VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Reviews - Arts & Humanities

HTML

407

Total

275

Share

Studying about “Wood burial” - a treatment of cremation ash in Japan, today






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This paper studied “wood burial”, a form of the burial of cremation ash under the tree in Japan today. Cremation has been conducted in Japan at a rate of more than 90%. Traditionally, the cremation ashes are buried in the family grave with known Japanese name as “ie haka”. But now, in Japan,  the factors influencing traditional customs such as family structure, the proportion of young and old people, religious consciousness... are changing. This led to new trends and changes in the culture of treatment of cremated remains. Among that, “wood burial” has emerged and become increasingly popular.  In general, the “wood burial” in Japan has many common features such as having harmony with nature, using trees instead of artificial gravestones, etc. in the general trend in the world. Besides, through my study,  in the particular context of Japan, the Japanese style wood burial, inheriting traditional characteristics such as burying the cremated ashes in the family unit (like family grave),  the permanence of grave,etc...has been clarified. Like that, inheriting the previous studies, this paper did a research about the background, characteristics, popularity… of the “wood burial” in Japan. It is also a noticeable topic of having attracted attention from various viewpoints nowadays. Through this, it is possible to understand Japanese burial culture, the culture of family, ancestor worship, etc. And relating to Vietnam, it is also a meaningful topic in the background that cremation has been increasingly accepted in Vietnam, and based on that, in the culture of burial, ancestor worship custom, …the change has been happening. Through the study, the author hopes to contribute to providing the knowledge systematically about this new topic in Vietnam. In this paper, through fieldwork research of the author, clarifying the characteristic, the acceptance and performance of wood burial,…, and through it, making clear the culture of treatment of cremation ashes, the change of family structure, ancestor worship, the concept of patriarchy... in Japan nowadays, is the purpose of my research. This topic has almost not been studied in Vietnam systematically and is meaningful in the context cremation is increasingly accepted, and brings changes in burial culture, the ancestor worship… in Vietnam today.


 

Dẫn nhập

Mộc thụ táng” là hình thức mới ra đời trong thời gian gần đây, và được triển khai ở nhiều nước trên thế giới . Tại Nhật Bản, với tỷ lệ hỏa táng hơn 90%, bên cạnh hình thức truyền thống mộ gia đình ( ie haka), “mộc thụ táng” là một trong những phương thức mới ngày càng phổ biến, và trở thành đề tài thu hút nhiều sự quan tâm ở Nhật Bản hiện nay. Đã có rất nhiều nghiên cứu về “mộc thụ táng” từ nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ, bài nghiên cứu “Hiện trạng và những vấn đề của hình thức mộc thụ táng-hình thức mộ mới tại Nhật Bản” đã tìm hiểu về “mộc thụ táng” nhìn từ góc độ thay đổi của hình thức mộ truyền thống của Nhật Bản, qua đó làm rõ hiện trạng cùng những đóng góp của “mộc thụ táng” trong việc bảo vệ rừng, phát triển địa phương... 1 . Tác giả Konomi Ikebe nêu rõ những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự thay đổi của hình thức xử lý tro cốt hỏa táng truyền thống của Nhật Bản và dẫn đến nhu cầu mới, trong đó có “mộc thụ táng” gắn kết với thiên nhiên trong bài nghiên cứu “Nhu cầu mộ gia tăng và khuynh hướng tái sinh thiên nhiên của “mộc thụ táng” 2 . Tác giả Inoue trong sách “ Gia đình luận xoay quanh vấn đề về mộ” 3 đã làm rõ hiện trạng, những thay đổi của hình thức mộ ; và qua đó luận về gia đình Nhật Bản. Đồng thời chỉ ra những đặc điểm mới so với truyền thống của “mộc thụ táng”... Và liên quan đến vấn đề này, trong bài nghiên cứu của tác giả đã đăng trên tạp chí “Sự thay đổi và kế thừa trong hình thức xử lý tro cốt hỏa táng của Nhật Bản ngày nay. Hình thức hòa hợp truyền thống và mới” 4 , cũng đã làm sáng tỏ những đặc điểm truyền thống và mới trong các hình thức xử lý tro cốt, trong đó một trong những hình thức gắn liền với tự nhiên chính là “mộc thụ táng”. Ngoài ra, trong “Mộc thụ táng có trở thành phương thức phổ biến ở Nhật Bản không ?” của tác giả Midori Kotani dựa trên so sánh với mộc thụ táng ở Anh, kết quả điều tra về sự tiếp nhận của người Nhật đối với mộc thụ táng,...đã làm rõ tình trạng phổ biến của mộc thụ táng cùng ý nghĩa bảo vệ thiên nhiên của hình thức này 5 . Theo đó, “mộc thụ táng” là vấn đề nổi bật thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu hiện nay, đã được tìm hiểu từ nhiều khía cạnh như nhìn từ mối quan hệ với sự thay đổi của gia đình, đặc điểm mới và sự phổ biến,v.v...Thông qua đó, phản ánh đặc điểm gia đình, ý thức tôn giáo, văn hóa tang thức của Nhật Bản,... Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong giới hạn tìm hiểu của tác giả, trong các nghiên cứu về Nhật Bản, đây là vấn đề hoàn toàn mới, hầu như rất ít được đề cập. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu đi trước, thông qua phương pháp thu thập, phân tích tài liệu và điều tra thực tế (fieldwork) tại Nhật Bản, tác giả đi vào nghiên cứu về hình thức “mộc thụ táng”, với mục đích nhằm làm sáng tỏ những đặc điểm, khuynh hướng của hình thức “mộc thụ táng” hiện nay. Thông qua đó, tác giả mong muốn có thể góp phần nghiên cứu văn hóa xã hội, hệ thống hóa những kiến thức nghiên cứu về Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay. Và đây cũng là đề tài rất có ý nghĩa trong việc liên hệ với Việt Nam trong bối cảnh hỏa táng đang ngày càng gia tăng hiện nay.

