VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Reviews - Science Sciences

HTML

473

Total

180

Share

Some features of the Sen Dolta festival among the Khmer people in Loc Ninh district, Binh Phuoc province today






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Sen Dolta is one of the typical traditional festivals of the Khmer community in Loc Ninh district – the Southeast region as well as in the Mekong Delta – the Southwest region and other areas. The festival reflects many distinctive cultural features, including customs, beliefs, arts, community relationships, especially the Khmer people’s way of behaving towards their ancestors’ spirits. Although there are the same origin and meaning as the Khmer community in the Mekong Delta – the Southwest region, due to the impact of many factors, besides the similarities, the Khmer festivals in Loc Ninh district also possess characteristic cultural traits. Based on a comparative perspective and the ecological-cultural theory, combined with the ethnographic fieldwork method, the research results indicate that the Sen Dolta festival of the Khmer people in Loc Ninh district, Binh Phuoc province has undergone changes and at the same time formed unique features, different from those in other Khmer regions, especially compared to the Khmer people in some localities in the Mekong Delta – the Southwest region. In addition to factors such as the historical context, social interactions, cultural exchange and acculturation among ethnic groups, etc., the specific natural conditions and ecological environment are the significant factors shaping the unique cultural traits as well as modifying the Sen Dolta festival of the Khmer people in Loc Ninh district, Binh Phuoc province and in the Southeast region today.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tại vùng Đông Nam Bộ, Khmer là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, có chung nguồn gốc với người Khmer ở Campuchia cũng như người Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) – Tây Nam Bộ và các vùng khác. Tại vùng Đông Nam Bộ, người Khmer xuất hiện vào khoảng từ thế kỷ XV – XVI, cư trú chủ yếu ở 02 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Tuy nhiên, giai đoạn này, số cư dân Khmer ở vùng này còn rất ít ỏi, thưa thớt [ 1 , tr.35]. Tại tỉnh Bình Phước, cho đến đầu thế kỷ XVIII, người Khmer mới cư trú tập trung tại các huyện: Nha Bích, Lộc Ninh, Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành. Khảo sát tại Lộc Ninh cho thấy, đa số người Khmer ở đây là cư dân chuyển cư từ các tỉnh ĐBSCL – Tây Nam Bộ và Biên Hòa – Đồng Nai, vào khoảng đầu thế kỷ XIX [ 2 , tr.56]. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Khmer ở Đông Nam Bộ có số dân 172.477 người; trong đó Bình Phước có 19.315 người, và Tây Ninh có 9.932 người 3 .

Hiện nay, Khmer là 01 trong 13 dân tộc tại Lộc Ninh – một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Phước, với dân số là 119.765 người. Trong đó, người Việt có 95.304 người, chiếm 79,12% dân số, các dân tộc thiểu số có 24.461 người, chiếm 20,88% dân số toàn huyện. Người Khmer có 2.148 hộ/9.127 khẩu, chiếm 41,5% trên tổng số dân tộc thiểu số; họ sinh sống ở hầu hết các xã, và một số ít ở thị trấn 4 .

Trong tiến trình lịch sử, người Khmer ở vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ đã hình thành và phát triển một nền văn hóa với nhiều giá trị đặc trưng. Đó là nền văn hóa vừa mang yếu tố núi rừng, vừa có yếu tố của văn hóa sông nước. Trong đó, Sen Dolta là lễ hội truyền thống mang nhiều nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu của người Khmer ở đây. Như người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ, lễ hội này cũng được hình thành và tích hợp từ 03 lớp văn hóa: văn hóa dân gian, văn hóa Bà La Môn, và văn hóa Phật giáo [ 5 , tr.140] [ 6 , tr.54]. Tuy nhiên, do tác động bởi nhiều yếu tố, nên bên cạnh sự tương đồng, Sen Dolta người Khmer Lộc Ninh còn có những nét văn hóa đặc trưng, khác biệt, nhất là những đặc trưng tín ngưỡng thể hiện trong cách ứng xử với linh hồn tổ tiên ông bà của họ qua thực hành lễ hội. Một trong những nhân tố tác động làm biến đổi cũng như hình thành nét đặc trưng văn hóa lễ hội của người Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ chính là đặc thù về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, xã hội của vùng đất này.

Về điều kiện tự nhiên, so với người Khmer ở các vùng, địa bàn cư trú của cộng đồng người Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ có nhiều khác biệt. Nếu như địa bàn cư trú của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ chủ yếu ở vùng đồng bằng với nhiều sông ngòi, kênh rạch, và họ đã có quá trình thích ứng với môi trường sinh thái trong ổn định và phát triển đời sống văn hóa – xã hội; trong khi người Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ sinh sống chủ yếu ở vùng đồi núi, với đa số cư dân từ các vùng khác chuyển đến. Khi chuyển cư đến vùng này, để sinh tồn và phát triển, người Khmer buộc phải sáng tạo những yếu tố mới để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh ở môi trường mới. Không chỉ sáng tạo trong hoạt động kinh tế, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của họ đều phải điều chỉnh, thay đổi. Chính những tác nhân này đã tác động làm biến đổi, đồng thời hình thành những nét đặc trưng văn hóa cũng như lễ hội truyền thống của cộng đồng Khmer nơi đây.

