VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

469

Total

176

Share

Officials and workers’ perception of political-ideological work at Viet Nam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The political-ideological work (PIW) has played a significant role in enhancing political-ideological perception and political qualities and shaping ideological stances to promote the social responsibility of officials and workers at Viet Nam National University Ho Chi Minh City over the past time. Based on the survey results of 1,940 lecturers, specialists, and researchers, this paper focuses on analyzing officials and workers’ perception of the content and importance of PIW in higher education institutions. The results have indicated that most officials and workers in the surveyed sample recognized the critical contents of PIW, except for “The participation in Party organizations, leadership, and administrative and professional management of the university” and “The struggle against the “self-evolution” and “self-transformation” in the Party”. Most officials and workers highly appreciate the importance of PIW at the university. However, the leadership, administrative and professional management apparatus as well as the labor union of the university have not received proportional recognition for their actual role in PIW. There are disparities among groups of officials and workers in accessing PIW information. Those not in managerial positions and are not Party members have fewer advantages in accessing diverse information and a lower level of understanding of PIW content than other groups at Viet Nam National University Ho Chi Minh City. To enhance VNUHCM officials and workers’ coverage and understanding, diverse units within the university should actively participate in PIW.

GIỚI THIỆU

Từ sau năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và đã gặt hái được nhiều thành tựu tích cực, như đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và gắn sản xuất với thị trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đời sống của đại bộ phận dân cư được cải thiện rõ rệt [ 1 , tr.12]. Song song đó vẫn còn nhiều nguy cơ, thách thức. Một trong những nguy cơ đáng lo ngại là âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch tuyên truyền kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ Đảng, làm cho Đảng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 “ Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ2 . Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điểm sai trái, thù địch; đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng (CTTT) của Đảng. Để hiện thực hóa nhiệm vụ trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “ Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ” (Nghị quyết 35) 3 . Trên cơ sở phân tích nội dung và phương thức chống phá của các thế lực thù địch, Nghị quyết 35 đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, nhằm tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, trong đó tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác CTTT. Như vậy, thực tế cho thấy tính cần thiết của công tác CTTT trong các tổ chức giáo dục, chính trị – xã hội, vì nhiệm vụ đấu tranh chống kẻ thù, ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các cơ sở giáo dục đại học là môi trường tổ chức đặc biệt, là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức nhiều thế hệ của xã hội. Do vậy, công tác CTTT nơi đây có ý nghĩa mang tính chiến lược lâu dài. Đối với giảng viên, viên chức, người lao động (VC-NLĐ), việc được nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng có vai trò thúc đẩy trách nhiệm xã hội của họ, đồng thời góp phần xây dựng niềm tin, khơi dậy khát vọng học tập, rèn luyện và cống hiến trong sinh viên, là thế hệ trẻ và là những chủ nhân tương lai của đất nước. Nhìn chung, công tác CTTT được các cơ sở giáo dục đại học chú trọng trong thời gian qua 4 . Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có những đánh giá toàn diện về thực trạng công tác này qua góc nhìn và sự phản ánh của VC-NLĐ, để từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu cần thiết trong điều chỉnh, đổi mới các hoạt động hiệu quả hơn. Một số câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ như mức độ hiểu biết của VC-NLĐ về các nội dung trong công tác CTTT như thế nào? Những nội dung nào chưa được nhận thức đầy đủ? Trong khi các Đảng bộ và nhà quản lý giáo dục đánh giá cao tầm quan trọng của công tác CTTT trong môi trường đại học, liệu VC-NLĐ có chia sẻ tầm quan trọng này không? Đâu là nguồn kiến thức chính định hình nhận thức của VC-NLĐ về công tác CTTT? Mục tiêu của bài viết này là phân tích hiện trạng tích nhận thức của VC-NLĐ về công tác CTTT trong các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP.HCM). Các trường này gồm Trường Đại học Bách Khoa (ĐH BK), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Trường Đại học Công nghệ thông tin (ĐH CNTT), Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐH KT-L), Trường Đại học Quốc tế (ĐH QT) và Trường Đại học An Giang (ĐH AG).

