Abstract
Southern Vietnam became the "good land" of Chinese immigrant groups since the late 17th century after the Ming Dynasty was overthrown by the Manchu Qing army. A part of those political refugees were members of South China folk religious sects, who used religion and religious movements as a means to gather a large number of insurgents to “fight against Qing and restore Ming” in order to realize their political intentions. This spirit of “restoring the old dynasty” influenced patriotic scholars with feudal ideology in Vietnam, who were in a similar situation when confronting the invading French colonialists, thereby transforming into the awareness of “fighting against the French and restoring the Vietnamese emperor". They were deeply influenced by the Confucian spirit of "patriotism and respect for the monarch" and were determined to embrace the religious flag with the nuances of Confucianism - Buddhism - Taoism and local traditions to gather insurgents, who fought against invaders and restored the kingship of the natives. It is the ambiguous transformation process between Confucian scholars and Taoist priests. Especially, in the context of strict surveillance and brutal repression by contemporary authorities, they were considered "gian đạo sĩ" fiercely resisting authorities. Since then, the trend of "Orthodoxization" has appeared to shape them into monks who do not care about politics, or at least submit to serve the government. Using research methods (tactics) of analyzing written documents, field surveys, ethnographic fieldwork, and logical analysis, the article analyzes the phenomenon of "gian đạo sĩ" in Southern Vietnam’s endogenous religions and also clarifies the "Orthodoxization" trend of the popular belief of Ngũ Công Vương Phật from the late 19th to early 20th century, thereby introducing an interesting cultural phenomenon in contemporary Southern Vietnam’s social life.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Vùng đất Nam Bộ từ giữa thế kỷ XIX đã hình thành tôn giáo nội sinh đầu tiên là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (1849), trước đó đã xuất hiện một số Ông Đạo có hành trạng và đường lối tu hành khá gần với Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên nhưng lại hành đạo trong các chùa chiền của phái Lâm Tế và không sáng lập một giáo phái nào mới. Sau Bửu Sơn Kỳ Hương, các tôn giáo nội sinh khác ra đời như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Ông Trần, Phật giáo Hòa Hảo..., đồng thời cũng xuất hiện một loạt các Ông Đạo có mối quan hệ mật thiết với nhau, và cùng chia sẻ nhiều điểm tương đồng như từng tu luyện trên vùng Tà Lơn (Campuchia) hoặc Thất Sơn (An Giang) trước khi xuống núi để “cứu nhân độ thế”, rao giảng thuyết tận thế và hội Long Hoa, thờ cúng Ngũ Công Vương Phật và hành trì theo đường lối của Kinh Ngũ Công , có nhiều biểu hiện kỳ lạ khác người, nhiệt tình đấu tranh chống chính quyền thực dân Pháp... Tất cả tạo nên phong trào các Ông Đạo có ảnh hưởng sâu rộng trên thực tế đến xã hội Nam Bộ từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, nhưng lại được ghi nhận khá khiêm tốn trong sử liệu chính thống của triều đình.
Bài nghiên cứu này đứng ở góc nhìn Văn hóa học liên ngành với Nhân học, Tôn giáo học và Sử học, áp dụng lý thuyết “chính thống hóa” văn hóa, cùng các phương pháp (thủ pháp) nghiên cứu phân tích tài liệu thành văn, khảo sát thực địa, điền dã dân tộc học và phân tích logic để tiến hành phân tích, xâu chuỗi nhiều dữ liệu liên quan đến phong trào các Ông Đạo vùng Tây Nam Bộ, sự dung nạp tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật của khu vực Hoa Nam trong các tôn giáo nội sinh Nam Bộ, cũng như các dữ kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra thời Cận hiện đại dựa trên các tư liệu gốc thu thập được, các khảo cứu của nhiều nhà khoa học đi trước, cùng với tư liệu hồi cố của giới chức sắc và tín đồ về hành trạng cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật tôn giáo quan trọng, qua đó làm rõ hiện tượng “gian đạo sĩ” và xu hướng “chính thống hóa” của các tôn giáo nội sinh vùng Nam Bộ.
NỘI DUNG CHÍNH
Tín ngưỡng Ng ũ Công Vương Phật và huyễn tưởng v ề cảnh thái bình thịnh th ế ở Trung Quốc
Ngũ Công Vương Phật (gọi tắt là Ngũ Công, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương thường gọi là Năm Ông, hay Năm Ông Phật Vương ) là một tín ngưỡng dân gian lưu truyền rải rác ở nhiều nơi vùng duyên hải Hoa Nam (Trung Quốc), mà trung tâm là hai tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, suốt từ thế kỷ X đến nay, đặc biệt phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVIII-XIX, khi phong trào “phản Thanh phục Minh” và “phản Dương phục quốc” đang dâng cao ở khu vực Hoa Nam.
Tín ngưỡng này sùng bái năm vị bồ tát, cũng được xem là năm vị Phật sẽ giáng lâm cứu thế trong thời kỳ mạt kiếp, đó là Đường Công Vương Phật, Lãng Công Vương Phật, Hóa Công Vương Phật, Bửu Công Vương Phật và Chí Công Vương Phật . Trọng tâm giáo thuyết của tín ngưỡng này được thể hiện trong Kinh Ng ũ Công , một bộ kinh còn được gọi với nhiều tên khác như: Thiên Thai sơn Ng ũ Công bồ tát kinh , Cứu nạn Ng ũ Công kinh , Ng ũ Công cứu ki ế p kinh , Thiên đ ồ kinh , Chuyển thiên đ ồ kinh , Hậu thiên đ ồ ứng ki ế p kinh , Phật thuy ế t chuyển thiên đ ồ kinh , Thiên đ ồ kí mạt ki ế p kinh , Đ ại thánh Ng ũ Công bồ tát diễn thuy ế t thiên quốc cứu ki ế p kinh ; trong khi sử liệu quan phương ở Trung Quốc thường gọi là Ng ũ Công kinh , Ng ũ Công phù , Ng ũ phù kinh . Bộ kinh này gồm ba quyển riêng lẻ hoặc nhập chung thành một quyển có ba phần, độc lập với hệ thống kinh điển Phật giáo và Đạo giáo, đến nay không rõ tác giả cụ thể, chỉ biết rằng đây là sách sấm vĩ do các tu sĩ Đạo giáo soạn ra để “dọn đường dư luận” cho cuộc khởi loạn Đổng Xương cuối nhà Đường 1 , 2 .
Thế nên từ trước đến nay, Kinh Ng ũ Công tại Trung Quốc được xem là sách ngụy tạo để thu phục, lôi kéo nhân tâm phục vụ cho ý đồ tạo phản chống lại triều đình của các thế lực khởi loạn. Họ muốn dân chúng sau khi xem kinh sẽ tin rằng chống lại triều đình là phù hợp với mệnh trời, tin vào một thời đại thái bình thịnh thế do một vị minh vương thánh đức cai trị sẽ đến, từ đó tích cực tham gia ủng hộ phong trào khởi nghĩa. Theo thời gian, các thủ lĩnh đời sau thường sửa chữa Kinh Ngũ Công theo hướng thêm vào kinh một cách bóng gió tên họ của mình để chứng minh vai trò chính danh như một chân mệnh thiên tử thu phục thiên hạ. Vì thế, Kinh Ng ũ Công có rất nhiều truyền bản, giữa chúng có sự khác biệt khá lớn. Nhiều đời vua thuộc các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã ra lệnh cấm lưu trữ, truyền bá kinh này vì lo sợ tác động chính trị nguy hại khôn lường của nó.
Về nội dung, tín ngưỡng Ngũ Công chứa đựng niềm tin về “hạ ngươn mạt kiếp”, “minh vương xuất thế”, “Dần Mão sự biến”, “canh triều hoán đại”, “thiên hạ đại loạn”, “thiên địa tái tạo”, “Ngũ Công cứu thế”, “Di Lặc ra đời”… Theo đó, thời hạ ngươn mạt kiếp, quỷ binh nổi dậy khắp phương Đông, gây ra trăm thứ bệnh khổ, một làn gió đen làm trời đất tối tăm 7 ngày 7 đêm, vạn người chỉ còn sống một, ai mang bùa Ngũ Công và đọc tụng Kinh Ng ũ Công , xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm sẽ thoát khỏi kiếp nạn này, binh đao không xâm hại được. Đến năm Dần Mão, thiên hạ đại loạn, cảnh đời thê thảm bởi binh đao, nước dâng lửa cháy, thây chết thành núi, máu chảy thành sông, cuối cùng có vị “minh vương thánh đức” xuất hiện để thu dọn tàn cuộc, lập lại cảnh đời thượng ngươn thái bình thịnh trị. Đặc biệt, tín ngưỡng này ca ngợi vai trò của Ngũ Công Vương Phật trong thời hạ ngươn mạt kiếp, chúng sinh tạo tác nhiều ác nghiệp khiến thiên tai nhân họa nổi lên, một trận gió đen bao trùm thế giới khiến người thiện kẻ ác đều mắc nạn. Ngũ Công bồ tát có sứ mệnh cứu vớt người hiền và khuyến đời hướng thiện, nên tập trung tại Thiên Thai sơn cùng soạn kinh này, kèm theo 81 đạo bùa để truyền rộng cứu độ thế gian. Nếu người đời biết dùng linh phù, làm nhiều việc thiện, tin tưởng bồ tát, sẽ được cứu độ khỏi mạt kiếp, được sống cảnh thái bình an lạc.
Trong Kinh Ng ũ Công có nhiều loại đồ hình bùa chú được dùng để vẽ trên giấy hay cờ phướn. Đó là các đồ hình phức tạp, nhìn sơ thấy gần giống nhau nhưng thực chất khác biệt nhau, được chia thành bùa của từng vị trong Ngũ Công, có tác dụng sát tà, trừ ma, bắt quỷ, trị bệnh, giải độc, cứu nạn, giải nguy, tịch cốc (nhịn ăn), ẩn thân (tàng hình), siêu độ… Những người tin tưởng và tu hành theo giáo thuyết của Kinh Ng ũ Công , thường xuyên giữ bùa bên người thì tai qua nạn khỏi, chết đi sẽ được siêu thoát. Vì là sách sấm vĩ tiên tri, nên về hình thức, Kinh Ng ũ Công đã sử dụng nhiều thành ngữ tục ngữ, kết hợp với lối chiết tự úp mở của chữ Hán, ngôn ngữ mơ hồ khó hiểu, chỉ có thể phỏng đoán dựa trên suy luận tùy ý mỗi người. Ngoài ra, quyển kinh kết hợp văn xuôi với văn vần, sau một đoạn văn dẫn truyện là một đoạn thơ thuật chuyện. Điều đó khiến cho kinh này thường xuyên mắc nhiều lỗi về logic, dễ gây tâm lý hoang mang sợ hãi cho người đọc, nhất là những người bất mãn, chán ngán với thời cuộc 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 .
