VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

856

Total

530

Share

Current status of sustainable tourism development in Con Chim – Tra Vinh






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

From 2019, the Con Chim tourist site will exploit various types of tourism such as agricultural tourism, “thuan thien” tourism, eco-tourism, community-based tourism... There have been many advantages over other tourist destinations of similar nature in terms of how to organize to serve tourists, and how to plan and orient for sustainable development. After studying and analyzing the principles of sustainable tourism development such as economy, culture - society, environment at a tourist destination emerging as Con Chim - Tra Vinh, the research results confirm that Con Chim is currently developing in a sustainable direction in the field of tourism based on compliance with ensuring the combination of requirements of tourism development principles. The methods of an in-depth interview with many stakeholders, including fifteen households living in Con Chim, the methods of analyzing secondary - primary data related to the topic, and the field survey method in Con Chim were used to achieve the research results. The new study stops at analyzing the principles of sustainable tourism development, to have a more detailed analysis of the stakeholders involved in sustainable tourism development in Con Chim, further studies are required.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những giá trị thuận lợi để phát triển nông nghiệp và sinh thái miệt vườn, kết hợp với văn hóa đời sống gần gũi, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên của người dân địa phương tạo nên những giá trị riêng vốn có, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Trước đây, khi nói về du lịch Trà Vinh, khách du lịch nghĩ ngay đến ao Bà Om, văn hóa tộc người Khmer, du lịch sinh thái miệt vườn… thì nay, nhiều nhà nghiên cứu cũng như khách du lịch thường nhắc nhiều đến du lịch Cồn Chim - Trà Vinh. Ấp Cồn Chim thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành là một cù lao nhỏ với diện tích không quá 60ha, diện tích nông nghiệp là 34ha, 220 người dân sinh sống trên cồn canh tác chủ yếu là trồng lúa và nuôi tôm 1 .

Để đánh giá được đầy đủ về thực trạng phát triển bền vững tại một điểm đến cần phải nghiên cứu đầy đủ các bên liên quan trong hoạt động du lịch tại điểm du lịch đó, trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, nhóm tác giả chọn chủ thể nghiên cứu chính và cũng là quan trọng nhất trong các bên liên quan là những người dân tại Cồn Chim. Từ những nghiên cứu trước đó của nhiều nhà nghiên cứu về lĩnh vực phát triển bền vững tại một điểm đến du lịch trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu kế thừa khung lý thuyết và căn cứ vào thực tiễn phát triển hoạt động du lịch tại Cồn Chim, chúng tôi nhận thấy để phân tích thực trạng phát triển du lịch bền vững tại đây, cần áp dụng các nguyên tắc bền vững đề cập đến các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội của phát triển du lịch [ 2 , tr.11-12].

Kinh tế của người dân được cải thiện phần nào từ nguồn thu của hoạt động phục vụ khách du lịch, đời sống văn hóa - xã hội phát triển tích cực, dân trí người dân được nâng cao, môi trường vẫn luôn được gìn giữ rất tốt, luôn được quan tâm và đầu tư từ các cấp chính quyền địa phương… tạo nên thực trạng phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch tại Cồn Chim - Trà Vinh như hiện nay. Điều này là tín hiệu tốt và cần phải được nghiên cứu, phân tích kỹ để làm nền tảng, bài học kinh nghiệm cho những bên quan tâm đến phát triển bền vững một điểm đến du lịch.

HƯỚNG TIẾP CẬN VÀ P HƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Lý thuyết về phát triển bền vững và phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch

Lý thuyết về phát triển bền vững

Khái niệm phát triển bền vững (Sustainable development) xuất hiện trong phong trào bảo vệ môi trường từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ 20. Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên Hợp quốc, phát triển bền vững được định nghĩa như sau: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” 3 . Ngay sau đó, khái niệm này đã được chấp nhận rộng rãi và ngày càng được đề cập nhiều hơn, gắn với nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực trong đời sống. Những khái niệm về phát triển bền vững do các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học… đưa ra sau này đều có nội hàm giống với khái niệm do WCED đưa ra ở yếu tố đáp ứng nhu cầu hiện tại và đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau.

Theo Rachel Emas (2015), khái niệm bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai là một trong những đặc điểm chính giúp phân biệt chính sách phát triển bền vững với chính sách môi trường truyền thống, vốn cũng tìm cách khắc phục những yếu tố bên trong của suy thoái môi trường. Mục tiêu tổng thể của phát triển bền vững là sự ổn định lâu dài của nền kinh tế và môi trường, điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc tích hợp và thừa nhận các mối quan tâm về kinh tế, môi trường và xã hội trong suốt quá trình ra quyết định [ 4 , tr.2].

Về nguyên tắc của phát triển bền vững, tác giả Dernbach, J. C. (2003) và Stoddart, H. (2011) có đề cập đến như sau: nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững là lồng ghép các mối quan tâm về môi trường, xã hội và kinh tế vào tất cả các khía cạnh của quá trình ra quyết định. Tất cả các nguyên tắc khác trong khuôn khổ phát triển bền vững đều là cốt lõi của việc đưa ra quá trình quyết định về phát triển bền vững [ 5 , tr.247-285]; 6 . Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nguyên tắc bền vững đề cập đến các khía cạnh kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường của phát triển du lịch [ 2 , tr.11-12]. Phát triển bền vững bao gồm ba thành phần cơ bản: môi trường bền vững, xã hội bền vững và kinh tế bền vững 7 .

