VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

567

Total

258

Share

The online testing and evaluation in the higher education






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The aim of this secondary research paper is to evaluate, analyze, and synthesize the research results of the articles on the online assessment in higher education from the perspective of standards-based administration. As a literature review article, the research method is to search, select, and write a systematic narrative review of the literature from the main research topics and results of the collected articles. The selection of different topics from the existing online evaluation studies is based on the qualitative criteria. The main focus of the study is the topics on stakeholder's perceptions of the online testing and assessment, the validity and reliability of online exams, as well as the forms and methods of the online testing and assessment commonly applied in universities. The findings of the study help educational administrators and lecturers refer to the effective and appropriate online assessment forms in higher education and also know how to solve problems of the online evaluation to ensure that the assessment process is compatible with the training program, teaching content and methods, and learning outcomes in order to motivate learners and teachers to actively participate in and support the online evaluation.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực giáo dục đã dẫn đến việc ứng dụng ngày càng phổ biến các công cụ học tập và thi cử trực tuyến. Giáo dục đại học Việt Nam được cho là đã thích ứng rất nhanh với tình huống đại dịch khi hầu hết các trường đại học đã kịp thời chuyển sang mô hình giảng dạy trực tuyến để quá trình học tập của sinh viên (SV) không bị gián đoạn bởi giãn cách xã hội 1 . Kiểm tra đánh giá trực tuyến (KTĐGTT) trong giáo dục đại học Việt Nam lần đầu tiên được đề cập trong Quy chế đào tạo trình độ đại học 2 ban hành năm 2021 kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT). Trong đó quy định, hình thức đánh giá trực tuyến có thể được các cơ sở giáo dục đại học áp dụng khi đảm bảo tính trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, trọng số điểm không quá 50% 2 . Như vậy, có thể thấy bối cảnh dạy và học trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội đặt ra yêu cầu cần có các phương pháp KTĐGTT phù hợp, đáng tin cậy, khả thi và công bằng để đảm bảo quyền lợi cho tất cả SV.

Mặc dù đã có những hướng dẫn từ BGDĐT nhưng giáo dục đại học Việt Nam đã gặp phải những khó khăn thử thách nhất định trong việc thích ứng và chuyển đổi mô hình kiểm tra đánh giá (KTĐG) từ truyền thống sang trực tuyến, đặc biệt là trong thời gian đầu giãn cách xã hội. Thông tin trên phương tiện truyền thông và thực tế cho thấy tại nhiều cơ sở giáo dục, việc học diễn ra trực tuyến nhưng hình thức thi vẫn sử dụng giấy viết để làm bài, chỉ có phương thức nộp bài khác với thi trực tiếp (có thể bằng hình thức nộp qua email, mạng xã hội, Google Form hoặc Google Drive v.v.). Điều này gây quan ngại từ phía người học lẫn người dạy về những yêu cầu cốt lõi của KTĐG như tính trung thực, công bằng và khách quan liệu có được quản lý và đảm bảo bởi cơ sở đào tạo và các bên liên quan hay không. Đây cũng là mối bận tâm lớn của các nhà quản lý giáo dục, các nhà sư phạm và các giảng viên (GV) khiến cho KTĐGTT mặc dù đã trở nên rất thịnh hành và phổ biến trên thế giới cùng với sự phát triển của e-learning và học tập kết hợp (blended learning), nhưng việc tiếp tục áp dụng hình thức KTĐGTT sau đại dịch COVID-19 ở bậc đại học tại Việt Nam vẫn là điều gây tranh luận. Nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thanh Trúc và các cộng sự 3 trên 108 SV thuộc khoa Ngữ văn Trung Quốc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (KHXH&NV, ĐHQG-HCM) cho thấy mức độ ủng hộ của SV đối với việc tiếp tục thực hiện KTĐGTT sau đại dịch COVID-19 chỉ ở mức 2.8 trên thang đo Likert 5 mức độ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, theo quan điểm của các SV được khảo sát, mức độ thành công của thi trực tuyến phụ thuộc rất nhiều vào công tác hướng dẫn thi cử, cũng như các yếu tố kỹ thuật trong quá trình thi như sự ổn định của hệ thống quản trị học tập (Learning Management System – LMS), kết nối Wi-Fi và thiết bị học tập của sinh viên.

Trước khi đại dịch diễn ra, một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã bắt đầu áp dụng hình thức học tập e-learning, có thể kể ra như Đại học Cần Thơ, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Kinh tế TP.HCM 4 v.v.. Trong khi những đại học này dần tiến đến việc thích nghi và áp dụng nhanh chóng hình thức KTĐGTT trong đại dịch COVID-19 nhờ đã có sẵn nền tảng từ việc áp dụng e-learning từ trước, đại đa số các trường đại học Việt Nam vẫn áp dụng hình thức KTĐG truyền thống cho hầu hết các môn học ở hầu hết các chương trình đào tạo trong thời gian đại dịch. Điều này là do công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho e-learning và KTĐGTT đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự đầu tư. Ngoài ra, đó còn là vấn đề về khả năng thích ứng của người dạy với hình thức KTĐG mới, đòi hỏi không chỉ kiến thức và năng lực về mặt công nghệ mà còn là nhận thức và khả năng thực hành KTĐGTT.

Từ những vấn đề đã nêu cùng với thực tiễn áp dụng dạy và học trực tuyến trong thời gian giãn cách, bối cảnh đại dịch đặt ra yêu cầu bức thiết cho các nhà quản lý giáo dục Việt Nam cần nhìn nhận lại các khái niệm và lý thuyết mới của e-learning và KTĐG điện tử, phi truyền thống để có thể hội nhập với các đại học trên thế giới trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến và kết hợp.

Một số khái niệm trong KTĐG và KTĐGTT

Kiểm tra đánh giá (assessment and evaluation)

Trong kỷ nguyên mới của giáo dục, khái niệm KTĐG đã trở thành một thành phần không thể thiếu của bất kỳ định nghĩa nào về đảm bảo chất lượng dạy và học 5 . Trong lĩnh vực giáo dục đại học, KTĐG là một phần trọng tâm như đã được xác định bởi Bransford và các cộng sự 6 . Theo đó, kiểm tra đánh giá là một trong những thành phần cốt lõi giúp cho việc học tập đạt hiệu quả. Các tác giả đã chỉ ra rằng, quá trình dạy và học cần phải lấy kiểm tra đánh giá làm trung tâm nhằm tạo cho người học cơ hội thể hiện năng lực học tập, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ các bên liên quan để nâng cao khả năng học tập. Khung Đảm bảo chất lượng Đại học bang Ontario – Canada quy định “mỗi đơn vị học thuật đều phải đặt ra và trả lời các câu hỏi: SV có thể làm gì và cần có những kiến thức gì khi họ tốt nghiệp với một bằng cấp nhất định? SV được đánh giá như thế nào để đảm bảo rằng các mục tiêu giáo dục này đạt kết quả?” 7 .

