VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Commentaries

HTML

248

Total

113

Share

Utilisation of the CDIO framework on specialised subjects with EMI-based design at the Faculty of Journalism and Communication






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In the world in general and in Vietnam in particular, English as Medium of Instruction (EMI) for students not majoring in foreign languages has attracted much attention due to the trend of international integration. However, this implementation is still facing certain language barriers, so the efficiency of lecture delivery is not as expected. Thus, to purge such limitations and enhance students’ performance in EMI-based classes, the article suggests the CDIO framework and its application in curricular activities as a prominent approach. The comparative method was used to study the case of the Faculty of Journalism and Communication, the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, specifically in the two EMI-based subjects, namely English for Journalism (2017 program) and English for Journalism 1 (2022 program applying the CDIO framework). The research results show that the application of the CDIO framework in the EMI-based subject teaching process has a significant impact on students' knowledge acquisition, in which the professional qualifications and foreign language ability of lecturers are optimized. At the same time, teaching methods, class organization, and assessment also have a positive impact on the acquisition process.

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh quốc tế hoá chương trình đại học, các cơ sở giáo dục đại học trong nước đã và đang nỗ lực thực hiện thiết kế các môn học chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh. Theo đó, việc sử dụng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy các môn học chuyên ngành (English as medium of instruction (EMI)) là xu hướng được giới khoa học trong và ngoài nước đặc biệt lưu tâm nghiên cứu. Các môn học chuyên ngành được thiết kế theo EMI có những đặc trưng riêng do yêu cầu về kỹ năng, kiến thức Anh ngữ thường thức, Anh ngữ học thuật và chuyên môn khác nhau nhằm đáp ứng hoạt động dạy và học diễn ra hiệu quả. Tuy được rất nhiều kỳ vọng, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra các môn học chuyên ngành thiết kế theo EMI bộc lộ nhiều hạn chế như khả năng tiếng Anh của sinh viên và giảng viên kém sẽ làm suy giảm đáng kể chất lượng đào tạo của môn học 1 , 2 .

Tương tự tại Việt Nam, tuy các môn học chuyên ngành thiết kế theo EMI nằm trong định hướng chiến lược cần tăng cường trong các cơ sở giáo dục đại học 3 nhưng quy trình thực hiện vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như khả năng truyền đạt bằng tiếng Anh của giảng viên 4 , khả năng tiếp thu và lĩnh hội tri thức của sinh viên 5 . Thông qua phân tích trường hợp Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM), là đơn vị đang ứng dụng mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate) xuyên suốt chương trình đào tạo hệ cử nhân, bao gồm các môn chuyên ngành báo chí và truyền thông được thiết kế theo EMI, bài viết đưa ra mô hình CDIO như một đề xuất khả dĩ nhằm giảm thiểu những trở ngại nêu trên của các môn học chuyên ngành được thiết kế theo hướng tiếp cận này.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

LÝ LUẬN

Xét trên phương diện chuyên môn, về bản chất, mô hình CDIO được thiết kế để đào tạo kỹ sư cơ khí và sinh viên theo học lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật cơ khí vốn đòi hỏi phải có sản phẩm đầu ra hoặc hệ thống sản phẩm cụ thể 6 . Tuy nhiên, với đặc thù ngành báo chí và truyền thông là ngành đào tạo chuyên môn để sinh viên sau khi ra trường có khả năng làm báo và tác nghiệp truyền thông trong bối cảnh thực tế xã hội, tức cũng sản xuất những sản phẩm cụ thể ứng dụng nền tảng kỹ thuật công nghệ, mô hình CDIO là mô hình thích hợp để áp dụng xuyên suốt chương trình đào tạo do được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra và trải nghiệm thực tiễn để đánh giá năng lực 6 .