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Các phân tích được thực hiện dựa trên kết quả tổng hợp thông tin khảo sát bằng bản câu hỏi cấu trúc dành cho 1.940 viên chức – người lao động (VC-NLĐ), là người được tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc/ hợp đồng lao động theo quy định của Luật Viên chức và Luật lao động, đang làm việc tại bảy trường thành viên của ĐHQG TP.HCM. Mẫu được chọn bằng phương pháp xác suất, cụ thể là phương pháp chọn mẫu phân tầng kết hợp chọn ngẫu nhiên hệ thống dựa trên danh sách VC-NLĐ tại các trường thành viên. Kết quả mẫu thu về là 278 người trả lời (NTL) ở mỗi trường, trừ ĐH CNTT là 272 người.

Phiếu khảo sát gồm 13 nhóm câu hỏi chính, ghi nhận mức độ hiểu biết và đánh giá của NTL về công tác CTTT đang được triển khai trong các trường đại học. Phiếu khảo sát hoàn thiện được nhập liệu bằng phần mềm phân tích số liệu thống kê SPSS (Statical Package for Social Sciences). Các phương pháp thống kê mô tả, gồm bảng phân phối tần suất, tỉ lệ phần trăm và giá trị trung bình được sử dụng để cung cấp những thông tin cơ bản về mẫu khảo sát. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng được xử lý và trình bày trong các bảng thống kê tương quan giữa các địa bàn khảo sát, đối tượng khảo sát, dựa trên đặc điểm nhân khẩu học xã hội của NTL. Một số phương pháp thống kê suy diễn được sử dụng như kiểm định sự tương quan (Chi-square test) và kiểm định trung bình (t-test).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Về đặc điểm nhân khẩu học, có sự phân bổ khá cân bằng về giới tính NTL trong mẫu khảo sát. Trong 1.940 NTL, số lượng và tỷ lệ nam, nữ tương ứng là 1.016 (52,4%) và 924 (47,6%). Độ tuổi trung bình của mẫu là 38 tuổi (thấp nhất là 23 tuổi và cao nhất là 67 tuổi). Có đến 73,4% NTL có trình độ Thạc sĩ trở lên. Về đặc điểm vị trí công tác, có khoảng 57.6% NTL có chức danh là giảng viên so với 34,8% là chuyên viên, và 7,6% là nghiên cứu viên. Đa số NTL không tham gia công tác quản lý (78,6%). Chỉ có 5,1% trong mẫu khảo sát là Phó Giáo sư và Giáo sư. Có đến 33,1% NTL là đảng viên, trong đó có 332 người (51,7 %) có hơn 10 năm tuổi Đảng. Bình quân số năm làm việc của NTL trong mẫu nghiên cứu khoảng 11 năm rưỡi (138 tháng) (xem Table 1 ).

Table 1 Đặc điểm mẫu khảo sát

Nhận thức của viên chức, người lao động về công tác chính trị tư tưởng

Để đánh giá nhận thức của VC-NLĐ về công tác CTTT, hai nhóm thông tin được khảo sát gồm mức độ hiểu biết được các nội dung cụ thể của công tác CTTT, và các đơn vị giữ vai trò chính trong công tác này tại các cơ sở giáo dục đại học. Nhìn chung, VC-NLĐ nắm bắt được các nội dung chính yếu trong công tác CTTT, họ cũng đánh giá cao tầm quan trọng của công tác này trong cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, giữa các nhóm VC-NLĐ phân theo đặc điểm vị trí công tác có sự khác biệt nhất định về mức độ hiểu biết một số nội dung cụ thể và tầm quan trọng của công tác CTTT. Đồng thời, cũng có sự khác biệt trong mức độ tiếp cận đa dạng các nguồn thông tin về CTTT.