Định nghĩa “mộc thụ táng”

“Mộc thụ táng” là một hình thức “tang thức tự nhiên” ( shizenso ). Theo mỗi quốc gia, khái niệm “tang thức tự nhiên” được định nghĩa khác nhau. Ở Châu Âu, “tang thức tự nhiên” chỉ hình thức rải và chôn cất tro cốt dưới gốc cây, bãi cỏ,... đây cũng chính là hình thức “mộc thụ táng”. Nhưng tại Nhật Bản, khái niệm này rộng hơn bao gồm hình thức tán nhỏ và rải tro cốt ra sông hoặc biển ( sankotsu ) và “mộc thụ táng” chôn cất tro cốt dưới gốc cây 6 . Tuy nhiên, nhìn chung “tang thức tự nhiên” bao gồm 3 đặc điểm cơ bản: là phương thức tác động xử lý tro cốt bằng các yếu tố tự nhiên; giảm thiểu tác động phá hoại môi trường khi xây mộ truyền thống như chặt cây, diện tích mộ rộng,v.v… ; và đặc biệt nhấn mạnh ý thức gắn kết hòa hợp với môi trường tự nhiên. Tại Nhật Bản, theo nhiều nhà nghiên cứu, hình thức tang thức tự nhiên “mộc thụ táng” được định nghĩa là phương thức xử lý tro cốt hỏa táng với cách thực hiện chính thống là chôn cất tro cốt trực tiếp vào đất, không dựng bia mô bằng đá,… như thông lệ mà thay vào đó là trồng cây đánh dấu nơi chôn cất 1 . Cùng với sự phổ biến của nó, “tang thức tự nhiên”, “mộc thụ táng” đã trở thành từ ngữ tên riêng và được định nghĩa, sử dụng trong văn bản pháp luật, cũng như được biết đến rộng rãi ở nhiều nước ( ví dụ trong “Luật liên quan đến tang thức” chỉnh sửa năm 2008 của Hàn Quốc …). Tại Nhật Bản hình thức “mộc thụ táng” ra đời gắn liền với bối cảnh cụ thể.

Bối cảnh ra đời

Tại Nhật Bản hiện nay, hỏa táng chiếm tỷ lệ 99,9% 7 . Theo nghĩa thông thường, phương thức hỏa táng gồm giai đoạn 1 là hỏa thiêu thi thể người mất và giai đoạn 2 là xử lý tro cốt hỏa thiêu. Tùy theo mỗi dân tộc, hình thức và nghi lễ hỏa táng, cách xử lý tro cốt khác nhau, bị chi phối bởi các yếu tố văn hóa, chính trị, tôn giáo,…

Tại Nhật Bản, hình thức mộ gia đình “ie haka” truyền thống ra đời chính thức trong thời Minh Trị (1868~1912). Thông qua hệ thống mộ gia đình, phản ánh ý thức tôn giáo, sinh tử quan, nguyên lý gia đình,… của người Nhật. Trong đó, đặc biệt là nhấn mạnh mối liên kết của gia đình thông qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên dựa trên nguyên lý phụ hệ Nho giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đã có nhiều thay đổi.

Ví dụ xét về tính “tính cố định” ( 固定制 ), “ tính vĩnh cửu ” ( 永続性 ) của mộ gia đình truyền thống 8 . Đặc điểm cố định, và phải có con cháu kế thừa chăm sóc, qua đó duy trì nghi lễ thờ cúng tổ tiên của đồng tộc phụ hệ,...đã khó có thể duy trì trong hoàn cảnh xã hội với số lượng trẻ em ngày càng giảm, việc di dân đến đô thị dẫn đến tình trạng dân số giảm ở địa phương,… Tình trạng mộ gia đình không kế thừa này ngày càng nhiều, trở thành hiện tượng “mộ vô chủ” được gọi với từ riêng“muenbaka” lưu hành trong văn bản, và biết đến rộng rãi 5 .

Theo đó, chính “sự không phù hợp” của hình thức mộ truyền thống, đã làm nảy sinh nhu cầu về các hình thức mới đa dạng, v.v... Điển hình như sự ra đời vào năm 1991 và hoạt động mạnh mẽ của “Hội khuyến khích tự do mai táng” do hội trưởng Yasuda thành lập. Hội đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, hoạt động và góp phần lớn trong việc thay đổi nhận thức cố hữu, cũng như đẩy mạnh việc phổ biến phương thức mai táng tự nhiên. Thêm vào đó, trong bối cảnh chung toàn thế giới với khuynh hướng gắn kết và bảo vệ thiên nhiên; đối với vấn đề xây mộ đã xuất hiện những phong trào phản đối việc phá rừng xây nghĩa trang rộng lớn, ý thức muốn trở về tự nhiên sau khi mất,…

Ví dụ tại Hàn Quốc và Đài Loan, bối cảnh ra đời và phổ biến hình thức “mộc thụ táng” là do tình trạng thiếu mộ thổ táng trầm trọng, sự gia tăng và khuyến khích hỏa táng và quan điểm bảo vệ thiên nhiên,… đã trở thành động lực đẩy mạnh phát triển hình thức này từ cả hai chính phủ 5 . Cụ thể, tại Hàn Quốc, từ sau năm 1990, vì những lý do như thiếu mộ trầm trọng, những vấn đề phá hoại thiên nhiên để xây mộ thổ táng,… đã thúc đẩy khuyến khích hỏa táng, và vào năm 2007, dựa trên tham khảo hình thức “mộc thụ táng” của Nhật, Đức,… đã ra đời hình thức tang thức tự nhiên trong đó bao gồm “mộc thụ táng”. Năm 2009, “khu rừng mộc thụ táng” quốc hữu đã được hoàn thành, và “mộc thụ táng” ngày càng trở nên phổ biến 9 .

Tương tự tại Nhật Bản, trong bối cảnh lo lắng về việc phá hủy môi trường thiên nhiên để xây dựng nghĩa trang rộng lớn, khuynh hướng hối hận về việc không coi trọng môi trường tự nhiên trong xã hội công nghiệp 10 , những phương thức mới như “mộc thụ táng”, hình thức rải tro,… đã ra đời. Trong đó, tại chùa Chisho ( thuộc chùa Shoun ), thành phố Ichinoseki, tỉnh Iwate, “mộc thụ táng” đầu tiên ra đời và bắt đầu sử dụng vào năm 1999 11 , đã đem lại nét mới trong văn hóa tang thức của người Nhật và ngày càng được phổ biến rộng rãi.

Liên hệ với việc phổ biến “mộc thụ táng”, từ xa xưa, ở Nhật đã tồn tại tín ngưỡng thờ rừng, thể hiện mối liên hệ mật thiết của con người và cây cối. Theo đó, người Nhật luôn tin rằng rừng là nơi linh thiêng, cây cối là nơi trú ngụ của các linh hồn, kết nối với vũ trụ và chung sống cùng không gian với con người, vì vậy trong tâm thức người Nhật luôn rất coi trọng rừng. Trong tín ngưỡng Thần đạo của Nhật Bản, tinh thần kính trọng, hòa hợp với thiên nhiên rất mạnh mẽ. Theo đó, có thể thấy rằng từ vựng “mộc thụ táng -tang thức tự nhiên” tuy mới nhưng nội dung, ý nghĩa của nó có lịch sử lâu đời tại Nhật 12 .

