VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

481

Total

285

Share

Religious Ecology: The environment is the spiritual realm






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Human environmental destruction has been accelerating. The coming forth of ecology is not only the result of the development of human intellectual capacity but also due to the human terror of feeling powerless for the close-up: a world without humankind. Ecology has not been escaped from the obsession of antheism when the very etymology of this discipline in addition to the "Oecologie" (Ökologie) term also has the "Chorologie" term related to a classic reference that belongs to Christianity. The modernity of antheism accompanied by the awareness of the limited capacity of science has been inevitably leading to the formation of the ecological-religious paradigm. The focus of ecology-religion is to expand the scientific credence combined with spiritual life experiments and biblical interpretation of religions, aiming to acknowledge that human existence is the inheritance from living resources including the inorganic nature by the respect for religious beliefs. The ecological-religious ethics are not the starting point but the last destination of the process from the ecological science to ecological legislation and to ecological-religious ethics. Today, the ecological-religious ethics have become a legal command. In the implement course, the ecological-religious ethics have posed challenges to religious worldviews and traditions. This course requires the outlook on the cultural diversity based on the universality of nature as well as discovering the common ground between Anthropocentrism and Ecocentrism, following the instructions of retrieving, reevaluating, and reconstructing religious traditions in light of the growing environmental crisis.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự phát triển của khoa học công nghệ tạo điều kiện cho con người một năng lực ngỡ chừng vô tận trong khai thác giới tự nhiên. Đồng thời cũng đem lại cho con người sự tự mãn trong sự tự ngộ nhận: Con người là chủ thể thống trị thế giới tự nhiên. Nhưng rồi con người buộc phải thức tỉnh, khi tự nhiên đã chống trả lại trong sự kiệt lực vì không thể tự tái tạo sự cân bằng sinh thái. Sinh thái học – tôn giáo ra đời. Nghĩa là tôn giáo và khoa học giờ đây có thể đồng hành sau một thời gian dài biệt lập thậm chí có lúc xung đột đến mức dường như loại trừ nhau. Vậy đâu là điểm chính yếu để hai chiều hướng trí tuệ ngược chiều nhau trong thế giới quan kết nối lại với nhau? Đâu là thách thức khi thế giới quan khoa học không thể nhường bước, buộc thế giới quan tôn giáo phải vượt qua chính mình? Điều gì đã diễn ra trong sự chuyển đổi của hai chiều hướng trên để khát vọng liên kết giữa tôn giáo và sinh thái học diễn ra ở cấp độ toàn cầu đáp ứng ước vọng về một tương lai an bình của con người trên hành tinh này?

SINH THÁI HỌC VÀ SINH THÁI HỌC – TÔN GIÁO

Sinh thái học

Năm 1886, nhà sinh vật học người Đức Ernst Haeckel (1834-1919), trong tác phẩm Generelle Morphologie der Organismen ( Hình thái học sinh vật đại cương ) đã đưa ra thuật ngữ Ökologie (Oecologie/Sinh thái học). Ökologie trong tiếng Đức được tạo thành từ sự kết hợp của hai từ oikos logos của tiếng Hy Lạp. Oikos có nghĩa là (Haus, Wohnhaus, Haushalten): chỗ ở, gia đình, kinh tế/quản trị hộ gia đình. Logos có nghĩa là (logie) lời nói, môn nghiên cứu khoa học. Đương thời, Ernst Haeckel đã giải thích thuật ngữ này, nếu tóm tắt lại, có thể định nghĩa: Sinh thái học là “toàn bộ khoa học về các mối quan hệ của sinh vật với môi trường, bao gồm, theo nghĩa rộng, tất cả các “điều kiện tồn tại” 1 .

Gần như một thông lệ, luôn diễn ra sự tranh cãi về đối tượng nghiên cứu ngành học mới được khai sinh, nên khó có sự đồng thuận về nội hàm thuật ngữ của ngành học. Nhiều học giả đã giải thích sinh thái học khác nhau, nhưng đáng lưu ý là giải thích của Hubertus Mynarek khi ông chỉ ra rằng trên phương diện từ nguyên Ecology ( Ökologie ) ngay từ đầu đã có liên quan đến tôn giáo ( Religion ). Bởi lẽ, từ căn Religio của từ Religion (tôn giáo), trong tiếng Đức có nghĩa là Rück-Bindung an das Ganze (kết nối lại với chỉnh thể/toàn bộ), đồng thời Ecology/Ökologie (Sinh thái học) trong tiếng Đức lại có nghĩa là Oeconomie des Natur-Ganzen (kinh doanh/quản trị toàn bộ tự nhiên hay tự nhiên xét như cái toàn bộ). Nói rõ hơn, sinh thái học ( Ecology, Ökologie ) liên quan đến sự tham chiếu và thâm nhập bằng quan điểm mới về tự nhiên, liên quan đến sự tồn tại của con người trong tính chỉnh thể của tự nhiên, là một loại Das ganzheitliche Denken (tư duy mang tính chỉnh thể/toàn bộ) 2 . Như vậy, Hubertus Mynarek đã phát hiện sự tương đồng giữa sinh thái học và tôn giáo là đều quan tâm đến tính toàn bộ . Sinh thái học quan tâm toàn bộ tự nhiên và tôn giáo quan tâm toàn bộ cái thiêng liêng.

Người viết bài này cũng xin được phép được bổ sung chi tiết thú vị, như là sự “gia cố” cho lập luận Oecologie ( Sinh thái học ) ngay từ đầu đã có liên quan đến từ Religion (tôn giáo) của Hubertus Mynarek. Đó là vào năm 1866, khi trình bày nội dung nghiên cứu của Sinh thái học ( Oecologie/Ökologie/Ecology ), Haekel – người đề xuất ngành học này – đã chính mình đặt tựa cho bài viết là: “Oecologie und Chorologie” (“ Oecologie và Chorologie ”) 3 . Thuật ngữ Chorologie trong tiếng Hy Lạp cổ là χώρας, chuyển tự khōrā (nguyên văn 'χωρα'/ đọc là chora), có nghĩa là “nơi ở, khu vực phân bố”. Điều làm cho ta lưu ý là Chora lại là thủ đô của các cộng đồng ở đảo Patmos . Đây cũng là nơi Thánh John, một trong mười hai tông đồ của Chúa Jesus bị đi đày. Trong sự suy tưởng về ngày tận thế của nhân loại, cảm nhận Chora như là nơi trú ẩn cuối cùng đã tạo cảm hứng cho Thánh John viết cuốn Khải huyền (kinh Tân Ước). Hang động nơi Thánh John ở và nhìn thấy những hình ảnh mặc khải về phán quyết cuối cùng được gọi là hang Khải huyền. ởi địa thế và vai trò đặc biệt trong lịch sử, Patmos có địa danh là “nơi ngày tận thế bắt đầu”.

