VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

1051

Total

372

Share

The Role of Religion in Connecting the Khmer Community in An Binh Commune, Phu Giao District, Binh Duong Province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Unlike the Khmer in the southwestern provinces in the South, the Khmer community in An Binh commune, Phu Giao district, Binh Duong province did not have access to the traditional religion as the Khmer Theravada Buddhism for a long time, which has created the cultural break in the community for many years. From 2019 onwards, the need to learn about the original cultural values of the local Khmer ethnic group has been encouraged and promoted, which has greatly contributed to the idea of building a Khmer Theravada Buddhist temple. In that circumstance, the government of Binh Duong province has created all favourable conditions for Khmer monks to come to this locality to get to know the situation of the Khmer people, build pagodas, and strengthen the Khmer community in order to recreate the ethnic cultural identity. The appearance of the Khmer Theravada Buddhism has profoundly changed the spiritual and cultural life of a group of the Khmer people here. That change is taking place in the direction of enriching the cultural identity of the ethnic community. This article aims to understand the role of religion in connecting the ethnic community and discuss the function of religion in the community life and the values of the communal culture in the spiritual life of Khmer people. In addition, the article also offers recommendations for preserving and promoting the Khmer culture in the current integration context.

DẪN NHẬP

Dân tộc Khmer là một trong 54 thành phần dân tộc của Việt Nam. Dân tộc Khmer ở Việt Nam có dân số hơn 1,3 triệu người, sống tập trung tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ, ngoài ra phân bố rải rác ở các tỉnh Đông Nam Bộ,… Các tác giả Trường Lưu (chủ biên) (1993), Đinh Văn Liêm (1988), Nguyễn Khắc Cảnh (1998), Trần Kim Dung (2000), Nguyễn Xuân Nghĩa (2003), Phan An (2009), Đinh Lê Thư (chủ biên) (2015) cho rằng cuộc sống của người Khmer gắn liền với nghề canh tác lúa nước, chăn nuôi và nhiều nghề thủ công. Đời sống tinh thần của người Khmer rất phong phú. Người Khmer hầu hết đều theo tín ngưỡng Phật giáo, hệ phái Nam tông. Trong đời sống của người Khmer tôn giáo đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, chi phối sâu sắc tới đời sống vật chất và tinh thần của họ 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 . Trải qua biến thiên của lịch sử, Phật giáo Nam tông đã trở thành đặc trưng văn hóa truyền thống với nền tảng giáo lý vững chắc, với những luân lý đạo đức Phật giáo luôn hướng con người đến những giá trị “chân - thiện - mỹ” cao cả. Trong văn hóa của người Khmer, ngôi chùa có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chi phối sâu sắc đời sống của họ. Đây cũng là nơi giáo dục và bảo lưu những nét văn hóa đặc thù của người Khmer. Đặc biệt, ngôi chùa Khmer còn được xem như ngôi từ đường chung của phum, sóc. Ngôi chùa Khmer không chỉ phục vụ các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo thuần túy và đời sống tu hành của sư sãi, mà chùa cũng chính là nơi thực hành các tín ngưỡng, tôn giáo và là nơi thực hiện các hoạt động văn hóa, giáo dục, đào tạo cho cộng đồng dân cư tại phum, sóc. Có thể nói ngôi Chùa Khmer là nơi bảo lưu và tiếp nối các giá trị văn hóa của người Khmer.

Trong quá trình phát triển, sự thích nghi và tiến hóa tộc người đã làm thay đổi những thành tố văn hóa của người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Trước khi tôn giáo xuất hiện, trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Khmer ở xã An Bình, các giá trị đạo đức của Phật giáo Khmer đã bị phai dần và lãng quên. Các sinh hoạt tôn giáo không được gìn giữ và phát huy qua các thế hệ do những tác động giao thoa văn hóa với các dân tộc khác trong quá trình chung sống và giao lưu tiếp xúc, cụ thể là giữa người Khmer và người Kinh. Trong quá trình đó, người Khmer ở xã An Bình trong một thời gian dài không có chùa để thực hành tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, điều này đã dẫn đến các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người bị mai một, đứt gãy theo thời gian. Chính vì vậy, khi tôn giáo hiện diện tại cộng đồng vào năm 2019, các hoạt động tôn giáo đã thâm nhập vào đời sống cư dân, làm cho bức tranh văn hóa tộc người Khmer tại xã An Bình ngày một đa dạng hơn, có ý nghĩa rất lớn trong quá trình cố kết cộng đồng.

Nghiên cứu này hướng đến việc tìm hiểu vai trò của tôn giáo trong việc cố kết cộng đồng tộc người Khmer tại xã An Bình. Những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra đó là (1) Nguyên nhân nào dẫn đến sự thành lập chùa Tông Kim Quang? (2) Phật giáo Nam Tông và chùa Tông Kim Quang thực hiện vai trò cố kết cộng đồng người Khmer tại xã An Bình như thế nào?

Tương ứng với hai câu hỏi nghiên cứu trên, chúng tôi đưa ra hai giả thuyết nghiên cứu: (1) Quá trình thành lập chùa Tông Kim Quang như là sản phẩm của nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng. (2) Phật giáo Nam Tông và chùa Tông Kim Quang thực hiện tốt vai trò cố kết cộng đồng tộc người Khmer tại xã An Bình.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết được nghiên cứu dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính. Để thu thập dữ liệu cho bài nghiên cứu này, bên cạnh các nguồn tài liệu thứ cấp, chúng tôi đã thực hiện các cuộc điền dã dân tộc học tại cộng đồng người Khmer ở xã An Bình và sử dụng hai công cụ chính là phỏng vấn sâu và quan sát tham dự để thu thập thông tin. Bài viết của chúng tôi là kết quả nghiên cứu, khảo sát tư liệu trong 3 đợt (đợt 1: 3/2020; đợt 2: 4/2021; đợt 3: 1/2022) dựa trên phương pháp thu thập dữ liệu định tính bằng các cuộc phỏng vấn sâu được tiến hành tại địa phương. Số lượng phỏng vấn bao gồm 30 hộ dân người Khmer tại hai ấp Nước Vàng và Tân Thịnh, xã An Bình. Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn những thanh niên Khmer trẻ tuổi trong xã để có cái nhìn khách quan hơn về nguyện vọng và thái độ của người trẻ khi đứng trước những động thái văn hóa của dân tộc mình.

