VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

744

Total

550

Share

Study about the Japanese family grave “ie haka” today - Through the research about Japanese family grave “ie haka” in big cities of Japan (Tokyo, Osaka)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This paper studied the form of the family grave “ie haka” in Japan. Burying cremated ashes into family grave “ie haka” is the second stage of cremation, being practiced more than 90% in Japan. Through inheriting the result of precedence researches and material research, fieldwork of author, making clear the background, the characteristics, the present status, the trend in future, etc. of the family grave “ie haka” is the purpose of this paper. Among that, especially, emphasizing the “traditional characteristic”, which has been still the debate point among the researchers when studying about family grave “ie haka”. Through it, it is possible to understand the current burial method, as well as the religious consciousness, family… of Japan. And today, in Japan, in the background, many influencing factors such as family structure, religious beliefs concerning death, the afterlife, etc. has been changing outstandingly, the current status, change… of burial culture, including the family grave system “ie haka” has been the noticeable topic. This is also a significant keyword to understand Japanese society and culture. But in fact, it almost hasn’t been studied in Vietnam. With this research, I hope to contribute to the study of such related fields of Japan, as mentioned above. And relating with Vietnam, in the context of urbanization and industrialization, many problems of burial cemeteries has occurred, and instead of it, cremation has been received gradually. Based on that, the noticeable change, such as the process of changing from handling burial bodies to cremated ashes, increasing the outside service in ancestor worship practice, etc. has been brought. Like that, through the study about the case of Japan, the similarities, experiences, and application in solving related issues in Vietnam are hoped to be clarified.

M ở đầu

Theo kết quả khảo cổ, từ 60.000 năm đến 100.000 năm trước vào thời đại của người Neanderthal, đã có dấu tích chứng minh con người làm mai táng cho người mất. Có thể nói chỉ có con người mới có văn hóa tang thức, xây dựng mộ thờ cúng người chết 1 . Và tại Nhật Bản, dựa theo dấu tích khảo cổ, từ thời đại Jomon cổ đại, trong các bản làng đã có tồn tại mộ, và nghi lễ tế cúng 2 .

Sau đó, hình thức mộ gia đình “ie haka” đã chính thức ra đời trong bối cảnh thời Minh Trị (1868~1912) và dần dần được phổ biến cho đến ngày nay. Ngoài nguyên nhân phổ biến có thể nhìn thấy ở các quốc gia khác như quy hoạch đô thị, vệ sinh môi trường,… trong bối cảnh văn hóa xã hội riêng được đề cập sau đây, hỏa táng và mộ “ie haka” tro cốt hỏa táng đã ra đời và trở thành phương thức phổ biến tại Nhật Bản cho đến ngày nay. Mộ gia đình “ie haka”, đã phản ánh ý thức tôn giáo, tử sinh quan, suy nghĩ về thi thể người mất… đặc biệt nhấn mạnh mối liên kết của gia đình thông qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên dựa trên nguyên lý phụ hệ Nho giáo.

Theo đó, nghiên cứu về hình thức mộ chính là chìa khóa quan trọng để có thể tìm hiểu về văn hóa xã hội Nhật Bản. Và trong bối cảnh hiện nay, những yếu tố ảnh hưởng như cấu trúc gia đình, ý thức tôn giáo… đang dần thay đổi; nghiên cứu về phương thức mai táng bao gồm hình thức mộ gia đình “ie haka” đang là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu .

Khái niệm về hỏa táng, tro cốt hỏa táng, mộ, mộ gia đình

Tại Nhật Bản, từ xa xưa đã tồn tại nhiều phương thức như phong táng, thủy táng, thổ táng, hỏa táng. Hiện nay, hỏa táng chiếm 99,9% 3 , là phương thức mai táng phổ biến nhất tại Nhật Bản.

Hỏa táng là gì?

Trong tiếng Nhật, chữ Hán “hỏa táng” (火葬) bao gồm từ “hỏa” nghĩa là lửa và từ “táng” nghĩa là nghi thức tang lễ; chỉ phương thức hỏa thiêu thi thể người mất bằng cách thiêu đốt thành tro cốt 4 . Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Gorai Shigeru của Nhật Bản, phân loại dựa theo cách thức thi thể người mất được xử lý; trong đó khác với các “tang thức tự nhiên” như thủy táng, điểu táng; hỏa táng được phân loại thành hình thức “tang thức nhân tạo” 5 .

Tro cốt hỏa táng là gì?

Đầu tiên, về tên gọi, trong tiếng Nhật, để chỉ tro cốt còn lại sau khi hỏa thiêu thi thể, có nhiều cách gọi khác nhau đó là “Shoukotsu” (焼骨) (xương cốt hỏa thiêu), “ikotsu” (遺骨) (di cốt), “ihai” (遺灰) (di tro hỏa thiêu). Trên thực tế, những tên gọi này được sử dụng lẫn lộn, tuy nhiên khi phân tích chi tiết, mỗi từ trên có ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, “di cốt” được sử dụng trong cả thổ táng lẫn hỏa táng, có ý nghĩa chỉ xương cốt trắng còn lại. Trong hỏa táng, khác với những nước khác thực hiện cách thức thiêu đốt đến mức mất luôn hình dạng xương, tại Nhật việc hỏa thiêu được ý thức điều chỉnh ở nhiệt độ thích hợp để giữ nguyên hình dạng xương ở mức độ nhất định. Ở ý nghĩa này, có thể dùng từ “di cốt”. Và trên thực tế, từ “xương cốt hỏa thiêu” được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong các văn bản luật pháp, giấy tờ… lưu hành ở Nhật Bản.

Trong bài viết, để có thể dễ hiểu, theo cách gọi thông thường ở Việt Nam, tác giả sử dụng từ “tro cốt hỏa táng” để chỉ phần thi thể người mất còn lại sau khi hỏa táng. Và từ khi hỏa táng được chính thức phổ biến tại Nhật Bản, tro cốt được chôn cất vào mộ gia đình với tên gọi tiếng Nhật là “ie haka”.

Định nghĩa mộ

Theo nghĩa thông thường, mộ được xem là không gian người mất (thân xác) yên nghỉ, và là nơi đối thoại, kết nối giữa người sống và người mất 2 . Theo “Luật pháp liên quan đến mộ, phương thức mai táng chôn cất,v.v...” của Nhật Bản, mộ được định nghĩa là “nơi chôn cất thi thể, hoặc chôn cất xương cốt hỏa táng”. Tại Nhật Bản, trong thời xa xưa, mộ chủ yếu là mộ thổ táng; nhưng hiện nay, với tỷ lệ hỏa táng vượt 99%, mộ chính là nơi chôn cất, lưu giữ xương cốt hỏa táng.

Từ vựng chữ Hán chỉ “mộ” (墓) đã ra đời từ thời cổ xưa ở Nhật. Có phân tích cho rằng theo từ điển chữ Hán, xét về mặt âm thanh, từ “mộ” thể hiện âm tiết “ba” (莫) có nguồn gốc từ chữ “Ou” (幕) có ý nghĩa là lấp phủ, và phân tích theo cấu trúc của chữ tượng hình, bộ phận ”巾” có nghĩa là vải phủ; và đã thay thế chữ “巾” bằng chữ 土 (đất) trong chữ “mộ” (墓); nghĩa là sử dụng đất phủ lên thi thể người mất 6 . Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng đó là biến âm của từ “hafuru” vốn có ý nghĩa trong tiếng Nhật là “mộ vứt bỏ” (mộ chôn cất thi thể người mất và được xây dựng ở nơi cách ly xa)”. Và tương tự ý nghĩa đã nêu trên, xem xét về ý nghĩa của các thành phần cấu tạo nên từ tượng hình “mộ” (墓: haka) bao gồm bộ phận trên cùng chỉ “cỏ”,… thì “mộ” có ý nghĩa là “trở về đất, với gò đất bao phủ cỏ” 1 . Trên đây là một số phân tích về tên gọi “mộ”. Theo đó, “mộ” có ý nghĩa thống nhất là nơi dùng đất phủ lấp, chôn lấp thi thể người mất.

