VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

224

Total

150

Share

The capital and the role of the cultural capital in family education and in the human resources development in the Mekong Delta






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Family education is an important education and the first socialized environment, which is closely related to the existence and development of human beings. Families not only shoulder the task of personality education and cultural value transmission, but also play an important role in influencing the perception of their children's future education and careers, and developing human resources for the society. Although Vietnamese families in the Mekong Delta share a common cultural pattern, their perception and practices of education vary by social groups. In fact, families with higher cultural, social, and economic capital naturally have an advantage in family education. The article shows that the cultural capital plays an important role in the education of Vietnamese families in the Mekong Delta region, contributing to shape the human values that need to be realized in the process of socialization. Advantages of different types of capital, especially the cultural capital, make the difference in education among families. The power of the cultural capital in the family helps individuals to be oriented and motivated to develop their abilities according to the family’s goal. However, the research also shows individuals’ important role in final educational outcomes. The education results in the Mekong Delta, in addition to being influenced by different types of capital, also show individuals’ imprint and effort in perception and action.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đa dạng về nguồn gốc, nghề nghiệp, kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng,... nên khi nghiên cứu văn hóa giáo dục trong gia đình, ta có thể nhìn nhận, ngoài đặc tính thống nhất chung thể hiện qua các khuôn mẫu hành vi tương đồng (do cùng chịu ảnh hưởng của khuôn mẫu văn hóa), thì mỗi gia đình còn mang trong mình vốn văn hóa, vốn kinh tế, vốn xã hội và vốn biểu trưng riêng. Sự tích lũy về vốn khác nhau và việc tham gia vào các trường lực khác nhau dẫn đến việc hình thành tập tính không đồng nhất giữa các nhóm xã hội.

Nghiên cứu về vai trò và sự ảnh hưởng của các loại vốn, nhiều công trình nghiên cứu đã nhìn nhận vai trò của vốn kinh tế, vốn văn hóa đến giáo dục gia đình và đào tạo nguồn nhân lực. Nhấn mạnh yếu tố kinh tế trong giáo dục gia đình khi nghiên cứu bối cảnh gia đình và sự thành công của các sinh viên đại học ở Anh Crawford, Dearden, Micklewright và Vignoles đã chỉ ra rằng bối cảnh gia đình và sự thành công trong học vấn của con có mối quan hệ với nhau, theo đó, con cái thuộc các gia đình khá giả vào đại học nhiều hơn so với con cái thuộc những gia đình khó khăn 1 . Công trình Family Values: The Ethics of Parent-Child Relationships của Brighouse và Swift (2014) cũng nhấn mạnh rằng trẻ em sinh ra trong những gia đình khác nhau phải đối mặt với những triển vọng không bình đẳng 2 . Ở Việt Nam, các công trình của các tác giả như Lê Thi (1994), Behrman & Knowles (1999), Đặng Thị Hoa (2008), Trần Thị Kim Xuyến (2014), Nguyễn Văn Tiệp (2017) 3 , 4 , 5 , 6 , 7 … cũng đã chú ý đến ảnh hưởng của yếu tố kinh tế (thu nhập) và học vấn của cha mẹ đến việc giáo dục con cái, đặc biệt là giáo dục học vấn. Trong đó, Nguyễn Văn Tiệp sử dụng lý thuyết lựa chọn duy lý để lý giải sự lựa chọn của các gia đình ở ĐBSCL trong việc cho con học tiếp hay bỏ học giữa chừng. Theo tác giả, “khả năng kinh tế của gia đình ảnh hưởng lớn nhất đến học vấn của con, còn yếu tố nghề nghiệp, lứa tuổi, trình độ học vấn của cha mẹ chỉ ảnh hưởng đến nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục chứ không tác động nhiều lắm đến khả năng cho con ăn học” [ 7 , tr.88]. Như vậy, nghiên cứu của các tác giả đã cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế trong việc chi phối giáo dục học vấn của các gia đình ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, ngoài sự tác động của vốn kinh tế, vốn văn hoá cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư giáo dục.

Vận dụng quan niệm về các loại vốn của Pierre Bourdieu, chúng tôi tìm hiểu vai trò của vốn văn hóa trong giáo dục gia đình ở ĐBSCL thông qua các câu hỏi nghiên cứu sau: (1) Vốn văn hoá có vai trò như thế nào trong giáo dục gia đình ở ĐBSCL? Thế mạnh của vốn văn hóa tác động đến toàn bộ các phương diện của giáo dục gia đình hay chỉ trên một vài phương diện? (2) Ưu thế về vốn văn hóa tạo nên sự khác biệt trong giáo dục gia đình ở ĐBSCL như thế nào và ưu thế đó góp phần thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực so với các loại vốn khác ra sao? Để trả lời hai câu hỏi nghiên cứu trên, chúng tôi đặt ra hai giả thuyết nghiên cứu sau: (1) Vốn văn hóa đóng vai trò quan trọng trong giáo dục gia đình, góp phần ảnh hưởng toàn diện đến việc hình thành các giá trị liên quan đến cá nhân và giá trị liên quan đến gia đình, cộng đồng; (2) Ưu thế về vốn văn hóa tạo nên sự khác biệt trong giáo dục giữa các gia đình, thế mạnh về vốn văn hóa ở các gia đình là thế mạnh quan trọng, giúp các cá nhân có định hướng, có động lực để phát triển năng lực theo mục tiêu gia đình đề ra.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Về phương pháp nghiên cứu: bài viết chủ yếu dựa vào dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu định tính và định lượng. Dựa trên tiêu chí khảo sát của đề tài, các điểm nghiên cứu được chọn là nơi không có quá nhiều sự biến động về dân cư và chủ yếu là người Việt sinh sống, vì vậy trong 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL chúng tôi chọn 3 điểm nghiên cứu điển hình về mặt sinh thái, lịch sử văn hóa, xã hội gồm tỉnh Long An, thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau. Về chọn mẫu khảo sát định tính, chúng tôi chọn mẫu phân tầng và chọn mẫu định mức, với tổng cộng 48 cuộc phỏng vấn sâu hai nhóm ông bà, cha mẹ và con cái. Về phương pháp chọn mẫu định lượng, chúng tôi kết hợp chọn mẫu phân tầng và chọn mẫu phi xác suất chỉ tiêu, với tổng mẫu điều tra là 240 hộ gia đình. Khách thể nghiên cứu là các gia đình người Việt (ông bà, cha mẹ, con cái) ở ĐBSCL.