Lý thuyết về phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch

Từ những khái niệm, nguyên tắc của phát triển bền vững, khi kết hợp vào lĩnh vực du lịch, các nhà khoa học đưa ra khái niệm về du lịch bền vững (Sustainable Tourism). Khái niệm du lịch bền vững không còn xa lạ với những người có mối quan tâm về du lịch, nó xuất hiện từ năm 1996, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (World Travel & Tourism Council - WTTC): “Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn bảo đảm những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai”. Theo đó, chủ trương du lịch và phát triển du lịch không tác động xấu đến môi trường nhân văn, môi trường sống của con người [ 8 , tr.23].

Tại khoản 8, Điều 4 của Luật Du lịch Việt Nam năm 2005 có giải thích thuật ngữ về du lịch bền vững như sau: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai” 9 .

Ngay từ Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janero, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra khái niệm về phát triển du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai [ 10 , tr.11]

Để đáp ứng đúng thực trạng định hướng phát triển ngành du lịch Việt Nam, Luật Du lịch 2017 có thay đổi thuật ngữ du lịch bền vững thành phát triển du lịch bền vững. Khoản 14, Điều 3 của Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 có giải thích thuật ngữ phát triển du lịch bền vững như sau: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” 11 .

Từ những khái niệm nêu trên, có thể hiểu phát triển du lịch bền vững được xem là một khẩu hiệu, hướng những bên liên quan cùng nhau xây dựng phát triển ngành du lịch theo hướng tích cực, đáp ứng vừa khai thác hữu hiệu các nguồn lực du lịch ở hiện tại vừa đảm bảo, đáp ứng nhu cầu về khai thác tài nguồn lực ở tương lai, đây cũng là quan niệm của nhóm nghiên cứu.

Theo đa số quan niệm của các nhà khoa học, du lịch bền vững có những nguyên tắc phát triển giống với nguyên tắc phát triển bền vững, dựa trên ba yếu tố chính về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Trong đó:

- Về môi trường, phát triển du lịch bền vững cần phải quan tâm chú ý đến vấn đề môi trường du lịch, môi trường sinh thái tại điểm đến, sử dụng và khai thác tối ưu các tài nguyên môi trường, gắn với việc bảo tồn, phục hồi các di sản thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học;

- Về văn hóa - xã hội, tôn trọng và phát huy tính cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa địa phương nơi có tài nguyên du lịch, để phát triển du lịch bền vững còn phải chú trọng đến việc duy trì và phát triển văn hóa bản địa;

- Về kinh tế, phát triển du lịch bền vững nhất định phải đảm bảo về kinh tế ổn định, lợi ích kinh tế về du lịch phải được chia sẻ, phân bổ công bằng đến các bên liên quan, nhất là cộng đồng địa phương gắn với điểm du lịch thông qua việc tạo công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu cho cộng đồng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo…

Xét từ lý thuyết đến thực trạng nghiên cứu về phát triển bền vững tại Cồn Chim - Trà Vinh, nhóm nghiên cứu áp dụng ba nguyên tắc về phát triển du lịch bền vững. Việc áp dụng những nguyên tắc này góp phần giúp bài nghiên cứu đạt được những kết quả nhất định khi nghiên cứu và thảo luận về thực trạng phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch tại Cồn Chim - Trà Vinh.

Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính, thông qua phương pháp này làm rõ tính chất của bài viết, kết quả định tính được thu thập từ:

- Thông tin tư liệu sơ cấp có được thông qua việc tiến hành thực hiện PVS 15 người dân đến từ các hộ dân khác nhau, hiện đang sinh sống và lao động tại Cồn Chim. Trong đó, có 09 hộ dân đã và đang tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, 06 hộ dân hiện chưa tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch (biên bản PVS được mã hóa theo mã số PVS-số thứ tự). Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn thực hiện PVS các bên liên quan như: đại diện lãnh đạo SVHTTDL, đại diện VNCPTKT&DL (đơn vị tư vấn phát triển du lịch tại Trà Vinh) và đại diện CTYĐH. Phương pháp này giúp cho nhóm nghiên cứu phát hiện rõ hơn những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững tại Cồn Chim vì tất cả các hộ dân, các bên liên quan đều là chủ thể trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào hoạt động phát triển du lịch tại Cồn Chim.

- Thông tin tư liệu thứ cấp có được từ các bài nghiên cứu được thực hiện bởi tác giả trong nước và quốc tế liên quan đến phát triển bền vững điểm đến. Các số liệu từ dự án, báo cáo khoa học, các bài báo, tạp chí… có nội dung về tình hình kinh tế, xã hội, đời sống của người dân tại Cồn Chim - Trà Vinh trong những năm qua. Từ những tài liệu thứ cấp có được, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích, tổng hợp, so sánh giữa các tài liệu thứ cấp với nhau nhằm chọn lấy ra những thông tin có giá trị hữu ích, phù hợp với những phần mà bài nghiên cứu cần.

goài ra, phương pháp khảo sát thực địa được diễn ra ba lần tại Cồn Chim trong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 đến tháng 3 năm 2022. Mặc dù có thời gian khảo sát thực địa bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19 nhưng đây cũng là điều kiện để nhóm nghiên cứu phát hiện và đưa ra những nhận định rõ hơn về những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững trước và sau đại dịch COVID-19 tại Cồn Chim thông qua việc quan sát tại các hộ dân trên cồn.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng hoạt động du lịch tại Cồn Chim

Cồn Chim được xem là một ốc đảo xanh giữa dòng sông Cổ Chiên 12 . Mảnh đất đầy tính Nam bộ, người dân chân chất thật thà, giàu tình làng nghĩa xóm, thiên nhiên trong lành cùng với sự hướng dẫn tận tình của các bên liên quan như: chỉ đạo của SVHTTDL tỉnh Trà Vinh, hướng dẫn từ VNCPTKT&DL, điều phối hoạt động du lịch do CTYĐH đảm nhận trong những năm qua đã đem đến những hiệu quả tích cực cho việc phát triển hoạt động kinh doanh du lịch, chào đón và phục vụ du khách tại Cồn Chim. Những yếu tố đó giúp Cồn Chim thành điểm du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông nghiệp, điểm du lịch sinh thái… hấp dẫn, gần gũi với khách du lịch hơn. Từ đó, người dân trên cồn nhận được nhiều giá trị hơn từ các hoạt động du lịch do khách du lịch đem đến, trong đó có lợi ích về kinh tế, lợi ích về nâng cao ý thức, lợi ích về nâng cao đời sống văn hóa, môi trường được cải thiện… Không chỉ người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch mới được hưởng lợi và còn có những hộ dân khác trên cồn cũng được hưởng lợi gián tiếp từ du lịch.