Theo thời gian con người đã đắp xây mộ cao lên, cắm cây và sau đó dùng đá làm dấu mộ. Dựa trên quá trình này, đã hình thành nên mộ bia đá truyền thống của Nhật Bản 1 .

Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của mộ gia đình “ie haka”

Lịch sử mộ tại Nhật Bản

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, khởi thủy của xử lý thi thể người mất chính là phong táng, thời kỳ cổ đại ở Nhật không có phong tục xây mộ [ 7 , tr.97]. Về sau, văn hóa xây mộ, đặc biệt là các mộ lớn chính là kết quả từ sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Nho giáo và Phật giáo Trung Quốc. Ví dụ, trên thực tế, ở nơi cội nguồn của đạo Phật là Ấn Độ cổ đại, ngoại trừ xương cốt của Đức Phật - xá lỵ và được đặt thờ trong tháp xá lỵ; còn thông thường không có tập tục xây mộ, trong kinh Phật cũng không ghi chép về việc xây mộ. Tuy vậy, Phật giáo thông qua Trung Quốc đã tiếp thu nhiều yếu tố như Nho giáo, thờ cúng tổ tiên...và sau khi vào Nhật Bản đã đem lại ảnh hưởng lớn đến xây mộ tại Nhật Bản 6 .

Trong giới hạn nghiên cứu từ hai tác phẩm cổ đại nổi tiếng “Vạn diệp tập” và “Nhật Bản thư ký”, các nhà nghiên cứu đã nhận định tại Nhật Bản cổ xưa có tập tục vứt bỏ thi thể người mất phổ biến; theo đó việc xây mộ chỉ giới hạn trong tầng lớp hoàng tộc, quý tộc... [ 6 , tr.28].

Và vào thời Jomon (cách đây khoảng 13.000 năm ), thông qua các di tích khảo cổ học cho thấy các phương thức mai táng đã được tiến hành, trong đó thổ táng là hình thức cơ bản nhất, với cách thức đào hố và đặt thi thể chôn trực tiếp vào đất với tên gọi “dokobo” hoặc mộ chôn cất thi thể vào quan tài bằng đất rồi chôn vào đất “dokikanbo” 8 . Sang thời kỳ Yayoi (thế kỷ IV TCN ~ thế kỷ III), mộ đã có những thay đổi. So với thời kỳ Jomon, mộ thời Yayoi có kích thước lớn nhỏ, độ cầu kỳ phong phú. Nhìn chung, tùy theo xuất thân, tuổi, địa vị… cách xây mộ, những đồ vật chôn trong mộ khác nhau 8 . Lúc này, đã xuất hiện hình thức mộ chôn cất thi thể đặt trong quan tài làm bằng gỗ “mokkanbo” du nhập từ bán đảo Triều tiên vào Nhật Bản 8 . Vào khoảng thời gian chuyển đổi thời kỳ Yayoi sang thời kỳ Kofun (thế kỷ III ~ thế kỷ VI), những mộ lớn của người có quyền lực đã xuất hiện. Vào thời kỳ Kofun, thông qua quy mô lớn của mộ “kofun”, có thể phân biệt người thống trị tầng lớp trên và người dân thường, và đặc điểm này cũng trở thành niên hiệu thời kỳ này 8 . Trong khi đó, cho đến thời đại Heian, trong tầng lớp dân chúng, thi thể người mất được đặt ở bên đường là quang cảnh thường thấy. Có ý kiến cho rằng mộ của tổ tiên cùng các nghi lễ tôn giao không được quá coi trọng trong thời lúc bấy giờ [ 6 , tr.25].

Về hình thức mộ trong thời kỳ trung thế (khoảng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI ), ví dụ thông qua kết quả điều tra khai quật khảo cổ học của di tích quần thể mộ Ichi no tani ở thành phố Iwata, tỉnh Shizuoka, nhà nghiên cứu Shigenori Iwata đã tóm tắt chỉ ra các hình thức mộ lúc bấy giờ chính là “Tsukabo”, “Dokobo”, “Shusekibo”. Và tất cả hình thức mộ đều không có bia mộ (tháp đá) được xây dựng ở trên [ 7 , tr.130]. Bia mộ trên mộ được dân chúng dựng lên rộng rãi từ sau nửa thời kỳ Edo 1 .

Trên đây là lịch sử khái quát của mộ tại Nhật Bản. Trong lịch sử, có ghi nhận những hình thức mộ như “Shusekibo” là mộ chôn cất xương cốt hỏa táng, hình thức mộ chôn cất tro cốt ngay thời điểm hỏa táng, mà theo nhà nghiên cứu Iwata nên gọi trực tiếp “Dabibo” (Mộ hỏa táng) [ 7 , tr.130], nhưng nhìn chung mộ thường gắn liền với thổ táng, đặc biệt độ lớn và sự hoành tráng của mộ có ý nghĩa thể hiện sự uy quyền, giàu có của tầng lớp thống trị như quý tộc, võ sỹ. Trong thường dân, việc xử lý thi thể như phong táng,… được thực hiện như thế nào vẫn chưa được hiểu rõ 1 .

Chỉ đến thời kỳ Minh Trị cùng với phương thức hỏa táng được chính thức công nhận, chế độ mộ gia đình “ie haka” chôn cất tro cốt hỏa táng đã ra đời và ngày càng trở nên phổ biến.

Sự hình thành hình thức mộ gia đình “ie haka”

Trong thời kỳ Minh Trị, tuy thổ táng vẫn chiếm phần lớn nhưng với sự hỗ trợ, khuyến khích của chính phủ, hỏa táng đã được công nhận trở thành phương thức mai táng chính 9 . Hỏa táng được phổ biến chính thức rộng rãi từ năm 1884 (Minh Trị 17), trong bối cảnh ban hành “Luật quản lý mộ và phương thức mai táng” 6 . Và từ sau chiến tranh, vì nhiều lý do như đảm bảo vệ sinh môi trường,… hỏa táng ngày càng phổ biến và hiện tại chiếm hơn 90% tại Nhật Bản như đã biết 1 .

Trong giai đoạn 2 là xử lý tro cốt hỏa táng, theo các nhà nghiên cứu nếu nhìn từ quan điểm vệ sinh công cộng; khác với thi thể, tro cốt hỏa táng được cấu thành chủ yếu từ canxi-chất vô hại đối với môi trường, vì vậy không nhất thiết cần phải xử lý bằng cách chôn chặt vào mộ. Ví dụ, ở các nước Âu Mỹ, đối với thổ táng, quy định cần phải chôn cất thi thể vào trong mộ, tuy nhiên đối với hỏa táng trên thực tế có thể thực hiện nhiều phương pháp xử lý khác nhau như chôn cất vào đất, rải tro trên biển, rừng,… trong giới hạn theo quy định.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, trong thời kỳ Minh Trị, hỏa táng bắt đầu được công nhận chính thức và gắn liền với nó là phương thức chôn cất tro cốt hỏa táng vào mộ gia đình “ie haka” ra đời. Mộ gia đình là một trong những kết quả của “cuộc cải cách nghĩa trang” - một trong những chính sách cận đại hóa nghĩa trang trong thời kỳ duy tân Minh Trị. Chỉ trong thời kỳ Minh Trị, tại Tokyo đã xây dựng 9 nghĩa trang công cộng 1 . Theo nhà nghiên cứu Mori, “Trên cơ sở làm rõ khái niệm “nghĩa trang” trong việc chỉnh sửa phong thủy đất đai, chính phủ Minh Trị nghiêm cấm mở rộng và xây mới nghĩa trang, tập hợp thống nhất các nghĩa trang nhỏ rải rác. Dựa trên việc nghiêm cấm mở rộng và xây mới nghĩa trang, dẫn đến việc giới hạn xây thêm mộ thổ táng - vốn chiếm nhiều diện tích trong nghĩa trang đã có. Chính điều này đã góp phần thúc đẩy phổ biến hình thức mộ hỏa táng 4 .