Về lý thuyết tiếp cận, chúng tôi sử dụng lý thuyết về các loại vốn của P.Bourdieu để trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu. Bourdieu cho rằng tập tính là cách thức thực hành và nhận thức về thực hành, nó thể hiện đặc trưng của mỗi nhóm xã hội, không tự nhiên mà có, mà được hình thành trong quá trình xã hội hóa ở các môi trường khác nhau: môi trường gia đình, môi trường trường học và môi trường xã hội. Sự khác nhau đó có thể được lý giải từ quá trình tích lũy vốn văn hóa - những tri thức mà cá nhân được học hỏi và hấp thụ qua giáo dục trong mỗi nhóm xã hội. Bourdieu đưa ra quan niệm về các loại vốn và theo ông, “vốn, dưới dạng khách thể hóa hoặc hiện thân của nó, cần có thời gian để tích lũy và có tiềm năng để tạo ra lợi nhuận và tự tái sản xuất” [ 8 , tr.241]. Các loại vốn bao gồm vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn xã hội và vốn biểu trưng. Trong đó, vốn kinh tế là nguồn lực kinh tế của cá nhân, vốn văn hóa bao gồm tri thức, kỹ năng, bằng cấp..., vốn xã hội gồm các quan hệ xã hội và vốn biểu trưng bao gồm cả ba loại vốn trên với sự thừa nhận của xã hội (uy tín). Các loại vốn có thể thể hiện ở nhiều dạng khác nhau và có sự chuyển đổi lẫn nhau [ 8 , tr. 242-243]. Trong các khái niệm vốn, theo Bourdieu, vốn văn hóa và vốn kinh tế là hai loại vốn quan trọng. Vốn văn hóa được Bourdieu đưa ra khi nghiên cứu về xã hội học giáo dục (1960), cụ thể là về sự phân tầng và bất bình đẳng trong giáo dục. Theo ông, có mối liên hệ giữa thành tích học tập và vốn văn hóa của gia đình (ở các nhóm xã hội khác nhau). Ông cho rằng thành tích học tập không đồng đều của trẻ em có nguồn gốc từ các tầng lớp xã hội khác nhau, và có liên quan với sự phân phối vốn văn hóa giữa các tầng lớp và thành phần giai cấp. Con em của các nhóm xã hội có vốn văn hóa cao sẽ dễ thích nghi hơn ở nhà trường và thành công hơn trong việc học. Bourdieu cho rằng, “có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa các thực hành văn hóa (hoặc các quan điểm tương ứng) với vốn học vấn (đo lường bằng trình độ) và với nguồn gốc xã hội (đo lường bằng nghề nghiệp của người cha)” [ 9 , tr.13]. Theo đó, những gia đình trí thức mạnh về vốn kinh tế/ vốn văn hóa/ vốn xã hội/ vốn biểu trưng có điều kiện nâng cao vị thế xã hội của con cái họ bằng cách đầu tư toàn diện cho giáo dục hơn các gia đình bình dân. Vận dụng quan niệm về các loại vốn của Bourdieu, chúng tôi tìm hiểu về các loại vốn, đặc biệt là vốn văn hóa của các gia đình người Việt ở ĐBSCL (thể hiện qua bằng cấp của cha mẹ, tri thức khoa học, tri thức kinh nghiệm, thái độ, phong cách sống, niềm tin về các giá trị cá nhân và giá trị cộng đồng, các chứng nhận gia đình hiếu học, gia đình văn hóa...) để lý giải vai trò của vốn văn hóa trong giáo dục gia đình. Chúng tôi tiến hành xem xét các loại vốn và tập tính ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hành giáo dục con cái, và xác định những gia đình có cùng vốn, cùng tập tính có hay không việc thực hiện hành vi giáo dục giống nhau.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Trường phái văn hóa và nhân cách của M. Mead, R. Benedict, v.v. đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của giáo dục trong quá trình dị biệt văn hóa. Những khác biệt văn hóa giữa các nhóm người có thể được giải thích phần lớn qua hệ thống giáo dục khác nhau vốn bao hàm trong đó các phương pháp nuôi dưỡng khác nhau từ nhóm này sang nhóm khác [ 10 , tr.106]. Tuy nhiên, ngoài tác động của yếu tố văn hóa chung, hình thành nên khuôn mẫu văn hóa, thì các gia đình với các bối cảnh khác nhau sẽ có những mục tiêu, phương pháp, nội dung… giáo dục không đồng nhất. Khi nghiên cứu văn hóa giáo dục của các gia đình người Việt tại ĐBSCL dưới góc độ tích lũy các loại vốn ở các nhóm xã hội khác nhau, chúng tôi nhận thấy giữa các nhóm xã hội có sự thống nhất và cả sự khác biệt trong giáo dục. Cụ thể:

Về mục tiêu giáo dục : Kết quả khảo sát và phỏng vấn sâu của chúng tôi cho thấy, giữa mục tiêu mong đợi và sự quan tâm của cha mẹ về các nội dung giáo dục có mối tương quan rất rõ. Cha mẹ quan tâm nhiều đến nội dung giáo dục nào thì mục tiêu mong đợi cũng tương ứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mục tiêu cao nhất mà gia đình mong muốn con đạt được là có đạo đức (61.7%), nghề nghiệp ổn định (19.2%), có trình độ học vấn cao (16.7%), có gia đình hạnh phúc (2.5%) như được thể hiện ở Figure 1 .

