VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

444

Total

307

Share

The relevance to the reality of some key aspects of the Neo-Gramscian theory of hegemony






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The Neo-Gramscian theory of hegemony in international relations has been a remarkable theoretical framework to scholarly evaluate hegemonic phenomena. In practical terms, in the past 20th century, the world-level hegemonic phenomena have remained the dominant feature in the history of international relations with far-reaching effects on individual countries, regions, and continents. In the 21st century, the rise of China with the prospect of replacing the leadership of the United States remains one of the most important features of the times. However, Gramsci originally worked out the hegemonic theory and its related concepts nearly a hundred years ago and the Neo-Gramscianism more than half a century. To qualify as a proper theoretical basis to evaluate such phenomena, it is thus necessary to re-evaluate the above theory’s practical relevance to ensure its coherence to the contemporary world. By utilising the logical and historical methods to look closely at the aspects of the hegemonic theory, namely (i) the national and international scopes of the hegemonic theory, (ii) radical socio-economic revolution, (iii) inside-out development, (iv) mechanism of consensus and international institutions, and (v) historic bloc, the article argues that the Neo-Gramscian perspective of hegemony still has the highly practical relevance to the contemporary international relations.

GIỚI THIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong ngành Quan hệ Quốc tế (QHQT), lý thuyết được xem là bộ phận không thể thiếu trong việc diễn giải thực tiễn các hiện tượng quốc tế và toàn cầu. Hiển nhiên, lý thuyết cũng được định hình thông qua sự tương tác của ý thức con người với thực tiễn, và khi thực tiễn thay đổi, lý thuyết cũng phải thay đổi theo để có sự liên hệ thực tiễn cao nhất nhằm phục vụ cho việc diễn giải vừa nêu [ 1 , tr. 204]. Về mặt lý thuyết, bá quyền, một hiện tượng đặc biệt trong QHQT, được định nghĩa một cách cơ bản là (nhà) lãnh đạo, cai trị hay quyền lực của một bang đối với các bang khác trong liên bang, và cũng có nghĩa là “quốc gia hùng mạnh nhất trong hệ thống quốc tế, hoặc quốc gia có sức chi phối ở một khu vực nhất định” [ 2 , tr.235]. Hai tác giả Li và Zhang lại định nghĩa bá quyền là “một hình thức trật tự đặc biệt mang tính chất bất cân xứng trong khía cạnh vật chất, ý thức hệ, văn hóa và thể chế [theo hướng] có lợi cho một nước” trong QHQT [ 3 , tr. 160]. Những sự khác biệt trên giữa các học giả tiêu biểu, dù ít hay nhiều hay ở cấp độ khác nhau, trong những định nghĩa vừa nêu cho thấy dù bá quyền là một khái niệm phổ biến trong lịch sử QHQT, vẫn có sự khác biệt căn bản về khái niệm này trong cách diễn giải lý thuyết giữa các trường phái khác nhau.

Cụ thể hơn, trong nhóm các lý thuyết giải quyết vấn đề (problem-solving), chủ nghĩa hiện thực tập trung vào sức mạnh cứng (hard power) vì yếu tố này được xem là yếu tố quan trọng để một nước áp đặt cơ chế bá quyền hay sự chi phối của mình trên các chủ thể khác. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh vai trò của quyền lực mềm được thể hiện qua các quy chuẩn và giá trị của các thể chế quốc tế, làm nền tảng cho cơ chế bá quyền quốc tế [ 3 , tr.160]. Trái lại, trong nhóm các lý thuyết phê phán (critical theory), vấn đề bá quyền được nhìn nhận một cách toàn diện hơn dưới lăng kính kinh tế - chính trị bằng cách truy nguyên nguồn gốc của bá quyền từ mô hình kinh tế - xã hội và/hoặc quan hệ giữa các giai cấp. Với các tiêu chí tự do (emancipation) và/hoặc đạo đức mang tính đại đồng (cosmopolitan ethic), các nhóm lý thuyết này không những diễn giải các vấn đề chính trị quốc nội và quốc tế mà còn nỗ lực mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho mỗi cá nhân trong xã hội qua cách vận dụng trong thực tiễn. Trong số các lý thuyết nổi bật trong nhóm phê phán, lý thuyết bá quyền của Antonio Gramsci (1891-1937) nổi lên từ các tập “Ghi chép trong tù” mà ông viết trong giai đoạn bị cầm tù dưới chế độ phát-xít ở Ý (1926-1937) được dịch qua tiếng Anh và xuất bản trong thập niên 1970. Điều cần làm rõ tại điểm này là Antonio Gramsci không có chủ định viết ra lý thuyết bá quyền mang tính phi lịch sử để diễn giải hiện tượng bá quyền trong QHQT, thực tế, những ghi chú trong khoảng 30 tập “Ghi chép trong tù” mang đậm nét lịch sử của thời đại ông đã sống và nhằm mục tiêu hành động chính trị cách mạng cụ thể vào thời điểm bấy giờ [ 4 , tr.49-50]. Do đó, lý thuyết ban đầu của ông được gọi là chủ nghĩa Gramsci, và hai bài viết của tác giả Robert Cox về sau để vận dụng các khái niệm do Gramsci tạo ra trong QHQT đã mở đầu một lý thuyết mới là chủ nghĩa tân Gramsci 1 , 4 . Cách tiếp cận trong quan điểm về bá quyền của Gramsci và chủ nghĩa tân Gramsci đều mang tính tiến bộ ở chỗ cả Gramsci, trong các tác phẩm “Ghi chép trong tù” nguyên thủy của mình, và Cox, trong hai tác phẩm xuất bản năm 1981 và 1983, cùng đề xuất một học thuyết chính trị để giải thích hiện tượng bá quyền mang tính chuyển động (process of changing) và phê phán (critical) thay vì mang tính bất biến (static) và giải quyết vấn đề (problem-solving) như các học thuyết chính lưu (mainsteam) trong thập niên 1970 và 1980. Cụ thể, theo Cox chủ nghĩa tân Gramsci thừa hưởng từ tư tưởng bá quyền của Gramsci ở điểm giải kiến tạo (deconstruct) trật tự phổ quát của thế giới bằng cách phân tích các lực lượng xã hội nào, tìm hiểu quá trình phát triển và hình thành các thể chế, quan hệ xã hội và quyền lực nào ở cấp quốc nội và quốc tế đứng sau trật tự đó cũng như làm rõ triển vọng và tiềm năng tạo nên thay đổi từ các nhân tố này [ 1 , tr.204-210]. Như Cox cũng khẳng định “lý thuyết luôn luôn phục vụ cho đối tượng nào đó và cho mục đích nào đó” [ 1 , tr. 207], vì vậy chủ nghĩa tân Gramsci có các nhân tố (hay biến số) chính yếu sau đây để giúp các học giả diễn giải hiện tượng bá quyền quốc tế: (i) phạm vi quốc nội và quốc tế của lý thuyết bá quyền, (ii) cách mạng kinh tế - xã hội triệt để, (iii) sự phát triển từ trong ra bên ngoài, (iv) cơ chế đồng thuận và các thể chế quốc tế, và (v) khối lịch sử 4 . Đây cũng chính là những nội dung cơ bản và phạm vi phân tích của bài viết này theo hướng đánh giá lại về mặt liên hệ thực tiễn lịch sử để tiếp tục được sử dụng trong việc diễn giải các vấn đề bá quyền trong QHQT thay vì “đặt lý thuyết trên lý thuyết” một cách máy móc [ 1 , tr.206]. Cơ sở cho định hướng này chính là cách Gramsci luôn phản ánh xã hội Ý và Tây Âu thời bấy giờ qua tác phẩm của ông cũng như việc ông luôn điều chỉnh các khái niệm triết học của mình theo các hoàn cảnh lịch sử cụ thể [ 4 , tr.49-50] và dựa trên chủ nghĩa lịch sử mà ông theo đuổi lúc sinh thời [ 4 , tr.50].

Điều hấp dẫn về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn của các lý thuyết Gramsci (chủ nghĩa tân Gramsci và được xếp vào loại chính điển (tức các tư tưởng tương đối mang tính nguyên thủy) theo chủ nghĩaMarx )) nằm ở chỗ khi học thuyết này được các nước xã hội chủ nghĩa và giới học giả biết đến rộng rãi từ thập niên 1970 thông qua việc các tập “Ghi chép trong tù” của Gramsci được dịch qua tiếng Anh và xuất bản. Theo ông, bá quyền không chỉ là sự thống trị đơn thuần của một giai cấp đối với các giai cấp khác về mặt quốc nội hay một nước đối với các nước khác về mặt quốc tế, mà khái niệm này còn là một cơ chế lãnh đạo hoàn chỉnh về mặt ý thức hệ - khả năng vật chất - khả năng về thể chế mang tính tổng thể trong xã hội hay trường quốc tế [ 1 , tr.218]. Cụ thể, trên phạm vi quốc tế, ba yếu tố trên trong một cấu trúc lịch sử tạo nên được cuộc cách mạng triệt để về kinh tế xã hội thể hiện qua hình thái nhà nước và quan hệ xã hội ở một nước, và sự phát triển này lan rộng ra các nước khác dưới hình thức một hiện tượng quốc tế và tương thích về mặt lợi ích để các nước khác tham gia bằng cách áp dụng mô hình phát triển [ 4 , tr.59, 61]. Từ đó, những khái niệm như “bá quyền”, “cai trị với sự đồng thuận”, “cách mạng thụ động”, “vị thế chiến”… được thêm vào cho giới nghiên cứu Mác-xít cũng như gia tăng tính linh động và thích ứng của chủ nghĩa Marx với hoàn cảnh chính trị cả trong nước lẫn quốc tế [ 5 , tr.87]. Từ đó đến nay, chủ nghĩa tân Gramsci đã được vận dụng để đánh giá các hiện tượng bá quyền từ trong nước như Trung Quốc, Liên Xô… cho đến bá quyền phạm vi quốc tế như Hoa Kỳ, Liên Xô, Nhật Bản... Đây cũng chính là những khái niệm chính yếu cần được đánh giá lại mức độ liên hệ thực tiễn như đã nêu trên. Qua bài viết này, với phương pháp luận chủ nghĩa lịch sử (historicism) của chính Gramsci, tác giả muốn dùng phương pháp logic và lịch sử để kiểm chứng lại một số khía cạnh chủ yếu của lý thuyết về bá quyền của chủ nghĩa tân Gramsci trong QHQT vì hoàn cảnh xuất phát của lý thuyết này đã cách đây gần một thế kỷ, đến nay đã có nhiều thay đổi căn bản trong hệ thống [ 4 , tr.50]. Ở mỗi tiêu chí, những ý tưởng nguyên thủy của chính Gramsci sẽ được trích dẫn, phân tích để cho thấy các khái niệm này được phát triển ra sao bởi học giả Cox (chủ nghĩa tân Gramsci) và sau đó bài viết sẽ đánh giá mức độ liên quan thực tiễn của các khái niệm này bằng cách tham khảo và so sánh với kết quả nghiên cứu của các học giả Mác-xít. Qua việc so sánh giữa lý thuyết và thực tiễn của các tiêu chí (i) phạm vi quốc nội và quốc tế của lý thuyết bá quyền, (ii) cách mạng kinh tế - xã hội triệt để, (iii) sự phát triển từ trong ra bên ngoài, (iv) cơ chế đồng thuận và các thể chế quốc tế, và (v) khối lịch sử bằng cách xem xét cơ sở lịch sử ban đầu và cách hình thành lý thuyết của Gramsci, cách vận dụng và phát triển lý thuyết của Robert Cox cũng như so sánh với các nghiên cứu mác-xít khác hiện nay, bài viết khẳng định giá trị liên hệ thực tiễn cao độ của khái niệm vừa nêu để làm cơ sở cho các đánh giá các hiện tượng bá quyền khác về sau.