Hiện nay “mộc thụ táng” đã trở thành một trong những lựa chọn phổ biến với nhiều dạng thức, cách thực hiện đa dạng. Thông qua các nghĩa trang “mộc thụ táng” cụ thể sau, tác giả đi vào tìm hiểu về đặc điểm của hình thức này.

Những nghĩa trang “mộc thụ táng” ở Nhật Bản

Tại Nhật Bản, “mộc thụ táng” được cấp phép xây dựng như nghĩa trang thông thường, với tên gọi chính thức là “Công viên nghĩa trang mộc thụ táng” 5 . Theo “Luật pháp liên quan đến nghĩa trang, hình thức chôn cất,v.v …”, quy định phần mộ “mộc thụ táng” tuy bia mộ truyền thống được thay bằng cây xanh, nhưng vị trí mộ được xác định rõ ràng, đây cũng là điểm khác biệt so với “tang thức tự nhiên” khác như hình thức rải tro,... Theo phân loại khái quát, tùy theo vị trí tọa lạc, có 2 hình thức chính là “nghĩa trang mộc thụ táng trong môi trường rừng núi” và “nghĩa trang mộc thụ táng đô thị”. Hiện nay, có cả 2 hình thức nghĩa trang tư lập và công lập.

Theo thống kê, ở thời điểm năm 2016, có khoảng 200 nghĩa trang “mộc thụ táng” trên toàn quốc 13 . Và trên trang web chính chức của 47 tỉnh của Nhật Bản, đều có đăng danh sách các nghĩa trang “mộc thụ táng”, hầu hết nghĩa trang đều có trang web riêng cung cấp thông tin rõ ràng giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn hình thức phù hợp.

Sau đây, dựa theo kết quả nghiên cứu đã có và điều tra thực tế của mình, tác giả đi vào tìm hiểu một số nghĩa trang “mộc thụ táng” cụ thể.

Nghĩa trang “mộc thụ táng” Chishoin (chùa Shoun), thành phố Ichinoseki, Iwate

Đầu tiên phải kể đến nghĩa trang “mộc thụ táng” chùa Chishoin, thành phố Ichinoseki, tỉnh Iwate. Đây chính là nghĩa trang “mộc thụ táng” đầu tiên ở Nhật Bản, được xây ở vùng núi rừng địa phương, dựa trên suy nghĩ của thầy chủ trì thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với việc phá hoại tự nhiên khi làm nghĩa trang tại đô thị, và mong muốn phục hồi, phát triển rừng núi thiên nhiên tại địa phương. Với cách làm chính thống là không lập bia mộ đá phản cảm với môi trường thiên nhiên, mà thay vào đó là trồng cây đánh dấu mộ 11 . Vùng Tohoku vốn có nhân sinh quan từ xưa là sau khi mất sẽ trở về tự nhiên; theo đó, khác với cách làm thông thường ở Nhật Bản là lưu trữ tro cốt vào các hũ đựng tro cốt bền vững theo thời gian, ở Tohoku phần đáy của mộ thường làm bằng đất và tro cốt không đựng trong hũ mà chôn trực tiếp vào đất. Vì vậy, dựa theo đó, ý tưởng thiên nhiên gắn liền với hình thức “mộc thụ táng” dễ dàng được ra đời và tiếp nhận 11 .

Kế thừa truyền thống và tiếp nhận xu hướng thời đại, thầy chủ trì nhấn mạnh mong muốn thông qua hình thức “mộc thụ táng” này, cùng với sự giúp sức của các nhà chuyên môn, nhà chùa cùng mọi người nỗ lực việc duy trì và phát triển rừng, thiên nhiên bền vững lâu dài 11 .

Nghĩa trang “mộc thụ táng” đầu tiên này đã bắt đầu được khai thác sử dụng vào tháng 11 năm 1999, phản ánh suy nghĩ gắn liền với thiên nhiên như “con người trở về với tự nhiên sau khi mất”, “con người sau khi mất sẽ tái sinh làm cây cỏ, hoa lá”, “bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp của địa phương cho thế hệ con cháu”,….

Thêm vào đó, liên quan đến những vấn đề trở nên nghiêm trọng của mộ gia đình “ie haka”, “mộc thụ táng” chính là hình thức mộ chôn tập thể và hình dạng của mộ phần trở nên vô hình hóa. Ngoài ra, không quy định điều kiện phải có con cháu kế thừa, chăm sóc mộ v.v…

Trong bài viết, nhà nghiên cứu mộ nổi tiếng Makimura đã miêu tả chi tiết. Nghĩa trang bao gồm 1000 bộ tro cốt hỏa táng được chôn cất. Chỗ chôn cất được cắm những ngọn cây sơn đỏ ở đầu cây làm dấu, hòa hợp với khung cảnh môi trường tự nhiên. Ở vị trí mộ được đặt trước, sẽ được cắm ngọn cây, và tính từ chỗ trung tâm trong vòng bán kính 1m là thuộc diện tích mộ của người mua. Khi tiến hành chôn cất, sẽ đào lỗ đất sâu 1 m và tro cốt được chôn trực tiếp vào đất. Những cây, hoa trồng trên mộ được lựa chọn theo quy định đảm bảo phù hợp với thổ nhưỡng và khung cảnh tự nhiên. Về chi phí, quy định cụ thể như sau : đối với 1 vị trí mộ người mua cần nộp phí sử dụng là 500.000 yên (100 triệu), phí quản lý môi trường là 100.000 yên (tương đương 20 triệu); trường hợp tại mộ đã mua muốn chôn cất từ bộ tro cốt thứ 2 trở lên là 100.000 yên. Ngoài ra, về diện tích và đường biên của ngôi mộ “mộc thổ táng”, theo quy định pháp luật cần xác định rõ vị trí chôn cất, phân biệt rõ ranh giới giữa các mộ ; vì vậy đường biên của mỗi mộ phần được phân định bởi dây thừng, hoa và khoảng cách các mộ tính từ trung tâm mộ phải từ 2m trở lên... 13 . Thông qua định vị GPS có thể đo đạc, quản lý đảm bảo không chôn cất chồng lấn các tro cốt hỏa táng lên nhau 14 . Về nghi lễ thờ cúng tại nghĩa trang, cho phép người thân trong gia đình và cả người dân địa phương có thể đến tham quan, tham gia lễ tưởng niệm tập thể, cầu nguyện cho linh hồn những người đã mất tổ chức 1 lần /1 năm vào thời gian phù hợp trong năm 13 . Phương thức mộc thụ táng này ngay sau khi đưa vào sử dụng đã thu hút sự chú ý của người dân Nhật Bản. Người đến tham quan và đăng ký sử dụng ngày càng đông, vì vậy chùa phải mở rộng xây thêm chùa Chishoin (知勝院 ) có đầy đủ chỗ dừng nghỉ ngơi, hoàn thiện lối đi bao gồm đảm bảo cho việc di chuyển xe lăn,... 11 .