Đánh giá quá trình (formative assessment) và đánh giá tổng kết (summative assessment)

Theo Oosterhof và các cộng sự 8 , đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết đều có vai trò cốt lõi trong giáo dục đại học. Đánh giá quá trình đóng vai trò quan trọng về mặt hướng dẫn, định hướng học tập cho SV, thúc đẩy và tạo động cơ học tập để cải thiện thành tích trong quá trình học. Trong khi đó, vai trò của đánh giá tổng kết liên quan đến việc công nhận và xác thực kết quả học tập, cũng là một phần rất quan trọng trong hoạt động đào tạo. Đánh giá tổng kết cần thiết trong việc chứng nhận thành tích của người học có đạt mục tiêu của chuẩn đầu ra hay không; còn đánh giá quá trình cần thiết để GV có thể hỗ trợ cho việc học tập của SV, tối ưu hóa hoạt động dạy - học để đạt mục tiêu môn học.

Đánh giá đồng đẳng (peer assessment)

Đánh giá đồng đẳng là một quá trình mà người học được đánh giá bởi những bạn cùng lớp và thường dựa trên các chỉ số về quá trình học, chất lượng và kết quả học tập 9 . Theo Falchikov và Goldfinch 10 , đánh giá đồng đẳng đã trở thành một phương pháp giáo dục phổ biến. Các nhiệm vụ đánh giá đồng đẳng có thể bao gồm các dạng “bài viết, các hồ sơ lưu lại bài làm, bài thuyết trình, bài kiểm tra hiệu suất và các kỹ năng khác” 11 . Phương pháp đánh giá đồng đẳng đang được tích hợp vào giảng dạy trong nhiều chuyên ngành như địa lý, kinh doanh, tâm lý học, ngôn ngữ học và giáo dục học 12 , 13 .

Kiểm tra đánh giá trực tuyến (online assessment and evaluation)

Nhóm tác giả Alkhezzi và Al-Zakri đã định nghĩa KTĐGTT là các bài thi, bài kiểm tra được thiết kế trực tuyến để người học làm bài trực tiếp ngay trên thiết bị điện tử của mình 14 . KTĐGTT cho phép sinh viên có thể tham gia làm bài vào bất kỳ thời gian hoặc địa điểm nào mà họ cảm thấy phù hợp. Sinh viên sau thi cũng sẽ nhận được những phản hồi, góp ý một cách nhanh chóng và chi tiết 15 . KTĐGTT có thể được tiến hành đồng bộ hoặc không đồng bộ, có hoặc không có sự hỗ trợ của các ứng dụng video-conferencing như MS Teams, Zoom hay Google Meet v.v. để giám sát quá trình KTĐG.

Hồ sơ điện tử (e-portforlio)

Pimentel 16 đã định nghĩa hồ sơ điện tử là một bộ sưu tập các bài làm của người học dưới dạng tập tin điện tử, phản ánh quá trình học tập, sự tiến bộ, thành tích học tập của người học và là minh chứng cho năng lực học tập của họ. Thông qua hồ sơ điện tử, GV có thể đánh giá thành tích và kết quả học tập của người học, thường là cho mục đích đánh giá quá trình nhằm cung cấp những phản hồi hình thành (formative feedback) giúp cải thiện kết quả học tập trong tương lai. Phương thức KTĐG qua e-portfolio ngày càng trở nên hiệu quả và phổ biến do tính chất dễ lưu trữ và có thể chia sẻ với bất kỳ ai mà chủ sở hữu mong muốn 17 . Điều này tạo điều kiện không chỉ cho GV mà còn cho nhiều đối tượng khác nhau (các SV, GV khác hoặc phụ huynh v.v.) có thể tham gia vào việc cung cấp phản hồi hình thành, giúp người học nâng cao kết quả học tập và tiến bộ hơn trong quá trình học.

Có thể thấy, mặc dù KTĐGTT ở bậc đại học tại nhiều nước trên thế giới đã được áp dụng khá lâu, nhưng hình thức này vẫn chưa phổ biến trong khối các trường đại học Việt Nam trước khi đại dịch diễn ra. Cùng với đó, những vấn đề cốt lõi của KTĐGTT bao gồm các khái niệm như tính hợp lý, độ bảo mật và tin cậy của KTĐG trong môi trường trực tuyến; các hình thức và phương pháp thực hiện đánh giá (bao gồm đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết) có vai trò ra sao trong học tập trực tuyến và kết hợp. Các quan điểm của GV và SV về những tác động của KTĐGTT đến phương pháp sư phạm trong giảng dạy trực tuyến cũng là những khía cạnh cần khai thác và tìm hiểu tường tận nhằm nâng cao chất lượng dạy-học khi xu hướng học tập kết hợp có thể sẽ là một lựa chọn của nhiều trường đại học Việt Nam trong tương lai. Vì những lý do đó, bài báo này đặt mục tiêu làm rõ các khái niệm xung quanh KTĐGTT thông qua việc tìm hiểu, phân tích và tổng quan các nghiên cứu về vấn đề KTĐGTT từ các bài báo, công trình nghiên cứu trên thế giới nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện về việc KTĐGTT ở bậc đại học, đồng thời nâng cao hiểu biết về các khái niệm cốt lõi của KTĐG trong bối cảnh giảng dạy trực tuyến và kết hợp. Từ góc nhìn quản trị học dựa trên tiêu chuẩn, bài báo đặt ra các câu hỏi nghiên cứu như sau:

  1. Thực tiễn áp dụng KTĐGTT ở bậc đại học hiện nay có các hình thức và công cụ KTĐGTT đang được áp dụng phổ biến?

  2. Quan điểm và mức độ chấp nhận KTĐGTT của GV, SV và các bên liên quan?

  3. KTĐGTT có tác động như thế nào đến phương pháp giảng dạy trực tuyến ở bậc đại học?

  4. Các vấn đề khác về tính hợp lệ, độ tin cậy trong KTĐGTT, liêm chính học thuật và việc gian lận trong kỳ thi trực tuyến được nhìn nhận ra sao?

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Vì là một nghiên cứu thứ cấp nên phương pháp nghiên cứu được lựa chọn là tổng hợp, phân tích và đánh giá kết quả của các nghiên cứu khác một cách có hệ thống 18 , 19 , 20 . Thiết kế nghiên cứu vận dụng các tiêu chí định tính để lựa chọn, phân tích, phê bình và tổng hợp các tài liệu có liên quan thành những chủ đề trong lĩnh vực KTĐGTT để trả lời các câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra. Quá trình nghiên cứu tuân theo ba bước chính của một nghiên cứu tổng quan tài liệu như đã trình bày bởi Galvan 20 , bao gồm tìm kiếm tài liệu, đánh giá tài liệu và viết tổng quan tài liệu. Table 1 tổng kết 12 bài báo đã được chúng tôi tập hợp, đánh giá và lựa chọn.

