VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

250

Total

105

Share

Education administrators – The advancement path of Southern Vietnamese Confucian scholars during the Nguyen Dynasty






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Right from the early days of the Nguyen dynasty, the Southern Confucian scholars following Nguyen Anh from the Trung Hung period including Trinh Hoai Duc, Le Quang Dinh, Ngo Nhan Tinh, Pham Dang Hung, and etc. played a pivotal role in the new court in Hue. However, when the system of the Confucian scholar selection examination of the Nguyen Dynasty was more and more perfect, the Confucian scholar class in the South faced great competition from the Confucian scholars in the North and Central region, where the Confucian education was well organized and long-standing. The number of Confucian scholars from the South, who passed the Hoi exam, was quite low, and which made the political position of the mandarins coming from this region decline compared to when the dynasty was newly established. Therefore, the official education administrator system of the Nguyen Dynasty opened a door for the Southern Confucian scholars to participate in the politics of the Nguyen Dynasty. Confucian scholars only passing the Huong exam could be appointed to positions of education administrators in the localities and then be rotated to another position similar to those who passed the Hoi exam. Thanks to this regime, some scholars from the South had the opportunity to actively participate in the politics of the Nguyen Dynasty such as Truong Gia Hoi, Nguyen Thong, Nguyen Huu Huan, Le Hung Liem, and etc. This article aims to analyze the impact of the Nguyen dynasty's education administrator regime on the advancement path of the Southern Confucian scholars.

GIỚI THIỆU

Giáo quan hay học quan là quan lại lo việc học hành, khoa cử ở các địa phương hoặc cấp quốc gia trong chế độ phong kiến. Trong phạm vi bài viết này, người viết tập trung chủ yếu vào giáo quan ở các địa phương. Ở Việt Nam, chức quan lo việc học tập của sĩ tử lần đầu tiên được các tài liệu sử học ghi nhận là vào thời kỳ Minh thuộc. Đến thời Lê, các chức Huấn đạo, Giáo thụ tiếp tục xuất hiện nhưng chưa thành hệ thống hoàn chỉnh. Đến thời Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ Minh Mạng trị vì, chế độ khoa cử ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ. Điều này không chỉ giúp nâng cao học phong ở các địa phương mà còn tạo ra một nhu cầu lớn về nhân sự cho các vị trí giáo quan địa phương. Nhà Nguyễn đã tạo điều kiện cho các Nho sĩ chỉ đỗ học vị cử nhân tham gia vào các vị trí này rồi từ đó thăng tiến trong quan trường. Riêng ở Nam bộ, triều đình Huế cũng có những ưu tiên nhất định, nhất là trong bối cảnh số Nho sĩ đỗ đạt của vùng đất này còn khá ít so với các khu vực còn lại trong cả nước.

Khoa cử và nhu cầu hoàn chỉnh chế độ giáo quan thời Nguyễn

Trải qua thời gian loạn lạc, năm 1788, Nguyễn Ánh lấy lại Nam bộ, chuẩn bị tái tổ chức lực lượng cho cuộc chiến lâu dài với nhà Tây Sơn. Để có thể quản lý và khai thác tốt nguồn lực ở vùng đất trù phú này, nhu cầu tất yếu của chính quyền Nguyễn Ánh là thiết lập bộ máy hành chính cai trị. Lực lượng chính trị ủng hộ Nguyễn Ánh từ Thuận Quảng chạy vào đã tan tác ít nhiều sau bao lần đối đầu với Tây Sơn nên việc tuyển chọn người mới tham gia chính quyền được Nguyễn Ánh chú trọng. Năm 1791, Nguyễn Ánh đã mở khoa thi tuyển chọn nhân tài phục vụ sự nghiệp trung hưng họ Nguyễn. Ở khoa thi này, 12 người trúng cách như Nguyễn Đình Quát, Nguyễn Công Xanh, Nguyễn Hữu Thứ, Đoàn Văn Hoằng,… [ 1 , tr.691].

Đến khi thiết lập vương triều Nguyễn, vấn đề tổ chức thi cử tuyển nhân tài được Gia Long hết sức quan tâm. Đến năm 1807, Gia Long xuống chiếu quy định chế độ khoa cử như sau:

“Nhà nước cầu nhân tài, tất do đường khoa mục. Tiên triều ta chế độ khoa cử đời nào cũng có cử hành. Từ khi Tây Sơn nổi loạn, pháp cũ hủy bỏ, sĩ khí vì đó mà bế tắc. Nay thiên hạ đã định, Nam Bắc một nhà, cầu hiền chính là việc cần kíp. Đã từng xuống sắc bàn định phép thi: kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa, kỳ đệ nhị thi chiếu, chế biểu; kỳ đệ tam thi thơ, phú; kỳ đệ tứ thi văn sách. Lấy tháng 10 năm nay mở khoa thi Hương, sang năm Mậu Thìn mở khoa thi Hội. Bọn học trò các ngươi nên dùi mài việc học, để đáp lại cái ơn tôn chuộng nghề văn.” [ 2 , tr.13-14]