Từ hình thức ban đầu đó, hiện nay, “mộc thụ táng” đã phổ biến khắp Nhật Bản. Điển hình có các nghĩa trang “mộc thụ táng” tư nhân đầu tiên ở vùng Kanto thuộc chùa Tenkoku, tỉnh Chiba; mộc thụ táng của chùa Hoshu, tỉnh Yamaguchi; v.v… Và sau đó, nghĩa trang “mộc thụ táng” công lập Memory Green của thành phố Yokohama đầu tiên đã ra đời.

Nghĩa trang “Mộc thụ táng tưởng niệm (Memory green)” ở thành phố Yokohama

Nghĩa trang “mộc thụ táng” công lập đầu tiên này ra đời năm 2006, với diện tích 23.426 m 2 . Hình thức và vị trí chôn cất hũ đựng tro cốt hỏa táng, tham khảo Figure 1 Figure 2 .

Theo kết quả nghiên cứu thực tế của tác giả bằng quan sát, phỏng vấn nhân viên, quản lý của nghĩa trang… có thể thấy “mộc thụ táng” có những đặc điểm như sau. Là hình thức mộ tập thể với cách thức tất cả các hũ tro cốt hỏa táng được chôn cất cùng 1 chỗ; trong khoảng diện tích 1 m 2 , 1 hũ đựng tro cốt hỏa táng được chôn cất; cây xanh được trồng phía trên tượng trưng cho bia mộ dành cho người đã khuất. Nghĩa trang chia thành 3 khu mộ, trong đó 1 khu vực có thể chôn cất được 1000 bộ tro cốt. Tro cốt hỏa táng đựng trong hũ tro cốt thông thường khi chôn, không xây tường rào phân định không gian giữa các hũ, nhưng đảm bảo không bị chôn xếp chồng lên nhau. Ở mỗi khu mộ đều thiết lập đài dâng hoa tưởng niệm chung, mà ở đó người thân có thể viếng thăm mộ.

Phí sử dụng vĩnh viễn là 140.000 yên, phí quản lý vĩnh viễn là 60.000 yên, tổng cộng 200.000 yên (tương đương 40 triệu đồng). Không cần phải có người kế thừa, chăm sóc mộ. Phần đông người sử dụng đăng ký mua mộ cho mình ngay còn khi còn sống. Về lý do chọn lựa hình thức nghĩa trang này, theo kết quả phỏng vấn của tác giả, có những ý kiến như sau. “ So với việc xây mộ, giá rẻ nên phù hợp ”, “ Chỉ có hai vợ chồng, chồng mất đã chôn ở đây, bản thân khi mất cũng mong muốn được yên nghỉ ở đây ”, v.v… Cụ thể như ý kiến của bà G (nữ, 42 tuổi, hiện tại bố đang nằm yên nghỉ trong “mộc thụ táng”) :" Tôi tin chắc sau khi mất linh hồn luôn bên cạnh gia đình. Nhưng đồng thời suy nghĩ trở về với thiên nhiên là rất tốt ”. Ý kiến của ông F (65 tuổi, hiện tại có vợ đang nằm yên nghỉ trong “mộc thụ táng”): “ Suy nghĩ sau khi mất có thể nằm yên nghỉ dưới gốc cây, con người được thiên nhiên nuôi dưỡng vì vậy khi mất trở về với thiên nhiên cũng là tất yếu. Thêm vào đó, điều kiện không cần người kế thừa là rất phù hợp ”. Từ những ý kiến trên, cho thấy ở hình thức này, nhấn mạnh suy nghĩ gắn kết với tự nhiên, phạm vi vượt quá giới hạn gia đình với đặc điểm chôn cất tập thể, không cần người kế thừa.

Figure 1 . Ba khu mộ chính của nghĩa trang “ Memory green ” Nguồn : Hìn h d o c gi chụ p o tháng 8 năm 2009 tạ i nghĩ a trang “Memory Green

Figure 2 . Vị trí chôn cất hũ đựng tro cốt Nguồn : Hình do tá c gi chụ p o tháng 8 năm 2009 tạ i nghĩ a trang “Memory Green

Nghĩa trang “mộc thụ táng” Takami no sato

Vào tháng 3 năm 2011, ở vùng Tohoku đã xảy ra động đất lớn. Dựa trên suy nghĩ xoa dịu nỗi đau, xoa dịu linh hồn người mất và góp phần khuyến khích phục hồi địa phương sau khi gặp thiên tai, nghĩa trang “mộc thụ táng” Takami no sato đã ra đời.

Tại công viên “mộc thụ táng” này chỉ trồng một loài hoa đó là hoa sakura. Sakura được xem là quốc hoa, loài hoa linh thiêng của Nhật Bản. Theo suy nghĩ của nhà sư chủ trì quản lý: “những người mất gia đình, những người ly hương vào dịp lễ obon (tháng 8), higan (tháng 3) lại trở về thăm mộ. Mỗi khi nhìn thấy sakura sẽ nhớ đến người đã mất, nhớ tổ tiên, nhớ quê hương. Hoa sakura - hoa đặc trưng của địa phương gần gũi và có ý nghĩa là thế, sẽ có thể an ủi được tâm hồn tất cả mọi người” 13 .

Và trong nghiên cứu, tác giả cũng đã thực hiện điều tra thực tế tại “mộc thụ táng” chỉ chuyên trồng hoa sakura, thuộc nghĩa trang Kobe Seichi thuộc thành phố Kobe, tỉnh Hyogo.

“Mộc thụ táng hoa sakura”, thuộc nghĩa trang Kobe Seichi

Là nghĩa trang “mộc thụ táng” đầu tiên của vùng Kansai, đưa vào sử dụng từ tháng 4 năm 2008. Có hai hình thức là khu vực chôn cất cá nhân và khu vực chôn cất tập thể. Trong đó, tro cốt hỏa táng được đựng trong túi nylon có thể tự tiêu hủy trong tự nhiên, và được chôn cất theo đơn vị cá nhân. Mặc dù tên gọi là vĩnh cửu nhưng được quy định thời gian là 33 năm, sau đó sẽ tiến hành như thế nào ví dụ như tiến hành chôn cất tập thể với các bộ tro cốt hỏa táng khác, hoặc cải táng, v.v... thì ở thời điểm tác giả điều tra, chưa được quy định cụ thể.