CÁC KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Phạm vi quốc nội và quốc tế của lý thuyết bá quyền

Về mặt lý thuyết, phạm vi quốc nội và quốc tế là vấn đề được nêu lên xuyên suốt từ khi các tập “Ghi chép trong tù” từ thập niên 1930 của Gramsci được xuất bản ở thập niên 1970 cho đến nay. Trong tác phẩm nổi tiếng của – Robert Cox “Gramsci, Hegemony and International Relations: An Essay in Method (Tạm dịch: Gramsci, Bá quyền và Quan hệ Quốc tế: Bài luận về Phương pháp) ông thừa nhận Gramsci không đề cập trực tiếp nhiều về quan hệ quốc tế. Điều Cox nhận thức được là khái niệm bá quyền (hegemony) của Gramsci rất hữu ích để diễn giải các vấn đề trong quan hệ quốc tế [ 4 , tr.49]. Như vậy, lý thuyết bá quyền của Antonio Gramsci có thể được áp dụng một cách thực chất trong phạm vi quốc tế không? hay cần được “nâng cấp” để phù hợp?

Về bản chất, các ghi chép của Gramsci phản ánh những tư tưởng của ông về đấu tranh giai cấp và chính trị, thiết lập bá quyền của giai cấp vô sản, xã hội dân sự ở cấp độ khu vực (ví dụ: sự thất bại của phong trào công nhân ở các nước Tây Âu) [ 4 , tr.50, 51]… Bên cạnh đó, cơ sở lý luận và hoàn cảnh lịch sử của các lập luận của ông đều mang đậm nét quốc tế - khái niệm được hiểu là các vận động diễn ra ở phạm vi giữa các nước hay sự gắn kết của nhân loại nói chung [ 6 , tr.10]. Tương tự như Lawson, Gramsci không dừng lại ở quan điểm cứng nhắc về sự phân chia quốc tế - quốc nội, ông lập luận rằng “nhà nước là sản phẩm của quan hệ quốc tế kết hợp với quan hệ quốc nội” [ 7 , tr.140] và vẫn là những chủ thể cơ bản trong quan hệ quốc tế [ 4 , tr.58]. Một trong những vấn đề lịch sử mà ông nhắc đến nhiều và ảnh hưởng đến lý thuyết bá quyền là phong trào giải phóng dân tộc dẫn đến sự thống nhất nước Ý vào thập niên 1860. Qua đó, ông nhận thấy quan hệ giữa các giai cấp vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng cơ chế bá quyền của nhà nước Ý thống nhất về sau và cả sự thất bại của giai cấp tư sản nước này trong việc tập hợp các giai cấp khác trong cơ chế bá quyền của mình [8, tr.53]. Khi đánh giá vấn đề này, Gramsci đã nhìn nhận hiện tượng theo góc nhìn quốc tế nêu trên qua việc xem phong trào là một trong những biểu hiện của “làn sóng chủ nghĩa dân tộc trên khắp châu Âu ở thế kỷ 19” và “sản phẩm phụ của sự cạnh tranh đế quốc giữa Pháp và Áo” thời bấy giờ, cũng như những vấn đề chính trị phức tạp diễn ra giữa phạm vi quốc nội và quốc tế [7, tr.140]. Từ đó, trong khía cạnh bá quyền quốc nội - quốc tế, Gramsci đã có nhận định chính xác như sau:

“Quan hệ quốc tế có đi trước hay theo sau các quan hệ xã hội cơ bản (một cách lô-gíc)? Chúng [quan hệ quốc tế] theo sau là điều hiển nhiên. Sự đổi mới tự nhiên bất kỳ về mặt cấu trúc xã hội, thông qua các biểu hiện về công nghệ-quân sự, cũng bổ sung các quan hệ tuyệt đối và tương đối một cách tự nhiên trong quan hệ quốc tế” [ 8 , tr.176]

Đây chính là cơ sở để ông có thể phát triển học thuyết bá quyền như là “hiện tượng mang tính mở rộng quốc tế” và những khái niệm khác đi kèm như cách mạng thụ động, cơ chế đồng thuận, các thể chế, khối lịch sử…. Ngoài ra, việc Antonio Gramsci tham gia tích cực trong Quốc tế thứ ba và những trăn trở của ông về việc tại sao cách mạng vô sản lại diễn ra ở nước Nga thay vì các nước Tây Âu hiện đại hơn như phỏng đoán của Karl Marx [ 4 , tr.51-53] cũng mang đậm nét quốc tế theo nghĩa nêu trên. Ngoài ra, Gramsci cũng kế thừa từ Machiavelli hình tượng nhân mã (nửa người – nửa thú), vốn tượng trưng cho khía cạnh đồng thuận và cưỡng chế của cơ chế bá quyền quốc tế. Theo đó, yếu tố đầu tiên chiếm vị thế chủ đạo hơn so với yếu tố còn lại. Tương tự như Gramsci, chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế cũng áp dụng hai yếu tố này trong cả cấp độ quốc nội và quốc tế qua “nghệ thuật thuyết phục” và “sử dụng hiệu quả sức mạnh quân sự” [ 9 , tr.212]. Ở đầu thế kỷ 20, nếu Gramsci đi tìm một triết học thực tiễn để thực thi cách mạng vô sản ở Tây Âu, thì ngày nay, cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, “một khối lịch sử xuất hiện với tư cách một công cuộc cách mạng được sử dụng không chỉ bởi các tầng lớp thấp trong phạm vi quốc gia, mà còn ở phạm vi quốc tế bởi những nước muốn tìm kiếm sự thay đổi triệt để trong trật tự bá quyền toàn cầu” [ 10 , tr.192].

Do đó, lý thuyết bá quyền của Gramsci vừa có tính chất quốc tế vừa có tính quốc nội.

Về mặt liên hệ thực tiễn ở thời điểm hiện tại, tính chất quốc tế của lý thuyết về bá quyền của chủ nghĩa tân Gramsci được thể hiện đậm nét và rõ ràng qua lịch sử bá quyền thế giới từ năm 1845 cho đến ngày nay dưới góc nhìn cấu trúc lịch sử, cách mạng thụ động, cơ chế đồng thuận và một số khía cạnh khác về bá quyền [ 1 , tr.218] [ 4 , tr.54, 61]. Trong thời kỳ 1845-1875, Anh đóng vai trò bá quyền thông qua (i) các học thuyết kinh tế vừa phù hợp với vị thế của quốc gia này và cũng mang tính phổ quát như: thương mại tự do, chế độ bản vị vàng... (ý tưởng), (ii) sức mạnh kinh tế và quân sự (chủ yếu là hải quân) hàng đầu thế giới (khả năng vật chất) và (iii) bộ máy thuộc địa phục vụ đắc lực cho vị thế bá quyền (các thể chế). Tuy nhiên, từ năm 1875-1945, cấu trúc lịch sử của bá quyền Anh quốc đã bị thách thức và không còn vững chắc. Đặc biệt từ năm 1914 trở đi, London không còn đủ khả năng vật chất để tiếp tục duy trì vị thế bá quyền như trước trong bối cảnh sức mạnh quân sự của nước này không đủ để cân bằng sức mạnh tại châu Âu (khả năng vật chất), ngoài ra, sự tan rã bắt đầu manh nha của hệ thống thuộc địa (các thể chế) cũng như học thuyết kinh tế tự do bị chủ nghĩa bảo hộ bị thách thức nghiêm trọng. Giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến vốn có sự mất ổn định trong hệ thống chính trị thế giới cũng là thời kỳ chủ thể bá quyền cũ (Anh) đã đánh mất hoàn toàn ảnh hưởng bá quyền trước đây và bá quyền tiếp theo (Hoa Kỳ) vẫn chưa thiết lập được cấu trúc lịch sử của mình. Sau năm 1945, Washington mới có thể thay thế London khi (i) thay thế chế độ bản vị vàng và thương mại tự do bằng chủ nghĩa tân tự do và các học thuyết kinh tế khác để phù hợp hơn với tình hình thế giới phức tạp hơn bao giờ hết (ý tưởng), sức mạnh quân sự của siêu cường (khả năng vật chất) và hệ thống các thể chế tài chính quốc tế như WTO (trước đây là GATT), IMF, WB…(thể chế) [ 11 , tr.89, 91] [ 4 , tr.60] để trở thành bá quyền tiếp theo trong trật tự thế giới tư bản. Trong thời kỳ từ cuối thập niên 1970 trở đi, sự phát triển này từ Hoa Kỳ, với tư cách một hiện tượng lan rộng quốc tế đã kéo theo sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới lăng kính “cách mạng thụ động” của chủ nghĩa tân Gramsci. Theo Gramsci, cách mạng thụ động xuất hiện khi động lực thay đổi không khởi nguồn từ “sự phát triển kinh tế trong nước một cách rộng lớn… nhưng lại là sự phản ánh những phát triển quốc tế vốn truyền đi những hệ tư tưởng đến [các vùng] ngoại vi” [ 8 , tr.117]. Dưới lăng kính này, chủ nghĩa tư bản dưới hệ tư tưởng kinh tế tân tự do thật sự là một hiện tượng mang tính mở rộng quốc tế chủ yếu từ Hoa Kỳ và các nước Tây Âu khi được phổ biến đến Trung Quốc khi nước này mở cửa vào năm 1978 để bắt kịp nhịp độ phát triển với các nước phương Tây, và các nền kinh tế tiên tiến khác trong khu vực trong một thời gian nhất định. Về mặt quan hệ xã hội và về mặt sản xuất tại Trung Quốc, tầng lớp tinh hoa mới đã được hình thành từng bước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thay thế tầng lớp tư sản Quốc Dân Đảng vào năm 1949 và kết hợp với các chủ doanh nghiệp trong quá trình cải cách mở cửa từ năm 1978. Trong giai đoạn này, tầng lớp tinh hoa và tầng lớp lao động đã có nhiều bước điều chỉnh về mô hình sản xuất theo hướng thị trường hóa trong các thập niên 1980 và 1990 [ 12 , tr.491-491]. Hai xu hướng này được thể hiện cụ thể qua Hiến pháp 1982 và các nội dung sửa đổi, bổ sung do Quốc hội khóa VIII CHND Trung Hoa thông qua năm 1993. Đến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIV vào tháng 10 năm 1992, quốc gia này đã chính thức được gọi là “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” [ 13 , tr.203-205]. Điều thú vị khác ở quốc gia này chính là tầng lớp tư sản không phải là lực lượng dẫn dắt cách mạng kinh tế-xã hội như ở các nước phương Tây mà là Nhà nước Trung Quốc (chủ nghĩa Caesar). Từ khi mở cửa nền kinh tế cho đến nay, Bắc Kinh đã tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài (FDI), công nghệ, cách quản lý/sản xuất mới nhất nhằm mục tiêu tiếp cận và hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng chính là những khía cạnh của cơ chế đồng thuận mang tính bá quyền của Washington đối với Bắc Kinh.