Theo quy định của năm 1807, đến năm 1808, sĩ tử sẽ trải qua kỳ thi Hội đầu tiên nhưng “mới bắt đầu bình định, văn học còn ít” nên khoa thi này bị hoãn lại. Trong suốt thời Gia Long, nhà nước cũng chỉ mở các khoa thi Hương, không tổ chức kỳ thi Hội. Đến tận năm 1822, khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn mới được mở dưới thời Minh Mạng. Sau khi chế độ chính trị của nhà Nguyễn đã đi vào ổn định, Minh Mạng có nhiều thời gian tổ chức lại chế độ khoa cử hơn thời kỳ Gia Long. Năm 1825, Minh Mạng thay đổi thời gian tổ chức thi Hương sang 3 năm một lần. Thời điểm tổ chức khoa cử cũng có sự mô phỏng theo quy chế của nhà Minh: các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu sẽ tổ chức thi Hương; những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi tổ chức thi Hội và thi Đình:

“Lệ trước, 6 năm một lần thi. Lấy các năm Mão, Dậu làm hạn, còn thi Hội chưa ấn định. Nay nghĩ sĩ tử trong, ngoài ngày càng thêm nhiều, mà đường lối của triều đình tuyển kẻ sĩ đã có thịnh điển. Chuẩn cho từ nay về sau, lấy các năm Tí, Mão, Ngọ, Dậu mở khoa thi Hương; Sửu, Thìn, Mùi, Tuất mở khoa thi Hội. Các học trò đều phải cần cù việc học, để đủ cho quốc gia sử dụng.” [ 2 , tr.14]

Song song với quá trình hoàn thiện chế độ khoa cử, từ năm 1823, triều Nguyễn bắt đầu củng cố hệ thống trường học công trong cả nước. Ngoài trường Quốc Tử Giám ở kinh đô, các tỉnh, huyện đều mở trường học. Triều Nguyễn đặt chức Đốc học (chánh Ngũ phẩm) ở cấp dinh/trấn/tỉnh, ở cấp phủ đặt chức Giáo thụ (chánh Thất phẩm), cấp huyện đặt chức Huấn đạo (chánh Bát phẩm) lo việc học hành, khoa cử [ 3 , tr.21]. Do cần số lượng lớn giáo quan cho các địa phương, triều Nguyễn cho phép quan chức địa phương đề cử và cấp giấy cho người đã đỗ ở kỳ thi Hương hoặc người có học hạnh về kinh trình diện để Bộ Lễ đề xuất triều đình bổ nhiệm [ 4 , tr.477].

Không chỉ vậy, đến năm 1848, Tự Đức lại ban hành một quy định mới, tạo điều kiện cho người không đỗ kỳ thi Hội có thể tham gia quan trường:

“Phàm những Cử nhân thi Hội xong, đều cho về quê học tập để đợi khoa sau, còn như người nào tình nguyện ở lại Kinh, thì cho vào Quốc Tử Giám học tập, đợi đủ 3 năm sau khi thi Hội, sẽ làm hậu bổ ở các tỉnh. Trong đó lại có người tình nguyện ở lại học tập đợi khoa sau thì cũng cho. Nếu gặp khuyết chức Giáo thụ, Huấn đạo thì không cứ Cử nhân ở Giám (Quốc Tử Giám-TG) hay làng, người nào gần tiện chỗ khuyết, và cứ theo tên ở bản trước thì liệu mà bổ dùng. Nếu có gặp khuyết chức Tri huyện, Tri châu, thì lấy ngay người đã bổ giáo chức, lần lượt đến các Cử nhân ở Giám ở làng chưa được bổ, người nào đỗ trước tên ở trên, thì đều liệu chỗ xét bổ nhiệm.” [ 2 , tr.73].

Hai năm sau, năm 1850, Tự Đức lại tiếp tục mở rộng cơ hội cho những Cử nhân không đậu kỳ thì Hội:

“Không cứ Cử nhân ở Giám hay ở quê, người nào trúng được 3 kỳ thì xếp đầu (sang năm nếu vẫn dùng văn lý 3 kỳ, ai trúng 3 kỳ mà không đỗ Phó bảng thì vẫn xếp đầu), trúng được 2 kỳ là thứ nhì, trúng được 1 kỳ là thứ ba. Mỗi kỳ trúng lại xếp số điểm nhiều ít, định rõ tên ở trước sau lấy đó làm thứ tự. Đến thời hạn bàn bổ nhiệm, làm thành danh sách tâu lên, đợi có khuyết chức Giáo thụ, Huấn đạo, đều cứ thứ tự trong danh sách liệu chỗ tâu lên xin bổ.” [ 4 , tr.74]

