VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

228

Total

105

Share

Political parties in Indonesia through the elections (1945-2019)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Indonesian political parties were born early and are closely associated with historical periods of Indonesia. In the pre-independence period, some political parties in Indonesia appeared, but their struggle goals and action programs were not clear and not recognized by the Dutch colonial government because they were considered against the authorities and destabilized the security situation. In the post-independence period, Indonesian political parties flourished and played a certain role in the Indonesian political system. In each period of Indonesian history after 1945, the number of political parties as well as their goals were also very different. The multi-party or single-party system in the Indonesian political system is dominated and controlled by the government. Using the historical research method and interdisciplinary approach, especially political sciences, the article studies Indonesian political parties through 3 periods.: (1) the Old Order, (2) the New Order, and (3) the Reform. In each period, the article examines the existence and role of Indonesian political parties through elections as well as their participation in legislative institution. At the same time, the article also examines Indonesia’s democracy through elections in the above three periods.

MỞ ĐẦU

Các đảng chính trị ở Indonesia ra đời sớm so với một số quốc gia Đông Nam Á. Tương tự các quốc gia thuộc địa khác, ban đầu các đảng chính trị ở Indonesia ra đời với sứ mệnh đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Indonesia. Tuy nhiên về sau, sứ mệnh của các đảng chính trị thay đổi theo từng giai đoạn của lịch sử Indonesia. Ngoài ra, ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể, số lượng các đảng chính trị ở Indonesia và mục tiêu của các đảng cũng khác nhau để phù hợp với thực tiễn.

Các đảng chính trị đã đóng góp đáng kể vào hệ thống chính trị quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh thay đổi của xã hội Indonesia. Các nhà nghiên cứu cho rằng:

“Nếu nâng cao được năng lực và hiệu quả hoạt động của các đảng chính trị sẽ có tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng dân chủ và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Vì vậy, vai trò của các đảng chính trị cần được nâng cao về năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động để thực hiện nguyện vọng, ý chí của nhân dân, nâng cao chất lượng dân chủ” [ 1 , tr.8].

Ban đầu, các nhà chính trị Indonesia cho rằng các tổ chức chính trị của họ không phải là đảng chính trị mà là một tổ chức xã hội vì chưa có các chương trình và hoạt động chính trị. Sau, cùng với sự lớn mạnh của phong trào dân tộc, đảng chính trị ở Indonesia mới được chú ý đến.

“Các đảng chính trị là một phương tiện tổ chức dư luận để mọi người học hỏi và cảm nhận trách nhiệm với tư cách là công dân của một quốc gia, thành viên trong một xã hội. Sự tồn tại của các đảng chính trị ở Indonesia rất quan trọng vì chúng đóng vai trò là cầu nối giữa người dân và chính phủ” 2 .

Đến thời kỳ Dân chủ hóa, các đảng chính trị ở Indonesia đều phải tuân thủ quy định chung của nhà nước, điều này được quy định rõ ràng tại Điều 1 khoản 1 của Đạo Luật số 2 năm 2008 như sau:

“Các đảng chính trị ở Indonesia là các tổ chức mang tính chất quốc gia và do một nhóm công dân Indonesia tự nguyện thành lập trên cơ sở có cùng ý chí và nguyện vọng đấu tranh bảo vệ lợi ích chính trị của các thành viên, xã hội, quốc gia và nhà nước, đồng thời duy trì tính toàn vẹn của Nhà nước Thống nhất Cộng hòa Indonesia dựa trên Pancasila và Hiến pháp Cộng hòa Indonesia năm 1945” [ 3 , tr.18].

Sau khi giành độc lập, Indonesia bước vào thời kỳ dân chủ và quá trình này gắn liền với sự ra đời của các đảng chính trị. Quá trình dân chủ ở Indonesia được thể hiện qua việc các đảng chính trị tham gia bầu cử. Dân chủ và bầu cử có mối quan hệ khắng khít. Dân chủ là một hệ thống chính quyền trong đó người dân tham gia điều hành chính phủ bằng cách cử đại diện. Trong khi đó, bầu cử là một hình thức bầu ra một người đại diện cho nhân dân để tham gia vào chính phủ nhằm đề đạt nguyện vọng của người dân nhằm mang lại sự thịnh vượng và hạnh phúc cho xã hội 4 .

Hơn nữa, cuộc bầu cử có thành công hay không không thể tách rời vai trò của các đảng chính trị với tư cách là lực lượng tham gia bầu cử. Mối quan hệ giữa dân chủ, đảng chính trị và bầu cử là mối quan hệ tương hỗ. Đảng chính trị và bầu cử là 2 công cụ, phương tiện không thể thiếu của nền dân chủ hiện đại. Một đất nước dân chủ phải có đảng chính trị và phải tổ chức bầu cử để bầu ra cơ quan hành pháp, lập pháp cũng như những người đại diện cho nhân dân bày tỏ nguyện vọng và thực hiện nguyện vọng của nhân dân. Để tiến hành bầu cử, không thể thiếu vai trò của đảng chính trị. Mối quan hệ qua lại, bổ sung lẫn nhau giữa 3 yếu tố đó là không thể tách rời. Các đảng chính trị tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình tiến hành bầu cử và người dân phải được tham gia bầu cử.

Nhận thức rõ được tính chất của dân chủ cũng như vai trò của đảng chính trị và bầu cử đối với nền dân chủ, Indonesia đã từng bước xây dựng và phát triển nền dân chủ. Một trong những biểu hiện cụ thể đó là tổ chức các bầu cử. Từ năm 1945 đến nay, Indonesia đã tổ chức 12 cuộc bầu cử để bầu ra các cơ quan lập pháp. Trong thời kỳ Trật tự cũ, Indonesia đã tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1955. Sau đó, trong thời kỳ Trật tự mới, Indonesia đã tổ chức được các cuộc bầu cử vào các năm 1971, 1977, 1982, 1987, 1992 và 1997. Cuối cùng, trong thời kỳ Dân chủ hóa, Indonesia đã tổ chức được các cuộc bầu cử vào các năm 1999, 2004, 2009, 2014 và 2019. Qua các cuộc bầu cử này, nhiều đảng chính trị Indonesia đã ra đời và khẳng định được vai trò của nó trong hệ thống chính trị Indonesia. Tuy nhiên, cũng có nhiều đảng chính trị đã không còn tồn tại nữa sau các cuộc bầu cử đó. Do vậy, có thể thấy quá trình dân chủ ở Indonesia đã được thể hiện qua các cuộc bầu cử nhưng ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào chính sách của chính quyền thời điểm đó.

Để làm rõ vị trí và vai trò các đảng chính trị Indonesia trong giai đoạn 1945 đến 2019, bài viết sẽ nghiên cứu theo 3 thời kỳ: (1) thời kỳ Trật tự cũ, (2) thời kỳ Trật tự mới và (3) thời kỳ Dân chủ hóa. Ở từng thời kỳ, bài viết xem xét sự tồn tại và vai trò của các đảng chính trị Indonesia qua các cuộc bầu cử cũng như sự tham gia của nó trong các cơ quan lập pháp Indonesia. Bên cạnh đó, bài viết cũng xem xét quá trình dân chủ của Indonesia qua các cuộc bầu cử trong 3 thời kỳ trên.

NỘI DUNG CHÍNH

Các đảng chính trị Indonesia thời kỳ trước độc lập

Thời kỳ thuộc địa Hà Lan đánh dấu sự ra đời của các đảng chính trị đầu tiên ở Indonesia. Trong giai đoạn này, các lực lượng chính trị đã lớn mạnh, bắt đầu tập hợp thành các tổ chức, sau đó phân cực và thể chế hóa. Các đảng chính trị ở Indonesia xuất hiện cùng thời điểm với phong trào giải phóng dân tộc lớn mạnh, đánh dấu kỷ nguyên thức tỉnh dân tộc. Nhiều tổ chức mới khác nổi lên như một diễn đàn cho các phong trào đấu tranh giành độc lập. Về nguồn gốc ra đời của các đảng chính trị ở Indonesia, các nhà nghiên cứu cho rằng có sự khác biệt so với các nước châu Âu. Ở châu Âu, các đảng chính trị phát triển như một biểu hiện của xung đột ý thức hệ, cụ thể là xung đột giữa xu hướng tự do và xu hướng bảo thủ, giữa Chủ nghĩa xã hội với Chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, ở Indonesia, tổ chức xã hội là phôi thai của đảng chính trị. Điều này được nêu trong Điều 111 Quy định của chính phủ (Regelingsreglemen) [ 4 , tr.72].

Trong thời kỳ này, có một số tổ chức xã hội lần lượt ra đời như Budi Utomo (Nỗ lực thanh cao) , Indische Partij ( đảng Ấn ) và các tổ chức tôn giáo như Sarekat Dagang Islam (Liên minh các thương nhân Islam giáo, Sarekat Islam (Liên minh Islam giáo) . Tất cả những tổ chức này đều có vai trò nhất định trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Indonesia. Lực lượng lãnh đạo phong trào dân tộc giai đoạn này thuộc về giới tri thức trẻ mà lúc đầu đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Một số trí thức Indonesia đi du học và tiếp thu tư tưởng phương Tây đã thành lập ra những tổ chức trên. Budi Utomo là tổ chức đầu tiên ra đời, phát triển trong giới trí thức dưới hình thức câu lạc bộ nghiên cứu. Đây là tổ chức của giới trí thức và tầng lớp quý tộc bên dưới của cộng đồng người Java. Mục đích thành lập Budi Utomo là tìm kiếm sự phát triển hài hòa cho đất nước bằng cách thúc đẩy giáo dục, nông nghiệp, chăn nuôi, thương mại, kỹ thuật và công nghiệp cũng như văn hóa. Budi Utomo hoạt động chủ yếu ở khu vực Java và Madura với chủ trương không tham gia vào các hoạt động chính trị 5 .

