VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

949

Total

217

Share

Developing a mentoring model to support international publication at the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

International integration is a good opportunity to improve the quality of research and training and increase the ranking of Vietnamese universities. This study is conducted based on the framework of the theory of change, behavioral models, and mentoring approaches to support faculty members in achieving success in publication. The research used a survey method with questionnaires administered to 59 faculty members, in-depth interviews with 10 faculty members, and SWOT analysis to understand faculty members' perceptions of the importance of publication, the barriers, strengths, opportunities, and challenges, as well as motivating factors and the support needed for the publication. The results showed that faculty members have desires to publish their research, as well as an awareness of the role of publication in their personal career and the development of their institutions. However, faculty members face numerous obstacles, barriers, and challenges, including factors related to the quality of papers’ content, finance, time, publication processes, and language. Based on the theoretical foundation and the identified support needs, the authors proposed a comprehensive mentoring model for international publication that directly supports each article and author group. This model focuses on supporting key categories including: content upgrade advice, technical support, language support, financial support, writing space support, and other academic connections. This model has been applied and tested by the Advisory Center for Publication and Project Development (CAP) over the past 1.5 years and achieved some initial successes.

GIỚI THIỆU

Hội nhập quốc tế là con đường tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo và gia tăng vị thế của trường đại học Việt Nam. Để làm được điều đó, việc công bố quốc tế (CBQT) trên những tạp chí uy tín, được xếp hạng trong các danh mục của ISI/WoS, Scimago/Scopus là một trong các tiêu chí quan trọng

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy CBQT của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực 1 , 2 ( Table 1 ). Cụ thể, năm 2018, trong sáu nước ASEAN, tổng số bài CBQT của Việt Nam chỉ cao hơn Philippines và thấp hơn bốn nước còn lại, gồm Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ở các bài thuộc danh mục ISI và Scimago/Scopus từ năm 2010-2018 đều xếp thứ 2 trong nhóm các nước kể trên ( Table 1 ). Điều này cho thấy xu thế tăng trưởng và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc CBQT.

Table 1 Số lượng xuất bản của sáu nước ASEAN (Nguồn: 3 , 4 )

Tuy tốc độ tăng trưởng CBQT của Việt Nam cao thứ 2 trong khu vực ( Table 1 ) nhưng phần lớn tỉ lệ này thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, lĩnh vực khoa học xã hội đóng một tỉ lệ rất nhỏ trong việc gia tăng này. Cụ thể, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo 5 , 94,2% các bài này thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, ngành khoa học xã hội chỉ góp 5,8%. Ví dụ năm 2020, CBQT của Việt Nam đạt 12.482 bài, trong đó ngành khoa học tự nhiên là 11.765 bài, khoa học xã hội nhân văn chỉ đạt 1.536 bài.

Riêng ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), một trường đại học hàng đầu khối ngành khoa học xã hội và nhân văn ở khu vực phía Nam, tỉ lệ bài công bố quốc tế chỉ chiếm 5% tổng số bài của ĐHQG-HCM trong giai đoạn 2013-2018. Tất cả những số liệu này cho thấy rằng cần có sự tập trung đầu tư và thúc đẩy công bố quốc tế ở nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn tại các trường đại học Việt Nam.

Hiện nay, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM có khá nhiều nỗ lực hỗ trợ giảng viên trong việc CBQT nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở việc tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng chung, chưa mang lại những hiệu quả mong đợi. Nếu vẫn tiếp tục cách tiếp cận này thì bài toán nan giải về CBQT trong ngành khoa học xã hội nhân văn của Nhà trường sẽ khó được giải quyết. Vì vậy, nghiên cứu này được thiết kế nhằm tạo ra một tiếp cận mới, tìm kiếm một giải pháp mới mang tính tổng thể nhằm hướng đến đẩy mạnh số lượng và chất lượng CBQT tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Nghiên cứu này được xây dựng dựa trên lý thuyết thay đổi, mô hình hành vi và tiếp cận mentoring (hỗ trợ tổng thể) trên từng bài báo và nhóm tác giả. Dựa trên việc đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ, phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức), nghiên cứu các động lực thúc đẩy, nghiên cứu đã xây dựng một mô hình mentoring hỗ trợ tổng thể CBQT tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Bài báo này trình bày kết quả khảo sát và mô hình đã được xây dựng và áp dụng thử nghiệm trong năm 2022 và 2023.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Công bố quốc tế

Khái niệm công bố quốc tế được hiểu là các xuất bản và ấn phẩm khoa học (bao gồm bài báo khoa học, sách, chương sách) được đăng trên các tạp chí, nhà xuất bản uy tín của thế giới (xem Figure 1 ). Các tạp chí, nhà xuất bản này được định danh trong danh mục Scopus, WoS – Web of Sciences (SCI, SCIE, SSCI, A&HCI) và danh sách tạp chí thuộc các trường đại học top 100 của thế giới theo bảng xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings.

Engels (2012) phân tích dữ liệu của Web of Science từ năm 2000 đến năm 2009 6 cho thấy các xuất bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trên toàn thế giới tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ các ấn phẩm bằng tiếng Anh. Trong giai đoạn nghiên cứu này, tỉ lệ tăng trung bình mỗi năm rơi vào khoảng 61.2%. Tuy nhiên, khoảng chênh lệch về tỷ lệ gia tăng giữa các ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là khá lớn, từ 7.5% đến 172.9%. Điều này cho thấy cần có sự quan tâm đáng kể cho một số ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Peplow (2014) đã nghiên cứu sự thiên kiến về công bố trong khoa học xã hội bằng cách phân tích 221 nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội học từ năm 2002 đến 2012 7 . Kết quả cho thấy chỉ có 48% các nghiên cứu hoàn thành được xuất bản. Khoảng 60% các kết quả nghiên cứu không được viết bản thảo hoặc không gửi bài cho các tạp chí bởi tác giả nghĩ rằng kết quả nghiên cứu của họ sẽ bị từ chối xuất bản, hay lo sợ sự thiên kiến của ban biên tập hoặc người phản biện. Tuy nhiên, Franco và đồng sự (2014) cho rằng có yếu tố còn lớn hơn vấn đề này như cách thiết kế nghiên cứu, các giả thuyết và cách trình bày dữ liệu nghiên cứu 8 . Ngoài ra, còn có một số vấn đề trong tính liên ngành như ngành tâm lý học và tâm lý lâm sàng thì liên quan nhiều đến ngành sinh học và y khoa.