Từ các quy định của triều đình dành cho kỳ thi Hương cũng như chế độ bổ dụng sĩ tử chỉ đạt học vị này đã cho thấy cơ hội tiến thân của các Cử nhân thời Nguyễn khá rộng mở. Một số Cử nhân có thể theo học tại Quốc Tử Giám chờ khoa thi Hội năm sau. Một số khác có thể gia nhập quan trường ngay, dù không tham gia hoặc thi trượt ở kỳ thi Hội thông qua con đường giáo quan. Ở vị trí này, sau một thời gian nếu làm tốt chức trách nhiệm vụ, họ có thể chuyển sang chức quan quản lý hành chính địa phương như Tri huyện, rồi thăng Tri phủ hoặc các chức quan khác. Đến đây, con đường hoạn lộ của họ so với các Nho sĩ đỗ kỳ thi Hội đã được rút ngắn khoảng cách, chủ yếu phụ thuộc vào năng lực và vận hội trên quan trường.

Một trong những nhân vật thành công nhất cho con đường tiến thân này là Nguyễn Văn Tường. Nguyễn Văn Tường quê ở Quảng Trị, tên thật là Nguyễn Phước Tường, vì cùng họ với hoàng tộc triều Nguyễn (Nguyễn Phước) nhưng không chịu đổi nên bị bắt đi đày. Sau khoa thi năm 1850, Nguyễn Văn Tường được bổ làm Huấn đạo ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Trải qua thời gian làm việc tại địa phương, Nguyễn Văn Tường từ vị trí giáo quan (Huấn đạo) được bổ làm Tri huyện. Sự thay đổi từ chức giáo quan sang quản lý dân sự đã mở ra một con đường rộng mở cho Nguyễn Văn Tường. Đến năm 1862 - 12 năm kể từ kỳ thi Hương, Nguyễn Văn Tường được triệu về kinh đô, bắt đầu một chặng đường mới trong sự nghiệp chính trị của mình. Đến năm 1874, Nguyễn Văn Tường trở thành Thượng thư Bộ Hình, kiêm Thương Bạc đại thần. Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, Nguyễn Văn Tường cùng với Trần Tiễn Thành, Tôn Thất Thuyết đảm nhận vị trí phụ chính đại thần. Lúc này, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trở thành hai nhân vật quyền lực nhất triều Nguyễn, tham dự trực tiếp vào các sự kiện phế, lập các vua trong thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” và cuộc biến kinh thành Huế năm 1885. Ngoài ra, nhiều Cử nhân khác của khoa thi Hương năm 1849-1850 của Nguyễn Văn Tường cũng tiến thân theo con đường giáo quan và thành công trên quan trường như Phạm Thận Duật, Trương Gia Hội, Nguyễn Thông,…

Như vậy có thể thấy, chế độ giáo quan thời Nguyễn không chỉ có tác dụng trong việc nâng cao hiệu quả cho nền giáo dục Nho học mà còn là một con đường tiến thân khá thuận lợi cho những sĩ tử chỉ đạt học vị Cử nhân trên cả nước. Vậy con đường tiến thân này có ý nghĩa như thế nào đối với giới Nho sĩ ở Nam bộ?

Giới Nho sĩ Nam bộ tiến thân qua con đường giáo quan

Nam bộ là đất trung hưng của nhà Nguyễn. Thời gian đầu thành lập vương triều Nguyễn, hàng loạt các chức vụ quan trọng đều do người Nam bộ nắm giữ. Như ở hai trấn Bắc thành và Gia Định thành, chức Tổng trấn đều là người Nam bộ, ngoài trừ Lê Chất. Ngay sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã liên tiếp phái hai phái đoàn sứ giả đến nhà Thanh để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, khẳng định tính chính thống của nhà nước mới được thống nhất. Cả hai phái đoàn này đều do những Nho sĩ Gia Định thân tín của Nguyễn Ánh đảm nhận như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Hoàng Ngọc Uẩn, Lê Quang Định,… Để cho danh chính ngôn thuận, hai chánh sứ Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định đều được phong làm Thượng thư đi sứ sang nhà Thanh. Một thực tế rõ ràng rằng sự tiến thân của giới Nho sĩ Nam bộ thế hệ của Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh,… là nhờ vào thời gian cùng Nguyễn Ánh dựng nghiệp. Các công thần người Nam bộ được triều Nguyễn tiếp tục sử dụng như một lực lượng chính trị tin cậy, ủng hộ triều Nguyễn nhất là khi phải quản lý một lãnh thổ rộng lớn, lòng người còn phân tán, còn nhớ về triều Lê cũ. Qua một thời gian, nền chính trị và sự thống nhất quốc gia dần được củng cố. Lúc này, các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng phải chứng tỏ tính cố kết và công bằng trong việc tuyển chọn người tài tham gia vào hệ thống quan lại. Mối quan hệ thân tín từ thời trung hưng đã dần dần được thay thế bằng hệ thống khoa cử theo truyền thống Nho giáo. Choi Byung Wook đã tiến hành thống kê số lượng quan lại người Nam bộ xuất hiện trong bộ Đại Nam liệt truyện qua hai thời Gia Long và Minh Mạng để minh chứng cho sự suy giảm của nhóm quan lại người Nam bộ ( Table 1 ).

