VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

468

Total

184

Share

A comparative study of the English translations of Truyện Kiều






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Đoạn Trường Tân Thanh (A New Cry from a Broken Heart), more commonly referred to as Truyện Kiều (The Tale of Kiều), by Nguyễn Du is considered to be among the most prominent works in Vietnamese literature. Therefore, Truyện Kiều has been translated into multiple languages around the world, including French, Japanese, Chinese, and English with a considerable number of versions available. This study focuses on analyzing, assessing, and comparing the quality of the English translations of Truyện Kiều by Huỳnh Sanh Thông (1983) and Michael Counsell (1994), using Juliane House’s Model of Translation Quality Assessment (2015). In general, Huỳnh Sanh Thông’s translation (1983) is more faithful to the original version in terms of content and figurative language, along with a detailed list of footnotes. Regarding Michael Counsell’s translation (1994), there is a complete lack of footnotes, and there are many changes compared to the original version, with additions to and reductions from the content in order to maintain the poetic form and rhyme scheme. Afterwards, recommendations for future poetry translations from Vietnamese into English are provided, including the followings: (1) the translation must include sufficient and detailed footnotes to provide clear explanations on the cultural, historical, and linguistic elements in the original version, (2) the translation needs to be faithful to the original version with limited changes made to the content, the order of events, as well as limited additions and reductions made to the original content, (3) the translation should prioritize the content over the poetic form, and (4) the translation needs a specific function and target audience.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo Williams [ 1 , tr.3], tầm quan trọng và nhu cầu cho việc đánh giá chất lượng bản dịch đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong đó, dịch văn học nói chung và dịch thơ nói riêng cũng là một lĩnh vực đáng lưu ý. Theo Holmes 2 , một bài thơ gốc có thể có nhiều bản dịch khác nhau với những nét riêng. Vì vậy nên việc nghiên cứu so sánh các bản dịch của cùng một tác phẩm có thể đem lại nhiều hiểu biết mới về cách mỗi dịch giả tiếp cận một tác phẩm.

Đoạn Trường Tân Thanh , hay còn được gọi là Truyện Kiều , của Nguyễn Du (1765-1820) 3 là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học trung đại Việt Nam. Dựa trên tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã thành công trong việc sáng tác một tác phẩm với cốt truyện cùng những nhân vật phong phú qua việc sử dụng nhiều bút pháp nghệ thuật khác nhau. Vì vậy, tác phẩm này đã được chuyển ngữ sang nhiều ngôn ngữ, trong đó, bản dịch tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông 3 và của Michael Counsell 4 là các bản dịch được đánh giá cao trong giới nghiên cứu. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ so sánh bản dịch Truyện Kiều của hai tác giả trên dựa vào lý thuyết của House 5 với hy vọng đóng góp một số nhận định mới vào lĩnh vực lý thuyết dịch nói chung và dịch thuật từ Việt sang Anh nói riêng.

CƠ SỞ LÝ LUẬN

Quan điểm về dịch văn học qua các thời đại

Trong dịch văn học, phương pháp dịch sát từ và dịch sát nghĩa không thể được sử dụng cho tất cả mọi trường hợp. Theo nhận định của dịch giả Schleiermacher, được trích trong Gerke [ 6 , tr.30], ngoài những sự khác nhau về ngôn ngữ, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, những yếu tố về văn hóa, xã hội, lịch sử, phong tục tập quán, tâm lí nhân vật, dụng ý của tác giả trong tác phẩm gốc cũng có tác động rất lớn đến dịch giả và bản dịch, nhưng việc dịch sát từ sẽ khiến cho bản dịch trở nên khó đọc, còn dịch sát nghĩa sẽ làm cho các yếu tố trên bị mất đi.

Theo Wilhelm von Humboldt, được trích trong Gerke [ 6 , tr.31], dịch phải giả trung thành với tác phẩm gốc, không đơn giản hóa quá mức cũng như không sáng tạo quá nhiều khiến cho bản dịch trở nên quá xa lạ, khó đọc; tránh việc dịch sai ngữ pháp hoặc dịch quá mơ hồ để đối tượng được hướng đến có thể hiểu được bản dịch phải nghiên cứu, tìm hiểu các bản dịch có sẵn hoặc học hỏi từ những người am hiểu về tác phẩm, am hiểu các yếu tố lịch sử, văn hóa trong tác phẩm gốc để truyền tải một cách đầy đủ nhất thông điệp của tác phẩm gốc và tránh các sơ suất không đáng có.

Dịch thơ

Dịch thơ là một thử thách lớn với dịch giả vì nhiều học giả cho rằng khi dịch thơ, chỉ có ý nghĩa của bài thơ được truyền tải, còn thể thơ sẽ bị mất đi. Một trường phái khác lại cho rằng dịch thơ chỉ khả thi khi cả nội dung lẫn hình thức của bài thơ được truyền tải [ 7 , tr.11].

Frost 8 định nghĩa thơ là sự kết hợp giữa nội dung (thể hiện qua các đặc điểm về ngôn ngữ) và hình thức (thể thơ), hai yếu tố này không thể tách rời nhau. Vì vậy, ông cho rằng thơ ca không thể dịch được vì khi chuyển tải, chất thơ sẽ bị mất đi.

Ngược lại, Holmes 2 cho rằng một bài thơ có thể có nhiều bản dịch khác nhau và dù khác với bản gốc nhưng mỗi bản dịch lại có một nét riêng mới dựa trên bản gốc. Về vấn đề này, Lefevere 9 đề xuất nhiều phương pháp dịch thơ khác nhau như: Phonological translation (dịch ngữ âm), Literal translation (dịch sát nghĩa), Rhythmic translation (dịch theo nhịp thơ), Translation into prose (dịch thành văn xuôi), Translation into rhymed poetry (dịch thành thơ có vần), Translation into poetry without rhyme (dịch thành thơ không vần) và Interpretive translation (dịch theo cách diễn giải).

Lefevere 9 cho rằng các dịch giả khác nhau sẽ có cách tiếp cận khác nhau, trong đó, có người sẽ chú trọng dịch nghĩa chứ không dịch thể thơ và có người sẽ phối hợp cùng với tác giả bài thơ để tạo ra một hình thức mới hoàn toàn cho bản dịch. Vì vậy, việc đánh giá nhiều bản dịch của cùng một tác phẩm là điều cần thiết.

Đánh giá chất lượng bản dịch

Các quan điểm về đánh giá chất lượng bản dịch trong dịch văn học

Nida 10 cho rằng bản dịch có giá trị khi phản ứng của độc giả đọc bản dịch tương đương với phản ứng của độc giả đọc bản gốc. Tiêu chí này có vẻ đơn giản nhưng lại khó đo lường vì nhiều lý do khác nhau chẳng hạn tâm lý và tâm thức của độc giả trong những điều kiện môi trường, văn hóa, xã hội và lịch sử khác nhau dẫn đến phản ứng của họ cũng có thể khác nhau khi tiếp cận với bản dịch và với tác phẩm gốc.

Khác với Nida, Carrol 11 đánh giá một bản dịch có giá trị khi bản dịch đó có đầy đủ thông tin và dễ hiểu. Tuy nhiên, các tiêu chí này lại không đề cập đến các yếu tố khác gắn liền với thơ ca như hình thức, thể thơ cùng với các yếu tố liên quan đến văn hóa, lịch sử của nguyên tác.

Newmark 12 đề nghị kiểm tra bản dịch bằng cách cho độc giả điền vào chỗ trống trong văn bản để xem họ tiếp thu được bao nhiêu. Tuy nhiên, giống như tiêu chí của Nida 10 , phương pháp này rất khó đo lường vì tâm lý và tâm thức của độc giả khác nhau, điều này dẫn đến sự khác biệt trong việc lĩnh hội nội dung bản dịch. Nhìn chung, các quan điểm về đánh giá chất lượng bản dịch văn học trên đều có hạn chế và khó để đo lường một cách chính xác.

Mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House (2015)

Việc đánh giá chất lượng bản dịch và làm sao để nhận biết được một bản dịch tốt là vấn đề đã và đang gây tranh cãi trong giới dịch thuật 1 , 5 . Trong đó, mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House 5 , 13 , 14 là một trong những mô hình đánh giá dịch thuật nhận được nhiều sự quan tâm. Trong bài nghiên cứu này, mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House được áp dụng là mô hình mới nhất, được cập nhật vào năm 2015 5 ( Figure 1 ).

Figure 1 . Mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House [ 5 , tr.127]

Theo House 5 , khi tiếp cận với căn bản và phân tích văn bản, ngoài việc hiểu rõ các tình tiết trong văn bản gốc (ngôn cảnh, tình huống), người dịch còn phải nắm rõ được các yếu tố thuộc nền văn hóa tổng thể của văn bản gốc (ngôn cảnh văn hóa). Quan điểm này được rất nhiều nhà nghiên cứu đồng tình và ủng hộ 15 , 16 , 17 , 18 . Ngôn cảnh tình huống được phân tích dựa trên Ngữ vực, gồm các yếu tố cụ thể là Trường (Field, liên quan đến chủ đề và hoạt động xã hội), Không khí (Tenor, liên quan đến các vấn đề về quyền lực xã hội, khoảng cách xã hội, thái độ xã hội cùng với lai lịch và quan điểm của tác giả) và Phương thức giao tiếp (Mode, liên quan đến cách thức giao tiếp là văn nói hoặc văn viết) của văn bản gốc [ 19 , tr.41].