Ngoài các câu hỏi phỏng vấn xoay quanh các khía cạnh văn hóa và sinh hoạt tôn giáo của người Khmer tại xã An Bình, chúng tôi còn áp dụng phương pháp quan sát tham dự thông qua các nghi lễ, lễ hội mà chùa Tông Kim Quang và người dân Khmer tại xã An Bình tổ chức vào dịp lễ Tết Chol Chnăm Thmây được diễn ra vào ngày 17-18/4/2021 (Dương lịch) để hiểu thêm về những đặc trưng văn hóa tại địa bàn nghiên cứu. Ngoài ra, chúng tôi còn quan sát các hoạt động sinh kế của cộng đồng Khmer tại xã An Bình, cách thức sinh hoạt và quá trình tương tác, cố kết trong cộng đồng tộc người với chính quyền địa phương trong cuộc sống cũng như trong quá trình hội nhập tương đối sâu rộng với cộng đồng người Kinh trên địa bàn về khía cạnh ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các tư liệu từ chính quyền địa phương, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Nam tông Khmer, từ các nhà nghiên cứu đi trước cũng đã đặt nền tảng giúp chúng tôi bước đầu tiếp cận các cơ sở dữ liệu quan trọng cho bài viết của mình. Thông qua các dữ liệu thứ cấp và sơ cấp thu thập được, tác giả tiến hành phân tích vai trò của tôn giáo trong việc cố kết cộng đồng tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Thuật ngữ và lý thuyết tiếp cận

Thuật ngữ Tôn giáo : Tôn giáo mô tả các niềm tin, giá trị và thực hành liên quan đến những điều thiêng liêng hoặc tâm linh. Nhà lý thuyết xã hội học Émile Durkheim đã định nghĩa tôn giáo là một “hệ thống thống nhất của các niềm tin và thực hành liên quan đến những điều thiêng liêng” 8 . Max Weber tin rằng tôn giáo có thể là động lực để thay đổi xã hội 9 hoặc tôn giáo mang tính hệ thống, và là biểu tượng của cộng đồng, thiết lập tâm trạng bền chặt của cộng đồng, tạo nên trật tự chung cho cộng đồng, và mang tính xã hội 10 , 11 . Nói tóm lại, tôn giáo là một thiết chế xã hội vì nó bao gồm các tín ngưỡng và thực hành phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Tôn giáo cũng là một ví dụ về tính phổ quát văn hóa vì nó được tìm thấy trong mọi xã hội dưới hình thức này hay hình thức khác.

Cách tiếp cận theo hướng chức năng xã hội cho rằng một tôn giáo truyền thống phải đóng vai trò củng cố các quy tắc, tiêu chuẩn của cộng đồng, phải đưa ra được những chuẩn mực luân lý đạo đức đối với cách cư xử của mỗi cá nhân, đồng thời cũng trang bị nền tảng về các giá trị và mục đích chung để cho cộng đồng xã hội được cân bằng và ổn định. Về chức năng xã hội của tôn giáo, Durkheim nhấn mạnh sự tương tác xã hội phải được hiểu một cách có hệ thống, không phải bằng những tập tục riêng lẻ tách ra khỏi bối cảnh chung 12 . Mối quan tâm của Durkheim về tôn giáo nằm ở chỗ nó là một trong những cơ quan chính của sự đoàn kết và đạo đức trong xã hội và do đó, nó là một phần của vấn đề trung tâm về sự đoàn kết xã hội mà ông muốn khám phá. Durkheim cho rằng tôn giáo đóng vai trò như một nguồn đoàn kết. Tôn giáo mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống. Durkheim coi tôn giáo như một phần quan trọng của hệ thống xã hội. Tôn giáo cung cấp sự kiểm soát xã hội, sự gắn kết và mục đích cho con người cũng như một phương tiện giao tiếp và tập hợp khác để các cá nhân tương tác và khẳng định lại các chuẩn mực xã hội.

Tiếp cận theo quan điểm chức năng tâm lý, Malinowski cho rằng tất cả các tôn giáo đều cố gắng làm thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu xã hội và nhu cầu tâm lý của tín đồ. Tôn giáo giúp ổn định tâm lý của con người. Thông qua giáo lý, nghi lễ của tôn giáo, tâm lý lo lắng, căng thẳng được giảm nhẹ. Luận điểm của Malinowski nhấn mạnh đến chức năng tâm lý của nghi lễ và những phong tục khác. Khi nghiên cứu về đời sống của người Trobriand trên một đảo ở Thái Bình Dương, Malinowski phân tích rằng khi họ đánh cá ở trong đầm không có gì nguy hiểm, họ không cần phải tiến hành lễ nghi phù phép. Khi ra biển đánh cá, phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức thì họ thường làm lễ và phù phép để trấn an chính mình. Dựa vào hiện tượng đó, Malinowski đã đưa ra một giả thuyết, môi trường càng bất trắc và kết quả càng bấp bênh thì con người lại càng cần đến lễ nghi phù phép 13 .

Trong bài viết này, chúng tôi vận dụng lý thuyết chức năng luận mà cụ thể là quan điểm chức năng xã hội của tôn giáo của Émile Durkheim và quan điểm chức năng tâm lý của Malinowski để lý giải cho vấn đề nghiên cứu của mình.

