VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

860

Total

302

Share

Developing the sustainable community-based tourism in Ly Son Island, Ly Son District, Quang Ngai Province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Community-based tourism (CBT) has become a potential form of tourism in rural areas around the world and in Vietnam, where local communities are the main subject exploiting tourism resources to create tourism products provided for tourists and, the benefits from tourism activities are equally distributed to them. Based on the unique potential tourism resources, local communities and other stakeholders in Ly Son Island (Ly Son District, Quang Ngai rovince) are actively developing the CBT in association with the orientation of tourism becoming a spearhead economic sector, creating a driving force for the socio-economic development of the district. However, in recent years, the CBT development in Ly Son Island has revealed limitations, inefficiencies, and lack of sustainability in exploiting tourism resources as well as product quality. Although researches on sustainable tourism have been quite popular in the world, specific research on sustainable CBT in islands, especially in ones in Viet am, is rarely mentioned. This study used deep interviews, ethnographic fieldwork, and the assets-based community development (ABCD) method to analyze the potential and status of the CBT development in Ly Son Island, thereby suggesting sustainable development orientations from three angles: economic efficiency, improvement of local community capacity, and environmental sustainability.

Đặt vấn đề

Nhiều nghiên cứu đã xác định DLCĐ là một mô hình phát triển phù hợp để tối đa hóa lợi ích kinh tế - xã hội của du lịch và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường 1 cũng như tạo ra triển vọng tốt hơn để mang lại sự phát triển du lịch bền vững và hiệu quả 2 . DLCĐ bền vững là một phương pháp hiệu quả để nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo các vùng nông thôn 3 .

Phát triển của DLCĐ làm tăng số lượng cơ sở vật chất, đường sá, công viên, các điểm tham quan giải trí và văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân và tôn trọng văn hóa bản địa 4 . Tại Việt Nam, DLCĐ cũng đã đem lại nhiều lợi ích thực sự về mặt kinh tế, xã hội và môi trường cho người dân ở các vùng nông thôn. Nhân tố chính đóng góp cho sự thành công của loại hình du lịch này chính là cộng đồng địa phương. Họ có mối quan hệ mật thiết trong việc khai thác tài nguyên du lịch để hình thành nên các sản phẩm du lịch. Vì thế, việc phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng là quan điểm phát triển hợp lý, ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích.

Tuy vậy, vẫn tồn tại những thách thức lớn khi phát triển du lịch cộng đồng như hạn chế về năng lực cộng đồng địa phương, tiếp thị và hiệu quả kinh tế 5 . Những hạn chế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cư dân địa phương dẫn đến việc phát triển du lịch cộng đồng không bền vững. Vì vậy, để du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả, cần đảm bảo cả 3 yếu tố về kinh tế, năng lực cộng đồng và môi trường 6 . Nhiều nghiên cứu cho rằng cách tiếp cận này có thể giảm tác động tiêu cực của du lịch đồng thời tăng tác động tích cực của nó 7 .

Phát triển du lịch trên các đảo là một chủ đề phổ biến trong nghiên cứu về du lịch trên thế giới 8 cũng như du lịch bền vững ở các quốc gia phát triển chú trọng kinh tế biển. Nhiều nhà nghiên cứu đã ủng hộ việc thực hiện các chính sách và chiến lược nhằm phát triển du lịch bền vững trên các đảo 9 . Tính bền vững ở các điểm du lịch trên đảo có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó trước những thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội, khi đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn 10 . Tại Việt Nam, các nghiên cứu về du lịch trên các đảo cũng được đề cập hạn chế trong một số nghiên cứu theo hướng tìm hiểu tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm 11 , 12 , văn hóa biển đảo 13 , bảo vệ chủ quyền biển đảo 14 hay bảo vệ môi trường nước 15 . Tuy vậy, việc phát triển DLCĐ bền vững vẫn chưa được tìm hiểu xứng đáng.

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là đơn vị hành chính tiền tiêu của đất nước, có vai trò đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có tiềm năng rất lớn để giao lưu kinh tế giữa các vùng, miền trong và ngoài nước và đặc biệt là phát triển du lịch biển đảo 16 . Huyện đảo Lý Sơn gồm 2 đảo là đảo Lớn và đảo Bé, trong đó đảo Lớn là trung tâm phát triển của toàn huyện. Thời gian quan, du lịch trên địa bàn đảo Lớn chủ yếu phát triển theo hướng DLCĐ, tuy vậy, hiện trạng phát triển DLCĐ trên đảo (nghiên cứu cụ thể tại đảo Lớn, thuộc huyện đảo Lý Sơn) vẫn chưa thực sự xứng tầm và đảm bảo các tiêu chuẩn bền vững, nhiều hạn chế đã bộc lộ trong quá trình phát triển như tính đa dạng, chất lượng sản phẩm cung cấp cho du khách, năng lực chuyên môn của cộng đồng và đặc biệt là vấn đề môi trường 17 .

