VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

1166

Total

397

Share

ASEAN's central role in power competition between China and the US in Southeast Asia






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The role of ASEAN has always been an issue of interest to policy makers and researchers in the region. Unlike some studies that underestimate the role of ASEAN in regional issues, this paper strives to examine the role of the ASEAN factor with a focus on the central role and overall policy of ASEAN in maintaining the power balance in Southeast Asia in particular and the Asia-Pacific region in general. With the view that ASEAN is a unified multilateral institution that sustains the power balance in Southeast Asia in the context of China's increasingly assertive foreign policy, the paper attempts to implement these research issues: (1) exploring various concepts of power and power evaluation ranking indices; (2) studying the power between China and the US in the Asia-Pacific region and the central role of ASEAN - the region's power triangle; (3) highlighting ASEAN's central role in the Regional Security Forum (ARF) and ASEAN Defense Ministers Meeting Plus (ADMM+); and (4) clarifying and emphasizing the central role of ASEAN. In terms of research methods, the paper synthesizes and analyzes the data from the reports on regional security issues in ASEAN as well as applies the theory of power balance in Southeast Asia.

MỞ ĐẦU

Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến nhiều biến chuyển trong hệ thống trật tự quốc tế và cấu trúc quyền lực với sự khẳng định mạnh mẽ của Trung Quốc. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khoảng cách về ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng được thu hẹp lại. Bối cảnh này thể hiện sự chuyển dịch sức mạnh đang diễn ra trong khu vực, nó không chỉ liên quan tới hai quốc gia này mà còn liên quan tới các quốc gia nhỏ và vừa ở khu vực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc với mức tăng trưởng kinh tế nhanh trong hơn ba thập kỷ cùng với sự gia tăng chi tiêu ngân sách cho quốc phòng đã thay đổi cơ cấu sức mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để đối phó với việc Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, chính sách xoay trục về châu Á và tái cân bằng của tổng thống Obama (2009-2017) được coi như là một trong các phản ứng của chính quyền Mỹ trong việc duy trì sự vượt trội về sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực này. Chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của tổng thống Trump cũng là sự nối tiếp của chính sách đối ngoại coi khu vực châu Á, trong đó có Đông Nam Á, là một khu vực địa chính trị quan trọng đối với Mỹ. ASEAN cũng là một phần không thể thiếu trong các diễn ngôn chính trị của chính phủ Mỹ về khái niệm địa chính trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Đặc biệt, cấu trúc quyền lực và an ninh trong khu vực này đã có nhiều thay đổi lớn kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nắm chính quyền. Trung Quốc ngày càng thể hiện chính sách ngoại giao mạnh mẽ của mình mà nhiều nhà phân tích quan hệ quốc tế gọi là ngoại giao chiến lang (wolf-warrior diplomacy) bao gồm các hành vi mang tính mạnh bạo, cưỡng ép kết hợp với ngoại giao nhân dân tệ với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Song song đó, chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Trump cũng đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực và tăng cường tính kết nối với các quốc gia trong khu vực để ngăn chặn các hành vi được coi là mang tính khiêu khích của Trung Quốc. Chính sách đối kháng mạnh mẽ của tổng thống Trump đối với Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á không chỉ mang ý nghĩa đối với hai cường quốc hàng đầu thế giới mà còn đặt các quốc gia nhỏ ở khu vực này vào các kịch bản khá khó khăn để khi duy trì cân bằng sức mạnh và an ninh trong khu vực. Do đó, vấn đề quyền lực và an ninh ở khu vực Đông Nam Á không chỉ là vấn đề của các quốc gia ASEAN mà còn cho thấy sự can dự của hai quốc gia được coi là mạnh nhất hiện nay, Mỹ và Trung Quốc.

Bài viết chú trọng vào vai trò trung tâm, chính sách chung của ASEAN trong việc duy trì cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Khái niệm châu Á - Thái Bình Dương sẽ được sử dụng thường xuyên trong bài nhằm chỉ một khu vực địa lý gần gũi với các quốc gia Đông Nam Á hơn là khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn hàm ý một khu vực rộng lớn hơn. Ngoài ra, khái niệm quyền lực hay sức mạnh trong bài viết sẽ được giới hạn trong các định nghĩa về quyền lực cứng mà không có sự mở rộng sang trường nghĩa của các khái niệm quyền lực khác như sức mạnh mềm, hay sức mạnh thông minh. Trong thời gian qua, ASEAN cũng đã chủ động duy trì trật tự an ninh khu vực thông qua các sáng kiến an ninh đa phương. Bài viết không đi sâu nghiên cứu các quốc gia thành viên đơn lẻ của ASEAN mà nhìn ASEAN dưới một thể chế đa phương thống nhất, giữ vai trò duy trì cán cân quyền lực ở khu vực Đông Nam Á, bên cạnh hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Các tác giả bắt đầu bằng việc đánh giá tiềm lực sức mạnh của các chủ thể quan trọng trong khu vực dưới nhiều lăng kính khác nhau. Sau đó, các tác giả nghiên cứu tầm quan trọng của nhân tố ASEAN với các sáng kiến đa phương của mình trong việc định hình trật tự quyền lực ở khu vực này trong thời gian qua, đặc biệt với sự can dự của Mỹ và Trung Quốc.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu: thu thập thông tin, dữ kiện từ các nguồn sơ cấp của tổ chức ASEAN, chính phủ các nước, tổng hợp, phân tích các bài báo cáo, từ các viện nghiên cứu, các học giả về an ninh khu vực ASEAN. Chúng tôi tiến hành các bước, tóm tắt các nghiên cứu hiện có về các khái niệm quyền lực, trình bày các số liệu về cạnh tranh quân sự của Mỹ và Trung Quốc ở khu vực, từ đó nghiên cứu các động lực thúc đẩy cạnh tranh quyền lực. Bài viết cũng phân tích vai trò của các tổ chức an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt dựa trên các khái niệm về vai trò thể chế.

