VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

297

Total

215

Share

The struggle movement for implementation of the Paris Agreement in Sai Gon - Gia Dinh (1973-1975)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The Paris Agreement signed on January 27, 1973 was a great victory of the Vietnamese revolution because the Vietnamese people’s fundamental national rights were not only recognized in this Agreement but the US army and its allies were also required to withdraw all of their troops from the Southern Vietnam. Meanwhile, the Northern Vietnam’s army remained to be in the Southern Vietnam, creating big advantages of fighting forces for the liberation of the Southern Vietnam. In contrast, the signing of the Paris Agreement was a failure of the Republic of Vietnam government and thus, they delayed the implementation of the Agreement and violated its terms. Therefore, people in Sai Gon - Gia Dinh stepped up political struggle movements to demand to implement the Paris Agreement in various forms and flexible contents. Through exploiting documents of the government of the Republic of Vietnam and the Saigon press before 1975, the author of the article presents in detail the contents of the struggle movement to demand the implementation of the Paris Agreement in the Sai Gon - Gia Dinh urban area, including activities to popularize the Paris Agreement, condemn and denounce the Saigon government's violation of the Agreement as well as struggle for the release of political prisoners and for people's livelihood and democracy, and for the overthrow of the Nguyen Van Thieu’s government, thereby providing more documents to recognize the Saigon - Gia Dinh people’s contributions to the resistance war against the US in the final period of 1973-1975.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Vùng đô thị Sài Gòn - Gia Định là nơi có phong trào đấu tranh chính trị sôi động, liên tục trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Phong trào đấu tranh chính trị ở đây đã tập hợp được lực lượng cách mạng ở một vùng đô thị trọng yếu của miền Nam và có tác động lớn trong việc làm suy yếu hậu cứ quan trọng bậc nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Từ khi Hiệp định Paris được ký kết, phần lớn nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định đã nhận thức đúng đắn về vai trò của Hiệp định Paris trong việc mang lại hòa bình cho nhân dân Việt Nam và xem đây là một cơ hội để đi đến hòa bình, dân chủ, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Trong khi đó, chính quyền VNCH nhận thấy rõ những thất bại của họ khi phải ký Hiệp định Paris nên chính sách của chính quyền này là tìm cách trì hoãn hoặc không thực thi các điều khoản của hiệp định trên cả hai phương diện quân sự và chính trị. Bên cạnh đó, ngoài việc rút quân đúng thời hạn, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam dưới nhiều hình thức.

Trong bối cảnh đó, phong trào đấu tranh chính trị đòi Mỹ và chính quyền VNCH thực thi nghiêm chỉnh Hiệp định Paris đã diễn ra khắp nơi ở miền Nam, nhất là tại các đô thị. Đặc biệt, tại đô thị Sài Gòn - Gia Định, với lợi thế của trung tâm chính trị, thông tin lớn nhất miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Paris đã diễn ra mạnh mẽ, dưới nhiều hình thức và có tác động lớn đến dư luận trong và ngoài nước. Nghiên cứu về phong trào này ở đô thị Sài Gòn - Gia Định sẽ cho thấy rõ được sự đa dạng trong hình thức đấu tranh và đánh giá được tác động của phong trào, đồng thời cung cấp những tư liệu cụ thể trong nghiên cứu giai đoạn cuối cùng của lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và phong trào đô thị nói riêng trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định, khẳng định sự linh hoạt và nhạy bén, sáng tạo của nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định trong đấu tranh cách mạng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, bài viết chủ yếu sử dụng các tài liệu của chính quyền VNCH được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, các văn kiện của các tổ chức, các phong trào ở Sài Gòn - Gia Định được đăng tải trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975. Từ đó, tác giả tổng hợp và trình bày một cách hệ thống các nội dung đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, phân tích những đặc điểm và vai trò của phong trào.

Khái quát nội dung Hiệp định Paris và thái độ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với Hiệp định

Hội nghị Paris kéo dài từ ngày 10-5-1968 đến ngày 27-1-1973, trải qua 28 phiên họp hai bên, 174 phiên họp bốn bên, cùng với 24 phiên họp kín giữa đại diện đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mỹ. Đối với cách mạng Việt Nam, đây là một cuộc đấu tranh ngoại giao căng thẳng, kéo dài, phối hợp chặt chẽ giữa cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự, chính trị và mặt trận ngoại giao; thống nhất hành động giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), tạo nên thế trận tuy hai mà một đầy sáng tạo của mặt trận ngoại giao.

Đối với Mỹ, việc tham gia vào Hội nghị Paris là nhằm mục đích tìm giải pháp rút lui khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam trong danh dự nhưng vẫn duy trì chế độ VNCH ở phía Nam vĩ tuyến 17. Do đó, trong quá trình đàm phán, Mỹ luôn thể hiện quan điểm đàm phán dựa trên thế mạnh, vừa tìm mọi cách tránh né các vấn đề cốt lõi, vừa gia tăng các hoạt động quân sự trong kế hoạch của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đỉnh điểm là cuộc tập kích Linerbacker bằng B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972. Về phía VNCH, trong suốt tiến trình đàm phán tại Hội nghị Paris, quan điểm của đoàn VNCH là chống lại Hội nghị, từ việc phản đối sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miến Nam trong Hội nghị bốn bên, đến việc phản đối việc Mỹ và đồng minh đơn phương rút quân và việc thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần ở miền Nam. Tuy nhiên, trước những thất bại về quân sự trong giai đoạn Xuân Hè 1972 và nhất là cuộc tập kích Linerbacker, Mỹ và VNCH buộc phải ký Hiệp định Paris.

Hiệp định được 4 bên tham dự Hội nghị ký kết ngày 27-1-1973, gồm có 9 chương, 23 điều. Nội dung căn bản đã giải quyết các vấn đề chính trị và quân sự ở miền Nam Việt Nam như: Các điều khoản về chính trị ghi nhận Mỹ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam (điều 1), tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam (điều 9), không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam (điều 4); Các điều khoản về quân sự, ngừng bắn quy định Mỹ và đồng minh phải rút hết quân trong vòng 60 ngày (điều 5), hủy bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh ở miền Nam Việt Nam (điều 6). Các điều khoản về nội bộ miền Nam Việt Nam bao gồm nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ (điều 11), thành lập hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để thực hiện tổng tuyển cử (điều 12),…[ 1 , tr.15-22]. Cùng với Hiệp định, còn có bốn nghị định thư: Nghị định thư về ngừng bắn và các ban liên hợp quân sự, Nghị định thư về Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế, Nghị định thư về trao trả nhân viên các bên bị bắt, Nghị định thư về tháo gỡ, vô hiệu hóa mìn ở miền Bắc Việt Nam.

Sau ngày ký Hiệp định, lệnh ngừng bắn được thực thi từ 0 giờ ngày 28-1-1973 để tạo điều kiện cho các bên thực thi các điều khoản Hiệp định. Tuy nhiên, ngay từ trước đó, Mỹ đã ráo riết viện trợ quân sự, kinh tế cho VNCH và tiếp tục cam kết ủng hộ chính quyền này. Dưới sự bảo đảm đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã thể hiện thái độ xuyên tạc và ngang nhiên vi phạm Hiệp định. Trước hết, chính quyền Sài Gòn đã ra sức bưng bít thông tin và xuyên tạc nội dung Hiệp định Paris nhằm hạ thấp ý nghĩa của Hiệp định và cũng mở đường cho những vi phạm Hiệp định sau đó của họ. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tung ra luận điệu xuyên tạc sự thật, rằng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bị bắt buộc phải ký Hiệp định Paris, Hiệp định Paris là “một hiệp định ngừng bắn tại chỗ không hơn không kém” 2 . Chính quyền Sài Gòn cũng tìm cách giải thích sai lệch một số thuật ngữ để giảm đối tượng chịu tác động của Hiệp định như giải thích thuật ngữ “cảnh sát vũ trang” là cảnh sát quân đội hay quân cảnh dưới quyền của Bộ chỉ huy quân đội chịu chi phối của Hiệp định, còn lực lượng cảnh sát đông đảo và có võ trang của chính quyền Sài Gòn vốn thuộc sự quản lý của Bộ Nội vụ không chịu sự chi phối của Điều 3 của Hiệp định Paris. Điều đó có nghĩa là những cuộc hành quân cảnh sát để bình định vẫn tiếp tục diễn ra như trước khi có Hiệp định.