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự xuất hiện của các tổ chức khác như Sarekat Islam Indische Partij đã ảnh hưởng đến sự phát triển của Budi Utomo do nó không đáp ứng được những yêu cầu của thời đại [ 6 , tr.17]. Sarekat Islam Indische Partij có thể được xem là hai đảng chính trị đầu tiên ở Indonesia. Sarekat Dagang Islam do giới thương nhân và tư sản công nghiệp Indonesia lãnh đạo, còn Sarekat Islam ra đời sau do tầng lớp trí thức tiểu tư sản có xu hướng tiến bộ lãnh đạo. Sarekat Islam thể hiện rõ vai trò là một đảng chính trị kể từ năm 1912 dưới thời H. O. S Tjokroaminoto vì ở thời điểm đó, mục tiêu của đảng này là hướng vào chủ nghĩa dân tộc [ 7 , tr. 191]. Trong khi đó, mục tiêu của Indische Partij là muốn Indonesia thoát khỏi sự đô hộ của Hà Lan, dưới sự lãnh đạo của giới trí thức tiểu tư sản tiến bộ. Tuy nhiên, Indische Partij chỉ tồn tại được 8 tháng vì bộ 3 lãnh đạo – Douwes Dekker, Cipto Mangunkusumo và Suwardi Suryaningrat – lần lượt bị bắt và bị đày đến Kupang, Banda và Bangka, sau đó bị đưa sang Hà Lan [ 8 , tr.4]. Vì nhận thấy có nhiều thành viên cấp tiến trong Indische Partij cũng như lo sợ lập trường cấp tiến của bộ 3 lãnh đạo nên chính quyền thuộc địa Hà Lan đã kiên quyết không công nhận tư cách pháp nhân là một đảng chính trị theo lời đề nghị của các tổ chức này vào ngày 4 tháng 3 năm 1913 9 . Việc lưu đày các nhà lãnh đạo của Indische Partij đến Hà Lan đã làm cho tổ chức này yếu dần đi. Sau đó, Indische Partij đã đổi tên thành Insulinde . Sự lớn mạnh của Sarekat Islam về sau cũng là nguyên nhân làm cho Insulinde yếu hơn. Năm 1918, Douwes Dekker từ Hà Lan trở về nhưng vẫn không thể vực dậy được hoạt động của Insulinde . Do vậy, năm 1919 tổ chức này đã đổi tên thành National Indische Partij 9 . Do chưa có dấu ấn gì trên chính trường Indonesia nên National Indische Partij dần dần mất chỗ đứng trong nhân dân và cuối cùng tan rã.

Một trong những tổ chức quan trọng thời kỳ này là Liên minh xã hội dân chủ Ấn (Indische Social - Democratisch Vereeniging - ISDV) ở Semarang. Thành viên của tổ chức này bao gồm những người theo chủ nghĩa xã hội Hà Lan cả cánh tả và cánh hữu. Tuy nhiên, quyền lãnh đạo thuộc về cánh tả, trong đó có H. Sneevliet, A. Baars, v.v.. Dần dần, tổ chức này đã thu hút được giới trí thức tiến bộ và giai cấp vô sản ở Indonesia. Tổ chức này đã thiết lập mối quan hệ với Sarekat Islam. Năm 1920, lực lượng cánh tả của ISDV đã tách ra để thành lập Đảng Cộng sản Indonesia (PKI). Sau đó, đến năm 1927, Đảng Quốc gia Indonesia (PNI) ra đời do Soekarno lãnh đạo.

Hoạt động của các đảng chính trị Indonesia thời kỳ trước độc lập bắt đầu suy giảm từ năm 1930 do Chính quyền thuộc địa Hà Lan thi hành các chính sách đàn áp. Toàn quyền Hà Lan đã từ chối công nhận các tổ chức phong trào theo chủ nghĩa dân tộc. Chính sách đàn áp này được hậu thuẫn bởi các quy định tại các Điều 35, 36, 37 và 38 trong Hiến pháp của chính quyền Đông Ấn Hà Lan ( Indische Staatsregeling ). Cụ thể là Ngài Toàn quyền Hà Lan có quyền “cách ly” đối với những người bị xem là gây nguy hiểm cho an ninh trật tự. Các đảng chính trị cũng bị Cơ quan tình báo chính trị (Politieke Inlichtingen Dienst) lúc bấy giờ giám sát chặt chẽ [ 10 , tr. 6-8].

Do quyết tâm thực hiện ý tưởng giành độc lập cho Indonesia nên các tổ chức đảng chính trị Indonesia đã chuyển sang hướng liên minh. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc không chỉ ở Indonesia mà còn xuất hiện ở nhiều nơi khác trong khu vực Đông Nam Á. Liên minh chính trị Indonesia (GAPI) đầu tiên ra đời vào năm 1934, ban đầu chỉ gồm thành viên của các đảng chính trị như Đảng Quốc gia Indonesia (PNI), Đảng Indonesia vĩ đại (Parindra), Đảng phong trào nhân dân Indonesia (Gerindo), Đảng phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra), Đảng liên minh Islam Indonesia (PSII). Đây là liên minh của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc [ 11 , tr.188-189]. Sau đó, trong Đại hội tháng 12 năm 1939, thành viên của liên minh này đã được mở rộng hơn 5 , 12 . Từ đó, Ủy ban Nhân dân Indonesia (KRI) được thành lập, bao gồm Liên minh Chính trị Indonesia, Hội đồng Islam giáo (MIAI) và Hội đồng Nhân dân Indonesia (MRI) [ 11 , tr.189].

Vào thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản, mọi hoạt động của các đảng chính trị đều bị cấm nhưng chỉ có các nhóm Islam giáo được tự do thành lập Đảng Hội đồng cố vấn Islam Indonesia (Masyumi) và hoạt động tích cực hơn trong lĩnh vực xã hội [ 11 , tr.189]. Có thể thấy đây là “thiện chí” của Nhật Bản để chứng tỏ rằng họ không bài Islam giáo. Người Nhật muốn “lấy lòng” người Indonesia vì Indonesia là một nước có đa số người dân theo Islam giáo.

Như vậy, ự xuất hiện của các đảng chính trị Indonesia thời kỳ trước độc lập đánh dấu sự ra đời của kỷ nguyên thức tỉnh dân tộc. Các đảng chính trị này dựa trên các hệ tư tưởng khác nhau nhưng có chương trình hành động và khát vọng giống nhau là nhằm giành độc lập cho Indonesia. Ngoài ra, các đảng chính trị còn có nhiệm vụ tìm kiếm và đào tạo các nhà chính trị đủ phẩm chất, tài năng để đại diện nhân dân trở thành thành viên của Hội đồng nhân dân ( Volksraad ) lúc bấy giờ. Nhìn chung, trong thời kỳ này các đảng chính trị Indonesia đều có vai trò nhất định trong phong trào đấu tranh giành độc lập và có điểm chung là tất cả các đảng chính trị đều không được chính quyền thuộc địa Hà Lan công nhận.

Các Đảng chính trị Indonesia thời kỳ sau độc lập

Indonesia tuyên bố độc lập ngày 17 tháng 8 năm 1945. Vào ngày 18 tháng 8 năm 1945, Ủy ban trù bị độc lập Indonesia (PPKI) đã tổ chức một phiên họp mà mục đích chính là phê chuẩn Hiến pháp 1945 (UUD 1945) làm Hiến pháp chính thức của nước Cộng hòa Indonesia. Tuy Hiến pháp 1945 không có quy định nào về đảng chính trị nhưng trong đó có Điều 28 nêu rõ “ Quyền tự do lập hội, hội họp, bày tỏ quan điểm bằng lời nói và bằng văn bản, v.v. do pháp luật quy định .” Có ý kiến ​​cho rằng quy định này không đảm bảo hiến pháp vì quyền tự do lập hội, hội họp cũng như bày tỏ quan điểm chỉ tồn tại nếu được pháp luật quy định [ 13 , tr.769-777]. Quy định này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình các đảng chính trị thời kỳ này.

Thời kỳ Trật tự cũ

Giai đoạn Dân chủ tự do (1950 – 1959)

Các đảng chính trị qua các thời kỳ đều có đặc điểm riêng và chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là yếu tố chính trị. Vào ngày 22 tháng 8 năm 1945, Ủy ban trù bị độc lập Indonesia tổ chức một cuộc họp và một trong những quyết định đáng chú ý là thành lập Đảng Quốc gia Indonesia (PNI). Đảng Quốc gia Indonesia dự kiến ​​sẽ trở thành đảng quốc gia duy nhất và là đảng tiên phong trong đời sống dân tộc Indonesia. Quyết định này được thực hiện sau khi chuẩn bị thành lập Đảng Quốc gia Indonesia ở các khu vực. Tuy nhiên, vào ngày 31 tháng 8 năm 1945, một Nghị định của Chính phủ được ban hành đã trì hoãn mọi hoạt động chuẩn bị thành lập Đảng Quốc gia Indonesia với tư cách là một đảng duy nhất. Điều này nhằm tập trung sự chú ý vào vai trò của Ủy ban Quốc gia Trung ương Indonesia (Komite Nasional) vì vị trí của nó được coi là rất quan trọng [ 14 , tr. 49-50].

Ý tưởng về một đảng duy nhất phù hợp với quan điểm của ông Soekarno từ trước khi giành độc lập. Ông Soekarno đã đưa ra sự cần thiết của một đảng tiên phong thông qua bài viết có tựa đề “ Mentjapai Indonesia Merdeka ” (Tiến đến Indonesia độc lập) vào năm 1933 [ 15 , tr. 282-284]. Theo Maswadi Rauf, ông Soekarno là người phản đối mô hình về hệ thống đa đảng và hệ thống dân chủ nghị viện của phương Tây bởi ông cho rằng đa đảng sẽ “làm suy yếu” cuộc đấu tranh chống thực dân và nỗ lực giành độc lập, đa đảng là nguồn gốc của sự chia rẽ [ 16 , tr.10-11]. Quan điểm một đảng của ông Soekarno trái ngược với quan điểm của ông Sjahrir vốn phản đối hệ thống một đảng. Theo ông Sjahrir, nếu vậy thì đảng giống như một công cụ để kiểm soát và kỷ luật những người có quan điểm khác biệt hơn [ 17 , tr. 180-181].

Thông báo số 3 của Ban hành chính thuộc Ủy ban Quốc gia Trung ương Indonesia (BP KNIP) nêu rõ việc thành lập Đảng Quốc gia Indonesia vào thời điểm đó là cần thiết để đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, những người theo phe đối lập với Tổng thống Soekarno cho rằng tổ chức đáp ứng được mục tiêu đó chỉ có thể là Ủy ban Quốc gia, mà sau đó được đổi tên thành Cơ quan đại diện nhân dân từ ngày 16 tháng 10 năm 1945 [ 18 , tr. 60]. Điều này phù hợp với tinh thần đề cao các nguyên tắc dân chủ, tạo cơ hội cho người dân thành lập các đảng chính trị. Sự tồn tại của các đảng chính trị sẽ làm cho việc đánh giá sức mạnh của cuộc đấu tranh trở nên dễ dàng hơn và buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, ngày 03 tháng 11 năm 1945, theo đề nghị của Ban hành chính thuộc Ủy ban Quốc gia Trung ương Indonesia, chính phủ đã ban hành sắc lệnh tuyên bố chính phủ ủng hộ việc thành lập các đảng chính trị để chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc bầu cử sắp tới. Sắc lệnh này do Phó Tổng thống ký vì thời điểm này Tổng thống Soekarno đang có chuyến công du nước ngoài [ 13 , tr. 177]. Việc thành lập các đảng chính trị này nhằm bảo vệ nền độc lập và đảm bảo an ninh quốc gia. Kể từ đó, các đảng chính trị Indonesia cũng được coi là công cụ của nhà nước. Tuy nhiên, đây có thể được xem là một cột mốc đánh dấu quá trình dân chủ hóa đảng chính trị ở Indonesia và chính thức thừa nhận hệ thống đa đảng trong chính phủ.