Ngoài ra, dựa trên việc áp dụng lý thuyết cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Nam Á, chúng tôi đánh giá mức độ thành công mà tổ chức ASEAN có thể đạt được trong vai trò trung tâm trong việc gắn kết các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Quyền lực và cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Nam Á

Quyền lực là một khái niệm khó đạt được sự đồng thuận từ các nhà khoa học chính trị. Đây cũng là một khái niệm khó có thể đo đếm được một cách chính xác do nội hàm của nó có thể bao gồm nhiều thành tố khác nhau. Theo Max Weber, quyền lực là khả năng có thể gây ảnh hưởng lên một chủ thế khác bất chấp sự phản kháng 1 . Còn đối với Kenneth Waltz, quyền lực bao gồm các thành phần: “quy mô dân số và lãnh thổ, nguồn tài nguyên, khả năng kinh tế, sức mạnh quân sự, ổn định chính trị và năng lực” [ 2 , tr. 131]. Các nhà hiện thực chủ nghĩa xem quyền lực là một tác nhân chính trong việc duy trì sự tồn tại cũng như an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chính sự theo đuổi quyền lực của từng quốc gia sẽ chỉ biến những xung đột trở nên gay gắt hơn và tình hình khó kiểm soát hơn 3 .

Học giả Kenneth Waltz, với chủ nghĩa hiện thực phòng thủ, cho rằng các nước tìm kiếm quyền lực chỉ đủ để tự vệ 2 . Trái lại, John Mearsheimer lại tuyên bố các quốc gia luôn muốn tối đa hóa quyền lực để trở thành bá quyền thế giới, hoặc ít nhất bá quyền khu vực 4 . Do đó, quyền lực dưới con mắt của những người theo chủ nghĩa hiện thực là một chỉ số quan trọng để thể hiện tham vọng và lợi ích của quốc gia.

Theo chủ nghĩa hiện thực, các quốc gia cần có được trạng thái cân bằng quyền lực với quốc gia khác hay một nhóm quốc gia khác để đạt được sự bảo đảm an ninh, nhưng cân bằng quyền lực là một khái niệm khá phức tạp. Khi tiếp cận theo nghĩa là một nguyên tắc thì “cân bằng quyền lực” là một khái niệm chỉ trạng thái không tồn tại bất kì một sức mạnh vượt trội nào giữa các nước trong hệ thống quốc tế. Để thiết lập được trạng thái này thì cần phải hình thành một đối thủ hoặc đồng minh có sức mạnh ngang bằng với quốc gia hoặc nhóm quốc gia mạnh nhất.

Khi tiếp cận theo nghĩa là một chính sách thì “cân bằng quyền lực” là một loạt những thủ thuật được các chính khách thực hiện nhằm giữ cán cân quyền lực được cân bằng. Bằng cách đó, một liên minh được hình thành với mục tiêu kềm chế một bá quyền tiềm năng. Ngoài ra, một quốc gia cũng có thể gánh lấy trách nhiệm cân bằng hệ thống bằng cách thay đổi liên minh khi cần thiết 5 . ASEAN với vai trò là một thể chế đa phương có thể tạo ra sự thay đổi về cán cân quyền lực khi Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây liên tục có những biện pháp ngoại giao, quân sự, chính trị nhằm lôi kéo đồng minh phục vụ cho lợi ích của mình.

Nếu xét sức mạnh quyền lực dựa vào các chỉ số có thể lượng hóa được thì theo bảng xếp hạng năm 2020 của tổ chức Global Fire Power - một tổ chức của Mỹ chuyên nghiên cứu về sức mạnh quân sự, quân đội Trung Quốc xếp hạng 3 với Power Index (PwrIndx) 0,0691, sau Mỹ (đứng đầu) với PwrIndx là 0.0606 và Nga là 0.0681. Chỉ số sức mạnh (PwrIndx) đo khả năng chiến đấu trên lý thuyết dựa trên 50 yếu tố bao gồm các chỉ số về quân sự, tài chính, khả năng hậu cần và vị trí địa lý. Quốc gia nào có chỉ số sức mạnh (PwrIndx) càng tiến về 0 thì sức mạnh quân sự càng lớn. Mạnh nhất trong khối ASEAN là Indonesia với Power Index 0,2544), xếp thứ 16 thế giới. Việt Nam đứng thứ 22 và Thái Lan đứng thứ 23. Các nước ASEAN khác xếp dài phía sau trong bảng xếp hạng 6 . Không một quốc gia Đông Nam Á nào có thể tiệm cận trong 10 quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu.

Trong khi đó, tổ chức Asia Power Index của Viện Lowy - một tổ chức nghiên cứu độc lập của Úc - đưa ra chỉ số sức mạnh toàn diện của 26 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2020 dựa trên sự tổng hợp của các chỉ số quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, mạng lưới kết nối kinh tế, quốc phòng và nguồn lực. Đây là chỉ số khá bao quát, được tính theo thang điểm 100 và không chỉ tập trung vào sức mạnh quân sự đơn thuần. Sức mạnh của Mỹ vẫn là số 1 ở châu Á với 81.6 điểm, cao hơn Trung Quốc đứng thứ nhì với 76.1 điểm. Quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao nhất về sức mạnh là Singapore với 27.4, đứng thứ 8. Kế tiếp là các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan xếp hạng 9, Malaysia xếp hạng 10, Indonesia, và Việt Nam lần lượt xếp hạng 11, 12 theo thứ tự tương ứng trong tổng số 26 quốc gia. Quốc gia Đông Nam Á đứng cuối là Lào với 6 điểm, chỉ cao hơn Mông Cổ, Nepal và Papua New Guinea 7 .

Dù cho mỗi bảng xếp hạng có các chỉ số đo lường khác nhau, Mỹ và Trung Quốc vẫn được coi là hai quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, thách thức đối với ASEAN ngày càng lớn khi cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gia tăng trong khu vực. Đông Nam Á được coi là điểm nóng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu vẫn còn tiềm ẩn sự đối đầu và cạnh tranh mang tính cấu trúc ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, khi hai bên đang tìm cách tác động đến các nước Đông Nam Á bằng cách có quan hệ thân thiết với các nước này một cách riêng biệt. Ấn Độ với chính sách “Hành động phía Đông” cũng như là một thành viên của hóm đối thoại an ninh bốn bên (Quad) bao gồm Úc, Nhật, Ấn Độ và Mỹ trong những năm gần đây có nhiều lợi ích ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Nhật hay Ấn Độ vẫn chưa đủ lớn để tạo ra một cực sức mạnh mới, do đó mối quan tâm chính vẫn là sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở khu vực này. Bản báo cáo năm 2020 của Lầu Năm Góc tiết lộ rằng quân đội Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong 20 năm qua, đặc biệt là hải quân và hệ thống tên lửa tầm xa. Bản báo cáo này cũng cho rằng Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự và hệ thống hậu cần ở nước ngoài như Djibouti, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Kenya, Tanzania, Angola, và Tajikistan 8 .

