VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

146

Total

60

Share

The assessment of the teaching and learning quality of the Library – Information B.A. training program according to the AUN-QA accreditation standards






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Identifying strengths and limitations of teaching and learning activities to improve training quality is of great significance to educational institutions. The research overview is conducted to clarify how teaching and learning activities are organized as well as the criteria for evaluating teaching and learning activities to ensure teaching quality. By using the mixed research method with the parallel design: in-depth interviews with specialized lecturers along with a questionnaire survey with students, the article evaluates the quality of teaching and learning activities of the Library – Information B.A. training program at the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, according to the six criteria in standard 3 of the AUN-QA accreditation standard version 4.0. The study shows that the teaching and learning activities of the program's specialized subjects well meet the criteria in standard 3, and the lower rated criterion is the level of “assisting students in developing start-up”. The research results provide an understanding of the teaching and learning activities of specialized subjects under the Library – Information B.A. training program and are the basis for proposing measures to improve the quality of teaching and learning activities of this training program. Some discussions are mentioned in order to improve the teaching and learning quality of the Library - Information B.A. training program.

GIỚI THIỆU

Bảo đảm chất lượng (BĐCL) đề cập đến một quá trình đánh giá (kiểm tra đánh giá, giám sát, bảo đảm, duy trì và cải tiến) liên tục và không ngừng chất lượng của một hệ thống, cơ sở hoặc chương trình giáo dục 1 . BĐCL giáo dục đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục (CSGD) đại học (ĐH) vì hoạt động này có ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh cũng như duy trì và mở mới một trường hay một chương trình đào tạo (CTĐT). Luật Giáo dục ĐH đã quy định các CSGD và CTĐT cần phải được đăng ký kiểm định chất lượng 2 . Do vậy, để khẳng định chất lượng giáo dục, các CSGD ĐH ngày càng tích cực tham gia kiểm định để được các tổ chức có uy tín công nhận dựa trên các bộ tiêu chuẩn kiểm định khác nhau.

Theo lộ trình, CTĐT cử nhân Thông tin – Thư viện (TT-TV) của Khoa Thư viện – Thông tin học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) được kiểm định lần đầu tiên theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (ASEAN University Network – Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA) vào năm 2024. Vì vậy, việc tìm hiểu mức độ đáp ứng của CTĐT cử nhân TT-TV theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA nói chung và theo từng tiêu chuẩn cụ thể của bộ tiêu chuẩn nói riêng là cần thiết. Trong nghiên cứu này, việc đánh giá mức độ đáp ứng của CTĐT đối với các tiêu chí về hoạt động dạy và học đã được thực hiện.

ộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA được ban hành lần đầu năm 1998 với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục tại các CSGD ĐH trong khu vực ASEAN và đẩy mạnh sự công nhận của quốc tế đối với giáo dục ĐH của khu vực. Đến ăm 2020, AUN-QA đã ban hành tài liệu hướng dẫn đánh giá CTĐT phiên bản 4.0 bao gồm 8 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí 3 trong đó tiêu chuẩn 3 đề cập đến hoạt động dạy và học. Tiêu chuẩn 3 gồm sáu tiêu chí: (1) Triết lý giáo dục (TLGD) được tuyên bố rõ ràng, được phổ biến tới các bên liên quan và được chuyển tải vào các hoạt động dạy và học; (2) Các hoạt động dạy và học tạo điều kiện cho người học (NH) tham gia quá trình học một cách có trách nhiệm (3) Các hoạt động dạy và học được triển khai theo hướng tạo điều kiện cho NH học tập chủ động; (4) Các hoạt động dạy và học khuyến khích NH học tập, học phương pháp (PP) học và thấm nhuần yêu cầu học tập suốt đời (5) Các hoạt động dạy và học giúp NH thấm nhuần tầm quan trọng của việc đưa ra các sáng kiến, tư duy sáng tạo, đổi mới và tinh thần khởi nghiệp; (6) Quá trình dạy và học được cải tiến liên tục để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và tương thích với kết quả học tập mong đợi 3 . Sáu tiêu chí này đã được sử dụng để đánh giá hoạt động dạy và học của CTĐT cử nhân TT-TV.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Chất lượng được xem là trung tâm của các hoạt động học thuật 4 , và có sự khác biệt trong quan điểm về chất lượng dạy học của các bên liên quan. Theo Tavares, Sin, Videira & Amaral 5 , giảng viên (GV) có xu hướng nghĩ về chất lượng dạy học liên quan đến việc chuyển giao kiến thức hoặc môi trường học tập tốt, trong khi sinh viên (SV) có thể nghĩ về chất lượng dạy học liên quan đến sự phát triển bản thân hoặc sự chuẩn bị để định vị bản thân trong xã hội. Đánh giá của SV là dữ liệu quan trọng để BĐCL dạy học tại các CSGD ĐH. Đây được xem như một kênh thông tin để nói lên mong muốn của SV liên quan đến việc dạy học và rất hữu ích cho các CSGD ĐH lấy “phục vụ SV” làm mục tiêu hoạt động của họ 6 . Không chỉ SV, sự đồng thuận của GV với các mục đích và mục tiêu của đánh giá chất lượng cũng cần được quan tâm 7 . Để định hướng cho việc đánh giá chất lượng dạy học, nhiều CSGD ĐH đã xây dựng các khung đánh giá. Ví dụ, nghiên cứu của Gunn 8 đã giới thiệu một khung xác định và đo lường “sự xuất sắc trong dạy học” cho các trường ĐH ở Vương quốc Anh; hay khung “Ba khía cạnh cơ bản của chất lượng dạy học” dành cho các quốc gia nói tiếng Đức của Praetorius, Klieme, Herbert & Pinger 9 .