Table 1 Thống kê của Choi Byung Wook về số lượng nhân vật hai triều Gia Long, Minh Mạng được ghi chép trong Đại Nam Liệt truyện phân theo 3 miền. [ 5 , p.111-112].

Qua Table 1 , Choi Byung Wook đã cho thấy số lượng quan lại Nam bộ xuất hiện trong bộ Đại Nam Liệt truyện có khuynh hướng suy giảm nghiêm trọng, từ 51,01% giảm còn 6,39%. Tuy nhiên, sự lựa chọn nhân vật đưa vào Liệt truyện đã không phản ánh đầy đủ sự hiện diện của đội ngũ quan lại xuất thân từ Nam bộ trong triều đình Huế. Vì thế, con số thống kê này của Choi Byung Wook cũng chỉ mang tính tương đối khi nói đến sự suy giảm vị thế chính trị của nhóm Nho sĩ Gia Định trong triều đại Minh Mạng.

Một thực tế đáng chú ý là chế độ tuyển chọn quan lại qua khoa cử dù khá công bằng nhưng đem lại không ít bất lợi cho giới Nho sĩ Nam bộ. Nam bộ là vùng đất mới được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam hơn trăm năm, Nho giáo chỉ mới xuất hiện tại đây một cách nhỏ lẻ, theo chân các đoàn di dân người Hoa lẫn Việt. So với Bắc Hà, Thanh - Nghệ và Thuận Quảng là những nơi có truyền thống Nho học, Nam bộ có phần yếu thế hơn. Chúng ta có thể theo dõi tình hình số Cử nhân Nho học ở miền Nam so với hai miền Bắc và Trung qua Table 2 :

Table 2 Số lượng và việc tham gia quan trường của các Cử nhân triều Nguyễn từ 1813-1864 phân theo vùng miền. (Nguồn: Xử lý dữ liệu từ Quốc triều Hương khoa lục 6 )

Số liệu của Table 2 cho thấy số lượng Cử nhân Nho học ở Nam bộ có sự chênh lệch khá lớn so với miền Bắc và miền Trung, chỉ chiếm 11,13% tổng số Cử nhân đỗ đạt kỳ thi Hương từ khoa thi năm 1813 đến khoa thi năm 1864. Một con số khá khiêm tốn nếu so với các vùng còn lại trong cả nước. Từ các con số này, có thể thấy giới Nho sĩ Nam bộ đã gặp phải sự cạnh tranh lớn trong chốn quan trường dưới triều Nguyễn. Sự áp đảo về mặt số lượng của nhóm Nho sĩ miền Bắc và miền Trung trong chế độ khoa cử trong đã làm suy giảm vị thế chính trị của nhóm Nho sĩ Nam bộ so với đầu thời Gia Long.

Tình trạng Nho sĩ Nam bộ vượt qua kỳ thi Hội càng bi đát hơn. Trong suốt lịch sử khoa cử triều Nguyễn từ năm 1807 đến 1919, Nam bộ chỉ có 5 người đỗ Tiến sĩ/Phó bảng là Phan Thanh Giản, Đinh Văn Minh, Phan Hiển Đạo, Nguyễn Chánh và cuối cùng là Nguyễn Trọng Tĩnh (khoa thi năm 1916) 6 . Tuy nhiên, trong số 5 người này thì chỉ có duy nhất Phan Thanh Giản thi ở trường thi Gia Định, 4 người còn lại đều thi nhờ ở trường thi Hương Thừa Thiên. Như vậy, trong số 270 người có học vị Cử nhân ở trường thi Hương Gia Định – An Giang (1813-1864), chỉ có duy nhất Phan Thanh Giản đỗ học vị Tiến sĩ nhưng lại có tới 173 người tham gia quan trường ( Figure 1 ). Vậy 172 Cử nhân còn lại đã tiến thân như thế nào?

Figure 1 . Tỷ lệ số Cử nhân ở trường thi Hương Gia Định - An Giang (1813-1864) ở Nam bộ tham gia quan trường và không tham gia quan trường. (Nguồn: Xử lý dữ liệu từ Quốc triều Hương khoa lục 6 )

Điều đáng quan tâm của chế độ khoa cử, quan trường triều Nguyễn là việc tạo cơ hội cho những người chỉ đạt học vị Cử nhân có cơ hội thăng tiến. Gia Long là một ông vua trưởng thành trong chiến đấu nên tính thực tế khá cao, không câu nệ những nguyên tắc cứng nhắc. Dù đã định lệ khoa cử rất chi tiết nhưng vì tình hình đất nước còn nhiều khó khăn nên trong suốt thời gian trị vì của mình, Gia Long chưa tổ chức một kỳ thi Hội nào. Số Hương cống và Tú tài qua kỳ thi Hương dưới thời Gia Long đều được cất nhắc bổ dụng làm quan:

