VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

996

Total

457

Share

The foreign policy of the United States under the Biden Administration on the strategic competition with China: the analysis from the individual level in international relations






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The United States foreign policy greatly affects the nature and evolution of the United States-China strategic competition, especially since 2017. The paper uses an individual-level analysis approach in international relations to analyze the U.S. foreign policy on the U.S.-China strategic competition under President Joe Biden. In studying the foreign policy of a country, it is equally necessary for many individuals to participate in foreign policy making or influencing. With the complicated development of an ongoing international relations phenomenon, the paper focuses on “The foreign policy of the United States under the Biden Administration on the strategic competition with China: the analysis from the individual level in international relations” to provide more multi-dimensional interpretations of how the United States reacts to the current U.S.-China strategic competition. The study delves into and analyzes individual characteristics, including personality, work experience, etc. of President Joe Biden and the implementation of the U.S. foreign policy on the strategic competition with China through various methods of international relations research, international event analysis, and especially the individual-level analysis. Research results show that despite continuing the strategies of Donald Trump on the strategic competition with China, Joe Biden deployed the softer, more cautious, and limited confrontation with China. The individual aspect is one of the factors affecting the U.S. policy making and implementing.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, Mỹ vẫn được xem là siêu cường duy nhất trong hệ thống quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng đa phương, đa cực. Chính sách đối ngoại của Mỹ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương và những chuyển động về an ninh – chính trị tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, xuất phát từ lợi ích và những tính toán chiến lược, mối quan hệ Mỹ – Trung mang tính chất thực dụng. Trải qua nhiều thăng trầm, tùy thuộc từng giai đoạn, quan hệ Mỹ – Trung đã thay đổi từ ngăn chặn, kiềm chế đến hòa hoãn, thúc đẩy hợp tác, rồi lại bao vây, cấm vận… Không chỉ tại Đông Nam Á mà trên phạm vi toàn cầu, một mặt, Mỹ luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, mặt khác, Mỹ luôn đánh giá và cẩn trọng đối với sự phát triển và các động thái đến từ Trung Quốc. Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp với các lợi ích đan xen, chồng chéo và biến động liên tục. Bước vào thế kỷ XXI, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa cùng sự phát triển của khoa học – kỹ thuật – công nghệ, quan hệ Mỹ – Trung tại khu vực dần phát triển theo hướng “lưỡng cực không đối xứng”. Mỹ, thông qua viện trợ kinh tế và hệ thống đồng minh – đối tác, tạo thành hệ thống trục – nan hoa nhằm bao vây, kiềm chế cường quốc mới nổi – Trung Quốc. Với nhiều động thái mạnh mẽ từ thời Tổng thống Donald Trump, nhiệm kỳ của Joe Biden có cả sự tiếp nối lẫn điều chỉnh. Những thay đổi này không chỉ đến từ những biến động của bối cảnh quốc tế và tình hình khu vực, mà còn đến từ cấp độ cá nhân của chính người nắm giữ vai trò lãnh đạo siêu cường duy nhất hiện nay.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài báo sử dụng các phương pháp nghiên cứu chung của quan hệ quốc tế. Phương pháp nghiên cứu cụ thể là phương pháp phân tích sự kiện quan hệ quốc tế, phương pháp phân tích tài liệu và các phương pháp khác. Với các sự kiện quan trọng liên quan đến hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ, phương pháp phân tích sự kiện quan hệ quốc tế giúp bài báo có thể đi sâu phân tích và tìm ra bản chất, sự phức tạp cũng như mục tiêu của Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Bài báo kế thừa những kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học có liên quan và vận dụng phương pháp phân tích tài liệu trong tiếp cận và xem xét đối tượng nghiên cứu. Những dữ liệu từ các nguồn tài liệu sẽ được tổng hợp, phân tích, so sánh nhằm tìm ra đặc điểm tính cách của Tổng thống Joe Biden cùng việc hoạch định, thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Về tài liệu nghiên cứu, bài báo sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Chính sách đối ngoại và cấp độ phân tích cá nhân trong quan hệ quốc tế

Chính sách đối ngoại là công cụ mà một quốc gia sử dụng để thực thi, tìm kiếm lợi ích, quyền lực, ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đồng thời, chính sách đối ngoại phản ánh vị thế của một quốc gia trong hệ thống quốc tế. Vì vậy, việc phân tích chính sách đối ngoại là điều cần thiết trong nghiên cứu quan hệ quốc tế. Chính sách đối ngoại là một nội dung lớn trong các trường phái lý thuyết quan hệ quốc tế bao gồm chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa kiến tạo, học thuyết Mác-xít. Đây cũng là kết quả của nhiều yếu tố đan xen, đa chiều, đòi hỏi nhiều cách tiếp cận sâu sắc để phản ánh đúng thực trạng, bản chất của các sự kiện trong quan hệ quốc tế. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng ba cấp độ phân tích chính, bao gồm cấp độ cá nhân, cấp độ khu vực và cấp độ quốc tế. Các cấp độ phân tích trên đã nhận được sự quan tâm và công nhận trong các trường phái lý thuyết cơ bản trong quan hệ quốc tế như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của các lý thuyết quan hệ quốc tế, từ những năm 1980, nhiều nhà nghiên cứu coi trọng các cấp độ còn lại mà bỏ qua cấp độ phân tích cá nhân khi phân tích chính sách đối ngoại. Thực tế, sự vận hành của hệ thống chính trị quốc tế lẫn quốc gia đều có sự đóng góp lớn của một số cá nhân chủ chốt. Điều này có thể có sự khác biệt giữa những hệ thống chính trị khác nhau, thế nhưng, vai trò nhất định của các nhà lãnh đạo trong việc hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại là không thể bỏ qua hay phủ nhận. Dấu ấn cá nhân của nhiều nhà lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo của các cường quốc, trong một số trường hợp nhất định, được thể hiện thông qua những chính sách đối ngoại mà từ đó thay đổi cục diện nền chính trị và trật tự an ninh toàn cầu. Trước những biến động không ngừng của tình hình quan hệ quốc tế hiện nay, vai trò, ảnh hưởng cùng dấu ấn của các cá nhân chủ chốt tại các cường quốc chắc chắn sẽ tác động lớn đến “luật chơi” đã diễn ra và đang được thiết lập. Những điều đó cho thấy việc phân tích chính sách đối ngoại từ cấp độ cá nhân trong một số bối cảnh nhất định là hết sức cần thiết để làm rõ bản chất của các hiện tượng quan hệ quốc tế đang diễn ra hiện nay.

