VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

267

Total

168

Share

Some more observation on Phan Van Hum's viewpoints of literary study






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Phan Van Hum (1902-1946) is considered one of the leading scholars in the South in the first half of the twentieth century. He is involved in many academic fields, such as philosophy, sociology, economics, psychology, medicine, religion, etc. in which the most prominent is literature, including composition, research, and criticism. In composing, he has the famous work “Ngồi tù Khám Lớn [Jailed in Khám Lớn]. In terms of research and criticism, he has published the works such as “Nỗi lòng Đồ Chiểu” [Sentiments of Đồ Chiểu], “Dở chồng báo cũ” [Open stack of old newspapers], and “Luận Tùng” [Discussion series]. In addition, he also has many articles published in newspapers/magazines in the period before 1945. From the overall observation, we realize that for literary activities, Phan Van Hum's works have a profound spirit of “humanity sake” and at the same time show a very dialectical perspective in understanding and interpreting issues. His works, whether they are compositions, researches or criticisms, have a combination of scientific knowledge as a fulcrum for perception and criticism. In addition, he is also very conscious in applying and disseminating knowledge of Western research methodology and criticism to scholars doing research in Vietnam. In our opinions, these things are of great value in the literary and academic context in Vietnam at that time. By the methods of systematic and interdisciplinary research, the article clarifies the characteristics and values of Phan Van Hum's literary activities for Vietnam’s literature in the first half of the twentieth century.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Phan Văn Hùm (1902-1946) là một trong những cây bút nổi bật ở Nam Bộ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Ông quan tâm đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, y học, triết học, tôn giáo và văn học. Trong lĩnh vực văn học, ông được người đương thời đánh giá là một ngòi bút rất điêu luyện và sáng giá. Năm 1929, sau khi bị thực dân Pháp bắt phải ngồi tù 3 tháng, ông cho ra đời bút ký Ngồi tù Khám Lớn đăng trên báo Thần Chung, bị thực dân Pháp cấm đăng, ngay sau đó, tên ông nổi lên như một hiện tượng. Có thể xem đây là tác phẩm văn xuôi đầu tay của ông thuộc mảng sáng tác. Về mảng lý luận văn học, Phan Văn Hùm tham gia trong cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” cùng phe với Hải Triều, Hải Khách, Hồ Xanh. Trong hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học, ông có đóng góp nổi bật trong việc nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu thông qua cuốn Nỗi lòng Đồ Chiểu (1938) và hai công trình sao lục, phiên âm, chú thích là Ngư tiều vấn đáp y thuật (1953) và Dương Từ Hà Mậu (1964) (hai tác phẩm này được in sau khi ông mất). Ngoài ra, ông còn nhiều bài viết khác đăng tải trên các báo/ tạp chí trước 1945 như Thần chung, Tự do, Mai, Phụ nữ tân văn, Việt dân, Đồng Nai, Văn Lang, Tri tân… Một số bài được ông chọn lọc và in lại trong cuốn Dở (giở) chồng báo cũ (nhiều tác giả) (1940) và Luận tùng (1943).

So với các cây bút đương thời, di sản văn học của Phan Văn Hùm không nhiều, bởi ông chưa bao giờ nhận mình là “khách văn chương”. Ông còn một số công trình khác về triết học, tư tưởng như Biện chứng pháp phổ thông (1937), Phật giáo triết học (1943) và Vương Dương Minh, thân thế và học thuyết (1944). Về chính trị, ông có cuốn Phong kiến là gì? (1946); về kinh tế, ông có cuốn Tiền bạc (khảo cứu về vấn đề tiền tệ) (1946). Chúng tôi giới thiệu khái quát về di sản của ông để cho thấy rằng mối quan tâm của ông khá rộng rãi. Mặc dù vậy, tất cả những tri thức về các lĩnh vực khác nhau này đều ít nhiều ảnh hưởng sâu xa đến các quan niệm của ông trong lĩnh vực văn học.

Trong lĩnh vực văn học, ông từng được mệnh danh là nhà “Nguyễn Đình Chiểu học” [ 1 , tr. 461], là “người trí thức Nam Kỳ tiêu biểu cho thời đại Cách mạng tư tưởng” 2 , và hơn cả là “chẳng những có văn tài mà lại có văn tâm” [ 3 , tr. 83]. Bên cạnh các khía cạnh trên, khi quan sát một cách tổng thể, chúng tôi còn nhận thấy đối với hoạt động văn học, các tác phẩm của Phan Văn Hùm đều mang tinh thần “vị nhân sinh” sâu sắc, đồng thời thể hiện một nhãn quan hết sức biện chứng trong cách nhìn nhận, lý giải vấn đề. Các tác phẩm của ông, dù là sáng tác, nghiên cứu hay phê bình đều có sự phối kết hợp kiến thức các ngành khoa học làm điểm tựa cho sự cảm nhận, phê bình. Bên cạnh đó, ông cũng rất có ý thức trong việc vận dụng và phổ biến tri thức về phương pháp luận nghiên cứu, phê bình phương Tây đến các học giả đang nghiên cứu tại Việt Nam. Những điều này, theo chúng tôi, hết sức có giá trị trong bối cảnh văn chương và học thuật ở Việt Nam thời bấy giờ.