Bên cạnh đó, liên quan đến yếu tố giới trong công bố khoa học, nhóm tác giả Vương và đồng sự (2021) phát hiện rằng sự tham gia của phụ nữ vào nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam đã tăng lên 9 . Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, như các bất bình đẳng về tài chính và các bất bình đẳng khác trong việc tận dụng các công bố trên nền tảng truy cập mở (OA) để phát triển sự nghiệp.

Mentoring (Cố vấn/hỗ trợ toàn diện)

Cố vấn là hoạt động kết nối hỗ trợ, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển nghề nghiệp và cá nhân 10 . Nói cách khác, cố vấn là mối quan hệ giữa người có nhiều kinh nghiệm hơn, được gọi là người cố vấn, nhằm chia sẻ kiến ​​thức, chuyên môn và trí tuệ của họ với một cá nhân khác có ít kinh nghiệm hơn, được gọi là người được cố vấn ( Figure 2 ). Ngoài ra, người cố vấn cung cấp không chỉ lời khuyên chuyên nghiệp mà còn hỗ trợ, tập huấn đối tượng được cố vấn trong suốt quá trình làm việc. Đặc biệt trong môi trường học thuật, các giảng viên công nhận ảnh hưởng tích cực của cố vấn đối với việc xã hội hóa nghề nghiệp 11 , đồng thời củng cố và phát huy năng lực vốn có lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, mối quan hệ cố vấn phải được xây dựng dựa trên việc chuyển giao kiến thức cũng như sự phát triển cộng đồng giữa các cá nhân có chung lĩnh vực quan tâm và cùng chí hướng.

Một nghiên cứu đã cho thấy rằng một cộng đồng nhiều nhà cố vấn đem lại nhiều lợi ích hơn cho các hạng mục khác nhau so với một cá nhân làm công tác cố vấn cho cùng lúc nhiều hạng mục 12 . Stanley và Clinton (2012) cũng đã đề xuất một mô hình cố vấn song song với những phát hiện này. Các tác giả đã gợi ý rằng các mối quan hệ cố vấn nên bao gồm nhiều cá nhân với kinh nghiệm và kiến ​​thức khác biệt để cùng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển 13 . Mặc dù mô hình được đề xuất để hỗ trợ sự phát triển của các nhà lãnh đạo, nhưng mô hình này có thể được áp dụng cho các giảng viên, nhà nghiên cứu đang định hướng hội nhập và nâng cao năng lực xuất bản bài báo, đặc biệt là trong lĩnh vực công bố quốc tế. Nói cách khác, các cá nhân có thể nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn từ nhiều nhà cố vấn, vì mỗi người có thể mang lại các lĩnh vực chuyên môn, kiến ​​thức hoặc kinh nghiệm khác nhau. Các chương trình cố vấn chính thức thường liên quan cá nhân trực tiếp 1-1 và được thực hiện dựa trên nhu cầu cụ thể của người được cố vấn và chuyên môn của người cố vấn 14 , 15 . Phát hiện trong nghiên cứu này đã mở rộng ý tưởng rằng cố vấn không chính thức (bao gồm nhiều nhà cố vấn) không nhất thiết tuân theo các chuẩn mực giống như cố vấn chính thức 12 . Đặc biệt, các chiến lược để cố vấn hiệu quả trong xuất bản quốc tế cần được xem xét với mục đích thực hiện trong thời gian ngắn hạn. Một số lựa chọn thành công có thể nhắc đến như kết hợp các nhóm mạng lưới để hỗ trợ cố vấn; khuyến khích một chương trình, trong đó giảng viên có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu và xuất bản có thể làm việc trực tiếp với các giảng viên chưa có kinh nghiệm để phát triển các năng lực cần thiết trong lĩnh vực này 16 ; tổ chức các hội thảo thường xuyên để gặp gỡ và thảo luận về nghiên cứu và xuất bản 17 .

Figure 1 . Khái niệm mentoring (Nguồn: nhóm tác giả, dựa trên Parziale, 2021 18 )

Vì vậy, khả năng có một mạng lưới các nhà cố vấn bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho việc thúc đẩy quá trình chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực. Không những thế, mạng lưới cố vấn phải bao gồm yếu tố cố vấn chuyên môn để nâng cao chất lượng bài viết và cố vấn ngoại vi nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thích ứng với môi trường giáo dục đại học toàn cầu. Đặt trong bối cảnh CBQT tại Nhà trường, yếu tố cố vấn chuyên môn liên quan đến các hoạt động nâng cao năng lực viết bài, và cố vấn ngoại vi liên quan đến các hoạt động như tìm hiểu, trao đổi với các tạp chí hàng đầu trên thế giới cho việc CBQT và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ. Trong khi cố vấn chuyên môn giúp các giảng viên, nhà nghiên cứu tìm hiểu và củng cố năng lực viết bài chất lượng cao, yếu tố cố vấn ngoại vi rất quan trọng để thúc đẩy thành công của giảng viên có kinh nghiệm CBQT nhằm nâng cao năng lực CBQT. Cộng đồng hay mạng lưới này sẽ là nơi mà các nhà cố vấn có thể chia sẻ kinh nghiệm, tạo tác động sâu sắc đến các chuyên gia trẻ và gián tiếp đến thế hệ tương lai. Các thành viên của mạng lưới này sẽ tăng cường sự tự tin, kỹ năng và kiến thức trong việc xuất bản với các nhà xuất bản hàng đầu trên toàn thế giới.