Tín ngưỡng này đã theo chân các đạo sĩ Trung Quốc truyền đến Nam Bộ Việt Nam, tuy nhiên cụ thể ai là người truyền sang, đến từ đâu ở Trung Quốc, ai là người tiếp nhận đầu tiên ở Việt Nam, thì cho đến nay chưa có tư liệu khả tín để xác định. Tư liệu điền dã những năm gần đây của chúng tôi cho thấy, trong hệ thống kinh điển Hán văn của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) có khoảng năm quyển liên quan đến Kinh Ngũ Công của Trung Quốc là Ng ũ Công thiên đ ồ kinh, Ng ũ Công bàn đ ào kinh, Ng ũ Công bát nhã kinh, Ng ũ Công cứu ki ế p kinh, Phật thuy ế t Ng ũ Công kinh , hay trong hệ thống sấm giảng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có quyển Kinh Năm Ông bằng chữ Nôm, qua đó cho thấy hai giáo phái này có tiếp nhận ảnh hưởng của tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật ở Trung Quốc... Trong khi đó, Tô Quang Xuân, Hà Minh Nhựt, Đoàn Minh Huyên dường như là những người sớm nhất ở Việt Nam tiếp nhận tín ngưỡng này, bởi so với Ngô Lợi, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, thì các ông được xếp vào hàng tiền bối. Nơi chủ yếu tiếp nhận tín ngưỡng này là vùng phía tây nam Việt Nam giáp biên giới với Campuchia, tức địa bàn có dãy Tà Lơn (Campuchia gọi là Bokor) và dãy Thất Sơn, vốn được mệnh danh là trung tâm tu luyện của giới đạo sĩ Đông Nam Á lục địa, cũng là vùng núi thiêng trong tâm thức của tín đồ các tôn giáo nội sinh Nam Bộ. Nếu những điều này chính xác thì tín ngưỡng này có thể đã được truyền từ Trung Quốc sang Nam Bộ Việt Nam vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX.
Tóm lại, tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật hình thành và lớn mạnh ở khu vực Hoa Nam (Trung Quốc), do nhiều biến cố lịch sử đã theo chân di dân người Hoa truyền sang Nam Bộ nước ta. Tín ngưỡng này là nhân tố quan trọng làm hình thành phong trào các Ông Đạo và các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ; đồng thời là tác nhân chính làm hình thành hiện tượng “gian đạo sĩ” được chúng tôi khảo sát kỹ trong các nội dung tiếp theo.
“Gian đạo sĩ” thời Thiệu Trị, Tự Đức với tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật
Khái niệm “gian đạo sĩ” bắt đầu được nhắc đến trong dân gian dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức thông qua những tư liệu thành văn như thơ kệ sấm giảng lẫn truyện kể dân gian về các Ông Đạo được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước đó, khái niệm “gian đạo sĩ” thường thấy nhắc đến trong thư tịch cổ Trung Quốc để chỉ các vị đạo sĩ Đạo giáo bất chính, không nghiêm giữ thanh quy giới luật, tham đắm tửu sắc tiền tài, lơ là việc tu hành luyện đạo, làm mất sự tôn nghiêm của môn phái. Từ xuất phát điểm là Đạo giáo, đến thời nhà Minh và Thanh, cách dùng “gian đạo sĩ” còn mở rộng phạm vi phản ánh sang giới tu hành của tam giáo, nhất là giới môn đệ của các giáo phái dân gian mang màu sắc dung hợp “tam giáo cửu lưu” của thời kỳ này. Đặc biệt dưới thời nhà Thanh, các giáo phái dân gian tích cực tham gia phong trào “phản Thanh phục Minh”, triều đình còn dùng khái niệm “gian đạo sĩ” để chỉ các nhân sĩ tôn giáo không thuần túy lo việc tu hành, mà trà trộn vào các giáo đoàn để mưu đồ khởi loạn, chống lại sự thống trị của triều đình.
Tuy nhiên, thế lực của triều đình nhà Thanh ngày một lớn mạnh qua các đời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long. Các phong trào nổi dậy do giới đạo sĩ lãnh đạo lần lượt bị triều đình tiễu trừ và truy đuổi ráo riết, khiến cho các nhóm tàn quân phải tìm cách bôn tẩu sang các nước lân cận để lánh nạn. Sau hai lần thất bại của nhà Thanh tại chiến tranh Nha phiến (1839-1842, 1856-1860), các thế lực thực dân phương Tây tràn vào Trung Nguyên, nhiều giáo phái lại tiếp tục nổi dậy chống ngoại xâm, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc và Nghĩa Hòa Đoàn, đồng thời là sự lớn mạnh của tổ chức Thiên Địa Hội ở lưu vực sông Trường Giang và Chu Giang. Ngọn cờ tôn giáo được giương cao để quần tụ nghĩa sĩ yêu nước, cuối cùng cũng bị quân đội triều đình và thực dân đô hộ đàn áp, làm hình thành các làn sóng di cư từ Hoa Nam sang khu vực Đông Nam Á, khiến cho các giáo phái dân gian và các hội kín truyền đến vùng đất Nam Bộ Việt Nam.
Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, các câu chuyện lưu truyền trong dân gian về “gian đạo sĩ” bắt đầu xuất hiện ở nhiều tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là các tỉnh gần sát khu vực biên giới Campuchia như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, nơi có các ngọn núi thiêng trong dãy Thất Sơn và núi Tà Lơn (Bokor) vốn được mệnh danh là trung tâm tu luyện huyền thuật của các đạo sĩ Đông Nam Á, cũng là nơi phát tích của nhiều tôn giáo nội sinh Nam Bộ như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Ông Trần, Phật giáo Hòa Hảo... hình thành từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Điều này gợi sự liên tưởng tất yếu về những cuộc hội ngộ giữa các nhân sĩ tôn giáo Hoa Nam lánh nạn sang đây, tạo sự ảnh hưởng đến các Ông Đạo sáng lập ra các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ Việt Nam. Vì thế mà từ thời Thiệu Trị, Tự Đức trở đi, triều đình bắt đầu quan tâm đến các đối tượng này. Đỉnh cao là dưới thời thực dân Pháp đô hộ Nam Kỳ Lục tỉnh, nhiều Ông Đạo bị chính quyền thực dân mệnh danh là “gian đạo sĩ”, từ đó phái mật thám theo dõi, bắt bớ, đốt phá chùa chiền và giải tán tín đồ tham gia hành đạo. Đáng chú ý là danh xưng “gian đạo sĩ” có mối liên hệ mật thiết đến tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật.
Rất tiếc là câu chuyện về các “gian đạo sĩ” ở Nam Bộ hiện nay hầu như chỉ tìm thấy trong dân gian, sử sách triều Nguyễn ít thấy đề cập đến các nhân vật này. Những nghiên cứu về các “gian đạo sĩ” từ trước đến nay vì vậy cũng tương đối hiếm. Năm 1938, trên tờ báo quốc ngữ thời Pháp thuộc là Công luận báo có đăng liên tục nhiều kỳ về hiện tượng “gian đạo sĩ” như là một cuộc nội loạn xảy ra trên đất Cao Miên, giáp ranh với An Giang và Hà Tiên của Việt Nam. Từ đó trở đi, vấn đề này không thấy được nhắc lại trong các công trình nào khác. Mãi đến những năm gần đây, Nguyễn Thanh Phong có bài viết “Hiện tượng “gian đạo sĩ” ở Nam Bộ thế kỷ 19” đăng trên tạp chí Nghiên cứu tôn giáo (số 3 (183), 2019, tr.54-74) bàn luận khá chi tiết về sự xuất hiện một cách có hệ thống của nhiều nhân vật bị mệnh danh là “gian đạo sĩ” trong suốt thế kỷ XIX 8 .
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, “đạo sĩ” trong ngữ cảnh “gian đạo sĩ” ở Nam Bộ đã khác khá nhiều so với “gian đạo sĩ” ở Trung Hoa. Họ không thuần túy là tu sĩ Đạo giáo, cũng không là người tu hành theo trào lưu “tam giáo cửu lưu” khá hỗn tạp như ở Hoa Nam. “Gian đạo sĩ” ở Nam Bộ chủ yếu đứng trên lập trường tư tưởng Phật giáo, kết hợp với những hình thức biến thể khác nhau của Nho giáo và Đạo giáo được du nhập. Người từng bị chính quyền mệnh danh là “gian đạo sĩ” sớm nhất có lẽ là ông Tô Quang Xuân (?-1842), người lập ra Quan Âm Cổ Tự (tục gọi là chùa Phật Tổ, Cà Mau). Một số tín đồ tin rằng ông là đức Phật Vương trong câu sấm truyền miệng “Tứ bửu linh tự” của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Nghê Văn Lương trong quyển Cà Mau xưa và An Xuyên nay (1972), tại nội dung Chùa Đức Phật Tổ Sư có giới thiệu hành trạng ngài Tô Quang Xuân, trong đó nhấn mạnh việc ông lập am tu hành theo đường lối của “cuốn kinh Năm Ông” (tức Kinh Ngũ Công ), sau còn đứng ra trị bệnh cứu người, rao giảng giáo thuyết mà bản thân lãnh ngộ, nhờ đó danh tiếng lan rộng, tín chúng quần tụ ngày một đông, có người vu cáo ông là gian đạo sĩ, ứng với câu thơ lưu truyền trong dân gian: “Tập trung đông đúc cả ngày/ Toan mưu làm phản có ngày phế vua”, tức ám chỉ ông lôi kéo tín đồ âm mưu phản loạn soán ngai vua, nên bị quan trên bắt giải về Gia Định [ 9 , tr.154-158]. Kết quả điền dã của chúng tôi tại chùa Quan Âm Cổ Tự (Cà Mau) cho thấy, chùa này từng sùng bái Ngũ Công Vương Phật, thờ cúng đa dạng các thần linh của tam giáo chứ không thuần túy là chùa Phật như hiện nay. Trong nhiều khán thờ tại chánh điện chùa, có một khán thờ cổ ghi dòng chữ Hán “Ngũ Công Vương Phật”, phía trên bàn thờ bày trí một bài vị gỗ cũ kĩ ghi dòng chữ Hán “Nam mô Ngũ Công Dương Phật” . Quan sát kỹ trong chùa còn có bộ tượng cổ khắc hình tướng Ngũ Công Vương Phật, tuy nhiên hiện tại chỉ thấy còn ba tượng sơn ba màu khác nhau, có thể người trong chùa không hiểu rõ đây là các tượng gì nên tách ra thờ riêng mỗi cái ở một nơi . Ngoài ra, trong chùa còn có khán thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, phía sau chánh điện có treo cặp liễn đối cổ chữ Hán: “Sắc khuông nhương, cần miễn lệ, động cù lao, quân sư phụ nhất ban kiệt lực; Chí trung thứ, niệm từ bi, tư cảm ứng, Nho Thích Đạo tam giáo đồng tâm", cho thấy sự hiện diện của các giáo phái dân gian và tinh thần dung hợp tam giáo Nho Phật Đạo trong hình thái tín ngưỡng ở chùa vào thời kỳ đầu.