Sự hiểu biết về công tác chính trị tư tưởng

Công tác CTTT có nội dung khá rộng và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Song về cơ bản, công tác này tập trung vào tám nội dung cụ thể gồm [ND1] Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, hoạch định đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; [ND2] Giáo dục lý luận chính trị, triển khai học tập, tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; [ND3] Kiểm tra, giám sát công tác chính trị, tư tưởng của chính quyền và các tổ chức quần chúng; [ND4] Tham gia vào các tổ chức đảng, bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn của nhà trường; [ND5] Bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản bác luận điểm sai trái, thù địch; [ND6] Đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng; [ND7] Nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; [ND8] Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Kết quả cho thấy ND1 và ND2 có tỷ lệ cao nhất VC-NLĐ trong mẫu khảo sát nhận diện là nội dung thuộc công tác CTTT, tỷ lệ lần lượt là 78,6% và 83,1%. Chỉ khoảng 50% NTL lựa chọn ND4. Điều đáng lưu ý là có khoảng 30% VC-NLĐ không biết rằng [ND6] Đấu tranh chống“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng là nội dung quan trọng trong công tác CTTT (xem Table 2 ).

Xem xét theo phân tổ giới tính, dữ liệu cho thấy tỷ lệ phần trăm thấp hơn ở nhóm VC-NLD nữ ở 6/8 nội dung (trừ ND2 và ND5). Xét theo nhóm tuổi, chỉ có 63,1% nhóm người trẻ (dưới 36 tuổi) nhận diện ND6 là nội dung trong công tác CTTT, thấp hơn so với nhóm tuổi 36-45 (70,7%) và trên 45 tuổi (75,1%). Xét theo trình độ học vấn, có tỷ lệ tương đối thấp VC-NLĐ có trình độ Trung cấp – Cao Đẳng (56,3%) và Đại học (60,4%) nhận diện được ND6, so với 70% NTL có trình độ Thạc sĩ trở lên. Khi phân tổ theo hai nhóm là đảng viên và chưa là đảng viên, khoảng 80% đến 90% đảng viên trong mẫu nghiên cứu nhận diện được các nội dung liên quan đến công tác giáo dục, nghiên cứu, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng; các con số này cao hơn hẳn nhóm chưa phải là đảng viên (dao động trong khoảng 47% – 75%). Đáng lưu ý, có đến 86,9% đảng viên nhận diện được ND6, so với 66,3% ở nhóm chưa phải là đảng viên. Khi phân tổ theo nhóm là quản lý và không là quản lý, dữ liệu cũng ghi nhận tỷ lệ NTL ở nhóm quản lý cao hơn so với nhóm đối sánh trong nhận diện các nội dung công tác CTTT, trừ ND5 (xem Table 2 ).

Table 2 Hiểu biết về các nội dung trong công tác chính trị tư tưởng (tỷ lệ %)

Sự hiểu biết về các đơn vị giữ vai trò chính trong công tác CTTT

Khi được hỏi về cơ quan giữ vai trò chính trong công tác CTTT, “Đảng ủy” là đáp án được chọn bởi 1.763 (90,9%) VC-NLĐ. Những cơ quan, đơn vị khác chiếm tỷ lệ không đáng kể (xem Figure 1 ).

Figure 1 . Đơn vị giữ vai trò chính trong công tác chính trị tư tưởng (đơn vị %) [Nguồn: Nhóm tác giả]

Tuy nhiên, khi so sánh dữ liệu giữa các trường thuộc ĐHQG TP.HCM, có sự chênh lệch nhẹ về tỷ lệ lựa chọn Đảng ủy là đơn vị chính thực hiện công tác CTTT (xem Table 3 ). Theo đó, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở hai trường ĐH AG (97,1%) và ĐH BK (95,0%). Hai trường ĐH KHXH&NV (88,1%) và ĐH QT (79,5%) ghi nhận tỷ lệ thấp nhất trong bảy trường. Tuy nhiên, hai trường này ghi nhận tỷ lệ đáng lưu ý vai trò của bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn, với tỷ lệ tương ứng là 9,4% và 10,4%. Vai trò của Công đoàn được ghi nhận ở hai trường ĐH QT (6,8%) và ĐH CNTT (6,6%) cao hơn so với mặt bằng chung ở các trường còn lại.