Figure 2 . Các hoạt động chính trong mô hình mentoring (nguồn: nhóm tác giả, 2022)

Các chương trình cố vấn hiệu quả đã phát triển trong những năm qua bao gồm việc thực hành các yếu tố sau: cấu trúc cố vấn nhóm, kết nối tự nguyện và bắt buộc bởi tổ chức dựa trên lợi ích chung của những người tham gia; ghép đôi với cá nhân cùng cấp bậc, v.v. 19 . Các mô hình gốm có cố vấn phổ biến, chính thức và không chính thức; cố vấn đồng đẳng (peer to peer); cố vấn nhóm; cố vấn thông qua các hiệp hội và tổ chức 20 . Do đó, việc lựa chọn hình thức cố vấn dựa trên nội lực có sẵn của một tổ chức là điều kiện cần thiết để tăng hiệu quả và năng suất.

Các mối quan hệ trong mạng lưới cố vấn này, dù chính thức hay không chính thức, dù chuyên môn hay ngoại vi, đều phải được xây dựng trên tiêu chí đem lại lợi ích phát triển tốt nhất cho cả hai bên, trên cơ sở chuyên nghiệp, tin tưởng và nỗ lực vì mục đích chung đã được hoạch định. Để có một mối quan hệ cố vấn thành công, Fountain và Newcomer mô tả các đặc điểm tiêu biểu bao gồm phát triển các mục tiêu cũng như chiến lược cố vấn cụ thể và rõ ràng; liên tục đánh giá và phản hồi; hỗ trợ từ quản trị cấp cao; một thiết kế toàn diện trong đó tinh thần cố vấn được phát triển như một giá trị văn hóa và trách nhiệm thể chế cốt lõi; định hướng của người cố vấn và người được cố vấn; và một chiến lược để kết nối người cố vấn và người được cố vấn 21 . Trong đó, vai trò của người cố vấn/mạng lưới cố vấn và người được cố vấn phải được đảm bảo. Một số vai trò của mạng lưới như ưu tiên các mục tiêu phối hợp, kỳ vọng và cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện để đảm bảo khả năng thành công cao; tạo động lực cho việc phản hồi từ cả hai bên: phản hồi cần mang tính xây dựng và người bảo trợ cần sẵn sàng chấp nhận phản hồi; tần suất và hình thức phản hồi cũng cần được thống nhất trước; thảo luận về kế hoạch và hỗ trợ được thực hiện cho sự phát triển của hai bên 22 .

Bên cạnh đó, người được cố vấn cần có thái độ hợp tác và tiếp thu cũng như cùng đóng góp ý kiến về hình thức cố vấn, phương án hoạch định được đề ra. Khi vai trò của cả hai bên được thực thi trong sự hợp tác ăn ý và tạo ra sự phát triển, mô hình cố vấn đã hoàn thành một phần vai trò của nó. Tuy nhiên, cả Rosenthal và Black đều lưu ý rằng hiện nay việc đánh giá một cách hệ thống các hoạt động cố vấn vẫn còn khá khiêm tốn, chưa có nhiều bài viết về vấn đề này 23 . Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng nhận định về việc cần phải đưa ra định nghĩa và tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của hoạt động cố vấn. Theo Steel, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng trẻ em và nhà giáo dục Martin P.Levin, các tiêu chí cần được chú trọng trong hoạt động cố vấn chính là sự tương tác giữa người cố vấn và người được cố vấn trong quá trình xác định và phân tích mục tiêu cần đạt, các tiêu chí đo lường và cho đến khi các tài liệu thực nghiệm bắt đầu trả lời câu hỏi này, ông sẽ khuyến khích người cố vấn dành một chút thời gian với đồng nghiệp từ đó đưa ra góc nhìn và cách tiếp cận đúng đắn, hiệu quả cho các mối quan hệ cố vấn về lâu dài 22 .

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Tiếp cận nghiên cứu

Bối cảnh xuất bản quốc tế của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM còn rất ít so với tiềm năng lớn của Nhà trường cho thấy có lực cản rất lớn đã đóng băng năng lực này. Do đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng đề tài dựa trên lý thuyết thay đổi (Theory of Change) của Kurt Lewin và mô hình hành vi (Behavior Model) 24 để tạo cơ sở tìm hiểu nguyên nhân và xây dựng các giải pháp hỗ trợ hợp lý nhằm phát triển công bố quốc tế của Nhà trường. Figure 3 trình bày mô hình tích hợp khung lý thuyết về quản trị thay đổi và mô hình thay đổi hành vi tương ứng với bối cảnh của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Mô hình hỗ trợ toàn diện này sẽ không chỉ tập trung hỗ trợ những trở ngại rào cản trong quá trình xuất bản mà còn tạo những động lực mới để việc xuất bản quốc tế trở thành một sứ mệnh mới của mỗi giảng viên.

Figure 3 . Khung lý thuyết nghiên cứu phối hợp Mô hình quản trị thay đổi của Kurt Lewin và mô hình hành vi của Fogg (nguồn: nhóm tác giả, 2022)

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp (định tính và định lượng), bao gồm phân tích dữ liệu thứ cấp, phương pháp bảng hỏi và phỏng vấn sâu bán cấu trúc.

