VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

797

Total

408

Share

Printing and publishing in Saigon – Cho Lon (1861-1913)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In 1859, the French invasion of Gia Dinh marked the beginning of their takeover of Cochinchina. Soon after their arrival, France brought printers on their warships, along with guns and cannons. The printers' purpose was to quickly convey the pacification policies of the invading army to the people of the occupied land. By the end of 1861, the first official newspaper in Cochinchina, “Le Bulletin officiel de l'expédition française de la Cochinchine”, was published. The Royal Printing House (l'Imprimerie Impériale), the first printing house in Cochinchina, was also established at the end of 1861 to accommodate printing jobs, especially the printing of government gazettes. In 1873, several private printing houses appeared in Saigon-Cho Lon. Printing and publishing operations gradually assimilated into Cochinchine's social activities after serving as an “instrument” of the invaders. They evolved into a political and cultural institution in colonial social life, notably in Saigon-Cho Lon. The progression of these activities during the procedure was observable, at least for those allowed to take part in them. The needs of the colonial environment and the dynamism of the private sector stimulated these new activities, even if the colonial authority felt it necessary to control them. Based on the publications that were published during this period and are still stored in libraries, archives, and personal bookcases, etc., the author of this article would like to provide additional information about the printing and publishing activities in Saigon - Cho Lon, particularly through the operations of several prominent printing houses.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cuối năm 1861, tờ công báo đầu tiên tại Nam kỳ, Le Bulletin officiel de l’expédition française de la Cochinchine ( Công báo công cuộc viễn chinh của Pháp tại Nam kỳ ), được phát hành ngay sau khi chuẩn đô đốc Bonard đặt chân tới đây. Nhưng công báo chỉ lưu hành trong nội bộ quân Pháp vì lúc đó ít người Việt đọc được chữ Pháp. Năm 1862, Bonard phát hành tiếp công báo Le Bulletin des Communes (Công báo làng xã) bằng Hán ngữ nên phổ biến hơn, phát xuống cho chính quyền các địa phương miền Đông Nam kỳ. Ấn phẩm thứ ba là Bulletin officiel de la Cochinchine française (Công báo Nam kỳ thuộc Pháp), đăng những thông tin phục vụ cuộc chiếm đóng và cai trị thời kỳ đầu tại Nam kỳ. Tờ báo thứ tư là Le Courrier de Saigon (Tin tức Sài Gòn) bắt đầu đăng thêm mỗi số một phụ trang văn học, lịch sử và những trang tư liệu phục vụ và kêu gọi đầu tư thương mại từ Pháp vào vùng Viễn Đông.

Cũng từ cuối năm 1861, nhà in đầu tiên, Nhà in Hoàng gia (l’Imprimerie Impériale), được thành lập để đáp ứng mọi công việc in ấn và đặc biệt là in các công báo của chính quyền. Trừ Nhà in Nhà chung (l’Imprimerie de la Mission, 1865-1945), chính phủ giữ độc quyền trong lĩnh vực này cho tới khi ban hành sắc lệnh 10/09/1870 về quyền tự do hoạt động trong lĩnh vực in ấn và báo chí. Nhờ đó, một số nhà in tư nhân đầu tiên đã xuất hiện tại Sài Gòn ngay từ năm 1873.

Trong những năm sau đó, tùy theo hoàn cảnh chính trị - xã hội và chủ trương của các đời Thống đốc Nam kỳ, Toàn quyền Đông Dương (từ 1887), các chính sách đối với hoạt động xuất bản, in ấn có một số điều chỉnh, thay đổi, song tựu trung đều hướng tới mục tiêu phục vụ đắc lực cho công cuộc bình định, truyền bá văn hóa Pháp và định hướng xã hội. Mặc dù vậy, sự tham gia của các nhà in tư nhân và sự ra đời của “thị trường báo chí” lúc bấy giờ có thể nói là phát triển hơn sự “mong đợi” của chính quyền thực dân lúc đó. Chính vì vậy, nhiều quy định mới nhằm điều chỉnh chính sách đối với xuất bản, báo chí, hoặc siết chặt hơn hoặc nới lỏng, tìm cách lợi dụng, được nhà cầm quyền thực dân ban hành dưới nhiều hình thức, cấp độ.

Sang đến đầu thế kỷ 20, những dấu ấn của sự xâm nhập, ảnh hưởng về kinh tế - xã hội - văn hóa từ Pháp quốc đã bắt đầu thể hiện rõ ràng, cụ thể và sâu sắc hơn trong đời sống xã hội Việt Nam. Những dấn ấn đó được thể hiện đậm nét và tác động mạnh hơn cả ở Nam kỳ với Sài Gòn – Chợ Lớn là trung tâm. Tại đây, những năm đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ được phổ biến khá rộng rãi. Bộ mặt kinh tế, xã hội, văn hóa có nhiều thay đổi nhảy vọt so với thế kỷ trước. Bộ phận trí thức tân học xuất hiện, trong đó nhiều người muốn sử dụng văn bút và mặt trận văn học, báo chí làm phương tiện tuyên truyền, nâng cao dân trí, cổ súy đổi mới, duy tân, tự cường. Thêm vào đó, từ năm 1911, Albert Sarraut sang làm toàn quyền Đông Dương. Ông từng là một nhà báo, biên tập viên thường trực của tờ La Dépêche du Midi ở Toulouse, nên muốn sử dụng xuất bản, báo chí cho mục đích chính trị. Albert Sarraut thực hiện chính sách “ve vãn thuộc địa”, tuyên bố “Pháp Việt đề huề”. Trên bình diện văn hóa – xã hội, Pháp nới lỏng việc xuất bản và báo chí rõ rệt từ năm 1913, mong dùng báo chí làm công cụ phản tuyên truyền đối phó với phong trào cách mạng trong nước và sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Hoa và Đức sang Việt Nam thời đó [ 1 , tr.186-187].

SÀI GÒN – CHỢ LỚN TRONG BỐI CẢNH CỦA NỀN CAI TRỊ THỰC DÂN

Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy Đô đốc Pierre Louis Charles Rigault de Genouilly (1807-1873) nổ súng tấn công Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, sau 5 tháng bị giam chân ở mặt trận Đà Nẵng, ngày 2/2/1859, 2.200 quân Pháp bắt đầu tiến vào Gia Định. Sau hai ngày cầm cự, thành Gia Định thất thủ.

Ngày 5/6/1862, Triều đình Huế ký hòa ước với Pháp và Tây Ban Nha, nhượng lại hoàn toàn cho hoàng đế nước Pháp chủ quyền ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn. Việc ký kết hòa ước Nhâm Tuất 1862 thể hiện rõ ý đồ xâm lược từng bộ phận của giặc Pháp, đồng thời cho thấy sự lúng túng và thỏa hiệp của triều đình Huế. Giữa năm 1867, quân Pháp bao vây thành Vĩnh Long. Trong hai ngày 21 và 24/6/1867, quân Pháp lần lượt chiếm đóng hai tỉnh An Giang, Hà Tiên. Tính chung chỉ trong 5 ngày, cả ba tỉnh miền Tây Nam kỳ đã lọt vào tay giặc mà không có sự kháng cự nào đáng kể.

Trong suốt quá trình thực dân Pháp tổ chức bộ máy cai trị ở Nam kỳ và mở rộng chiến tranh xâm lược cho đến sau khi buộc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng, phong trào kháng chiến của nhân dân Sài Gòn – Gia Định vẫn diễn ra, bền bỉ và liên tục.

Sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất (5/6/1862), thực dân Pháp bắt tay ngay vào việc thiết lập chế độ cai trị ở ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, đứng đầu là một sĩ quan hải quân Pháp với chức danh Đô đốc - Thống đốc (Amiral - Gouverneur) [ 2 , p.408-410].