Về hình thức cúng viếng, 1 năm 1 lần vào tháng 4, tổ chức “lễ hội sakura” bao gồm các nghi thức cúng viếng, cầu nguyện tập thể cho những người đã mất. Ngoài ra, mỗi gia đình có thể đăng ký, tổ chức nghi lễ thờ cúng riêng cho người thân. Với suy nghĩ hòa hợp gắn bó với thiên nhiên nghĩa trang nghiêm cấm dâng đồ cúng, thắp hương, đèn cầy,... Trong khảo sát của tác giả, nhân viên nghĩa trang được phỏng vấn cho biết đặc điểm được nằm yên nghỉ dưới gốc cây sakura, không cần người kế thừa,...chính là yếu tố giúp nghĩa trang “Mộc thụ táng sakura” này ngày càng được biết đến và trên thực tế số lượng người sử dụng đang ngày càng gia tăng. Qua đó, đã phản ánh một phần sự thay đổi trong truyền thống lâu đời, cũng như khuynh hướng mới trong văn hóa tang thức của người Nhật. Thông qua tìm hiểu những hình thức “mộc thụ táng” trên đây, trong phần kế tiếp, tác giả đi vào phân tích, hệ thống lại những đặc điểm của hình thức “mộc thụ táng” tại Nhật Bản.

Đặc điểm của hình thức “mộc thụ táng” Nhật Bản

Như đã nêu trên, với hình thức mộ gia đình “ie haka” truyền thống, các đặc điểm nổi bật như “ tính tôn nghiêm ” ( 尊厳性 ), “ tính cố định ” ( 固定制 ), “tính vĩnh cửu” ( 永続性) 8 được nhấn mạnh. Và chính “Mộc thụ táng” - một trong các phương thức mới hiện nay đã đem lại những đặc điểm mới cho hệ thống mai táng của Nhật.

Đặc điểm “mới” của “mộc thụ táng” trong văn hóa mai táng của Nhật Bản

Đặc điểm nổi bật chính là sự gắn kết hòa hợp với tự nhiên. Điều này thể hiện qua nhiều quan niệm về tự nhiên được phản ảnh như “được yên nghỉ trong tự nhiên”, “phản đối sự tàn phá thiên nhiên để xây bia mộ truyền thống”, hoặc như ý kiến của nhà sư trụ trì đã xây “mộc thụ táng” đầu tiên “trồng cây xanh thay cho bia mộ truyền thống tượng trưng cho việc con người mất đi, tro cốt trở về đất, sẽ tái sinh thành cây cối, hoa cỏ trở thành một phần của rừng núi như một vòng tuần hoàn tự nhiên” ( 14 , tr.27). Điều này cũng thể hiện trong sự thay đổi về cách chôn cất. Nếu trước đây hũ tro cốt chôn cất có thể tồn tại lâu dài; thì trong “mộc thụ táng”, tro cốt được chôn trực tiếp hoặc bằng hũ tự hủy. Và đặc điểm gắn kết với thiên nhiên này chính là điểm chung của “mộc thụ táng” trên toàn thế giới. Và trong đó đặc biệt “mộc thụ táng” đã đem lại luồng gió mới vào văn hóa mai táng truyền thống của Nhật Bản. Như đã phân tích trên, trong bối cảnh hiện nay, mộ gia đình “ie haka” khó có thể đảm bảo duy trì, và “mộc thụ táng” đã ra đời và trở thành một trong những lựa chọn phổ biến. Điều này thể hiện qua kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây. Trong nghiên cứu của Nagata, đã chỉ ra 3 lý do chính “mộc thụ táng” được lựa chọn. Đó chính là đặc điểm “không cần người kế thừa mộ ”, “suy nghĩ muốn trở về với tự nhiên”, “không phân biệt tôn giáo”. Và kết quả điều tra về mức độ hài lòng đối với “mộc thụ táng” chiếm tới khoảng 93,6 %, trong đó có các lý do như giá cả mộ hợp lý chiếm 50,7% 9 . So với mộ gia đình truyền thống, như các hình thức mới khác, “mộc thụ táng” linh hoạt trong cách sử dụng ; hầu hết nghĩa trang “mộc thụ táng” đều không yêu cầu điều kiện phải có người kế thừa, đóng phí quản lý thừa kế, thực hiện chế độ đăng ký mua trước khi còn sống. Qua đó, cũng thể hiện khuynh hướng thay đổi từ cách làm truyền thống con cháu đảm nhận việc xây và quản lý mộ sang cách thức người già tự lập quyết định việc xây mộ cho mình. Thêm vào đó, so với mộ truyền thống, chi phí “mộc thụ táng” tương đối rẻ và phù hợp. Theo kết quả điều tra của tác giả, chi phí trung bình cho một mộ “mộc thụ táng” bao gồm xây mộ, quản lý, phí sử dụng vĩnh viễn là khoảng 400.000 yên ~ 500.000 yên (tương đương khoảng 80 triệu ~ 100 triệu ). Trong đó, các nghĩa trang “mộc thụ táng” công lập có chi phí khá rẻ ( khoảng 40 triệu ~ 50 triệu đồng), tuy nhiên tỷ lệ cạnh tranh mua mộ là rất gay gắt. Theo đó, những đặc điểm nổi bật thể hiện qua hình thức mộ gia đình “ie haka” truyền thống như “sự liên kết chặt chẽ của gia đình”, “tính cố định”, ”tính duy trì vĩnh viễn theo nguyên lý phụ hệ ”,… đã thay đổi cùng với những đặc tính mới ra đời như “không cần bia mộ tưởng niệm”, thậm chí “vô hình thức” (mukeika) (không hình dạng mộ cụ thể), “thời gian sử dụng giới hạn (yukigenka), “thời gian sử dụng vĩnh viễn” vượt quá giới hạn gia đình dựa trên sự quản lý của công ty bán mộ ; “cá nhân hóa”, “tập thể hóa ( cùng chôn cất với người khác) v.v… Đây có thể nói là những thay đổi rất lớn trong văn hóa mai táng, văn hóa thờ cúng tổ tiên của Nhật Bản. Qua đó, phản ảnh khynh hướng “cá nhân hóa” trong gia đình ; cũng như trong khái niệm thờ cúng tổ tiên thì so với tính chất “thờ cúng tổ tiên” truyền thống vốn tượng trưng cho tổ chức gia đình thống nhất và đảm bảo sự che chở của tổ tiên bảo vệ gia đình,…,tính chất “tưởng niệm tổ tiên” ( memorialism) đã ngày càng trở nên rõ nét. Theo đó, hình thức “mộc thụ táng” gồm nhiều đặc điểm chung với “mộc thụ táng” trên thế giới đã đem lại luồng gió mới trong văn hóa tang thức của Nhật Bản. Nhưng đồng thời trong bối cảnh riêng của Nhật Bản, hình thức “mộc thụ táng” Nhật Bản cũng có những đặc trưng và ý nghĩa riêng đặc thù được tóm tắt như sau đây.