Đông Nam Á không phải là khu vực địa lý duy nhất chứng kiến sự cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nó đặc biệt ở chỗ đang chứng kiến ​​sự trỗi dậy của Trung Quốc rõ ràng và nhanh chóng hơn các khu vực khác. Trung Quốc cũng coi khu vực này là nơi thử nghiệm cho vai trò cường quốc trong thế giới rộng lớn hơn, đặc biệt ở lĩnh vực hải quân khi Trung Quốc thường xuyên tập trận ở khu vực biển Đông. Theo số liệu từ bản báo cáo cho Quốc hội Mỹ như được thống kê trong Table 1 , Hải quân Trung Quốc tính tới năm 2020 có 130 tàu chiến mặt nước cỡ lớn, được trang bị nhiều vũ khí và máy cảm biến ngày càng tối tân, được hỗ trợ bởi ngành đóng tàu lớn nhất trên thế giới. Hải quân Trung Quốc duy trì một hạm đội gồm 65 đến 70 tàu ngầm, tàu tuần dương Renhai, tàu khu trục Luyang III, có khả năng phóng tên lửa tầm xa tiêu diệt mục tiêu trên đất liền và kiểm soát vùng trời trên biển. Hàng không mẫu hạm thứ nhì tự đóng dự kiến đưa vào biên chế vào năm 2023 9 .

Table 1 Một số loại tàu của Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn 2005-2020 10

Nhằm thực hiện tham vọng làm bá chủ khu vực và ngăn cản sự can thiệp từ các cường quốc khác, Trung Quốc đang mở rộng kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, với tầm bắn 5500km, có thể tới đảo Guam của Mỹ. Số vũ khí hạt nhân tăng gấp đôi thập kỷ này, trong đó tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể vươn xa tấn công cả Mỹ. Những cải tổ trong tổ chức quân đội và sự phát triển của nền kinh tế dân sự cùng nhau hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế quốc phòng Trung Quốc 9 .

Sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng chi tiêu quốc phòng của nước này trong các thập niên gần đây. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2019, Trung Quốc chi 261 tỉ USD, chiếm 14% tổng chi của thế giới. Trong khi đó, chi phí cho quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á năm 2019 là 40,5 tỉ USD, chiếm 2,1% tổng chi tiêu quốc phòng thế giới 11 . Số chi tiêu quân sự của cả 10 quốc gia ASEAN chỉ bằng 1/8 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, trong khi dân số Trung Quốc chỉ gấp đôi dân số của ASEAN. Chi phí quốc phòng bình quân cho mỗi người Trung Quốc gấp bốn lần người dân ASEAN.

Để đối phó với trật tự quyền lực ngày càng nghiêng về Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã thực hiện việc điều chuyển lực lượng. Trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal , cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nhấn mạnh: “Quân đội Mỹ phải được triển khai ở nước ngoài nhanh chóng hơn trước đây” 12 . Sự chuyển dịch lực lượng thể hiện trọng tâm của chính quyền Mỹ. Nếu như trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ ở châu Âu để kềm chế Liên Xô thì những năm 2000, Mỹ dịch chuyển sang Trung Đông phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan. Giờ đây, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan thì mối bận tâm chính của chính quyền Mỹ là Trung Quốc và cả Nga.

Trung Quốc cũng hiểu rõ mục tiêu sự chuyển dịch mối tập trung sức mạnh của Mỹ. Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, Mỹ có ưu thế tuyệt đối ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm nhưng vẫn sử dụng sự phát triển quân sự của Trung Quốc và Nga làm cái cớ để tiếp tục triển khai quân đội, tăng ngân sách quốc phòng. Bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ duy trì lực lượng 375.000 quân với 60% tàu hải quân, 55% bộ binh và 2/3 thủy quân lục chiến 13 . Quan điểm của chính quyền Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không phải là nguyên nhân của các chính sách dịch chuyển sức mạnh về khu vực châu Á của các tổng thống Mỹ Obama và Trump, mà chỉ là cái cớ cho Mỹ tiếp tục thực hiện sự thống trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dù cho hai bên nhìn nhận như thế nào về vai trò hay ý định của nhau, thì việc Mỹ và Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một thực tế.

Sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc này không có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù khoảng cách sức mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á có thể thu hẹp trong thời gian sắp tới, nhưng Trung Quốc cũng hiểu rõ các quốc gia ở Đông Nam Á vẫn chưa sẵn sàng với một trật tự khu vực mới do Trung Quốc lãnh đạo. Để kềm chế đối thủ của mình thì hai quốc gia phải có những biện pháp thiết lập liên minh với những quốc gia hoặc nhóm quốc gia khác. ASEAN trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến lược cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Các quốc gia Đông Nam Á đứng trước bài toán làm thế nào để tránh bị kẹt vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các thể chế đa phương ở khu vực. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự không phải là điểm mạnh của các quốc gia Đông Nam Á, mà sức mạnh của khu vực này chủ yếu đến từ sự đoàn kết của các quốc gia ASEAN trong việc củng cố vai trò của tổ chức ASEAN trong việc gắn kết với các cường quốc trên thế giới. Tổ chức ASEAN chỉ mạnh khi đây là một thể chế đa phương vững mạnh, và có các sáng kiến duy trì hòa bình, an ninh, và thịnh vượng trong khu vực. Hay nói cách khác, đây là sức mạnh chuẩn tắc khi ASEAN đưa ra các cơ chế để gắn kết các cường quốc trên thế giới tham gia vào quá trình. Tổ chức ASEAN đã trải qua một chặng đường dài trong việc khẳng định mình là một thủ thể quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, phong cách hoạt động của ASEAN và sự thiếu hiệu quả của khối ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực một cách hiệu quả thường dẫn đến những lời chỉ trích và lo ngại về sự thống nhất và vai trò của khối này.