Như vậy, vai trò của các đảng chính trị ngày càng mang tính chiến lược vì nó là thành viên của Ủy ban Quốc gia Trung ương Indonesia nên có quyền hạn lớn. Các đảng chính trị rất đa dạng. Năm 1951, theo Bộ Thông tin Indonesia, các đảng chính trị có thể được phân loại theo nền tảng tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Mác, v.v.. Ngoài ra, Feith và Castles (1993), còn phân loại các đảng chính trị Indonesia dựa trên 5 hệ tư tưởng chính, đó là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa truyền thống Java và chủ nghĩa Islam giáo (Masyumi và NU) 2 . Sự hình thành và phát triển của các đảng chính trị cũng như hệ thống đảng chính trị hoàn thiện từ sau khi giành độc lập đã làm cho cuộc bầu cử năm 1955 thành công. Cuộc bầu cử năm 1955 là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức ở Indonesia, cụ thể là dưới thời nội các Burhanudin Harahap. Cuộc bầu cử năm 1955 dựa trên nguyên tắc trực tiếp, phổ thông, tự do, bí mật và đoàn kết. Với nguyên tắc đoàn kết này, mọi cá nhân đều có quyền và địa vị bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, trong cuộc bầu cử năm 1955, tất cả các đại diện của nhân dân đều được bầu thông qua bầu cử và không có ai được bổ nhiệm [ 19 , tr.168].

Kết quả thống kê cho thấy trong cuộc bầu cử năm 1955 có 172 đảng chính trị tham gia. Dựa trên hệ tư tưởng , các nhà nghiên cứu cho rằng có 5 nhóm đảng chính trị, bao gồm: (1) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc như: Đảng Quốc gia (PNI), Đảng Liên minh ủng hộ Indonesia độc lập (IPKI), Đảng Bảo vệ Pancasila (GPP),…; (2) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa Islam như Đảng Hội đồng cố vấn Islam Indonedia (Masyumi), Đảng Phục hưng giáo sĩ (NU), Đảng Liên minh Islam Indonesia (PSII),…; (3) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa cộng sản như Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) và Đảng Cộng sản trẻ (ACOMA); (4) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa xã hội như Đảng Chủ nghĩa xã hội Indonesia (PSI), Đảng Hiệp thương nhân dân (Murba), Đảng Thống nhất hân dân ông thôn (PRD),…; (5) Nhóm các đảng chính trị theo Thiên chúa giáo/Kitô giáo như Đảng Thiên chúa giáo Indonesia (Parkindo), Đảng Công giáo (PK) [ 20 , tr.43].

Table 1 Kết quả cuộc bầu cử năm 1955 21

Qua kết quả bầu cử trong Table 1 , có thể nhận thấy trong cuộc bầu cử năm 1955, có 4 đảng lớn nổi lên với tỷ lệ phiếu bầu trên 10%, cách xa với các đảng còn lại, cụ thể là Đảng PNI chiếm vị trí thứ nhất, Đảng MASYUMI chiếm vị trí thứ 2, Đảng NU chiếm vị trí thứ 3 và Đảng PKI chiếm vị trí thứ 4. Đảng PNI giành được số phiếu nhiều nhất trong cuộc bầu cử năm 1955 là nhờ có chiến lược rõ ràng. Chiến lược này hướng đến việc củng cố cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cánh đảng từ trung ương đến địa phương. Các cánh đảng này như phong trào thanh niên, nông dân, phụ nữ, nhân viên và công nhân hoạt động ở khắp mọi nơi nên đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng.

Như vậy, tỷ lệ phiếu đạt được của các đảng chính trị này khá sát sao và cũng không có đảng chính trị nào đạt được tỷ lệ trên 50% để thành lập chính phủ. Điều này cũng gây ra sự bất ổn trong chính p do các đảng này phải tìm các đảng khác để liên minh thành lập chính phủ. Có thể thấy kết quả của cuộc bầu cử năm 1955 chưa đáp ứng được kỳ vọng của các bên nên Tổng thống Soekarno đã chỉ trích Thông báo X và cho rằng hệ thống đa đảng này không phù hợp với tinh thần của Lời thề Thanh niên (Sumpah Pemuda) vì gây ra sự bất ổn trong chính phủ. Tại Đại hội Liên đoàn giáo viên ngày 30 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Soekarno đã đề nghị lãnh đạo các đảng chính trị thương lượng sáp nhập hoặc giải tán. Quan điểm này bị Natsir phản đối vì theo ông, nền dân chủ còn tồn tại, các đảng chính trị cũng sẽ tồn tại và ngược lại. Có thể nói dân chủ ở Indonesia trong thời kỳ này được thể hiện qua việc các đảng chính trị được tự do thành lập và hoạt động cũng như tham gia bầu cử. Theo Cục Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), cuộc bầu cử 1955 là cuộc bầu cử duy nhất trong thời kỳ Soekarno có sự tham dự của 118 ứng cử viên của 36 đảng chính trị, 34 tổ chức cộng đồng và 48 ứng cử viên cá nhân để giành ghế trong Hạ viện (DPR). Tuy nhiên, do các đảng chính trị thời kỳ này có xu hướng đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích của quốc gia nên đã dẫn đến xung đột lợi ích nhóm giữa các đảng và làm mất lòng tin của người dân. Do vậy, chỉ trong thời gian 9 năm mà chính phủ đã 7 lần thay đổi nội các. Tuy nhiên, hệ thống đa đảng dường như không hoạt động tốt. Các đảng chính trị không thực hiện được chức năng của mình, không hoàn thành chương trình hành động. Kết quả, thời kỳ dân chủ tự do kết thúc bằng Sắc lệnh ngày 5 tháng 7 năm 1959 và tiếp tục với nền Dân chủ có chỉ đạo [ 11 , tr.189].

Thời kỳ này, có nhiều đảng chính trị được thành lập và đưa Indonesia trở lại hệ thống đa đảng. Cuộc bầu cử năm 1955 đã cho ra đời 4 đảng chính trị lớn, đó là: Đảng Masyumi, Đảng PNI, Đảng NU và Đảng PKI. Giai đoạn 1950-1959 được coi là giai đoạn hoàng kim của các đảng chính trị bởi vì vai trò quan trọng của nó trong chính phủ thông qua hệ thống nghị viện. Tuy trong thời kỳ này, các đảng chính trị Indonesia muốn mang lại bầu chính trị dân chủ nhưng Tổng thống Soekarno lại muốn thâu tóm quyền lực. Điều này dẫn đến mâu thuẫn và Tổng thống Soekarno đã tiến hành củng cố quyền lực bằng biện pháp độc đoán.

Giai đoạn Dân chủ có chỉ đạo (1959 – 1967)

Với Sắc lệnh của Tổng thống ngày 5 tháng 7 năm 1959, Tổng thống Soekarno đã giải tán Quốc hội Lập hiến vì cho rằng không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hiến pháp và ban hành lại Hiến pháp 1945, đồng thời cũng cho thành lập Hội đồng hiệp thương nhân dân lâm thời (MPRS), Hạ viện hợp tác (DPR GR) và Hội đồng cố vấn quốc gia (DPA). Có thể nói, đây là giai đoạn nổi bật trong thời kỳ Trật tự cũ vì nó đánh dấu sự chuyển tiếp từ nền dân chủ tự do sang nền dân chủ có chỉ đạo hay sự chuyển tiếp từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn này, nếu đảng chính trị nào muốn tham gia vào chính phủ thì đảng đó phải thể hiện lòng trung thành với Tổng thống Soekarno. Tổng thống Soekarno ban hành Sắc lệnh Tổng thống số 7 năm 1959 để sáp nhập các đảng chính trị. Sau đó, ông ban hành Sắc lệnh của Tổng thống số 128 và 129 năm 1961. Sắc lệnh 128 của Tổng thống chỉ công nhận 8 đảng chính trị là Đảng PNI, Đảng NU, Đảng PKI, Đảng Công giáo, Đảng Indonesia, Đảng Murba, Đảng PSII và Đảng IPKI. Sắc lệnh 129 của Tổng thống không công nhận Đảng PSII Abikoesno, Đảng Nhân dân Quốc gia Tự do Daeng Lalo, và Đảng Nhân dân Quốc gia của Djodi Gondokusumo. Đảng Parkindo và đảng Perti đã được công nhận thông qua Sắc lệnh 440 của Tổng thống năm 1961 [ 22 , tr.201-208].

Qua các sắc lệnh đó, có thể thấy rằng vai trò của các đảng chính trị trong giai đoạn này hầu như đã bị suy giảm hoặc thậm chí một số đảng chính trị đã bị triệt tiêu. Trong khi đó, vai trò của Tổng thống lại được thể hiện rất mạnh mẽ. Chính quyền lúc bấy giờ đã sử dụng NASAKOM (Chủ nghĩa Quốc gia, Tôn giáo và Chủ nghĩa Cộng sản) làm kim chỉ nam cho hệ thống chính trị. Vì vậy, chỉ có những đảng chính trị đại diện cho 3 nhân tố trên như Đảng PNI, Đảng NU và Đảng PKI mới giữ vai trò quan trọng và ngày càng lớn mạnh [ 11 , tr.190].

Kể từ khi Indonesia độc lập vào năm 1945, cuộc bầu cử 1955 là trải nghiệm đầu tiên của nền chính trị quốc gia trong quá trình thực hiện dân chủ. Đây còn là sự đồng thuận toàn dân lần đầu tiên đạt được trong thời kỳ hậu cách mạng dân tộc. Cuộc bầu cử năm 1955 có thể được coi là một cuộc bầu cử dân chủ vì có sự tham gia của nhiều đảng chính trị, người dân thực hiện quyền bầu cử của mình, tạo ra được cơ quan lập pháp và có một cơ quan tổ chức bầu cử độc lập. Ngoài ra, trong thời kỳ Trật tự cũ, đặc biệt thời kỳ Dân chủ có chỉ đạo, mặc dù tồn tại nhiều đảng chính trị nhưng hầu hết các đảng chính trị không có vai trò đáng kể. Sự hiện diện của các đảng chính trị trong thời kỳ này chỉ đáp ứng vấn đề về số lượng, mục đích để chứng tỏ Indonesia đang chuyển mình sang thời kỳ dân chủ. Trên thực tế, tất cả quyền lực chính trị ở Indonesia trong thời kỳ này đều tập trung vào tay Tổng thống Soekarno.

