VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

429

Total

129

Share

The problem of sovereignty over the Paracels Islands and the Spratly Islands in the relations between the State of Vietnam and the French Republic (1950-1955)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

During the second war of invasion of Vietnam (September 1945), the French colonialists established a puppet government to serve the “new colonial” rule. After many trials, the State of Vietnam under the patronage of France was born in 1949. The French government recognized “the independence” of the State of Vietnam through the Élysée Agreement. On this basis, the French Government transferred management rights to many territories in Vietnam, including islands in the East Sea. Since 1950, the French Government transferred the management of the Paracels Islands to the State of Vietnam. However, the French Government did not transfer the Spratly Islands to the State of Vietnam because they originally belonged to Cochinchina. In the period 1950-1955, the State of Vietnam exercised the sovereignty over the Paracels Islands, and at the same time fought with the French Government to assert its sovereignty over the Spratly Islands. The article focuses on 1) presenting the establishment of the State of Vietnam and its assertion of sovereignty over the Paracels Islands and Spratly Islands, 2) the process of taking over and exercising the sovereignty of the State of Vietnam over the Paracels Islands, and 3) the State of Vietnam struggling with the French Government to assert the sovereignty over the Spratly Islands.

MỞ ĐẦU

Tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc với thắng lợi to lớn của phe Đồng minh. Việc Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân Đồng minh dẫn đến sự tê liệt và tan rã của lực lượng quân Nhật ở các nước Đông Nam Á. Tận dụng thời cơ lịch sử, lực lượng cách mạng Việt Nam đã tổ chức một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập, qua đó công bố cho toàn thể nhân dân Việt Nam và cho toàn thế giới biết về sự ra đời của nước Việt Nam mới. Kể từ đây, Việt Nam trở thành quốc gia tự do, độc lập, nhân dân làm chủ hoàn toàn đất nước. Từ tháng 9-1945, quân đội Anh đại diện lực lượng Đồng minh tiến vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật ở Nam vĩ tuyến 16, trong khi đó, quân đội Tưởng cũng tiến vào Việt Nam để tiến hành giải giáp quân Nhật ở Bắc vĩ tuyến 16. Trong đó, đáng lo ngại nhất là sự trở lại của quân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh. Ngày 23-9-1945, quân Pháp dưới sự hậu thuẫn của quân Anh đã nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn, sau đó mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn Nam Bộ. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực sử dụng các biện pháp ngoại giao để vãn hồi chiến tranh với người Pháp, tuy nhiên Chính phủ Pháp vẫn không từ bỏ âm mưu xâm chiếm Việt Nam một lần nữa. Trước tình hình đó, ngày 19-12-1946, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong quá trình tiến hành chiến tranh, thực dân Pháp được sự tư vấn của người Mỹ đã nỗ lực xây dựng một chính quyền tay sai để phục vụ cho công cuộc cai trị của người Pháp theo mô hình “chủ nghĩa thực dân mới”. Tuy nhiên, các phiên bản thử nghiệm đều lần lượt thất bại. Chính phủ Pháp đã tiếp cận và thuyết phục cựu hoàng Bảo Đại về Việt Nam để đứng đầu một chính phủ đối lập với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cơ sở đó, Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng ra đời vào tháng 3-1949. Trên cơ sở những điều khoản của Hiệp định Élysée (ký ngày 8-3-1949), Chính phủ Pháp tiến hành trao trả “độc lập” cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, chính thức chuyển giao quyền quản lý nhiều vùng lãnh thổ ở Việt Nam, trong đó có các vùng biển đảo trên Biển Đông. Từ khi thành lập, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền của mình trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Các tuyên bố về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa liên tục được Chính phủ Quốc gia Việt Nam đưa ra cả trong nước, với Chính phủ Pháp, và trên trường quốc tế. Trên thực tế, Chính phủ Pháp chỉ chuyển giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, trong khi vẫn tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Trên cơ sở đó, Chính phủ Quốc gia Việt Nam tiến hành các hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời đấu tranh quyết liệt với Chính phủ Pháp nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa trong giai đoạn 1950-1955.

NỘI DUNG CHÍNH

Sự ra đời Chính phủ Quốc gia Việt Nam

Sau khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần hai, thực dân Pháp tiến hành xây dựng một chính quyền tay sai để phục vụ cho mục tiêu cai trị lâu dài Việt Nam [ 1 , tr.157-159]. Trong giai đoạn 1946-1947, Pháp lần lượt dựng lên Chính phủ Nam Kỳ tự trị, sau đó là Chính phủ Cộng hòa Nam Việt. Tuy nhiên, các “chủ thể chính trị” này không phát huy được hiệu quả như Pháp mong muốn. Từ năm 1947, thông qua sự “tư vấn” của Mỹ, Chính phủ Pháp quyết định thực hiện “Giải pháp Bảo Đại”, đưa cựu hoàng Bảo Đại về đứng đầu một chính thể bù nhìn ở Việt Nam [ 2 , tr.40-50]. Tháng 12-1947, Cao ủy Pháp Émile Bollaert gặp Bảo Đại tại vịnh Hạ Long, hứa hẹn trao trả độc lập cho Việt Nam trong Liên hiệp Pháp [ 3 , tr.76]. Bảo Đại đồng ý sẽ tham gia đứng đầu chính quyền do Pháp tổ chức ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ “Giải pháp Bảo Đại” làm cơ sở cho sự hình thành mối quan hệ tay ba giữa Mỹ, Pháp và Bảo Đại. Như vậy, cả Pháp và Mỹ đều ủng hộ “Giải pháp Bảo Đại” và là cơ sở cho sự ra đời một chính thể tay sai của thực dân Pháp ở Việt Nam [ 4 , tr.37-47].