Table 1 Thống kê các bài báo được lựa chọn (theo thứ tự Alphabet tên tác giả chính)

Table 1 liệt kê 12 bài báo được lựa chọn là các nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu trường hợp trên các đối tượng GV, SV và trường đại học về trải nghiệm áp dụng thi trực tuyến. Qua đó, có thể thấy được các vấn đề như phương pháp, chiến lược dạy-học được vận dụng và thay đổi ra sao trong bối cảnh của việc áp dụng KTĐGTT vào quá trình đào tạo; các quan điểm mới nổi về việc áp dụng KTĐGTT vào chương trình giảng dạy ở các trường đại học trên thế giới.

Với mức độ phức tạp và phạm vi rộng của những lý thuyết về KTĐGTT, hướng nghiên cứu về lĩnh vực này đang thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà nghiên cứu. Họ có xu hướng vận dụng phương pháp nghiên cứu điển hình và nghiên cứu thực nghiệm trên các đối tượng có liên quan đến quá trình KTĐGTT nhằm mục đích kiểm tra, khẳng định và bổ sung vào lý luận của các lý thuyết về KTĐGTT. Các nghiên cứu được chọn lọc trong bài báo này được tiến hành ở nhiều nước khác nhau từ châu Âu, châu Á và châu Mỹ trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, trong đó đại dịch COVID-19 được xem là nguyên nhân chính khiến các nghiên cứu về vấn đề này đặc biệt nở rộ. Trong 12 bài báo được chọn lọc, có một số nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị thực hành KTĐGTT dựa trên lý thuyết về những đặc trưng trong các thiết kế sư phạm trực tuyến hiệu quả. Một số nghiên cứu ghi nhận lại trải nghiệm thực hành KTĐGTT dưới góc nhìn của GV và SV về những vấn đề khác nhau trong quá trình KTĐG. Tất cả các nghiên cứu đều là nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu trường hợp trên các đối tượng nghiên cứu là GV, SV, các công cụ và website hỗ trợ thi trực tuyến.

Giai đoạn tìm kiếm tài liệu

Dựa trên các câu hỏi nghiên cứu, chúng tôi xác định các thuật ngữ và cụm từ tìm kiếm bao gồm: “online assessment/ e-assessment/ online examination, assessment tools, summative assessment, formative assessment, higher education/ tertiary education” (tạm dịch: “kiểm tra đánh giá trực tuyến/ thi trực tuyến, công cụ kiểm tra đánh giá, đánh giá tổng kết, đánh giá quá trình, giáo dục đại học”). Cơ sở dữ liệu điện tử tìm kiếm được chọn là cơ sở dữ liệu Scopus để đảm bảo chất lượng của một nghiên cứu thứ cấp. Bài báo được chọn cần thỏa các tiêu chí: là bài báo nghiên cứu (research article) viết bằng tiếng Anh và được đăng trên tạp chí có bình duyệt thuộc hệ thống Scopus trong 5 năm trở lại đây để đảm bảo tính mới, tính chính thống và cập nhật của tài liệu nghiên cứu. Theo các tiêu chí vừa nêu, những bài báo hội nghị (conference paper), bài báo đánh giá (review article) và chương sách (book chapter) sẽ không được lựa chọn để đưa vào nghiên cứu này. Sau khi tìm kiếm theo các từ khóa đã xác định, chúng tôi lọc ra 52 bài báo có liên quan đến chủ đề trong câu hỏi nghiên cứu. Các bài báo đã truy xuất được tập hợp lại để cho phép đọc và đánh giá một cách có hệ thống. Việc quản lý tài liệu tham khảo được hỗ trợ bởi phần mềm EndNote 20.

Giai đoạn đánh giá tài liệu và tiêu chí lựa chọn

Ở giai đoạn này, chúng tôi đọc lướt toàn văn 52 bài báo đã chọn, sắp xếp lại theo năm xuất bản và mức độ liên quan đến chủ đề nghiên cứu, kiểm tra xếp hạng tạp chí đã công bố bài báo trên trang web scimagojr.com. Quá trình chọn lọc và đánh giá bài báo được tiến hành bằng cách ghi chú lại các thông tin cơ bản để xác định những bài báo có trọng tâm trùng với chủ đề đã được xác định là trọng tâm của nghiên cứu. Những chủ đề chính của các nghiên cứu này bao gồm: nhận thức của các bên liên quan về các vấn đề khác nhau trong KTĐGTT; các hình thức và phương thức, các công nghệ vận dụng trong thi trực tuyến; KTĐGTT và tác động của nó đến phương pháp sư phạm; vấn đề về tính hợp lệ, độ tin cậy và việc gian lận trong KTĐGTT. Qua quá trình đánh giá và chọn lọc, trong số 52 bài báo được đánh giá có 12 bài báo được chọn làm cơ sở dữ liệu cho nghiên cứu này vì đã đáp ứng những tiêu chí cơ bản sau: bài báo tập trung chính vào các chủ đề cốt lõi đã được xác định; là các nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu trường hợp được thực hiện ở những nước khác nhau trên thế giới; và đặc biệt tập trung vào việc vận dụng KTĐG trong bối cảnh giáo dục đại học trực tuyến và kết hợp. Trên cơ sở đó, 12 nghiên cứu thực nghiệm này được chọn là cơ sở dữ liệu trọng tâm của nghiên cứu (xem Table 2 ).

Table 2 Thống kê chủ đề, phương pháp nghiên cứu và chất lượng bài báo

Table 2 tổng hợp các bài báo đã được liệt kê theo nhóm chủ đề, nơi tiến hành nghiên cứu, đối tượng khảo sát và chất lượng bài báo. Tất cả bài báo được chọn lọc sau khi đánh giá toàn văn đã được đưa vào làm cơ sở dữ liệu cho bài nghiên cứu đánh giá. Kế đến, các bài báo được tiếp tục xem xét và đánh giá chất lượng theo Khung đánh giá chất lượng bài báo Mixed Methods Appraisal Tool (MMAT) phiên bản 2018 được đề xuất bởi nhóm tác giả Hong và cộng sự 21 thuộc Đại học McGill – Canada. Theo đó, tùy thuộc vào phương pháp nghiên cứu của từng bài báo mà sẽ có bộ câu hỏi đánh giá tương ứng và người đánh giá sau khi đọc bài báo sẽ trả lời các câu hỏi do nhóm Hong và cộng sự gợi ý, và sẽ dựa trên các câu trả lời để chấm điểm nghiên cứu theo thang đo với ba mức chất lượng: cao, trung bình và thấp 21 .

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Các hình thức, công cụ và thực tiễn áp dụng KTĐGTT hiện nay trên thế giới ở bậc giáo dục đại học

Fluck 22 trong nghiên cứu về mức độ phổ biến của kỳ thi điện tử (e-Exam) ở các nước trên thế giới đã xem xét sự phát triển của e-Exam ở 5 quốc gia. Kết quả cho thấy các nước này có một lộ trình dần thay thế kỳ thi truyền thống bằng KTĐGTT. Dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn 17 đối tượng khác nhau kết hợp với quan sát việc thực hành e-Exam tại các trường đại học đã được chọn trước và tham khảo các tài liệu đa dạng về e-Exam của những trường này. Các kết quả cho thấy tỷ lệ áp dụng e-Exam nằm trong phạm vi từ 1% đến 40% trên tổng số kỳ thi. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tính chính thống của KTĐGTT trong việc đảm bảo yếu tố trung thực, độ tin cậy là tương đương với thi truyền thống. Ưu điểm lớn của KTĐGTT là giảm bớt khối lượng công việc của công tác quản lý KTĐG, tuy nhiên mối quan hệ giữa các bên liên quan đến KTĐGTT nhìn chung còn lỏng lẻo, thiếu tính liên kết 22 .