Vì thế, bài viết này tiến hành nghiên cứu phát triển DLCĐ theo hướng bền vững trên đảo Lớn. Kết quả nghiên cứu có vai trò lý luận và thực tiễn quan trọng, vừa bổ sung vào khối kiến thức chung về du lịch trên các đảo tại Việt Nam, vừa đánh giá hiện trạng và đề xuất các định hướng phù hợp cho việc phát triển DLCĐ bền vững trên đảo. Nghiên cứu này, do đó, tiến hành để đánh giá tiềm năng, hiện trạng phát triển và đưa ra các định hướng phát triển DLCĐ theo hướng bền vững trên địa bàn đảo Lớn, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Du lịch cộng đồng đã và đang trở nên phổ biến, loại hình du lịch này đang ngày càng được chú ý như một phương tiện xóa đói giảm nghèo thông qua thúc đẩy phát triển cộng đồng địa phương 3 . Ở một khía cạnh khác, đây là một hình thức du lịch giúp bù đắp những tác động tiêu cực của du lịch thông thường như lãng phí, sự mất kiểm soát các nguồn tài nguyên du lịch, mất cân bằng trong phân chia lợi ích du lịch, cộng đồng không được thụ hưởng các lợi ích của việc phát triển du lịch 7 .

DLCĐ là một loại hình du lịch bền vững nhằm thúc đẩy các chiến lược vì người nghèo trong môi trường cộng đồng 3 , 5 , ở đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp, đóng vai trò chủ yếu trong các giai đoạn hình thành, cung cấp sản phẩm du lịch và được thụ hưởng các lợi ích một cách công bằng 18 . Các sáng kiến du lịch cộng đồng nhằm thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc điều hành và quản lý các dự án du lịch như một phương tiện xóa đói giảm nghèo và cung cấp nguồn thu nhập thay thế cho các thành viên cộng đồng.

Hiện nay, có nhiều định nghĩa về tính bền vững và phát triển bền vững 19 . Phát triển du lịch bền vững là việc phát triển hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và cộng đồng bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai 20 . Du lịch bền vững có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế – xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái hỗ trợ cho cuộc sống con người 21 . Tính bền vững được thể hiện qua 3 khía cạnh: bền vững về kinh tế, bền vững về văn hóa – xã hội, bền vững về môi trường.

Chính sách phát triển du lịch bền vững dựa trên ba nguyên tắc: phát triển kinh tế công bằng, nâng cao năng lực cộng đồng và bảo tồn môi trường 18 . Từ đó, với việc phát triển du lịch cộng đồng trên đảo Lớn, huyện Lý Sơn, nghiên cứu sẽ đề xuất dựa trên các mô hình về phát triển bền vững trên 3 yếu tố: cộng đồng là chủ thể, bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường ( Figure 1 ).

Figure 1 . Mô hình phát triển DLCĐ theo hướng bền vững 18

Figure 1 
<a class=18" width="300" height="200">

[Download figure]

Nghiên cứu định tính là phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu này, cụ thể là điền dã dân tộc học với kỹ thuật quan sát tham dự, phỏng vấn sâu theo hướng tiếp cận ABCD (phát triển cộng đồng dựa vào nội lực có sẵn) để cộng đồng nhận định các nguồn lực hiện có, đưa ra các mong muốn trong tương lai. Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp cũng được sử dụng để bổ sung dữ liệu làm cơ sở cho quá trình phân tích kết quả nghiên cứu. Phương pháp ABCD được giới thiệu đầu tiên bởi John McKnight và Jody Kretzmann vào năm 1993. Hai tác giả đã phác thảo một cách tiếp cận dựa trên nhu cầu và nguồn lực hiện có của các cộng đồng nghèo. Quá trình này trao quyền cho cộng đồng để tập hợp sức mạnh của họ vào các liên kết mới, cơ hội mới, nguồn thu nhập mới và khả năng mới cho sản xuất. Góc nhìn của nghiên cứu này khi quan sát tham dự và phỏng vấn sâu dựa trên nội lực và nguồn lực sẵn có của cộng đồng để đề xuất các giải pháp phát triển bền vững.

Nhóm tác giả đã thực hiện 3 chuyến điền dã đến đảo Lớn trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2020, mỗi chuyến kéo dài từ 3 đến 5 ngày để quan sát, tham dự vào hoạt động kinh tế, văn hóa và đời sống của cộng đồng nhằm thu thập các dữ liệu phục vụ nghiên cứu. Các cuộc phỏng vấn sâu đã được thực hiện với: 10 hộ kinh doanh homestay và dịch vụ du lịch, 3 hộ không tham gia kinh doanh du lịch, 3 cán bộ quản lý địa phương (1 Phó Chủ tịch huyện, 1 Trưởng Phòng Văn hóa, thông tin huyện, 1 cán bộ chuyên trách du lịch) và đại diện 2 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Các tài liệu thứ cấp bao gồm các báo cáo, chiến lược, kế hoạch phát triển của địa phương, các công trình nghiên cứu liên quan,… cũng được tập hợp để phục vụ cho nghiên cứu này. Một hội nghị đánh giá đề án xây dựng Mô hình phát triển sản phẩm DLCĐ trên địa bàn cũng đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào tháng 12 năm 2020, thông qua đó nghiên cứu tiếp tục thu thập các dữ liệu phục vụ bài viết này.

Kết quả và thảo luận

Tiềm năng du lịch cộng đồng trên đảo Lớn, huyện Lý Sơn

Tài nguyên du lịch tự nhiên

Đảo Lớn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên giàu tiềm năng và có giá trị nguyên bản cao, trên đảo có nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo đang khai thác phục vụ du lịch 17 . Đảo Lớn có địa hình đồi núi kết hợp với thềm lục địa kiến tạo từ nham thạch cùng hệ sinh thái đất liền và biển đa dạng 22 . Trên địa bàn đảo có 5 ngọn núi (Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Tai, Hòn Vung) được hình thành do hoạt động của núi. Hai miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền có vẻ đẹp đặc sắc, đang được khai thác phát triển du lịch.

