VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

768

Total

369

Share

Traditional creativity in the practice of Chol Chnam Thmay festival of Khmer people in Loc Ninh district, Binh Phuoc province, Vietnam today






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Chol Chnam Thmay is one of the typical traditional festivals of Khmer people living in Loc Ninh in the Southeastern region of Vietnam as well as in the Mekong Delta in the Southwestern region of Vietnam and in some other Southeast Asian countries. Similar to Khmer people in other regions, festivals of Khmer people in Loc Ninh are also formed and integrated from three cultural lines: folk beliefs, Brahminism, and Buddhism. However, due to the peculiarities of natural conditions, and historical and social circumstances, Khmer people’s festivals in Loc Ninh have specific cultural features, which have contributed to the formation and development of the Khmer ethnic identity in Loc Ninh as well as the cultural identity of the Southeastern region of Vietnam. Based on Hobsbawm's theoretical approach to “Traditional Creativity”, combining Ethnographic/Anthropological field methods, the research results show that Chol Chnam Thmay festival of the Khmer people in Loc Ninh has had a lot of changes. The the changes of the festival is the consequence of the “Traditional Creativity” process in the restoration and practice of the Khmer community's festival. In addition to the impact of the natural environment, and historical and social circumstances, these changes are also affected by cultural exchange factors, globalization, integration, and especially, impacts from the policies on socio-economic and cultural development of the Vietnamese Communist Party and State implemented in localities in the Southeastern region of Vietnam at present.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Lộc Ninh là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Phước, có đường biên giới dài hơn 100km tiếp giáp với tỉnh Congpongcham của Campuchia; phía Tây Nam giáp tỉnh Tây Ninh; phía Đông giáp huyện Bù Đốp và huyện Phước Long; phía Nam giáp thị xã Bình Long. Do địa hình núi và rừng chiếm ¾ diện tích toàn huyện nên thế mạnh kinh tế của Lộc Ninh chủ yếu là nông lâm nghiệp. Về mặt xã hội, Lộc Ninh là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của những biến động về chính trị, chiến tranh, thiên tai, nhất là giai đoạn trước năm 1975. Theo số liệu thống kê của tỉnh Bình Phước, Lộc Ninh có 13 dân tộc, với dân số là 119.765 người/29.767 hộ, trong đó, người Việt có 95.304 người, chiếm 79,12% dân số; đồng bào các dân tộc thiểu số có 24.461 người, chiếm 20,88% dân số toàn huyện. Trong tổng số dân tộc thiểu số toàn huyện, tộc người Khmer có 2148 hộ/9127 khẩu, chiếm 41,5 %; họ sinh sống ở hầu hết các xã, và một số ít ở thị trấn, trong đó tập trung đông nhất là ở các xã Lộc Khánh, Lộc Quang, và Lộc Điền 1 .

Trong cộng đồng các dân tộc tại Lộc Ninh – Đông Nam Bộ, Khmer là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, có chung nguồn gốc với người Khmer ở Campuchia cũng như người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác. Trong nền văn hóa của người Khmer nơi đây, các nghi lễ – lễ hội là những nét văn hóa tiêu biểu, phản ánh nhiều nét đặc sắc: từ các phong tục tập quán, các hình thái tôn giáo tín ngưỡng, đến các loại hình nghệ thuật (kiến trúc, âm nhạc, múa,…), và cả các mối quan hệ cộng đồng.

Như người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ và Vương quốc Campuchia, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của người Khmer ở Lộc Ninh cũng được hình thành, tích hợp từ 03 luồng văn hóa: tín ngưỡng dân gian, Bà la môn giáo, và Phật giáo [ 2 , tr.140] [ 3 , tr.54]. Tuy nhiên, do có những đặc thù về điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội, lịch sử tộc người,… nên lễ hội truyền thống của người Khmer ở Lộc Ninh có những nét đặc trưng so với cộng đồng người Khmer ở các vùng khác. Hiện nay, do nhiều nhân tố tác động, lễ hội truyền thống của người Khmer ở Lộc Ninh đã có nhiều biến đổi. Song, lễ hội hiện là môi trường chủ yếu, bền vững trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer ở Lộc Ninh cũng như ở vùng Đông Nam Bộ.

Quá trình khảo cứu tài liệu cho thấy, cho đến hiện nay, các nghiên cứu về người Khmer ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tây Nam Bộ với nhiều chủ đề phong phú, bao gồm lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, chính sách dân tộc;... Đặc biệt, nghiên cứu về văn hóa lễ hội của người Khmer cũng chỉ tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nam Bộ. Có thể kể đến một số tác giả với các công trình: Lê Hương (1969) với Người Việt gốc Miên ; Nguyễn Hữu Nghiệp (2004) với Lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer ở Nam Bộ Lê Văn Cần (2009) với Bảo tồn và phát huy Lễ Hội Óoc Om Boc Đua Ghe Ngo Sóc Trăng Lê Thúy An (2017) với Yếu tố nước trong lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Trà Vinh – Tiếp cận lý thuyết văn hóa sinh thái ,… 4 , 5 , 6 , 7 . Đây đều là những công trình chuyên sâu của các học giả, nhà nghiên cứu về các đặc điểm, giá trị văn hóa lễ hội và vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị lễ hội của người Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tây Nam Bộ. Trong khi đó, các nghiên cứu về người Khmer ở Đông Nam Bộ cũng như ở Lộc Ninh – Bình Phước vẫn còn rất ít nội dung được giới thiệu chủ yếu vẫn là khái quát các vấn đề về lịch sử, văn hóa, xã hội các tộc người, trong đó có người Khmer, như: Vấn đề dân tộc ở Sông Bé do Mạc Đường chủ biên (1985); Đông Nam Bộ trong tiến trình mở đất phương Nam (thế kỉ XVII – XVIII) của Nguyễn Ngọc Chúc (2014); Địa chí Bình Phước của Tỉnh ủy – Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước (2015) 1 , 8 , 9 … Nghiên cứu về lễ hội cũng chỉ có một ít bài viết đã công bố, chủ yếu đăng tải ở các trang web địa phương , nội dung mang tính giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa của lễ hội mà chưa nghiên cứu sâu cũng như chưa phân tích những biến đổi của lễ hội, như: Trần Vũ (2013) với Người Khmer Tây Ninh và lễ hội vào năm mới Đức Ngự (2017) với Lễ hội Sen Dolta của đồng bào Khơme Bình Phước ; Trần Dũng (2021) với Nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer qua lễ hội Chol Chnam Thmay ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước 10 , 11 , 12 . Do đó, thông qua nghiên cứu thực trạng thực hành lễ hội Chol Chnam Thmay – một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Khmer tại huyện Lộc Ninh, trên cơ sở tiếp cận lý thuyết “sáng tạo truyền thống” của Hobsbawm, bài viết phân tích, đánh giá các nhân tố tác động đến sự biến đổi lễ hội, đồng thời phân tích, lý giải những “sáng tạo truyền thống” trong thực hành lễ hội của cộng đồng Khmer trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội, và văn hóa tại vùng Đông Nam Bộ hiện nay.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ LÝ THUYẾT TIẾP CẬN