Điểm nổi bật của các nghiên cứu trong bài báo này là vai trò của đánh giá quá trình trực tuyến (ĐGQTTT) hay còn gọi là đánh giá hình thành trực tuyến (online formative assessment) đã dần được chú trọng hơn bởi các GV và nhà sư phạm. Các nghiên cứu cho thấy cả GV và SV đều ủng hộ hình thức ĐGQTTT. Nghiên cứu của Zexuan 23 về việc áp dụng ĐGQTTT (không đồng bộ và đồng bộ) bao gồm các hình thức như nhiệm vụ học tập, câu đố và bài kiểm tra thường xuyên giúp thu hút người học tham gia vào quá trình học và cải thiện kết quả học tập. Với đặc điểm lấy người học làm trung tâm, ĐGQTTT thúc đẩy việc học tập của người học khi GV cung cấp những phản hồi mang tính xây dựng giúp học sinh tiến bộ theo thời gian và cải thiện chất lượng giảng dạy trực tuyến 23 .

Về việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số trong ĐGQTTT, nghiên cứu của Mahapatra 24 cho thấy sự lựa chọn của các GV về các công cụ kỹ thuật số áp dụng trong ĐGQTTT tùy thuộc vào kiến ​​thức và khả năng chi trả của GV; khả năng tiếp cận và tốc độ truy cập internet của người học. Các công cụ miễn phí như Google Docs, Google Forms và WhatsApp được các GV tham gia khảo sát ưa dùng hơn các công cụ trả phí. Thông qua các công cụ này, GV gửi các câu đố học tập, phiếu đánh giá, tự đánh giá không chính thức và đánh giá đồng đẳng cho người học. Facebook và WhatsApp được các GV lựa chọn làm kênh cung cấp phản hồi cho người học do mức độ phổ biến của hai ứng dụng này trong cộng đồng và SV. Các phản hồi sau KTĐG của GV đa số là phản hồi nhóm hơn là phản hồi cá nhân vì số lượng người học đông. Hình thức phản hồi bao gồm phản hồi tức thì, ngắn gọn trong lớp học hoặc bằng file audio/ video được GV gửi cho người học 24 .

Ngoài hình thức đánh giá truyền thống là GV đánh giá SV, thực tiễn áp dụng KTĐGTT gần đây còn cho thấy sự hiện diện của mạng xã hội trong KTĐGTT. Cụ thể nghiên cứu của Demir 25 tìm hiểu việc sử dụng Facebook làm nền tảng để đánh giá đồng đẳng trong giáo dục đại học dưới góc nhìn của của GV và SV. Kết quả khảo sát cho thấy việc sử dụng Facebook để đánh giá những người cùng lớp là một trải nghiệm thú vị và hiệu quả. Hầu hết người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy vui và tin tưởng khi ai đó “thích” bài làm của của mình. Qua đó, người học biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình trong học tập, kích thích phát triển các ý tưởng sáng tạo mới và có thêm động lực học tập. Ngoài ra, đánh giá đồng đẳng trực tuyến qua Facebook cũng cho phép người học chỉnh sửa những sai sót trong bài làm của mình theo phản hồi của những người đánh giá. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đánh giá đồng đẳng trực tuyến khuyến khích sự tham gia của người học nhiều hơn so với đánh giá đồng đẳng trong lớp học thông thường. Những người tham gia khảo sát cho biết họ cải thiện được sự tự tin và mối quan hệ, cảm thấy gắn kết hơn với những thành viên trong lớp khi tích cực tham gia vào quá trình đánh giá đồng đẳng trực tuyến 25 .

Một cách thực hành KTĐGTT khá phổ biến và mang lại lợi ích thiết thực cho người học là KTĐG qua e-portfolio. Kết quả nghiên cứu của Syzdykova 26 trên đối tượng SV về hình thức KTĐG bằng e-portfolio tại Đại học Tổng hợp Lomonosov (Nga) cho thấy 60% SV đã cải thiện kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm; các kỹ năng liên quan đến nhận thức; tư duy phản biện và ra quyết định; đánh giá và sửa đổi; nhận thức tổng hợp và tiến bộ được phát triển, tương ứng ở các mức 44%, 33%, 52%, và 64% trong tổng số SV tham gia khảo sát.

Nhận thức, quan điểm của GV và SV về KTĐGTT ở bậc đại học

Quan điểm của SV trong các nghiên cứu này đều cho thấy sự ủng hộ tích cực của họ đối với KTĐGTT ở bậc đại học. Nghiên cứu của Hidalgo-Camacho 27 trên đối tượng SV cho thấy việc học trực tuyến có ảnh hưởng tích cực đến quá trình thực hành sư phạm và KTĐG. Các SV cho biết các tài nguyên như wiki, nền tảng trực tuyến, blog, video, diễn đàn, trang bài tập trực tuyến và những tài nguyên học liệu khác có tác dụng tốt đối với họ khi học tiếng Anh trực tuyến trong đại dịch COVID-19. Về việc học tập, SV nhận thấy khối lượng học trực tuyến cũng nhiều như khi học trực tiếp. Khảo sát kết quả học tập của SV cũng cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về điểm số giữa học trực tiếp và học trực tuyến 27 . Nghiên cứu của Zexuan 23 trên đối tượng SV xác nhận khối lượng của các nhiệm vụ và hoạt động học tập trong ĐGQTTT là vừa phải, các hướng dẫn trực tuyến không đồng bộ và đồng bộ được kết nối chặt chẽ và tiến bộ. Kết luận SV có nhận thức tích cực về toàn khóa học, cho rằng thiết kế sư phạm của giảng dạy trực tuyến đã được thực hành tốt. Nghiên cứu của Shraim 28 trên 342 SV cho thấy SV quan niệm thi trực tuyến có lợi ích đáng kể so với thi truyền thống trên giấy do có độ tin cậy của việc chấm điểm và hiệu quả về thời gian, công sức và tiền bạc dành cho quá trình thi. 2/3 số SV nhận thấy tầm quan trọng của việc tích hợp các quy trình đánh giá trực tuyến và học tập trực tuyến trong các kế hoạch chiến lược của trường đại học. Ở một quan điểm khác, nghiên cứu của Riera 29 trên 463 SV về 3 vấn đề: việc học trực tuyến; việc sử dụng công nghệ trong học trực tuyến và KTĐGTT cho thấy KTĐGTT có mức độ chấp nhận thấp hơn hai yếu tố còn lại. Kết quả phỏng vấn sâu 11 SV cho thấy mặc dù nhận xét của SV nhìn chung là tích cực, đặc biệt là về tính dễ sử dụng và tính hữu ích của KTĐGTT, nhưng cũng có một số ý kiến ​​chỉ trích về sự thiếu rõ ràng của câu hỏi và tính nghiêm ngặt của hệ thống chấm điểm, khiến cho quá trình chấm điểm có thể bỏ qua các phương án trả lời đúng của SV. Hai yếu tố này có thể là nguyên nhân dẫn sự miễn cưỡng của SV đối với các kỳ thi trực tuyến chấm điểm tự động.