Ngoài chính sách cận đại hóa nghĩa trang bao gồm chính sách đảm bảo vệ sinh công cộng và chính sách đất đai - đô thị; chế độ gia đình “ie seido” ban hành vào thời kỳ Minh Trị chính là nền tảng của sự ra đời và phổ biến của mộ gia đình “ie haka” 4 .

Theo chính sách Minh Trị ban hành năm 1898, ở điều 732, định nghĩa gia đình theo chế độ gia đình “ie seido” như sau: “gia đình bao gồm chủ hộ, những người có quan hệ họ hàng với chủ hộ thuộc gia đình và vợ/chồng người đó”. Trong đó, chủ hộ là chủ gia đình, có nghĩa vụ hỗ trợ bảo vệ gia đình, mặt khác, cũng được hưởng nhiều đặc quyền trong đó được trao quyền thừa kế mộ phần. Chế độ gia đình “ie seido”, với quan điểm đảm bảo tuyệt đối việc tồn tại của “gia đình”, dựa theo nguyên lý kế thừa phụ hệ theo huyết thống dòng nam và thờ cúng tổ tiên phụ hệ 10 . Trong gia đình, việc thờ cúng tổ tiên và kế thừa theo nguyên lý phụ hệ chính là trục chính để duy trì mối liên kết gia đình. Tổ tiên che chở phù hộ cho gia đình, nghi lễ thờ cúng tổ tiên chính là tượng trưng cho sự đoàn kết của gia đình (ie), và thông qua đó, có thể duy trì được sự tồn tại của gia đình (ie) qua nhiều thế hệ theo nguyên lý phụ hệ 11 .

Như vậy, tro cốt hỏa táng của các thành viên gia đình được chôn cất trong mộ chính là đối tượng thờ cúng, mộ gia đình “ie haka” tượng trưng cho sự trường tồn qua các thế hệ của gia đình.

Theo nghĩa đó, so với thi thể thổ táng, tro cốt hỏa táng thích hợp hơn. Vì vậy, một trong những nguyên nhân chính phủ đẩy mạnh thực hiện hỏa táng, chính là muốn phổ biến hình thức mộ gia đình “ie haka”. Như vậy, cùng với hỏa táng, mộ gia đình hỏa táng “ie haka” đã ra đời trong bối cảnh thời kỳ Minh Trị 11 . Sau đó, vào thời kỳ Showa, mộ gia đình “ie haka” được xây dựng nhiều và phổ biến cho đến ngày nay 12 .

Từ nửa sau thời kỳ Taisho, nhằm mục đích chấn chỉnh mộ, nghĩa trang; những nội dung khắc trên bia mộ rải rác từ cuối thời kỳ Mạc phủ như “mộ của gia đình ”, "mộ thờ tổ tiên gia đình ” được thống nhất và vào thời kỳ Showa đã trở nên phổ biến, chiếm số lượng áp đảo 6 .

Như vậy có thể thấy rằng chính hỏa táng, cùng với ảnh hưởng của chế độ gia đình, đã tạo ra đặc trưng riêng cho mộ hỏa táng khi so sánh với mộ thổ táng tại Nhật Bản.

Sau chiến tranh, tại Nhật Bản, cùng với việc bãi bỏ chế độ gia đình “ie seido”, hình thức này đã không còn được công nhận về mặt pháp luật. Tuy vậy, về mặt pháp luật, “Bộ luật liên quan đến mộ, tang thức chôn cất…”, trong định nghĩa về mộ có nội dung “Mộ là nơi chôn cất thi thể người mất, hoặc là nơi chôn cất lưu trữ tro cốt hỏa táng” quy định trong điều 4 của pháp luật về “Định nghĩa về khu mộ, hỏa táng, cải táng, mộ, phòng đựng tro cốt, nơi hỏa táng”, qua đó có thể thấy hình thức xử lý tro cốt hỏa táng chôn cất vào mộ vẫn được công nhận và quy định thực hiện về mặt pháp luật 11 .

Ngoài ra, Bộ luật dân sự, theo điều 897, liên quan đến việc thừa kế những đồ vật dụng cụ thờ cúng, nghi thức... có quy định “Quyền sở hữu của dụng cụ thờ cúng, gia phả, mộ phần thuộc về người làm chủ thực hiện thờ cúng tổ tiên, theo phong tục tập quán”. Theo ý nghĩa đó, so sánh với Bộ luật dân sự Minh Trị, với nội dung của điều 989 thuộc Bộ luật dân sự Minh Trị quy định “quyền sở hữu dụng cụ thờ cúng, gia phả, mộ phần thuộc về đặc quyền của người trưởng gia đình”, nội dung luật hiện hành được đánh giá phần lớn thừa kế nguyên nội dung Bộ luật dân sự Minh Trị 12 .

Theo đó, như ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, mặc dù chế độ gia đình “ie seido” đã bị xóa bỏ ở mặt pháp luật, nhưng chỉ dừng lại ở hình thức, trên thực tế hình thức mộ gia đình “ie haka” - tượng trưng cho gia đình “ie” truyền thống theo nguyên lý phụ hệ vẫn được duy trì rộng rãi. Trong quá trình thay đổi từ mộ thổ táng thành mộ hỏa táng, mộ cá nhân thành mộ gia đình “ie haka”, sự ra đời của hình thức mộ gia đình “ie haka” chính là bước ngoặt lớn trong lịch sử mộ táng Nhật Bản. Trong phần tiếp theo, tác giả đi vào tìm hiểu về cấu trúc và đặc điểm của mộ gia đình “ie haka”.

Cấu trúc của mộ gia đình “ie haka”

Mộ gia đình “ie haka” có nhiều cấu trúc và thể loại khác nhau. Trong đó có 2 dạng chính là “Wagata” nghĩa là “mộ kiểu Nhật” chiếm 70%~80%, và “Yogata” nghĩa là “mộ không kiểu Nhật” chiếm 10% ~20% (vì hình dạng mới, cách điệu hơn nên được gọi để phân biệt với “wagata”, chứ không phải bắt chước kiểu mộ của Âu Mỹ) 13 .

Cấu trúc mộ thay đổi tùy địa phương, phong tục; nhưng nhìn chung gồm các phần cơ bản như sau.

Phần quan trọng nhất là tháp bia mộ gồm phần đá dọc khắc họ gia tộc (saoishi), phía dưới gồm bệ đá trên, giữa, dưới. Phần đá saoishi, có thể thiết kế dạng dù, hoặc bệ đá trên thiết kế giống hoa sen...

Phần chính này với cấu trúc cơ bản là tháp 5 tầng đá (gorinto), và tầng thứ 3 chính là nơi khắc họ gia tộc. Theo ý nghĩa xa xưa, tháp bia mộ đá là bộ phận chính thể hiện ý nghĩa cúng viếng hợp nhất linh hồn tổ tiên đã trải qua 50 lần giỗ [ 14 , tr.78].