Thời kỳ Trật tự mới

Trong thời Trật tự mới, có 6 cuộc bầu cử được tổ chức, cụ thể vào các năm 1971, 1977, 1982, 1987, 1992 và 1997. Các cuộc bầu cử đều do Viện Tổng tuyển cử (LPU) thực hiện và do Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì. Do chỉ có cuộc bầu cử năm 1971 là có sự khác biệt về số lượng đảng chính trị tham gia và kết quả còn các cuộc bầu cử còn lại thì số lượng đảng chính trị và kết quả đều tương tự nhau, nên trong thời kỳ Trật tự mới, bài viết chỉ phân ra thành 2 nội dung, đó là (1) các đảng chính trị Indonesia trong cuộc bầu cử 1971 và (2) các đảng chính trị Indonesia trong các cuộc bầu cử từ năm 1977 đến năm 1997.

Các đảng chính trị Indonesia trong cuộc bầu cử 1971

Cuộc tổng tuyển cử năm 1971 là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức dưới thời Tổng thống Soeharto. Sau thất bại của phong trào 30 tháng 9 năm 1965 (G30S), đời sống chính trị Indonesia đã trải qua những thay đổi căn bản và mạnh mẽ. Thứ nhất là kết thúc sự lãnh đạo của Tổng thống Soekarno và sự sụp đổ của chế độ hệ thống chính trị Dân chủ có chỉ đạo; thứ hai là vai trò của lực lượng vũ trang Indonesia (ABRI) ngày càng tăng và thứ ba là sự ra đời của chế độ Trật tự mới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Soeharto hay hệ thống chính trị Dân chủ Pancasila.

Khi Soeharto lên cầm quyền, nền chính trị Indonesia có nhiều thay đổi, trong đó có vấn đề đảng chính trị [ 23 , tr.202]. Hệ thống đa đảng vẫn được duy trì vào thời kỳ này, nhưng thực chất chỉ có một đảng chính trị liên tục cầm quyền, đó là Đảng Liên minh các nhóm chức năng (GOLKAR). Chính quyền Trật tự mới chủ yếu dựa vào Đảng GOLKAR vì đây là cánh tay nối dài của lực lượng vũ trang Indonesia. Đảng này đã tận dụng, khai thác mọi nguồn lực mà các đảng chính trị khác chưa thực hiện được, thậm chí tranh thủ dành mọi nguồn lực từ các tổ chức, cơ quan cũng như lôi kéo nhân dân đứng về phía mình. Do đó, sự ủng hộ của nhân dân đối với các đảng chính trị khác đã giảm sút. Điều này đã được chứng minh qua kết quả của cuộc bầu cử năm 1971, Đảng GOLKAR đã giành chiến thắng với tỉ lệ cao 58, 66% so với các đảng khác và chính thức bước vào hệ thống chính trị Indonesia.

Thách thức đầu tiên của chính quyền Trật tự mới là tái cấu trúc chính trị thông qua bầu cử. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ ràng về bầu cử, nên mãi đến năm 1971, cuộc bầu cử mới được diễn ra. Tham gia cuộc bầu cử này có 9 đảng chính trị và Đảng GOLKAR. Đảng GOLKAR đã tập hợp hơn 300 tổ chức phi chính trị và họ đã góp phần vào quá trình cải cách chính quyền Trật tự mới. Đảng GOLKAR đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Indonesia tham gia vào chính trường. Điều này được nhìn thấy thông qua việc phần lớn lãnh đạo của đảng GOLKAR thuộc lực lượng vũ trang Indonesia đang đương nhiệm, mặc dù có quy định khi trở thành thành viên của Đảng GOLKAR, những người này không còn giữ chức vụ trong lực lượng vũ trang.

Table 2 Kết quả cuộc bầu cử năm 1971 24

Qua kết quả bầu cử trong Table 2 , có thể thấy Đảng GOLKAR đã giành chiến thắng thuyết phục. Số phiếu của Đảng GOLKAR giành được vượt xa so với tổng số phiếu bầu của 9 đảng còn lại cộng lại. Các đảng còn lại đạt được số phiếu rất ít và có khoảng cách khá xa với Đảng GOLKAR, trong số đó chỉ có Đảng NU giành được 10.213.650 số phiếu bầu, chiếm tỷ lệ 18,68%. Có thể lý giải được kết quả đó là vì: (1) đảng GOLKAR do chính quyền Trật tự mới thành lập, (2) đảng GOLKAR được chính quyền bảo trợ và ưu ái nhằm phục vụ lợi ích cho Tổng thống. Điều này cho thấy rằng mặc dù hệ thống đa đảng trong hệ thống chính trị Indonesia vẫn được áp dụng nhưng thực chất chính quyền muốn tập trung quyền lực vào một đảng nhất định nhằm dễ dàng kiểm soát chính trị và thao túng quyền lực.

Các nhà nghiên cứu cho rằng bằng cách này, đảng GOLKAR đã kiểm soát được đa số ghế trong Hạ viện (DPR), điều chưa từng xảy ra khi Indonesia còn ở chế độ nghị viện (Quốc hội). Mặt khác, các đảng chính trị buộc phải miễn cưỡng chấp nhận tư cách đảng nhỏ. Với cơ cấu quyền lực cân bằng như vậy, bất cứ điều gì đảng GOLKAR mong muốn trong cơ quan lập pháp Hạ viện (DPR) cũng đều có thể dễ dàng thực hiện được, cả trong việc xây dựng luật và thực hiện các chức năng kiểm soát đối với cơ quan hành pháp. Đây là một trong những chiến lược chính trị đa số được chính đảng GOLKAR theo đuổi với quan điểm chính trị theo nhiều cách khác nhau và đã đạt được thành công [ 25 , tr.314-315].

Các đảng chính trị Indonesia trong các cuộc bầu cử từ năm 1977 đến 1997

Sau cuộc bầu cử năm 1971, chính quyền Trật tự mới đã tiến hành kiểm soát và giảm số lượng đảng chính trị trong hệ thống chính trị Indonesia cho đến cuộc bầu cử năm 1997. Năm 1974, Tổng thống Soeharto đã thực hiện việc tái cơ cấu các đảng chính trị, mục đích là nhằm giảm số lượng các đảng chính trị ở Indonesia để dễ kiểm soát tình hình và thực hiện chính sách độc tài của mình. Chính quyền Trật tự mới đã tiến hành giảm số lượng cũng như loại bỏ nhiều đảng chính trị qua chính sách sáp nhập các đảng chính trị dựa trên việc phân loại hệ tư tưởng của các đảng chính trị theo Đạo luật số 3 được ban hành năm 1975.

Kết quả là 9 đảng khác ngoài đảng GOLKAR đã bị sáp nhập lại thành 2 đảng mới, đó là (1) Đảng thống nhất phát triển (PPP) và (2) Đảng Dân chủ Indonesia (PDI). Đảng Thống nhất phát triển (PPP) được thành lập dựa trên kết quả sự sáp nhập các đảng Islam giáo như Đảng NU, Đảng Parmusi, Đảng PSII, và Đảng Perti. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Indonesia (PDI) được thành lập dựa trên kết quả sự sáp nhập các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và phi Islam giáo như Đảng PNI, Đảng Parkindo, Đảng Công giáo, Đảng IPKI và Đảng Murba [ 26 , tr.437]. Vì vậy, cuộc bầu cử thứ 2 dưới chế độ Trật tự mới chỉ có 3 đảng tham gia tranh cử, đó là Đảng GOLKAR, Đảng PPP và Đảng PDI. Do vậy, kết quả của cuộc bầu cử năm 1977 không khác nhiều so với cuộc bầu cử năm 1971, Đảng GOLKAR đã giành chiến thắng tuyệt đối với tỷ lệ 62,11%, tiếp theo là Đảng PPP với tỷ lệ 29,9% và Đảng PDI với tỷ lệ 8,6%.

Table 3 Kết quả bầu cử trong giai đoạn 1977-1997 27

Qua kết quả các cuộc bầu cử trong Table 3 , có thể thấy rằng trong các cuộc bầu cử từ năm 1977 đến 1997, mặc dù Indonesia áp dụng hệ thống đa đảng nhưng thực tế chỉ có 3 đảng chính trị, đó là Đảng GOLKAR, Đảng PPP, và Đảng PDI tồn tại và tham gia tranh cử. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng đó là lý do kết quả các cuộc bầu cử đều giống nhau từ năm 1977 đến 1997 [ 11 , tr.191]. Đảng GOLKAR luôn giành chiến thắng áp đảo và chiếm số ghế nhiều nhất trong Hạ viện (DPR).

Có thể thấy rằng chiến thắng của Đảng GOLKAR trong các cuộc bầu cử từ năm 1977 đến 1997 là nhờ vào các chiến lược mà đảng này đã đưa ra. Cụ thể, (1) gắn liền với lợi ích của giới tinh hoa chính trị ở Indonesia, (2) ủng hộ chính quyền, ủng hộ quân đội, (3) thu hút quần chúng với khẩu hiệu là lực lượng tiên phong trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt tiếp cận với các trường nội trú Islam giáo và các chức sắc Islam giáo có tầm ảnh hưởng rộng đến cộng đồng Islam giáo ở Indonesia. Với những chiến lược này, các nhà nghiên cứu cho rằng Đảng GOLKAR đã phát huy tối đa sức mạnh và quyền hạn của mình. Điều đó thể hiện qua số phiếu bầu của Đảng GOLKAR tăng liên tục qua các cuộc bầu cử. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng chiến thắng của Đảng GOLKAR cũng đồng nghĩa là chiến thắng của Tổng thống Soeharto [ 5 , tr.35].

Như vậy, trong thời kỳ Trật tự mới, mặc dù Indonesia vẫn áp dụng hệ thống đa đảng nhưng thực tế phần lớn quyền lực chỉ tập trung vào đảng GOLKAR, trong khi các đảng khác bị chính quyền hạn chế. Điều này có thể được thấy rõ qua việc những thành viên của đảng GOLKAR được ưu ái cho giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Mức độ dân chủ trong thời kỳ Trật tự mới thể hiện qua các cuộc bầu cử được thực hiện theo phương thức đại diện tỉ lệ. Trong thời kỳ này, chính quyền Soeharto đã tổ chức thành công các cuộc bầu cử vào các năm 1971, 1977, 1982, 1987, 1992, và 1997. Nhiều đảng chính trị đã tham gia vào các cuộc bầu cử đó nhưng chiến thắng luôn thuộc về Đảng GOLKAR. Do vậy, có thể thấy rằng mặc dù các cuộc bầu cử thời kỳ này được cho là tổ chức một cách dân chủ nhưng thực chất là phi dân chủ.