Cụ thể, trong mô hình của House 5 , Trường (Field) liên quan đến chủ đề của tác phẩm cùng với các hành động xã hội được thể hiện qua tác phẩm. Không khí của ngôn bản (Tenor) chỉ các mối quan hệ hiện hữu trong tác phẩm, bao gồm nguồn gốc địa lý, tầng lớp xã hội, thời gian, quan điểm của tác giả về các chủ đề trong tác phẩm. Phương thức giao tiếp (Mode) là văn nói hoặc là văn viết. Các yếu tố này của tác phẩm gốc phải được phân tích và làm rõ, từ đó đối chiếu với bản dịch. Trong bản dịch, các yếu tố về Trường, Không khí và Phương thức giao tiếp được thể hiện thông qua phương tiện từ vựng, cú pháp và văn bản có liên quan.

Điểm mạnh của mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House (2015)

Một trong những điểm mạnh của mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House 5 là mô hình này có thể được áp dụng trong việc đánh giá các thể loại văn bản đa dạng trong xã hội, bao gồm cả các văn bản liên quan đến văn học và thơ ca 20 , 21 , 22 . Bên cạnh đó, theo mô hình này, dịch giả cũng phải chú trọng thêm về phương diện văn hóa của tác phẩm gốc, phù hợp cho việc đánh giá chất lượng và so sánh bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 và Michael Counsell 4 trong nghiên cứu này.

Sơ lược về các bản dịch tiếng Anh của tác phẩm Truyện Kiều

Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh hay còn gọi là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có khoảng mười hai bản dịch tiếng Anh, gồm cả những bản dịch mới nhất của cố dịch giả Dương Tường năm 2020 và Nguyễn Bình năm 2021. Tuy nhiên, bài nghiên cứu này không sử dụng các bản dịch trên vì chúng không còn được lưu hành trên thị trường vào thời điểm bài nghiên cứu được thực hiện. Việc đánh giá tất cả các bản dịch trên là rất khó thực hiện trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này. Vì vậy, chúng tôi chỉ chú trọng vào bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 và Michael Counsell 4 để đánh giá và so sánh dựa trên mô hình của House 5 .

Những vấn đề chưa được nghiên cứu

Tuy Truyện Kiều được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, đặc biệt là tiếng Anh, nhưng tại Việt Nam, số lượng bài nghiên cứu liên quan đến việc đánh giá chất lượng các bản dịch đó còn rất hạn chế. Một số nghiên cứu về các bản tiếng Anh của Truyện Kiều tại Việt Nam có thể kể đến như nghiên cứu của Phan Văn Hòa và Nguyễn Thị Hương Ly 23 , vốn tập trung vào nghiên cứu cách dịch cấu trúc sóng đôi từ tiếng Việt sang tiếng Anh mà chưa đi sâu vào các yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội của tác phẩm gốc và của dịch giả kèm với những ảnh hưởng của các yếu tố đó lên quyết định và phong cách dịch thuật của dịch giả khi tiếp cận tác phẩm gốc. Đây là một khoảng trống lớn trong nghiên cứu dịch thuật tại Việt Nam và là một trong những lý do vì sao chúng tôi cần phải thực hiện một nghiên cứu về đề tài này thông qua việc áp dụng mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House 5 .

Câu hỏi nghiên cứu

Bài nghiên cứu này tập trung trả lời câu hỏi sau: Bản dịch Truyện Kiều của dịch giả Huỳnh Sanh Thông 3 và Michael Counsell 4 có đặc điểm giống và khác nhau như thế nào dựa trên mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House 5 ?

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi gồm bản dịch tiếng Anh của tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) của dịch giả Huỳnh Sanh Thông 3 và Michael Counsell 4 dựa trên mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House 5 . Một vấn đề cần lưu ý khác là do Truyện Kiều có rất nhiều dị bản tiếng Việt nên trong bài nghiên cứu này, các phiên bản tiếng Việt của Truyện Kiều được sử dụng trong bản dịch song ngữ của dịch giả Huỳnh Sanh Thông 3 và Michael Counsell 4 sẽ được xem là bản gốc để đối chiếu.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện chủ yếu theo phương pháp định tính nhằm mục đích đánh giá bản dịch theo mô hình House 5 đã đề xuất và so sánh bản dịch tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông 3 với bản dịch của Michael Counsell 4 .

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Phân tích tác phẩm Truyện Kiều tiếng Việt theo mô hình của House

Trường (Field)

Trường (Field) trong mô hình của House 5 liên quan đến chủ đề của tác phẩm cùng với các hành động xã hội được thể hiện qua tác phẩm và để phân tích các yếu tố này, bối cảnh của những sự kiện trong bản tiếng Việt của Truyện Kiều phải được tìm hiểu.

Về bối cảnh lịch sử, tình tiết tác phẩm diễn ra trong thời Minh của Trung Quốc vào thế kỷ 16, một thời kỳ thái bình với “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” [ 3 , tr.2]. Tuy nhiên, trong sự thái bình đó vẫn còn hiện hữu những mặt tối của mọi tầng lớp trong xã hội, điều này được thể hiện qua những nhân vật hại người không rõ nguyên nhân như người bán tơ vu khống đẩy gia đình Thúy Kiều vào vòng lao lý, những kẻ vì tiền mà đánh mất đi lương tâm như người của nha lại, như Mã Giám Sinh, Tú bà, Sở Khanh, Bạc bà, Bạc Hạnh.

Những góc khuất của xã hội không chỉ được thấy ở những tầng lớp trung lưu mà còn hiện hữu ở giới thượng lưu, dẫn đến nhiều mâu thuẫn và xung đột do những dục vọng mà con người gây ra như tính trăng hoa của Thúc Sinh, lòng ganh tị chết người của Hoạn Thư, sự mất kiềm chế về mặt thể xác của một công thần của triều đình là Hồ Tôn Hiến. Trong thế giới này, rất nhiều nhân vật có học thức, có địa vị cao rất hay nói đạo lý, văn vẻ và có những hành xử văn minh trước cái nhìn của công chúng, nhưng đằng sau những lời nói ngọc ngà và những lời thề non hẹn biển là những mưu mô, toan tính, sự nham hiểm khó lường.

Ngay cả pháp luật cũng có thể bị những kẻ có quyền lực thao túng và các luân thường đạo lý cũng có thể được chuyển dời bởi sức mạnh của đồng tiền qua những lời bình luận sâu sắc: “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì” [ 3 , tr.36].

Tuy nhiên, tác phẩm cũng bình luận về những mặt tích cực của con người được xem là quân tử như Từ Hải, hoặc những người thủy chung chân chính như Kim Trọng, luôn luôn giữ vững lời thề dù cho cuộc đời sóng gió có thay đổi như thế nào. Bên cạnh đó, những yếu tố tâm linh, triết học, tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo), những lời dạy của các bậc hiền nhân (Khổng Tử, Mạnh Tử), những quan điểm về chữ hiếu, về phận làm con, về những vẻ đẹp trong tâm hồn của người phụ nữ trong một xã hội trọng nam khinh nữ (thông qua những nhân vật như Đạm Tiên, Thúy Kiều) luôn hiện hữu xuyên suốt tác phẩm, được thể hiện qua những trích dẫn, những điển tích thời xưa.

Về phương diện văn bản, Truyện Kiều gồm 3.254 câu thơ lục bát, thể thơ này giúp cho tác phẩm dễ nhớ do nhịp điệu và vần thơ quen thuộc với người Việt Nam. Về phương diện từ vựng và câu cú, hiều dòng thơ có sử dụng phép sóng đôi, khiến câu thơ tuy ngắn nhưng lại rất sâu sắc, ví đôi câu thơ: “Hương càng đượm lửa càng nồng,/ Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen” [ 3 , tr.72]. Nhiều biện pháp tu từ cũng được sử dụng: câu “Hồng quân với khách hồng quần/ Đã xoay đến thế còn vần chưa tha” [ 3 , tr.110] với phép ẩn dụ (chỉ định mệnh nghiệt ngã với nhiều mối tình dây dưa dang dở) và hoán dụ ( “hồng quần” chỉ người phụ nữ); câu “Song sa vò võ phương trời/ Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng) [ 3 , tr.66] với điệp từ, điệp ngữ.

Không khí (Tenor)

Trong mô hình của House 5 , không khí của ngôn bản (tenor) chỉ các mối quan hệ hiện hữu trong tác phẩm, bao gồm nguồn gốc địa lý, tầng lớp xã hội, thời gian, quan điểm của tác giả về các chủ đề trong tác phẩm.

Nguyễn Du (1765-1820) vốn thuộc dòng dõi có truyền thống làm quan to trong triều đình. Năm 19 tuổi, Nguyễn Du đỗ tam trường, khi nhà Lê mất, ông có giữ một số chức quan nhỏ tại Sơn Tây nhưng khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, Nguyễn Du sống một cuộc đời phiêu bạt khắp nơi tại quê nhà và Trung Quốc trong nhiều năm trước khi về lại Thăng Long vào năm 1790. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ và nhà Nguyễn lên nắm quyền, Nguyễn Du được triệu ra làm quan dưới thời của vua Gia Long, nhưng trong lòng ông vẫn luôn thương tiếc về triều Lê cùng với những hoài nghi về tương lai của đất nước, đặc biệt là khi vua Gia Long tăng cường thỏa hiệp và hợp tác với người Pháp để xây dựng thủ đô của mình tại Huế [ 3 , tr.xiv].