Tháng 6-1948, Nguyễn Văn Xuân, trước sự chứng kiến của Bảo Đại đã ký với Émile Bollaert Tuyên bố Hạ Long trong đó Pháp “thừa nhận độc lập của Việt Nam” [ 5 , tr.117-120]. Song thực tế, đây chỉ là sự thừa nhận độc lập giả hiệu. Ngày 8-6-1948, Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Coste-Floret tại Quốc hội Pháp giải thích rằng, xét cho cùng, Hiệp định Vịnh Hạ Long có thể thay đổi rất ít. Pháp đã hứa không phản đối sự thống nhất ba miền của Việt Nam, nếu đó là điều nhân dân họ mong muốn, nhưng Nam Kỳ vẫn là thuộc địa của Pháp; tình trạng của nó không thể bị thay đổi nếu không có sự cho phép của Quốc hội Pháp [ 6 , tr.226]. Tuy nhiên, Bảo Đại cũng tỏ ra “cứng rắn” khi đòi Chính phủ Pháp phải trao trả lại độc lập toàn bộ cho chính quyền của mình. Tất cả các cuộc thương lượng giữa Bảo Đại với Chính phủ Pháp tại Paris sau đó có sự hậu thuẫn gián tiếp của phía Mỹ. Ngày 12-2-1949, một Hội đồng hỗn hợp Việt - Pháp được thành lập để soạn thảo một bản Hiệp định chính thức giữa Chính phủ Pháp và Bảo Đại. Đến ngày 28-2-1949, bản dự thảo Hiệp định Élysée được hoàn tất.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 8-3-1949, Bảo Đại và Vincent Auriol, Tổng thống Cộng hòa Pháp kiêm Chủ tịch Liên hiệp Pháp đã ký Hiệp định Élysée, qua đó tuyên bố “công nhận nền độc lập của Việt Nam”. Theo đó, việc thống nhất Việt Nam sẽ thông qua trưng cầu dân ý, nhưng phải được Quốc hội Pháp chấp thuận; hoạt động đối ngoại của Việt Nam chỉ trên danh nghĩa vì hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại giao của Liên hiệp Pháp; “Nhà nước Việt Nam” có quân đội riêng nhưng do Pháp huấn luyện và toàn quyền điều động; đồng tiền Việt Nam nằm trong khu vực đồng Franc của Pháp [ 7 , tr.184-185].

Sau khi ký Hiệp định Élysée, Tổng thống Pháp Auriol gửi cho Bảo Đại một bản thông điệp giải thích về vấn đề thống nhất và chế độ ngoại giao của Việt Nam. Tổng thống Auriol tuyên bố nếu Hội đồng Lãnh thổ Nam Kỳ biểu quyết đồng ý sáp nhập Nam Kỳ trở lại Việt Nam thì Tổng thống Pháp sẽ nhanh chóng trình Quốc hội Pháp xem xét biểu quyết phê chuẩn quyết định đó. Trước mắt, Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ Quốc gia Việt Nam thành lập đại sứ quán tại Thái Lan, Ấn Độ, Trung Hoa (Trung Hoa Dân Quốc); đối với các nước khác thì Quốc gia Việt Nam sẽ chủ động thiết lập mối quan hệ riêng theo yêu cầu và khả năng riêng. Thể hiện quan điểm ủng hộ Bảo Đại, Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Coste-Floret hứa sẽ vận động Quốc hội Pháp nhanh chóng thông qua đạo luật cho phép thành lập một Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ (Assemblée Territoriale de Cochinchine), gồm 12 đại diện người Pháp và 24 đại diện người Việt [ 8 , tr.301], để quyết định về việc Nam Kỳ có thể sáp nhập vào Quốc gia Việt Nam.

Ngày 9-3-1949, Quốc hội Pháp bắt đầu thảo luận về Hiệp định Élysée ngày 8-3-1949 và nhất là vấn đề trả lại Nam Kỳ cho Quốc gia Việt Nam. Ngày 3-6-1949, Quốc hội Pháp biểu quyết nhất trí thông qua Đạo luật Phê chuẩn Nghị quyết của Hội đồng Nam Kỳ, theo đó chính thức bãi bỏ quy chế thuộc địa lãnh thổ Nam Kỳ từ năm 1867, đưa Nam Kỳ sáp nhập với Quốc gia Việt Nam. Ngày 4-6-1949, Tổng thống Auriol ban hành Luật 49-733 công nhận “Việt Nam thống nhất” [ 9 , tr.333]. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Vincent Auriol cũng cho phép báo chí Pháp trong ngày 6-6-1949 đăng một công hàm của Tổng thống Pháp gửi Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam Bảo Đại, khẳng định Quốc hội Pháp đã thông qua luật sáp nhập Nam Kỳ về Việt Nam. Ngày 16-6-1949, Bảo Đại trở về Việt Nam để điều hành Quốc gia Việt Nam. Ngày 1-7-1949, Bảo Đại trở thành Quốc trưởng kiêm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam.

Ngày 7-2-1950, Chính phủ Mỹ công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Sau đó, nhiều nước phương Tây cũng lần lượt công nhận và thiết lập quan hệ với Quốc gia Việt Nam. Có thể nói, từ năm 1950, Quốc gia Việt Nam đã “hội nhập” vào hệ thống tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu. Và cũng từ năm 1950, hoạt động đối ngoại của Quốc gia Việt Nam cũng bắt đầu được triển khai ở nhiều cấp độ: song phương và đa phương. Thậm chí, năm 1952, Mỹ hỗ trợ cho Quốc gia Việt Nam nộp đơn xin gia nhập tổ chức Liên Hợp Quốc [ 10 , tr.145]. Trong giai đoạn từ năm 1951 đến 1955, Mỹ thúc đẩy mạnh quan hệ với Quốc gia Việt Nam, hướng đến việc thay thế Pháp trở thành chủ thể bảo trợ chính cho chính thể này với âm mưu can thiệp lâu dài ở Việt Nam và lớn hơn là Đông Dương.

Sau khi trở về Việt Nam (6-1949), Quốc trưởng Bảo Đại bắt tay vào việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền của Quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, Quốc trưởng Bảo Đại cũng yêu cầu Chính phủ Pháp sớm thực hiện việc trao trả “độc lập” và chuyển giao quyền quản lý thực tế Việt Nam cho chính quyền Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, do Hiệp định Élysée vẫn chưa được Quốc hội Pháp thông qua nên Chính phủ Pháp vẫn chưa thể triển khai trao trả “độc lập” cho chính quyền Bảo Đại. Ngày 29-1-1950, Quốc hội Pháp chính thức phê chuẩn Hiệp định Élysée. Trên cơ sở này, Tổng thống Pháp Vincent Auriol đã ký ban hành Hiệp ước Élysée vào ngày 2-2-1950, qua đó chính thức “công nhận” nền độc lập của Quốc gia Việt Nam. Cũng từ đây, Chính phủ Pháp lần lượt bàn giao cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam (lúc này do Trần Văn Hữu làm Thủ tướng) các cơ quan: Sở Liêm phóng (11-6-1950), Bưu điện Sài Gòn và hệ thống bưu điện viễn thông (10-1-1951), Ngân khố và hệ thống tài chính (1-10-1951)... Bên cạnh đó, quân đội Pháp cũng bắt đầu chuyển giao dần quyền kiểm soát Việt Nam cho quân đội của chính quyền Bảo Đại, trên cả đất liền và các vùng biển đảo trên Biển Đông.