Khảo cứu tài liệu cho thấy, cho đến hiện nay, các nghiên cứu về văn hóa và lễ hội của người Khmer ở Nam Bộ – Việt Nam đều tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tây Nam Bộ, như: Lê Hương (1969) với Người Việt gốc Miên ; Lê Công Lý (2010) với Yếu tố nước trong lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer Đồng bằng Sông Cửu Long; Hà Thị Thùy Dương (2013) với Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Khơ me ở Tây Nam Bộ; Lê Văn Lợi (2015) với Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer vùng Tây Nam Bộ; Lê Thúy An (2017) với Yếu tố nước trong lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Trà Vinh – Tiếp cận lý thuyết văn hóa sinh thái; Mai Ngọc Diệp với Một vài nét tương đồng vài d biệt giữa văn hóa Khmer Trà Vinh và văn hóa Khmer An Giang ;… 7 , 8 , 9 , 10 , 11 , 12 . Trong khi đó, các nghiên cứu về văn hóa lễ hội người Khmer ở Lộc Ninh – Bình Phước cũng như ở Đông Nam Bộ vẫn còn rất khiêm tốn. Nội dung các bài viết này chủ yếu nhằm giới thiệu, miêu tả về diễn trình lễ hội như: Đức Ngự (2017) với Lễ hội Sen Dolta của đồng bào Khơme Bình Phước hoặc bàn về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội của Trần Dũng (2020) với Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước trong bối cảnh hiện nay hay trình bày các đặc điểm của lễ hội truyền thống của Trần Dũng (2021) với Nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer qua lễ hội Chol Chnam Thmay ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước 2 , 13 , 14 … Có thể nói, hiện nay chưa có nghiên cứu chuyên sâu về các giá trị đặc trưng cũng như phân tích những biến đổi của lễ hội truyền thống của cộng đồng Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ so với người Khmer ở các vùng khác. Do đó, thông qua nghiên cứu thực trạng thực hành lễ hội Sen Dolta của người Khmer tại Lộc Ninh, trên cơ sở tiếp cận lý thuyết sinh thái văn hóa, bài viết phân tích, so sánh làm rõ sự tương đồng và khác biệt trong lễ hội của người Khmer tại huyện Lộc Ninh so với người Khmer ở một số địa phương vùng Tây Nam Bộ; đồng thời phân tích, lý giải các nhân tố tạo nên những nét văn hóa đặc trưng, cũng như những biến đổi trong lễ hội của cộng đồng Khmer tại Lộc Ninh – Đông Nam Bộ hiện nay.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ LÝ THUYẾT TIẾP CẬN

Phương pháp nghiên cứu

Bên cạnh sử dụng hệ thống phương pháp nghiên cứu dân tộc học/ nhân học, khai thác tư liệu thực địa bằng các kỹ thuật điền dã, tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng, nghiên cứu này còn áp dụng phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu và so sánh nhằm làm rõ những tương đồng và dị biệt cũng như lý giải những đặc trưng văn hóa lễ hội Se Dolta của người Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ so với người Khmer ở một số địa phương của vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh hiện nay.

Quá trình điền dã tại địa bàn nghiên cứu – huyện Lộc Ninh, chúng tôi chủ yếu áp dụng phương pháp định tính với kỹ thuật phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố, và thảo luận nhóm với cách chọn mẫu có chủ đích qua sự hỗ trợ của các già làng, các nhà sư, các cán bộ xã, các vị trưởng ấp, và người dân địa phương,… Cụ thể, từ tháng 10/2019 đến tháng 07/2023, chúng tôi đã thực hiện 25 cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với nhiều đối tượng, bao gồm: cán bộ địa phương, nhà sư, già làng, đặc biệt là người dân Khmer trong các cộng đồng, phum sóc,…; chúng tôi đã trực tiếp tham dự các lễ hội truyền thống của người Khmer ở hai xã Lộc Khánh và Lộc Hưng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nghiên cứu khảo sát cộng đồng Khmer tại các huyện Tân Biên và Tân Châu – Tây Ninh; đồng thời khảo sát, tìm hiểu người Khmer ở các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang vùng Tây Nam Bộ để so sánh cũng như phân tích, lý giải những nét tương đồng và dị biệt trong lễ hội Sel Dolta của người Khmer ở các vùng này so với người Khmer tại vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ.

Lý thuyết tiếp cận

Bài viết tiếp cận và vận dụng các quan điểm lý thuyết sinh thái văn hóa của Julian Steward vào việc phân tích, luận giải những nét đặc trưng trong lễ hội Sel Dolta của người Khmer ở vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ so với vùng ĐBSCL – Tây Nam Bộ. Theo các nhà nghiên cứu, lý thuyết sinh thái văn hóa của Steward tập trung vào sự thích nghi của các nền văn hóa riêng biệt với các môi trường cụ thể; tại Việt Nam, lý thuyết này đã được các học giả áp dụng vào việc giải thích cho sự hình thành các yếu tố văn hóa gắn với các địa phương cụ thể [ 15 , tr.74] [ 16 , tr.63]. Như vậy, có thể nói, văn hóa sẽ phản ánh môi trường sống mà nó hình thành, tồn tại; môi trường tự nhiên và môi trường xã hội cùng ảnh hưởng đến các đặc điểm văn hóa. Do vậy, văn hóa của một cộng đồng hoặc một tộc người sẽ chịu sự chi phối bởi môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đang tồn tại. Hay nói cách khác, quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của các cộng đồng tộc người ở mỗi vùng miền khác nhau đều là kết quả của quá trình thích nghi với môi trường tự nhiên và xã hội của vùng miền đó.