Ở Việt Nam, sinh thái học hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là khoa học nghiên cứu về các trạng thái của sự sống. Mọi trạng thái của sự sống đều là đối tượng nghiên cứu của sinh thái học. Hiện nay, nội dung và chức năng của sinh thái học đã được xác định cụ thể hơn. “Sinh thái học là khoa học tổng hợp về quan hệ tương hỗ giữa sinh vật và môi trường và giữa các sinh vật với nhau, là khoa học cơ sở cho công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường” 3 . Nói cách khác, sinh thái học ( Ecology/Oecologie /Ökologie ) liên quan đến quan điểm mới về tự nhiên, xem tự nhiên là một chỉnh thể toàn bộ sự Sống, bao hàm cả sự Sống của con Người.

Như vậy, dù xác định từ quan điểm nào đi nữa thì thuật ngữ sinh thái vẫn có hàm nghĩa rất rộng là tổng thể căn nguyên sự sống và năng lực cân bằng sự sống của vũ trụ. Trong nhận thức của con người ngay từ thời hồng hoang, vũ trụ – thiên nhiên đã được cảm nhận như một toàn thể với một cảm thức huyền nhiệm đầy sự lôi cuốn, hấp dẫn, say mê pha lẫn sự tuân phục, sùng kính đầy sợ hãi ( mysterium tremendum et fascinans ) . C on người cảm thấy trở nên bé nhỏ trước đấng Tự nhiên-vũ trụ tối cao với những cảm nghiệm vượt ra khỏi thường tình, mang tính thần bí, thiêng liêng. Vũ trụ – thiên nhiên trở thành “ Thánh Thiêng ” (numineux/numinous) như một dạng thức phiếm thần luận mà Rudolf Otto đã trình bày trong tác phẩm Das Heilige năm 1917.

Phiếm thần luận hiện đại là cơ sở cho sự kết nối sinh thái học và tôn giáo

Nhận thức về sinh thái đã được “thiêng liêng hóa phi tôn giáo” trong tầm nhìn của phiếm thần luận. M. Eliade tiếp tục hướng đi này với sự không ngần ngại thông diễn “lịch sử” như là một vòng tròn luôn lập lại thánh thiêng như lúc khởi đầu. “Chính vì thế cả khi con người bị tục hóa, con người vẫn coi thời “khởi đầu” (illo tempore) là quan trọng và không ngừng lập lại hàng năm hay hàng tuần, có khi cả hàng ngày nữa, theo nhịp sống trong ý thức hay vô thức đòi hỏi” 4 . Đây chính là lời chỉ dẫn để chúng ta tiếp cận phiếm thần luận từ góc nhìn đương đại, làm cơ sở cho sự tìm hiểu Sinh thái học-tôn giáo. Vì phiếm thần luận là triết lý về con đường tâm linh vốn quan tâm, sùng kính và tuân phục sự bảo tồn Thiên nhiên .

Phiếm thần luận = Pantheism (trong tiếng Hy lạp: pan = tất cả; theos = đấng thiêng liêng) . Pantheism có nghĩa: Vũ trụ – thiên nhiên chính là Thần vũ trụ, Thần thiên nhiên nên có thể gọi: Vũ trụ – thiên nhiên là Đấng thiêng liêng. Phiếm thần luận quan niệm thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai vận động theo quy luật, nhưng những quy luật đó đều được tạo ra theo nguyên tắc của Đấng thiêng liêng là Vũ trụ. Cảm thức sùng kính, thán phục và sợ hãi của con người là cảm thức về cái “siêu trác tuyệt” của vũ trụ theo nghĩa là một đấng uy lực tối cao luôn hiện hữu trong tính toàn thể của vũ trụ, của tự nhiên. Sự sinh ra và sự chết đi của con người đều gắn với Đấng thiêng liêng vũ trụ duy nhất này. Đấng thiêng liêng vũ trụ trong phiếm thần luận không phải là Thần linh siêu nhiên nên không trừng phạt hay khen thưởng cho hành vi thiện ác. Phiếm thần luận chỉ yêu cầu con người phải có bổn phận trân trọng thiên nhiên như trân trọng chính bản thân mình. John Toland, nhà văn Ireland, là người đầu tiên sử dụng từ Pantheist vào năm 1705 và định nghĩa nó như là một người mà “ngoài vũ trụ ra, không tin vào bất cứ hữu thể vĩnh cửu nào khác” [ 5 , tr.13]. Dấu ấn của phiếm thần đã từng được lưu lại như một di sản trong các kinh văn Upanishad của Ấn Độ khi luận giải về Atman – Brahman, trong Kinh Dịch của Trung quốc khi luận thuyết về “Cái sinh mệnh” với tinh thần “Thiên nhân giao cảm”, “Thiên nhân hợp nhất” và cả trong các luận thuyết về logos của Heraclitus thời cổ đại Hy lạp.