Table 3 Cơ quan giữ vai trò chính trong công tác chính trị tư tưởng, phân theo từng trường

Nhận thức về tầm quan trọng của của công tác chính trị, tư tưởng

Khi được hỏi về tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, dữ liệu cho thấy đa số NTL cho là “ rất quan trọng ” (41,6%), hoặc “ quan trọng ” (42,9%). Phân tổ dữ liệu theo đặc điểm nhân khẩu học và vị trí công tác của VC-NLĐ, kết quả cho thấy nhận định “ rất quan trọng ” được ghi nhận nhiều hơn ở nhóm nam (43,8%) so với nhóm nữ (39,3%), nhóm VC-NLĐ là đảng viên (51,5%) so với nhóm chưa phải là đảng viên (37%) (xem Table 4 ).

Có khoảng 15,5% NTL cho rằng công tác CTTT là “ bình thường ”, “ không quan trọng ” hoặc “ rất không quan trọng ”. Tỷ lệ này được ghi nhận cao hơn ở các nhóm nữ (16,1%), giảng viên (17,2%), nhóm là quản lý (21,2%), nhóm chưa là đảng viên (17,9%). Xét theo nhóm các trường, Trường ĐH KHXH&NV ghi nhận có tỷ lệ đánh giá “ bình thường” và “ rất không quan trọng ” lần lượt là 9,7% và 7,6%. Ở Trường ĐH AG, mặc dù có đến 85,6% VC-NLĐ đánh giá mức độ “quan trọng” và “ rất quan trọng”, nhưng cũng có đến 11,5% đánh giá rằng công tác CTTT “ rất không quan trọng”.

Table 4 Đánh giá của VC-NLĐ về mức độ quan trọng của công tác CTTT

Nguồn kiến thức về công tác chính trị, tư tưởng

Khảo sát về nguồn kiến thức về công tác CTTT, đa số VC-NLĐ cho biết những hiểu biết của họ có từ việc “ Nghe, đọc từ các phương tiện truyền thông (tivi, báo, internet, mạng xã hội,…) ” (87,1%) và “ Quá trình học các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh , Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ” (75,1%). Khoảng 50% cho biết có kiến thức này từ việc tham dự các hội nghị quán triệt nghị quyết (55%), từ sinh hoạt công đoàn (54,9%), các lớp bồi dưỡng chính trị (51,9%) hoặc sinh hoạt chi bộ (44,1%). Khoảng 54,8%, VC-NLĐ cho rằng mình tự tìm hiểu (xem Table 5 ).

Table 5 Nguồn kiến thức liên quan đến nhận thức về nội dung và tầm quan trọng của công tác CTTT (tỷ lệ %)

Dữ liệu từ Table 5 cho thấy những người làm quản lý và những người là đảng viên có xu hướng tiếp cận đa dạng các nguồn khác nhau để tăng hiểu biết về các nội dung liên quan đến công tác CTTT. Tỷ lệ phần trăm ở nhóm làm quản lý tiếp cận các nguồn thông tin dao động từ 61% đến 87,7%, ở nhóm đảng viên là 68,2% đến 88,8%.