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết

Đối với dữ liệu thứ cấp, nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu thứ cấp về CBQT của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM để phân tích biến động về số lượng công bố của trường trong giai đoạn 2015-2021. Đối với các dữ liệu thứ cấp và sơ cấp thu thập được, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp (theo các công bố nghiên cứu của trường từ năm 2015 đến nay) và phương pháp phân tích SWOT trong đánh giá điểm mạnh, hạn chế, cơ hội và thách thức của các giảng viên trong việc công bố quốc tế để từ đó có cơ sở đề xuất giải pháp thúc đẩy việc công bố.

Phương pháp nghiên cứu điều tra bằng bảng hỏi

Nhóm tác giả tiến hành phương pháp bảng hỏi trên Google form để khảo sát (mã hóa ẩn danh các cán bộ trong trường). Kích cỡ mẫu phỏng vấn là 59 cán bộ (đảm bảo tiêu chí ít nhất có 1/10 giảng viên của Trường được khảo sát, tương ứng 59/520 cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của trường. Danh tính và thông tin cá nhân của người trả lời được thu thập dựa trên việc tự nguyện cung cấp của người trả lời và được mã hóa. Cụ thể, đặc thù mẫu như trong Table 2 .

Table 2 Thống kê mẫu khảo sát

Nội dung bảng hỏi được chia thành 4 nhóm: (1) Hiện trạng công bố quốc tế của giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM trong 5 năm qua; (2) Rào cản của giảng viên trong việc công bố quốc tế (năng lực nghiên cứu và viết bài, ngoại ngữ, thời gian, tài chính, kinh nghiệm với nhà xuất bản (NXB)); (3) Nhu cầu cần được hỗ trợ của giảng viên trong việc công bố quốc tế (nâng cao năng lực nghiên cứu và viết bài, ngoại ngữ, thời gian, tài chính, kinh nghiệm với NXB); (4) Động lực của giảng viên trong việc công bố quốc tế (tinh thần, khoa học, sự nghiệp, tài chính).

Phương pháp phỏng vấn sâu

Phương pháp phỏng vấn sâu được thực hiện nhằm giúp chúng tôi hiểu sâu thêm các câu trả lời trong bảng hỏi online. 10 giảng viên được chọn từ những người trả lời tự nguyện tiếp tục thực hiện phỏng vấn sâu sau khi trả lời bằng bảng hỏi. Kết quả phối hợp từ phương pháp khảo sát định tính và định lượng sau khi phân tích sẽ trả lời các câu hỏi nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Hiện trạng công bố quốc tế ở Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HCM

ĐHQG-HCM đã xác định mục tiêu chuẩn hóa và hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Năm 2017, bảng xếp hạng các trường Đại học Châu Á của QS Asia cho thấy ĐHQG-HCM đã đi từ vị trí 147 lên vị trí 142/400 (so với năm 2016). Đây là một nỗ lực rất lớn của ĐHQG-HCM trong việc cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao uy tín khoa học. Để phấn đấu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu trong việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH), ĐHQG-HCM đặt mục tiêu về năng suất công bố quốc tế đạt 0.5 bài báo quốc tế/tiến sĩ/năm đến năm 2020.

Trong hệ thống ĐHQG, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn được xác định là nhóm ngành khó công bố quốc tế bởi tính đặc thù của ngành. Thực tế, khi xem xét các công bố khoa học quốc tế, công bố trong lĩnh vực khoa học xã hội là khiêm tốn nhất, cả về số lượng và chất lượng các ấn phẩm khoa học. Tỉ lệ công bố quốc tế theo nhóm ngành trong giai đoạn 2013 đến tháng 10/2018 của ĐHQG-HCM cho thấy trong số 8 nhóm ngành, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chỉ chiếm 5% .

Theo số liệu thống kê từ phòng Quản lý khoa học - Dự án, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, từ năm 2016 đến 2018 có tổng cộng 113 bài báo quốc tế được công bố, cụ thể năm 2016 có 41 bài, 2017 có 45 bài và 2018 có 42 bài. Mặc dù số lượng các bài báo không có sự thay đổi nhiều, nhưng số lượng bài đăng trong các tạp chí thuộc danh mục ISI có sự cải thiện đáng kể. Nếu năm 2016 chỉ có 1 bài báo đăng trong danh mục này thì năm 2017 có 4 bài và năm 2018 có 9 bài. Khi phân tích chi tiết 9 bài báo ISI này, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM có 1 bài báo với tác giả chính là giảng viên của trường viết chung với các tác giả ngoài trường và 2 bài báo có tác giả chính, duy nhất là giảng viên của trường. Các bài báo còn lại do các tác giả ngoài trường là tác giả chính.

Giai đoạn 2019-2021, tổng số bài công bố quốc tế của Trường ĐH KHXH&NV liên tục tăng từ 60 bài năm 2019, lên 100 bài năm 2020, 115 bài năm 2021. Tổng số bài từ 2019-2021 là 275 bài 25 .

Mặc dù số bài tăng, nhưng năng suất công bố quốc tế còn chưa tương xứng với tiềm năng của Nhà trường. Nhà trường hiện có 509 giảng viên, 16 nghiên cứu viên. Trong đó có 213 tiến sĩ và 401 thạc sĩ 25 .

Chiến lược của nhà trường là sẽ tập trung công bố khoa học trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu Scopus/Web of Science thay vì trên các tạp chí khác. Giai đoạn 2016-2020, tổng số bài trên cơ sở dữ liệu này là 95 bài, trung bình 19 bài/năm (0,05 bài/giảng viên/năm). Dự kiến năm 2023 tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước (0,2 bài/giảng viên/năm) 26 . Để thực hiện thành công chiến lược này, Nhà trường và tập thể giảng viên cần có những tiếp cận và giải pháp cho hoạt động công bố quốc tế.