Với các khảo sát trên GV, nghiên cứu của Alghanmas 30 trên 171 GV tại các trường đại học ở Saudi Arabia cho thấy các GV bày tỏ thái độ tích cực đối với việc áp dụng đánh giá trực tuyến bằng hệ thống Blackboard. GV công nhận tính cấp thiết và thực tiễn của KTĐGTT, cho rằng KTĐGTT có vai trò quan trọng trong giáo dục đại học. Nhưng họ nghĩ rằng độ tin cậy của thi trực tuyến tùy thuộc vào tính chất môn học, loại câu hỏi và cách ra đề thi. GV tham gia khảo sát tin rằng dạng câu hỏi có nhiều lựa chọn (Multiple Choices Question) vốn được áp dụng phổ biến trong thi trực tuyến lại không phải là dạng đề thi phù hợp và tối ưu cho nhiều môn học. Các nghiên cứu khác trên đối tượng GV cũng có cùng kết quả tương tự về sự hài lòng của GV với việc thực hành KTĐGTT của họ. Nghiên cứu của Mahapatra 24 cho thấy GV phản hồi về việc đã tích hợp một số công cụ kỹ thuật số thường xuyên và thân thiện với sinh viên trong quá trình KTĐGTT. Ở một góc nhìn khác, nghiên cứu của Ghanbani 31 trên 20 GV tương lai đã nêu lên những khó khăn của GV trong KTĐGTT bao gồm các vấn đề về phương pháp sư phạm và công nghệ trong KTĐGTT khi phải đánh giá SV mà không có các tương tác vật lý; GV chưa quen cách sử dụng LMS; tốc độ internet kém; sinh viên thiếu các thiết bị phù hợp (ví dụ: laptop hoặc điện thoại thông minh); cơ chế phản hồi kém cho việc đánh giá quá trình; và đặc biệt là thiếu các thể chế và quy tắc để tích hợp cách thực hành đánh giá trực tuyến trong trường đại học. Nghiên cứu cũng xác nhận những tác động của stress gây ra do quá trình kiểm tra đánh giá có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của GV 31 .

Đề xuất những thay đổi phương pháp giảng dạy trực tuyến ở bậc đại học do ảnh hưởng và tác động của KTĐGTT

Nghiên cứu của Shraim 28 chỉ ra rằng, lợi ích lớn nhất của KTĐGTT là SV có thể nhận kết quả ngay lập tức và điều này rất có lợi cho hình thức đánh giá quá trình. Việc SV nhận ra năng lực và kết quả học tập của mình ngay trong quá trình học giúp cho họ có thời gian nhiều hơn để điều chỉnh thói quen học tập. So với việc chỉ nhận lấy kết quả thi cuối khóa khi môn học đã kết thúc, SV gần như không còn thời gian và động lực để thay đổi và cải thiện việc học.

Nghiên cứu của Zexuan 23 đưa ra một số gợi ý cho các GV quan tâm đến việc cung cấp trải nghiệm học tập trực tuyến hoặc kết hợp tốt hơn trong tương lai, cụ thể: cần thiết kế các hoạt động ĐGQTTT thường xuyên hơn; mỗi mô-đun trong quá trình học tập đều phải có các nhiệm vụ học tập, các câu đố và bài kiểm tra có độ khó tăng dần, tập trung vào các kỹ năng nhận thức bậc cao trên thang đo Bloom như áp dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo; để hạn chế khó khăn về thời gian khi cung cấp phản hồi hình thành (formative feedback), GV có thể dự đoán trước kết quả hoạt động KTĐG để chuẩn bị trước những phản hồi của mình cho SV.

Nghiên cứu của Demir 25 gợi ý việc đánh giá đồng đẳng trực tuyến nhờ vào mạng xã hội cần được thực hành thường xuyên hơn ở đại học nhằm tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy nỗ lực học tập, tạo cơ hội cho nhiều thành phần khác nhau tham gia vào quá trình đánh giá. Kết quả nghiên cứu của Syzdykova 26 xác nhận e-portfolio cung cấp một nền tảng thích hợp cho việc học tập tích hợp, cho phép SV hiểu, kết nối và vận dụng các khái niệm khác nhau đã học trong toàn khóa học đồng thời giúp phát triển các kỹ năng nhận thức khác của SV. Nghiên cứu của Ghanbani 31 chỉ ra rằng những khó khăn trong việc áp dụng công nghệ và LMS vào KTĐGTT có thể được giải quyết bằng việc tổ chức các khóa học tập huấn, các video hướng dẫn cách thức thực hành, sách hướng dẫn xử lý các sự cố kỹ thuật trong quá trình thi. GV cũng nên học cách khai thác tiềm năng của các mạng xã hội như Facebook, Instagram, WhatsApp để mở rộng cộng đồng học tập vượt ra ngoài giới hạn của các lớp học trực tuyến đồng bộ 31 . Nghiên cứu của Poonpon 32 cho thấy các công cụ công nghệ như Moodle, hệ thống an ninh Safe Exam Brouser (SEB) và Zoom nên được sử dụng đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống thi trực tuyến. Moodle được sử dụng làm nền tảng thi trực tuyến với giao diện thân thiện với người dùng. SEB được tích hợp vào Moodle như một chương trình kiểm tra bảo mật có thể kiểm soát các trang web và ứng dụng khác cũng như ngăn chặn bất kỳ tài nguyên học liệu nào có thể được SV sử dụng trong khi thi. Ứng dụng Zoom được sử dụng làm nền tảng video-conferencing để quản lý các kỳ thi đồng bộ và tăng cường tính bảo mật của KTĐG. Sự hiện diện của giám thị trong kỳ thi trực tuyến có thể giúp xử lý các tình huống phát sinh bất ngờ liên quan đến vấn đề sự cố kỹ thuật, giúp SV giảm bớt sự lo lắng và phát hiện các hành vi đáng ngờ của thí sinh trong kỳ thi 32 .