Xung quanh các chân núi, địa hình có dạng bậc thang, độ dốc từ 8 o – 15 o , phù hợp cho hoạt động dã ngoại, leo núi và ngắm cảnh 16 . Bên cạnh đó, những vách đá trên đảo tại khu vực hang Câu đến chùa Hang, hòn Mù Cu, cổng Tò Vò,… có giá trị độc đáo trong phát triển du lịch và thám hiểm địa chất. Hiện nay, các tài nguyên này còn tồn tại ở dạng nguyên sơ, chưa được đưa vào đầu tư và khai thác bài bản, đây vừa là điểm mạnh vừa là điểm hạn chế 23 .

Tài nguyên du lịch văn hóa

Đảo Lớn nói riêng và đảo Lý Sơn nói chung giàu tài nguyên văn hóa với nhiều di tích lịch sử và một hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú 24 . Các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây đã tìm ra các mộ nồi, các công cụ,... cho thấy đảo Lý Sơn từng có cư dân cách nay ít nhất 2.500 - 3.000 năm, họ là chủ nhân Văn hóa Sa Huỳnh hệ biển đảo, kế đó là Văn hóa Chămpa, trong môi trường biển – đảo 25 , 26 . Lớp văn hóa Việt kế tiếp cũng tạo được nhiều di sản quý báu: có nhiều ca dao, ngạn ngữ đặc thù nói về chính mảnh đất này, tâm tình hướng về đất liền, về cội nguồn, đặc biệt còn có những bài đề cập đến tinh thần yêu nước thông qua việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đảo Lớn hiện có có 6 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 19 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đặc biệt còn có các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn liền với Hải đội Hoàng Sa và chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trên đảo có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng như: chùa Hang, chùa Đục, đình làng An Hải, đình làng An Vĩnh, Âm Linh tự, Nhà trưng bày đội Hoàng sa Bắc Hải,… 24 .

Văn hóa ẩm thực của Lý Sơn là sự kết hợp độc đáo giữa hương vị biển đảo và sản vật nông nghiệp đặc trưng trên đảo, tạo thành các món ăn đặc sắc, mang hương vị riêng biệt, tạo điểm nhấn thu hút du khách khi đến đây như: bánh ít lá gai, gỏi rong biển, gỏi tỏi, cua Hoàng đế, xu xoa, ốc Lý Sơn, chả cá,…

Tài nguyên khác

Ngoài ra, còn phải kể đến hệ sinh thái nông nghiệp biển đảo. Lý Sơn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”. Tỏi là nông sản chủ lực, là nguồn thu nhập chính của nông dân trên đảo. Tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến bởi hương vị đặc trưng độc đáo: thơm dịu, cay dịu và có hàm lượng tinh dầu cao 24 . Bên cạnh tỏi, Lý Sơn còn có các loại nông sản đặc trưng khác như hành, dưa hấu,… Tất cả tạo nên diện mạo cảnh quan nông nghiệp đặc sắc theo mùa vụ.

Hiện trạng phát triển du lịch trên đảo Lớn, huyện Lý Sơn

Năm 2007 là năm khai trương tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn đầu tiên và triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch biển đảo Lý Sơn giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015. Từ đó đến nay, nhiều chủ trương, chính sách đã được xây dựng nhằm đẩy mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong thời gian qua, khi cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch được đầu tư phát triển mạnh, Lý Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, nhất là tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa du lịch Lý Sơn trong các năm 2018, 2019 với nhiều hoạt động đặc sắc. Chính quyền địa phương khuyến khích phát triển DLCĐ trên cơ sở khai thác tiềm năng của đảo, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch (Phỏng vấn sâu số 1),… Nhờ vậy, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, lượng khách du lịch tăng bình quân 14,8%/năm, tổng lượt khách năm 2020 ước đạt 290.000 người, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 27 ( Table 1 ).

Table 1 Bảng tổng hợp lượt khách đến Lý Sơn giai đoạn 2014 - 2020

Nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tổng số lao động du lịch toàn huyện gần 7.000 người, trong đó có gần 2.000 lao động trực tiếp. Trên địa bàn đảo Lớn, có 45 hộ đang tham gia kinh doanh homestay và nhiều hộ tham gia kinh doanh dịch vụ bổ sung 16 . “Nhiều hộ gia đình đã linh hoạt chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm du lịch, mạnh dạn vay vốn đầu tư các trang thiết bị, mua sắm ô tô, xe máy… làm du lịch cộng đồng” (Phỏng vấn sâu số 3). Người dân cũng được tham gia các lớp tập huấn cơ bản về nghiệp vụ chuyên môn du lịch, an toàn thực phẩm và phòng cháy chữa cháy định kỳ hằng năm, “tôi tham gia nhiều lớp tập huấn lắm, được cấp giấy chứng nhận mới được đăng ký kinh doanh homestay, mình cũng biết và học được thêm nhiều” (Phỏng vấn sâu số 5).

Tuy vậy, số lượng hộ dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng trên đảo cũng còn khá hạn chế (45/6089 hộ trên đảo Lớn, chiếm 0,7%) 17 . Việc du lịch cộng đồng chưa thu hút được nhiều chủ thể tham gia xuất phát từ nhiều nguyên nhân, điển hình và rõ nét nhất là từ nhận thức về hiệu quả kinh tế và năng lực cộng đồng. “Người dân cũng muốn tham gia nhiều, tuy vậy họ không đủ các điều kiện về năng lực hay thiếu vốn” (Phỏng vấn sâu số 3), các hộ còn lại chủ yếu nhận thấy “hiện tại làm nông và đi biển, kinh doanh là đủ sống rồi, làm du lịch cũng không thu nhập cao hơn mấy, chủ yếu thu được tiền thuê phòng” (Phỏng vấn sâu số 14, 16).