“Dùng người không phải chỉ một lối, chọn học trò không phải chỉ một đường. Năm trước mở khoa thi Hương, phàm người dự trúng tứ trường đều đã bổ chức Tri huyện. Nhưng nghĩ trong số học trò dự trúng tam trường cũng có người học thuật có thể dùng được. Vậy hạ lệnh cho trấn quan và giáo quan xét hỏi người nào văn học hơi khá thì ghi tên tâu lên” [ 1 , tr.821]

Tinh thần này đã được các vua kế vị Gia Long tiếp nối và triển khai cụ thể, nhất là qua chế độ giáo quan như đã đề cập. Chính sách này đã tạo cơ hội cho giới Nho sĩ ở Nam bộ một cơ hội rộng mở hơn trong việc tham gia quan trường. Không chỉ giới hạn ở vị trí Cử nhân, Minh Mạng tiếp tục mở rộng đối tượng giữ vị trí giáo quan đối với người đỗ Tú tài . Tháng 4 (â.l) năm 1834, triều đình triệu các Tú tài dưới 40 tuổi về dự kỳ khảo hạch, lấy 7 người cao nhất bổ làm Huấn đạo chờ chỗ nào khuyết thì làm Giáo thụ, 81 người tiếp theo lấy làm Huấn đạo, còn những người thấp hơn thì cho làm hành tẩu lo việc giấy tờ ở các bộ [ 7 , tr.141]. Tuy nhiên, do ở Nam bộ, số lượng giáo quan thiếu hụt nên Minh Mạng lại có sự biệt lệ cho vùng này. Các Tú tài dưới 40 tuổi không cần khảo hạch như trước đó đã quy định cho cả nước. Chỉ một tháng sau kỳ khảo hạch Tú tài trong cả nước năm 1834, Minh Mạng lại sai các Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường chọn những Tú tài dưới 40 tuổi có học hạnh tốt, xếp thứ tự tâu lên, đợi sắc chỉ bổ dụng [ 8 , tr.200].

Trong điều kiện số lượng người đỗ Cử nhân ở Nam bộ chiếm tỷ lệ khá thấp (xem Table 2 ), có thể thấy những chính sách chú trọng vào thực lực của các Nho sĩ không câu nệ vào học vị Cử nhân hay Tiến sĩ, Phó bảng, thậm chí cả Tú tài để bổ dụng, đã tạo điều kiện cho giới trí thức ở Nam bộ có cơ hội tiến thân xa hơn trong quan trường. Trừ một số trường hợp được bổ vào làm hành tẩu trong các cơ quan ở triều đình như Lê Văn Đức, Trương Minh Giảng, theo các quy định về bổ dụng Cử nhân của triều Nguyễn, có thể nhiều Cử nhân Nam bộ dấn thân vào quan trường từ cơ chế giáo quan. Do những hạn chế về mặt tư liệu, hành trạng làm quan, nhất là xuất phát điểm đầu tiên trong quan trường của các Cử nhân người Nam bộ không được ghi chép một cách đầy đủ. Từ các dữ liệu trong Quốc triều Hương khoa lục Đại Nam liệt truyện, chúng ta chỉ có thể biết chính xác 21 nhân vật Nam bộ đã tiến thân từ vị trí giáo quan .

Để có cái nhìn cụ thể hơn về con đường tiến thân theo của các Cử nhân Nam bộ qua con đường giáo quan và có sự so sánh với nhóm quan lại xuất thân do đỗ đạt kỳ thi Hội, bài viết này tập trung khảo sát khoa thi Hương đầu tiên theo đúng quy định dưới triều Tự Đức 1849-1850, nếu không tính kỳ Ân khoa năm 1848 mừng vua mới lên ngôi. Đặc biệt khoa thi này được tổ chức 1 năm sau khi Tự Đức ban hành quy định về việc bổ dụng Cử nhân làm giáo quan. Số Cử nhân đỗ khoa thi này là 160 người. Chỉ 9 năm sau khi đỗ kỳ thi Hương, những Cử nhân này đã phải đương đầu với sóng gió do cuộc xâm lược của thực dân Pháp gây ra. Biến cố này vừa là nguy cơ lại vừa là cơ hội cho họ thể hiện thực lực của mình trong điều kiện khắc nghiệt của lịch sử. Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ sự thăng tiến trong chốn quan trường, nhất là những giai đoạn đầy biến động, không phải chỉ dựa vào xuất phát điểm ban đầu là học vị Cử nhân hay Tiến sĩ mà còn phụ thuộc vào thực lực của mỗi người. Nếu so với nhiều nhân vật cùng tham gia thi Hương với Trương Gia Hội, Nguyễn Thông khóa 1849-1850 nhưng sau đó tiếp tục đỗ kỳ thi Hội, chúng ta thấy con đường quan trường của họ cũng không có sự chênh lệch lớn, nếu không muốn nói là như nhau.