Những vi phạm rõ nét nhất của chính quyền Sài Gòn đối với Hiệp định Paris là trên lĩnh vực quân sự. Ngày 28-1-1973, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, sau đó là chính sách “Kiện toàn an ninh lãnh thổ” và đẩy mạnh “bình định đặc biệt”, huy động toàn bộ địa phương quân và 40% quân chủ lực tiến hành càn quét vùng do cách mạng kiểm soát. Để che đậy cho các hoạt động vi phạm Hiệp định về quân sự, ngày 10-2-1973, Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH ra công điện mật, thượng khẩn số 5458/TTM/P345 cấm các đơn vị phổ biến các tin tức chiến sự trên báo chí, đài phát thanh hay vô tuyến truyền hình và “cấm không được nói rõ số lượng phi xuất, hải xuất, pháo binh yểm trợ, v.v. mà phải thay đổi hình thức giải thích, đó là các hoạt động có tính cách phản ứng tự vệ” [ 3 , tr.118]. Bên cạnh các hoạt động quân sự, chính quyền Sài Gòn còn thực hiện các hoạt động tâm lí chiến nhằm kích động dân chúng chống lại lực lượng cách mạng như tổ chức triển lãm Tội ác Cộng sản từ ngày 3 đến ngày 10-5-1973, tổ chức Chiến dịch Sự thật với các buổi nói chuyện xuyên tạc chế độ ngục tù Cộng sản trong quân đội, các khẩu hiệu có tính chất khiêu khích, hiếu chiến được lặp đi lặp lại hàng ngày trên Đài phát thanh Sài Gòn và treo khắp các đường phố.

Về việc thực thi các quyền tự do dân chủ, chính quyền Sài Gòn khẳng định không có gì thay đổi so với trước. Chính quyền Sài Gòn ban hành Sắc luật số 20TT/SLU ngày 25-11-1973, quy định các biện pháp cưỡng bách cư trú và biệt lưu đối với các phần tử bị coi là nguy hiểm cho quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng, thực chất nhắm vào những người đấu tranh đòi hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Paris. Sắc luật này cho phép chính quyền giam giữ và an trí, lưu đày vô hạn định, tịch thu toàn bộ tài sản những người vi phạm. Linh mực Nguyễn Ngọc Lan cho rằng Sắc luật 20 còn xâm phạm quyền tự do hơn cả Dụ số 6 thời tổng thống Ngô Đình Diệm, vì “chỉ bằng một sắc luật thôi, ông Thiệu đã xác nhận xóa bỏ tất cả 12 quyền tự do dân chủ căn bản của nhân dân miền Nam Việt Nam bảo đảm bởi điều 11 của Hiệp định” [ 4 , tr 51]. Chính quyền Sài Gòn còn trì hoãn trả tự do cho tù chính trị, tiếp tục giam giữ hàng ngàn người trong các nhà tù được mang tên Trung tâm cải huấn bằng những thủ đoạn như chuyển tù chính trị thành thường phạm, buộc tù chính trị mãn án phải nhập ngũ, nếu họ chống lại sẽ bị đưa ra Tòa án Quân sự và khép tội bất phục tùng,... Ngoài ra, chính quyền Sài Gòn còn tăng cường kiểm soát báo chí bằng Sắc luật 007 năm 1972 bất chấp quy định của Hiệp định Paris về các quyền tự do, dân chủ. Việc tịch thu, đóng cửa các tờ báo, khủng bố các tòa soạn vẫn diễn ra thường xuyên.

Trước những hành động vi phạm Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn, nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định tiếp tục đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị tập trung vào nội dung đòi chính quền Nguyễn Văn Thiệu thi hành Hiệp định Paris.

Hoạt động đấu tranh chủ yếu đòi thi hành Hiệp định Paris của nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định

Phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris tại đô thị Sài Gòn - Gia Định diễn ra trong bối cảnh chính quyền Sài Gòn vừa ra sức kiểm soát thông tin và xuyên tạc về Hiệp định Paris, vừa trắng trợn vi phạm các điều khoản về chính trị, quân sự của Hiệp định, thể hiện rõ bản chất hiếu chiến. Do đó, nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định với nhận thức đúng đắn về ý nghĩa to lớn của Hiệp định Paris cũng như bản chất của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đã tranh thủ những điều kiện thuận lợi của vùng đô thị vốn là trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn, vừa là trung tâm thông tin của miền Nam để tiến hành đấu tranh với nhiều nội dung cụ thể.

Các hình thức chào mừng Hiệp định Paris

Để chào mừng Hiệp định Paris được ký kết, nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định đã chỉ ra và phổ biến những ý nghĩa lớn lao của Hiệp định đến quần chúng rộng rãi. Các hoạt động này được thực hiện một cách linh động tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của từng giới, từng tầng lớp nhằm tránh sự khủng bố của chính quyền Sài Gòn.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất từ rất sớm đã có những hoạt động nhằm giúp tăng ni, Phật tử và quần chúng hiểu về nội dung và chuẩn bị tâm thế đón chào Hiệp định như: Ngày 25-1-1973, 2 ngày trước khi Hiệp định Paris được ký kết, ra Thông bạch đặc biệt về tin ngừng bắn tại Việt Nam; Ngày 30-1-1973, ra Thông bạch số 89 và 90 gửi tăng ni, Phật tử về những việc cần làm sau khi ngừng bắn và thành lập Ủy ban tái thiết và cứu trợ do hòa thượng Thích Thiện Hòa làm chủ tịch.

Các tổ chức quần chúng ở đô thị Sài Gòn - Gia Định cũng có những hoạt động phù hợp để khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hiệp định Paris đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam. Ngày 5-10-1973, tại buổi họp báo được tổ chức tại nhà hàng Continental, bà Ngô Bá Thành, Chủ tịch Phong trào phụ nữ đòi quyền sống đã đọc diễn văn, khẳng định lập trường của phong trào này đối với Hiệp định Paris: “Phong trào phụ nữ đòi quyền sống hân hoan chào mừng sự ký kết Hiệp định Ba Lê ngày 27 tháng 1, 1973, như một thành công lớn lao, đánh dấu một thành tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam nói chung, của Phong trào phụ nữ Việt Nam đòi quyền sống nói riêng, và chúng ta có quyền hãnh diện, và chúng ta có bổn phận ý thức toàn diện bảo tồn ý nghĩa đích thực của cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân, mà Hiệp định Ba Lê 1973, 19 năm sau Hiệp định Genève 1954, đã công khai ghi phần thắng lợi vẻ vang, đặc biệt là qua sự long trọng cam kết của Hoa Kỳ, như một bảo đảm không thể không có giá trị, của một cường quốc đã không chịu ký kết Hiệp định Genève.....” 5 . Ngày 20-1-1974, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris do Luật sư Trần Ngọc Liễng làm Chủ tịch ra mắt. Ngày 10-11-1974, Đại hội đại biểu toàn quốc của Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris tổ chức tại chùa Quảng Hương (Gò Vấp, Gia Định). Diễn văn khai mạc đại hội đã nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của Hiệp định Paris, xem đây là một thắng lợi vô cùng vẻ vang của nhân dân Việt Nam nói chung, bất kể là những người sống ở miền đất nào trên giải đất này vì “toàn thể các binh lính ngoại quốc còn chiếm đóng tại miền Nam Việt Nam đã bó buộc phải rời bỏ phần đất này trong sự cam kết là sẽ không còn dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Hơn thế nữa, tất cả những điều đó còn được củng cố bằng sự ghi nhận và tán thành bởi tất cả các cường quốc hiện nay của thế giới đang nắm giữ Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc”. Đồng thời, diễn văn đã đánh giá Hiệp định Paris là một văn kiện hết sức quan trọng đối với nhân dân Việt Nam, bởi vì “Hiệp định đã tạo ra cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết vấn đề nội bộ của mình, thể chế chính trị tương lai của mình mà không có sự áp đặt của nước ngoài. Quan trọng vì Hiệp định đã mang lại nhiều viễn ảnh rực rỡ về một miền Nam Việt Nam hòa bình, hòa hợp, chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh, tiến đến xây dựng và từng bước thực hiện thống nhất tổ quốc, phù hợp với nguyện vọng của 40 triệu người Việt ở cả hai miền Nam – Bắc Việt Nam” [ 6 , tr.7].