Tinh thần duy lý khoa học dẫn đến sự bùng nổ của cách mạng khoa học kỹ thuật trong thế kỷ XX làm suy giảm niềm tin của con người vào các tôn giáo truyền thống, giúp con người tự tin đến mức liều lĩnh khi dấn thân vào công cuộc khai phá tự nhiên nhằm thống trị tự nhiên. Nhưng cũng chính tinh thần duy lý khoa học cũng giúp cho con người nhận ra năng lực hữu hạn của mình. Con người không thể là chủ thể thống trị mà chỉ là chủ thể hợp tác với tự nhiên để bảo toàn sự sống của mình chứ không thể tước đoạt quyền tác tạo của vũ trụ – thiên nhiên. Vai trò chủ thể của con người chỉ mang tính độc lập tương đối vì suy cho cùng, con người vẫn phải lệ thuộc vào vũ trụ – thiên nhiên. Vũ trụ – thiên nhiên không chỉ là giá đỡ vật chất mà còn là giá đỡ tinh thần cho sự tồn tại con người. Con người muốn tồn tại cần phải nương tựa vào vũ trụ – thiên nhiên chứ thiên nhiên – vũ trụ không nương tựa vào con Người. Không có con người, vũ trụ – thiên nhiên vẫn tồn tại. Tinh thần duy lý khoa học trong phiếm thần luận thời hiện đại quan niệm: Tôi cảm thấy một lòng sùng kính có tính tôn giáo sâu xa đối với Vũ trụ – thiên nhiên vì sự vận động của Vũ trụ không chỉ tạo ra con Người mà còn dẫn dắt con Người nhận thức trở lại cội nguồn sự Sống. Phiếm thần luận được phục sinh trong trào lưu Sinh thái học – tôn giáo với tinh thần duy lý khoa học làm nảy sinh một cảm thức mới trong sùng kính, yêu thương vũ trụ – thiên nhiên, làm nảy sinh một tình cảm tâm linh mới về Đấng vũ trụ thiêng liêng.

Sinh thái học-tôn giáo: mô hình tích hợp giá trị khoa học và giá trị tôn giáo

Cho đến thời điểm hiện tại, tư duy khoa học của con người trong sự truy tầm nguyên nhân tạo thành vũ trụ vẫn đành phải chấp nhận là chính Vũ trụ. Trong tầm nhìn của tư duy khoa học hiện đại về phiếm thần luận, thoát ra khỏi ảnh hưởng Thần học Kitô giáo, tất yếu dẫn đến sự ra đời của mô hình tích hợp Sinh thái học và tôn giáo .

Sinh thái học – tôn giáo nghiên cứu thái độ và hành vi cần có của các tôn giáo với sinh thái tự nhiên bằng những thái độ, hành vi vừa có tính khoa học vừa mang tính tâm linh, dẫn dắt tín đồ thực hiện sự cứu rỗi và hoàn thiện thế giới sống của con người. Sinh thái học – tôn giáo trình bày những quan niệm, học thuyết sùng bài, cấm kị có lên quan đến việc giữ gìn nguyên trạng, vận động bảo vệ sinh thái tự nhiên với ý nghĩa thiêng liêng của tôn giáo. Nếu như trọng tâm của sinh thái học là tuân thủ nguyên tắc cân bằng sinh thái trong khai thác tự nhiên và tái tạo của tự nhiên trên cả hai phương diện định tính và định lượng nhằm thỏa mãn nhu cầu Sống của con người trong sự phát triển bền vững, thì trọng tâm của sinh thái học – tôn giáo là mở rộng niềm tin khoa học kết hợp với các thực nghiệm của đời sống tâm linh cùng với sự diễn giải kinh văn của các tôn giáo để nhận thức sự sống con người là sự thừa hưởng các nguồn lực sống từ cả giới tự nhiên vô cơ bằng sự tôn trọng niềm tin tôn giáo. Trong mô hình tích hợp sinh thái học – tôn giáo, sự quan tâm đang chuyển dần từ cảm thức tôn giáo hướng về sinh thái [ecological religion: cộng đồng tôn giáo hướng đến các diễn ngôn sinh thái ] sang trạng thái tỉnh thức của sinh thái học hướng về tôn giáo [religious ecology: sinh thái học đặt ra vấn nạn khủng hoảng sinh thái, hợp lực cùng tôn giáo ] huy động mọi nguồn lực bảo vệ sinh thái bằng lý tính khoa học cùng với niềm tin vào quyền năng siêu việt của giới tự nhiên – môi trường Sống của con người.

Trong lĩnh vực nghiên cứu mới của sự tương hỗ giữa tôn giáo và sinh thái học, sinh thái học – tôn giáo mở rộng sự đối thoại với sinh thái xã hội, sinh thái chính trị, sinh thái văn hóa, sinh thái công nghiệp và kinh tế học sinh thái. Lĩnh vực này bắt đầu với chuỗi hội nghị Harvard về Tôn giáo Thế giới và Sinh thái học tại Trung tâm Nghiên cứu các Tôn giáo Thế giới Harvard từ năm 1996 đến 1998. Trong giai đoạn này và những năm tiếp theo, các học giả tôn giáo và thần học bắt đầu quá trình tìm lại, đánh giá lại, và kiến tạo lại các truyền thống tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng môi trường ngày càng gia tăng. Nghiên cứu nhân văn về các cách đánh giá tự nhiên và sử dụng tự nhiên một cách có đạo đức được coi là một phần bổ sung cho nghiên cứu thực nghiệm về tự nhiên từ góc độ khoa học. Công việc này đã được khuyến khích bởi Diễn đàn về Tôn giáo và Sinh thái tại Đại học Yale . “ Từ diễn đàn này, lĩnh vực sinh thái học-tôn giáo có một số cách tiếp cận bao gồm: (1) xác định các cách tiếp cận thần học đối với tự nhiên trong các truyền thống tôn giáo trên thế giới; (2) giao thoa với lĩnh vực đạo đức môi trường trước đó đã nảy sinh từ bên trong triết học phương Tây; (3) nêu bật các thực hành đối với chủ nghĩa môi trường tôn giáo trên thực tế; (4) ứng phó với các vấn đề cụ thể như biến đổi khí hậu, công bằng môi trường, an ninh lương thực và độc hại; và (5) dựa trên những hiểu biết của các “nghệ sĩ và tác giả” về thiên nhiên để nói lên sự phức tạp của thiên nhiên.

Công trình nghiên cứu về tâm linh và sinh thái – tôn giáo này đang mở ra cho lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo một hiểu biết rộng hơn về tôn giáo là gì và nó hoạt động như thế nào ngoài các phạm trù giải thích của phương Tây. Độc thần dưới các hình thức Áp-ra-ham khác nhau của nó không làm kiệt quệ bản chất của tôn giáo. Vì vậy, giờ đây chúng ta có thể nhìn tôn giáo qua lăng kính sinh thái học – tôn giáo như một cách định hướng con người đến vũ trụ, tạo cơ sở cho họ trong cộng đồng thiên nhiên và con người, nuôi dưỡng họ trong các quá trình sinh tồn của Trái đất và biến họ thành bản thể vũ trụ sâu sắc hơn của họ. Điều này mang lại ý nghĩa mới mẻ cho thuật ngữ tôn giáo từ tiếng Latin là religio (“để ràng buộc trở lại”), gợi ý sự quay trở lại nhận thức và cam kết đối với các nguồn lợi cơ bản của cuộc sống…..”