Figure 1 . Mục tiêu cao nhất khi con trưởng thành (Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả vào năm 2022)

So sánh các mục tiêu lựa chọn theo thứ tự ưu tiên trong tương quan với nghề nghiệp, trình độ học vấn và thu nhập của cha mẹ, chúng tôi nhận thấy, ngoài sự thống nhất trong phần trăm (%) lựa chọn giáo dục đạo đức là giáo dục hàng đầu, phân tích kiểm định cho thấy không có sự khác biệt về mặt thống kê nhìn trong tương quan trình độ học vấn/ nghề nghiệp/ thu nhập của cha mẹ. Sự khác biệt (không nhiều) trong kết quả khảo sát ở chỗ mong muốn trình độ học vấn cao có tỷ lệ % cao hơn ở cha mẹ có trình độ từ THCS trở lên, có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở lên. Các gia đình đều mong muốn con cái có được sự toàn diện về mặt đạo đức, trình độ học vấn, có công việc ổn định và gia đình hạnh phúc, nhưng ưu tiên nhất vẫn là đạo đức. Còn qua kết quả phỏng vấn sâu, nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của truyền thống gia đình (vốn văn hóa) trong việc nhìn nhận các giá trị và đặt mục tiêu cho giáo dục cho con cái. Các gia đình có vốn văn hóa cao, lại nằm trong dòng họ có vốn văn hóa cao thì có nhiều kỳ vọng hơn về tương lai của con cái. Con cái của các gia đình này cũng nhìn các gương hiếu học, gương đạo đức trong dòng họ để phấn đấu, hình thành tập tính hiếu học. Đặt nhận thức về giáo dục con cái trong trường lực dòng họ, các gia đình, dòng họ hiếu học, sẽ có mục tiêu giáo dục cao hơn gia đình bình thường. Ngoài ra, mục tiêu giáo dục cũng có sự khác nhau giữa gia đình Tây Nam Bộ cố cựu (sống ở ĐBSCL lâu năm, khoảng trên 5 đời) và gia đình di dân mới từ Bắc Bộ, Trung Bộ đến Nam Bộ (mới di cư đến ĐBSCL khoảng giữa TK XX đến nay). Đối với các gia đình gốc Trung Bộ, Bắc Bộ mới di cư đến Nam Bộ gần đây (từ bốn đời trở lại) mà chúng tôi phỏng vấn (chủ yếu ở hai địa bàn là Trần Văn Thời – nơi có nhiều gia đình gốc Trung Bộ và Bình Thủy – nơi nhiều gia đình gốc Bắc Bộ), mục tiêu trình độ học vấn cho con cái của họ không chỉ là học đến cấp ba mà phải học đến đại học, và ra trường sẽ vào làm cho các cơ quan nhà nước để ổn định: “ Anh ấn tượng cái này nè, bố mẹ nói một câu mà tới giờ anh vẫn còn tâm đắc, thà bố mẹ khổ chứ không để con cái khổ, mà con cái không muốn khổ thì con cái phải cố gắng học, học để sau này thoát ly làm công nhân, xí nghiệp, nhà nước cho nhàn, cho sướng bản thân, tới giờ này anh chị của anh chỉ có một người đi làm ruộng thôi, còn đâu là đi làm ngoài hết ” (ông T.V.P, 53 tuổi, viên chức, gia đình gốc Bắc Bộ, Phong Điền), hay: “Bằng mọi giá phải động viên cho nó học, nếu mà cô như người ta là con nhỏ lớp 9 nó nghỉ rồi, lúc đó khó khăn lắm, nó thấy khó khăn quá nói mẹ thôi con về, kêu không, ráng ở đi con” (V.T.U, 59 tuổi, nông dân, gia đình gốc Trung Bộ, Trần Văn Thời). Đối với những gia đình này, chúng tôi thấy họ đặt mục tiêu rất rõ ràng cho con và khá cứng rắn để rèn con hướng tới mục tiêu của mình. Điều này cũng cho thấy sự khác biệt trong nhận thức về giáo dục và mục tiêu đặt ra trong giáo dục giữa các gia đình có nguồn gốc khác nhau.

Như vậy, trên thực tế, có sự khác biệt về mục tiêu giáo dục ở các gia đình nhìn từ sự tích lũy các loại vốn, đặc biệt khi xét mục tiêu trình độ học vấn của con cái: các gia đình trí thức đặt mục tiêu cao hơn gia đình bình dân (kết quả khảo sát về việc cho con học lên cao, các gia đình có trình độ học vấn cao hầu hết đều muốn cho con học ở trình độ từ Cao đẳng trở lên, còn cho con học hết lớp 9 chỉ ở các gia đình có trình độ học vấn thấp từ cấp 2 trở xuống); gia đình gốc miền Trung, miền Bắc đặt nhiều kỳ vọng vào con hơn gia đình miền Nam (theo kết quả phỏng vấn sâu, mục tiêu của các gia đình này là con cái bắt buộc phải học đến đại học); gia đình có điều kiện kinh tế tốt cũng có những mong muốn cao hơn dành cho con cái của họ vì họ có đủ điều kiện kinh tế để cho phép đạt được mục tiêu đề ra (tỷ lệ % mong muốn con có trình độ học vấn cao nhất đạt 37.5% ở các gia đình có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng và 5.8% ở các gia đình có thu nhập dưới 3.5 triệu đồng/tháng). Quá trình nhận thức và định hình mục tiêu của cha mẹ được xem xét từ khoảng cách điểm xuất phát và mục tiêu (giữa hiện thực học vấn của cha mẹ với mong đợi học vấn dành cho con cái của họ). Bởi theo Bourdieu, tham vọng nên được đo lường không phải theo nơi cuối cùng đi tới (dự định cuối cùng) mà phải theo kích thước hố ngăn cách giữa điểm xuất phát với mục tiêu. Các mức tham vọng, cũng như các mức quan tâm của cha mẹ, có thể phản ánh không phải các giá trị văn hóa, mà những hoàn cảnh vật chất con người đang sống [ 11 , tr.298]. Cha mẹ có trình độ học vấn cao luôn đặt mục tiêu học hành của con cao hơn so với cha mẹ có học vấn thấp. Con cái lấy mốc học vấn của cha mẹ (điểm xuất phát) làm nền tảng để phấn đấu (mục tiêu) cho bản thân. Như vậy, vai trò của vốn văn hóa trong việc đặt mục tiêu giáo dục đã được chứng minh rõ qua kết quả nghiên cứu. Mục tiêu giáo dục là kim chỉ nam để các gia đình thực hành giáo dục.