Các vấn đề về tính hợp lệ, độ tin cậy và việc gian lận trong KTĐGTT ở bậc đại học

Gần như hầu hết các nghiên cứu đã xác định thách thức lớn nhất của KTĐGTT liên quan đến các vấn đề bảo mật, tính hợp lệ và công bằng. Theo tác giả Okada 33 , việc kiểm tra danh tính của SV và quyền tác giả của các bài kiểm tra nộp trực tuyến là một vấn đề mà các cơ sở giáo dục đại học đang rất quan tâm. Ngày càng có nhiều nghiên cứu khuyến nghị việc cần thiết phải sử dụng các cơ chế bảo mật để kiểm tra danh tính thí sinh và phát hiện các hành vi gian lận trong KTĐG điện tử. Ngoài ra, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các phương pháp tiếp cận sư phạm với KTĐGTT được hỗ trợ bởi xác thực điện tử (e-authentication) và xác minh tác quyền của bài thi trực tuyến vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện và đầy đủ từ các bên liên quan 33 . Nghiên cứu của Alghanmas 30 về tính hợp lệ, tính thực tiễn, độ tin cậy và bảo mật của các kỳ thi trực tuyến từ quan điểm GV, trong đó tính thực tiễn của KTĐGTT nhận được nhiều nhất sự đồng tình từ GV tham gia khảo sát. Tuy nhiên, mối bận tâm lớn nhất của GV là vấn đề gian lận trong các kỳ thi trực tuyến. Họ cho rằng SV có khả năng gian lận trong kỳ thi trực tuyến nhiều hơn so với kỳ thi trên giấy. Nghiên cứu của Shraim 28 trên SV cũng ủng hộ quan điểm này, cho rằng tính an toàn, bảo mật và công bằng cho tất cả thí sinh là điều mà các nhà thực hành KTĐGTT cần quan tâm. Nghiên cứu của Poonpon 32 trên 218 SV khảo sát về mức độ hài lòng với việc thiết kế và triển khai KTĐGTT bằng hệ thống LMS tại Đại học Khon Kaen - Thái Lan cho thấy hệ thống KTĐGTT của đại học này có thể áp dụng cho các trường đại học khác trong các bối cảnh kiểm tra tương tự vì vấn đề gian lận được hạn chế bằng hệ thống Safe Exam Browser cho phép kiểm soát màn hình máy tính của SV và ngăn chặn các phần mềm khác hoạt động trong thời gian thi. Hình 1 minh họa mô hình hoạt động KTĐGTT của đại học Khon Kaen 32 .

Figure 1 . Mô hình KTĐGTT của Đại học Khon Kaen – Thái Lan 32

Figure 1 
<a class=32" width="300" height="200">

[Download figure]

THẢO LUẬN

Về câu hỏi nghiên cứu 1, kết quả nghiên cứu cho thấy đã có sự vận dụng linh hoạt và đa dạng các hình thức, công cụ trong KTĐGTT ở bậc đại học. Trong phương thức đào tạo truyền thống, một số hình thức KTĐG phổ biến được áp dụng như KTĐG bằng bài thi viết tay (tự luận hoặc trắc nghiệm) trong rất nhiều các chuyên ngành từ Khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội; KTĐG qua thực hành phòng thí nghiệm đối với các ngành hóa học, vật lý, khoa học sức khỏe (laboratory-based practicals); đánh giá qua biểu diễn/ trình bày (performance-based assessments) với các ngành mỹ thuật, khiêu vũ; đánh giá năng lực phát triển đồ tạo tác vật lý (physical artefact development) ở các ngành kỹ thuật, mỹ thuật; đánh giá kỹ năng tâm thần vận động (psychomotor skills) trong vật lý trị liệu, điều dưỡng và các ngành nghề y tế khác; đánh giá kỹ năng xã hội (interpersonal skills) với y học và các chuyên ngành tham vấn y tế và cuối cùng là đánh giá qua kỹ năng ngôn ngữ, vấn đáp (language skills). Trong bối cảnh KTĐGTT, được sự hỗ trợ của kỹ thuật công nghệ, các hình thức đánh giá truyền thống được thay thế bởi các lựa chọn linh hoạt khác như tải lên các video thực hiện nhiệm vụ bài tập nhờ công nghệ điện toán đám mây (video-based uploads using Cloud technology); các nhiệm vụ bài tập dựa trên mô phỏng trực tuyến (online simulation-based tasks); nộp các hồ sơ học tập điện tử e-portfolio; thực hành vấn đáp trực tuyến có giám sát theo thời gian thực; phỏng vấn trực tuyến thông qua Zoom hoặc các ứng dụng video-conferencing khác 34 .

Trong phương thức học tập truyền thống, mặc dù đánh giá quá trình (đánh giá để hỗ trợ học tập) và đánh giá tổng kết (để xác nhận và công nhận kết quả học tập) không phải là các quá trình riêng biệt trong KTĐG, nhưng việc kết hợp uyển chuyển các hình thức này vẫn tồn tại những mâu thuẫn 34 . Nhận thấy tầm quan trọng của đánh giá quá trình trong đào tạo trực tuyến, Quy chế đào tạo trình độ đại học 2 ban hành bởi BGDĐT năm 2021 cũng có đề cập đến việc thực hành đánh giá quá trình. Trong đó, Quy chế nhấn mạnh việc tổ chức đánh giá quá trình học tập, trải nghiệm của sinh viên, bao gồm cả các hoạt động thí nghiệm, thực hành, làm bài tập, trình bày báo cáo như một thành phần của học phần. Điều này là phù hợp với kết quả nghiên cứu của chúng tôi từ việc thực hành KTĐGTT, qua đó cho thấy vai trò không thể phủ nhận của đánh giá quá trình đối với hoạt động dạy và học trực tuyến.

Đối với câu hỏi nghiên cứu 2, KTĐGTT nhìn chung đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người học và người dạy. Tuy nhiên, vẫn còn một số quan ngại về độ tin cậy của hình thức này. Trong đó, việc gian lận, tình trạng đạo văn, độ bảo mật, việc xác nhận danh tính và tác quyền của thí sinh trong KTĐGTT được xem như những khó khăn lớn nhất khiến cho việc áp dụng phổ biến hình thức KTĐGTT sẽ là vấn đề còn gây tranh luận. Điều này cũng được các nghiên cứu thực nghiệm khẳng định như đã trình bày trong phần kết quả nghiên cứu. Kết luận này cùng quan điểm với nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thanh Trúc và các cộng sự 35 trên 201 SV thuộc một số khoa ngoại ngữ tại Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Theo đó, đa số các SV tham gia khảo sát ủng hộ hình thức thi trực tuyến trong đại dịch COVID-19 với mức độ hài lòng là 4.08 trên thang đo Likert 5 mức độ. Tuy nhiên việc ủng hộ KTĐGTT sau đại dịch của những SV này chỉ ở mức từ 2.82 đến 3.77 tùy theo mỗi khoa mà các SV đang theo học. Đây có lẽ là một thách thức mà các nhà sư phạm, nhà quản lý cần nhìn nhận và tìm ra các giải pháp công nghệ để khắc phục để KTĐGTT sẽ đạt được sự ủng hộ và đồng thuận cao hơn.