Từ năm 1802, Nguyễn Du chủ yếu chỉ làm một vài chức quan nhỏ, không có nhiều quyền lực chính trị trong triều đình. Ông qua đời vì bệnh trước một chuyến đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1820 [ 3 , tr.xv]. Thông qua những trải nghiệm thực tế trong cuộc đời phiêu bạt đầy sống gió cùng với sự am hiểu về văn học và văn hóa Trung Quốc, Nguyễn Du đã kết tinh những chiêm nghiệm của mình về cuộc đời, về xã hội, về chính trị, về tư tưởng tôn giáo, về cuộc đời của con người, về sự loạn lạc của chiến tranh và về những chuẩn mực đạo đức của con người trong một xã hội không ngừng thay đổi vào những vần thơ của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh .

Trong tác phẩm này, nhân vật chính là Vương Thúy Kiều, một người con gái đến tuổi lấy chồng và sớm có được một mối nhân duyên với Kim Trọng, một chàng học sĩ khôi ngô tuấn tú thuộc dòng dõi “trâm anh” [ 3 , tr.8]. Tuy nhiên, định mệnh chia lìa hai người khi Kim Trọng phải về quê chịu tang chú trong ba năm còn gia đình Kiều lại bị người bán tơ vu oan, khiến cả gia tộc rơi vào vòng lao lý, dẫn đến quyết định bán mình chuộc cha và em trai của Thúy Kiều. Từ đây, thân phận Thúy Kiều rơi vào một kiếp phiêu bạc. Nàng bị dòng đời đưa đẩy, bị Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa vào nhà xanh, bị Sở Khanh lợi dụng dẫn đến tự vẫn không thành rồi được Tú Bà huấn luyện thành gái làng chơi có tiếng. Về sau, nàng được Thúc Sinh chuộc ra làm vợ lẽ, nhưng nàng lại bị vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư biến thành nô lệ trong nhà. Thúy Kiều quyết định trốn khỏi cơ ngơi của họ Hoạn và xin tá túc nơi cửa Phật với sư Giác Duyên. Tuy nhiên, nàng tiếp tục bị họ Bạc lừa bán vào lầu xanh lần hai. Ở đây, nàng gặp Từ Hải và trở thành vợ của một vị anh hùng chống lại triều đình, rồi bị Hồ Tôn Hiến lừa dẫn đến việc nàng gián tiếp tiếp tay cho triều đình giết chồng mình. Sau cái chết của Từ Hải, nàng bị cưỡng hiếp rồi gả cho một vị thổ quan. Sau nhiều biến cố, cuối cùng Thúy Kiều mới được đoàn tụ với Kim Trọng và gia đình.

Từ những sự kiện trong cuộc đời nàng Kiều, Nguyễn Du đã nêu bật lên các vấn đề nhức nhối trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ với đầy bi thương binh biến và tố cáo một nền chính trị đầy rẫy những mưu mô toan tính.

Phương thức (Mode)

Cuộc đời của Thúy Kiều được kể qua ngôi thứ ba. Người đọc có thể thấy được hành động của nàng trước công chúng và trong lúc riêng tư. Người đọc có thể nhìn, đọc được những lời thoại giữa Thúy Kiều với những nhân vật khác và nhìn thấu được nội tâm phức tạp của nhân vật Kiều, thấy được thái độ cam chịu, “vạn sự tùy duyên” của con người trong thời đại này. Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo, đạo đức từ đó mà được phơi bày qua từng biến cố trong cuộc đời của Thúy Kiều, khiến cho người đọc có nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về sự tồn tại của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Thể loại (Genre)

Truyện Kiều là truyện thơ với giọng văn luôn thay đổi, đôi khi trang trọng, tôn kính, ví dụ như đoạn mô tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều với những hình tượng nhân hóa “Hoa cười ngọc thốt đoan trang,/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” và “Làn thu thủy nét xuân sơn,/ Hoa ghen đua thắm liễu hờn kém xanh” [ 3 , tr.1]. Hình tượng của con người được so sánh với hình tượng của thiên nhiên, thủ pháp này giúp tôn vinh lên cái đẹp cả về ngoại hình lẫn tâm hồn của từng nhân vật được nhắc đến.

Tuy nhiên, cũng có lúc giọng văn của tác phẩm lại mang đầy sự trào phúng khi nói về những kẻ tiểu nhân trong xã hội, ví dụ như đoạn mô tả Mã Giám Sinh là “Quá niên trạc ngoại tứ tuần,/ Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” [ 3 , tr.34] cho thấy một phần nào tính cách của nhân vật: tuy đã ngoài bốn mươi nhưng vẫn ăn diện và sở hữu một gương mặt trơ trẽn. Những tình tiết tương tự như vậy cũng được sử dụng xuyên suốt tác phẩm, ví dụ như đôi câu thơ mô tả Tú Bà là “Thoắt trông lờn lợt màu da,/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao” [ 3 , tr.48] cho thấy Tú Bà từng là một gái làng chơi có thâm niên, tuy màu da có phần nhợt nhạt do hệ quả của những năm tháng trang điểm, son phấn nhưng thân hình lại rất to béo, điều đó phần nào thể hiện được sự tham lam, chú trọng đến miếng ăn là trên hết của nhân vật này.

Đôi lúc, giọng văn cũng chuyển sang trầm lắng, bày tỏ sự thương cảm đối với nhân vật, ví dụ như lúc Thúy Kiều viết thơ tặng cho mộ của Đạm Tiên, hay lúc nàng bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Đôi lúc, giọng thơ của tác phẩm lại hướng về bình luận xã hội, thể hiện quan điểm của chính tác giả về những tình huống của cuộc đời, ví dụ như lời nói của sư Tam Hợp về số kiếp của nàng Kiều, trong đó có câu: “Hại một người cứu muôn người” [ 3 , tr.138]. Người duy nhất trong toàn bộ tác phẩm mà Thúy Kiều gián tiếp hại chết là Từ Hải. Song, trong quan điểm của Nguyễn Du, cái chết của Từ Hải chết là điều cần thiết để cứu sống cho nhiều người khác, điều này phần nào thể hiện quan điểm của ông đối với những con người phản động như nhà Tây Sơn trong đời thực khiến cho triều đình nhà Lê mà ông vô cùng tôn kính đi vào diệt vong.

Những lời bình phẩm về đạo đức, về văn hóa cũng được thể hiện qua lời nói của Vương ông ở đoạn cuối tác phẩm, khi ông cố gắng thuyết phục Thúy Kiều về nhà tiếp tục tu hành: “Ông rằng: ‘Bí thứ nhất thì,/ Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền” [ 3 , tr.156]. Câu trên có nghĩa là người tu hành cũng phải nhìn theo thời thế thay đổi ra sao để thích ứng. Điều này lại khá mâu thuẫn đối với lời dạy của Phật Giáo, vốn chỉ bảo người tu hành phải luôn giữ cho tâm mình bất biến giữa một dòng đời vạn biến. Tác phẩm thể hiện rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề tu hành của những người trung lưu và thượng lưu trong xã hội như nhà Hoạn Thư (Hoạn Thư tự cho mình quyền đặt pháp danh cho Thúy Kiều), Vương ông (đã nói ở trên) và Thúy Kiều (tuy tu hành nhưng lại vương vấn với những mối quan hệ của trần thế), những quan điểm ấy rất khác với việc tu hành của người xuất gia như sư Giác Duyên.

Nhìn chung, giọng văn của Truyện Kiều thay đổi liên tục, có trọng có khinh, có khen có chê, có kèm theo một vài lời bình phẩm xã hội, thế cuộc, chính trị, văn hóa, tôn giáo sâu sắc qua từng nhân vật và tình tiết.

Chức năng

Chức năng của một tác phẩm bao gồm chức năng ý niệm và chức năng liên nhân. Trong Truyện Kiều , chức năng ý niệm được thể hiện qua từ vựng, điển tích, điển cố, các biện pháp tu từ (ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, so sánh, điệp từ, điệp ngữ,…), các câu thơ lục bát ngắn gọn nhưng sâu sắc, các câu ghép, phương thức sóng đôi và các lời bình luận sâu sắc về xã hội và con người trong xã hội phong kiến với đầy những biến động về chính trị, quân sự, đạo đức, tôn giáo và thời cuộc.

Đánh giá bản dịch của Huỳnh Sanh Thông3 và Michael Counsell 4

Sau đây, bản dịch của dịch giả Huỳnh Sanh Thông 3 và Michael Counsell 4 sẽ được xem xét dựa trên mô hình của House 5 gồm các bình diện Trường (Field), Không khí (Tenor) và Phương thức giao tiếp (Mode).

Trường (Field)

Trong phần này, chúng tôi sẽ thảo luận về Trường (Field) thông qua phương tiện từ vựng, cú pháp và văn bản có liên quan nhằm so sánh cách dịch giả tiếp cận các yếu tố liên quan đến văn hóa, chính trị, xã hội của thời phong kiến đã được đề cập ở trên.