Thời kỳ Dân chủ hóa

Thời kỳ Dân chủ hóa ở Indonesia được đánh dấu bằng sự sụp đổ của chế độ Trật tự mới, Tổng thống Soeharto từ chức và chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho Phó Tổng thống BJ Habibie sau làn sóng cải cách do sinh viên khởi xướng. Đảng GOLKAR giữ vai trò lãnh đạo duy nhất trong chế độ Trật tự mới đã không thể cầm cự được. Tổng thống B.J. Habibie thành lập chính phủ cải cách và tuyên bố đẩy nhanh cuộc bầu cử tổ chức năm 1999 thay vì dự kiến vào năm 2003 [ 28 , tr.81].

Sau khi chế độ Trật tự mới sụp đổ, hệ thống đa đảng ở Indonesia đã dần đi vào thực chất hơn. Điều này được thấy qua các cuộc bầu cử được tiến hành trực tiếp với sự tham gia của nhiều đảng chính trị. Tiếp theo đó là các cuộc bầu cử Tổng thống và người đứng đầu khu vực cũng được tiến hành trực tiếp từ năm 2004 đến 2019.

Các đảng chính trị Indonesia trong cuộc bầu cử năm 1999

Cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 đã kéo theo sự khủng hoảng kinh tế và chính trị ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó nặng nề nhất là Indonesia. Cuộc khủng hoảng này đã định hình lại hệ thống chính trị ở Indonesia. Năm 1998, Tổng thống Soeharto từ chức và trao quyền lại cho phó Tổng thống B.J. Habibie, điều này đồng nghĩa với việc chế độ Trật tự mới đã sụp đỗ. Thời gian đó, cải cách chính trị đã trở nên nóng bỏng trong chương trình nghị sự của các thành phần xã hội, đặc biệt sinh viên. Thay đổi có thể nhận thấy rõ nhất là tính đa đảng đã được thực hiện trong hệ thống chính trị Indonesia.

Năm 1999, một cuộc bầu cử được tổ chức với mục đích giành được tính hợp pháp của người dân cho chính phủ vốn đã bị mất do người dân không tin tưởng vào chính phủ Soeharto. Cuộc bầu cử này rất khác so với cuộc bầu cử thời Trật tự mới, đặc biệt là về số lượng người tham gia bầu cử. Ngày 01 tháng 02 năm 1999, Hạ viện (DPR) đã phê chuẩn 3 Đạo luật mới và được Tổng thống Habibie ký ban hành liên quan đến các đảng chính trị, bầu cử cũng như thành phần và vị trí của Hội đồng hiệp thương nhân dân (MPR), Hạ viện (DPR) và Hội đồng nhân dân địa phương (DPRD). Sự ra đời của các Đạo luật chính trị này đã khiến đời sống chính trị ở Indonesia thay đổi. Điều này làm cho khá nhiều đảng chính trị mới ra đời, không dưới 112 đảng chính trị. Trong số đó, có 48 đảng chính trị đủ điều kiện tham gia bầu cử. Cơ quan tổ chức bầu cử là Ủy ban bầu cử (KPU) gồm các đại diện của chính phủ và các đảng chính trị tham gia bầu cử, không còn là Cơ quan bầu cử (LPU) như trước đây [ 29 , tr.83].

Nếu trong thời kỳ Trật tự mới, hệ thống đa đảng chỉ giới hạn ở 3 đảng, thì trong cuộc bầu cử năm 1999, hệ thống đa đảng đã được thể hiện rất rõ. Vào thời điểm đó, có 48 đảng tham gia bầu cử. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng con số này ít hơn số đảng tồn tại và đã được đăng ký với Bộ Tư pháp và Nhân quyền, cụ thể là 141 đảng [ 30 , tr.147]. Dựa trên hệ tư tưởng, các đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử năm 1999 có thể được chia ra thành 4 nhóm, bao gồm: (1) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc như Đảng Indonesia mới (PIB), Đảng Quốc gia Indonesia Supeni (PNI Supeni), Đảng Đấu tranh dân chủ Indonesia (PDIP),…; (2) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa Islam như Đảng Thức tỉnh tín hữu Islam Indonesia (PKMI), Đảng tín hữu Islam (PUI), Đảng Thức tỉnh tín hữu (PKU),…; (3) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa Thiên chúa giáo/ Kitô giáo như Đảng Thiên chúa giáo Indonesia (PKI); Đảng Công giáo dân chủ (PKD); 4) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa xã hội dân chủ như Đảng Liên minh dân chủ Indonesia (PADI), Đảng Dân chủ hiến dâng dân tộc (PDKB), Đảng Dân chủ nhân dân (PRD),… [ 31 , tr.357].

Table 4 Kết quả cuộc bầu cử năm 1999 32

Qua kết quả bầu cử trong Table 4 , có thể thấy rằng trong cuộc bầu cử năm 1999, lần đầu tiên Đảng PDIP đã giành được chiến thắng. Đảng GOLKAR luôn đứng đầu trong thời kỳ Trật tự mới đã rơi xuống vị trí thứ 2 và tiếp đó là Đảng PKB chiếm vị trí thứ 3. Có thể thấy Đảng PDIP giành chiến thắng là do sau khi chế độ Trật tự mới sụp đổ, Đảng PDIP dưới sự cầm quyền của bà Megawati Soekarnoputri được xem là biểu tượng cho sự phản kháng của người dân đối với chế độ độc tài của Tổng thống Soeharto. Đồng thời, Đảng PDIP đã thay đổi chiến lược là liên minh với nhiều đảng khác, trong đó có Đảng Quốc gia dân tộc Indonesia (PNI), Đảng Thiên chúa giáo Indonesia (Parkindo), Đảng Công giáo (PK), Đảng liên minh ủng hộ Indonesia độc lập (IPKI), và Đảng Hiệp thương nhân dân (Murba). Do vậy, đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chiến thắng của Đảng PDIP trong cuộc bầu cử đầu tiên của thời kỳ Dân chủ hóa.

Mặc dù chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng Đảng PDIP không thể giúp đại diện của đảng trở thành Tổng thống do đảng này không đạt được tỷ lệ phiếu bầu hơn 50% trên phạm vi toàn quốc. Số phiếu bầu đã được phân chia cho nhiều đảng chính trị khác nhau do cuộc bầu cử này có quá nhiều đảng chính trị tham gia. Cuối cùng, Đảng PKB chỉ giành được 12,61% tổng số phiếu bầu đã liên kết với nhiều đảng chính trị khác để tham gia tranh cử vị trí Tổng thống. Kết quả là ông Abdurrahman Wahid – đại diện của Đảng PKB đã được chọn làm Tổng thống, trong khi đó, bà Megawati Soekarnoputri – đại diện của Đảng PDIP giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất chỉ được chọn làm Phó Tổng thống.

Các đảng chính trị Indonesia trong cuộc bầu cử năm 2004

Cuộc bầu cử năm 2004 là cuộc bầu cử đầu tiên cho phép người dân bầu trực tiếp đại diện của họ trong Hạ viện (DPR), Hội đồng đại diện khu vực (DPD) và Hội đồng nhân dân địa phương (DPRD) và thậm chí cả tổng thống và phó tổng thống. Cuộc bầu cử này được tổ chức đồng thời vào ngày 5 tháng 4 năm 2004 bằng cách sử dụng hệ thống tỷ lệ danh sách mở để bầu 550 thành viên Hạ viện (DPR), 128 thành viên Hội đồng đại diện khu vực (DPD) và một loạt thành viên Hội đồng nhân dân địa phương (DPRD) cấp tỉnh và quận/thành phố trên khắp Indonesia trong giai đoạn 2004-2009 [ 33 , tr.514].

Trước cuộc bầu cử năm 2004, thống kê cho thấy số lượng các đảng chính trị đã tăng gấp đôi so với cuộc bầu cử năm 1999 trước đó, lên đến 237 đảng chính trị. Tuy nhiên, chỉ có 50 đảng chính trị được chấp thuận đủ điều kiện đăng ký tham gia cuộc bầu cử năm 2004. Dựa trên Đạo Luật số 12 năm 2003 về bầu cử, chính thức có 24 đảng chính trị tham gia. Con số này đã giảm so với các cuộc bầu cử trước đó, dựa trên Đạo Luật số 3 năm 1999 về bầu cử. Theo Đạo Luật này, các đảng được tham gia vòng tiếp theo của cuộc bầu cử là các đảng chính trị chiếm 2% tổng số ghế ở Hội đồng nhân dân địa phương (DPRD) hoặc có ít nhất 3% tổng số ghế Hội đồng nhân dân địa phương khu vực I (DPRD I) hoặc Hội đồng nhân dân địa phương khu vực II (DPRD II) được phân bổ ở ít nhất 1/2 số tỉnh và 1/2 số quận/huyện/thành phố trên khắp Indonesia dựa trên kết quả bầu cử [ 26 , tr.454] .

Dựa trên hệ tư tưởng, các nhà nghiên cứu cho rằng có 03 nhóm đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử năm 2004, bao gồm: (1) Nhóm các đảng chính trị chủ nghĩa dân tộc như Đảng Quốc gia Indonesia chủ nghĩa Marhaen (PNIM), Đảng Độc lập (PM), Đảng Liên hiệp Indonesia mới (PPIB),…; (2) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa Islam như Đảng Trăng sao (PBB), Đảng Thống nhất xây dựng (PPP), Đảng Thống nhất Cộng đồng Nahdlatul Indonesia (PPNUI),…; (3) Nhóm các đảng chính trị theo chủ nghĩa xã hội dân chủ như Đảng Lao động xã hội dân chủ (PBSD), Đảng Thống nhất dân chủ Quốc gia (PPDK), Đảng Dân chủ (PD),…

Table 5 Kết quả cuộc bầu cử năm 2004 34

Kết quả cuộc bầu cử trong Table 5 cho thấy sự trở lại của Đảng GOLKAR, đảng cầm quyền trong thời kỳ Trật tự mới. Đảng này đã giành vị trí thứ nhất. Trong khi đó, Đảng PDIP chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1999 rơi xuống vị trí thứ 2 và Đảng PKB giành vị trí thứ 3. Theo nhận định của chúng tôi, Đảng GOLKAR giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử 2004 là do: (1) đảng GOLKAR đã tiến hành thể chế hóa dưới sự lãnh đạo của chính trị gia Akbar Tandjung, (2) cơ sở hạ tầng được trang bị tốt và có tài lực mạnh hơn các đảng khác, (3) có kinh nghiệm từ thời kỳ Trật tự mới trong việc thu hút các nhà lãnh đạo truyền thống, (4) cử tri thất vọng với thành tích kém cỏi của Đảng PDIP trong 5 năm qua nên đã chuyển sang ủng hộ cho Đảng GOLKAR 2004.