Vai trò trung tâm của ASEAN trong mối quan hệ cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc

Đã từ lâu, ASEAN tự hào về vai trò là một tác nhân quan trọng của khu vực và tạo ra một cách tiếp cận lấy ASEAN làm trung tâm đối với các quá trình tương tác chính trị, ngoại giao, kinh tế và an ninh khu vực, được hiểu theo khái niệm “vai trò trung tâm của ASEAN”. Có nhiều cách hiểu về vai trò trung tâm của ASEAN. Hướng thứ nhất là tuyệt đối hóa vị thế của ASEAN như là ‘thủ lĩnh’, ‘cầm lái’, ‘kiến trúc sư’, ‘trung tâm thể chế’, ‘tổ chức tiên phong’, ‘hạt nhân’, ‘điểm tựa’ của tiến trình khu vực và cấu trúc thể chế trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương 14 . Hoặc, phóng đại vai trò trung tâm ASEAN là tiêu biểu cho chủ nghĩa khu vực hay coi sáng kiến vai trò trung tâm ASEAN là thành tựu riêng biệt của các nước thành viên ASEAN. Herman Kraft, học giả người Philippines, nêu ý kiến “có một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sự phát triển của ASEAN, từ cam kết bảo vệ khu vực Đông Nam Á thoát khỏi sự cạnh tranh giữa các đại cường đến chấp nhận tính ‘trung tâm’ của ASEAN trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Đông Á. Tức là một tiến trình chấp nhận sự tham dự của các cường quốc trong khu vực” [ 15 , tr. 570].

Luồng ý kiến thứ hai tỏ vẻ trung dung hơn khi cho rằng vai trò trung tâm của ASEAN là thành tựu của các nước thành viên ASEAN và các chủ thể ngoài khu vực Đông Nam Á. Hoặc bi quan hơn, vai trò trung tâm của ASEAN ra đời từ mối bang giao giữa các cường quốc, thay vì là kết quả phản ánh bản sắc và sự đoàn kết nội bộ ASEAN. Vai trò chủ đạo của tổ chức này được thể hiện trong tiến trình Hợp tác Đông Á, vai trò cân bằng giữa các cường quốc lớn và các chuẩn tắc mà nó đã giúp xây dựng. ASEAN đã phát triển quan hệ song phương với các cường quốc theo cơ chế Đối tác Đối thoại Toàn diện, dẫn đến việc hình thành một số nhóm ASEAN + 1. Cho đến nay, ASEAN đã đặt ra cấu trúc chiến lược nhằm cân bằng các cường quốc nói chung, với vai trò là “cốt lõi” ASEAN đã xây dựng các cơ chế hợp tác ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ. Ngoài ra, ASEAN đã đàm phán hoặc đang đàm phán với các cường quốc này để thiết lập các thỏa thuận thương mại tự do.

Một cách khách quan mang tính lịch sử, vai trò trung tâm của ASEAN đề cập đến việc ASEAN phải là trung tâm của khu vực châu Á (hoặc châu Á- Thái Bình Dương), đặc biệt là các diễn đàn đa phương ASEAN+3 (APT), diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). ASEAN là đầu mối tổ chức những diễn đàn mà nhờ đó thể chế khu vực rộng lớn hơn nương theo, như: châu Á- Thái Bình Dương, Đông Á. Nói một cách khác, không có ASEAN, khó lòng xây dựng được những tổ chức khu vực quan trọng như thế này. Ngoài ra, vai trò trung tâm của ASEAN còn hàm ý ASEAN là sự khởi phát của nhóm khu vực khả thi đầu tiên ở châu Á, nơi diễn ra các cuộc tranh luận mang màu sắc của riêng châu Á, những bộ chuẩn tắc và cơ chế cho sự hợp tác vùng ở châu Á 14 .

Sự lựa chọn khả thi duy nhất, chấp nhận được cho tất cả, đã và vẫn là ASEAN. Do tính chất tập thể nối kết các quốc gia có sức mạnh vừa và nhỏ của mình, ASEAN không mạnh về mặt quân sự, nhưng tổ chức có vị thế trung lập, khách quan, và không đe dọa đến ai. Với những đặc tính này, ASEAN mặc dù thiếu sức mạnh mang tính vật chất nhưng vẫn có thể xây dựng được lòng tin giữa các thành viên trong tổ chức. Cần lưu ý, ngoài quan hệ giữa ASEAN với 10 đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kì, Canada, Úc, New Zealand, Nga, EU và Ấn Độ), thông qua hội nghị cấp bộ trưởng hằng năm, ARF sau đó mở rộng lên 27 thành viên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương 16 .

Trong bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào năm 2019, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo rằng “thế giới đang ở bước ngoặt” khi căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ phải chấp nhận rằng Mỹ “không thể hay không khôn ngoan” khi ngăn chặn sự tăng trưởng của Trung Quốc 17 . Ngày càng có nhiều áp lực đối với ASEAN và các thành viên riêng lẻ trong việc lựa chọn xung quanh cuộc cạnh tranh địa chính trị của Mỹ với Trung Quốc. Đối với ASEAN, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là cân bằng vì tổ chức này thừa nhận thực tế rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong khi khu vực đang cảnh giác với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Trung Quốc ở Biển Đông và ASEA cần Mỹ làm cán cân cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.

Các thỏa thuận hợp tác của ASEAN đã đóng vai trò như các cơ chế đa phương hiệu quả để gắn kết các lợi ích cường quốc trong khu vực. Một cách thực dụng, các nhà lãnh đạo ASEAN thích duy trì mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Indonesia và Philippines là hai quốc gia không khác nhau nhiều về quan điểm. Hai tổng thống Jokowi và Duterte đều dựa rất nhiều vào Bắc Kinh để được hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng dạng lọ theo mô hình của Sáng kiến ​​Vành đai - Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của cả hai quốc gia này.

Việc buộc các quốc gia Đông Nam Á phải chọn giữa Trung Quốc với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Washington không có khả năng đề xuất một kế hoạch hấp dẫn hơn áng kiến Vành đai - Con đường của Bắc Kinh là một điều mà Mỹ không muốn 18 . Điều này làm các nước Đông Nam Á hướng về Bắc Kinh để tìm kiếm sự hỗ trợ kinh tế - chính trị. Tuy vậy, sự bá quyền ở khu vực biển Đông và lo ngại bẫy nợ ngày càng tăng từ Bắc Kinh bắt đầu gây ra sự phản đối quyết liệt từ người dân các quốc gia có dự án.