Đầu tư cho giáo dục là cách thức hiện thực hóa mục tiêu giáo dục. Việc chú trọng đầu tư tri thức, đầu tư học vấn đã được các gia đình người Việt ĐBSCL quan tâm hơn so với trước kia. Hiện nay, ngoài việc học chính khóa, nhiều gia đình người Việt ở ĐBSCL rất quan tâm, đầu tư cho con cái học các lớp ngoại khóa, đặc biệt là các lớp học thêm các môn học ở trường. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy có những gia đình cho con học thêm 3-4 môn trong một học kỳ. Theo kết quả thống kê, 65.4% số người được phỏng vấn cho con học thêm từ 1 khóa học trở lên, và tỷ lệ các gia đình ở đô thị cho con học ngoại khóa nhiều hơn so với các gia đình ở nông thôn (số môn học ngoại khóa trung bình của các gia đình ở nông thôn là 1.7 còn ở đô thị là 2.2). Ngoài ra, các gia đình cha mẹ có trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên cũng có xu hướng cho con học thêm nhiều môn học hơn so với các gia đình cha mẹ có trình độ học vấn cấp 1, cấp 2. Bên cạnh đó, các gia đình có cha mẹ tham gia hội Phụ huynh học sinh (PHHS) có tỷ lệ đăng ký các khóa học ngoại khóa cho con nhiều nhất. Điều này cho thấy ảnh hưởng của vốn văn hóa, vốn xã hội và khu vực sinh sống đến việc đầu tư các khóa học cho con ở các gia đình. Trên thực tế, trình độ học vấn của ĐBSCL vẫn ở mức thấp so với các vùng khác trên cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng nhất khi nhìn trong tương quan giữa gia đình có học vấn thấp và học vấn cao. Kết quả khảo sát của chúng tôi về việc cho con học lên cao cho thấy các gia đình có trình độ học vấn cao hầu hết đều muốn cho con học ở trình độ từ Cao đẳng trở lên, còn lựa chọn cho con học hết lớp 9 chỉ xảy ra ở các gia đình có học vấn thấp (cấp 2 trở xuống). Từ đó, có thể thấy truyền thống gia đình đóng vai trò quan trọng trong nhận thức học vấn của con cái. Con cái ở các gia đình có vốn văn hóa cao sẽ có ưu thế hơn rất nhiều so với con cái ở các gia đình có vốn văn hóa thấp (nếu gia đình có vốn văn hóa thấp lại có vốn kinh tế thấp thì con cái trong các gia đình này sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn nữa). Nếu gia đình không có truyền thống hiếu học, vốn văn hóa thấp, cha mẹ muốn có sự thay đổi, tạo sự khác biệt trong khoảng cách học vấn giữa cha mẹ, con cái thì cả cha mẹ và con cái cần có những nỗ lực vượt bậc. Đối với những gia đình nghèo (vốn kinh tế thấp) mà con học hành đỗ đạt, quá trình họ trải qua cũng gian nan hơn gấp nhiều lần những gia đình khác. Chính vì vậy, các gia đình có các loại vốn thấp, đặc biệt là vốn văn hóa thấp, luôn phải thật kiên quyết trong sự lựa chọn của mình và tiếp thêm nhiều động lực tinh thần cho con, so với những gia đình có truyền thống hiếu học (có vốn văn hóa cao).

Ngoài việc đầu tư cho con học ngoại khóa, các gia đình người Việt ở ĐBSCL còn đầu tư cả về vật chất và tinh thần cho con, trong đó chủ yếu là đầu tư trang thiết bị học tập (100% gia đình được hỏi đều có đầu tư), đầu tư góc học tập (89.5% gia đình được hỏi đều có đầu tư), và cuối cùng là đầu tư tham quan học tập trải nghiệm (79.5% gia đình được hỏi đều có đầu tư). Xét trường lực mà các gia đình tham gia, chúng tôi nhận thấy việc các gia đình tham gia hội nhóm, đặc biệt là Hội PHHS, có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức về học vấn của phụ huynh, điều này thể hiện qua việc sự đầu tư của nhóm này cho con cái rất cao (chiếm tỷ lệ cao nhất cả về đầu tư trang thiết bị học tập, góc học tập, cho con tham quan du lịch…), kế đến là Hội khuyến học và Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy việc đầu tư cho giáo dục ở nông thôn và đô thị cũng không có nhiều khác biệt, đặc biệt là có nhiều nội dung mà việc đầu tư ở các gia đình nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn (mặc dù khác biệt không đáng kể) so với đô thị. Điều này cho thấy các gia đình người Việt ở ĐBSCL hiện nay đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục và có kế hoạch đầu tư cho con. Tuy nhiên, kết quả đó chỉ thể hiện rằng sự đầu tư giáo dục cho con của các gia đình ĐBSCL có chuyển biến hơn so với trước đây, nhưng nếu để so sánh với các vùng khác trong cả nước thì đầu tư cho giáo dục ở ĐBSCL vẫn còn thấp (các hộ có người đi học chi tiêu cho giáo dục khoảng 5,2 triệu đồng/năm), chỉ cao hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (3 triệu/người/năm), thấp hơn nhiều so với Đông Nam Bộ (11 triệu/người/năm) và ĐBSH (9,2 triệu/người/năm) [ 12 , tr.166-167]. Như vậy, đối với các gia đình, việc đầu tư cho giáo dục đã tăng đáng kể, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần phải đầu tư nhiều hơn nữa và đồng bộ hơn nữa giữa các gia đình để thanh niên ở ĐBSCL có thể đạt trình độ giáo dục cao hơn, bắt kịp các vùng khác trên cả nước.

