VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Reviews - Science Sciences

HTML

1619

Total

698

Share

China's soft power: three decades of acceptance, deployment, and transformation






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Since the Tiananmen incident on June 4, 1989, China has been likely to withdraw a lesson from its failure of using of hard power. In the early 1990s, when “soft power” was first introduced in China, the Chinese Communist Party gradually adopted this concept in order to create the image of a friendly China and a responsible member in international organizations to reassure as well as to lull its neighbors and the U.S. into a peacefully rising China. However, after nearly three decades of being imported and applied in China, the soft power has changed in nature and is no longer identical to the original concept coined by Joseph Nye in 1990. This paper analyzes the process and practice of China's soft power deployment in order to demonstrate that Beijing prefers to integrate elements of hard power into its soft power, thereby examining two new forms of power that have been coined recently to more accurately describe the nature of China’s soft power: smart power and sharp power. The article points out that the strategic motivation for China to exercise the soft power during the first two decades was to conceal its rising ambition as well as in line with the motto of “keeping a low profile” proposed by Deng Xiaoping, and during the latest decade, when having accumulated enough comprehensive national power, China is no longer afraid to reveal its true ambition. The paper uses the research method of synthesizing and analyzing information as well as applies Joseph Nye's power theories.

GIỚI THIỆU

Khái niệm “quyền lực mềm” lần đầu tiên được giới thiệu bởi Joseph Nye vào năm 1990, trong cuốn sách Bound to Lead: The Changing Nature of American Power . Chỉ sau đó hai năm, “quyền lực mềm” du nhập vào Trung Quốc khi Bound to Lead được dịch sang tiếng Hoa bởi học giả Hà Hiểu Đông và xuất bản lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1992 1 , ngay trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ Tổng Bí thư của Giang Trạch Dân, và nhận được sự quan tâm của giới học thuật Trung Quốc. Giới học giả và hoạch định chính sách Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt ý tưởng của Nye về một loại quyền lực mới nhằm giải quyết bài toán về hình ảnh xấu xí của Trung Quốc trong mắt thế giới giai đoạn đầu thập kỷ 1990. Năm 1993, Vương Hỗ Ninh – trưởng ban cố vấn của Chủ tịch Giang Trạch Dân, cựu giáo sư Đại học Phúc Đán – xuất bản một bài báo trên Fudan University Journal , lần đầu tiên đặt ra câu hỏi về quyền lực mềm ở Trung Quốc, gợi ý rằng “nếu một quốc gia có một nền văn hóa và một hệ tư tưởng đáng ngưỡng mộ, các quốc gia khác sẽ có xu hướng đi theo nó… Nó không cần sử dụng quyền lực cứng đắt tiền và kém hiệu quả hơn” [ 2 , tr.290].

Tuy nhiên, sau khoảng hai thập kỷ áp dụng, Trung Quốc bị cho rằng vẫn lồng ghép sức mạnh kinh tế và quân sự của mình vào cách triển khai quyền lực mềm, khiến khái niệm này đã không còn giống với định nghĩa ban đầu do Joseph Nye đặt ra. Có ý kiến cho rằng định nghĩa về quyền lực mềm của Joseph Nye chỉ chủ yếu thích hợp với kinh nghiệm của Hoa Kỳ, và cần có một định nghĩa khác về quyền lực mềm phù hợp hơn với tình hình của Trung Quốc 3 . Trong một bài viết đăng trên tờ Project Syndicate , Joseph Nye cũng trích dẫn một ý kiến được đưa ra bởi Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ, trong đó đề cập đến việc Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào việc gia tăng quyền lực mềm nhưng đã vấp phải một làn sóng phản ứng ở các quốc gia dân chủ, nên chăng cần suy nghĩ lại về quyền lực mềm bởi nội hàm khái niệm vốn được sử dụng kể từ sau Chiến tranh Lạnh dường như không còn đủ để mô tả tình hình hiện tại 4 . Qua việc khái quát sơ lược cách thức chính quyền Bắc Kinh triển khai các chính sách quyền lực mềm cũng như đối chiếu hai khái niệm quyền lực mới là quyền lực thông minh và quyền lực sắc nhọn, bài viết hy vọng có thể chỉ ra sự thay đổi trong tính chất của khái niệm quyền lực mềm ở Trung Quốc, từ đó tạo tiền đề cho các nghiên cứu về sau có mong muốn tái định nghĩa khái niệm này hoặc tìm ra một định nghĩa mới phù hợp với tình hình thực tế ở Trung Quốc.

NỘI DUNG CHÍNH

Quyền lực mềm và quyền lực mềm của Trung Quốc

Theo định nghĩa của Joseph Nye vào năm 1990, quyền lực mềm là “bộ mặt thứ hai của quyền lực”, “một cách gián tiếp để thực thi quyền lực” 5 . Một quốc gia có thể đạt được những kết quả mà nó mong muốn trong chính trị thế giới bởi vì các quốc gia khác muốn làm theo nó, thông qua các nguồn lực phi hữu hình như văn hóa, hệ tư tưởng và thể chế. Quyền lực mềm trái ngược với quyền lực cứng thường được thể hiện qua các nguồn lực hữu hình như sức mạnh quân sự và kinh tế, thông qua các biện pháp như dụ dỗ (“cà rốt”) và đe dọa (“cây gậy”) 5 . Đến năm 2004, trong cuốn sách Soft power: The means to success in world politics , bằng cách mở rộng các ví dụ, sử dụng những dữ liệu thăm dò và nghiên cứu lịch sử mới, đồng thời khám phá những hàm ý và giới hạn của quyền lực mềm theo những cách mà ông chưa từng làm trong các tác phẩm trước đó của mình, Joseph Nye đã hoàn thiện khái niệm quyền lực mềm [ 6 , tr.xii]. Theo đó, quyền lực mềm là khả năng đạt được điều mình mong muốn nhờ sức lôi cuốn chứ không phải dựa vào sự ép buộc hay mua chuộc [ 6 , tr.x]. Quyền lực mềm của một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào ba nguồn lực: văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại [ 6 , tr.11]. Dù vẫn làm dấy lên một số tranh cãi và bất đồng trong cộng đồng học giả quan hệ quốc tế, nhưng ba nguồn lực do Joseph Nye đặt ra vẫn là nền tảng định hình cho các nghiên cứu về quyền lực mềm về sau của các học giả trên khắp thế giới. Bài viết này sẽ phân tích quyền lực mềm của Trung Quốc dựa trên ba nguồn lực là văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại.

