Abstract
The social deviance is the important notion of the sociology. This notion is often understood as a violation or deviance from the established cultural norms. Although the definition of the social deviance is brief, it is general and highly abstract, which means that it contains a lot of basic characteristics. In the famous book “Suicide” by Emile Durkhiem, the great sociologist asserted that suicide was always a big social deviance and that the cause of all types of suicide came from society. Thus, the social deviance, like all other social behaviors, originates from society and is always guided by society. In other words, the deviant behavior has a social nature, which is deviance exists only in relation to cultural norms. People become deviant as others judge them in such a way. Both the norm and the way that the deviant behavior is defined involve the social power. Emile Durkheim also made a great contribution to the Theory of Function since its inception, considering the function as an essential and indispensable need of the social life and firmly asserted that any "social events", (a great invention associated with E. Durkheim) which existed and happened in society, had to perform certain functions to meet the operational needs and social development. It is also E. Durkheim, who pointed out the basic and extremely significant functions of the social deviance. Deviance affirms cultural values and norms. Responding to deviance clarifies moral boundaries and promotes the social unity. In addition, deviance encourages the social change.
MỞ ĐẦU
Hành vi lệch lạc hay Hành vi sai lệch , là đối tượng nghiên cứu có tính chuyên môn cao trong hệ thống nghiên cứu và đào tạo của nhiều ngành khoa học như giáo dục học, y học, tâm lý học, tội phạm học và xã hội học. Cùng một khái niệm, song ở mỗi khoa học nói trên, có những cái nhìn theo tính chất và đặc điểm chuyên môn của mình. Ở đây chúng tôi cố gắng làm rõ khái niệm này cùng những đặc điểm cơ bản của nó trong chuyên ngành Xã hội học .
Sự lệch lạc (hay Sự sai lệch ) có nguồn gốc từ tiếng Latin – deviatio (tiếng Anh – deviance ), có ý nghĩa trực tiếp là “sự [đi] chệch/ lệch khỏi con đường/ đường hướng [đã được xác định/ chung]” 1 , 2 , 3 . Cùng với thuật ngữ sự sai lệch hay sự lệch lạc nêu trên, chúng tôi còn tìm được từ các loại tài liệu khác nhau nhiều thuật ngữ khác, song chúng đều phản ánh hoặc cùng, hoặc gần giống với nội dung của các thuật ngữ nêu trên như: [sự] lầm lạc, [sự] lạc lối, [sự] lệch chuẩn, [sự] phi chuẩn, sai lệch/lệch lạc chuẩn mực, sai lệch/ lệch lạc chuẩn mực xã hội . Để có sự thống nhất (tương đối) chúng tôi mạnh dạn đề xuất hai thuật ngữ đã nêu, bởi chúng cũng khá dễ hiểu và có thể hiểu được, và đặc biệt những thuật ngữ này cũng gần với ý nghĩa trong thuật ngữ tiếng La-tinh và tiếng Anh mà chúng tôi đã dẫn nguồn ở trên. Khái niệm lệch lạc xã hội được hiểu là bất kỳ những sự đi chệch/ lệch của các chủ thể xã hội (cá nhân, nhóm) khỏi đường hướng phát triển đã được xác định chung của hệ thống xã hội mà họ tham gia trong đó 3 , 4 , 5 .
Thuật ngữ [sự] lệch lạc đã từ lâu thoát khỏi phạm vi của khoa học tâm lý, và hiện được quan tâm và nghiên cứu rộng rãi trong các quá trình sinh học, lý học, hóa học và nhiều ngành khoa học khác. Trong các khoa học xã hội, thuật ngữ Lệch lạc/ Sai lệch xã hội hoặc Hành vi lệch lạc/ sai lệch ( social deviance hoặc deviant behavior ) đã trở thành thuật ngữ chuyên ngành, phản ánh một khái niệm to lớn và đầy ý nghĩa của Xã hội học – [một] khoa học nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội trong các hoạt động xã hội cùa xã hội con người. Hiểu biết về lệch lạc thực sự được quan tâm vào đầu thế kỷ XX trong lòng của Xã hội học như một lý thuyết chuyên ngành, được gọi là Xã hội học hành vi lệch lạc. Các yếu tố xã hội của hành vi lệch lạc được khám phá trong phạm vi các quan niệm xã hội học và xã hội – tâm lý học. Trong số các lý thuyết xã hội học giải thích nguyên nhân và cơ chế hành vi lệch lạc, có một quan niệm phổ biến hơn cả - đó là sự “rối loạn tổ chức xã hội”, được giải thích các hành vi sai lệch bằng các quá trình xã hội. Trong mối liên quan này, nhà xã hội học vĩ đại Emile Durkheim đã đưa ra 2 khái niệm: đoàn kết xã hội và phi chuẩn (anomie). Khái niệm “phi chuẩn” được hiểu như là tình trạng rối loạn tổ chức xã hội, mà được thể hiện trong những hiện tượng tiêu cực, như sự sụp đổ của các hệ tư tưởng, sự không phù hợp của các điều luật và tình hình xã hội thực tế, các chuẩn mực nước đôi (có tính 2 mặt), sự phân hóa xã hội, sự đối kháng giữa các giá trị và quan điểm. Sự xuất hiện của thuật ngữ lệch lạc cũng gắn với tên tuổi của Emile Durkheim, khi ông viết trong tác phẩm Tự tử , để khẳng định rằng tự tử là một hành vi sai lệch xã hội to lớn.