Từ ngày Cồn Chim chính thức đi vào khai thác hoạt động du lịch tính đến nay cũng được gần ba năm (từ tháng 9/2019), trong khoảng thời gian này, Cồn Chim đã thu hút đón và phục vụ hơn 16.000 lượt khách, trong đó đa phần là khách nội địa 13 . Ông NVQ - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Cồn Chim cho hay bình quân mỗi tháng có 1.500 du khách đến Cồn Chim 14 . Số lượng hộ dân trên cồn hiện nay là 53 hộ, trong đó, số lượng hộ dân trực tiếp tham gia vào hoạt động phục vụ khách du lịch có lúc là 10 hộ, có lúc là 13 hộ. Số lượng thay đổi cũng một phần do sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng qua phỏng vấn với đại diện CTYĐH hiện nay chỉ có 10 hộ là có đăng ký kinh doanh trực tiếp với công ty và có cam kết cung ứng những sản phẩm khác nhau không trùng lặp để phục vụ khách du lịch và chấp nhận sự điều phối hiệu quả từ phía công ty, đây cũng là những điều thú vị khi khách du lịch đến với Cồn Chim.

Cồn Chim có được diện mạo như ngày nay cũng là nhờ sự hướng dẫn hỗ trợ từ các bên như: SVHTTDL, VNCPTKT&DL và CTYĐH trong việc tập huấn, nâng cao giáo dục ý thức người dân về du lịch, về môi trường… Tính đến nay, đã có rất nhiều khóa tập huấn được diễn ra, gần đây nhất phải kể đến:

- Tập huấn tổ chức lớp tập huấn “Khởi nghiệp và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong du lịch” do SVHTTDL kết hợp với VNCPTKT&DL tổ chức cho 50 học viên là các hộ dân làm du lịch cộng đồng đến từ các địa phương trong tỉnh như: Khu du lịch cù lao Tân Quy, cù lao An Lộc (huyện Cầu Kè); Khu du lịch biển Ba Động (thị xã Duyên Hải); Khu du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Hô (huyện Càng Long); Khu du lịch cộng đồng Cồn Chim (huyện Châu Thành) và Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh 15

- Trong khuôn khổ gói công việc số 4 (WP4) thuộc dự án Dự án “Phát triển du lịch bền vững và các chính sách đổi mới trong quản lý tài chính nhằm nâng cao hiệu quả tích cực cho nền du lịch Thái Lan và Việt Nam” , ngày 29/8/2020, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á đã tổ chức buổi tư vấn phát triển bền vững tại Cồn Chim 16 .

Ngày xưa, người dân Cồn Chim đã từng có thời điểm khai thác quá mức tài nguyên ở đây như chặt phá rừng, dùng thuốc để bắt cá tôm… khiến hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng. Từ năm 2014, Cồn Chim được dự án PRC (dự án tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với tổ chức Oxfam triển khai mô hình đồng quản lý sông Cồn Chim, nhằm phát triển sinh kế cho cộng đồng và nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng phòng hộ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ đồng quản lý sông Cồn Chim gồm 100 hộ dân ở bốn ấp dọc triền sông Cồn Chim đã được thành lập, và các hộ dân trong tổ cùng nhau quản lý hơn 6ha rừng, 57ha diện tích mặt nước. Theo đó, mỗi ấp có một đội tuần tra 3 người thay phiên nhau đi kiểm tra, nhắc nhở người dân trong vùng và các phương tiện vào Cồn Chim đánh bắt thủy sản về Hương ước mới để bảo vệ dòng sông và hệ sinh thái nơi đây. Những nỗ lực đó đã giúp môi trường ở Cồn Chim được phục hồi, các loài thủy hải sản dần đông đúc trở lại với nhiều chủng loại đặc trưng của vùng đất mặn lợ như: cá bông lau, cá kèo, cá thòi lòi, tôm, cua… Cồn Chim hiện nay còn là vùng tôm - lúa điển hình theo cách sống thuận thiên 17 . Đây là một trong những hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rất hiệu quả tại Cồn Chim từ trước đến nay, những bài học từ chương trình này được người dân hưởng ứng và thực hiện tốt.

Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm vấn đề tập huấn nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, tài nguyên tại Cồn Chim, các lớp tập huấn được tổ chức vài tháng một lần, địa điểm tổ chức là nhà cộng đồng của ấp (PVS-14). Trong các buổi tập huấn thì các hộ kinh doanh du lịch và các hộ dân khác được phổ biến về lý thuyết, được phân phát các tài liệu hướng dẫn có liên quan; mỗi buổi tập huấn như thế thường diễn ra từ 3 giờ đến 4 giờ (PVS-07).

Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề tập huấn nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ an toàn cho người dân và khách du lịch thông qua những buổi tập huấn công tác phòng, chống cháy nổ. Trong đó, đặc biệt ba hộ kinh doanh phát triển du lịch, được cấp giấy phép kinh doanh (hộ Tư Pha, cô Vân, sáu Toàn) đều được trang bị bình phòng cháy chữa cháy và đều đi học, tập huấn (PVS-07). Mỗi nhà kinh doanh du lịch đều ý thức trang bị bình chữa cháy, bảng cảnh báo, hướng dẫn phòng cháy chữa cháy (PVS-02).