Có nhiều tiêu chí được đưa ra khi đánh giá hoạt động dạy học. Các hoạt động dạy học của một CSGD ĐH hay một CTĐT cần được triển khai theo một TLGD thống nhất vì chúng định hình cách giáo dục NH. Kết quả nghiên cứu của Bas 10 chỉ ra rằng có sự tương quan giữa niềm tin TLGD hiện đại với quan niệm dạy học kiến tạo. Vì vậy, niềm tin TLGD là một yếu tố dự báo quan trọng đối với quan niệm dạy học của GV. Khi so sánh hai chương trình giáo dục được triển khai với những triết lý khác nhau, Cankar F, Deutsch, Brunauer & Cankar S 11 nhận thấy rằng có sự khác biệt trong các phương pháp giảng dạy (PPGD), và điều đó tác động đến việc đạt được kiến thức và phát triển năng lực của SV. Kết quả này được củng cố bởi Xu 12 khi đề cập đến bảy yếu tố quyết định chất lượng dạy học, trong đó có yếu tố TLGD của CSGD bên cạnh phương thức và chương trình dạy học, hệ thống dạy học, kinh phí, đội ngũ GV, điều kiện và cơ sở vật chất, và cơ chế quản lý.

Việc giúp cho SV học tập có trách nhiệm cũng cần được quan tâm, bởi Dean, Shubita & Claxton 13 chỉ ra rằng các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng với hoạt động dạy học có liên quan nhiều đến việc SV muốn phát triển trách nhiệm cá nhân. hát hiện này định hình các nguyên tắc chính của thiết kế và quản lý các chương trình giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, những kỳ vọng với việc phát huy khả năng học tập chủ động cũng cần được xem xét khi triển khai các hoạt động dạy học. Shaaruddin & Mohamad 14 chỉ ra lợi ích của các chiến lược học tập tích cực như: tạo môi trường học tập tích cực, cho phép tương tác trực tiếp giữa GV và SV, thúc đẩy tư tưởng cởi mở, học cách tôn trọng ý kiến của người khác, nâng cao kỹ năng giao tiếp, cho phép SV tham gia cá nhân vào các hoạt động học tập và khuyến khích sự tham gia. Lợi ích này cũng được chứng minh trong nghiên cứu của Sukkar và các cộng sự 15 khi xác nhận PPGD tích cực giúp SV hiểu các khái niệm lý thuyết một cách hiệu quả.

Sự chủ động và tính trách nhiệm trong quá trình học tập thúc đẩy năng lực học tập suốt đời cho NH. Fleming & Panizzon 16 chỉ ra rằng cần cung cấp lộ trình để chuyển trách nhiệm học tập từ GV sang SV thông qua việc phản ánh cách người khác xây dựng và xác minh câu trả lời của họ, từ đó thúc đẩy sự phát triển các chiến lược học tập suốt đời của SV.

Các hoạt động dạy học cần khuyến khích SV phát triển tư duy, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Gong, Wen & Liu 17 gợi ý sử dụng PPGD theo chủ đề để giúp trau dồi tư duy phân biệt, tư duy phản biện và tư duy sáng tạo cho SV. Để cải thiện việc làm và khả năng khởi nghiệp của SV, Gao, Zhuang & Chang 18 đã giới thiệu mô hình khái niệm “chất lượng dạy học – sự hài lòng của SV”. Trong đó cho thấy nội dung dạy học, PPGD, điều kiện dạy học và quản lý dạy học có mối tương quan thuận đáng kể với chất lượng dạy học của môn học Nguyên tắc khởi nghiệp, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hài lòng của SV. Wang, Tang & Cheng 19 đề xuất các trường cao đẳng và ĐH nên áp dụng phương pháp mô phỏng hiện trường để cải thiện chất lượng dạy học về giáo dục khởi nghiệp và củng cố nhận thức của SV về vị thế nghề nghiệp và thực tiễn khởi nghiệp của họ. Cũng đề cập đến năng lực khởi nghiệp, Jiang, Pan, Liu & Gao 20 nhận thấy những SV có ý định khởi nghiệp mạnh mẽ thì chất lượng dạy học về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng cao hơn.

Có nhiều đề xuất được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dạy học, và nhìn chung đều hướng đến việc đảm bảo tính tương thích hệ thống giữa kết quả học tập mong đợi, PPGD và phương pháp đánh giá (PPĐG) trong chương trình dạy học. Sự tương thích hệ thống cần được chú trọng trong từng môn học nhằm bảo đảm chương trình dạy học đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của CSGD 21 . Để đảm bảo chất lượng của chương trình dạy học, Ruge, Tokede & Tivendale 22 khuyến nghị rằng việc thiết kế, lập kế hoạch và triển khai một chương trình giáo dục có tính tương thích hệ thống nên được chuẩn bị sớm như một quá trình năng động, đa hướng và lặp đi lặp lại.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng PP nghiên cứu hỗn hợp với thiết kế song song hai giai đoạn thu thập dữ liệu gồm khảo sát bảng hỏi và phỏng vấn sâu. Trong đó, kết quả phỏng vấn sâu được sử dụng để củng cố kết quả khảo sát bảng hỏi.

Khảo sát bảng hỏi

Ngoài yêu cầu cung cấp mã số SV, bảng hỏi gồm chín câu hỏi đóng, được thiết kế dựa trên sáu tiêu chí của tiêu chuẩn 3 đề cập đến hoạt động dạy và học của bộ tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 4.0 (đã đề cập trong phần Giới thiệu). Mỗi tiêu chí tương ứng với một câu hỏi, ngoại trừ tiêu chí 1 và 5 được phân tách thành hai cho đến ba câu hỏi nhằm tránh đặt các câu hỏi kép. Thang đo năm bậc được sử dụng để đánh giá mức độ đạt của tiêu chí gồm: hoàn toàn, phần lớn, tương đối, một phần, hoàn toàn không. Bảng hỏi trực tuyến, được thiết kế bằng ứng dụng Google Form, đã được gửi đến các trang Facebook của các lớp để mời SV tham gia khảo sát.

Vì số lượng SV ngành TT-TV không nhiều nên chiến lược lấy mẫu toàn bộ đã được sử dụng. Số lượng SV tham gia khảo sát là 165/184, tỷ lệ phản hồi là 89,7%. Số lượng SV của từng khoá tham gia khảo sát được trình bày trong Bảng 1.

Table 1 Tỷ lệ sinh viên các khoá thực hiện khảo sát

Dữ liệu thô từ khảo sát bảng hỏi trực tuyến Google Form đã được chuyển sang Excel và được mã hoá. Sau đó, kỹ thuật phân tích thống kê mô tả chủ yếu tập trung vào thống kê số lượng và tính tỷ lệ % đã được áp dụng để đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí về hoạt động dạy và học.