Với hướng tiếp cận này, chúng tôi tập trung phân tích lý giải tác động của môi trường sinh thái đến văn hóa lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở Lộc Ninh; đồng thời nhằm làm rõ những đặc trưng, biến đổi của lễ hội, chúng tôi đặt lễ hội trong tiến trình phát triển chung của lịch sử mà tộc người này đã trải qua, từ lúc hình thành đến phát triển và biến đổi. Điều đó đồng nghĩa với xem xét lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở Lộc Ninh trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và so sánh chúng với lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở một số địa phương của vùng Tây Nam Bộ, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, đề tài xem xét lễ hội trong tương quan với chủ thể văn hóa và với các điều kiện cụ thể tại địa phương cũng như với các tộc người láng giềng (người S’Tiêng, người Kinh,...), và cả đối với người Khmer ở các địa phương khác, nhất là đối sánh với người Khmer ở các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang vùng Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, các yếu tố thời gian, không gian, cũng như các mối liên quan của lễ hội ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, tức dựa trên cơ sở đồng đại và lịch đại cũng được đặt ra trong nghiên cứu.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng thực hành lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở huyện Lộc Ninh hiện nay

Nguồn gốc và ý nghĩa lễ hội

Đối với người Khmer, Sen Dolta có nghĩa là “lễ cúng ông bà”, còn gọi là lễ “Xá tội vong nhân”, và “có cùng ý nghĩa với lễ Vu lan của ngành Đại Thừa” [ 9 , tr.57], là lễ hội lớn nhất trong 03 lễ hội truyền thống của người Khmer ở vùng Bình Phước – Đông Nam Bộ cũng như vùng ĐBSCL – Tây Nam Bộ, và các vùng khác. Thời gian diễn ra lễ hội được ấn định trong khoảng từ ngày 15 – 30 tháng Bhadrapada theo Phật lịch, tương ứng với tháng 08 Âm lịch hằng năm. Riêng người Khmer Lộc Ninh – Đông Nam Bộ còn gọi Sen Dolta là lễ cúng lúa mới. Bởi thời điểm này, người dân bắt đầu thu hoạch vụ lúa rẫy, và họ muốn dâng cúng lên ông bà tổ tiên những bát cơm còn thơm mùi lúa mới để tạ ơn ông bà tổ tiên đã cho họ một mùa bội thu, no đủ. Đồng thời, “cúng lúa mới là cúng lúa đầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ để nhớ ơn họ đã sinh ra mình” [Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Lâm U, 84 tuổi, xã Lộc Khánh, tháng 10/2019].

“Cái đó thì nói chung theo ngày xưa thì có làm rẫy á, người ta tính theo cái lúa rẫy là ta thu hoạch lúa rẫy lên là ta nói lúa mới, cho nên là cúng lúa mới, nên gọi là Sen Dolta. Ông nội bà nội ông ngoại bà ngoại mình nào giờ vậy đó, rồi mình cũng cúng theo luôn” [Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Lâm P, 57 tuổi, ấp Sóc nhỏ, xã Lộc Khánh, tháng 10/2019].

Như người Khmer ở các vùng khác, người Khmer ở Lộc Ninh có tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, tuy nhiên, tổ tiên ông bà có sự ảnh hưởng, tác động nhiều nhất đến mọi mặt trong đời sống của họ, đặc biệt là đối với đời sống tinh thần, tín ngưỡng. Vì vậy, sau khi ông bà cha mẹ qua đời, con cháu phải tổ chức tang lễ theo phong tục, nhằm giúp cho linh hồn ông bà, cha mẹ của họ sớm được siêu thoát, và có một cuộc sống đầy đủ ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, việc thờ cúng ông bà tổ tiên của họ có nhiều khác biệt so với các tộc người khác. Trước đây, sau khi ông bà, cha mẹ và người thân trong gia đình, dòng họ qua đời, người Khmer ở Lộc Ninh không lập bàn thờ, cũng không tổ chức cúng giỗ vào ngày mất hằng năm (như người Kinh và các tộc người khác) mà họ chỉ tổ chức lễ cúng tưởng nhớ ông bà tổ tiên vào những dịp lễ, trong đó Sen Dolta là lễ cúng lớn nhất dành riêng cho ông bà tổ tiên của họ. Sau đó, khi tiếp xúc với văn hóa Phật giáo, họ còn quan niệm: ông bà, cha mẹ cũng giống như các vị Phật trong gia đình, con cháu phải biết ơn sinh thành, dưỡng dục không những phải chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc tuổi già, sức yếu, mà còn phải tổ chức cúng lễ chu đáo theo đúng phong tục khi ông bà, cha mẹ qua đời. Do vậy, ngoài việc tổ chức lễ cúng tại các gia đình, dòng họ, người Khmer còn tham gia tổ chức cúng lễ tại các ngôi chùa; bởi họ tin rằng, nếu được các vị sư sãi thực hiện theo các nghi thức Phật giáo thì những ước nguyện của họ sẽ thêm linh ứng, linh hồn ông bà, cha mẹ của họ sẽ được hưởng phước báu nhiều hơn,...