Nội dung nghiên cứu

Đề xuất quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” tại Việt Nam

Nhìn lại quá trình phát triển của nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, có thể xem Phan Văn Hùm là người đầu tiên đề xướng quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” tại Việt Nam. Vì ngay trong đời sống văn học ở Nam Bộ - một khu vực văn học mang tính tiên phong trên nhiều phương diện thì phải đến năm 1933, trên báo chí mới có một số bài viết bàn về “nghệ thuật vị nhân sinh”. Cũng trong năm này, có một bài viết của Hải Triều đăng trên báo Đời sống , giới thiệu quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của phương Tây qua những lời phát biểu của Taine, Diderot, Tolstoy… và những tác giả của nó như Dickens, Dostoievski, Millet, Hugo… Và đến năm 1935, cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” mới nổ ra giữa một bên là Hải Triều, Hải Khách, Hồ Xanh và một bên là Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư. Trong khi đó, vào năm 1929, trong tác phẩm Ngồi tù Khám Lớn , Phan Văn Hùm đã chủ trương:

  • “Xin người hãy nhận giùm, văn chương đầy những “kính hoa, thủy nguyệt, liễu tứ, trầm hương” là đồ đại xa xỉ phẩm (grand luxe) để riêng cho một hạng người được đặc hưởng ưu quyền (privilégié) trong thượng lưu xã hội (haute société) mà thôi. Người ta gọi văn chương ấy là “nghệ thuật vị nghệ thuật” (de l’art pour l’art). Nếu tôi có quyền khuyên, tôi sẽ khuyên ai có thiên tài làm nghệ thuật hãy làm “nghệ thuật vị sinh mạng” (l’art pour la vie) như ông Roman Rolland chủ trương.” [ 4 , tr. 17-18]

Đi theo quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”, Phan Văn Hùm đánh giá cao vai trò của văn học và hy vọng văn học nên hướng nhiều hơn đến sự thật để giúp con người biết hướng đến chân lý và lẽ phải trong cuộc đời. “Sự thật” trong quan niệm của Phan Văn Hùm có lẽ không trùng khớp hoàn toàn với khuynh hướng tả chân hay tinh thần của chủ nghĩa hiện thực phương Tây. Văn học bên cạnh việc phản ánh hiện thực còn có giá trị giúp cho con người hiểu đúng về bản chất của đời sống. Đối thoại với quan điểm cho rằng văn chương viết về sự tục thì rất khiếm nhã, ông cho rằng:

  • “Sự tục có người làm được, như có người không làm được cũng nói được. Như có người không nói được cũng nghe mà chịu được. Như có người không nghe và chịu được cũng nghĩ đến được. Như có người không nghĩ đến được cũng biết rằng sự tục ấy có chung quanh mình. Nghĩ đến sự tục được, nghe sự tục mà chịu được, làm sự tục được sao lại không cho viết sự tục ra là nghĩa làm sao? Không muốn cho viết sự tục ấy, mà không làm cho sự tục ấy mất đi là giả ngụy đạo đức, là một cách trốn tránh cái chân tướng xấu xa của sự đời, không có dõng nghị ngó ngay vào mặt nó mà xem.” [ 4 , tr. 16-17]

Ông không chuộng thứ văn chương vẽ vời, tô hồng đời sống hoặc làm văn học cốt chỉ để tiêu khiển. Văn học nếu có dùng kỹ thuật (văn tâm ) thì cũng hãy xem đó là một phương tiện để làm cho văn chương thỏa mãn thị hiếu nghệ thuật của độc giả, nhưng phần quan trọng cốt lõi vẫn là phải gắn với cuộc đời, hướng về cuộc đời, phụng sự cho cuộc đời. Văn chương nên chăng giúp con người đến gần với sự thật để kiến giải cho con người thấy nhiều ý nghĩa tốt đẹp nơi đời sống cùng bản chất của con người, từ đó hướng tâm hồn về chân – thiện – mỹ. Đó chính là mục tiêu cao cả, là đích đến của nghệ thuật.

Nghệ thuật không nên thêu dệt để làm cho người ta hiểu khác đi về bản chất của xã hội, và sâu hơn là bản chất của cuộc đời. Đến với nghệ thuật cũng là con đường con người đi tìm lẽ phải, đi xây dựng các giá trị tốt đẹp cho đời sống nhân loại. Cho nên, chúng ta không nên thu hẹp ý nghĩa của tuyên ngôn “nghệ thuật vị nhân sinh” theo nghĩa chỉ là sự mô tả hiện thực sát với đời sống và lấy nghệ thuật làm phương tiện cho những mục tiêu nhất thời. Nghệ thuật không nên/ không chỉ dành riêng cho một giai tầng hay một thiết chế xã hội nào. Nó phải dành cho cả nhân loại, vì mục đích tốt đẹp của con người trong toàn thể nhân loại.