Một số tín đồ cao niên của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cho biết, chùa Phật Tổ trước kia cũng thờ trần điều, nhưng nay chuyển thành chùa của Phật giáo nên không còn. Hiện tại các gian thờ trong ngôi chánh điện cũ đều được sơn nền xanh, nhiều hiện vật cũ vẫn còn được phối trí trong không gian được trùng tu mới, đáng chú ý trong đó là một bao lơn cổ được điêu khắc hoa lá chim muông tinh xảo, trên có ghi dòng chữ Hán: “Đinh Sửu niên tứ nguyệt sơ tứ nhật thượng lương”, thượng lương ngày 4 tháng 4 năm Đinh Sửu, 1877). Trong nghi thức trùng tu chùa miếu của các tôn giáo nội sinh vùng Nam Bộ, trong đó có đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, nghi thức thượng lương là một nghi thức quan trọng. Xâu chuỗi những dữ liệu này với nhau, có thể nhận thấy Tô Quang Xuân là người sớm nhất được biết đến đã tiếp nhận tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật, giáo pháp tu hành và con đường hành đạo của ông cũng chịu sự chi phối sâu sắc của tín ngưỡng này.
Những diễn giải về Tô Quang Xuân phía trên có phần trùng khớp kỳ lạ với hành trạng của Đoàn Minh Huyên (1807-1856), người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, được ghi chép trong nhiều tư liệu khác nhau như Đ ức Phật Thầy Tây An (Vương Kim và Đào Hưng) 10 , Sa Đ éc xưa và nay (Huỳnh Minh) 11 , Sấm truyền đức Phật Thầy Tây An (Nguyễn Văn Hầu) 12 và nhất là trong lời kể của nhiều thế hệ tín đồ. Theo đó, các nguồn tư liệu thống nhất cho rằng Đoàn Minh Huyên sinh năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), mất năm Bính Thìn (1856) . Hành trạng của ông từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành chưa thấy tài liệu nào ghi chép, gần đây chúng tôi phát hiện trong quyển Ngọc lịch đ ồ thơ tập chú của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có một đoạn ngắn ghi chép việc ông từ Hà Tiên đến đảo Phú Quốc rồi qua núi Tà Lơn tu học 13 , điều này tương ứng với nhiều câu sấm giảng lưu truyền trong tín đồ “Trót thề chí nguyện tu hành/ Từ bi đã thấm lòng lành khó phai/ Bao năm khổ hạnh non đoài… Ngày vui nước trí non tiên/ Đêm về bầu bạn thánh hiền kệ kinh” 12 . Rất có thể trong thời gian tu hành này, ông tiếp xúc với các đạo sĩ Trung Hoa di cư sang lánh nạn tại đây sau thất bại của các phong trào khởi nghĩa ở Trung Quốc, nhờ đó tiếp nhận tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật từ Trung Quốc truyền sang.
Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết liên quan đến hoạt động dập dịch tả và trị bệnh cứu dân của ông Đoàn Minh Huyên. Theo đó, năm 1849, dịch bệnh nổi dậy khắp làng Tòng Sơn và các làng lân cận, mọi người kéo đến làng Trà Bư nhờ ông ra tay cứu giúp, ông bảo về đình Tòng Sơn thỉnh “cây thẻ Năm Ông” (hay lá cờ Ngũ Sắc) giấu nơi mái hiên đình về chặt ra pha nước uống. Đến khi hết cờ hết cán, người ta lại tìm đến ông, ông chuyển qua phát giấy vàng có vẽ phù chú, khi hết giấy vàng còn dùng tro nhang pha nước lã. Cách điều trị kỳ lạ của ông thu hút đông đảo tín chúng tìm về nương tựa, ông vừa trị bệnh vừa rao giảng giáo thuyết trong Kinh Ngũ Công , khuyên tín chúng kính thờ Năm Ông, phát phái thu nhận tín đồ và sáng lập nên đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Do giáo thuyết của ông chứa đựng yếu tố chính trị đặc biệt, tiên tri về sự ra đời của một đấng “minh vương thánh đức”, ủng hộ triều đại thịnh trị sắp xuất hiện, nên khiến triều đình nghi ngờ ông là “gian đạo sĩ” mưu toan khởi loạn, không thuần túy lo việc tu hành .
Nhiều chứng cứ cho thấy Đoàn Minh Huyên đã tiếp nhận và vận dụng tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật trong các hoạt động tôn giáo của mình. Điển hình là việc ông đã dùng bùa Ngũ Công để trị bệnh cứu người trong trận dịch năm 1849, điều này đã được các đồ đệ mượn lời ông ghi lại trong giảng xưa: “Dù tôi rời khỏi Tòng Sơn/ Vẫn lo bá tánh gặp cơn nguy nàn/ Ngọn cờ ngũ sắc Phật ban/ Năm Ông Thẻ để cứu an dân tình/ Thành lòng chí nguyện đức tin/ Bệnh gì cũng khỏi phép linh của trời” 12 . Ngoài các bệnh thể xác như ho suyễn, cùi đui, ông còn điều trị các bệnh tâm linh như trùng tang, mắc thằng bố bằng bùa chú. Chi tiết “cây thẻ Năm Ông” hoặc “lá cờ Ngũ Sắc” có liên quan đến tín ngưỡng Ngũ Công, có thể đây là các loại khí cụ thờ cúng Ngũ Công mà ông đã tiếp nhận và gìn giữ như báu vật trước đó. Như trên có nói, trong Kinh Ng ũ Công có kèm theo khá nhiều đồ hình bùa chú, rất có thể trong thời gian ẩn tu trên núi, ông Đoàn Minh Huyên đã được truyền thụ loại bùa này. Bùa Ngũ Công theo tín ngưỡng dân gian Hoa Nam và các đạo sĩ Nam Bộ, chuyên được dùng để dập dịch và trị bệnh thời khí, nhất là loại bệnh dịch tả đang hoành hành ở Nam Bộ đương thời.
Trong tài liệu Nghi thức tụng niệm hằng ngày được biên soạn bởi Ban Đại diện Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có đoạn văn bằng âm Hán Việt nhắc đến công dụng của bùa Ngũ Công như sau: “Thỉnh phù chú sắc Ngũ Công chi thần phù, vạn dân kiết xương, tai phi bất nhiễm, hình họa bất xâm, thiên thần địa kỳ, cấp khử trừ ương ách, giả thế tàn hình, thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Ngũ phương Ngũ Phật, đại oai thần phù, kiết oai trừ tà ma quỷ, sắc trước lịnh triều, tùy ứng quang thượng, nhất chiếu nhất lễ tổng quy kỳ Quán Thế Âm bồ tát, diệu pháp nan lượng, thanh tịnh nghiêm trang, kiếp tu thiên xứ, hữu cầu thiên xứ, ứng bát hải thường thấu độ nhơn tuy” [ 14 , tr.29]. Đoạn văn này có nguồn gốc từ Kinh Ng ũ Công của Trung Quốc, nội dung ca ngợi sức mạnh, thần hiệu của bùa Ngũ Công trong việc trừ tà giải ách, cứu thoát nạn tai, đồng thời ca ngợi uy lực của Ngũ Công và Quán Âm bồ tát. Điều này chứng tỏ, bùa Ngũ Công được tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tin tưởng và sử dụng rộng rãi để trị bệnh, trừ tà trong điều kiện y học chưa tiến bộ ngày xưa.
Tục thờ cúng Ngũ Công Vương Phật, dưới hình thức này hay hình thức khác, vẫn còn khá phổ biến trong đời sống tín ngưỡng Nam Bộ, dù hầu hết tín đồ đều không nhận thức rõ ràng đối tượng mình đang thờ cúng là Ngũ Công. Việc thờ cúng Năm Ông Thẻ, vái lạy ngũ phương trong nghi thức hành đạo, thờ cúng Năm Ông hay Ngũ vị Thần Quan tại các danh sơn mà tín đồ thường đến “triều thánh”, hay việc phát giấy vàng trị bệnh ở vài ngôi chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, phát lòng phái thu nhận tín đồ... đều là những dạng thức tồn tại khác nhau còn sót lại của tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật.
Trong nghi thức tụng niệm hằng ngày của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương ở Bà Rịa - Vũng Tàu, có nhiều bài kinh, bài khấn nguyện liên quan đến Ngũ Công như bài Thỉnh tổ , bài Mạt ki ế p báo ân kinh , hay trong nghi thức cúng gạo muối, nghi thức đảnh lễ Ngũ phương Phật trong khi lễ bái đều có nhắc đến Ngũ Công Vương Phật. Mãi đến nay, các tín niệm về hội Long Hoa, minh vương xuất thế, Di Lặc ra đời, thiên địa tái tạo, thế giới đại loạn, hạ ngươn mạt kiếp… trong Kinh Ng ũ Công , thông qua sự giảng thuật trong sấm giảng Bửu Sơn Kỳ Hương và các giáo phái khác, vẫn còn được tín đồ truyền tụng và một lòng tin tưởng. Đáng chú ý nhất trong số sấm giảng trên là hai bài N ă m Ông và Mười sầu . Bài giảng N ă m Ông dài 178 câu thơ lục bát với 1246 chữ, nội dung nói về chuyện đức Phật (có bản ghi Phật Bà Quán Âm) cảm thương thế gian lâm cảnh tai nàn, yêu ma quỷ quái nổi dậy, các thứ dịch bệnh ác thú hoành hành, trong khi thế đạo suy vi, loài người ngang tàng độc ác, khởi động can qua chém giết lẫn nhau, nên sai Ngũ Công Vương Phật lâm phàm độ thế, dùng bùa phép cứu dân thoát nàn, khuyên đời tu hành chờ ngày “Phật Vương” ra đời. Nội dung bài giảng này phần lớn trùng khớp với nội dung Kinh Ng ũ Công . Còn bài giảng Mười sầu dài 102 câu thơ lục bát, 714 chữ, diễn tả 10 nỗi ưu sầu về những đau khổ nạn tai sắp giáng xuống thế gian trong buổi “hạ ngươn”, đồng thời kêu gọi mọi người cải ác làm lành, kính Phật thờ trời, đặc biệt là “Kỉnh tin Năm Ông ngũ phương/ Điều lành thời giữ chớ mong thói tà”, mới mong thoát nạn đất trời biến chuyển 15 . Mười điều lo âu sầu muộn được nhắc đến trong bài giảng Mười sầu cũng có nguồn gốc từ đoạn Thập sầu tụng trong Kinh Ng ũ Công .