Về nguồn gốc lễ hội Sen Dolta, có hai truyền thuyết lưu truyền trong cộng đồng Khmer tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long – Tây Nam Bộ. Truyền thuyết thứ nhất, có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian, cho rằng: ngày xưa ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vào khoảng tháng 08 Âm lịch hằng năm, sau khi hoàn tất công việc đồng áng, người dân chèo xuồng đi thăm hỏi ông bà, cha mẹ già yếu ở xa, nhưng khi đến nơi, thì hay tin người thân của họ đã mất (vì tuổi già sức yếu hoặc do bệnh tật), nhưng vì xa xôi cách trở, nên họ không biết người thân của họ đã mất từ lúc nào,… Vì vậy, những người có cùng hoàn cảnh (bị mất người thân) cùng nhau tổ chức lễ cúng cho ông bà, cha mẹ và người thân đã mất,… Từ đó, hằng năm cứ đến khoảng giữa tháng 08 Âm lịch, người Khmer tổ chức lễ hội Sen Đon ta để tưởng nhớ người thân đã khuất, và tục lệ này được duy trì cho đến ngày nay... 1 Truyền thuyết thứ hai, có nguồn gốc từ Phật giáo, cho rằng: thời Đức Phật còn tại thế, vào một đêm khuya, vua Ping-pis-sara bỗng nghe tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết trong hoàng cung, bèn triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi, thì được biết đó là tiếng la khóc của các ma quỷ đói khát đến xin nhà vua thức ăn. Đây là những hồn ma khi còn sống do phạm tội gian lận, trộm cắp nên khi chết đi thành quỷ ở cõi âm và bị phạt phải nhịn ăn, nhịn uống... Tuy nhiên các hồn ma này chỉ được phép thụ hưởng các vật phẩm sau khi các tu sĩ thực hiện các nghi thức của Phật giáo. Từ đó, vào mùa Sen Dolta, người Khmer thường đem các vật phẩm đến chùa nhờ các tu sĩ làm phép để dâng cúng cho người thân trong gia đình, dòng tộc [ 17 , tr.30].

Đối với cộng đồng Khmer vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ, cách lý giải về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Sen Đolta của họ hiện nay thiên về quan điểm của Phật giáo. Họ cũng quan niệm, rằng Sen Dolta là lễ cúng nhằm báo hiếu cho ông bà, cha mẹ và những người thân trong dòng họ đã mất, đồng thời cầu xin ông sự phù trợ từ linh hồn ông bà tổ tiên đối với con cháu trong gia đình, dòng họ… “Dolta là mình cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên của mình, ai mất rồi là mình cúng hết. Vái ông bà về nhận đồ con cháu gửi cho. Ông bà giúp đỡ con cháu mần ăn cho mạnh cho khỏe, làm ăn có tiền có bạc” [Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Lâm M, 62 tuổi, ấp Ba Ven, tháng 10/2019]. Mặt khác, họ còn quan niệm, ông bà cha mẹ sau khi chết đi có thể sẽ biến thành ma, phải chịu cảnh đọa đày, đói khát ở địa ngục; và chỉ có thể được lên trần gian để thụ hưởng những vật phẩm do con cháu trong gia đình, dòng họ dâng cúng vào các dịp lễ, đặc biệt là trong mùa lễ Sen Dolta – mùa Xá tội vong nhân. Tuy nhiên, nếu bị “nghiệp nặng” (do khi còn sống có thể vô tình hoặc cố ý làm những điều ác, điều xấu),… những ma này sẽ không được về nhà thọ hưởng các vật phẩm do con cháu dâng cúng, mà chỉ sau khi các sư sãi thực hiện các nghi thức cúng tế tại chùa, thì những hồn ma mới thọ hưởng được các lễ vật ấy [ 16 , tr.61]. Bên cạnh đó, họ còn có quan niệm, vào mùa Sen Dolta, những hồn ma ông bà tổ tiên của họ sẽ đi tìm các vật lễ của con cháu dâng cúng tại các ngôi chùa, nếu đi hết 07 ngôi chùa mà không tìm thấy những vật lễ của con cháu dâng cúng thì sẽ buồn giận, và về trách phạt con cháu,… Do đó, ngoài việc tổ chức lễ cúng tại nhà, người Khmer ở Lộc Ninh còn đến nhiều chùa nhờ các sư thực hiện, có như vậy họ mới cảm thấy yên tâm là đã làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình với người đã khuất. Đây cũng chính là một trong những nét đặc trưng trong văn hóa lễ hội và tín ngưỡng của người Khmer tại vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ hiện nay [Nguồn: Tư liệu điền dã tháng 04/2021].

Diễn trình lễ hội

Hiện nay, về cơ bản, các nghi thức trong lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở Lộc Ninh cũng được thực hiện tương tự như vùng Tây Nam Bộ, tức cũng gồm các nghi lễ chính: lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh), lễ cúng ông bà (Banh Sen Dolta) và lễ tiễn ông bà (Banh chuônh Dolta). Tuy nhiên, trong việc tổ chức, thực hành nghi lễ cũng đã có sự khác biệt. Về không gian, địa điểm thực hành nghi lễ, nếu như người Khmer vùng Tây Nam Bộ hiện chủ yếu tổ chức tại các ngôi chùa [ 17 , tr.33], thì người Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ vẫn giữ tập quán truyền thống, tổ chức tại hai địa điểm: vừa thực hiện tại nhà và vừa tham gia ở các ngôi chùa Nam tông Khmer. Bên cạnh đó, thời gian diễn ra lễ hội của người Khmer tại Lộc Ninh hiện cũng có sự khác biệt so với người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ. Nếu lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở Tây Nam Bộ thường chỉ “diễn ra trong ba ngày, từ 29/08 đến ngày mùng 01/09 Âm lịch” [ 17 , tr.33], thì cộng đồng người Khmer ở Lộc Ninh hiện vẫn giữ tập quán truyền thống, thường tổ chức lễ hội trong cộng đồng với thời gian khoảng 16 ngày (từ ngày 16/08 đến ngày 01/09 Âm lịch), thậm chí nhiều phum sóc và một số chùa Khmer ở Đông Nam Bộ còn tổ chức lễ hội với thời gian kéo dài lên đến 30 ngày. Có lẽ vì vậy mà người Khmer ở Lộc Ninh cũng như ở vùng Đông Nam Bộ còn gọi lễ hội là mùa Sen Dolta. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ [Nguồn: Tư liệu điền dã tháng 04/2022].