Đến năm 2018, khi đã đạt được những thành tựu nhất định về mặt kinh tế-xã hội như giúp 800 triệu người thoát nghèo và tạo nên một xã hội tương đối khá giả [ 13 , tr.172], Trung Quốc đến phiên mình đã tiếp tục tạo ra những hiện tượng mở rộng quốc tế như “xuất khẩu” tư tưởng Giấc mộng Trung Hoa, mô hình Đặng Tiểu Bình sang các nước khác chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây là một quy chuẩn cũng như một hiện tượng mang tính phổ quát mang tính mở rộng quốc tế. Tại Trung Quốc và các nước du nhập, mô hình này được kỳ vọng mang lại cho mỗi cá nhân lẫn quốc gia đạt được những lý tưởng và khát vọng của mình. Đặc biệt, tại Vùng Vịnh, thông qua khía cạnh thể chế (mời các nước trong khu vực tham gia đại diện tại AIIB và BRI), vật chất (cung cấp các khoản vay lớn để xây dựng hạ tầng) và kết nối về hệ tư tưởng như Giấc mộng Trung Hoa, mô hình Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc mở cửa và hoạt động các Viện Khổng Tử (thực hiện bởi các quan chức, giới truyền thông và học giả, giáo dục và văn hóa) để tạo nên sự đồng thuận trong xã hội Vùng Vịnh thông qua sự triển khai Sáng kiến vừa nêu tại đây, Bắc Kinh cũng cho thấy lợi ích của các nước có thể được dung hòa với Trung Quốc theo cơ chế đồng thuận trong trật tự mới [ 14 , tr.101] [ 4 , tr.61].

Cách mạng kinh tế và xã hội triệt để

Theo thứ tự từ quốc nội ra quốc tế, “cách mạng kinh tế và xã hội triệt để” là khái niệm đầu tiên trong lý thuyết bá quyền của Gramsci. Theo ông, một nước muốn trở thành bá quyền cần phải trải qua quá trình “cách mạng kinh tế và xã hội triệt để” và “vận dụng đầy đủ những kết quả của cuộc cách mạng này ở hình thái nhà nước và quan hệ xã hội” [ 4 , tr.59]. Cox đã dựa trên những lập luận của Gramsci đối với “sự bùng nổ mang tính cách mạng ở Pháp với những biến đổi cực đoan và bạo lực về quan hệ xã hội và chính trị” [ 8 , tr.114-116] mà trong đó có sự thay đổi triệt để về quan hệ xã hội, kinh tế, hình thái nhà nước… không chỉ diễn ra trong nước Pháp mà còn hướng ra bên ngoài với tiềm năng tạo nên một đế chế rộng lớn ở châu Âu. Cox đã vận dụng mô hình này để nói đến Hoa Kỳ và Liên Xô “vốn có sự phát triển từ bên trong quốc gia trở thành những hiện tượng mang tính mở rộng quốc tế” [ 4 , tr.59].

Căn cứ trên hoàn cảnh kinh tế - xã hội - chính trị của thế kỷ 20 và 21 ở nhiều nơi trên thế giới, lập luận này vẫn chính xác. Hiện tại, Trung Quốc, chủ thể được xem là có khả năng thách thức vị thế bá quyền của Hoa Kỳ, cũng có sự phát triển kinh tế xã hội mang tính triệt để nhất định từ bên trong [ 13 , tr.203-222]. Từ khi áp dụng thêm mô hình sản xuất tư bản chủ nghĩa, quốc gia này đã xây dựng thành công nền kinh tế định hướng đổi mới, các mục tiêu tăng trưởng linh động hơn là tăng trưởng GDP trên đầu người 15 . Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư nhiều vào hạ tầng, các khu công nghiệp và tái bố trí lực lượng lao động từ nông thôn đến thành thị, và công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu [ 16 , tr.3,4]. Điều đặc biệt thu hút các quốc gia đang phát triển khác từ phía Trung Quốc chính là “mô hình Đặng Tiểu Bình”. Theo đó, các nước không cần thiết phải thay đổi nền chính trị theo mô hình dân chủ phương Tây nhưng vẫn có thể duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và lâu dài. Mô hình này càng có sự thu hút khi đi kèm với tầm nhìn Giấc mộng Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình để phục hưng đất nước (thay vì Giấc mộng Hoa Kỳ) [ 17 , tr.269-270]. Trong cơ chế này, tầng lớp lao động và tinh hoa đã tương đối có sự hòa hợp trong phương thức sản xuất mới trên nguyên tắc tự chủ và sự hài hòa lợi ích với an sinh xã hội được đảm bảo nhiều hơn trong quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Đơn cử, đến năm 2020, tình trạng nghèo ở quốc gia này đã tương đối được giải quyết xong. Ba yếu tố này đóng vai trò là những quy chuẩn mang tính phổ quát nhất định để có thể phục vụ đắc lực cho việc mở rộng sang phạm vi quốc tế [ 4 , tr.62]. Ngoài ra, nền sản xuất Trung Quốc có ưu thế về xây dựng hạ tầng (đặc biệt trong giai đoạn từ 2008 đến nay), và sự tích lũy thặng dư từ sản xuất của tầng lớp tinh hoa là điều kiện phù hợp để CHND Trung Hoa mở rộng sang từ các nước Trung, Đông Nam Á cho đến các khu vực đang phát triển khác trên thế giới vốn thiếu cả hạ tầng và vốn đầu tư qua Sáng kiến Vành đai và Con đường [ 17 , tr.5].

Những phân tích trên cũng cơ bản phù hợp với kết quả nghiên cứu lý thuyết bá quyền theo Antonio Gramsci của tác giả Xing. Đặt trong bối cảnh sự phát triển của Trung Quốc dưới chính quyền của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, Xing kết luận rằng những khái niệm lớn như “Xã hội Hài hòa”, “Phát triển Khoa học” hay mô hình “Giấc mộng Trung Hoa”… cơ bản phản ảnh tính chất triệt để nhất định (dù có một số hạn chế) về mặt kinh tế và xã hội dưới lăng kính lý thuyết về bá quyền của Gramsci [ 5 , tr.97-99]. Nhìn về lịch sử, Xing nhận thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có quá trình tiếp thu và tái tạo khái niệm ý thức hệ từ Gramsci như “một dòng chảy” kết hợp thực tiễn, nguyên tắc, luận thuyết của cả bản chất về vật chất và thể chế”. Theo dòng chảy này, các khái niệm lớn như “Xã hội Hài hòa”, “Phát triển Khoa học” hay mô hình “Giấc mộng Trung Hoa” là sự phát triển tiếp nối của các tư tưởng trước đó của Chủ tịch Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Trong quá trình này, các thế hệ lãnh đạo tiếp nối đã tạo nên một hệ thống ý thức hệ hoàn chỉnh và, quan trọng hơn cả, bá quyền [ 5 , tr.96]. Với khái niệm “Xã hội Hài hòa” và “Phát triển Khoa học”, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cơ bản giải quyết ổn thỏa tình trạng cách biệt xã hội nghiêm trọng và các xung đột chính trị trong nước bắt nguồn từ thời kỳ phát triển kinh tế quá nhanh chóng trước đó. Các nhân tố như tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, tham nhũng, sự suy yếu của hệ thống an sinh xã hội và ô nhiễm môi trường thực chất đã đe dọa đến tính hợp thức của bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói riêng cũng như tính ổn định bền vững của cả đất nước nói chung. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã để lại dấu ấn của mình qua sự phát triển hài hòa, bền vững của đất nước cùng với việc tăng cường nền pháp trị lẫn đức trị và phát triển về văn hóa [ 5 , tr.97]. Tiếp nối nhiệm kỳ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra mô hình chính trị “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm mục tiêu giải quyết định hướng phát triển của CHND Trung Hoa và tái kiến tạo một cơ chế bá quyền mới về mặt quốc tế xung quanh khái niệm “trỗi dậy hòa bình” ở “các cấp độ ngôn ngữ, quan hệ xã hội, phát triển kinh tế, tập quán chính trị và ý thức của quần chúng”. Xing kết luận như sau về mô hình chính trị này như sau

“Việc nhận diện “Giấc mộng Trung Hoa” là một “dự án bá quyền” đồng nghĩa với việc hàm ý rằng chính phủ mới của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu thăm dò mức độ Trung Quốc có thể vận dụng các thành tựu trong và ngoài nước và biến sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng của mình trở thành ảnh hưởng lâu dài và vững chắc về chính trị và văn hóa cả trong nước lẫn quốc tế”. [ 5 , tr.98].