Những năm gần đây, học giả Nguyễn Văn Sâm đã sưu tầm và giới thiệu “lần đầu tiên” Kinh N ă m Ông, đây là “bản kinh chữ Nôm chép tay còn sót lại cổ động việc thờ Năm Ông của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương” được tìm thấy tại An Giang năm 2006. Sau khi tìm hiểu, ông khẳng định “ Kinh N ă m Ông có dính dáng xa gần tới những quyển Kim cổ kì quan và các tác phẩm ở trong dòng đó như Thừa nhàn, Kiểng tiên, Sư vãi bán khoai, Kệ dân của người khùng ...” . Theo mô tả, quyển kinh gồm 26 trang thơ lục bát chữ Nôm, viết tay trên giấy bản, chữ đẹp và sắc sảo, 12 câu mỗi tờ gồm 6 câu lục và 6 câu bát, dự đoán chép nửa cuối thế kỷ XIX, đặc biệt “trong kinh có chỗ viết bằng chữ Hán là Kinh Ng ũ Công ”. Ngoài ra, phần cuối còn có 2 trang Hán văn “chép lại tin tức về tai trời ách nước đối với người làm ác”. Đáng chú ý hơn là trong kinh có nhắc tới danh hiệu Ngũ Công: Chí Công Quán Âm Phật, Hóa Công Quán Âm Phật, Đường Công Quán Âm Phật, Lãng Công Quán Âm Phật, Bửu Công Quán Âm Phật. Thực ra, đây là một dị bản của quyển Kinh Ngũ Công đề cập phía trên 16 .
Rõ ràng, đã có sự tiếp nhận tín ngưỡng Ngũ Công trong giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Các giáo thuyết về nạn kiếp, tai ách, tái lập đời thượng ngươn, Thánh Vương xuất thế, hội Long Hoa... trong sấm giảng Bửu Sơn Kỳ Hương đều có nguồn gốc từ Kinh Ng ũ Công . Rất có thể, khoảng giữa thế kỷ XIX, các đạo sĩ và nghĩa sĩ Trung Hoa thất bại sau các phong trào đấu tranh vũ trang, đã tìm về vùng núi cao Tà Lơn và Thất Sơn để lánh nạn. Đoàn Minh Huyên trong thời gian ngao du đây đó và ẩn tu tại “non đoài” đã tiếp nhận tín ngưỡng này, đồng thời đã tu luyện bùa phép Ngũ Công dưới sự hướng dẫn của các cao nhân từ Trung Hoa di cư sang. Hiện nay, nhiều nơi ở Thất Sơn như Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Trà Sư… đều có điện thờ Ngũ Công Vương Phật, còn gọi là điện Năm Ông, có thể do môn đồ ẩn tu của phái Bửu Sơn Kỳ Hương tiếp nhận tín ngưỡng Ngũ Công lập ra từ xưa và duy trì đến nay.
Tục thờ Năm Ông Thẻ (còn gọi Năm Quan Thẻ) bắt nguồn từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Tương truyền, ngoài vừa phát bùa trị bệnh cho dân, vừa rao giảng giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Đoàn Minh Huyên còn sai các đệ tử lên Núi Cấm tìm gỗ lào táo về đẽo nhọn thành năm cây thẻ giống nhau, trên đầu vuốt hình búp sen có khắc bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương, quấn vải tây đỏ ngang cổ, ghi tên năm trấn trên cây thẻ , sau đó sai ông Trần Văn Thành đi cắm năm thẻ gỗ ở năm nơi để giải trừ tai ách, xua tan bệnh dịch thời khí. Về sau, tín đồ cảm niệm ơn đức trị bệnh, tôn sùng thẻ gỗ như là linh khí của đạo, nên tôn xưng là “Ông Thẻ”, “Quan Thẻ” rồi cất dinh thờ cúng từ đó đến nay 17 . Năm Ông Thẻ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thực ra chính là hiện vật đại diện cho Năm Ông Phật Vương, tức Ngũ Công Vương Phật. Thờ cúng Năm Ông Thẻ trong truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương thực chất là thờ cúng Năm Ông trong tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật.
Nhân vật quan trọng tiếp theo là ngài Hà Minh Nhựt (1802-1877), người được cư dân sinh sống tại vùng cù lao Ông Chưởng (Kiến An, Chợ Mới, An Giang) quen gọi là Sư Cố, hay thiền sư Minh Nhựt. Ông là người sáng lập An Long Cổ Tự, một ngôi chùa theo phái Lâm Tế mà người dân quen gọi là chùa Sư Cố. Tiểu sử được công bố tại chùa cho biết ông tên thật là Hà Văn Giáo, người gốc xã Long Kiến, thuở nhỏ bản tính hiền từ, hay ăn chay lạt, cha mẹ giao cho ông nhiệm vụ đuổi chim ăn lúa nhưng ông lơ là, chỉ lo lấy đất sét nặn hình tượng Phật và bồ tát để thờ tự trong chòi. Cha ông đến thăm lúa, tức giận đem tất cả tượng Phật quăng xuống sông, kỳ lạ là tượng không chìm mà nổi lềnh bềnh, ông hay được bèn chạy xuống hạ nguồn vớt lên. Cha thấy ông nặng lòng với đạo như vậy nên đã cho ông cất am tu hành. Sau một thời gian, ông ra trị bệnh cứu người, đặc biệt là những bệnh tâm linh, tà trí rối loạn lúc mê lúc tỉnh. Tín chúng nghe cách trị bệnh mầu nhiệm của ông nên thuyền ghe lũ lượt kéo đến, ông bắt đầu thuyết pháp và thu nhận tín đồ .
Trong dân gian lưu truyền các câu chuyện về mối liên hệ giữa Sư Cố Hà Minh Nhựt với đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên và Ông Đạo Kiến, có lẽ các ông sống cùng thời và có mối quan hệ tông phái tu hành mật thiết với nhau, nên cách thức hành đạo và hóa độ chúng sanh của các ông cũng rất gần gũi nhau. Giảng xưa lưu truyền câu thơ có nhiều dị bản: “Lại chùa sư Nhựt ở rày hôm mai/ Ghé chùa sư Nhựt ở rày đêm nay”, kể về chuyện Đoàn Minh Huyên từng ghé thăm chùa và đàm đạo rất tâm đắc cùng Sư Cố vào khoảng năm 1825, ngoài ra còn gửi một tượng Phật A Di Đà bằng vàng. Cả hai cũng gặp nhau ở việc dùng bùa chú trị bệnh cứu đời rồi thuyết giáo thu nhận tín đồ, gây ra sự chú ý dè chừng của chính quyền đương cuộc. Dân gian cũng lưu truyền câu chuyện về mối quan hệ giữa Đoàn Minh Huyên với Ông Đạo Kiến, chính ông này đã nhường am cốc tu hành của mình (cốc Ông Kiến, nay là Tây An Cổ Tự, xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang) làm nơi cho Đoàn Minh Huyên phát bùa trị bệnh và sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương năm 1849. Ông Kiến là nhân vật bí ẩn, không có nhiều thông tin về thân thế và sự nghiệp của ông, chỉ biết phía sau chùa còn bài vị cổ ghi dòng chữ Hán “Phụng thỉnh Sư Cố Lê Văn Kiến tọa vị”, đây chắc chắn là bài vị của Ông Đạo Kiến. Điều thú vị là Ông Đạo Kiến cũng được tín đồ gọi là “Sư Cố” giống như ông Hà Minh Nhựt phía trên. Dù không có bất kỳ tài liệu nào gọi ông Hà Minh Nhựt là “gian đạo sĩ”, tuy nhiên hành trạng cuộc đời của ông lại rất gần với Tô Quang Xuân và Đoàn Minh Huyên, trong khi đó truyện kể trong dân gian cho thấy mối quan hệ giữa ông với các chí sĩ Thiên Địa Hội có phần mật thiết sâu đậm hơn.
“Gian đạo sĩ” dưới thời thực dân Pháp cai trị: khát vọng phản Pháp phục Nam
Tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ ra tại Đà Nẵng năm 1858 làm rung chuyển xã hội phong kiến nhà Nguyễn. Nền Nho giáo lâu đời của Việt Nam đối mặt với thử thách khốc liệt trước họng súng và tàu chiến phương Tây. Sau những trận giáp chiến năm 1859 và 1862 với kẻ thù xâm lược, triều đình Tự Đức đã lần lượt nếm trải thất bại, dần từ bỏ vai trò kháng Pháp trên đất Nam Kỳ, vận mệnh của vùng đất này chỉ còn trông chờ vào ý thức đấu tranh mang tính tự phát của giới nho sĩ đại phu và tướng lĩnh quân đội. Tư tưởng ái quốc tôn quân của Nho giáo, tinh thần phổ độ chúng sinh của Phật giáo, tinh thần dấn thân tu luyện bùa phép của Đạo giáo dường như đã bắt gặp nhau trong hoàn cảnh xã hội mất nước, rồi lại dung hòa với dòng chảy tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật từ Trung Quốc truyền sang, dần bẻ lái tín ngưỡng này theo hướng khôi phục vương quyền triều đại nhà Nguyễn, trông chờ một vị minh vương thánh đức thuộc dòng dõi nhà Nguyễn ra đời, nhằm hướng đến xây dựng cảnh đời thái bình thịnh trị, muôn dân lạc nghiệp âu ca.