Khi những hệ lụy từ sự kiện Thiên An Môn và cuộc khủng hoảng quyền lực cứng khiến hình ảnh Trung Quốc xấu đi trên trường quốc tế vào đầu thập kỷ 1990, sự xuất hiện của quyền lực mềm chẳng khác nào nắng hạn gặp mưa rào. Các học giả và nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bắt đầu xem quyền lực mềm là yếu tố không thể thiếu trong nỗ lực tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia nhằm giúp nước này giành lại vị thế cường quốc 1 . Giai đoạn từ giữa thập kỷ 1990 đến đầu thập kỷ 2010, Trung Quốc sử dụng quyền lực mềm với mục đích gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực và trên thế giới, nỗ lực xây dựng hình ảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy hòa bình, trấn an các nước trong khu vực rằng nước này không trỗi dậy trong sự hung hăng, bành trướng hay cố gắng thay đổi trật tự thế giới. Theo Ding (2010) và Yan (2014), việc Trung Quốc phát triển sức mạnh mềm trong giai đoạn này là cần thiết để hiện thực hóa giấc mơ trở thành một cường quốc, đặc biệt là khi quyền lực cứng của Trung Quốc vẫn còn cách một khoảng xa so với siêu cường đã định hình là Mỹ 1 , 7 . Theo Yoshihara & Holmes (2008), quyền lực mềm của Trung Quốc đã phát triển trên cả ba nguồn lực mà Joseph Nye đặt ra [ 8 , tr.126]. Như vậy ở giai đoạn đầu, Trung Quốc đã tiếp nhận toàn bộ khái niệm quyền lực mềm của Joseph Nye bởi sự cấp thiết phải thay đổi hình ảnh quốc gia cùng sự thuận tiện trong việc kế thừa một lý thuyết đã có sẵn 1 .

Tuy nhiên, sự tương thích giữa quyền lực mềm của Trung Quốc với khái niệm quyền lực mềm do Joseph Nye đặt ra vốn phổ biến trong quan hệ quốc tế hiện đại chỉ có thể được chứng kiến dưới thời hai Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Nếu như nhiệm kỳ của Giang và Hồ hướng đến xây dựng một hình ảnh Trung Quốc hòa bình, câu kéo thời gian để đất nước tập trung phát triển kinh tế, quân sự, chính trị, thì đến nhiệm kỳ lãnh đạo tối cao của mình, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có thể hưởng quả ngọt từ hai người tiền nhiệm, đã có thể cứng rắn hơn với những ai cản đường Trung Quốc trên con đường thực hiện Giấc mơ Trung Hoa. Và cũng từ sau năm 2012, thế giới bắt đầu nhận ra những động cơ thiếu trong sáng cùng những toan tính của Trung Quốc khi thực thi chính sách quyền lực mềm. Cụ thể, với sức mạnh quân sự và kinh tế phát triển, Trung Quốc đã lồng ghép những “cây gậy” và “củ cà rốt” vào quyền lực mềm để gây áp lực lên các nước, biến định nghĩa về quyền lực mềm trở nên rất khác so với khái niệm mà Joseph Nye đặt ra vào năm 1990. Chính vì vậy, mục tiêu của bài viết nhằm làm rõ quá trình triển khai quyền lực mềm tại Trung Quốc dựa trên ba nguồn lực mà Joseph Nye đặt ra, chỉ ra những khác biệt giữa thực tiễn triển khai và nội dung lý thuyết, qua đó tạo cơ sở để giới thiệu hai dạng quyền lực mới được đặt ra nhằm mô tả chính xác tình hình thực tế triển khai quyền lực mềm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thực tiễn triển khai quyền lực mềm tại Trung Quốc

Về chính trị , một số học giả Trung Quốc cho rằng bản chất của quyền lực mềm là sức mạnh chính trị và sức mạnh thao túng của một quốc gia, và Trung Quốc muốn củng cố quyền lực mềm thì phải tăng cường sức mạnh chính trị bằng cách tái cân bằng sự phát triển trong nước và thiết lập một xã hội hài hòa làm nền tảng chính trị cho việc xây dựng quyền lực mềm. Những người theo trường phái lấy chính trị làm cốt lõi của quyền lực mềm Trung Quốc cho rằng nước này cần suy nghĩ lại về chính sách không liên kết và gia tăng số lượng các đồng minh chiến lược bằng cách tham gia các thiết chế đa phương, các chương trình hỗ trợ ở nước ngoài và các hoạt động gìn giữ hòa bình 9 .

Bên cạnh đó, việc sử dụng quyền lực mềm cũng phù hợp với đường lối “ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu” mà Đặng Tiểu Bình đã vạch ra trước đó. Trung Quốc dưới thời hai nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tập trung vào phát triển nội lực, nâng cao sức mạnh quốc gia. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông Hồ Cẩm Đào, khái niệm “trỗi dậy hòa bình” được đặt ra và dần trở nên phổ biến [ 7 , tr.156]. Các học thuyết khác được đưa ra bao gồm “Thuyết cơ hội Trung Quốc” và “Thuyết đóng góp của Trung Quốc” – những lý thuyết nhằm đối phó với “Thuyết mối đe dọa Trung Quốc” và “Thuyết sự sụp đổ của Trung Quốc” [ 3 , tr.459]. Trung Quốc cũng tuyên bố mối quan hệ giữa nước này với các quốc gia khác là dựa trên bình đẳng và lợi ích chung chứ không phải nhằm thúc đẩy hoặc áp đặt các hệ tư tưởng và mô hình quản trị trong nước của Trung Quốc. Năm Nguyên tắc Chung sống Hòa bình năm 1954 nhấn mạnh điều này. Đồng thời, Các Nguyên tắc Viện trợ Nước ngoài cũng nhấn mạnh cam kết không can thiệp. Năm 2004, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố “Bốn không và một không có”, hai trong số đó có liên quan trực tiếp đến chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc: “Không” đầu tiên là không có bá quyền, và “Không” thứ ba là không liên kết khối. Kể từ Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết chống chủ nghĩa bá quyền, nghĩa là không áp đặt các tư tưởng của Trung Quốc lên các nước khác. Học thuyết trỗi dậy hòa bình cũng chỉ đơn giản là thuyết phục các bên về tính hữu ích của hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với các quốc gia khác theo hướng cùng có lợi 10 . Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao vào ngày 12/8/2008, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đưa ra đề xuất năm điểm nhằm hiện thực hóa hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung ở châu Á: (1) tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị; (2) tăng cường hợp tác kinh tế; (3) cùng nhau vượt qua thách thức; (4) tăng cường giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân; và (5) tuân thủ chính sách mở cửa 1 . Đề xuất năm điểm này nhằm cụ thể hóa chiến lược trỗi dậy dựa trên quyền lực mềm của Trung Quốc, giúp làm giảm các mối lo ngại của các quốc gia láng giềng đối với Trung Quốc, đảm bảo cho sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một cường quốc khu vực và xa hơn là một cường quốc trên thế giới.