Tổng quan nghiên cứu và khái quát về cộng đồng khmer tại xã An Bình

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tộc người Khmer trên các khía cạnh kinh tế, văn hóa - xã hội và tôn giáo ở Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cho đến nay theo tìm hiểu của chúng tôi những công trình nghiên cứu về người Khmer ở tỉnh Bình Dương không nhiều, có thể kể đến những công trình cụ thể như sau: Tác giả Mạc Đường (1985) “Vấn đề dân tộc ở Sông Bé” đã khái quát những đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc thiểu số trong vùng này, trong đó có đề cập đến người Khmer 14 . Công trình nghiên cứu của tác giả Đỗ Thanh (2014) “Bước đầu tìm hiểu văn hóa người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo” 15 và 2017 với công trình “Góp phần tìm hiểu lịch sử cộng đồng người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương”. Những công trình này tập trung đi sâu vào quá trình di cư của người Khmer và sống tập trung thành từng ấp tại xã An Bình, so sánh những đặc điểm văn hóa, kinh tế của người Khmer hiện nay và trước đây, đưa ra những kết luận về sự biến đổi văn hóa tộc người do quá trình di cư và sinh sống ở môi trường mới làm đứt gãy văn hóa 16 . Đặc biệt gần đây có công trình nghiên cứu của tác giả Trần Hạnh Minh Phương (2019), “Người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương”. Đây là nghiên cứu mà tác giả đi sâu làm rõ về các yếu tố nguồn gốc di dân và phân bố dân cư, đời sống văn hóa, kinh tế xã hội của người Khmer, nhận diện và phân tích những yếu tố tích cực và tiêu cực của cộng đồng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương; đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm phát huy các mặt tích cực, khắc phục những hạn chế nơi cộng đồng đối với sự phát triển bền vững tỉnh Bình Dương giai đoạn đến năm 2030 17 . Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo trong việc cố kết cộng đồng người Khmer tại xã An Bình thông qua việc thực hành các nghi lễ tôn giáo và thực hành văn hóa tại đây. Từ khi ngôi Chùa Sirīsuvaṇṇava sā (tên Hán – Việt là Tông Kim Quang) xuất hiện, tại đây đã tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng giúp người Khmer tại xã An Bình sống gần gũi với nhau hơn, thắt chặt mối quan hệ “tình làng nghĩa xóm” và rộng hơn là trong mối qua hệ tộc người.

Đối với người Khmer tại xã An Bình, qua nghiên cứu tài liệu và kết quả khảo sát thì chúng tôi biết được xã An Bình được thành lập từ thời Pháp thuộc từ những năm 1959 - 1960. Lúc mới thành lập, số lượng dân cư sinh sống còn hạn chế, lúc bấy giờ chỉ có khoảng 30 hộ là người Khmer trong toàn xã. Đến sau giải phóng 1975 số hộ Khmer di cư đến và sinh sống đạt 50 hộ và đến thời điểm đầu năm 2022 thì số liệu thống kê trong xã người Khmer đã đạt 235 hộ và 938 nhân khẩu .

Về nguồn gốc di cư, người Khmer tại An Bình được xem là một bộ phận của người Khmer ở Đông Nam Bộ, có tài liệu cho rằng trước đây họ đã di chuyển từ Campuchia qua Nam Bộ, sau đó chuyển cư lên sinh sống tại Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng người Khmer tại Đông Nam Bộ ngày nay chính là người Khmer tại Campuchia di chuyển trực tiếp sang [ 17 , tr.43].

Trước khi di chuyển xuống Phú Giáo, người Khmer tại làng An Bình được biết đến với việc cư trú sâu trong các mảnh rừng, dọc theo các khe suối, bưng, ruộng. Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu người Khmer đã biết rằng môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của con người, do đó khi lựa chọn địa bàn cư trú, người Khmer Đông Nam Bộ thường sẽ tập trung tại những khu vực gần sông suối, dễ tìm kiếm lương thực và nguồn nước, tiện cho canh tác, trồng trọt. Tại mỗi khu vực khai hoang mới, người Khmer chỉ ở lại canh tác khoảng 10 năm sau đó di chuyển ngược lên sâu vào rừng thay vì di chuyển xuống đồng bằng như nhiều dân tộc khác [ 16 , tr.4]. Theo thời gian, ngoài nhóm người Khmer đầu tiên đến khai hoang và sinh sống tại xã An Bình thì quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã thu hút phần lớn người Khmer, người Kinh chủ yếu từ các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ di cư đến để làm việc rải rác tại các khu vực có nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương. Tuy số lượng này tương đối đông đảo nhưng họ không sống thành làng riêng biệt mà sống xen kẽ với người Kinh và nhiều tộc người khác. Riêng tại xã An Bình, do số lượng người Kinh sinh sống đông đảo trong cộng đồng cùng với những chính sách quản lý, thực hành kinh tế nên đa phần các hộ Khmer hiện nay đều có đời sống tương đối giống với người Kinh.

Người Khmer tại xã An Bình trong quá trình sinh sống cộng cư với người Kinh đã tiếp thu văn hóa của người Kinh và mất dần bản sắc văn hóa của họ. Quá trình hội nhập diễn ra mạnh mẽ khiến cho các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người bị phai nhạt và lãng quên. Có thể quan sát thấy rằng cùng với sự đan xen cộng cư với người Kinh, trong quá trình hội nhập và phát triển, sự thay đổi về những giá trị văn hóa truyền thống đã và đang diễn ra trong từng ngôi nhà, trong cộng đồng của người Khmer tại xã An Bình.