Tháp bia mộ mang đậm ảnh hưởng của Phật giáo. Như đã nói trên, nguyên bản của mộ vốn xuất phát từ tháp Phật thờ xá lỵ của Đức Phật. Phật giáo được truyền vào Nhật Bản thông qua Trung Quốc, và dưới ảnh hưởng của văn hóa xây mộ của Trung Quốc, ở Nhật đã hình thành mộ mang nhiều ý nghĩa Phật giáo. Từ thời Nara, trên mộ Nhật Bản đã xây dựng tháp Phật. Thời kỳ Heian, Kamakura, trên mộ xây thêm các cấu trúc Phật giáo như Tượng Phật...; theo đó những đặc điểm Phật giáo ngày càng rõ nét. Vào thời kỳ Edo, mộ trong dân chúng được xây dựng với cấu trúc mộ có bia đá “sekitohaka” gồm 3 tầng, thể hiện sự hòa hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian bao gồm các ý nghĩa: hạnh phúc-phú quý-trường thọ; hoặc thiên-địa-nhân, ý nghĩa Phật giáo phật - pháp - tăng 6 . Dựa trên kế thừa những đặc điểm đó, đã xây dựng nên tháp bia mộ của mộ gia đình “ie haka”.

Mặt trước của bia mộ khắc họ gia tộc, với nội dung phổ biến: “Mộ gia đình ”, “Mộ thờ cúng tổ tiên gia đình ”, thể hiện mối liên hệ thống nhất qua nhiều thế hệ của gia đình phụ hệ truyền thống của Nhật Bản. Ngoài ra, ảnh hưởng Phật giáo vẫn còn đậm nét thông qua việc đồng thời khắc tên Phật pháp theo thứ tự của các thành viên trong gia đình. (Tham khảo Figure 3 ).

Theo truyền thống, tháp bia mộ thường có màu sắc trắng và đen. Tùy theo từng địa phương, có thể khai thác, sản xuất đá như thế nào, màu sắc đá thay đổi. Ví dụ, từ vùng Tokyo đến phía bắc hầu như dùng đá màu đen, vùng Kansai dùng đá màu trắng 15 .

Về diện tích mộ, vì lưu trữ số nhiều hũ tro cốt hỏa táng nên mộ đòi hỏi diện tích rộng nhất định: diện tích trung bình của mộ là 4m 2 . Và ngăn chứa hũ cốt có cấu trúc khác nhau tùy theo địa phương; có nơi có đáy là mặt đất, hoặc thông thường có đáy bằng xi măng; thiết kế dưới hoặc trên mặt đất, để có thể lưu trữ các hũ tro cốt vĩnh viễn. Và theo quy định của pháp luật, cần phải có rào chắn bao quanh phân chia không gian rõ ràng giữa các ngôi mộ với nhau.

Ngoài ra, trong cấu trúc mộ có thiết kế bát châm nước, kệ hoa, lò đốt nhang… để người thân dâng hương, hoa khi thăm viếng. Trong đó, mộ theo phong cách Thần đạo không có thiết kế lò đốt nhang.

Thêm vào đó, tùy theo độ lớn của mộ cũng như thuộc nhánh tôn giáo nào, mộ sẽ thiết kế thêm chỗ đèn lồng, dựng thanh cúng Sotoba - là kiến trúc thu nhỏ của tháp xây tượng trưng 5 yếu tố vũ trụ. Tuy nhiên, trong đó mộ của người theo nhánh Phật giáo cõi niết bàn, không dựng Sotoba, v.v… (Tham khảo cấu trúc mộ theo Figure 1 , Figure 2 dưới đây).

Figure 1 . Cấu trúc cơ bản của mộ gia đình “ie haka”. Hình tháp 5 tầng đá (bia mộ đá) của mộ.

Bộ phận cơ bản của mộ [ 13 , tr.19],[ 14 , tr.78] bao gồm:

1. Bát châm nước (Mizubachi),

2. Tháp viếng (Kuyoto),

3. Kệ dâng hoa (Hanatate),

4. Sỏi đá trangtrí,

5. Thanh cúng Sotoba (toba),

6. Kệ dựng Sotoba (Sobatate),

7. Tháp bia mộ (Bohi),

8. Mộ chí (khắc tên, Pháp danh, ngày mất,....),

9. Tháp đèn (Toro),

10. Chỗ thắp hương,

11. Bệ đá,

12. Cổng chào (Monchu),

13. Bệ đá viếng (lối vào chỗ đựng tro cốt),

14. Đá lát (shiki ishi).

Figure 2 . Cấu trúc mộ gia đình “ie haka”

Figure 3 . Bia mộ của mộ gia đình “ie haka” (Mộ của gia đình Nakamura)

Từ cấu trúc, có thể thấy mộ gia đình “ie haka” gắn liền với phương thức hỏa táng, mang ảnh hưởng Phật giáo đậm nét. Mộ gia đình “ie haka” là không gian vừa thờ cúng tro cốt hỏa táng (thể xác) và linh hồn của các thành viên gia đình. Đây được xem là ngôi nhà chung sau khi mất của gia đình phụ hệ truyền thống Nhật Bản.

Đặc điểm của mộ gia đình “ie haka”

Đặc tính Phật giáo, tính tôn nghiêm, tính cố định, tính vĩnh cửu

Tại Nhật Bản, trong nghi lễ đời người gồm nghi thức trưởng thành, hôn lễ chính người đó đóng vai trò chính; tuy nhiên nghi thức tang lễ - thờ cúng tổ tiên do người thân gia đình đảm nhận. Mối quan hệ mới giữa người thân gia đình và linh hồn người mất được xây dựng thông qua ngôi mộ làm vật thể trung gian. Theo đó, mộ có ý nghĩa rất quan trọng 6 .

Thông qua ý nghĩa, cấu trúc, có thể tóm tắt những đặc điểm mộ gia đình “ie haka” như sau.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định ảnh hưởng của Phật giáo lớn, áp đảo so với các tín ngưỡng, tôn giáo khác 1 . Trong đó, nhấn mạnh sự ảnh hưởng của văn hóa “Phật giáo tang thức” trong chế độ Mạc Phủ cận đại [ 7 , tr.94]. Các quan niệm Phật giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc cầu mong người mất yên nghỉ trong phong tục thời cúng tổ tiên tại Nhật. Cụ thể, dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo, từ khoảng cuối thời đại Heian cho đến thời đại Kamakura, dựa theo ảnh hưởng của tư tưởng miền cực lạc của Phật giáo, đã hình thành nên nghi thức thờ cúng người chết theo nghi thức Phật giáo, đặc biệt trong giai đoạn đầu mới mất, trước khi thành tổ tiên được gia đình thờ cúng 4 . Thêm vào đó, tồn tại những phong tục như khắc tên Phật (pháp danh) sau khi mất trên bia mộ, khắc những câu mang ý nghĩa Phật giáo như “nam mô a di đà Phật”, nội dung một đoạn kinh Phật,v.v... Người đến viếng thăm mộ, sẽ đọc bài kinh thắp viếng bao gồm suy nghĩ cầu mong người mất thành Phật.

Ảnh hưởng của đạo Phật còn thể hiện trong việc chọn lựa phương hướng của mộ. Cũng giống như xây nhà thường hướng về đông nam, hướng của bàn thờ và mộ thường hướng về phía đông hoặc phía nam. Khi đó, người thăm viếng mộ hướng về phương đông, thì có thể hướng đến phương tây cầu nguyện, nghĩa là có thể cầu nguyện người mất đến miền cực lạc 6 .

Có thể nói, chính Phật giáo kết hợp chặt chẽ với tín ngưỡng dân gian Nhật Bản trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nghi thức thờ cúng người mất,v.v…đã có những ảnh hưởng lớn đến mộ truyền thống tại Nhật Bản.