Phương tiện từ vựng (Lexical means)

Từ vựng liên quan đến văn hóa Trung Quốc

Một số vấn đề văn hóa cũng hiện hữu trong bản dịch của Huỳnh Sanh Thông. Một trong những ví dụ điển hình là hình ảnh “hồ cầm” của Thúy Kiều trong câu “nghề riêng ăn đứt hồ cầm Ngại Trương” [ 3 , tr.2]. Trong bản dịch, Huỳnh Sanh Thông viết “and played the lute far better than Ai Chang” [ 3 , tr.3]. Dòng thơ này có đề cập đến điển tích của một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc là Ngại Trương để so sánh và thể hiện tài đánh đàn của Thúy Kiều. Trong đây, “hồ cầm” là một loại nhạc cụ của Trung Quốc và trong chú thích, Huỳnh Sanh Thông [ 3 , tr.170] có giải thích về nguồn gốc của loại nhạc cụ này là đàn tì bà, vốn có hình dạng tương tự như đàn luýt (lute) của châu Âu. Tuy nhiên, đây cơ bản là hai loại nhạc cụ hoàn toàn khác nhau, dẫn đến một lỗi dịch theo như mô hình của House 5 liên quan đến văn hóa. Lựa chọn này nhằm giúp độc giả tiếng Anh hình dung được tài năng chơi đàn của Thúy Kiều, nhưng lại không thể hiện chính xác loại nhạc cụ mà nàng Kiều chơi.

Tuy nhiên, trong dị bản mà Michael Counsell sử dụng, dòng thơ này được ghi là “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương” [ 4 , tr.15] và được dịch thành “[she’d] excel at playing on the lute” [ 4 , tr.14]. Điển tích lịch sử trong bản dịch này không còn và khác với Huỳnh Sanh Thông 3 , bản dịch của Michael Counsell 4 không có thêm bất kì chú thích về sự khác biệt về văn hóa này.

Từ đa nghĩa

Một vấn đề khác nữa là chơi chữ, vốn là một đặc điểm văn hóa độc đáo của tiếng Việt, nhưng trong tiếng Anh, toàn bộ ý nghĩa này khó có thể được truyền đạt một cách toàn diện. Một ví dụ điển hình là từ “bạc” trong tác phẩm gốc, vốn có nhiều nghĩa khác nhau, gồm màu bạc, mỏng manh, tên riêng, hoặc là một đơn vị tiền tệ. Đôi lúc, các tầng lớp nghĩa của từ bạc này kết hợp với nhau, tạo ra một lối chơi chữ sâu sắc và thâm thúy ví dụ như trong dòng thơ “Một thiên Bạc Mệnh lại càng não nhân” [ 3 , tr.2]. Từ “bạc” này được dùng để chỉ số phận mỏng mang và khi sang tiếng Anh, từ này được dịch thành “Cruel Fate” [ 3 , tr.3]. Nhưng trong chú thích, Huỳnh Sanh Thông lại có ghi thêm là “Thin Fate” [ 3 , tr.170] để làm rõ nghĩa từ “bạc” này vì cụm từ này lại có liên hệ đến dòng thơ sau này là “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” [ 3 , tr.22]. Từ “phận mỏng” ở đây có quan hệ mật thiết với ca khúc “Bạc Mệnh” được nhắc ở trên, nhưng khi dịch sang tiếng Anh, Huỳnh Sanh Thông viết “But I deem my own lot a mayfly’s wing” [ 3 , tr.23], hoàn toàn không nhắc gì đến cụm từ “phận mỏng” và “cánh chuồn” cũng biến thành “cánh ruồi” (mayfly’s wing) do sự hạn chế về số âm tiết trong thể thơ. Tuy vậy, trong chú thích, Huỳnh Sanh Thông ghi lại bản dịch đầy đủ là “I think my own lot is as thin as a dragonfly’s wing” [ 3 , tr.172].

Tiếp theo, một chi tiết với từ “bạc” cũng có một mối liên quan mật thiết với ca khúc “Bạc Mệnh” nằm ở câu “Phận sao phận bạc như vôi” [ 3 , tr.40]. Dòng thơ này là một hiện tượng chơi chữ độc đáo do từ “bạc” vừa có nghĩa mỏng manh để liên hệ với ca khúc “Bạc Mệnh” của Thúy Kiều, vừa chỉ màu sắc, nên nó được dùng để so sánh với vôi, vốn cũng là màu trắng. Tuy nhiên, những tầng lớp nghĩa đó lại không được thể hiện trong bản dịch tiếng Anh: “Why have a drawn a lot as gray as dirt?” [ 3 , tr.41]. Hình tượng khúc nhạc “Bạch Mệnh” ám ảnh cả cuộc đời Thúy Kiều không còn xuất hiện trong tiếng Anh nữa, khiến cho mối liên hệ giữa các dòng thơ này vì thế mà bị đứt đoạn. Bên cạnh đó, hình tượng “vôi” cũng được thay thành cát bụi (“dust”) và nghĩa màu sắc của từ “bạc” được chuyển thành màu xám xịt (“gray”). Đây là một ví dụ điển hình của sự khác biệt giữa các ngôn ngữ và văn hóa, dẫn đến trường hợp bất khả dịch (linguistic untranslatability) trong quá trình dịch 24 . Cách xử lý trong trường hợp này là thông qua chiến lược dịch bù đắp (method of compensation) 25 .

Cũng với từ “bạc” ở trên, hiện tượng đa nghĩa của từ vựng lại một lần nữa xuất hiện trong phần Thúy Kiều bị nhà họ Bạc lừa bán vào lầu xanh lần thứ hai. Trong đó có câu: “Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa” [ 3 , tr.110]. Mỗi từ “bạc” trong đây lại mang một ý nghĩa khác nhau. Từ “Bạc” đầu tiên chỉ Bạc Hạnh, cháu của Bạc bà, nhưng chữ “bạc” sau đó mới thể hiện được sự thâm thúy và điêu luyện của Nguyễn Du trong bút pháp miêu tả. Ở đây, “mặt bạc” có thể được hiểu là gương mặt bạc bẽo, vô tình của Bạc Hạnh (đúng như tên gọi của nhân vật), cũng có thể là một loại tiền tệ. Vì vậy, câu này có ý rằng Bạc Hạnh, sau khi thấy được tiền trong tay, liền đem gương mặt tiểu nhân, bạc bẽo của hắn cao chạy xa bay, bỏ rơi nàng Kiều lại ở chốn lầu xanh một lần nữa. Huỳnh Sanh Thông dịch thành “While Bạc was carting his false face away,” [ 3 , tr.111] chủ yếu là nói về gương mặt bạc tình bạc nghĩa của Bạc Hạnh, chứ không nói về tiền bạc. Đây cũng là một ví dụ điển hình của hiện tượng bất khả dịch 26 và bản dịch không thể trình bày đầy đủ được lối chơi chữ của tác phẩm gốc.

Michael Counsell cũng sử dụng từ “Cruel Fate” [ 4 , tr.14] để dịch ca khúc “Bạc Mệnh” của Kiều, nhưng không đưa ra chú thích cụ thể như Huỳnh Sanh Thông về ý nghĩa của từ “Bạc” (chỉ sự mỏng manh chứ không nói về màu sắc) [ 3 , tr.170]. Sự mỏng manh trong sắc thái nghĩa của từ “bạc” này được thể hiện qua dòng thơ “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” [4, tr.69] và sắc thái nghĩa này được bảo toàn trong bản dịch tiếng Anh là “my destiny is made/as frail as wings of dragonflies” [ 4 , tr.70]. Khác với bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 , Michael Counsell chuyển tải được hình tượng so sánh gốc trong nguyên bản (cánh chuồn chuồn, chứ không phải là cánh ruồi) và đồng thời tạo được mối liên hệ với khúc nhạc “Bạc Mệnh” của Thúy Kiều thông qua từ đồng nghĩa là “destiny” và sắc thái “mỏng manh” của từ “bạc” qua từ “frail.” Tuy nhiên, chỉ có độc giả am hiểu về tiếng Việt mới có thể nhận ra được mối liên hệ đầy ẩn ý này do bản dịch của Michael Counsell 4 không có chú thích về nghĩa của từ “bạc” trong bản dịch.

Trong câu chơi chữ “Phận sao phận bạc như vôi” [ 4 , tr.137], Michael Counsell không giống như Huỳnh Sanh Thông chuyển “vôi” thành “dirt” [ 4 , tr.41]. Michael Counsell chỉ dịch đơn giản thành “Why is my fate so cruel?” [ 4 , tr.140], tái sử dụng từ “cruel” giống như trong “Bạc Mệnh” (“Cruel Fate”), hoàn toàn loại bỏ sắc thái màu sắc và so sánh trong bản gốc. Khi nói về họ nhà Bạc, câu đa nghĩa “Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa!” được Michael Counsell dịch thành “and then he slipped away -/his nature “faithless” like his name” [ 4 , tr. 420]. So với bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 , bản dịch này có giải thích cụ thể hơn về một sắc thái nghĩa của từ “bạc” là sự “bạc bẽo” và tầng lớp nghĩa này được đưa vào trong ngoặc kép để làm nổi bật từ “faithless”. Hơn nữa, Michael Counsell 4 cũng nói rõ về mối liên hệ giữa từ “bạc” (“faithless”) với cái tên của Bạc Hạnh (“like his name”), rõ hơn bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, vốn không đề cập đến ý nghĩa của tên nhân vật này, kể cả trong phần chú thích. Tuy nhiên, những tầng lớp nghĩa khác liên quan đến chữ “bạc” (chỉ tiền tệ, tiền bạc) lại bị lược bỏ đi.