Phân tích tầm quan trọng, các yếu tố rào cản, thế mạnh, cơ hội và thách thức của giảng viên trong việc công bố quốc tế

Nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu và phân tích tầm quan trọng, rào cản, thế mạnh, hạn chế, cơ hội và thách thức của giảng viên trong việc CBQT nhằm tạo ra cơ sở cho việc xây dựng mô hình hỗ trợ CBQT một cách toàn diện cho giảng viên.

Kết quả khảo sát cho thấy hiện nay, giảng viên nhận thức cao về tầm quan trọng của việc công bố quốc tế ( Table 3 ). Tỉ lệ đồng ý và hoàn toàn đồng ý với các nhận định sau đây đều trên 70%: Công bố quốc tế là cách tốt để đưa kết quả và phát hiện mới của NCKH ra thế giới, ra xã hội (94,8%); Công bố quốc tế là cách để giao tiếp giữa các nhà khoa học với nhau (91,2%); Công bố quốc tế đóng góp cho phát triển nghề nghiệp (87,7%); Công bố quốc tế là thực hiện nhiệm vụ của giảng viên/nghiên cứu viên đối với trường đại học định hướng nghiên cứu (74,1%). Đây sẽ là một lợi thế rất lớn để thúc đẩy CBQT khi chính bản thân giảng viên nhận thức được tầm quan trọng của CBQT.

Table 3 Nhận định của giảng viên về việc công bố quốc tế

Nghiên cứu cũng khảo sát và phân tích những khó khăn, trở ngại cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ CBQT của giảng viên ( Table 4 ). Trong 13 yếu tố rào cản, nổi bật nhất là vấn đề tài chính. Có đến 90,9% tổng số người được hỏi đồng ý và hoàn toàn đồng ý rằng việc thiếu tài chính cho xuất bản, nhất là lệ phí phải nộp cho nhà xuất bản gây trở ngại cho quá trình xuất bản. Cùng với đó là việc thiếu kinh nghiệm tìm kiếm các nguồn tài trợ cho xuất bản (89,3%). Hiện nay, có một xu thế xuất bản mở (open access), tác giả phải trả phí xuất bản và người đọc được đọc miễn phí. Điều này sẽ có lợi cho tác giả trong việc gia tăng chỉ số ảnh hưởng cá nhân (H-index) khi bài của tác giả được đọc và trích dẫn nhiều. Kéo theo đó, đơn vị chủ quản (Nhà trường) cũng sẽ tăng tầm ảnh hưởng khoa học và tăng vị trí trong bảng xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên, lệ phí xuất bản ở các nhà xuất bản hàng đầu thế giới như Taylor&Francis, Springer, Elsevier, SAGE, Nature... đều rất cao, trung bình dao động từ $1.000-$4.000/bài báo. Đây là con số quá lớn so với thu nhập trung bình của giảng viên và tiền tài trợ nghiên cứu đề tài các cấp trong hệ thống ĐHQG-HCM.

Các yếu tố cản trở mạnh tiếp theo là thiếu kinh nghiệm biên tập, chỉnh sửa định dạng bài cho phù hợp với tạp chí quốc tế (82,5% đồng ý và hoàn toàn đồng ý), thiếu không gian phục vụ nghiên cứu và viết bài (75%). Nhóm về ngôn ngữ cũng được nhận định là yếu tố rào cản cao bao gồm hạn chế về khả năng viết tiếng Anh (74,5%) và biên tập – hiệu đính tiếng Anh học thuật (74,1%).

Phát hiện đáng ngạc nhiên là cơ hội tham gia tập huấn không thiếu ( Table 4 ) và nhu cầu được tập huấn chung không cao (Bảng 5) so với các nhu cầu cấp bách khác. Trong khi đó hiện nay, phần lớn hỗ trợ tập trung vào tập huấn.

Table 4 Các yếu tố rào cản của giảng viên trong việc công bố quốc tế

Dựa trên các kết quả khảo sát, nguồn dữ liệu thứ cấp và kết quả phỏng vấn sâu, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích SWOT để nhận dạng các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của các giảng viên khi công bố quốc tế (Bảng 5).

Table 5 Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của các giảng viên trong việc công bố quốc tế

Các nhu cầu cần được hỗ trợ của giảng viên trong việc công bố quốc tế

Song song việc phân tích này, nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát nhu cầu cần được hỗ trợ của các giảng viên để từ đó lựa chọn mô hình phù hợp cho việc hỗ trợ CBQT. Kết quả khảo sát cho thấy các giảng viên và nghiên cứu viên trong trường rất có nhu cầu về các hỗ trợ trong công bố quốc tế, từ việc lựa chọn nội dung và tạp chí công bố cho đến quy trình nộp sản phẩm công bố và cả phần hiệu đính tiếng Anh cũng như các hỗ trợ về chi phí hiệu đính và xuất bản (Bảng 6). Trong đó, ba nhu cầu nổi bật nhất là: Hỗ trợ lệ phí xuất bản (94,6%), Mạng lưới chuyên gia cố vấn hỗ trợ (86%), hiệu đính tiếng Anh học thuật (82,5%).

Table 6 Các nhu cầu cần được hỗ trợ của cán bộ trong việc công bố quốc tế

Mô hình mentoring hỗ trợ công bố quốc tế tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Căn cứ các phân tích về hiện trạng CBQT chưa xứng với tiềm năng (phần Hiện trạng công bố quốc tế ở Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HCM ) và định hướng chiến lược của Nhà trường về CBQT, phân tích tầm quan trọng, các yếu tố rào cản, thế mạnh, cơ hội và thách thức (phần Phân tích tầm quan trọng, các yếu tố rào cản, thế mạnh, cơ hội và thách thức của giảng viên trong việc công bố quốc tế ), nhu cầu cần được hỗ trợ về CBQT của giảng viên (phần Các nhu cầu cần được hỗ trợ của giảng viên trong việc công bố quốc tế ), cùng với lý thuyết thay đổi, mô hình hành vi (phần Tiếp cận nghiên cứu ) và tiếp cận mentoring (phần CƠ SỞ LÝ THUYẾT ), nhóm tác giả đề xuất Mô hình mentoring hỗ trợ tổng thể công bố quốc tế đối với từng bài báo và nhóm tác giả riêng.