Ngoài đặc tính trên, liên quan đến vị trí mộ, mối liên kết gia đình... các nhà nghiên cứu đã tóm tắt các đặc điểm nổi bật của mộ bao gồm “tính tôn nghiêm”, “tính cố định” và “tính vĩnh cửu” 12 .

Ngôi mộ chính là chỗ linh thiêng, để thực hiện các nghi lễ thờ cúng trong gia đình. Theo nội dung trong “câu truyện về tổ tiên” của nhà dân tộc học nổi tiếng Yanagita Kunio, lúc con người mất đi, linh hồn thoát ra khỏi thân thể. Lúc đầu chỉ đơn giản là linh hồn người mất (shirei), linh hồn người mất nhận sự thờ cúng chu đáo của con cháu, được gột rửa chuyển sang giai đoạn hòa nhập vào tập hợp linh hồn của tổ tiên (sorei). Cụ thể trong khoảng thời gian nhất định, thường là 33 năm, nếu được con cháu thờ cúng, thì khi kết thúc quá trình thờ cúng linh hồn tổ tiên cá nhân (tomuraiage), linh hồn tổ tiên sẽ không còn tính cá nhân, và trở thành vị “thần” - nhập chung với linh hồn tổ tiên từ xa xưa của gia đình có thể bảo vệ cả gia đình. Để có thể hoàn thành quá trình này, con cháu cần thực hiện nghi lễ thờ cúng, và trên thực tế đã kết hợp những nghi thức Phật giáo đảm bảo việc thực hiện chỉn chu, hệ thống 6 , 12 . Trong ý nghĩa này, mộ gia đình linh thiêng, chính là không gian thờ cúng quan trọng trong quan niệm về cái chết, thế giới sau khi mất, suy nghĩ tôn giáo… của người Nhật.

Theo đó, mộ chính là nơi tổ tiên an nghỉ ngàn thu, theo ý nghĩa đó không thể di chuyển mộ đi nơi khác một cách dễ dàng. Thêm vào đó, vào thời kỳ Minh Trị, thông thường nơi sinh ra và lớn lên đồng thời cũng là nơi làm việc và sinh sống; vì vậy một cách cơ bản họ hàng, gia đình, mộ… hầu như cố định một chỗ; chính vì vậy mộ gia đình mang “tính cố định” cao 12 .

Theo nguyên tắc, mộ gia đình “ie haka” cần được con cháu kế thừa giữ gìn, chăm sóc qua nhiều thế hệ vĩnh viễn theo nguyên lý phụ hệ. Vì vậy, mộ gia đình mang tính vĩnh cửu, tượng trưng cho sự trường tồn của gia đình phụ hệ truyền thống.

Liên quan đến tính chất này, khác với chế độ gia đình dựa trên tiền đề lấy việc kế thừa qua các thế hệ phụ hệ từ thời Minh Trị đến chiến tranh thế giới thứ 2, chế độ gia đình sau chiến tranh không còn tồn tại dựa trên chế độ kế thừa này về mặt pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế với cách làm hiện tại, mộ gia đình “ie haka” vẫn giữ nguyên chế độ thừa kế qua nhiều thế hệ phụ hệ - vốn là đặc điểm cơ bản đặc trưng của mộ gia đình thời kỳ Minh Trị 11 .

Điều này thể hiện ở thực trạng trong hầu hết nghĩa trang công lập tác giả thực hiện điều tra, vẫn giữ nguyên điều kiện phải có người kế thừa chăm sóc mộ khi bán phần mộ cho khách hàng. Khi mua mộ, sẽ được trao quyền sử dụng vĩnh viễn, với điều kiện con cháu kế thừa đảm bảo trả phí quản lý mộ vĩnh viễn theo như hợp đồng. Theo đó, mặc dù tiền đề quan trọng, làm nền tảng triển khai hình thức mộ gia đình “ie haka” trong thời kỳ đầu, là chế độ gia đình “ie seido” đã bị bãi bỏ về mặt pháp luật, tuy nhiên trên thực tế, tính chất kế thừa của mộ gia đình vẫn được duy trì một cách phổ biến. Trong phần sau, tác giả đi sâu vào phân tích đặc điểm “truyền thống” bao gồm các đặc điểm kể trên của mộ gia đình “ie haka”.

Đặc điểm “truyền thống” của mộ gia đình “ie haka”

Liên quan đến đặc điểm “truyền thống” bao gồm các đặc tính nêu trên của mộ gia đình “ie haka”, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh tính “mới” của nó. Ví dụ: theo ý kiến của nhà nghiên cứu mộ nổi tiếng Makimura, mộ gia đình “ie haka” tuyệt đối không phải là hình thức mộ truyền thống của Nhật từ thời xưa, mà là hình thức mộ mới cận đại” 12 . Liên quan đến cách thức xây mộ, bộ phận quan trọng chính như tháp bia mộ đá, như đã phân tích trên cho đến thời trung thế, mộ chỉ là gò đất đắp không dựng bia mộ. Theo đó, việc xây mộ (gắn liền việc dựng tháp bia mộ), không phải là phong tục truyền thống, mà là sản phẩm ra đời dưới ảnh hưởng của sự chi phối chính trị của xã hội cận đại... [ 7 , tr.94].

Tuy nhiên, như đã nêu trên, mặc dù đã bãi bỏ quy định về mặt pháp luật, nhưng tại sao hình thức mộ mới ra đời trong thời kỳ Minh Trị, nhưng lại được người Nhật tiếp nhận và duy trì sâu đậm như vậy?. Hơn nữa, nhìn theo quan điểm khoa học hiện đại về vệ sinh môi trường, khác với thi thể thổ táng, tro cốt hỏa táng không nhất thiết phải chôn chặt vào mộ như vậy.

Mộ gia đình “ie haka” ra đời chính thức trong thời kỳ Minh Trị. Khi đó, gắn liền với hình thức mộ gia đình, quan niệm thờ cúng tổ tiên được phát triển trong quan niệm về quốc gia gia đình dưới chế độ quốc gia Minh Trị đứng đầu là Thiên hoàng, liên hệ với quan niệm “quốc gia thần chính” và mang tính chất khác với việc thờ cúng tổ tiên trong dân gian trước đây. Tuy nhiên, xét về cấu trúc, hình dạng… theo như đã phân tích trên sự ra đời của hình thức mộ là “mới”, nhưng rất khó nói rằng tinh thần thờ cúng tổ tiên và việc thờ cúng tổ tiên theo đơn vị gia đình, hoặc tinh thần hiếu thảo đối với bố mẹ xuất hiện đột ngột vào thời kỳ Minh Trị. Để hiểu rõ về sự gắn bó, tiếp nhận hình thức mộ gia đình “ie haka” này của người Nhật, cần tìm hiểu sâu hơn về lịch sử liên quan đến hình thức này trước thời Minh Trị.

Liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên gắn liền với phương thức chôn cất tro cốt hỏa táng vào mộ gia đình, tài liệu điều tra khảo cổ học tuy không thể cung cấp thông tin đầy đủ, những cũng có xác nhận rằng việc thờ cúng tổ tiên đã tồn tại từ thời xa xưa tại Nhật Bản. Từ thời Nara, trong quá trình hình thành phát triển cộng đồng với trọng tâm là mối quan hệ huyết thống phát triển thành gia đình, thị tộc, cộng đồng làng xã, thì trong nội bộ cộng đồng này hình thành tinh thần tôn trọng người lớn tuổi, nuôi dưỡng tinh thần kính trọng đối với ông bà, bố mẹ, cấp trên, người lớn tuổi, và dựa trên đó đã hình thành, phát triển nên tập tục thờ cúng tổ tiên. Quan điểm về tổ tiên trong đó ý thức các vị thần thờ cúng của thị tộc phát triển thành tổ tiên để thờ cúng được hình thành vào khoảng nửa sau thế kỷ VII 16 .