Lúc đầu, vị minh vương được mong đợi dường như là Minh Mạng, vị vua có công xây dựng triều Nguyễn đến mức cực thịnh, qua câu sấm “Minh Mạng tái sinh, quân sư Trạng Trình” của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Về sau khi Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương thì lại rộ lên tin đồn trong tín đồ rằng vị vua này không bị Pháp bắt lưu đày sang Algérie mà cùng với các quan bôn đào sang núi Tà Lơn để tập hợp nghĩa binh đánh Pháp. Đầu thế kỷ XX, khi thủ lĩnh hội kín Phan Xích Long (Phan Phát Sanh, 1893-1916) từ căn cứ Thất Sơn phát động nghĩa binh chống Pháp, đã tự xưng là Đông cung Thái tử con vua Hàm Nghi nhằm lôi kéo sự ủng hộ của giới quan lại nho sĩ cựu triều vốn kỳ vọng khôi phục vương quyền nhà Nguyễn. Núi Cấm từ đó được tín đồ tin rằng là nơi khai mở hội Long Hoa, là nơi xuất hiện của “đấng minh vương”, là trung tâm của địa cầu thời “thượng ngươn thánh đức”, là nơi có cung vàng điện ngọc nổi lên, cũng là nơi cuối cùng thâu phục thập bát bang (18 nước) sang đánh chiếm 18 . Đến lúc này, chúng ta thấy dường như các hội kín hay các tôn giáo bí mật từ Trung Hoa truyền sang, đã có quan hệ rất mật thiết đến phong trào tôn giáo của các Ông Đạo trước đó.
Có quan hệ mật thiết với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đoàn Minh Huyên là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Ngô Lợi (1831-1890) sáng lập khoảng năm 1867. Trong quyển Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa , Hà Tân Dân có giới thiệu sơ lược về thân thế và sự nghiệp của ông Ngô Lợi. Theo đó, ông sinh tại Mỏ Cày (Bến Tre) trong một gia đình làm nghề thợ mộc, sau cha mất, ông cùng mẹ nương tựa với nhau. Tương truyền, năm 20 tuổi ông viết bài kinh đầu tiên là Bà La Ni kinh , ca ngợi công hạnh và uy lực của bồ tát Quán Thế Âm. Đến năm 1867, giáo sử chép ông đi thiếp 7 ngày đêm rồi tỉnh dậy trong trạng thái “Giải thoát tẩy trần tâm/ Giáo nhơn tùng thiện đạo” ( Kinh Hiếu nghĩa ), từ đó ông bắt đầu hành đạo và phát phái thu nạp tín đồ. Ít lâu sau, ông dẫn dắt tín đồ vào vùng Núi Tượng (Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) khai khẩn đất hoang, lập nên 4 thôn An Định, An Lập, An Thành, An Hòa làm nơi quần tụ tín đồ đến sinh sống và tu hành. Do tích cực hưởng ứng phong trào chống Pháp diễn ra khắp nơi ở Nam Bộ, tiếp nhận nghĩa sĩ thất trận về đây dung thân, nên vùng Núi Tượng luôn bị mật thám Pháp tới lui dòm ngó và trà trộn, dẫn đến nhiều lần bị quân đội Pháp kéo vào bắt bớ đàn áp, đốt phá chùa chiền và giải tán tín đồ 19 , 20 . Cùng với Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng bị thực dân Pháp xem là tổ chức nấp bóng tôn giáo của các “gian đạo sĩ”, hòng âm mưu lật đổ ách thống trị của người Pháp.
So với các giáo phái khác, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn bảo tồn đến nay nhiều tư liệu sách vở nhất, hầu hết đều là tư liệu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm dưới thời đức Bổn Sư Ngô Lợi còn tại thế. Quý giá nhất là 3 quyển Ngọc lịch đồ thơ tập chú , bộ sách này ghi chép về quá trình mở mang đất hoang và thiết lập chùa chiền tại vùng Núi Tượng; tiếp theo đó là các quyển Cung văn (hoặc Cúng văn ) ghi chép về các nghi thức thờ cúng lễ bái và sớ điệp văn tế được các ông gánh và thân bằng sử dụng trong hoạt động tế tự. Cuối cùng là hệ thống kinh sách Hán Nôm hàng trăm quyển do ông Ngô Lợi và Nguyễn Hội Chơn sáng tác, cùng nhiều kinh sách tam giáo và thiện thư, loan thư du nhập từ Trung Hoa sang. Ngoài ra, trong tín đồ còn lưu truyền nhiều câu chuyện về hành trạng của đức Bổn Sư Ngô Lợi cùng các đạo hữu, thân bằng của ông đương thời như ông Tam Giáo Hỏa Lâu Nguyễn Hội Chân , ông Phật Trùm Trần Hữu Lễ (tên chữ Hán của ông Tà Ponl), ông Phan Mỹ Bộ, ông Trần Tịnh... Ngô Lợi là người ủng hộ nhiệt tình cho phong trào chống Pháp ở các nơi, xây dựng căn cứ làm hậu thuẫn cho các nghĩa sĩ bại trận về lánh nạn, ông có lẽ từng qua lại với giới đạo sĩ tu hành trên núi Tà Lơn, nên mỗi lần thực dân Pháp kéo quân vào Núi Tượng đàn áp, đốt phá chùa chiền, ông đều chạy sang Tà Lơn lánh nạn. Trong hệ thống kinh điển Tứ Ân Hiếu Nghĩa, có nhiều phiên bản khác nhau của Kinh Ngũ Công , bên cạnh đó là nhiều nghi thức thờ tự, phương thức tu luyện, cấm kỵ thường nhật chịu ảnh hưởng từ tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật.
Đức Phật Trùm là nhân vật cuối cùng trong nhóm “Tứ Thánh” được đề cập trong bài thơ Tứ bửu linh tự . Ông tên thật là Tà Ponl (?-1875), người gốc Khmer, sinh trưởng tại sóc Sà Lôn, nay thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông được tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tin là kiếp tái sinh của đức Phật Thầy Tây An và được biết đến rộng rãi trong vai trò là một đạo sĩ có tài chữa bệnh cứu người bằng đèn cầy, vì thế ông còn được mệnh danh là Đạo Đèn, trong sách Ngọc lịch đồ thơ tập chú của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thì tên chữ Hán của ông là Trần Hữu Lễ.
Trong quyển Thất Sơn mầu nhiệm , Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu có giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhiều điều kỳ lạ có phần trùng hợp với các nhân vật kể trên như: ông mắc dịch chết chưa kịp hỏa thiêu thì hôm sau sống dậy nói toàn tiếng Việt, bắt đầu thuyết pháp với nội dung hư hư thực thực khó hiểu, sử dụng bùa chú để trị bệnh cứu người, rồi tự nhận được Trời Phật phái xuống để cứu nhân độ thế, tiếp nối nguồn mạch Bửu Sơn Kỳ Hương phát phái thu nạp tín đồ, tuyên truyền thuyết học Phật tu nhơn và hội Long Hoa... Hành tung của ông bị mật thám Pháp theo dõi, chính quyền thực dân cho rằng ông là “gian đạo sĩ”, mượn việc chữa bệnh để kêu gọi tín chúng khởi loạn chống chính quyền nên bắt ông cầm tù, tra khảo đủ kiểu nhưng không thấy bằng chứng ông tạo phản nên cho về. Năm 1875, ông an nhiên tịch diệt và lưu lại cho đời một quyển sấm giảng khuyên đời tu niệm và tiên đoán thời cơ 18 .
Tà Ponl hành đạo trong thời kỳ phong trào đấu tranh chống Pháp đang diễn ra mạnh mẽ ở Nam Kỳ. Ở Rạch Giá có phong trào chống Pháp do Nguyễn Trung Trực cầm đầu, ở Láng Linh có phong trào của nghĩa sĩ Binh Gia Nghị do Trần Văn Thành làm thủ lĩnh, ở Núi Tượng có đức Bổn Sư Ngô Lợi và nhiều chí sĩ khác đang xây dựng một “Lương Sơn Bạc” nơi biên cảnh... Tư liệu điền dã của chúng tôi xác định Tà Ponl cũng từng tu hành trên núi Tà Lơn, sau khi xuống núi, ông đã tích cực truyền đạo và chiêu mộ nghĩa sĩ Khmer hậu thuẫn cho phong trào chống Pháp của Trần Văn Thành, đồng thời liên kết mật thiết với các đạo sĩ khác trong vùng Thất Sơn và các hội kín chống Pháp ở Campuchia lẫn Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX .
Đệ tử đầu tiên của ngài Đoàn Minh Huyên, đức Quản cơ Trần Văn Thành, cũng từng bị chính quyền Pháp mệnh danh là “gian đạo sĩ”. Ông là một trong 12 đại đồ đệ có công lớn cho việc khai sáng và mở mang nền đạo từ khi được thành lập năm 1849, được nhắc đến nhiều trong hoạt động cắm năm Ông Thẻ quanh vùng Thất Sơn theo lời dạy của Phật Thầy Tây An. Ông còn nổi bật trong vai trò một nhà doanh điền có công mở mang vùng đất Láng Linh (Châu Phú, An Giang) và được tín đồ hết lòng kính phục khi lãnh đạo nghĩa quân Binh Gia Nghị chống Pháp xâm lược ở Bảy Thưa. Ghi chép chính thức về Trần Văn Thành còn khá ít ỏi, ông tham gia quân đội dưới thời Thiệu Trị, do lập nhiều công lao nên được thăng làm Chánh Quản cơ. Sau khi giải ngũ, ông quy y theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và ra sức mở mang nền đạo. Đến khi Pháp chiếm lấy ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông âm thầm kết nối với các chí sĩ miền Nam chống giặc cứu nước. Khi phong trào các nơi dần tan rã, ông dẫn dắt tín đồ và nghĩa sĩ lui vào Láng Linh xây dựng căn cứ chống Pháp và chống trả quyết liệt cho đến khi phong trào thất bại năm 1873 21 .
Cho rằng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương “xúi giục dân chúng đi lạc đường ngay nẻo chánh”, ngày 22/04/1873, chính quyền thực dân Pháp mà đứng đầu là đô đốc Dupré đã ban hành nghị định cấm cản dân chúng theo đạo Lành (tức hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và các giáo phái khác nhau của đạo này). Rõ ràng, nhà cầm quyền Pháp đã cảm thấy bất an trước phong trào vận động tôn giáo của các Ông Đạo ở Nam Kỳ, nên hăm he đòi xử “như luật đàng cựu” đối với những người rao giảng, truyền bá cũng như tín đồ của các đạo này. Việc họ đồng nhất các nhân vật nổi trội tích cực lãnh đạo tín đồ với “gian đạo sĩ”, với “quân phiến loạn” trong bối cảnh đó là điều tất yếu 22 .