Về câu hỏi nghiên cứu 3, kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều giải pháp tích cực và sáng tạo đã được áp dụng bởi các GV, nhà sư phạm và nhà quản lý trong quá trình KTĐGTT. Một khám phá đáng chú ý kỳ là thi trực tuyến rất phù hợp để đánh giá và đo lường việc học, hơn là đánh giá tổng kết về việc học. Mục đích lớn của KTĐGTT chính là thúc đẩy việc học tập bằng cách cung cấp phản hồi mang tính xây dựng, nhanh chóng và theo thời gian thực. Kỳ thi trực tuyến không chỉ là một công cụ chấm điểm tự động mà cần được xem là một phần không thể thiếu trong chính quá trình học tập 36 . Vì thế chúng tôi đề xuất rằng, việc GV áp dụng hiệu quả đánh giá quá trình trong môi trường học tập trực tuyến có thể giúp hình thành một chiến lược sư phạm sáng tạo, tạo môi trường học tập trực tuyến có tính tương tác cao, xây dựng cộng đồng học tập (learning community) để tạo mối gắn kết giữa GV-SV; SV-SV, bù lại cho đặc tính hạn chế giao tiếp hoặc giao tiếp một chiều của đào tạo trực tuyến. Tính chất tương tác không đồng bộ giữa người dạy và người học trong đào tạo trực tuyến đòi hỏi các nhà giáo dục cần thiết kế lại phương pháp giảng dạy trực tuyến hiệu quả, phù hợp với các chiến lược KTĐGTT để có thể hỗ trợ tích cực cho việc học tập. Cần vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá mới, cho phép SV và nhiều đối tượng khác tham gia vào quá trình đánh giá, coi trọng hơn vai trò của ĐGQTTT và tích hợp vào trong các nhiệm vụ, hoạt động học tập thường xuyên.

Về câu hỏi nghiên cứu 4, để đối phó với vấn đề gian lận trong thi cử trực tuyến, kết quả nghiên cứu đề xuất các trường đại học nên quan tâm đến việc sử dụng các cơ chế bảo mật để kiểm tra danh tính thí sinh và phát hiện các hành vi gian lận trong KTĐG điện tử. Với các hệ thống quản trị học tập LMS, cần gia tăng độ an toàn của KTĐG trên các hệ thống này, cùng tổ chức song song các hoạt động KTĐGTT tại trường (on campus) và ngoài trường (off campus). Chúng tôi cho rằng mô hình KTĐGTT của Đại học Khon Kaen cũng có thể là một gợi ý để các trường đại học Việt Nam xem xét và vận dụng vào bối cảnh và thực tế hoạt động đào tạo của từng trường.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn khái quát về KTĐGTT, qua đó chỉ ra rằng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, lĩnh vực giáo dục đã chứng kiến những thay đổi lớn và tích cực trong việc vận dụng KTĐGTT ở bậc đại học. Có thể kể ra một số điểm tích cực như vai trò của ĐGQTTT đã được nhìn nhận đúng đắn, cùng với sự áp dụng rộng rãi hình thức e-portfolio như là một dạng đánh giá quá trình được nhiều GV đại học lựa chọn. Đánh giá đồng đẳng trực tuyến nhờ vào mạng xã hội cũng được áp dụng phổ biến hơn, tạo ra cái nhìn tích cực từ phía người học, giúp họ có thêm động lực thực hiện bài kiểm tra và có thể tiếp tục chỉnh sửa bài làm từ những góp ý của người đánh giá. Các công cụ hỗ trợ KTĐGTT (LMS, Moodle, Blackboard, phần mềm chống gian lận SEB, các ứng dụng video-conferencing và mạng xã hội) đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ GV trong KTĐG. Tuy nhiên, việc gian lận trong thi trực tuyến vẫn còn là mối bận tâm của các GV và nhà quản lý giáo dục, khiến cho việc phổ cập KTĐGTT trong giáo dục đại học sẽ còn là một thách thức trong tương lai đối với các trường đại học Việt Nam. Điểm sáng của việc thực hành KTĐGTT trong giáo dục đại học Việt Nam chính là những nỗ lực của GV trong việc tích cực tham gia các khóa tập huấn KTĐGTT, nhanh chóng thích nghi, vận dụng linh hoạt các kỹ năng KTĐGTT vào trong giảng dạy trực tuyến. Vì thế, quá trình KTĐGTT, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, đã diễn ra an toàn và suôn sẻ.

Để trong tương lai, phương thức KTĐGTT đạt thành công và hiệu quả, các cơ sở giáo dục và GV đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thi cử trung thực và tin cậy, thúc đẩy ý thức và động cơ học tập của SV. Việc triển khai hiệu quả KTĐGTT đòi hỏi sự cân nhắc rất lớn các yếu tố như lựa chọn và thiết kế mô hình LMS phục vụ cho e-leaning và KTĐGTT, hỗ trợ người dạy và người học về năng lực công nghệ, kết hợp hài hòa giữa chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, mục tiêu học tập với KTĐG, tạo cho người dạy và người học những trải nghiệm giá trị trong hoạt động đào tạo và KTĐG. Đây cũng là một tiền đề cho việc phát triển KTĐGTT trong giáo dục đại học Việt Nam. Mặc dù điều này cũng sẽ tùy thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển của công nghệ, tầm nhìn và nhận thức của các nhà quản lý giáo dục, các lãnh đạo trường đại học. Nhưng với những lợi thế không thể phủ nhận của KTĐGTT như tính linh hoạt về thời gian và không gian, tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện cùng với khả năng tiếp cận đa dạng và rộng khắp đến người học, KTĐGTT được kỳ vọng sẽ ngày càng phổ biến và được chấp nhận nhiều hơn, đặc biệt là khi học tập trực tuyến và kết hợp trong giáo dục đại học Việt Nam sẽ trở nên phổ cập hơn sau đại dịch COVID-19.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2022-40.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

BGDĐT: Bộ Giáo dục và Đào tạo

ĐGQTTT: Đánh giá quá trình trực tuyến

GV: giảng viên

KHXH&NV, ĐHQG-HCM: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

KTĐG: Kiểm tra đánh giá

KTĐGTT: Kiểm tra đánh giá trực tuyến

LMS: Learning Management System

MMAT: Mixed Methods Appraisal Tool

SEB: Safe Exam Browser

SV: sinh viên

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Nghiên cứu có những đóng góp về mặt khoa học trong lĩnh vực kiểm tra đánh giá trực tuyến bằng việc cung cấp một cái nhìn bao quát về hoạt động kiểm tra đánh giá trực tuyến, góc nhìn của các bên liên quan về những vấn đề khác nhau trong quá trình này đồng thời cho thấy những đề xuất, giải pháp thực hành kiểm tra đánh giá trực tuyến phù hợp, gợi mở cho các nhà quản lý giáo dục, các giảng viên về phương pháp sư phạm cần thay đổi do tác động của kiểm tra đánh giá trực tuyến đến quá trình dạy - học ở bậc đại học.