Từ ngày 13/5/1879, chế độ võ quan đứng đầu bộ máy cai trị Nam kỳ chấm dứt, chế độ dân sự bắt đầu (với việc bổ nhiệm Charles Marie Le Myre de Vilers (1879-1882) làm Thống đốc). Thống đốc Nam kỳ từ thời điểm này là quan chức được đào tạo căn cơ về hành chính, pháp luật, kinh tế... [ 3 , p.255]. Ngày 8/2/1880, Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh thành lập Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ (Conseil Colonial en Cochinchine), trụ sở đặt tại Sài Gòn. Thành phần Hội đồng Thuộc địa gồm 6 thành viên là công dân Pháp hoặc mang quốc tịch Pháp, 6 thành viên người gốc Á mang quốc tịch Pháp; 2 thành viên thuộc ngạch dân sự của Hội đồng Tư mật Nam Kỳ được bổ nhiệm bằng sắc lệnh; 2 thành viên là đại biểu của Phòng Thương mại. Ủy viên Hội đồng được bầu với nhiệm kỳ 4 năm, cứ 2 năm bầu lại phân nửa [ 4 , tr.61].

Ngày 12/11/1887, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh lấy Sài Gòn làm thủ phủ của toàn Đông Dương và thiết lập phủ Toàn quyền tại Sài Gòn [ 5 , tr.189]. Đối với Gia Định, thực dân Pháp nhanh chóng ban hành các quy định về địa giới và cơ cấu hành chính; đồng thời chuẩn bị xây dựng tại địa bàn này các thành phố lớn với hai khu trung tâm là Sài Gòn và Chợ Lớn [ 6 , p.127-144].

Những biến đổi to lớn đó tạo nên vị thế đặc biệt quan trọng của Sài Gòn - Chợ Lớn trên lĩnh vực kinh tế, không chỉ ở Nam Kỳ mà của cả Đông Dương trong nửa cuối thế kỷ XIX. Thương mại ngày càng khởi sắc, Sài Gòn – Chợ Lớn thu hút nhiều công ty lớn của Pháp và một số nước khác đến kinh doanh .

Đối lập với thành công, lợi nhuận và vị thế của người Pháp, đời sống của nông dân Sài Gòn - Chợ Lớn ngày càng thêm khó khăn, sút kém do bị mất nhiều đất đai, ảnh hưởng đến sinh kế. Cùng chung cảnh ngộ với nông dân nghèo là một lực lượng xã hội mới xuất hiện ở Sài Gòn - Chợ Lớn: đội ngũ công nhân làm thuê. Đây là nhóm công nhân công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Tuy mới tiếp xúc với nền công nghiệp và đảm nhận những công việc nặng nề, chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhưng người Pháp đã ghi nhận “sự khéo léo của người Việt, khiến họ có thể thích ứng mau chóng với những nghề trước đây chưa có ở Việt Nam” [ 7 , p.49]. Nhìn chung, cuộc sống của công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn (gồm người tại chỗ và người từ các địa phương khác đến) trong những thập niên cuối thế kỷ XIX khá ngột ngạt, nặng nề.

Chiếm được Sài Gòn - Gia Định, cho đây là “một xứ mà dân chúng không đồng nhất lắm”, thực dân Pháp nghĩ rằng “có thể dễ dàng áp đặt một pháp chế mới”. Hơn nữa, dưới mắt nhà cầm quyền Pháp, ở Sài Gòn - Gia Định “cũng không có những truyền thống địa phương”, người dân chủ yếu chịu ảnh hưởng văn hóa Hán, nên “có thể dễ dàng chấp nhận những thay đổi cần thiết sau khi bị chiếm đóng” [ 8 , tr.498]. Chính vì vậy, cùng với việc củng cố bộ máy cai trị, chính quyền thực dân tiến hành loại bỏ ảnh hưởng của văn hóa Hán, thay chữ Hán bằng chữ quốc ngữ La-tinh – loại chữ đã có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ XVI và dần phổ biến trong một số tín đồ Thiên Chúa giáo. Để thực hiện mục tiêu đó, thực dân Pháp sử dụng nhiều phương cách thông qua hệ thống giáo dục phổ thông, trường đào tạo nghề, báo chí, văn học nghệ thuật và cả bộ máy hành chính.

gày 31/3/1863, Thống đốc Nam Kỳ Bonard ký ghị định thành lập ngành học chính tại ba tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), trong đó quy định các phủ, huyện, xã, thôn phải mở các trường học chữ Quốc ngữ [ 9 , tr.18, 354]. Ngày 16/7/1864, Thống đốc De La Grandière ra ghị định mở thêm trường cao đẳng thông ngôn (Collège des Interprètes) và tổ chức thêm một số trường tiểu học ở các tỉnh để dạy chữ quốc ngữ...

Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam Kỳ Duperré ban hành nghị định coi chữ quốc ngữ La-tinh là chữ viết chính thức trong bộ máy công quyền của Pháp ở Nam Kỳ (écriture officielle) 10 . Ngày 17/3/1879, chính quyền thực dân cho thành lập Sở Giáo dục công cộng (Service de l’instruction publique) và ban hành chương trình giáo dục bậc tiểu học Pháp - Việt. Đến năm 1882, nhà cầm quyền Pháp lại ban hành nghị định bắt buộc các viên chức hành chính làm việc ở thôn, xã, tổng, huyện, phủ ở Nam Kỳ phải thông hiểu chữ quốc ngữ; tất cả giấy tờ như công văn, nghị định, quyết định, bản án, lệnh… đều phải viết bằng chữ Pháp hay quốc ngữ, chứ không được viết bằng chữ Hán. Từ đây, chữ quốc ngữ không chỉ là chữ viết chính thức trong hệ thống hành chính, mà còn có sự lan tỏa rộng rãi trong đời sống văn hóa - giáo dục của người dân.

Bước sang thế kỷ XX, chữ quốc ngữ phổ biến khá rộng khắp ở Việt Nam. Bộ mặt kinh tế, xã hội, văn hóa có nhiều thay đổi nhảy vọt so với thế kỷ trước. Rất đông trí thức tân học xuất hiện, trong đó nhiều người muốn sử dụng văn bút và mặt trận văn học, báo chí làm phương tiện tuyên truyền, cổ vũ tinh thần dân tộc, như trong phong trào vận động Duy Tân (1904-1908) và Việt Nam Quang Phục Hội (1912-1916). Ngược lại, chính quyền thuộc địa Pháp cũng muốn tiếp tục tận dụng phương tiện báo chí theo chiều hướng có lợi cho việc cai trị và khai thác thuộc địa nên càng nỗ lực hạn chế và cấm đoán các hành vi phản kháng trong giới văn báo bản xứ.

Bối cảnh lịch sử trên đây đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa – xã hội ở Sài Gòn - Chợ Lớn từ nửa cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, nổi bật là việc xuất bản - báo chí ra đời và phát triển, chữ quốc ngữ ngày càng phổ biến, hệ thống giáo dục Pháp – Việt hình thành, các hoạt động văn hóa nghệ thuật mang nhiều màu sắc mới. Những chuyển động xã hội đó đã trở thành không gian cho những hoạt động in ấn, xuất bản có điều kiện hình thành và tiến triển, đồng thời cũng tác động, chi phối đến loại hình, nội dung và chất lượng của những xuất bản phẩm đương thời.

CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH QUYỀN THỰC DÂN PHÁP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN, BÁO CHÍ (1861-1913)

Một cách tổng thể, việc áp dụng chính sách cai trị ở Đông Dương nói chung, Nam kỳ nói riêng, theo nguyên tắc thông dụng: “rất nhiều phụ thuộc, rất ít tự trị, một chút đồng hóa” [ 11 , p.64] chi phối phần lớn quan điểm của nền Đệ tam cộng hòa Pháp đối với các xứ thuộc địa. Song ở Nam kỳ, vùng đất chiếm được sớm nhất ở Đông Dương, sự bất nhất giữa khuynh hướng đồng hóa (assimilation) và khuynh hướng liên hiệp (assocation) làm cho các chính sách đồng hóa có phần thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Ngay từ năm 1861, khi Bonard tới Sài Gòn, vị Đô đốc đã chủ trương áp dụng ở đây một chế độ trực trị mềm dẻo dựa trên sự quy thuận của những người thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Ông viết cho Bộ trưởng Hải quân: “Sự cai trị của người bản xứ dưới sự kiểm soát của chúng ta, theo ý tôi là phương sách độc nhất để giải quyết vấn đề” [ 12 , tr.118-119]. Sử gia Prosper Cultru thì đánh giá: “lịch sử hành chính các thuộc địa của chúng ta cho thấy rằng kể từ những thời kỳ xa xưa nhất cho đến tận năm 1880, ngoại trừ thời Chính phủ tháng Bảy, học thuyết của Pháp là học thuyết về sự đồng hóa” [ 13 , tr.313]. Do đó, chủ trương này, tuy từng thời kỳ Thống đốc có sự điều chỉnh, song cơ bản là duy trì một đường hướng đồng hóa (cả trong chế độ võ quan lẫn thời kỳ các Thống đốc dân sự), nhằm tranh thủ tối đa tầng lớp thượng lưu, quan lại, địa chủ, trí thức… cho công cuộc thực dân. Le Myre de Vilers, Thống đốc dân sự đầu tiên của Nam kỳ, có quan điểm cụ thể hơn: “chúng ta có thể, với lợi thế, nới rộng lĩnh vực đại diện, và mở rộng sự hợp tác của các thành phần lấy trong dân chúng ra toàn bộ các vấn đề của thuộc địa” [ 13 , tr.314]. Theo G.Taboulet, chính sách trực trị và đồng hóa ở Nam kỳ mặc dù có thể có những hạn chế và sai lầm, song nó khiến cho xứ thuộc địa này mang một “sắc thái Pháp hóa” đặc trưng [ 14 , p.522].