Tương tự, một chi tiết chơi chữ sâu sắc trong Truyện Kiều nằm ở đoạn Kim Trọng tìm đến nhà thăm Thúy Kiều và thấy một tòa nhà trống “Có hiên Lãm-thúy nét vàng chưa phai” [ 3 , tr.16]. Từ “Thúy” trong “Lãm Thúy” ở đây vừa là tên riêng được khắc trên hiên nhà, cho thấy đây là hiên để ngắm phong cảnh, cây cối, vừa ám chỉ cả Thúy Kiều. Kim Trọng tìm được một ngôi nhà trống gần với nhà người con gái mình thương và đây là cơ hội trời cho để chàng có thể tiếp cận với nàng Kiều một cách đường hoàng. Ngay cả trong lời nói của mình, Kim Trọng cũng nhận định rằng “Mừng thầm chốn ấy chữ bài:/ “Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây’” [ 3 , tr.16]. Chính lời nói đó của Kim Trọng đã đưa sự chú ý của độc giả đến cái tên trên và đến với ngụ ý của cái tên đó. Từ “Thúy” cũng là một vấn đề bất khả dịch 24 . Đối với dòng thơ này, Huỳnh Sanh Thông [ 3 , tr.17] dịch như sau: “inscribed in vivid gold: ‘Kingfisher View’”. Kết hợp với việc dịch, Huỳnh Sanh Thông chú thích thêm rằng từ “Thúy” trong “Thúy Kiều” có nghĩa là chim bói cá (kingfisher) và tên khắc trên hiên trong bản dịch được hiểu là hiên ngắm chim bói cá, ngụ ý là ngắm nàng Thúy Kiều [ 3 , tr.174]. Cách dịch này là một chiến lược bù đắp 25 và vì vậy, nghĩa của cái tên bên bản gốc cũng bị thay đổi vì “Kingfisher View” không còn chỉ cây cối nữa. Điều này dễ gây ra một chút khó hiểu cho độc giả rằng vì sao lại ngắm chim bói cá trong một căn nhà có cỏ cây và hòn non bộ nếu không có chú thích cuối bài.

Đối với hiên “Lãm-Thúy,” Michael Counsell chọn cách giải thích nghĩa của cụm từ này: “For watching lovely birds” [ 4 , tr.50]. Từ “Lãm-Thúy” không còn xuất hiện trong bản dịch, nhưng cụm từ “Lãm-Thúy” này lại có nhiều tầng lớp nghĩa sâu sắc riêng đã được giải thích ở trên. Ý nghĩa của “Lãm Thúy” là “ngắm cây xanh” (trong khi bản dịch của Michael Counsell lại chuyển ngữ thành ngắm chim) và từ “Thúy” ở đây cũng ám chỉ Thúy Kiều. Như vậy, từ “Lãm Thúy” có ngụ ý là hiên này được xây nhằm mục đích thưởng ngoạn cây cảnh, nhưng đối với Kim Trọng, hiên này là nhằm mục đích ngắm (“lãm”) nàng Thúy Kiều. Bản dịch của Michael Counsell 4 chưa truyền tải đúng thông điệp của bản gốc và vì bản dịch của ông không có chú thích, những độc giả không biết tiếng Việt sẽ không thể hiểu được ẩn ý.

Thay vì dùng chú thích, Michael Counsell 4 đôi lúc giải thích các hình tượng so sánh, ẩn dụ ngay trong bản dịch. Hãy xét một ví dụ là cụm từ “yến anh”. Huỳnh Sanh Thông sử dụng rất nhiều từ khác nhau khi dịch từ “yến anh” (vốn dùng hình ảnh hai loài chim để chỉ những đôi nam nữ hoặc ám chỉ khách làng chơi tại lầu xanh) như “lovers” [ 3 , tr.5] hay “birds of mirth” [ 3 , tr.57] kèm với chú thích cuối bài là “swallows and orioles” [ 3 , tr.170]. Trong bản dịch của Michael Counsell, cụm từ “yến anh” được dịch giả cố gắng giải thích một cách chi tiết hơn ngay trong nội dung bản dịch thành “the crowds flowes past in waves/ like flocks of swallows round their nest” [ 4 , tr.18]. Tuy nhiên, Michael Counsell 4 vẫn chưa thể truyền tải được toàn vẹn nội dung của từ “yến anh” vốn chỉ các cặp đôi nam nữ đi chơi hội mà chỉ nói là đám đông (“crowds”) và so sánh đám đông này với một đàn chim yến (“like flocks of swallows”). Hơn nữa, “yến anh” là hai loài chim khác nhau, nhưng Michael Counsell 4 chỉ dùng “swallows” và không có chú thích gì thêm, dẫn đến khả năng gây khó hiểu cho độc giả.

Danh từ riêng

Về tên riêng, bản dịch của Huỳnh Sanh Thông khá đa dạng. Đối với tên của nhân vật, dịch giả sử dụng tiếng Việt giữ nguyên dấu, ví dụ như Kiều, Young Vương, Old Vương, Thúy Vân,… nhưng đối với tên những nhân vật lấy từ điển tích, điển cố của Trung Quốc hoặc địa danh, dịch giả lại sử dụng phiên âm tiếng Anh như Ngại Trương thành Ai Chang [ 3 , tr.3], “cầu Lam” (hoặc “Lam kiều”) thành “Blue Bridge” [ 3 , tr.25], “Lầu Ngưng Bích” thành “The Crystal Tower” [ 3 , tr.55], “Hoa nô” thành “Flower the slave”, “Trạc Tuyền” thành “Pure Spring” [ 3 , tr. 121], “rừng tía” (nơi ở của Quan Âm Bồ Tát) được dịch thành “Purple Grove” [ 3 , tr.99].

Đối với nhiều tên riêng khác, dịch giả lại bỏ không dịch nhằm giữ được số âm trong từng dòng thơ. Thay vào đó, dịch giả chỉ chú thích ở cuối bản dịch, ví dụ như “Chương Đài” [ 3 , tr.67], hoặc dòng thơ “Sân Lai cách mấy nắng mưa” [ 3 , tr.54] vốn có tên một nhân vật trong điển tích Trung Quốc nhưng bản dịch không đề cập đến tên riêng này: “After these months, the yard’s catalpa tree” [ 3 , tr.55], thay vào đó, chú thích có ghi “old Lai’s yard” [ 3 , tr.186]. Tương tự, “Mặc người mưa Sở mây Tần,” [ 3 , tr.64], vốn có tên riêng của hai nước, nhưng bản dịch lại không có: “Over her flesh let them rage and storm” [ 3 , tr.65], chỉ có phần chú thích mới đề cập đến [ 3 , tr.188].

Đối với các tên riêng khác, dịch giả dùng phiên âm Wade-Giles, ví dụ như “Tư Mã” (tức Tư Mã Tương Như) được phiên âm thành “Ssu-ma” và “Chiêu Quân” thành “Chao-chun” [ 3 , tr.27], “Quan Âm” thành “Kuan-yin,” sông “Tiền Đường” thành “Ch’ien-t’ang” [ 3 , tr.139], “Bắc Kinh” thành Peking [ 3 , tr.105] và “Bình Nguyên quân” thành “Prince P’ing-yuan” [ 3 , tr.113]. Nhìn chung, dịch giả có chú thích đầy đủ trong bản dịch và có nhiều phương pháp khác nhau để dịch hoặc phiên âm danh từ riêng, nhưng các phương pháp này được sử dụng một cách khá ngẫu nhiên và chưa có sự nhất quán.

Khác với Huỳnh Sanh Thông 3 , Michael Counsell thống nhất sử dụng bính âm (Pinyin) xuyên suốt bản dịch. Danh sách các tên riêng và địa danh trong địa lý, lịch sử, huyền thoại và thần thoại Trung Quốc được dịch giả tổng hợp ở đầu bản dịch [ 4 , tr.5-9]. Còn tên của các nhân vật trong Truyện Kiều đều được viết bằng tiếng Việt không dấu, như Thuy-Kieu, Thuy-Van, Dam-Tien, Vuong-Quan, Kim-Trong, Secretary Do. Tuy nhiên, Michael Counsell cũng dịch nghĩa một số địa danh sang tiếng Anh, ví dụ như lầu Ngưng Bích được dịch thành “The Sapphire Wing” [ 4 , tr.198], nhưng cách ông chọn từ có thể gây khó hiểu cho độc giả vì không có giải thích vì sao dịch giả lại chọn “Sapphire” (thường là màu xanh nước biển sẫm) mà không dùng “Jade” (ngọc bích có màu xanh lá hoặc màu trắng). Việc không có chú thích một lần nữa trở thành một khuyết điểm lớn cho bản dịch này.