Table 3 Số lượng Cử nhân tham gia quan trường của khoa thi Hương năm 1849-1850. (Nguồn: Xử lý dữ liệu từ Quốc triều Hương khoa lục 6 )

Trong cả kỳ thi Hương khóa 1849-1850, cả nước có 160 Cử nhân (xem Table 3 ). Trong số 13 Cử nhân của khoa thi này đỗ kỳ thi Hội, Phan Đình Bình là người thành công nhất khi cùng Nguyễn Hữu Độ làm Phụ chính đại thần cho vua Đồng Khánh (1885), thăng chức Thự Văn Minh Điện Đại học sĩ, quan hàm chánh Nhất phẩm. Còn đại đa số các Cử nhân đỗ Tiến sĩ, Phó bảng còn lại chủ yếu làm quan tại Hàn lâm viện, Nội các hoặc giữ chức Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Đốc học, Tri huyện ở các địa phương như Đặng Xuân Bảng (Tuần phủ), Trần Huy Tích (Đốc học), Nguyễn Đình Tuân (Đốc học), Trần Văn Hệ (Bố chánh), Phạm Đình Trác (Tri huyện),… Điều khá đặc biệt là số lượng Cử nhân chỉ qua kỳ thi Hương (a) giữ chức vụ từ Tam phẩm trở lên lại nhiều hơn nhóm tiến thân qua thi Hội, thi Đình (b) (xem Figure 2 ). Quan chế của triều Nguyễn theo chế độ cửu phẩm với 2 trật chánh - tòng, chia thành 18 bậc. Nếu chỉ xét số người giữ quan hàm từ tòng Tam phẩm trở lên (bậc 6 đến 1) thì ở nhóm (b) có 7 người trong khi ở nhóm (a) con số này lại là 22 người. Đa số nhóm (a) tập trung vào chức quan địa phương các tỉnh, Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát hoặc giáo quan. Tuy nhiên, nếu quan hàm của nhóm (b) khá tập trung từ chánh Ngũ phẩm đến chánh Nhất phẩm thì nhóm (a) do số lượng lớn hơn nhưng xuất phát điểm lại thấp và đa dạng hơn nên quan hàm của họ trải dài từ chánh Bát phẩm cho đến chánh Nhất phẩm, ít tập trung hơn nhóm (b) [ 9 , tr.52-53]. Nhân vật thành công nhất trong nhóm (a) là Nguyễn Văn Tường như đã đề cập.

Figure 2 . Khảo sát sự phân bổ quan hàm của hai nhóm (a) và (b). (Nguồn: Dữ liệu tính toán của tác giả từ Quốc triều hương khoa lục và Đại Nam hội điển sự lệ)

Trong số 9 Cử nhân Nam bộ tham gia quan trường của khoa thi Hương này, hai nhân vật đáng chú ý là Nguyễn Thông và Trương Gia Hội. Cả hai đều được tuyển chọn làm giáo quan và từ từ thăng tiến trong quan trường. Về sau, Nguyễn Thông và Trương Gia Hội đều trở thành các nhân vật quan trọng của phong trào chống Pháp ở Nam bộ. Qua phân tích hành trạng của hai nhân vật tiêu biểu này, chúng ta có thể thấy được cơ hội và khả năng tiến thân của các Nho sĩ Nam bộ qua con đường giáo quan.

Nguyễn Thông (1827-1884) quê quán ở phủ Kiến An, Định Tường (nay là Châu Thành, Long An) sau khi đỗ Cử nhân được bổ làm Huấn đạo Phong Phú. Từ vị trí này, con đường hoạn lộ của Nguyễn Thông bắt đầu thăng tiến ở nhiều vị trí khác nhau. Đặc biệt trong bối cảnh người Pháp tấn công Gia Định, Nguyễn Thông sẵn sàng từ bỏ chức Nội các Tu soạn ở triều đình, đi tòng quân đánh Pháp theo Thống đốc Quân vụ Tôn Thất Cáp. Khi Pháp đánh đồn Chí Hoà, Nguyễn Thông được thăng làm Phó Đề đốc của Tôn Thất Đính [ 10 , tr.700]. Sau hiệp ước Nhâm Tuất 1862, triều đình bãi binh, Nguyễn Thông rút quân về Phước Tuy, rồi ra Bình Thuận và được Phan Thanh Giản đề cử làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long, được ghi nhận là có công chấn hưng tinh thần sĩ tử Vĩnh Long sau chiến loạn [ 11 , tr.267]. Nguyễn Thông cũng thành công trên hai lĩnh vực quản lý hành chính và sử học. Trên cương vị Bố chánh Quảng Ngãi, Nguyễn Thông đốc suất công việc thủy lợi và nông nghiệp. Việc làm này của Nguyễn Thông được nhân dân địa phương hết sức ủng hộ. Nhờ vậy, khi triều đình có ý định ngưng chức ông do xử lý án chưa đúng, người dân đã đứng ra xin tội cho Nguyễn Thông để ông có thể tiếp tục các công trình nông nghiệp còn dang dở ở địa phương [ 12 , tr.603]. Năm 1874, Nguyễn Thông được sung làm Quốc Tử Giám tư nghiệp rồi 2 năm sau cùng với Bùi Ước và Hoàng Dụng Tân kiêm nhiệm Khảo duyệt Khâm định Việt sử thông giám cương mục . Trên cơ sở này, Nguyễn Thông đã “đem mỗi nước chép riêng ra, nêu rõ sự việc gì theo cũ, việc gì thay đổi, gián hoặc có chỗ đoán thấy, thì cũng biện bạch một chút cho chính đáng, để người xem có chỗ khảo cứu”, hoàn thành quyển Việt sử cương mục khảo lược [ 13 , tr.6] . Chức quan đến cuối đời Nguyễn Thông làm là Hồng lô tự khanh (1879). Như vậy, hơn 30 năm ở quan trường, Nguyễn Thông từ chức Huấn đạo với quan hàm chánh Bát phẩm lên đến Bố chính với quan hàm chánh Tam phẩm, tăng 10 bậc.