Phương pháp nghiên cứu

Về phương pháp nghiên cứu, bên cạnh việc khảo cứu, tổng hợp, phân tích các tài liệu thứ cấp, nghiên cứu này chủ yếu sử dụng hệ thống phương pháp nghiên cứu dân tộc học/nhân học, khai thác tư liệu thực địa bằng phương pháp điền dã, quan sát tham dự, và tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nghiên cứu. Địa điểm nghiên cứu chính của đề tài là xã Lộc Khánh của huyện Lộc Ninh. Đây là địa bàn có nhiều yếu tố, đặc điểm phù hợp với phạm vi, tiêu chí của đề tài, như: tập trung số lượng người Khmer đông đúc, có các ngôi chùa Nam Tông Khmer lớn nhất vùng Đông Nam Bộ,... Trong quá trình điền dã tại thực địa, chúng tôi đã áp dụng phương pháp định tính với cách chọn mẫu có chủ đích qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thông tín viên, các già làng, các vị trưởng thôn/ấp, đặc biệt là từ sự hỗ trợ tích cực của các nhà sư tại các ngôi chùa Nam Tông Khmer của huyện Lộc Ninh. Cụ thể, từ tháng 3/2019 đến tháng 12/2022, chúng tôi đã thực hiện hơn 20 cuộc phỏng vấn sâu với nhiều đối tượng: người dân, già làng, trưởng thôn, các nhà sư…; đã tổ chức 05 cuộc thảo luận nhóm với những người liên quan đến việc tổ chức, thực hành lễ hội. Đồng thời, chúng tôi đã trực tiếp tham dự các lễ hội truyền thống tại cộng đồng Khmer; riêng lễ hội Chol Chnam Thmay, chúng tôi đã tham dự 3 lần, 2 lần trong 2 năm 2019 và 2020 tại Lộc Ninh – Bình Phước, và 1 lần vào năm 2022 tại Tân Biên – Tây Ninh. Ngoài ra, chúng tôi còn khảo sát cộng đồng Khmer ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ để phân tích, lý giải nguyên nhân biến đổi lễ hội của người Khmer tại Lộc Ninh.

Lý thuyết tiếp cận

Về khái niệm truyền thống, theo Từ điển Tiếng Việt , “truyền thống là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác” [ 13 , tr.1053] theo Trần Văn Giàu (1993), “truyền thống là những đức tính hay những thói tục kéo dài nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ lịch sử và hiện có nhiều tác dụng, tác dụng đó có thể tích cực cũng có thể tiêu cực” [ 14 , tr.41].

Theo Hobsbawm (2012), “truyền thống được sáng tạo” được hiểu là “những tập hợp thực hành, thường nằm dưới sự chi phối của những luật lệ thành văn hay bất thành văn, có bản chất nặng tính nghi thức hoặc hình tượng, nhằm khắc sâu giá trị và tiêu chuẩn hành vi nhất định vào tâm thức cộng đồng qua hình thức tái diễn, đồng thời ngụ ý một dòng chảy tiếp nối từ quá khứ” [ 15 , tr.86]. Và, “nơi nào truyền thống được thực hành qua sáng tạo thì thường không phải do nơi đó không còn được duy trì theo những lối xưa, mà bởi những lối xưa ấy bị lãng quên, không vận dụng, không biến đổi để thích nghi, một cách hữu ý chứ không phải vô tình bỏ mặc” [ 15 , tr.93]. Như vậy, truyền thống không phải là bất biến mà nó còn được “bồi đắp”, cải biên, và sáng tạo cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử xã hội của tộc người.

Đối với người Khmer tại Lộc Ninh, những yếu tố truyền thống được cộng đồng lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ, qua thực hành văn hóa trong đời sống sinh hoạt, đặc biệt là qua việc thực hành các lễ hội trong cộng đồng. Ngoài vốn văn hóa truyền thống người Khmer mang theo khi đến sinh sống tại vùng đất này, còn có những yếu tố văn hóa mới được nảy sinh trong quá trình hình thành và phát triển cộng đồng, theo thời gian, lâu dần những yếu tố này cũng đã trở thành truyền thống của họ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, có những khoảng thời gian người Khmer ở đây không thực hành lễ hội, nên ít nhiều yếu tố truyền thống bị “lãng quên”, nhất là những giai đoạn trước và sau năm 1975. Do vậy, sau năm 1986, khi có điều kiện khôi phục lại lễ hội truyền thống, họ buộc phải sáng tạo những yếu tố mới để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.