Michael Counsell 4 cũng lược bỏ nhiều tình tiết liên quan đến điển tích, điển cố và lịch sử để làm cho bản dịch của mình dễ đọc và dễ hiểu hơn. Một ví dụ điển hình nằm ở đoạn Kim Trọng đến thăm nhà Kiều, trong đó có câu “Là nhà Ngô Việt thương gia” nhắc đến điển tích “Ngô Việt,” vốn là tên hai nước có khoảng cách địa lý khá xa trong lịch sử Trung Quốc, ngụ ý rằng ngôi nhà mà Kim Trọng mua được thuộc về một thương nhân chuyên đi làm ăn xa nhà. Michael Counsell lược bỏ chi tiết này và ghi ngắn gọn thành “Behind her house he found/ nearby a travelling merchant’s home/ who, as he had to roam” [ 4 , tr.50]. Từ “travelling” và từ “roam” được dùng để thay cho “Ngô Việt” nhưng ý nghĩa lại không sâu sắc bằng ngụ ý mà điển tích thể hiện vì từ “travelling” không thể hiện rõ thương nhân này đi làm xa đến đâu. Tương tự, đoạn Kim Trọng nghe Thúy Kiều gảy đàn trong đêm, Michael Counsell dịch tên các bản nhạc trong lịch sử Trung Quốc sang tiếng Anh, nhưng tên người chơi những bản nhạc đó bị mất đi trong bản dịch. Ví dụ như “Khúc đâu Tư-mã Phượng Cầu” [ 4 , tr.81], bản dịch ghi “The Phoenix seeks his Mate” [ 4 , tr.80] và không nhắc đến Tư Mã Tương Như – người viết nên bản nhạc này cùng điển tích sâu xa liên quan.

Mặt khác, Michael Counsell 4 cố gắng giải thích điển tích và điển cố ngay trong nội dung của bản dịch bằng những câu thơ không có trong bản gốc tiếng Việt, khiến cho nội dung bản dịch tuy đôi lúc dễ hiểu hơn nhưng dài hơn nhiều so với bản gốc. Một ví dụ nằm ở dòng thơ “Sông Tương một dải nông sờ./ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia” [ 4 , tr.63]. Điển tích sông Tương nói về một cặp tình nhân bị xa cách, một người ở đầu sông và một người ở cuối sông nhưng tình cảm và suy nghĩ của họ vẫn hướng về nhau giống như một dòng sông chảy từ thượng nguồn xuống hạ lưu. Hình ảnh đó vẽ nên một ẩn dụ sâu sắc về mối quan hệ giữa Kim Trọng khi chàng tương tư về nàng Kiều dù cho hai nhân vật này không được nhắc đến trong đôi dòng thơ. Michael Counsell dịch thành: “There is a poem telling of/ the grief of two in love/ who waited, one upstream, and one/ who pined downstream alone/ upon the River Xiang;/ so too/ were sundered Kim and Kieu” [ 4 , tr.62]. Như vậy, hai dòng thơ trong bản gốc được dịch và chú giải thành sáu dòng thơ, khiến nội dung của bản dịch trở nên nặng nề hơn và không còn sâu sắc như bản gốc vì yếu tố ẩn dụ được giải thích quá cặn kẽ, làm mất đi sự súc tích.

Phương tiện cú pháp (syntactic means)

Một trong những bút pháp nổi bật của tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du là cấu trúc sóng đôi. Theo Hiatt 26 và Thomas cùng cộng sự 27 , cấu trúc sóng đôi (parallelism) là sự lặp đi lặp lại của hai hay nhiều từ hoặc cấu trúc có chức năng ngữ pháp giống nhau.

Theo nghiên cứu của Phan Văn Hòa và Nguyễn Thị Hương Ly 23 về việc dịch cấu trúc sóng đôi trong bản dịch của Huỳnh Sanh Thông [3] và Michael Counsell [4], tác phẩm gốc Truyện Kiều có 362 câu thơ có dùng cấu trúc sóng đôi và các câu thơ này được dịch theo các chiến lược của Catford 24 , bao gồm (1) thay đổi đơn vị câu, (2) thay đổi cấu trúc câu, (3) thay đổi loại từ và (4) thay đổi nội hàm câu.

Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 có thay đổi khi dịch các câu thơ có cấu trúc sóng đôi do sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt, tạo nên những tình huống bất khả dịch theo định nghĩa của Catford 24 . Vì vậy nên khi dịch các câu thơ có cấu trúc sóng đôi, các câu thơ tiếng Anh sẽ có ít nhiều thay đổi. Một ví dụ nằm ở lời thề của Mã Giám Sinh sau khi mua Kiều: “Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần” [ 3 , tr.48]. Trong bản dịch tiếng Anh, dòng thơ này không còn cấu trúc sóng đôi nữa mà được Huỳnh Sanh Thông dịch thành hai dòng liên tục: “The sun’s my witness–if I should break faith,/ may all the demons strike me with their swords” [ 3 , tr.49]. Mặt khác, một số dòng thơ bên bản dịch có sử dụng cấu trúc sóng đôi như câu “Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu” [ 3 , tr.50] được dịch thành “on nights of mirth, on nights of revelry” [ 3 , tr.51]. Ở đây, dịch giả sử dụng chiến lược thay đổi loại từ, thay đổi cụm danh từ ở bản gốc thành cụm giới từ ở bản dịch.

Với bản dịch của Michael Counsell 4 , chiến lược thay đổi đơn vị câu được dùng nhiều nhất. Hơn nữa, do Michael Counsell 4 quyết định sử dụng hình thức thơ mô phỏng thể thơ lục bát nên bản dịch của ông bị giới hạn nhiều về số âm tiết trong mỗi dòng và dẫn đến việc cấu trúc sóng đôi trong bản gốc Truyện Kiều cũng khó được bảo toàn. Ví dụ ở đoạn mô tả Thúy Vân “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” [ 4 , tr. 13], Michael Counsell dịch: “What beauty have the snows/ to that with which she was endowed?/ What is a floating cloud/compared to Thuy-Van’s flowing hair?” [ 4 , tr.12]. Dịch giả sử dụng chiến lược thay đổi đơn vị câu, chuyển “mây” từ chủ ngữ của mệnh đề thành tân ngữ trong bản dịch và dòng thơ được chuyển từ câu khẳng định sang câu hỏi tu từ khi dịch. Đồng thời, cấu trúc sóng đôi trong bản gốc cũng không thể được bảo toàn khi dịch do dịch giả phải thêm nhiều chi tiết phụ để làm rõ thông điệp và giữ thể lục bát. Tương tự, ở đoạn tay sai nha lại xông vào nhà bắt gia đình Thúy Kiều “Người nách thước kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” [ 4 , tr.103], Michael Counsell dịch thành “a dozen of ugly thugs, all armed/ with clubs and daggers, swarmed/ from all sides, round and about” [ 4 , tr.102]. Như vậy, danh từ “thước” và “đao” trong bản gốc được chuyển thành cụm giới từ “with clubs and daggers” trong bản dịch (từ “đao” được dịch sang “daggers” vốn là một loại dao găm cũng chưa hợp lý), còn cụm “đầu trâu mặt ngựa” (chỉ hai loại yêu quái canh gác địa ngục và trừng phạt các linh hồn tội lỗi) chỉ được dịch đơn giản là “thugs” (đám côn đồ), như vậy cũng chưa thể hiện rõ được tinh thần của bản gốc.

Phương tiện văn bản (textual means)

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đa phần từng dòng thơ đều có thể được xem là một câu hoặc một ý hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, câu thơ vắt dòng (enjambment) được sử dụng rất nhiều, ngay từ dòng đầu tiên của bản dịch: “A hundred years–in this lifespan on earth/ talent and destiny are apt to feud” [ 3 , tr.3]. Tương tự, ở dòng “Phong lưu rất mực hồng quần,/ xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” [ 3 , tr.2], mỗi dòng thơ là một ý tưởng trọn vẹn và hoàn chỉnh, nhưng bản dịch dùng một câu phức có mệnh đề quan hệ rút gọn: “A paragon of grace for womanhood,/ she neared that time when maidens pinned their hair” [ 3 , tr.3]. Tổng cộng, bản dịch này có hơn 1.500 câu thơ vắt dòng.

Tương tự, bản dịch của Michael Counsell 4 cũng sử dụng rất nhiều câu thơ vắt dòng xuyên suốt – 6.508 dòng thơ. Đây là do dịch giả quyết định dịch tác phẩm theo hình thức thơ mô phỏng lại thể thơ lục bát của Việt Nam nên số lượng âm tiết trong một dòng thơ bị giới hạn, khó có thể truyền tải được toàn bộ thông điệp của bản gốc. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm (monosyllabic language), mỗi âm tương ứng với một từ, còn tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết (polysyllabic language) nên một từ có thể có rất nhiều âm tiết khác nhau. Michael Counsell 4 cũng thêm vào nhiều yếu tố không có trong bản gốc, ví dụ như các dòng thơ đầu tiên trong Truyện Kiều không hề đề cập đến cái “tôi” [ 4 , tr.11], nhưng trong bản dịch, Michael Counsell viết thêm những dòng “which may sound strange, I know,/ but is not really so, I swear,” để dịch hai chữ “Lạ gì” và giải nghĩa dòng thơ [ 4 , tr.12]. Đồng thời, dịch giả cũng thêm vào “I know” và “I swear” để đảm bảo quy luật gieo vần của thể lục bát được bảo toàn, khiến cho bản dịch dài hơn và khác biệt hơn so với bản gốc tiếng Việt.