Hiện đang tồn tại rất nhiều các định nghĩa khác nhau về sai lệch xã hội. Song, có thể đây là một sự may mắn, khi các định nghĩa về sai lệch xã hội có thể dùng nhiều từ ngữ, thuật ngữ và cách thể hiện khác nhau, nhưng tất cả đều khá ngắn gọn, phản ánh cùng một nội dung và có thể hiểu được. Cũng xin nói ngay, như đã nói ở trên, hành vi sai lệch xã hội hiện đang là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học khác nhau, và trên quan điểm của mỗi khoa học chuyên ngành các nhà nghiên cứu đưa ra những định nghĩa tương ứng, thích hợp. Còn tất cả các định nghĩa chúng tôi nêu ra dưới đây, đều được trích dẫn hoặc từ các nhà xã hội học, hoặc từ các tài liệu chuyên ngành xã hội học. Hay nói cách khác, các định nghĩa này được đưa ra theo quan điểm xã hội học – khoa học mà chúng ta đang quan tâm khi tìm hiểu vấn đề liên quan sai lệch xã hội. Một số định nghĩa thường gặp có thể kể đến: Định nghĩa 1: Hành vi lệch lạc (Deviant behavior) là khái niệm phản ánh bất kỳ hành vi hay hành động của cá nhân hay nhóm xã hội tỏ ra không phù hợp với sự mong đợi chung của toàn xã hội; Định nghĩa 2: Lệch lạc là hành vi, hành động đi chệch khỏi các điều quy định của pháp luật, đi chệch khỏi các giá trị, chuẩn mực và quy tắc, quy ước xã hội; Định nghĩa 3: Sai lệch xã hội là sự vi phạm có nhận thức các tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng của một nhóm hay của xã hội. Ngoài ra, còn một số định nghĩa khác bằng tiếng Anh như - Deviance as behaviour that is viewed as a departure from a group’s norm. (Tạm dịch: Lệch lạc như là hành vi được coi là đi chệch khỏi chuẩn mực của nhóm.); - Deviance is the recognized violation of cultural norms. (Tạm dịch: Lệch lạc là sự vi phạm các chuẩn mực văn hóa đã được thừa nhận.) 1 , 2 , 3 .
So sánh các định nghĩa nêu trên, chúng ta thấy rất ít sự khác biệt trong cách hiểu về sai lệch xã hội, bởi các định nghĩa đều chỉ ra một nội dung gần giống nhau: sai lệch xã hội hoặc là sự vi phạm, hoặc là đi chệch khỏi các chuẩn mực văn hóa. Từ các định nghĩa về sai lệch xã hội, người ta rút ra một loạt các đặc điểm cơ bản, đó là: sai lệch xã hội: - tồn tại trên một phạm vi rộng lớn; - diễn ra ở mọi cấp độ khác nhau; - vừa có tính nhất thời, vừa có tính bền vững; - có những sai lệch xã hội mang tính tích cực; - hình thức đa dạng, phong phú; - có tính mơ hồ, không rõ ràng; - thay đổi theo không gian và thời gian. Song, dù ngắn gọn và có thể hiểu được nhưng khái niệm sai lệch xã hội vẫn là một khái niệm mang tính khái quát cao và ít nhiều có tính trừu trượng, ta khó nhận biết được đầy đủ và hoàn chỉnh nội dung cần thiết của nó. Vì vậy, cần phải chỉ ra và phân tích đầy đủ bản chất thực sự và những chức năng đặc sắc của khái niệm này. Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng nêu lên bản chất và các chức năng của sai lệch xã hội 3 , 4 , 5 , 6 .
Chúng tôi muốn nhấn mạnh tính cần thiết khi thực hiện bài viết này. Hành vi sai lệch xã hội, như đã đề cập ở trên, đã và đang giành được sự quan tâm không ngừng nghỉ của các chuyên gia và các nhà chuyên môn của nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau. Cùng với đó, những sai lệch về hành vi cũng là vấn đề, cách này hay cách khác, tồn tại trong cuộc sống riêng tư của rất nhiều con người. Tình trạng này gắn liền với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của hành vi sai lệch trong cộng đồng xã hội. Thế giới hiện đại đang đi tới dưới ngọn cờ của cách mạng khoa học-kỹ thuật, là một không gian văn hóa đã phá bỏ mọi ranh giới, giáo điều và truyền thống. “Thế giới không biên giới”, “tự do không giới hạn”, “tự thể hiện tuyệt đối” – những khẩu hiệu tương tự ngày càng đi sâu vào nhận thức của con người. Trong nỗi lo âu hàng ngày và sự suy yếu các mối quan hệ cộng đồng, hành vi sai lệch trở thành cách thức phổ biến rộng rãi sự thích nghi tâm lý-xã hội của các cá nhân riêng biệt và các nhóm xã hội đối với các điều kiện xã hội thay đổi. Vì vậy, việc làm rõ bản chất và chức năng của sai lệch xã hội là việc làm cần thiết, thậm chí là cấp thiết, và mang tính thực tế cao, giúp việc nhận thức về các hành vi sai lệch, mà đang diễn ra ngày càng nhiều, dưới nhiều hình thức, trong nhiều lĩnh vực trong xã hội hiện đại, được hiểu đầy đủ, đúng đắn và hoàn thiện hơn.
Việt Nam đang trên đường phát triển manh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phát triển luôn kéo theo rất nhiều những biến đổi, những thay đổi to lớn, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều hành vi và những biểu hiện sai lệch cũng xuất hiện và biến đổi theo dòng chảy xã hội. Như vậy, bài viết cũng mang tính thực tế rất cao , và hướng tới thực tế xã hội cụ thể ở Việt Nam. Trên cơ sở hiểu biết thực sự về bản chất của sai lệch xã hội, và những chức năng to lớn của sai lệch xã hội, chúng ta có những cơ sở khoa học để tìm hiểu và xem xét các biểu hiện cụ thể, cùng các đặc điểm cơ bản của hành vi sai lệch xã hội trong thực tế xã hội ở Việt Nam. Từ đó góp phần khẳng định và làm phong phú thêm các quan điểm về sai lệch xã hội, trong đó có những quan điểm của E.Durkheim mà chúng ta đang rất quan tâm này.