Tháng 12 năm 2021, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Công bố quốc tế và Phát triển dự án (CAP) để tiến hành hỗ trợ giảng viên khắc phục những trở ngại trên và thực hiện chiến lược CBQT của Nhà trường giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là công bố quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu ISI/Scopus tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020. Ước tính tổng số bài báo quốc tế trong khoảng giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 350 bài.

Trung tâm CAP đã tiến hành xây dựng mô hình mentoring hỗ trợ toàn diện bài báo từ bản thảo đến xuất bản thành công. Hỗ trợ này bao gồm xuất bản theo chuỗi như kỷ yếu hội thảo (Scopus index) và theo từng bài riêng lẻ. Mô hình này được xây dựng và áp dụng từ đầu năm 2021. Tính đến tháng 10/2023, sau gần hai năm triển khai theo phương pháp vừa xây dựng, áp dụng và điều chỉnh trong thực tiễn, mô hình đã hỗ trợ thành công 28 bài xuất bản có chỉ số Scopus/WoS/ISI. Trong đó có 1 bài trên tạp chí xếp thứ hạng cao của thế giới (Top #5 ), IF 11.1, CiteScore 18.5 và H-index 275. Ngoài ra còn có 10 bài đang được nhận các vòng hỗ trợ, trong đó có 5 bài đang trong vòng bình duyệt thứ 2 -3 và có triển vọng xuất bản trong năm 2023. Đây là một thành quả đáng khích lệ và nó chứng minh hiệu quả của mô hình mentoring trong tiếp cận hỗ trợ CBQT.

Mô hình mentoring hỗ trợ CBQT được áp dụng trực tiếp trên các khía cạnh khác nhau mà bài báo cần để đạt đến chất lượng xuất bản trên các tạp chí uy tín, có chỉ số ISI/WoS, Scopus/Scimago. Figure 4 dưới đây mô tả quy trình và các hạng mục hỗ trợ diễn ra ở trung tâm CAP, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Quy trình bắt đầu bằng việc CAP động viên, khích lệ để tác giả chuẩn bị bản thảo bài báo và (1) tác giả gửi đăng ký hỗ trợ cho CAP thông qua link Google form; (2) CAP tiếp nhận và thực hiện đánh giá ban đầu về chất lượng bài và tiềm năng xuất bản; (3) CAP tổ chức hội đồng đánh giá cấp Trường để xét duyệt các hạng mục được hỗ trợ theo Bảng 7 đối với các bài được trường hỗ trợ, riêng đối với các bài đăng dịch vụ thì xét theo quy trình nội bộ của CAP; (4) CAP trực tiếp tư vấn lựa chọn tạp chí; (5) CAP kết nối các chuyên gia tư vấn nội dung 1-1 trực tiếp trên bài của tác giả, hỗ trợ chỉnh sửa cấu trúc, định dạng và các yêu cầu kỹ thuật khác của bài báo theo yêu cầu của nhà xuất bản đã chọn; (6) CAP hỗ trợ hiệu đính/biên tập tiếng Anh học thuật sau khi bài đã hoàn chỉnh nâng cấp nội dung; (7) CAP hỗ trợ kỹ thuật nộp bài trên platform của nhà xuất bản; (8) CAP hỗ trợ tác giả trao đổi với nhà xuất bản trong quá trình bình duyệt, chỉnh sửa; (9) CAP hỗ trợ tác giả đăng ký kinh phí từ Nhà trường để nộp cho nhà xuất bản khi bài được thông qua. Trong một số trường hợp, CAP hỗ trợ tác giả kết nối và liên lạc với các đơn vị quốc tế hỗ trợ tài chính cho quá trình xuất bản. Có thể nói trong quy trình hỗ trợ từ bước 1 đến bước 9 này, phương thức cố vấn 1-1 diễn ra chặt chẽ, cụ thể trên bài báo giữa CAP và tác giả chính của bài báo, trong đó có sự phối hợp với mạng lưới chuyên gia quốc tế ở giai đoạn nâng cấp nội dung và hiệu đính/biên tập tiếng Anh học thuật.

Bảng 7 liệt kê các nội dung hạng mục hỗ trợ tương ứng với các nhu cầu đã phân tích ở trên và do ai thực hiện. Nhóm hỗ trợ về nội dung kỹ thuật bài báo bao gồm Tư vấn điều chỉnh nâng cấp nội dung, Tư vấn lựa chọn tạp chí uy tín & phù hợp, Hỗ trợ cấu trúc, định dạng bài báo theo yêu cầu của NXB, Biên tập/hiệu đính tiếng Anh, Dịch thuật, Hỗ trợ kỹ thuật nộp bài, các kỹ thuật khác, Hỗ trợ quá trình trao đổi với nhà xuất bản và người phản biện bài báo.

Nhóm hỗ trợ tài chính bao gồm hỗ trợ lệ phí xuất bản, Khen thưởng cấp trường, cấp ĐHQG-HCM, Cung cấp và kết nối các nguồn tài trợ phí xuất bản (với các đại học lớn), Cung cấp và kết nối các hệ thống giảm phí xuất bản (Research4Life và các NXB).