Chính sách đối ngoại thường được xem là công cụ để các quốc gia theo đuổi lợi ích hay các mục tiêu trong môi trường quan hệ quốc tế. Một chính sách đối ngoại tốt sẽ đảm bảo quốc gia giành được vị trí xứng đáng trong hệ thống quốc tế. Thuật ngữ “chính sách đối ngoại” đã trở thành một “khái niệm bị lãng quên” khi mọi người cảm thấy đã hiểu khái niệm này 1 . Thuật ngữ “chính sách đối ngoại” có rất nhiều cách hiểu cũng như cách tiếp cận đa chiều. Nói một cách đơn giản, chính sách đối ngoại của một quốc gia là cơ sở và khuôn khổ để quốc gia đó tương tác với các chủ thể khác trong quan hệ quốc tế 2 . Chính sách đối ngoại là “tổng thể các chính sách và mối tương tác với môi trường bên ngoài biên giới quốc gia” 3 . Các chính sách đối ngoại được hoạch định dựa trên chế độ kinh tế, chính trị, xã hội, phục vụ chính sách đối nội lẫn các hoạt động ngoại giao của quốc gia. Đặc biệt, chính sách đối ngoại chỉ được thực thi khi có sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế. Từ những quan điểm trên, ta có thể thấy chính sách đối ngoại của một quốc gia là tổng thể các chiến lược, sách lược, chủ trương, quyết định và những biện pháp do Nhà nước hoạch định và thực thi trong quá trình tham gia tích cực và hiệu quả vào đời sống quốc tế trong từng thời kỳ lịch sử, vì lợi ích quốc gia, phù hợp với xu thế phát triển của tình hình thế giới và pháp luật quốc tế.

Khi phân tích chính sách đối ngoại của một quốc gia, chúng ta cần quan tâm trước hết tới việc giải thích các quyết định được đưa ra như thế nào và vì sao những quyết định đó được đưa ra 3 . Phân tích chính sách đối ngoại của một quốc gia là xem xét quốc gia đó như một thực thể đơn nhất. Đồng thời, việc nghiên cứu những chủ thể khác nhau trong một đất nước với tư cách cá nhân lẫn nhóm cá nhân tham gia hoạch định hay ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng cần thiết không kém. Quan hệ quốc tế là lĩnh vực nghiên cứu các mối quan hệ giữa các quốc gia. Khi phân tích quan hệ quốc tế, các cấp độ chính thường được sử dụng để phân tích bao gồm cấp độ cá nhân (Individual level of analysis), cấp độ quốc gia (Domestic level of analysis), cấp độ xuyên quốc gia (Interstate level of analysis) hay cấp độ quốc tế (Global level of analysis). Nói chung, các cấp độ phân tích dựa trên giả định rằng chúng ta có thể nghiên cứu quan hệ quốc tế ở cấp độ hệ thống quốc tế (cấp độ hệ thống), cấp độ quốc gia (cấp Nhà nước hoặc cấp trong nước) hoặc cấp độ cá nhân. Phân tích cấp độ hệ thống giải thích các kết quả của chính trị quốc tế bằng cách đề cập đến mức độ hệ thống. Các học giả phương Tây thường xem xét chính sách đối ngoại ở cấp độ quốc gia đi liền với cấp độ cá nhân, tức là vai trò của các nhà lãnh đạo với bộ máy hành chính và các thể chế trong việc hoạch định chính sách đối ngoại.

Khi thực hiện nghiên cứu về chính sách đối ngoại, hai trường hợp cần được chú ý là chính sách đối ngoại trong hoạt động bình thường và trong tình trạng khủng hoảng. Trong điều kiện bình thường, chính sách đối ngoại được thể hiện qua các chính sách, chiến lược ngoại giao. Đối với các tình trạng khẩn cấp, vai trò cá nhân được thể hiện rõ nét hơn, đặc biệt là ở các điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh hoặc xung đột. Trong thời gian gần đây, giữa những quan điểm phân tích khác nhau, chẳng hạn như giữa cấp độ phân tích, phân tích chính sách đối ngoại và cách tiếp cận quan hệ xuyên quốc gia, phân tích các cá nhân trong nền chính trị thế giới được chú trọng hơn. Nhưng những lo ngại về việc hình thành kỷ luật học thuật và sự phù hợp với thế giới thực đã dẫn đến việc các tác nhân cá nhân bị bỏ qua thường xuyên trong nghiên cứu quan hệ quốc tế 4 . Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Robert O’Mócchain đã khẳng định cấp độ phân tích cá nhân trong nghiên cứu quốc tế học thông qua khảo cứu nhật ký của nhà hoạt động Winnifred Wygal và nhà ngoại giao Anh-Ireland Roger Casement 5 . Một số nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế khác cũng nhấn mạnh về vai trò cá nhân, cấp độ phân tích cá nhân trong quan hệ quốc tế. Có thể thấy, đối với các cấp độ phân tích, từ cấp độ phân tích cá nhân, ta có thể mở rộng đến các cấp độ cao hơn là cấp độ quốc giá và cấp độ xuyên quốc gia hoặc cấp độ quốc tế.

Những đặc điểm cá nhân về tính cách hay nhân cách chính trị có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ra quyết định, bởi lẽ “quá trình nhân cách” bao gồm nhận thức, cảm xúc, động lực mà qua đó truyền tải các khía cạnh của tính cách hay nhân cách một cá nhân 6 . Theo Mpho, lý thuyết đạo đức truyền thống cho rằng các cá nhân nhắm đến việc theo đuổi phúc lợi của chính họ 7 , hay nói cách khác, con người luôn hành động vì lợi ích cá nhân. Nhân cách chính trị chủ yếu bao gồm ba yếu tố là đặc điểm, động cơ và nhận thức 8 . David G. Winter, một học giả hàng đầu về nhân cách chính trị, bổ sung yếu tố thứ tư là bối cảnh xã hội 9 . Theo Simonton, nghiên cứu về nhân cách chính trị “giải quyết các quan điểm nhận thức và động cơ của cá nhân và định hướng xã hội” 10 . Trong đó, cấp độ phân tích cá nhân tập trung vào các quyết định của từng cá nhân nhằm định hình chính sách đối ngoại. Kiểu phân tích này liên quan đến việc xem xét các đặc điểm, mong muốn và lý tưởng của cá nhân, cũng như tác động của họ đối với các quyết định ảnh hưởng đến chính trị thế giới. Nói cách khác, cấp độ cá nhân xem xét hành vi và quyết định của các cá nhân trong chính phủ và phi chính phủ, bao gồm vai trò của cá nhân đó, từ đó kiểm tra, phân tích niềm tin, nỗi sợ hãi và tính cách của họ.