Riêng đối với hoạt động in ấn, xuất bản, trong khoảng 20 năm sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862), chính quyền thực dân chưa có một văn bản pháp quy cụ thể để quản lý các hoạt động này, mặc dù họ đã sớm mang đến Nam kỳ máy in và cho xuất bản các tờ công báo. Theo luật của nước Pháp, cho đến trước năm 1870, nhà nước giữ độc quyền trong lĩnh vực in ấn, xuất bản sách báo. Nhưng từ năm 1870, dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, nước Pháp công nhận quyền tự do trong lĩnh vực này. Sắc lệnh (Décret) ngày 10/9/1870 của Napoléon III (1852-1870) quy định:

Điều 1: Nghề in và người bán sách được tự do.

Điều 2: Bất kỳ ai muốn thực hiện một hoặc các ngành nghề này sẽ buộc phải có một thông báo đơn giản gửi cho Bộ nội vụ (Ministère de l’Intérieur).

Điều 3. Tất cả các ấn phẩm đều phải ghi rõ tên nhà in [ 15 , p.289].

Như vậy, đến năm 1881, tất cả mọi công dân cư trú ở Nam kỳ, không kể người Pháp hay người Việt, đều có quyền được hưởng các quyền và nghĩa vụ của một công dân Pháp theo luật định. Từ đây, người Việt ở Nam kỳ có 2 loại: “công dân Pháp” (đã nhập tịch Pháp, “citoyen français”) và “thuộc dân Pháp” (chưa nhập tịch Pháp, “sujet français”). Trên thực tế, quyền lợi và thân phận pháp lý của hai loại dân này rất khác nhau.

Ngày 29/7/1881, Quốc hội Pháp thông qua luật Tự do báo chí xuất bản (Luật số 10.850: Loi sur la liberté de la Presse) [ 16 , p.125-139]. Ngày 12/9/1881, Quyền Thống đốc Nam kỳ ký lệnh công bố áp dụng luật Tự do báo chí ở Nam kỳ. Luật gồm 5 chương, 70 điều, được áp dụng “cho cả Algérie và các thuộc địa” (điều 69) . Điều 1 nêu rõ: “Việc in ấn và bán sách báo được tự do” (cả sách báo tiếng Pháp và tiếng Việt). Mặc dù vậy, “mọi ấn phẩm được công bố, trừ những loại tài liệu xã giao (de ville), hay những ấn phẩm lặt vặt (bilboquets), phải được ghi đầy đủ tên, địa chỉ người in (imprimeur), nếu không sẽ bị phạt từ 5 đến 15 francs” (điều 2). Trong chương 2 về các ấn phẩm định kỳ, đạo luật nêu rõ: “Tất cả các loại ấn phẩm, sách báo có thể được phát hành mà không cần sự cho phép trước và không cần ký quỹ tiền, sau khi đã khai đầy đủ thông tin theo điều 7” . Đạo luật tự do xuất bản/ báo chí ngày 29/7/1881 dành đến 2 chương với 38/70 điều (từ điều 23 đến điều 60) để quy định về các hành vi tội phạm và quy trình truy tố, xét xử trong hoạt động xuất bản, báo chí. Trong số đó, nổi bật là các hành vi “kích động tội phạm”, “chống lại nền cộng hòa”, “chống lại các cá nhân”,…

Luật tự do xuất bản, báo chí 1881 được đánh giá là một trong những đạo luật tiến bộ nhất thế giới trong lĩnh vực này tính đến thời điểm đó. Với chỉ 70 điều, song đạo luật này đã thay thế cho gần 300 điều luật của 42 văn bản pháp quy trước đó [ 17 , tr.77]. Mặc dù vậy, chính sách tự do xuất bản, báo chí đặt ra năm 1881 dựa trên hoàn cảnh thực tế của nước Pháp, không có nhiều ý nghĩa ở các thuộc địa.

Ngày 30/12/1898, chính quyền thực dân ban hành sắc lệnh quy định riêng về chế độ xuất bản báo chí áp dụng với thuộc địa Đông Dương. Sắc lệnh được ký bởi Tổng thống Pháp Félix Faure (1895-1899), được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký nghị định công bố ngày 30/1/1899.

Sắc lệnh ngày 30/12/1898 áp dụng cho cho toàn cõi Đông Dương, do vậy mang ý nghĩa sửa đổi luật Tự do xuất bản báo chí ngày 29/7/1881 đã áp dụng ở Nam kỳ từ năm 1881. Những điều khoản nào không bị sắc lệnh sửa đổi thì vẫn còn giá trị áp dụng tại Nam kỳ sau tháng 1/1899.

Sắc lệnh ngày 30/12/1898 có 9 điều, theo đó, “việc xuất bản tại Đông Dương tất cả những tờ báo in bằng quốc ngữ Việt Nam, bằng Hán ngữ hay bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài Pháp ngữ, phải có sự cho phép trước của quan Toàn quyền, sau khi Toàn quyền hội ý với Ban thường trực Hội đồng tối cao Đông Dương (Section permanente du Conseil supérieur de l’Indochine)” (điều 2). Như vậy, Toàn quyền Đông Dương có quyền cho phép hay không cho phép, gây khó dễ hay cấm chỉ các báo, ấn phẩm Việt ngữ và có quyền đưa ra truy tố những hành vi xuất bản chống Pháp ra Tòa Tiểu hình.

SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC NHÀ IN Ở SÀI GÒN – CHỢ LỚN (1861-1913)

Nhà in chính quyền

Ngày 8/6/1861, chuẩn đô đốc Louis-Adolphe Bonard được chỉ định thay thế phó đô đốc Léonard Charner làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Viễn Đông. Trước khi rời Paris, ngày 3/9/1861, ông giao cho thuyền trưởng Lavaissière de Lavergne, người xuất phát sau ông một tháng, chuẩn bị mọi thiết bị và phương tiện cần thiết để công cuộc bình định được thành công như như máy điện báo, máy in. Vì vậy, bốn người thợ vận hành máy in, cùng với các trang thiết bị cần thiết (như mực in, giấy, chữ chì Latinh…) tới Nam Kỳ trên con tàu của Lavaissière de Lavergne [ 18 p.343].

Nhà in là một trong những ưu tiên xây dựng để phục vụ cho công cuộc thực dân. “Một nhà thương, một khách sạn cho quan toàn quyền, những nhà ở cho quân đội, viên chức, nhà thờ và nhà in”, những công trình trên được Bonard thực hiện trong một năm rưỡi (tháng 11/1861 đến 30/4/1863). Ngay cuối năm 1861, nhà máy in đầu tiên, Imprimerie impériale (nhà in Hoàng gia), được thành lập để đáp ứng mọi công việc in ấn và đặc biệt là in các công báo của chính quyền. Nhà in được đặt tại góc đường Impériale (sau đổi tên thành Nationale, nay là đường Hai Bà Trưng) giao với đường Lucien Mossard (nay là đường Nguyễn Du). Đến năm 1873, nhà in Imprimerie Impériale được đổi tên thành Imprimerie nationale (giao cho tư nhân quản lý điều hành), Imprimerie gouvernement (Bản in nhà nước), Imprimerie coloniale… [ 8 , tr.614]. Sau sắc lệnh ngày 14/06/1904 của Toàn quyền Đông Dương, Nhà in Thuộc địa (Imprimerie coloniale) chính thức bị đóng cửa, mọi công việc in ấn được giao lại cho tư nhân. Cùng với đó, do ngân sách hạn hẹp hơn nên từ đây, chính quyền thuộc địa Pháp buộc phải ngừng cấp miễn phí rất nhiều đầu báo cho các địa phương, cơ sở hành chính nhà nước hay công chức cao cấp người Pháp.