Tương tự, sau khi xem xét các vận động lịch sử giữa CHND Trung Hoa và thế giới bên ngoài từ 1949 đến nay dưới lăng kính của chủ nghĩa tân Gramsci, tác giả Bo Peng kết luận Bắc Kinh đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ bên trong qua chính sách mở cửa và cải cách từ năm 1979 đến nay để đạt được nhiều thành tựu mang tính cách mạng về phát triển kinh tế xã hội và hiện đại hóa, từ đó làm cơ sở cho quá trình mở rộng quốc tế [ 18 , tr.63]. Như Xing, Peng nhìn vào quá trình lịch sử của tiến trình phát triển của Trung Quốc dưới lăng kính của chủ nghĩa tân Gramsci theo ba giai đoạn: giai đoạn thù địch và bài bác (1949-1971), giai đoạn chấp nhận và hội nhập (1971-2008) và giai đoạn lãnh đạo và đóng góp (2008-nay). Song song với ba giai đoạn này chính là quá trình cải cách kinh tế và xã hội mang tính tương đối triệt để của CHND Trung Hoa [ 18 , tr.58]. Trong giai đoạn đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn bị chia cắt khỏi hệ thống kinh tế tư bản thế giới cũng như có những giai đoạn khó khăn trong quan hệ với Liên Xô, do đó chính quyền Bắc Kinh phải đương đầu với một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu đang nỗ lực trở thành nền kinh tế công nghiệp. Tất nhiên, quan hệ kinh tế và xã hội trong giai đoạn này cũng chưa phát triển [ 18 , tr.60]. Trong giai đoạn tiếp theo (1971-2008), Trung Quốc đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và hệ thống kinh tế tư bản phương tây, nhờ đó nền kinh tế nước này đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế và xã hội cũng như đóng vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế cho cả khu vực Đông Á và thế giới [ 18 , tr.62]. Từ 2008 đến nay, Trung Quốc đã có thêm nhiều tiến bộ vượt bậc khác về kinh tế xã hội, vốn được sử dụng làm cơ sở cho ý tưởng “Cộng đồng chung vận mệnh” khi đề xuất tầm nhìn và sự thịnh vượng chung cho các nước có hợp tác với quốc gia này [ 18 , tr.66].

Qua các phân tích chiều sâu bên trên của Xi và Peng, rõ ràng Trung Quốc đã có quá trình đổi mới và phát triển tương đối triệt để để vươn tầm ảnh hưởng ra bên ngoài.

Sự phát triển từ trong ra bên ngoài

Theo Gramsci, “bá quyền thế giới bắt đầu bằng sự mở rộng ra bên ngoài của bá quyền quốc nội được một giai cấp lãnh đạo xã hội thiết lập nên” [ 4 , tr.61]. Gramsci đã mô tả khái niệm này bằng cơ chế một hệ tư tưởng đặc biệt được sản sinh ra ở một nước phát triển cao, được truyền bá đến một quốc gia kém phát triển hơn và lấy ví dụ là tính chất “cách mạng thụ động” của chủ nghĩa phát-xít tại Ý trong những năm đầu thế kỷ 20 do ảnh hưởng bởi một số nguồn tư tưởng mạnh mẽ từ một số quốc gia xung quanh [ 8 , tr.182, 206]. Đặc biệt, Gramsci còn tranh luận rằng chủ nghĩa Ford (Fordism) và chủ nghĩa Hoa Kỳ chính là sự phát triển điển hình nhất của quá trình từ trong ra ngoài của mô hình kinh tế xã hội Hoa Kỳ [ 8 , tr.278]. Đối với nhân tố đầu tiên, Gramsci “xem xét nền sản xuất hàng loạt được chuẩn hóa của công ty ô tô Ford để đánh giá những tác động đối với xã hội Ý đương thời và cả những hệ quả chính trị của phương thức sản xuất mới này”. Ở phạm vi châu lục, Gramsci cũng nêu lên câu hỏi “liệu chủ nghĩa Hoa Kỳ có thể tạo nên một kỷ nguyên lịch sử, đó là có thể quyết định sự tiến hóa dần dần giống như của “cách mạng thụ động” đối với Tây Âu hay không?” [ 8 , tr.279].

Về mặt vận dụng, theo Cox, trong sự mở rộng quốc tế từ trong ra ngoài này, quan hệ giữa nước bá quyền và các nước phụ thuộc không phải là quan hệ bóc lột thuần túy, nhưng chủ thể bá quyền phải có khả năng thiết lập và duy trì một trật tự phổ quát, một cơ chế mà hầu hết các nước có thể dung hòa lợi ích của mình. Sự dung hòa đó chính là khía cạnh đồng thuận được nêu trên qua hình tượng nhân mã. Ngoài ra, điều này cũng có nghĩa là việc tạo điều kiện cho các lực lượng của xã hội dân sự được hoạt động ở phạm vi toàn cầu [ 4 , tr.61]. Cơ chế mở rộng mang tính bá quyền này được minh chứng và kiểm nghiệm thực tiễn qua Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ trước đây và Sáng kiến Vành đai và Con đường hiện đang được triển khai của Trung Quốc.

Thứ nhất, sau năm 1945, Washington triển khai kế hoạch Marshall không những để xuất khẩu đồng đô-la, sản phẩm công nghiệp dư thừa, mở rộng ảnh hưởng kinh tế - chính trị ở Tây Âu nói riêng và cả châu Âu nói chung mà còn để khôi phục vị thế chủ đạo của chủ nghĩa tư bản tại chính các nước này về chính trị, kinh tế và xã hội. Trước và sau Thế chiến thứ hai, tình hình kinh tế và xã hội tại Tây Âu rất căng thẳng với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có, đời sống thường dân gặp rất nhiều khó khăn, chính phủ các nước trong khu vực phải vật lộn với tình trạng nợ công cao, hạ tầng bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng. Thông qua Kế hoạch Marshall, các nước Tây Âu được Hoa Kỳ viện trợ và cho vay ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế - xã hội và, quan trọng hơn cả, ổn định hóa và phát triển bền vững hệ thống tư bản chủ nghĩa trong bối cảnh mô hình kinh tế - xã hội của Liên Xô đang trỗi dậy và chứng tỏ được những ưu việt rõ ràng [ 19 , tr.2, 5]. Kế hoạch Marshall đã mở rộng sang Tây Âu hệ tư tưởng và trật tự kinh tế tự do của Hoa Kỳ, chủ nghĩa Ford trong sản xuất với đầy đủ hai khía cạnh đồng thuận (lương cao và phúc lợi xã hội tốt) và cưỡng chế (vừa phải - ở góc độ kiểm soát các nghiệp đoàn). Ở Tây Đức, trong thời kỳ hậu chiến, nhiều tổ chức công đoàn đã được thành lập theo xu hướng này 20 . Ngoài ra, những ảnh hưởng về xã hội dân sự như sự hòa hợp giữa chính quyền các cấp và xã hội dân sự, các trường đại học mở và cách điều hành doanh nghiệp từ Hoa Kỳ cũng được áp dụng ở Tây Âu trong giai đoạn này [ 21 , tr.74]. Với tư cách là một lực lượng xã hội, tầng lớp tư bản Hoa Kỳ đã thâm nhập vào cấu trúc xã hội ở châu Âu. Ngoài việc đầu tư tại lục địa này, giai cấp này còn khuếch tán các quy chuẩn tư bản chủ nghĩa và các giá trị văn hóa trong quá trình mở rộng quan hệ xã hội. Thực chất, sự thâm nhập của các công ty và ngân hàng Hoa Kỳ tại châu Âu đã biến thành phương tiện đảm bảo sự tái sinh của chủ nghĩa tư bản và bành trướng sức mạnh của Hoa Kỳ [ 22 , tr.31]. Dĩ nhiên, sự lan tỏa và phổ biến của các giá trị doanh nghiệp và tự do của Washington tại lục địa không diễn ra theo hướng cưỡng chế mà có sự đồng thuận trên cơ sở hài hòa lợi ích của các nước tiếp nhận [ 23 , tr.1-3]. Tương đồng với phân tích vừa nêu, hai tác giả mác-xít là Xing và Hersh cũng có kết luận rằng Kế hoạch Marshall cũng chính là sự mở rộng ra bên ngoài của cách mạng kinh tế - xã hội của Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu chiến và các nước Tây Âu tiếp nhận viện trợ cũng chịu tác ảnh hưởng mang tính “cách mạng thụ động” theo lăng kính lý thuyết của chủ nghĩa tân Gramsci [ 24 , tr.43].

Tương tự, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay cũng nhằm trợ giúp các nước tham gia điều kiện để đầu tư xây dựng hạ tầng và tính kết nối, dòng chảy thương mại tự do và hội nhập tài chính vốn rất thiếu thốn ở các nước Trung và Đông Nam Á cũng như ở các nước đang phát triển trên thế giới [ 19 , tr.5]. Về bản chất, theo một số nhà nghiên cứu mác-xít, Sáng kiến này là sự phát triển từ quốc nội sang quốc tế của mô hình kinh tế - xã hội đã hình thành trong những thập kỷ gần đây ở Trung Quốc theo lý thuyết bá quyền của Gramsci. Thứ nhất, học giả Jonathan Pass trong phần viết về “Thách thức” Trung Hoa đã khẳng định “việc Tập [Cận Bình] triển khai “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) vào tháng 9/2013 (…) tạo nên một [cơ chế] bá quyền khu vực, nếu không phải là toàn cầu của Trung Quốc” [ 13 , tr.182] và “Bắc Kinh (…) đã đóng vai trò hỗ trợ then chốt trong việc mở rộng địa lý ra nước ngoài của dòng vốn Trung Quốc”. Cụ thể, một trong những mũi mở rộng quốc tế của nước này mô hình tăng trưởng thông qua đầu tư hạ tầng trong nước của Trung Quốc đã đạt đến những giới hạn về không gian phát triển vào năm 2011. Từ đó, để giải quyết vấn đề này, tương tự như cách làm của Hoa Kỳ thông qua kế hoạch Marshall, Bắc Kinh đã xuất khẩu mô hình này qua BRI và một số thể chế quốc tế như Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) đến các nước tham gia Sáng kiến [ 13 , tr.183]. Tương tự, học giả Xing nhận xét rằng “dự án mang tính bá quyền” của chủ tịch Tập Cận Bình là “Giấc mộng Trung Hoa” được “thực tế hóa thông qua Sáng kiến “Một Vành đai và Một Con đường” với sự mở rộng ra bên ngoài của năng lực sản xuất và tài chính” [ 5 , tr.99]. Về mặt triển vọng, “mô hình Trung Hoa”, như cách gọi của giới học giả và truyền thông thế giới về mô hình kinh tế - xã hội của nước này, có khả năng giúp “làm giàu và củng cố sức mạnh của các quốc gia mới nổi” [ 3 , tr.166]. Những nhân tố này hoàn toàn phù hợp với cách vận dụng của Cox về trật tự bá quyền nêu trên dựa trên những lý thuyết ban đầu của Gramsci về sự phát triển từ trong ra ngoài của một nước có tiềm năng trở thành chủ thể bá quyền trong QHQT.