Đồng thời, trong cuộc sống cũng như trong quan hệ quốc tế, cá nhân có thể đóng vai trò quyết định trong một số bối cảnh cụ thể, nhưng lại bị hạn chế bởi các thể chế và yếu tố cấu trúc 11 . Trong việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, vai trò cá nhân của các nhà lãnh đạo, giới tinh hoa là một yếu tố quan trọng. Đặc biệt, vai trò của tổng thống, thậm chí chủ nghĩa tổng thống, tại một số quốc gia đã được xem xét trong chính sách đối ngoại 12 . Đối với cách tiếp cận từ phân tích cấp độ cá nhân trong quan hệ quốc tế, một số lý thuyết về việc ra quyết định dựa trên tâm lý chính trị đã được đề cập 13 . Cấp độ phân tích cá nhân khám phá suy nghĩ, lựa chọn và hành động của các cá nhân có ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Do đó, ngành tâm lý học hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu tính cách cá nhân hay còn được gọi là đặc điểm của các nhà lãnh đạo 14 . Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách luôn tương tác với người khác khi hình thành các quyết sách. Sự tương tác này có thể xảy ra ở cả nhóm nhỏ lẫn nhóm lớn một cách có chủ đích hoặc vô tình. Vì vậy, cấu trúc một nhóm cá nhân và quá trình đưa ra chính sách là vấn đề cần quan tâm của các nhà nghiên cứu 15 . Morgenthau đưa ra mối tương quan của cá nhân với chính sách đối ngoại rõ hơn tầm quan trọng mà cá nhân đó đảm nhiệm khi nhấn mạnh: “Nếu một người muốn hiểu chính sách đối ngoại, điều quan trọng cần biết không phải là động cơ của một chính khách hay khả năng trí tuệ để hiểu những điều cốt yếu của chính sách đối ngoại, mà là khả năng chính trị để chuyển những gì đã lĩnh hội thành hành động chính trị thành công” 16 . Thực tế, nhiều cá nhân trong chính phủ và toàn xã hội có thể tham gia vào quá trình chính sách đối ngoại.

Vai trò của Tổng thống trong hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại Mỹ

Việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ là một quá trình phức tạp vì nhiều cá nhân và tổ chức có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ liên tục tương tác và có tác động lẫn nhau 17 . Trong khi đó, hệ thống tam quyền phân lập của Mỹ thể hiện tốt vai trò “kiềm chế – đối trọng” giữa các nhánh quyền lực là hành pháp, lập pháp và tư pháp 18 . Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp cùng quyền hạn lớn để điều hành công việc quốc gia và là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang 19 . Không chỉ vậy, vai trò của lưỡng đảng là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cũng giữ vị trí quan trọng trong nền chính trị Mỹ 20 .

Hiến pháp Mỹ phân chia quyền lực về chính sách đối ngoại giữa Tổng thống và Quốc hội trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Hiến pháp quy định việc thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ thông qua một hệ thống kiểm tra và cân bằng. Hiến pháp quy định cả Quốc hội và Tổng thống, với tư cách là các cơ quan lập pháp và hành pháp tương ứng, có thẩm quyền pháp lý để định hình quan hệ với các quốc gia nước ngoài 21 . Theo đó, Tổng thống hoặc cơ quan hành pháp có thể hoạch định chính sách đối ngoại thông qua: (i) phản ứng với các sự kiện nước ngoài; (ii) các đề xuất về luật pháp; (iii) đàm phán các thỏa thuận quốc tế; (iv) tuyên bố chính sách; (v) thực hiện chính sách; (vi) hành động độc lập 22 .

Theo đó, Tổng thống Mỹ có vai trò trung tâm trong hoạch định chính sách đối ngoại (xem thêm Figure 1 ). Trong trường hợp mô hình ưu việt của chế độ cộng hòa tổng thống, quá trình chính sách đối ngoại có thể được coi là một loạt các vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn trong cùng và quan trọng nhất bị chi phối bởi tổng thống và các cố vấn, tiếp đến các ban ngành và cơ quan hành pháp đóng vai trò thứ yếu nằm trong vòng tròn thứ hai. Cuối cùng, ít quan trọng nhất là vòng ngoài cùng, bao gồm Quốc hội, các nhóm lợi ích, dư luận và các phương tiện truyền thông đại chúng [ 23 , tr.541–544]. Như vậy, hoạch định chính sách đối ngoại có thể được coi là một quá trình hầu như không bao giờ kết thúc với sự tác động và ảnh hưởng từ nhiều nhân tố, cá nhân trong hệ thống chính trị Mỹ. Khi Mỹ trở thành một siêu cường của thế giới ở thế kỷ XX, chính sách ngoại giao đã thay đổi từ chủ nghĩa đơn phương sang chính sách đối ngoại đa phương với sự liên quan đến các chủ thể quan hệ quốc tế như NATO và Liên hợp quốc. Thông qua Bộ Ngoại giao, Mỹ tiến hành chính sách đối ngoại bằng nhiều hình thức để đạt được các mục tiêu chiến lược. Trong bối cảnh đó, vị thế của Tổng thống Mỹ càng thể hiện rõ nét tầm ảnh hưởng không chỉ ở Mỹ mà trên phạm vi toàn cầu.

Figure 1 . Vai trò trung tâm trong hoạch định chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ [ 23 , tr.541–544]

Joe Biden và chính sách đối ngoại của Mỹ về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc

Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ hiện nay tên đầy đủ là Joseph Robinette Biden Jr, sinh năm 1942, là một chính trị gia kỳ cựu đến từ Đảng Dân chủ. Ông từng là Phó Tổng thống thứ 47 từ năm 2009 đến 2017 dưới thời Barack Obama, thượng nghị sĩ đại diện cho Delaware từ năm 1973 đến năm 2009. Tính đến nay, Biden là vị tổng thống lớn tuổi nhất và là người đầu tiên có một nữ Phó Tổng thống. Kinh nghiệm hơn 50 năm hoạt động chính trị liên quan đến hành pháp (thượng nghị sĩ) và nền tảng của bằng Tiến sĩ Luật cho thấy các quyết định chính trị của ông sẽ chủ yếu dựa vào kiến thức và tư duy từ quá trình làm luật. Trong suốt sự nghiệp làm việc cho Chính phủ Mỹ, ông là Thượng nghị sĩ của Delaware trong 36 năm, Chủ tịch và thành viên cấp cao của Ủy ban Tư pháp Thượng viện trong 17 năm. Những đóng góp lớn của Biden trong lĩnh vực tư pháp được ghi nhận liên quan đến các vấn đề tư pháp hình sự và Đạo luật Chống Bạo hành Phụ nữ. Đồng thời, từ năm 1997, ông trở thành thành viên và Chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Trên cương vị này, ông có nhiều đóng góp về pháp luật liên quan đến khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các vấn đề hậu chiến tranh Lạnh ở châu Âu, Trung Đông và Tây Nam Á.