Về đối ngoại , Trung Quốc muốn chứng minh cho thế giới thấy mình sẵn sàng trở thành một thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế. Trung Quốc cũng góp phần giảm căng thẳng và xung đột tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc thành lập và tham gia các tổ chức, cơ chế, diễn đàn khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên…

Sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc chỉ sau hai thập kỷ kể từ chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình đã giúp Trung Quốc nhận được sự ngưỡng mộ của các nước đang phát triển. Hoạt động chính sách đối ngoại ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trong các tổ chức khu vực và quốc tế, cùng việc họ kiên định với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, càng khiến nước này nhận được sự yêu mến của không ít quốc gia. Chính sách không can thiệp này hoàn toàn trái ngược với các khoản viện trợ và hỗ trợ có điều kiện mà châu Âu và Hoa Kỳ đặt ra 8 . Bên cạnh đó, việc Trung Quốc có sự thay đổi về quan điểm đối với khu vực châu Á từ giữa những năm 1990 cũng giúp nước này cải thiện hình ảnh trong mắt các nước láng giềng. Chẳng hạn, Trung Quốc đã bắt đầu tuyên truyền nhiều sáng kiến ngoại giao như “cường quốc có trách nhiệm”, “khái niệm an ninh mới”, “sự trỗi dậy và phát triển hòa bình” và “thế giới hòa hợp”, kèm theo đó là “chính sách láng giềng tốt” để hỗ trợ các sáng kiến này 3 .

Thập kỷ 2000, trong các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đã hạ thấp luận điệu dân tộc chủ nghĩa và thỏa hiệp trong các cuộc xung đột với các nước láng giềng. Ngày 21/7/2008, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ký một hiệp ước tại Bắc Kinh nhằm chính thức chấm dứt tranh chấp biên giới giữa hai nước kéo dài suốt bốn thập kỷ. Ngày 31/12/2008, cả chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố đã giải quyết xong tranh chấp biên giới đất liền kéo dài ba thập kỷ 1 . Trung Quốc giai đoạn này cũng chú trọng vào việc xây dựng “hình ảnh quốc gia” tốt đẹp thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng, tạo ấn tượng về một Trung Quốc thân thiện, mong muốn trỗi dậy trong hòa bình, bằng hòa bình và vì hòa bình 11 , thể hiện qua việc tích cực tham gia vào các hoạt động cứu trợ thiên tai, hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng kinh tế năm 2008, và gửi quân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc 1 .

Về văn hóa , với lợi thế của một quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa cùng mong muốn cạnh tranh với Mỹ trên phương diện phi quân sự, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình để nâng tầm quốc gia trên trường quốc tế thông qua các phương diện về văn hóa, giáo dục và sự hiện diện truyền thông 12 . Những năm đầu thế kỷ XXI, văn hóa Trung Quốc bước vào thời kỳ phục hưng. Giai đoạn này chứng kiến sự gia tăng đột biến trong việc học tiếng Trung và tuyển sinh người nước ngoài vào các trường đại học Trung Quốc. Trong số các công cụ được sử dụng để truyền bá văn hóa Trung Quốc ra bên ngoài, Viện Khổng Tử được xem là vũ khí mạnh nhất 8 . Viện Khổng Tử đã có mặt ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ 13 .

Trung Quốc cũng rất hào phóng trong việc cung cấp các học bổng chính phủ cho sinh viên các nước đang phát triển, cùng các hoạt động ngoại giao công chúng với các nước ở khu vực châu Phi và Nam Mỹ 1 , nhằm tạo cảm tình, chinh phục trái tim và tâm trí của người dân tại các khu vực này. Năm 2000, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC) được thành lập. Đến năm 2018, số lượng du học sinh châu Phi tại Trung Quốc là 81.562 người, chiếm 16,47% tổng số du học sinh nước ngoài tại Trung Quốc, một sự gia tăng nhanh chóng nếu so với con số khiêm tốn 2.000 người vào năm 2003. Trung Quốc được xem là điểm đến yêu thích thứ hai của các học giả châu Phi, xếp sau Pháp và trên Mỹ. Ba yếu tố có thể giải thích cho xu hướng này là: (1) Trung Quốc khuyến khích học bổng cho các học giả châu Phi; (2) học phí ở Trung Quốc tương đối dễ chi trả hơn; (3) sự phát triển quan hệ giữa châu Phi với Trung Quốc. Trong Kế hoạch hành động 2019–2021 của FOCAC, Trung Quốc cam kết cung cấp 50.000 học bổng cho sinh viên châu Phi trong giai đoạn 2019–2021. Trung Quốc cũng cam kết mời 2.000 thanh niên châu Phi tham gia các chuyến học tập tại nước này. Việc đào tạo thế hệ tiếp theo của các học giả và giới tinh hoa châu Phi đảm bảo rằng các nhà hoạch định chính sách tương lai của châu Phi sẽ quen thuộc hơn và do đó có khả năng hợp tác hơn với các chính sách toàn cầu của Trung Quốc 14 .