Nghi lễ tổ chức tại nhà

Tại huyện Lộc Ninh cũng như vùng Đông Nam Bộ, trước khi tổ chức các lễ cúng, người Khmer trong các phum sóc thường tổ chức 01 lễ cúng tại miếu Neak Tak (còn gọi là ông Tà, ông Lục) với mục đích xin phép, đồng thời cầu xin thần phò trợ để lễ hội được diễn ra suôn sẻ. Hiện nay, người Khmer ở Lộc Ninh vẫn giữ lễ tục này trong khi người Khmer ở Tây Nam Bộ không còn thực hiện: (dịch từ: “some animistic rituals are rarely practiced, such as Arak and worship of Neak Ta, are no longer practiced”) [ 18 , tr.70]. Tiếp đến, người dân sẽ ra nghĩa địa để dọn dẹp mồ mả ông bà, cha mẹ và làm 01 lễ cúng nhỏ với một ít nhang đèn, bánh trái, hoa quả với mục đích mời tổ tiên về thọ hưởng những vật phẩm do con cháu dâng cúng trong mùa lễ. Đây là lễ tục chỉ có ở cộng đồng Khmer Lộc Ninh và Đông Nam Bộ, trong khi người Khmer ở Tây Nam Bộ không thực hiện lễ tục này. Bởi, khác với người Khmer ở Tây Nam Bộ, người Khmer ở Lộc Ninh ít thực hiện hình thức hỏa táng người chết, mà chủ yếu dùng hình thức địa táng. Theo đó, khi những người thân trong gia đình, dòng họ chết đi, người Khmer ở đây sẽ chôn cất và xây mộ ngoài nghĩa địa, giống như phong tục tang ma của người Kinh và các tộc người khác tại địa phương. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt trong cách ứng xử với linh hồn tổ tiên ông bà qua lễ hội Sel Dolta của người Khmer vùng Lộc Ninh so với vùng Tây Nam Bộ [Nguồn: Tư liệu điền dã tháng 10/2019].

Sau lễ tục cúng Neak Ta và cúng mời ông bà tổ tiên ngoài nghĩa địa, người Khmer ở Lộc Ninh mới bắt đầu thực hiện các nghi lễ chính thức. Trong đó, lễ đặt cơm vắt và lễ tiễn ông bà hiện nay được người Khmer ở đây thực hiện chủ yếu tại các ngôi chùa; riêng lễ cúng ông bà được họ thực hành tại 02 địa điểm, tức vừa tổ chức tại nhà, và vừa tham gia thực hành ở các chùa.

Hiện nay, trong lễ cúng ông bà tại nhà, mỗi gia đình vẫn chuẩn bị ba mâm cơm: một mâm cúng cho ông bà tổ tiên, một mâm cúng cho thần Đất và mâm còn lại cúng cho cô hồn. Vật phẩm của “hai mâm cúng thần Đất và cô hồn thì giống nhau, bao gồm: hai chén (bát) cơm, hai chén canh, một dĩa bánh, một dĩa trái cây, và nhang đèn, trầu rượu,... Còn mâm cúng ông bà thì nhiều gấp đôi, gồm: bốn chén cơm, bốn chén canh, cùng với các loại nhang đèn, trầu rượu,...; bánh trái cũng cúng nhiều hơn, gồm hai mâm, một mâm cúng tại nhà và một mâm để dành cho ông bà ăn trên đường về lại thế giới tổ tiên trong lễ tiễn đưa” . Điều đặc biệt là: “Ngày xưa, mỗi khi tổ chức lễ Dolta, bà con thường đem nhiều cây trái, lúa nếp, vải vóc,... lên đặt ở nhà chính; vải thì treo lên vách nhà, hoa quả, lúa nếp thì đựng trong những cái thúng hoặc bồ, để khoe với ông bà tổ tiên” [Nguồn: Trích biên bản thảo luận nhóm tại nhà già làng Lâm U, 84 tuổi, ấp Sóc Lơn, xã Lộc Khánh, tháng 10/2019].

Có thể nói, một trong những nét đặc trưng nổi bật của lễ hội Sen Dolta của người Khmer vùng Lộc Ninh chính là việc tổ chức, thực hành lễ cúng ông bà trong các gia đình, dòng họ. Theo đó, lễ cúng cũng chỉ diễn ra 01 lần trong ngày vào thời điểm bất kỳ, tùy thuộc vào gia chủ. Tuy nhiên, trước đó khoảng 10 ngày, các gia đình trong dòng họ sẽ thông báo cho trưởng tộc hoặc già làng về thời gian cúng lễ chính thức của mỗi gia đình. Ngược lại, già làng hoặc trưởng tộc cũng sẽ thông báo cho các gia đình trong dòng họ về thời điểm cúng ông bà của các gia đình trong cộng đồng. Theo người dân, làm như vậy là để các gia đình sắp xếp thời điểm cúng cho hợp lý, tránh trùng hợp nhiều, và cũng để bà con dòng họ đến tham dự lễ cúng được đầy đủ, đông vui nhất . Chính vì vậy, mặc dù nghi lễ của gia đình, dòng họ nhưng thu hút đông đảo số người tham dự. Đặc biệt, nếu lễ cúng tổ chức tại nhà các già làng hoặc trưởng tộc thì số người tham dự càng đông vui hơn [Nguồn: Tư liệu điền dã tháng 10/2022].