Phỏng vấn sâu

Tương tự bảng hỏi, câu hỏi phỏng vấn xoay quanh sáu tiêu chí kiểm định về hoạt động dạy và học để làm rõ cách GV thiết kế và triển khai hoạt động dạy và học. Hầu hết các câu hỏi đều có một phần giải thích về những khái niệm chính nhằm giúp GV hiểu được nội dung của câu hỏi. Nghiên cứu đã thực hiện kết hợp các cuộc phỏng vấn trực tiếp và trực tuyến nhằm phù hợp với lịch trình làm việc của GV.

Ngoại trừ nhóm nghiên cứu, toàn bộ GV dạy các môn chuyên ngành của CTĐT cử nhân TT-TV được mời tham gia phỏng vấn với tổng số lượng mẫu là 8.

Dữ liệu phỏng vấn đã được phân tích bằng phương pháp phân tích nội dung theo chủ đề bằng Excel.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Các hoạt động dạy và học nhằm chuyển tải triết lý giáo dục

Kết quả đánh giá của SV về mức độ chuyển tải TLGD “Toàn diện – Khai phóng – Đa văn hoá” của Trường thông qua hoạt động dạy và học trong các môn học chuyên ngành được thể hiện ở Figure 1 .

Figure 1 . Biểu đồ đánh giá của sinh viên về việc chuyển tải triết lý giáo dục thông qua hoạt động dạy và học [Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát bảng hỏi]

Dữ liệu khảo sát cho thấy việc chuyển tải TLGD thông qua hoạt động dạy và học CTĐT cử nhân TT-TV đã được đảm bảo. Không có ý kiến nào cho rằng hoạt động dạy và học hoàn toàn không chuyển tải được TLGD và một tỷ lệ rất nhỏ (gần 2%) cho biết chỉ chuyển tải được một phần . Như vậy, có thể thấy 100% SV đánh giá hoạt động dạy và học đã chuyển tải được TLGD của nhà trường từ mức một phần đến hoàn toàn.

Dữ liệu phỏng vấn cho thấy sự tương đồng với kết quả khảo sát bảng hỏi khi 100% GV chia sẻ họ đã chuyển tải TLGD thông qua cách xác định nội dung môn học, PPGD và PPĐG.

Về n ội dung môn học : việc chuyển tải TLGD được một số GV thực hiện bằng cách lồng ghép giải thích về TLGD trong nội dung môn học như một GV chia sẻ: “ Tôi thường giải thích cho SV ý nghĩa của TLGD, sau đó có minh họa để SV nối kết với TLGD ” [Phỏng vấn (PV)].

Về phương pháp giảng dạy: phần lớn (5 trên tổng số 8 GV) sử dụng các PPGD để lồng ghép TLGD. Các PP thường được sử dụng rất đa dạng bao gồm kể chuyện “Tôi dùng những câu chuyện thực tế để giúp SV hiểu TLGD khai phóng” [PV], đặt câu hỏi “ bằng cách đặt ra các vấn đề để SV động não” [PV], cho SV làm việc nhóm “giúp SV thích ứng các môi trường làm việc khác nhau thông qua làm việc nhóm” [PV], thực hiện bài giảng theo quy trình “cho các em tư duy các vấn đề thực tế xong mới tiếp cận lý thuyết” [PV]. Ngoài ra, GV còn lồng ghép TLGD bằng cách đưa ra các yêu cầu như “ buộc SV phải đọc sách có liên quan tới môn học […] đọc xong thì phải diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình” [PV] hoặc khuyến khích SV nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng và chủ động tìm hiểu môi trường bên ngoài “ để các em tự học, tự hoàn thiện” [PV].

Về phương pháp đánh giá: Hầu hết GV (7 trên tổng số 8 GV) đều sử dụng bài đánh giá như một công cụ để chuyển tải TLGD. Một số hình thức đánh giá hay được GV sử dụng là đồ án, thi vấn đáp, bài tập cá nhân và bài tập nhóm. Nội dung các bài đánh giá do GV cung cấp “ mình có nhiều PPĐG khác nhau như các đề bài do GV đưa ra” [PV] hay cho phép SV tự đề xuất cho SV tự tạo tình huống bài tập” [PV] nhưng đều được triển khai theo hướng giúp SV giải quyết vấn đề.

Như vậy, kết quả khảo sát qua bảng hỏi từ SV và dữ liệu phỏng vấn từ GV nhìn chung có sự tương đồng khi tất cả GV chia sẻ đã chuyển tải TLGD bằng cách lồng ghép vào nội dung môn học cũng như sử dụng các PPGD và PPĐG phù hợp; 100% SV đánh giá TLGD đã được chuyển tải thông qua hoạt động dạy và học từ mức một phần tới hoàn toàn . Điều này cho thấy việc chuyển tải TLGD trong CTĐT TT-TV đã được GV thực hiện và đã phần nào thể hiện sự hiệu quả thông qua kết quả đánh giá của SV. Đồng thời, kết quả này cũng khẳng định CTĐT cử nhân TT-TV đã đáp ứng yêu cầu của AUN-QA về chuyển tải TLGD thông qua hoạt động dạy và học.

Các hoạt động dạy và học tạo điều kiện cho sinh viên học tập có trách nhiệm

Kết quả khảo sát SV cho thấy 100% SV đánh giá hoạt động dạy và học đã tạo điều kiện cho SV tham gia quá trình học một cách có trách nhiệm (từ mức một phần đến hoàn toàn ). Trong đó, phần lớn (45,5%) SV đánh giá hoạt động dạy và học đã tạo điều kiện cho SV tham gia quá trình học một cách có trách nhiệm, kế đến là mức hoàn toàn với 29,7%, tương đối với 22,4% và cuối cùng là mức một phần với 2,4%. Không có ý kiến nào cho rằng hoạt động dạy và học hoàn toàn không tạo điều kiện cho SV tham gia quá trình học một cách có trách nhiệm.

Tương đồng với kết quả khảo sát SV, dữ liệu phỏng vấn GV cũng cho thấy tất cả GV đã có những hoạt động dạy và học để giúp SV học tập có trách nhiệm. Tương tự như việc chuyển tải TLGD, các hoạt động giúp SV học tập có trách nhiệm được các GV thực hiện thông qua nội dung môn học, PPGD và PPĐG.