Đối với các vùng biển đảo trên Biển Đông, chính quyền Quốc gia Việt Nam chủ động tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước khi được Chính phủ Pháp chuyển giao trực tiếp. Tuy nhiên, đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Chính phủ Pháp dường như chỉ đề cập đến việc chuyển giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa, trong khi không đề cập đến việc chuyển giao quần đảo Trường Sa. Trong Hiệp định Élysée, người Pháp chỉ đề cập đến quần đảo Hoàng Sa, nhưng lại không đề cập đến quần đảo Trường Sa như là một phần được trao trả cho Việt Nam 11 . Điều này cho phép một số nhà hoạch định chính sách của Pháp lập luận rằng Trường Sa đã gắn liền với Nam Kỳ vào những năm 1920 chỉ về mặt hành chính, rằng chúng không phải là bộ phận không thể tách rời của Nam Kỳ, và do đó sẽ vẫn là lãnh thổ của Pháp 12 . Ngày 15-3-1949, khi đề cập đến Hiệp định Élysée (8-3-1949), Cao ủy Pháp ở Đông Dương Léon Pignon đã gửi “thông điệp” cho Quốc trưởng Bảo Đại, qua đó khẳng định: “Các quần đảo Hoàng Sa và Côn Đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam” [ 13 , tr.265]. Tuy nhiên, vấn đề Trường Sa lại không được đại diện Chính phủ Pháp đề cập đến. Về mặt pháp lý, sẽ không có hạn chế nào đối với quyền tự do hành động của Pháp trong việc bảo lưu các quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa [ 14 , tr.251]. Đây chính là cơ sở để Chính phủ Pháp không công nhận chủ quyền của quần đảo Trường Sa cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam trong suốt giai đoạn 1950-1955.

Tuy nhiên, ngay sau khi thành lập, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố rõ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Tháng 4-1949, Hoàng thân Nguyễn Phước Bửu Lộc, lúc này là Đổng lý Văn phòng của Quốc trưởng Bảo Đại, đã công khai khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn [ 15 , tr.40]. Trong giai đoạn 1949-1955, Chính phủ Quốc gia Việt Nam vẫn liên tục tuyên bố về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong quá trình tham gia các diễn đàn quốc tế, Quốc gia Việt Nam luôn thể hiện chủ quyền chính thức đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hội nghị quốc tế San Francisco năm 1951 có sự tham gia của chính quyền Quốc gia Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Hội nghị San Francisco bắt đầu từ ngày 4 đến ngày 8-9-1951, gồm có 51 quốc gia tham gia. Hiệp ước Hòa bình San Francisco (San Francisco Peace Treaty) đã được ký kết ngày 8-9-1951 bởi 48 quốc gia (Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc không ký). Trong bản Hiệp ước, Nhật Bản chính thức tuyên bố: “Từ bỏ mọi quyền, danh hiệu và các tuyên bố đối với quần đảo Trường Sa (Spratlys) và quần đảo Hoàng Sa (Paracels)” [ 16 , tr.425-426, 439]. Ngày 5-9-1951, trong phiên họp toàn thể của Hội nghị, Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko đã đề nghị các nước tham gia Hội nghị ra một tu chính án nhằm trao một loạt lãnh thổ do Nhật Bản từ bỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, tu chính án do phía Liên Xô đề nghị đã bị Hội nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận (Ba Lan, Tiệp Khắc và Liên Xô) và 1 phiếu trắng [ 17 , tr.46].

Trong phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Hội nghị (ngày 7-9-1951), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Trần Văn Hữu đã có tuyên bố nói rõ về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, qua đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Tuyên bố có đoạn: “Cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt các mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” [ 18 , tr.502-505]. Tuyên bố của Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam không gặp phải một sự phản đối hoặc bảo lưu nào từ các đại diện của 51 quốc gia tham dự Hội nghị, kể cả Liên Xô. Có thể nói, Hội nghị San Francisco là sự kiện quốc tế quan trọng, do đó việc ông Trần Văn Hữu khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước đông đảo các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc trong Hội nghị chứng tỏ các quốc gia trên thế giới thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quá trình tiếp quản và thực thi chủ quyền của Quốc gia Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Trên thực tế, phải đến giữa năm 1950, Chính phủ Pháp mới chuyển giao việc quản lý nhiều vùng lãnh thổ ở Việt Nam cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, trong đó có các vùng biển đảo trên Biển Đông. Lúc này, nhiều nước lớn như Mỹ, Anh… cũng bắt đầu chú ý đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [ 19 , tr.12] do đó phía Pháp đã đẩy nhanh việc chuyển giao quyền quản lý cho phía Quốc gia Việt Nam. Trước khi bàn giao, theo các tài liệu ghi nhận người Pháp vẫn có mặt trên đảo Hoàng Sa (2 sĩ quan, 10 lính Âu và 17 lính bản xứ) [ 20 , tr.116]. Cao ủy Léon Pignon chủ trương đưa lực lượng quân đội Quốc gia Việt Nam thay thế lực lượng đồn trú của quân đội Pháp để quản lý quần đảo Hoàng Sa 21 . Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa. Ông Phan Văn Giáo - Thủ hiến Trung Việt, đại diện cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã ra tận đảo Hoàng Sa (Pattle) để chủ trì việc chuyển giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa từ tay người Pháp [ 22 , tr.54]. Sự kiện này được ghi nhận trong một báo cáo như sau: “Đến ngày 14-10-1950, quân đội Pháp chính thức giao trả đảo ấy cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, do ông Thủ hiến Phan Văn Giáo ra tại chỗ để thu nhận, rồi cho một trung đội Quân lực Việt Nam (Việt binh đoàn) chiếm đóng” 23 .