Đặc điểm kế thừa truyền thống của hình thức “mộc thụ táng” Nhật Bản

Đầu tiên, phải kể đến tính chất tượng trưng trong cách chọn lựa cây trồng ở “mộc thụ táng”. Như ta đã biết hoa sakura được xem là quốc hoa tượng trưng cho Nhật Bản; theo đó, đối với nhiều người Nhật hình ảnh sau khi mất được nằm yên nghỉ dưới gốc cây sakura, đem lại cảm giác an ủi gần gũi, và dễ dàng được tiếp nhận. Theo thống kê có nhiều loại cây hoa được sử dụng, trong đó so với các loại hoa với tỷ lệ trồng khoảng 2~3%, hoa sakura được trồng áp đảo chiếm khoảng 26%. Các nghĩa trang “mộc thụ táng” này được gọi với tên riêng là “mộ sakura” (Sakura so) và tùy theo địa phương, đã thành lập nên mạng lưới kết nối các thành viên “mộ sakura” này 13 . Ngoài ra, bên cạnh đặc điểm mới góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh từ cách thức truyền thống hiện nay; thì chính đặc điểm kế thừa truyền thống như sau đây đã góp phần làm cho “mộc thụ táng” có thể được tiếp nhận tích cực và trở nên phổ biến dễ dàng ở Nhật Bản. Ví dụ quan sát kỹ cách triển khai của “mộc thụ táng” đầu tiên tại Yokohama, tác giả thắc mắc về mâu thuẫn của việc sử dụng hũ tro cốt truyền thống có thể tồn tại lâu dài và suy nghĩ trở về thiên nhiên vốn có của “mộc thổ táng”, người quản lý nghĩa trang đã cho biết rằng nhiều người thân không đồng ý cách làm chính thống của mộ “mộc thụ táng”, họ muốn giữ nguyên như vậy để cảm nhận được sự tồn tại của mộ và việc thăm viếng mộ có ý nghĩa. Đây cũng là 1 trong những lý do họ cảm thấy an tâm khi chọn “mộc thụ táng” nơi đây. Và nếu có thể được chôn cất cùng gia đình sẽ rất tốt. Trong “mộc thụ táng” này, có nơi được đặt bia đá với kích thước 35cm x 45cm, trên phiến đá được khắc nội dung “mộ gia đình” với phần diện tích có thể chôn 6 phần tro cốt hỏa táng của các thành viên trong gia đình.

Như vậy, ở đây chưa thể hiện được suy nghĩ vốn có trở về với tự nhiên, mà chỉ dừng lại ở mức độ sau khi mất được yên nghỉ mãi mãi dưới cây, nghĩa là “tính cố định và tính vĩnh viễn” vẫn được duy trì, và sự hiện diện của mộ có ý nghĩa gắn liền với nghi lễ thăm mộ truyền thống của Nhật Bản. Ngoài ra nhiều nghĩa trang “mộc thụ táng” tập thể cũng đều quy định thời gian giữ nguyên tro cốt thường là 33 năm, trước khi chôn tập thể. Quy định này chính là dựa theo nhân sinh quan vốn có trong văn hóa mai táng truyền thống người Nhật. 33 năm được xem là khoảng thời gian tổ tiên yên nghỉ với tư cách cá nhân người mất, sau 33 năm sẽ biến đổi và nhập chung vào các vị thần của gia đình, không cần nghi lễ cúng giỗ cá nhân.

Đặc điểm này được thể hiện qua nhiều kết quả của nhiều nhà nghiên cứu khác. Ví dụ trong định nghĩa “mộc thụ táng”, nhà nghiên cứu về mộ Makimura Hisako nổi tiếng ở Nhật đã định nghĩa “mộc thụ táng” là hình thức không dùng đá làm bia mộ mà trồng cây tượng trưng đánh dấu mộ, và dưới mặt đất, lưu trữ nhiều hũ tro cốt hỏa táng 13 . Thêm vào đó, để triển khai hiệu quả hơn, có nhiều ý kiến cho rằng ngoài mộ cá nhân và mộ hai vợ chồng, cần gia tăng hình thức mộ theo đơn vị gia đình mà trong đó con cháu sau này vẫn có thể kế thừa sử dụng 9 . Trong nghiên cứu về tình trạng của nghĩa trang “mộc thụ táng” Kodaira đã nêu, nhà nghiên cứu Midori Kotani đã chỉ ra rằng khi so sánh tỷ lệ người đăng ký khu mộ chôn cất tập thể giá rẻ dưới đất gấp 2,3 lần so với năm 2012; thì ở chỗ khu vực mộ có bia mộ dài sử dụng chôn cất theo đơn vị gia đình có thể chôn cất được với tỷ lệ năm 2012 tăng gấp 10 lần so với năm trước và có năm tăng hơn 20 lần 5 . Điều này cho thấy mức độ tiếp nhận tích cực hình thức mộc thụ táng không chỉ dừng lại ở nguyên nhân giá rẻ, hoặc không cần người thừa kế. So với nguyên bản chôn cất tập thể ban đầu, hình thức “mộc thụ táng” đã trở nên phong phú và có ý nghĩa thiết thực hơn với nhiều thể loại, và đặc biệt là sự thành lập mộ chôn cất theo đơn vị gia đình. Đặc điểm này đặc biệt thể hiện rõ ở mộ “ mộc thụ táng ” trong đô thị. Và ngay cả “mộc thụ táng” ở môi trường rừng núi tự nhiên, ví dụ trong nghĩa trang mộc thụ táng đầu tiên ở Nhật đã nêu, đã có trường hợp người nhà cải táng đem chôn cất chỗ khác với lý do tuy người mất muốn sử dụng hình thức mộc thụ táng, nhưng với suy nghĩ truyền thống gia đình mong muốn chôn cất vào mộ gia đình. Nhà sư chủ trì Chisaka đã cho rằng đây là suy nghĩ lỗi thời, trói buộc vào chế độ gia đình phong kiến ngày xưa 14 . Đối với các nghĩa trang “mộc thụ táng” đi chệch hướng với “mộc thụ táng” chính thống ban đầu, nhà sư trụ trì Chisaka, thậm chí đã có ý kiến phản đối gay gắt nhiều lần trên trang web… một cách công khai. Nội dung chỉ trích những nghĩa trang này đã lạm dụng đặt tên “mộc thụ táng” nhưng thật chất chỉ dừng lại ở mức hình thức, hoàn toàn làm mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Ví dụ chỉ trồng đại khái vài cây trên mộ, xem cây như dụng cụ trang trí khác với suy nghĩ vốn có đó chính là sinh mệnh quan trọng cầu nối giữa con người và thiên nhiên; vẫn dựng bia mộ tưởng niệm, chẳng liên quan đên việc bảo tồn hay phát triển rừng cây thiên nhiên... Nhà sư trụ trì đã chỉ trích gay gắt và gọi đó là những mộ “mộc thụ táng” hạng 2, trá hình không thể đứng ngang hàng với “mộc thụ táng” chính thống 14 . Tuy nhiên, dù khác cách làm chính thống nhưng chính đặc điểm kế thừa truyền thống này đã góp phần giúp nghĩa trang “mộc thụ táng” đem lại cảm giác gần gũi, dễ dàng phổ biến hơn tại Nhật Bản. Mặc dù hiện nay, các yếu tố ảnh hưởng cách thức truyền thống đã thay đổi, song nhiều kết quả điều tra cho thấy suy nghĩ mong muốn duy trì hình thức mộ gia đình “ie haka” truyền thống vẫn cao. Ví dụ trong “điều tra về ý thức liên quan đến gia đình và mộ phần” lần 2 do tác giả Miyazaki và Ando thực hiện. Khi điều tra về việc lựa chọn hình thức mộ phần, không phân biệt sự khác nhau về thế hệ, tuổi tác... hầu hết người tham gia cuộc điều tra (hơn 70%) đều có ý kiến ủng hộ duy trì hình thức mộ gia đình truyền thống vốn có với nội dung cần duy trì, quản lý, thăm viếng mộ gia đình từ thế hệ tổ tiên để lại 15 ,v.v... Trên đây đã phân tích tính chất kế thừa mộ truyền thống Nhật Bản; đây chính là đặc trưng khác biệt của “mộc thụ táng” Nhật Bản, và có thể nói chính nhờ đặc điểm này đã góp phần đẩy mạnh sự tiếp nhận tích cực cũng như phổ biến của hình thức “mộc thụ táng” tại Nhật.