Về nội dung môn học: để giúp SV học tập có trách nhiệm, GV thường xuyên nhắc nhở đồng thời ban hành các quy định yêu cầu SV thực hiện như đọc đề cương chi tiết, tham gia lớp học đầy đủ, chính sách thưởng phạt điểm hay các quy định làm việc nhóm. “ Tôi bắt SV phải thể hiện sự cam kết trách nhiệm của họ bằng cách yêu cầu có nhật ký làm việc nhó m […] khi thuyết trình tôi luôn có điểm cộng hoặc trừ đối với những thành viên tùy theo sự tích cực hay thụ động ” [PV] là ý kiến đại diện cho nội dung trên.

Về phương pháp giảng dạy: 2 trên tổng số 8 GV sử dụng PP giảng dạy là dạy học tích cực theo nhóm và thuyết trình theo như các chia sẻ sau: “ PP giúp SV có trách nhiệm là cho các bạn làm việc nhóm với nhau ” [PV] và “ Khi các em tạo ra sản phẩm hoặc thuyết trình trên lớp, tôi luôn cho các em lý giải vì sao mình tạo ra sản phẩm như thế ” [PV].

Về phương pháp đánh giá: 4 trên tổng số 8 GV sử dụng đa dạng hình thức và nội dung đánh giá để giúp SV có trách nhiệm hơn trong học tập. Nội dung bài đánh giá có thể do GV đưa ra hoặc SV tự lựa chọn “ bài tập mở rộng theo ý SV thích nên SV có động lực hơn” [PV] hoặc kết hợp các hình thức đánh giá tôi kết hợp cá nhân SV tự đánh giá, đánh giá chéo giữa các nhóm và đánh giá của GV ” [PV].

Nhìn chung, dữ liệu cho thấy sự tương đồng giữa kết quả phỏng vấn GV và kết quả khảo sát SV trong việc tạo điều kiện cho SV học tập có trách nhiệm. Điều này cho thấy CTĐT cử nhân TT-TV đã đáp ứng tiêu chí tạo điều kiện cho SV tham gia học tập có trách nhiệm theo tiêu chuẩn AUN-QA. Các hoạt động mà GV đã triển khai trong CTĐT cử nhân TT-TV có nét tương đồng với Fleming & Panizzon 16 khi thúc đẩy tính trách nhiệm của SV bằng cách xây dựng lộ trình chuyển trách nhiệm học học từ GV sang SV.

Các hoạt động dạy và học tạo điều kiện cho sinh viên học tập chủ động

Dữ liệu khảo sát SV chỉ ra rằng hầu hết SV đánh giá hoạt động dạy và học đã được triển khai theo hướng tạo điều kiện cho SV học tập chủ động (99,4% từ mức một phần đến hoàn toàn ). Vẫn có tỷ lệ nhỏ 0,6% SV cho rằng các hoạt động dạy và học hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu tạo điều kiện cho SV học tập chủ động. Như vậy, so với tiêu chí tạo điều kiện cho SV học tập có trách nhiệm, đánh giá của SV về tiêu chí tạo điều kiện học tập chủ động có thấp hơn với tỷ lệ không đáng kể.

Dữ liệu phỏng vấn cho thấy tất cả GV tham gia phỏng vấn đều triển khai các hoạt động nhằm giúp SV học tập chủ động thông qua nội dung, PPGD và PPĐG. Những nỗ lực này có nét tương đồng với Shaaruddin & Mohamad 14 khi cùng hướng tới xây dựng chiến lược học tập tích cực thông qua tạo lập môi trường học tập tích cực, tăng tương tác nhằm phát huy khả năng học tập chủ động của SV.

Về nội dung môn học : ban hành các quy định ngay khi môn học bắt đầu là cách mà nhiều GV thực hiện. “ Tôi đặt ra yêu cầu cho SV trước buổi học: đọc sách, chuẩn bị tài liệu, làm bài tập ” [PV], hay như “ sau mỗi phần giảng tôi luôn yêu cầu SV đặt câu hỏi trở lại cho tôi ” [PV] là một trong các ý kiến được GV chia sẻ.

Về phương pháp giảng dạy: GV sử dụng đa dạng các PPGD nhằm giúp SV chủ động trong học tập như: phổ biến lộ trình và yêu cầu môn học, cung cấp kế hoạch chi tiết, giới thiệu nguồn học liệu để SV tham khảo, khai thác trải nghiệm của SV. Bên cạnh đó, kỹ năng tổ chức và quản lý lớp học cũng được một số GV thực hiện như “ trong suốt quá trình như đặt câu hỏi, tổ chức các trò chơi, kiểm tra bài cũ, đặt ra vấn đề yêu cầu SV thảo luận theo nhóm nhỏ để SV thấy luôn được tham gia lớp học ” [PV] hay “ cho các nhóm xung phong hoặc tự các nhóm phân chia thứ tự trình bày, quỹ thời gian để các bạn chủ động ” [PV].

Về phương pháp đánh giá: đưa các bài tập gây hứng thú cho SV hoặc cho SV tự lựa chọn bài tập là cách mà một số GV đã thực hiện để tăng tính chủ động của SV. Ngoài ra, hình thức đánh giá dạng đồ án “ đòi hỏi bắt buộc SV phải đi tìm hiểu thực tế bên ngoài” [PV] cũng được sử dụng để SV chủ động tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề.

Mặc dù tất cả GV đều thông qua các hoạt động dạy và học nhằm rèn luyện tính chủ động cho SV song kết quả khảo sát SV cho thấy còn số ít SV (0,6%) cho rằng hoạt động dạy và học hoàn toàn không tạo điều kiện cho SV học tập chủ động. Dữ liệu phỏng vấn GV cũng phần nào lý giải được dữ liệu trên khi một số GV cho rằng việc học tập là của SV, GV chỉ hỗ trợ phần nào chứ không thể làm giúp SV được, do vậy bên cạnh các nỗ lực của GV thì “ SV cần chủ động, trách nhiệm vì họ đã trưởng thành rồi ” [PV]. Với 99,4% SV đánh giá hoạt động dạy và học đã tạo điều kiện cho họ học tập chủ động, có thể khẳng định CTĐT cử nhân TT-TV đã đáp ứng được yêu cầu kiểm định AUN-QA đối với tiêu chí tạo điều kiện cho SV tham gia học tập chủ động.