Trong kết quả khảo sát về các quốc gia Đông Nam Á năm 2021 do Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore thực hiện, các quốc gia ASEAN nhìn chung có quan điểm thuận lợi đối với Mỹ với hơn 61% số người được hỏi nếu ASEAN buộc phải đứng về phía nào. Đồng thời, khảo sát cho thấy khoảng 76% người trả lời trong ASEAN đồng ý rằng Trung Quốc là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á, và 7% đối với Mỹ 19 . Thái độ của công chúng cũng thể hiện thực tế đang xảy ra ở từng quốc gia ASEAN khi các thành viên ASEAN đã bị chia rẽ về mối quan hệ của họ với Trung Quốc và Mỹ. Khu vực này đang cần đầu tư thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã và đang đáp ứng những nhu cầu này. Nhưng bên cạnh đó các thành viên ASEAN cũng lo lắng về việc trở nên phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và họ trông mong Mỹ giữ vai trò bảo vệ an ninh khu vực. Chính vì vậy, tuy không phải tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều là đồng minh của Mỹ nhưng họ cần Mỹ duy trì sự ảnh hưởng ở khu vực vì họ nhìn chính sách của Trung Quốc hiện tại với cặp mắt dè chừng.

Tuy nhiên, không phải quốc gia ASEAN nào cũng có thể duy trì được sự cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Campuchia là một trường hợp điển hình cho sức hút đầu tư và thương mại từ Trung Quốc. Việc Campuchia xích lại gần Trung Quốc trong những năm gần đây đã gây khó khăn cho ASEAN. Năm 2012, Campuchia đơn phương chặn tuyên bố chung của ASEAN liên quan đến biển Đông. Năm 2015, Campuchia cũng hành động tương tự tại cuộc họp ASEAN - Trung Quốc ở Côn Minh. Với đường lối đó, Campuchia nhận được rất nhiều đầu tư và viện trợ hào phóng từ Trung Quốc. Cụ thể, khoảng thời gian 1994-2019, đầu tư của Trung Quốc rót vào Campuchia là khoảng 12,6 tỉ USD, chủ yếu nông nghiệp, khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng, đập thủy điện, may mặc 20 . Gần đây, mối lo ngại về việc Campuchia có thể cho Trung Quốc thuê cảng hải quân Ream cũng tạo ra những biến chuyển mới về cán cân quyền lực trong khu vực.

Mặc dù có các quốc gia Đông Nam Á có sự gắn bó chặt chẽ hơn về mặt thương mại với Trung Quốc, nhưng không phải quốc gia nào cũng ngả về Trung Quốc. Philippines và Thái Lan vẫn còn là đồng minh của Mỹ khi không lực “Hoàng gia Thái là một yếu tố quan trọng trong chiến lược ‘vị trí tiên phong’ của Lầu Năm Góc cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ tại 5 căn cứ ở Philippines 21 . Gần đây, các quan chức quốc phòng Mỹ và Nhật cũng thường xuyên đến thăm Việt Nam. Do đó, mạng lưới các đối tác và đồng minh của Mỹ ở trong khu vực là một lợi thế to lớn của Mỹ so với Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN ở tại Mỹ có từ thời Obama năm 2016 đã nâng tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Mỹ. Tuy nhiên, việc Tổng Thống Trump vắng mặt ở hai cuộc họp thượng đỉnh 2018, 2019, làm gia tăng sự hoài nghi về độ tin cậy của Mỹ 22 .

Trong khi phần lớn các vấn đề an ninh khu vực được giải quyết bên ngoài ASEAN, một số diễn đàn do ASEAN dẫn dắt đã đưa các vấn đề khu vực ra thảo luận như Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), ASEAN+3 (APT), ASEAN+6 (APS), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), hay Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+). Mặc dù có sự nghi ngờ về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì an ninh khu vực, nhưng ASEAN đã đi một bước dài trong nỗ lực thiết lập các tổ chức an ninh đa phương để thúc đẩy cách tiếp cận của ASEAN đối với hợp tác an ninh. Bất chấp các diễn đàn ngoại giao thúc đẩy an ninh khu vực này, những bất đồng về các vấn đề an ninh tiếp tục thách thức sự thống nhất đoàn kết của ASEAN. Vấn đề nhức nhối nhất của nhóm là tìm kiếm một phản ứng chung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Được thành lập năm 1994, thể chế đa phương ARF là diễn đàn an ninh khu vực đầu tiên của châu Á, quy tụ nhiều cường quốc (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga), một số cường quốc hạng trung (Canada, Hàn Quốc) và các nước thành viên trong tổ chức ASEAN. Với tư cách là chủ thể tổ chức diễn đàn này, ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm của mình bằng việc dành được đặc quyền thiết lập chương trình nghị sự cho ARF, đồng thời áp dụng các thông lệ của ASEAN trong việc tiến hành các cuộc họp và quy trình của ARF. ASEAN cũng khôn ngoan trong nỗ lực không biến ARF thành cấu trúc thượng tầng bao hàm ASEAN hoặc hoặc chí ít mang tính cạnh tranh với ASEAN. Đặc biệt, sau thành công của ARF, tất cả các thành viên đều thừa nhận ngầm vai trò trung tâm của ASEAN đối với các thiết chế ra đời sau này như APT và EAS. Không một cường quốc nào – Trung Quốc hoặc Mỹ – có thể nhường nhịn lẫn nhau trong việc đảm trách vai trò lãnh đạo an ninh chính trị trong khu vực.

Với 27 thành viên bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và các cường quốc cũng như các quốc gia quan trọng trong khu vực, ARF về chức năng là một diễn đàn với tổ chức ASEAN làm trung tâm, cho phép các quốc gia thành viên thảo luận các vấn đề an ninh hiện thời, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và đề xuất các biện pháp hợp tác tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực. Diễn đàn ARF cố gắng giữ vai trò của mình như là một tác nhân quan trọng trong việc cân bằng quyền lực ở khu vực. Đối với Trung Quốc, tổ chức ARF hữu ích đối như một diễn đàn trung gian để cải thiện quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á khi thúc đẩy sự giao lưu và trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực.