Trên báo chí đối lập, nhiều bài viết phân tích chi tiết về ý nghĩa của Hiệp định Paris đã được đăng tải. Bài viết “Những vi phạm Hiệp định Paris” của Hồ Ngọc Nhuận đã trình bày thấu đáo những ý nghĩa to lớn của Hiệp định đối với dân tộc Việt Nam: “ - Hiệp định Ba lê buộc Hoa Kỳ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Đây là một thắng lợi căn bản mà nhân dân ta đã lấy lại được trên tay Hoa Kỳ, sau khi đã lấy được trên tay người Pháp lần thứ nhất cách đây 18 năm, với Hiệp định Genève 1954. - Mặc nhiên thừa nhận cho những người Việt võ trang miền Bắc quyền ở lại miền Nam Việt Nam. - Đặt miền Nam Việt Nam tạm thời dưới chế độ hai quân đội, hai chính phủ, hai vùng kiểm soát. - Hợp pháp hóa công thức ba thành phần với việc thiết lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc, gồm ba lực lượng chính trị ngang nhau, từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở quốc gia. - Bảo đảm các quyền tự do, dân chủ căn bản mà từ lâu chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã bãi bỏ tại Sài Gòn. Và như vậy nghĩa là dân chúng được tự do thương lượng giữa hai vùng kiểm soát. Và như vậy nghĩa là dự liệu một sự tan rã hoàn toàn của hàng ngũ Thiệu từ quân đội đến dân chúng” [ 7 , tr.7]. Bài viết “Chúng ta đang đi về đâu” của Linh mục Nguyễn Ngọc Lan khẳng định: “Hiệp định Ba lê là thăng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam. Đó là thắng lợi của con người trước vũ lực, đó là thắng lợi của nhược tiểu quốc trước đế quốc” và tin tưởng những thế lực đang cản trở việc thi hành Hiệp định sẽ thất bại “những kẻ lội ngược dòng lích sử, chống lại nguyện vọng của cả dân tộc mình rồi sẽ bị đào thải” [ 4 , tr.57]. Ngày 27-1-1975, kỷ niệm 2 năm ngày ký Hiệp định Paris, Giáo sư Lý Chánh Trung đã tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của Hiệp định trong bài viết “Ngày lịch sử” trên báo Điện Tín, tác giả đã lý giải ý nghĩa là Mỹ buộc phải thú nhận trước thế giới “sự thất bại chua cay của cái chính sách can thiệp mà mình đã theo đuổi liên tục tại miền Nam Việt Nam suốt một phần tư thế kỷ, qua bốn trào Tổng thống”. Tác giả một lần nữa xem Hiệp định Paris là một thắng lợi lớn của cả dân tộc Việt Nam: “Hiệp định Paris là một văn kiện lịch sử trọng đại không những của thời này mà của muôn đời về sau” [ 8 , tr.4].

Việc nêu cao giá trị lịch sử của Hiệp định Paris của nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định đã góp phần làm thất bại chính sách bưng bít và xuyên tạc Hiệp định của chính quyền Sài Gòn, phổ biến Hiệp định rộng rãi hơn trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, những vấn đề cốt lõi về ý nghĩa của Hiệp định Paris đã được phân tích thấu đáo, từ việc các nước lớn trong đó có Mỹ phải công nhận độc lập và chủ quyền của Việt Nam, đến việc quân Mỹ và đồng minh buộc phải rút khỏi miền Nam trong khi quân đội miền Bắc vẫn ở lại, việc công nhận ba thành phần trong Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc, ba lực lượng chính trị, các quyền tự do, dân chủ ở miền Nam,... Điều này góp phần tạo tiền đề cho các phong trào đấu tranh khác đòi thi hành Hiệp định Paris.

Tố cáo và lên án các hành động vi phạm Hiệp định của chính quyền Sài Gòn

Bên cạnh việc nêu bật ý nghĩa của Hiệp định Paris, nhân dân Sài Gòn - Gia Định cũng đồng thời có nhiều hình thức lên án, tố cáo các hành động vi phạm Hiệp định Paris của chính quyền VNCH.

Sử dụng báo chí Sài Gòn để vạch trần hành động vi phạm Hiệp định Paris của chính quyền VNCH là một hình thức đấu tranh hữu hiệu. Lên án việc chính quyền này bưng bít thông tin về Hiệp định Paris, Tạp chí Đối diện viết: “trong khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam liên tục phổ biến toàn thể toàn văn Hiệp định bằng mọi phương tiện thông tin của mình, còn một đàng thì bưng bít, hạn chế và không ngớt xuyên tạc. Cho đến nay nếu có người Việt Nam nào, một cách trung thực biết rõ nội dung Hiệp định Ba lê thì đó không phải nhờ vào thiện chí của phía VNCH” [ 7 , tr.7] . Cựu dân biểu Hồ Ngọc Nhuận còn chỉ ra hàng loạt các hành động vi phạm Hiệp định như vi phạm lệnh ngừng bắn, gây trở ngại trong việc kiểm soát thi hành Hiệp định,.... 7 . Linh mục Nguyễn Ngọc Lan nhấn mạnh thêm về các hành động ngăn cản hoạt động của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ủy ban liên hợp quân sự như việc chính quyền VNCH đã trì hoãn trong nhiều tháng không cho tiếp xúc với báo chí, không cho các thành viên của đoàn tự do đi lại và tiếp xúc với dân chúng, vẫn đặt trụ sở của Ban Liên hợp trong vòng thành của phi trường Tân Sơn Nhất thuộc tỉnh Gia Định thay vì tại Sài Gòn như Hiệp định bắt buộc, VNCH đã liên tiếp tổ chức nhiều cuộc biểu tình tấn công thành viên và đập phá trụ sở của Ban liên hợp tại nhiều địa phương kể cả tại Sài Gòn 4 .

Các tổ chức quần chúng ở Sài Gòn - Gia Định cũng lên án những vi phạm Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn bằng nhiều cách khác nhau. Ngày 1-9-1974, trước những hành động đàn áp báo chí, Hội Văn Bút ra Tuyên ngôn lên án: “Các biện pháp tịch thu bừa bãi, kiểm duyệt theo lối tự ý đục bỏ, ký quỹ một số tiền lớn với lãi suất quá thấp không những sẽ xô đẩy Hòa Bình (tên tờ nhật báo bí đóng cửa cuối năm 1974-TG) đến chỗ đình bản mà còn đe dọa giết chết những tờ báo như Điện tín, Đại Dân tộc, Chính Luận, Công Luận, Sóng Thần…” [ 9 , tr.21].

Ngày 20-10-1974 , Ủy ban cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam đã ra Lời kêu gọi khẩn thiết , trong đó tố cáo những vi phạm Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn trong việc đối xử với tù chính trị ở miền Nam Việt Nam. Lời kêu gọi đã vạch rõ những hành động của chính quyền Sài Gòn như đối xử tàn tệ với tù chính trị, tìm cách chuyển án tù chính trị sang thường phạm để không thả tù chính trị, lấy cớ đưa đi trao trả nhưng thực chất là chuyển chỗ giam giữ hoặc buộc tù chính trị đi lính,… 10 Ngày 26-1-1975, linh mục Chân Tín Chủ tịch Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù tại miền Nam Việt Nam tiếp tục đọc Diễn văn tố cáo những thủ đoạn của chính quyền Sài Gòn sử dụng để trốn tránh việc trả tự do cho tù chính trị.

Ngày 24-10-1974, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris đã gửi thư lên chính phủ VNCH, lên án sự vi phạm Hiệp định của chính quyền này: “Cuộc ngưng bắn đã có hiệu lực từ 24 giờ ngày 27-1-1973 và việc Quý vị vẫn tiếp tục duy trì những luật lệ phản dân chủ như hiện nay là bất hợp pháp và là một sự vi phạm nghiêm trọng tới bản Hiệp định này” [ 11 , tr.102]. Ngày 10-1-1975, Tổ chức này cũng gửi thư đến Phong trào vận động hòa bình Đông Dương tại Washington DC lên án chính quyền Sài Gòn là “Chính quyền quân phiệt, độc tài, hiếu chiến và tham nhũng, dưới sự chỉ huy, đôn đốc và giúp đỡ trực tiếp cùng gián tiếp của chính phủ Hoa Kỳ đã viện dẫn mọi lí do bất chánh và ngụy tạo để trì hoãn và ra sức phá hoại một cách công khai và có hệ thống việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam… chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không có khả năng và đầy đủ uy tín để thi hành Hiệp định Pari bởi vì chính quyền này chỉ kềm kịp dân chúng, đàn áp đối lập và kéo dài chiến tranh mà thôi ” [ 12 , tr.9].

Các hoạt động tố cáo và lên án sự vi phạm Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn đã diễn ra dưới nhiều hình thức và có tác động lớn đến dư luận trong và ngoài nước, góp phần làm suy yếu chính quyền này về mặt chính trị.

Đấu tranh đòi trả tự do cho tù chính trị

Hiệp định Paris quy định trong thời hạn 60 ngày các bên sẽ trao trả nhân viên quân sự và dân sự bị bắt. Tuy nhiên, đến tháng 3-1974, chính quyền Sài Gòn chỉ trao trả hơn 30 ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị bắt và được gọi là ‘tù binh Cộng sản”, còn hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ và quần chúng yêu nước bị bắt vì đấu tranh đòi hòa bình, tự do, dân chủ vẫn bị giam cầm trong các nhà tù được gọi là Trung tâm cải huấn. Do đó, đấu tranh đòi trả tự do cho tù chính trị đã diễn ra mạnh mẽ ở đô thị Sài Gòn - Gia Định.