Các hoạt động dạy và học khuyến khích sinh viên học tập suốt đời

Tương tự như tiêu chí tạo điều kiện học tập có trách nhiệm, 100% SV đánh giá hoạt động dạy và học đã khuyến khích SV học tập suốt đời (từ mức một phần đến hoàn toàn ). Trong đó có 50,3% SV đánh giá hoạt động dạy và học đã phần lớn khuyến khích SV học tập suốt đời, theo sau là mức hoàn toàn với 29,7%, tương đối với 18,2% và cuối cùng là mức một phần với 1,8%. Không có SV nào cho rằng hoạt động dạy và học hoàn toàn không khuyến khích học tập suốt đời.

Dữ liệu phỏng vấn GV cho thấy sự tương đồng với kết quả khảo sát bởi tất cả GV đều chia sẻ họ đã lồng ghép mục tiêu khuyến khích SV học tập suốt đời vào hoạt động dạy và học thông qua nội dung môn học, PPGD và PPĐG.

Về nội dung môn học: Để SV ý thức được tinh thần học tập suốt đời, 4 trên tổng số 8 GV đã hướng dẫn và cung cấp nội dung các khóa học cũng như tài liệu học tập cho SV tìm hiểu và học tập. Điều này có thể nhận biết được thông qua chia sẻ của một số GV “ Tôi liệt kê tất cả các chuyên đề và các tài liệu như sách, website để SV có bộ sưu tập đó. Nếu mai này SV hứng thú thì có thể tự học được ” [PV], “ Tôi thường liệt kê những kỹ năng, kiến thức quan trọng mà SV cần lưu ý nếu muốn học tập, nghiên cứu và làm việc suốt đời ” [PV].

Về phương pháp giảng dạy: phần lớn (6 trên tổng số 8 GV) thực hiện các biện pháp như nhắc nhở, khuyến khích SV học tập kiến thức mới, gợi mở nhằm khuyến khích SV ý thức được tinh thần học tập suốt đời, thể hiện trong các chia sẻ như “ luôn cho SV tâm thế tự học ”, “ gợi mở các kiến thức đa ngành để các bạn có ý thức tìm hiểu thêm, tìm và sử dụng các nguồn tài liệu ” [PV],… Ngoài ra, tổ chức hoạt động tự học và làm việc nhóm là cách mà GV giúp SV có trải nghiệm về học tập suốt đời “ làm nhóm có thể giúp SV biết học từ người khác” [PV] .

Về phương pháp đánh giá: Đa phần GV sử dụng PP kiểm tra việc tham khảo tài liệu của SV trong đánh giá quá trình để khuyến khích SV học tập suốt đời. Một số ý kiến đại diện như: “ Tôi yêu cầu SV tìm kiếm các tài liệu liên quan để đọc ” [PV], “Mình có các bài tập ép buộc SV phải đọc sách có liên quan tới môn học […] đọc xong thì phải diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình ” [PV].

Nhìn chung, có sự nhất quán giữa các hoạt động dạy và học của GV với kết quả khảo sát SV về việc khuyến khích SV học tập suốt đời. GV đã đồng thời thực hiện nhiều giải pháp như lồng ghép vào nội dung môn học, sử dụng PPGD và PPĐG nhằm trang bị cho SV khả năng tự học suốt đời. 100% SV tham gia khảo sát đều đồng tình với việc hoạt động dạy và học đã khuyến khích họ học tập suốt đời. Điều này khẳng định CTĐT cử nhân TT-TV đã đáp ứng yêu cầu kiểm định của AUN-QA về tiêu chí khuyến khích SV học tập suốt đời.

Các hoạt động dạy và học giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo, đổi mới

Kết quả khảo sát cho thấy có một tỷ lệ nhỏ SV (0,7%) cho rằng các hoạt động dạy và học hoàn toàn không giúp SV thấm nhuần tầm quan trọng của việc đưa ra các sáng kiến, tư duy sáng tạo, đổi mới; và hầu hết SV (99,3%) khẳng định việc khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo đã được thực hiện thông qua các hoạt động dạy và học (từ mức một phần cho đến hoàn toàn ). Trong đó, 51,5% SV đánh giá hoạt động dạy và học đã phần lớn giúp SV phát triển khả năng tư duy sáng tạo, đổi mới; theo sau bởi mức hoàn toàn với 24,2%, mức tương đối với 21,2%, và mức một phần với 2,4%.

Tương tự như các tiêu chí khác, tất cả GV đều chia sẻ họ đã lồng ghép mục tiêu này thông qua nội dung môn học cũng như PPGD, PPĐG

Về nội dung môn học: cung cấp các kiến thức và phương tiện là cách mà số ít GV đã làm để giúp SV phát triển khả năng đưa ra sáng kiến, tư duy sáng tạo và đổi mới. Lồng ghép sự thay đổi của công nghệ để SV ý thức được tầm quan trọng của việc đổi mới hay cung cấp các đồ án của khóa trước để SV tham khảo và tìm ý tưởng mới là cách mà một số GV đang thực hiện như các chia sẻ: “ Tôi cho SV nhận thức về sự thường xuyên đổi mới của công nghệ”, “Tất cả các đồ án của khóa trước tôi đều thu lại và cho khóa sau tham khảo để SV đưa ra giải pháp mới hoặc lựa chọn chủ đề mới” [PV] .

Về phương pháp giảng dạy: GV thường sử dụng PPGD tích cực theo dự án và phân tích, giải quyết vấn đề để khuyến khích SV đưa ra sáng kiến, đổi mới, tư duy sáng tạo như chia sẻ “ Tôi yêu cầu SV khi giải quyết cần tạo ra một điểm đặc biệt so với hệ thống đang tồn tại bên ngoài ” [PV].