Diễn đàn ARF diễn ra ở Singapore, Thái Lan trong năm 2018 và 2019 đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, quyết tâm gìn giữ khu vực này luôn trong trạng thái hòa bình, ổn định, thịnh vượng 23 , 24 . Trong diễn đàn ARF lần thứ 27 năm 2020, các nước tham dự đều bày tỏ sự tôn trọng với “Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan về biển Đông” năm 2002 để giải quyết khó khăn bằng biện pháp phi quân sự nhằm tránh leo thang căng thẳng; ưu tiên cải thiện quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc 25 . Mặc dù vai trò của ARF chỉ là một diễn đàn và không thể đưa ra các cam kết mang tính ràng buộc nhưng việc không tránh né các chủ đề liên quan đển các hành vi gây mất ổn định an ninh chính trị khu vực đã tạo cho ARF một vị thế quan trọng cho các bên liên quan có thể có tiếng nói.

Vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy an ninh trong khu vực không chỉ tạo ra một diễn đàn đối thoại giữa ASEAN và các cường quốc. Năm 2010, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) mở rộng (ADMM+) được thành lập để đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng vì hòa bình giữa ASEAN với 8 quốc gia đối tác của ASEAN. Kể từ khi thành lập ARF vào năm 1994 và ADMM+ vào 2010, ASEAN cho thấy tổ chức này đã ngày càng trở nên tự tin hơn trong việc tạo ra thiết chế và các sáng kiến đa phương để gắn kết các cường quốc khu vực vào cơ chế đối thoại và hợp tác an ninh khu vực. ADMM+ đóng vai trò xúc tác cho hợp tác quân sự an ninh giữa ASEAN và các nước khác. ASEAN đóng vai trò tập hợp lực lượng, là tổ chức tham gia có trách nhiệm, tôn trọng công pháp quốc tế 26 . Nói cách khác, ASEAN giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực, hướng tới tin cậy nhau vì mục tiêu cao nhất là hòa bình và ổn định 27 . Các bộ trưởng cũng nhất trí rằng sự hợp tác chặt chẽ về an ninh, quốc phòng giữa các nước ASEAN và các nước đối tác ASEAN là một kênh hữu hiệu để bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) là nơi gắn kết giữa các các bộ trưởng quốc phòng các quốc gia ASEAN và các đồng cấp từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn, Úc, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand để bàn về các vấn đề đa phương cũng như các cuộc họp song phương bên lề. Những kênh trao đổi, diễn đàn được lập ra nhằm giảm thiểu những tính toán sai lầm. Mặc dù tình hình địa chiến lược đang biến động mạnh, nhưng thực tế cho thấy ASEAN đang có một tư thế cao hơn, và có khả năng xoay chuyển các cường quốc theo hướng có lợi cho mình với các hiệp ước gia tăng tập trận hải quân giữa ASEAN - Mỹ và ASEAN - Trung Quốc. Đây là một trong những chỉ dấu cho thấy ASEAN đang trở thành một chủ thể chủ động trong việc kết nối với các cường quốc quân sự, và gia tăng hợp tác, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.

THẢO LUẬN

ASEAN đã từng đối mặt với sự cạnh tranh quyền lực lớn trong quá khứ như trong nửa cuối thế kỷ XX nhưng với tư cách là một khu vực ngoại vi. Ngày nay, Đông Nam Á đang là sân khấu chính của sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các quốc gia đồng minh. Các quốc gia ASEAN lo lắng về khả năng Trung Quốc tăng phạm vi ảnh hưởng thông qua sức mạnh kinh tế và hiện đại hóa quân sự. Trong thực tế, các quốc gia ASEAN không có một cái nhìn thống nhất về chính sách của Trung Quốc hay Mỹ ở khu vực. Điều này cũng ảnh hưởng tới vai trò của tổ chức ASEAN trong việc đưa ra các nhận định chung thống nhất đối với các vấn đề trong khu vực. Sự chênh lệch trong cách nhìn nhận xuất phát từ hai hấp lực chủ yếu: lợi ích kinh tế từ Trung Quốc, và vai trò thiết yếu của Mỹ để duy trì cân bằng sức mạnh trong khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á cần Trung Quốc như là một thị trường nhập khẩu to lớn với 1,4 tỷ dân, với nguồn vốn đầu tư khổng lồ cũng như là nơi xuất khẩu nguyên liệu đầu vào cho các dây chuyền lắp ráp hay các nhà máy sản xuất, nhưng họ e ngại các tham vọng bành trướng của chính quyền Trung Quốc. Do đó, Mỹ có thể được coi là một cường quốc có thể kềm chế sức mạnh Trung Quốc ở khu vực. Tổ chức ASEAN hiện nay đang muốn thúc đẩy vai trò của mình như là một chủ thể chính trị thống nhất và chủ động gắn kết các cường quốc vào cấu trúc an ninh khu vực. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề dễ dàng khi ASEAN hiện nay đang phải đối mặt với các nguy cơ phải chọn lựa giữa các cường quốc hay mắc kẹt giữa sự cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng trong khu vực.

Các quốc gia Đông Nam Á đã trải qua một chặng đường dài trong việc khẳng định mình là một chủ thể quan hệ quốc tế quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của ASEAN và sự yếu ớt của khối ASEAN trong việc đưa ra các giải pháp cho vấn đề an ninh nội tại của khu vực đôi khi dẫn đến những lời chỉ trích và lo ngại về sự thống nhất và vai trò của khối này trong địa chính trị khu vực. Mặc dù vậy, ASEAN ngày càng thể hiện mạnh mẽ vai trò và sự liên quan của mình đối với các vấn đề khu vực. Các quốc gia nhỏ và vừa trong tổ chức ASEAN đều hiểu rằng họ chỉ có thể là một chủ thể quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực nếu họ có thể phát huy được sự đoàn kết và thống nhất của khối. Về mặt kinh tế thương mại, khối ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc hội nhập kinh tế châu Á, thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương để hình thành một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới và ký kết sáu hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế khu vực khác. Tuy nhiên, đối với vấn đề an ninh khu vực, nhóm vẫn đang nỗ lực tạo dựng vai trò trung tâm của mình ngày càng rõ nét hơn.

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế nhiều lần ca ngợi vai trò mang tính xây dựng, cách tiếp cận hòa bình của ASEAN trong việc giải quyết xung đột trên bán đảo Triều Tiên, nhưng khả năng cao nhất của ASEAN chỉ dừng lại ở bày tỏ mối quan tâm và khuyến khích các bên tôn trọng luật pháp quốc tế. Các tuyên bố của ASEAN chỉ phản ánh lập trường của tổ chức về vấn đề này. Cần nhiều hành động thiết thực hơn nữa mới mong đạt được kết quả khả quan.