…Sinh thái học tâm linh hay Sinh thái học tôn giáo đề cập đến thái độ, giá trị và thực hành liên quan đến tự nhiên trong các tôn giáo trên thế giới và bên ngoài các truyền thống đó. Hệ sinh thái tâm linh hoặc tôn giáo xác định các cách thức tương tác với thiên nhiên để truyền cảm hứng cho các phản ứng của con người về sự tôn trọng, bảo vệ và sử dụng thiên nhiên một cách thích hợp”. 6

Sinh thái học – tôn giáo như là sự thể hiện thế giới quan sinh thái về mối quan hệ diễn ra sự kết nối của hai mặt đối lập. Một mặt là sự áp đặt tri thức khoa học và ý chí của con người vào giới tự nhiên. Mặt khác lại gắn con người vào trong những huyền thoại với niềm tin sâu xa là con người với thế giới là một thể thống nhất và bình đẳng trong quan hệ tương giao 7 .

Như vậy, nó mở rộng các lập luận trọng tâm trong nghiên cứu tôn giáo trong tính nhân văn của môi trường. Thực tế là các cộng đồng tôn giáo trên thế giới ngày càng nỗ lực góp phần vào một hệ sinh thái toàn vẹn của con người và thiên nhiên.

Sinh thái học – tôn giáo là mô hình tích hợp giá trị khoa học và giá trị tôn giáo. Giá trị khoa học là những dự báo mang tính quy luật của khủng hoảng sinh thái. Giá trị tôn giáo là tinh thần cứu rỗi và hoàn thiện thế giới sống của con người. Sinh thái học – tôn giáo đáp ứng mong muốn ngăn chặn, khắc phục những nguy cơ từ khủng hoảng sinh thái của các nhà khoa học mà không đòi hỏi các tín đồ tôn giáo từ bỏ những thực nghiệm tâm linh khi cảm nhận lời cảnh báo ngày tận thế từ Đấng thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh tôn giáo của tín đồ cũng được thỏa mãn từ sinh thái học – tôn giáo khi cảm nhận lời giáo huấn của Đấng thiêng liêng không mâu thuẫn mà lại đồng thuận với những yêu cầu khoa học của sinh thái học. Chính vì thế, sinh thái học – tôn giáo phù hợp với thời đại khủng hoảng môi trường hiện nay.

THẾ KỶ XXI VỚI NHỮNG HIỂM HỌA TỪ KHỦNG HOẢNG SINH THÁI

Thế kỷ XXI: thế kỷ của tận thế?

Năm 1864, công trình Man and nature or, Physical geography as modified by Human action/ Con người và tự nhiên hoặc Địa vật lý như thể được sửa đổi bởi hành động con Người liên quan đến vấn đề bảo vệ tự nhiên, do George P.Marsh xuất bản đã đưa ra lời cảnh báo về sự phá hoại sinh thái của con người. Không nghi ngờ gì nữa, đó là sự tự đào huyệt chôn mình khi phải hứng chịu sự trừng phạt và báo thù của tự nhiên. Tiến đến thế kỷ XXI, nhân loại đã không những không khắc phục được các nguy cơ tiềm ẩn mà còn biến chúng thành hiểm họa cận kề.

Hiểm họa sinh thái đã được Nikita Moiseev nhận định trong tác phẩm Tồn tại hay không tồn tại… Nhân loại (1999): “Thế kỷ XX là Thế kỷ cảnh báo , còn thế kỷ XXI là Thế kỷ lựa chọn giữa ngã ba đường : Sống thế nào hay là chết thế nào ?” [ 8 , tr.14], “Nếu con người không tìm ra được chìa khóa cần thiết cho những quan hệ tương hỗ với Tự nhiên thì nó sẽ tất yếu bị diệt vong. Cho dù nền chính trị, dân chủ, tổ chức nhà nước, nguyện vọng và ý chí của những người hùng của thế giới này có là thế nào đi nữa!” [ 8 tr.24].

Sinh quyển là một hệ thống vốn có năng lực cân bằng nội tại để thực hiện cơ chế điều hòa… sự tương tác giữa các lực từ các giới vô cơ, hữu cơ, sinh học và xã hội của một hành tinh trong thái dương hệ. Các lực hoạt động của con người vốn là hoạt động của lực lượng sinh học – xã hội, một lực lượng có ý thức, phải hòa nhập vào sự tuần hoàn tự nhiên này của sinh quyển một cách tự giác. Nói một cách khác là không được phá vỡ chu trình của sinh quyển. Nhưng từ lâu con người đã vi phạm quy tắc tuyệt đối này. Do đó, sinh quyển đang thực hiện sự tự điều chỉnh những tác động của con người với phương thức có thể nhằm loại bỏ con người. Chính điều này đang ám ảnh chúng ta, khi tốc độ hủy hoại sinh thái của con người ngày càng gia tăng, đẩy nhanh đến sự kết thúc lịch sử con người.

Nhân loại đã từng biết đến những giả thuyết về ngày tận thế trong Do Thái giáo, Kitô giáo… nhưng vẫn còn có niềm hy vọng cho những người thiện lương. Còn giả thuyết ngày tận thế đến từ hiểm họa do con người gây ra là có thật từ sự mất cân bằng sinh quyển, khủng hoảng sinh thái lan tràn trên diện rộng đã làm tiêu tan mọi hy vọng của con người. Nhận định về bản báo ᴄáᴏ được viết nên bởi 243 nhà khoa học khắp thế giới mà Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (The Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) công bố ngày 9/8/2021 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres lo ngại: “Những hồi chuông báo động đang vang lên chói tai, và bằng chứng là không thể chối cãi: Khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đang làm nghẹt thở hành tinh của chúng ta; khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm ngay lập tức!... Ông gọi bản báo cáo ngày 9/8 này là “mã màu đỏ cho nhân loại” (Code Red for humanity) 9

Cần có những định thức để ngăn chặn khủng hoảng sinh thái

Theo Báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2022 , kể từ giữa thế kỷ XX, dân số thế giới đã tăng hơn gấp ba lần, tăng từ khoảng 2,5 tỷ vào năm 1950 lên gần 7,9 tỷ vào năm 2021. Các dự báo của Liên hợp quốc cho thấy rằng quy mô dân số toàn cầu có thể tăng lên gần 11 tỷ người vào cuối thế kỷ XXI, khi nó được mong đợi sẽ ổn định 10 .