Về phương pháp đánh giá: hầu hết (7 trên tổng số 8 GV) đều mô tả trong rubric chấm điểm các bài đánh giá để yêu cầu SV thể hiện sự sáng tạo, tư duy đổi mới. Sự sáng tạo thể hiện ở việc tạo ra một sản phẩm, trong cách trình bày hoặc trong cách giải quyết vấn đề và đều được GV “ cho điểm khích lệ sự sáng tạo ” [PV]. Để tăng tính khách quan khi đánh giá kết quả học tập của SV, một GV, thông qua các mối quan hệ cá nhân, mời những người có chuyên môn đang làm thực tế tham gia vào việc đánh giá ý tưởng sáng tạo cho SV “ Mình cố gắng kiếm một người bên ngoài để giảm tính chủ quan khi đánh giá. Để họ nhìn vào và đánh giá sự sáng tạo của SV ” [PV].

Nhìn chung, các hoạt động dạy và học của GV được đánh giá là đã giúp SV phát triển khả năng tư duy đổi mới, sáng tạo (99,3% SV đánh giá hoạt động dạy và học đã giúp họ phát triển tư duy sáng tạo, đổi mới từ mức một phần đến hoàn toàn ). Kết quả phỏng vấn GV cũng cho thấy tiêu chí này đã được GV tuân thủ khi thiết kế nội dung môn học cũng như triển khai PPGD theo dự án và yêu cầu SV giải quyết vấn đề. Các rubric chấm điểm cũng lồng ghép các tiêu chí về việc thể hiện sự sáng tạo của SV. Mặc dù còn số ít (0,7%) SV đánh giá hoạt động dạy và học hoàn toàn không giúp SV phát triển tư duy sáng tạo, đổi mới nhưng nhìn chung CTĐT cử nhân TT-TV đã đáp ứng yêu cầu kiểm định của AUN-QA đối với tiêu chí này.

Các hoạt động dạy và học giúp sinh viên phát triển tinh thần khởi nghiệp

Kết quả khảo sát cho thấy đánh giá của SV đối với tiêu chí các hoạt động dạy và học giúp SV phát triển tinh thần khởi nghiệp là thấp nhất trong số sáu tiêu chí về hoạt động dạy và học của bộ tiêu chuẩn AUN-QA 4.0. Mặc dù vậy, đánh giá của SV đối với tiêu chí này vẫn ở mức cao với 98,8% SV cho rằng các hoạt động dạy và học giúp phát triển tinh thần khởi nghiệp (từ mức một phần đến hoàn toàn ). Trong đó, mức phần lớn nhận tỷ lệ đánh giá cao nhất với 43%, theo sau bởi mức tương đối với 26,1%, mức hoàn toàn với 22,4%, mức một phần là 7,3%. 1,2% là tỷ lệ SV cho rằng hoạt động dạy và học hoàn toàn không giúp phát triển tinh thần khởi nghiệp.

Việc triển khai các hoạt động dạy và học nhằm phát triển tinh thần khởi nghiệp của SV vẫn được GV thực hiện thông qua nội dung môn học, PPGD và PPĐG nhưng tính đa dạng của các hoạt động không cao.

Về nội dung môn học: GV thường cung cấp kiến thức về khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vấn đề này vào nội dung bài giảng như chia sẻ “ tôi lồng ghép vào để SV hiểu các bạn cần làm gì để khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ mới vào một quán ăn, quán cafe ” [PV].

Về phương pháp giảng dạy: thảo luận và phân tích, giải quyết vấn đề được xem là hai PP GV thường sử dụng để giúp SV phát triển tinh thần khởi nghiệp. Nội dung thảo luận thường xoay quanh định hướng việc làm sau khi tốt nghiệp, hướng dẫn SV vận dụng kiến thức chuyên ngành sang các ngành nghề khác, dạy SV cách thức khởi nghiệp thông qua giải quyết vấn đề của môn học, dạy SV cách xác định mục tiêu và lập kế hoạch hành động. Ngoài ra, kể chuyện tấm gương khởi nghiệp thành công cũng là cách mà một số GV thực hiện.

Về phương pháp đánh giá: Mặc dù có GV đề cập đến cách họ đánh giá môn học để phục vụ cho mục tiêu phát triển tinh thần khởi nghiệp của SV, nhưng các PP đánh giá chưa được mô tả cụ thể. Chỉ có một GV chia sẻ “ Cho các bạn sự tưởng tượng, các bạn tự lựa chọn đề tài ” [PV] với lập luận việc cho SV tự lựa chọn đề tài đánh giá môn học như một cách giúp SV thầm nhuần tinh thần khởi nghiệp.

Nhìn chung, các hoạt động dạy và học của GV được đánh giá là đã giúp SV phát triển tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy băn khoăn của một số GV khi được hỏi về việc phát triển tinh thần khởi nghiệp “ Do tôi không hiểu tinh thần khởi nghiệp là gì nên không chú trọng hướng tới trong môn học, nếu có làm thì chắc là vô tình ” (PV). Những vướng mắc này phần nào có thể được lý giải. Còn một số SV (1,2%) cho rằng hoạt động dạy và học hoàn toàn không giúp SV phát triển tinh thần khởi nghiệp. Mặc dù chiếm tỉ lệ thấp nhất trong số sáu tiêu chí của bộ tiêu chuẩn AUN-QA về hoạt động dạy và học, song với 98,8% SV đánh giá hoạt động dạy và học đã giúp SV phát triển tinh thần khởi nghiệp (từ mức một phần đến hoàn toàn ) vẫn có thể khẳng định CTĐT cử nhân TT-TV đã đáp ứng tiêu chí này của AUN-QA. Để hoạt động dạy và học giúp SV phát triển tinh thần khởi nghiệp, việc xem xét đưa vào CTĐT môn học về khởi nghiệp như đề xuất của Gao, Zhuang & Chang 18 cũng cần được cân nhắc.

Hoạt động dạy và học tương thích với kết quả học tập mong đợi và được cải tiến liên tục

Kết quả khảo sát bảng hỏi cho thấy SV đánh giá cao mức độ tương thích giữa hoạt động dạy và học với kết quả học tập mong đợi. Cụ thể, 100% SV cho rằng các hoạt động dạy và học đảm bảo tương thích với kết quả học tập mong đợi của môn học (từ mức một phần đến hoàn toàn ). Trong đó, 47,9% SV đánh giá đã phần lớn tương thích, 29,7% SV hoàn toàn tương thích, 20,6% SV cho rằng tương đối tương thích và 1,8% SV cho biết chỉ tương thích một phần .