Sau khi tiếp quản quần đảo Hoàng Sa từ người Pháp, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã quyết định đưa lực lượng Vệ binh Quốc gia Việt Nam ra Hoàng Sa để thay thế cho lực lượng quân sự Pháp trú đóng ở đây. Căn cứ vào Công văn số 17-VP/PC/M ngày 7-1-1952 của Thủ hiến Trung Việt Phan Văn Giáo gửi Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, “từ ngày 28-11-1950, chính quyền Trung Việt đã cử một trung đội Vệ binh đoàn, gồm có 35 người ra đóng đồn tại đảo Hoàng Sa (Pattle)…” 24 . Do còn nhiều khó khăn nên lực lượng đồn trú trên đảo vẫn chưa thiết lập những cơ quan hành chính trên đảo như trước. Do đó, các đơn vị Vệ binh Quốc gia Việt Nam vẫn phải tiếp tục phối hợp với các đơn vị lính Pháp đóng giữ trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Đặc biệt, do quân số ít nên lực lượng Vệ binh Quốc gia Việt Nam chỉ tập trung đóng ở đảo Hoàng Sa, không mở rộng chiếm đóng ra các đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 12-1950, lực lượng đồn trú của Chính phủ Quốc gia Việt Nam tại đảo Hoàng Sa (Pattle) đã gửi một đơn vị lính nhỏ đến đóng giữ đảo Hữu Nhật (Robert), một đảo nằm trong nhóm Nguyệt Thiềm (Lưỡi Liềm) gần đảo Hoàng Sa. Tại đảo Hữu Nhật, lực lượng bảo vệ đảo đã bắt giữ 6 “ngư dân” Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo. Các ngư dân Trung Quốc sau đó bị trục xuất ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng đồn trú đã xây dựng nhà và một tòa tháp trên đảo Hữu Nhật, và bắt liên lạc được với đảo Phú Lâm (Woody) 25 . Để tăng cường khả năng kiểm soát các đảo còn lại của quần đảo Hoàng Sa, Thủ hiến Nam Việt là Phan Văn Giáo đã đề nghị Thủ tướng Quốc gia Việt Nam tăng thêm lực lượng quân sự cho quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, những đề nghị của ông Phan Văn Giáo không được chấp thuận.

Lúc này, ý tưởng sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào Đà Nẵng bắt đầu được thảo luận, khởi đầu từ phủ Thủ hiến Trung Việt dựa trên tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Thủ tướng Trần Văn Hữu tại Hội nghị quốc tế San Francisco 1951. Cụ thể, ngày 22-10-1951, phủ Thủ hiến Trung Việt có Công văn số 1403-VP/PC/M để ở chế độ mật, gửi Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đề xuất việc sáp nhập [quần] đảo Hoàng Sa vào thị xã Đà Nẵng. Đề xuất này dựa trên tuyên bố của Thủ tướng Trần Văn Hữu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa tại Hội nghị San Francisco (7-9-1951). Công văn ghi rõ: “Trong lúc dự Hội nghị quốc tế Cựu Kim Sơn [San Francisco], quý Thủ tướng [tức Thủ tướng đương nhiệm Trần Văn Hữu] có lên tiếng về chủ quyền của Quốc gia Việt Nam ở những [quần] đảo Hoàng Sa và Tây Sa . Để chứng tỏ với dư luận quốc tế chủ quyền của Quốc gia Việt Nam ở Hoàng Sa và Tây Sa [Trường Sa], Thiểm Phủ thiết tưởng cần phải tạm sáp nhập ngay hai đảo ấy (trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên) vào thị xã Đà Nẵng. Giải pháp ấy sẽ thuận tiện về phương diện liên lạc và tiếp tế đối với trung đội Vệ binh đoàn hiện đóng tại đó” 24 . Sau khi tiếp nhận Công văn trên, Thủ tướng Trần Văn Hữu vẫn không có ý kiến phản hồi cụ thể.

Tiếp đó, ngày 7-1-1952, phủ Thủ hiến Trung Việt tiếp tục gửi Công văn cho Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu về đề xuất sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào thị xã Đà Nẵng. Văn bản một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa: “Tiếp theo Tư văn mật số 1403-VP/PC/M ngày 22-10-1951 của Thiểm Phủ. Thiểm Phủ xin trình thêm quý Phủ, đính hậu, bản sao Đạo Dụ số 10 ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 13 (30-3-1938) về việc sáp nhập các [quần] đảo Hoàng Sa (Archipel des [Îles] Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên. Theo Đạo Dụ chiếu thượng và các tài liệu mà Thiểm Phủ đã kê trình trong Tư văn số 1403-VP/PC/M ngày 22-10-1951 thì hai [quần] đảo Hoàng Sa và Tây Sa [Trường Sa] thuộc chủ quyền của Quốc gia Việt Nam một cách rõ rệt, không thể chối cãi được” 24 . Trên cơ sở pháp lý và lịch sử nêu trên, phủ Thủ hiến Trung Việt tiếp tục đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam về việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào Đà Nẵng, “để cho thuận tiện sự thông thương, cũng chứng tỏ với dư luận quốc tế rằng Chính phủ Quốc gia đã thực sự cai trị đảo ấy” 26 .

Dựa vào các diễn biến lịch sử nêu trên, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã chứng minh sự cai quản, khai thác một cách liên tục của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Về phía Chính phủ Pháp, ngay từ năm 1950 khi chuyển giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, đã công nhận quần đảo này là thuộc chủ quyền của “nước An Nam”. Trên cơ sở đó, lực lượng quân sự Pháp phối hợp với các lực lượng quân sự của Quốc gia Việt Nam tiến hành các hoạt động khai thác, bảo vệ một cách liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Pháp luôn xem đây “là một phần của chủ quyền thuộc nước An Nam, mà nước Pháp phải có trách nhiệm bảo vệ một cách chắc chắn cho sự toàn vẹn này” 27 .

Cuộc đấu tranh của Chính phủ Quốc gia Việt Nam với Chính phủ Pháp nhằm khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa

Như đã trình bày, thông qua Hiệp định Élysée, người Pháp chỉ đề cập đến quần đảo Hoàng Sa như là một phần được trao trả cho Việt Nam trong khi không hề đề cập đến quần đảo Trường Sa. Sau đó, như đã trình bày ở phần 1, từ tháng 6-1949, Quốc hội Pháp đã đồng ý bãi bỏ quy chế thuộc địa lãnh thổ Nam Kỳ, và sáp nhập Nam Kỳ vào “lãnh thổ” Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, trong Nghị quyết của Quốc hội Pháp tuyên bố từ bỏ quy chế lãnh thổ thuộc địa đối với Nam Kỳ không có điều khoản nhắc đến Trường Sa. Từ cơ sở này, Chính phủ Pháp chỉ chấp nhận chuyển giao quyền quản lý thực tế quần đảo Hoàng Sa cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, trong khi vẫn tiếp tục khẳng định quyền quản lý thực tế của chính thể này đối với quần đảo Trường Sa như là một phần thuộc lãnh thổ Nam Kỳ thuộc Pháp trước năm 1945. Ngay từ đầu, Chính phủ Quốc gia Việt Nam không đồng tình với quan điểm của Chính phủ Pháp đối với quần đảo Trường Sa, và luôn khẳng định Việt Nam có chủ quyền rõ ràng đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mặc dù vậy, trong thời gian đầu, vấn đề “quần đảo Trường Sa” tạm thời chưa ảnh hưởng nhiều đến quan hệ giữa chính quyền Quốc gia Việt Nam với Chính phủ Pháp do chính quyền Bảo Đại tập trung vào việc xây dựng, củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương và thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, từ giữa năm 1950, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bắt đầu nóng trở lại.