Về sản phẩm, dịch vụ du lịch: đa số các hộ tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho du khách ở dạng giản đơn và thuần túy thông qua dịch vụ lưu trú, ăn uống tại homestay, cho thuê xe máy và các hình thức dịch vụ trải nghiệm khác cho du khách nhằm đa dạng hóa sản phẩm 24 (phỏng vấn sâu 4, 5). Một số hộ dân cũng có ý tưởng đưa thêm một số dịch vụ cho du khách nhưng rất hạn chế và còn nằm ở dạng ý tưởng do chưa thể triển khai cụ thể và gặp khó khăn về các điều kiện hỗ trợ (vốn, cơ sở vật chất) (phỏng vấn sâu số 7, 8, 9).

Tóm lại, thực trạng hoạt động du lịch đã bộc lộ một số hạn chế nhất định: sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa đảm bảo chất lượng và phần nhiều tự phát, chủ yếu phát triển thông qua hoạt động kinh doanh homestay kèm theo dịch vụ ăn uống nên hiệu quả kinh tế và lợi ích cộng đồng nhận được còn hạn chế (Phỏng vấn sâu số 1, 2, 3). Do cộng đồng dân cư chưa ý thức được việc cần phải phát triển bền vững du lịch, nhất là chưa chú trọng vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, bảo tồn tài nguyên du lịch, bảo vệ chất lượng môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái biển trên đảo nên tài nguyên du lịch dần bị suy thoái và xuống cấp.

Định hướng phát triển DLCĐ theo hướng bền vững

Phát triển DLCĐ bền vững theo hình thức chuỗi giá trị theo hướng tăng cường lợi ích cho cộng đồng

Phát triển du lịch theo hình thức chuỗi giá trị là cách tiếp cận có ý nghĩa lớn đối với việc sản xuất ổn định và bền vững về sản phẩm, dịch vụ, ngành hàng. Phát triển DLCĐ tại đảo Lớn định hướng xây dựng theo các hợp phần dịch vụ chính và chỉ rõ các dịch vụ chi tiết trong hợp phần đó được thể hiện thông qua chuỗi các hoạt động từ thiết kế sản phẩm, mua dịch vụ đến tiếp thị, bán hàng, điều hành, hướng dẫn để mang đến sản phẩm là sự trải nghiệm cho du khách 28 .

Việc áp dụng các chuỗi giá trị DLCĐ có sự tham gia giữa nhiều bên, được thực hiện qua nhiều khâu, trong đó cộng đồng là chủ thể thực hiện chính dưới sự hỗ trợ của các bên liên quan để khắc phục thực trạng “hiện nay các doanh nghiệp cũng rất mong muốn kết hợp với hộ dân để cung cấp sản phẩm du lịch cho khách nhưng các hộ chủ yếu làm homestay thôi, hoặc nấu ăn cho khách, chưa đủ sự da dạng và chất lượng để phục vụ khách theo đoàn” (Phỏng vấn sâu số 17, 18).

Cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch trên địa bàn nghiên cứu chủ yếu chỉ thực hiện khâu cung ứng dịch vụ lưu trú và ăn uống, một số rất ít có tham gia vào hoạt động quảng bá riêng rẽ và hoạt động quảng bá chung của địa phương 29 , hầu như chưa có cộng đồng tham gia vào các nội dung khác theo hình thức chuỗi. Vì thế, việc định hướng mô hình DLCĐ theo hình thức chuỗi giá trị và tăng cường tính tự chủ của cộng đồng trong chuỗi là cần thiết.

Dựa trên kết quả khảo sát thực tế, kế thừa mô hình chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp 28 và mô hình dịch chuỗi cung ứng sản phẩm DLCĐ 29 , nghiên cứu đề xuất mô hình chuỗi giá trị DLCĐ bền vững như trong Figure 2 .

Figure 2 . Chuỗi giá trị DLCĐ theo hướng bền vững trên đảo Lớn 28 , 29

Figure 2 
<a class=29" width="300" height="200">

[Download figure]

Chuỗi giá trị chỉ ra các hợp phần dịch vụ chính, các dịch vụ cụ thể mà cộng đồng có thể cung cấp cho du khách khi trải nghiệm, các dịch vụ này được thực hiện theo mục tiêu bền vững. Với các mảng dịch vụ lớn: lữ hành, vận chuyển, lưu trú & ăn uống, vui chơi giải trí & mua sắm, tiếp thị & quảng bá, cụ thể như sau:

Về lữ hành, “hiện trên đảo chưa có trung tâm thông tin du lịch, các hộ dân tham gia hoạt động du lịch cũng chưa liên kết để hình thành các trung tâm điều hành, thông tin” (Phỏng vấn sâu số 2). Trong thời gian tới, các hộ dân cần liên kết dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để hình thành các tổ chức quản lý, từ đó điều phối các hoạt động của cộng đồng như cung cấp thông tin, cung cấp sản phẩm du lịch, thiết kế và phát triển sản phẩm, đào tạo hướng dẫn viên địa phương,… Sự thành công của việc hình thành các tổ chức quản lý cộng đồng để điều hành hoạt động DLCĐ hiệu quả và bền vững đã được chỉ ra trong nghiên cứu trường hợp Cồn Sơn, Cần Thơ 30 .