Xét về thuật ngữ, do thuộc nhóm ngành đào tạo nghiệp vụ, các môn học chuyên ngành ở Khoa nếu đào tạo bằng ngoại ngữ thì EMI là hướng tiếp cận phù hợp. Theo đó, khái niệm về EMI sẽ được hiểu là “việc sử dụng tiếng Anh để giảng dạy các môn học chuyên ngành ở các quốc gia mà ngôn ngữ thứ nhất không phải là tiếng Anh” [ 7 , tr.4].

Ở đây, mô hình CDIO sẽ được ứng dụng trong môn học chuyên ngành thiết kế theo EMI như Figure 1 minh hoạ. Xét về cơ chế tổng thể, sinh viên sẽ tiếp nhận kiến thức chuyên ngành qua hướng dẫn của giảng viên bằng tiếng Anh và hình thành ý tưởng theo yêu cầu của đồ án môn học (conceive); phác thảo, thiết kế mô hình và thực hành giao tiếp tiếng Anh qua các kỹ năng liên cá nhân như thảo luận, phân bổ công việc cho các thành viên (design); sử dụng Anh ngữ và kỹ năng chuyên môn để tạo nội dung cho sản phẩm (implement); và qua kỹ năng cá nhân như trình bày, phản biện để vận hành sản phẩm (operate).

Cụ thể, môn Tiếng Anh Báo chí 1 của Khoa là môn học chuyên ngành được thiết kế theo EMI ứng dụng mô hình CDIO. Môn học này có 3 mục tiêu tổng quát gồm (1) hiểu kiến thức cơ bản về dịch thuật trong lĩnh vực báo chí, vai trò của dịch thuật trong trong hoạt động báo chí, phân loại nội dung báo chí và quy trình dịch thuật báo chí Anh - Việt; (2) xác định văn phong phù hợp với loại hình báo chí cụ thể để tiến hành dịch thuật; và (3) thực hiện dịch thuật với lĩnh vực báo chí đã tìm hiểu, nghiên cứu phù hợp với đạo đức và nguyên tắc trong dịch thuật. Để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu này, môn học phải trang bị cho sinh viên các trường phái dịch thuật phù hợp trong môi trường báo chí (kiến thức chuyên ngành), chủ động lập kế hoạch làm việc và định dạng bài viết theo đội ngũ làm báo (kỹ năng liên cá nhân), áp dụng thuần thục các lý thuyết dịch thuật để dịch tin và biên tập ấn phẩm báo chí phù hợp với yêu cầu của toà soạn mô phỏng (kỹ năng chuyên môn), và làm tỉnh táo viên – góp ý và phản biện trước khi xuất bản chính thức (kỹ năng cá nhân).

Theo đó, khi ứng dụng mô hình, môn học được chia làm bốn giai đoạn tương ứng. Với giai đoạn đầu tiên (Conceive – Design), các trường phái lý thuyết dịch thuật trong lĩnh vực báo chí, quy trình dịch, và văn phong của từng thể loại báo chí (kiến thức chuyên ngành) được giảng giải thông qua việc giảng viên trình bày yêu cầu sản phẩm kết thúc môn (website báo điện tử) nhằm giúp sinh viên lên ý tưởng nội dung chuyên mục (Conceive) và hình dung khái quát cấu trúc của ấn phẩm (Design). Sau đó, sinh viên chia nhóm, phân công nhân sự (kỹ năng liên cá nhân) để lập các toà soạn mô phỏng (Design) phụ trách thiết kế, dàn trang ấn phẩm với các thể loại được học dưới sự hướng dẫn của giảng viên về thao tác, quy trình, và kỹ năng tương ứng để thực hiện lập website (Implement). Trong giai đoạn tiếp theo (Implement – Operate), dưới sự phân công của toà soạn mô phỏng, từng thành viên trong nhóm áp dụng lý thuyết dịch (kỹ năng chuyên môn) để chuyển ngữ tin bài dự kiến đăng lên website (Implement) và làm tỉnh táo viên (kỹ năng chuyên môn) biên tập toàn bộ các bài dịch của trang báo (Operate). Ở giai đoạn thứ tư (Operate – Conceive), sau khi sinh viên hoàn thiện website (Operate), giảng viên góp ý, đánh giá và nhận xét dựa trên các tiêu chí đã đề ra trong giai đoạn đầu để sinh viên rút kinh nghiệm, tự biên tập và duyệt bài lần nữa (kỹ năng cá nhân) để xuất ra phiên bản tốt hơn (Conceive).