Tại khu vực châu Á, Trung Quốc cũng trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ trong phương diện truyền bá văn hóa và tạo tầm ảnh hưởng. Một số nỗ lực có thể kể đến như việc thành lập một kênh truyền hình tiếng Trung phát suốt 24 giờ/ngày; các đài phát thanh nhắm vào khu vực Đông Nam Á; tăng viện trợ cho các quốc gia châu Á; từng bước thu hút các sinh viên quốc tế và khuyến khích việc học tiếng Trung 3 . Trung Quốc cũng thực hiện nhiều nỗ lực nhằm đẩy mạnh giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài, qua đó giúp nước này đảm bảo bốn “môi trường”: môi trường quốc tế hòa bình và ổn định; môi trường thân thiện với các nước láng giềng và các nước trong khu vực; môi trường hợp tác trên cơ sở bình đẳng và các bên cùng có lợi; và môi trường truyền thông khách quan và thân thiện. Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng sức mạnh mềm là công cụ giúp Trung Quốc đạt được những mục tiêu này. Mục tiêu trước mắt là xóa tan những nhận thức sai và hiểu biết sai về Trung Quốc của các nhà bình luận nước ngoài, phát triển một hình ảnh tốt đẹp hơn về chế độ của Trung Quốc trên thế giới 15 .

Thực chất quyền lực mềm của Trung Quốc

Tuy nhiên, những hình ảnh tốt đẹp và tích cực này chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu khi Trung Quốc mới thực thi quyền lực mềm. Theo thời gian, giới quan sát và nghiên cứu dần nhận ra những toan tính thiếu trong sáng trong những nguồn lực mà Trung Quốc sử dụng để truyền bá quyền lực mềm.

Về chính trị , Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại trên con đường xây dựng quyền lực mềm của mình. Theo Cho & Jeong (2008), nước này bị chỉ trích bởi nạn tham nhũng tràn lan, thuyết mối đe dọa Trung Quốc và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Vì những vấn đề này, khó có thể kết luận một cách chính xác rằng các nước láng giềng sẽ sẵn sàng chấp nhận quyền lực mềm của Trung Quốc 3 . Thiếu tự do tư tưởng, tham nhũng và các vấn đề xung quanh eo biển Đài Loan vẫn là những điểm trừ khiến quyền lực mềm chính trị của Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn so với Mỹ và châu Âu [ 6 , tr.89]. Việc chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng và nhân quyền cũng làm nhiều người mất đi sự tin tưởng vào quyền lực mềm chính trị của nước này 13 , 16 . Với nhu cầu về năng lượng và nguyên vật liệu tăng cao của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với các nước như Sudan, Nigeria, Angola, Iran, Myanmar và Venezuela bởi đây là những nước có trữ lượng dầu lớn. Việc này khiến Trung Quốc vấp phải những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế khi chính phủ các nước vừa kể trên bị cáo buộc vi phạm nhân quyền 17 .

Bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tăng cường tầm ảnh hưởng của mình tại châu Phi và Nam Mỹ. Bắc Kinh cố tình tránh xa các vấn đề chính trị bằng cách liên tục cam kết với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng và ủng hộ nền độc lập, chủ quyền, hệ thống chính trị của các nước này và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, những sự hỗ trợ và cam kết của Trung Quốc không hoàn toàn vô tư như những gì nước này tuyên truyền mà cũng kèm theo điều kiện. Cụ thể, Bắc Kinh đã yêu cầu các nước châu Phi và Nam Mỹ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan, qua đó từng bước cô lập Đài Loan trên trường quốc tế 17 , 18 . Những mối quan hệ cá nhân mật thiết với lãnh đạo các nước Nam Mỹ đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc gây khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan muốn kinh doanh tại Nam Mỹ 18 .

Kiềm chế và hạn chế ảnh hưởng của Đài Loan tại châu Phi và Nam Mỹ đã trở thành nguyên nhân chính đứng sau những nỗ lực thực thi quyền lực mềm của Trung Quốc tại hai khu vực này, bên cạnh lợi ích kinh tế mà nước này đạt được khi đầu tư vào các quốc gia tại đây. Những toan tính chính trị của Trung Quốc đằng sau chính sách quyền lực mềm đã khiến nhiều người lo ngại về một “chủ nghĩa tân thực dân” đang bành trướng tại các quốc gia Nam bán cầu 17 .

Về ngoại giao , Trung Quốc bị xem là chỉ có xu hướng kết thân với các quốc gia có chế độ chính trị giống mình cùng những cáo buộc về tham nhũng và vi phạm nhân quyền, và điều này đã làm dấy lên những dư luận tiêu cực về hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng 17 , 19 . Năm 2004, sau khi vụ diệt chủng Darfur nổ ra ở Sudan, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã cố gắng áp đặt các biện pháp trừng phạt với Sudan, nhưng Trung Quốc đã ngăn cản điều này bởi Sudan là quốc gia cung cấp gần 5% sản lượng dầu cho Trung Quốc. Tháng 7/2005, Trung Quốc tiếp đón trọng thể Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, người đã thực hiện cuộc cải cách ruộng đất ở Zimbabwe mà theo lời Liên Hợp Quốc là một “sự bất công thảm khốc”. Các mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ giữa Trung Quốc với các chế độ này đã gây cản trở lên những áp lực mà cộng đồng quốc tế đặt ra nhằm mang lại những cải cách kinh tế và chính trị có ý nghĩa 17 , 20 .

Theo Gill & Huang (2006), có hai nguyên nhân làm suy yếu quyền lực mềm đối ngoại của Trung Quốc. Thứ nhất, sự xuất hiện của các tổ chức phi chính phủ (các nhóm nhân quyền, công đoàn, phong trào Pháp Luân Công, cộng đồng ly khai Tây Tạng, những người bất đồng chính trị) sẽ hướng sự tập trung của thế giới vào mối đe dọa Trung Quốc hoặc những vi phạm nhân quyền của nước này. Nguyên nhân thứ hai là sự thiếu nhất quán trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc do áp lực về một quá khứ huy hoàng và tinh thần dân tộc dâng cao đã khiến nước này bị chệch hướng trong việc thực thi chính sách. Vụ tranh chấp với Hàn Quốc về lịch sử của Vương quốc Cao Ly đã làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2003-2004. Những tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng như quá khứ về Chiến tranh Trung-Nhật vẫn ám ảnh người Trung Quốc, khiến quan hệ giữa hai nước thay đổi thất thường 20 .