Do địa điểm là cồn nước bao quanh, nên người dân luôn nhắc nhở du khách về bảo vệ an toàn trước những nguy hiểm có thể xảy ra (PVS-13). Các bến phà đều có áo phao và các hộ kinh doanh du lịch thì được chính quyền tặng số lượng áo phao tương ứng với số lượng thành viên có trong gia đình. Khách đoàn đa số được trang bị bởi trưởng đoàn (PVS-08).

Để nâng cao giáo dục ý thức người dân, chính quyền địa phương nên thường xuyên họp bàn để tìm cách duy trì hoạt động du lịch (chủ yếu là nhờ vào sự giúp đỡ của Đảng, nhà nước thường xuyên tập huấn, giúp đỡ…) (PVS-07). Các hộ dân làm du lịch tham gia vào tổ hợp tác nên đoàn kết với nhau để làm du lịch, hỗ trợ và nhắc nhở nhau để không làm những việc phá vỡ bản chất của du lịch cộng đồng (PVS-07). Mỗi 1 hoặc 2 tuần sẽ có 1 cuộc họp do tổ hợp tác (tổ du lịch) của ấp tổ chức để bàn bạc, đóng góp cho nhau về ý kiến phản hồi của khách, nhắc nhở nhau cùng khắc phục và không làm những việc phá vỡ bản chất của du lịch cộng đồng (PVS-08).

Hiện nay, xã gợi ý, lấy ý kiến các hộ và đã thành lập được Tổ hợp tác, do cô Vân làm tổ trưởng, chú năm Lương làm kế toán, Quốc Vinh làm tổ phó. Thành viên của tổ là 14 hộ: cô Vân, Quốc Vinh, chú năm Lương, cô sáu Giàu, cô tư Pha, Trần Văn Đến (Hoa Bí), hai Ửng, năm Phúc, anh Thành (trò chơi dân gian), cô ba Sữa, vườn dừa Bé Thảo, cô Mèo (hướng dẫn viên), anh Vũ (bán đất cho Hoàng Long). Tổ được vận hành theo quy trình đón khách như sau: khách đến Cồn Chim liên hệ với Tổ hợp tác, tổ sẽ điều phối đến các hộ dân (sắp xếp giờ đón khách, phục vụ khách và nhận tiền trực tiếp từ khách (có trích lại % cho Tổ hợp tác). Phần tiền trích % lại cho Tổ hợp tác (quỹ chung), nhằm trang bị: thùng rác, vẽ lại câu slogan, trồng cây, trồng dây leo bện thành con Chim ngay cổng chào vào Cồn Chim, các dịch vụ chung: phòng cộng đồng (thiết kế hình ảnh, thông tin tour…) nhằm tạo hình ảnh, tạo thêm thu nhập. Đến nay, Tổ hợp tác đã họp được 3 lần: lần 1, thành lập; lần 2, bầu ban quản lý lần 3: 09/3/2022 họp hoàn thiện quy chế, lấy ý kiến tất cả thành viên và ý kiến chính quyền.

Những tác động về mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường tại Cồn Chim

Những tác động về mặt kinh tế

Từ trước khi hoạt động du lịch được diễn ra tại Cồn Chim, người dân trên cồn chủ yếu sống dựa vào kinh tế nông nghiệp, lấy việc trồng lúa, nuôi tôm là chủ yếu với phương thức canh tác 6 tháng nước mặn thì nuôi tôm và 6 tháng nước ngọt thì trồng lúa (Cung cấp thực phẩm tươi sống, nuôi tôm theo mùa: từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau nuôi tôm sú và tôm thẻ do nước không bị mặn; tháng 4 đến tháng 11 bà con nuôi tôm càng, nuôi cua thì quanh năm). Những nhà ít ruộng đất, ít ao hơn thì nuôi bò, nuôi vịt, nuôi heo, nuôi cua. Những sản phẩm nông nghiệp có được, người dân bán cho lái buôn với giá cả rất thấp. Từ khi có khách du lịch, người dân trên cồn đã bán tôm, cua cho khách du lịch với gia cao hơn khi bán cho lái buôn, một số hộ giảm đi phần làm nông, trồng lúa một mặt là do tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm, con cái đã ổn định kinh tế và chuyển sang phục vụ khách du lịch (PVS-02).

Chị N.T.S người dân ấp Cồn Chim kể: “Trước đây, gia đình chị sống bằng nghề trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, giờ đây gia đình có thêm việc làm mới khi tham gia làm du lịch. Công việc của chị là làm bánh lá và một số loại bánh dân gian Nam bộ cho du khách thưởng thức. Mỗi tháng thu nhập của cả gia đình lên tới 15 - 20 triệu đồng/tháng” 14 . Có hộ mỗi tháng tăng thu nhập lên khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng (PVS-08). Nếu ngày trước, người nông dân bán cho lái 01kg tôm với giá từ 100.000 VNĐ đến 150.000 VNĐ thì giờ đây, họ bán cho khách du lịch giá tăng thêm được gần 50% đã bao gồm chi phí chế biến, nấu và phục vụ khách trực tiếp (PVS-01) và hạn chế được sự ép giá từ lái buôn (PVS-04).