Để thực hiện bài viết, ngoài nhiều nguồn tài liệu tham khảo khác nhau, chúng tôi cơ bản dựa trên những công trình nghiên cứu đã được trình bày và công bố trong Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Xã hội học, và đặc biệt là cuốn sách có cùng tên gọi “ Sai lệch xã hội trong xã hội học của Emile Durkheim” (Qua nghiên cứu 2 tác phẩm Tự tử và Phân công lao động xã hội) 1 , 2 . Trên cơ sở tổng hợp các số liệu, dữ liệu, thông tin từ các tài liệu nêu trên, chúng tôi chắt lọc và đưa vào bài viết những nội dung có liên quan.
BẢN CHẤT VÀ CHỨC NĂNG CỦA SAI LỆCH XÃ HỘI
Bản chất của sai lệch xã hội
Trong tác phẩm Tự tử nổi tiếng của Nhà xã hội học vĩ đại Emile Durkheim , tác giả đã khẳng định rằng tự tử luôn là một sai lệch xã hội to lớn. Và ông đã chứng minh một cách thuyết phục rằng tự tử hoàn toàn không phải là vấn đề của cá nhân, mà đó chính là vấn đề của xã hội 1 , 2 . Cuộc sống duy nhất chỉ có một, và vô cùng đáng giá, không ai muốn hủy hoại cuộc sống của mình và giết chết chính mình. Khi người ta tự tìm cái chết cho mình, trong đa phần trường hợp, nguyên nhân là từ phía xã hội, xã hội đã làm gì để người ta phải tìm đến cái chết cho chính mình. Chúng tôi nhắc lại điều này của E. Durkheim để khẳng định một điều rằng trong cuộc sống của con người, mọi hành vi hay hành động mà con người hoặc tuân thủ, hoặc chống lại hay thực hiện một cách sai trái, đều luôn chịu ảnh hưởng, chịu sự tác động và định hướng bởi xã hội, đều có nguồn gốc xã hội, nguyên nhân từ xã hội. Và như vậy, chúng ta chỉ ra dưới đây những nền tảng xã hội, những cơ sở xã hội mà sai lệch xã hội xuất phát và hình thành từ đó, hay nói cách khác, chúng ta chỉ ra bản chất thực sự của hành vi sai lệch xã hội 7 , 8 , 9 , 10 .
Sự lệch lạc tồn tại chỉ trong mối quan hệ với các chuẩn mực văn hóa (Deviance exits only in relation to cultural norms)
Đây là nền tảng xã hội cơ bản nhất của hành vi sai lệch xã hội. Như chúng ta đã biết, một hành vi tự thân nó rất khó, và thậm chí là không thể xác định, đó có phải sai lệch hay không. Một điều gọi là xấu khi nó phải có mối quan hệ với những tiêu chuẩn cụ thể của cái gọi là tốt. Tương tự như vậy, cái gọi là sai trái phải liên quan đến những tiêu chí khẳng định sự đúng đắn. Như vậy, chỉ có thể gọi đó là hành vi sai lệch khi nó nằm trong mối tương quan với những tiêu chí, tiêu chuẩn chuẩn mực cụ thể của một nền văn hóa cụ thể. Nói cách khác, việc xác định hành vi sai lệch xã hội hoàn toàn tùy thuộc chuẩn mực văn hóa, mà vốn rất khác nhau, thậm chí là khác nhau xa, đến mức đối ngược, trong thế giới đa sắc màu của xã hội con người 1 , 2 , 8 .
Xin nêu một ví dụ khá điển hình cho nền tảng xã hội đầu tiên của sai lệch xã hội. Ở Ấn Độ, vốn nổi tiếng với món cà-ri trong nghệ thuật ẩm thực, bao đời nay, trong chuẩn mực văn hóa của mình, luôn chấp nhận việc ăn bốc bằng tay, dùng tay bốc đồ ăn đưa lên miệng nhai và nuốt, kể cả món cà-ri ướt, nhão, lỏng nhiều nước đó. Song, chuẩn mực này lại hoàn toàn không được chấp nhận ở nhiều nền văn hóa khác, cụ thể như ở Việt Nam, người ta cho đó là việc ăn uống không vệ sinh do đôi tay thường xuyên tiếp xúc với nhiều đồ vật khác nhau, mà bắt buộc phải ăn bằng đũa làm từ tre hay gỗ được rửa sạch sẽ trước mỗi bữa ăn. Còn ở nền văn hóa của nhiều nước châu Âu, người ta lại ăn bằng dao, nĩa muỗng, hoặc làm bằng gỗ hoặc chủ yếu làm bằng kim loại. Thêm một ví dụ nữa, để thấy các tiêu chuẩn văn hóa đã rất khác nhau, lại còn thường xuyên thay đổi theo thời gian và không gian, nên quan niệm về sai lệch xã hội cũng thường xuyên biến đổi theo lịch sử. Cụ thể, như ở Việt Nam, trước đây, đặc biệt dưới thời phong kiến, chuẩn mực khá khắc nghiệt, gắn chặt với với người phụ nữ Việt Nam là công việc gia đình, ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con. Điều đó đồng nghĩa rằng người phụ nữ Việt Nam trước đây tìm kiếm công danh, sự nghiệp bên ngoài gia đình sẽ được coi là lệch lạc. Song bức tranh như vậy đã gần như bị đảo ngược trong chính xã hội Việt Nam ngày nay. Người phụ nữ ở nhà, quanh quẩn công việc gia đình, không chừng được coi là những biểu hiện của sự lỗi thời, chậm tiến, lạc hậu. Còn những người phụ nữ vươn ra ngoài xã hội, hòa nhập và phát triển cùng xã hội, thì được coi là những người thức thời, tiến bộ, được xã hội coi trọng, khuyến khích và đáng giá cao 6 , 7 , 8 , 9 .