Trước đó, từ giữa năm 1949, Chính phủ Pháp đã cân nhắc đưa lực lượng hải quân đến đảo Ba Bình và đảo Trường Sa – vốn là hai đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Viên Tư lệnh Hải quân Pháp ở Viễn Đông cũng xin phép Paris được sử dụng vũ lực để trục xuất những người cư trú nước ngoài khỏi các đảo này 28 . Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pháp đã đưa ra lời cảnh báo, rằng trước khi cử tàu đi, lực lượng hải quân phải cho thủy phi cơ bay trinh sát trên không và chắc chắn rằng các hòn đảo được đề cập không bị chiếm đóng về mặt quân sự 29 . Chính phủ Pháp đã chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Pháp ở Viễn Đông thực hiện đề nghị của Bộ Ngoại giao. Trên thực tế, các thủy phi cơ trinh sát của Pháp không thể bay xa tới quần đảo Trường Sa, do đó kế hoạch này dường như đã không được thực hiện. Bên cạnh đó, các báo cáo trinh sát cho rằng đảo Ba Bình có thể vẫn đang bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng dẫn đến việc Chính phủ Pháp đã quyết định chỉ cử lực lượng đến đảo Trường Sa [lớn] chứ không phải Ba Bình 12 . Trên thực tế, các cuộc khảo sát cũng như đưa lực lượng ra trú đóng ở quần đảo Trường Sa đã không được phía lực lượng hải quân Pháp ở Viễn Đông thực hiện nghiêm túc.

Trong tháng 5-1950, Cao ủy Pháp Léon Pignon bắt đầu lo ngại Chính phủ Philippines có thể gửi lực lượng hải quân đến quần đảo Trường Sa. Do đó, ông đã yêu cầu Đại sứ quán Pháp ở Manila (Philippines) báo cáo cho ông biết về ý định của Chính phủ Philippines để Chính phủ Pháp và Việt Nam có thể bảo vệ quyền lợi của Pháp và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa 30 . Vì vậy, ông xem cả Pháp và Việt Nam đều có quyền ở Trường Sa. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pháp đã phản ứng, khẳng định đây không phải là quan điểm của Chính phủ Pháp. Một bản ghi nhớ dài công bố trong tháng 5-1950 đã kết luận rằng yêu sách đối với quần đảo Trường Sa, trái ngược với quần đảo Hoàng Sa, được đưa ra chỉ nhân danh nước Pháp, dựa trên nguyên tắc “chiếm hữu đầu tiên”. Trong đó, bản ghi nhớ không đề cập đến thực tế là quần đảo Trường Sa đã được gắn liền về mặt hành chính với Nam Kỳ 31 . Như vậy, Chính phủ Pháp sau khi trao trả quần đảo Hoàng Sa cho chính quyền Bảo Đại, vẫn khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Trước thực tế đó, Quốc trưởng Bảo Đại vẫn đấu tranh buộc Pháp phải giao việc quản lý thực tế quần đảo Trường Sa cho Quốc gia Việt Nam.

Đến tháng 5-1951, một lần nữa, vấn đề chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là thuộc Pháp hay Việt Nam lại được đặt ra liên quan đến một doanh nhân người Pháp Édouard F. Miailhe muốn xin phép khai thác phân chim ở quần đảo này. Doanh nhân này đã gửi thư cho Jean Letourneau - Bộ trưởng Hải ngoại Pháp. Trong thư, ông đã lập luận rằng quần đảo Trường Sa chưa bao giờ bị An Nam [Việt Nam] tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng, trên thực tế chỉ gắn liền về mặt hành chính với thuộc địa Nam Kỳ của Pháp, do đó bây giờ nên được coi là lãnh thổ của Pháp, ngang hàng với thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Pháp ủng hộ quan điểm này 32 . Phía Pháp vẫn nhiệt tình ủng hộ dự án khai thác phân chim ở quần đảo Trường Sa, tuy nhiên việc thăm dò sẽ có nhiều rủi ro bởi sự quan tâm ngày càng lớn của các nước lớn ở Biển Đông, trong khi Chính phủ Pháp không thể cung cấp sự bảo vệ quân sự 33 . Với lý do này, Chính phủ Pháp đã từ chối cấp phép khai thác phân chim và doanh nhân người Pháp cũng từ bỏ dự án này 34 .

Trong khi đó, Chính phủ Quốc gia Việt Nam vẫn liên tục yêu cầu Chính phủ Pháp chuyển giao quyền quản lý quần đảo Trường Sa cho phía Việt Nam dựa trên những bằng chứng lịch sử và pháp lý rõ ràng. Đặc biệt, sau Hội nghị San Francisco 1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã nhắc nhở Chính phủ Pháp phải trao trả quyền quản lý thực tế quần đảo Trường Sa cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp vẫn kiên định quan điểm: quần đảo Trường Sa thuộc vùng đất Nam Kỳ vốn là thuộc địa của Pháp trước năm 1945 [ 35 , tr.39]. Bộ Ngoại giao Pháp liên tục khẳng định rằng quần đảo Trường Sa không thể là của Việt Nam, rằng việc sáp nhập chúng vào Nam Kỳ chỉ có tính thuần túy hành chính, và rằng các đảo (của Pháp) đó từ nay phải thuộc Bộ Hải ngoại Pháp [ 36 , tr.247]. Tuy nhiên, phía Chính phủ Quốc gia Việt Nam vẫn luôn tuyên bố chủ quyền của mình đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó phía Quốc gia Việt Nam luôn viện dẫn tuyên bố của mình ở Hội nghị quốc tế San Francisco 1951.

Tháng 3-1952, trong một cuộc họp tại Hội đồng Liên hiệp Pháp, khi thảo luận về quan điểm của các bên về Hiệp ước Hòa bình đã ký với Nhật Bản liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đại biểu của Quốc gia Việt và Pháp đã có các quan điểm khác biệt nhau, dẫn đến tranh luận khá gay gắt về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Ông Nguyễn Khắc Sử, báo cáo viên của Ủy ban các quan hệ đối ngoại cho rằng việc Nhật Bản chính thức từ bỏ tất cả mọi quyền đối với các quần đảo [trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa] nhưng trong văn bản ký kết cuối cùng lại không ghi cụ thể sự quy thuộc của các quần đảo này sau đó sẽ thuộc về nước nào. Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Khắc Sử khẳng định: “…các [quần] đảo này từ lâu đã là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi [Chính phủ Quốc gia Việt Nam] hy vọng rằng trong các cuộc thương lượng sau này trong khoảng thời gian không xa lắm, việc [Chính phủ Pháp] trả lại chúng [quần đảo Trường Sa] theo luật sẽ được tiến hành với một tinh thần hiểu biết hữu nghị” [20]. Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận này, các đại diện của Pháp vẫn khẳng định quyền quản lý của Chính phủ Pháp đối với các quần đảo ở Biển Đông. Khi đại biểu Maurice Shuman tuyên bố “các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của Liên hiệp Pháp”, ông Bửu Kính, đại biểu của Quốc gia Việt Nam, đã nhắc lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [ 20 , tr.42]. Cho đến tháng 9-1953, Bộ Ngoại giao Pháp vẫn giữ quan điểm quần đảo Trường Sa thuộc về Pháp chứ không phải Quốc gia Việt Nam: “Những hòn đảo này [Trường Sa], Pháp, không gắn liền với Việt Nam vào năm 1949, khi thuộc địa cũ là Nam Kỳ được nhượng lại cho Quốc gia liên kết này. Do đó, họ phụ thuộc vào Bộ Hải ngoại Pháp” 37 .