Hiện nay, các hộ dân tham gia vào việc cung ứng sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch những sản phẩm như: câu cua, câu tôm, bánh xèo, bánh lá, lưu trú, ăn trưa, chơi trò chơi dân gian, đặc sản quê, quà lưu niệm: áo thun, nón lá, mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thuê xe đạp, dịch vụ hướng dẫn viên tại điểm… Giá bán các sản phẩm trên cồn tùy vào thị trường chung, thường bán với mức tiền lời là từ 5.000 VNĐ đến 30.000 VNĐ tùy vào sản phẩm phục vụ du khách, như giá thuê một cần câu cua là 10.000 VNĐ; phục vụ ăn uống theo một bàn 10 khách, một bàn 1.100.000 VNĐ đối với cá bông lau, một bàn 1.200.000 VNĐ đối với cá ngát, tùy vào khẩu phần ăn mà khách đặt (PVS-03); lưu trú qua đêm tại homestay với giá dao động từ 100.000 VNĐ đến 200.000 VNĐ/đêm tùy vào loại phòng và số lượng khách ở trong phòng (PVS-07). Chỉ với 10.000 VNĐ đến 15.000 VNĐ là khách du lịch sẽ chơi được tất cả các trò dân gian tại khu trò chơi dân gian (PVS-04).

Đối với những hộ dân trên cồn chưa tham gia vào hoạt động du lịch thì ngoài cung cấp nông thủy sản cho lái buôn, họ cũng được hưởng lợi gián tiếp về kinh tế thông qua việc cung ứng sản phẩm như cua, tôm, trái dừa… cho những hộ khác để phục vụ khách du lịch và thi thoảng bán trực tiếp cho khách du lịch nếu như khách du lịch có nhu cầu (PVS-11). Tuy nhiên, có thể thấy được rằng việc tăng thu nhập của các hộ dân không tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch không bằng những hộ dân đang tham gia trực tiếp vào du lịch. Do đó, trong quá trình PSV một số hộ dân chưa tham gia vào hoạt động du lịch, có đến 67% hộ dân có ý định sẽ tham gia vào hoạt động du lịch, 33% được trả lời với lý do là không có nhân công, không có ai làm và không có thời gian để làm (PVS-11). Khi khách đông, những người dân có thêm công việc để làm như phục vụ ăn uống ở các hộ có kinh doanh du lịch (PVS-10).

Hiện tại, có khoảng 90% hộ dân kinh doanh đúng theo đăng ký với CTYĐH, chỉ có 10% còn lại là kinh doanh thêm những mặt hàng mà hộ khác đang kinh doanh để kiếm thêm thu nhập và chủ yếu là bán cho khách lẻ (PSV-09), do khách đoàn thường qua sự điều phối của CTYĐH. Khách lẻ ăn ở những hộ tự phát đều phản ánh là không ngon, CTYĐH và SVHTTDL đã có ý kiến về việc này nhưng hiện tại hộ kinh doanh sai này vẫn còn kinh doanh phục vụ khách lẻ (PSV-03).

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn ngành du lịch, nhưng tại Cồn Chim, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là không đáng kể, có thể là vì kinh tế của người dân nơi đây không hoàn toàn phụ thuộc vào ngành du lịch vào khách du lịch mà kinh tế vẫn phụ thuộc chính vào nuôi trồng nông thủy sản. Sau đại dịch, giá cả hàng hóa thị trường có tăng nhưng người dân trên cồn vẫn giữ nguyên giá phục vụ khách như từ lúc bắt đầu kinh doanh. Khi du lịch tại đây phát triển, cơ hội việc làm của người dân được tăng thêm (PVS-12), góp phần nâng cao kinh tế gia đình. Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng du lịch đã đem đến những lợi ích nhất định về kinh tế cho người dân tại Cồn Chim, đáp ứng được nguyên tắc phát triển bền vững về mặt kinh tế.

Những tác động về mặt văn hóa - xã hội

Văn hóa - Xã hội được xây dựng trên nền tảng cố kết cộng đồng rất cao. Người dân rất đồng thuận trong mọi mặt đời sống xã hội, nếu có xảy ra mâu thuẫn thì cùng nhau giải quyết ổn thỏa. Từ khi có hoạt động du lịch, các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng rất ít khi xảy ra, do chủ yếu là đón khách đoàn và khách đoàn có qua CTYĐH đều đã được hướng dẫn sử dụng các sản phẩm từ các hộ dân có đăng ký kinh doanh trước đó (PVS-07). Mỗi người dân đều ý thức được bản chất của du lịch cộng đồng nên mâu thuẫn cũng được giảm đi rất nhiều và hầu như không xuất hiện (PVS-08). Ban đầu, khi mới đi vào hoạt động kinh doanh thì chưa thống nhất được giá cả niêm yết, tuyến du lịch… dần dần được sự điều phối từ CTYĐH thì đã đi vào hoạt động tốt hơn, đến thời điểm này là rất tốt (PVS-04).

Dựa trên kết quả phỏng vấn sâu cũng như khảo sát về thực trạng văn hóa - xã hội tại Cồn Chim hiện nay, 100% người được hỏi chưa ghi nhận hiện tượng khách phàn nàn về các vấn đề ăn xin, bán hàng rong đeo bám khách; trước giờ chưa có tình trạng trộm cắp, cướp giật. Điều này chứng tỏ nơi đây rất an toàn cho du khách và cho người dân địa phương. 95% người được hỏi đều không phàn nàn và 05% còn lại cảm thầy có chút phàn nàn nhưng có thể chấp nhận được do quá đông khách trong một ngày vào mùa cao điểm (PVS-04; PVS-07).