Những ví dụ tương tự như vậy, chúng ta có thể tìm thấy được rất nhiều trong đời sống xã hội, trước đây cũng như hiện nay, trên thế giới. Điều này càng khẳng định một lần nữa rằng không có hành động nào vốn hữu là lệch lạc, chúng ta chỉ gọi một hành vi là lệch lạc xã hội, khi hành vi đó được xác định trong mối quan hệ với các chuẩn mực văn hóa.
Người ta trở thành kẻ lệch lạc khi người khác xác định họ bằng cách như vậy (People become deviant as others define them that way)
Điều này thoạt nghe có vẻ trừu tượng và khó hiểu, song thực sự không đến nỗi khó khăn để hiểu vấn đề như vậy. Việc vi phạm các chuẩn mực văn hóa, thậm chí là có những sai lệch xã hội nghiêm trọng như phạm tội, là điều hoàn toàn có thể xảy ra với tất cả mọi người, bất kỳ ai, không ai là ngoại lệ. Ai cũng có thể có hành vi hay hành động mà chính mình không bao giờ cho là sai lệch, không bao giờ nghĩ đó là hành vi sai trái, và con người trong nhiều trường hợp cứ tự nhiên, tự động hành động. Song, rất có thể, những hành vi hay hành động như vậy lại nhanh chóng và dễ dàng trở thành sai trái, được cho là hành vi lệch lạc qua cái nhìn, sự đánh giá và kết luận của người khác, khi họ nhìn thấy những hành vi này của chúng ta. Như vậy, những hành động tự chúng chưa đủ điều kiện để xác định chúng ta là sai lệch, hay thậm chí là phạm tội. Vậy, một người bị kết tội là có hành vi sai lệch hay thậm chí là cả phạm tội, trong đa số trường hợp, là do những người khác, họ nhìn nhận, đáng giá và phản ứng lại với những hành vi hoặc tình huống đó như thế nào. Có những việc làm, hành vi hay hành động, tự chúng ta biết rõ và biết chắc chắn không phải là sai lệch, song hành vi đó được coi hay được gọi là sai lệch là do những người khác xác định và quyết định, hay nói cách khác, là tùy thuộc vào nhận thức của người khác trong những tình huống cụ thể 1 , 2 , 8 .
Xin dẫn ra một ví dụ khá điển hình khác bởi mỗi chúng ta ai cũng ít nhiều bắt gặp những trường hợp tương tự. Có một anh nhà thơ, hay nhạc sĩ, đang trong quá trình sáng tác bài thơ hay bản nhạc. Bất chợt nảy ra trong đầu ý thơ hay nét nhạc thú vị, anh liền bước xuống sân khu chung cư anh ở vào lúc quá nửa đêm, đi lòng vòng trong sân, miệng cứ liên tục lẩm bẩm điều gì. Thậm chí, đôi lúc cao hứng anh ta còn vung tay cao, ngửa mặt lên trời và miệng phát ra những âm thanh nghe rất vang vọng trong khung cảnh tĩnh mịch của đêm khuya. Trong tình huống này, một cô gái ở trên tầng cao khu chung cư, do khó ngủ, bước ra ban công và bất chợt nhìn thấy cảnh tượng như vậy. Thật nhanh chóng, cô ta xác định đây là một kẻ điên rồ, hay là một kẻ bị bệnh tâm thần nặng - những biểu hiện của hành vi sai lệch, bởi không ai lại làm những chuyện khua chân múa tay, miệng thì cười nói lảm nhảm như vậy vào lúc đã quá nửa đêm. Anh nhà thơ hay nhạc sĩ kia đã gần như ngay lập tức trở thành kẻ lệch lạc trong mắt của cô gái đã chứng kiến và đánh giá sự việc, trong khi anh ta hoàn toàn biết rõ việc mình đang làm lúc đó là cái gì. Một câu chuyện vui tương tự mà mỗi chúng ta cũmg thường gặp, hoặc thấy mình trong đó: Một anh sinh viên gặp cô gái chưa quen, học ở lớp khác, dọc cầu thang lên tầng trên. Anh liền nở nụ cười thân thiện, hỏi thăm làm quen. Cô gái, có thể, cũng rất vui vẻ trả lời đáp lại. Song, trong câu chuyện kể của cô gái với bạn của mình giờ ra chơi trong lớp học hôm ấy, chàng trai kia rất có thể sẽ trở thành kẻ “khùng khùng, điên điên”, một kẻ lệch lạc thực sự trong lời kể của cô gái 6 , 7 , 8 , 9 .
Từ những câu chuyên kể trên, cùng một loạt những ví dụ tương tự khác mà mỗi người có thể dễ dàng tìm thấy trong đời sống xã hội, chúng ta có thể rút ra và khẳng định một điều rằng ai trong chúng ta cũng đều có thể trở thành kẻ lệch lạc, người không bình thường trong cách nhìn nhận, đánh giá và xác định của người khác khi họ nhìn thấy ở chúng ta những hành vi hay hành động nào đó.
Cả tiêu chuẩn cũng như cách thức để xác định sự lệch lạc đều liên quan đến quyền lực (hay sức mạnh) xã hội (Both norms and the way people define situations involve social power).
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu khái niệm quyền lực xã hội, hay sức mạnh xã hội, theo một nghĩa rất rộng. Quyền lực xã hội không chỉ, như cách hiểu thông thường, là sức mạnh thể chất, địa vị hay là tiền bạc. Điều đó đúng, song không đủ, Quyền lực xã hội còn là toàn bộ những gì mà một người, một nhóm xã hội này có, mà những chủ thể xã hội khác không có. Người mẹ la mắng đứa con: “mày là đồ lười biếng”, bởi đơn giản là mẹ có sức mạnh xã hội của sự chăm chỉ. Một người có thể kết tội một người khác có hành vi sai lệch là “đồ thất hứa”, cũng bởi đơn giản người này có sực mạnh xã hội luôn giữ đúng lời hứa. Sự dịu dàng của cô gái, vừa là vẻ đẹp nội tâm, vừa là sức mạnh vô hình, để người đàn ông phải nghiêng bờ vai khỏe mạnh của mình cho cô gái dựa vào. Nguyễn Trãi từng viết “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, để chúng ta thấy cái ít hay cái yếu đều có thể trở thành sức mạnh xã hội trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể 1 , 2 , 8 .