Ở cấp độ cá nhân, qua quá trình quan sát, Barber cho rằng từ khi chuyển vào Nhà Trắng vào tháng 1/2021, Biden thực hiện công việc như nghĩa vụ và đại diện cho sự thụ động 24 . Robert O. Merry cũng đồng tình với quan điểm trên và lý giải Biden vốn là một nhà lập pháp giỏi – người giải quyết các vấn đề khi chúng xuất hiện và không có nhiều bằng chứng về tư duy tầm nhìn hay tư duy lớn 25 . Trong khi đó, Anne Marie Griebie và Aubrey Immelman (2021) sử dụng các phương pháp của tâm lý học đặc biệt là quan điểm của Theodore Millon, Kiểm kê chẩn đoán Tiêu chí Millon (Millon Inventory of Diagnostic Criteria, MIDC) để dự đoán tính cách và nhiệm kỳ công tác của Tổng thống Joe Biden. Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy Joe Biden là người hướng ngoại theo hướng hòa giải, hòa đồng, đầy tham vọng, tự tin, tìm kiếm sự chấp thuận, mong muốn người khác yêu thích và xem mình là bạn, là đồng minh 26 . Theo khung phân tích đặc điểm lãnh đạo của Margaret Hermann, Biden là một nhà lãnh đạo tôn trọng các ràng buộc, cởi mở với các thông tin, ông thúc đẩy một phong cách lãnh đạo tập thể, phù hợp tập trung vào việc dung hòa những khác biệt và xây dựng sự đồng thuận. Tuy nhiên, khả năng hòa nhập cùng tính cách cởi mở có thể khiến Biden dễ bị thao túng khi gặp áp lực, điều này sẽ cản trở hiệu quả lãnh đạo của ông trong các cuộc đàm phán hoặc sẽ gây ra xung đột với chủ thể nước ngoài do xu hướng tránh rủi ro 26 .

Tính cách thận trọng của Joe Biden đã được thể hiện khi ông còn là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thời gian này, Biden là người linh hoạt, tránh xung đột và phân tích đa chiều đối với mọi vấn đề quốc tế. Obama lấy ví dụ về cuộc đột kích liên quan đến Bin Laden ở Afghanistan, Joe Biden lúc đó là người duy nhất thể hiện sự nghi ngờ và phản đối ý kiến của những người cộng sự 27 .

Cụ thể hơn, những đặc trưng cá nhân của Joe Biden được thể hiện thông qua các thông tin cơ bản, kinh nghiệm làm việc và những biến cố cá nhân ( Table 1 ).

Table 1 Tóm lược những đặc trưng cá nhân của Joe Biden và quan điểm chính về cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung

Những thông tin trong Table 1 cho thấy Joe Biden là cá nhân có kinh nghiệm làm việc lâu năm và đảm nhiệm nhiều chức vụ trong chính phủ Mỹ ở lĩnh vực luật. Tuy vậy, Biden trải qua nhiều biến cố và tổn thương trong cuộc sống cá nhân khi những người thân qua đời vì tai nạn hoặc bạo bệnh. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của Joe Biden khi ông được cho là người có tính cách thận trọng, hòa đồng, tìm kiếm sự chấp thuận, đồng thuận và mong muốn được người khác yêu thích. Không chỉ vậy, Biden có xu hướng đảm bảo mọi thứ trong khuôn khổ nên nhiều lần chưa thể hiện sự cứng rắn, kiên quyết trong những trường hợp quốc tế khẩn cấp. Sau nhiệm kỳ của Donald Trump, Tổng thống Biden đã khởi xướng việc khôi phục trật tự, các hoạt động bình thường của nhiệm kỳ tổng thống trước Trump 28 . Chính quyền Biden thường dùng các từ như “trở lại” (“back”/“return”), “hồi sinh” (“revive”), xây dựng lại (“rebuild”), khẳng định lại (“reassert”) như một cách thể hiện sự quay trở lại sau giai đoạn bất ổn của Donald Trump 29 . Sự chiến thắng của Joe Biden cũng mang đến hy vọng về việc thiết lập cơ chế quản trị toàn cầu, tiến tới củng cố và thúc đẩy trật tự thế giới đa phương, dựa trên luật lệ và sự trở lại các liên minh truyền thống của Mỹ, đặc biệt là trong khuôn khổ NATO. Chính quyền Biden đã thực hiện một loạt các bước để đoàn kết các đồng minh và đối tác châu Á, thậm chí cả châu Âu và đề xuất các giải pháp kinh tế thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative, BRI) của Trung Quốc, cải tổ cấu trúc thể chế khu vực và cố gắng định hình trật tự khu vực khiến quan hệ Mỹ – Trung ngày càng đi theo hướng đối đầu 30 .

Đáng chú ý, sự lựa chọn Phó Tổng thống của Joe Biden khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống cũng gây ra tranh cãi lớn. Bà Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vị trí Phó Tổng thống Mỹ, cũng là người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ cương vị này. Bà Kamala Harris nhỏ hơn Tổng thống Joe Biden 22 tuổi và ít kinh nghiệm trên chính trường. Sự lựa chọn này cũng làm chúng ta liên tưởng đến thời kỳ Obama và Biden – một vị Tổng thống da màu và một Phó Tổng thống da trắng. Đến thời kỳ của Biden, nước Mỹ có một vị Tổng thống da trắng và một Phó Tổng thống da màu. Biden dường như đang muốn gửi thông điệp về sự đoàn kết, tính “hợp nhất” về mặt chủng tộc và nỗ lực vận hành quốc gia hướng đến sự đồng thuận và hàn gắn nước Mỹ. Nhân sự được Nhà Trắng giai đoạn này lựa chọn là những nhân sự hàng đầu trong ngành hành pháp và nhiều người trong số đó từng phục vụ dưới thời Barack Obama 31 . Nhiều nhận định cho rằng Joe Biden là người vừa may mắn vừa kém may mắn – ông đã duy trì được sự nghiệp chính trị kéo dài 50 năm để làm chủ Nhà Trắng, nhưng cũng trải qua những mất mát trong cuộc sống cá nhân. Biden được tôi luyện bởi ngọn lửa bi kịch và trở thành trung tâm của nước Mỹ vào thời điểm lịch sử 32 . Tuy Biden là một nhà tư pháp lâu năm, nhưng tính cách thận trọng của ông đã làm dấy lên những lo lắng về việc ra quyết định trong những trường hợp khẩn cấp. Thậm chí, Nhà Trắng công khai gọi đây là Chính quyền Biden – Harris, qua đó khẳng định vị trí của Phó Tổng thống – điều rất hy hữu trong lịch sử nước Mỹ.