Đi theo tinh thần của chủ nghĩa thực chứng, ông cho rằng văn chương có mối liên hệ mật thiết với xã hội và do đó không thể/ không nên tách rời bối cảnh thời đại. Trong cuộc đối thoại với Hoài Thanh, ông nói rõ quan điểm của mình rằng không phải ông không muốn cho văn chương độc lập hoặc là làm cho nó trở nên hay hơn. Dẫu biết rằng điều đó sẽ có lợi cho sự phát triển của nghệ thuật và có giá trị ít nhiều với tinh thần con người. Chỉ có điều trong hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam lúc bấy giờ, nếu người nghệ sĩ chỉ nhìn nhận văn chương như một lĩnh vực tồn tại độc lập với xã hội thì sẽ “có hại cho xã hội”. Vì sao vậy? Bởi ông “chỉnh lo cho nó không được độc lập” mà lại phải “phụng sự cho các chủ nghĩa độc lập của nhà văn chương”. Và “nhà văn tự giam mình vào tháp ngà là một cái “uổng”, nếu không muốn nói là cái “tội” đối với xã hội [ 5 , tr. 692]. Như vậy, có thể thấy quan niệm nghệ thuật của Phan Văn Hùm rõ ràng mang một hàm ý rộng rãi hơn. Văn chương và xã hội là hai lĩnh vực, dĩ nhiên không nên nhập thành “một” mà phải quan niệm chính xác là nhập làm “chung”. Trong cái sự “chung” ấy, văn học và xã hội sẽ không ngừng biểu thị mối liên hệ, tương tác lẫn nhau. Cả hai bên đều có vai trò làm cho “xã hội tiến hóa” (Phan Văn Hùm không dùng từ “cách mạng” – TTMH chú thích), đời sống con người ngày một tốt đẹp hơn. Đó có lẽ cũng là cái đích đến cuối cùng trong cõi nhân sinh này vậy.

Trên thực tế, vì nghệ thuật là lĩnh vực của thế giới tinh thần nên dễ bị dẫn dắt bởi cảm xúc, ý chí của một cá nhân. Văn học có thể hướng con người ta đến với một thế giới tốt đẹp như hình dung, nhưng đó nhất định không phải là cái có thể tồn tại lâu dài. Văn học cần phải cắm rễ sâu vào đời sống, cắm rễ sâu vào tâm hồn con người trong thế giới hiện thực hơn là thế giới của ước mơ. Vì chỉ có hiểu đúng về hiện thực, bám rễ sâu vào đời sống, tác giả và độc giả mới có thể nhận chân được nhiều giá trị từ cuộc đời. Nhờ đó mà văn học sẽ không bao giờ bị đứng riêng về một phía. Văn học sẽ can dự vào thế giới tinh thần của con người, từ đó góp phần chữa lành những tổn thương sâu bên trong tâm hồn con người, xây dựng nên những bản thể tốt đẹp, thiện lành. Cái tinh tế và sâu sắc của Phan Văn Hùm là ông phân biệt được hai phương diện phản ánh thuộc về thế giới bên trong chủ thể/ người sáng tạo nghệ thuật. Ông viết: “Chẳng qua nhà nghệ sĩ họ thích tả cái họ muốn thấy hơn là tả cái họ thấy thật như mọi người. Giữa cảm giác của họ với đời như có một cái kiếng góc (prisme) (sic) nó sửa đổi hết sự vật” [ 6 , tr. 11].

Người đọc văn nếu cứ để mình bồng bềnh với các mỹ từ, mỹ ảnh của những “mai hương”, “oanh ngữ” sẽ khó lòng sống sâu, cảm nhận một cách chân thực đời sống. Tất nhiên, độc giả cũng cần những giây phút được say sưa với chất men của những ảo diệu, lung linh, nhưng cố nhiên không thể sống một cách hoàn toàn và lâu dài với cảm giác ấy. Kỹ thuật văn chương khác với những ảo diệu của cái lâu đài được xây nên bởi sự huyền diệu của thinh không và tưởng tượng. Cho nên Phan Văn Hùm là người rất trọng văn tâm, nhưng đồng thời ông cũng là một người luôn tỏ thái độ quyết liệt với những loại văn chương có tính huyền nhiệm, ảo mộng. Theo ông, người nghệ sĩ không được lấy văn chương làm công cụ để dẫn dắt, ru mị con người vào một thế giới của mơ, của say, của huyền ảo. Hơn ai hết, nhà văn/ nghệ sĩ phải là người giàu tri kiến về cuộc đời để từ khối óc, con tim của mình, họ mang đến cho độc giả những tác phẩm có ích cho cuộc đời. Và đương nhiên, đích đến của hành trình thiên lý đầy cam go ấy chính là lẽ phải, là tình yêu phổ quát và công bằng của thế giới đại đồng, không nhân danh một lý tưởng cá nhân hay một chủ nghĩa nào.

Khi còn là một thanh niên hai mươi bảy tuổi, ông đã có những trăn trở về giá trị cốt lõi của đời sống, rằng “muốn cho người đời phải có thực tâm”, và mong cho “chế độ xã hội này phù hợp với luân lý, mà luân lý phù hợp với nhân tâm, mà nhân tâm lui về với thiên tánh” [ 4 , tr.178]. Chính ý thức và trăn trở đó đã dẫn đường cho sự ra đời những công trình lớn sau này của ông như Phật giáo triết học, Vương Dương Minh - thân thế và học thuyết . Mặc dù đây là những công trình thiên về tư tưởng nhưng điều đó cũng cho thấy sự kiên định của ông trong việc lựa chọn hướng tiếp nhận và giới thiệu các tư tưởng học thuật trên thế giới đến độc giả Việt Nam, phục vụ cho mục đích “vị nhân sinh” mà ông theo đuổi.