Và cũng theo nhà nghiên cứu Tanaka, tôn trọng, thờ cúng tổ tiên chính là tư tưởng đặc trưng gắn liền với Nho giáo. Nho giáo vốn nhấn mạnh chữ hiếu đối với bố mẹ đã đem lại ảnh hưởng lớn đến việc thờ cúng tổ tiên ở Nhật Bản. Từ thời Fujiwara Nakamaro thuộc thời đại Nara, trong bối cảnh Nho giáo hưng thịnh, quan niệm chữ “hiếu” và tinh thần thờ cúng tổ tiên liên hệ với quan niệm chữ “hiếu”, và hơn nữa nguyên lý phụ hệ đã ra đời và bắt đầu hình thành phổ biến trong giới gia đình quý tộc 16 . Tương tự, nhà nghiên cứu Kachi Nobuyuki đã chỉ ra, nền tảng để hình thành nên vùng văn hóa Nho giáo bao gồm Trung Quốc - Triều Tiên - Nhật Bản đó chính là phong tục thờ cúng Tổ tiên gắn liền với quan niệm chữ “hiếu” dựa trên nguyên lý gia trưởng phụ quyền của Nho giáo 17 .

Theo đó, dựa trên suy nghĩ Nho giáo, luôn đề cao chữ Hiếu như đạo đức gia đình, nhấn mạnh việc thờ cúng cha mẹ, đã hình thành và nuôi dưỡng suy nghĩ thờ cúng tổ tiên thông qua mộ (bia mộ đá) - được xây dựng trở nên phổ biến từ thời kỳ Edo 1 . Như đã phân tích trên, trong một bộ phận võ sỹ trước thời kỳ Minh Trị, đã tồn tại phong tục xây chùa ở nơi có mộ phần, và xem đó là chùa riêng của gia tộc để thực hiện việc thờ cúng tổ tiên, và luôn xem trọng việc duy trì, truyền lại cho con cháu qua nhiều thế hệ 18 . Nhiều nhận định cho rằng việc thờ cúng tro cốt tổ tiên, trong quá trình lịch sử hình thành mộ chùa đã giữ vai trò tư tưởng, điều kiện xã hội để hình thành nên tinh thần gia đình “ie” trong thời kỳ Minh Trị sau này 6 .

Và liên quan đến sự ảnh hưởng của tôn giáo, Phật giáo cũng giảm bớt triết lý nguyên thủy của mình vốn chỉ đề cập đến sự giải thoát, khi đó gia đình, tôn ti trật tự đều bị gạt bỏ; và chính nhờ gắn kết với phong tục thờ cúng người mất, thờ cúng tổ tiên của Nhật Bản mới có thể tồn tại sâu đậm trong dân chúng 17 .

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng từ trước thời đại Minh Trị, những đặc điểm cơ bản của mộ gia đình “ie haka” như tinh thần thờ cúng tổ tiên theo đơn vị gia đình và việc kế thừa mộ phần qua nhiều thế hệ, nguyên lý phụ hệ,… đã được hình thành và lan rộng.

Và chính dựa trên nền tảng này, vào năm Minh Trị 17, đã ban hành “quy định về mộ phần và nghĩa trang”, thiết lập những quy định về việc xây mộ; đây cũng chính là nền tảng cơ bản cho Luật mai táng nghĩa trang hiện nay tại Nhật Bản 1 .

Theo đó, mộ gia đình được quy định dựa theo chính sách về mộ - thể hiện quan niệm về tổ tiên - đạo đức quốc dân trong thời Minh Trị, nhưng đồng thời cũng là hình thức kế thừa, phát triển của phong tục mộ gia đình, thờ cúng tổ tiên trong gia đình... vốn đã được thực hiện từ xa xưa trong một bộ phận người dân Nhật Bản.

Nếu xét về tính kế thừa liên tục này, có thể thấy phong tục chôn cất tro cốt hỏa táng vào mộ gia đình “ie haka” phù hợp với quan niệm về gia đình, tổ tiên của người Nhật đã tồn tại từ xa xưa. Dựa trên đó, mặc dù hình thức mộ gia đình “ie haka: chỉ ra đời chính thức trong thời kỳ Minh Trị sau này, nhưng đã được người Nhật tiếp nhận tích cực, gắn bó, thậm chí xem đó như phong tục truyền thống, và được giữ gìn qua nhiều thế hệ của người Nhật. Điều này cũng có thể lý giải tại sao chế độ gia đình “ie seido” theo nguyên lý phụ hệ Nho giáo - nền tảng của hình thức mộ gia đình “ie seido” mặc dù bị xóa bỏ tính bắt buộc về mặt pháp luật, nhưng đối với nhiều người Nhật, mộ gia đình “ie haka” vẫn được gắn bó và duy trì đến tận ngày nay.

Trong nghiên cứu của tác giả, mặc dù trong bối cảnh nhiều thay đổi hiện nay, nhưng sự gắn bó với mộ gia đình “ie haka” được thể hiện qua không ít ý kiến của người được phỏng vấn.Ví dụ, ông B (66 tuổi, 2 con, cùng sống với vợ ở tỉnh Hiroshima) đã có ý kiến “Tất cả thành viên gia đình sau khi mất cùng vào một mộ gia đình, là truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Gia đình rất coi trọng mộ. Việc không xây dựng mộ là chuyện không thể tưởng tượng được”. Hoặc ý kiến của bà T (nữ, 40 tuổi, độc thân, sống tại tỉnh Hiroshima) như sau: “Hiện nay, có lẽ suy nghĩ của giới trẻ thay đổi. Nhưng mối liên kết gia đình truyền thống Nhật Bản chặt chẽ. Vì vậy, suy nghĩ sau khi chết cũng có thể ở bên nhau rất an ủi tình cảm”. Hoặc theo anh W (nam, 30 tuổi, cảnh sát), “Thông qua việc thực hiện phong tục tảo mộ vào lễ obon tháng 8 hàng năm, người Nhật rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Trong việc thờ cúng tổ tiên, sự tồn tại của mộ gia đình là không thể thiếu, rất quan trọng”.

Như vậy, có thể thấy đối với người Nhật thông qua đặc điểm kế thừa truyền thống trong phong tục thờ cúng tổ tiên, tinh thần gia đình… hình thức mộ gia đình “ie haka” đã gắn bó thân thuộc và được tiếp nhận sâu đậm như là một hình thức truyền thống lâu đời. Theo ý nghĩa này, “kế thừa” là tính chất đặc trưng của hình thức mộ gia đình “ie haka”.

Tuy nhiên, cũng như các nhà nghiên cứu mộ nổi tiếng như Makimura Hisako, Kodani Midori, Inoue Haruyo đã nhận định, trong bối cảnh hiện nay, khi những yếu tố ảnh hưởng đến mộ gia đình “ie haka” như mối liên hệ trong gia đình, người thừa kế mộ… đang thay đổi, mộ gia đình “ie haka” với những đặc tính truyền thống phân tích trên đã nảy sinh ra nhiều vấn đề. Nội dung này được phân tích trong phần sau đây.

Những vấn đề của mộ gia đình “ie haka” hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề liên quan đến mộ gia đình “ie haka” truyền thống thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Có hai nguyên nhân chính được đưa ra, đó chính là số lượng mộ thiếu, và yếu tố văn hóa liên quan đến sự thay đổi của hình thức gia đình cũng như mối quan hệ trong gia đình,v.v...