Sự tăng trưởng dân số thế giới kéo theo tiêu thụ “quá mức hạn định” sẽ đe dọa môi trường sống. Những nhu cầu tiếp theo đối với thế giới tự nhiên dường như đang có xu hướng không bền vững. Thực tế đã cho thấy là không thể giảm số lượng dân số trên trái đất cũng như không thể giảm thiểu sự tiêu thụ năng lượng bằng cách giảm mức khai thác các trữ lượng dầu mỏ và khí đốt về ngưỡng thấp nhất và dẫu sao cũng không là vô tận. Vậy đâu là lối thoát khỏi khủng hoảng sinh thái? Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải đi tìm nguyên nhân trực tiếp gây ra khủng hoảng.

Khoanh vùng vấn đề khủng hoảng sinh thái toàn cầu vào hai hiện tượng ô nhiễm và phá hoại môi trường, ta thấy nổi lên hai nguyên nhân chính. Đó là: chất thải công nghiệp và hậu quả của văn hóa siêu tiêu dùng của cư dân đô thị, nhất là các nước có nền công nghiệp phát triển. Chất thải công nghiệp vẫn có thể giám sát và kiểm soát được lộ trình và xây dựng được hành lang pháp luật để xử lý các trường hợp vi phạm nhưng khó có thể kêu gọi sự tự giác trong ý thức hạn chế tiêu dùng của người dân. Sự tình không đơn giản khi nền sản xuất lũng đoạn cung và cầu ở tầm xuyên quốc gia của chủ nghĩa tư bản như hiện nay rõ ràng không dễ gì điều tiết. Dẫu rằng đã có ý thức về hiểm họa của ô nhiễm môi trường nhưng việc người dân tự giác kiềm chế thói quen trong tiêu dùng là điều không dễ thực hiện. Điều đó đang đặt ra yêu cầu trong việc ngăn chặn đà tăng trưởng của khủng hoảng sinh thái, đòi hỏi ý thức tự giác cao độ của cá nhân nhưng phải là một phong trào hành động mang tính toàn cầu.

Nhân loại phải nhận thức rằng mọi hoạt động sống của con người phải hài hòa với sự phát triển của toàn bộ sinh quyển. Và điều khó khăn lớn nhất không phải là khoa học có nhận ra và mô tả được những hiểm họa của ô nhiễm môi trường hay không mà là nhân loại có ý thức được năng lực chấp nhận hiểm họa đến đâu và có quyết tâm tuân thủ những chuẩn mới của chương trình hành động nhằm bảo vệ mội trường trong toàn bộ hoạt động Sống của mình hay không? Như Nikita Moiseev đã gọi những chuẩn mới là “ mệnh lệnh sinh thái học và nghĩa vụ của nhân loại trong giai đoạn lịch sử hiện nay là: “Phải tìm ra được cho mình một phương thức phát triển mà bằng nó sẽ có thể hòa hợp các nhu cầu của con người, hoạt động chủ động của nó với những khả năng của Sinh quyển hành tinh. Một phương thức như thế sẽ cho phép hi vọng bảo tồn khả năng tiếp tục phát triển Sinh quyển. Đó chính là định thức bao quát nhất của mệnh lệnh sinh thái học, bởi lẽ sự vi phạm nó đe dọa loài người tất yếu phải thoái hóa” [ 8 tr.80].

Nội dung của những định thức ngăn chặn khủng hoảng sinh thái

Định thức t hứ nhất: Định thức này phải đạt được yêu cầu khách quan là duy trì được sự tăng trưởng nhu cầu của con người phải thấp hơn với tốc độ tái tạo cân bằng của sinh quyển. Nói khác đi là phải xác định “của để dành” trong sinh quyển. Có nghĩa là con người phải biết giảm thiểu nhu cầu của mình, nhưng không để con người tự giác mà tiến hành cưỡng chế con người bằng pháp luật mang tính toàn cầu. Có nghĩa là phải thực hiện một chiến lược hoạt động định hướng cho con người, đi liền với pháp chế hóa sự hành xử của con người với sinh thái. Nghĩa là phải có sự xác định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ bảo vệ sinh thái trong các bộ luật.

Định thức t hứ hai: Định thức này cần có sự liên kết các quốc gia bằng chính sách sinh thái tích cực theo tinh thần của phong trào Ngưng hủy diệt môi trường (Stop Ecocide), gắn kết với chiến lược phát triển của từng quốc gia với yêu cầu cân bằng sinh thái khi sự liên kết toàn cầu là chưa thể nhưng liên kết theo từng vùng có những tương đồng về văn hóa là điều có thể. Tại sao lại là tương đồng về văn hóa? Vì trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, xung đột giữa các quốc gia suy cho cùng vẫn là sự xung đột về lợi quyền quốc gia. Việc nhận ra yêu cầu chung của cân bằng sinh thái khó có thể đến từ giao tiếp kinh tế hay giao tiếp chính trị mà dễ dàng hơn là từ giao tiếp văn hóa, rõ nhất là khi có sự tương đồng về văn hóa tôn giáo. Từ những dự báo của sinh thái học – tôn giáo, các quốc gia dễ dàng có được tiếng nói chung khi có chung niềm tin và Đấng thiêng liêng.

Trong sự liên kết này, không thể bỏ qua vai trò của LHQ, mặc dầu sự thể hiện còn mờ nhạt. “Đại hội Sinh thái học quốc tế ở Rio” đã diễn ra năm 1992 tại thành phố Rio de Janeiro ở cấp các nguyên thủ nhà nước và chính phủ. Thế nhưng 5 năm sau (tháng 6/1977), những đánh giá của Kỳ họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ mà người tham dự là những lãnh đạo cao nhất đại diện cho các quốc gia (tổng thống và thủ tướng) đã thừa nhận sự thất bại của Đại hội này khi Văn kiện kết thúc đã tuyên bố: “lo lắng sâu sắc về việc những khuynh hướng chung trong lĩnh vực phát triển bền vững hiện giờ đã xấu hơn so với năm 1992” [ 8 , tr.95]. Điều này cũng có nghĩa là “Nguy cơ của một thảm họa sinh thái toàn cầu, mà về nó nhiều nhà khoa học đã và đang cảnh báo, đáng tiếc cho đến giờ vẫn chưa trở thành đối tượng xem xét tại Liên Hiệp Quốc” [ 8 , tr.97].