Bên cạnh tổ chức cầu cúng cho những linh hồn tổ tiên ông bà, trong dịp này, con cháu trong gia tộc cũng tặng quà, chúc mừng sức khỏe, ông bà cha mẹ đang còn sống. Đây cũng là một phong tục thể hiện tình cảm, đạo hiếu tốt đẹp của người Khmer. Sau khi thực hiện xong các nghi thức, các thành viên trong gia tộc, xóm làng mới cùng tham gia ăn uống, tham gia vào các hoạt động múa hát hết sức sôi nổi, hào hứng. Hiện nay, đa số gia đình Khmer ở Lộc Ninh vẫn giữ tập quán truyền thống, ngoài tổ chức lễ cúng tại nhà, người dân còn tham gia các hoạt động lễ hội do nhà chùa tổ chức. Vì vậy, mà thời gian của lễ hội ở đây kéo dài hơn vùng Khmer Tây Nam Bộ. Đây cũng là một nét văn hóa đặc trưng trong lễ hội Sel Dolta của người Khmer ở vùng Lộc Ninh.

Nghi lễ tổ chức tại chùa

Cũng như các chùa vùng Tây Nam Bộ, việc tổ chức thực hành các nghi lễ trong mùa Dolta tại các chùa Khmer vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ gồm các lễ chính: lễ đặt cơm vắt, lễ cúng ông bà và lễ tiễn ông bà. Tuy nhiên, việc thực hiện các nghi lễ này giữa hai vùng cũng có vài điểm khác biệt. Như đã trình bày, thời gian tổ chức lễ hội ở các chùa Tây Nam Bộ thường diễn ra trong 03 ngày, trong khi lễ hội tại các chùa Lộc Ninh diễn ra trong thời gian 15 ngày, nên lễ đặt cơm vắt ở đây cũng kéo dài trong suốt khoảng thời gian đó, tính từ ngày bắt đầu vào lễ là 16/08 đến ngày 29/08 Âm lịch, và được thực hiện trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 giờ sáng mỗi ngày. Trong những ngày này, các vật lễ (chủ yếu là cơm vắt) được người dân mang vào chùa từ khoảng 4 giờ sáng, sau khi nhờ các sư tụng kinh cầu siêu, hồi hướng cho các hồn ma của người thân trong gia tộc ở chánh điện, người dân sẽ đem các nắm cơm này ra bỏ ngoài khuôn viên chùa. Đáng chú ý, hoạt động này phải kết thúc trước 5 giờ sáng, khi trời còn tối. Giải thích điều này, người dân ở đây cho rằng, sau khi chết đi, ông bà cha mẹ và người thân của họ không biết sẽ đi về cõi nào nên làm như vậy thì những linh hồn đó mới có thể thọ hưởng được: “Mặt trời mọc là cái hồn không lấy được á. Những cái người có tội, chết tai nạn, chết oan tối tối người ta mới tới lấy được,...” [Nguồn: Phỏng vấn sâu bà Thị N., 60 tuổi, ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh, tháng 10/2019].

Tiếp sau lễ đặt cơm vắt là lễ cúng ông bà (Banh Sen Dolta). Đây là ngày lễ chính của mùa Sel Dolta. Lễ cúng ông bà của người Khmer ở Lộc Ninh cũng diễn ra vào ngày 29/08 Âm lịch, với các nghi thức tương tự như người Khmer vùng Tây Nam Bộ, nhưng cũng có vài điểm khác biệt. Bắt đầu cuộc lễ, vào khoảng 7 giờ, các tín đồ Phật tử mang theo các mâm lễ vật tập trung tại ngôi Chánh điện để thực hiện nghi thức bái Tam bảo; kế đến các sư sẽ tụng kinh cầu siêu cho tất cả các vong hồn những người quá cố. Sau đó, các tín đồ Phật tử dâng các vật phẩm đã cúng lên cho các sư dùng bữa; đồng thời mang những vật phẩm này xuống nhà hội để chuẩn bị cho bữa cơm thân mật của cộng đồng sau đó. Việc chuẩn bị các vật phẩm trong lễ cúng ông bà của người Khmer ở Lộc Ninh cũng có sự khác biệt so với người Khmer ở nơi khác. Nếu như ở vùng Tây Nam Bộ, tại các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, người dân thường tổ chức nấu nướng, làm bánh trái, cơm vắt ngay tại chùa [Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Danh H M, 64 tuổi, xã Đông Yên, An Biên – Kiên Giang, tháng 12/2021], thì người Khmer ở Lộc Ninh lại có tập quán chuẩn bị sẵn các vật phẩm ở nhà rồi mới đem vào chùa làm lễ. Các vật phẩm của họ tuy rất đơn sơ, ngoài cơm vắt – lễ vật chính ra, có khi chỉ là vài củ khoai, vài trái bắp,... nhưng chứa đựng nhiều tình cảm và lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên. “Những ngày này, người dân có cái gì ngon nhất thì họ sẽ mang vào chùa cúng ông bà như cơm mới, khoai mì mới, bánh, chuối...” [Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Lâm U, 94 tuổi, xã Lộc Khánh, tháng 10/2019].