Dữ liệu khảo sát SV được củng cố bởi dữ liệu phỏng vấn GV cho thấy hầu hết GV khẳng định các PP giảng dạy họ lựa chọn đã giúp đạt kết quả học tập mong đợi của môn học.

Để cải tiến hoạt động dạy và học, các GV có sự điều chỉnh cả về nội dung, PPGD, PPĐG, tài liệu học tập đồng thời tiến hành khảo sát và tiếp nhận phản hồi của các bên liên quan (BLQ).

Về nội dung: 100% GV đều khẳng định mình đã có sự cải tiến về nội dung môn học qua các năm hoặc điều chỉnh nội dung theo đối tượng SV. Một số chia sẻ như “ nếu năm nay đã dạy rồi thì sang năm cần thay đổi về nội dung kiến thức ”; “ tôi có những cải tiến tùy theo đối tượng” [PV] .

Về phương pháp giảng dạy: phần lớn (7 trên tổng số 8 GV) đều cải tiến PPGD trong quá trình dạy như chia sẻ “ Tôi luôn đổi mới PP giảng dạy qua các năm” [PV] .

Về phương pháp đánh giá: sự cải tiến về nội dung môn học yêu cầu PPĐG cải tiến như chia sẻ “ Các hệ thống bài tập cũng thay đổi cùng với sự thay đổi về nội dung ” [PV].

Về tài liệu học tập: Một GV chia sẻ phải thường xuyên cải tiến tài liệu học tập do đặc thù môn học “ tôi chuyển đổi tài liệu học tập vì đặc thù của ngành công nghệ nên chỉ sử dụng tài liệu trong vòng 5 năm ” [PV].

Về việc tiếp nhận phản hồi các BLQ: Một số GV chia sẻ để cải tiến hoạt động dạy họ cần dựa trên kết quả phản hồi từ các BLQ. Do vậy, họ luôn tìm cách tiếp nhận phản hồi từ những người đang làm thực tế, phản hồi của SV, tiếp nhận kết quả phản hồi từ nhà tuyển dụng (NTD) do Khoa tổ chức hoặc kết quả khảo sát môn học do Trường thực hiện. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những cải tiến này chưa mang tính đột phá do GV bị ràng buộc bởi yếu tố khối lượng công việc hay yếu tố cá nhân. Bên cạnh đó, có GV cho rằng việc tiếp nhận phản hồi của các BLQ cũng chỉ nên dừng ở mức độ tham khảo “phản hồi của thị trường nhiều khi không đúng lắm. Mình vẫn cải tiến liên tục nhưng có bộ lọc nhất định. Việc cải tiến này phải dựa trên chuẩn đầu ra” [PV].

Như vậy, mức độ tương thích giữa hoạt động dạy và học với kết quả học tập mong đợi của môn học đã được SV đánh giá cao và được GV xác nhận. Bên cạnh những cải tiến được thực hiện thường xuyên về nội dung môn học, PPGD, PPĐG, tài liệu học tập, một số GV nhận định “ những cải tiến này làm thường xuyên nhưng những cải tiến mang tính vượt bậc thì chưa có ” (PV), vì “ cần có lộ trình triển khai thực hiện” (PV) để giúp GV có kiến thức logic và hệ thống về chuẩn đầu ra, ma trận cũng như cách thức đo lường chuẩn đầu ra. Điều này cũng tương đồng với đề xuất của Ruge, Tokede & Tivendale 22 trong việc thiết kế, triển khai CTĐT có tính tương thích hệ thống. Tuy còn một số trăn trở trong việc cải tiến liên tục hoạt động dạy và học song có thể khẳng định CTĐT cử nhân TT-TV đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn AUN-QA về tiêu chí hoạt động dạy và học tương thích với kết quả học tập và cải tiến liên tục.

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động dạy và học của CTĐT cử nhân TT-TV đã đáp ứng được các tiêu chí về hoạt động dạy và học của bộ tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA 4.0. Các hoạt động dạy và học đã chuyển tải được TLGD “Toàn diện – Khai phóng – Đa văn hoá” của Trường, tạo điều kiện cho SV tham gia quá trình học một cách có trách nhiệm, tạo điều kiện cho SV học tập chủ động, khuyến khích SV học tập suốt đời, thúc đẩy tư duy sáng tạo và đổi mới, phát triển tinh thần khởi nghiệp, tương thích với kết quả học tập mong đợi và được cải tiến liên tục. GV biết cách thiết kế linh hoạt và cải tiến liên tục các hoạt động dạy và học để đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA thông qua nội dung môn học, PPGD và PPĐG.

Để đảm bảo duy trì và phát huy điểm mạnh trong hoạt động dạy và học, cần triển khai một cách bền vững các CTĐT tiếp tục cho GV, trong đó có các nội dung đào tạo về PPGD tích cực, hiện đại theo xu hướng chung của các CSGD ĐH trên thế giới. Bên cạnh đó, Trường và Khoa cần tuân thủ chặt chẽ chu trình cải tiến liên tục để GV có cơ hội cải tiến không ngừng các PPGD.

GV và SV cũng cần hiểu rõ nội hàm của các khái niệm cốt lõi liên quan đến các tiêu chí kiểm định như TLGD, học tập có trách nhiệm, học tập chủ động, học tập suốt đời, tư duy sáng tạo và đổi mới, và tinh thần khởi nghiệp. Sự hiểu biết rõ ràng nội hàm của các khái niệm này giúp GV có thể thiết kế và triển khai các hoạt động dạy và học phù hợp, đồng thời giúp SV nhận diện được các kỳ vọng của họ đối với hoạt động dạy và học để từ đó đánh giá chính xác kết quả của chúng.