Chúng ta có thể chuyển hướng đi của mình để ngăn chặn thảm họa không? Có một số dấu hiệu cho thấy điều này vẫn có thể xảy ra. Vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, sau khi Đức Giáo hoàng phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, 195 quốc gia thành viên đã thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Vào ngày 12 tháng 12 năm 2015, chính các quốc gia thành viên này đã thông qua Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu . Hiệp định Khí hậu xuất hiện từ hoạt động chuyên trách của các chính phủ và xã hội dân sự cùng với các đối tác kinh doanh không thể thiếu sự lãnh đạo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và nhiều người khác.

Việc các chuyên gia pháp lý trên toàn cầu tiếp tục đưa ra dự thảo luật về Tội phạm diệt chủng sinh thái (Ecocide) trước Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC) vào ngày 22/6/2021 để truy tố những tội danh nghiêm trọng nhất chống lại môi trường với khả năng được thông qua khá cao cho thấy LHQ không thể đứng ngoài cuộc . Bản dự thảo luật trên định nghĩa Ecocide như là “các hành vi bất hợp pháp hoặc bừa bãi đã được thực hiện dầu biết rằng chính các hành vi này có khả năng gây ra thiệt hai nghiêm trọng đáng kể cho môi trường hiện tại trên diện rộng hoặc trong thời gian dài” 11

Nếu được ICC thông qua, Tội ác diệt chủng hệ sinh thái sẽ trở thành tội danh thứ năm mà tòa án này truy tố – cùng với tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội ác xâm lược. Điều quan trọng hơn, Ecocide sẽ được xem là có tầm mức tương tự như một tội phạm quốc tế, cùng với tội diệt chủng (Genocide).

Cả 4 tội danh trước đều tập trung hoàn toàn vào duy trì nền hạnh phúc của con người. Còn tội danh thứ 5 đang được xem xét như để giới thiệu một cách tiếp cận mới, không đặt con người vào trung tâm nền pháp lý của nhân loại (non-anthropocentric law), nhưng đặt môi trường và hệ sinh thái vào trọng tâm của luật pháp quốc tế. Đó là vì khi môi trường sống sụp đổ, con người cũng không thể thoát khỏi số phận tuyệt diệt của mình.

Sau hàng thập niên tồn tại bên lề của phong trào bảo vệ môi trường, giờ đây tội ác hủy diệt môi trường đã được các nghị sĩ và nhà lãnh đạo khắp thế giới bàn đến. Trong số đó có Emmanuel Macron, tổng thống Pháp. Hai đảng Xanh của Bỉ đã đưa ra dự luật hủy diệt môi trường, đề xuất giải quyết vấn đề này ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế – một ý tưởng cũng được các nhà lập pháp Thụy Điển ủng hộ. Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nhìn nhận hủy diệt môi trường là một tội hình sự… 12

Dù tình trạng hiện thời vẫn chưa thay đổi, nhưng khi dự luật Ecocide ngày càng được nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới ủng hộ, có thể được coi là bước tiến quan trọng trong việc đưa tội hủy diệt môi trường vào khuôn khổ quy định của luật hình sự quốc tế. Thách thức vẫn còn rất nhiều, nhưng hiệu quả có thể nhận thấy là đã có sự thay đổi trong nhìn nhận, đánh giá và quan tâm nhiều hơn đến những hành động gây tổn hại môi trường 13 .

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) có tất cả 197 quốc gia tham gia, khai mạc ngày 31/10/2021 bế mạc ngày 13/11/2021 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact) tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Hiệp ước khẳng định tính cấp thiết của việc mở rộng quy mô hành động và hỗ trợ, nếu phù hợp, bao gồm tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động này. 14

ĐẠO ĐỨC SINH THÁI – TÔN GIÁO VÀ BƯỚC CHUYỂN MỚI CỦA CÁC PHONG TRÀO TÔN GIÁO

Đạo đức sinh thái – tôn giáo là điểm đến của sinh thái học-tôn giáo

Đạo đức vốn từ phong tục và tập quán và dư luận xã hội để quy định những quy tắc ứng xử của thành viên trong cộng đồng. Đạo đức ban đầu như là luật bất thành văn, có trước các hệ tri thức khoa học và pháp luật thực định. Thế nhưng trong định thức ngăn chặn khủng hoảng sinh thái này, đạo đức sinh thái – tôn giáo không phải là điểm khởi đầu mà là điểm đến cuối cùng của diễn trình từ Khoa học sinh thái đến Pháp luật sinh thái và dẫn đến Đạo đức sinh thái – tôn giáo. Tại sao lại như vậy? Vì sinh thái học là khoa học có tính thức tỉnh và kiến tạo, trong sự phát triển nội tại của khoa học này có sự quyện chặt của cảm thức phiếm thần luận mà tầm giá trị nhân sinh phổ quát gắn liền với sự thiêng hóa vũ trụ. Sự tôn trọng vũ trụ thiêng là một sự thực hiện có tính cưỡng bức tâm linh vượt trên tầm lợi ích của giai cấp, của các tập đoàn và mang ý nghĩa toàn nhân loại. Sự liên minh của quốc gia trong việc bảo vệ sinh thái phải mang tính pháp lý quốc tế, một sự liên minh còn được tạo ra từ tính tự nguyện khi ý thức được bảo vệ sinh quyền chính là bảo vệ sự sống. Bảo vệ sự sống chính là cái Thiện cao nhất của đạo đức. Do đó, mệnh lệnh đạo đức sinh thái – tôn giáo là hệ quả của sự phát triển của khoa học sinh thái và pháp luật sinh thái trong tầm nhìn của phiếm thần học mà vũ trụ này, sinh quyển này là Đấng thiêng liêng. Hủy diệt môi trường tự nhiên là hủy diệt sự Sống của con người. Đạo đức sinh thái – tôn giáo giờ đây đã trở thành mệnh lệnh mang tính pháp luật.