Tư duy theo tinh thần chủ nghĩa duy vật biện chứng

Theo suốt hành trình tư tưởng của ông, qua các tác phẩm, ta thấy Phan Văn Hùm luôn nhiệt thành với tinh thần của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trong hầu hết các tác phẩm/ công trình/ bài viết nghiên cứu, ông luôn thể hiện nhãn quan biện chứng trong các vấn đề từ chính trị, kinh tế, xã hội, đến nghệ thuật, tâm lý, đạo đức…

Ông quan niệm con người là một cá thể trong xã hội luôn chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố từ chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Trong Ngồi tù Khám Lớn , ông cho rằng “Tù không có hung hăng bao giờ nếu cái chế độ tù không tàn ngược” [ 4 , tr. 113]. Theo ông, thói tham lam, tính ích kỷ, sự hèn kém của con người phần lớn có nguồn gốc từ chế độ kinh tế. Sự đói nghèo dai dẳng trong xã hội Việt Nam đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, khiến cho họ lúc nào cũng nghĩ đến chuyện “làm ăn”. Vào tù chỉ mong mau được ra tù để được làm ăn, làm ăn để mà sống. Trong tù thì tranh giành từng miếng ăn, hối lộ đồ ăn để được sung sướng hơn người khác, đến mức ông phải cảm thán: “tôi trông thấy cái thói ăn giành uống giựt ấy mà tức mình quá, mà xấu hổ quá, nòi giống của tôi, trời đày chi ngu đần đến thế” [ 4 , tr. 100].

Về vấn đề mại dâm trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, ông cho rằng có nguyên nhân từ nhiều phía, nhưng rõ ràng nhất là từ chế độ kinh tế, xã hội và nền tảng luân lý vô lý. Từ góc độ kinh tế, sự nghèo đói làm cho tình dục trở thành một phương tiện để kiếm tiền. Từ góc độ xã hội, chế độ thuộc địa tạo nên một thành phần mới trong xã hội lúc bấy giờ: những người đàn ông là lính thủy, lính bộ, những người lao động xa nhà nơi đô thị… Kế thừa tinh thần của Freud rằng ai cũng có nhu cầu về sanh lý và cần được thoản mãn, ông cho rằng nghề mại dâm đã cung ứng cho cái nhu cầu của một thành phần trong xã hội lúc bấy giờ. Nhưng khi điều đó diễn ra, nó liền bị chi phối bởi nền luân lý khắc nghiệt, dồn đẩy những cá nhân đi vào con đường xấu. Những người con gái vì một phút quên mình trong âu yếm để thất thân sẽ bị xã hội lên án, bài xích, “đến nỗi không trở về với xã hội được mà lần lần bị cảnh ngộ đưa đẩy vào xóm ăn chơi”, rồi mắc những bệnh truyền nhiễm, bệnh phong tình dẫn đến hư hại cả cuộc đời. Nếu liên kết lại từ nhiều phía, ta sẽ thấy nó như một vòng tròn, một vết trượt dài không có ngày dừng lại. Vậy nên muốn giải quyết triệt để nạn mại dâm, cái chính yếu là cần cải thiện chế độ kinh tế, bởi “luân lý nào cũng là phản ảnh của kinh tế, cũng là cái thượng tầng của xã hội, cũng là khí giới của giai cấp thống trị” [ 5 , tr. 732].

Khi bàn về nghệ thuật, ông cũng nhìn bằng một nhãn quan hết sức biện chứng. Nói về quan điểm thẩm mỹ của con người, ông cho rằng không có nơi nào giống nơi nào. Bởi lẽ “Kỳ thật cái tâm của con người, nó là một cái tồn tích phản ảnh của bao nhiêu những cái bao bọc con người như: kinh tế, học thuật, văn chương, lễ giáo, tôn giáo […] tóm lại, với hết thảy bao nhiêu những cái hữu hình, vô hình bao bọc con người làm nên xu xác (sic) và tinh thần con người [ 5 , tr. 685]. Cho nên quan niệm về tính thẩm mỹ là một cái gì đó hết sức chủ quan. Điều này cũng có tác động đến sự phát triển của nghề nhựt trình trong nước lúc bấy giờ. Vì phải chiều theo thị hiếu của độc giả và muốn bán được báo mà nhựt trình sinh ra những mục này mục kia. Khi thị hiếu của công chúng ngày càng đa dạng, nâng cao thì người viết càng phải chú trọng đầu tư, phát triển năng lực ngòi bút của mình. Độc giả nào sẽ sinh ra nhà văn đó. Trong khi đội ngũ cầm bút là thành phần quyết định sự phát triển, tầm vóc nền văn học của một dân tộc thì muốn làm được những điều lớn lao, nhất thiết phải đi từ những vấn đề nhỏ, ở từng cá nhân. Mỗi người cầm bút phải biết trau dồi, nâng cao ngòi bút và tư tưởng của mình. Mỗi tác giả cần phải có văn tài, văn tâm và đạo đức để kiến thiết nên một nền văn học chân chính và một xã hội tốt đẹp. Đó cũng là quy trình tiến hóa của xã hội loài người.