Khi hoạt động du lịch diễn ra, ban đầu, mọi người đều rất lo lắng nhưng dần dần, ai cũng đều cảm thấy vui vẻ, họ cảm thấy không bị ảnh hưởng mà còn thấy cuộc sống vui hơn, rộn ràng hơn (PVS-10). Người dân cho biết thêm là họ học được nhiều kiến thức, va chạm được nhiều đối tượng khách. Phát triển theo hướng du lịch chậm, có khách đến thì tiếp đón, không có khách thì công việc bình thường vẫn tiếp diễn (PVS-07), thêm vào đó là khi làm du lịch, có tiền thì vui; và được mở mang kiến thức. Trước khi có du lịch, đa phần người dân ở đây cả đời không đi ra khỏi tỉnh Trà Vinh, không có khái niệm đi du lịch (ngoài dịp đi ăn cưới, giỗ) nên cuộc sống trôi qua khá tẻ nhạt. Từ khi có du lịch, bên cạnh việc tiếp xúc với khách du lịch từ nơi khác đến, họ còn được Sở tổ chức đi đến một số địa điểm du lịch để tham quan, trải nghiệm và học hỏi, người nhiều thì được đi 3 - 4 lần, người ít cũng 1 - 2 lần (PVS-08). Có hộ chia sẻ được học hỏi được nhiều kiến thức hơn từ các đoàn khách đến từ Bình Dương, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh…, vinh dự đón tiếp đoàn Lãnh Sự quán của Ý do thầy Đức Minh giới thiệu… (PVS-03).

Hoạt động du lịch đã giúp gắn kết cộng đồng nhiều hơn thông qua việc hàng xóm cùng nhau hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho khách du lịch, tương tác qua lại, giao lưu nhiều hơn (PVS-12). Rất nhiều hộ dân nơi đây muốn du lịch phát triển hơn nữa và phát triển theo hướng bền vững, có thể duy trì lâu dài được. Người dân ở đây làm du lịch, có thêm thu nhập, thêm tiền thì vui thật, nhưng cũng muốn làm một cách thoải mái, không bị gò bó hay chạy theo đồng tiền (chỉ cần những điều cơ bản như một ngày đón 2 - 3 đoàn khách, rồi làm thì một tuần được nghỉ một ngày, muốn giữ mọi thứ theo nhịp độ bình ổn, vừa muốn con người cũng vừa muốn cho cái cồn được nghỉ, được ngừng lại để thở) (PVS-08).

Sự thay đổi lối sống văn hóa truyền thống của người dân địa phương đều theo hướng tích cực, người dân cởi mở, tự tin hơn trước rất nhiều, tiến bộ trong lối sống, bà con ngày càng hiếu khách hơn. Lối sống văn hoá truyền thống của người dân địa phương có nhiều thay đổi, cuộc sống phong phú hơn, đường sá sạch sẽ hơn với nhiều bông, hoa được trồng lên rất đẹp. Tính cách của người dân cũng thay đổi rất nhiều, họ bớt nóng nảy hơn, thay vào đó, họ hoà đồng và thân thiện hơn, biết học cách cư xử, phục vụ khách, sống lịch sự và sinh hoạt cũng có nề nếp hơn (PVS-09). Do vậy, 100% người dân được phỏng vấn đều mong muốn địa phương tiếp tục gìn giữ, duy trì hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, gần đây, tại Cồn Chim đã có ghi nhận một trường hợp mâu thuẫn và cạnh tranh khi người dân ấp khác sang mua đất và kinh doanh du lịch tại Cồn Chim (PVS-07). Điều này dẫn đến sự so đo tính toán giữa các hộ làm du lịch nhưng vì tình làng nghĩa xóm nên không ai dám nói ra (PVS-08).

Những tác động về mặt môi trường

Hoạt động du lịch diễn ra gây tác động rất lớn về mặt môi trường tại điểm du lịch, nhưng đối với hoạt động du lịch cộng đồng tại Cồn Chim, gần như chưa có ảnh hưởng nghiêm trọng nào được ghi nhận cho đến thời điểm hiện tại. 100% người dân được hỏi đều cho rằng không có tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khách đến du lịch thì người dân cảm thấy vui chứ không có tiếng ồn (PVS-11), thậm chí, ngay cả khi có khách hát hò, nói chuyện lớn một tí, người dân nơi đây vẫn cảm thấy vui chứ không thấy bị ồn ào hay bị phiền (PVS-07).

Hằng tuần, các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường tại Cồn Chim đều được thực hiện, hộ nào dọn dẹp hộ đó, có tổ du lịch sẽ cùng nhau đi thu gom rác thải do khách du lịch đề lại, họ tổ chức quét dọn rác hằng tuần. Hộ nào cũng được hướng dẫn làm hố chôn rác thải (xi măng), thùng nhựa thì ủ rác phân hủy (PVS-05), xử lý và phân loại rác sinh hoạt. Người dân trên cồn thực hiện theo chỉ đạo về việc xây dựng hố rác để đốt, cung cấp 30 thùng rác ủ phân cho các hộ dân trên tuyến đường (PVS-06), chỉ có hộ làm du lịch mới được trang bị (PVS-15). Gom hằng ngày rồi đổ vào hố rác (tại nhà), khoảng 2-3 ngày hoặc khi nào đầy thì đốt 1 lần (đốt vào chiều tối) (PVS -13).

Hiện nay, tại Cồn Chim, tình trạng ô nhiễm ở mức độ nhẹ vì ở gần biển, mỗi khi triều cường lên ngập 2 mét, khi triều cường rút sẽ cuốn theo nguồn nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc sử dụng mô hình lúa tôm với mật độ thưa, thâm canh (6 tháng trồng lúa 6 tháng nuôi tôm), ít dùng thuốc như các mô hình công nghiệp cũng giúp hạn chế được tình trạng ô nhiễm nước (PVS-07).