Sau thế hệ các Ông Đạo bị tình nghi là “gian đạo sĩ” vào cuối thế kỷ XIX kể trên, nhiều nhân vật khác có hành tung tương tự cũng xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là cũng tích cực hoạt động chống Pháp. Như trường hợp Ông Đạo Tưởng (Lâm Văn Quốc) ở Tân Châu là người giỏi võ nghệ và bùa ngải, thờ cúng Quan Công và Ngũ Công Vương Phật, lãnh đạo tín đồ nổi dậy chống Pháp và tay sai vào năm 1939, làm chấn động nhà cầm quyền đương cuộc 23 . Hay nửa sau thế kỷ XX có trường hợp Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam) ở Bến Tre, người sau khi du học ở Pháp về đã có nhiều năm lên vùng Thất Sơn tu luyện huyền thuật, cũng đã rao giảng niềm tin về tận thế và hội Long Hoa cho tín đồ vùng hạ lưu sông Tiền. Có thể thấy, trong quá trình lan truyền đức tin đó, núi Tà Lơn và dãy Thất Sơn đóng vai trò quan trọng như những trung tâm tu luyện huyền thuật của giới đạo sĩ. Hầu như các Ông Đạo ở Nam Bộ đều trải qua quá trình tu hành ở đây trước khi xuống thế trị bệnh, dập dịch cứu người hoặc rao giảng giáo thuyết khuyên đời tu niệm.
So sánh các “gian đạo sĩ” thời Thiệu Trị, Tự Đức với thời thực dân Pháp cai trị Việt Nam, có thể thấy nhiều điểm tương đồng và khác biệt lớn. Điểm tương đồng là đều tiếp nhận ảnh hưởng tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật, liên tục hành trì và rao giảng niềm tin về thiên hạ đại loạn, thiên địa tái tạo, hạ ngươn mạt pháp, thượng ngươn gần kề, hội Long Hoa sắp mở, “minh vương thánh đức” ra đời... Niềm tin đó ngày một lan truyền rộng rãi, được đông đảo tín chúng tin theo, vô hình trung khiến người dân bất mãn thời cuộc, gián tiếp phủ nhận và uy hiếp vai trò lãnh đạo của chính quyền đương cuộc. Điểm khác biệt là các Ông Đạo thời Thiệu Trị, Tự Đức dường như không có mưu toan phản loạn, càng không có động thái khởi nghĩa vũ trang chống chính quyền, các ông chỉ thuần túy hành đạo cứu đời và rao giảng giáo thuyết mà mình tin tưởng nhằm giúp người hướng thiện. Còn các Ông Đạo dưới thời Pháp thuộc đã đấu tranh vũ trang chống Pháp một cách có tổ chức, quy mô và gay gắt hơn để khôi phục chế độ quân chủ, nên đã bị người Pháp tấn công trực diện, khủng bố, đàn áp thẳng tay hơn. Điều này cho thấy đã có sự chuyển hóa về bản chất của hiện tượng “gian đạo sĩ” qua mỗi thời kỳ.
Từ truyện kể trong dân gian và nhiều nguồn tư liệu thành văn khác nhau, có thể nhận ra nhiều nét tương đồng về cuộc đời và sự nghiệp của các Ông Đạo. Phần lớn các ông xuất thân bình thường, trải qua nhiều biến cố đã tiếp nhận tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật qua Kinh Ngũ Công . Sau quá trình ẩn dật khổ luyện tu hành, nhiều người tin rằng mình đã siêu phàm nhập thánh, tỏ tường thiên cơ, có năng lực phù chú huyền linh nên đã tích cực nhập thế để cứu đời độ chúng. Đầu tiên, họ xuống núi tham gia điều trị bệnh tật, dập dịch cứu người, bắt ma trừ quỷ bằng bùa chú và phép thuật, sau đó bắt đầu thuyết pháp độ chúng, tiên tri thời cuộc, phát phái thu nạp tín đồ, mở ra giáo phái dẫn chúng tu hành. Rõ ràng, các Ông Đạo có một sức hút mãnh liệt đối với tín đồ, khiến họ tin theo và kéo về ngày một đông. Điều này khiến cho chính quyền nghi ngờ bắt giữ, tra khảo thử thách, sau nhận ra các ông tu hành chân chính nên thả về, hoặc cho tu học thêm giáo pháp của Phật giáo Lâm Tế được triều đình ủng hộ đương thời.
Đó là cách ứng xử chung của triều đình nhà Nguyễn đối với các “gian đạo sĩ”. Tuy nhiên, từ thời thực dân Pháp đô hộ trở đi, tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật dường như đã trở thành một lợi khí để quần tụ nghĩa sĩ tham gia chống Pháp. Sự xuất hiện của người Pháp trên đất Nam Kỳ như một điềm báo cho hội Long Hoa gần kề, thiên hạ đại loạn, minh vương thánh đức ra đời để mở ra thời thượng ngươn thái bình thịnh trị. Trên thực tế, đã có sự chuyển hóa về bản chất hành đạo của các Ông Đạo từ chỗ chỉ rao giảng giáo thuyết tận thế, hội Long Hoa, minh vương xuất thế đến chỗ hưởng ứng phong trào Cần Vương, đấu tranh vũ trang chống Pháp xâm lược. Mâu thuẫn giữa chính quyền thực dân và các “gian đạo sĩ” vì vậy cũng gay gắt hơn, các cuộc khởi nghĩa vũ trang do các Ông Đạo khởi xướng đã bị quân đội thực dân đàn áp đẫm máu, như trường hợp Trần Văn Thành, Nguyễn Trung Trực, Ngô Lợi, Tà Ponl...
Trong niềm tin của tín đồ, các vị giáo tổ đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng mà thiên đình và chư Phật, bồ tát giao phó. Nên trong cách xưng hô thường ngày, các Ông Đạo được tín đồ nâng lên hàng Phật sống, như trường hợp Tô Quang Xuân được tôn xưng là đức Phật Tổ Sư, Đoàn Minh Huyên được gọi là Phật Thầy Tây An (Đoàn Phật Sư), Ngô Lợi được tôn xưng là đức Bổn Sư, Tà Ponl được gọi là đức Phật Trùm... Điều này cho thấy sự tôn kính và tin tưởng tuyệt đối của tín đồ về huyền năng và đạo hạnh của các Ông Đạo. Vì vậy mà cho đến nay, tín đồ còn tin tưởng một cách trọn vẹn rằng thầy tổ mình không phải chết đi, mà chỉ tạm thời vắng bóng, chờ ngày “đời tới” sẽ trở lại cứu vớt người tu hành chân chính.
“Chính thống hóa”: một cách ứng phó với hiện tượng “gian đạo sĩ”
“Chính thống hóa” văn hóa là hiện tượng văn hóa phổ biến dưới các triều đại phong kiến Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam), khi triều đình bằng nhiều phương pháp tác động khác nhau đã khiến cho một số truyền thống văn hóa địa phương phải “chuẩn hóa” theo quan niệm chính thống của triều đình. Điều này đảm bảo cho sự thông suốt của dòng chảy văn hóa chính thống trong phạm vi toàn quốc và gia tăng quyền lực quản lý của chính quyền trung ương 24 . Do các triều đại phong kiến Đông Á được xây dựng trên nền tảng hệ giá trị tư tưởng Nho giáo, nên cơ chế “chính thống hóa” cũng thường diễn ra theo hướng Nho giáo hóa. Trong trường hợp ứng phó với hiện tượng “gian đạo sĩ” ở Nam Bộ, những người dường như đang tu hành giải thoát theo Phật giáo nhưng lại canh cánh ước mong được sống dưới một triều đại lý tưởng mới, thì triều đình đã chọn thiền phái Lâm Tế chánh tông đương thời làm công cụ “chính thống hóa”.
Khi tín niệm “canh triều hoán đại”, “minh vương xuất thế” được các “gian đạo sĩ” rao giảng rộng rãi cho tín đồ, nhà cầm quyền đã nhanh chóng phát giác và tách rời các ông ra khỏi nơi hành đạo cũng như tập thể tín chúng, như ông Tô Quang Xuân được giải về giam giữ ở Gia Định, ông Hà Minh Nhựt được đưa đến giam lỏng ở Cái Bè, ông Đoàn Minh Huyên được Tổng đốc An Giang giải về câu lưu tại Châu Đốc. Trong ký ức của nhiều thế hệ tín đồ, những cuộc ly biệt này khiến bổn đạo buồn bã khóc than thảm thiết, có người còn xin theo chịu tội thay nhưng đều được thầy vỗ về an ủi, khuyên bảo an tâm đợi ngày đoàn tụ. Kế đến là màn thử thách tài năng và đức độ của các Ông Đạo, hai ông Tô Quang Xuân và Đoàn Minh Huyên bị quan trên lót tượng Phật dưới chiếu cho ngồi, trộn thịt với đồ chay cho ăn, nhưng đều bị các ông phát hiện và hóa giải, trong khi các nhà sư phái Lâm Tế thì không hề hay biết, còn ông Hà Minh Nhựt thì được Tổng trấn An Giang (Vĩnh Thanh) mời đăng đàn thuyết pháp, được mọi người nể phục vì tài ăn nói lưu loát và thông tuệ kinh văn giáo lý.