Trước hết, nhiều cá nhân, tổ chức đã lên tiếng đòi chính quyền VNCH phải trả tự do cho tất cả tù chính trị, không chỉ có những người trong hàng ngũ quân đội cách mạng bị bắt mà còn cả những người bị bắt vì tham gia đấu tranh chính trị chống chính quyền Sài Gòn. Ngày 16-5-1973, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu phát biểu trước Thượng viện đòi hỏi “trả tự do cho tất cả những người hiện còn bị giam cầm vì đã tranh đấu đòi một quốc gia hợp hiến” [ 13 , tr.261]. Ngày 4-6-1973, Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố yêu cầu chính quyền Nguyễn Văn Thiệu “trả tự do tức khắc cho các tù nhân chính trị và hủy bỏ mọi sắc luật và mọi biện pháp xúc phạm đến quyền tự do căn bản của con người, những gì ngược lại với Điều 11 của Hiệp định Ba Lê” [ 13 , tr.262].

Ngày 10-10-1973, một cuộc họp báo dưới danh nghĩa một buổi cúng rằm đã được ni sư Huỳnh Liên tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Phương (Gò Vấp) với sự tham dự của các trí thức như bà Ngô Bá Thành, ông Đặng Văn Ký, bà Nguyễn Long, cùng đại diện bạn hàng các chợ Bà Chiểu, Cây Thị, các hội viên của Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, đại diện một số tờ báo trong nước và hãng thông tấn UPI, Reute, đài VOA. Tại cuộc họp báo, bà Ngô Bá Thành đã phát biểu đòi chính quyền Sài Gòn phải thực thi nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, đòi trả tự do cho những người bị bắt do hoạt động chính trị như sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, luật sư Nguyễn Long, dân biểu Trần Ngọc Châu 14 .

Ngày 20-10-1974 , tại cuộc mitting ở Bàn Cờ, Ngã Bảy, Sài Gòn, Ủy ban cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam đã ra “Lời kêu gọi khẩn thiết” , trong đó tố cáo những vi phạm Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn trong việc đối xử với tù chính trị ở miền Nam Việt Nam. Lời kêu gọi đã vạch rõ những hành động của chính quyền Sài Gòn như đối xử tàn tệ với tù chính trị, tìm cách chuyển án tù chính trị sang thường phạm để không thả tù chính trị, lấy cớ đưa đi trao trả nhưng thực chất là chuyển chỗ giam giữ hoặc buộc tù chính trị đi lính,… Đồng thời, Ủy ban cũng kêu gọi sự hưởng ứng của đồng bào các giới nhằm đấu tranh đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu “Thi hành nghiên chỉnh Hiệp định Paris; Chấm dứt mọi cuộc khủng bố, đe dọa, khủng bố bắt bớ; Trả tự do tức khắc vô điều kiện tất cả tù chính trị; Chấm dứt mọi hình thức cưỡng bách tù chính trị nhập ngũ, chiêu hồi hoặc cải tội danh,…” [ 10 , tr.11].

Được sự hỗ trợ của quần chúng bên ngoài, các tù chính trị đang bị giam giữ không chỉ đấu tranh chống đàn áp, khủng bố trong nhà tù mà còn gửi kiến nghị lên nhiều cơ quan, tổ chức tố cáo chính quyền VNCH vi phạm Hiệp định Paris và đòi được trả tự do. Ngày 23-11-1974, 305 tù nhân chính trị tại nhà lao Chí Hòa đã viết thư gửi Ủy ban Quốc tế kiểm sát và giám sát, Ban Liên hợp Quân sự hai bên, Ủy ban cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, tố cáo chế độ lao tù hà khắc và sự khủng bố tù nhân tiếp diễn từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Bức thư đã cho biết: Đầu tháng 10-1974, 462 tù nhân bị giam giữ ở nhà lao Chí Hòa đã đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn và thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris về tù chính trị. Tuy nhiên, những yêu cầu của họ không những không được giải quyết mà ngày 13-10-1974, một cuộc đàn áp tù nhân tại phòng 2D khu ED bằng dùi cui, gậy sắt, lựu đạn cay, phi tiễn đã làm hàng chục người bị thương, 13 người mất tích. Không dừng lại ở đó, đêm 22-11-1974, lấy lý do “trả tự do”, 135 tù nhân chính trị tham gia cuộc đấu tranh đầu tháng 10 tiếp tục bị đưa đi nơi khác. Một số tù nhân chính trị từng bị giam giữ ở Côn Đảo mới được đưa về Chí Hòa bị buộc đi lính, họ đấu tranh chống lại cũng bị bắt đi mất tích. Trong thư, các tù nhân chính trị đề nghị các cơ quan can thiệp “ngăn chặn bàn tay tội ác của chính quyền Mỹ và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu đối với tù nhân chính trị” và yêu cầu chính quyền Sài Gòn “phải đình chỉ tức khắc mọi hành động đàn áp, khủng bố, trả thù, đưa đi mất tích nhằm ám hại tù chính trị, chính quyền phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính mạng của 135 tù chính trị bị bắt đi một cách mờ ám đêm 22-11-1974, phải trao trả nhân viên dân sự của chính phủ Cách mạng lâm thời về với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trả tự do vô điều kiện cho học sinh, sinh viên, các thành phần chính trị đối lập khác đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ, hòa giải hòa hợp dân tộc còn đang bị giam giữ” 15 .

Nhân dịp Giáng sinh năm 1974, 15 sinh viên đang bị giam giữ tại nhà lao Chí Hòa đã gửi thư lên Giáo hoàng Paolo IV tố cáo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vi phạm Hiệp định Paris khi tiếp tục giam giữ hàng trăm ngàn tù chính trị, đày ải, ngược đãi, giết hại những người đòi tự do, dân chủ, nhiều lần lên tiếng phủ nhận, đe dọa ám hại thành phần thứ ba được Hiệp định Paris thừa nhận 16 .

Trước tình trạng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vi phạm quy định của Hiệp định Paris trong việc giam giữ tù chính trị, Ủy ban Phật giáo vận động đòi phóng thích tù nhân đã được thành lập do Thượng tọa Pháp Lan làm Chủ tịch (ngày 28-3-1973). Ủy ban đã gửi Khán thư lên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, chỉ ra những vi phạm Hiệp định của chính quyền này trong vấn đề tù chính trị “... Việc trao trả tù chính trị, và đối xử với họ đã được dự liệu trong điều 7a và 8b của Nghị định thư của Hiệp định, đã không được Tổng thống và quý cơ quan Chính phủ tôn trọng mà ngược lại, sau ngày Hiệp định, những tình trạng bắt bớ vẫn còn tiếp diễn trầm trọng và tinh vi nhất là sau các cuộc biểu tình ngày 10 và 20-10-1974, giam cầm khắc nghiệt, đàn áp dã man đã diễn ra khắp các lao tù miền Nam Việt Nam.... Nhất là vụ đàn áp 300 tu sĩ Phật giáo vào ngày 26-5-1974 tại nhà tù Chí Hòa và vô số các cuộc đàn áp khác tại nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Thủ Đức, Tân Hiệp..., chuyển đổi tù chính trị thành thường phạm, cưỡng bách nhập ngũ, chiêu hồi....” Cuối cùng, Khán thư yêu cầu chính quyền phải trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện đối với tù chính trị và “thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình và bảo đảm các quyền tự do dân chủ” 17 .

Hoạt động đấu tranh đòi trả tự do cho tù chính trị ở đô thị Sài Gòn - Gia Định một mặt đã tố cáo những âm mưu và thủ đoạn đối xử với tù chính trị của chính quyền VNCH, vi phạm nghiêm trọng các quy định về trao trả nhân viên các bên bị bắt theo Hiệp định Paris. Mặt khác, góp phần bảo vệ quần chúng cách mạng đang bị giam giữ sau những cuộc đấu tranh chính trị chống chính quyền Sài Gòn.

Đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, xã hội miền Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt. Nền kinh tế bị suy giảm bởi gánh nặng chiến tranh kéo dài, bởi tình trạng tham nhũng tràn lan và việc rút quân đội nước ngoài kéo theo các ngành kinh tế ăn theo bị cắt giảm. Tình trạng kinh tế khủng hoảng tới mức tại nhiều vùng đô thị, kể cả Sài Gòn, nạn đói đã diễn ra. Trong khi đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hiếu chiến, bóp nghẹt các quyền tự do, dân chủ trái với quy định của Hiệp định Paris. Do đó, một trong những nội dung nổi bật trong phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris là đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Dựa trên pháp lý của Hiệp định Paris, công nhân lao động Sài Gòn - Gia Định đã đẩy mạnh phong trào chống sa thải, đòi tăng lương. Từ tháng 3 đến tháng 5-1973, công nhân các hãng dầu Shell, Esso, Caltex đấu tranh đòi tăng lương, chống khủng bố, bắt lính, đòi tự do dân chủ. Cuộc đấu tranh của công nhân hỏa xa đòi cải thiện điều kiện sống vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, công nhân hỏa xa đã thể hiện rõ tính chất đấu tranh chính trị, khi đã liên kết được tất cả 11 ty trong toàn ngành hỏa xa từ Sài Gòn đến Đà Nẵng và vận động được sự ủng hộ của Ban Giám đốc hỏa xa, các nghị sĩ, dân biểu đối lập, vận động được hai tiểu đoàn lính Sài Gòn không tham gia trận càn vào vùng giải phóng trên danh nghĩa là tu sửa đường sắt [ 18 , tr.280].