Để tạo cảnh quan xung quanh nhà, đón tiếp du khách, các hộ dân có kinh doanh du lịch đều làm theo quy định của SVHTTDL và theo hướng dẫn từ CTYĐH, VNCPTKT&DL về thiết kế cổng nhà, hàng rào, trồng hoa quanh nhà… để tăng giá trị cảnh quan (PVS-07), không có sự trùng lặp. Hầu như các công trình để phục vụ khách đều được xây dựng bằng các vật liệu tự nhiên, các vật dụng để tổ chức trò chơi cũng được lấy từ thiên nhiên (PVS-03).

Công tác quy hoạch du lịch, điều phối lượng khách du lịch theo đoàn qua CTYĐH hiện nay được các hộ ủng hộ và làm theo. Nếu đón tiếp đoàn khách quá đông thì bên CTYĐH có sắp xếp ba người dân trên cồn qua hỗ trợ nơi cung cấp dịch vụ ăn uống, với chi phí hỗ trợ là 100.000 VNĐ/người/buổi, một ngày thì 200.000 VNĐ/người (PVS-04). Chi phí này khá hợp lý, tỷ lệ 70% là ổn, vì thấy từ khi làm du lịch, kinh tế của ấp có sự phát triển hơn, chính quyền cũng dành sự quan tâm nhiều đối với các hộ đang kinh doanh phát triển du lịch. Định hướng chính là chủ yếu chỉ đón khách đoàn, vì khách đi theo đoàn sẽ được tổ chức, hướng dẫn để trải nghiệm và đi đến tất cả các hộ hoặc đi đến các hộ làm du lịch có chuyên môn, đã được tập huấn. Điều này đảm bảo lợi ích cho khách cũng như uy tín của hộ kinh doanh du lịch, chú trọng đến yếu tố bền vững (đây cũng là mong muốn của các hộ kinh doanh du lịch). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, do ảnh hưởng dịch bệnh nên các hộ vẫn đón khách lẻ, hiện tượng tiêu cực diễn ra là khách lẻ có xu hướng bị thiệt thòi hơn (về chất lượng phục vụ, tính chính thống của các sản phẩm du lịch…) vì họ không có sự hướng dẫn và tổ chức của đoàn dẫn, tổ du lịch (PVS-08).

THẢO LUẬN ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI CỒN CHIM

Thực trạng phát triển du lịch bền vững tại Cồn Chim trong những năm qua đã được phân tích cụ thể ở phần nghiên cứu trên dựa theo nguyên tắc phát triển du lịch bền vững. Từ đó có thể thấy, tầm quan trọng của cả ba nguyên tắc này khi đánh giá về một điểm du lịch có phát triển bền vững hay chưa.

Bên cạnh rất nhiều những ưu điểm về mặt kinh tế, mặt văn hóa - xã hội và môi trường tại Cồn Chim cũng được thực hiện rất hiệu quả, có thể nói là gần như đã đạt được phát triển bền vững ở hiện tại do những mặt hạn chế còn tồn tại gần như là xuất hiện rất ít, có thể kể đến như sau:

- Đối với mặt kinh tế: hiện nay, chỉ còn vấn đề về việc những hộ kinh doanh sai so với đăng ký, tự ý tổ chức kinh doanh mà không đảm bảo được chất lượng và không tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho khách du lịch đã được CTYĐH định hướng. Việc này về lâu dài có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cung ứng sản phẩm, dẫn đến cạnh tranh kinh doanh giữa hộ có đăng ký kinh doanh và hộ kinh doanh tự phát;

- Đối với mặt văn hóa - xã hội: hiện tại, đã có một đơn vị khác không phải là người dân sống trên Cồn Chim, đến mua đất, xây dựng mô hình kinh doanh phục vụ du khách, nếu hiện tại các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung, hay có những cuộc họp để định hướng hoạt động du lịch sau này thì rất có thể lợi ích về du lịch có thể ảnh hưởng đến yếu tố văn hóa - xã hội của người dân nơi đây, tức là vốn dĩ môi trường văn hóa - xã hội được xây dựng từ tình làng nghĩa xóm, cùng nhau hỗ trợ phục vụ khách du lịch… không có tính cạnh tranh, đùn đẩy trách nhiệm…;

- Đối với mặt môi trường: hiện tại, vấn đề này được quan tâm và đầu tư một số hạng mục để thực hiện việc đảm bảo môi trường tại Cồn Chim, có dự án xây hồ nước sạch 4.000m 2 , với vốn đầu tư 400 triệu đồng, cung cấp nước sạch cho tất cả các hộ dân trên cồn đang được triển khai thực hiện (PVS-06). Việc cung cấp các thùng rác cho các hộ kinh doanh du lịch mà chưa đầu tư cho những hộ còn lại trên cồn cũng là một trong những hạn chế nhất định hiện nay;

Từ những nghiên cứu và phân tích về thực trạng phát triển du lịch bền vững tại Cồn Chim, nhóm nghiên cứu nhận định hiện nay ngoài những hạn chế nhỏ cần khắc phục sớm và triệt để thì Cồn Chim đang là điểm du lịch phát triển bền vững.

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hiện tại các hoạt động nông nghiệp và hoạt động khai thác phục vụ khách du lịch của người dân trên cồn đều đang hướng đến phát triển bền vững, đáp ứng tốt các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững.

Bài nghiên cứu đã phần nào phân tích và thảo luận khá đầy đủ các yếu tố liên quan đến nguyên tắc phát triển du lịch bền vững tại Cồn Chim - Trà Vinh trong giai đoạn hiện nay. Những phân tích trong bài nghiên cứu đồng thời cung cấp đến những nhà quản lý về du lịch, những doanh nghiệp kinh doanh du lịch và những chuyên gia phát triển điểm đến và nhất là những người khởi nghiệp muốn kinh doanh những loại hình du lịch có tính chất tương tự thông tin hữu ích về những hoạt động chung tay, đồng lòng của nhiều hộ dân trên cồn cùng với sự hướng dẫn trực tiếp từ phía các chuyên gia du lịch đến từ VNCPTKT&DL, CTYĐH trong hoạt động giáo dục ý thức môi trường, ý thức kinh doanh du lịch thân thiện với môi trường và du khách. Cùng với đó, sự chỉ đạo trực tiếp của SVHTTDL đã hướng dẫn hỗ trợ người dân về các vấn đề liên quan để phát triển du lịch tại Cồn Chim theo định hướng bền vững.