Đối với cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung và chính sách đối với Trung Quốc, Biden tiếp tục thể hiện sự thận trọng. Biden đã có nhiều tương tác với Trung Quốc từ khi là một thượng nghị sĩ trẻ. Ông từng là một thành viên trong phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Ở cương vị Tổng thống, Biden nhiều lần khẳng định tinh thần cứng rắn đối với Trung Quốc nhưng có cách tiếp cận khác so với Donald Trump 33 . Biden đang nỗ lực giải quyết vấn đề cạnh tranh chiến lược với ba khía cạnh: cạnh tranh, hợp tác và đối đầu (hay thường gọi là 3 chữ C – “Three “C” words”, gồm có: “competition, cooperation, and confrontation” – tức là “cạnh tranh, hợp tác và đối đầu”).

Đồng thời, Tổng thống Biden có xu hướng thực hiện chính sách chiến lược đạt được sự đồng thuận của lưỡng Đảng 31 . Cuộc bầu cử tổng thống với sự tranh cử của Joe Biden và Donald Trump càng cho thấy rõ Mỹ vẫn bị phân cực và chịu ảnh hưởng bởi đảng phái 34 . Trong khi đó, chính quyền Biden đã tái khẳng định mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực phục vụ lợi ích của Mỹ, tương phản rõ rệt với chính sách “tách bạch toàn diện” đối với Trung Quốc trong năm cuối cùng của chính quyền Trump 35 . Dựa trên những quan điểm chiến lược trên, chính quyền Biden lấy ý thức hệ làm điểm xuất phát, xây dựng sự đồng thuận trong nước để thúc đẩy việc hình thành một hệ thống chính sách phối hợp giữa chính phủ và xã hội, xây dựng liên minh các nước dân chủ, nâng cấp Bộ Tứ Kim cương (Quadrilateral Security Dialogue) giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc; đồng thời kích hoạt chức năng chia sẻ thông tin tình báo của “liên minh Five Eyes” (“Five Eyes alliance”) bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ để tạo ra một bức tường bao quanh Trung Quốc 36 ; thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS) giữa Mỹ, Anh và Australia như một sáng kiến an ninh mới tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục kế thừa ý tưởng của Trump về cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung và xác định hợp tác đa phương là chìa khóa để đáp ứng những thách thức của toàn cầu hóa 37 . Thậm chí, Mỹ dự kiến sẽ lấy lại vị thế là chủ thể thống trị thế giới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden 38 . Khác với người tiền nhiệm – Donald Trump, Biden kết nối lại với hệ thống quốc tế thông qua thể chế đa phương 39 như Liên Hợp Quốc, NATO và xây dựng lại quan hệ với các đồng minh chủ chốt ở châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, Biden đã chọn một chính sách kết hợp giữa cạnh tranh hạn chế để ngăn cuộc xung đột leo thang thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và huy động các đồng minh chung tay chống lại Trung Quốc. Tuy vậy, chính quyền Biden cũng gặp phải những khó khăn lớn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thực chất của các chính sách như việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) hoặc đàm phán lại việc Mỹ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cam kết của Hoa Kỳ đối với Điều 5 của NATO, hoặc tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu,... Những chính sách này chắc chắn sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi kết nối lại.

Một số chuyên gia cho rằng Tổng thống đương nhiệm Biden phần lớn xuất phát từ quan điểm cạnh tranh chiến lược 40 trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Thực tế, Biden đang nỗ lực đạt được “sự cân bằng địa chính trị” vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI bằng việc hoạch định chính sách đối ngoại theo các phương pháp tiếp cận an ninh khu vực 41 . Chính quyền Biden khẳng định Trung Quốc đang thách thức Mỹ và sửa đổi trật tự thế giới đã được thiết lập 42 . Thậm chí, có chuyên gia nhận xét chính sách đối ngoại của Biden đối với Trung Quốc là “Bổ sung chính sách của Trump ở mức độ công phu hơn” (“Trump-plus, with sophistication”) 43 . Chính quyền Biden đã thực hiện một loạt các bước để đoàn kết với đồng minh, đối tác tại châu Á, châu Âu, đưa ra các lựa chọn kinh tế thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc cùng với các kiến trúc thể chế khu vực được cải tiến và cố gắng định hình trật tự khu vực nhằm khẳng định lợi thế nước Mỹ 30 .

Biểu hiện bề ngoài của Tổng thống Biden không đạt được kỳ vọng như các nhà quan sát, những điều này thể hiện phần nào sự thận trọng của Biden trước các chính sách đối ngoại. Đơn cử là Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Biden – Harris được công bố vào tháng 10/2022. Trước đó, Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của chính quyền Biden được ban hành vào tháng 3/2021 trong khi Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2021. Điều này có nghĩa là sau gần 2 năm từ khi nhậm chức, Joe Biden mới chính thức công bố Chiến lược an ninh quốc gia. Đáng chú ý, chính quyền Biden thực sự đã thay đổi cách tiếp cận, ứng xử với Trung Quốc khác Donald Trump khi ra lệnh cấm dùng các cụm từ như “virus Trung Quốc” hoặc “Kung Flu” và lên án phân biệt chủng tộc với người Mỹ gốc Hoa cũng như người Mỹ gốc Á. Về những căng thẳng trong eo biển Đài Loan, nhiều nhà quan sát cho rằng nguy cơ xung đột quân sự đã tăng lên trong nhiệm kỳ của chính quyền Biden. Nhiều người Trung Quốc cho rằng Chính quyền Biden có thể gây bất lợi cho quan hệ Mỹ – Trung hơn chính quyền Trump, vì Biden tạo ra một liên minh chống Trung Quốc và lời kêu gọi ý thức hệ 35 .