Nguyễn Văn Trung cho biết: “Theo “Sách quan chế” của Huỳnh Tịnh Của (bản in nhà nước 1888) nhà in nhà nước in cho cả Đông Dương, các cơ quan địa phương trả tiền, nhưng vẫn hao hụt và nhà in chịu thiệt nên đề nghị quỹ Đông Dương phải chịu chung phí tổn. Không phải chỉ in những thứ của nhà nước, mà cũng in những thứ của tư nhân nữa… Lương thợ nhà in bằng lương một cử nhân luật như có người trong Hội đồng đã nhận xét; thế mà có người vẫn bất mãn, làm loạn và bị đuổi về Pháp” [ 8 , tr.614]. Còn trong các biên bản của Hội Đồng thuộc địa, chế độ lương bổng của nhân viên nhà in được cho biết như sau: Lương thợ in trả theo mặt bằng lương ở Pháp, cộng thêm phụ cấp thuộc địa, thâm niên. Chẳng hạn vào năm 1885, lương giám đốc là 1.698 đồng (kể cả ba khoản), người sắp chữ in 455đ20 + 145đ60, ba nhân viên người bản xứ hạng nhất 240đ mỗi người, 8 thợ hạng thương 144đ mỗi người, bảo vệ 120đ [ 19 , p.125-126].

Nhà in nhà thờ

Cùng với nhà in của chính quyền, nhà in do các giáo sĩ thành lập - trước hết là để in sách giáo lý, giáo luật - cũng sớm xuất hiện ở Sài Gòn.

Theo Louvet, người sáng lập ra Nhà in Nhà chung là linh mục Eveillard (Cha Sơn). Giữa năm 1862, thừa sai R.P. Éveillard (Cố Sơn) được giám mục Lefèbvre gọi về ài Gòn để phụ sự cho trường dạy chữ Latinh đang khởi lập [ 20 , p.358]. Từ năm 1865, Cha Sơn nhận thấy trong địa phận còn thiếu nhiều sách vở để giảng dạy cho học trò, nên đã tự mua lấy một máy in nhỏ và một số chữ chì cùng đồ phụ tùng từ Pháp rồi ra công dựng một nhà in nhỏ trong khuôn viên chủng viện (hiện nay là số 6 đường Đinh Tiên Hoàng). Khó khăn hơn cả là tìm ra thợ và nhất là đào tạo họ. Hai trẻ mồ côi 13 - 15 tuổi của nhà “Sainte Enfance” do mấy Dì phước trao cho là những người thợ tập sự đầu tiên của nhà in. Ông dùng kinh nghiệm của mình đồng thời học hỏi thêm từ các thợ in của nhà in Impériale để truyền dạy cho trẻ. Do kỹ thuật còn hạn chế, nên ấn phẩm in chưa nhiều, chủ yếu là sách vở phục vụ nội bộ. Năm 1874, Cha Sơn nhận lệnh về quản lý nhà thờ Tân Định. Ông cũng dời luôn nhà in ở trường Latinh về đó mà phát triển thành một nhà in sách lớn công giáo với chừng 30 thợ. Từ đây, nhà in Nhà chung (Imprimerie de la mission) hay quen gọi là nhà in Tân Định (số 289 đường Impériale) được củng cố và mở rộng việc in ấn cho tới năm 1943. Ban đầu, nhà in chỉ có hai máy in nhỏ, máy ép thủ công nên việc in sách vở rất khó khăn. Giấy phải thấm nước trước rồi phơi cho khô, xong đưa vào máy ép đã lăn mực trên khuôn, lần lượt hết tờ này đến tờ khác. Về sau, Cha Sơn mua thêm được một máy in lớn hơn song cũng phải quay tay. Thợ in tại đây cũng chính là các thầy dòng Thánh Phanxicô và những trẻ mồ côi được nhà thờ nhận nuôi rồi dạy cho nghề. Tại nhà in, có một Cha phó và một thầy giảng giúp cha Giám đốc coi sóc học trò. Nhà in nuôi những trẻ mồ côi, dạy cho biết nghề nghiệp, cũng là phương thức truyền dạy đạo. Khi lớn, các trẻ này được tự do lựa chọn, có thể rời nhà thờ hoặc ở lại làm việc ở nhà in [ 8 , tr.624-626].

Ngày 15/9/1883, Cha Sơn qua đời, mọi việc nhà in giao lại cho thừa sai Génibrel (Cha Thượng). Năm sau 1884, giám mục Colombert cử Cha Thượng làm chính Giám đốc nhà in địa phận thay cho Cố Sơn qua đời. Cha Thượng cũng có nhiều đóng góp trong việc mở rộng nhà in Tân Định. Trong vòng 30 năm (1884-1914), Cha Thượng đã mua thêm máy in mới và chữ chì để mở rộng quy mô và năng suất nhà in. Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong mô tả về nhà in Tân Định như sau:

“Nhà lầu thờ Đức Chúa Trời, tên kêu Tân Định thiệt nơi chỉnh tề.

Người trong họ, ở tư bề, nhà in Cha Thượng cất kề dựa bên.

Lập thành cơ chỉ vững bền, bán ra sách vở giúp nên các tràng” [ 21 , tr.39].

Trong suốt quá trình tồn tại (đến năm 1975), Nhà in Tân Định chuyên in sách bổn, sách học cho trường, các thứ tự điển, sách Phúc Âm, Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, sách Kinh và cả một tủ sách tu đức, đa số được dịch từ các tác phẩm nổi tiếng của châu Âu... Đây là một trong những cơ sở in ấn sớm nhất tại Sài Gòn.

Nhà in tư nhân

Ngoài nhà in của chính quyền thuộc địa và nhà in nhà thờ, nhà in tư nhân cũng sớm ra đời, phần lớn đều thuộc quyền sở hữu của người Pháp.

Sách Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đến năm 1913, ở Sài Gòn – Chợ Lớn có khoảng trên dưới 20 nhà in [ 22 , tr.414-416] . Dựa vào các mẫu quảng cáo hoặc các ấn phẩm được xuất bản, có thể tìm ra thông tin một số nhà in nổi bật thời kỳ này.

Nhà in thương mại Rey et Curiol ( Imprimerie commerciale Rey et Curiol ) là một trong những nhà in tư nhân hoạt động sớm nhất, có trụ sở tại số 4 đường d’Adran (nay là đường Hồ Tùng Mậu). Từ năm 1896, nhà in mở rộng và có cơ sở góc đường Catinat (Đồng Khởi) và đường d’Ormay (Mạc Thị Bưởi), ban đầu ở 62 đường Catinat. Về thời gian ra đời và hoạt động của nhà in, trên quảng cáo tờ Nam kỳ (nhật báo ra ngày thứ năm, in tại nhà in này) nhiều số năm 1897 ghi rõ “maison fondée en 1868” (nhà in thành lập từ năm 1868), và “lập ra hơn ba chục năm nay” 23 . Bản in Việt ngữ của nhà in cũng thường ghi “Bản in nhà hàng Rey et Curiol” ở cuối trang bìa. Từ năm 1892, trên ấn phẩm của nhà in này ghi thêm “Rey, Curiol et Cie”, cũng có khi là “Rey & Curiol Cie”, “Rey, Curiol & C ie ” hoặc “Rey & Curiol C ie ”, có thể do có lúc này nhà in đã phát triển một bước để trở thành “C ie ” ( C ie là viết tắt của compagnie , nghĩa là công ty ). Đến cuối năm 1898, báo Nam kỳ số 54 ra ngày 3/11/1898, đổi nhà in từ “Imprimerie Rey” (số 53 ra ngày 27/10/1898) sang “Imp. Claude et C ie ”. Nên có thể suy luận rằng nhà in Rey et Curiol đã đổi tên, đổi chủ từ cuối năm 1898. Chủ mới của nhà in là Claude Ardin (1864-1928), một chủ đồn điền cao su, ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, đại biểu sau này của Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ, thẩm phán tại tòa án thương mại. Từ năm 1898, trong một số bản in, nhà in này chỉ còn ghi “Imprimerie commerciale Rey”. Nhà in này in rất nhiều sách của Trương Minh Ký, một số của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Tập san của Hội nghiên cứu Đông Dương tại Sài Gòn (Bulletin de la Société des Études Indochinoises de Saigon). Đến đầu thế kỷ XX, trong nhiều bản in của nhà in này không còn tên “Rey” hay “Marcelin Rey” nữa mà chỉ còn Imprimerie commerciale . Về sau, nhà in này được biết đến với tên gọi của ông chủ: “Nhà in Ardin”. Có lẽ trong buổi đầu đổi chủ, Claude Ardin không muốn gây những hiểu lầm, xáo trộn không cần thiết nên vẫn giữ tên nhà in cũ, dần dà khi công chúng đã quen thì mới đổi hẳn. Tác giả Nguyễn Đức Hiệp cho biết thêm, vào đầu thế kỷ XX, “Ngay ở góc rue Catinat và rue d’Ormay là nhà in “Imprimerie commerciale”: địa chỉ “74-86 Catinat, M. Rey (Marcelin) imprimerie commerciale ” và “60-64 d’Ormay, Rey Imprimerie commerciale depot ”. Nhà sách và nhà in của ông Marcelin Rey in đủ các loại sách, các quảng cáo thương mại kể cả các sách viết bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Khmer” [ 24 , tr.48].