Từ tháng 7-1973, phong trào đấu tranh chống thuế TVA (giá trị gia tăng) diễn ra khắp các chợ, nghiệp đoàn vận tải, lan rộng ra 150 nghiệp đoàn ở Đô thành, buộc chính quyền Sài Gòn phải giảm thuế TVA. Phong trào chống sa thải lên cao hầu khắp các xí nghiệp, cùng với đó là phong trào hạ giá hàng, giá thuê xe. Nhiều nghiệp đoàn cơ sở đã thành lập các ủy ban chống sa thải. Ngày 26-9-1974, Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động được thành lập do Ban Công vận Thành ủy trực tiếp chỉ đạo. Bản Tuyên cáo ra mắt của Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động đã lên án thực trạng đời sống của người lao động như nạn thất nghiệp gia tăng, chủ nhân đua nhau sa thải công nhân như tại Foremost, Shell, hỏa xa, các hãng thầu khoán; Tình trạng công nhân bị cấm đình công, lãn công, các nghiệp đoàn tiến bộ bị cấm hoạt động, các nhân viên Ban chấp hành nghiệp đoàn và đại biểu công nhân bị sa thải, đánh đập như tại Essco, Shell, nhà thương Grall, cơ quan DAO của Mỹ; Nạn đuổi chợ, dồn chợ làm tiểu thương cụt vốn, đập bể nồi gạo của anh em xe lam; Cai thầu tìm mọi cách bóc lột lao động khuân vác như bãi Lê Quang Liêm, thương cảng Sài Gòn, quân cảng Vũng Tàu; Trong lĩnh vực xuất bản, lợi dụng sắc luật 007 nhiều nhân viên hữu trách đã chèn ép, tịch thu báo chí gây thiệt hại cho giới chủ báo và đời sống của giới ký giả, công nhân nhà in. Thực trạng cùng quẫn khiến cho nhiều công nhân không tìm được lối thoát, nhiều người phải tìm đến cái chết 19 . Tuyên cáo nêu rõ mục đích của Ủy ban là “Bênh vực công nhân trong việc cá nhân hoặc cộng đồng phân tranh trên công bằng và hợp lý; Hỗ trợ anh chị em lao động trong cuộc tranh chấp quyền lợi chính đáng của mình; Động viên tinh thần đoàn kết giữa công nhân lao động với các giới đồng bào không phân biệt tôn giáo, chính kiến, hóa giải bất công, hòa hợp dân tộc cùng trách nhiệm chung trong hiện tình đất nước và tương lai xứ sở”. Tuyên cáo cũng kêu gọi “tất cả anh chị em công nhân trong các hệ thống nghiệp đoàn cũng như ngoài nghiệp đoàn, anh chị em lao động các ngành, chị em buôn gánh bán bưng hãy cùng đoàn kết lại để bảo vệ quyền lợi của mình: quyền có việc làm, có đủ cơm ăn áo mặc, nhà ở, thuốc uống, trường học,...; Quyền tự do làm người, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do nghiệp đoàn, tự do tín ngưỡng và tư tưởng” [ 19 , tr.97]. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động đã quy tụ được gần 30 tổ chức nghiệp đoàn, liên đoàn, tổng liên đoàn với một ban cố vấn 20 người thuộc nhiều tầng lớp như dân biểu đối lập, luật sư, linh mục, ni sư, trở thành một trung tâm nghiệp đoàn công khai mới tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Ngày 20-10-1974, Ủy ban đã đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn ở trung tâm Sài Gòn. Đoàn biểu tình tập trung tại Ngã Bảy, kéo ra bùng binh Sài Gòn và trụ sở Hạ viện, hô vang các khẩu hiểu đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đòi thực thi Hiệp định Paris, đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Đây là cuộc đấu tranh lớn nhất của công nhân lao động Sài Gòn - Gia Định từ sau Hiệp định Paris [ 18 , tr.282].

Bên cạnh phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của công nhân lao động, phong trào đấu tranh đòi tự do báo chí cũng lên cao nhằm phản đối chính sách đàn áp báo chí của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Phong trào đặc biệt mạnh mẽ từ tháng 9-1974 khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đóng cửa hàng loạt tờ báo.

Ngày 5-9-1974, Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt gửi Điện khẩn lên Liên đoàn ký giả quốc tế Bruxelles tố cáo “chính quyền VNCH đang thi hành một chính sách khắc nghiệt: bóp nghẹt mọi tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhiều ký giả bị bắt, một số khác đang bị hăm dọa. Các đoàn thể chính trị, tôn giáo, báo chí đều căm phẫn. Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt phát động phong trào bảo vệ quyền tự do báo chí. Khẩn cấp yêu cầu Liên đoàn tích cực ủng hộ cuộc tranh đấu của báo chí và ký giả Việt Nam” [ 20 , tr.25].

Ngày 6-9-1974, Ủy ban tranh đấu đòi quyền tự do báo chí và xuất bản tuyên bố thành lập, Ban Thường vụ Ủy ban đã ra Quyết nghị số 1 tuyên bố “Tích cực đấu tranh đòi quyền tự do báo chí và xuất bản; Đòi hỏi chính quyền hiện hữu phải thu hồi tất cả các luật lệ bóp nghẹt quyền tự do báo chí và xuất bản, dẹp bỏ mọi hành động đàn áp báo chí, khủng bố anh chị em ký giả và văn nghệ sĩ; Vạch trần mọi âm mưu đang được nhà cầm quyền toan tính lừa gạt dư luận bằng cách tu chỉnh luật 019/69 lấy lệ và sắc luật 007 ấn định quy chế báo chí” [ 21 , tr.24]. Chiều ngày 13-9-1974, Ủy ban đòi quyền tự do báo chí và xuất bản tổ chức Hội thảo, sau đó đã tiến hành đốt tượng trưng Sắc luật 007 và Sắc luật 019/69.

Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh đòi quyền tự do báo chí là sự kiện “Ngày ký giả đi ăn mày” tại Sài Gòn. Ngày 4-10-1974, ba tổ chức báo chí gồm Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam và Hội ái hữu ký giả đã họp và ra Thông báo về việc tổ chức Ngày ký giả đi ăn mày. Theo kế hoạch, sáng ngày 10-10-1974, ba nghiệp đoàn báo chí tổ chức Hội thảo tại Câu lạc bộ báo chí (số 15, đường Lê Lợi). Sau đó, 9 giờ sáng, cuộc biểu tình của giới ký giả bắt đầu. Đoàn ký giả xếp hàng với bị, gậy trong tay, dẫn đầu là các ký giả lớn tuổi. Trên đường Lê Lợi, cảnh sát Sài Gòn đã được bố trí đông đảo bao vây sẵn sàng đàn áp. Tuy nhiên, sau lớp cảnh sát với khí giới trong tay là hàng hàng lớp lớp đồng bào Sài Gòn đổ ra khắp đường Nguyễn Huệ đến đường Lê Lợi sẵn sàng hỗ trợ anh em ký giả. Khi đoàn ký giả tiến lên thì các hàng rào cảnh sát trước Câu lạc bộ báo chí, trước cổng Hạ viện Sài Gòn, trước đường Nguyễn Huệ phải giãn dần ra. Quần chúng hai bên đường Nguyễn Huệ tạo thành một đoàn biểu tình đông đảo kéo dài suốt đại lộ Nguyễn Huệ đến quảng trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành. Giáo sư, ký giả Lý Chánh Trung giải thích: “Đồng bào đi theo ký giả, chắc không chỉ để đòi hủy bỏ sắc luật 007, nguyên nhân sự đói khổ tủi nhục của anh em. Đồng bào đi theo anh em vì tình cảnh anh em cũng là tình cảnh chung của đồng bào, vì những đòi hỏi của anh em nằm trong đòi hỏi chung của đồng bào: công lý, tự do, cơm áo, hòa bình. Báo chí, tự nó, không bao giờ là sức mạnh” 22 . Sự kiện Ngày ký giả ăn mày là một hình thức đấu tranh sáng tạo của giới ký giả Sài Gòn, có tác động lớn đến dư luận trong và ngoài nước, lên án mạnh mẽ chính sách bóp nghẹt quyền tự do báo chí chí của chính quyền Sài Gòn. Hàng Thông tấn Mỹ UPI nhận định: “Đây là cuộc biểu tính chống chính phủ Sài Gòn lớn nhất trong vòng 7 năm qua”, còn hãng Reuter đánh giá “Cuộc biểu tình đã diễn ra ở trung tâm Sài Gòn và đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ khi có các cuộc chống đối bắt đầu cách đây bốn tuần lễ. Khoảng 500 cảnh sát cố chặn đoàn biểu tình nhưng bị tràn ngập” [ 23 , tr.881].