Với dân tộc Khmer, chùa được xem là nơi gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, Nguyễn Xuân Nghĩa (2003), Phan An (2009), Đinh Lê Thư (2015) 5 , 6 , 7 . Tuy nhiên, từ khi thành lập xã An Bình, khi người Khmer di chuyển đến đây sinh sống, nơi đây đã không có cơ sở thờ tự hoặc chùa dành cho người Khmer thực hành văn hóa tín ngưỡng của mình. Lâu dần, thói quen đi chùa hay thực hành nghi thức cúng bái theo Phật giáo Nam tông chính thống đã không còn trong tiềm thức của người Khmer nơi đây mà thay vào đó, có những gia đình hoặc vô tình đánh mất đi bản sắc ban đầu, hoặc chuyển sang các tín ngưỡng như người Kinh trong cộng đồng như đi chùa, nhà thờ. Điểm quan trọng dẫn đến việc người Khmer mất bản sắc văn hóa tộc người so với những người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là do ở những khu vực họ di cư đến để sinh sống không có chùa để họ duy trì và thực hành các nghi lễ tôn giáo, cũng như thực hành văn hóa. Những người Khmer ở đây cũng không biết chữ của dân tộc mình, con cái họ sinh ra cũng không được học ngôn ngữ dân tộc Khmer mà chỉ được học tiếng Việt tại trường. Khi nhắc đến sinh hoạt văn hóa truyền thống, lễ tết, lễ hội của người Khmer, họ cảm thấy rất mơ mồ, có chăng chỉ tồn tại trong tiềm thức của một số người lớn tuổi trước đây được ông bà, cha mẹ họ kể lại. Những thế hệ người Khmer sinh ra và lớn lên sau những năm 1970 hầu như chưa được đến Chùa hay tham dự các lễ hội, cách thực hành văn hóa của dân tộc Khmer. Thực trạng này tuy chỉ diễn ra đối với người người Khmer tại xã An Bình nhưng lại có tác động rất lớn tới các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer, làm mất đi tính sáng tạo văn hóa, đặc trưng văn hóa, một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Một số người lớn tuổi tại xã An Bình cho biết, lần đầu tiên họ đến chùa để tham dự một lễ hội của người Khmer là vào năm 2012 khi ngôi Chùa Seri Vongsa được xây dựng tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Từ đó đến thời điểm trước khi chùa ở đây được xây dựng, hàng năm có khoảng hơn chục hộ gia đình người Khmer ở An Bình vẫn duy trì tham dự các lễ hội lớn tại đây, đặc biệt là lễ tết của dân tộc họ. Cũng từ đó, những hộ gia đình người Khmer có đời sống kinh tế khá giả hơn họ bắt đầu tìm tòi, ý thức về nguồn gốc văn hóa của tộc người mình. Nhiều người Khmer trong cộng đồng có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo nhưng ở địa phương không có chùa, họ phải di chuyển đến những địa phương, tỉnh thành khác để tham dự các lễ hội của tộc người mình. Ngoài việc đến chùa ở tỉnh Bình Phước, vào các dịp lễ lớn hàng năm, họ cùng nhau thuê chung một chiếc xe đến Sóc Trăng, Trà Vinh … để tham dự lễ, tìm về cội nguồn nơi có những giá trị văn hóa tộc người rất phong phú. Từ đó, họ mong muốn có một ngôi chùa trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống. Qua khảo sát chúng tôi biết được ông Ng B là một người Khmer tại xã An Bình, cũng là người có uy tín trong cộng đồng. Ông được xem là người đại diện cho cộng đồng tại đây mỗi khi cộng đồng có sự việc cần giải quyết. Trong một lần đi chùa tại tỉnh Bình Phước, ông Ng B đã gặp một mạnh thường quân người Khmer sống ở tỉnh Bình Phước, sau khi tiếp xúc trao đổi thì mạnh thường quân này biết được ông Ng B là người Khmer sống tại An Bình, nhưng vì địa phương này không có chùa nên mỗi lần tham dự các lễ hội của dân tộc đều phải đi các nơi khác. Trong một dịp sau đó, mạnh thường quân này có dịp ghé đến xã An Bình, cùng lúc đó biết được thông tin có người đang rao bán mảnh đất với giá 600 triệu đồng nên ông này mua và hiến tặng lại cho cộng đồng người Khmer tại xã An Bình với ý định quyên góp để xây chùa. Nhận thấy nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và văn hóa của người Khmer ngày càng cao, các sư ở chùa Chantarangsay mà đứng đầu là Hoà thượng Danh Lung đã đệ đơn lên chính quyền địa phương để xin được xây dựng một ngôi chùa tại cộng đồng Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của người dân tại đây. Vì lý do đó, Chùa Tông Kim Quang được thành lập theo Quyết định số 6103/UBND-VX ngày 17 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và Quyết định số 027/ QĐ-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG VIỆC CỐ KẾT CỘNG ĐỒNG

Cộng đồng người Khmer tại xã An Bình trải qua một thời gian dài không được tiếp cận với chùa chiền, lễ hội, phong tục truyền thống của tộc người Khmer nên họ chịu ảnh hưởng đậm nét của người Kinh ở khu vực cộng cư sinh sống như ăn tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, làm đám giỗ theo ngày của người mất, các lễ nghi cưới hỏi,... Trước tình hình đó, việc khôi phục lại bản sắc văn hóa tộc người tại một cộng đồng gần như mất đi hoàn toàn yếu tố văn hóa đặc trưng của tộc người là một nhiệm vụ khó khăn. Việc xây dựng một ngôi chùa tại cộng đồng Khmer ở An Bình, huyện Phú Giáo với mục đích tái tạo lại bản sắc văn hóa tộc người đã bị lãng quên suốt mấy mươi năm qua nhằm đáp ứng nhu cầu tìm về nguồn cội của một bộ phận cư dân Khmer tại xã An Bình. Đó là mong muốn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương nói chung và cộng đồng Khmer tại xã An Bình nói riêng nhằm xây dựng một cộng đồng người Khmer mang dấu ấn riêng.