Trong những năm đầu thế kỷ XX, trên thị trường sách báo Sài Gòn, người ta thấy xuất hiện rất nhiều ấn phẩm của Nhà in Ménard et Legros (Imprimerie Commerciale Ménard & Legros khoảng những năm 1900-1904) và Ménard et Rey (Imprimerie Commerciale Ménard et Rey), khoảng những năm 1904-1905). Tra cứu trong Niên giám Đông Dương năm 1906, chúng tôi được biết địa chỉ của nhà in Ménard et Rey trùng với địa chỉ của Imprimerie commerciale Rey (số 76-86 đường Catinat) [ 25 , p.532]. Riêng Ménard & Legros không tìm thấy thông tin trong niên giám (chỉ có Ménard là chủ nhà in và bán giấy ở đường Catinat, không tìm thấy Legros) [ 26 , p.719, 721]. Do vậy, có thể từ đầu thế kỷ XX, nhà in do M. Rey sáng lập đã có thêm sự góp vốn (hoặc đổi chủ) bởi Ménard và Legros, do vậy mà tên của họ xuất hiện trong các ấn phẩm.

Nhà in do người Việt cũng ra đời rất sớm, đầu tiên có lẽ là nhà in Phát Toán, có địa chỉ ở số 55-57 đường d’Ormay, do ông Đinh Thái Sơn (Nguyên Văn Toán) thành lập vào năm 1879 [ 27 , p.154] . Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa thì: “Đinh Thái Sơn quê gốc ở Nghệ An vào Nam thuở nhỏ. Cha mẹ theo đạo Thiên Chúa đã nhiều đời. Ông xuất thân học nghề đóng sách tại nhà in Thánh đường họ Tân Định… Nhà sách Phát Toán ở đường d’Ormay, về sau ông nhường cho bạn là ông Joseph Nguyễn Văn Viết, ngày nay còn phát đạt và ở y chỗ cũ. Đinh Thái Sơn tách ra hùn vốn với ông Lê Phát An, có ông Lê Văn Nghi làm đại diện, mở ba căn “Ấn thơ cuộc” tại đường Catinat số 157 và dịch hai chữ “Đồng Hiệp” ra tiếng Pháp lấy hiệu “Imprimerie de l’Union”. Về sau, nhà in “de l’Union” sang tên cho ông Nguyễn Văn Của, từng dưới làm nhà sách, trên lầu cho mướn phòng ngủ. Sau rốt nhà in de’l’Union từ 157 đường Catinat, dời qua nhà mới tạo ở gần trường học Taberd, ngó mặt qua hông Sở Bưu điện chánh” [ 28 , tr.244-245].

Năm 1911, sự thành công của Đinh Thái Sơn được ghi nhận khi ông được triều đình nhà Nguyễn ban tặng “ Kim khánh nhứt diện” . Báo Nông Cổ mín đàm đăng lại bài phát biểu của Nguyễn Chánh Sắt và “Ông Ba Lê”, ca ngợi Đinh Thái Sơn: “… ông Đinh Thái Sơn là người thất học, mà rèn luyện bền chí, lao khổ kiệm cần, tự lập ngày nay thành một nhà in rộng lớn, tuy không hơn song chả kém các nhà in của người ngoại quốc hay bổn xứ, thợ thầy đông, nghề nghiệp giỏi, trong tiệm có sắm đủ các máy lớn nhỏ, các thứ chữ Tây - Nam mỗi ngày lãnh in nhựt báo và thơ tuồng, truyện sách cùng là sổ bộ giấy tờ cho nhiều Sở, nhiều Ty, càng ngày càng không ngớt việc nổi tiếng xa gần, cho nên triều đình Đại Nam mới thưởng Kim Khánh như vậy” 29 .

Nhà in thương mại C. Guilland et Martinon ( Imprimerie commerciale C. Guilland et Martinon ) cũng được thành lập khá sớm. Dựa trên các ấn phẩm còn lưu giữa được, có thể nhà in này hoạt động trong những năm 1881-1886. Cũng như nhà in Rey và Curiol, chủ nhà in là hai người, C. Guilland và Martinon. Bản in quốc ngữ của nhà in C. Guilland et Martinon thường có chữ “Bản in Nhà hàng C. Guilland et Martinon” ở cuối trang bìa. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm thấy thông tin cá nhân của hai người này. Nhà in Guilland et Martinon in rất nhiều sách của Trương Vĩnh Ký như Trương Lương tùng Xích tòng tử du phú – 1881 ; Huấn nữ ca (Đặng Huy Trứ, Trương Vĩnh Ký dịch) – 1882 ; Cổ Gia Định phong cảnh vịnh – 1882; Gia Định thất thủ vịnh – 1882; Thơ dạy làm dâu – 1882; Bất cượng chớ cượng làm chi – 1882; Nữ tắc – 1882; Grammaire de la langue Annamite – 1883; Bài hịch con quạ - 1883; Học trò khó phú – 1883; Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca – 1884; Phú bần truyện diễn ca – 1885; Kiếp phong trần – 1885; Sách tập nói chuyện tiếng An Nam và tiếng Langsa – 1885… Sau năm 1886, không tìm thấy ấn phẩm của nhà in này nữa.

Nhà in Claude et C ie (1889-1905) do Louis-Jean Claude làm chủ. Ông sinh ngày 26/10/1858 tại Paris. Năm 1882, ông làm thợ đánh chữ tại Imprimerie Nationale, rồi từ năm 1884 làm giám đốc phó trong nhà in của chính quyền Nam kỳ. Ngày 1/2/1889, ông chính thức thành lập nhà in thương mại mang tên mình. Louis-Jean Claude tham gia Hội nghiên cứu Đông Dương (1889), sáng lập tờ Cochinchinois (1889-1891) và trở thành Uỷ viên hội đồng thành phố Sài Gòn (1892-1901), rồi thị trưởng Thành phố vào năm 1903. Năm 1893, nhà in mở rộng hoạt động bán sách và dụng cụ văn phòng ở số 115 đường Catinat, có cả chi nhánh ở Pnom-Penh và đại diện ở Paris [ 30 , tr.335]. Từ ngày 15/8/1895, ông mở rộng nhà in Claude để trở thành công ty liên danh (Co-propriétaire de Claude & C ie ), nhà in kiêm nhà xuất bản sách [ 31 , p.580-591] 32 . Nhà in có trụ sở tại 119-121-125-127-129 đường Catinat. Càng về sau, Claude tham gia càng nhiều vào các hoạt động chính trị (Hội đồng thuộc địa), nên hoạt động trong lĩnh vực xuất bản dần mờ nhạt. Từ năm 1895, Claude & C ie cộng tác với nhiều nhà tư bản khác trong đó có F. Coudurier và Montegout, những người sẽ tiếp quản nhà in Claude et C ie để trở thành nhà in Coudurier et Montégout từ năm 1905 đến 1917 (hay còn gọi là nhà in Nouvelle ) [ 33 , p.471] 34 .