Như vậy, các chuẩn mực văn hóa luôn có xu hướng bảo vệ quyền lợi của những người có sức mạnh xã hội, có quyền lực xã hội. Tổng Giám đốc của một công ty kinh doanh hoàn toàn có quyền cắt giảm một số lượng, thậm chí là số lượng lớn, nhân viên hay người lao động đang làm việc cho công ty, nếu như công ty đó làm ăn thất bại, thua lỗ. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người trở thành thất nghiệp, không có công ăn việc làm, nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Song, nếu một, hoặc nhiều nhân viên của công ty đó có những hành động sai trái, cố ý phá hoại, làm cho công ty đó thua lỗ, phá sản, chắc chắn họ sẽ nhanh chóng bị kết tội là những kẻ lệch lạc. Như vậy, chúng ta có thể thấy, một hành vi hay hành động tương tự như nhau, một người có thể nhanh chóng trở thành kẻ lệch lạc, trong khi người khác lại hoàn toàn không bị trừng phạt. Thêm một ví dụ để chứng minh cho điều này: Ở nhiều quốc gia phương Tây, một công dân vô cớ đứng giữa đường lên tiếng tố cáo hay lên án chính quyền địa phương, có thể ngay lập tức bị đe dọa sẽ bị bắt giữ vì tội làm rối loạn giao thông, làm mất an ninh trật tự. Song, một ứng cử viên cho chức vụ lãnh đạo đứng đầu địa phương đó, cũng làm tương tự những hành vi như vậy trong quá trình tranh cử của mình, rất có thể lại nhận được sự bảo vệ và ủng hộ của cảnh sát và chính quyền địa phương 6 , 7 , 8 , 9 .
Như vậy, mặc dù đều có những hành vi giống hay gần giống nhau, song trong trường hợp này và nhiều trường hợp tương tự khác, người không có sức mạnh hay quyền lực xã hội nhanh chóng bị kết tội là kẻ lệch lạc và có thể phải chấp nhận hình phạt, trong khi người có quyền lực hay có sức mạnh xã hội trong tay thì không hề hấn gì, lại có thể được ủng hộ và khuyến khích. Từ đó có thể rút ra một điều, các chuẩn mực văn hóa và cách thức áp dụng các tiêu chuẩn văn hóa luôn gắn liền và đòi hỏi phải có quyền lực hay sức mạnh xã hội.
Chức năng của sai lệch xã hội
Khái niệm chức năng là một khái niệm cơ bản và có ý nghĩa quan trọng của xã hội học. Khái niệm này, như nhiều khái niệm khác, được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Trong cách hiểu chung, chức năng đó là nhu cầu lợi ích, là sự đòi hỏi cần thiết, có tác dụng và hệ quả mà một bộ phận hoặc một thành phần tạo ra hay thực hiện, để đảm bảo sự tồn tại, vận động và phát triển của cả hệ thống 4 , 5 , 8 .
Thuyết chức năng, hay được gọi là thuyết chức năng-cấu trúc (hoặc thuyết cấu trúc-chức năng), đã từng là một trong những lý thuyết tiên phong trong xã hội học. Lý thuyết này nhấn mạnh, rằng các bộ phận cấu thành nên một chỉnh thể hay một tổng thể luôn có mối liên kết, mối liên hệ qua lại chặt chẽ với nhau. Mỗi bộ phận trong trong chỉnh thể này đều có và thực hiện một chức năng nhất định, cần thiết, góp phần bảo đảm sự tồn tại và vận hành của chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc ổn định, bền vững 3 , 4 , 5 .
Emile Durkheim, người có nhiều đóng góp to lớn cho thuyết chức năng từ khi mới hình thành, đã coi chức năng như là nhu cầu chung, cần thiết của cơ thể xã hội. Và ông khẳng định rằng, bất kỳ “sự kiện xã hội” (– một phát kiến nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của E. Durkheim) nào tồn tại và diễn ra trong xã hội, cũng đều có và phải thực hiện những chức năng nhất định, để đáp ứng nhu cầu tồn tại của xã hội 3 , 4 , 5 .
Liên quan đến sai lệch xã hội mà chúng ta đang quan tâm, E. Durkheim đã khẳng định một cách chắc chắn rằng hành vi sai lệch là không có gì bất bình thường, nó là một thành phần, một bộ phận gắn liền, không thể tách rời của đời sống xã hội, góp phần vô cùng quan trọng cho sự tồn tại và hoạt động liên tục của xã hội. E. Durkheim cho rằng, sự trừng phạt với những tội lỗi hay tội ác do một ai đó gây ra, không chỉ có chức năng trả thù hay đền bù những thiệt hại do người đó tạo ra, mà còn, ông rất nhấn mạnh, thực hiện chức năng duy trì trạng thái đồng thuận trong xã hội, sự nhất trí cao của một tập thể, của một cộng đồng trong xã hội trước sự kiện sai lệch xã hội xảy ra đó. Với những luận điểm đúng đắn và sâu sắc của mình trong nghiên cứu về sai lệch xã hội, E. Durkheim đã có đóng góp thực sự to lớn và thuyết phục, khi chỉ ra những chức năng hết sức to lớn, có ý nghĩa và vai trò quan trọng của sai lệch xã hội trong đời sống xã hội. Dưới đây chúng tôi xin trình bày cụ thể các chức năng này trong quan điểm về sai lệch xã hội của nhà xã hội học nổi tiếng E. Durkheim 4 , 5 , 8 .