Figure 1 . Người Khmer tham dự Tết năm mới Chol Chnăm Thmây được tổ chức vào tháng 4 năm 2021 tại chùa Tông Kim Quang

Gắn liền với Phật giáo, ngôi chùa với tư cách là giá trị vật chất của Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người Khmer. Ngôi chùa không chỉ là không gian tâm linh, nơi tu học của Sư sãi và Phật tử mà còn là trung tâm giáo dục, văn hóa đạo đức cho cộng đồng. Chùa cũng là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Sau khi thành lập và đang trong quá trình xây dựng, Chùa Tông Kim Quang đã tổ chức các hoạt động thực hành tôn giáo cho cộng đồng người Khmer cư trú tại xã An Bình và những người Khmer đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương tham gia sinh hoạt tôn giáo. Nhiều hoạt động tôn giáo diễn ra như các lễ hội tôn giáo, giao lưu văn hóa tộc người, các chương trình từ thiện xã hội, góp phần vào việc củng cố và giữ gìn bản sắc văn hoá của người Khmer. Dựa trên tư liệu được chúng tôi phỏng vấn, trong số các hoạt động lễ hội diễn ra trong thời gian qua, có Lễ hội An cư kiết hạ được tổ chức vào tháng 7 năm 2020. Số lượng tham dự khoảng 150 người Khmer và 50 người Kinh. Lễ Dâng Y được tổ chức vào ngày 26 tháng 10 năm 2020. Số lượng tín đồ và khách tham dự hơn 2000 người. Đặc biệt, dịp Tết năm mới Chol Chnăm Thmây của người Khmer được tổ chức vào tháng 4 năm 2021 đã thu hút gần 3.000 tín đồ tham dự. Phần đông là công nhân người Khmer đang sinh sống và làm việc ở các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, chùa còn tổ chức Lễ Sen Dolta (Lễ báo hiếu ông bà) tại chùa để người dân Khmer từng bước thích nghi với các lễ hội truyền thống của dân tộc mình đã bị quên lãng. Các lễ hội diễn ra với sự tham gia của phần đông số lượng tín đồ đến từ các nơi khác, đặc biệt là công nhân Khmer làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tạo ra một sự lan tỏa đến người dân địa phương, đặc biệt là cộng đồng Khmer tại xã An Bình.

Tín đồ người Khmer ở xã An Bình cho biết, nếu như trước đây họ không được tiếp xúc với các lễ hội, văn hóa truyền thống của dân tộc thì hiện tại, nhờ có chùa mà các lễ hội truyền thống diễn ra hầu như gần giống với người Khmer tại các tỉnh Tây Nam bộ. Ngoài ra, vào mỗi buổi chiều tối trong ngày, các phật tử đến chùa để tụng kinh bái tam bảo, nghe các sư thuyết giảng về giáo lý của đạo Phật. Số lượng phật tử tham gia vào các buổi chiều khoảng 20 - 30 người. Thành phần phật tử rất đa dạng, từ những người lớn tuổi, trung niên, cho đến thiếu nhi. Họ đều một lòng hướng về phật pháp, hướng về một cuộc sống an yên. Mỗi ngày, Nhà chùa cũng có các phật tử trong địa phương đến cúng dường, thỉnh chư tăng cầu an (cầu bình an), cầu siêu (cầu cho những người đã mất). Nếu như trước đây người Khmer tổ chức các nghi lễ như đám tang, đám cưới, mừng nhà mới mà không có sự hiện diện của tôn giáo thì hiện nay, khi người Khmer tổ chức các nghi lễ hoặc tiệc mừng, đều có sự hiện diện của các chư tăng. Khi trong cộng đồng có người mất, các sư trong chùa đến để tụng kinh cầu an. Trong buổi đọc kinh đó luôn có sự hiện diện của gia đình, người thân và hàng xóm xung quanh cùng tham dự đọc kinh chung. Có thể thấy, việc tôn giáo xuất hiện tại cộng đồng người Khmer ở xã An Bình đã dẫn đến việc người Khmer chuyển đổi niềm tin, các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo được đề cao trong cộng đồng.

Nhiều hoạt động từ thiện đã diễn ra kể từ khi thành lập chùa như tổ chức các đợt phát quà cho các hộ dân trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn, với mỗi đợt là 200 suất quà, mỗi suất trị giá 300 ngàn đồng. Đợt phát quà lần đầu diễn ra vào lễ An cư kiết hạ, đợt thứ 2 vào Lễ Sen Dolta. Trong đó, ở đợt 2, Nhà chùa liên hệ với Ủy ban xã và phân theo tiêu chí xã đưa ra, không phân biệt thành phần dân tộc. Bên cạnh đó, chùa cũng tổ chức trao học bổng cho các em học sinh với 22 phần học bổng vào dịp lễ cúng trăng (Ok Om Bok rằm tháng 10), mỗi suất học bổng trị giá 500 ngàn đồng, không phân biệt cấp học. Người Khmer tại xã An Bình cũng bắt đầu hình thành nếp sống yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần. Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa đối với cộng đồng người Khmer tại xã An Bình.

Nếu như trước đây, các giá trị văn hóa tộc người với những quy ước chung của gia đình, dòng họ là yếu tố cơ bản gắn kết người Khmer tại xã An Bình thì từ khi tôn giáo xuất hiện, niềm tin tôn giáo trở thành yếu tố gắn kết mọi người trong cộng đồng. Trước đây, cộng đồng Khmer mặc dù sống tập trung theo từng khu vực trên địa bàn xã nhưng rất ít có dịp để tập trung đông đủ lại với nhau, chỉ sinh hoạt đơn giản trong phạm vi gia đình, dòng họ, hầu như rất ít các hoạt động kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, khi tôn giáo hiện diện tại cộng đồng, sự cố kết trong cộng đồng người Khmer được diễn ra mạnh mẽ hơn, không chỉ giữa những người địa phương với nhau mà còn với những người Khmer đến từ nhiều vùng khác. Với những người Khmer tại xã An Bình, sợi dây liên kết giữa những người trong địa phương với nhau và giữa những người cùng dân tộc chính là tôn giáo mà cụ thể là vai trò của các sư sãi trong chùa.