Tác giả Nguyễn Đức Hiệp cho biết thêm chi tiết: “Theo niên giám Đông Dương từ 1906 đến 1910, thì ông F. Coudurier và Montégout là chủ nhà sách và nhà in (imprimeurs libraries) ở số 119 đến 129 Catinat. Trước đó vào năm 1905, thì cơ sở in và nhà sách này vẫn còn là của công ty của ông Claude (“Claude et C ie ”). Năm 1906, nhà in “Coudurier et Montégout” in cuốn sách hướng dẫn về Sài Gòn “Saïgon-Souvenir” của L.I.. Cuốn sách này rất có ích cho những ai muốn tìm hiểu về sinh hoạt Sài Gòn đầu thế kỷ XX. Sau đó, theo niên giám 1912, ông Portail thay thế ông F. Coudurier và ông Montégout (“ancienne maison Coudurier et Montégout”). Đến năm 1924 thì ông A. Portail dời đến số 171-173-175 rue Catinat. Đây chính là tiền thân của nhà sách Xuân Thu ngày nay. Nhà in của ông Portail đã in nhiều sách của các tác giả sống ở Sài Gòn, như quyển tiểu thuyết “L’Âme de Cochinchine” của Albert Viviès, và các Niên giám Đông Dương như niên giám các năm 1933, 1934” [ 24 , tr.52-53].

Albert-Antonin Portail (1881-1961) sinh ngày 5/7/1881 tại Vichy, miền Trung nước Pháp. Portail đến Sài Gòn ngày 13/4/1905 và làm việc tại nhà in Ménard et Rey . Năm 1908, Portail tiếp quản nhà in Ménard et Rey. Năm 1910, ông mua lại Imprimerie nouvelle Coudurier & Montegout, bao gồm cả xưởng in và một hiệu sách nhỏ ở 109 đường Catinat. Từ năm 1912, Albert Portail chính thức lấy tên mình đặt cho tên nhà in mới. Để cạnh tranh và mở rộng quy mô kinh doanh, nhà in cũng dời về số 177 đường Catinat rồi mở rộng dần thành 171-185 rue Catinat từ sau năm 1920 (Annuaire des entreprises coloniales, 1922). Năm 1914, nhà in có một xưởng lớn ở đường Rudyard Kipling (nay là đường Nguyễn Siêu) .

Nhà in Schneider cũng là một trong số những nhà in lớn ở Sài Gòn. Jean-François-Henri Schneider sinh tại Paris ngày 1/12/1851 và mất tại Athis-Mons ngày 31/5/1921, ông là người đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở Đông Dương. François-Henri Schneider đến Nam Kỳ vào khoảng tháng 08/1882 theo hợp đồng ký ba năm với Hải quân Pháp mà ông hình dung sẽ là một quãng thời gian dài đày ải. Chính Schneider cũng không nghĩ sẽ ở lại mảnh đất vùng Viễn Đông lâu đến như vậy. Cho tới khi nghỉ hưu trở về Pháp, vào đầu những năm 1920, ông đã sống và làm việc tại Đông Dương gần 40 năm.

Sau hơn một năm làm việc tại Nhà in Chính phủ (Imprimerie du Gouvernement), ông bị thuyên chuyển theo nhà in này ra Hà Nội để thành lập một nhà in mới vào cuối năm 1883, mang tên Nhà in Bảo hộ (Imprimerie du Protectorat). Năm 1885, ông cùng với người anh là Ernest Hippolyte Schneider (1843-1913) và ông Louis Gallois, đứng ra mở nhà in tư nhân riêng tại Hà Nội, lấy tên là Nhà in Viễn Đông (Imprimerie d'Extrême-Orient, gọi tắt là IDEO). Tới năm 1909, trong tổng số bảy nhà in tư nhân tại Bắc Kỳ, F. H. Schneider sở hữu hai nhà máy lớn nhất, tại Hà Nội và Hải Phòng và một nhà máy sản xuất giấy. Sau nhiều năm gây dựng cơ nghiệp tại Bắc Kỳ, Schneider có ý định mở rộng thị trường tại miền Nam. Được sự hậu thuẫn của chính quyền, ông mua lại tờ Lục tỉnh tân văn từ Pierre-Jeantet Sombsthay và nhận được một khoản trợ cấp hàng năm từ chính phủ, giống như những tờ báo ông xuất bản tại Bắc Kỳ.

Công việc làm ăn phát đạt ở Bắc kỳ, từ năm 1906, nhà in mở chi nhánh ở Sài Gòn. Theo Niên giám Đông Dương 1908, Schneider có 4 cơ sở kinh doanh ở Sài Gòn:

- Schneider (F.-H.), nhà in sách, số 132 đường Catinat;

- Schneider (F.-H.), nhà bán sách và văn phòng phẩn, place du Théâtre (Quảng trường Nhà hát lớn Sài Gòn);

- Schneider (F.-H.), nhà in, số 22 đường Kerlan (nay là đường Lê Văn Hưu).

Nguyễn Đức Hiệp mô tả: “Tầng dưới của khách sạn [Continental], theo Niên giám Đông Dương từ năm 1907 đến 1910 là nhà sách của ông F.H Schneider. Chính ông Schneider là người đã sáng lập ra tờ “Lục Tỉnh Tân Văn” năm 1907 mà chủ bút là ông Trần Chánh Chiếu. Ông Schneider cũng đứng tên là chủ của khách sạn và cơ sở Minh Tân ở số 4-6 đường Krantz (nay là đường Hàm Nghi). Năm 1911, ông dọn khỏi khách sạn Continental đến số 22 đường Kerlan, năm 1912 đến 15 đường Chasseloup-Laubat (1912) và cuối cùng năm 1914, 1915 ở số 2 đường Kerlan và số 7 Boulevard Norodom (trụ sở báo “Lục Tỉnh Tân Văn”, ra thứ 5 mỗi tuần). Sau khi Trần Chánh Chiếu bị bắt vào năm 1908 và giam năm 1917, “Lục Tỉnh Tân Văn” bị rút giấy phép và có lẽ ông Schneider cũng bị chút rắc rối với chính quyền… Ông F.H. Schneider là người Pháp cởi mở tiến bộ, nhưng anh rể ông, Henry Chavigny de Lachevrotière, lại là một thực dân bảo thủ. Ông F.H Schneider về sau còn thiết lập cơ sở in ở Hà Nội, in các tập san nghiên cứu của trường Viễn Đông Bác Cổ, và nhiều sách nghiên cứu về Đông Dương (Cam Bốt, Lào và Việt Nam). Ông giúp Nguyễn Văn Vĩnh học nghề in, xuất bản và quảng cáo và cùng với Nguyễn Văn Vĩnh lập ra nhà in “Phổ Thông Giáo khoa Thư xã”. Quyển tiểu thuyết lịch sử đầu tiên trong văn học chữ quốc ngữ Việt Nam “Phan Yên ngoại sử, tiết phụ gian truân” của Trương Duy Toản (người trong phong trào Minh Tân) cũng do nhà in Schneider in năm 1910” [ 24 , tr.62].

Không phổ biến và hoạt động sôi nổi như các nhà in thương mại, nhưng một số nhà in riêng của các tờ báo cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất bản vào đầu thế kỷ XX. Nổi bật nhất là nhà in của tờ L’Opinion (1898-1939) do Lucien Héloury sáng lập; từ năm 1916, báo có thêm bản Việt ngữ là tờ Công luận báo (1916-1939). Trước thế chiến thứ nhất, L’Opinion là một trong những tờ báo tiếng Pháp chủ lực ở Nam kỳ với sức tiêu thụ khoảng 1.200 bản/số. Báo có trụ sở tại số 13-15 đường Catinat . Nhà in của báo này ngoài in tờ L’Opinion còn nhận in sách và một số tờ báo khác (như Nông cổ mín đàm ).

Ngoài các nhà in lớn trên đây, còn có các nhà in tương đối nhỏ, vừa là cơ sở in, đóng sách và bán sách 35 .