Cũng tương tự cuộc bầu cử năm 1999, không có đảng nào giành được tỷ lệ phiếu bầu trên 50%, do vậy, không đảng nào đủ điều kiện để đưa đại diện của đảng ứng cử Tổng thống. Kết quả cuộc bầu cử năm 2004 cho thấy có sự thay đổi trong cục diện chính trị quốc gia và địa phương, đặc biệt điều này được phản ánh qua sự chuyển giao quyền lực giữa các đảng chính trị trong cuộc bầu cử năm 1999 và 2004.

Cuộc bầu cử năm 2004 đánh dấu lần đầu tiên Indonesia tiến hành bầu tổng thống trực tiếp với 2 vòng. Vòng một được tổ chức vào ngày 5 tháng 7 năm 2004 và vòng hai được tổ chức ngày 20 tháng 9 năm 2004. Ở vòng đầu tiên, có 5 cặp ứng cử viên, đó là Hamzah Haz – Agum Gumelar, Amien Rais – Siswono, Megawati – Hasyim Muzadi, Wiranto – Salahuddin Wahid, Susilo Bambang Yudhoyono – Jusuf Kalla. Đây là đại diện của các đảng đã giành được nhiều phiếu ra tranh cử Tổng thống và Phó Tổng thống. Ở vòng thứ 2, cặp ứng viên Susilo Bambang Yudhoyono và Jusuf Kalla được liên minh Đảng Dân chủ, Đảng PKB, Đảng PKS, Đảng PAN, Đảng PBB và Đảng PKPI ủng hộ đã giành được chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu 60,62%. Vào thời điểm đó, Susilo Bambang Yudhoyono vừa từ chức Bộ trưởng điều phối chính trị và an ninh trong Nội các Tổng thống Megawati Soekarnoputri lãnh đạo và tham gia vào Đảng dân chủ. Sau đó, ông đã được Đảng dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2004 cùng với ứng cử viên Phó Tổng thống Jusuf Kalla, khi đó là chủ tịch Đảng GOLKAR.

Các đảng chính trị Indonesia trong cuộc bầu cử năm 2009

Cuộc bầu cử năm 2009 đánh dấu sự kết thúc của giới tinh hoa cũ và mở đầu cho giới tinh hoa mới. Hướng tới cuộc bầu cử năm 2009, Hạ viện (DPR) đã thay đổi các quy định liên quan đến tổ chức bầu cử. Sự thay đổi này nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản nảy sinh trong cuộc bầu cử trước. Một số vấn đề nổi lên trong hệ thống bầu cử trước đây, bao gồm tính đại diện của nhân dân, tỷ lệ ghế, việc thành lập đảng hiệu quả, v.v. đã được cố gắng khắc phục 35 . Cuộc bầu cử năm 2009 là cuộc bầu cử lần thứ 10 được chính phủ tổ chức. Cùng năm đó, cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lần thứ hai cũng được tổ chức. Việc bỏ phiếu bầu cử cơ quan lập pháp được tổ chức đồng thời vào ngày 9 tháng 4 năm 2009.

Cuộc bầu cử năm 2009 được tổ chức để bầu 560 thành viên Hạ viện (DPR), 132 thành viên Hội đồng nhân dân địa phương (DPRD) cũng như các thành viên của Hội đồng nhân dân địa phương cấp quận/thành phố trên khắp Indonesia trong giai đoạn 2009-2014. Cuộc bầu cử được tổ chức đồng thời ở hầu hết các vùng của Indonesia vào ngày 9 tháng 4 năm 2009 (trước đó dự kiến ​​diễn ra vào ngày 05 tháng 4 nhưng sau đó đã bị hoãn lại 36 .

Cuộc bầu cử năm 2009 có 38 đảng chính trị cấp quốc gia và 6 đảng chính trị cấp địa phương của Aceh đăng ký tham gia [ 11 , tr.191]. Số lượng đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử năm 2009 đã giảm nhiều so với cuộc bầu cử năm 2004 trước đó. Qua vòng xác minh, có 22 đảng chính trị đã vượt qua, trong đó có 16 đảng chính trị, bao gồm 7 đảng chính trị vượt qua ngưỡng bầu cử 3% và 9 đảng chính trị giành được ghế trong Hạ viện (DPR) 2 . Như vậy, đã có 38 đảng chính trị cấp quốc gia và 6 đảng chính trị cấp địa phương ở Aceh tham gia cuộc bầu cử năm 2009.

Table 6 Kết quả cuộc bầu cử năm 2009 Nguồn: 35

Kết quả bầu cử trong Table 6 cho thấy Đảng Dân chủ (PD) giành vị trí thứ nhất với số phiếu 21.703.137, chiếm tỷ lệ 20,85%. Trong khi đó, Đảng GOLKAR chiếm vị trí thứ nhất trong cuộc bầu cử năm 2004 đã rớt xuống vị trí thứ 2 với số phiếu 15.037.757, chiếm tỷ lệ 14,45 và Đảng PDIP chiếm vị trí thứ 3 với số phiếu 14.600.091, chiếm tỷ lệ 14,03%. Rõ ràng, Đảng GOLKAR và Đảng PDIP vẫn tiếp tục khẳng định được ví trí của mình. Theo nhận định của chúng tôi, Đảng Dân chủ có thể giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2009 là nhờ vào chiến lược tranh cử với khẩu hiệu “nói không với tham nhũng”. Với khẩu hiệu này, Đảng Dân chủ không chỉ muốn khẳng định cùng đồng hành với người dân trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước giàu mạnh, mà còn sẽ nỗ lực tạo nên một chính phủ trong sạch, không tham nhũng. Ngoài ra, sự chiến thắng của Đảng Dân chủ còn nhờ vào sự thành công và sự ảnh hưởng của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Trong khi đó, đối với cuộc bầu cử Tổng thống, cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào ngày 8 tháng 7 năm 2009, có 3 cặp ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống cạnh tranh nhau, Susilo Bambang Yudhoyono – Boediono, Megawati Soekarnoputri – Prabowo Subianto và Jusuf Kalla – Wiranto. Kết quả sau cùng, cặp chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2009 là cặp Susilo Bambang Yudhoyono – Boediono với số phiếu 73.874.562, chiếm tỷ lệ 60,80%. Trong khi đó, cặp ứng viên Megawati – Prabowo ở vị trí thứ 2 với số phiếu bầu 32.548.105, chiếm tỷ lệ 26,79% và cặp đôi Jusuf Kalla – Wiranto ở vị trí thứ 3 với số phiếu 15.081.814, chiếm tỷ lệ 12,41% [ 37 , tr.480].

Các đảng chính trị Indonesia trong cuộc bầu cử năm 2014

Cuộc bầu cử năm 2014 là cuộc bầu cử thứ tư sau cải cách. Cuộc bầu cử năm 2014 diễn ra vào ngày 09 tháng 4 năm 2014 với sự tham gia của 12 đảng chính trị quốc gia và 3 đảng chính trị địa phương ở Aceh [ 38 , tr.vi]. Bước vào cuộc bầu cử năm 2014, có 14 đảng chính trị mới đăng ký với Bộ Tư pháp và Nhân quyền tham gia tranh cử nhưng chỉ 1 đảng vượt qua, đó là đảng Đảng Quốc gia dân chủ (NASDEM). 34 đảng chính trị đã đăng ký với Ủy ban bầu cử (KPU), trong đó có 12 đảng chính trị cấp quốc gia và 3 đảng chính trị cấp địa phương tại Aceh được thông qua. Như vậy, trong cuộc bầu cử năm 2014, có tổng cộng 48 đảng chính trị đăng ký tham gia và có 15 đảng chính trị đã đủ điều kiện tham gia.

Cuộc bầu cử được tổ chức để bầu các thành viên lập pháp ở cấp quốc gia. Có 560 ghế trong Hạ viện (DPR) được tranh cử ở 77 khu vực bầu cử. Có 2.112 ghế trong Hội đồng nhân dân địa phương (DPRD) cấp tỉnh được tranh cử ở 259 khu vực bầu cử. Có 16.895 ghế trong Hội đồng nhân dân cấp quận/thành phố được tranh cử ở 2.102 khu vực bầu cử. Sau đó, 132 ghế từ 33 tỉnh được tranh cử cho các thành viên của Hội đồng đại diện khu vực (DPD). Nếu tính tổng thể, có khoảng 200 nghìn ứng cử viên lập pháp cạnh tranh trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2014. Số lượng cử tri đăng ký là 185.822.507 người trải rộng trên 546.278 điểm bỏ phiếu (cả trong và ngoài nước) [ 38 , tr. vi].

Table 7 Kết quả cuộc bầu cử năm 2014 39

Kết quả cuộc bầu cử trong Table 7 cho thấy có 5 đảng chính trị nổi trội hơn, giành được số phiếu trên 10 triệu, trong đó Đảng PDIP đã giành được vị trí đứng đầu. Trong khi đó, Đảng PD giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử 2009 trước đó đã rơi xuống vị trí thứ 4, còn Đảng GOLKAR vẫn giữ vị trí thứ 2 và Đảng GERINDRA đã vượt lên chiếm vị trí thứ 3.

Cuộc bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia năm 2014 được tổ chức vào ngày 09 tháng 7 năm 2014 để bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Indonesia cho nhiệm kỳ 2014-2019. Đây là cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp thứ ba ở Indonesia. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono không thể tự tái ứng cử vì luật cấm nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Theo Luật bầu cử năm 2008, chỉ các đảng kiểm soát trên 20% số ghế trong Hạ viện (DPR) hoặc giành được 25% số phiếu phổ thông mới có thể đề cử ứng cử viên [ 40 , tr. 124].

Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp nhưng Đảng PDIP không thể thực thi được quyền hạn và thẩm quyền của một đảng chiến thắng hàng đầu của mình [ 30 , tr.150]. Vì vậy, trong cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống, các đảng phải liên minh lại để đưa ra các cặp ứng viên tranh cử. Liên minh Đảng GOLKAR, Đảng GERINDRA, Đảng PAN, Đảng PKS, Đảng PPP, và Đảng PBB đã đưa cặp ứng cử viên Prabowo – Hatta Rajasa đối kháng với cặp ứng viên Joko Widodo – Jusuf Kalla được liên minh Đảng PDIP, Đảng NASDEM, Đảng PKB và Đảng HANURA ủng hộ. Cuối cùng, cặp ứng viên Joko Widodo – Jusuf Kalla đã giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu 53,15%, trong khi đó cặp ứng viên Prabowo Subianto – Hatta Rajasa chỉ nhận được tỷ lệ phiếu bầu 46,85%.