Đầu tiên, xét về tình trạng thiếu mộ. Trên thực tế, tình trạng thiếu mộ đã bắt đầu cùng với sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của quá trình đô thị hóa từ khoảng thời kỳ Minh Trị ~ Taisho. Cùng với sự phát triển kinh tế, dòng người nhập cư vào các thành phố lớn, những quỹ đất dành cho người sinh sống được bảo vệ… vì vậy đã xảy ra tình trạng thiếu đất nghĩa trang. Tình trạng này cũng dẫn đến việc giá mộ bị đẩy lên cao, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế phát triển của Nhật Bản 19 . Vì vậy ngày nay, khuynh hướng xây dựng mộ tiết kiệm sử dụng quý đất như các nghĩa trang bãi cỏ, nghĩa trang nhỏ với bia mộ bảng nhỏ gọn… đang được đẩy mạnh.

Thêm vào đó, mộ gia đình “ie haka” vốn cần diện tích nhất định; cùng với sự gia tăng của gia đình hạt nhân như đã nêu, sẽ làm tăng nguy cơ thiếu mộ nếu vẫn giữ nguyên cách xây mộ truyền thống.

Ngoài ra, những yếu tố văn hóa liên quan đến tính chất của mộ cũng đang có sự thay đổi lớn. Ví dụ như xét về tính kế thừa - đặc điểm quan trọng của mộ gia đình.

Sau chiến tranh, xã hội Nhật Bản trải qua biến đổi từ xã hội nông nghiệp thành xã hội công nghiệp, kéo theo sự di dân lớn của lực lượng lao động từ nông thôn ra thành thị. Chính trong bối cảnh gia đình hạt nhân ngày càng gia tăng, đã khiến mối liên kết gia đình trở nên lỏng lẻo dẫn đến gia đình “ie” khó duy trì 4 , 11 , 19 .

Tuy vậy, mộ vẫn giữ nguyên hệ thống kế thừa như cũ, vì vậy đã phát sinh khó khăn trong việc kế thừa mộ. Ví dụ, theo “quy định về thừa kế của người sử dụng dịch vụ chôn cất hoa viên mộ thủ đô ” ban hành vào ngày 13 tháng 12 năm 1971, thứ tự thừa kế ưu tiên quan hệ huyết thống, ưu tiên quan hệ huyết thống trực hệ hơn quan hệ anh chị em, ưu tiên nam hơn nữ, ưu tiên dòng trưởng... Theo “quy định thực hiện điều kiện sử dụng hoa viên mộ” của Tokyo, trường hợp không rõ người chịu trách nhiệm chăm sóc thờ cúng từ mười năm trở lên, theo quy định của thành phố, để làm thủ tục mộ không có người chăm sóc thừa kế, sẽ mất thời gian và tiền phí lớn 6 .

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, với số lượng trẻ em giảm, và các hình thức gia đình ngày càng trở nên đa dạng hơn , hình thức gia đình 2 người già sống chung với nhau, hộ sống độc thân, gia đình không có con... ngày càng tăng; đã làm các vấn đề liên quan đến tính kế thừa ngày càng trầm trọng.

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng mộ gia đình bỏ hoang vô chủ “muenbaka” ngày càng trầm trọng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, khái niệm “quyền sử dụng vĩnh viễn” mơ hồ, gây hiểu lầm. Bởi vì dù lúc mua, được trao quyền sử dụng vĩnh viễn nhưng trên thực tế nếu phí quản lý không được con cháu - người thừa kế mộ chi trả trong 1 khoảng thời gian, thì hợp đồng bị hủy 4 , 11 .

Thực tế, từ trước từ “tuyệt tự” (zetsuen) mang tính phân biệt đã được dùng để chỉ tình trạng mộ bỏ hoang và thường được chôn cất trong tháp lưu trữ tro cốt vô chủ ở một góc chùa 19 . Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng ngày càng nhiều, vấn đề này đã giảm bớt ý nghĩa tiêu cực và từ “muen” đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong văn bản pháp luật, và cuộc sống.

Hoặc liên quan đến thời gian xây mộ, nhiệm vụ chăm sóc và xây dựng mộ,… vốn là của con cháu. Ví dụ, theo “quy định thực hiện điều kiện sử dụng hoa viên mộ” của Tokyo, điều kiện đăng ký sử dụng hoa viên mộ quy định phải có tro cốt hỏa táng; trong trường hợp nghĩa trang của chùa, nghĩa trang tư nhân; những người sống một mình không có tư cách đăng ký 6 . Tuy nhiên, hiện nay không chỉ vấn đề liên quan đến người kế thừa, mà người chịu trách nhiệm ký kết và xây dựng mộ cũng đang thay đổi. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của hình thức đăng ký xây mộ trước khi mất “seizenbo”, nghĩa là chính bản thân người già sẽ mua mộ trước cho mình khi vẫn còn sống.

Thêm vào đó, cùng với khuynh hướng chung trên thế giới, ví dụ hậu quả nổi bật của xã hội công nghiệp chính là “vấn đề môi trường” ảnh hưởng hệ sinh thái toàn cầu. Do đó, liên quan đến mộ, những khuynh hướng hướng về tự nhiên như “không dựng bia mộ”, phương thức mai táng tự nhiên như mộc thụ táng (rải tro cốt dưới cây xanh)... đã xuất hiện và ngày càng phổ biến.

Dựa trên đó, trong bối cảnh những như cầu về mộ đang trở nên ngày càng đa dạng và phong phú, mộ gia đình “ie haka” đã phát sinh nhiều vấn đề, và những tính chất đã phân tích trên ví dụ như “tính cố định”, “tính kế thừa”… bị xem là không phù hợp thời đại. Điều này thể hiện trong rất nhiều nhận định của các nhà nghiên cứu về mộ nổi tiếng tại Nhật Bản. Để có thể xem xét về vấn đề này thấu đáo, ngay trong thời điểm bắt đầu có sự thay đổi của mộ gia đình truyền thống, đã có ý kiến điển hình của nhà nghiên cứu Fujii Masao như sau đây: “Cách sống của con người hiện đại khác nhau và đa dạng, người không sử dụng mộ, người câu nệ với những tập tục mộ truyền thống, người sống theo niềm tin tín ngưỡng với chủ thể là mộ,v.v... Và trong thời kỳ mua mộ đang gặp khó khăn hiện nay, việc quyết định mộ nên bắt đầu suy nghĩ xem lại đối với bản thân mộ có ý nghĩa, vai trò như thế nào cũng là một việc cần thiết” [ 6 , tr.222].

Kết luận

Bài viết tìm hiểu về phương thức xử lý tro cốt hỏa táng- hình thức mộ gia đình “ie haka”, giai đoạn 2 trong tang thức hỏa táng phổ biến tại Nhật Bản. Trong bối cảnh đặc thù của thời kỳ Minh Trị, cùng với phương thức hỏa táng, hình thức mộ gia đình “ie haka” đã ra đời và phổ biến cho đến ngày nay. Mặc dù có ý kiến cho rằng đây là phương thức mới, không phải truyền thống gắn bó của người Nhật Bản, tuy nhiên, như đã phân tích trên, chính sự kế thừa phong tục thờ cúng tổ tiên, ý thức gia đình, chữ “hiếu” trong Nho giáo, nguyên lý phụ hệ Nho giáo… truyền thống từ xa xưa, đã làm tính bắt buộc theo quy định pháp luật thời kỳ đầu mờ nhạt, và mộ gia đình “ie haka” đã được tiếp nhận sâu đậm và duy trì cho đến ngày nay ngay cả khi phong tục này đã xóa bỏ tính bắt buộc về mặt pháp luật. Hình thức mộ gia đình “ie haka” đã đem đến bước ngoặt lớn trong phương thức xử lý tro cốt hỏa táng, với những đặc điểm thể hiện ý thức gia đình phụ hệ, tính vĩnh viễn truyền qua nhiều thế hệ, phong tục thờ cúng tổ tiên, nguyên lý phụ hệ, nhân sinh quan,v.v… của người Nhật.