Xem xét quan điểm trong chính sách đối ngoại Mỹ đối với cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung từ khi Biden nắm quyền, có thể thấy cách nhìn nhận về Trung Quốc có sự thay đổi từ một đối thủ cạnh tranh chiến lược sang đối thủ cạnh tranh chiến lược lâu dài (“a long-term strategic competition with China”) 44 . Điều đó thể hiện thái độ linh hoạt chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược, xác định Trung Quốc là chủ thể duy nhất và đủ khả năng cùng mong muốn thách thức vị thế bá quyền hiện nay của Mỹ. Trong quan hệ song phương, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều tìm kiếm một mối quan hệ ít khuôn phép hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ hợp tác sâu rộng với tinh thần tích cực. Thậm chí, chính quyền Biden thực hiện đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về thuế quan và chịu sự chi phối cũng như đồng thuận của lưỡng Đảng. Hai nước tìm kiếm sự hợp tác dựa trên vấn đề như biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và đại dịch, không phổ biến vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong lĩnh vực quân sự, chính quyền Biden tập trung vào sức mạnh hải quân để răn đe Trung Quốc. Để khôi phục lại uy tín của Mỹ với các đồng minh khu vực, Biden kỳ vọng có thể mở rộng khả năng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và thúc đẩy các đồng minh đóng góp cụ thể hơn để hỗ trợ các nỗ lực tự do hàng hải và phòng thủ không gian mạng.

Không chỉ vậy, chính sách ngoại giao cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc có thể sẽ khó khăn hơn nữa khi Trung Quốc và Nga hợp tác sâu rộng trong tương lai, nhất là sau trường hợp của Ukraine. Những điều trên cho thấy sự thay đổi về mặt nhận thức của chính quyền Biden, từ đó có thể dự đoán những động thái cứng rắn hơn nhưng sẽ được thực hiện bằng những bước đi thận trọng của Mỹ đối với Trung Quốc trong tương lai. Là một người thực tế hơn người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Joe Biden được kỳ vọng sẽ tập trung và thực tế trong căng thẳng thương mại Mỹ – Trung 45 . Hơn nữa, Biden đã chuyển từ áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc sang đầu tư vào các ngành mà Biden tin rằng kém cạnh tranh hơn Trung Quốc, chẳng hạn như công nghệ nano và mạng truyền thông. Cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến nhiều chủ thể, Mỹ – Trung có thể gặp rủi ro và phải trả những chi phí lớn để duy trì hay thiết lập ảnh hưởng.

THẢO LUẬN

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khiến những lo ngại về cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tăng cao. Điều đó làm dấy lên những lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Theo đó, Mỹ có thể thực hiện các biện pháp phủ đầu đối với Trung Quốc 46 . Trong khi đó, quan hệ Mỹ – Trung đã có nhiều biến chuyển nổi bật trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp hiện nay. Từ chính sách can dự, Mỹ đã chính thức xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và là đối thủ lớn nhất đang muốn thách thức vị thế thống trị của Mỹ. Theo Zhang (2021), sáng kiến xoay trục của chính quyền Obama đã bắt đầu chuyển hướng chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc ở thời Joe Biden, điều này đã thể hiện rõ nét sự chuyển dịch từ chủ nghĩa hiện thực phòng thủ sang chủ nghĩa hiện thực tấn công 47 . Henry Kissinger đã cảnh báo rằng: “Cuộc cạnh tranh “bất tận” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ leo thang không thể lường trước và xung đột sau đó” 48 . Theo quan điểm của Kissinger, cạnh tranh Mỹ – Trung ngày nay khác với sự cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh 48 . Không nước nào có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tổng lực hoặc có thể tiêu diệt đối thủ, do đó, hai nước và cộng đồng quốc tế cần phải tìm ra một giải pháp hoàn toàn mới để cùng tồn tại. Brzezinski đã thấy trước hai khối đối đầu mới liên quan đến “địa chiến lược” đang hình thành ngày nay, còn Kissinger thì nhấn mạnh tầm quan trọng chưa từng có trong lịch sử trong cách tiếp cận với Trung Quốc 49 .

Đại chiến lược của chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đối mặt với bài toán hóc búa về kinh tế – an ninh liên quan đến cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Căng thẳng giữa các mạng lưới kinh tế xuyên quốc gia và các mối lo ngại về an ninh quốc gia đòi hỏi các chính quyền khác nhau phải cân bằng giữa các lợi ích quan trọng nhưng cạnh tranh. Câu hỏi hóc búa này đặc biệt thách thức đối với Mỹ khi đối phó với Trung Quốc. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ phụ thuộc lẫn nhau, Trung Quốc vẫn tiếp tục trỗi dậy, với những đòi hỏi của chủ nghĩa xét lại, và nằm ngoài hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Chính sách đối ngoại được hoạch định và triển khai bởi các tổng thống Mỹ khác nhau, những người theo đuổi các mục tiêu dài hạn giống nhau nhưng các cách tiếp cận khác nhau đã dẫn đến sự liên tục của chiến lược và thay đổi chính sách giữa chính quyền này và chính quyền tiếp theo 50 . Nếu chính quyền Trump làm liên tưởng đến “biện pháp ngăn chặn mới” và “sự hồi sinh của chủ nghĩa tân McCarthy” ở Mỹ 51 , thì chính quyền Biden tiếp tục các ý tưởng trên với bước đi thận trọng và quan sát nhiều hơn hướng tới hàn gắn, đồng thuận và phát huy vai trò của đồng minh. Nguyên nhân của sự thận trọng trên một phần lớn đến từ vấn đề cá nhân và tính cách của Biden. Do đó, các đặc điểm cá nhân như tính cách, kinh nghiệm làm việc… của Tổng thống Joe Biden cũng ảnh hưởng lớn tới quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ về cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung hiện nay.

KẾT LUẬN

Chính sách đối ngoại là công cụ mà một quốc gia sử dụng để thực thi, tìm kiếm lợi ích, quyền lực, ảnh hưởng trên trường quốc tế. Với những biến động của bối cảnh thế giới và tình hình khu vực, cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đang được phân tích, đối sánh từ nhiều góc độ, học thuyết… Thực tế diễn biến phức tạp của cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung là đề tài nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu quan hệ quốc tế với cách tiếp cận đa dạng. Câu hỏi lớn thường được đặt ra là: “Mỹ sẽ phản ứng như thế nào khi Trung Quốc đạt mức cân bằng quyền lực hoặc tiến gần đến mức cân bằng với cường quốc đương nhiệm hiện nay?” 52 . Mỹ – cường quốc đương nhiệm dù đang trong tình trạng suy yếu tạm thời, vẫn có nhiều ưu thế hơn trong cuộc chiến cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Trong khi đó, thái độ của Trung Quốc cũng sẽ trở thành chất xúc tác có thể biến chuyển tình hình khu vực. Về lâu dài, chiến lược của Mỹ trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc diễn tiến ra sao không chỉ phụ thuộc vào phía Mỹ, mà còn phụ thuộc vào thái độ đáp trả và cách tiếp cận của Trung Quốc 53 . Thật vậy, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng nhất định nhưng Mỹ vẫn nắm vai trò chủ chốt trong định hình cuộc chiến cạnh tranh chiến lược và mối quan hệ Trung – Mỹ.