Như người Khmer ở các vùng khác, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng Khmer ở Lộc Ninh luôn gắn bó mật thiết với ngôi chùa. Đối với họ, chỉ khi tổ chức thực hành văn hóa tín ngưỡng tại các chùa, thì những mong muốn, ước nguyện của họ mới được linh ứng hơn, ông bà tổ tiên của họ cũng sẽ được nhiều phước báu hơn,… Tuy nhiên, do hậu quả của các cuộc chiến tranh, những ngôi chùa ở Lộc Ninh cũng như vùng Đông Nam Bộ bị tàn phá nặng nề, nên có những khoảng thời gian người dân nơi đây không thực hành lễ hội. Từ sau 1986, mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách đổi mới nhưng kinh tế – xã hội của vùng Lộc Ninh vẫn còn khó khăn. Vì vậy nên đến nay, nhiều ngôi chùa ở vùng này vẫn còn đang trong quá trình trùng tu, sửa chữa. Cũng do vậy mà đến đầu những năm 2000, một số ngôi chùa ở Lộc Ninh vẫn chưa có sư trụ trì [nguồn: tư liệu điền dã tháng 4/2019].

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Sáng tạo truyền thống trong thực hành lễ hội Chol Chnam Thmay

Đối với người Khmer , Chol Chnam Thmay là “lễ hội vào năm mới”; hay “lễ chịu tuổi”; là một trong các lễ hội truyền thống lớn nhất, được tổ chức định kỳ hàng năm trong cộng đồng người Khmer tại các vùng Đông Nam Bộ cũng như ở Tây Nam Bộ, và một số nước Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar,… [ 4 , tr.42] [ 7 , tr.100]. Cộng đồng Khmer ở Lộc Ninh và vùng Đông Nam Bộ còn gọi Chol Chnam Thmay là “lễ hội té nước”.

Vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước nên người Khmer tổ chức các lễ hội theo chu kỳ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng, thường là vào những khoảng thời gian kết thúc vụ mùa, chuyển mùa. Do vậy, hàng năm, vào khoảng giữa tháng 04 dương lịch, sau khi thu hoạch mùa vụ vào cuối mùa nắng, trong khi chờ mùa mưa tới để bắt đầu một vụ mùa mới, cộng đồng Khmer ở Lộc Ninh tổ chức lễ hội Chol Chnam Thmay rất long trọng với những hy vọng, ước muốn có được một năm mới đủ đầy, tốt đẹp hơn năm cũ. Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn Thần Phật, ông bà, tổ tiên đã cho họ có được cuộc sống bình an, no đủ trong một năm đã qua. Đây còn là dịp người dân quây quần, sum họp, nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm lụng cực nhọc, vất vả. Đồng thời, lễ hội còn là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người thân trong dòng họ đã mất,… [ 12 , tr.57]

Theo tục lệ, lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer thường diễn ra trong 3 ngày, nếu rơi vào năm nhuận thì sẽ tổ chức trong thời gian 4 ngày . Tuy nhiên, đây chỉ là những ngày chính lễ hội diễn ra tại chùa. Bởi ngoài tổ chức tại chùa, cộng đồng còn tổ chức lễ đón năm mới tại các gia đình, dòng họ và tại nhà các già làng. Do vậy trong thực tế, thời gian diễn ra lễ hội (ăn tết) của đồng bào trong các phum sóc thường nhiều hơn, có nơi kéo dài đến 10 ngày. Đặc biệt, một số chùa còn tổ chức cho người dân “ăn tết” dài hơn, có năm lên đến 9-10 ngày [nguồn: tư liệu điền dã tháng 7/2019]. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng trong lễ hội của người Khmer ở vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay, những nghi thức trong các ngày chính của lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer ở Lộc ninh được diễn ra theo trình tự như sau:

Ngày thứ nhất - “Sangkran”

Đối với người Khmer, “Sangkran” là ngày giao thừa, ngày đánh dấu thời khắc của sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, còn gọi là ngày đón Chư Thiên mới . Hiện nay, các hoạt động, lễ thức chính trong ngày này gồm có: Lễ đón Chư Thiên và rước đại Nông lịch “Maha sangkran”; lễ dâng bông bạc; hoạt động trò chơi, và trình diễn văn nghệ.

Khác với người Khmer ở vùng Tây Nam bộ, cách khoảng 10 ngày trước lễ đón Chư thiên, người dân trong các phum sóc ở Lộc Ninh sẽ tổ chức 01 lễ cúng tại miếu Neak Tak rất chu đáo. Đối với người Khmer vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ, Neak Tak là vị thần có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng. Bởi trong hầu hết những vấn đề liên quan đến đời sống như việc làm ăn, hôn nhân, ma chay, cúng tế; hay những khi gặp vấn đề bất trắc trong cuộc sống như thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, đau ốm… người dân đều cầu xin sự giúp đỡ của thần. Vì vậy, trước khi thực hành nghi lễ – lễ hội, người dân ở đây thường tổ chức cúng Neak Tak trước, với mục đích vừa xin phép, vừa cầu xin sự giúp đỡ, phù trợ của thần cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ, thành công. Tiếp đến, các gia đình sẽ ra nghĩa địa để dọn dẹp mồ mả ông bà cha mẹ và làm 1 lễ cúng nhỏ với một ít nhang đèn, bánh trái, hoa quả .

Cũng trong khoảng thời gian này, người dân sẽ tranh thủ đến chùa phụ giúp việc sửa sang, trang hoàng ngôi chùa để chuẩn bị đón tết. Trong khi đó, việc chuẩn bị đón năm mới tại các gia đình lại tương đối đơn giản. Hiện tại, người dân chủ yếu sắm sửa một ít bánh trái, hoa quả dùng để cúng Chư thiên trong ngày đầu năm mới. “Bây giờ cúng tại nhà không chuẩn bị nhiều, chủ yếu tập trung cúng ở trong chùa. Nhưng các đồ cúng ở chùa cũng không tự làm như ngày xưa, mà chủ yếu mua đồ làm sẵn…” [nguồn: phỏng vấn sâu ông Lâm B, 72 tuổi, xã Lộc Khánh, tháng 4 năm 2022].