Figure 1 . Sơ đồ ứng dụng mô hình CDIO vào các môn học chuyên ngành theo EMI ở Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM (Nguồn: tác giả)

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu giữa môn Tiếng Anh Báo chí (chương trình 2017) được tổ chức học kỳ 1 năm học 2017-2018 và Tiếng Anh Báo chí 1 được thiết kế theo EMI áp dụng mô hình CDIO trong học kỳ 1 năm học 2022-2023 để phân tích khả năng khắc phục những hạn chế cho sinh viên Khoa đào tạo. Với tính chất đặc thù của đối tượng nghiên cứu, các biến sử dụng để đối chiếu là các thành tố điển hình trong việc đánh giá hiệu quả của môn học chuyên ngành thiết kế theo EMI. Các biến bao gồm 6 thành tố: ngôn ngữ giảng dạy, trình độ chuyên môn của giảng viên, khả năng ngoại ngữ của giảng viên, trình độ ngoại ngữ của sinh viên, phương pháp giảng dạy và tổ chức lớp học, và phương pháp kiểm tra đánh giá.

Phương pháp nghiên cứu tài liệu cũng được sử dụng để thu thập, tổng hợp các thông tin liên quan đến cơ sở lý thuyết về mô hình CDIO và các kết quả nghiên cứu về giảng dạy môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh cũng như dữ liệu sinh viên, thông tin môn học và chương trình đào tạo ở đơn vị.

Theo đó, môn Tiếng Anh Báo chí (chương trình 2017) là môn học chuyên ngành thiết kế theo EMI sử dụng phương pháp thuyết giảng để truyền tải kiến thức chuyên môn và đánh giá tổng kết (bài thi giấy (giữa kỳ) và thuyết trình (cuối kỳ)) làm hình thức kiểm tra đánh giá.

Môn Tiếng Anh Báo chí 1 (chương trình 2022) là môn học chuyên ngành thiết kế theo EMI áp dụng mô hình CDIO. Do đó, để thực hiện toàn bộ 4 giai đoạn trong mô hình, môn học sử dụng phương pháp thuyết giảng tích hợp thực hành để truyền tải kiến thức chuyên môn và sử dụng hình thức đánh giá quá trình (formative assessment) – quá trình thực hiện website, kết hợp hình thức đánh giá tổng kết (summative assessment) - chất lượng website theo tiêu chí đánh giá đã công bố.

Qua dữ liệu thu thập được từ sinh viên của Khoa ở các niên khoá tương ứng, bài viết xác định những yếu tố tác động chủ chốt đến khả năng tiếp thu kiến thức và đưa ra kết luận về hiệu quả của mô hình CDIO lên các môn học chuyên ngành thiết kế theo EMI có khắc phục được những bất cập trong giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Theo tổng quan các tài liệu thu thập được, có thể đưa ra một số nhận định về thực trạng ứng dụng mô hình CDIO tại đơn vị. Cụ thể, hướng tiếp cận CDIO đã đưa ra chuẩn mực tân tiến và mang tính thực tiễn cao trong đào tạo đối với Khoa Báo chí và Truyền thông, với quan điểm chủ đạo là “lấy năng lực nghề nghiệp làm trung tâm” [ 8 , tr.290]. Đây là giá trị cốt lõi mà giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo báo chí – truyền thông nói riêng cần thỏa mãn do sự tác động biện chứng của bối cảnh thực tiễn và các bên liên quan, gồm nhà tuyển dụng (tòa soạn, công ty truyền thông, doanh nghiệp, ...) – vốn ngày càng cần nhân sự có trình độ cao về ngoại ngữ, nơi đào tạo (trường đại học, cao đẳng, trường nghề, ...) và sinh viên – đối tượng chủ động lĩnh hội tri thức và vận dụng năng lực để đáp ứng nhu cầu chuyên môn. Với hướng tiếp cận này, sinh viên là minh chứng cho hiệu quả đào tạo và phản ánh nhu cầu của xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực này.