Bên cạnh đó, tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam cũng bùng phát trở lại vào năm 2009 7 . Căng thẳng trên Biển Đông bắt đầu gia tăng vào năm 2009, leo thang vào năm 2012 và trở nên tồi tệ hơn cho đến năm 2016, mà đỉnh điểm là Trung Quốc có những hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và Philippines 21 . Hầu hết các nhà quan sát cho rằng quy mô lãnh thổ và nhân khẩu học, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ngân sách quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy nước này có thể trở thành một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại có khả năng thống trị Đông Á và thách thức các lợi ích của Mỹ 1 .

Về văn hóa , dù chính quyền Trung Quốc vẫn thường tuyên bố vai trò của Viện Khổng Tử cũng giống như Hội đồng Anh, Viện Goethe hay Cộng đồng Pháp ngữ ở khía cạnh truyền bá ngôn ngữ và văn hóa quốc gia ra bên ngoài, nhưng các học giả và nhà quan sát vẫn nhận thấy những động cơ không trong sáng của các Viện Khổng Tử 13 , 16 .

Mục đích của các Viện Khổng Tử là nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trên toàn cầu, tuyên truyền những hình ảnh tốt đẹp về Trung Quốc, thế nhưng các chính sách thực tế của Bắc Kinh lại cho thấy điều ngược lại 8 . Trên thực tế, Viện Khổng Tử bị lồng ghép trong các thiết chế giáo dục. Hơn thế nữa, các nhân viên tại Viện Khổng Tử luôn tìm cách ngăn chặn các trường đại học tổ chức các buổi thảo luận về các chủ đề nhạy cảm như Đài Loan và Tây Tạng. Viện Khổng Tử cũng được cho là một công cụ mà Trung Quốc sử dụng để thu thập thông tin tình báo. Tháng 2/2018, giám đốc FBI Mỹ đã công khai cảnh báo về sự “ngây thơ” của các trường đại học đối với vấn đề Viện Khổng Tử cũng như những nỗ lực thu thập tin tình báo “một cách phi truyền thống” của Đảng Cộng sản Trung Quốc 13 . Qua việc thành lập các Viện Khổng Tử ở nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc mong muốn truyền bá văn hóa cũng như tạo thiện cảm tại các quốc gia này. Tuy nhiên, kết quả thu về lại không tương xứng với những gì đã bỏ ra. Năm 2013, tại Trung Á có 24.000 học viên đăng ký học tại Viện Khổng Tử. Tuy vậy, Trung Á vẫn tỏ thái độ phẫn nộ với Trung Quốc – chủ yếu là bởi chính sách xâm lược của Trung Quốc trong quá khứ cũng như những căng thẳng ngày càng gia tăng trong cách chính quyền Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ 22 . Theo một nghiên cứu định lượng do Brazys và Dukalskis tiến hành năm 2019, khi khảo sát thái độ của người dân các nước nơi có đặt Viện Khổng Tử qua các năm 2005, 2010, 2015 và 2017, cảm tình dành cho Viện Khổng Tử có xu hướng giảm theo thời gian, trong đó các biểu đồ năm 2015 và 2017 thể hiện cái nhìn tiêu cực hơn nhiều so với biểu đồ năm 2005 và 2010 23 . Điều này cho thấy thế giới đang nhận ra những tính toán của các viện này và dần mất đi thiện cảm dành cho Viện Khổng Tử nói riêng cũng như cho nhà cầm quyền Trung Quốc nói chung.

Các khóa đào tạo, tu nghiệp do Trung Quốc tổ chức cho người nước ngoài cũng đầy toan tính chính trị. Trung Quốc từng mời các nhà báo châu Phi đến thăm nước này, kết hợp tham gia khóa đào tạo. Tuy nhiên, mục đích của chuyến đi không phải nhằm đào tạo kỹ năng báo chí, mà là để các nhà báo tận mắt thấy những thành tựu của Trung Quốc (sự phát triển cơ sở hạ tầng) và học cách đưa tin phù hợp với quan điểm của chính quyền Trung Quốc. Trung Quốc cũng đầu tư phát triển mạng lưới truyền thông tại châu Phi, và các cơ quan này luôn có hai đội ngũ biên tập viên: một đội gồm những biên tập viên người bản địa, có thể tự do đưa tin về các vấn đề ở châu Phi, và một đội gồm các biên tập viên người Trung Quốc sẽ kiểm duyệt, thay đổi hoặc cắt bỏ những nội dung mà chính quyền Trung Quốc cho là nhạy cảm, nhằm đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ luôn xuất hiện với một hình ảnh “tích cực” và “mang tính xây dựng” 13 .

Việc Trung Quốc sử dụng quyền lực mềm là nhằm truyền bá những quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và sâu xa hơn là phục vụ cho mục đích trở thành siêu cường tại khu vực và trên thế giới. Trung Quốc không quan tâm đến việc khiến các quốc gia khác yêu mến và tự nguyện nghe theo mình, mà thường lồng ghép sức mạnh kinh tế vào các công cụ thực thi quyền lực mềm để khéo léo tạo sức ép, thao túng, buộc các quốc gia khác nghe theo hoặc làm những gì Trung Quốc muốn. Sự vâng phục này phần nhiều là vì sợ hãi sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc hơn là vì thực sự yêu mến Trung Quốc.