Cùng xuất phát điểm như Nguyễn Thông, Trương Gia Hội (1822-1877) lại có con đường hoạn lộ thăng tiến hơn. Trương Gia Hội quê ở huyện Bình Dương, phủ Tân Bình (Gò Vấp, TP.HCM) cùng đỗ Cử nhân với Nguyễn Thông năm 1849 và được bổ làm Huấn đạo Long Thành. Từ vị trí giáo quan này, Trương Gia Hội được điều động sang làm Tri huyện Trà Vinh và sau đó là Tri phủ Hoằng Trị. Sự nghiệp của Trương Gia Hội lên đến đỉnh cao gắn liền với giai đoạn giải quyết các vấn đề quan hệ với Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Năm 1873, khi Pháp gây chiến ở Bắc kỳ, Trương Gia Hội được thăng chức làm Án sát Hà Nội (tòng Tam phẩm) cùng Trần Đình Túc thương thuyết với Pháp. Việc thương thuyết đang diễn ra thì quân của Lưu Vĩnh Phúc giết Garnier, Trương Gia Hội bị người Pháp bắt giam. Sau nhờ Nguyễn Văn Tường ra điều đình ký Hòa ước, Trương Gia Hội đã được trả tự do và được phái đi Ninh Bình tiếp quản tỉnh thành. Sau Hòa ước 1874, hai cộng đồng lương - giáo ở Hà Nội xảy ra xung đột, Trương Gia Hội được phái đi điều đình thành công. Năm 1875, nhờ những kinh nghiệm làm việc với Pháp này, Trương Gia Hội được triều đình cử làm Tuần phủ Thuận – Khánh, vùng đất tiếp giáp với Nam bộ lúc này đã thuộc Pháp. Do vị trí tiếp giáp giữa hai vùng thuộc địa và bảo hộ, văn thân ở Nam bộ thường liên lạc với quan lại ở Bình Thuận khiến cho người Pháp thường phàn nàn. Triều đình tin cậy Trương Gia Hội có thể khéo léo giải quyết việc này nên bổ làm Tuần phủ Thuận – Khánh (chánh Nhị phẩm) giải quyết công việc với người Pháp:

“Bình Thuận là nơi địa đầu, Trương Gia Hội đương khi có việc, nguyên làm Tri phủ, xử trí thích hợp, nghe nói họ cũng tin phục, nay làm việc ở đấy giao thiệp với họ, sự thể có quan yếu, nên xét cẩn thận làm cho khéo chớ để lo ngại về sau. Còn như người trong Nam, trẫm cũng để ý bồi dưỡng, ngươi đối xử cũng nên ổn thỏa cả, chớ để hình tích gì là được.” [ 14 , tr.142]

Trương Gia Hội giữ chức này cho đến khi qua đời. Đại Nam liệt truyện nhận xét Trương Gia Hội là “người trầm tĩnh có trí thức, làm việc lanh lợi giỏi giang, thường lấy điều thanh đạm tự xử, chẳng những bạn đồng liêu tôn phục mà quan Pháp phần nhiều cũng tôn” [ 12 , tr.605]. Như vậy, sau hơn 26 năm gia nhập quan trường (1849-1875), Trương Gia Hội đã tăng quan hàm 12 bậc, từ chánh Bát phẩm lên đến chánh Nhị phẩm, một hành trạng mà không ít Nho sĩ tham gia quan trường mong muốn.