Sự phổ biến của hình thức “mộc thụ táng” hiện nay

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, thống kê, hiện nay từ ngữ “ mộc thụ táng ” đã trở nên phổ biến, và số người sử dụng đang ngày tăng cao trên toàn quốc. Ví dụ, liên quan đến tình trạng sử dụng hình thức mộ thụ táng, tại 6 khu vực ”mộ thụ táng” công lập của Tokyo, mỗi năm đơn đăng ký chiếm tỷ lệ rất cao, tỷ lệ cạnh tranh gay gắt 5 . Ngoài ra, theo trích dẫn của Makimura Hisako về “cuộc điều tra tổng hợp về sự thay đổi ý thức liên quan đến việc thờ cúng, người mất - mai táng và mộ -” do giáo sư Suzuki Iwayumi - đại diện nhóm nghiên cứu thuộc viện cao học đại học Tohoku, thực hiện năm 2003 và 2011, quy mô toàn quốc với đối tượng điều tra là 2000 người nam và nữ tuổi từ 20 tuổi trở lên, đã cho thấy kết quả là trong đợt điều tra đầu tiên, người trả lời “có bạn, gia đình, người quen sử dụng” chiếm 1,5%; “có biết đến, nhưng xung quanh không có người sử dụng” chiếm 41,2%, “mặc dù có sự quan tâm nhưng không biết đến hình thức này” chiếm 57,3%. Như vậy người biết đến hình thức này chiếm khoảng một nửa; so với người trả lời “ muốn sử dụng hình thức mộc thụ táng” chiếm 25,3% tổng thể, người “không muốn sử dụng” chiếm 74,7%. Nhưng sau đó, trong cuộc điều tra được thực hiện lần thứ 2, trong bảng điều tra câu hỏi về “mộc thụ táng” tại cùng địa điểm khảo sát, đã cho kết quả thể hiện hầu hết mọi người đều biết đến và có suy nghĩ về “mộc thụ táng” một cách tích cực 13 .

Thêm vào đó, ở các địa phương đều thực hiện nhiều hoạt động, các buổi nói chuyện, tư vấn... với sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn để phổ biến hình thức này đến mọi người. Ví dụ tại trung tâm giao lưu hoạt động dân cư tại thành phố Asahikawa, Hokkaido, vào ngày 9/12/2017 đã tổ chức buổi nói chuyện của giáo sư Ueda Hirofumi với chuyên ngành về nông nghiệp, quy hoạch đô thị... thuộc đại học Hokkaido với chủ đề “Bạn sẽ xây mộ như thế nào”, trong đó nhấn mạnh việc học hỏi, tìm hiểu về “mộc thụ táng” - một hình thức giảm thiểu gánh nặng lên môi trường, hình thức chôn cất tro cốt mới khác với truyền thống,v.v... 16 .

Qua đó, có thể thấy rằng “mộc thụ táng” tại Nhật Bản có các đặc điểm tiêu biểu gắn kết với tự nhiên, và đồng thời trong bối cảnh riêng đã kế thừa và hình thành nên “mộc thụ táng” theo phong cách Nhật Bản. Có lẽ chính vì thế “ mộc thụ táng ” trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận và ngày càng gia tăng. Bên cạnh mộ gia đình truyền thống, “mộc thụ táng” chính là một lựa chọn phổ biến trong bức tranh đa dạng của văn hóa xử lý tro cốt hỏa táng tại Nhật Bản hiện nay.