Trên thực tế, trong bối cảnh hiện nay, dưới ảnh hưởng của các yếu tố như đã phân tích trên đã dẫn đến phát sinh các vấn đề, và điều này dẫn đến nhiều thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức của mộ gia đình “ie haka” nói riêng và phương thức chôn cất tro cốt hỏa táng nói chung của Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, ví dụ trong điều tra của tác giả, có không ít trường hợp gặp khó khăn trong việc mua mộ nhưng vẫn rất coi trọng và trăn trở về vấn đề của mộ tổ tiên. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã cho kết quả tương tự, ví dụ như trong nghiên cứu của Viện nghiên cứu mộ hiện đại đã nêu lên những ý kiến điển hình như sau: “Sự tồn tại của mộ rất quan trọng, mộ luôn là ốc đảo, nơi về trong trái tim của người thân còn sống”(ông Seiko Moriyama (54 tuổi)) ; “Mộ chính là nơi người mất an nghỉ, để tâm hồn thành Phật. Và đồng thời cũng là chỗ dựa tinh thần của con cháu. "Trong bối cảnh gia đình hạt nhân chiếm phần lớn hiện nay, phải đi ngược lại khuynh hướng này thì thật là đáng tiếc”(ông Fukuoka (76 tuổi)) 1 . Qua đó, có thể thấy hiện nay, sự gắn kết với mộ gia đình “ie haka” vẫn rất sâu đậm. Theo đó, mộ truyền thống thay đổi, kế thừa, và ảnh hưởng qua lại giữa phương thức cũ và mới như thế nào,… chính là nội dung tác giả muốn mở rộng nghiên cứu sau này.

Và liên hệ với Việt Nam, trên thực tế, dưới ảnh hưởng của Nho giáo, đạo Phật, trong văn hóa tang thức của người Việt có nhiều điểm chung với Nhật Bản như xây dựng mộ, thông qua mộ gia đình thực hiện thờ cúng tổ tiên, phong tục thờ cúng tổ tiên được duy trì theo nguyên lý phụ hệ Nho giáo,… Tuy nhiên hiện nay, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, chỉnh trang đô thị đang được đẩy mạnh đã gây ra rất nhiều vấn đề xã hội như phát sinh tình trạng thiếu mộ thổ táng, vệ sinh môi trường,… Thêm vào đó, tại những thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh phương thức hỏa táng đang ngày càng lan rộng phổ biến. Thông qua việc so sánh với trường hợp Nhật Bản, có thể làm rõ được những nét chung cũng như nét đặc trưng về quan niệm tôn giáo, dòng họ, thờ cúng tổ tiên, khuynh hướng thay đổi. Dựa trên đó, góp phần làm sáng tỏ, nắm bắt được thực trạng về phương thức mai táng, đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại… Đây cũng chính là đề tài mà tác giả muốn mở rộng nghiên cứu trong tương lai.

Tuyên bố Xung đột lợi ích

Bài viết không có xung đột lợi ích.

Đóng góp của tác giả

Tác giả đã thu thập thông tin tài liệu, làm nghiên cứu thực tế tại các nghĩa trang mộ gia đình tại các thành phố lớn tại Nhật Bản (Tokyo, Osaka), dịch tài liệu; viết kết quả nghiên cứu. Tác giả liên hệ gởi và chỉnh sửa bài báo.

References

  1. Viện nghiên cứu mộ hiện nay. Mộ sẽ trở thành như thế nào (Ohaka, do shimasuka). Nhật Bản: Công ty Diamond. 2000;:. Google Scholar
  2. Nagae Y.. Những thay đổi của mộ trong thế kỷ XXI -Trong xã hội giảm con trẻ, gia tăng người già (21 seiki no ohaka ni ko kawaru - Shoshikoreishakai no naka de -). Nhật Bản: NXB Cty Asahi Sonoram. 1998;:. Google Scholar
  3. Tetsudo Y., Mutsuhiko Y.. Tự do tang thức và tang thức tự nhiên (Soso no jiyu to shizenso). Nhật Bản: Gaifusha. 2000;:. Google Scholar
  4. Kenji M.. Tình trạng hiện nay của mộ và phương thức mai táng (Haka to soso no genzai). Nhật Bản: Tokyodo Press. 2000;:. Google Scholar
  5. G. Shigeru.. Lịch sử mộ và nhân sinh quan của người Nhật (Nihonjin no shiseikan to soboshi). Nhật Bản: Hozokan. 2008;:. Google Scholar
  6. Masao F.. Sách hiểu tất cả về mộ (Ohaka no subete ga wakaru hon). Nhật Bản: Công ty Present. 1991;:. Google Scholar
  7. Iwata S.. Sự ra đời của mộ (Ohaka no tanjo). Nhật Bản: Iwanami Shinten. 2009;:. Google Scholar
  8. Tài liệu từ trang web của Phòng trưng bày khảo cổ Une Kokokan thuộc thành phố Ako, tỉnh Hyogo. Truy cập ngày 8/7/2019. . ;:. Google Scholar
  9. Yamaori Dân tộc học về cái chết (Shi no minzokugaku). Nhật Bản: Iwanami shoten. 2002;:. Google Scholar
  10. Yohko T.. Death policies in Japan: the state, the family, and the individual, Family and Social Policy in Japan Anthropological Approaches. Anh quốc: University of Oxford. 2002;:177-199. Google Scholar
  11. Midori Kodani. Lễ tang thay đổi, mộ biến mất (Kawaru ososhiki, kieru haka). Nhật Bản : Iwanami shoten. 2000;:. Google Scholar
  12. Hisako M.. Mộ và gia đình (Ohaka to kazoku). Nhật Bản:Tokishobo. 1996;:. Google Scholar
  13. Mutsumi Y.. Quy trình xử lý xương cốt hỏa táng (Kỹ thuật của đất nước hỏa táng Nhật Bản (Ohone no yukue). Nhật Bản: Heibonsha. 2000;:. Google Scholar
  14. Hosoki K.. Cách thờ cúng Tổ tiên Để có thể trở nên hạnh phúc (Senzo no matsurikata shiawase ni naru tame no). Nhật Bản: KK Best seller. 2005;:. Google Scholar
  15. Kazumi S.. Mộ xây dựng, mộ thừa kế (Tateru ohaka, tsugu ohaka). Nhật Bản: Cty Shogakukan. 2005;:. Google Scholar
  16. Hisao T.. Lịch sử và dân tộc học về việc tổ tiền tồn tại mãi mãi (Senzomushi no rekishi to minzoku). Nhật Bản: Kobundo. 1986;:. Google Scholar
  17. Nobuyuki K.. Nho giáo là gì (Jukyo towa nanika). Nhật Bản: Chuo Koron shinsha. 2007;:. Google Scholar
  18. Takanori S.. Lịch sử Nhật về nghi thức an ủi linh hồn, cái chết và tang lễ (Ososhiki, shi to irei no Nihonshi). Nhật Bản: Yoshikawakobunkan. 2009;:. Google Scholar
  19. Haruyo I.. Luận về gia đình liên quan đến mộ, cùng vào mộ với ai, ai là người trông giữ mộ (Haka o meguru kazokuron, dare ga hairuka, dare ga mamoruka). Nhật Bản: Heibonsha. 2000;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 1 (2020)
Page No.: 293-304
Published: Mar 31, 2020
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i1.538

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thi Hoai Chau, N. (2020). Study about the Japanese family grave “ie haka” today - Through the research about Japanese family grave “ie haka” in big cities of Japan (Tokyo, Osaka). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 4(1), 293-304. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i1.538

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 744 times
Download PDF   = 550 times
View Article   = 0 times
Total   = 550 times