Về lễ tiễn đưa ông bà, cách thực hiện của người Khmer ở Lộc Ninh – Đông Nam Bộ cũng có điểm khác biệt so với vùng Tây Nam Bộ. Với người Khmer vùng Tây Nam Bộ, “sau khi nấu mâm cơm thịnh soạn, họ chuẩn bị bốn chén cơm, gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén rồi khấn vái và mang ra đặt trên thuyền, cùng với lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái... rồi thả thuyền xuống các con sông hoặc kênh rạch, các thức ăn sau khi cúng được người dân “xin lại” cho con cháu dùng [ 17 , tr.33]; trong khi người Khmer ở Lộc Ninh, sau khi cúng, mâm thức ăn sẽ đem đổ đi, họ chỉ bỏ các vật phẩm như bánh trái, hoa quả vào những chiếc thuyền (cũng làm bằng bẹ chuối), rồi thả xuống suối hoặc đem bỏ ở những ngã ba đường. Sở dĩ họ làm như vậy là do người dân ở đây quan niệm, “ông bà cha mẹ khi qua đời đã biến thành ma, nên con cháu kiêng không ăn những đồ ăn đã cúng cho ma. Hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn giữ tập tục này” [Nguồn: Trích biên bản thảo luận nhóm tại chùa Sóc Lớn, tháng 10/2022].

Những năm gần đây, lễ tiễn đưa ông bà thường được người Khmer Lộc Ninh tổ chức cúng tập thể tại chùa. Thay vì tổ chức riêng lẻ tại các gia đình như trước đây, người dân trong cộng đồng đã cùng nhau làm một chiếc thuyền lớn để các gia đình đặt những vật phẩm, lễ vật cúng gồm bánh trái, nhang đèn,.. dâng cúng cho ông bà tổ tiên, sau đó họ sẽ đem thuyền lễ ra bỏ tại các con suối hoặc các bàu nước.

Bên cạnh những khác biệt nêu trên, lễ hội Sel Dolta của người Khmer giữa 02 vùng còn có những dị biệt khác. Ví như Sel Dolta của người Khmer ở vùng Bảy Núi An Giang – Tây Nam Bộ gắn với Hội Đua bò, thường được gọi là Lễ hội Đua bò Bảy Núi [ 19 , tr.37]; thì Sel Dolta của người Khmer ở Lộc Ninh lại gắn với một số hoạt động khác như: phát quà cho đồng bào khó khăn, tổ chức lễ đặt bát ,… [ 2 , tr.65].

Hiện nay, không chỉ tín đồ Phật tử là người Khmer trong và ngoài tỉnh Bình Phước đến tham dự lễ hội, mà ngày càng có nhiều người Khmer từ Campuchia, các Phật tử là người Kinh, người Hoa từ các tỉnh xa cũng đến tham dự và cúng dường tại các chùa Lộc Ninh – Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, văn nghệ của phần hội tại chùa cũng ngày càng phong phú, sôi nổi hơn bởi sự góp mặt, giao lưu giữa các dân tộc. Đặc biệt, đến các nhà của đồng bào Khmer ở vùng Đông Nam Bộ vào dịp lễ, du khách cũng được người dân chào đón niềm nở, được mời tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tham gia múa hát cùng với đồng bào hết sức sôi nổi, hào hứng [Nguồn: Tư liệu điền dã tháng 10/2022].

KẾT LUẬN

Sen Dolta là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của người Khmer ở Lộc Ninh, có chung nguồn gốc và ý nghĩa với lễ hội người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ và các vùng khác: được hình thành từ các tín ngưỡng dân gian kết hợp với Phật giáo và Bà La Môn giáo; được tổ chức theo chu kỳ hằng năm vào thời điểm thu hoạch mùa màng, hoa trái; là dịp để người dân tạ ơn ông bà tổ tiên đã giúp đỡ, phù hộ cho họ có một vụ mùa thuận lợi, no ấm. Tuy nhiên, do đặc thù về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh, lịch sử xã hội, đặc biệt là đặc thù về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, nên bên cạnh những tương đồng, lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở Lộc Ninh còn có đặc trưng, khác biệt so với cộng đồng Khmer ở vùng ĐBSCL – Tây Nam Bộ và các vùng khác. Những khác biệt ấy biểu hiện cụ thể qua không gian, địa điểm, thời gian tổ chức lễ hội; qua các vật phẩm, lễ vật cúng và những kiêng kỵ qua các nghi thức trong cách tổ chức, thực hành lễ hội; những quan niệm về linh hồn và cách ứng xử với các linh hồn qua các nghi thức cúng tế,… Trong thực hành lễ hội, người Khmer ở Lộc Ninh thường tổ chức cầu cúng nhiều đối tượng cùng lúc, như: kết hợp cúng ông Tà cùng với các vị thần, tổ tiên ông bà; kiêng ăn các vật phẩm, thức ăn đã cúng; tổ chức lễ đặt bát cho chư tăng;… Chính các đặc điểm này góp phần hình thành những nét đặc trưng trong văn hóa lễ hội của người Khmer ở huyện Lộc Ninh cũng như của vùng Đông Nam Bộ.

Do tác động bởi nhiều yếu tố, lễ hội của đồng bào hiện nay đã có nhiều biến đổi nhưng chúng vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người Khmer tại đây. Không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào, lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở Lộc Ninh còn là môi trường chủ yếu giúp bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người, đồng thời góp phần trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng Đông Nam Bộ.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM trong khuôn khổ đề tài mã số C2022-18b-13.

Tác giả bài viết xin gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã tài trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu đề tài.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có xung đột về lợi ích với bất cứ ai liên quan đến việc công bố bài viết này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Về mặt cơ sở lý luận: Bài viết đóng góp thêm tư liệu mới cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn về các đặc điểm văn hóa lễ hội của tộc người Khmer ở vùng Lộc Ninh – Đông Nam Bộ trong đối sánh với văn hóa lễ hội vùng Tây Nam Bộ, góp phần bổ sung nghiên cứu và hiểu biết thêm về tộc người này. Đồng thời, bài viết đóng góp thêm những tư liệu mới nhằm chỉ ra các yếu tố nội sinh, cũng như kết quả của quá trình giao lưu tiếp biến trong việc hình thành bản sắc văn hóa đặc trưng của tộc người Khmer cũng như bản sắc văn hóa vùng Đông Nam Bộ.