Tại các chùa, cách ngày đón Chư thiên mới chừng một tháng, ban quản trị nhà chùa cùng với các sư phụ trách việc cúng lễ sẽ đứng ra tổ chức một buổi họp với các già làng, các vị Achars để thống nhất nội dung, kế hoạch tổ chức, thực hiện các nghi thức, lễ trình trong các ngày lễ tết. Sau đó, các Achars sẽ thông tin đến các gia đình trong cộng đồng. Hiện nay, tuy các nghi thức, diễn trình trong ngày Sangkran được phục dựng theo truyền thống, nhưng đã có một vài thay đổi. Chẳng hạn, người dân không còn tổ chức rước cuốn đại nông lịch; dùng xe hơi thay cho kiệu khiêng; dùng các phương tiện hiện đại như âm ly, máy phát nhạc thay cho dàn nhạc dân tộc trong lễ đón Chư thiên, trong trình diễn chương trình văn nghệ…

“Những năm gần đây, lễ đón Chư thiên chỉ rước tượng đầu thần Bốn mặt, bỏ rước Đại Nông lịch, vì hiện tại người dân đã biết thông tin giờ đón Chư thiên mới qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, do ban tổ chức thông báo, vì đa số người dân đều có điện thoại thông minh…” [nguồn: phỏng vấn sâu sư Thạch N, 70 tuổi, nam, xã Lộc Khánh, tháng 4 năm 2019] .

Tiếp sau lễ thức đón Chư thiên là lễ tục dâng bông bạc. Đây là lễ tục được người Khmer thực hiện với ý nghĩa tạ ơn thần phật, chư tăng đã phù trợ cho gia đình và cộng đồng của họ trong 1 năm qua. Trước đây, bông bạc được người dân thực hiện bằng cách vót những thanh tre tạo thành hình dáng như một cây nhỏ có nhiều nhánh, trên đó gắn những bông hoa và những tờ tiền (bạc) bằng giấy, nên được gọi là cây bông bạc. Hiện nay, người dân chủ yếu mua những cây bông làm sẵn từ các cửa hàng, sau đó gắn những tờ tiền lên. Những cây bông bạc này được các sóc chuẩn bị từ sự đóng góp tùy tâm từ các gia đình trong sóc. Tuy nhiên, những gia đình giàu có, hoặc đã có tâm nguyện từ trước, sẽ tự làm riêng cây bông bạc để cúng dường tạ lễ...

Phần hội trong dịp tết của người dân hiện cũng đã có nhiều biến đổi. Bên cạnh việc tổ chức và trình diễn các trò chơi dân gian, các điệu múa dân tộc, ban tổ chức đã bổ sung các bài hát mới, các nhạc cụ phương Tây trong phần hội để thu hút người tham gia.

Ngày thứ hai - “Wonbót”

Theo quan niệm của người Khmer, “Wonbót” là ngày bàn giao các công việc giữa vị Chư Thiên cũ và Chư Thiên mới [ 4 , tr. 43]. Ngày này có các lễ chính như: lễ cúng Trai Tăng – lễ đặt bát; lễ đắp núi cát. Tuy nhiên, các lễ thức này hiện được cộng đồng thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo và tất nhiên cũng đã có nhiều biến đổi.

Theo người dân, ngày xưa cúng Trai Tăng và đặt bát là một lễ, vì đặt bát cũng là cúng dường cho các chư tăng. Về sau, để tăng phần long trọng, người dân mới tách đặt bát thành lễ riêng, gọi là “lễ đặt bát hội”. Vào buổi sáng, các tín đồ phật tử mang cơm và bánh trái vào chùa để cúng Trai Tăng. Sau đó, mọi người tập trung ngoài sân chùa để tham gia lễ đặt bát. Đây là lễ tục cúng dường chư tăng được các chùa Nam Tông Khmer ở vùng Đông Nam Bộ thực hiện một cách sáng tạo và linh hoạt trong các ngày lễ chính, tức có thể tổ chức bất kỳ vào 1 trong các ngày tết, tùy thuộc vào sự sắp xếp, thống nhất giữa các sư trụ trì các chùa trong vùng. Cách làm này giúp người dân và các vị sư sãi có thể được tham gia ở nhiều chùa khác nhau, làm tăng thêm quy mô cho lễ, cũng là để người dân có điều kiện hùn phước ở nhiều chùa. Theo nhiều người dân, “Ngày xưa, người dân chỉ dâng cúng cho các sư cơm và thức ăn (chủ yếu là cá khô), nay thì chủ yếu cúng tiền và một ít bánh trái,…” [nguồn: phỏng vấn sâu Ông Lâm B, 72 tuổi, xã Lộc Khánh, tháng 4 năm 2022] .

Sau nghi thức đặt bát, nhà chùa tổ chức cho tín đồ phật tử, người dân và khách thập phương dùng bữa cơm thân mật. Bữa ăn này do ban tổ chức nhà chùa chuẩn bị, các ban khác được phân công phụ trách; kinh phí thực hiện từ sự đóng góp của các gia đình trong cộng đồng, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh... Trong bữa cơm, bên cạnh các món truyền thống như canh xiêm lo, các món thịt luộc, thịt nướng, còn có nhiều món mới như nem, chả, bò xào, lẩu hải sản,… giống như trong các buổi tiệc của người Kinh.