TT-TV không phải là ngành học thể hiện rõ những yêu cầu về tinh thần khởi nghiệp của SV. Điều này phần nào giúp lý giải cho việc GV chưa thật sự biết cách và quan tâm đến việc tích hợp mục tiêu phát triển tinh thần khởi nghiệp cho SV thông qua các hoạt động dạy và học. Vì vậy, cần thực hiện các thảo luận nội bộ để xác định được các yêu cầu dành cho tinh thần khởi nghiệp cũng như nhận diện những hoạt động dạy và học phù hợp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của SV ngành TT-TV.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

AUN-QA

ASEAN University Network - Quality Assurance

BĐCL Bảo đảm chất lượng

BLQ Bên liên quan

CSGD Cơ sở giáo dục

CTĐT Chương trình đào tạo

ĐH Đại học

ĐHQG-HCM Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

GV Giảng viên

NH Người học

NTD Nhà tuyển dụng

SV Sinh viên

PP Phương pháp

PPĐG Phương pháp đánh giá

PPGD Phương pháp giảng dạy

TLGD Triết lý giáo dục

TT-TV Thông tin – Thư viện

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2022-37

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Cả ba tác giả Đoàn Thị Thu, Ngô Thị Huyền và Mai Mỹ Hạnh đều tham gia vào việc thực hiện tổng quan tài liệu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và viết bản thảo bài viết.

References

  1. Vlăsceanu L, Grünberg L, Pârlea D. Quality assurance and accreditation: a glossary of basic terms and definitions [Internet]. Bucharest: Unesco; 2007 [cited 2023 Apr 21]. . ;:. Google Scholar
  2. Quốc hội. Luật số: 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học [Internet]. 2018 [cited 2023 Apr 22]. . ;:. Google Scholar
  3. Phạm Thị Bích, Nguyễn Thị Thanh Nhật, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Cộng, Nguyễn Thị Lê Na (biên dịch). Tài liệu hướng dẫn đánh giá chất lượng cấp chương trình đạo tạo theo AUN-QA phiên bản 4.0: dịch từ nguyên tác "Guide to AUN-QA Assessment at Programme Level Version 4.0" của Mạng lưới các trường đại học ASEAN. TP.HCM: ĐHQG-HCM; 2021. . ;:. Google Scholar
  4. Watty K. Want to know about quality in higher education? Ask an academic. Quality in Higher Education. 2006;12(3):291-301. . ;:. Google Scholar
  5. Tavares O, Sin C, Videira P, Amaral A. Academics' perceptions of the impact of internal quality assurance on teaching and learning. Assessment & Evaluation in Higher Education. 2017;42(8):1293-1305. . ;:. Google Scholar
  6. Dunrong B, Fan M. On student evaluation of teaching and improvement of the teaching quality assurance system at higher education institutions. Chinese Education & Society. 2009;42(2): 100-115. . ;:. Google Scholar
  7. Cardoso, S, Rosa M, Santos C. Different academics' characteristics, different perceptions on quality assessment?. Quality Assurance in Education. 2013;21(1):96-117. . ;:. Google Scholar
  8. Gunn A. Metrics and methodologies for measuring teaching quality in higher education: developing the Teaching Excellence Framework (TEF). Educational Review. 2018;70(2):129-148. . ;:. Google Scholar
  9. Praetorius A, Klieme E, Herbert B, Pinger P. Generic dimensions of teaching quality: the German framework of Three Basic Dimensions. ZDM Mathematics Education. 2018;50:407-426. . ;:. Google Scholar
  10. Bas G. Correlation between teachers' philosophy of education beliefs and their teaching-learning conceptions. Education and Science. 2015;40(182):111-126. . ;:. Google Scholar
  11. Cankar F, Deutsch T, Brunauer A, Cankar S. Impact of educational philosophy on the quality of teaching and learning: a comparison of two programs. International Journal of Multidisciplinary Comparative Studies. 2016;3(1-3):19-32. . ;:. Google Scholar
  12. Xu Z. Research on the basic methods of teaching quality management in colleges and universities. Advances in Social Science, Education and Humanities Research. 2018;246:236-238. . ;:. Google Scholar
  13. Dean A, Shubita M, Claxton J. What type of learning journey do students value most? Understanding enduring factors from the NSS leading to responsible decision-making. Journal of Global Responsibility. 2020;11(4):347-362. . ;:. Google Scholar
  14. Shaaruddin J, Mohamad M. Identifying the effectiveness of active learning strategies and benefits in curriculum and pedagogy course for undergraduate TESL students. Creative Education. 2017;8(14):2312-2324. . ;:. Google Scholar
  15. Sukkar A, Yahia M, Mushtaha E, Maksoud A, Abdalla S, Nasif O, Mlahifci M. Applying active learning method to improve teaching outcomes in architectural engineering courses. Open House International. 2023;(ahead-of-print). . ;:. Google Scholar
  16. Fleming K, Panizzon D. Facilitating students' ownership of learning in science by developing lifelong learning skills. Teaching Science. 2010;56(3):27-32. . ;:. Google Scholar
  17. Gong J, Wen B, Liu T. Analysis on teaching method of soil mechanics course. Proceedings of the 2015 International Conference on Humanities and Social Science Research (166-170). . ;:. Google Scholar
  18. Gao S, Zhuang J, Chang Y. Influencing factors of student satisfaction with the teaching quality of fundamentals of entrepreneurship course under the background of innovation and entrepreneurship. Frontiers in Education. 2021;6:1-9. . ;:. Google Scholar
  19. Wang Z, Tang R, Cheng X. The impact of young entrepreneurs' network entrepreneurship education and management system innovation on students' entrepreneurial psychology. Frontiers in Psychology. 2021;12:1-9. . ;:. PubMed Google Scholar
  20. Jiang Y, Pan J, Liu M, Gao X. The relationship between college students' entrepreneurial intention and the teaching quality of innovation and entrepreneurship practice. International Journal of Emerging Technologies in Learning. 2022:17(12); 61-76. . ;:. Google Scholar
  21. Lasrado F, Kaul N. Designing a curriculum in light of constructive alignment: a case study analysis. Journal of Education for Business. 2021;96(1):60-68. . ;:. Google Scholar
  22. Ruge G, Tokede O, Tivendale L. Implementing constructive alignment in higher education - cross-institutional perspectives from Australia. Higher Education Research & Development. 2022;38(4):833-848. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 4 (2023)
Page No.: 2236-2245
Published: Dec 31, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.888

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Doan, T., Huyen, N., & Hanh, M. (2023). The assessment of the teaching and learning quality of the Library – Information B.A. training program according to the AUN-QA accreditation standards. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(4), 2236-2245. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.888

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 146 times
PDF   = 60 times
XML   = 0 times
Total   = 60 times