Về nội dung giáo dục : Nội dung giáo dục trong gia đình của người Việt ở ĐBSCL truyền thống mang tính toàn diện, đặc biệt chú ý “dạy làm người”: “ Không tu thành Phật mà tu thành người” [ 13 , tr.31]. Các câu tục ngữ, ca dao của người Việt ở ĐBSCL về khía cạnh giáo dục trong gia đình luôn nhắc nhở con cháu về “dạy” và “học”. “Dạy” và “học” ở đây không đơn thuần nghiêng về ý nghĩa dạy chữ và học chữ, mà rộng hơn, đó là dạy và học làm người. Quá trình dạy và học được thực hiện xuyên suốt từ khi con vừa mới ra đời đến khi con trưởng thành: cha mẹ dạy con cách bập bẹ tập nói, tập đi, dạy cách thưa gửi, cách giao tiếp với bà con lối xóm, cách lao động, cách vui chơi,… Khác với giáo dục ở trường học, giáo dục trong gia đình, theo Vũ Ngọc Khánh (1985), là giáo dục dựa trên vốn tri thức tích lũy của cha mẹ, họ “tự tích lũy vốn tri thức hàng ngày để bảo ban, chỉ vẽ cho con […], thu lượm dần dà những thực tế ngoài đời để nhào nặn, cô đúc lại thành một vốn tri thức và kỹ năng rồi tùy từng lúc, từng trường hợp mà truyền thụ cho con cháu” [ 14 , tr.35]. Như vậy, nội dung giáo dục gia đình mang tính toàn diện, bao hàm giáo dục cả những giá trị liên quan đến cá nhân và những giá trị liên quan đến gia đình, cộng đồng. Để tích lũy cho con cái các giá trị trên, vốn văn hóa của cha mẹ có vai trò đáng kể trong quá trình thực hành dạy và học trong gia đình.

Xét giáo dục các giá trị liên quan đến cá nhân (đạo đức, tri thức, kỹ năng,…), có thể thấy, vốn văn hóa và vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc hình thành các giá trị đạo đức và tri thức cho con cái. Trong gia đình Tây Nam Bộ hiện nay, giáo dục đạo đức cũng là giáo dục cốt lõi. Các gia đình đều coi trọng giáo dục đạo đức, và cho rằng đạo đức là cái phải được dạy và học nhiều nhất. Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đạo đức trong gia đình, chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng rất lớn trong quan niệm về giáo dục đạo đức ở các nhóm xã hội khác nhau. Ngoài việc các gia đình lựa chọn giáo dục đạo đức chiếm tỷ lệ cao nhất so với các nội dung giáo dục khác (32.5%), chúng tôi xét tương quan mức độ giáo dục ở các nhóm lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, khu vực sống,… thì tỷ lệ % lựa chọn giáo dục đạo đức luôn là lựa chọn chiếm tỷ lệ cao nhất (xem Table 1 tương quan trình độ học vấn cha mẹ và mức độ quan tâm các nội dung giáo dục).

Table 1 Tương quan giữa trình độ học vấn cha mẹ và mức độ quan tâm các nội dung giáo dục (Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả vào năm 2022)

Ngoài rèn luyện đạo đức, thì tích lũy tri thức cho con cái đối với các gia đình người Việt ĐBSCL rất quan trọng. Thái hậu Từ Dụ từng dạy vua Tự Đức: “Người có học mới phân điều thiện ác, lấy thiện làm gương, ác để ngăn ngừa mới có thể biến hóa khí chất không theo đường tà. Cho nên có câu: ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” [ 15 , tr.461].Ở ĐBSCL trước kia, các gia đình Nho học với vốn văn hóa cao luôn cố gắng cho con theo đuổi việc học hành, như cụ Trương Vĩnh Ký mất cha từ nhỏ, được mẹ Nguyễn Thị Châu nuôi dạy và cho học chữ Nho từ khi lên 5 tuổi với mong muốn con được ăn học thành tài. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, có nhiều nhân vật ở Tây Nam Bộ không xuất thân trong gia đình Nho học nhưng vẫn cố gắng theo đuổi sự học, và sự theo đuổi đó đạt được nhờ nhận thức về tầm quan trọng của việc học từ cha mẹ của họ. Như nhà văn Sơn Nam, “khi ông thi đậu vào trường Công lập Cần Thơ, cha ông quyết định bán cả bộ lư đồng thờ ông bà để sắm sửa cho ông đi học bất chấp dư luận trong dòng họ” [ 16 , tr.21]. Điều này khẳng định ngoài yếu tố kinh tế, thì nhận thức của cha mẹ về giá trị học vấn ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của con và tương lai con sau này. Nhận thức về giá trị học vấn ở các gia đình có trình độ học vấn cao không chỉ đơn thuần mang lại công việc ổn định, mà giá trị của việc học còn hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn (có kiến thức, lối sống, lối ứng xử, có khả năng tự chủ, độc lập, có thu nhập, địa vị cao,…). Xét nhận thức về giá trị học vấn trong tương quan trình độ học vấn cha mẹ, chúng tôi nhận thấy không có sự khác biệt nhiều trong nhận thức về giá trị học vấn giữa các nhóm gia đình (hai giá trị được ưu tiên lựa chọn là có công việc ổn định và có kiến thức, lối sống, ứng xử tốt), trong đó, nhóm gia đình có trình độ học vấn thấp chú trọng nhiều hơn vào giá trị đạt được là có công việc ổn định (xem Table 2 ). Như vậy, ở các gia đình cha mẹ coi trọng học vấn, thì dù nghèo hay giàu vẫn cố gắng nuôi con ăn học và động viên con tiếp tục học. Thực tế trên cho thấy vốn kinh tế hay vốn văn hóa không quyết định tất cả cho việc học lên cao của con cái. Tuy nhiên, các gia đình có vốn văn hóa sẽ có lợi thế hơn trong giáo dục đạo đức, tri thức và kỹ năng cho con.

Table 2 Giá trị học vấn trong tương quan với trình độ học vấn của cha mẹ (Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả vào năm 2022).