Theo Kurlantzick (2007), khi lần đầu tiên đặt ra thuật ngữ quyền lực “mềm” vào năm 1990, Joseph Nye đã sử dụng một định nghĩa hạn chế hơn ở chỗ loại trừ đầu tư và viện trợ – các hình thức gây ảnh hưởng mang tính truyền thống hơn và “cứng” hơn. Nhưng sau đó, Trung Quốc và các nước láng giềng đều đưa ra ý tưởng rộng hơn về quyền lực mềm, bao hàm tất cả các yếu tố bên ngoài lĩnh vực an ninh, bao gồm cả đầu tư và viện trợ 24 . Theo Hunter (2009), khi lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ quyền lực mềm, Nye đã đặc biệt loại trừ yếu tố tài chính. Thay vào đó, Nye tập trung vào các yếu tố phi thương mại, phi tài chính (và tất nhiên là phi quân sự) để khiến người dân ở một quốc gia có thiện cảm với quốc gia khác. Tuy nhiên, viện trợ tài chính cũng có thể được xem là một dạng quyền lực mềm hợp pháp 12 . Nếu nhìn theo lăng kính của Kurlantzick và Hunter, có thể xem các khoản đầu tư và viện trợ của Trung Quốc vào châu Phi và Nam Mỹ là một thành phần trong quyền lực mềm của Trung Quốc.

Tại châu Phi, Trung Quốc đã hỗ trợ các nước xây dựng các cơ sở hạ tầng như trường học, thư viện, bệnh viện, bảo tàng, nhà hát,… Thế nhưng các khoản hỗ trợ của Trung Quốc cũng không hoàn toàn vô điều kiện. Dù không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và lên án họ thiếu dân chủ (cách tiếp cận thường thấy của Mỹ), nhưng Trung Quốc chỉ viện trợ và đầu tư vào các nước châu Phi với điều kiện các nước này không công nhận Đài Loan. “Vàng đen” (dầu mỏ) tại châu Phi cũng là một đích ngắm của Trung Quốc khi 70% các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại châu Phi là đổ vào các nước có trữ lượng dầu lớn như Angola, Nigeria, Ethiopia và Sudan 19 .

Trung Quốc cũng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để tác động đến các quốc gia ở Nam Mỹ – khu vực được xem là “sân sau” của Mỹ. Tháng 11/2004, Trung Quốc ký 39 hiệp định thương mại với các nước Nam Mỹ. Chỉ riêng các khoản đầu tư vào Argentina đã lên tới 20 tỷ USD. Năm 2005, Trung Quốc ký một thỏa thuận quan trọng với Venezuela về các hoạt động thăm dò dầu khí và tuyên bố sẽ mở rộng các khoản tín dụng thương mại thuận lợi cho Cuba. Đến năm 2005, Trung Quốc đã đề nghị đầu tư hơn 50 tỷ USD cho các quốc gia trong khu vực Nam Mỹ 12 .

Sau hơn hai thập kỷ đến Trung Quốc, quyền lực mềm đã trở nên rất khác so với khái niệm được Joseph Nye đặt ra vào năm 1990. Năm 2007, Diêm Học Thông, giáo sư hàng đầu về Quan hệ Quốc tế ở Trung Quốc, đã chỉ ra rằng “cốt lõi của quyền lực mềm không phải là quyền lực văn hóa mà là quyền lực chính trị” 11 . Trước thực tế đó, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng khái niệm quyền lực mềm của Nye không thể được áp dụng với trường hợp Trung Quốc. Định nghĩa về quyền lực mềm của Joseph Nye chỉ chủ yếu thích hợp với kinh nghiệm của Mỹ, và cần có một định nghĩa khác về quyền lực mềm phù hợp hơn với tình hình của Trung Quốc 3 . Chính vì vậy, đã có những khái niệm quyền lực mới xuất hiện nhằm mô tả chính xác bản chất của quyền lực Trung Quốc.

Từ quyền lực thông minh…

Năm 2004, nhận ra chỉ quyền lực mềm là chưa đủ để tạo thành một chính sách đối ngoại hiệu quả, Nye đặt ra khái niệm quyền lực thông minh để chỉ sự kết hợp giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm 6 . Quyền lực trong thời đại thông tin toàn cầu bao gồm cả chiều kích mềm là sự thu hút cũng như chiều kích cứng là sự ép buộc và dụ dỗ. Khả năng kết hợp quyền lực cứng và mềm một cách hiệu quả gọi là “quyền lực thông minh” 25 . Cụ thể hơn, quyền lực thông minh có thể được định nghĩa là năng lực của một tác nhân, thực thể hoặc quốc gia trong việc kết hợp hiệu quả các yếu tố của quyền lực cứng và mềm theo những cách thức củng cố lẫn nhau hoặc bổ sung cho nhau để đạt được mục tiêu mong muốn một cách hiệu quả 16 .

Không khó để nhận ra cách Trung Quốc sử dụng quyền lực thông minh để đạt được mục đích của mình. Với lợi thế là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc thường sử dụng sức mạnh kinh tế làm đòn bẩy để buộc các quốc gia khác làm những điều nước này muốn. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có tác động đến mọi khu vực trên thế giới, từ châu Phi, Nam Mỹ, Trung Á đến châu Á – Thái Bình Dương.

Ví dụ, tháng 6/2017, Hy Lạp đã phủ quyết một nghị quyết của EU tại Liên Hợp Quốc lên án Trung Quốc vì hồ sơ nhân quyền của nước này. Sau đó, Hy Lạp đã nhận được khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc trong giai đoạn hậu Đại Suy thoái. Khi Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, việc nhập khẩu cá hồi Na Uy vào Trung Quốc giảm 61,8% chỉ trong một tháng. Mất sáu năm để Na Uy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với việc nhắc lại cam kết của mình với chính sách “Một Trung Quốc”, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc 26 .

Tháng 3/2017, Hàn Quốc lắp đặt hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) – hệ thống phòng thủ tên lửa chống đạn đạo của Mỹ. Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm buộc Hàn Quốc dừng triển khai THAAD. Người dân Trung Quốc cũng trợ lực cho chính phủ bằng cách tẩy chay các sản phẩm Hàn Quốc, khiến việc kinh doanh của nhiều tập đoàn lớn Hàn Quốc như Lotte và Orion bị ảnh hưởng. Dưới áp lực kéo dài từ cộng đồng kinh doanh Hàn Quốc, vào ngày 7/6/2017, Tổng thống Moon Jae In phải nhượng bộ các yêu cầu của Trung Quốc và ngừng triển khai THAAD 26 .