Trong quá trình cầm bút, sau khi giới thiệu cho độc giả về Biện chứng pháp phổ thông , Phan Văn Hùm tiếp tục dịch, biên soạn và giới thiệu cho độc giả Phật giáo triết học Vương Dương Minh, thân thế và học thuyết . Bỏ qua ý thức phân định giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây, ta thấy Phan Văn Hùm vô cùng thống nhất trong ý thức và tư tưởng của mình. Trong hành trình nghiên cứu, tiếp nhận các tinh hoa tư tưởng trên thế giới, ông đã biết cách chắt lọc và tạo ra con đường tư tưởng của riêng ông. Giới thiệu Phật giáo triết học , ông đã cho thấy một hệ tư tưởng hết sức biện chứng trong tinh thần của đức Phật. “Thời gian dắt díu, chẳng đặng đừng muôn vật phải chiều theo mà sanh, trụ, diệt. Tiền nhân hậu quả, quả cùng nhân tương tiếp tương thừa. Dây nhân quả vô cùng vô tận. Chận một khoảng nào thì khoảng ấy là quả của bao nhiêu nhân trước, mà là nhân của cái dọc quả về sau […] Người ta thường cắt nghĩa lầm một sự là vì chỉ thấy một cái nhân này mà không thấy cái nhân khác của sự ấy. Chỉ thấy cái nhân gần mà không thấy cái nhân xa của sự ấy” [ 6 , tr. 114]. Để rồi khi giới thiệu học thuyết “tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh, ông cũng chủ trương con người hãy quay về tâm để sống trải một cách chân thật, thiện lành giữa cuộc đời. Có lẽ đến với Vương Dương Minh, Phan Văn Hùm đã thật sự tìm ra chìa khóa để giải quyết bài toán nhân sinh mà ông từng đặt ra lúc còn trẻ, đó là xây dựng một xã hội mà con người biết sống dựa trên nền tảng của “thiên tính”. Tuy nhiên, do “hoàn cảnh trói buộc người, người muốn bảo toàn đạo đức không phải sửa lòng mà được, tất phải sửa cho được hoàn cảnh mà nhiên hậu đạo đức mới có thể bảo toàn, tráng sĩ khỏi nằm co” [ 6 , tr. 56]. Cho nên muốn có một xã hội tốt đẹp, nhất thiết phải thực hiện song song hai nhiệm vụ: thay đổi hoàn cảnh xã hội, tức xây dựng chế độ chính trị, kinh tế phù hợp, và hai là tu dưỡng nhân tâm, đạo đức. Điều này không chỉ có ý nghĩa với cá nhân trong một thời mà còn vô cùng ý nghĩa với xã hội loài người dù trong bất cứ thời đại nào.

Qua đó ta thấy, nhãn quan biện chứng của Phan Văn Hùm hết sức linh hoạt và sống động. Nó làm cho nhân sinh quan, thế giới quan của ông trở nên rộng rãi và sâu sắc. Hơn ai hết trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, ông thức nhận một cách sâu sắc về bản chất cuộc đời: “Đời người thì ngắn, chuyện đời thì nhiều, con người phải tạm sống bằng những kết luận tạm” [ 6 , tr. 115]. Nó cũng bồi đắp cho ông một tư duy cởi mở và có phần tự do, chỉ cần luôn thành thật với mình và với người (tu tâm và thành thực).

Quan niệm văn học không tách rời các môn khoa học

Khi quan sát nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Phan Văn Hùm nhận thấy “bên văn chương có phần phồn thạnh mà bên văn học, bên học thuật đương còn lặng lẽ thê lương. Ấy cũng bởi văn chương, đối đích có dễ làm hơn sách về loại tư tưởng […] Văn chương muốn cho sống mãi với non sông, muốn cho lan rộng ra bốn biển mà chen vai với văn chương thế giới cũng phải nằm trên một nền học thuật kiên cố mới được”. Phóng tầm mắt ra thế giới, ông thấy “văn chương nước mình, đương buổi mới nhóm nhen, vẫn còn thua xa cái lúc có thể đem trình bày cho thế giới” [ 5 , tr. 725].

Như quan niệm lúc ban đầu, văn chương phải cắm rễ vào cuộc sống và làm cho cuộc sống nở hoa. Văn chương giúp cải tạo, nuôi dưỡng, bồi đắp, phát triển phần hồn của con người, giúp người ta nhận chân được chân lý của cuộc sống. Do đó, văn chương không tách rời triết lý, càng không xa rời các nhận thức về mặt khoa học. Đó cũng là lý do rất nhiều lần, trong các bài nghiên cứu, phê bình của mình, Phan Văn Hùm tìm cách cắt nghĩa, lý giải các dữ liệu văn chương bằng con đường của khoa học (tinh thần thực chứng và chủ nghĩa biện chứng) hoặc bằng các kiến thức khoa học như lịch sử, triết học, thiên văn học, y học, tâm lý học, văn hóa học, xã hội học…. Nhờ nhận thức rộng rãi một cách khoa học về đời sống, Phan Văn Hùm tránh được lối phán đoán, suy luận một cách cảm tính hoặc cực đoan. Ông luôn dựa trên nền tảng của khoa học để lý giải đời sống, rồi lồng vào các tác phẩm thuộc lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học.

Khi nghiên cứu, đánh giá nỗi lòng của Nguyễn Đình Chiểu qua thơ văn, nhà phê bình đã gác lại tình riêng (ông là cháu rể của Nguyễn Đình Chiểu) để giữ sự khách quan trong ngòi bút. Nhà phê bình đã dựa vào các yếu tố như sử liệu ở Nam Bộ giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, tiểu sử cuộc đời, thái độ của Nguyễn Đình Chiểu đối với thực dân, phần tư tưởng thể hiện trong thơ văn để cho thấy cái “đức vọng” cùng giá trị tác phẩm của nhà thơ này.