Ngoài ra, trung tâm CAP đã cung cấp không gian viết bài bằng việc tạo ra Phòng Tĩnh Lặng và Viết dành riêng cho việc viết bài và có người tư vấn trực tiếp tại phòng. Trung tâm còn cung cấp và kết nối thông tin về các khóa tập huấn với NXB nổi tiếng như Taylor&Francis, các giáo sư từ đại học Canada, Úc, Mỹ, và một số nước khác.

Điểm sáng của mô hình này là trung tâm CAP đã kết nối và xây dựng thành công mạng lưới các chuyên gia đầu ngành trên thế giới và những người hiệu đính biên tập bài bản ngữ. Điều này sẽ tạo ra cú hích tốt hơn cho việc công bố quốc tế của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Figure 4 . Mô hình mentoring công bố quốc tế tại trung tâm CAP, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM (Nguồn: nhóm tác giả, 2022)

Table 7 Các nội dung hỗ trợ toàn diện cho công bố quốc tế

THẢO LUẬN

Trong bối cảnh thực trạng công bố còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu gia tăng công bố quốc tế của Nhà trường thì mô hình mentoring là một chiến lược quan trọng nhằm đạt được mong đợi đó. Trọng tâm của mô hình này là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của Nhà trường thông qua quá trình chỉnh sửa trực tiếp trên bài báo. Bản chất của quá trình này là cơ chế học thông qua hành động (learning by doing) 27 và sử dung nguồn vốn để phát triển (con người, tài chính, mạng lưới xã hội và cơ sở hạ tầng) 28 . Quá trình mentoring sẽ tạo nên động lực và cơ chế thuận lợi hơn cho việc công bố quốc tế. Thông qua đó triển khai thành công việc ứng dụng lý thuyết thay đổi vào thực tế một hạng mục công việc trong tổng thể chung của quá trình nghiên cứu khoa học.

KẾT LUẬN

Bài báo trình bày kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu, phân tích SWOT, các hiện trạng cũng như chiến lược của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM về CBQT. Trên cơ sở đó, mô hình mentoring hỗ trợ tổng thể CBQT dành cho giảng viên được đề xuất.

Mô hình này tập trung vào các giải pháp hỗ trợ từ bản thảo bài báo cho đến khi xuất bản trên phương thức cố vấn 1-1 đối với tất cả các nội dung và hạng mục cần thiết để một bài báo được xuất bản. Các hạng mục hỗ trợ tập trung vào các nhu cầu cần thiết và giải quyết các khó khăn rào cản trong quá trình xuất bản quốc tế của giảng viên. Mô hình này tạo cú hích quan trọng trong việc thay đổi hoạt động công bố quốc tế của giảng viên từ chỗ lúng túng ở điểm bắt đầu, gặp nhiều trở ngại trong hành trình xuất bản thì đến nay giảng viên đã có người bạn đồng hành cố vấn trên từng hoạt động cụ thể. Rất nhiều giảng viên đã bắt đầu quá trình xuất bản của mình lần đầu tiên từ khi được CAP hỗ trợ và động viên, khích lệ tinh thần.

Trung tâm Hỗ trợ Công bố Quốc tế và Phát triển Dự án (CAP) được thành lập làm đơn vị vận hành và triển khai mô hình này. CAP đã bắt đầu xây dựng các quy trình hoạt động, các form biểu mẫu đăng ký, xây dựng mạng lưới cố vấn quốc tế và đội ngũ hiệu đính/xuất bản người bản ngữ. Bên cạnh đó, các chính sách về khen thưởng, hỗ trợ phí xuất bản, tài trợ nghiên cứu (theo quy chế thu chi nội bộ năm 2023) và các hỗ trợ về cơ sở vật chất như Phòng Tĩnh Lặng và Viết cũng được Nhà trường triển khai.

Mô hình này đã được áp dụng từ đầu năm 2022 đến nay và nhận được tổng cộng 52 bản thảo đăng ký. Trong đó đã xuất bản 28 bài Scopus/ISI, 5 bài đang trong vòng bình duyệt của các nhà xuất bản, và 10 bài đang trong vòng hỗ trợ của trung tâm CAP. Kết quả này cho thấy hiệu quả tác động bước đầu của mô hình cố vấn toàn diện không chỉ trực tiếp đến sản phẩm bài báo mà còn đến tinh thần xuất bản quốc tế chung trong toàn Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Nhóm tác giả đề xuất tiếp tục mở rộng hoạt động của mô hình này nhằm hỗ trợ cho giảng viên xuất bản được nhiều bài báo quốc tế hơn trong tương lai, qua đó góp phần hoàn thành vào chiến lược chung của Trường ĐH KHXH&NV và của ĐHQG-HCM.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số “T2022-36”.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

