013. http://dec.ctu.edu.vn (truy cập ngày 10/5/2022). . ;:. Google Scholar
  48. Dans Ia mer de Chine. La Croix, Paris. 15 Mars 1934, No.15664. . ;:. Google Scholar
  49. Convention Concerning the Delimitation of the Border Between China and Tonkin. June 26, 1887. . ;:. Google Scholar
  50. Hungdah Chiu, Choon ‐ Ho Park. Legal status of the Paracel and Spratly Islands. Ocean Development & International Law. No. 3 (1), 1975. . ;:. Google Scholar
  51. Les iles Paracells n'ont jamais recu de materiel de guerre. Le Jour du 13 juillet 1938. . ;:. Google Scholar
  52. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Nhân tố Nhật Bản trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai - góc tiếp cận từ nguồn tài liệu lưu trữ của Pháp. Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế. Số 1 (104), 2016. . ;:. Google Scholar
  53. Ulises Granados. Japanese Expansion into the South China Sea - Colonization and Conflict 1902 -1939. Journal of Asian History. No. 2 (42), 2008. . ;:. Google Scholar
  54. Kazumasa Kikuchi. Các nước Đông Nam Á và dân cư. Đại Minh Đường phát hành (tái bản năm Chiêu Hòa 61), Tokyo, 1986. . ;:. Google Scholar
  55. Raul Pedrozo. China versus Vietnam: An Analysis of the Competing Claims in the South China Sea, Arlington, VA: CNA Corporation, 2014. . ;:. Google Scholar
  56. MFAE, ASIE-OCEANIE, Indochine, Gouvememenf General de I'Indochine. Direction ies Affaires Politiques et Indigenes. Note le 6 mai 1921. . ;:. Google Scholar
  57. Stein Tønnesson. The South China Sea in the Age of European Decline. Modern Asian Studies. No. 40 (1), 2006. . ;:. Google Scholar
  58. La question des Paracels. France Outre - Mer. 22 Juillet 1938. No. 295-504. . ;:. Google Scholar
  59. Nguyễn Quang Trung Tiến. Cuộc đấu tranh với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước năm 1945 (Qua tài liệu báo chí đương thời). Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Số 5 (148), 2018. . ;:. Google Scholar
  60. Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa. Kỷ yếu Hoàng Sa. Hà Nội: Nxb Thông tin và Truyền thông, 2014. . ;:. Google Scholar
  61. Le Diplomate Errant. La valise entrouverte. L'Europe nouvelle, Paris. 2 Janvier 1921, No. 1. . ;:. Google Scholar
  62. Bộ ngoại giao Sài Gòn. Bạch thư về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1975. Hồ sơ 268-G/SG. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  63. Claudius Madrolle. La question de Hai-nan et des Paracels. Politique étrangère. Volume 4, Numéro 3, 1939. . ;:. Google Scholar
  64. Le Japon proteste et ment a propos des iles Paracels. L'Humanite, Paris. 9 juillet 1938. . ;:. Google Scholar
  65. Le Japon et l'occupation des iles Paracel. Le Petit Parisien, Paris. 6 Juillet 1938, No. 22407. . ;:. Google Scholar
  66. Bernard Serampuy. Chroniques. Sciencespolitiques. Aout 1938, No. 9. . ;:. Google Scholar
  67. MFAE, ASIE-OCEANIE Chine, Paracels (1946 - 1947). Note le 25 Avril 1939, No. 326. . ;:. Google Scholar
  68. Le Japon aux iles de la Tempete possessions francaises. L' Ere Nouvelle. 4 Avril 1939. . ;:. Google Scholar
  69. La France proteste officillement a Tokio contre I'annexion des iles Spratly. L'Epoque. Le 7 Avril 1939. . ;:. Google Scholar
  70. Lãng Hồ. Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam. Tập san Sử Địa, Sài Gòn. Số 29, 1975. . ;:. Google Scholar
  71. Michael Brecher, Jonathan Wilkenfeld. A Study of Crisis. Ann Arbor: University of Michigan Press, 1997. . ;:. Google Scholar
  72. Nguyễn Nhã. Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nguyên nhân và giải pháp. In trong: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010. . ;:. Google Scholar
  73. Dương Kinh Quốc. Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945 (tập 1). Hà Nội: Nxb KHXH, 1981. . ;:. Google Scholar
  74. La question des îles Paracels. L'Éveil Economique. 26 Mai 1929, No. 623. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 1826-1838
Published: Mar 30, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i1.842

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Quyet, L., & Nguyet, N. T. A. (2023). The French colonial government’s activities in managing and exploitating the Paracel Islands archipelago in the period of 1884-1945. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(4), 1826-1838. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i1.842

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 423 times
PDF   = 217 times
XML   = 0 times
Total   = 217 times