Về mặt thực tiễn: Ngoài góp phần bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa tộc người, bài viết còn cung cấp cứ liệu khoa học cho các nhà quản lý trong việc phát huy những yếu tố tích cực để xây dựng đời sống văn hóa, góp phần ổn định và phát triển đời sống kinh tế – xã hội của người Khmer tại vùng Đông Nam Bộ.

Đóng góp của các tác giả cụ thể như sau:

- Trần Minh Đức: Tham gia khảo sát điền dã thu thập và xử lý thông tin dữ liệu tại các địa điểm nghiên cứu chính ở huyện Lộc Ninh, đồng thời tham gia tổng hợp và xử lý các nguồn tài liệu thứ cấp; tổng hợp tài liệu về lý thuyết và phương pháp để viết phần cơ sở lý luận của bài viết; chịu trách nhiệm chính nội dung của phần Giới thiệu và cùng viết chung phần Kết quả nghiên cứu.

- Trần Dũng: Tham gia khảo sát thu thập và xử lý dữ liệu tại các địa điểm nghiên cứu chính ở huyện Lộc Ninh và một số địa phương khác; chịu trách nhiệm chính nội dung các phần Tóm tắt và Kết luận của bài viết; cùng viết chung nội dung phần Kết quả nghiên cứu.

References

  1. Nguyễn Ngọc Chúc. Đông Nam Bộ trong tiến trình mở đất phương Nam thế kỉ XVII - XVIII, [Luận văn thạc sĩ Lịch sử]. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản ĐHSP TP. HCM; 2014. . ;:. Google Scholar
  2. Trần Dũng. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội Sen Dolta của người Khmer ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước trong bối cảnh hiện nay. Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, 2020 (5): 58-70. . ;:. Google Scholar
  3. Tổng cục thống kê. Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Nhà xuất bản Thống kê; 2020. . ;:. Google Scholar
  4. Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước. Địa chí Bình Phước. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia; 2015. . ;:. Google Scholar
  5. Chanchai Khongphianthum. The Concept of the Nāga in Cambodian Society. Journal of Mekong Societies 2015. . ;:. Google Scholar
  6. Nguyễn Thị Vân. Dấu ấn của Phật giáo Nam tông trong lễ hội truyền thống của người Khmer Campuchia. Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một 2015 (3): 53-58. . ;:. Google Scholar
  7. Hà Thị Thùy Dương. Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Khơ me ở Tây Nam Bộ. Tạp chí Dân tộc học 2013 (6): 70-77. . ;:. Google Scholar
  8. Lê Công Lý. Yếu tố nước trong lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer Đồng bằng Sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam 2010 (4): 79-84. . ;:. Google Scholar
  9. Lê Hương. Người Việt gốc Miên. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Mỹ Thuật; 1969. . ;:. Google Scholar
  10. Lê Thúy An. Yếu tố nước trong lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Trà Vinh - Tiếp cận lý thuyết văn hóa sinh thái. Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn 2017 (30): 98-104. . ;:. Google Scholar
  11. Lê Văn Lợi. Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer vùng Tây Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Chính trị 2015 (4): 56-61. . ;:. Google Scholar
  12. Mai Ngọc Diệp. Một vài nét tương đồng vài dị biệt giữa văn hóa Khmer Trà Vinh và văn hóa Khmer An Giang. Trường ĐH An Giang 2006, Thông tin khoa học số 027. . ;:. Google Scholar
  13. Đức Ngự. Lễ hội Sen Dolta của đồng bào Khơme Bình Phước. [Online]. 2017. Truy cập ngày 28/09/2019. . ;:. Google Scholar
  14. Trần Dũng. Nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer qua lễ hội Chol Chnam Thmay ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tạp chí Khoa học xã hội Miền Trung, 2021 (4): 55-64. . ;:. Google Scholar
  15. Vũ Minh Chi. Nhân học văn Hóa: Con người với thiên nhiên, xã hội và Thế giới siêu nhiên. Nhà xuất bản Chính Trị Quốc gia; 2004. . ;:. Google Scholar
  16. Ngô Thị Phương Lan. Thuyết sinh thái văn hóa và nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học xã hội 2016 (6): 57-73. . ;:. Google Scholar
  17. Võ Văn Thắng, Đinh Văn To. Triết lý nhân sinh trong lễ hội Sen Đôn-ta của người Khmer Nam Bộ. AGU International Journal of Sciences, 2019 (2), 30-40. . ;:. Google Scholar
  18. Nguyen Thi Song Ha and Pham Thi Cam Van (2019); Changes in the Culture of Ethnic Khmer People in Southern Vietnam in the Context of Renovation and Integration, Journal of Mekong Societies, Vol.15 No.3 September tr. 52-75. . ;:. Google Scholar
  19. Trần Văn Bổn. Một số lễ tục dân gian người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc; 1999. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 2 (2024)
Page No.: 2446-2454
Published: Jun 30, 2024
Section: Reviews - Science Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.871

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, D., & Tran, D. (2024). Some features of the Sen Dolta festival among the Khmer people in Loc Ninh district, Binh Phuoc province today. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(2), 2446-2454. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.871

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 473 times
PDF   = 180 times
XML   = 0 times
Total   = 180 times