Qua đó, có thể thấy, dù kết quả qua các kỳ khảo hạch khoa cử có khác nhau nhưng con đường thăng tiến giữa các Nho sĩ chỉ qua kỳ thi Hương và những người đỗ kỳ thi Hội không mấy khác biệt. Vấn đề mang tính quyết định hơn nằm ở chỗ “vận hội” và thực lực của họ. Nhờ đó, giới Nho sĩ đã đạt học vị Cử nhân, Tú tài ở Nam bộ có một cơ hội tiến thân khá thuận lợi trên chốn quan trường dù xuất phát điểm về khoa cử của họ có thể kém hơn giới Nho sĩ ở miền Bắc và miền Trung.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, chính sách bổ dụng Cử nhân làm giáo quan của triều Nguyễn không chỉ dành cho người Nam bộ mà áp dụng chung cho cả nước. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của Nho sĩ Nam bộ, do số lượng đổ Tiến sĩ/Phó bảng rất ít nên việc tiến thân qua con đường này có ý nghĩa quan trọng hơn với họ. Từ khảo sát hành trạng của họ, mà tiêu biểu là thế hệ Cử nhân khoa thi Hương 1849-1850, chúng ta có thể thấy các Cử nhân Nam bộ không qua kỳ thi Hội có thể đạt được những vị trí cao trong quan trường như những người đã đỗ đạt ở kỳ thi Hội. Qua đó, có thể thấy cơ chế tuyển dụng giáo quan của triều Nguyễn một mặt để khuyến khích việc học tập của sĩ tử nhưng mặt khác đã tạo một con đường cho những người có thực lực nhưng chưa gặp thuận lợi trong khoa cử có thể đóng góp cho đất nước. Thực tiễn của chế độ giáo quan đã phản ánh tính năng động và thực tế của nền chính trị triều Nguyễn đã không cứng nhắc, câu nệ vào vấn đề học vị mà dựa vào thực lực. Nhờ đó, những Nho sĩ ở Nam bộ đã có điều kiện tiến thân, phát triển trên chốn quan trường triều Nguyễn dù xuất phát điểm trong khoa cử của họ không cao và có nhiều đóng góp quan trọng như Nguyễn Thông, Trương Gia Hội, Nguyễn Hữu Huân, Âu Dương Xuân, Lê Hưng Liêm,…

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2022-16.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

â.l: Âm lịch

SL: Số lượng

TL: Tỷ lệ

TG: Tác giả

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài báo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả đã sưu tầm, xử lý các tài liệu về chế độ giáo quan thời Nguyễn và dữ liệu về các Cử nhân Nam bộ triều Nguyễn. Từ đó, tác giả đã có những nghiên cứu về con đường tham gia quan trường của các cử nhân Nam bộ thông qua chế độ giáo quan.

References

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 1. Thừa Thiên Huế: Nxb. Thuận Hóa. . 2002;:. Google Scholar
  2. Nội các triều Nguyễn. Đại Nam hội điển sự lệ, tập IVb. Thừa Thiên Huế: Nxb. Thuận Hóa. . 2005;:. Google Scholar
  3. Nội các triều Nguyễn. Đại Nam hội điển sự lệ, tập II. Thừa Thiên Huế: Nxb. Thuận Hóa. . 2005;:. Google Scholar
  4. Nội các triều Nguyễn. Đại Nam hội điển sự lệ, tập IVa. Thừa Thiên Huế: Nxb. Thuận Hóa. . 2005;:. Google Scholar
  5. Choi Byung Wook. Southern Vietnam under the reign of Minh Mang (1820-1840): central policies and local response. USA: Cornell. . 2004;:. Google Scholar
  6. Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Hà Nội: Nxb. Lao động. . 2011;:. Google Scholar
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 4. Hà Nội: Nxb. Giáo dục. . 2007;:. Google Scholar
  8. Phạm Đức Thành Dũng - Vĩnh Cao. Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn. Thừa Thiên Huế: Nxb. Thuận Hóa. . 2000;:. Google Scholar
  9. Võ Phúc Toàn - Trần Thị Bích Trâm. Phan Văn Trị trong dòng chảy yêu nước qua khảo sát hành trạng các cử nhân kỳ thi hương 1849-1850. Danh nhân Phan Văn Trị một thế kỷ nhìn lại. TP.HCM: Nxb. ĐHQG TP.HCM. . 2020;:. Google Scholar
  10. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 7. Hà Nội: Nxb. Giáo dục. . 2007;:. Google Scholar
  11. Viện Khoa học xã hội Nam bộ. Báo cáo khoa học về Nguyễn Thông. . 1984;:. Google Scholar
  12. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện, tập 3+4. Thừa Thiên Huế: Nxb.Thuận Hóa. . 2014;:. Google Scholar
  13. Nguyễn Thông. Việt sử thông giám cương mục khảo lược. Hà Nội: Nxb. Văn hóa - Thông tin. . 2009;:. Google Scholar
  14. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 8. Hà Nội: Nxb. Giáo dục. . 2007;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 1684-1691
Published: Sep 30, 2022
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i3.747

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Vo, T. (2022). Education administrators – The advancement path of Southern Vietnamese Confucian scholars during the Nguyen Dynasty. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(3), 1684-1691. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i3.747

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 250 times
PDF   = 105 times
XML   = 0 times
Total   = 105 times