Về vận chuyển, hiện nay người dân chủ yếu kinh doanh dịch vụ vận chuyển qua hình thức cho thuê xe máy, giá thuê khoảng 120.000 đồng/ngày, “du khách chủ yếu thuê xe máy của tôi để tham quan do đảo cũng không quá rộng, tôi cũng có thêm tiền” (Phỏng vấn sâu số 6), hoặc dùng thuyền vận chuyển du khách tham quan các bè cá khu vực xã An Hải, giá thuê khoảng 500.000 đồng/chuyến (mỗi chuyến khoảng 8-10 người) (Phỏng vấn sâu số 7). Dưới sự kết hợp của các hộ và vai trò điều phối của tổ chức quản lý, một mô hình hợp tác vận chuyển nên được triển khai để thống nhất dịch vụ, giá thành và chất lượng trên toàn đảo, đó có thể là các hình thức cho thuê xe máy, xe đạp, vận chuyển du khách bằng xe điện, thuyền, thuyền thúng,…

Về lưu trú và ăn uống, hình thức kinh doanh phổ biến nhất là homestay kết hợp phục vụ ăn uống hay quán ăn. Các mô hình hướng dẫn thu hoạch, sơ chế nông sản và nấu món ăn địa phương cũng đã được nhiều hộ dân quan tâm (Phỏng vấn sâu số 4, 6, 10, 11). Tuy vậy, họ vẫn chưa được trang bị kỹ năng để thực hiện (Phỏng vấn sau số 3). Lý Sơn có được ưu thế về sản vật nông nghiệp theo mùa, các vụ hành, tỏi, dưa hấu, ngô,… quanh năm giúp người kinh doanh tận dụng để phát triển các món đặc sản theo mùa vụ.

Về hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm: “Trên đảo hầu như chưa được đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí, chủ yếu do người dân tự tổ chức cho khách (lặn ngắm san hô, leo núi, thu hoạch nông sản,…) nhưng rất hạn chế” (Phỏng vấn sâu số 2). Sự thiếu hụt về dịch vụ giải trí và hoạt động mua sắm đã làm giảm tính thu hút và nguồn thu cho du lịch. Địa phương nên đầu tư các mô hình dịch vụ giải trí trọng điểm như mô hình lặn ngắm san hô, trồng-thu hoạch nông sản, lớp học nấu ăn,…

Về tiếp thị quảng bá, địa phương đã đầu tư quảng bá cho du lịch Lý Sơn thông qua thực hiện website du lịch, “các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch được đăng ký, đăng tin và giới thiệu sản phẩm trên website này hoặc hỗ trợ nguồn lực lắp các biển hiệu du lịch cho các hộ kinh doanh homestay” (Phỏng vấn sâu số 3). Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, triển lãm du lịch, lễ hội địa phương và truyền thông xã hội, các sản phẩm du lịch Lý Sơn cũng được quảng bá đến du khách. Trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy cách kênh này cũng như nâng cao khả năng quảng bá kết nối của cộng đồng kinh doanh du lịch, họ có thể tự mở ra các trang mạng xã hội, biển hiệu du lịch để giới thiệu với du khách.

Để thực hiện thành công chuỗi giá trị trên, các nguyên tắc đảm bảo tăng lợi ích cho cộng đồng cần được quan tâm 31 . Nếu người dân đánh giá rằng việc tham gia chương trình phát triển du lịch bền vững là hữu ích đối với họ thì mức độ quan tâm đối với việc tham gia chương trình phát triển du lịch bền vững sẽ mạnh hơn 32 , “tôi không tham gia làm du lịch trên đảo vì chưa nhận thấy hiệu quả lắm, hiện kinh doanh vậy thì nhà tôi ổn rồi” (Phỏng vấn sâu số 15). Tăng cường sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng địa phương được xem là một trong những hướng đi quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Người dân cần được tạo cơ hội để tham gia chủ động vào du lịch và được phân chia lợi ích nhiều hơn, công bằng hơn 33 .

Nâng cao năng lực cộng đồng để phát triển DLCĐ theo hướng bền vững

Nâng cao năng lực cộng đồng khi tham gia vào các hoạt động du lịch giúp cộng đồng có nhận thức, thái độ tốt hơn và đảm bảo bền vững về văn hóa – xã hội 34 . Việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch là khả quan nếu như có các giải pháp và chính sách phù hợp để nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò tham gia của người dân và gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan 33 .

Để đảm bảo các lợi ích của việc phát triển du lịch và tính bền vững, cần có sự hợp tác hoạch định chính sách giữa các bên, tính chủ động, năng lực của cộng đồng chủ nhà 10 và cần phải có sự lãnh đạo hiệu quả trong cộng đồng 30 .

Hiện tại, “việc chủ động tham gia của cộng đồng trên đảo Lớn vào hoạt động du lịch tuy đã được tăng lên nhưng vẫn còn hạn chế, hầu hết là tự phát và theo phong trào” (Phỏng vấn sâu số 1). Cộng đồng đã dần tham gia vào việc cung cấp một số dịch vụ như: bán hàng lưu niệm, trực tiếp kinh doanh lưu trú tại nhà, cung cấp dịch vụ ăn uống, vận chuyển… và được hưởng lợi ích trong chuỗi giá trị du lịch. Tuy nhiên, do chưa có những chính sách và quy hoạch về DLCĐ cụ thể nên cộng đồng chưa thực sự là chủ thể tổ chức, những giá trị chính từ DLCĐ mà cộng đồng nhận được chưa được phát huy một cách đầy đủ 35 .