Đặc biệt, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung là nội dung vừa mang tính nội bộ vừa thể hiện rõ nét tính thời sự và quốc tế. Quan điểm, cách tiếp cận của người nắm giữ vai trò lãnh đạo của hai nước ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạch định và triển khai chính sách. Tổng thống Mỹ đương nhiệm hiện nay – Joe Biden khắc sâu các bất đồng, mâu thuẫn trong cuộc cạnh tranh chiến lược. Động thái của Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện khu vực, thậm chí có thể trở thành nhân tố quyết định tính chất và mức độ của cuộc chiến. Trong hệ thống chính trị của Mỹ, Tổng thống nắm giữ quyền hạn lớn khi vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là người lãnh đạo nhánh hành pháp. Các quyết định của Tổng thống Mỹ về các vấn đề quốc tế không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nước Mỹ mà còn tác động trên quy mô toàn cầu. Tính đến nay, Biden đã gần hết nhiệm kỳ Tổng thống đầy khó khăn với những áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ. Tuy có kinh nghiệm dày dặn khi làm việc cho chính quyền Mỹ và đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng, thậm chí là Phó Tổng thống trong quá khứ, nhưng Biden dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Những tổn thương trong đời sống cá nhân cùng tính cách thiên về hòa giải, đồng thuận có thể phù hợp trong giai đoạn nước Mỹ đang bị phân hóa và chia rẽ nghiêm trọng. Đây là điểm yếu khiến các chính sách đối ngoại của chính quyền Joe Biden có vẻ như mờ nhạt trên trường quốc tế, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Các chính sách của Biden dường như chỉ đang tiếp nối các chiến lược của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump với cách thức mềm mỏng hơn. Không chỉ vậy, những quyết định về việc lựa chọn nhân sự và tạo cơ hội khẳng định vị thế cho Phó Tổng thống – một người phụ nữ da màu chưa có quá nhiều kinh nghiệm trên chính trường cũng gây ra tranh cãi lớn. Thậm chí, trong các ấn phẩm của chính phủ, cụm từ “chính quyền Biden – Harris” ngày càng phổ biến. Việc Joe Biden giao quyền quản lý nước Mỹ cho Phó tổng thống trong một số thời điểm ngắn do vấn đề sức khỏe càng khiến người dân lo ngại về quyền lực của người đứng đầu. Tính cách có phần ôn hòa và thận trọng của Joe Biden càng khiến ông đưa ra các quyết sách chậm trễ và khó thích ứng với sự biến động phức tạp của tình hình quan hệ quốc tế hiện nay.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2023-03.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan đến nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của tác giả. Kết quả nghiên cứu được rút ra trong khuôn khổ đề tài mã số T2023-03. Tác giả phác thảo ý tưởng, thu thập dữ liệu, phân tích và trình bày kết quả nghiên cứu, chỉnh sửa theo ý kiến của các chuyên gia phản biện và hoàn thiện bài viết. Đóng góp về mặt khoa học của bài viết là áp dụng cấp độ phân tích cá nhân trong nghiên cứu chính sách đối ngoại. Đóng góp về mặt thực tiễn của bài viết là làm cơ sở tham khảo trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và những người quan tâm đến chính sách đối ngoại Mỹ, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung.