Sự lệch lạc khẳng định các giá trị và tiêu chuẩn văn hóa (Deviance affirms cultural values and norms)
Đây là chức năng đầu tiên của lệch xã hội do E. Durkheim đưa ra, và ngay lập tức chúng ta cảm nhận được sự đúng đắn và ý nghĩa quan trọng của nó. Chính nhờ có những sai trái, lệch lạc hay cái xấu xa, chúng ta mới biết và nhận ra sự đúng đắn, lẽ phải và cái gì là tốt đẹp của một hành vi hay hành động mà con người thực hiện. Sai lệch xã hội đã thực hiện được chức năng đầy ý nghĩa đầu tiên này để con người có thể nhận ra những giá trị, những chuẩn mực mang tính văn hóa trong đời sống xã hội. Chức năng này cũng càng khẳng định thêm sự tồn tại tất nhiên, sự không thể thiếu được, sự đồng hành của những hành vi sai lệch trong đời sống con người. Sai lệch xã hội giúp cho xã hội vận hành ngày càng trơn tru, hoàn hảo, tiến bộ. Đứa con sẽ nhận ra sự chây lười, biếng nhác của mình khi nhìn vào tấm gương chăm chỉ, cần mẫn của người mẹ. Một người học trò dốt nát sẽ càng giúp làm rạng rỡ thêm những học sinh học hành giỏi giang, luôn nhận được điểm tốt trong học tập. Và một minh chứng cho thật sát với chức năng đầu tiên này của E. Durkheim là nhờ có tên cướp hung dữ và tàn nhẫn trên đường phố, - một hành vi sai lệch rõ ràng, chúng ta mới nhận ra một lọat những tính cách tuyệt vời tốt đẹp của những hiệp sĩ, - những người nghĩa hiệp, không quản nguy hiểm, thậm chí đe dọa mạng sống chính mình, đã ra tay giúp đỡ người khác trong hoạn nạn 1 , 2 , 8 .
Phản ứng với sự lệch lạc làm sáng tỏ ranh giới đạo đức (Responding to deviance clarifies moral boundaries)
Đây là chức năng tiếp theo của sai lệch xã hội do E. Durkheim đưa ra. Chúng ta cũng nhanh chóng nhận thấy mức độ cần thiết càng được gia tăng trong chức năng thứ hai này của sai lệch xã hội.
Đạo đức bao đời nay đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát xã hội - đây cũng là một khái niệm của xã hội học và có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với khái niệm sai lệch xã hội mà chúng ta đang đề cập ở đây. Đã từng có một thời người ta dùng đức trị để kiểm soát và quản lý xã hội, song thời kỳ đức trị này kéo dài không lâu và nhanh chóng chấm dứt. Lý do đơn giản: đạo đức luôn là một khái niệm mang ý nghĩa tốt đẹp, song cách hiểu về đạo đức rất khác nhau và không có tính thống nhất. Bởi khái niệm đạo đức có tính khái quát, hết sức trừu tượng và có tính mơ hồ rất cao nên việc hiểu cho đúng và hiểu đầy đủ khái niệm và phạm trù đạo đức này thật không dễ dàng, ai hiểu tới đâu và hiểu như thế nào thì làm theo tới đó và làm theo cách hiểu đó. Chính điều đó dẫn đến việc không thống nhất trong hành động, làm cho sự quản lý, điều hành và kiểm soát xã hội gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn. Do vậy, thật quá phức tạp và đầy khó khăn để chúng ta có thể nhận ra và chỉ ra được ranh giới hay giới hạn của đạo đức. Và E. Durkheim, với rất nhiều đóng góp to lớn cho xã hội học, đã giúp chúng ta làm được việc này bằng cách nhờ đến sai lệch xã hội. Theo ông, việc phản ứng lại với những hành vi hay hành động sai lệch của con người sẽ giúp chúng ta nhận ra và làm sáng tỏ hơn ranh giới của đạo đức, có nghĩa là khi phản ứng lại với hành vi sai lệch, mỗi người sẽ biết mình có thể làm được cái gì, làm được tới đâu, cái gì không được phép, cái gì không thể làm được và cái gì bắt buộc phải làm. Một người đàn ông có thể uống chút rượu trước mỗi bữa ăn để kích thích tiêu hóa, hoặc uống vài ly bia để thêm hưng phấn trong những cuộc vui cùng với bạn bè. Song nếu uống quá nhiều và trở thành kẻ say rượu, rồi nghiện ngập, người đó dễ dàng trở thành kẻ lệch lạc, khi luôn đồng hành với những hành vi như nói năng lảm nhảm, chửi bới, đập phá, thậm chí hành hung vô cớ, gây thương tích cho người khác. Việc uống rượu sẽ giúp chúng ta nhận ra một người có thể làm gì và làm tới đâu mức độ hành vi sai trái cùng với liều lượng rượu được uống vào của người đó. Có thể uống 1-2 ly/chai (con số mang tính tương đối) cho vui thì được, thì có thể, nhưng uống 10-20 ly/chai cho say, để không làm chủ được mình, thì chắc là không được, chắc chắn đã vược qua giới hạn cho phép. Đứa con lý tưởng của biết bao người mẹ là luôn nghe lời mẹ, và trên thực tế, rất nhiều đứa con biết vâng lời mẹ cha. Nếu có đứa con không nghe lời mẹ, cãi mẹ, thậm chí nói những lời “bất hiếu” với mẹ, thì hình như cũng ít người mẹ nào có ý đinh từ bỏ đứa con mà mình đã phải đau đớn, “dứt ruột” đẻ ra. Song một khi, đứa con “tặc tử” cầm cây đánh mẹ, có ý định đuổi mẹ ra khỏi nhà, có nghĩa là, đứa con đã vượt quá giới hạn đạo đức cần thiết. Khi đó những tiếng nói của lương tri sẽ được cất lên, và cuối cùng pháp luật sẽ ra tay để ngăn chặn những sự vượt đi quá xa giới hạn đạo đức của con người 1 , 2 , 8 .