References

  1. Bùi Quang Dũng, Nguyễn Thị Hoài Phương, Trương Thị Xuân Nhi. Một số khó khăn của sinh viên khi học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19. CSDL Khoa học và công nghệ Đại học Huế. 2020. . ;:. Google Scholar
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy chế đào tạo trình độ đại học (ban hành kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT). Hà Nội. 2021. . ;:. Google Scholar
  3. Trần Thị Thanh Trúc, Nguyễn Lê Ánh Phương, Nguyễn Hà Thanh Ngân. Thi cử trực tuyến từ góc nhìn sinh viên đại học. Hội thảo Khoa học Quốc gia 2022 "Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ & quốc tế học tại Việt nam" - ULIS-ĐHQG Hà Nội. 2022. . ;:. Google Scholar
  4. Vũ Quốc Thông. Những nghiên cứu về e-learning trên thế giới và ứng dụng cho Giáo dục đại học tại Việt nam. Hội thảo "Thực trạng đào tạo e-learning ở Việt Nam, xu hướng thế giới và các yếu tố (điều kiện) phát triển các loại hình đào tạo trên ở Viêt Nam" - Đại học Mở TP.HCM. 2019. . ;:. Google Scholar
  5. The George Washington University. Assessment of student learning. . ;:. Google Scholar
  6. Bransford JD, Brown AL, Cocking RR. How people learn: brain, mind, experience, and school. Washington, DC: National Academy Press; 2000. . ;:. Google Scholar
  7. Ontario Universities Council on Quality Assurance. Quality assurance framework. Available online [cited Jan 15 2022]. . ;:. Google Scholar
  8. Oosterhof A, Conrad RM, Ely DP. Assessing learners online. NJ: Pearson; 2008. . ;:. Google Scholar
  9. Topping K. Peer assessment between students in colleges and universities. Rev Educ Res. 1998;68(3):249-76. . ;:. Google Scholar
  10. Falchikov N, Goldfinch J. Student peer assessment in higher education: a meta-analysis comparing peer and teacher marks. Rev Educ Res. 2000;70(3):287-322. . ;:. Google Scholar
  11. Topping KJ. Peer assessment. Theor Pract. 2009;48(1):20-7. . ;:. Google Scholar
  12. Topping KJ, Smith EF, Swanson I, Elliot A. Formative peer assessment of academic writing between postgraduate students. Assess Eval Higher Educ. 2000;25(2):149-69. . ;:. Google Scholar
  13. Tsai CC, Lin SS, Yuan SM. Developing science activities through a network peer assessment system. Comput Educ. 2002;38(1-3):241-52. . ;:. Google Scholar
  14. Alkhezzi AF, Al-Zakri MI. Equivalence of electronic tests with paper tests in measuring academic achievement: an experimental study on students of the College of Education at Kuwait University. Journal of the Gulf and Arabian Peninsula Studies. 2011;143:2-32. . ;:. Google Scholar
  15. Angus SD, Watson J. Does regular online testing enhance student learning in the numerical sciences? Robust evidence from a large data set. Br J Educ Technol. 2009;40(2):255-72. . ;:. Google Scholar
  16. Pimentel JM. High school teachers' perceptions of ePortfolios and classroom practice: A single-case study. ProQuest dissertations publishing; 2010. . ;:. Google Scholar
  17. Balaban I, Mu E, Divjak B. Development of an electronic Portfolio system success model: an information systems approach. Comput Educ. 2013;60(1):396-411. . ;:. Google Scholar
  18. Green BN, Johnson CD, Adams A. Writing narrative literature reviews for peer- reviewed journals: secrets of the trade. J Chiropr Med. 2006;5(3):101-17. . ;:. Google Scholar
  19. Pan L. Preparing literature reviews: qualitative and quantitative approaches. 3rd ed. Glendale, CA: Pyrczak Publishing; 2008. . ;:. Google Scholar
  20. Galvan JL. Writing literature reviews: A guide for students of social and behavioural sciences. Los Angeles. Pyrczak publishing; 2006. . ;:. Google Scholar
  21. Hong QN, Fàbregues S, Bartlett G, Boardman F, Cargo M, Dagenais P et al. Educ Inf. version 2018 for information professionals and researchers. 2018;34(4):285-91. . ;:. Google Scholar
  22. Fluck AE. An international review of eExam technologies and impact. Comput Educ. 2019;132:1-15. doi: 10.1016/j.compedu.2018.12.008. . ;:. Google Scholar
  23. Zexuan C, Jianli J, Kexin H. Formative assessment as an online instruction intervention: student engagement, outcomes, and perceptions. Int J Distance Educ Technol. 2021;19(01):1-16. . ;:. Google Scholar
  24. Mahapatra SK. Online formative assessment and feedback practices of ESL teachers in India, Bangladesh and Nepal: A multiple case study. Asia-Pacific Edu Res. 2021;30(6):519-30. . ;:. Google Scholar
  25. Demir M. Using online peer assessment in an Instructional Technology and Material Design course through social media. Higher Educ. 2018;75(3):399-414. . ;:. Google Scholar
  26. Syzdykova Z, Koblandin K, Mikhaylova N, Akinina O. Assessment of E-portfolio in higher education. Int J Emerg Technol Learn. 2021;16(2):120-34. . ;:. Google Scholar
  27. Hidalgo-Camacho C, Isabel G, Villacís W, Varela K. The effects of online learning on EFL students' academic achievement during coronavirus disease pandemic. Eur J Educ Res. 2021;10(4):1867-79. . ;:. Google Scholar
  28. Shraim K. Online examination practices in higher education institutions: learners' perspectives. Turk Online J Distance Educ. 2019;20:185-96. . ;:. Google Scholar
  29. Riera Guasp J, Ardid Ramírez M, Vidaurre Garayo AJ, Meseguer-Dueñas JM, Gómez-Tejedor JA. Students' perception of auto-scored online exams in blended assessment: feedback for improvement. Educación XX1. 2018;21(2):79-103. . ;:. Google Scholar
  30. Alghammas A. Online language assessment during the COVID-19 pandemic: university faculty members' perceptions and practices. Asian EFL J. 2020;27(44):169-95. . ;:. Google Scholar
  31. Ghanbari N, Nowroozi S. The practice of online assessment in an EFL context amidst COVID-19 pandemic: views from teachers. Lang Test Asia. 2021;11(1):1-18. . ;:. Google Scholar
  32. Poonpon K. Test takers' perceptions of design and implementation of an online language testing system at a Thai University during the COVID-19 pandemic. PASAA. 2021;62:1-28. . ;:. Google Scholar
  33. Okada A, Noguera I, Alexieva L, Rozeva A, Kocdar S, Brouns F, et al. Pedagogical approaches for e‐assessment with authentication and authorship verification in Higher Education. Br J Educ Technol. 2019;50(6):3264-82. . ;:. Google Scholar
  34. Deakin University. Ensuring academic integrity and assessment security with redesigned online delivery; 2010. . ;:. Google Scholar
  35. Truc TTT, Phuong LAN, Ngan HTN, Du TT. An empirical study on students' perception and satisfaction towards online assessment and testing in tertiary education. Proceedings of the 18th international conference of the Asia Association of Computer-Assisted Language Learning (AsiaCALL-2-2021); 2021. . ;:. Google Scholar
  36. Jordan SE. E-assessment: past, present and future. New Dir Adult Contin Educ. 2013;9(1):87-106. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 1600-1612
Published: Jun 30, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.737

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, T. (2022). The online testing and evaluation in the higher education. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(2), 1600-1612. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.737

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 567 times
PDF   = 258 times
XML   = 0 times
Total   = 258 times