Mỗi dịp đến chùa, người Khmer được nghe các sư giảng giáo lý Phật giáo, họ biết phân biệt thế nào là thiện ác, thế nào là tốt xấu theo giáo lý Phật giáo, nên nhiều người mong muốn được thường xuyên đến chùa. Theo họ, việc đến chùa thường xuyên để đọc kinh, để gặp gỡ các sư sẽ giúp họ có một cuộc sống an yên. Một số tín đồ cho biết, trước khi làm một việc gì, họ đều thắp hương và cầu xin đức Phật cho công việc được thuận lợi, suôn sẻ. Khi gia đình có người bị bệnh phải nhập viện, các thành viên trong gia đình cũng đến chùa để thắp hương, cầu bình an cho người bệnh sớm khỏe lại.

Qua tìm hiểu cộng đồng, chúng tôi thấy rằng do quá trình cộng cư chung sống với người Kinh, cùng với sự tiếp biến văn hóa nên những giá trị truyền thống của người Khmer nơi đây hiện nay đã biến mất. Một nữ thông tín viên, sinh năm 1994, người Khmer tại xã An Bình cho biết: Thiệt thòi lớn nhất của người Khmer tại xã An Bình là trước đây họ không có một ngôi chùa để sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt văn hóa và học ngôn ngữ của dân tộc mình. Người Khmer ở đây không được tiếp cận với những giá trị văn hóa vốn có của tộc người mình. Nên khi biết tin xây dựng chùa tại đây chị rất hạnh phúc và không kìm nén được cảm xúc. Theo chị có ngôi chùa xây dựng trên chính mảnh đất này cũng đồng nghĩa với việc người Khmer ở đây sẽ trở về với chính cội nguồn của mình. Chị mong muốn mọi người trong cộng đồng, đặc biệt là những thế hệ trẻ như chị sẽ được học chữ viết của dân tộc mình để có thể giữ gìn truyền thống văn hóa, để không phải dựa theo người Kinh như trước giờ mọi người trong cộng đồng vẫn từng làm. Chị cho biết, lần đầu tiên tham dự lễ hội của người Khmer tại Trà Vinh, được tiếp xúc với bản sắc văn hóa của tộc người lúc đó chị cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động vì biết được dòng máu của người Khmer nó chảy trong con người của chị. Chị mong muốn mọi người dân Khmer ở xã An Bình đều vô chùa sinh hoạt như cách mà người Khmer ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đang làm . Có thể thấy, đây không chỉ là mong muốn riêng của một cá nhân người Khmer mà là sự mong đợi của nhiều phật tử Khmer tại xã An Bình nói chung. Bởi họ muốn tìm về cội nguồn của mình để khẳng định được sức mạnh đoàn kết trong dân tộc cũng như giữ gìn những giá trị văn hóa cao đẹp.

THẢO LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Văn hóa là một sản phẩm của xã hội loài người do con người tạo ra và cùng chia sẻ với nhau nhằm phục vụ cuộc sống. Trong quá trình phát triển, do bị chi phối bởi yếu tố môi trường tự nhiên, bối cảnh xã hội và lịch sử cho nên văn hóa của người Khmer tại xã An Bình có sự biển đổi để thích nghi. Trong quá trình vận động đó, có một số yếu tố văn hóa cũ không còn thích hợp thì tự biến mất và văn hóa mới xuất hiện để đáp ứng nhu cầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, đối với trường hợp người Khmer ở xã An Bình, qua quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa truyền thống của người Khmer ngày càng phai nhạt và dần dần biến mất theo thời gian. Theo kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng cộng đồng Khmer tại xã An Bình ít ai còn nhớ được lịch sử, cội nguồn, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc họ. Thực trạng này diễn ra cho đến nay có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan nguyên nhân dẫn đến biến đổi văn hóa có sự tác động của các yếu tố bên ngoài như chính sách phát triển của nhà nước, sự thay đổi về môi trường sinh thái, quá trình giao lưu văn hóa và sự tác động của nền kinh tế thị trường đã góp phần quan trọng làm cho văn hóa các tộc người thay đổi theo, trong đó có văn hóa của người Khmer ở xã An Bình. Về mặt chủ quan, đối với người Khmer ngôi chùa vốn được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh, nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại và cũng là nơi lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống đến với thể hệ trẻ của người Khmer. Tuy nhiên trong thời gian dài, nơi đây không có chùa để người Khmer sinh hoạt. Mãi đến năm 2019, chùa Tông Kim Quang ở xã An Bình mới được xây dựng. Vì vậy, sự kiện chùa Tông Kim Quang được xây dựng tại xã An Bình và người Khmer tại đây tham gia sinh hoạt tôn giáo đã cho thấy những nét văn hóa truyền thống của tộc người Khmer được thực hành tại cộng đồng này. Bằng chứng là chùa đã tổ chức nhiều lễ hội cộng đồng cho người Khmer, đã thu hút lượng lớn người dân Khmer tại địa phương tham gia. Việc thường xuyên đến chùa sinh hoạt, tham gia các nghi thức tôn giáo đời thường cho thấy người Khmer tại xã An Bình đang thực hành sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để mọi người qui tụ, gặp gỡ nhau thường xuyên tạo thành một cộng đồng gắn kết bền chặt hơn.