Phản ứng lại lệch lạc làm tăng sự thống nhất xã hội (Responding to deviance promotes social unity)
Chức năng thứ 3 của sai lệch xã hội mà E. Durkhiem đưa ra là quá to lớn, khi ông khẳng định rằng phản ứng lại lệch lạc làm tăng sự thống nhất xã hội. Hoàn toàn có thể hiểu được khi E. Durkhiem nói đến điều này. Khi một nhóm người, một tập thể, một cộng đồng cùng phản ứng lại một hành vi, đặc biệt là hành vi lệch lạc, vô hình trung, tất cả họ đều cùng nhau đứng về một phía, kết hợp lại với nhau thành một khối thống nhất, mặc dù, có thể, trong số họ có những mâu thuẫn, bất hòa, thậm chí là xung đột cá nhân. Điều đó cũng có nghĩa rằng đã có một tiêu chuẩn chung, mà mọi người cùng đồng ý, cùng thống nhất, rồi cùng chia sẻ, để kết hợp họ lại với nhau, mà cụ thể ở đây chính là việc cùng nhau phản ứng với hành vi, hành động mà họ cho là sai trái, là xấu xa, là lệch lạc 1 , 2 , 8 .
Tôi với bạn cùng học một lớp. Giữa tôi với bạn cũng đang có một số bất hòa chưa được giải quyết. Song cả tôi với bạn, cùng nhiều người khác trong lớp đều rất không thích bạn kia, người đã mở vở, sử dụng tài liệu trong giờ kiểm tra hay giờ thi, và nhận được điểm rất cao. Trong khi chúng tôi học bài sáng khuya chỉ nhận được điểm số khiêm tốn. Như vậy, tất cả chúng tôi, với việc phản ứng lại việc làm sai trái của anh bạn cùng lớp kia, đã cùng nhau đứng về một phía, có nghĩa là, phản ứng lại với hành vi lệch lạc đã làm tăng sự thống nhất xã hội, giúp xã hội cùng nhau tiến bộ, cùng nhau phát triển. Hay một ví dụ khác: mỗi người dân Việt Nam đều biết rõ lịch sử vinh quang của dân tộc Việt Nam anh hùng. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã bao lần sát cánh kề vai, đoàn kết một lòng, cùng nhau đứng lên chống lại giặc ngoại xâm, chúng ta phản ứng lại với những kẻ lệch lạc, để bảo vệ đất nước, để giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Những ví dụ tương tự như vậy, chúng ta đều có thể dẫn ra rất nhiều, để thêm một lần khẳng định một chức năng to lớn của sai lệch xã hội, đó là phản ứng lại với lệch lạc làm tăng sự thống nhất xã hội.
Sự lệch lạc khuyến khích thay đổi xã hội (Deviance encourages social change)
Chức năng thứ tư, cũng là chức năng cuối cùng, mà E. Durkheim đưa ra thật khó hình dung bởi nó vô cùng to lớn, đến mức góp phần quyết định cho sự thay đổi xã hội, đồng nghĩa với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Hóa ra, sai lệch xã hội, bằng cách xuất hiện và tồn tại trong xã hội, chính là sự nhắc nhở thường xuyên thực trạng xã hội hiện tại, và xã hội phải có những cách thức và biện pháp để thay đổi chúng. E. Durhiem khẳng định và chứng minh rằng không có một xã hội nào không bất biến, nghĩa là một xã hội luôn luôn có sự biến động, biến đổi không ngừng, các giá trị và chuẩn mực trong xã hội, cùng các hành vi sai lệch, cũng theo đó biến đổi. E. Durkhem cũng cho rằng chính lệch lạc xã hội, chứ không phải cái gì khác, khuyến khích mạnh mẽ sự thay đổi xã hội, nghĩa là, một hành vi được cho là lệch lạc hôm nay rất có thể trở thành chuẩn mực của ngày mai. Chúng tôi xin nhắc lại một ví dụ: Ngày xưa, việc phụ nữ có ý định đi tìm công danh, sự nghiệp bên ngoài gia đình được cho là hành vi sai lệch xã hội. Song, trong xã hội ngày nay, hình ảnh phụ nữ tham gia, tiến bộ cùng xã hội đã trở thành chuẩn mực của người phụ nữ hiện đại. Một loại nhạc có tên gọi “rock and roll” trước đây được cho là làm suy đồi, hư hỏng thanh niên, thì nay đã trở thành thể loại âm nhạc bình thường trong xã hội, thậm chí loại nhạc này còn mang lại những lợi nhuận to lớn khi ta biết đưa nó vào kinh doanh 1 , 2 , 8 .
KẾT LUẬN
3.1. Nghiên cứu hành vi lệch lạc, từ lâu đã thoát khỏi phạm vi đầu tiên của nó là khoa học về tâm lý, sau đó là y khoa, rồi khoa học hình sự và tội phạm, khoa học giáo dục. Song, điều mà chúng tôi muốn nói tới và nhấn mạnh ở đây, sai lệch xã hội cũng đã từ lâu trở thành một thuật ngữ chuyên ngành Xã hội học. Khái niệm sai lệch xã hội là một khái niệm rộng và nhiều ý nghĩa của xã hội học. Sai lệch xã hội là khái niệm phản ánh những hành vi hay hành động của con người khi vi phạm hoặc đi chệch khỏi các chuẩn mực văn hóa đã được xác định.