Bên cạnh một số nhà in xác định rõ chức năng là “imprimerie”, “imprimeur”, còn có một số “nhà sách”, “nhà biên tập” xuất hiện ở Sài Gòn có những hoạt động tương tự như một nhà xuất bản. Họ tổ chức việc biên tập và in ấn nhiều sách, song với số lượng hạn chế bằng kỹ thuật in ronéo. Có thể kể tới một số nhà sách tiêu biểu xuất hiện khá sớm như: Joseph Linage, Libraire – édireur 36 ; B. Gastaldy, éditeur; Editeur Renoux (hiệu thuốc Tây kiêm nhà xuất bản) v.v. [ 8 , tr.615].

MỘT SỐ NHẬT XÉT

Ở Nam kỳ nói chung, Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng, cho đến trước năm 1898, hoạt động xuất bản chưa bị ràng buộc bởi yêu cầu “xin phép trước” và kiểm duyệt, do vậy, việc in ấn tương đối tự do. Mặc dù vậy, do hạn chế về mặt kỹ thuật (thiếu máy in, thợ in) và cũng bị quản lý chặt dưới chế độ quân quản, hoạt động xuất bản chưa phát triển và chỉ phổ biến trong lĩnh vực hành chính. Từ năm 1870 trở đi, việc xuất bản trở nên thông dụng hơn với sự ra đời của các nhà in tư nhân và đặc biệt là của báo chí tư nhân.

Trên thực tế, sắc lệnh ngày 10/9/1870 không có tác động nhiều đến thuộc địa Nam kỳ vì cho đến năm 1870, nhà nước vẫn giữ độc quyền trong lĩnh vực in ấn, xuất bản, không có nhà tư bản nào đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều phiêu lưu này. Từ sau năm 1870, nhà in Impériale do nhà cầm quyền bảo trợ chuyển thành nhà in Imprimerie Nationale , rồi được bán đấu giá cho các nhà tư bản thực dân (1873) [ 22 , tr.413].

Đến trước năm 1899, dù không có quy định chính thức nào đối với người đại diện quản lý các tờ báo, song thực tế là hầu hết các tờ báo (mà chủ yếu là công báo) đều do người Pháp đại diện quản lý. Việc này cũng dễ hiểu vì ngoài lý do rào cản ngôn ngữ (hầu hết là báo trong buổi đầu của công cuộc thực dân đều là báo tiếng Pháp), thật khó để tin tưởng giao phó cho một người bản xứ nào đó. Tờ báo đầu tiên phát hành ở Sài Gòn năm 1861 là Bulletin Officiel de l’expedition de la Cochinchine (BOEC, Bản tin chính thức của đoàn quân viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ), do đích thân chuẩn đô đốc Louis Adolphe Bonard làm chủ báo. Những tờ công báo sau đó ( Le Bulletin des Communes (Công báo làng xã) bằng Hán ngữ, phát hành năm 1862; Bulletin officiel de la Cochinchine française (BOCF, Công báo Nam Kỳ thuộc Pháp), phát hành năm 1863) cũng tương tự. Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín), phát hành năm 1864 do Gaston Amelot quản lý (từ năm 1899 thì giao lại cho Paul Blanchuy). Gia Định báo, từ số đầu ra ngày 15/4/1865 đến ngày 16/9/1869 do Ernest Potteaux điều hành trước khi bàn giao lại cho Trương Vĩnh Ký, từ 16/9/1869 đến 29/11/1873) [ 37 , tr.47-56].

Đến đầu thế kỷ XX, ngoài các công báo Pháp ngữ do nhà cầm quyền lập ra, còn có sự xuất hiện của các ấn phẩm định kỳ chuyên về một lĩnh vực nào đó. Hầu hết các ấn phẩm này có sự hậu thuẫn của chính quyền nên được tự do trong xuất bản. Luật Tự do xuất bản báo chí 1881 nhanh chóng bị “điều chỉnh bổ sung” bởi một sắc lệnh Tổng thống Pháp có hiệu lực áp dụng ở Đông Dương. Theo đó, từ năm 1899, việc xuất bản ở Nam kỳ phải được xin phép trước, trong điều kiện rất ngặt nghèo và thường không được giải thích lý do. Có thể thấy, điều 2 sắc lệnh ngày 30/12/1898 quy định việc “phải xin phép trước” mới được xuất bản báo và các ấn phẩm định kỳ, song lại không quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình cấp phép nào. Điều này có thể được hiểu là cách mà chính quyền thực dân tạo ra quy định để Toàn quyền Đông Dương có thêm quyền tùy nghi cấp phép cho hoạt động xuất bản. Do vậy, trên thực tế, những quy định của sắc lệnh ngày 30/12/1898 đã tước bỏ các quyền “tự do” xuất bản báo chí ở Đông Dương cho dù về nguyên tắc chính quyền thuộc địa vẫn áp dụng đạo luật 29/7/1881. Dưới góc nhìn pháp lý, có thể thấy rằng, sự ra đời của sắc lệnh ngày 30/12/1898 là văn bản quy phạm pháp luật vi viến, vì một sắc lệnh (décret) do Tổng thống Pháp ban hành không thể phủ định hoặc sửa đổi một đạo luật (loi) do Quốc hội thông qua.

Sự ra đời của sắc lệnh ngày 30/12/1898 do vậy là một biểu hiện cụ thể của “chế độ ra các sắc lệnh” được thực hiện phổ biến ở Đông Dương cho đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Nó cũng cho thấy một chính sách nhất quán của chính quyền thuộc địa ở Nam kỳ nói riêng, Đông Dương nói chung là cố gắng siết chặt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Bùi Đức Tịnh nhận xét: “Trong hệ thống trấn án của guồng máy cai trị thực dân, những biện pháp dành cho Nam kỳ, đến một giới hạn nào đó, giữ vai trò của một chỗ xả hơi an toàn, về văn học cũng như ở các lĩnh vực chính trị và xã hội” [ 38 , tr.15]. Còn Phan Bội Châu thì mô tả thực trạng xin phép và kiểm duyệt báo chí trong Việt Nam vong quốc sử (1905): “Báo tiếng Pháp do người Pháp nắm quyền điều khiển… Báo tiếng Việt, cũng do người Pháp làm chủ tịch, nhưng người Việt Nam được phân công tham dự. Tuy nhiên chúng chỉ chọn những phần tử nào vô liêm sỉ, hễ được tiền là coi nhà cầm quyền Pháp như thiên thần, như cha mẹ, hễ cầm đến bút là ca tụng người Pháp… Khi kiểm duyệt mà bài báo được Tây vênh râu khen “tốt! tốt!” thì mới cho đăng. Trái lại nếu hơi có một lời nào phỉ báng chính sách hiện thời, hoặc tỏ vẻ bi phẫn về thời sự, thì dù lời văn trôi chảy, ý văn hùng hồn, nửa chữ cũng chẳng dám cho lên mặt báo. Báo chí mà như vậy, phải chăng là khóa miệng lưỡi, bưng tai bịt mắt mọi người!” [ 39 , tr.69-70]

Cùng với sự ra đời của báo chí, sự xuất hiện các nhà in cũng hình thành một hình thức công bố mới của các tác phẩm văn học. Từ nửa sau thế kỷ XIX đến thập niên đầu thế kỷ của thế kỷ XX, nhiều thể loại văn học, chủ yếu là bằng quốc ngữ đã được phổ biến thông qua in ấn, xuất bản. Các ấn phẩm này, hoặc được in trong các ấn phẩm báo chí ( Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Nam kỳ nhựt trình, Nông cổ mím đàm, Lục tỉnh tân văn ), hoặc in riêng tại các nhà in. Các ấn phẩm không phải báo chí thường do các nhà in tự quyết định và chịu trách nhiệm, chưa phải xin phép trước và sẽ bị “hậu kiểm” nếu có. Đây là giai đoạn các nhà in đồng thời kiêm nhiệm vai trò của các nhà xuất bản. Mặc dù tương đối tự do, song trong buổi đầu còn nhiều mới mẻ, cùng với đó là sự hạn chế số lượng của các nhà in, nên các ấn phẩm văn học thời kỳ này cũng chưa nhiều và phổ biến.