Tuy nhiên, việc sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương khiến Chính phủ Pháp chán ngán, và mong muốn sớm rút ra khỏi cuộc chiến tranh này. Trước thực tế đó, Chính phủ Pháp bắt đầu cảm thấy không thể bảo đảm việc tiếp tục quản lý quần đảo Trường Sa trong tương lai vì tình trạng của quần đảo này có thể bị thay đổi do các cuộc đàm phán giữa Pháp và Việt Nam 38 . Lúc này, Quốc trưởng Bảo Đại cũng bắt đầu thất vọng vì người Pháp và không còn quan tâm nhiều đến vấn đề chủ quyền của quần đảo Trường Sa.

Ngày 7-5-1954, quân Pháp thất bại nặng nề tại chiến trường Điện Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Genève. Trong khi Hội nghị Genève đang diễn ra, Chính phủ Pháp lên kế hoạch trao trả lại “toàn bộ chủ quyền” cho Quốc gia Việt Nam. Theo đó, Việt Nam [thuộc quyền quản lý của Quốc gia Việt Nam] sẽ trở thành một nước độc lập nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Ngày 4-6-1954, tại Matignon, Thủ tướng Nguyễn Phước Bửu Lộc đại diện Chính phủ Quốc gia Việt Nam và Thủ tướng Joseph Laniel đại diện cho Chính phủ Pháp cùng nhau ký một văn kiện (thường gọi là Thỏa ước Matignon - Accords de Matignon) [ 39 , tr.244] nhằm tạo cơ sở đi đến một Hiệp ước chính thức công nhận độc lập hoàn toàn cho Quốc gia Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp. Mặc dù vậy, vấn đề chủ quyền của quần đảo Trường Sa vẫn không được phía Pháp đề cập trong các cuộc thảo luận cũng như trong Thỏa ước. Trên thực tế, Hiệp định Genève được ký kết đã vô hiệu hóa những dự tính của cả Chính phủ Pháp và Quốc gia Việt Nam [ 40 , tr.240].

Hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954 chính thức chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, qua đó công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hiệp định Genève quy định một giới tuyến quân sự tạm thời, trên cơ sở đó để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy (Điều 1). Như vậy, vĩ tuyến 17 được sử dụng làm giới tuyến quân sự tạm thời trùng với con sông Bến Hải ở tỉnh Quảng Trị, do đó cầu Hiền Lương và sông Bến Hải trở thành giới tuyến lịch sử, tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai vùng. Theo dự kiến, hai năm sau ngày ký kết Hiệp định, hai chính quyền sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Về phân định ranh giới biển, Hiệp định nói rõ giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo mỗi đường thẳng góc với đường ven biển (Điều 4). Và trong khi đợi tổng tuyển cử, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản trị hành chính ở vùng ấy (Khoản a, Điều 14) 41 . Cụ thể, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ quản lý vùng phía Bắc vĩ tuyến 17 và Quốc gia Việt Nam cùng với các lực lượng Pháp sẽ quản lý vùng phía Nam vĩ tuyến 17. Theo đó, hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17 sẽ thuộc quyền quản lý của chính quyền Quốc gia Việt Nam.

Trên tinh thần Hiệp định Genève, chính quyền Quốc gia Việt Nam của Thủ tướng Ngô Đình Diệm yêu cầu quân đội Pháp mau chóng rút khỏi Việt Nam, cũng như chuyển giao lại quyền quản lý trực tiếp quần đảo Trường Sa cho Quốc gia Việt Nam. Thực hiện Hiệp định Genève, quân đội Pháp rút dần về nước. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp vẫn bảo lưu chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Thậm chí, sau Hiệp định Genève, lực lượng hải quân Pháp ở Viễn Đông còn đẩy mạnh hoạt động trên Biển Đông. Một lần nữa, viên Tư lệnh lực lượng Hải quân Pháp ở Viễn Đông một lần nữa lại khuyến nghị Chính phủ Pháp cần tiến hành khảo sát và chiếm đóng đảo Trường Sa và đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa vì những lợi ích lâu dài của nó. Tháng 3-1955, Đô đốc Edouard Albert Jozan, chỉ huy lực lượng Hải quân Pháp ở Viễn Đông cho rằng Chính phủ Pháp nên giữ vững căn cứ chiến lược của mình tại vịnh Cam Ranh và không nên trao nó cho chính quyền miền Nam Việt Nam. Ông cũng muốn duy trì một căn cứ hải quân tại Côn Đảo, và thiết lập sự hiện diện của Pháp tại đảo Bạch Long Vĩ (nằm giữa vịnh Bắc Bộ), và thậm chí tái lập sự hiện diện chính thức ở quần đảo Hoàng Sa, bỏ qua những tuyên bố trước đó về việc Hoàng Sa là của người An Nam. Theo báo cáo ghi nhận, tàu chiến Robert Giraud của lực lượng hải quân Pháp đã tiến hành khảo sát “quần đảo Trường Sa thuộc Pháp” vào tháng 5-1955 và thậm chí cả một số điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa 42 .

Tháng 7-1955, Bộ Công chính của Quốc gia Việt Nam yêu cầu phía Pháp hỗ trợ tổ chức một chuyến thám hiểm kinh tế đến quần đảo Trường Sa, tuy nhiên viên Tư lệnh các lực lượng Pháp ở Viễn Đông không đồng ý yêu cầu này thông qua việc viện dẫn ý kiến của Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc về Liên hiệp Pháp, chứ không phải Quốc gia Việt Nam theo những thỏa thuận từ năm 1949. Ngoại trưởng Pháp khẳng định quyền của Pháp ở quần đảo Trường Sa là “rõ ràng và vững chắc”, và cần thiết tránh một cuộc tranh cãi công khai với chính quyền (Nam) Việt Nam có thể phục vụ lợi ích của một số cường quốc nước ngoài 43 . Chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã phản đối việc Chính phủ Pháp chậm rút quân và chuyển giao việc quản lý phần lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17 cho Quốc gia Việt Nam, trong đó có quần đảo Trường Sa. Sự việc này càng làm cho quan hệ giữa chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm với phía Pháp càng ngày càng căng thẳng. Lúc này, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tiến hành các cuộc vận động nhằm lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại để trực tiếp lên nắm quyền.