Ở khu vực Đông Nam Á, tình hình cũng diễn ra tương tự. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 tổ chức tại Phnom Penh năm 2012, nước chủ nhà Campuchia đã không cho phép đưa sự kiện Scarborough vào tuyên bố chung, và điều này dẫn đến bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên ASEAN. Cuối cùng, trong lịch sử 45 năm tổ chức, đây là hội nghị đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung 27 . Sau khi Campuchia ngăn cản ASEAN chỉ trích Trung Quốc vì tranh chấp trên Biển Đông, tháng 6/2016, Trung Quốc đã bổ sung cho Campuchia các khoản vay lãi suất thấp trị giá 600 triệu USD chỉ trong vài ngày. Còn tại Philippines, nhờ chỉ trích Mỹ và Tổng thống Obama, Tổng thống Duterte đã được Trung Quốc tưởng thưởng bằng những khoản vay lãi suất thấp trị giá hàng tỷ USD 26 . Đối với vấn đề Biển Đông, đa số các nước Đông Nam Á thường né tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc do lo sợ sức ép kinh tế của cường quốc này 28 .

Năm 2017, Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ xuất bản một báo cáo, trong đó cho rằng trước việc Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào việc gia tăng quyền lực mềm nhưng đã vấp phải một làn sóng phản ứng ở các quốc gia dân chủ, nên chăng cần suy nghĩ lại về quyền lực mềm bởi nội hàm khái niệm vốn được sử dụng kể từ sau Chiến tranh Lạnh dường như không còn đủ để mô tả tình hình hiện tại. Từ đó, báo cáo này đề xuất một khái niệm mới là “quyền lực sắc nhọn” 29 .

… đến quyền lực sắc nhọn

Tháng 10/2017, Springer Nature, một trong những nhà xuất bản tạp chí học thuật định kỳ lớn nhất thế giới, thông báo rằng dưới áp lực của Trung Quốc, họ đã phải chặn quyền truy cập trên trang web tiếng Trung của mình đối với hàng trăm bài báo, trong đó có nhiều bài liên quan đến các chủ đề như chính trị, nhân quyền, Đài Loan và Tây Tạng 13 . Tại Australia, Trung Quốc đã áp dụng quyền lực sắc nhọn một cách chuyên sâu trên một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm truyền thông, kinh doanh, chính trị và văn hóa. Ví dụ, các thực thể của Trung Quốc bị nghi ngờ có hành vi quyên góp cho các đảng phái chính trị và chính trị gia Australia; các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc mua chỗ trên các tờ báo của Australia để quảng bá quan điểm của Bắc Kinh; các đại diện chính phủ xúi giục sinh viên Trung Quốc đang học tại các trường đại học ở Australia ngăn cản các cuộc tranh luận cởi mở về các vấn đề nhạy cảm 29 .

Tóm lại, quyền lực sắc nhọn được định nghĩa là thứ quyền lực có khả năng đâm thọc, thâm nhập hoặc xuyên thủng môi trường chính trị hoặc thông tin của các nước bị nhắm đến, kiểm duyệt và thao túng những thông tin mà các nước này nhận được, hạn chế quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân 29 . Quyền lực sắc nhọn thường tấn công vào các khía cạnh như văn hóa, học thuật, truyền thông và xuất bản – những lĩnh vực quan trọng, quyết định cách người dân ở các nước dân chủ nhìn nhận thế giới xung quanh 13 .

KẾT LUẬN

Theo Kivimäki (2014), Trung Quốc không có nhu cầu xây dựng quyền lực mềm để trở thành bá chủ như Mỹ. Đây là lý do tại sao quyền lực mềm của Trung Quốc, vì mục tiêu trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, không quan tâm đến việc thể hiện các đức tính tốt của xã hội Trung Quốc hoặc kiểu quản trị của nó. Với tư cách là một cường quốc chống bá quyền, Trung Quốc không cần cố gắng “chăm sóc” lợi ích của các nước khác, và vì thế, chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc không phải là một sự thất bại như nhận xét của một số nhà lý thuyết hàng đầu của Mỹ như Shambaugh, Nye, Ikenberry,... 10 Cũng theo Kivimäki, cách tiếp cận và mục tiêu của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới là không giống với Mỹ, và do đó, chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc không thể được đánh giá bằng thước đo của Mỹ mà nên được phép tạo ra con đường phát triển hòa bình của riêng mình. Miễn là Trung Quốc cam kết thực hiện các chính sách chống chủ nghĩa bá quyền, không can thiệp và chống chủ nghĩa quân phiệt, thì sức mạnh mềm và đóng góp của Trung Quốc vào quản trị toàn cầu sẽ không bị coi là đe dọa hoặc vô trách nhiệm 10 .

Kể từ lần đầu tiên đến Trung Quốc vào năm 1992, khái niệm quyền lực mềm đã được tiếp nhận, nhưng sau quá trình được thực thi ở Trung Quốc, quyền lực mềm đã thay đổi bản chất, dẫn đến nhu cầu bắt buộc phải có một khái niệm khác để định nghĩa chính xác về dạng quyền lực mà Trung Quốc đang áp dụng. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự củng cố quyền lực của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, cùng một chính sách đối ngoại quyết đoán, được hỗ trợ bởi một quân đội hiện đại, đã thúc đẩy nước này cứng rắn hơn trong cách thực thi quyền lực của mình trên toàn cầu. Trong quá trình này, Trung Quốc đã dệt vào nền pháp chế của mình tất cả những sợi chỉ báo trước sự xuất hiện của một siêu cường – quyền lực mềm, quyền lực cứng, quyền lực thông minh và giờ đây là quyền lực sắc nhọn. Các quốc gia thuận theo Trung Quốc phần nhiều là vì “sợ” hơn là vì “yêu mến” Trung Quốc. Tuy nhiên, như Niccolo Machiavelli đã viết trong Quân vương : “Vì khó mà dung hợp được cả hai điều ấy trong một con người, nên nếu phải loại bỏ một điều thì an toàn nhất là khiến cho người sợ mình hơn khiến cho người yêu mến mình” 30 . Xét cho cùng, với vị thế cùng sức mạnh kinh tế và quân sự hiện nay của mình, Trung Quốc có lý do để chẳng cần phải quan tâm đến việc người khác sợ mình hay yêu mến mình bởi “kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận” 31 .