Các đảng chính trị Indonesia trong cuộc bầu cử năm 2019

Cuộc bầu cử đồng thời được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019. Bầu cử đồng thời có nghĩa là cuộc bầu cử lập pháp (pileg) và cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống (pilpres) được tổ chức trong cùng một ngày. Trong 4 cuộc bầu cử trước, bầu cử lập pháp và bầu cử tổng thống được tổ chức vào thời gian riêng biệt hoặc bầu cử lập pháp diễn ra trước bầu cử tổng thống. Thay đổi này trong thể thức bầu cử là nhằm củng cố hệ thống tổng thống ở Indonesia. Thể thức bầu cử tổng thống, trước các cuộc bầu cử lập pháp, cho đến nay đã làm nảy sinh các liên minh ngắn hạn giữa các đảng chính trị và không dẫn đến nỗ lực đơn giản hóa các đảng chính trị. Trên thực tế, các liên minh do các đảng chính trị xây dựng dựa trên những kế hoạch như vậy được coi là không củng cố được hệ thống tổng thống 41 .

Trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2019, có 27 đảng chính trị đăng ký với Ủy ban bầu cử (KPU) nhưng chỉ có 16 đảng chính trị quốc gia và 4 đảng địa phương ở Aceh đạt quy định. Như vậy, số đảng chính trị đăng ký tham gia cuộc bầu cử năm 2019 cũng giảm so với cuộc bầu cử năm 2014. Trong khuôn khổ ứng cử tổng thống, các đảng có quyền đề cử ứng cử viên tổng thống, cụ thể là các đảng có ghế trong quốc hội, đã xây dựng liên minh. Việc thành lập một liên minh phải tính đến các quy tắc bầu cử, chỉ các đảng đáp ứng được ngưỡng ứng cử tổng thống mới có thể đề cử ứng cử viên tổng thống của chính họ 41 .

Table 8 Kết quả cuộc bầu cử năm 2019 42

Qua kết quả bầu cử trong Table 8 , có thể thấy rằng Đảng PDIP vẫn tiếp tục giành được vị trí thứ nhất. Đảng GERINDRA giành vị trí thứ 2 và Đảng GOLKAR giành vị trí thứ 3. Như vậy, các đảng truyền thống như Đảng PDIP, Đảng GOLKAR, Đảng GERINDRA, Đảng PKB,… vẫn giữ được các vị trí cao trong cuộc bầu cử này, đặc biệt Đảng GOLKAR luôn trong nhóm 3 các đảng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử mặc dù chế độ Trật tự mới đã sụp đổ. Theo nhận định của chúng tôi, Đảng PDIP có thể giành được vị trí cao nhất trong 2 cuộc bầu cử năm 2014 và năm 2019 là do sau thất bại trong những cuộc tranh cử trước đó, đảng này đã thay đổi mục tiêu và chiến lược tranh cử. Từ một đảng của tầng lớp tư sản dân tộc, Đảng PDIP đã chuyển mục tiêu sang tầng lớp bình dân ( wong cilik ) và mọi lợi ích của tầng lớp này đều được Đảng PDIP quan tâm đến. Do vậy, Đảng PDIP đã giành được tình cảm và niềm tin của tầng lớp bình dân trong cuộc bầu cử. Đó chính là lý do Đảng PDIP giành chiến thắng liên tục trong 2 cuộc bầu cử.

Như đã nêu trong Điều 222 của Đạo Luật Số 7 năm 2017 liên quan đến Bầu cử, các cặp ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống do các đảng chính trị hoặc liên minh các đảng chính trị tham gia bầu cử đề xuất đáp ứng yêu cầu giành được số ghế ít nhất 20% tổng số ghế trong Hạ viện (DPR) hoặc giành được 25 % số phiếu trên toàn quốc trong các cuộc bầu cử Hạ viện (DPR) trước đó 43 . Trong cuộc bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống năm 2019, cặp ứng viên Jokowi – Ma'ruf Amin được Liên minh Lao động Indonesia, gồm Đảng PDIP, Đảng PKB, Đảng NASDEM, Đảng HANURA và Đảng PKP ủng hộ đã đánh bại được cặp ứng viên Prabowo – Sandiaga Uno được Liên minh Công bằng thịnh vượng Indonesia, gồm đảng GERINDRA, Đảng PKS, Đảng PAN, Đảng PD và Đảng BERKARYA ủng hộ. Kết quả sau cùng, cặp ứng viên Jokowi – Ma'ruf Amin đã giành được chiến thắng với số phiếu bầu 85.607.362, chiếm tỷ lệ 55,50%, trong khi đó cặp ứng viên Prabowo – Sandiaga Uno chỉ giành được 68.650.239 phiếu bầu, chiếm tỷ lệ 44,50% [ 41 , tr. 164].

Qua các cuộc bầu cử từ năm 1999 đến 2019, có thể thấy rằng vào thời kỳ Dân chủ hóa, có hàng loạt đảng chính trị mới ra đời và tham gia tranh cử ở các cuộc bầu cử. Các đảng chính trị thời kỳ này phản ánh tính đại diện của mọi giai tầng trong xã hội Indonesia. Ngoài các đảng chính trị cấp quốc gia, trong thời kỳ này, cũng có các đảng chính trị cấp địa phương tham gia bầu cử. Qua đó, có thể thấy rằng quá trình dân chủ hóa ở Indonesia thời kỳ này được thể hiện rõ hơn qua các cuộc bầu cử. Tuy vậy, tính đa đảng chính trị vẫn chưa đi vào thực chất do trong thực tế các cuộc bầu cử đó chỉ có một số đảng chính trị truyền thống luôn giành được các vị trí hàng đầu như Đảng PDIP, Đảng GOLKAR, Đảng PD, và v.v..

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh đất nước bị thực dân Hà Lan đô hộ, các đảng chính trị Indonesia ra đời sớm so với một số quốc gia Đông Nam Á nên mục tiêu ban đầu của các đảng chính trị là đấu tranh giành độc lập cho Indonesia. Qua từng thời kỳ, các đảng chính trị Indonesia có những đặc điểm và mục tiêu riêng của mình. Trải qua các giai đoạn đấu tranh, các đảng chính trị Indonesia ngày càng trưởng thành, đa dạng và góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Indonesia.

Khác thời kỳ trước độc lập, các đảng chính trị Indonesia sau năm 1945 bắt đầu tham gia vào các cuộc đấu tranh giành quyền lực. Cũng chính vì vậy, các đảng chính trị đã trở thành công cụ của những người nắm quyền lực. Có thể thấy sự ra đời và kết thúc của các đảng chính trị Indonesia cũng một phần liên quan đến những người nắm quyền lực trong hệ thống chính trị. Qua thăng trầm của lịch sử, một số đảng chính trị Indonesia vẫn tồn tại nhưng ngược lại cũng có nhiều đảng chính trị đã bị giải thể.

Qua các cuộc bầu cử từ năm 1955 đến năm 2019, các đảng chính trị Indonesia đã tham gia tranh giành quyền lực và củng cố quyền lực cho nhà cầm quyền. Các đảng chính trị đã liên kết với nhau để đạt được lợi ích của mình. Về lý thuyết, mặc dù trong thời kỳ Trật tự mới, Indonesia có hệ thống đa đảng nhưng trên thực tế, quyền lực vẫn tập trung vào một số đảng chính trị nhất định. Điều này có thể thấy rõ qua các cuộc bầu cử từ năm 1971 đến năm 1997. Đến thời kỳ Dân chủ hóa, mặc dù tính đa đảng đã được thể hiện rất rõ qua các cuộc bầu cử, nhưng thông qua một số Đạo luật về bầu cử được chính quyền ban hành cũng vô hình trung giới hạn số đảng chính trị tham gia vào các cuộc bầu cử. Như vậy, trên thực tế, qua các đợt bầu cử, số lượng đảng chính trị đáp ứng quy định của chính phủ không nhiều.

Như vậy, sự ra đời của các đảng chính trị qua các thời kỳ là những bước đầu thể hiện nền dân chủ ở Indonesia. Sau đó, các đảng chính trị này lần lượt bước lên vũ đài chính trị thể hiện vai trò của mình, nổi bật nhất là tham gia vào các cuộc bầu cử. Trong những thập niên gần đây, các cuộc bầu cử được thực hiện ngày càng quy mô, chuyên nghiệp và thể hiện rõ mức độ dân chủ qua các quy định về đảng chính trị và bầu cử. Mối quan hệ giữa ba yếu tố: đảng chính trị, bầu cử và dân chủ đã được thực tiễn ở Indonesia chứng minh là mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc nhau và không thể tách rời nhau. Từ đó, nền dân chủ Indonesia ngày càng hoàn thiện và hướng đến trở thành một trong những nền dân chủ hiện đại trên thế giới.

LỜI CÁM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số T2023-05.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Nguyễn Thanh Tuấn: viết phần Mở đầu, Phần 1., Tài liệu tham khảo

Văn Kim Hoàng Hà: viết Phần 2.1, 2.2, 2.3, Kết luận, Tuyên bố đóng góp, tóm tắt Việt và Anh

Thứ nhất , nhóm tác giả sưu tầm, nghiên cứu và phân tích những tư liệu và tài liệu về các cuộc bầu cử ở Indonesia từ sau khi giành độc lập cho đến năm 2019 nhằm để làm rõ quá trình hình thành, phát triển và vai trò của các đảng chính trị trong hệ thống chính trị Indonesia thông qua các cuộc bầu cử cũng như sự tham gia của đảng chính trị trong các cơ quan lập pháp. Thứ hai , qua đó, nhóm tác giả đã nhận định rằng ở Indonesia tồn tại hình thức đa đảng, độc đảng và hệ thống này do chính quyền chi phối, điều khiển. Đồng thời, qua các cuộc bầu cử, nhóm tác giả cũng nhận định rằng các đảng chính trị ở Indonesia qua các thời kỳ ngày càng được tự do tranh cử. Điều này cho thấy nền dân chủ ở Indonesia ngày càng phát triển.