Nghiên cứu kế thừa mô hình nâng cao năng lực cộng đồng cho các tổ chức DLCĐ theo hướng bền vững 36 và dựa trên hiện trạng năng lực cộng đồng Lý Sơn cũng như các định hướng phát triển mô hình kinh tế DLCĐ trên đảo 29 để điều chỉnh phù hợp và chỉ ra các thành phần chính của công tác xây dựng năng lực cộng đồng. Các nội dung này cần được quan tâm thực hiện dựa trên nhu cầu và thái độ cộng đồng, tức là cách tiếp cận dựa vào cộng đồng và theo hướng bền vững ( Figure 3 ).

Figure 3 . Mô hình nâng cao năng lực cộng đồng 29 , 36

Figure 3 
<a class=36" width="300" height="200">

[Download figure]

Dựa trên mô hình này, để nâng năng lực cộng đồng trong việc phát triển DLCĐ bền vững, cần bắt đầu với việc nâng cao nhận thức về lợi ích du lịch của cộng đồng, thông qua đó lan tỏa tầm nhìn và xây dựng một mạng lưới lãnh đạo cộng đồng để phân quyền cho các cá nhân trong cộng đồng 36 . Việc đề ra các chiến lược và tiến hành tập huấn cho nhóm cộng đồng được thực hiện ở giai đoạn tiếp theo. Các nội dung chính cần chú ý đến gồm kiến thức, kỹ năng cơ bản, kỹ năng phát triển, kinh doanh sản phẩm, kỹ năng quản lý, điều hành, tài chính,… Từ đó, tiến hành xây dựng khung đánh giá sự thể hiện của các cá nhân tham gia. Quá trình này cần được thực hiện thông qua sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách pháp luật và các yếu tố hỗ trợ cần thiết khác cho cộng đồng.

Đối với trường hợp đảo Lớn, huyện Lý Sơn, trước hết có thể hình thành các Hợp tác xã về DLCĐ, phân quyền cho các cá nhân được tín nhiệm bầu chọn vào vị trí lãnh đạo, hình thành cơ chế quản lý, hoạt động và đánh giá của tổ chức để từ đó nâng cao vai trò, tính chủ động của cộng đồng. Các hoạt động tập huấn cũng nên được xem xét dưới góc độ tổ chức này để nâng cao năng lực của cộng đồng khi tham gia vào các hoạt động DLCĐ, trong đó, phải chú trọng đến vấn đề nhận thức và trao quyền cho cộng đồng trong việc tham gia của họ.

Tăng cường tính bền vững về môi trường

Tính bền vững về môi trường (trong DLCĐ) tập trung về các nội dung: bảo vệ môi trường tự nhiên, giảm thiểu các chất thải, thực hiện các kế hoạch phát triển thân thiện với môi trường, kiểm tra, đánh giá định kỳ 37 . Theo Nguyễn Xuân Anh (2015) 38 , phát triển du lịch bền vững cần rất nhiều các điều kiện khác nhau, trong đó, bền vững về môi trường giữ vị trí quan trọng. Để việc phát triển DLCĐ trên đảo Lớn được hiệu quả và bền vững, nghiên cứu này tập trung định hướng vào cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường hiện hữu.

Hiện nay, địa bàn huyện được tổ chức thu gom rác thải, “Từ tháng 02/2016 đến nay, Nhà máy xử lý rác thải Lý Sơn được UBND huyện bàn giao cho Công ty Đa Lộc thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện; hoạt động của Nhà máy góp phần cải thiện đáng kế môi trường tại các khu dân cư và các điểm du lịch trên địa bàn” (Phỏng vấn sâu số 1). Tuy vậy, các vấn đề về môi trường như: vấn đề rác thải nguy hại đặt gần khu vực đất sản xuất nông nghiệp; bao gói thuốc bảo vệ thực vật chưa được xử lý đúng cách; rải thác nông nghiệp sau thu hoạch tập kết gần bãi biển,… đã tạo nên nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, rác thải và nước thải vẫn còn chưa được xử lý hiệu quả, vấn đề quy hoạch nghĩa trang thiếu kiểm soát gây hạn chế về môi trường và cảnh quan.

Việc phát triển du lịch trên các đảo cần đặc biệt quan tâm tới duy trì chất lượng môi trường ở mức cao thông qua các kế hoạch cụ thể nhằm đáp ứng tính đặc biệt và dễ tổn thương của môi trường trên các đảo 39 . Trong thời gian tới, định hướng chính là bảo tồn và phát triển hài hòa, tôn trọng cảnh quan, địa chất, môi trường, hệ sinh thái, hình dạng và cấu trúc không gian, giữ nguyên giá trị hình ảnh đặc trưng của đảo Lớn. Chính quyền địa phương nên chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, dãn dân, giảm mật độ, tầng cao, tăng không gian xanh, bổ sung các tiện ích và bố trí quỹ đất ở mới. Việc xây dựng các công trình cần đồng bộ hài hòa với khu dân cư hiện hữu, cảnh quan chung, khuyến khích xây dựng nhà từ vật liệu thân thiện với môi trường.

Hơn thế nữa, cần có những giải pháp tiến hành quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại không gian một số khu vực quan trọng như di tích, các điểm du lịch, khu du lịch cộng đồng, khu vực bãi biển,… đảm bảo hài hòa cảnh quan, an toàn và tiện nghi cho du khách. Ngoài ra, cũng cần bảo tồn các vùng cảnh quan núi lửa, vùng nông nghiệp, các di tích lịch sử, tăng cường diện tích phủ xanh đồi núi cảnh quan.