Có thể nhận thấy rằng đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ là nội dung quy tụ mọi tầng lớp nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định và cũng là nội dung có sự liên kết chặt chẽ giữa các giới, các tầng lớp, tạo điều kiện để đoàn kết nhân dân thành một một mặt trận rộng rãi đấu tranh chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Đấu tranh đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu

Nhận thức rõ chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu là một chính quyền hiếu chiến và “còn Thiệu là còn chiến tranh”, các tầng lớp nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định đã công khai đấu tranh đòi lật đổ chính quyền này.

Từ giữa năm 1974, phong trào chống tham nhũng do các linh mục Công giáo khởi xướng phát triển mạnh tại đô thị Sài Gòn. Ngày 18-6-1974, các linh mục đã tổ chức một cuộc họp báo tại nhà thờ Tân Sa Châu (tỉnh Gia Định) để phổ biến Tuyên ngôn của 301 linh mục ở miền Nam chống tham nhũng, bất công và tệ đoan xã hội. Tham dự cuộc họp báo có 50 nghị sĩ, dân biểu, nhân sĩ. Nội dung Tuyên ngôn đã nêu lên tình trạng tham nhũng trầm trọng trong bộ máy nhà nước, đẩy cuộc sống của người dân đến tình trạng khốn cùng. Ngày 20-9-1974, các báo Điện Tín, Đại Dân tộc, Sóng Thần đăng bản Cáo trạng số 1 của Phong trào nhân dân chống tham nhũng lên án các tội tham nhũng của Nguyễn Văn Thiệu và phe cánh của ông ta. Việc phổ biến bản Cáo trạng đã làm giảm uy tín của Nguyễn Văn Thiệu hơn bao giờ hết. Để đối phó dư luận, ngày 1-10-1974, Nguyễn Văn Thiệu phát biểu trên truyền hình thanh minh và hứa tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Khi đề cập đến uy tín của bản thân ông và chính quyền do ông đứng đầu, Nguyễn Văn Thiệu nói: “Nếu toàn quân và toàn dân không còn tín nhiệm tôi nữa xin cứ cho tôi biết” [ 24 , tr.105]. Đáp lại bài phát biểu này, nhiều cá nhân, tổ chức đã bày tỏ thái độ dứt khoát.

Ngày 3-10-1974, một nhóm dân biểu, nghị sĩ đã họp báo phổ biến tài liệu, nhấn mạnh: “Chúng tôi đòi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức trước báo chí... Chánh phủ của ông Thiệu do cuộc độc diễn gian lận bầu ra năm 1971 tạo ra, không đại diện cho ai ngoài gia đình và bè phái của ông; nay muốn tồn tại chỉ còn biết dựa vào thế lực của ngoại bang và biện pháp bắt bớ, đàn áp dân chúng... Còn ông Nguyễn Văn Thiệu là còn tham nhũng, còn độc tài, nhân dân còn đói khổ, chiến tranh còn tiếp diễn và dân tộc sẽ diệt vong. Nên chúng tôi nhân danh những người Việt Nam muốn chấm dứt chiến tranh, tạo lập hòa bình và thực hiện hòa giải hòa hợp đồng thanh đòi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức để nhân dân Việt Nam được tự do thực hiện quyền dân tộc tự quyết thành lập một chánh quyền có bản chất tự do trong sạch, thực hiện bằng được hòa giải, hòa hợp dân tộc trên căn bản Hiệp định Ba Lê ngày 27-1-1973” [ 3 , tr. 298]. Cùng ngày, Lực lượng hòa giải dân tộc ra Tuyên cáo số 4 tuyên bố: “Trung tướng Nguyễn Văn thiệu hay bất cứ ai tự xét thấy mình trở ngại cho công cuộc hòa giải dân tộc thì vì quyền lợi chung của xứ sở hãy nên tự xử bằng cách từ chức” [ 25 , tr.102]. Ngày 9-10-1974, tại một cuộc họp báo do các dân biểu thuộc Khối Xã hội tổ chức bí mật ngay tại tiền sảnh trụ sở Hạ viện Sài Gòn, một số quân nhân đã trưng biểu ngữ đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Ngày 21-9-1974, Mặt trận nhân dân cứu đói tuyên bố thành lập tại Niệm Phật đường Quảng Hương (Gò Vấp, Gia Định) do Đại đức Thích Hiển Pháp làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch là linh mục Phan Khắc Từ. Tham dự buổi ra mắt có khoảng 5.000 người gồm nhiều tầng lớp đến từ nhiều tổ chức chính trị, tôn giáo như Ni sư Huỳnh Liên, các dân biểu Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Lý Chánh Trung, luật sư Ngô Bá Thành,... Diễn văn của Đại đức Hiển Pháp tại lễ ra mắt nhấn mạnh tình trạng đói khổ, khốn quẩn của nhân dân do sự tàn phá, hủy diệt của bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ, do nạn tham nhũng và chính sách thuế khóa của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu... Mặt trận công bố Tuyên ngôn khảng định chính quyền Sài Gòn tham nhũng, lệ thuộc ngoại bang, là nguyên nhân của “một tai họa khủng khiếp chưa từng thấy kể từ sau nạn đói năm Ất Dậu” [ 26 , tr. 85] . Tại lễ ra mắt, dân biểu Kiều Mộng Thu đã tự trích máu viết thư đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức 27 . Để minh định cho lập trường của Mặt trận nhân dân cứu đói, Đại đức Thích Hiển Pháp, Chủ tịch Mặt trận đã có bài viết “Chống đói là chống Mỹ và tay sai” đăng trên Tạp chí Đứng dậy số 62, tháng 10-1974, lên án chính quyền Nguyễn Văn Thiệu gây ra nạn đói và chính quyền này “sinh ra và tồn tại nhờ chiến tranh nên trong bản chất đã là một chính quyền hiếu chiến và sợ hòa bình, nếu có hòa bình thì TYĐB (Nguyễn Văn Thiệu - TG) phải ra đi nên nỗ lực phá vỡ Hiệp định Pa-ri, tiếp tục giành dân, lấn đất”. Bài báo kết luận “Mỹ và chính quyền tay sai phải chịu trách nhiệm với nạn đói năm 1974-1975” và “Yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và các quốc gia bảo đảm việc thi hành Hiệp định Pa-ri tại Nam Việt Nam, khẩn cấp áp lực với chính phủ Hoa Kỳ” [ 28 , tr.21-22].

Ngày 10-1-1975, trong thư gửi Phong trào vận động hòa bình Đông Dương tại Washington DC, bên cạnh lên án chính quyền Sài Gòn là chính quyền quân phiệt, độc tài, hiếu chiến và tham nhũng, tay sai của Mỹ còn đang ra sức phá hoại một cách công khai và có hệ thống việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris cũng nhấn mạnh: “chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không có khả năng và đầy đủ uy tín để thi hành Hiệp định Paris” và “không còn đủ tư cách đại diện cho một thành phần chính trị nào tại Việt Nam” [ 12 , tr.9].

Ngày 1-2-1975, tại nhà thờ Tân Chí Linh (Gia Định), Phong trào nhân dân chống tham nhũng đã tổ chức mitting, công bố bản Cáo trạng chính trị đối với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khẳng định sau 8 năm ngồi ở ghế tổng thống, ông đã biến nền dân chủ miền Nam thành một chế độ độc tài chuyên chế, ông đã triền miên phạm toàn những trọng tội mà lịch sử và nhân dân không thể dung thứ. Trong đó, trọng tội đối với hòa bình là “Chiến tranh nếu làm cho nhân dân đau khổ lại là nguyên cớ cho ông Thiệu bấu víu, củng cố địa vị. Còn ông Thiệu không thể có hòa bình vì ông là sản phẩm của chiến tranh. Hòa bình là kẻ thù lớn nhất của ông... Ông Thiệu là kẻ thù của hòa bình, là chướng ngại vật trong việc xây dựng miền Nam dân chủ, tự do” [ 29 , tr. 105]. Ngày 2-2-1975, bản Cáo trạng chính trị được 9 nhật báo Sài Gòn đăng tải. Các báo này đã bị chính quyền Sài Gòn tịch thu đồng loạt, cảnh sát Sài Gòn còn khám xét các nhà in và bắt giam 18 ký giả ngay trong đêm 3-2-1975. Hội chủ báo Việt Nam đã ra Phản kháng 3/2, khẳng định “Đây là đọt đàn áp ác liệt nhất của nhà cầm quyền nhằm bóp nghẹt tiếng nói của dân chúng, và khủng bố trắng trợ các ký giả nhằm làm tê liệt các nhật báo đang xuất bản. Hội Chủ báo Việt Nam cực lực tố cáo hành động đàn áp khủng bố báo chí, ký giả của chính quyền, đòi chính quyền phải lập tức chấm dứt các hành vi phản dân chủ nói trên và tức khắc trả tự do cho các ký giả đã bị bắt giữ” 30 .