References

  1. Muhammad D. Kepemimpinan Nasional & Good Governance (Lãnh đạo quốc gia và chính phủ hiệu quả). J Tarjih Pengemb Pemi Isl. 2004 Jul;8. . ;:. Google Scholar
  2. Averos AA. Sejarah singkat partai politik di Indonesia (Lược sử đảng chính trị Indonesia). 2022. . ;:. Google Scholar
  3. Jurdi F. Pengantar Hukum Partai Politik (Dẫn luận Luật đảng chính trị). Jakarta: Kencana; 2020. . ;:. Google Scholar
  4. Noer D. Demokrasi dan Proses Politik - Perkembangan Demokrasi Kita, Seri Prisma. 1st ed. (Dân chủ và quá trình chính trị - Sự phát triển nền dân chủ của chúng ta - Chuỗi chuyên đề Prisma, lần 1). Jakarta: LP3ES; 1986. . ;:. Google Scholar
  5. Yoewono D. Kedudukan partai politik di Indonesia pada masa pemerintahan orde baru (Vị trí đảng chính trị ở Indonesia thời kỳ Trật tự mới). [Surabaya]: Universitas Airlangga; 1987. . ;:. Google Scholar
  6. Karim MR. Perjalanan Partai Politik di Indonesia. 1st ed. (Con đường phát triển của đảng chính trị Indonesia, in lần 1). Jakarta: Rajawali; 1983. 1-304 p. . ;:. Google Scholar
  7. Dhakidae D. Analisa Kekuatan Sosial Politik di Indonesia - Partai Politik dan Sistem Kepartaian di Indonesia, Seri Prisma (Phân tích sức mạnh chính trị xã hội ở Indonesia - Đảng chính trị và hệ thống chính trị ở Indonesia). Jakarta: LPJES; 1985. . ;:. Google Scholar
  8. Gaffar A. Partai politik dan kelompok-kelompok penekan (Đảng chính trị và các nhóm gây sức ép). Yogyakarta: Bina Aksara; 1984. . ;:. Google Scholar
  9. Yushendri MH. Implementasi mengenai penyelesaian perselisihan internal partai politik berdasarkan pasal 32 dan pasal 33 undang - undang nomor 2 tahun 2011 tentang partai politik (Thực hiện giải quyết tranh chấp nội bộ đảng chính trị dựa trên Điều 32 và Điều 33 Luật số 2 năm 2011 về đảng chính trị). [Bandung]: Universitas Pasundan; 2017. . ;:. Google Scholar
  10. Nasution AB. Aspirasi Pemerintahan Konstitusional di Indonesia: Studi Sosio-Legal atas Konstituante 1956-1959 (Khát vọng của Chính phủ lập hiến ở Indonesia: Nghiên cứu pháp lý xã hội của Quốc hội lập hiến 1956-1959). Jakarta: Pustaka Utama Grafiti; 1995. . ;:. Google Scholar
  11. Muslih, Perdana AP, Kurnia KF. Peran partai politik dalam penyelenggaraan pemilu yang aspiratif dan demokratif (Vai trò của các đảng chính trị trong việc tổ chức các cuộc bầu cử đầy khát vọng và dân chủ). Justicia Sains J Ilmu Huk. 2021 Sep;6(1):180-202. . ;:. Google Scholar
  12. Huỳnh Văn Tòng. Lịch sử Indonesia. TP. HCM: Nxb Đại học Quốc gia; 1992. . ;:. Google Scholar
  13. Asshiddiqie J. Pokok-Pokok Hukum Tata Negara Indonesia Pasca Reformasi (Các nguyên tắc của Luật Hiến pháp Indonesia sau cải cách). Jakarta: Buana Ilmu Populer; 2007. . ;:. Google Scholar
  14. Toer PA, Toer KS, Kamil A. Kronik Revolusi Indonesia. 1st ed. (Biên niên sử Cách mạng Indonesia, in lần 1). Jakarta: KPG, IKAPI & the Ford Foundation; 2003. . ;:. Google Scholar
  15. Sukarno. Dibawah Bendera Revolusi (Dưới ngọn cờ cách mạng). Tập 1. Jakarta: Panitya Penerbit Dibawah Bendera Revolusi; 1964. . ;:. Google Scholar
  16. Rauf M. Partai Politik dalam Sistem Kepartaian Indonesia antara Kenyataan dan Harapan (Các đảng chính trị trong hệ thống đảng Indonesia giữa thực tế và kỳ vọng). J Politika. 2006;2(2):10-20. . ;:. Google Scholar
  17. Legge JD. Kaum Intelektual dan Perjuangan Kemerdekaan: Peranan Kelompok Sjahrir (Giới trí thức và cuộc đấu tranh giành độc lập: Vai trò của nhóm Sjahrir). Jakarta: Pustaka Utama Grafiti; 1993. . ;:. Google Scholar
  18. Republik Indonesia. Undang-Undang Negara Republik Indonesia (Hiến pháp Cộng hòa Indonesia). Djakarta-Bandung: Neijenhuis & Co. N.V; 1950. . ;:. Google Scholar
  19. Asshidique J. Gagasan kedaulatan rakyat dan pelaksanaannya di Indonesia (Pergeseran keseimbangan antara individualisme dan kolektivisme dalam kebijakan demokrasi politik dan demokrasi ekonomi selama tiga masa demokrasi 1945-1980 an) (Ý tưởng về chủ quyền nhân dân và việc thực hiện nó ở Indonesia (Chuyển đổi sự cân bằng giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể trong chính sách dân chủ chính trị và dân chủ kinh tế trong suốt ba thời kỳ dân chủ 1945-những năm 1980)). Jakarta: PT Ikhtiar Baru Van Hoeve; 1994. . ;:. Google Scholar
  20. Pabottingi M. Menggugat Pemilihan Umum Orde Baru (Kiện tụng trong các cuộc bầu cử dưới thời kỳ Trật tự mới). Jakarta: Yayasan Obor Indonesia; 1998. . ;:. Google Scholar
  21. Badan Kesatuan Bangsa dan Politik. Sejarah dan hasil pemilu umum 1955 (Lịch sử và kết quả cuộc bầu cử năm 1955). 2023. . ;:. Google Scholar
  22. Feith H. Repressive-Developmentalist Regimes in Asia. Alternatives Glob Local Polit. 1982 Oct 1;7(4):491-506. . ;:. Google Scholar
  23. Romli L. Reformasi Partai Politik dan Sistem Kepartaian di Indonesia (Cải cách các đảng chính trị và hệ thống đảng ở Indonesia). J Politica. 2011;2(2):199-220. . ;:. Google Scholar
  24. Direktori Penyelenggaraan Pemilu. Pemilihan umum 1971 (Cuộc bầu cử năm 1971). 2015. . ;:. Google Scholar
  25. Soemardjan S. Menuju Tata Indonesia Baru (Hướng tới một trật tự mới của Indonesia). Jakarta: PT Gramedia Pustaka Utama; 2000. . ;:. Google Scholar
  26. Budiharjo M. Dasar-Dasar Politik (Đại cương chính trị học). Jakarta: Gramedia; 1997. . ;:. Google Scholar
  27. Komisi Pemilihan Umum. Pemilihan Umum Tahun 1977, 1982, 1987, 1992, dan 1997 (Cuộc bầu cử năm 1977, 1982, 1987, 1992, và 1997). . ;:. Google Scholar
  28. Friyanti F. Pelaksanaan Pemilihan Umum Dalam Sejarah Nasional Indonesia (Tổ chức bầu cử trong lịch sử quốc gia Indonesia). Semarang: UNNES; 2005. . ;:. Google Scholar
  29. Waridah S, et al. Sejarah Nasional dan Umum (Tổng quan về lịch sử quốc gia). Yogyakarta: Bumi Aksara; 2003. . ;:. Google Scholar
  30. Mawazi AR. Dinamika Partai Politik dalam Sistem Presidensil di Indonesia (Sự năng động của các đảng chính trị dưới chế độ Cộng hòa đại nghị ở Indonesia). J Agama Hak Azazi Manusia. 2017;6(2):137-55. . ;:. Google Scholar
  31. Gaffar A. Politik Indonesia Transisi Menuju Demokrasi (Nền chính trị Indonesia hóa độ sang Dân chủ). Yogyakarta: Pustaka Pelajar; 2004. . ;:. Google Scholar
  32. Direktori Penyelenggaraan Pemilu. Pemilihan umum 1999 (Cuộc bầu cử năm 1999). 2015. . ;:. Google Scholar
  33. Romli L. Evaluasi pemilu legislatif 2009: Tinjauan Atas Proses Pemilu, Strategi Kampanye, Perilaku Memilih, Dan Konstelasi Politik Hasil Pemilu (Đánh giá cuộc bầu cử lập pháp năm 2009: Đánh giá quá trình bầu cử, chiến lược vận động, hành vi bỏ phiếu và hệ thống chính trị công bố kết quả bầu cử). J Penelit Polit. 2010;7(1):1-15. . ;:. Google Scholar
  34. Direktori Penyelenggaraan Pemilu. Pemilihan umum 2004 (Cuộc bầu cử năm 2004). . ;:. Google Scholar
  35. Direktori penyelenggaan Pemilu. Keperpustakaan Presiden. Pemilu Umum Tahun 2009 (Cuộc bầu cử năm 2009). 2009. . ;:. Google Scholar
  36. IRW, NRL. Ini Dia Jadwal Baru Pemilu 2009 (Đây là lịch trình mới cho cuộc bầu cử năm 2009). 2008. . ;:. Google Scholar
  37. Al-Barbasy MM. Politik Pasca Pemilu 2009: Pudarnya Politik Aliran (Nền chính trị sau bầu cử năm 2009: Sự lụi tàn của nền chính trị phe phái). J Poelitik. 2009;5(1):37-48. . ;:. Google Scholar
  38. Agust RL, et al. Buku data dan infografik Pemilu anggota DPR RI dan DPD RI 2014 (Niên giám và đồ họa thông tin của cuộc bầu cử Hạ viện và Hội đồng nhân dân địa phương Cộng hòa Indonesia). Jakarta: Komisi Pemilihan Umum; 2014. . ;:. Google Scholar
  39. Direktori Penyelenggaraan Pemilu. Pemilihan umum 2014 (Cuộc bầu cử năm 2014). . ;:. Google Scholar
  40. Risky S, Al-Fatih S, Azizah M. Political Configuration of Electoral System Law in Indonesia from State Administration Perspective. J Ilmu Huk Konstitusi. 2023;6(1):116-30. . ;:. Google Scholar
  41. Hanafi RI, et al. Pemilu Serentak 2019: Sistem Kepartaian dan Penguatan Sistem Presidensial (Bầu cử đồng thời năm 2019: Hệ thống đảng và củng cố hệ thống Cộng hòa đại nghị). Jakarta: Yayasan Pustaka Obor Indonesia; 2020. . ;:. Google Scholar
  42. Komisi Pemilihan Umum. KPU Tetapkan Perolehan Suara Pilres dan Pileg 2019 (Ủy ban bầu cử xác định số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống và cơ quan lập pháp 2019). 2019. . ;:. Google Scholar
  43. Farisa FC. Hasil lengkap perolehan kursi DPR 2019-2024 (Kết quả đầy đủ số ghế trong Hạ viện 2019-2024). 2022. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 2 (2024)
Page No.: 2397-2413
Published: Jun 30, 2024
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.964

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Van, H., & Nguyen, T. (2024). Political parties in Indonesia through the elections (1945-2019). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(2), 2397-2413. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.964

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 228 times
PDF   = 105 times
XML   = 0 times
Total   = 105 times