Tương tự, 12 dòng thơ gần cuối của bản gốc Truyện Kiều [ 4 , tr.637] được dịch thành 26 dòng. Về nghĩa, dịch giả có thêm vào một số chi tiết mà bản gốc không có, ví dụ như “come, let us meditate”, “then with a gentle charm/ we must live pure and harmlessly”, “if she is not discreet/ a happy miss may meet mishap” (bản gốc không nói về số phận người phụ nữ nữa mà là về số mệnh con người nói chung, vì thế nên đại từ “she” trong bản dịch này chưa hợp lý), “accepting what is sent”, “when you your armour don” và “a pure life’s excellence will pour” [ 4 , tr.636]. Hơn nữa, Michael Counsell đôi lúc chưa truyền tải đúng thông điệp của bản gốc, điển hình là từ “phong trần” trong các dòng thơ cuối, được diễn giải như sau: “if life is filled with great events,/ accepting what is sent,/ our souls must be adventurous” [ 4 , tr.636]. Trong bản gốc, “phong trần” chỉ một cuộc đời bấp bênh, gian khó, dãi gió dầm sương, nhưng bản dịch của Michael Counsell 4 chỉ dùng từ “great events” chung chung, không thể hiện rõ từ “great” là tích cực hay tiêu cực. Bên cạnh đó, từ “adventurous” thường chỉ những người xông pha, tiên phong, chủ động đi tìm những cuộc phiêu lưu trải nghiệm, nhưng “phong trần” là do số mệnh áp đặt lên con người (“Bắt phong trần phải phong trần”), cho thấy con người hoàn toàn ở thế bị động trước sự xếp đặt của số mệnh. Hơn nữa, vì lý do nào đó không rõ, hai dòng thơ cuối Truyện Kiều mà trong đó, Nguyễn Du trực tiếp đưa mình vào trong tác phẩm là “Lời quê chấp nhặt dông dài,/ Mua vui cũng được một vài trống canh” [ 4 , tr.637] lại bị lược bỏ hoàn toàn, khiến cho bản dịch mất đi một chi tiết thể hiện sự khiêm nhường của một đại văn hào sau khi viết nên một tuyệt tác.

Không khí (tenor)

Như đã đề cập ở trên, trong mô hình của House 5 , không khí của ngôn bản (tenor) chỉ các mối quan hệ hiện hữu trong tác phẩm, bao gồm nguồn gốc địa lý, tầng lớp xã hội, thời gian, quan điểm của tác giả về các chủ đề trong tác phẩm gốc. Đối với bản dịch, các yếu tố về lai lịch của dịch giả sẽ được tìm hiểu vì xuất thân của dịch giả, cùng với đối tượng mà dịch giả hướng đến, đều ảnh hưởng đến phong cách dịch thuật, văn phong, cách chọn từ vựng, danh mục chú thích và cách dịch giả tiếp cận các yếu tố văn hóa, chính trị và xã hội thời phong kiến tác phẩm gốc.

Dịch giả Huỳnh Sanh Thông sinh năm 1926, xuất thân ở Hóc Môn, thuộc tỉnh Gia Định thời bấy giờ. Ông là con thứ hai trong gia đình có sáu người con và tất cả đều xuất cảnh sang Pháp, Anh, hoặc Mỹ sau ngày Sài Gòn được giải phóng vào năm 1975 [ 28 , tr.221]. Ông được giáo dục tại trường dự bị đại học Vĩnh Ký tại miền Nam, vốn là thuộc địa của thực dân Pháp nên ông không biết gì về văn học Việt Nam vì không có trong chương trình học [ 28 , tr.224]. Ông sinh sống và làm việc cho Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đến khi xuất cảnh sang Ohio năm 1948 [28, tr.225]. Huỳnh Sanh Thông dịch Truyện Kiều vào năm 1973 và tái bản năm 1983 vì một số sinh viên lớp tiếng Việt của ông tại Mỹ muốn tìm hiểu thêm về văn học Việt Nam và Truyện Kiều là tác phẩm thơ tiêu biểu nhất của Việt Nam, nhưng ông tự nhận rằng mình chưa từng đọc qua tác phẩm gốc của Truyện Kiều [ 28 , tr.227]. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định của dịch giả khi dịch tác phẩm này. Cụ thể, dịch giả đã tham khảo các bản dịch của René Crayssac, Xuân Phúc và Xuân Việt, Lê Xuân Thủy [ 28 , tr.228]. Hơn nữa, dịch giả cũng nêu rõ là bản dịch năm 1983 (đạt giải thưởng MacArthur năm 1987) có nhiều cải biên, chú thích, cập nhật, hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên và giới nghiên cứu [ 3 , tr.ix]. Chính vì vậy nên bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 thiên về học thuật nhiều hơn, nhiều từ vựng khó hơn và mang tính chi tiết hơn trong việc chú thích các đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa, điển tích và ý nghĩa của bản gốc. Những yếu tố về từ vựng và cú pháp không thể được truyền tải trong nội dung bản dịch theo thể thơ không vần (blank verse) được Huỳnh Sanh Thông dịch lại đầy đủ và chú thích kỹ càng trong phần phụ lục.

Về dịch giả Michael Counsell, ông sinh năm 1935, là nhà văn và dịch giả người Anh, tốt nghiệp Đại học Cambridge, từng sinh sống và làm việc tại miền nam Việt Nam từ năm 1968 đến 1970. Ông tự nhận rằng ông không xem bản thân mình là một dịch giả vì không thông thạo tiếng Việt và bản dịch Truyện Kiều do ông thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào những bản dịch trước, cụ thể là bản dịch thơ của Réné Crayssac, Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông [ 4 , tr.5]. Ông dịch Truyện Kiều vì đam mê và muốn dịch tác phẩm yêu thích của mình dưới góc nhìn của một người bản xứ [ 4 , tr.5]. Khác với Huỳnh Sanh Thông 3 , Michael Counsell 4 dịch Truyện Kiều trước hết là để thỏa mãn đam mê bản của thân. Hơn nữa, khác với dịch giả Huỳnh Sanh Thông 3 , bản dịch của Michael Counsell 4 không hướng đến giới học sinh, sinh viên và nghiên cứu tại Mỹ. Vì vậy nên ngôn ngữ trong bản dịch này của ông không nặng về tính học thuật, không có chú thích, ngôn ngữ đơn giản hơn và nội dung có biến tấu hơn.

Phương thức giao tiếp (mode)

Huỳnh Sanh Thông 3 không dùng thể thơ lục bát mà dùng thể thơ không vần (blank verse) với nhịp điệu iambic pentameter, trong đó, mỗi dòng thơ gồm 10 âm với 5 trọng âm (iamb) [ 4 , tr.228-229]. Ví dụ, dòng thơ “A hun dred years –in this life span on earth ” [ 3 , tr.3] có mười âm tiết và có năm trọng âm (được in đậm và gạch chân) xen kẽ với 5 âm không nhấn. Mỗi trọng âm đó được gọi là một “iamb”. Vì dòng thơ có tất cả năm trọng âm (iamb) nên nhịp điệu trên được gọi là iambic pentameter (“penta” là tiền tố chỉ số năm). Thể thơ không vần với nhịp điệu iambic pentameter này không xa lạ đối với độc giả Anh và Mỹ vì đã được nhiều nhà thơ của phương Tây sử dụng. Một ví dụ điển hình là tác phẩm truyện thơ Paradise Lost (1667) của John Miller. Với thể thơ không vần, dịch giả có nhiều lựa chọn hơn về ngôn từ để truyền tải thông điệp, cùng với 405 chú thích về điển tích và thủ pháp nghệ thuật.

Trong khi đó, bản dịch của Michael Counsell 4 được trình bày dưới dạng văn bản và mô phỏng thể thơ lục bát, trong đó, câu lẻ có sáu âm tiết và câu chẵn có tám âm tiết. Tuy nhiên, bản dịch này không nhất quán khi gieo vần, ví dụ:

It’s always been the same (a):

good fortune seldom came (a) the way (b)

Of those endowed, they say (b)

with genius and a dain-(b)-ty face (c)

What tragedies take place (c)

within each circling space (c) of years (d)! [ 4 , tr. 10].

Cách gieo vần của thể thơ lục bát được bảo toàn trong đoạn thơ trên, nhưng trong những trang tiếp theo, cách gieo yêu vận (internal rhymes) của thể lục bát giữa âm thứ sáu của câu lẻ và âm thứ sáu của câu chẵn đôi lúc không còn được thể hiện nữa mà dịch giả chủ yếu sử dụng cước vận (end rhymes):

Where bamboo covers case

old manuscripts of countless price (a)

Preserved in fragrant spice (a),

sit by a lamp and study well (b)

The story that they tell (b) [ 4 , tr.12].

Michael Counsell cũng xác nhận rằng bản dịch của ông chỉ sử dụng yêu vận (internal rhymes) trong phần mở đầu (prologue) và phần kết (epilogue) [ 4 , tr.5]. Quyết định này khiến cho số lượng câu trong bản dịch tăng lên 6.508 dòng thơ và việc đối chiếu giữa tiếng Việt và tiếng Anh trở nên bất tiện hơn trong quyển sách song ngữ này.

Chức năng

Dịch giả Huỳnh Sanh Thông chủ ý giới thiệu Truyện Kiều của Nguyễn Du đến với giới học sinh, sinh viên và giới nghiên cứu tại Mỹ [ 3 , tr.ix]. Vì vậy nên bản dịch này sử dụng chiến lược dịch bù đắp 25 kết hợp với 405 chú thích ở cuối sách để giải thích từ vựng, hình ảnh, điển tích, văn hóa, văn học và lịch sử thuộc những trường hợp bất khả dịch 24 .