A&HCI: Arts and Humanities Citation Index

CAP: Advisory Center for Publication and Project Development

CBQT: Công Bố Quốc Tế

CTV: Cộng Tác Viên

ĐH KHXH&NV: Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn

ĐHQG-HCM: Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh

ESCI: Emerging Sources Citation Index

ISI: International Scientific Indexing

NXB: Nhà Xuất Bản

OA: Open Access

SCI: Science Citation Index

SCIE: Science Citation Index Expanded

SSCI: Social Sciences Citation Index

SWOT: Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức

WoS: Web of Science

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Phạm Thị Bích Ngọc

1. Xây dựng đề cương, phát triển ý tưởng nghiên cứu (chủ nhiệm đề tài)

2. Nộp và thuyết phục tài trợ kinh phí thực hiện đề tài

3. Thiết kế bảng hỏi

4. Kiểm soát quá trình thu thập, phân tích dữ liệu

5. Chủ trì viết và hoàn thiện báo cáo cuối.

Nguyễn Quang Việt Ngân

1. Phân tích tổng hợp tài liệu, thu thập số liệu sơ cấp, xử lý và phân tích số liệu

2. Chỉnh sửa bảng hỏi và tính toán số liệu xác suất, thống kê

3. Tiến hành thu thập dữ liệu

4. Phân tích số liệu định lượng

Vũ Đức Huân

1. Sưu tầm tài liệu, chỉnh sửa và hiệu đính

2. Phát triển hình ảnh và đồ thị

Nguyễn Ngọc Phương Giang

1. Hỗ trợ xây dựng đề cương, phát triển ý tưởng nghiên cứu

2. Hỗ trợ quá trình thuyết phục tài trợ kinh phí thực hiện đề tài

3. Viết tiếp cận mentorship

References

  1. Manh HD. Scientific publications in Vietnam as seen from Scopus during 1996-2013. Scientometrics. 2015;105(1):83-95. . ;:. Google Scholar
  2. Nguyen TV, Pham LT. Scientific output and its relationship to knowledge economy: an analysis of ASEAN countries. Scientometrics. 2011;89(1):107-17. . ;:. Google Scholar
  3. Hien PD. A comparative study of research capabilities of East Asian countries and implications for Vietnam. High Educ. 2010;60(6):615-25. . ;:. Google Scholar
  4. WoS, "Web of Science; 8 3 2020 [online] [cited 8 3 2020]. . ;:. Google Scholar
  5. Linh T. 5 năm qua, Việt Nam công bố gần 100.000 bài báo quốc tế; April 25 2021 [online]. . ;:. Google Scholar
  6. Engels TCE, Ossenblok TLB, Spruyt EHJ. Changing publication patterns in the social sciences and humanities, 2000-2009. Scientometrics. 2012;93(2):373-90. . ;:. Google Scholar
  7. Peplow M. Social sciences suffer from severe publication bias. Nat News. 2014:1-2. . ;:. Google Scholar
  8. Franco A, Malhotra N, Simonovits G. Social science. Publication bias in the social sciences: unlocking the file drawer. Science. 2014;345(6203):1502-5. . ;:. PubMed Google Scholar
  9. Vuong QH, Nguyen HTT, Ho MT, Nguyen MH. Adopting open access in an emerging country: is gender inequality a barrier in humanities and social sciences? Learn Publ. 2021;34(4):487-98. . ;:. Google Scholar
  10. Kram KE. Phases of the mentor relationship. Acad Manag J. 1983;26(4):608-25. . ;:. Google Scholar
  11. Maanen VSE. Toward a theory of organizational socialization. Res Organ Behav. 1979;1:209-64. . ;:. Google Scholar
  12. Mazerolle SM, Nottingham SL, Coleman KAM. M. N. S. L. C. K. A. Stephanie. Athl Train Educ J. 2018;13(3):259-67. . ;:. Google Scholar
  13. Stanley PDCJR. Connecting: the mentoring relationships you need to succeed in life. Colorado Springs, CO: Navpress; 1992. . ;:. Google Scholar
  14. MJB, Noonan RBR. Peer and faculty mentoring in doctoral education: definitions, experiences, and expectations. Int J Teach Learn High Educ. 2007;19(3):251-62. . ;:. Google Scholar
  15. Rose GL. Group differences in graduate students' concepts of the ideal mentor. Res High Educ. 2005;46(1):53-80. . ;:. Google Scholar
  16. B. &, Detlor LV. 'Promoting academic library research through the "faculty-member-in-residence' program. J Acad Librarianship. 2014;41(1):9-13. . ;:. Google Scholar
  17. Jacobs HLM, Berg SA. By librarians, for librarians: building a strengths-based institute to develop librarians' research culture in Canadian academic libraries. J Acad Librarianship. 2013;39(3):227-31. . ;:. Google Scholar
  18. Parziale M. The power of mentoring for both mentors and mentees; 8 3 2021 [online] [cited 8 3 2023]. . ;:. Google Scholar
  19. Munde G. Beyond mentoring: toward the rejuvenation of academic libraries. J Acad Librarianship. 2000;26(3):171-5. . ;:. Google Scholar
  20. Freedman S. Effective mentoring. IFLA J. 2009;35(2):171-82. . ;:. Google Scholar
  21. Fountain JNKE, Newcomer KE. Developing and sustaining effective faculty mentoring programs. J Public Aff Educ. 2016;22(4):483-506. . ;:. Google Scholar
  22. Steele RG. The social construction of professional mentorship. J Pediatr Psychol. 2013;38(2):126-31. . ;:. PubMed Google Scholar
  23. Rosenthal SL, Black MM. Commentary:mentoring-benchmarks for work performance. J Pediatr Psychol. 2006;31(6):643-6. . ;:. PubMed Google Scholar
  24. Fogg BJ. A behavior model for persuasive design. In: Proceedings of the 4th international conference on persuasive technology; 2009. p. 1-7. . ;:. Google Scholar
  25. Trường ĐH. KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Báo cáo tổng kết hoạt động năm học 2021-2022 và kế hoạch năm học 2022-2023, pp. 3-7, 2022. . ;:. Google Scholar
  26. Trường ĐH. KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Kế Hoạch Hoạt Động Năm. 2023;2022:6. . ;:. Google Scholar
  27. Thompson P. Learning by doing. Handb Econ Innov. 2010;1:429-76. . ;:. Google Scholar
  28. Peter SC, Leffert N. Developmental assets. Minneapolis: Search Institute; 1999. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 4 (2023)
Page No.: 2205-2219
Published: Dec 31, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.887

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ngoc, P., Nguyen, Q. V. N., Vu, D. H., & Nguyen, N. P. G. (2023). Developing a mentoring model to support international publication at the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(4), 2205-2219. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.887

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 949 times
PDF   = 217 times
XML   = 0 times
Total   = 217 times