Về sự tiếp nhận, thưởng thức văn chương, Phan Văn Hùm thường chú trọng phần triết lý trong tác phẩm nên không đánh giá cao những sáng tác chỉ dựa vào sự tình tứ “với những vần thay đổi để thở than ca tụng một cái ái tình không đổi không dời. Nếu không phải là anh hờn trách em bội bạc thời là em buồn tủi duyên phận hẩm hiu, hoặc nữa em em, anh anh cùng sang sớt cho nhau những nỗi hồi hộp, sung sướng của đôi tim hòa nhịp. Cái “đề” của phần nhiều bài thi bấy lâu chỉ là thế” [ 6 , tr. 153]. Trong trường hợp thơ Xuân Diệu, nếu người đời yêu thích và đánh giá cao sự lãng mạn, tình tứ trong thơ ông, mệnh danh ông là “ông hoàng thơ tình” thì nhà phê bình họ Phan lại phát hiện một tầng bậc giá trị sâu hơn, đó là tinh thần triết học trong đó. Theo Phan Văn Hùm, giá trị đặc biệt của thơ Xuân Diệu nằm ở sự hòa quyện giữa chất thơ và chất triết, hay nói đúng hơn, ở Xuân Diệu có cả hai tư chất: thi sĩ và triết gia: “Nơi nhà thi sĩ Xuân Diệu thời cái cảm tình dầu cho man mác đến đâu cũng không khỏa lấp hẳn ý thức mà thi lại vẫn hay, mà từ lại vẫn dồi dào khiến nhà triết học không thể ngăn được tinh thần rung động” [ 6 , tr. 152]. Nhiều người đồng ý rằng Xuân Diệu là nhà thơ rất nhạy cảm với bước đi của thời gian. Nhưng sự cảm nhận đó đôi khi chỉ nằm ở sự nhạy cảm nơi tâm hồn thi sĩ. Chưa có ai đánh giá về thơ Xuân Diệu bằng nhận thức triết học như Phan Văn Hùm: “Cái sức gắng gượng để tự mình cầm bắt lấy mình, tôi thấy nhà thi sĩ Xuân Diệu triển diễn ra trong bài thi Thời gian ”. “Nhà thi sĩ Xuân Diệu đã đưa lại cho tôi mấy phút say sưa với bài Thời gian âm điệu nhẹ nhàng, hình ảnh huyền diệu. Ngâm bài Thời gian tự khắc nhận thấy nhà thi sĩ làm cho thời gian ở trong chốn mơ màng lờ lệt (sic) biểu lộ ra rõ rệt mà lưu động như có tâm hồn. Thơ Xuân Diệu tuyệt ở chỗ ấy” [ 6 , tr. 152]. Sự am hiểu sâu sắc về triết học đã mở rộng chân trời tiếp nhận của nhà phê bình này. Qua bài viết này, có lẽ Phan Văn Hùm là người đầu tiên phát hiện ra cảm thức hiện sinh trong thơ Xuân Diệu. Có thể nói Phan Văn Hùm đã tri âm được với Xuân Diệu, hiển lộ cho độc giả thấy được tinh thần triết học trong tác phẩm của nhà thơ này.

Trong bài viết “Cái lý của kích tình”, Phan Văn Hùm lấy tâm lý học để lý giải cảm xúc con người. Cảm xúc là thứ rất cần thiết cho sự cảm nhận văn chương, nhưng nếu không tiết chế hoặc kiềm giữ cảm xúc, độc giả sẽ dễ để mình rơi vào lối suy diễn chủ quan. Để chống lại hệ luỵ ấy, ông khuyên người ta cần phải biết cách đứng ngoài vòng của kích tình (có thể hiểu là “đam mê” – TTMH), luôn giữ sự tỉnh thức để hạn chế sự lôi cuốn của cảm xúc [ 5 , tr. 727]. Thực tế cho thấy, muốn hiểu rõ văn chương, ngoài năng lực thẩm mỹ, độc giả cần thiết phải có vốn kiến thức triết học, khoa học và cả tôn giáo. Tựa vào khoa học là một cách để giúp cho sự cảm nhận của mình được khách quan. Đối với văn chương cũng vậy. Nghiên cứu về thơ Nguyễn Du có nhiều cách cảm nhận và diễn giải khác nhau. Với Phan Văn Hùm, ông đã tựa trên các tư liệu về kinh, thi, thiên văn học để giải thích hình ảnh “ba sao giữa trời” trong bài “Một câu thơ trong Truyện Kiều ”. Hay khi đánh giá Văn chiêu hồn , ông cho rằng Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng của Tiểu thừa Phật giáo và Đạo giáo dựa trên tục “Vu lan bồn” trong đạo Phật [ 6 , tr. 59].