Buổi chiều cùng ngày, chư tăng và các tín đồ thực hiện lễ đắp núi cát tại sân chùa. Đây là lễ tục hình thành từ quan niệm dân gian của người Khmer: “Núi cát sẽ chắn mây lại và tạo ra những cơn mưa” [ 3 , tr.55]. Ngoài ra, đối với các tín đồ phật tử, đắp núi cát còn có ý nghĩa hồi hướng, tạ lỗi với thánh thần; đồng thời tạo phước, tích đức cho con người. Vì vậy, người Khmer còn gọi lễ tục này là “Phúc duyên đắp Núi cát”.

Hiện nay, lễ đắp núi cát tại các chùa đã có một vài thay đổi theo hướng giản tiện cho người tham gia thực hành nghi lễ. Thay vì người dân mang cát vào chùa, các chùa đã chuẩn bị sẵn cát, thậm chí đã đắp sẵn những ngọn núi. Người dân vào chùa chỉ việc đến lễ bái ở những núi cát này. Do vậy, thời gian tổ chức thực hiện, lễ thức cũng thay đổi, tức không ấn định thời điểm thực hành. Quá trình khảo sát tại các chùa ở Lộc Ninh và Đông Nam bộ cho thấy thời điểm tổ chức nghi lễ có sự khác nhau. Có chùa tổ chức vào ngày thứ hai, có chùa lại làm ngày thứ nhất. Thậm chí, người dân và tín đồ có thể lễ bái núi cát bất cứ lúc nào tại các chùa trong các ngày tết. Cách làm này được cộng đồng đồng thuận, bởi gần đây, người Khmer ở Lộc Ninh và vùng Đông Nam Bộ thường đi lễ bái nhiều chùa trong các dịp lễ. Họ quan niệm rằng việc tham gia lễ bái, cúng dường ở nhiều chùa sẽ giúp họ được nhiều phước báu, có thể tránh được những bất trắc, tai nạn, rủi ro trong cuộc sống [nguồn: tư liệu điền dã tháng 7/2019].

Ngày thứ ba - “Lơnsắk” (tắm tượng Phật)

Đây là ngày cuối của lễ hội. Tại các chùa, ngoài hai nghi thức chính là lễ tắm phật và tục té nước , còn có hoạt động từ thiện cho người dân nghèo. Hoạt động này được ban quản trị các chùa tổ chức linh hoạt, tức có thể thực hiện vào một trong các ngày tết, nhưng phải thực hiện trước các nghi thức tắm tượng phật và té nước.

Những năm gần đây, vào các dịp lễ hội, hàng trăm người dân nghèo được nhận những phần quà (gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, đường, muối,…) do ban quản trị chùa huy động từ sự đóng góp hảo tâm của các gia đình giàu có, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, ngoài phân phát cho người dân trong cộng đồng, ban tổ chức còn phát quà cho những hộ gia đình khó khăn ở các địa bàn khác, những nơi chưa có chùa.

Tiếp đến là lễ tắm tượng phật. Mục đích và ý nghĩa của lễ là nhằm tẩy rửa, xóa bỏ những điều cũ kĩ của năm cũ, chào đón những điều mới mẻ, tốt đẹp trong năm mới. Theo trình tự, vị sư cả là người đầu tiên dùng nước thơm rảy lên tượng Phật, tiếp đến là các vị sư sãi và sau cùng là các tín đồ phật tử. Sau nghi thức tắm Phật, các tín đồ thực hiện tiếp nghi thức tắm cho sư cả và các vị sư lớn tuổi; sau cùng là nghi thức tắm cho ông bà cha mẹ.

Sau cùng là tục té nước. Đây là lễ tục được cộng đồng Khmer ở Lộc Ninh và Đông Nam Bộ duy trì cho đến hiện nay, trong khi người Khmer ở một số địa phương vùng Tây Nam Bộ đã không còn thực hiện. “Hiện nay, trong lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer ở Trà Vinh thường ngừng lại ở nghi thức tắm phật ở chùa rồi đến tắm ông bà ở nhà và không còn phổ biến tục té nước” [ 7 , tr.101]. Theo quan niệm của đồng bào Khmer vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ, trong dịp năm mới, người nào được té nước sẽ gặp điều may. Bởi đối với họ, nước tượng trưng cho cho sự tươi mát, thanh sạch, có thể gột rửa những điều xui rủi, cũ kĩ, đem đến những điều mới mẻ, tốt đẹp trong năm mới. Do vậy, tất cả mọi người đều tham gia vào hoạt động này hết sức sôi nổi, hào hứng. Có lẽ vì vậy mà người Khmer ở Đông Nam Bộ còn gọi Chol Chnam Thmay là lễ hội té nước.

Các nhân tố tác động đến sự biến đổi lễ hội

Đ iều kiện tự nhiên , hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội

Về điều kiện tự nhiên, so với người Khmer ở các vùng khác, địa bàn cư trú của cộng đồng người Khmer ở huyện Lộc Ninh có nhiều khác biệt. Nếu như địa bàn cư trú của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ chủ yếu ở vùng đồng bằng với nhiều sông ngòi, kênh rạch, thì người Khmer ở Lộc Ninh sinh sống chủ yếu ở miền núi, với đa số cư dân từ các vùng khác chuyển đến. Cho đến khoảng đầu thế kỉ XVII, số cư dân Khmer ở vùng Đông Nam Bộ vẫn còn thưa thớt, cư trú biệt lập với các tộc người ở đây [ 9 , tr.38]. Riêng tại huyện Lộc Ninh, đến khoảng đầu thế kỷ XVIII trở đi, người Khmer đến sinh sống ngày càng nhiều, trong đó đa số cư dân là từ vùng Sài Gòn – Gia Định và Biên Hòa – Đồng Nai chuyển cư đến.