References

  1. Alieu SB. The Study of Foreign Policy in International Relations. Journal of Political Sciences & Public Affairs. 2018: 6(4), 1-9. . ;:. Google Scholar
  2. Andrew HB. The Making of Foreign Policy. Baltimore: John Hopkins University Press. 1966. . ;:. Google Scholar
  3. Marijke B. Foreign Policy Analysis. New York: Palgrave. 2007. . ;:. Google Scholar
  4. Hägel P. Individuals in International Relations. In Billionaires in World Politics. Oxford. 2020; online edn, Oxford Academic. 18 Feb. 2021. . ;:. Google Scholar
  5. Mócchain RO. Individual Level Analysis in International Studies: The Casement and Wygal Diaries. Ritsumeikan Annual Review of International Studies. 2017:16, 67-81. . ;:. Google Scholar
  6. Lindgren M. Peacemaking up close. Explaining Mediator Styles of International Mediators. Report. Department of Peace and Conflict Research, 112. 2016. Uppsala: Department of Peace and Conflict Research, Uppsala University. . ;:. Google Scholar
  7. Mpho B. Whistle Blowing: What do contemporary ethical theories say?. Studies in Business and Economics. 2017:12 (1), 19-28. . ;:. Google Scholar
  8. Demczuk A. Joe Biden's political personality illustrated in his political decisions. Teka of Political Science and International Relations. 2020:15(1), 33-45. . ;:. Google Scholar
  9. Winter DG. Things I've learned about personality from studying political leaders at a distance. Journal of Personality. 2005:73(3), 557-584. . ;:. PubMed Google Scholar
  10. Simonton DK. Why Presidents Succeed: A Political Psychology of Leadership. 1987. New Haven: Yale University Press. . ;:. Google Scholar
  11. Asal V, Miller I, Willis CN. System, State, or Individual: Gaming Levels of Analysis in International Relations. International Studies Perspectives. 2019:October, 1-11. . ;:. Google Scholar
  12. Hey JAK. Three Building Blocks of a Theory of Latin American Foreign Policy. Third World Quarterl. 1997:18(4), 631-657. . ;:. Google Scholar
  13. Gildea RJ. Psychology and aggregation in International Relations. European Journal of International Relations. 2020:26(S1), 1-18. . ;:. Google Scholar
  14. Kaarbo H. Leadership styles of prime ministers: How individual differences affect the foreign policymaking process. Leadership Quarterly. 1998:9(3), 131-152. . ;:. Google Scholar
  15. Kesgin B. Foreign Policy Analysis. In Ishiyama JT, Breuning M. 21st Century Political Science: A Reference Handbook. 2011. Thousand Oaks, CA: SAGE Publications, 336-343. . ;:. Google Scholar
  16. Morgenthau H. Politics Among Nations: The Struggle for Power and Peace. Sixth edition. First edition: 1978. 1985. New York: McGrawHil. . ;:. Google Scholar
  17. Rosati JA, Scott JM. The Politics of United States Foreign Policy. 2011. Boston: Wadsworth. . ;:. Google Scholar
  18. Giang PNL, Yến ĐH. Cơ chế "kiềm chế - đối trọng" trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ những năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. 2020: 9, 22-24. . ;:. Google Scholar
  19. Văn phòng Quốc hội, Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học. Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới. 2009: Hà Nội: NXB Thống kê, 9-32. . ;:. Google Scholar
  20. Nga VTT. Khái quát về hệ thống lưỡng đảng của Mỹ. Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay. 2017:7, 42-51. . ;:. Google Scholar
  21. Monte MD, Lazarou E. How Congress and President shape US foreign policy. 2017. European Parliamentary Research Service. PE 599.381. . ;:. Google Scholar
  22. Specialist in National Defense Foreign Affairs and National Defense Division. Foreign Policy Roles of the President and Congress. CRS Report for Congress. Order Code RL30193. 1999. . ;:. Google Scholar
  23. Hilsman R. To Move a Nation. New York: Doubleday. 1967. . ;:. Google Scholar
  24. Barber J. The Presidential Character: Predicting Performance in the White House, With a Revised and Updated Foreword by George C. Edwards III. New York: Routledge. 2019. . ;:. Google Scholar
  25. Robert M. How Presidential Character Will Matter in November. 2020. . ;:. Google Scholar
  26. Griebie AM. Aubrey Immelman. The personality profile and leadership style of U.S. president Joe Biden. Paper presented at the 44th Annual Scientific Meeting of the International Society of Political Psychology, July 11-13, 2021 (virtual conference). . ;:. Google Scholar
  27. Obama B. A Promised Land. New York: Crown. 2020. . ;:. Google Scholar
  28. Pfiffner JP. Organizing the Biden Presidency. Presidential Studies Quarterly. 2021:51(4), 818-838. . ;:. Google Scholar
  29. Cook M, Storey I. The Impending Biden Presidency and Southeast Asia. Perspective. 2020:143, 1-11. . ;:. Google Scholar
  30. Wei Z, Zhang Y. The Biden Administration's Indo-Pacific Strategy and China-U.S. Strategic Competition. China Quarterly of International Strategic Studies. 2021:7(2), 157-178. . ;:. Google Scholar
  31. Tenpas KD. Key staff in the Biden administration. 2021. . ;:. Google Scholar
  32. Osnos E. Joe Biden The Life, the Run, and What Matters Now. 2020. New York, London, Toronto, Sydney, New Delhi: Scibner. . ;:. Google Scholar
  33. Jia Q. China's US Policy and Its Domestic Background. In: Inoguchi T, Ikenberry GJ (Eds). The Troubled Triangle. Asia Today. New York: Palgrave Macmillan. 2013. . ;:. Google Scholar
  34. Sinkkonen V, Salonius-Pasternak C, Gaens B, Helwig N. President Joe Biden and the Restoration of US Global Leadership Turning the Tide?. FIFA Briefing Paper, 2020:297, 3-8. . ;:. Google Scholar
  35. Li C. Biden's China Strategy: Coalition-Driven Competition or Cold-War-Style Confrontation?. . ;:. Google Scholar
  36. Guihia N, Feng Z. The State and Dilemmas of the Biden Administration's Strategic Competition with China. Asia-Pacific Security and Maritime Affairs. 2022, 1-18. . ;:. Google Scholar
  37. Gawthorpe A. Taking US Foreign Policy for the Middle Class Seriously. The Washington Quarterly. 2022:45(1), 57-75. . ;:. Google Scholar
  38. Lisbet. The United State Policy Directions under President Joe Biden. INFO Singkat. 2021:13(3), 7-12. . ;:. Google Scholar
  39. Miri SM, Omrani A. The impact of Joe Biden's rise to power on the US transatlantic foreign policy. Revista CIMEXUS. 2022: XVII(1), 219-239. . ;:. Google Scholar
  40. Mishra V. From Trump to Biden, Continuity and Change in the US's China Policy. ORF Issue Brief. 2022:577. . ;:. Google Scholar
  41. Mossalanejad A. Geopolitical Power Balancing in Biden's Strategic Policy Making. Geopolitics Quarterly. 2022:18(4), 26-46. . ;:. Google Scholar
  42. U.S. Department of State. Tee Elements of the China Challenge. 2020. . ;:. Google Scholar
  43. Kine P, Bade G. Blinken to unveil 'no surprises' China strategy pre-Asia push. POLITICO. 2022. . ;:. Google Scholar
  44. White House. Remarks by President Biden at the 2021 Virtual Munich Security Conference. 2021. . ;:. Google Scholar
  45. Sajjad Hosain MS. US-China Trade Relationship under Joe Biden Administration: a Theoretical Prediction. International Journal of New Political Economy. 2021: 2(2), 229-237. . ;:. Google Scholar
  46. Smith NR, Brown RJ. Neither a New Cold War nor a New Peloponnesian War: The Emerging Cyber-narrative Competition at the Heart of Sino-American Relations. Vestnik RUDN. International Relations. 2021: 21(2), 252-264. . ;:. Google Scholar
  47. Zhang B. From Defensive toward Offensive Realism: Strategic Competition and Continuities in the United States' China Policy. Journal of China Contemporary. 2022:31(137), 793-809. . ;:. Google Scholar
  48. Brennan D. Endless U.S.-China Contest Risks 'Catastrophic' Conflict, Henry Kissinger Warns. 2021. . ;:. Google Scholar
  49. Kissinger HA. How the Enlightenment Ends. 2018. . ;:. Google Scholar
  50. Leoni Z. The economy-security conundrum in American grand strategy: Foreign economic policy toward China from Obama to Biden. China International Strategy Review. 2022:4, 320-334. . ;:. Google Scholar
  51. Wang D. Reluctant Rival: Beijing's Approach to US-China Competition. Global Asia. 2021:16(4), 8-12. . ;:. Google Scholar
  52. Goswami AS. Balancing Grand Strategy for America to Offset Thucydides's Trap with China. Journal of Strategic Security. 2022:15(2), 17-33. . ;:. Google Scholar
  53. Jiang F. The nature of Trump's China Policy: An Evolution of the US "hedging strategy" toward China. International Journal of International Relations, Media and Mass Communication Studies. 2019:5(5), 1-27. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 4 (2023)
Page No.: 2173-2184
Published: Dec 31, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.870

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trang, N. (2023). The foreign policy of the United States under the Biden Administration on the strategic competition with China: the analysis from the individual level in international relations. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(4), 2173-2184. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.870

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 996 times
PDF   = 457 times
XML   = 0 times
Total   = 457 times