Có thể thấy chính tri kiến sâu rộng đã góp phần hình thành nên nhãn quan và tư tưởng của Phan Văn Hùm. Hoạt động văn học của ông thể hiện mối liên hệ giữa khoa học, triết học và tư tưởng. Bằng tư duy và ngòi bút của mình, ông đã góp phần kéo khoa học phương Tây lại gần với triết học phương Đông. Tư duy học thuật của ông là kết quả của sự tổng hoà một cách sinh động tinh hoa tư tưởng Đông - Tây. Trong vô vàn các trường phái tư tưởng triết học, ông đã chắt lọc và tìm được hạt nhân để giữ lấy cho riêng mình. Thông qua các bài viết của Phan Văn Hùm, độc giả có cơ hội liên hệ các tri thức lại với nhau, mở rộng sự hiểu biết, sáng rõ nhiều vấn đề trong đời sống. Ông không dùng ngòi bút của mình chỉ để bàn về văn chương. Mọi thứ trong đời sống dưới cái nhìn biện chứng của ông đều có mối liên hệ với nhau. Chính mối liên hệ qua lại giữa khoa học, tư tưởng và văn chương đã làm cho các bài viết của ông thêm phần sâu sắc và giá trị.

Chú trọng phương pháp luận trong nghiên cứu, phê bình

Là một trí thức Tây học, Phan Văn Hùm có điều kiện tiếp thu một nền học thuật tiến bộ. Trong những năm ngồi trên ghế nhà trường của Pháp và du học ở Đại học Sorbonne, ông đã học hỏi được nhiều kiến thức về phương pháp luận trong nghiên cứu, phê bình phương Tây. Ông có nhiều bài viết về phương pháp luận đăng tải trên báo chí đương thời, cũng có bài được in lại trong sách để tiện phổ biến cho học giới.

Trong cuốn Luận tùng , ở phần “Triết lý”, ông có một chùm bài viết về phương pháp luận nghiên cứu. Ông cho biết: “vấn đề phát đúng hay không, đường giải quyết đúng hay không, sự giải quyết được hay không đều do nơi phương pháp luận (méthodologie) mà ra cả” [ 7 , tr. 59]. Cho nên trong bài “Cần phải định nghĩa”, ông nói về việc “cần phải cho rõ ràng cái nghĩa chữ mình dùng trong văn chương, trong nghị luận” [ 7 , tr. 49] để hạn chế sự hiểu lầm nơi người tiếp nhận hay tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” trong trao đổi/ tranh luận học thuật. Với bài “Phát vấn đề phải cho trúng cách”, ông cho biết đó là “sự rạch phân bờ bến của vấn đề” để giúp người giải quyết vấn đề không lan man hoặc đi nhầm đường trong nghiên cứu, bàn luận. Bài “Điều kiện thêm vấn đề đổi” ông cho biết “khi nào vấn đề phát sai mới phải chỉ cái chỗ thêm, hoặc bớt điều kiện” [ 7 , tr. 66]. Trong bài “Muốn hiểu rành mọi sự”, tựa trên tinh thần biện chứng, ông cho rằng “thấy một điều, nghe một điều, muốn hiểu rành nó phải có đủ các dọc nguyên nhân, không thì chỉ có thể kết luận tạm” [ 7 , tr.71], nếu không, mọi sự kết luận chỉ là võ đoán. Các bài viết về phương pháp luận bên trên có ý nghĩa trong việc hướng dẫn, cung cấp công cụ cho sự tư duy và nghiên cứu trong giới học giả ở Việt Nam thời bấy giờ. Do có một tình trạng ở nước ta lúc bấy giờ là “sách khảo cứu ra nhiều nhưng xem ra nhiều nhà làm sách không để ý đến phép trưng dẫn” [ 5 , tr. 733] nên ông chủ trương các học giả trong nước nên áp dụng các phép tắc tra cứu, quy cách trình bày theo thông lệ quốc tế để các sách nghiên cứu có giá trị.

Không chỉ trình bày trên phương diện lý thuyết, Phan Văn Hùm còn ứng dụng các công cụ tư duy ấy vào chính các công trình của mình. Khi nghiên cứu hay phê bình, ông đều rất công phu, cẩn trọng và tỉ mỉ trong việc tra cứu, xác minh, dẫn chứng tư liệu. Ông cũng trình bày rõ các thao tác truy tầm làm căn cứ cho độc giả tiện tra cứu và xác minh (trong các công trình Ngư tiều vấn đáp y thuật 8 , Dương Từ Hà Mậu 9 , hay bài “Một câu thơ trong Truyện Kiều ” [ 7 , tr. 131-138]). Sự minh bạch này không chỉ cho thấy sự liêm chính của tác giả mà còn giúp độc giả tiện lợi trong sự bổ cứu sau này. Lối làm việc nghiêm túc này cũng đã trở thành quy tắc để ông phê bình. Đọc Khổng Giáo phê bình tiểu luận của Đào Duy Anh, trong khi khen ngợi về mặt nội dung, ông vẫn góp ý về hình thức, cách thức trình bày trong sách. Bởi lẽ “Sự khuyết điểm này về hình thức thời xem nó nhỏ nhoi mà về học thức thời nó rất hệ trọng” [ 5 , tr. 723]. Trong số những cây bút đương thời, có lẽ Phan Văn Hùm là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tập hợp lại các bài viết đã đăng báo để xuất bản thành sách vì ông có nhiều công trình xuất bản theo dạng này. Cho nên có lần ông phê bình sự chủ quan của Phan Khôi khi xuất bản cuốn Chương Dân thi thoại : “Cẩu thả trong một bài báo còn chịu cho được. Mà đến khi lục những bài báo đem in thành sách lại không bổ di, không chú thích thì sự cẩu thả ấy sau này kẻ hậu tấn học văn chương An Nam, đọc qua sách ông, họ sẽ oán trách biết là dường nào!” [ 5 , tr. 703]. Ngày nay đọc lại những lời phê bình ấy, ta càng thấy trân trọng tinh thần trách nhiệm của ông.