Về giáo dục các giá trị liên quan đến gia đình, cộng đồng : Truyền thống gia đình là vốn quý, vốn văn hóa không dễ gì có được, mà trước đây hay được nhắc đến với từ gia phong - phong cách của gia đình. Ngoài việc quan tâm đến các giá trị đạo đức, tri thức, kỹ năng (giá trị liên quan đến cá nhân) thì các gia đình ĐBSCL còn quan tâm giáo dục các giá trị liên quan đến gia đình, cộng đồng (xem Hình biểu đồ 2). Theo kết quả khảo sát, hầu hết gia đình đều có chú ý quan tâm giáo dục phong tục, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa. Từ quan tâm đến giáo dục phong tục, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa (mức độ quan tâm đứng thứ 5 sau giáo dục đạo đức, tri thức, kỹ năng và tâm sinh lý), các gia đình cũng thường dạy hoặc trò chuyện về phong tục, tín ngưỡng,… qua các thực hành cụ thể. Những dịp quan trọng trong gia đình như đám cưới, đám giỗ, các ngày Lễ, Tết,… cũng là dịp để gia đình gắn kết các thành viên, giáo dục con cháu giá trị tinh thần.

Figure 2 . Mức độ quan tâm các nội dung giáo dục (Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả vào năm 2022).

Vốn văn hóa của gia đình không chỉ là trình độ học vấn mà còn là những tri thức, kinh nghiệm, các phong tục tập quán được tích lũy. Giữ gìn nền nếp trong gia đình chính là giữ gìn lễ nghĩa truyền thống của người Nam Bộ, chứ không phải là lễ nghĩa rập khuôn kiểu Nho giáo. Chính vì vậy, đối với những người nhìn vào quy định trật tự, lễ nghi chung mà đánh giá Nam Bộ không lễ nghĩa là không xác đáng, vì mỗi vùng văn hóa sẽ có những khuôn mẫu văn hóa khác nhau: “ Ở Bắc Bộ, có nhiều lễ nghi hình thức hơn Tây Nam Bộ là đúng. Nhưng không thể cho rằng ở Tây Nam Bộ ít lễ nghĩa. Chỉ có thể nói rằng người dân Tây Nam Bộ ít quan tâm hình thức lễ mễ rườm rà. Họ vẫn giữ tôn ti trật tự, tôn trọng lễ nghĩa nhưng biểu hiện thân thiết, gần gũi hơn. Vai vế trong dòng họ dù trải qua nhiều đời vẫn được giữ gìn, vẫn được tôn trọng. Cụ thể là tập tục cúng việc lề để duy trì quan hệ dòng họ. Thế hệ sau bắt chước thế hệ trước mà, bao đời vẫn như vậy, dù có phóng khoáng hơn ở Bắc Bộ ” (ông T.A.T, 65 tuổi, giáo viên, Châu Thành). Ở ĐBSCL, ảnh hưởng của Phật giáo và các tôn giáo địa phương như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hòa Hảo đã tác động đến đời sống tinh thần và tâm linh của người dân, họ chú trọng thực hành nhiều hơn là nhận thức về giáo lý nghi lễ. Chính vì thế, việc giữ gìn nền nếp ở các gia đình ĐBSCL khác biệt so với các vùng khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy những gia đình chú ý giữ gìn nền nếp, giữ gìn phong tục tập quán gia đình sẽ dễ dàng định hình thói quen coi trọng văn hóa, bản sắc gia đình ở con cháu hơn.

Về phương pháp giáo dục : Nghiên cứu cho thấy trong các phương pháp giáo dục được gia đình người Việt Tây Nam Bộ lựa chọn khi thực hành giáo dục, bao gồm phân tích giảng giải, nêu gương, thưởng phạt, kết hợp thực hành,... thì phương pháp phân tích, giảng giải được các gia đình ưu tiên lựa chọn nhiều nhất (xem Hình biểu đồ 3). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy hầu như không có sự khác biệt nhiều trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục giữa các gia đình có cha mẹ có trình độ học vấn, lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Sự lựa chọn phương pháp giáo dục, theo chúng tôi, chịu tác động của bối cảnh văn hóa nhiều hơn, mang tính thống nhất giữa các nhóm xã hội.

Figure 3 . Phương pháp giáo dục được các gia đình lựa chọn (Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả vào năm 2022)

Có thể thấy do giáo dục trong gia đình ĐBSCL cả trước đây và hiện nay chủ yếu mang tính kinh nghiệm, nên họ thường sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm sống của mình để lý giải vấn đề, từ đó thuyết phục con: “ Mình phân tích, giải thích cho nó là con làm như vậy sai nè, con làm cái này đúng nè. Ba cho con làm theo ý con thì con sẽ chấp nhận chuyện con làm sai. Cứ làm thử đi. Cho trải nghiệm. Nhưng mà những chuyện nhỏ nhỏ thôi, còn chuyện lớn thì mình phải định hướng cho nó. Việc học chẳng hạn. Con thử con không học đi rồi con sẽ biết. Mà chừng nào nó biết. Cả cuộc đời nó rồi. Cho nên là con không học là không được, phải đi học ” (ông N.H.A., viên chức, 68 tuổi, Tp. Cà Mau). Kết quả phỏng vấn sâu của chúng tôi cho thấy những gia đình có vốn văn hóa, vốn xã hội cao sẽ dễ dàng thuyết phục con cái hơn so với những gia đình có vốn văn hóa, vốn xã hội thấp. Các gia đình có vốn văn hóa cao cũng sẽ dễ dàng thực hiện phương pháp nêu gương cho con cái hơn: “ Cá tính nó với lại cha mẹ nó, rầy hổng được cái bỏ qua. Sinh con đâu có dễ sinh lòng, có phước thì được, gặp vô phước thì nói nó không nghe. Cha mẹ ăn ở tốt thì con cái cũng theo, hiếm có ngược lại. Dù gì cha mẹ ăn hiền ở lành thì con cái cũng theo chứ. Có nhiều gia đình cha mẹ lo kiếm tiền thôi, chỉ lo để lại nhiều của cải thôi ” (ông L.V.H. 77 tuổi, làm nông, Hòa Phú). Tuy nhiên, mỗi gia đình cũng sẽ có cách giáo dục con cái riêng dựa vào vốn văn hóa của mình, nếu cha mẹ có trình độ học vấn cao thì có thể dựa vào kiến thức trường lớp, nhất là kiến thức xã hội hiện nay để giáo dục con, còn cha mẹ trình độ học vấn thấp, nhưng có nhiều vốn sống, thì có thể lấy kinh nghiệm từ ông bà để lại, hay những bài học kinh nghiệm của chính bản thân ra để làm bài học thực tế cho con. Nhìn chung, về phương pháp giáo dục, có ưu thế từ phía gia đình có vốn văn hóa cao, nhưng ưu thế không nhiều và không rõ ràng.