Từ quan điểm chức năng xã hội của Durkheim, chúng tôi nhận thấy rằng Phật giáo Nam tông (cụ thể là chùa Tông Kim Quang) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự đoàn kết các thành viên trong cộng đồng thông qua việc thực hành những nghi lễ và sinh hoạt văn hóa, điều này được thể hiện trong cộng đồng người Khmer tại xã An Bình. Kể từ khi chùa được xây dựng và đi vào hoạt động, các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer được thực hành thông qua các sinh hoạt tôn giáo với mục đích quy tụ và gắn kết cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn. Tôn giáo đã tạo ra các quy tắc, định hướng các chuẩn mực, đạo đức, tạo nên lối sống cho những tín đồ người Khmer tại xã An Bình. Các hoạt động tôn giáo diễn ra nơi đây luôn gắn kết với cộng đồng từ việc tổ chức các ngày lễ lớn của tộc người, đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như niệm phật, tụng kinh, làm việc thiện của các tín đồ. Có thể nhận thấy rằng, kể từ khi người dân tham gia vào các thực hành tôn giáo tại xã An Bình, cộng đồng nơi đây sống gần gũi và gắn bó hơn, điều này đã góp phần vào việc ổn định và phát triển xã hội, tái tạo và lưu giữ các giá trị văn hóa của tộc người.

Lý thuyết chức năng tâm lý của Malinowski được xem như một công cụ để khám phá và giải thích các hiện tượng văn hóa cụ thể. Văn hóa là tổng thể những đáp ứng, thỏa mãn đối với nhu cầu của con người, trong đó, mỗi yếu tố có chức năng riêng mà nó cần thực hiện. Trong chỉnh thể đó, nếu triệt tiêu đi bất kỳ yếu tố nào thì nền văn hóa đó cũng sẽ bị thay đổi. Khi đề cập đến chức năng của tôn giáo, ông cho rằng tôn giáo làm thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu xã hội và nhu cầu tâm lý của tín đồ. Thông qua giáo lý, nghi lễ của tôn giáo, những lo lắng, căng thẳng về tâm lý được giảm nhẹ 13 . Áp dụng lý thuyết này để lý giải trường hợp người Khmer tại An Bình, ta có thể thấy, trong đời sống của người Khmer, chùa chiền đối với họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tất cả sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tôn giáo đều được thực hiện và tôn vinh ở chùa. Việc tại An Bình bao lâu nay không có sự xuất hiện của ngôi chùa để người Khmer nơi đây có thể gửi gắm văn hóa dân tộc, định hướng mọi mặt các hoạt động trong cuộc sống đã khiến họ cảm thấy bất an và mất phương hướng. Việc một yếu tố trong toàn bộ hệ thống văn hóa bị mất đi, không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của con người sẽ làm suy giảm chức năng của nền văn hóa ấy. Mặt khác, đứng trước sự sợ hãi và mơ hồ với những điều diễn ra xung quanh cuộc sống, họ cảm thấy bất an về mặt tâm lý. Nhu cầu cuộc sống đòi hỏi phải có một yếu tố văn hóa khác lấp đầy khoảng trống ấy, xoa dịu sự sợ hãi trong tâm thức của con người. Thế nên, khi ngôi chùa xuất hiện tại xã An Bình, nó đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ cộng đồng người Khmer nơi đây. Từ đây, người Khmer đã tham gia vào các nghi thức tôn giáo mỗi khi họ cảm thấy bất an hay gia đình họ có việc quan trọng phải làm. Chẳng hạn, trong cuộc sống, khi gặp những lúc khó khăn, bế tắc, bệnh tật, họ đến chùa để cầu Đức Phật phù hộ cho gia đình được mạnh khỏe, vượt qua khó khăn thử thách đang gặp phải. Hoặc khi trong gia đình có người chết thì có các chức sắc tôn giáo đến để cầu siêu cho linh hồn được về với Đức Phật. Những điều đó đã làm cho nét văn hóa truyền thống của tộc người Khmer được tái tạo trở lại trong cộng đồng người Khmer tại xã An Bình trong bối cảnh hiện nay.

Văn hóa, ngôn ngữ và ý thức tự giác tộc người được xem là yếu tố then chốt để phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Trong quá trình thu thập dữ liệu, chúng tôi nhận thấy rằng cộng đồng Khmer tại xã An Bình hầu như không còn nhớ được lịch sử di dân và cội nguồn dân tộc, song song đó, chữ viết không được trao truyền cho những thế hệ con cháu hiện tại. Duy chỉ có tiếng nói và ý thức tự giác tộc người là còn được lưu giữ. Do mất đi những người lớn tuổi có hiểu biết về văn hóa dân tộc nên cộng đồng người Khmer tại An Bình ít có cơ hội được thực hành các văn hóa truyền thống, bên cạnh đó, vì điều kiện kinh tế nên họ hầu như không có quỹ thời gian để tập trung vào các hoạt động văn hóa và tiếp thu các kiến thức văn hóa tộc người. Trước những khó khăn đó, ngôi chùa Tông Kim Quang được thành lập bước đầu đã đánh động và lan tỏa văn hóa của người Khmer đến một bộ phận người dân Khmer tại xã An Bình. Người Khmer đang từng bước tiếp cận và thích nghi với bản sắc văn hóa tộc người, thứ mà trước đây ông bà họ đã được thực hành trong đời sống hằng ngày. Phải nói rằng, việc nhà nước cho phép xây dựng ngôi chùa Khmer ở xã An Bình là chính sách đúng đắn. Vì chùa không chỉ là nơi thực hành các tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục, đào tạo cho cộng đồng cũng như là nơi xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống cho người Khmer, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Giải pháp tốt nhất ở đây phải phát huy hết vai trò và chức năng của chùa Khmer nơi đây như là để quy tụ, cố kết cộng đồng để khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng người Khmer tại xã An Bình trong bối cảnh xã hội mới đồng thời cũng cần tiếp thu văn hóa bên ngoài để bổ sung làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của tộc người mình trong quá trình hội nhập hiện nay.