Mặt khác, BRI cũng tạo ra sự gắn kết về xã hội dân sự giữa Trung Quốc và các nước tham gia tương tự như cách Hoa Kỳ triển khai Kế hoạch Marshall. Đơn cử, sau bốn năm triển khai, số lượng khách du lịch quốc tế trong khối các nước tham gia BRI đã tăng 2,6 lần, hơn 10.000 học bổng quốc tế được trao cho sinh viên các nước để đến CHND Trung Hoa học tập, 1.023 thành phố trên thế giới có quan hệ kết nghĩa với các địa phương tại Trung Quốc và hàng trăm Viện Khổng tử được mở cửa hoạt động tại nhiều nước (dù có một số ý kiến trái chiều) 25 . Riêng tại châu Phi, sự hiện diện và mở rộng quốc tế đến từ Bắc Kinh không chỉ đến từ các khoản vay và các nhà thầu Trung Quốc thực hiện các hợp đồng xây dựng hạ tầng. Hiện tại, có hơn 10.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là tư nhân, đang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại, xây dựng và bất động sản 26 . Một số tổ chức phi chính phủ từ Trung Quốc như Mạng lưới Hợp tác NGO Con đường Tơ Lụa (Silk Road NGO Cooperation Network) cũng có những hoạt động sang các nước tham gia Sáng kiến. Rõ ràng, tầng lớp tinh hoa nói chung và một số thành phần xã hội dân sự từ CHND Trung Hoa, với tư cách các lực lượng xã hội bá quyền, đã có sự thâm nhập sâu rộng vào cấu trúc xã hội tại Lục địa Đen thông qua các hoạt động đa dạng tại đây. Ở chiều ngược lại, một số tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng tham gia vào các hoạt động của BRI như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung (the U.S.—China Business Council), Quỹ Năng lượng Hoa Kỳ (the American Energy Foundation) và Quỹ Tự nhiên Toàn cầu (World-Wide Fund for Nature)… [ 27 , tr.12]

Cơ chế đồng thuận và các thể chế quốc tế

Trong tác phẩm nguyên thủy của mình, Gramsci đã nhắc đến các thể chế ở phạm vi quốc tế và trong khía cạnh bá quyền quốc tế, cũng như tập trung phân tích vai trò của các thể chế trong các cơ chế bá quyền quốc nội và/hoặc đấu tranh giai cấp. Ở cấp độ toàn cầu, Gramsci nhận định về Hội Quốc Liên (League of Nations) là “ý thức hệ phù hợp của chủ nghĩa tư bản hiện đại (…) Nó tìm cách giải phóng cá nhân khỏi tất cả xiềng xích chuyên quyền tập thể phụ thuộc vào các cấu trúc kinh tế tiền tư bản, để thiết lập một không gian đô thị tư sản quốc tế và tạo điều kiện cho cuộc chạy đua không bị giới hạn nhằm mục đích làm giàu cá nhân...” [ 7 , tr.87]. Khi tập trung vào chủ nghĩa xã hội và phát-xít, Gramsci nhận thấy “lĩnh vực kiểm soát (…) là cơ sở để giai cấp lao động, khi đã đạt được niềm tin và sự đồng thuận của đại đa số quần chúng, có thể xây dựng Nhà nước, tổ chức các thể chế chính phủ (…)và bắt đầu công việc tích cực là tổ chức hệ thống kinh tế và xã hội mới” [ 28 , tr.11]. Bên cạnh đó, ông cũng nhận thấy “quốc hội [ở nước Ý giai đoạn 1921-1926] chưa đối mặt hay giải quyết một trong các vấn đề rất quan trọng đối với giai cấp vô sản (…) [là] các thể chế có khả năng kềm chế hữu hiệu nhất sự phát triển của đấu tranh giai cấp” [ 28 , tr.17]. Về việc thiết lập cơ chế bá quyền của đảng Cộng sản, Gramsci cho rằng “Đảng đưa mình ra để làm giai cấp lãnh đạo, và khẳng định mình chỉ có thể thực thi chức năng lịch sử trong bối cảnh có thể chế (institutional context)” [ 28 , tr.33]. Về sức mạnh của giai cấp tư sản ở Ý thời bấy giờ, ông tranh luận rằng “so với số đông quần chúng, các nghị sĩ địa chủ chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ. Nhưng sức mạnh thực chất của họ trong các bộ máy chính phủ vượt xa số đông quần chúng (…) Đã đủ cơ sở để chứng minh rằng điều quan trọng bây giờ [lúc Gramsci sinh thời] không phải là nghị viện có thể bao nhiêu nghị viên mà là sức mạnh có tổ chức [dịch nghĩa: theo thể chế] mà nghị viện có được trong nước” [ 28 , tr.66]. Do đó, các thể chế dù ở cấp độ quốc tế hay quốc nội cũng thể hiện hay là hiện thân của trật tự bá quyền có liên quan và, quan trọng hơn, có vai trò tổ chức thực thi các khía cạnh khác nhau qua việc định hình hành vi của các lực lượng hay giai cấp phụ thuộc phần nhiều dựa trên cơ chế đồng thuận hơn là cưỡng chế. Về khía cạnh đồng thuận, ông cũng nhận thấy giai cấp lao động cũng cần có được yếu tố này từ giai cấp nông dân và các tầng lớp khác để có thể tiến hành cách mạng vô sản thắng lợi [ 28 , tr.124, 443, 448]. Và ngay cả trong chế độ tư bản hay phát-xít chủ nghĩa, “kỷ luật và nhịp sản xuất hiệu quả chỉ có thể được thực hiện nếu có tồn tại một mức độ hợp hiến, một mức độ đồng thuận tối thiểu về phía những người lao động” [ 28 , tr.167]. Trên cơ sở đó, Cox đã giải thích và phát triển khía cạnh đồng thuận (tượng trưng qua phần nửa hình người) trở thành cơ chế đồng thuận do chủ thể bá quyền tạo lập và duy trì. Theo ông, “bá quyền thế giới được (...) thể hiện qua các quy chuẩn, thể chế và cơ chế mang tính phổ quát và có khả năng định hình các quy tắc chung về hành vi cho các quốc gia” [ 4 , tr.62]. Trong ba yếu tố trên, “một cơ chế mà qua đó các quy chuẩn phổ quát của bá quyền thế giới được thể hiện chính là các tổ chức quốc tế” [ 4 , tr.62]. Cox cụ thể hóa ý tưởng của Gramsci ở điểm ông phát triển bá quyền dưới góc độ là một cấu trúc lịch sử gồm có ba lực lượng là (i) các khả năng vật chất, (ii) các ý tưởng, và (iii) các thể chế. Cả ba yếu tố này có sự tương tác liên tục và đa chiều với nhau như Figure 1 .

Figure 1 . Cấu trúc lịch sử của bá quyền (Nguồn: [ 1 , tr.218])

Theo Cox, các khả năng vật chất bao gồm tiềm năng sản xuất, khả năng về công nghệ, nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể chuyển đổi, trang thiết bị... Các ý tưởng có hai loại, thứ nhất là “các ý nghĩa mang tính tương giao” (intersubjective meanings), ví dụ như khái niệm “con người được tổ chức và quản lý bởi các nhà nước có thẩm quyền trên các lãnh thổ được xác định”, và thứ hai là hình ảnh tập thể (collective images) về trật tự xã hội của các nhóm người khác nhau. Giữa hai yếu tố, yếu tố thứ hai (hình ảnh tập thể) thường được sử dụng hơn trong các cơ chế bá quyền. Về các thể chế và việc thể chế hóa, ông cho rằng yếu tố đầu tiên là “phương tiện để ổn định hóa và tạo dựng một trật tự cụ thể”, và yếu tố còn lại “phản ánh quan hệ quyền lực phổ biến ở điểm khởi đầu” [ 1 , tr.218, 219].

Về khía cạnh một giai cấp trở thành bá quyền, một sự kế thừa to lớn của Cox từ Gramsci chính là từ khái niệm “sự chuyển động từ cơ sở hạ tầng sang lĩnh vực các kiến trúc thượng tầng phức tạp” vốn được phát triển hay diễn giải thành việc “dịch chuyển từ lợi ích của một nhóm hay giai cấp sang việc xây dựng các thể chế mang tính phổ quát” để vừa thỏa mãn được lợi ích của các giai cấp, nhóm xã hội khác và cũng vừa đảm bảo được lợi ích của giai cấp (có tiềm năng trở thành) bá quyền [ 4 , tr.57].

Trong thực tiễn, về mặt cơ chế đồng thuận, lý thuyết của Gramsci đã được hiện thực hóa qua hai cơ chế đồng thuận Washington và Bắc Kinh, với sự “dịch chuyển” từ lợi ích của các quốc gia sang lợi ích của nhiều nước tham gia cơ chế đồng thuận tương ứng qua các “thể chế mang tính phổ quát”. Với cơ chế thứ nhất, chủ nghĩa tân tự do đóng vai trò cốt lõi để định hình nền tảng chính sách xuyên quốc gia của Hoa Kỳ. Theo đó, từ thập niên 1980, các quốc gia đang phát triển được các thể chế của Washington khuyến khích tự do hóa thị trường, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, bảo hộ tài sản cá nhân, thả nổi lãi suất, tỷ giá hối đoái, hạn chế sự can thiệp của nhà nước, cải cách thuế… để tạo ra tăng trưởng tối ưu. Các chính sách này được phổ biến đến các nước đang phát triển thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức quốc tế khác. Đối với WB, Engel đã nhận thấy “Ngân hàng Thế giới đã là một chủ thể chính yếu trong việc tổ chức sự đồng thuận trong môi trường quốc tế trong khi [chúng ta] cũng không được quên rằng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ [sự cưỡng chế] chiếm thế chủ đạo” [ 29 , tr.304]. Bên cạnh đó, một trong các chính sách để triển khai cơ chế đồng thuận của WB là Chương trình Điều chỉnh Cơ cấu (Structural Adjustment Programs-SAPs), theo đó, các nước đang phát triển của ngoại vi bá quyền của Washington phải chấp nhận một số điều kiện để được cho vay [ 30 , tr.24]. Tuy có nhiều vấn đề được nêu lên về tác động tiêu cực của cơ chế đồng thuận Washington từ khu vực Mỹ Latinh cho đến nước Nga, nhưng điều đó cũng có nghĩa là cơ chế này được áp dụng ở rất nhiều nước trên thế giới. Với những hạn chế của cơ chế Washington, cơ chế đồng thuận Bắc Kinh đi kèm theo AIIB và BRI với tư cách là những thể chế quốc tế để các nước khác dung hòa lợi ích mình trong đó [ 4 , tr.61, 53]. Điểm thú vị đối với cơ chế của Bắc Kinh chính là việc AIIB là một trong các yếu tố về mặt thể chế trong cấu trúc lịch sử của cơ chế bá quyền được xây dựng tại Trung Quốc theo mô hình được thể hiện trong Figure 2 .