Khi so sánh hai nhóm VC-NLĐ “vừa là quản lý và vừa là đảng viên” với nhóm “không là quản lý và chưa là đảng viên”, dữ liệu cho thấy sự chênh lệch rất rõ ở mức độ tiếp cận thông tin từ một số nguồn cụ thể như “sinh hoạt chi bộ” (91,5% so với 22,1%), “Tham dự các hội nghị quán triệt Nghị quyết các cấp” (91,1% so với 36,3%), và “Tham dự các lớp bồi dưỡng chính trị, tư tưởng” (84,3% so với 37,7%), “sinh hoạt tại đơn vị, công đoàn bộ phận” (71,1% so với 46,8%, “tự tìm hiểu nghiên cứu tài liệu” (76,2% so với 47,1%) (Xem Figure 2 ).

Figure 2 . Nguồn thông tin nhóm quản lý và đảng viên tiếp cận so với nhóm đối sánh [Nguồn: Nhóm tác giả]

THẢO LUẬN

Bài viết này tập trung phân tích nhận thức của VC-NLĐ về công tác CTTT trong cơ sở giáo dục. Nhìn chung, đa số VC-NLĐ trong mẫu nghiên cứu nhận biết các nội dung chính trong công tác CTTT. Tuy nhiên, hai nội dung có tỷ lệ nhận biết thấp hơn là [ND4] Tham gia vào các tổ chức đảng, bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn (50,6%) và [ND6] Đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng (68,6%). Điều này có thể ảnh hưởng đến sự chủ động tham gia vào tổ chức đảng, bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn, và có thể duy trì tâm lý chủ quan trước nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.

Mặc dù trên 84% VC-NLĐ đánh giá cao tầm quan trọng của công tác CTTT, nhưng con số 15,5% cho rằng công tác này “ bình thường ”, “ không quan trọng ” hoặc “ rất không quan trọng ” cần được chú ý vì nó phản ánh phần nào sự phân tán trong nhận thức của VC-NLĐ về tầm quan trọng của công tác CTTT. Đặc biệt, có đến 21,2% NTL thuộc nhóm làm quản lý cho rằng công tác này “ bình thường ” hoặc “ rất không quan trọng ” trong khi đây là nhóm có ưu thế trong việc tiếp cận đa dạng các nguồn thông tin liên quan đến CTTT. Cần khảo sát thêm nguyên nhân của sự đánh giá này, liệu nó có liên quan đến những căng thẳng vai trò khi họ ở cương vị quản lý, họ đồng thời phải tham gia công tác CTTT, hoặc người làm quản lý chưa nhận thức sự liên thông giữa hoạt động quản lý và công tác CTTT?

Trên 80% VC-NLĐ tiếp nhận thông tin CTTT từ các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc qua học các môn CTTT trong các trường. Trong khi đó, thông tin CTTT từ các hoạt động trong các trường chưa được tiếp cận đều giữa các nhóm VC-NLĐ khác nhau. Những nhóm có ít lợi thế trong việc tiếp cận đa dạng các nguồn thông tin là những người không làm quản lý và chưa là đảng viên. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ thấp hơn các nhóm khác trong mức độ hiểu biết các nội dung CTTT.

Đảng ủy được 90,9% NTL đánh giá là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong công tác CTTT. Trong khi đó, tỷ lệ rất thấp ghi nhận vai trò này của bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn (dao động trong khoảng 1,5% đến 10,4%) và Công đoàn (trong khoảng 1,1% đến 6,8%). Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn kiến thức liên quan đến nhận thức về nội dung và tầm quan trọng của công tác CTTT, gần 55% NTL cho biết từ “ sinh hoạt tại đơn vị, công đoàn bộ phận ”; trên 71% NTL là quản lý và đảng viên tiếp cận nguồn này so với 46,8% của nhóm đối sánh (chưa là quản lý và đảng viên). Các dữ liệu trên đã phản ánh rõ nét vai trò thực tế của bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn và Công đoàn trong việc cung cấp kiến thức về công tác CTTT cho quần chúng và đảng viên. Như vậy, liệu chăng NTL đã có sự “ mặc định” vai trò của Đảng ủy gắn liền với công tác CTTT và chưa đánh giá đúng vai trò của bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn và Công đoàn? Đây là điều cần được làm rõ hơn trong các nghiên cứu về sau, đặc biệt là từ dữ liệu định tính.

Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy những người là quản lý và là đảng viên có nhiều điều kiện tiếp cận với đa dạng các nguồn thông tin về CTTT so với nhóm chưa là quản lý và chưa là đảng viên (xem Figure 2 ). Điều này cho thấy vai trò quan trọng của bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn và Công đoàn bộ phận trong công tác CTTT đối với nhóm quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “ Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề,công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi ” [ 5 , tr. 319]. Như vậy, cần có sự tham gia chủ động và cơ chế phát huy vai trò của các đơn vị khác trong nhà trường như bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn, Công đoàn, Đoàn Thanh niên…, để tổ chức đa dạng các hoạt động và hình thức liên quan đến công tác CTTT cho những người chưa là quản lý và đảng viên tiếp cận và lĩnh hội những thông tin cần thiết.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, đa số VC-NLĐ của ĐHQG TP.HCM nhận biết các nội dung chính trong công tác CTTT, và đánh giá cao tầm quan trọng của công tác này trong hệ thống ĐHQG TP.HCM. Đa số VC-NLĐ cho rằng Đảng ủy đóng vai trò chính trong công tác CTTT và chưa có sự đánh giá thỏa đáng vai trò thực tế của bộ máy lãnh đạo, quản lý về hành chính, chuyên môn và Công đoàn. Những người không làm quản lý và chưa là đảng viên có ít cơ hội hơn trong việc tiếp cận đa dạng các nguồn thông tin liên quan đến công tác CTTT. Từ các kết quả nghiên cứu này, thiết nghĩ cần có sự đa dạng hơn nữa các hoạt động trong khuôn khổ công tác CTTT và sự tham gia của nhiều đơn vị khác nhau nhằm tăng cường hiệu quả và độ bao phủ của công tác này đến đa dạng các thành phần VC-NLĐ.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số “ĐH 2022-18b-01”.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

VC-NLĐ: viên chức và người lao động

CTTT: chính trị tư tưởng

ĐHQG TP.HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

ĐH BK: Đại học Bách Khoa

ĐH KHTN: Đại học Khoa học Tự nhiên

ĐH KHXH&NV: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

ĐH CNTT: Đại học Công nghệ thông tin

ĐH KT-L: Đại học Kinh tế - Luật

ĐH QT: Đại học Quốc tế

ĐH AG: Đại học An Giang

NTL: Người trả lời

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Ngô Thị Phương Lan: thiết kế nghiên cứu, lên ý tưởng, chỉnh sửa và duyệt sau cùng nội dung bài viết.

Trần Anh Tiến: tổ chức thu thập thông tin, phác thảo nội dung bài viết.

Trần Thị Anh Thư: xử lý dữ liệu, phác thảo nội dung bài viết.

References

  1. Nguyễn Thế Bính. 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Thành tựu, thách thức và những bài học. Tạp chí phát triển và hội nhập. 2015;22:10-3. . ;:. Google Scholar
  2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ (30/10/2016). Hà Nội. 2016. . ;:. Google Scholar
  3. Bộ Chính trị. Nghị quyết số 35-NQ/TW "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" (22/10/2018). 2018. . ;:. Google Scholar
  4. Nguyễn Bá Hùng. Đổi mới công tác giáo dục chính trị cho quân nhân, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Tạp chí Giáo dục. 2022;22(22):54-8. . ;:. Google Scholar
  5. Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh: Toàn tập. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; 2011. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 2 (2024)
Page No.: 2414-2422
Published: Jun 30, 2024
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.986

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ngo, L., Tran, T., & Tran, T. (2024). Officials and workers’ perception of political-ideological work at Viet Nam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(2), 2414-2422. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.986

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 469 times
PDF   = 176 times
XML   = 0 times
Total   = 176 times