KẾT LUẬN

Hoạt động in ấn, xuất bản ở Việt Nam cho đến trước khi có sự hiện diện của chủ nghĩa thực dân mặc dù không phải hoàn toàn xa lạ với đời sống xã hội, song có thể nói, sự ra đời của các nhà in (với cả sự tiến bộ về kỹ thuật in ấn lẫn tác động xã hội của nó) ở Nam kỳ, trước hết là ở Sài Gòn – Chợ Lớn, thật sự là một biểu hiện cụ thể về sự tác động của quá trình “thực dân hóa” trong đời sống xã hội, có thể đã vượt xa mục đích và mong đợi của nhà cầm quyền. Có thể nói giai đoạn từ khi có sự hiện diện của tờ công báo đầu tiên 1861 cho đến năm 1913 là giai đoạn chuyển tiếp và khởi lập của hoạt động xuất bản ở Nam kỳ nói chung và Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng. Sự “khởi lập” đó không chỉ là sự mở đầu đón nhận và tham gia của người dân Sài Gòn – Chợ Lớn vào một hoạt động xã hội hoàn toàn mới mẻ, mà còn là sự thử nghiệm từng bước các chính sách quản lý của chính quyền thực dân đối với hoạt động này. Những thay đổi trong chủ trương của Albert Sarraut từ năm 1913 về sau có thể được xem là bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự phân tách giữa hai đoạn trong hoạt động xuất bản, báo chí ở Đông Dương nói chung, Nam kỳ và Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng. Chính những hoạt động sôi nổi và đa dạng của các nhà in, toà soạn báo, nhà báo, văn nghệ sĩ… giai đoạn trước năm 1913 ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã góp phần tạo nên một không gian đô thị mới mẻ, sôi động, dễ dàng tiếp nhận cái mới, cái khác biệt, là môi trường thuận lợi cho sự ra đời của các phong trào dân tộc - dân chủ với nhiều sắc thái đa dạng trong các giai đoạn tiếp sau.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số “C2022-18b-09”.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả bài viết là người trực tiếp sưu tầm tư liệu có liên quan đến nội dung bài viết, hình thành ý tưởng, viết bài và chỉnh sửa hoàn thiện bài viết.

References

  1. Lãng T. Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển hạ). Sài Gòn NXB Trình Bầy. 1967. . ;:. Google Scholar
  2. Bulletin officiel de la Cochinchine française 1869 (No.1 - No.12). Hồ sơ số J.361. Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  3. Bulletin officiel de la Cochinchine française 1879 (No.1 - No.12). Hồ sơ số J.371. Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  4. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Sách chỉ dẫn các phông và sưu tập lưu trữ bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 2016. . ;:. Google Scholar
  5. Quốc DK. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918). Hà Nội NXB Giáo Dục. 1999. . ;:. Google Scholar
  6. Bulletin officiel de la Cochinchine française 1877 (No.1 - No.12). Hồ sơ số J.369. Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  7. Bouchot J. Documents pour servir à l'histoire de Saigon 1859 à 1865. Imp Albert Portail, Saigon; 1927. . ;:. Google Scholar
  8. Trung NV. Hồ sơ về Lục châu học - Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng quốc ngữ ở miền Nam từ 1865-1930. Thành Phố Hồ Chí Minh NXB Trẻ. 2015. . ;:. Google Scholar
  9. Báu PT. Nền giáo dục Việt - Pháp (1861-1945). Hà Nội NXB Khoa Học Xã Hội. 2015. . ;:. Google Scholar
  10. Đình NT. Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698-2020), tập 1 (1698-1945). Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; 2022. . ;:. Google Scholar
  11. Grimal H. La décolonisation, 1919-1963. Paris: A. Colin; 1965. . ;:. Google Scholar
  12. Anh NT. Việt Nam thời Pháp đô hộ. Hà Nội NXB Văn Học. 2008. . ;:. Google Scholar
  13. Cultru P. Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp (từ sơ khởi đến năm 1883). Hà Nội NXB Thế Giới. 2021. . ;:. Google Scholar
  14. Taboulet G. Le geste français en Indochine - Histoire par les textes de la France en Indochine des origines à 1914. tome 2. Paris: Adrien-Maisonneuve Editeur; 1956. . ;:. Google Scholar
  15. Napoléon bacqua de la Barthe et Paul Dupont. Bulletin annoté des lois et décrets tome 23. Paris: imprimerie et librairie administratives de Paul Dupont. 1870. . ;:. Google Scholar
  16. République française. Bulletin des lois de la République Française tome 12. Paris: imprimerie national; 1882. . ;:. Google Scholar
  17. Albert P. Lịch sử báo chí. Hà Nội NXB Thế Giới. 2003. . ;:. Google Scholar
  18. Lê TH. Le Viêt Nam, un pays francophone atypique: regard sur l'emprise française sur l'évolution littéraire et journalistique au Viêt Nam depuis la première moitié du XXe siècle. Doc Hist Fr Lang Etr Ou Seconde. 2008;40-41. Paris: Société Internationale pour l'Histoire du Français Langue Étrangère ou Secondetr. . ;:. Google Scholar
  19. Gòn S. Procès-verbaux du Conseil Colonial (session ordinaire 1885-1886. Imprimerie coloniale. Tài liệu lưu trữ Thư viện Quốc gia Pháp. . ;:. Google Scholar
  20. Louvet LE. La Cochinchine religieuse. tome II. Paris: Challamel Hiné; 1885. . ;:. Google Scholar
  21. Phong NL. Nam kỳ Phong tục nhơn vật diễn ca (cuốn 1). [Saigon: nhà in phát toán]; 1919. . ;:. Google Scholar
  22. Giàu TV, Đằng TB, Bình NC. Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập 2: Văn học. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 1988. . ;:. Google Scholar
  23. Nam kỳ nhựt trình. số ra ngày 21/10/1897. . ;:. Google Scholar
  24. Hiệp NĐ. Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Văn hóa - văn nghệ. 2016. . ;:. Google Scholar
  25. Annuaire général de l'indo-Chine Française 1906. Hồ sơ số NV.517. [Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II]. . ;:. Google Scholar
  26. Annuaire général de l'indo-Chine Française 1901. Hồ sơ số NV.515. [Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II]. . ;:. Google Scholar
  27. Gòn S. Procès-verbaux du Conseil Colonial (session ordinaire de 1909. Imprimerie commerciale Marcellin Rey. Tài liệu lưu trữ Thư viện Quốc gia Pháp. . ;:. Google Scholar
  28. Sển VH. Sài Gòn năm xưa. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 2016. . ;:. Google Scholar
  29. Nông cổ mín đàm. số ra ngày 7-11-1911. . ;:. Google Scholar
  30. Hiệp NĐ. Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ canh tân 1875-1925. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Văn hóa - văn nghệ. 2019. . ;:. Google Scholar
  31. Bulletin officiel de l'Indochine française année 1903. Hồ sơ số J.299. Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  32. Báo Gia Định. số ra ngày 15-6-1897. . ;:. Google Scholar
  33. Annuaire illustré de la Cochinchine 1905. Sài gòn: Claude et Cie libraires-éditeurs. Tài liệu lưu trữ Thư viện Quốc gia Pháp. . ;:. Google Scholar
  34. Lacroix-Sommé L, Dickson RJ, Burtschy AJ. Indochine adresses 1933-1934. Saigon: Imprimerie Albert Portail; 1933. . ;:. Google Scholar
  35. Bibliotheca Indosinica CH (volumé 4). Paris: Imprimerie Nationale. 1933. . ;:. Google Scholar
  36. Hiệp NĐ. Sài Gòn - Chợ Lớn thể thao và báo chí trước 1945. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Văn hóa Văn nghệ. 2016. . ;:. Google Scholar
  37. Nhiều tác giả. Gia Định báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Văn hóa - Văn nghệ. 2017. . ;:. Google Scholar
  38. Tịnh BĐ. Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 1992. . ;:. Google Scholar
  39. Châu PB. Việt Nam vong quốc sử. Nguyễn Quang Tô Dịch. Sài Gòn: Tao Đàn xuất bản. 1969. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 2051-2062
Published: Jun 30, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.858

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Dương, T. (2023). Printing and publishing in Saigon – Cho Lon (1861-1913). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(2), 2051-2062. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.858

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 797 times
PDF   = 408 times
XML   = 0 times
Total   = 408 times