KẾT LUẬN

Thông qua các hoạt động thực hành tôn giáo ở xã An Bình, chúng ta thấy rằng ngôi chùa là nơi gửi gắm niềm tin cho những người Khmer tại đây muốn tìm về bản sắc văn hóa của tộc người. Có thể thấy, Phật giáo Nam tông đã tạo ra sức lan tỏa và gắn kết mạnh mẽ trong cộng đồng để phát huy giá trị tinh thần của người Khmer tại đây. Trong một thời gian dài, người Khmer ở xã An Bình không được trải nghiệm các hoạt động văn hóa của chính tộc người họ, nên khi các giá trị đạo đức của Phật giáo Nam tông từng bước thâm nhập và thấm sâu vào tiềm thức của mỗi người Khmer tại xã An Bình, cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ trở thành tiềm thức và triết lý sống của họ. Qua những dữ liệu thu thập được, chúng tôi thấy rằng dù cuộc sống của nhiều người Khmer tại xã An Bình vẫn còn khó khăn nhưng họ vẫn một lòng hướng Phật để mong có cuộc sống tốt đẹp hơn ở kiếp sau. Tôn giáo của người Khmer đã mang lại những giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần của họ, nó sẽ được duy trì, tiếp nối và phát huy qua các thế hệ của người Khmer tại đây.

Để duy trì, kiến tạo và phát huy những yếu tố tích cực trong đời sống văn hóa của người Khmer tại xã An Bình, cần có sự chung tay từ nhiều phía. Trước hết, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; gắn kết và xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với khôi phục các lễ hội truyền thống tại cộng đồng. Nhà chùa là nơi tổ chức và thực hành, tái thiết lại văn hóa cổ truyền, còn chính quyền địa phương chính là đại diện cho tiếng nói, tiếng lòng của cộng đồng Khmer tại An Bình, là yếu tố hỗ trợ vận động, tuyên truyền và thúc đẩy tinh thần dân tộc, tìm về với cội nguồn của cộng đồng Khmer. Ngoài ra, phải đề cao việc giữ gìn những phong tục tập quán, nét chữ, trang phục dân tộc đặc sắc, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, sức mạnh nội lực khắc sâu trong tâm trí mỗi người Khmer.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2022-05.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

Bài viết không có từ viết tắt

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết không có xung đột lợi ích

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

- Tác giả đã tiến hành điền dã, khảo sát, phỏng vấn sâu cộng đồng người Khmer tại Xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để hình thành nên bài viết này.

- Đóng góp về mặt khoa học: làm minh họa cho những vấn đề liên quan đến lý thuyết nhân học.

- Đóng góp về mặt thực tiễn: làm cơ sở tham khảo cho cộng đồng người Khmer trong việc xây dựng và bảo tồn văn hóa của dân tộc.

References

  1. Trường Lưu (chủ biên). Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc; 1993. . ;:. Google Scholar
  2. Thư ĐL (Chủ biên). Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer đồng bằng sông Cứu Long. TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 2005. . ;:. Google Scholar
  3. Cảnh Nguyễn Khắc. Phum sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: NXB Giáo dục; 1998. . ;:. Google Scholar
  4. Dung Trần Kim. "Văn hóa truyền thống của người Khmer ĐBSCL trong cuộc sống hiện nay" trong Văn hóa Nam bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á. TP.Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP. HCM; 2000. . ;:. Google Scholar
  5. Nghĩa Nguyễn Xuân. Đạo Phật tiểu thừa Khmer ở vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long: Chức năng xã hội truyền thống và động thái xã hội. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5 - 2003, tr 25-37. . ;:. Google Scholar
  6. An Phan. Dân tộc Khmer Nam bộ. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia; 2009. . ;:. Google Scholar
  7. Thư ĐL (Chủ biên). Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer đồng bằng sông Cứu Long. TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 2005. . ;:. Google Scholar
  8. Durkheim E. "Các hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo". Một vài vấn đề xã hội học và nhân loại học. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội; 1996. . ;:. Google Scholar
  9. Weber M. Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch. Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Tri thức; 2016. . ;:. Google Scholar
  10. Durkheim E. The Elementary Forms of the Religious Life, a study in religious sociology. New York, Macmillan: Publisher London, G. Allen & Unwin; 1915. . ;:. Google Scholar
  11. Clifford G. The Interpretation Of Cultures. New York: Basic Books, Inc., Publisbers New York; 1973. . ;:. Google Scholar
  12. Layton Robert, Chiến Phan Ngọc. Nhập Môn Lý Thuyết Nhân Học. Bộ môn Nhân học, Trường Đại học KHXH& NV TP. HCM. TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 35- 37; 2007. . ;:. Google Scholar
  13. Malinowski B. "Magic Science and Religion" trong Magic, Science and Religion and other Essays. Garden City, N. Y: Doubleday Anchor. Trang 17-92; 1954 [1925]. . ;:. Google Scholar
  14. Mạc Đ (chủ biên). Vấn đề dân tộc ở Sông Bé. TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp Sông Bé; 1985. . ;:. Google Scholar
  15. Thanh Đ. Bước đầu tìm hiểu văn hóa người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo. [Online]. 2014. . ;:. Google Scholar
  16. Thanh Đ. Góp phần tìm hiểu lịch sử cộng đồng người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. . ;:. Google Scholar
  17. Phương Trần Hạnh Minh. Người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở Trường Đại học Thủ Dầu Một; 2019. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 1613-1622
Published: Jun 30, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.741

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Long, T. (2022). The Role of Religion in Connecting the Khmer Community in An Binh Commune, Phu Giao District, Binh Duong Province. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(2), 1613-1622. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.741

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1051 times
PDF   = 372 times
XML   = 0 times
Total   = 372 times