Ngày 23-10-1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tiến hành cuộc “Trưng cầu dân ý” trên toàn miền Nam Việt Nam, chính thức phế truất cựu hoàng Bảo Đại và lên làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Đến ngày 26-10-1955, chính thể Việt Nam Cộng hòa được thành lập thay thế cho Quốc gia Việt Nam. Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa. Ngay lập tức, Tổng thống Ngô Đình Diệm gây áp lực buộc quân Pháp phải sớm rút hết khỏi miền Nam Việt Nam, giao toàn bộ quyền quản lý trực tiếp các vùng lãnh thổ trên đất liền và biển đảo cho Việt Nam Cộng hòa, trong đó có quần đảo Trường Sa. Trên thực tế, Chính phủ Pháp đã cho rút dần lực lượng ra khỏi khu vực quần đảo Trường Sa từ trước, đến giữa năm 1955, quân đội Pháp không có sự hiện diện chính thức trên quần đảo Trường Sa.

KẾT LUẬN

Sau khi ra đời (1949), Quốc gia Việt Nam vốn là sản phẩm do người Pháp tạo ra, vẫn tiếp tục khẳng định, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong giai đoạn 1950-1955, Chính phủ Quốc gia Việt Nam luôn thể hiện quan điểm nhất quán: Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thực tế này được thể hiện rõ thông qua sự khẳng định của Đổng lý Văn phòng của Bảo Đại năm 1949 hoặc phát biểu của đại diện Quốc gia Việt Nam ở Hội nghị quốc tế San Francisco năm 1951. Trong đó, sự kiện Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu có tuyên bố về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị hòa bình San Francisco 1951 được xem là sự kiện quan trọng, có tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Tuyên bố này không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào đã cho thấy cộng đồng quốc tế đã thừa nhận thực tế này như một sự hiển nhiên.

Trên cơ sở đó, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tiếp nhận và quản lý trực tiếp quần đảo Hoàng Sa từ sự bàn giao của Chính phủ Pháp từ năm 1950. Cho đến năm 1955, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã quản lý trực tiếp và liên tục quần đảo Hoàng Sa và không gặp sự tranh chấp nào từ các nước bên ngoài. Trên thực tế, Chính phủ Pháp đã công nhận và hỗ trợ cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam quản lý quần đảo Hoàng Sa, tuy nhiên nước này vẫn muốn giữ quần đảo Trường Sa cho mình chứ không phải chuyển giao cho Việt Nam 44 . Do đó, Chính phủ Quốc gia Việt Nam liên tục đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải công nhận chủ quyền của Việt Nam và chuyển quyền quản lý quần đảo Trường Sa. Cuộc đấu tranh đòi quyền quản lý quần đảo Trường Sa của Chính phủ Quốc gia Việt Nam có tính chất quyết liệt hơn dưới thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm gắn với việc thực hiện Hiệp định Genève 1954. Như vậy, các phát biểu, tuyên bố và hành động thực thi chủ quyền của Chính phủ Quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn thể hiện sự nhất quán với các tuyên bố chủ quyền của các chính quyền Việt Nam trước đó. Các bằng chứng lịch sử, các tư liệu mà Việt Nam thu thập được trong nghiên cứu này khá phong phú, đủ sức để khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số B2023-18b-05

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

Bài viết không có từ viết tắt.

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả bài viết cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của riêng tác giả. Kết quả nghiên cứu là một phần trong khuôn khổ Đề tài mã số B2023-18b-05 do tác giả làm Chủ nhiệm.