THẢO LUẬN

Như vậy, có sự tác động của yếu tố vốn văn hóa đến giáo dục gia đình của người Việt ở ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nguồn vốn văn hóa không đồng đều ở các gia đình. ĐBSCL với xuất phát điểm giáo dục chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp nên nhìn chung nguồn vốn văn hóa ở ĐBSCL chưa cao. Ngoài ra, thu nhập của cư dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp với giá nông sản rẻ nên nguồn vốn kinh tế của cư dân cũng thấp hơn so với cả nước. Như vậy, song song với vốn văn hóa, vốn kinh tế thấp cũng là rào cản dẫn đến việc chậm phát triển của vùng.

Về mặt lịch sử, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường thời kỳ thuộc Pháp và thời kỳ thực dân mới, cư dân vùng đất này cũng đã hình thành tư duy duy lý, thiên về thực tiễn. Giáo dục trong gia đình của người Việt ở ĐBSCL mang tính thực tiễn, tính thực tiễn được thể hiện rõ ở mục tiêu giáo dục của các gia đình, từ việc không coi trọng học phong trước đây đến giáo dục hướng đến nhu cầu thực nghiệp hiện nay. Các gia đình luôn dựa trên hoàn cảnh thực tế của gia đình và năng lực của con mà định hướng. Bên cạnh đó, mục tiêu giáo dục cũng khác nhau ở các nhóm xã hội. Các gia đình có vốn văn hóa cao thì càng đặt mục tiêu cao và cụ thể cho con cái của mình hơn. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của vốn văn hóa trong nhận thức về giáo dục nhằm hình thành tập tính giáo dục trong mỗi gia đình.

Chịu ảnh hưởng “tập tính” (habitus) của gia đình, các cá nhân có cách nhận thức và hành xử trong giáo dục không đồng nhất. Việc hình thành văn hóa giáo dục của gia đình và cộng đồng không chỉ từ bối cảnh văn hóa vùng, từ tư duy duy lý và sự phấn đấu của mỗi cá nhân mà còn chịu tác động của môi trường hình thành nên “tập tính” của họ. Qua nghiên cứu, có thể thấy giữa các gia đình người Việt ở ĐBSCL có sự đồng nhất trong các hoạt động tổ chức giáo dục và ứng xử trong giáo dục, nhưng có sự khác biệt ở việc đầu tư giáo dục và khả năng học lên cao của con cái. Nghiên cứu cho thấy vai trò của các loại vốn đến hành xử giáo dục ở các gia đình, các gia đình có vốn văn hóa, vốn kinh tế, vốn xã hội và vốn biểu trưng khác nhau sẽ có những mục tiêu và thực hành giáo dục không đồng nhất. Những gia đình sở hữu các loại vốn cao sẽ có ưu thế hơn những gia đình sở hữu các loại vốn thấp. Điều này cũng ghi nhận sự bất bình đẳng trong giáo dục của con cái ở các nhóm xã hội khác nhau, khi môi trường gia đình chi phối đến việc đầu tư giáo dục và khả năng học lên cao của con cái. Lý thuyết vốn văn hóa của Bourdieu chứng minh được vai trò của vốn văn hóa trong việc giáo dục con cái ở các gia đình (trong việc đặt mục tiêu giáo dục, đầu tư giáo dục,…). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy lý thuyết vốn văn hóa của Bourdieu không giải thích được nhiều trường hợp hành xử trong giáo dục của các gia đình, nhất là trường hợp vì sao các gia đình nghèo khó, thất học vẫn quyết chí nuôi con ăn học. Truyền thống gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc con cái học lên cao nhưng không phải 100% những gia đình không có truyền thống hiếu học thì con cái sau này sẽ không học lên cao. Vai trò quyết định cho con học lên cao ngoài vốn văn hóa, truyền thống gia đình còn là nhận thức của cha mẹ và khả năng của con cái. Như vậy, việc lựa chọn cho con học lên cao và đầu tư cho con học không chịu ảnh hưởng hoàn toàn từ các loại vốn của gia đình. Thực tế cho thấy có những gia đình có vốn văn hóa, vốn kinh tế, vốn xã hội,... tương đương nhau, nhưng kết quả giáo dục lại khác nhau. Điều này thể hiện sự lựa chọn duy lý của cha mẹ khi định hướng và đầu tư giáo dục cho con cái để mang lại giá trị và lợi ích phù hợp nhất với điều kiện gia đình. Tính thực tiễn với tư duy duy lý cũng đã tác động nhiều đến các nội dung giáo dục và cả việc tiếp nhận giáo dục từ con cái (chú trọng vai trò cá nhân cũng là nét đặc trưng ở vùng văn hóa này). Xét văn hóa giáo dục ở các gia đình ĐBSCL, kết quả khảo sát cho thấy họ giáo dục con cái trên tinh thần cởi mở, không áp đặt, chú trọng yếu tố tự quyết của con cái. Thế nên, ngoài ảnh hưởng của tập tính gia đình và bối cảnh xã hội ở các nhóm xã hội khác nhau lên giáo dục như lý thuyết của Bourdieu phân tích, thì sự phấn đấu của các cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng. Kết quả giáo dục ở các gia đình người Việt ở ĐBSCL cho thấy có sự hiện diện của vai trò cá nhân, những nỗ lực của cá nhân trong việc lựa chọn học lên cao. Như vậy, sự khác biệt trong giáo dục ở các gia đình không hoàn toàn được lý giải qua lý thuyết hành xử của Bourdieu. Lý giải lựa chọn của phụ huynh và con cái của họ để hướng đến lợi ích cá nhân phải dựa trên quan điểm lựa chọn duy lý để chứng minh.