Kết luận

Bài viết đi vào nghiên cứu về lịch sử hình thành, những đặc điểm cũng như sự phổ biến của hình thức “mộc thụ táng” tại Nhật Bản. “Mộc thụ táng” mang những đặc điểm chung của hình thức này được triển khai trên thế giới như đặc điểm hòa hợp với tự nhiên. Nhưng đồng thời trong bối cảnh đặc biệt của mình có những đặc điểm riêng như tính chất cố định, gia đình kế thừa trong mối liên hệ với hình thức mộ gia đình truyền thống. Dựa trên đó “mộc thụ táng” ngày càng được tiếp nhận tích cực và trở nên phổ biến tại Nhật Bản. Thông qua đó, có thể nhìn thấy được những thay đổi trong gia đình, trong phong tục thờ cúng tổ tiên-một trong những tín ngưỡng phổ biến và quan trọng bậc nhất tại Nhật Bản,v.v…

Nhìn chung, lịch sử hình thành và phổ biến của hình thức mộc thụ táng còn mới, và vẫn còn ít cơ sở lý luận về hình thức này. Việc tìm hiểu về các vấn đề liên quan “mộc thụ táng” đã được thực hiện như thế nào trên thế giới, sự tiếp nhận ở mỗi nước khác nhau, và dựa vào đó đã đem lại những ảnh hưởng gì… chính là đề tài tác giả muốn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Và liên hệ với tình hình Việt Nam, trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa đang ngày càng đẩy mạnh, đã phát sinh nhiều vấn đề trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường, thiếu mộ,… ngày càng trở nên nghiêm trọng. Và một trong những giải pháp được thực hiện chính là đẩy mạnh hỏa táng thông qua “chính sách đẩy mạnh hỏa táng” (ban hành tháng 9/2013), xây lò hỏa táng hiện đại, kêu gọi đầu tư và ký kết hợp tác với những công ty về hỏa táng hàng đầu Nhật Bản… Trong bối cảnh đó, các hình thức xử lý tro cốt được xã hội Việt Nam thực hiện như thế nào, trong đó khả năng hình thức “mộc thụ táng” được tiếp nhận cũng như phổ biến ở Việt Nam ra sao, điều này sẽ đem lại những thay đổi gì trong văn hóa mai táng, thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Đó cũng chính là những đề tài nghiên cứu trong tương lai của tác giả.

Xung đột lợi ích

Bài viết không có xung đột lợi ích.

Đóng góp của tác giả

Tác giả đã thu thập thông tin tài liệu, làm nghiên cứu thực tế tại các nghĩa trang “mộc thụ táng” tại Nhật Bản, dịch tài liệu; viết kết quả nghiên cứu. Tác giả liên hệ gởi và chỉnh sửa bài báo.

References

  1. Ryoki Kin, Shin Nagata. The current state and future issues of afforested Burial grounds as a New Type of Cemetery (Arata na bochikeitai toshite no jumokuso bochi no genjo to kongo no kadai). Journal of Forest economy. 2008;60(10):2-17. Google Scholar
  2. Ikebe Konomi. Nhu cầu mộ gia tăng và khuynh hướng tái sinh thiên nhiên của “mộc thụ táng”(Zokasuru bochi juyo to jumokuso ni yoru shizen saisei). Báo cáo Nghiên cứu cơ bản Nissei. 5/2008;5:10-17. Google Scholar
  3. Haruyo Inoue. Gia đình luận xoay quanh vấn đề về mộ (Haka o meguru kazokuron). Nhật Bản: Heibonsha. 2000;:. Google Scholar
  4. Nguyen Thi Hoai Chau.Sự thay đổi và kế thừa trong hình thức xử lý tro cốt hỏa táng tại Nhật Bản (Gendai Nihon no soso ni okeru henka to renzoku -Atarashii kasoshokotsu no soso hoho ni mirareru setchusei). Journal of humanities and social sciences. Graduate School of Humanities and Social Sciences Okayama University. 2011;31(103):103-119. Google Scholar
  5. Kotani Midori. Mộc thụ táng” có trở nên phổ biến ở Nhật Bản hay không? (Nihon de Jumokuso wa fukyusuru ka). Báo cáo Life Design. 2013;206:42-44. Google Scholar
  6. Woo-Hwan An, Satory Tanaka, Dịch -. An Woo-hwan, Tanaka Satory, dịch..Nghiên cứu về tang thức tự nhiên trong sự thay đổi của văn hóa tang thức (Sojibunka ni tomonau shizenso no kenkyu). Tuyển tập Rokkodai. ;2014(15):57-88. Google Scholar
  7. Tetsudo Yamaori, Mutsuhiko Yasuda. Tự do tang thức và tang thức tự nhiên (Soso no jiyu to shizenso). Nhật Bản: Gaifusha. 2000;:. Google Scholar
  8. Hisako Makimura. Mộ và gia đình (Ohaka to kazoku). Nhật Bản: Tokishobo. 1996;:. Google Scholar
  9. Shin Nagata. Japan and South Korea and Germany Afforested Burial institutions and consciousness of Membership of study (Nikkandoku ni okeru jumokuso no seido to keiyakusha ishiki ni kannsuru seika hokokusho). Bảng báo cáo kết quả nghiên cứu trong Chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học. 2012;:. Google Scholar
  10. Mutsuhiko Yasuda. Không có mộ thì có thể chết không? (Ohaka ga nai to shinemasen ka). Nhật Bản: Iwanami shoten. 1992;:. Google Scholar
  11. Genpo Chisaka, Haruyo Inoue. Sách tìm hiểu về mộc thụ táng (Jumokuso o shiru hon). Nhật Bản: Công ty cổ phần Sanseido. 2003;:. Google Scholar
  12. Ikuo Nakamura, Mutsuhiko Yasuda. Tang thức tự nhiên và tôn giáo thế giới (Shizenso to sekai no shukyo). Nhật Bản: Gaifusha. 2008;:. Google Scholar
  13. Hisako Makimura. Bối cảnh và ý nghĩa của việc đa dạng hóa mộ mộc thụ táng (Jumokusobochi no tayoka to sono imi to haikei toshite kyodobo no shinten). Kỷ yếu nghiên cứu Viện nghiên cứu văn hóa, tôn giáo Đại học nữ Kyoto. 2017;:119-145. Google Scholar
  14. Genpo Chisaka. Tái sinh tự nhiên của mộc thụ táng của hòa thượng chủ trì (Jumokuso washo no shizensaisei). Nhật Bản: Chijin shokan. 2010;:. Google Scholar
  15. Hidemitsu Miyajima, Kiyomi Ando. Ý thức của gia đình hiện đại liên quan đến mộ - Báo cáo của cuộc điều tra ý thức liên quan đến gia đình và mộ (2) (Ohaka ni kansuru gendai kazoku no ishiki - kazoku to ohaka ni kansuru ishiki chosa (2)). Kỷ yếu Nhân văn Đại học Meijo. 2007;:. Google Scholar
  16. Bạn sẽ xây mộ như thế nào.Tài liệu của Trung tâm giao lưu hoạt động người dân thành phố Asahikawa, Hokkaido. Nhật Bản. 2017;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 4 (2019)
Page No.: 207-216
Published: Apr 3, 2020
Section: Reviews - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i4.532

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thi Hoai Chau, N. (2020). Studying about “Wood burial” - a treatment of cremation ash in Japan, today. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 3(4), 207-216. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i4.532

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 407 times
Download PDF   = 275 times
View Article   = 0 times
Total   = 275 times