So với các bên liên quan, vai trò trung gian hòa giải của ASEAN có thể nói là mờ nhạt về mặt thực tiễn, do chưa có sự thống nhất và thiếu vắng các cơ chế giải quyết xung đột. Tuy nhiên, ASEAN vẫn giữ được danh tiếng là một tổ chức luôn ủng hộ hòa bình, nhưng điều đó chắc chắn là chưa đủ để đưa ASEAN vào vị trí hàng đầu trong cấu trúc an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Một khả năng nằm trong tầm tay của ASEAN là mời Triều Tiên, vốn đã là thành viên ARF, một diễn đàn đa phương do ASEAN dẫn dắt, tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), có sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, tạo điều kiện cho nước này tham gia các vấn đề chính trị-an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Hơn nữa, trong tương lai ASEAN nên mời Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên tham gia ADMM+ để điều chỉnh hành vi và giám sát cam kết phi hạt nhân hóa. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia làm tăng mức độ hợp tác và giảm xung đột, tạo động lực thúc đẩy hòa bình 28 . Khi Triều Tiên không còn duy trì các đàm phán song phương với Mỹ hay hội nghị 6 bên để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của mình thì ARF trở thành diễn đàn duy nhất nơi có sự tham gia của Triều Tiên và cả các quốc gia liên quan như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Nga. Vai trò mang tính trung gian hòa giải và tạo cơ hội cho các bên liên quan có thể gặp nhau và trao đổi bên lề của ASEAN trở nên quan trọng hơn đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á. Hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc đều thừa nhận vai trò của ASEAN trong việc tạo ra những diễn đàn như ARF để tạo ra cơ chế đối thoại giữa các bên. Hy vọng ASEAN sẽ tiếp tục kết nạp CHDCND Triều Tiên vào các thể chế khu vực do ASEAN dẫn dắt và tăng cường hợp tác song phương giữa ASEAN và Triều Tiên.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Khủng hoảng chính trị tại Myanmar là thách thức nghiêm trọng nhất đối với ASEAN, đe dọa mục tiêu lâu dài của tổ chức này là gìn giữ hòa bình cho khu vực, không bị bên ngoài can thiệp. Nếu xử lý không khéo, sự thống nhất nội bộ của ASEAN sẽ bị suy yếu và vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề và duy trì trật tự khu vực sẽ bị bào mòn đáng kể. Đã đến lúc ASEAN cần xem xét lại tiêu chuẩn không can thiệp vào nội bộ của các nước thành viên nhằm nâng cao giá trị cộng đồng và củng cố vai trò trung tâm của mình. Trọng tâm trước mắt là xoa dịu căng thẳng và đưa hai bên vào bàn đàm phán. Nếu hòa giải thất bại và tình hình phát triển theo hướng bạo lực lan rộng thì ASEAN phải chuẩn bị một số biện pháp cứng rắn để giúp giới quân sự chịu đưa ra nhượng bộ như tạm thời đình chỉ tư cách thành viên ASEAN của Myanmar cho đến khi chính quyền này thể hiện những động thái phù hợp với các giá trị chung của ASEAN 29 . Nếu ASEAN thất bại trong việc đứng ra trung gian hòa giải giữa các bên ở Myanmar thì lúc đó sự can dự của cường quốc lớn như Mỹ và Trung Quốc ở Myanmar hoàn toàn có thể xảy ra.

KẾT LUẬN

Trước hết, khối ASEAN phải thừa nhận rằng các cường quốc sẽ theo đuổi lợi ích của riêng họ ở khu vực này và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ phụ thuộc vào việc nhóm thích ứng như thế nào với sự thay đổi địa chính trị. Việc này sẽ quyết định sự liên quan của khối đối với vấn đề khu vực. Muốn giữ vững hòa bình, phát triển ở Đông Nam Á, ASEAN phải thật sự có tiếng nói chung, nâng cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động đảm trách vai trò trung tâm trong cấu trúc quyền lực khu vực. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục phát triển hợp tác toàn diện với các đối tác chiến lược như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, EU, Anh, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, v.v.. Đặc biệt, ASEAN cần tránh nghiêng quá nhiều về phía Trung Quốc, cũng như tránh tình trạng bị thao túng trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn như Mỹ - Trung, trong bối cảnh quan hệ quốc tế cực kì phức tạp.

Tuy nhiên, vai trò trung tâm của ASEAN không phải là không có các vấn đề. Cách tiếp cận của ASEAN không nhất thiết được coi phù hợp nhất để đối phó với một số vấn đề phức tạp. Cuộc tranh luận về vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng cấp thiết khi Trung Quốc đang chiếm ảnh hưởng ngày một lớn trong khu vực. Những khác biệt trong các chính sách đối với Trung Quốc, đặc biệt là hành vi gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi một số quốc gia thành viên ASEAN đang có các tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, đã bộc lộ sự thiếu thống nhất của ASEAN và đặt ra câu hỏi về vai trò trung tâm của khối trong khu vực. Do đó, sự chuẩn bị sẵn sàng của ASEAN để đưa ra sáng kiến ​​duy trì vai trò trung tâm của nó cũng là nguồn gốc của sức mạnh và sự tôn trọng mà các cường quốc dành cho ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN với tư cách là tổ chức của các quốc gia vừa và nhỏ đã từng là một lợi thế tạo nên vai trò trung tâm của tổ chức, khi nó không tạo ra sự cạnh tranh được mất từ các cường quốc nhưng với điều kiện không có cường quốc nào tìm cách khẳng định sự thống trị trong khu vực. Với chính sách ngày càng mạnh bạo mang tính lấn lướt của Trung Quốc và sự thể chế hóa của hóm đối thoại an ninh bốn bên (Quad), điều kiện này đang dần biến mất khi các cường quốc tìm kiếm ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo trong khu vực. Các quốc gia ASEAN nhiều lần đã lặp lại mong muốn của họ là không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tiếng nói của ASEAN có nhiều khả năng bị chi phối bởi sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Điều này dễ dẫn đến viễn cảnh một ASEAN bị chia rẽ và suy yếu về thể chế, đặc biệt vai trò trung tâm của ASEAN đối với ngoại giao khu vực trở nên yếu đi khi Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách thúc đẩy những lợi ích riêng của mình ở khu vực.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ADMM (ASEAN Defence Ministers Meeting): Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN

ADMM+ (ASEAN Defence Ministers Meeting Plus): Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng

APT (ASEAN Plus Three): Tổ chức ASEAN + 3 bao gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật bản và Hàn quốc

ASEAN (Association of Southeast Asian Nations): Hiệp hội các quốc gia Đông Nam

ARF (ASEAN Regional Forum): Diễn đàn an ninh khu vực

COC (Code of Conduct): Bộ quy tắc ứng xử biển Đông

EAS (East Asia Summit): Hội nghị thượng đỉnh Đông Á

EU (European Union): Liên minh châu Âu

PwrIndx (Power Index): Chỉ số sức mạnh

Quad (Quadrilateral Security Dialogue): Nhóm đối thoại an ninh bốn bên

CHDCND: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Các tác giả không có mối quan hệ cá nhân và các nguồn tài chính với những cá nhân khác hoặc các tổ chức có khả năng tác động không phù hợp đến công trình nghiên cứu. Các tác giả không có nhận nguồn hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện nghiên cứu và hoàn thiện bài viết. Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

- Tác giả Nguyễn Thành Trung là người đưa lên ý tưởng, lập luận chính trong bài, đề cương phác thảo, và chỉnh sửa bản thảo.

- Tác giả Lê Tuấn Nhã là người viết các bản thảo trước đây dựa trên đề cương và các khuyến nghị, và chỉnh sửa lại bản thảo sau khi có góp ý từ tác giả Nguyễn Thành Trung và của ban biên tập. Bài báo đưa ra luận điểm rằng vai trò của tổ chức ASEAN quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, ngược lại với quan điểm thông thường cho rằng tổ chức ASEAN là một tổ chức đa phương, lỏng lẻo, yếu ớt. Bài nghiên cứu đã sử dụng các chứng cứ trong thực tế để chứng minh cho luận điểm của mình.

References

  1. Max Weber. Economy and Society: An Outline of Interpretive Sociology. Berkeley: University of California Press; 1978. . ;:. Google Scholar
  2. Waltz K. Theory of International Politics. United States: McGraw-Hill; 1979. p.131. . ;:. Google Scholar
  3. Kenneth Minogue. Politics: A Very Short Introduction. Oxford: OUP; 2000. . ;:. Google Scholar
  4. Thomas Diez. Key Concepts in International Relations. India: Sage Publications; 2011. Sutch, Peter & Elias, Juanita. International Relations: The Basics. NY: Routledge; 2007. . ;:. Google Scholar
  5. Hồng Đào Minh, Hiệp Lê Hồng. Thuật ngữ Quan Hệ Quốc Tế. HN: NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật; 2018. . ;:. Google Scholar
  6. 2020 Military Strength Ranking. [Online]. . ;:. Google Scholar
  7. Lowy Institute Asia Power Index: 2020 Edition. [Online]. . ;:. Google Scholar
  8. Stashwick S. Pentagon Releases Annual China Military Power Report. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  9. Stashwick S. Pentagon Releases Annual China Military Power Report. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  10. China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities—Background and Issues for Congress, Updated 2021. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  11. Nan T et al. Trends in World Military Expenditure, 2019. [Online]. 2020. . ;:1-12. Google Scholar
  12. Nagasawa T, Miyasaka S. Thousands of US troops will shift to Asia-Pacific to guard against China. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  13. Xuanzun Liu. China releases report on US military presence in Asia-Pacific, warns of increased conflict risk. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  14. Acharya A. The myth of ASEAN centrality? Contemporary Southeast Asia 2017 (39):2, 273-279. . ;:. Google Scholar
  15. Kraft HJ. Driving East Asian Regionalism: The Reconstruction of ASEAN’s Identity trong Ralf Emmers (ed) (2011). ASEAN and the Institutionalization of East Asia. New York and London: Routledge, p.63. . ;:. Google Scholar
  16. Anthony M. Caballero-. Understanding ASEAN’s centrality: bases and prospects in an evolving regional architecture. The Pacific Review 2014 (27):4, 563-584. . ;:. Google Scholar
  17. Strangio S. Southeast Asian Leaders Air Fears Over US-China Rivalry. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  18. Dunst C, Marston H. Making the Most of US-ASEAN Ties, Even Without the Vegas Summit. [Online]. 2020. http://bellschool.anu.edu.au/news-events/news/7509/making-most-us-asean-ties-even-without-vegas-summit. ;:. Google Scholar
  19. Seah S, Hoang TH, Martinus M, Pham TPT. The State of Southeast Asia. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  20. Nachemson A. Chinese investment in Cambodia is bringing Phnom Penh closer to Beijing – and further from the EU. [Online]. 2019. . ;:. Google Scholar
  21. Valencia M. ASEAN being pressed by US military to help contain China. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  22. Parameswaran. Trump and Southeast Asia: What Would a US-ASEAN Special Summit Do? [Online]. 2019. . ;:. Google Scholar
  23. Chairman’s Statement of the 25th ASEAN Regional Forum. . ;:. Google Scholar
  24. Chairman’s Statement of the 26th ASEAN Regional Forum. . ;:. Google Scholar
  25. Chairman’s Statement of the 27th ASEAN Regional Forum. . ;:. Google Scholar
  26. Zhang Lim Min. Key to build trust among ADMM-Plus Militaries. [Online]. 2019. . ;:. Google Scholar
  27. Wassana Nanuam. Govt nails down ‘vision’ with US. [Online]. 2019. . ;:. Google Scholar
  28. Ngoc Nguyen Phuong Hong. Mediation on the Korean Peninsula: A chance to assert ASEAN centrality trong the future of ASEAN-Korea partnership (2018). Young Perspectives. Vol.03. . ;:. Google Scholar
  29. Ryu Y, Minn B, Mon MM. The military coup in Myanmar: Time to prioritise ASEAN centrality and communal values. ISEAS: Perspective. . 2021;(27):. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 1432-1442
Published: Mar 31, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.702

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trung, N., & Nha, L. T. (2022). ASEAN’s central role in power competition between China and the US in Southeast Asia. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(1), 1432-1442. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.702

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1166 times
PDF   = 397 times
XML   = 0 times
Total   = 397 times