Figure 2 . Cấu trúc lịch sử của bá quyền Trung Quốc (Nguồn: [ 31 , tr.29])

Cụ thể, với cơ chế đồng thuận Bắc Kinh, với sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng quốc tế ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đã xây dựng được riêng cho mình cơ chế đồng thuận có đặc trưng là sự can thiệp sâu rộng của nhà nước để hướng đến sự đổi mới, các mục tiêu linh động thay vì chỉ tăng trưởng GDP đơn thuần, và sự tự chủ của mỗi nền kinh tế quốc gia từ sức ép bên ngoài. Theo cơ chế này, BRI và AIIB đã và đang đóng những vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình quy chuẩn và luật chơi (norm setting & rule making) theo cách của riêng Bắc Kinh [ 3 , tr.166], [ 13 , tr.177], 15 , 32 , 33 , 34 . Ở phương diện rộng lớn hơn, trong bối cảnh nền quản trị toàn cầu của các thể chế của Hoa Kỳ, AIIB và BRI đóng vai trò đổi mới từ bên ngoài [ 35 , tr.7] thay vì thách thức để thay thế hoặc tìm kiếm vị thế lãnh đạo. Hiện tại, các chủ thể bên ngoài vừa nêu vẫn chưa thể hiện được ảnh hưởng của mình đối với các thể chế Bretton Woods hoặc tác động đến các nước trên thế giới. BRI và cơ chế Đồng thuận Bắc Kinh nhìn chung dường như phù hợp với các nước đang phát triển hơn so với cơ chế Washington. Do đó, cơ bản chúng tạo ra được đối trọng nhất định trong việc tiếp cận các quốc gia đang phát triển vốn không dung hòa được lợi ích của mình trong cơ chế của Washington.

Về khía cạnh đồng thuận do Bắc Kinh tạo ra thông qua thể chế AIIB, Việt Nam và Philippines đã có những mức độ đồng thuận khác nhau. Điểm thú vị cho sự so sánh chính là cả hai nước đều có lịch sử quan hệ ngoại giao lâu dài và hiện cùng có những tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc cũng như cùng là thành viên sáng lập của thể chế này. Tuy nhiên, Việt Nam lại có cách tiếp cận khác hẳn và thận trọng hơn với Philippines trong khía cạnh hợp tác với AIIB cũng như trong BRI [ 36 , tr.237], [ 37 , tr.6, 7]. Khoản vay đầu tiên của AIIB duyệt cho Việt Nam được thực hiện vào tháng 7 năm 2020 và đối tác tiếp nhận là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VP Bank) dưới hình thức khoản vay không được chính phủ bảo lãnh. Mục tiêu của khoản vay là nhằm để VP Bank cho các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ vay lại. Ngoài ra, hiện có 18 dự án thuộc BRI được triển khai ở Việt Nam (chủ yếu ở phía Bắc, trừ Nhiệt điện Vĩnh Tân tại Bình Thuận). Trong số các dự án BRI triển khai tại Việt Nam, ngoại trừ hai dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Lào Cai – Hà Nội (chưa triển khai) và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có mức đầu tư lớn, các dự án còn lại đều có mức đầu tư hoặc không lớn hoặc chỉ có tính biểu tượng. Một nghiên cứu của Nguyễn và các học giả khác cho thấy sự thận trọng của Việt Nam đến từ những rủi ro lớn đến từ các dự án này [ 36 , tr.235]. Trước đó, tác giả Đinh Trọng Thịnh cũng nêu lên những quan ngại không nhỏ đối với Việt Nam khi tiếp nhận các khoản vay từ AIIB và/hoặc BRI 38 . Trong số các yếu tố được tác giả Nguyễn và nhóm nghiên cứu phân tích, các yếu tố an ninh, ổn định chính trị, pháp lý và quy định được đánh giá là rủi ro rất cao. Các yếu tố có rủi ro cao là hạ tầng, hiệu lực chính phủ, kinh tế vĩ mô và thị trường lao động [ 36 , tr.236]. Thực tiễn cho thấy dự án hạ tầng như Cát Linh – Hà Đông và các dự án BRI tại các quốc gia khác thường có nhiều vấn đề như chất lượng, đội vốn, tính minh bạch trong quản lý dự án. Điều này cho thấy cơ chế đồng thuận trong AIIB và BRI tại Việt Nam chưa cao.

Khác hẳn với cách tiếp cận thận trọng của Việt Nam, Philippines đã tiếp nhận khoảng 19 khoản vay lớn để thực thi các hạ tầng quan trọng về cầu, đường, cảng, thủy lợi…[ 39 , tr.13], [ 37 , tr.6, 7] Tuy nhiên, các khoản vay trong BRI chỉ chiếm 2,7% đứng thứ năm trong tổng lượng vốn ODA mà Manila tiếp nhận. Bốn vị trí dẫn đầu là Nhật Bản (39,4%), ADB (26,4%), WB (19,9%) và Hàn Quốc (2,9%). Các dự án BRI tại Philippines thường có nhiều tai tiếng như tác động tiêu cực đến môi trường, thiếu tính bền vững, chỉ sử dụng lao động Trung Quốc hay hợp đồng tín dụng có những điều khoản bất lợi cho Manila. Đặc biệt, yếu tố thỏa hiệp chủ quyền mang tính hạn chế đã thể hiện khá rõ qua trường hợp của đập Kaliwa ở tỉnh Quezon. Một nghiên cứu của Camba và một số học giả khác cho thấy dự án này không có tính bền vững về môi trường lẫn kinh tế. Theo nhóm nghiên cứu vừa nêu, lý do cho việc trao hợp đồng xây dựng cho nhà thầu và phê duyệt dự án do Trung Quốc đề xuất (thay vì Nhật Bản) là do tác động từ tầng lớp tinh hoa (quan chức quân sự, chính trị địa phương và can thiệp trực tiếp từ chính phủ) 40 . Tương tự, tác giả Kuik cho rằng tầng lớp tinh hoa chính trị tại Manila đã có xu hướng hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc thông qua AIIB và/hoặc BRI để xây dựng cơ sở hạ tầng vì lý do chính trị quốc nội bất chấp các tranh chấp lãnh thổ hay thiếu tính bền vững. Ngoài ra, trong thời gian đại dịch Covid-19, chính phủ các nước cần thiết phải duy trì tính hợp thức trong hoạt động (performance legitimation) cũng như khôi phục kinh tế, vốn dẫn đến việc sẵn sàng tiếp nhận thêm các khoản vay vốn không kèm theo nhiều điều kiện từ Bắc Kinh trong khi các khoản vay từ WB, ADB hay các đối tác khác đòi hỏi nhiều cơ chế giám sát chặt chẽ về đấu thầu và thực thi dự án [ 37 , tr.6, 7]. Dấu hiệu thỏa hiệp hạn chế được làm rõ hơn qua lăng kính của chủ nghĩa tân Gramsci ở chỗ lợi ích của một giai cấp không mang tính khách quan và định trước mà được kiến tạo và bá quyền cũng có nghĩa là việc tạo nên sự gắn kết về lợi ích của giai cấp khác với cơ chế bá quyền; ngoài ra, cơ chế đồng thuận mang tính bá quyền bền vững phải thực sự xuất phát từ thực tiễn như giải quyết được những nhu cầu về hạ tầng một cách hài hòa về lợi ích các bên và có tính chất “đồng thuận chủ động” [ 15 , tr.99]. Theo ý kiến của tác giả bài viết này, tại Philippines, tầng lớp tinh hoa không làm được những điều vừa nêu trên cho tầng lớp phụ thuộc qua các dự án thiếu tính bền vững đến từ AIIB và/hoặc BRI do các khoản vay liên quan không thực chất giải quyết được nhu cầu và không được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong khi chính người dân là chủ thể sử dụng các hạ tầng này và hoàn trả các khoản vay có liên quan.

Khối Lịch sử

Khi Gramsci suy ngẫm về sự khác biệt giữa phỏng đoán của Karl Marx về cách mạng tư sản sẽ xảy ra ở Tây Âu và thực tế cách mạng vô sản lại xuất hiện ở Nga, ông nhận thấy sự khác biệt to lớn rằng:“Tại Nga, Nhà nước là tất cả, xã hội dân sự chỉ mang tính sơ khai và yếu ớt; ở phương Tây, có quan hệ thực chất giữa Nhà nước và xã hội dân sự, và khi Nhà nước bị đe dọa, một cấu trúc xã hội dân sự chắc chắn lập tức xuất hiện.” [ 8 , tr.238]

Do đó, ông kết luận rằng trong xã hội dân chủ tư sản ở Tây Âu, Nhà nước không chỉ gồm những tập hợp các tổ chức thông thường như bộ máy hành chính, quản lý và bộ máy sức mạnh, mà còn bao gồm cả sự gắn kết với các tổ chức thuộc về xã hội dân sự như “giáo hội, các tổ chức giáo dục, báo chí và các thể chế khác”. Sự vững chắc và ủng hộ đối với Nhà nước của các lực lượng xã hội này tại Tây Âu, vốn gắn chặt với toàn bộ cơ cấu kinh tế - xã hội, là lý do tại sao cách mạng vô sản không thể xảy ra mà lại chỉ có ở Nga, nơi Nhà nước thuần túy chỉ có bộ máy nhà nước thông thường, tức không có sự ủng hộ và/hoặc gắn kết với xã hội dân sự. Theo Gramsci, sự gắn kết giữa Nhà nước và xã hội dân sự để tạo nên một cơ chế bá quyền được gọi là khối lịch sử [ 4 , tr.50, 51, 56].