Đạo đức sinh thái – tôn giáo xác định ý nghĩa của Thiện và Ác; Lương tri và Trách nhiệm trong mối tương quan của con Người với thế giới tự nhiên. Scheitzer cho rằng con người bằng tư duy đúng đắn có thể đem yếu tố đạo đức vào cái thực thể phi đạo đức ấy. “Tôi là sự sống, mà sự sống ấy muốn sống, tôi là sự sống giữa những sự sống mà những sự sống ấy muốn sống” [ 15 , tr.414]. Sự sống đáng được ngưỡng mộ vì nó là cái huyền bí, cái không thể giải thích được, vì tất cả các vật sống đều yêu mến nó. Con người, như một sinh linh hữu trí, ngưỡng mộ sự sống trong minh, ngưỡng mộ cả sự sống và ý chí sống của các sinh linh khác. Từ đó, đặt ra vấn đề Con Người có nghĩa vụ gì trong khai thác tự nhiên để tự nhiên có thể “tái sinh” khi con Người là chủ thể quản lý Trái Đất này. Đây là vấn đề toàn cầu chứ không là vấn đề của một quốc gia riêng biệt. Đạo đức sinh thái – tôn giáo là đạo đức toàn nhân loại.

Đạo đức sinh thái – tôn giáo diễn ra từ sự tác động chủ động của con người và sự đón nhận một cách thụ động của giới tự nhiên. Con người phải hành động để bảo vệ bản tính cân bằng nội tại thiêng liêng của sinh quyển. Hành động đó là hành động đạo đức sinh thái – tôn giáo; hành động tự ý thức về sự tồn tại của con người phải gắn liền với bảo vệ sinh quyển thì thần thiêng vũ trụ sinh quyển mới bảo vệ con người.

Hành động đạo đức sinh thái – tôn giáo là sự biểu hiện cao nhất đạo đức học sinh thái, là kết quả của sự kết hợp từ hệ tư tưởng khoa học về sinh thái và hệ tiêu chuẩn đạo đức – tôn giáo để bảo vệ bản tính cân bằng nội tại của sinh quyển trong quan hệ lợi ích của con người với tự nhiên. Hệ tư tưởng khoa học về sinh thái và hệ tiêu chuẩn đạo đức sinh thái – tôn giáo không thể không tiếp nhận những quan điểm, tư tưởng của tôn giáo về sinh thái trong tầm nhìn giá trị học. Có nghĩa là sinh thái học – tôn giáo góp phần xác lập những giá trị đạo đức tôn giáo – sinh thái hòa cùng với tính phổ quát của đạo đức sinh thái.

Những thách thức đang đặt ra cho các phong trào tôn giáo về sinh thái

Thách thức đối với thế giới quan sinh thái và thế giới quan tôn giáo

Sinh thái học về cái thiêng đã xác lập thế giới quan sinh thái – tôn giáo bao hàm “tri thức sinh thái truyền thống”. Một hệ phức hợp giữa hiểu biết – thực hành – niềm tin , với 4 cấp độ phân tích: lớp thứ nhất là lớp hiểu biết về các loài động thực vật và cảnh quan môi trường; lớp thứ hai là hệ thống kỹ thuật được sử dụng để khai thác; lớp thứ ba là hệ thống thiết chế xã hội trong việc tổ chức quản lý và sử dụng tài nguyên; lớp thứ tư là lớp bao trùm bên ngoài chính là thế giới quan – hệ thống niềm tin nói chung [ 16 , p.17-18].

Sự xác lập thế giới quan sinh thái – tôn giáo từ ngành sinh thái học – tôn giáo tường chừng như là điều tất nhiên nhưng hóa ra lại hoàn toàn không đơn giản. Vì dạng thức của thế giới quan sinh thái – tôn giáo không phải là phép cộng đơn thuần giữa thế giới quan khoa học sinh thái với thế giới quan tôn giáo. Thế giới quan sinh thái – tôn giáo là thể thống nhất giữa hai giá trị đối lập là giá trị khoa học và giá trị tôn giáo. Hai thực thể giá trị này thống nhất với nhau, xâm nhập vào nhau, chuyển hóa cho nhau nhưng không được loại trừ nhau. Trong hành động, thế giới quan sinh thái – tôn giáo phải thể hiện sự “đồng thuận” về giá trị của khoa học và tôn giáo trong nhìn nhận và giải quyết những vấn đề sinh thái. Mặc dầu, các cộng đồng tôn giáo trên thế giới ngày càng nỗ lực nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái liên kết giữa con người và thiên nhiên nhưng sự nỗ lực này luôn chịu ảnh hưởng bởi thế giới quan tôn giáo và thực tiễn đạo đức văn hóa tôn giáo của mỗi cộng đồng. Vì các mệnh lệnh đạo đức và hệ thống giá trị của các tôn giáo là không thể thiếu trong quá trình vận động con người tăng cường khả năng phục hồi sự cân bằng của hệ sinh thái và đảm bảo phúc lợi của con người trong sự chi phối về cái Thiêng. Như Mircea Eliade diễn giải, theo truyền thống, tôn giáo quan niệm: Thế giới (vũ trụ) có ba tầng: từ Đất mở ra phía trên là Trời – thế giới thần thánh, từ đất mở về phía dưới là Âm phủ – thế giới của những người chết. Ba tầng vũ trụ: Trời – Đất – Âm phủ giao lưu được với nhau [ 17 , tr.37]. Nhiều tín ngưỡng, huyền thoại và nghi thức khác nhau bắt nguồn từ “hệ thống thế giới”. Với thế giới quan này, chắc chắn không thể nào có được sự đồng thuận từ thế giới quan khoa học về sinh thái.

Ngược lại, tôn giáo không thể nào chấp nhận thế giới quan khoa học về giới tự nhiên thuần túy chỉ là những quy luật của tự nhiên đã và đang được con người nhận thức và vận dụng cho nhu cầu và mục đích sống của mình. Chúng ta cũng nhận ra rằng những con số thống kê về các vấn đề môi trường đã phần nào nói lên những điều mà khoa học không thể đáp ứng trong yêu cầu bảo toàn môi trường sinh thái. Tôn giáo, mặc dầu còn nhiều hạn chế, nhưng cũng có năng lực đóng góp nhất định. Cũng như nhiều nền văn hóa và thể chế đang có, các tôn giáo vẫn cần thiết cho con đường phía trước của con người.