3.2. Khái niệm “phi chuẩn” mà E. Durkheim đưa ra, được hiểu như là tình trạng rối loạn tổ chức xã hội, mà thể hiện trong những hiện tượng tiêu cực, như sự sụp đổ của các hệ tư tưởng, sự không phù hợp của các điều luật và tình hình xã hội thực tế, các chuẩn mực nước đôi (có tính 2 mặt), sự phân hóa xã hội, sự đối kháng giữa các giá trị và quan điểm. Trong tác phẩm Tự tử , khi cho rằng tự tử là một hành vi sai lệch xã hội to lớn, E. Durkheim cũng đã khẳng định, là mọi sự lệch lạc đều có nguồn gốc xã hội, gắn liền với xã hội, luôn được định hướng bởi xã hội và dựa trên các cơ sở xã hội. Đây cũng chính là bản chất xã hội của hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội.
3.3. Emile Durkheim, người có nhiều đóng góp to lớn cho thuyết chức năng từ khi mới hình thành, đã coi chức năng như là nhu cầu chung, cần thiết của cơ thể xã hội. Và ông khẳng định rằng, bất kỳ “sự kiện xã hội” nào tồn tại và diễn ra trong xã hội, cũng đều có và phải thực hiện những chức năng nhất định, để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội. E. Durkheim đã có đóng góp thực sự to lớn và thuyết phục, khi chỉ ra những chức năng hết sức to lớn, có ý nghĩa và vai trò quan trọng của sai lệch xã hội trong đời sống xã hội. E. Durkhem đã chỉ ra các chức năng chính của lệch lạc xã hội: - Lệch lạc khẳng định những giá trị và chuẩn mực văn hóa. - Phản ứng lại lệch lạc làm rõ hơn ranh giới đạo đức. – Phản ứng lại lệch lạc làm tăng sự thống nhất (đoàn kết) xã hội. - Và lệch lạc khuyến khích sự biến chuyển xã hội.
Điều kết luận quan trong nhất mà chúng tôi muốn nhấn manh lại, rằng trên cơ sở khẳng định những điều rút ra từ bài viết, chúng ta vận dụng vào tìm hiểu và giải quyết các vấn đề liên quan đến hành vi sai lệch xã hội trong thực tế xã hội Việt Nam đang trên đường xây dựng và phát riển mạnh mẽ hiện nay. Trên cơ sở hiểu biết thực sự về bản chất của sai lệch xã hội, và những chức năng to lớn của sai lệch xã hội, chúng ta có những cơ sở khoa học để tìm hiểu và xem xét các biểu hiện cụ thể, cùng các đặc điểm cơ bản của hành vi sai lệch xã hội trong thực tế xã hội ở Việt Nam. Từ đó góp phần khẳng định và làm phong phú thêm các quan điểm về sai lệch xã hội, trong đó có những quan điểm của E.Durkheim mà chúng ta đang rất quan tâm này.
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Bản thảo này không có xung đột lợi ích
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Sai lệch xã hội là một phần có tính lý thuyết quan trọng trong học phần bắt buộc “Xã hội học tội phạm” được giảng dạy trong chương trình đào tạo Cử nhân Xã hội học của Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM và một số Trường Đại học khác ở phía Nam. Xuất phát từ thực tế giảng dạy, mong muốn giúp sinh viên và những người quan tâm hiểu tường tận và nắm chắc vấn để liên quan, chúng tôi thấy cần thiết phải viết thêm bài báo với chủ đề đã nêu. Sự đóng góp trong bài báo này, trước hết là chỉ đưa bản chất và chức năng của lệch lạc xã hội ra trình bày là để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề và cho thấy được mối liên hệ qua lại lẫn nhau chặt chẽ giữa bản chất và chức năng của sai lệch xã hội. Sự đóng góp tiếp theo chính là việc phân tích các quan điểm theo một cách được cho là rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn, hiện đại hơn những luận điểm lý thuyết có tính cổ điển liên quan. Và cuối cùng là các ví dụ gần như là được tìm mới, hiện đại hơn, gần gũi và sát với thực tế, có tính thời sự, để chứng minh cho các luận điểm mang tính kinh điển được nêu trong bài học. Việc nêu vấn đề rất đáng quan tâm là bản chất và chức năng, cùng những phân tích và các minh chứng đã nêu chính là những đóng góp mang tính cá nhân của tác giả, giúp bài báo có nhưng nét riêng của chính tác giả bài báo.
References
- Dũng Bùi Quang, Hùng Lê Ngọc. Lịch sử Xã hội học. Hà Nội: NXB Lý luận Chính trị. . 2005;:. Google Scholar
- Quang ĐN. Tội phạm học. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. . 1999;:. Google Scholar
- Durkheim Emile. Các quy tắc của phương pháp xã hội học. Đinh Hồng Phúc dịch. Hà Nội: NXB Tri thức. . 2012;:. Google Scholar
- Hùng Lê Ngọc. Lịch sử và Lý thuyết Xã hội học. Hà Nội: NXB ĐHQG Hà Nội. . 2009;:. Google Scholar
- Hòa Nguyễn Minh. Xã hội học và những vấn đề cơ bản. Hà Nội: NXB Giáo dục. . 1997;:. Google Scholar
- Vỹ Trương Văn. Sai lệch xã hội trong xã hội học của Emile Durkheim (Qua nghiên cứu 2 tác phẩm "Tự tử" và "Phân công lao động xã hội"). Luận án Tiến sĩ. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. . 2013;:. Google Scholar
- Vỹ Trương Văn. Sai lệch xã hội trong xã hội học của Emile Durkheim (Qua nghiên cứu 2 tác phẩm "Tự tử" và "Phân công lao động xã hội"). Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. . 2015;:. Google Scholar
- Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Lịch sử triết học và xã hội học Anh, Pháp thế kỷ 19. Hà Nội: NXB Sự thật. . 1963;:. Google Scholar
- Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật. Tội phạm học Việt Nam. Hà Nội: NXB Công an nhân dân. . 2000;:. Google Scholar
- Hà Vũ Quang. Các lý thuyết Xã hội học hiện đại. Hà Nội: NXB ĐHQG Hà Nội. . 2001;:. Google Scholar