Sự cẩn trọng và trách nhiệm đó không chỉ được thể hiện trong thao tác làm việc mà còn hình thành trong ông một phẩm cách hết sức khiêm tốn và chính trực. Với ông, “khi nghe ai nói hai câu, ta có thể biết người ấy có giáo dục gì, tư tưởng gì. Khi đọc sơ qua tác phẩm của một người, ta cũng có thể biết đại khái cái vị trí của người ấy trong tư tưởng giới. Muốn biết kỹ càng hơn, tất phải nghiên cứu lại” [ 5 , tr. 692]. Trong cuộc đối thoại với Hoài Thanh về chủ trương nghệ thuật của cá nhân, ông cho biết: “Bằng như phán đoán lầm cũng không có gì làm cho chúng tôi thẹn mà không chịu cải chính. Trái lại, biết lầm là có tiến bộ trên con đường tri thức chớ có chi là hại đâu mà không hô to lên cái chỗ lầm của mình [ 5 , tr. 694]. Với ông, đó không chỉ là lề thói làm việc mà còn cho thấy tư cách, đạo đức, phẩm cách của một cá nhân trong xã hội. Điều này làm cho Hoài Thanh, trong bài viết đáp lại, đã không ngần ngại công nhận Phan Văn Hùm “thực thà và bình dị hơn” Hải Triều (mặc dù Phan Văn Hùm và Hải Triều cùng bảo vệ quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” trong cuộc tranh luận đó – TTMH) [ 5 , tr. 699].

KẾT LUẬN

Có thể thấy Phan Văn Hùm là một nhân vật có đóng góp đặc biệt trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Với lối tư duy chắc chắn, logic và biện chứng, trong hầu hết các trước tác trong lĩnh vực văn học, ông luôn cho thấy sự nhất quán trong quan niệm và đường hướng tư tưởng. Văn chương là câu chuyện của tâm hồn nhưng qua cách nhìn nhận của Phan Văn Hùm, ông cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa văn học và các lĩnh vực khoa học khác. Bên cạnh khía cạnh nội dung – tư tưởng trong các trước tác, ông còn có đóng góp lớn trong việc du nhập phương pháp luận nghiên cứu văn học của phương Tây vào Việt Nam. Các nghiên cứu của Phan Văn Hùm không phổ trên bề rộng mà đi vào bề sâu. Ông luôn tựa trên các luận chứng khoa học để giải mã, thẩm định, đánh giá văn chương. Những điều mà Phan Văn Hùm mang lại trong các tác phẩm của mình có giá trị không chỉ trong thời đại của ông mà đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Ông xứng đáng được xem là một nhà nghiên cứu lý luận văn học chuyên nghiệp hiếm có, một nhà phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một trong đề tài mã số DT.22.1-030.

XUNG ĐỘT VỀ LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là sản phẩm nghiên cứu cá nhân được rút ra trong khuôn khổ đề tài mã số DT.22.1-030.

Cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu về Phan Văn Hùm còn khá hạn chế. Do đó, bài nghiên cứu của chúng tôi góp phần bổ khuyết phần nghiên cứu về một nhân vật có đóng góp lớn không chỉ cho nền văn học tại Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX nói riêng mà còn cho nền học thuật ở Việt Nam nói chung. Bài viết chỉ ra và làm rõ các đặc điểm trong hoạt động văn học của Phan Văn Hùm trên nhiều phương diện: quan niệm nghệ thuật, hình thái tư duy, phương pháp luận nhằm cho người đọc hiểu rõ hơn về di sản văn học của tác giả này.

References

  1. Đoàn Lê Giang & Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phan Văn Hùm. Trong Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; 2018. . ;:. Google Scholar
  2. Trần Bảo Định. Nỗi lòng Đồ Chiểu hay Phan Văn Hùm?. Truy xuất từ:. . ;:. Google Scholar
  3. Thiếu Sơn. Những văn nhân chính khách một thời. Hà Nội: Nhà xuất bản Công an Nhân dân; 2006. . ;:. Google Scholar
  4. Phan Văn Hùm. Ngồi tù Khám Lớn. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà văn; 2018. . ;:. Google Scholar
  5. Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn và giới thiệu). Tuyển tập Phan Văn Hùm. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin; 2002. . ;:. Google Scholar
  6. Phan Văn Hùm. Dở chồng báo cũ. Hà Nội: Tân Việt; 1940. . ;:. Google Scholar
  7. Phan Văn Hùm. Luận tùng. Hà Nội: Tân Việt; 1943. . ;:. Google Scholar
  8. Đồ Chiểu. Ngư Tiều vấn đáp y thuật. Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích, Nhượng Tống tăng bình bổ chú. Sài Gòn: Tân Việt; 1953. . ;:. Google Scholar
  9. Đồ Chiểu. Dương Từ Hà Mậu. Phan Văn Hùm hiệu đính. Sài Gòn: Tân Việt; 1964. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 3 (2023)
Page No.: 2155-2162
Published: Sep 30, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.876

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

Funding data


 How to Cite
Hien, T. (2023). Some more observation on Phan Van Hum’s viewpoints of literary study. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(3), 2155-2162. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.876

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 267 times
PDF   = 168 times
XML   = 0 times
Total   = 168 times