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả thực hiện toàn bộ nghiên cứu trong bài viết (lên ý tưởng; tìm kiếm, tổng hợp, hệ thống và dịch tài liệu tiếng Anh; viết bài; liên hệ gửi và chỉnh sửa bài viết). Bài viết thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá của tác giả đối với quá trình tiếp nhận và triển khai quyền lực mềm của chính quyền Trung Quốc, từ đó chỉ ra những sự thay đổi trong tính chất của khái niệm và khảo sát về hai dạng quyền lực mới được đặt ra nhằm mô tả chính xác tình hình.

References

  1. Ding S. Analyzing rising power from the perspective of soft power: A new look at China's rise to the status quo power. J Contemp China. 2010;19(64):255-72. . ;:. Google Scholar
  2. Courmont B. Le soft power chinois: entre stratégie d'influence et affirmation de puissance. Rev Etud Comp Est Ouest. 2012;N°(1):287-309. . ;:. Google Scholar
  3. Cho YN, Jeong JH. China's soft power: discussions, resources, and prospects. Asian Surv. 2008;48(3):453-72. . ;:. Google Scholar
  4. Nye J. China's soft and sharp power; 2018. Project Syndicate. . ;:. Google Scholar
  5. Nye J. Bound to lead: The changing nature of American power. New York: Basic Books; 1990. . ;:. Google Scholar
  6. Nye J. Soft power: The Means to Success in World Politics. New York: Public Affairs; 2004. . ;:. Google Scholar
  7. Yan XT. From keeping a low profile to striving for achievement. Chin J Int Pol. 2014;7(2):153-84. . ;:. Google Scholar
  8. Yoshihara T, Holmes JR. China's energy-driven 'soft power'. Orbis. 2008;52(1):123-37. . ;:. Google Scholar
  9. Glaser BS, Murphy ME. Soft power with Chinese characteristics: the ongoing debate. In: MsGiffert C, editor. Chinese Soft Power and Its Implications for the United States: competition and Cooperation in the developing world. Washington: Rowman & Littlefield Publishing Group Publishers; 2009. p. 10-26. . ;:. Google Scholar
  10. Kivimäki T. Soft power and global governance with Chinese characteristics. Chin J Int Pol. 2014;7(4):421-47. . ;:. Google Scholar
  11. Wang YW. Public diplomacy and the rise of Chinese soft power. Ann Am Acad Pol Soc Sci. 2008;616(1):257-73. . ;:. Google Scholar
  12. Hunter A. Soft power: China on the global stage. Chin J Int Pol. 2009;2(3):373-98. . ;:. Google Scholar
  13. Walker C. What is 'sharp power'? J Democr. 2018;29(3):9-23. . ;:. Google Scholar
  14. Lefifi T, Kiala C. Untapping FOCAC higher education scholarships for Africa's human capital development: lessons from haigui. China Int Strategy Rev. 2021;3(1):177-98. . ;:. Google Scholar
  15. Mingjiang L. China debates soft power. Chin J Int Pol. 2008;2(2):287-308. . ;:. Google Scholar
  16. Singh M. From smart power to sharp power: How China promotes her national interests. Def Stud. 2018;12(3):5-25. . ;:. Google Scholar
  17. Ding S. To build A 'harmonious World': China's soft power wielding in the global south. J Chin Pol Sci. 2008;13(2):193-213. . ;:. Google Scholar
  18. Bliss KE. China's projection of soft power in the Americas. In: MsGiffert C, editor. Chinese Soft Power and Its Implications for the United States: competition and Cooperation in the developing world. Washington: Rowman & Littlefield Publishing Group Publishers; 2009. p. 45-62. . ;:. Google Scholar
  19. Nagao H. China's soft power investment in African nations; 2016 [[Masters thesis]. University of Kansas]. . ;:. Google Scholar
  20. Gill B, Huang YZ. Sources and limits of chinse 'soft power'. Survival. 2006;48(2):17-36. . ;:. Google Scholar
  21. Ling W. Developmental peace in east Asia and its implications for the Indo-Pacific. Int Affairs. 2020;96(1):189-210. . ;:. Google Scholar
  22. Kennedy W. China and the evolution of power: What is motivating China to adopt soft power strategies and how effective have these strategies been? [Master thesis, Universiteit van Amsterdam]. . 2016;:. Google Scholar
  23. Brazys S, Dukalskis A. Rising powers and grassroots image management: Confucius institutes and China in the media. Chin J Int Pol. 2019;12(4):557-84. . ;:. Google Scholar
  24. Kurlantzick J. China's charm offensive in Southeast Asia. Curr Hist. 2006;105(692):270-76. . ;:. Google Scholar
  25. Nye JS. Public diplomacy and soft power. Ann Am Acad Pol Soc Sci. 2008;616(1):94-109. . ;:. Google Scholar
  26. Rein S. The war for China's wallet. Berlin: De Gruyter; 2018. . ;:. Google Scholar
  27. Mahbubani K, Sng J. The ASEAN miracle: A catalyst for peace. Singapore: NUS Press; 2017. . ;:. Google Scholar
  28. Shambaugh D. Where great powers meet: America and China in Southeast Asia. Oxford: Oxford University Press; 2020. . ;:. Google Scholar
  29. International Forum for Democratic Studies. Sharp power: rising authoritarian influence. Washington, DC: National Endowment for Democracy; 2017. . ;:. Google Scholar
  30. Machiavelli N. Quân vương. Đăng Thư dịch. 2017. Hà Nội: NXB Dân trí. . ;:. Google Scholar
  31. Thucydides. Lịch sử chiến tranh Peloponnese. Takya Đỗ, Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Chí Hiếu dịch. 2017. Hà Nội: NXB Thế giới. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 2008-2017
Published: Jun 30, 2023
Section: Reviews - Science Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.828

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, T. (2023). China’s soft power: three decades of acceptance, deployment, and transformation. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(2), 2008-2017. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.828

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1619 times
PDF   = 698 times
XML   = 0 times
Total   = 698 times