Về mặt lý luận, Antonio Gramsci kế thừa từ Georges Sorel, thay vì Lê-nin, đối với khái niệm bá quyền và khái niệm khối lịch sử, vốn được định nghĩa là sự gắn kết chặt chẽ trong một cấu trúc giữa nhà nước và xã hội dân sự, để diễn giải cả sự vận động của cơ chế bá quyền và cả kháng bá quyền khi có một cấu trúc khác phát triển bên trong trật tự hiện hữu. Đây là một khái niệm mang tính biện chứng ở chỗ sự thống nhất rộng lớn được hợp thành từ các chủ thể nhỏ hơn, vốn được Gramsci mô tả qua cơ sở hạ tầng và cấu trúc thượng tầng như sau“Các cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng từ một ‘khối lịch sử’. Điều đó nói lên một tập hợp phức tạp, mâu thuẫn và thiếu hài hòa của các kiến trúc thượng tầng là sự phản ánh của một tập hợp về quan hệ xã hội của sản xuất.” [ 8 , tr.366]

Cụ thể, tập hợp vừa nêu bao hàm cả khía cạnh vật chất (hoạt động kinh tế, quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội…) và tư tưởng. Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể tại nước Ý nói chung và Tây Âu nói riêng lúc bấy giờ, theo Gramsci, để giai cấp tư sản giành được vị thế bá quyền, giai cấp này cần xây dựng được cho riêng mình một “nền tảng văn hóa thay thế, mà trong đó tất cả các khía cạnh của xã hội dân sự (kinh tế, chính trị và xã hội) đều đại diện. Một khi liên minh các lực lượng xã hội này được hình thành và thiết lập một cách chặt chẽ, các lực lượng này sẽ tạo nên một khối lịch sử, hay cơ chế bá quyền thay thế” [ 10 , tr.203-204].

Trong phần về cơ chế đồng thuận và thể chế ở trên, “sự chuyển động từ cơ sở hạ tầng sang lĩnh vực các kiến trúc thượng tầng phức tạp” vốn được phát triển hay diễn giải thành việc “dịch chuyển từ lợi ích của một nhóm hay giai cấp sang việc xây dựng các thể chế mang tính phổ quát” cũng có liên quan đến khía cạnh khối lịch sử ở chỗ sự dịch chuyển được tiến hành qua ba bước. Ở bước thứ nhất, những cá nhân chỉ chú ý đến những người cùng nghề nghiệp hay có chung hoạt động kinh tế. Ngoài phạm vi này, không có sự đoàn kết bất kỳ giữa những cá nhân có hoạt động kinh tế-doanh nghiệp tách biệt. Tuy nhiên, khi những cá nhân này vượt lên trên sự tách biệt đó với ý thức chung về giai cấp, về khía cạnh nhận thức (conscious) thay vì phỏng đoán hay cấu trúc, họ đã đạt đến bước thứ hai, nhưng chỉ thuần túy về kinh tế. Ở bước thứ ba, khi vượt qua nhận thức đơn thuần về kinh tế của giai cấp, các chủ thể nêu trên sẽ có được nhận thức chung về chính trị của giai cấp khi có sự đoàn kết về ý thức hệ (ideology) và chính trị, để hình thành nên khối lịch sử [ 10 , tr.205].

Ngoài ra, khối lịch sử cũng phải gắn với một giai cấp bá quyền trong xã hội và nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì sự thống nhất và gắn kết trong xã hội qua một nền văn hóa chung [ 4 , tr.56-57]. Qua đó, khối lịch sử là phương tiện chính yếu để cơ chế bá quyền được thực thi với sự đồng thuận trong phạm vi chính trị - xã hội. Đây chính là sự hòa hợp giữa các lực lượng vật chất, các thể chế và ý thức hệ trong một liên minh các giai cấp khác nhau rộng lớn [ 41 , tr.94]. Tóm lại, khối lịch sử là một nền bá quyền vững chắc được xây dựng trên sự lãnh đạo về trí thức lẫn đạo đức của giai cấp bá quyền với các lực lượng xã hội khác [ 4 , tr.57].

Tuy vậy, khối lịch sử được hình thành ở phạm vi quốc tế ra sao từ xuất phát điểm quốc nội? Yilmaz đã lập luận rằng:

“Một khối lịch sử có thể được hình thành ở trong nước hay quốc tế như là sự hội tụ về các gắn kết mang tính xã hội, kinh tế và chính trị. Như khi nó [khối lịch sử] tập hợp các lợi ích giai cấp khác nhau khi được tổ chức là sự thống nhất về vật chất, ý tưởng và đạo đức ở cấp độ quốc gia, nếu được tổ chức cấp độ quốc tế, nó tập hợp các lực lượng xã hội quanh một nhóm các thể chế, ý tưởng và khả năng vật chất.” [ 10 , tr.206]

Trong thực tiễn, khối lịch sử được thể hiện qua cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong bối cảnh cạnh tranh bá quyền giữa Washington và Bắc Kinh. Cuộc chiến này dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân Gramsci là “một nỗ lực để [Washington] huy động sự hỗ trợ mang tính thể chế trong khối lịch sử của mình để chống lại các lý tưởng và thể chế của Trung Quốc” trong bối cảnh Bắc Kinh đang “thuyết phục các đồng minh của Hoa Kỳ tham gia các thể chế kháng bá quyền của mình để phổ quát hóa các quy chuẩn (lợi ích) của Trung Quốc”. Ngoài ra, sự tương tác giữa hai khối lịch sử còn được thể hiện qua việc “Hoa Kỳ đã nhận thấy sự lãnh đạo ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong các thể chế quốc tế là mối đe dọa đối với trật tự tự do quốc tế” [31, tr.45]. Đối với Washington, một trong những tập hợp quốc tế lớn nhất của khối lịch sử này là NATO với vai trò trọng yếu để thúc đẩy Trật tự Quốc tế Tự do qua tuyên bố “Sứ mạng của NATO sẽ không thay đổi: đảm bảo Liên minh là một cộng đồng không có đối trọng về quyền tự do, hòa bình, an ninh và các giá trị chung” [ 42 , tr.1], [ 10 , tr.206]. Dĩ nhiên, để đạt được tầm mức cạnh tranh ở cấp độ quốc tế, hai khối lịch sử nêu trên cũng xuất phát từ cơ chế quốc nội trước tiên, có sự ủng hộ nhất định của xã hội dân sự (giai cấp tư sản/giới doanh nghiệp, tầng lớp tinh hoa chính trị và giới học giả ở Hoa Kỳ và tầng lớp tinh hoa, giới học giả ở Trung Quốc) kèm theo sự hội tụ những ý thức hệ như trật tự kinh tế tân tự do hoặc Giấc mộng Trung Hoa tại hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới lan tỏa ra các nước xung quanh trong ảnh hưởng tương ứng vốn có phần giao thoa với nhau. Tuy nhiên, so với Hoa Kỳ, Bắc Kinh chưa thể tạo ra được một khối lịch sử ở phạm vi quốc tế có khả năng thách thức trật tự hiện hữu vì lẽ Trung Quốc, và kể cả những nước như Nga, Brazil hay Ấn Độ, vẫn chưa xây dựng được một ý thức hệ đủ mạnh và phổ quát để làm nền tảng cho một khối lịch sử vì lý do.

“Các lực lượng dân sự […] cùng lắm là những chủ thể hấp thụ các hệ tư tưởng tân tự do thống trị một cách có ý thức hay vô thức. Vì thế, họ dường như không tạo lập được thế giới quan cụ thể của mình. Sự yếu ớt của các cấu trúc tạo nên hệ tư tưởng như giới học giả, truyền thông và ngành công nghiệp giải trí ở các quốc gia mới nổi đi kèm với sức mạnh của các thể chế [tương ứng] trong khối lịch sử [của phương Tây] cũng góp phần duy trì trật tự hiện hữu của phương Tây.” [ 10 , tr.211]

Sự không tồn tại hay tồn tại trên danh nghĩa của một ý thức hệ như vậy ít nhất giữa các nước tham gia trong BRI hay thậm chí khối BRICS, và quá nhiều mối quan hệ cạnh tranh hay mâu thuẫn quá sâu sắc hay khác biệt cũng như những vấn đề chính trị - lịch sử kéo dài, đặc biệt giữa Trung Quốc & Ấn Độ cũng đã làm cho khối lịch sử khó có điều kiện hình thành và phát triển ở phạm vi quốc tế [ 3 , tr.167]

KẾT LUẬN

Qua một số khía cạnh chủ đạo của lý thuyết bá quyền của Gramsci được so sánh với thực tiễn, bài viết đã lần lượt đánh giá tính chất hợp thời của khung lý thuyết này trong các vấn đề quốc tế cụ thể như sau. Thứ nhất, về phạm vi quốc tế trong cách vận dụng của lý thuyết bá quyền, Gramsci không chỉ dựa vào bối cảnh nước Ý mà còn liên hệ đến các hiện tượng quốc tế lúc bấy giờ để định hình nên lý thuyết bá quyền của mình nhằm phục vụ cho mục tiêu quốc tế của Quốc tế thứ ba. Tương tự như chủ nghĩa hiện thực, lý thuyết bá quyền của Gramsci cũng vận dụng hình tượng nhân mã của Machiavelli để áp dụng trong việc diễn giải và đánh giá các vấn đề quốc tế. Tiêu chí này liên hệ thực tiễn qua cơ chế bá quyền thế giới theo góc nhìn của cấu trúc lịch sử từ Anh sang Hoa Kỳ và hiện tượng chủ nghĩa tư bản lan rộng sang Trung Quốc với tư cách một cuộc cách mạng thụ động tại nước này. Thứ hai, cơ chế bá quyền quốc tế bắt đầu từ mô hình kinh tế xã hội đã được cách mạng triệt để, được kiểm chứng thực tiễn qua trường hợp của Trung Quốc với những ưu thế vượt trội so với thế giới xung quanh về tính chất hiệu quả, quan hệ xã hội hợp lý, cũng như có thể tạo cảm hứng để áp dụng ở những nước khác nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế và xã hội thông qua “mô hình Đặng Tiểu Bình”, Giấc mộng Trung Hoa chủ yếu bằng cơ chế của BRI và AIIB. Thứ ba, vấn đề phát triển từ quốc nội ra quốc tế để tạo ra trật tự bá quyền đã hiện thực hóa qua Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ và BRI, theo đó, những mô hình kinh tế - xã hội trong quốc gia tương ứng đã được mở rộng với sự tham gia tích cực của xã hội dân sự sang các nước khác. Thứ tư, cơ chế đồng thuận và các thể chế quốc tế cũng được minh chứng xác đáng qua cơ chế Đồng thuận Washington, vốn có ảnh hưởng khắp thế giới qua các thể chế quốc tế trong hệ thống Bretton Woods. Trung Quốc cũng xây dựng được ảnh hưởng quốc tế của mình với cơ chế Đồng thuận Bắc Kinh qua AIIB, BRI và NDB để đóng vai trò đổi mới từ bên ngoài đối với các hệ thống của Washington. Cuối cùng, khái niệm khối lịch sử được thể hiện rõ trong thực tiễn qua chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khối NATO. Với những luận chứng chắc chắn và gắn chặt với thực tiễn như vậy, các khía cạnh chủ đạo của lý thuyết về bá quyền của chủ nghĩa tân Gramsci hoàn toàn phù hợp để diễn giải các hiện tượng bá quyền trong quan hệ quốc tế.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