Dù tỏ ra là những bậc chân tu tài năng xuất chúng, đức hạnh hơn người, thần thông kiêm bị, thế nhưng đường lối tu hành, giáo thuyết rao giảng, tín niệm hành đạo do quá mang nặng màu sắc của tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật nên không được nhà cầm quyền lẫn Phật giáo Lâm Tế chính thống được triều đình hậu thuẫn đương thời thừa nhận, thế nên đã diễn ra quá trình “chính thống hóa” đường lối hành đạo của các “gian đạo sĩ”. Khi đó, các ông được đưa đến tu tập trong sự quản thúc mang tính cưỡng bức của chính quyền tại các ngôi chùa Lâm Tế lớn, dưới sự dẫn dắt của các bậc cao tăng thời đó, như Tô Quang Xuân được an trí tu hành tại chùa Kim Chương ở Gia Định, ông Đoàn Minh Huyên được đưa đến quy y với thiền sư Hải Tịnh tại chùa Tây An dưới chân núi Sam (Châu Đốc, An Giang), ông Hà Minh Nhựt được chỉ thị đến Cái Bè “học hành giáo lý bài bản với Hòa thượng Tổ”. Trên thực tế, các ông đã gia nhập vào thiền phái Lâm Tế như một đệ tử chính thức và được thờ tự với tư cách tổ sư của dòng Lâm Tế chính thống. Chẳng hạn, bài vị và tháp mộ ông Tô Quang Xuân tại Cà Mau đều có ghi dòng chữ Hán “Tự Lâm Tế chánh tông, tam thập thất thế, thượng Trí hạ Tâm tánh Tô Quang Xuân, sắc phong hòa thượng giác linh”, hay bài vị và bia tháp ông Hà Minh Nhựt tại chùa An Long Cổ Tự (Chợ Mới, An Giang) cũng có ghi: “Tự Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, thượng Nhất hạ Sinh húy Minh Nhựt, hòa thượng tổ sư Hà giác linh”, còn bài vị và bia mộ ông Đoàn Minh Huyên tại chùa Tây An cũng có ghi dòng chữ Hán: “Tự Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, thượng Pháp hạ Tạng húy Minh Huyên, tổ sư Đoàn giác linh”. Như vậy, so về thế thứ tông môn thì Hà Minh Nhựt và Đoàn Minh Huyên là huynh đệ đồng môn cùng một đời (đời thứ 38), còn Tô Quang Xuân là trưởng bối cao hơn hai vị trên một bậc (đời thứ 37).
Không chỉ vậy, theo một số ghi chép của người đời sau, đức hạnh của các đạo sĩ này còn vang dội tới triều đình, được vua nhà Nguyễn ban cho nhiều đặc ân khác thường. Như trường hợp Tô Quang Xuân được vua Thiệu Trị sắc phong hòa thượng, sau khi viên tịch ngày 03 tháng 06 năm Nhâm Dần (1842) được vua ban cho hai cây gấm để tẩm liệm thi hài và cho đem linh cữu về Cà Mau an táng, đồng thời còn ban sắc phong bày tỏ lòng tiếc thương với lời lẽ nhún nhường tôn kính khác thường, ứng với câu thơ lưu truyền trong dân gian “Sắc phong Hòa thượng cho thầy Quang Xuân/ Pháp hiệu thượng Trí hạ Tâm/ Chùa thì sắc tứ Quan Âm đời đời” 9 . Có lẽ diễn ngôn này được lan truyền từ các môn đệ của Tô Quang Xuân sau sự việc, thật khó tìm thấy những minh chứng khả tín từ phía chính quyền quan phương, nên tính xác thực của các đạo sắc phong không khỏi khiến chúng ta hoài nghi. Tương tự, theo thông tin công bố tại An Long Cổ Tự, ông Hà Minh Nhựt cũng được triều đình ban sắc phong hòa thượng, nhờ công lao chữa bệnh cứu người nên được “triều đình ban cây gươm dài lưỡi bằng vàng, cán khắc chạm tứ quý và bản văn ấn khuyết ghi rõ sát tà trị bệnh”. Việc này nếu có thật cũng là một đặc ân dị thường của triều đình đối với Sư Cố Hà Minh Nhựt.
Có thể thấy, việc chính quyền quan phương đưa các Ông Đạo đi quản thúc, tách họ ra khỏi đông đảo tín đồ hết lòng tôn kính thầy tổ, cũng là cách làm suy yếu sức mạnh hiệu triệu của các ông. Bên cạnh đó, việc đưa họ đến quy y với các bậc đại sư danh tiếng phái Lâm Tế được triều đình hậu thuẫn đương thời như là cách điều chỉnh niềm tin và giáo thuyết của các Ông Đạo, uốn nắn con đường hành đạo của họ đúng với khuôn khổ giáo pháp của nhà Phật, xóa bỏ mọi ảnh hưởng của tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật đầy sai lầm và nguy hại ra khỏi đời sống tu hành của họ. Bên cạnh đó, công cuộc “chính thống hóa” của triều đình còn được tiến hành toàn diện hơn qua việc ban sắc phong hòa thượng, xếp vào hàng tăng sĩ trong sổ bộ quản lý của triều đình và giáo hội đương thời. Kết quả của quá trình “chính thống hóa” đó dường như đã diễn ra theo hai hướng, có Ông Đạo mang dòng Lâm Tế về ngôi chùa vốn có của mình như ông Hà Minh Nhựt, có ông dù bị quản thúc trong chùa Lâm Tế chính thống vẫn cố gắng giữ vai trò lãnh đạo việc mở đất dựng chùa của tín đồ như Đoàn Minh Huyên. Dù vậy, khó thể nào loại trừ hết những niềm tin từ tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật mà các ông đã gieo cấy vào tâm thức của tín đồ trước đó.
Mối liên hệ giữa các “gian đạo sĩ” với các hội kín chống Pháp xâm lược
Hành trạng của Sư Cố Hà Minh Nhựt cho thấy giữa ông với tổ chức Hội kín ở Nam Kỳ, đặc biệt là Thiên Địa Hội, có mối quan hệ mật thiết lạ thường. Chi tiết “triều đình ban cây gươm dài lưỡi bằng vàng, cán khắc chạm tứ quý và bản văn ấn khuyết ghi rõ sát tà trị bệnh, cây gươm truyền đến đời Cần Vương sau khi Sư Cố tịch diệt” cho thấy dường như có sự ủng hộ ngầm của triều đình nhà Nguyễn đối với các vận động tôn giáo của Sư Cố. Đó là cây gươm gì mà “đến thời Thiên Địa Hội chống Pháp xâm lăng, quân địch lùng kiếm những người đời sau có liên hệ đến ngôi chùa, vì sợ quá nên sư trụ trì đem kiếm quăng dưới lòng sông Ông Chưởng, đến nay không tìm gặp”? . Thanh gươm này có liên quan gì đến phong trào kháng Pháp của các giáo phái dân gian ở Nam Kỳ, có phải là sự ủng hộ ngầm của triều đình nhà Nguyễn trước cảnh Nam Kỳ bị rơi vào tay của thực dân Pháp, việc này cần nhiều chứng cứ để làm rõ thêm.
Có vẻ như, từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, nhất là khi quyền lực cai trị dần rơi vào tay người Pháp, đã có sự thay đổi ở cách tiếp cận của triều đình nhà Nguyễn đối với các Ông Đạo nói riêng, các giáo phái dân gian ở Nam Bộ nói chung. Quá trình chuyển biến này diễn ra trong khoảng thập niên 60-70 của thế kỷ XIX. Theo Trần Hoàng Vũ, “bốn năm sau khi Đoàn Minh Huyên viên tịch (1860), khâm phái của triều Nguyễn là Hoàng Văn Tuyển đã tâu về triều đình việc ‘trong các tỉnh Long Tường, An Giang nhân dân bị mê hoặc vì thuyết họa phước của sơn tăng, từ các tháng 11 tháng 12 bỏ nhà cửa đưa gia quyến đến sinh sống tại xứ tục danh là Láng Cháy thuộc phủ hạt Tịnh Biên, già trẻ trai gái có đến số ngàn’” 22 . Sau khi thực dân Pháp chiếm trọn Nam Kỳ năm 1867, phong trào đấu tranh cứu nước của sĩ phu cả nước dâng cao, trong đó có phong trào vũ trang dưới vỏ bọc tôn giáo được chỉ huy bởi các Ông Đạo ở Nam Bộ 25 . Trong đó, đáng chú ý là phong trào chống Pháp ở Rạch Giá (Kiên Giang) của Nguyễn Trung Trực và phong trào chống Pháp của quân đội Binh Gia Nghị do Trần Văn Thành chỉ huy ở Láng Linh (An Giang). Cũng theo Trần Hoàng Vũ, “tờ tâu đề ngày 26 tháng Giêng năm Tự Đức 26 (1873) của các đại biểu kháng chiến 5 tỉnh Nam Kỳ dâng lên vua Tự Đức trình bày về lực lượng chống Pháp ở Nam Kỳ, đề nghị triều đình cử người về Nam Kỳ chiêu tập lực lượng. Tài liệu còn kể ra danh sách 37 thủ lĩnh nghĩa quân ở Bảy Núi, trong đó người thứ 33 là ‘thiền sư (hiệu đạo Lành) Trần Văn Thành’” 22 , 25 . Một số phong trào đã được Thị độc học sĩ Phan Trung, kiêm chức vụ Nông điển sứ Bình Thuận, phái người theo dõi và ghi chép cụ thể mật tâu về triều đình Tự Đức, trong khi phần lớn các phong trào chống Pháp khác của các Ông Đạo diễn ra một cách bí mật và tương đối độc lập với triều đình nên không được nắm bắt và ghi chép để tâu về triều đình Huế 23 .
Nếu người Pháp đau đầu tìm cách đàn áp và dập tắt các phong trào đấu tranh vũ trang “phản Pháp phục Nam” của các Ông Đạo, thì dường như triều đình nhà Nguyễn lại thấy họ là lực lượng yêu nước tiềm năng để khôi phục quyền lực cho chế độ quân chủ. Có thể vì vậy mà triều đình đã ban cây gươm lưỡi bằng vàng khắc chạm tứ quý để “sát tà trị bệnh” cho ông Hà Minh Nhựt, một biểu tượng của việc ký thác nhiệm vụ hộ quốc cứu dân như trong truyện kể dân gian. Nếu điều đó là sự thật thì không thể không nghĩ đến mối liên hệ ngầm giữa triều đình nhà Nguyễn với các hội kín ở Nam Bộ như Thiên Địa Hội.
Nếu nhìn lại cuộc vận động Cần Vương diễn ra ở Nam Bộ thì chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định những suy luận phía trên là rất có căn cứ. Phong trào này được các Ông Đạo thế hệ sau và các hội kín hưởng ứng nhiệt liệt. Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa đến nay vẫn truyền tai nhau niềm tin về việc vua Hàm Nghi thật đã không bị Pháp lưu đày sang Algérie mà đến Thất Sơn chỉ đạo phong trào kháng Pháp, rồi sang núi Tà Lơn ẩn trú và qua đời tại đây. Rồi sau này có thêm Phan Xích Long (Phan Phát Sanh), tự xưng là Đông cung Thái tử con vua Hàm Nghi, từ căn cứ Tà Lơn và Thất Sơn trực tiếp lãnh đạo phong trào hội kín. Trong chùa của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và cả Phật giáo Hòa Hảo luôn có bàn thờ Trăm Quan Cựu Thần, tức những vị quan cũ trước đây của triều đình có tinh thần yêu nước, và thậm chí tham gia vào phong trào kháng Pháp của các giáo phái dân gian, các hội kín.