References

  1. Dommen AJ. The Indochinese Experience of the French and the Americans. Nationalism and Communism in Cambodia, Laos, and Vietnam. Bloomington: Indiana University Press; 2001. . ;:. Google Scholar
  2. Tuệ NC, Hoàng PV. Giải pháp Bảo Đại của Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, 1945-1954. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; 2013, 46:40-50. . ;:. Google Scholar
  3. Cain F. America's Vietnam War and its French Connection. New York: Routledge; 2017. . ;:. Google Scholar
  4. Nghĩa TV. Vấn đề trao quyền độc lập và sự thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn; 2015; 31(3):37-47. . ;:. Google Scholar
  5. Cameron AW. Viet-Nam Crisis: 1940-1956. New York: Cornell University Press; 1971. . ;:. Google Scholar
  6. Hammer EJ. The struggle for Indochina, 1940-1955. Stanford, Calif.: Stanford University Press; 1966. . ;:. Google Scholar
  7. The Elysee Agreements: President Vincent Auriol to Bao Dai, 9 Mar 1949, Porter, I:184-185. . ;:. Google Scholar
  8. Héduy P. Histoire de l'Indochine: Le destin, 1885-1954. Paris: Société de Production Littéraire/Henri Veyrier; 1983. . ;:. Google Scholar
  9. L'Annee politique economique, sociale et diplomatique en France. Paris: Presses Universitaires de France; 1950. . ;:. Google Scholar
  10. Thakur R. Peacekeeping in Vietnam: Canada, India, Poland and the International Commission. Edmonton: University of Alberta Press; 1984. . ;:. Google Scholar
  11. Fiche sur la situation juridique des Paracels, Forces Maritimes d'Extrême Orient, 2ème Bureau, Saigon 16.9.54, dos. P01, UU-Sup 2, Service Historique dela Marine, Paris. . ;:. Google Scholar
  12. Fiche au sujet de l'Ile de Itu-Aba, Commissariat Général de France en Indochine, non signée, non datée (sans doute 1953), dos. 213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  13. Chemillier-Gendreau M. Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands. The Hague: Kluwer Law International; 2000. . 2000;:. Google Scholar
  14. Chemillier-Gendreau M. Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands. Ibid. . ;:. Google Scholar
  15. Chemillier-Gendreau M. Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands. Ibid. . ;:. Google Scholar
  16. U.S. Department of State. American Foreign Policy 1950-1955: Basic Documents. Washington, D.C.: U.S. Government Publishing Office; Vol.1; 1957. . ;:. Google Scholar
  17. U.S. Department of State. Conference for the Conclusion and Signature of the Peace Treaty with Japan. UN Treaty Series, Washington, D.C.; Vol. 136; 1951. . ;:. Google Scholar
  18. Les États Associés à la Conference de San Francisco. les 6 et 7 Septembre 1951: Viet-nam Declaration du Président Trần Văn Hữu. France-Asie; 1951; 60(VII):502-505. . ;:. Google Scholar
  19. Kivimäki T. ed. War or Peace in the South China Sea?. Copenhagen: Nordic Institute of Asian Studies; 2002. . ;:. Google Scholar
  20. Official Gazette of the Assembly of the French Union, 25 March 1952; Chemillier-Gendreau M. Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands. Ibid; note 42. . ;:. Google Scholar
  21. Le Ministre de la Défense Nationale au Ministre de la France d'Outre-Mer, no. 401/DN/FA.OM, 6.6.50, dos. 215, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  22. Pedrozo P. China versus Vietnam. An Analysis of the Competing Claims in the South China Sea. Arlington: CNA. Analysis & Solutions; 2014. . ;:. Google Scholar
  23. Công văn ngày 7-2-1956, của Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt, gửi ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Nha Hành chánh Tổng quát và Pháp chế) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về những vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Hs.865/03, Phông tư liệu Tòa Đại biểu Chính phủ Trung nguyên Trung phần, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. . ;:. Google Scholar
  24. Công văn số 17-VP/PC/M ngày 7-1-1952 của Thủ hiến Trung Việt gửi ngài Thủ tướng Chánh phủ Quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn, về những vấn đề địa dư của Hoàng Sa. Hs.21187. Phông tư liệu Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  25. Compte-Rendu du S/Lieutenant Nguyen Kim Khanh, Officier de renseignements du Bataillon 'Vo Tanh', signé Faifoo 16-01-1951, dos. P01, UU-sup 02, Service Historique dela Marine, Paris. . ;:. Google Scholar
  26. Công văn ngày 17-9-1951, của Giám đốc Sở Pháp chánh Trung Việt tại Huế, gửi Chánh phủ Quốc gia Việt Nam, về việc đề xuất sáp nhập Hoàng Sa vào Đà Nẵng. Phông tư liệu Tòa Đại biểu Chánh phủ Trung nguyên Trung phần, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. . ;:. Google Scholar
  27. Cucherousset H. La question des Iles Paracels. L'Eveil économique de l'Indochine. January 27, May 19, and May 26, 1929. . ;:. Google Scholar
  28. Se Secrétaire d'Etat chargé de la Marine au Ministre de la Défense Nationale, No.567 EMG/2, signé P.O. Le Contre-Amiral Deramond, 20.7.49, dos.215, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  29. Note pour le Ministre, 30.7.49, dos.213, s.-s. Chine, fonds Asie-Océanie 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. Le Ministre de la Défense Nationale (signé Ramadier) au Secrétaire d'Etat chargé de la Marine, No.372 DN/FA.OM, 2.9.49, dos.213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  30. Télégramme de Pignon (Haut CommissaireSaigon) à Ministère des Affaires Étrangères pour Manille, No.322, 21.5.50, dos.213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  31. Note au sujet Îles Spratly, Ministère des Affaires Étrangères, Asie-Océanie, 24.5.50, dos.213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  32. Jean Letourneau, Ministre d'Etat, chargé des relations avec les Etats associés au Ministre de la France d'Outre-mer, No.02369/AP/4, 7.5.51 et le Ministre des Affaires Etrangères au Ministre d'Etat (Letourneau), No.439 AS, 16.5.51, dos. 213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  33. Haussaire à Ministère des Affaires Étrangères, No.796-797, Saigon 17.5.51, dos. 213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  34. E.F. Miailhe, Président-Directeur de AMIBU Inc. Export Import à Jacques Roux, Direction Asie, Bordeaux 29.5.52, Ambafrance Tokio à Ministère des Affaires Étrangères, no.949/54, 13.5.52, dos.213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  35. Tønnesson S. 2006. The South China Sea in the Age of European Decline. Modern Asian Studies; 2006; 40(1):1-57. . ;:. Google Scholar
  36. Letter of J. Letourneau Mai 7, 1951. Trong: Chemillier-Gendreau M. Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands. Ibid. . ;:. Google Scholar
  37. Note au sujet des îles Spratley, signée J. R. [J. Roux], Ministère des Affaires Étrangères, 8.9.53, dos. 213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  38. M. Armand Vella au Ministre de la France d'outre-mer, Paris 22.3.55; France d'outre-mer à Ministère des Affaires Étrangères, No.124 AP/6, 9.5.55; France d'outre-mer à Ministère des Affaires Étrangères, signé Le Directeur des Affaires Politiques, 20.8.55; Ministère des Affaires Étrangères à France d'outre-mer, No.1608 AS, 27.8.55, tous dans dos. 213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  39. Randle RF. 1969. Geneva 1954. The Settlement of the Indochinese War. Princeton. New York: Princeton University Press; 1969. . ;:. Google Scholar
  40. Dommen AJ. The Indochinese Experience of the French and the Americans. Nationalism and Communism in Cambodia, Laos, and Vietnam. Ibid. . ;:. Google Scholar
  41. Toàn văn Hiệp định Genève 1954. Báo Nhân dân, số 244, ngày 23-10-1954. . ;:. Google Scholar
  42. Note de Service, No.160/E/TS (très secret), signé Capitaine Pacallet, 28.4.55, dos. 'Mission navale franc¸aise ...', UU-sup. 33, Service Historique dela Marine, Paris. Instruction pour le Capitaine de Frégate, Commandant le 'Francis Garnier', No.15 EM/3, signé Capitaine de Vaisseau Hébrard, Chef d'EM, Forces Maritimes d'Extrême Orient, 3ème Bureau, 7.1.56, dos. P01, UU-Sup 2, Service Historique dela Marine, Paris. . ;:. Google Scholar
  43. Le Ministre des Affaires Etrangères au Secrétaire d'Etat, chargé des relations avec les États Associés, No.406 AS, 16.7.55, dos. 213, sous-série Chine, fonds Asie-Océanie, 1944-1955, Ministère des Affaires Étrangères. . ;:. Google Scholar
  44. Samuels MS. Contest for the South China Sea. New York: Methuen; 1982. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 2 (2024)
Page No.: 2436-2445
Published: Jun 30, 2024
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.972

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trần, T. (2024). The problem of sovereignty over the Paracels Islands and the Spratly Islands in the relations between the State of Vietnam and the French Republic (1950-1955). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(2), 2436-2445. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.972

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 429 times
PDF   = 129 times
XML   = 0 times
Total   = 129 times