Tuy Khoa Báo chí và Truyền thông bắt đầu thiết kế chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO vào năm 2015 nhưng đến năm 2017 các học phần module tiếng Anh vẫn giữ định hướng chủ đạo là lấy người học làm trung tâm, tập trung chủ yếu phát triển năng lực tiếng Anh dựa trên nhu cầu và trình độ hiện tại của sinh viên. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này bộc lộ hai khuyết điểm chính: chưa có tính kết nối với chương trình đào tạo chung của Khoa và tính cô lập về tri thức. Theo đó, các môn tiếng Anh từ học phần 1 đến học phần 7 trong chương trình chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là cải thiện năng lực tiếng Anh cho sinh viên, ngoài ra không có tác dụng bổ trợ để hoàn thành các học phần chuyên môn khác hay là một phương tiện tất yếu để tác nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc các môn tiếng Anh ở thời điểm này không có tính liên ngành và tính tích hợp cao, tạo tâm lý bị động trong tư duy của sinh viên về việc học ngoại ngữ (tiếng Anh chỉ sử dụng để học môn này). Trong khi đó, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là yếu tố cốt lõi ở cả hai lĩnh vực báo chí và truyền thông trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và có thể giúp sinh viên lĩnh hội tri thức và vận dụng kỹ năng được đào tạo một cách chủ động, từ năm 2018 đến năm 2021, các học phần module tiếng Anh của Khoa (gồm các học phần tiếng Anh tổng quát và tiếng Anh chuyên ngành) được tái cơ cấu và thiết kế theo hướng tiếp cận CDIO, chú trọng vào sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện bằng tiếng Anh 9 . Từ 2022, để đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa chương trình đào tạo, cụ thể là sử dụng tiếng Anh để giảng dạy các môn chuyên ngành theo EMI như xu thế tất yếu trong giáo dục đại học, ứng dụng mô hình CDIO cho thấy những ưu thế nổi trội do kiến thức, ngôn ngữ, kỹ năng chuyên môn, và thái độ nghề nghiệp đều được kết nối chặt chẽ.

Sau khi thu thập và xử lý dữ liệu, kết quả khảo sát của môn Tiếng Anh Báo chí (chương trình 2017) được biểu thị trong Figure 2Figure 3 .

Figure 2 . Các yếu tố tác động đến việc tiếp thu kiến thức của sinh viên trong môn Tiếng Anh Báo chí (không ứng dụng mô hình CDIO) (Nguồn: Tác giả)

Theo đó, ngôn ngữ giảng dạy, trình độ ngoại ngữ của sinh viên, và phương pháp đánh giá (thi giấy, kiểm tra từ vựng, thuyết trình) không phải là thành tố tác động nổi trội đến quá trình tiếp thu kiến thức của sinh viên trong môn học (trung bình 54,1% tổng lượt phản hồi ở 3 biến trên cho thấy các thành tố này là bình thường). Tuy nhiên, khi xét đến phương pháp giảng dạy và tổ chức lớp học, có thể thấy việc sử dụng phương pháp thuyết giảng là phương pháp chính để truyền tải kiến thức có xu hướng cản trở khả năng tiếp thu của sinh viên. Trong đó, chỉ 37,5% phản hồi là bình thường nhưng có 25% phản hồi cho rằng việc tổ chức lớp học với cách giảng dạy như vậy là bất lợi trong quá trình tiếp thu kiến thức và 12,5% cho rằng rất bất lợi. Vì vậy, tuy trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ của giảng viên có tác động nhưng không đáng kể nhưng cũng không hẳn có thể hoàn toàn giúp sinh viên tiếp thu hiệu quả kiến thức chuyên môn (tổng lượng phản hồi bất lợi và rất bất lợi ở từng biến này đều chiếm từ 33,34%). Như vậy, có thể thấy những bất cập trong môn học này thiết kế theo EMI ở đây vẫn chưa được giải quyết, điển hình là rào cản ngôn ngữ hạn chế khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên.