Một điều đáng chú ý là ngay trong nội bộ giới tăng sĩ của phái Lâm Tế chính thống đương thời, dường như cũng có sự trà trộn của các chí sĩ Thiên Địa Hội khoác áo nhà tu lẫn trong đó. Chùa Giác Lâm được xem là tổ đình của phái Lâm Tế ở Nam Bộ, đây là nơi thiền sư Hải Tịnh từng trụ trì trước khi được kiêm nhiệm trụ trì ở chùa Tây An Châu Đốc, đây cũng là nơi Đoàn Minh Huyên từng lui tới trong thời gian ông bị quản thúc tu hành với thiền sư Hải Tịnh tại chùa Tây An. Trên bài vị chư tổ được thờ tự tại chùa Giác Lâm có tên thiền sư Hải Tịnh và Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên với tư cách là tổ sư đời thứ 37 và 38 của dòng Lâm Tế chánh tông. Năm 2019, chúng tôi tiến hành điều tra điền dã tại chùa này và phát hiện trong khuôn viên tháp mộ có một ngôi mộ với tấm bia đề dòng chữ “Lâm Tế gia phổ Hồng Môn tam thập bát thế thượng Quảng hạ An húy Lý yết ma chi tháp”. Nội dung tấm bia cho biết ngài yết ma Thích Quảng An sinh năm Đinh Hợi (1827), mất năm Bính Tý (1876), là người của Thiên Địa Hội (Hồng Môn), đời thứ 38 dòng Lâm Tế chánh tông, tức cùng thế hệ với ngài Đoàn Minh Huyên và Hà Minh Nhựt. Có thể giữa các ngài từng có sự giao lưu về mặt giáo pháp lẫn đường lối tu hành, khác hẳn tư tưởng chính thống của dòng Lâm Tế chánh tông đương thời.
KẾT LUẬN
Từ thời Thiệu Trị trở đi, danh xưng “gian đạo sĩ” bắt đầu xuất hiện để gọi những người tiếp nhận và rao giảng những giáo thuyết của tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật, đồng thời lãnh đạo các phong trào tôn giáo dân gian ở Nam Bộ. Có lẽ, chính quyền qua các thời kỳ, từ triều đình nhà Nguyễn đến thực dân Pháp xâm lược, đều nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa các cuộc vận động tôn giáo này với các phong trào đấu tranh vũ trang chống chính quyền của các giáo phái dân gian ở Hoa Nam, Trung Quốc. Trong khi triều đình nhà Nguyễn nhìn thấy những mối nguy hại của các “gian đạo sĩ” thời kỳ đầu tự chủ, và lợi dụng sự phản kháng tích cực của họ dưới thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, thì chính quyền thực dân chỉ nhìn thấy những nguy cơ lật đổ chính quyền tiềm tàng từ phía những đoàn thể tôn giáo nội sinh, nên đã ra sức đàn áp bằng vũ lực không chút thương tiếc. Bài viết này dựa trên truyện kể dân gian và tư liệu ghi chép về các Ông Đạo từng bị mệnh danh là “gian đạo sĩ” ở Nam Bộ, kết hợp phân tích các dữ kiện lịch sử, dựa trên điểm tương đồng cốt lõi trong hình thức tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật, qua đó làm rõ một hiện tượng văn hóa, tôn giáo thú vị ở Nam Bộ.
Giữa thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ hình thành nhiều tôn giáo mới ở Nam Bộ, bao gồm các tôn giáo ngoại lai được bản địa hóa nhanh chóng như đạo Minh Sư và sau đó là Ngũ chi minh đạo; cùng nhiều tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Ông Trần, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo... Sự hội tụ và giao lưu của nhiều luồng văn hóa, bao gồm văn hóa Việt của di dân vùng Bắc - Trung Bộ, văn hóa Trung Hoa của di dân Hoa Nam, văn hóa phương Tây của người Pháp, hòa lẫn với truyền thống văn hóa bản địa, đặt trong bối cảnh lịch sử - xã hội đặc thù của vùng đất Nam Bộ thời Cận hiện đại đã làm sản sinh nhiều tôn giáo mới. Tiền đề của nó là phong trào các Ông Đạo lớn mạnh và kéo dài trong nhiều thập niên ở Nam Bộ, tác nhân chính làm hình thành các tôn giáo mới có tên tuổi, cũng như nhiều nhóm tín đồ tu hành âm thầm lặng lẽ theo một Ông Đạo vô danh nào đó. Rõ ràng, đã tồn tại một sợi dây kết nối giữa hiện tượng “gian đạo sĩ” và phong trào tôn giáo mới ở Nam Bộ. Đây là một đề tài thú vị hứa hẹn có thể được các học giả quan tâm nghiên cứu nhiều hơn trong tương lai.
LỜI CẢM ƠN
Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số: T2023-07.
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Bản thảo này không có xung đột lợi ích.
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Bài viết được thực hiện dựa trên những tư liệu thành văn của các nhà nghiên cứu đi trước, cùng với tư liệu điều tra điền dã tại thực địa và tư liệu hồi cố thông qua phỏng vấn sâu trong suốt nhều năm tác giả quan tâm nghiên cứu chủ đề này (2011 đến nay). Công trình này là thành quả nghiên cứu của chính tác giả và không trùng lặp hoàn toàn với các công trình nào khác đã công bố.
References
- Kha Dục Hiền. Chuyển thiên đồ kinh khảo. Tạp chí Thực Hóa nguyệt san (Đài Loan) (quyển 13), 9/1983, (5-6):197-203. . ;:. Google Scholar
- Kha Dục Hiền. Chuyển thiên đồ kinh tục khảo: Cừu Phủ, Đổng Xương và đồng cốt. Đài Loan: Tạp chí Thực Hóa nguyệt san (Đài Loan) (quyển 16), 12/1987, (9-10):364-371. . ;:. Google Scholar
- Kha Dục Hiền. Minh Vương và La Bình Vương: Khảo sát Chuyển thiên đồ kinh. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo Phương đông (Đài Loan), 10/1993, (3):97-105. . ;:. Google Scholar
- Kha Dục Hiền. Loạn Vương Pháp Ân đầu đời Nam Tống và mối quan hệ với Chuyển thiên đồ kinh. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo Phương đông (Đài Loan), 1/1990, (1):181-195. . ;:. Google Scholar
- Kha Dục Hiền. Tín ngưỡng tôn giáo của sự kiện am Tây Lai và quan hệ với Chuyển thiên đồ kinh. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo Phương đông (Đài Loan), 9/1987, (1):227-238. . ;:. Google Scholar
- Kha Dục Hiền. Khảo sát về tín ngưỡng Minh Vương. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo Phương đông (Đài Loan), 10/1996,(5-7):197-211. . ;:. Google Scholar
- Kha Dục Hiền. Nguồn gốc Ngũ Công bồ tát và tín ngưỡng Quán Âm: Khảo sát Chuyển thiên đồ kinh. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo Phương đông (Đài Loan), 9/1988, (2):117-137. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Thanh Phong. Hiện tượng "gian đạo sĩ" ở Nam Bộ thế kỷ 19. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo 2019, 3(183):54-74. . ;:. Google Scholar
- Nghê Văn Lương. Cà Mau xưa và Long Xuyên nay. Sài Gòn: Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục; 1972. . ;:. Google Scholar
- Vương Kim, Đào Hưng. Đức Phật Thầy Tây An. Sài Gòn: Nhà xuất bản Long Hoa; 1958. . ;:. Google Scholar
- Huỳnh Minh. Sa Đéc xưa và nay. Sài Gòn: Nhà xuất bản Cảnh Bằng; 1971. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Văn Hầu (biên khảo, phiên âm, chú thích). Sấm truyền đức Phật Thầy Tây An. Sa Đéc: Ban quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban chẩn tế giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; 1973. . ;:. Google Scholar
- Ngô Lợi. Ngọc lịch đồ thơ tập chú (3 quyển). Sách chép tay chữ Hán, lưu hành nội bộ trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Ba Chúc, An Giang, thu thập năm 2016. . ;:. Google Scholar
- Ban Đại diện Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghi thức tụng niệm hằng ngày. Chùa Tây An Cổ Tích tự lưu hành nội bộ; 2005. . ;:. Google Scholar
- Khuyết danh. Giảng Năm Ông và Mười Sầu. Bản đánh máy lưu truyền trong dân gian, thu thập năm 2016. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Văn Sâm (phiên âm và chú giải). Kinh Năm Ông. Sưu tầm tại An Giang năm 2006, giới thiệu năm 2009, tài liệu pdf thu thập trên mạng. . ;:. Google Scholar
- Cư sĩ Lam Thanh. Văn sám, điển tích đức Phật Thầy Tây An. TPHCM: Nhà xuất bản Phương Đông; 2010. . ;:. Google Scholar
- Dật Sĩ, Nguyễn Văn Hầu. Thất Sơn mầu nhiệm. Sài Gòn: Nhà xuất bản Từ Tâm; 1972. . ;:. Google Scholar
- Hà Tân Dân. Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Sài Gòn: Tủ sách sưu khảo sử liệu Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương; 1971. . ;:. Google Scholar
- Đinh Văn Hạnh. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt Nam Bộ (1867-1975). TPHCM: Nhà xuất bản Trẻ; 1999. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Văn Hầu. Đức Cố Quản hay cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Sài Gòn: Nhà xuất bản Tân Sanh; 1956. . ;:. Google Scholar
- Trần Hoàng Vũ. Vì sao gọi Bửu Sơn Kỳ Hương là đạo Lành?. Tạp chí Xưa và Nay, 8-2011 (385):20-21. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Văn Kiềm, Huỳnh Minh. Tân Châu xưa. Sài Gòn: Nhà xuất bản Thanh Niên; 1964. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Ngọc Thơ. Cơ chế "chính thống hóa" trong văn hóa truyền thống Đông Á dưới nhãn quan Nho giáo. Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam 2020, 4(190):3-18. . ;:. Google Scholar
- Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp. Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua châu bản triều Nguyễn. Hà Nội: Nhà xuất bản Hà Nội; 2019. . ;:. Google Scholar