“Nghe cha mẹ kể lại, ông bà tôi đến vùng Lộc Ninh từ những năm 1900. Ngày xưa ở đây dân cư thưa thớt lắm, mỗi phum sóc chỉ có vài gia đình Khmer chung sống với nhau. Còn người S’ Tiêng thì đông hơn, sống ở đây từ trước khi người Khmer đến. Ngày trước, mỗi khi người Khmer tổ chức lễ cúng đều phải xin phép già làng S’ Tiêng…” [nguồn: phỏng vấn sâu ông Lâm N, 77 tuổi, xã Lộc Điền, tháng 4 năm 2020] .

Khi định cư ở vùng Lộc Ninh, để sinh tồn và phát triển, người Khmer buộc phải sáng tạo ra những yếu tố mới để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh ở môi trường mới. Không chỉ sáng tạo trong hoạt động kinh tế, mà các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của họ cũng phải được điều chỉnh, thay đổi. Mặt khác, như đã trình bày, tiến trình lịch sử xã hội của cộng đồng Khmer ở Lộc Ninh có nhiều biến động, nhất là giai đoạn trước 1975. Do ảnh hưởng bởi chiến tranh, chính trị, nên đời sống của người Khmer bấy giờ có nhiều xáo trộn, bất an; người dân không được yên ổn làm ăn nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Cũng vì vậy, các lễ hội truyền thống của họ không có điều kiện để thực hành, lâu dần ít nhiều bị quên lãng, mai một. Mặc dù sau năm 1986, khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa của người dân bắt đầu có sự chuyển biến tích cực nhưng đối với vùng Lộc Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ, đời sống của người dân mới thật sự thay đổi và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây.

“Trước đây, những năm tám mươi, người dân ở đây vẫn còn nghèo khổ lắm, phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi nhưng vẫn không đủ ăn. Theo tui nhớ, thời gian đó đi gặt lúa mướn được chủ trả công 1 ngày chỉ bằng một cái nón cối lúa (khoảng 1.5 kg)” [nguồn: phỏng vấn sâu ông Lâm B, 72 tuổi, xã Lộc Khánh, tháng 4 năm 2022].

“Trước 1975, do bom đạn chiến tranh nên có nhiều năm không tổ chức lễ cúng. Sau 1975, khó khăn mọi thứ nên cũng ít tổ chức. Chỉ có Chol Chnam Thmay và Đon ta có tổ chức nhưng năm có năm không; còn Lễ Ok Om Bok thì hầu như không thực hiện…” [nguồn: phỏng vấn sâu ông Lâm U, 84 tuổi, xã Lộc Khánh, tháng 4 năm 2020].

Hiện nay, cùng với chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người tại vùng đồng bào các tộc người thiểu số của Đảng và Nhà nước đang được triển khai thực hiện tại các địa phương và vùng Đông Nam Bộ. Do vậy, các lễ hội truyền thống của các tộc người, trong đó có lễ hội của người Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ cũng đang được phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, như đã nói, do có những thời gian dài người dân không thực hành lễ hội, nên khi phục dựng lại, cộng đồng buộc phải tiếp tục sáng tạo một số yếu tố, phần khác thì bị buộc phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Chẳng hạn, trong thực hành các lễ đón chư thiên, lễ đặt bát, cúng dường, dâng bông bạc, lễ đắp núi cát… đã có sự sáng tạo, thay đổi, như: bỏ rước Đại Nông lịch trong lễ đón Chư thiên; sử dụng các phương tiện hiện đại (trang bị máy phát, loa đài, nhạc cụ hiện đại; dùng xe hơi trong lễ đón Chư thiên thay cho việc dùng kiệu khiêng; dùng cát do nhà chùa chuẩn bị sẵn thay cho việc mang cát vào chùa trong lễ đắp núi cát); các vật phẩm dâng cúng, đồ ăn thức uống trong dịp lễ cũng đã có sự thay đổi nhiều so với trước đây... (cúng dường chủ yếu bằng tiền thay vì cúng cơm và một ít vật dụng dùng trong sinh hoạt của các sư; bổ sung nhiều món mới trong thực đơn những ngày lễ,…).

Giao lưu, tiếp xúc văn hóa và toàn cầu hóa

Việc giao lưu, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa cũng là một trong các nhân tố tác động, ảnh hưởng đến sự biến đổi văn hóa cũng như các lễ hội truyền thống của người Khmer ở Lộc Ninh hiện nay. So với các địa bàn của người Khmer ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Lộc Ninh là vùng đất có những đặc thù về quá trình hình thành cộng đồng, xã hội. Trong lịch sử quan hệ các tộc người, người Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu tiếp xúc với các người Kinh, người Hoa… trong khi ở Lộc Ninh, người Khmer chủ yếu giao lưu tiếp xúc với người S’tiêng, người Châu ro, và người Kinh… Hệ quả của sự giao lưu tiếp xúc văn hóa với các tộc người này đã làm thay đổi một số thành tố trong văn hóa của họ. Người Khmer ở Lộc Ninh chịu ảnh hưởng của S’tiêng và người Châu ro về cách gọi những người đứng đầu phum sóc, như gọi là già làng thay cho Mê phum, tiếp thu tục chia của cho người chết, kiêng kị trong thực hành lễ hội (không ăn những vật phẩm đã dâng cúng cho ông bà tổ tiên); chịu ảnh hưởng văn hóa của người Kinh trong việc lập bàn thờ tổ tiên trong gia đình, chôn người chết ngoài nghĩa địa thay vì hỏa táng theo tập tục; dùng những vật phẩm, các món ăn, thức uống trong các lễ hội như người Kinh;...