Xét về việc khắc chế những bất cập trên, môn Tiếng Anh Báo chí 1 (ứng dụng mô hình CDIO) có những chuyển biến tích cực.

Đối chiếu với kết quả biểu thị trong Figure 3 , với môn Tiếng Anh Báo chí 1 (ứng dụng mô hình CDIO), có sự tiến triển theo hướng tích cực về tác động của phương pháp giảng dạy và tổ chức lớp học đối với việc tiếp thu kiến thức của sinh viên. Theo đó, 41,9% phản hồi là thuận lợi và 25,8% cho rằng việc kết hợp thuyết giảng, thảo luận và thực hành xuyên suốt 4 giai đoạn của mô hình là rất thuận lợi trong quá trình tiếp thu kiến thức.

Ở giai đoạn 1, Conceive – Design: khi học về các trường phái lý thuyết dịch, thay vì thuyết giảng và giới thiệu các lý thuyết liên quan, sinh viên được tiếp cận lý thuyết qua việc trải nghiệm thao tác chuyển ngữ cho các tình huống văn bản mô phỏng với sự hướng dẫn của giảng viên. Hoạt động này giúp sinh viên tập trung và nắm rõ các khái niệm lý thuyết do chính sinh viên tự thực hiện quy trình (Conceive). Từ đó, giảng viên tổng hợp và đúc kết các khái niệm và thông qua các yêu cầu đánh giá kết thúc môn để triển khai ấn phẩm (Design). Vì sinh viên đã có trải nghiệm tự thân ở hoạt động trước nên việc giảng viên đúc kết thuận tiện hơn, hạn chế đáng kể rào cản ngôn ngữ.

Ở giai đoạn 2, Design – Implement: khi học đến các thể loại báo chí và kỹ thuật chuyển ngữ tương ứng, sinh viên thay vì chỉ nghe thuyết giảng và thảo luận để tiếp thu kiến thức thì được phân công vị trí mô phỏng công tác biên tập trong toà soạn mô phỏng (Design) để tiến hành công tác chuyển ngữ cho từng dạng tin bài tại lớp (Implement). Giảng viên trong giai đoạn này đóng vai trò quan sát, hỗ trợ, và góp ý cho thành phẩm của sinh viên quy trình dịch và văn phong các thể loại báo chí. Giai đoạn này giúp sinh viên làm quen với các thao tác chuyên môn và vị trí công việc đảm nhận, từ thực tế mô phỏng này sinh viên có thể ứng dụng lý thuyết bám sát với thực tiễn chuyên môn.

Trong giai đoạn 3, Implement – Operate: sinh viên trong nhóm đã phân công ở những giai đoạn trước sẽ tiến hành chuyển ngữ tin tức theo thiết kế các nhóm đã thống nhất ý tưởng (Implement) và biên tập, dàn trang, kiểm duyệt tin bài trước khi đăng tải lên website (Operate). Giảng viên lúc này đóng vai trò đánh giá và thẩm định chất lượng website theo các tiêu chí đánh giá của môn học. Giai đoạn này giúp sinh viên áp dụng toàn bộ những thao tác, kỹ thuật và kiến thức chuyên môn đã học vào sản phẩm của mình, đồng thời củng cố được lượng kiến thức qua thẩm định và đánh giá của giảng viên.