Ngày 20-3-1975, 10 đoàn thể quần chúng ở Sài Gòn bao gồm Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, Hội Khất sĩ ni giới Việt Nam, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Phong trào dân tộc tự quyết, Mặt trận nhân dân cứu đói, Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù, Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, Lực lượng đấu tranh đòi tự do báo chí và hòa bình, Lực lượng thanh niên tăng ni cứu đói đã đồng thanh ra Tuyên bố chung cho hòa bình, tự do, cơm áo. Trong đó nhấn mạnh guyên nhân hòa bình chưa được lập lại đó là do: “Đế quốc Mỹ chưa bỏ mộng xâm lăng, chưa chịu chấm dứt can thiệp vào nội bộ Việt Nam, còn nuôi dưỡng chính quyền tay sai hiếu chiến để tiếp tục chính sách Việt nam hóa chiến tranh hòng áp đặt chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Thiệu là chính quyền độc tài, tham nhũng, tay sai đắc lực của chủ thuyết Việt Nam hóa của Nixon. Ngày nào còn chính quyền là đế quốc Mỹ còn chỗ dựa để thực hiện chủ thuyết của họ...”. Do đó, các đoàn thể, các tổ chức kiến quyết đoàn kết đấu tranh đòi: - 1) Đế quốc Mỹ phải chấm dứt ngay mọi can thiệp vào miền Nam Việt Nam: Ngưng viện trợ tức khắc cho chính quyền hiếu chiến, tham nhũng Nguyễn Văn Thiệu. - 2) Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức ngay, giao quyền cho nhân dân tự chọn một chính phủ hòa bình có khả năng và thiện chí thi hành Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại miền Nam Việt Nam” [ 31 , tr. 2].

Cùng với phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, các phong trào đấu tranh đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ở đô thị Sài Gòn - Gia Định đã tạo nên làn sóng tấn công mạnh mẽ về chính trị đối với chính quyền Sài Gòn, cô lập chính quyền này hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, những thất bại có tính chất về chiến lược của quân đội Sài Gòn từ cuối năm 1974 đến đầu 1975 đã đẩy chính quyền Sài Gòn vào tình thế nguy ngập, tiếp tục sai lầm và thất bại trên lĩnh vực quân sự.

Một số nhận xét

Trước hết, có thể khẳng định rằng đô thị Sài Gòn - Gia Định là nơi có phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris rất nổi bật về hình thức, nội dung và tác động. Điều này trước hết có được nhờ những điều kiện thuận lợi của vùng đô thị này. Đây là vùng có phong trào đô thị mạnh mẽ từ các giai đoạn trước đó và đã hình thành những tổ chức quần chúng quy tụ rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, với lợi thế là một vùng trung tâm chính trị, thông tin lớn nhất của miền Nam, đô thị Sài Gòn - Gia Định là nơi hoạt động sôi nổi của các hãng thông tấn quốc tế, nhiều tờ báo đối lập, các nhóm chính trị đối lập trong quốc hội Sài Gòn. Tận dụng những điều kiện thuận lợi của vùng đô thị ày, các tầng lớp nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định đã vận dụng pháp lý của Hiệp định Paris, sử dụng nhiều hình thức khác nhau để đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn phải thực thi nghiêm túc các điều khoản Hiệp định. Bên cạnh hình thức tiêu biểu trong đấu tranh chính trị là biểu tình của quần chúng với những cuộc biểu tình được xem là lớn nhất trong nhiều năm qua như cuộc biểu tình của công nhân lao động ngày 20-10-1974, cuộc biểu tình ủng hộ ngày Ký giả ăn mày ngày 10-10-1974, thì các hình thức tổ chức họp báo có sự tham dự của các hãng thông tấn quốc tế, gửi văn thư lên các tổ chức trong nước và quốc tế, đấu tranh bằng báo chí đối lập cũng được nhân dân Sài Gòn - Gia Định sử dụng thường xuyên và tạo được ảnh hưởng rộng rãi trong và ngoài nước.

Nội dung đấu tranh tương đối toàn diện và bám sát những nhiệm vụ của phong trào cách mạng. Trong các hoạt động chào mừng Hiệp định Paris, đáng chú ý là những ý nghĩa lớn lao của Hiệp định Paris đã được phân tích thấu đáo và trình bày công khai trên báo chí, tại các cuộc họp báo. Đô thị Sài Gòn - Gia Định còn là nơi phát xuất hầu hết các nội dung đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris như đấu tranh đòi thả tù chính trị, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, từ đây các phong trào đã lan sang các vùng đô thị khác như Huế, Đà Nẵng. Không dừng lại ở từng nội dung cụ thể, phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris đã đi đến việc đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vì “còn Thiệu còn chiến tranh”, còn Nguyễn Văn Thiệu thì Hiệp định Paris không thể được thi hành, Việt Nam không thể có hòa bình và độc lập.

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, phong trào đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Paris ở vùng đô thị quan trọng nhất của miền Nam - Sài Gòn - Gia Định có vai trò rất quan trọng. Một mặt, phối hợp chặt chẽ với các hoạt động vũ trang chống lấn chiếm ở vùng nông thôn ven đô Sài Gòn - Gia Định, phong trào đã chĩa mũi nhọn vào chính quyền trung ương Sài Gòn, lên án và tố cáo bản chất hiếu chiến, tham nhũng, phi dân tộc, dân chủ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trước dư luận và khiến cho chính quyền này thường xuyên phải sử dụng một lực lượng quân đội, cảnh sát đáng kể ở đô thị Sài Gòn - Gia Định để đối phó với một phong trào diễn ra liên tục, dưới nhiều hình thức và ở nhiều cấp độ. Từ đó, phong trào trực tiếp làm chính quyền Nguyễn Văn Thiệu suy yếu rõ rệt về chính trị và gián tiếp làm suy giảm tiềm lực quân sự của chính quyền này, góp phần tạo ra thời cơ chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ từ cuối năm 1974. Một bài báo đương thời đã nhận xét về phong trào trong những tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975: “Phong trào nhân dân tại các đô thị miền Nam bùng dậy từ 3 tháng qua. Bùng dậy một cách sôi sục, mãnh liệt và dây chuyền theo vết dầu loang. Sự thoát thai lột xác của mọi khuynh hướng tôn giáo, chính trị, lao động, trí thức học đường đã nhanh đến nổi chính quyền miền Nam quá bối rối và làm liều...” [ 32 , tr. 41].

Bên cạnh đó, phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris ở đô thị Sài Gòn - Gia Định đã tập hợp hầu hết các tầng lớp nhân dân từ công nhân lao động đến giới trí thức, ký giả và một bộ phận tham gia trong bộ máy chính quyền, quân đội Sài Gòn thành lực lượng chính trị đông đảo của cách mạng. Hầu hết các phong trào, các tổ chức đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris ở Sài Gòn - Gia Định đều nhận mình thuộc lực lượng chính trị thứ ba, lực lượng đã được Hiệp định Paris công nhận có vai trò ngang hàng với hai thực thể chính trị của chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc. Phát triển lực lượng thứ ba là một chủ trương của cách mạng từ khi Hiệp định Paris được ký kết nhằm phát triển lực lượng chính trị của cách mạng ở đô thị bằng việc tập hợp những người yêu nước, chống Mỹ và chính quyền thân Mỹ, đòi hòa bình và độc lập, hòa hợp dân tộc, cô lập mạnh mẽ chính quyền Sài Gòn. Thông qua các cơ sở Đảng, các nòng cốt quần chúng hoạt động trong nội đô, nhiều tổ chức quần chúng công khai được thành lập để phát động các phong trào đấu tranh. Các tổ chức quần chúng có tên gọi khác nhau nhằm tập hợp một cách rộng rãi nhất các tầng lớp nhân dân và có cùng mục tiêu đấu tranh là lật đổ chính quyền hiếu chiến Nguyễn Văn Thiệu, mỗi hoạt động đấu tranh của bất cứ tổ chức nào cũng có sự xuất hiện của các nhân vật tiêu biểu như luật sư Trần Ngọc Liễng, bà Ngô Bá Thành, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, giáo sư Lý Chánh Trung, bà luật sư Nguyễn Long, các ký giả và dân biểu đối lập,... và cũng được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo quần chúng. Việc tập hợp được một lực lượng chính trị đông đảo đấu tranh theo chủ trương của cách mạng ở đô thị Sài Gòn - Gia Định có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải phóng Sài Gòn và gìn giữ nguyên vẹn thành phố.