KẾT LUẬN

Văn hóa giáo dục người Việt ở ĐBSCL chủ yếu dựa trên tinh thần cởi mở, không áp đặt, chú trọng yếu tố tự quyết của con cái, đặc biệt xem vai trò của con cái như một tác nhân chủ động trong quá trình giáo dục. Sự tích lũy các loại vốn ở các gia đình có ảnh hưởng đến nhiều phương diện giáo dục trong gia đình, cụ thể như về mục tiêu giáo dục, sự đầu tư cho giáo dục, nội dung, phương pháp giáo dục… Trong đó, phân tích cũng cho thấy vai trò của vốn văn hóa nổi bật hơn cả trong các loại vốn, đặc biệt là khi nhìn nhận mối quan hệ giữa vốn văn hóa với mục tiêu giáo dục ở các gia đình. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vốn văn hóa chỉ là một trong những yếu tố tác động đến kết quả giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải là yếu tố duy nhất. Nghiên cứu cho thấy ngoài ảnh hưởng của tập tính gia đình và bối cảnh xã hội ở các nhóm xã hội khác nhau lên giáo dục trong gia đình như lý thuyết của Bourdieu phân tích, thì sự lựa chọn duy lý của mỗi gia đình trong tính toán thiệt hơn, hay sự phấn đấu của các cá nhân (như một tác nhân chủ động) cũng đóng vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy có những gia đình có vốn văn hóa, vốn kinh tế, vốn xã hội... tương đương nhau, nhưng kết quả giáo dục lại khác nhau, hoặc những gia đình có vốn văn hóa thấp nhưng con cái lại học cao. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của cá nhân đến kết quả giáo dục cuối cùng. Như vậy, kết quả giáo dục ở ĐBSCL có thể sẽ không hoàn toàn được lý giải qua lý thuyết về các loại vốn của Bourdieu, bởi kết quả giáo dục còn thể hiện rất rõ dấu ấn của cá nhân, sự phấn đấu của mỗi cá nhân trong nhận thức và hành động.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐBSCL: Đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSH: Đồng bằng sông Hồng

PHHS: Phụ huynh học sinh

THCS: Trung học Cơ sở

THPT: Trung học phổ thông

CĐ/ĐH: Cao đẳng/ Đại học

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả đã thực hiện điền dã, khảo sát, phỏng vấn sâu các gia đình người Việt ở Cần Thơ, Long An và Cà Mau.

Đóng góp về khoa học: làm rõ những vấn đề liên quan đến lý thuyết vốn văn hóa.

Đóng góp về thực tiễn: làm cơ sở cho việc phát huy chất lượng nguồn nhân lực ở ĐBSCL.

References

  1. Crawford C, Dearden L, Micklewright J, Vignoles A. Family background and university success: differences in higher education access and outcomes in England. Oxford: Oxford University Press; 2016. . ;:. Google Scholar
  2. Brighouse H, Swift A. Family values: the ethics of Parent-child relationships. Princeton: Princeton University Press; 2014. . ;:. Google Scholar
  3. Lê T. Gia đình và vấn đề giáo dục gia đình. Hà Nội: khoa học Xã hội. . 1994;:. Google Scholar
  4. Behrman JR, Knowles JC. Household income and child schooling in Vietnam. World Bank Econ Rev. 1999;13(2):211-56. . ;:. Google Scholar
  5. Hoa ĐT. Thực trạng giáo dục và vai trò của cha mẹ trong giáo dục con cái ở nông thôn Việt Nam (nghiên cứu tại Yên Bái, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang). Trong. Gia đình nông thôn trong chuyển đổi (tr 113-147). Hà Nội: Khoa học Xã hội. . 2008;:. Google Scholar
  6. Xuyến TTK. Sự thay đổi về mặt chức năng của gia đình nông thôn ven đô trong bối cảnh đô thị Nam Bộ. Trong. Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh (tr. 202-230). Hà Nội: Khoa học Xã hội. . 2014;:. Google Scholar
  7. Tiệp NV. Bất bình đẳng giới về giáo dục, việc làm, thu nhập và nghèo đói của người Việt ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay. Tp.HCM: ĐHQG-HCM. . 2017;:. Google Scholar
  8. Bourdieu P. The forms of capital. In: Handbook of theory and research for the sociology of education (tr 241-258). New York: Greenwood Press; 1986. . ;:. Google Scholar
  9. Bourdieu P. Distinction: A social critique of the judgement of taste. Harvard University Press; 1984. . ;:. Google Scholar
  10. Cuche D. Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội. Hà nội: Tri thức. . 2020;:. Google Scholar
  11. Bilton T, Bonnett K, Jones P, Stanworth M, Sheard K, Webster A 1993. Nhập môn xã hội học. Hà Nội: khoa học Xã hội. . ;:. Google Scholar
  12. Tổng cục Thống kê. Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020. . 2021;:. Google Scholar
  13. Quang NN. Văn học dân gian Bến Tre: tuyển chọn từ tài liệu sưu tầm điền dã. Hà Nội: khoa học Xã hội. . 2015;:. Google Scholar
  14. Vũ Ngọc Khánh. Tìm Hiểu Nền Giáo Dục Việt Nam Trước 1945. Hà Nội: Giáo dục. 1985. . ;:. Google Scholar
  15. Đỗ Dũng. Hoàng Thái hậu Từ Dũ. Trong Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam. Tp.HCM: Hồng Đức. . 2017;:. Google Scholar
  16. Võ Văn Thành. Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của nhà văn Sơn Nam. Tp.HCM: Trẻ. . 2013;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 1 (2023)
Page No.: 1922-1932
Published: Mar 15, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i1.836

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ha, T. (2023). The capital and the role of the cultural capital in family education and in the human resources development in the Mekong Delta. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(1), 1922-1932. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i1.836

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 224 times
PDF   = 150 times
XML   = 0 times
Total   = 150 times