Cùng với những thay đổi do giao lưu, tiếp xúc với các tộc người, toàn cầu hóa cũng là một trong những nguyên nhân làm biến đổi văn hóa lễ hội của người Khmer tại Lộc Ninh. Hiện nay, thông qua các phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, người Khmer có thể dễ dàng tiếp cận với các loại hình văn hóa của thế giới. Điều này cũng phần nào tác động làm thay đổi nhận thức, quan niệm, và cả việc thực hành các lễ hội truyền thống của người Khmer, nhất là đối với thế hệ trẻ. Ví như, trong nghi thức đón Chư thiên năm mới và phần hội của lễ hội trước đây, kiệu lễ và những công cụ được người dân tự làm bằng những vật liệu đơn sơ, và do người dân tự khiêng trong các đám rước, ngày nay, chúng lại được thay bằng những vật liệu công nghiệp hiện đại, được trang trí nhiều màu sắc, và người dân dùng xe hơi để vận chuyển; dùng các phương tiện hiện đại (âm ly, dàn nhạc điện tử) để phát âm thanh thay cho các nhạc cụ dân tộc trong các đám rước, trình diễn các điệu nhạc mới trong phần hội…

“Ngày xưa các đám rước trong lễ hội làm đơn giản lắm, Đón chư Thiên chỉ làm kiệu khiêng, không có máy móc, xe cộ gì đâu…” [nguồn: phỏng vấn sâu ông Lâm , 66 tuổi, xã Lộc Khánh, tháng 7 năm 2022].

Vai trò và sức ảnh hưởng của các sư sãi tại các chùa Phật giáo Nam Tông

Tham gia vào hoạt động sáng tạo truyền thống trong tổ chức, thực hành lễ hội Chol Chnam Thmay của cộng đồng Khmer tại Lộc Ninh, bên cạnh các thành viên là người cao tuổi, già làng, các Achars trong cộng đồng, còn có các sư sãi tại các chùa Phật giáo Nam Tông.

Như đã trình bày, đối với người Khmer, Phật giáo từ lâu đã là tôn giáo truyền thống, có ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều lĩnh vực trong đời sống của của họ, đặc biệt là đối với đời sống tinh thần, tín ngưỡng. Tuy nhiên, do tác động bởi các yếu tố như môi trường chính trị – xã hội, điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng giai đoạn lịch sử mà sự ảnh hưởng của Phật giáo cũng như của các vị sư sãi đối với đời sống xã hội của người Khmer ở các vùng có mức độ đậm nhạt khác nhau. Đối với cộng đồng Khmer ở Tây Nam Bộ, từ lúc hình thành, các sư sãi đã giúp người dân trong việc ổn định và phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là giúp họ trong việc kiến tạo bản sắc văn hóa tộc người. Vì vậy, đời sống văn hóa tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng Khmer Tây Nam Bộ sớm ổn định và phát triển hơn so với vùng Đông Nam Bộ. Bằng chứng là vùng Tây Nam Bộ có đến khoảng 400 ngôi chùa Phật giáo Nam tông, với số lượng sư sãi tu tập lên đến hàng ngàn người. Trong khi đó, cộng đồng Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ, giai đoạn trước 1975, chịu nhiều biến động, bất ổn do chiến tranh, loạn lạc, các ngôi chùa ở đây vốn đã ít (chỉ khoảng hơn 10 ngôi chùa) lại còn bị bom đạn tàn phá, nên việc thực hành lễ hội truyền thống của cộng đồng bị đứt gãy, hoặc chỉ làm đơn giản với sự giản lược nhiều yếu tố.

“Ngày xưa, (trước 1975) tổ chức lễ cúng (lễ hội truyền thống) khó khăn lắm. Chùa không có sư trụ trì nên tổ chức lễ cúng phải đi các tỉnh khác để thỉnh (mời) các sư về cúng. Mỗi lần như vậy phải mất mấy ngày đường vì lúc đó chiến tranh bom đạn nên đi lại khó khăn. Mà mời được sư về cũng không dễ. Vì vậy mà cho đến năm 2004, chùa mới có sư về trụ trì…” [nguồn: phỏng vấn sâu ông Lâm , 67 tuổi, xã Lộc Hưng, tháng 11 năm 2022].

Giai đoạn từ năm 1975 – 1986, đời sống xã hội của người Khmer dần ổn định hơn nhưng do khó khăn kinh tế, lại chịu tác động từ phong trào bài trừ “mê tín dị đoan” diễn ra khắp các vùng miền ở Việt Nam nên việc thực hành lễ hội truyền thống của cộng đồng cũng bị hạn chế. Sau khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới (1986), những cải cách về chính sách của Đảng và nhà nước đã tác động, làm thay đổi đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa ở nhiều vùng trên cả nước. Tuy nhiên, đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là đời sống văn hóa tín ngưỡng và lễ hội của người Khmer Lộc Ninh mới thật sự khởi sắc trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Góp phần vào sự phát triển ấy phải kể đến sự đóng góp công sức của các sư sãi tại các ngôi chùa Nam Tông trong cộng đồng.

“Từ khi có sư cả về, nhiều người dân trong xã (Lộc Khánh) mới tham gia vào các lễ cúng ở chùa Sóc Lớn đông hơn. Còn có nhiều người ở các xã khác cũng đến dự nữa” [nguồn: phỏng vấn sâu ông Lâm B, 66 tuổi, xã Lộc Khánh, tháng 7 năm 2022].

Có thể thấy những sáng tạo trong thực hành các lễ hội truyền thống của cộng đồng ở huyện Lộc Ninh cũng như các vùng Đông Nam Bộ như: thay đổi trình tự nghi lễ, thay đổi hình thức cúng dường (lễ đặt bát hội không nhất thiết phải thực hiện theo trình tự; cúng dường chủ yếu bằng tiền,…); giản lược yếu tố truyền thống (bỏ rước Đại lịch), tăng cường yếu tố hiện đại (sử dụng xe hoa trang trí thay cho dùng kiệu trong đám rước; cho phép sử dụng nhạc cụ mới, các bài hát mới trong phần hội,…) là những sáng tạo phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của cộng đồng Khmer tại Lộc Ninh – Đông Nam Bộ hiện nay.