KẾT LUẬN

Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris là nội dung bao trùm trong phong trào đô thị Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1973-1975. Với nhận thức sâu sắc về nội dung và ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với dân tộc Việt Nam, các tầng lớp nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định đã sử dụng nhiều hình thức linh hoạt để phổ biến ý nghĩa của Hiệp định, đấu tranh đòi chính quyền VNCH thi hành Hiệp định trên các phương diện tố cáo hành động vi phạm Hiệp định, đấu tranh đòi thả tù chính trị, đòi các quyền tự do dân chủ, đòi lật đổ chính quyền hiếu chiến Nguyễn Văn Thiệu. Phong trào đã thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân từ công nhân lao động, giới trí thức đến cả nhân viên trong chính quyền Sài Gòn, các tổ chức quần chúng, tôn giáo và sử dụng hầu hết các hình thức đấu tranh chính trị, trong đó có những hình thức có tác động mạnh như biểu tình quy mô lớn, gửi kiến nghị lên các tổ chức quốc tế. Thông qua phong trào, lực lượng cách mạng ở đô thị Sài Gòn - Gia Định được tập hợp một cách rộng rãi, góp phần cô lập cao độ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đẩy chính quyền này vào tình thế nguy ngập về chính trị, phải lúng túng đối phó trên cả hai phương diện chính trị và quân sự. Phong trào một lần nữa chứng minh truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc và khả năng linh hoạt, sáng tạo của nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả bài viết xin gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập và nghiên cứu. Đồng thời, xin cảm ơn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học Xã hội (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) đã cung cấp các tài liệu cần thiết để tác giả hoàn thành bài nghiên cứu này.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

VNCH: Việt Nam Cộng hòa

TTLTII: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả bài viết là người trực tiếp sưu tầm tư liệu có liên quan đến nội dung bài viết, hình thành ý tưởng và viết bài, chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết.

References

  1. Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia II. Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tư liệu của chính quyền Sài Gòn, Tập 2: Ký kết và thực thi. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2012. . ;:. Google Scholar
  2. Bài nói chuyện của Nguyễn Văn Thiệu trên truyền hình ngày 28-1-1973, Tài liệu lưu trữ tại TTLTII, Ký hiệu tài liệu PTTG-18111. . ;:. Google Scholar
  3. Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia II. Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tư liệu của chính quyền Sài Gòn. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2010. . ;:. Google Scholar
  4. Lan NN. Chúng ta đang đi về đâu. Tạp chí Đối diện 1973; 53: 51. . ;:. Google Scholar
  5. Diễn văn của Chủ tịch Phong trào phụ nữ đòi quyền sống đọc ngày 5-10-1973, tại buổi lễ đón tiếp bà Ngô Bá Thành được trả tự do tại nhà hàng Continental, Tài liệu lưu trữ tại TTLTII, Ký hiệu tài liệu PTTG-18525. . ;:. Google Scholar
  6. Diễn văn khai mạc đại hội lần thứ nhất, tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, Tạp chí Đứng dậy 1974; 64: 7. . ;:. Google Scholar
  7. Nhuận HN. Những vi phạm Hiệp định Paris. Tạp chí Đối diện 1973; 52: 7. . ;:. Google Scholar
  8. Trung LC. Ngày lịch sử. Báo Điện tín: 23-1-1975. . ;:. Google Scholar
  9. Tuyên ngôn của Hội Văn Bút ngày 1-9-1974. Tạp chí Đứng dậy1974; 61: 21. . ;:. Google Scholar
  10. Lời Kêu gọi của Ủy ban cải thiện chế độ lao tù tại cuộc mitting ở Bàn Cờ, Ngã Bảy, Sài Gòn ngày 20-10-1974. Tạp chí Đứng Dậy 1974; 64: 108-111. . ;:. Google Scholar
  11. Thư gửi chính phủ Việt Nam Cộng hòa của Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris ngày 17-10-1974. Tạp chí Đứng dậy 1974; 62: 102. . ;:. Google Scholar
  12. Thư của Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris gửi đến Phong trào vận động hòa bình Đông Dương tại Washinton DC. Tạp chí Đứng dậy1975; 68: 9. . ;:. Google Scholar
  13. Cung L. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945-1975). Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh; 2019. . ;:. Google Scholar
  14. Phiếu trình Phủ Thủ tướng và Uỷ ban phối hợp tính báo quốc gia số 639191/BTL/CSQG/D6/S1 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia ngày 12-10-1973 vv bà Ngô Bá Thành lợi dụng lễ cúng rằm tại tịnh xá Ngọc Phương mở cuộc họp báo, Tài liệu lưu trữ tại TTLTII, Kí hiệu tài liệu PPTG-18575. . ;:. Google Scholar
  15. Thư của tù chính trị tại nhà lao Chí Hòa. Tạp chí Đứng dậy 1974; 64: 102-104. . ;:. Google Scholar
  16. Thư gửi Giáo hoàng Paolo IV của 15 sinh viên đang bị giam giữ tại nhà lao Chí Hòa. Tạp chí Đứng dậy 1974; 62: 141. . ;:. Google Scholar
  17. Khán thư của Ủy ban Phật giáo vận động phóng thích tù nhân, gửi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Tài liệu lưu trữ tại TTLTII, Ký hiệu tài liệu ĐIICH-4710. . ;:. Google Scholar
  18. Ban Sử Liên hiệp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Công nhân Sài Gòn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh; 1986. . ;:. Google Scholar
  19. Tuyên cáo của Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động ngày 26-9-1974. Tạp chí Đứng dậy 1974; 62: 96-97. . ;:. Google Scholar
  20. Điện của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt gửi Liên đoàn ký giả quốc tế Bruxelles. Tạp chí Đứng Dậy 1974; 61: 25. . ;:. Google Scholar
  21. Quyết nghị số 1 của Ủy ban tranh đấu đòi quyền tự do báo chí và xuất bản. Tạp chí Đứng Dậy 1974; 61: 24. . ;:. Google Scholar
  22. Trung LC. Hàng hàng lớp lớp. Báo Điện Tín; ngày 10-10-1974. . ;:. Google Scholar
  23. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia; 2014. . ;:. Google Scholar
  24. Thư của quân nhân Đào Vũ Đạt gửi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 9-10-1974, Tạp chí Đứng dậy, 1974; 62:105. . ;:. Google Scholar
  25. Tuyên cáo số 4 của Lực lượng hòa giải dân tộc. Tạp chí Đứng dậy.1974; 62: 102. . ;:. Google Scholar
  26. Tuyên ngôn của Mặt trận nhân dân cứu đói ngày 21-9-1974. Tạp chí Đứng dậy 1974;62: 85. . ;:. Google Scholar
  27. Văn thư số 001-MTCĐ/CT của Mặt trận nhân dân cứu đói gửi dân biểu Trần Văn Tuyên Trưởng khối Dân tộc và Xã hội Hạ Nghị viện Sài Gòn, ngày 22-9-1974, Tài liệu lưu trữ tại TTLTII, Ký hiệu ĐIICH-1333. . ;:. Google Scholar
  28. Pháp TH. Chống đói là chống Mỹ và tay sai.Tạp chí Đứng dậy 1974; 62: 21-22. . ;:. Google Scholar
  29. Cáo trạng chính trị Nguyễn Văn Thiệu do Phong trào nhân dân chống tham nhũng công bố ngày 1-2-1975. Tạp chí Đứng dậy 1975; 67, tháng 2-1975: 103-105. . ;:. Google Scholar
  30. Phản kháng 3/2 của Hội chủ báo Việt Nam. Tạp chí Đứng dậy1975. 67: Phần Phụ lục. . ;:. Google Scholar
  31. Tuyên bố chung cho hòa bình, tự do, cơm áo của 10 đoàn thể quần chúng ở Sài Gòn, Tạp chí Đứng dậy. 68, tháng 3-1975: 1-2. . ;:. Google Scholar
  32. Huê TT. Người Phật tử yêu nước trước trang sử mới. Tạp chí Đứng dậy 1975; 68: 41. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 1587-1599
Published: Jun 30, 2022
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.733

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Lý, P. (2022). The struggle movement for implementation of the Paris Agreement in Sai Gon - Gia Dinh (1973-1975). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(2), 1587-1599. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.733

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 297 times
PDF   = 215 times
XML   = 0 times
Total   = 215 times