Kết luận

Tóm lại, kết quả nghiên cứu đã nêu ra các định hướng nhằm phát triển DLCĐ theo hướng bền vững trên địa bàn đảo Lớn, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi dựa trên kết quả nghiên cứu về tiềm năng tài nguyên du lịch, hiện trạng phát triển cũng như định hướng, quy hoạch phát triển của địa phương trong thời gian tới.

Về kinh tế, nghiên cứu đề xuất phát triển mô hình DLCĐ theo hình thức chuỗi giá trị, phân chia các hợp phần dịch vụ và xác định vai trò chủ thể thực hiện. Về năng lực và tính tự chủ của cộng đồng, nghiên cứu đề xuất các nội dung chính cần triển khai tập huấn và đưa vào lộ trình phát triển năng lực, nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng. Các hạn chế về môi trường đã được chỉ ra để làm cơ sở cho các định hướng về cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan.

Việc đề xuất các nội dung định hướng giúp các bên liên quan có những khuyến nghị để triển khai tổ chức phát triển đảm bảo theo hướng bền vững, khai thác có hiệu quả, lâu dài, bảo tồn các tiềm năng du lịch, đặc biệt là gìn giữ các giá trị ưu thế về cộng đồng biển đảo. Trong tương lai, định hướng xây dựng sản phẩm DLCĐ là sản phẩm OCOP (One Community One Product – mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Quảng Ngãi theo quan điểm liên kết tương hỗ giữa du lịch, cộng đồng và nông nghiệp, xây dựng làng du lịch bền vững hướng đến giá trị xanh (môi trường xanh, văn hóa xanh) và phát triển trong sự hài hòa giữa các mối quan hệ. Kết quả nghiên cứu có giá trị tham khảo cho các công trình liên quan cùng chủ đề, đặc biệt là việc phát triển bền vững trên các vùng biển đảo.

Danh mục các từ viết tắt

DLCĐ: Du lịch cộng đồng

HDV: Hướng dẫn viên

CĐĐP: Cộng đồng địa phương

Lời cảm ơn

Nghiên cứu được tài trợ bởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong khuôn khổ đề án xây dựng mô hình sản phẩm trải nghiệm DLCĐ trên địa bàn đảo Lớn, huyện Lý Sơn.

Xung đột lợi ích

Bài viết không có xung đột lợi ích.

Tuyên bố về đóng góp của tác giả

Các đồng tác giả có đóng góp tương đương.

Tác giả Ngô Thị Thu Trang: lên ý tưởng, định hướng bộ công cụ nghiên cứu, định hướng cấu trúc bài viết.

Tác giả Trần Tuyên: xây dựng bộ công cụ nghiên cứu, phân tích dữ liệu nghiên cứu, viết và hoàn thiện bài viết.