Qua giai đoạn 4, Operate – Conceive: sinh viên thay vì thụ động tiếp nhận ý kiến từ giảng viên thì sẽ có cơ hội tự biên tập và kiểm duyệt lần nữa để rút kinh nghiệm và đề xuất những phiên bản tốt hơn (Operate). Giai đoạn này giúp sinh viên tự liên hệ và xâu chuỗi toàn bộ quá trình thực hiện sản phẩm và kiến thức tích luỹ trong suốt môn học để rút kinh nghiệm cho bản thân cũng như củng cố hệ thống lý thuyết và áp dụng thực tiễn khi thực hành chuyển ngữ và sản xuất tin tức (Conceive).

Với cách thức tổ chức lớp học như vậy, phương pháp đánh giá trong môn học này (xoay quanh đánh giá quá trình thực hiện sản phẩm và chất lượng sản phẩm) cũng có tác động liên đới tương ứng với hơn 45% phản hồi là thuận lợi và 22,58% phản hồi rất thuận lợi trong việc tiếp nhận tri thức.

Do mô hình CDIO đòi hỏi phải gắn liền nội dung lý thuyết với sản phẩm trực quan nên sinh viên có thể thông qua minh hoạ trực quan cùng với giảng giải của giảng viên để vượt qua rào cản ngôn ngữ để nắm vững kiến thức chuyên môn. Nói cách khác, mô hình CDIO giúp trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ của giảng viên tạo được kết nối tốt hơn trong quá trình tiếp thu kiến thức của sinh viên. Điều này có thể thấy rất rõ qua phản hồi của sinh viên ở hai biến này với hơn 93% tổng lượt phản hồi là thuận lợi và rất thuận lợi ở từng biến. Như vậy, khi áp dụng mô hình CDIO trong trường hợp này, những bất cập trong môn chuyên ngành thiết kế theo EMI, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ giữa giảng viên và sinh viên được giải quyết hiệu quả. Qua đó, mô hình CDIO giúp môn học thiết kế theo EMI này có tính ứng dụng cao, liên kết tốt với khả năng ngoại ngữ mà ít bị cản trở bởi rào cản ngoại ngữ thuần tuý (do có minh hoạ từ sản phẩm trực quan giúp sinh viên hiểu và vận dụng được kiến thức đồng thời tiếp nhận thông tin bằng tiếng Anh - cải thiện khả năng tiếng Anh (kỹ năng nghe hiểu), tình huống thực hiện, hay các hoạt động học tập khác trong môn học, áp dụng nội dung vào thực tiễn chuyên môn).

Figure 3 . Các yếu tố tác động đến việc tiếp thu kiến thức của sinh viên trong môn Tiếng Anh Báo chí 1 (ứng dụng mô hình CDIO) (Nguồn: Tác giả)

KẾT LUẬN

Thông qua phân tích trường hợp môn Tiếng Anh Báo chí (chương trình 2017) và Tiếng Anh Báo chí 1 (chương trình 2022) ở Khoa, nghiên cứu đã cung cấp một góc nhìn cụ thể về tác động của mô hình CDIO lên hoạt động dạy và học môn học chuyên ngành thiết kế theo EMI. Qua đó, có thể thấy mô hình có tác động cải thiện khả năng tiếp nhận kiến thức môn học ở sinh viên và giảm thiểu đáng kể những bất cập cố hữu của các môn chuyên ngành thiết kế theo EMI như rào cản ngoại ngữ thông qua sự kết nối chặt chẽ giữa lý thuyết và sản phẩm minh hoạ trực quan (thể hiện qua phương pháp giảng dạy, tổ chức lớp học, và phương thức đánh giá). Qua đó, kiến thức chuyên môn mà giảng viên muốn truyền tải bằng tiếng Anh (thể hiện ở trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ của giảng viên) cũng được sinh viên tiếp thu thuận lợi hơn mà không đòi hỏi sinh viên phải có năng lực ngoại ngữ thật sự xuất sắc (thể hiện ở ngôn ngữ giảng dạy và trình độ ngoại ngữ của sinh viên).