Trong khi đó, bản dịch của Michael Counsell được thực hiện nhằm thỏa mãn đam mê dịch thuật của dịch giả bản dịch này không hướng đến giới học sinh, sinh viên và giới nghiên cứu tại Mỹ như bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 . Dựa trên những thông tin do chính dịch giả đưa ra trong phần giới thiệu [ 4 , tr.5], bản dịch này có thể được xem là hướng đến đại chúng với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu hơn, có nhiều biến tấu hơn trong nội dung, nhưng vì không có chú thích nên bản dịch này không đi sâu vào các khía cạnh ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử qua điển tích, điển cố, thành ngữ,…

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Kết luận

Nhìn chung, bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 trung thành với bản gốc về nội dung và nghệ thuật. Việc dùng thơ không vần (blank verse) và nhịp iambic pentameter cho phép dịch giả có nhiều âm tiết hơn trong một dòng để truyền tải đầy đủ hơn thông điệp và nội dung của nguyên tác và giữ nguyên số lượng câu thơ cho độc giả đối chiếu. Ông cũng không bị giới hạn bởi từ vựng và việc thay đổi chi tiết, cấu trúc câu để gieo vần. Xét về nội dung, bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 trung thành với bản gốc và những ẩn ý, điển tích, từ vựng cổ, chi tiết quan trọng và cả những thay đổi đều được dịch giả giải thích cặn kẽ trong phần chú thích.

Còn bản dịch của Michael Counsell 4 không hoàn toàn bám sát nguyên tác vì nhiều chi tiết hay từ vựng được thêm vào hoặc bớt đi để bảo toàn thể thơ và gieo vần. Hơn nữa, dịch giả cũng cố gắng diễn giải một số điển tích ngay trong bản dịch, không dùng chú thích, nhưng một số giải thích của dịch giả trong bài chưa thật sự hợp lý. Mặt khác, một số chi tiết khác bị lược đi (ví dụ như hai câu thơ cuối cùng trong nguyên tác) và thứ tự một số tình tiết bị thay đổi khiến cho nghĩa của bản dịch có phần khác đi so với bản gốc. Vì vậy, độc giả của bản dịch này có thể sẽ không hiểu hết được vẻ đẹp ngôn ngữ và văn hóa của nguyên tác.

Đề xuất

Dựa trên đánh giá và so sánh bản dịch của Huỳnh Sanh Thông 3 và Michael Counsell 4 theo mô hình của House 5 , chúng tôi đề xuất những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh trong tương lai nên lưu ý những điều sau:

Thứ nhất, bản dịch nên có chú thích chi tiết, đầy đủ về các điển tích, điển cố, từ vựng, từ đa nghĩa, ẩn dụ, so sánh mà không thể được dịch đầy đủ để giúp độc giả tham khảo và hiểu rõ hơn về các yếu tố lịch sử, văn hóa.

Thứ hai, bản dịch nên bám sát nhất có thể nội dung của bản gốc Truyện Kiều và hạn chế thêm hoặc bớt hoặc thay đổi tình tiết, trật tự các chi tiết trong bản gốc.

Thứ ba, bản dịch không nên chú trọng quá về việc bảo toàn thể thơ lục bát khi chuyển ngữ do việc gieo vần sẽ ảnh hưởng nhiều đến nội dung, thông điệp và ngôn ngữ của bản dịch.

Thứ tư, việc dịch thuật cần phải xem xét mục đích và đối tượng mà bản dịch hướng đến vì điều này ảnh hưởng đến hình thức và ngôn ngữ của bản dịch.

Nói tóm lại, việc tạo ra một bản dịch tiếng Anh cho tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du là một dự án đòi hỏi dịch giả phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chú thích cẩn thận để góp phần truyền tải được nội dung và vẻ đẹp ngôn ngữ của bản gốc một cách trung thành và đầy đủ nhất có thể.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Các tác giả cùng nhau tổng hợp thông tin, sưu tập và tổng hợp tài liệu và viết bản thảo. Bài báo cáo là một trong số ít những nghiên cứu về chất lượng bản dịch tiếng Anh của tác phẩm Truyện Kiều dựa trên mô hình đánh giá chất lượng bản dịch của House (2015).

References

  1. Translation Quality Assessment. Ottawa: University of Ottawa Press; 2009. . ;:. Google Scholar
  2. Holmes J. The Nature of Translation: Essays on the Theories and Practice of Literary Translation. The Hague & Paris: Mouton; 1970. . ;:. Google Scholar
  3. Huỳnh Sanh Thông. The Tale of Kieu: A Bilingual Edition. New Haven & London: Yale University Press; 1983. . ;:. Google Scholar
  4. Counsell M. Kiều. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế Giới; 1994. . ;:. Google Scholar
  5. House J. Translation Quality Assessment. Past and Present. New York: Routledge; 2015. . ;:. PubMed Google Scholar
  6. Gerke F. Một số vấn đề dịch văn thơ Lý Trần. Tạp chí Nghiên cứu khoa học 2014;5:27-35. . ;:. Google Scholar
  7. Dastjerdi HV, Hakimshafaaii H, Jannesaari Z. Translation of Poetry: Towards a Practical Model for Translation Analysis and Assessment of Poetic Discourse. Journal of Language & Translation 2008;9(1):7-40. . ;:. Google Scholar
  8. Frost W. Dryden and the Art of Translation. New Haven, CON: Yale University Press; 1969. . ;:. Google Scholar
  9. Lefevere A. Translation, History, Culture: A Source Book. London & New York: Routledge; 1992. . ;:. Google Scholar
  10. Nida EA. Towards a Science of Translating: With Special Reference to Principles and Procedures Involved in Bible Translating. Leiden: Brill; 1964. . ;:. Google Scholar
  11. Carrol JB. An Experiment in Evaluating the Quality of Translations. Mechanical Translation and Computational Linguistics 1966;9(3 & 4):55-66. . ;:. Google Scholar
  12. Newmark P. A textbook of translation. New York & London: Prentice Hall; 1988. . ;:. Google Scholar
  13. House J. A Model for Translation Quality Assessment. Tübingen: Gunter Narr; 1977. . ;:. Google Scholar
  14. House J. Translation Quality Assessment: A Model Revisited. Tübingen: Gunter Narr; 1997. . ;:. Google Scholar
  15. Hymes D. Language in Culture and Society: A Reader in Linguistics and Anthropology. New York: Harper & Row; 1964. . ;:. Google Scholar
  16. Halliday MAK. Explorations in the Functions of Language. London: Arnold; 1973. . ;:. Google Scholar
  17. Halliday MAK, Hasan R. Language, Context and Text: Aspects of Language in a Social Semiotic Perspective. Oxford: Oxford University Press; 1989. . ;:. Google Scholar
  18. Martin JR, Rose D. Genre Relation: Mapping Culture. Sydney: Equinox; 2008. . ;:. Google Scholar
  19. Triệu Thu Hằng. Mô hình đánh giá chất lượng bản dịch và đề xuất đối với đánh giá dịch Anh - Việt. Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài 2017;33(5):37-46. . ;:. Google Scholar
  20. Nazhand N, Mohebbi Pur M. The Application of House's Model to William Faulkner "The Sound and the Fury" and its Persian Translation by Saleh Hosseini. Germany: Verlag, VDM Verlag; 2011. . ;:. Google Scholar
  21. Tabrizi HH, Chalak A, Taheroun HA. Assessing the Quality of Persian Translation of Orwell's Nineteen Eighty-Four Based on House's Model: Overt-Covert Translation Distinction. International Journal of Foreign Language Teaching and Research 2013;1(2):1-10. . ;:. Google Scholar
  22. Kargarzadeh F, Paziresh A. Assessing the Quality of Persian Translation of Kite Runner based on House's (2014) Functional Pragmatic Model. International Journal of English Language & Translation Studies 2017;5(1):117-26. . ;:. Google Scholar
  23. Phan Văn Hòa, Nguyễn Thị Hương Ly. Nghiên cứu cách dịch cấu trúc sóng đôi trong Truyện Kiều từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng 2014;2(75):54-57. . ;:. Google Scholar
  24. Catford JC. A Linguistic Theory of Translation: An Essay on Applied Linguistics. London: Oxford University Press; 1965. . ;:. Google Scholar
  25. Cui J. Untranslatability and the method of compensation. Theory and Practice in Language Studies 2012;2(4):826-30. . ;:. Google Scholar
  26. Hiatt M. The prevalence of parallelism: A preliminary investigation by computer. In Language and Style 1973;6:117-26. . ;:. Google Scholar
  27. Thomas L, Wareing S, Pecci JS, Thornborrow J, Jones J. Language, Society, and Power. London: Routledge, Taylor & Francis Group; 2004. . ;:. Google Scholar
  28. Huỳnh Sanh Thông. Interview. Journal of Vietnamese Studies 2008;3(1):220-39. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 4 (2023)
Page No.: 2254-2267
Published: Dec 31, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.892

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ngo, K., & Nguyen, T. (2023). A comparative study of the English translations of Truyện Kiều. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(4), 2254-2267. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.892

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 468 times
PDF   = 184 times
XML   = 0 times
Total   = 184 times