Phụ lục

Table 2

Table 2 Danh sách tham gia Phỏng vấn sâu

References

  1. Moscardo G. Contested Visions of Tourism: Social representations of tourism development, Paper presented at the ATLAS Africa 2006 Conference, Mombasa, Kenya. . 2006;:. Google Scholar
  2. Tolkach D., King B.. Strengthening Community-Based Tourism in a new resource-based island nation: Why and how?. Tourism Management. . 2015;48(2015):386-398. Google Scholar
  3. Ritchie B. W., Inkari M.. Host community attitudes toward tourism and cultural tourism development: The case of the Lewes District, southern England. International Journal of Tourism Research. . 2006;v(1):27-44. Google Scholar
  4. Brunt P., Courtney P.. Host perceptions of sociocultural impacts. Annals of Tourism Research. . 1999;26(3):493-515. Google Scholar
  5. Giampiccoli A., Saayman M.. Community-based tourism development model and community participation. African Journal of Hospitality, Tourism and Leisure. . 2018;7(4):. Google Scholar
  6. Leea Tsung Hung, Janb Fen-Hauh. Can community-based tourism contribute to sustainable development? Evidence from residents' perceptions of the sustainability. Tourism Management. . 2019;70:368-380. Google Scholar
  7. Okazaki E. A Community-Based Tourism Model: Its Conception and Use. Journal of Sustainable Tourism. . 2008;16(5):511-529. Google Scholar
  8. M.P. Hampton, Christensen J.. Competing Industries in Islands: a New Tourism Approach. Annals of Tourism Research. . 2007;34(4):998-1020. Google Scholar
  9. A Baixinho. Creative Tourism on Islands: A Review of the Literature. Sustainability. . 2020;12(24):10313. Google Scholar
  10. Chiappa G. Del. Community-based collaborative tourism planning in islands: A cluster analysis in the context of Costa Smeralda. Journal of Destination Marketing & Management. . 2018;8:41-48. Google Scholar
  11. Hieu V.. Craft villages and tourism development, a case study in Phu Quoc island of Vietnam. Management. . 2017;21(1):223-236. Google Scholar
  12. Xu Phan Huy. Bàn về du lịch biển đảo Việt Nam hiện nay. Tạp chí Đại học Văn Lang. . 2020;5(21):. Google Scholar
  13. Nghị Nguyễn Hữu. Du lịch biển đảo ở Nam Bộ từ góc nhìn văn hóa, Luận án Tiến sĩ Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. . 2020;:. Google Scholar
  14. Dũng Nguyễn Tuấn. Phát triển kinh tế du lịch biển - đảo gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tạp chí Khoa học và Phát triển công nghệ. . 2016;19(X5):20-27. Google Scholar
  15. Phong N.T., Tien H. Van. Water resource management and island tourism development: insights from Phu Quoc, Kien Giang, Vietnam. Environ Dev Sustain. . 2021;:. Google Scholar
  16. Phòng Văn hóa, thông tin huyện Lý Sơn. Báo cáo tình hình và kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI và nhiệm vụ trong thời gian tới. . 2019;:. Google Scholar
  17. UBND huyện Lý Sơn. Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 527-KL/TU ngày 24/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. . 2019;:. Google Scholar
  18. Dangi T.. An Integrated Approach to "Sustainable Community-Based Tourism". Sustainability. . 2016;8(5):475. Google Scholar
  19. Liu Zhenhua. Sustainable Tourism Development: A Critique. Journal of Sustainable Tourism. . 2003;11(6):459-475. Google Scholar
  20. Mowforth M., Munt I.. Tourism and Sustainability: New Tourism in the Third World. Routledge: New York, NY, USA. . 1998;:. Google Scholar
  21. UNWTO. Báo cáo Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển. Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Rio De Janeiro, Rio de Janeiro, 3-14 tháng 6, 1992. Nhà xuất bản LHQ, Sales No. E.93.I.8 and corrigenda, vol. I: Resolutions adopted by the Conference, resolution 1, annex I. . 1992;:. Google Scholar
  22. Ca Vũ Thanh. Áp dụng thử nghiệm phương pháp đánh giá định lượng tiềm năng bảo tồn hệ sinh thái cỏ biển ở ven đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển T11. . 2011;4:47-56. Google Scholar
  23. Ngọc Đỗ Thị Yến. Tri thức địa phương về di sản địa chất - một số nghiên cứu bước đầu ở khu vực công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 2/2020. . 2020;:. Google Scholar
  24. UBND huyện Lý Sơn. Báo cáo thực trạng và định hướng phát triển du lịch Lý Sơn. . 2018;:. Google Scholar
  25. Long Ngô Hoàng Đại. Khai thác sản phẩm du lịch Lý Sơn trong bối cảnh hội nhập tiếp cận từ địa văn hóa. Tạp chí Khoa học công nghệ. . 2016;19(5):83-94. Google Scholar
  26. Roszko Edyta. Geographies of Connection and Disconnection: Narratives of Seafaring in Ly Sơn, Connected and disconnected in Viet Nam: remaking socialrelations in a post-socialist nation / editor Philip Taylor. ANU Press the Australian National University. . 2016;:347-377. Google Scholar
  27. UBND huyện Lý Sơn. Báo cáo kinh tế - xã hội huyện năm 2020. . 2020;:. Google Scholar
  28. Lan Ngô Thị Phương, Hạnh Nguyễn Thị Vân. Tiếp cận chuỗi giá trị trong nghiên cứu phát triển du lịch. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Khoa học Xã hội và Nhân văn. . 2020;4(3):408-416. Google Scholar
  29. Trung tâm Phát triển nông thôn-Saemaul Undong. Báo cáo tổng hợp đề án xây dựng mô hình sản phẩm trải nghiệm du lịch cộng đồng trên địa bàn đảo Lớn, huyện Lý Sơn. Nhiệm vụ Khoa học cấp tỉnh. . 2020;:. Google Scholar
  30. Lan Ngo Thi Phuong, Hanh Nguyen Thi Van. The Impact of Agrotourism on The Local Community (A Case Study Of Sơn Islet, Cần Thơ City, Vietnam). European Journal of Molecular & Clinical Medicine. . 2020;7(3):88-100. Google Scholar
  31. Hương Phạm Minh. Residents' attitudes and participation in tourism development in Ba Be National Park, Vietnam. Master thesis, Daegu University. . 2013;:. Google Scholar
  32. Công Lê Chí. Nghiên cứu ảnh hưởng của nhận thức lợi ích, chất lượng cuộc sống đến thái độ và hành vi tham gia chương trình phát triển du lịch bền vững của cộng đồng địa phương tại duyên hải miền Trung. Tạp chí KTĐN trường Đại học Ngoại thương số 99/2018. . 2018;:. Google Scholar
  33. Dung Nguyễn Đoàn Hạnh, Hà Trương Thị Thu. Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tại Làng Thanh Thủy Chánh, Huế. Tạp chí khoa học Đại học Huế: Khoa học xã hội và Nhân văn. . 2019;:. Google Scholar
  34. Choi H.C., Sirakaya E.. Sustainability indicators for managing community tourism. Tour. Manag. . 2006;27:1274-1289. Google Scholar
  35. Tưởng Nguyễn Thanh. vận dụng phương pháp DPSIR cho xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục. . 2016;6(1):96-108. Google Scholar
  36. Manyara G and Jones E. Community-Based Tourism Enterprises Development in Kenya: An Exploration of Their Potential as Avenues of Poverty Alleviation. Journal of Sustainable Tourism. . 2007;15:628-644. Google Scholar
  37. Naik S. Community based tourism approach - a review. Compass. . 2014;1(2):42-47. Google Scholar
  38. Anh Nguyễn Xuân. Mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và du lịch bền vững. . 2015;:. Google Scholar
  39. Wilkinson P.F.. Strategies for Tourism in Island Microstates. Ann. Tour. Res. . 1989;16:153-177. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1223-1232
Published: Nov 7, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.661

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trang, N., & Tuyen, T. (2021). Developing the sustainable community-based tourism in Ly Son Island, Ly Son District, Quang Ngai Province. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(4), 1223-1232. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.661

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 860 times
PDF   = 302 times
XML   = 0 times
Total   = 302 times