Về triển vọng nghiên cứu trong tương lai, nghiên cứu này có thể được sử dụng để mở ra hướng nghiên cứu đánh giá hiệu quả của mô hình CDIO khi áp dụng ở tầm vĩ mô như toàn bộ chương trình đào tạo của một ngành hoặc khi áp dụng cho các môn học chuyên ngành được giảng dạy bằng một ngoại ngữ khác không phải là tiếng Anh.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông cùng sinh viên của Khoa đã luôn sẵn lòng chia sẻ và đã hết mực tạo điều kiện trong quá trình tác giả thực hiện bài viết.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CDIO: create – design – implement – operate: sáng tạo – thiết kế – thực hiện – vận hành

EMI: English as a medium of instruction: sử dụng tiếng Anh để giảng dạy môn chuyên ngành

ĐH KHXH&NV: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chi Minh

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Để thực hiện bài báo này, tác giả tự mình thu thập tư liệu về mô hình đào tạo theo khung CDIO, chương trình môn học chuyên ngành sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy (các môn học chuyên ngành theo EMI) từ đó làm sáng tỏ những ưu điểm, xác định những hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục trong việc ứng dụng mô hình CDIO vào các môn học chuyên ngành theo EMI trong lĩnh vực đào tạo báo chí và truyền thông.

References

  1. De Wit H. Internationalization misconceptions. IHE. [trích ngày 17 tháng 3 năm; 2023]. . 2011;0(64):. Google Scholar
  2. Toh G. English as medium of instruction in Japanese higher education: presumption, mirage or bluff? The Netherlands: Palgrave Macmillan; 2016. . ;:. Google Scholar
  3. Thủ tướng Chính Phủ. Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày. p. 2017-25 [internet]; 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn. Thủ Tướng Chính Phủ. [trích ngày 17 tháng 3 năm; 2023]. . ;:. Google Scholar
  4. Tran NT, Tran TBT, Bien TTM. An Exploration of the Factors Hindering Students' Lesson Comprehension in EMI Classes. Int J Engl Lang Lit Stud. 2020;2(3):29-42. . ;:. Google Scholar
  5. Do MH, Le TDL. Content lecturers' challenges in EMI classroom. Eur J Engl Lang Teach. 2017;2(1):1-21. . ;:. Google Scholar
  6. Chalmers University of Technology. What is a CDIO-based education? [internet]. Gothenburg: Chalmers Tekniska högskola; [trích ngày 8 tháng 2 năm 2023]. . ;:. Google Scholar
  7. Dearden J. English as a medium of instruction - a growing global phenomenon [internet]. British Council. p. 1-34 [trích ngày 18 tháng 3 năm 2023]; 2014. . ;:. Google Scholar
  8. Thông HV. Vận dụng quan điểm đào tạo "lấy năng lực nghề nghiệp làm truing tâm" thông qua cách tiếp cận CDIO trong đào tạo bậc đại học lĩnh vực báo chí và truyền thông. In: Le TTT, editor. Báo chí và Truyền thông, Những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại, Tp. Hồ chí Minh: NXB ĐHQG-HCM; 2020. p. 289-98. . ;:. Google Scholar
  9. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình đào tạo chi tiết ngành báo chí hệ chất lượng cao [internet]. Thành phố Hồ Chí Minh: Khoa Báo chí và Truyền thông. Available from: https://hcmussh.edu.vn/fjc/dai-hoc [trích ngày 8 tháng 2 năm; 2023]. . 2021;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 2036-2042
Published: Jun 30, 2023
Section: Commentaries
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.856

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Lam, B. C. (2023). Utilisation of the CDIO framework on specialised subjects with EMI-based design at the Faculty of Journalism and Communication. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(2), 2036-2042. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.856

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 248 times
PDF   = 113 times
XML   = 0 times
Total   = 113 times