Để nghiên cứu rộng hơn về các bên liên quan ảnh hưởng đến phát triển bền vững về du lịch tại Cồn Chim cần nên có thêm những nghiên cứu sau này thực hiện. Việc phát huy những giá trị du lịch từ định hướng phát triển bền vững thực sự là rất khó, nhất là giai đoạn hậu COVID-19, do đó, cần sự liên kết, phối hợp thật hiệu quả giữa các bên liên quan. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp giữa các hộ dân, chủ thể chính của du lịch Cồn Chim - Trà Vinh, có như vậy, du lịch Cồn Chim sẽ ngày càng phát triển bền vững hơn nữa.

L ỜI CẢM ƠN

Bài nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học mã số C2021-18b-06.

Nhóm tác giả xin gửi lời cảm ơn đến các bên liên quan, đặc biệt là những hộ dân đang sinh sống và làm việc tại Cồn Chim - Trà Vinh, đã hỗ trợ cung cấp tư liệu để hoàn thành bài nghiên cứu này.

Nhóm tác giả xin cảm ơn Lê Ngọc Kim Tiền đã hỗ trợ nhóm để hình thành bài viết này.

D ANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

CTYĐH : Công ty TNHH Thương mại Du lịch Đại Hưng

PVS : Phỏng vấn sâu

SVHTTDL : Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh

VNCPTKT&DL : Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột về quyền lợi khoa học giữa các thành viên nghiên cứu. hóm tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bản thảo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

- Tác giả Hồ Tiểu Bảo phác thảo khung nghiên cứu, thảo luận ý tưởng nội dung bài nghiên cứu, chịu trách nhiệm chính về nội dung, khảo sát thực địa. Tác giả tham gia viết chính phần hướng tiếp cận khoa học và phương pháp nghiên cứu, phần kết quả nghiên cứu trong bài nghiên cứu.

- Tác giả Hoàng Ngọc Minh Châu tham gia thảo luận ý tưởng bài viết, khảo sát thực địa và xử lý số liệu trong bài nghiên cứu.

References

  1. Lâm Hữu Phúc. Phát triển du lịch cộng đồng tại Cồn Chim, cần có giải pháp mang tính bền vững trước mắt và lâu dài. [Online]. 2018 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 28]. . ;:. Google Scholar
  2. UNTWO. Making Tourism More Sustainable - A Guide for Policy Makers. UNEP and UNWTO 2005; eISBN: 978-92-844-0821-4, p.11-12. . ;:. Google Scholar
  3. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Số: 153/2004/QĐ-TTg. Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2004. . ;:. Google Scholar
  4. Emas Rachel. The Concept of Sustainable Development: Definition and Defining Principles. [Online]. 2015 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 30]. . ;:. Google Scholar
  5. Dernbach JC. Achieving sustainable development: The Centrality and multiple facets of intergrated descionmaking. Indiana Journal of Global Legal Studies. 2003: 247-285. . ;:. Google Scholar
  6. Stoddart HA. Pocket guide to sustainable development governance. Stakeholder Forum; 2011. . ;:. Google Scholar
  7. Mai Anh Vũ và Nguyễn Xuân Hiếu. Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. [Online]. 2020 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 30]; Truy xuất từ: Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. . ;:. Google Scholar
  8. Phan Huy Xu và Võ Văn Thành. Một số vấn đề phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Văn Lang; số 05/2017: 21-32. . ;:. Google Scholar
  9. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật Du lịch. Luật số: 44/2005/QH11; 2005. Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2005. . ;:. Google Scholar
  10. Tổng cục Du lịch Việt Nam. Vai trò của quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế - Phát triển du lịch bền vững: Vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. 2016. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân: 11-14. . ;:. Google Scholar
  11. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật Du lịch. Luật số: 09/2017/QH14; 2017. Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017. . ;:. Google Scholar
  12. Hồng Cẩm. Cồn Chim điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của Trà Vinh. 2022 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 31]. . ;:. Google Scholar
  13. Nguyễn Nam. Du lịch cộng đồng Cồn Chim giữa dòng Cổ Chiên đón gần 16.000 lượt khách. 2021 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 31]. . ;:. Google Scholar
  14. Trần Lưu. Hút hồn vẻ đẹp dân dã ở Cồn Chim. 2022 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 31]; Truy xuất từ: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/hut-hon-ve-dep-dan-da-o-con-chim-c14a31230.html. . ;:. Google Scholar
  15. TTXTDL. Trà Vinh tổ chức lớp tập huấn trang bị kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng. 2022 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 31]. . ;:. Google Scholar
  16. CVSEAS. Buổi tư vấn du lịch và phát triển bền vững tại Cồn Chim tỉnh Trà Vinh. 2020 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 31]. . ;:. Google Scholar
  17. Hoàng Oanh. Phục hồi sinh thái cho những cồn chim. 2019 [trích dẫn năm 2022 tháng 7, 31]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 1787-1795
Published: Feb 10, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i4.790

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ho, B., & Châu, H. N. M. (2023). Current status of sustainable tourism development in Con Chim – Tra Vinh. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(4), 1787-1795. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i4.790

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 856 times
PDF   = 530 times
XML   = 0 times
Total   = 530 times