KẾT LUẬN

Chol Chnam Thmay là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ cũng như của các vùng khác. Tuy nhiên, do đặc thù về điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, xã hội nên lễ hội của người Khmer ở vùng này, bên cạnh những tương đồng, còn có những nét văn hóa đặc trưng. Chính những đặc trưng này đã góp phần hình thành và phát triển bản sắc tộc người Khmer tại Lộc Ninh cũng như bản sắc văn hóa vùng Đông Nam Bộ. Cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, các chính sách của Đảng và Nhà nước, sự thay đổi môi trường tự nhiên, giao lưu văn hóa và hội nhập ngày càng gia tăng,… lễ hội đã có sự biến đổi. Những biến đổi ấy đến từ quá trình sáng tạo truyền thống của cộng đồng Khmer qua thực hành lễ hội trong những điều kiện, bối cảnh xã hội của từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội của Lộc Ninh cũng như của vùng Đông Nam Bộ hiện nay, lễ hội ngày càng biến đổi theo xu hướng hiện đại nhưng vẫn duy trì những yếu tố truyền thống tộc người như: bảo lưu tín ngưỡng dân gian (thờ cúng Neak Tà, cúng ông bà tổ tiên…); kế thừa văn hóa Bà la môn (Lễ đón Chư thiên – thần Bốn mặt); và phát huy văn hóa Phật giáo…

Có thể nói dù có sự biến đổi nhưng Chol Chnam Thmay là một trong những lễ hội truyền thống bao chứa nhiều giá trị văn hóa đặc trưng tộc người, và có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của người Khmer tại vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ. Không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào, lễ hội còn là môi trường chủ yếu giúp người Khmer ở huyện Lộc Ninh cũng như vùng Đông Nam Bộ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng gia tăng sự giao lưu, hội nhập và toàn cầu hóa về văn hóa ở các địa phương hiện nay.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM trong khuôn khổ đề tài mã số T2022-04.

Tác giả bài viết xin gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã tài trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu đề tài.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có xung đột về lợi ích với bất cứ ai liên quan đến việc công bố bài viết này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Về mặt cơ sở lý luận: Bài viết đóng góp thêm tư liệu mới cho các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn về các đặc điểm văn hóa và lễ hội của tộc người Khmer ở vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ, giúp ích cho việc nghiên cứu và hiểu biết thêm về tộc người này. Đồng thời, bài viết đóng góp thêm những tư liệu mới nhằm chỉ ra các yếu tố nội sinh, cũng như kết quả của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa của tộc người Khmer tại vùng Đông Nam Bộ.

Về mặt thực tiễn: Ngoài góp phần bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa tộc người, bài viết còn cung cấp cứ liệu khoa học cho các nhà quản lý trong việc phát huy những yếu tố tích cực để xây dựng đời sống văn hóa, góp phần ổn định và phát triển đời sống kinh tế – xã hội của người Khmer tại vùng Đông Nam Bộ.

References

  1. Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước. Địa chí Bình Phước. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia; 2015. . ;:. Google Scholar
  2. Chanchai Khongphianthum. The Concept of the Nāga in Cambodian Society. Journal of Mekong Societies 2015. . ;:. Google Scholar
  3. Nguyễn Thị Vân. Dấu ấn của phật giáo Nam tông trong lễ hội truyền thống của người Khmer Campuchia. Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một 2015 (3): 53-58. . ;:. Google Scholar
  4. Lê Hương. Người Việt gốc Miên. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Mỹ Thuật; 1969. . ;:. Google Scholar
  5. Nguyễn Hữu Nghiệp. Lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer ở Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Mỹ Thuật; 2004. . ;:. Google Scholar
  6. Lê Văn Cần. Bảo tồn và phát huy Lễ Hội Óoc Om Boc Đua Ghe Ngo Sóc Trăng. Sóc Trăng: Nhà xuất bản Sóc Trăng; 2009. . ;:. Google Scholar
  7. Lê Thúy An. Yếu tố nước trong lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Trà Vinh - Tiếp cận lý thuyết văn hóa sinh thái. Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn 2017 (30): 98-104. . ;:. Google Scholar
  8. Mạc Đường (chủ biên). Vấn đề dân tộc ở Sông Bé. Sông Bé: Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé; 1985. . ;:. Google Scholar
  9. Nguyễn Ngọc Chúc. Đông Nam Bộ trong tiến trình mở đất phương Nam thế kỉ XVII - XVIII, [Luận văn thạc sĩ Lịch sử]. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản ĐHSP TP. HCM; 2014. . ;:. Google Scholar
  10. Trần Vũ. Người Khmer Tây Ninh và lễ hội vào năm mới. [Online]. 2013. Nguồn từ URL:https://baotayninh.vn/. Truy cập ngày 15/04/2019. . ;:. Google Scholar
  11. Đức Ngự. Lễ hội Sen Dolta của đồng bào Khơme Bình Phước. [Online]. 2017. Nguồn từ URL:baobinhphuoc.com.vn. Truy cập ngày 28/09/2019. . ;:. Google Scholar
  12. Trần Dũng. Nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer qua lễ hội Chol Chnam Thmay ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tạp chí Khoa học xã hội Miền Trung, 2021 (4): 55-64. . ;:. Google Scholar
  13. Viện ngôn ngữ học. Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa; 2007. . ;:. Google Scholar
  14. Trần Văn Giàu. Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; 1993. . ;:. Google Scholar
  15. Hobsbawm, Eric, Nguyễn Hoàng Nhị Hà, dịch. Sáng tạo ra truyền thống. Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật 2012 (1): 85-94. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 3 (2023)
Page No.: 2128-2136
Published: Sep 30, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.872

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Dung, T. (2023). Traditional creativity in the practice of Chol Chnam Thmay festival of Khmer people in Loc Ninh district, Binh Phuoc province, Vietnam today. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(3), 2128-2136. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.872

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 768 times
PDF   = 369 times
XML   = 0 times
Total   = 369 times