QHQT: Quan hệ Quốc tế

GNP: Tổng sản phẩm quốc nội

CHND: Cộng hòa nhân dân

BRI: Sáng kiến Vành đai và Con đường

WB: Ngân hàng Thế giới

IMF: Quỹ Tiền tệ Quốc tế

SAP: Chương trình Điều chỉnh Cơ cấu

AIIB: Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á

NDB: Ngân hàng Phát triển Mới

NATO: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan không hề có xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo này.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả thực hiện toàn bộ nghiên cứu trong bài báo này. Qua bài viết, tác giả mong muốn có sự đánh giá khách quan về mặt lịch sử đối với những khía cạnh chủ đạo của lý thuyết về bá quyền của chủ nghĩa tân Gramsci. Với những căn cứ lịch sử chắc chắn, bài báo đã khẳng định giá trị hợp thời và liên hệ chặt chẽ với thực tiễn của những khía cạnh vừa nêu nhằm làm cơ sở cho những đánh giá về các hiện tượng bá quyền trong quan hệ quốc tế.

References

  1. Cox RW. Social forces, states and world orders: beyond international relations theory. Millennium. 1981;10(2):126-55. . ;:. Google Scholar
  2. Hobden S, Wyn Jones R. Marxist theory of international relations. In: Baylis J, Smith S, editors. The globalization of world politics. 3rd ed. Oxford: Oxford University Press; 2005. p. 225-45. . ;:. Google Scholar
  3. Li X, Zhang S. Interdependent hegemony: China's rise under the emerging New World order. China Q Int Strateg Stud. 2018;04(2):159-75. . ;:. Google Scholar
  4. Cox RW. Gramsci, hegemony and international relations: an essay in method. Gramsci, Historical Materialism and International Relations. 1983:49-66. . ;:. Google Scholar
  5. Xing L. The endgame or resilience of the Chinese Communist Party's rule in China: A Gramscian approach. J Chin Pol Sci. 2018;23(1):83-104. . ;:. Google Scholar
  6. Lawson S. International relations. NJ: John Wiley & Sons; 2017. . ;:. Google Scholar
  7. McNally M. Antonio Gramsci. New York: Springer; 2015. . ;:. Google Scholar
  8. Gramsci A. Selections from the prison notebooks of Antonio Gramsci. London: Lawrence & Wishart; 1971. . ;:. Google Scholar
  9. Mindle GB. Machiavelli's realism. Rev Pol. 1985;47(2):212-30. . ;:. Google Scholar
  10. Yilmaz S. China, historical blocs and international relations. Issues Stud. 2014;50(4):191-222. . ;:. Google Scholar
  11. O'Brien PK, Pigman GA. Free trade, British hegemony and the international economic order in the nineteenth century. Rev Int Stud. 1992;18(2):89-113. . ;:. Google Scholar
  12. Gonzalez-Vicente R. Make development great again? Accumulation regimes, spaces of sovereign exception and the elite development paradigm of China's Belt and Road initiative. Bus Polit. 2019;21(4):487-513. . ;:. Google Scholar
  13. Pass J. American hegemony in the 21st century: A Neo Neo-Gramscian perspective. New York: Routledge; 2019. . ;:. Google Scholar
  14. Rakhmat MZ. Exporting the Chinese dream to al Khaleej: an examination of the belt and road initiative and the Asian infrastructure investment bank as China's emergent hegemonic project in the gulf. Available from: https://www.research.manchester.ac.uk//portal/files/188962939/FULL_TEXT.PDF [doctoral dissertation]. Truy xuất từ; 2018. . ;:. Google Scholar
  15. Yu S. The Belt and Road initiative: modernity, geopolitics and the developing global order. Asian Aff. 2019;50(2):187-201. . ;:. Google Scholar
  16. Olinga-Shannon S, Barbesgaard M, Vervest P. The belt and road initiative (BRI): an AEPF framing paper. In: Truy AEPF, editor xuất từ; 2019. p. 1-12. . ;:. Google Scholar
  17. Miranda M. The issue of political reform and the evolution of the so-called "Deng Xiaoping Model" in Hu Jintao and Xi Jinping's China in beretta. In: Berkofsky S, A, Zhang L, editors: Understanding China today: an exploration of politics, economics, society and international relations. New York: Springer; 2017. . ;:. Google Scholar
  18. Peng B. China, global governance, and hegemony: neo-Gramscian perspective in the world order. J Chin Int Relat. 2018;6(1):48-72. . ;:. Google Scholar
  19. Shen S, Chan W. A comparative study of the Belt and Road initiative and the Marshall Plan. Palgrave Commun. 2018;4(1). . ;:. Google Scholar
  20. Adamthwaite A. Labour under the Marshall Plan: the politics of productivity and the marketing of management science. Int Aff. 1988;64(3):500-. . ;:. Google Scholar
  21. Sparling M. Recreating America. mirror. 2019;39(1):69-78. . ;:. Google Scholar
  22. Panitch L, Gindin S. Global capitalism and American empire. Socialist Regist. 2004:1-42. . ;:. Google Scholar
  23. Lundestad G. The United States and Western Europe since 1945 "Empire" by invitation to transatlantic drift. Oxford: Oxford University Press Oxford; 2005. . ;:. Google Scholar
  24. Xing L, Hersh J. Understanding global capitalism: passive revolution and double movement in the era of globalization. Am Rev Pol Econ. 2006;4(1):36-55. . ;:. Google Scholar
  25. Keju W. The State Council of the People's Republic of China; 2019, January 10. BRI benefits appear in two-way tourism. . ;:. Google Scholar
  26. Jayaram K, Kassiri O, Sun IY, IY. The closest look yet at Chinese economic engagement in Africa. McKinsey&Company; 2017, June 28. . ;:. Google Scholar
  27. Young J, Lin J. The belt and road initiative: a New Zealand appraisal. New Zealand Contemporary China Research Centre. Victoria University of Wellington. Truy xuất từ; 2018. . ;:. Google Scholar
  28. Gramsci A. Selections from political writings (1921-1926): With additional texts by other Italian communist leaders. 1st ed. London: Lawrence & Wishart; 1978. . ;:. Google Scholar
  29. Engel S. The World Bank and the post-Washington consensus in Vietnam and Indonesia. Available from: https://ro.uow.edu.au/cgi/viewcontent.cgi?article=1707&context=theses&httpsredir=1&referer= [doctoral dissertation]. Truy xuất từ; 2017. . ;:. Google Scholar
  30. Van Waeyenberge E. From Washington consensus to post Washington consensus. In: Fine B, Jomo K, editors: The new development economics: after the Washington consensus. London: Zed Books; 2006. . ;:. Google Scholar
  31. Jensen M, Andersen H. The rise of China and the U.S.-led world order: A Case Study of the U.S.-China trade war; 2020. . ;:. Google Scholar
  32. Yagci M. Rethinking soft power in light of China's belt and road initiative. Uluslararası İlişkiler. 2018;15(57):67-78. . ;:. Google Scholar
  33. Vangeli A. Diffusion of ideas in the era of the belt and road: insights from China-CEE think tank cooperation. Asia Eur J. 2019;17(4):421-36. . ;:. Google Scholar
  34. Saimum R. The prospect of Belt and Road initiative in the context of Bangladesh. China Rep. 2020;56(4):464-83. . ;:. Google Scholar
  35. Ly B. RETRACTED ARTICLE: China and global governance: leadership through BRI. Cogent Soc Sci. 2020;6(1):1801371. . ;:. Google Scholar
  36. Nguyen LD, Ly TT, Tran DC, Tran AV, Le AQ, Hudson A. The belt and road initiative (BRI): opportunities and risks from Vietnamese perspective. J Asian Fin Econ Bus. 2022;9(4):0229-38. . ;:. Google Scholar
  37. Kuik CC. Irresistible inducement? Assessing China's belt and road initiative in Southeast Asia. Council on Foreign Relations; 2021, June. . ;:. Google Scholar
  38. Chi K. Economists: Vietnam should be cautious about loans from AIIB; 2017, February 15. Vietnamnet. . ;:. Google Scholar
  39. Cruz J, Juliano H. Assessing Duterte's China projects governance, white elephants, and COVID-19 in the build, build, build program; 2021. Asia Pacific Pathways to Progress Foundation, Inc. . ;:. Google Scholar
  40. Camba A, Cruz J, Magat J, Tritto A. Explaining the Belt and Road in the Philippines: elite consolidation, construction contracts, and online gambling capital. In: Liow J, Liu H, Xue G, editors, Research handbook of the belt and road initiative. 1st ed. Northampton: Edward Elgar Publishing Limited; 2021. p. 138-50. . ;:. Google Scholar
  41. Gill S, Law D. Global hegemony and the structural power of Capital. In: Gill S, editor: Gramsci, historical materialism and international relations. Cambridge: Cambridge University Press; 1993. . ;:. Google Scholar
  42. NATO. Active engagement, modern defence; 2010, November 19. Truy Xuất Từ. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 1722-1736
Published: Sep 30, 2022
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i3.774

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ngũ, H. (2022). The relevance to the reality of some key aspects of the Neo-Gramscian theory of hegemony. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(3), 1722-1736. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i3.774

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 444 times
PDF   = 307 times
XML   = 0 times
Total   = 307 times