Nhưng thế giới quan khoa học không thể nào nhường bước thế giới quan tôn giáo. Chỉ có sự đồng thuận, tích hợp giá trị của khoa học thì các tôn giáo mới có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là duy trì sự sống của con người trên trái đất và hoàn thiện thế gian. Do đó, bản thân các tôn giáo cần phải có sự thay đổi khi sự dấn thân thân của tôn giáo vào cuộc ngăn chặn sự hủy diệt môi trường là tất yếu, thì đòi hỏi các tôn giáo phải có sự thay đổi thậm chí là thay đổi về giáo lý, về nội dung của sự sùng kính, nghi lễ, tín điều hoặc lời cầu nguyện…

Thách thức đối với truyền thống của tôn giáo

Từ sức mạnh tổng hợp của giá trị đa tôn giáo mới có được hiệu quả cao nhất trong cuộc chiến bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng không có phương thức chung trong thực hiện những giá trị sinh thái của các tôn giáo. Gần như truyền thống tôn giáo nào cũng có một quan điểm đặc quyền riêng về sinh thái. Nghĩa là luôn có sự khác biệt giữa các nguyên tắc và thực hành những ý tưởng về mặt sinh thái trong các tôn giáo, và không phải lúc nào những ý tưởng đó cũng đều được thực hành hiển nhiên và thường xuyên trong các nền văn minh. Nhiều thể chế chính quyền đã sử dụng quá mức hạn định sinh lực của môi trường mà không có bất kỳ sự phê phán nào của tôn giáo, ngay cả một lời cảnh báo cũng không. Thậm chí, vì lợi ích trước mắt, một số giáo đoàn còn thỏa hiệp và liên minh hành động.

Mặc dầu, truyền thống tôn giáo cũng bao hàm truyền thống trí tuệ thể hiện trong các thể chế tôn giáo nhưng trí tuệ này có thể làm tốt chức năng là lực kết nối mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được đặc trưng bởi sự đồng cảm, tái tạo và khả năng phục hồi môi trường sinh thái hay không vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát. Vì đã có thực tế là trong những thời đoạn lịch sử, việc thực hiện những giá trị sinh thái theo lời dạy của giáo chủ, của kinh sách, theo điều răn của giáo luật cũng như sự diễn giải của thần học không còn tương thích với các tiêu chí mới của yêu cầu phát triển bền vững của xã hội thế tục. Thậm chí còn là nguồn cội đe dọa an ninh sinh thái, gây xung đột trong chính nội bộ của tôn giáo, xung đột xã hội.

Về phía Nhà nước, việc xác định rõ ràng các quy định cho cả phía chủ thể và khách thể trong khung pháp lý của quyền tự do tôn giáo và nghĩa vụ bảo vệ sinh thái để tất cả đều được sống trong một môi trường có sự phát triển hài hòa và ổn định cũng là một thách thức lớn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ văn hóa pháp luật còn thấp và việc thực thi Luật tài nguyên và môi trường ở nhiều quốc gia chưa thật sự kiên quyết như nó cần phải có.

Nội dung thích ứng

Sự phản tỉnh trong thế giới quan như là phương thức trung gian của sự hòa giải

Phải thừa nhận sự đa dạng văn hóa trên nền tảng tính phổ quát của tự nhiên

“Đặt mình vào chiều kích bản thể luận đồng nghĩa với việc loại bỏ các tiêu chí của tự nhiên và văn hóa để xem xét tổng thể các hữu thể đa dạng, lai ghép mà chúng ta có thể tri giác được mà không nên tiên định mức độ thực tại của chúng” [ 18 , tr.21]. Nhà nhân học Philippe Descola đã đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có thể hình dung về một thế giới không có sự phân biệt văn hóa với tự nhiên? Từ đây, Philippe Descola đề nghị một lối tiếp cận mới về những cách thức phân bố các đặc tính liên kết và phân cắt giữa con người và môi trường tự nhiên của con người. Chính sự tiếp cận này, thế giới quan sinh thái – tôn giáo được xác lập bao hàm hai loại hình thế giới quan bổ̉ sung cho nhau đó là totemism (thuyết vật tổ) – dùng hình ảnh trong tự nhiên để gán cho xã hội con người và animism (thuyết vật linh) – dùng việc mô tả xã hội để xây dựng trật tự tự nhiên. “Như vậy, hoàn toàn hợp lý khi cùng nghiên cứu hai dạng thức đồng nhất hóa này dưới khía cạnh các phương thức quan hệ mà chúng có khả năng tiếp nhận” [ 18 , tr.591] . Århem cũng nhấn mạnh “cả hai thế giới quan đó tạo nên một thế giới quan sinh thái tổng thể giúp định hình nhận thức, chỉ dẫ̃n thực hành và đưa ra ý nghĩa cho đời sống” [ 19 , p.186]. Theo lăng kính thế giới quan này, đặc tính của giữa tự nhiên và xã hội được hoán đổi cho nhau, tự nhiên và xã hội không phải là hai thể tách bạch riêng biệt mà là sự nối dài mang tính tiếp tục.

Tìm ra điểm chung giữa xu hướng lấy con người và lấy sinh thái làm trung tâm

Điểm chung giữa xu hướng lấy con người và lấy sinh thái làm trung tâm (cùng với quan điểm này xem Norton, B. 1991 và 2005) 20 chính là đạo đức môi trường toàn cầu. Ở chừng mực nào đó thì hành động mang tính chiến lược chủ yếu là nhằm nâng cao tầm quan trọng của khía cạnh đạo đức liên quan đến các vấn đề môi trường toàn cầu. Điều này được thể hiện trong các vấn đề phát triển dựa trên sự thành công của khuôn khổ nhân quyền quốc tế.

Đạo đức học môi trường cố gắng xem xét vì sao lại xảy ra như vậy và làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Mỗi trường phái này đưa ra một phân tích cụ thể vì sao con người lại đối xử ngược đãi thế giới tự nhiên. Hầu hết đều xác định sự ngược đãi đó là sự thất bại về đạo đức. Nói tóm lại, đã đến lúc không thể phủ nhận các giá trị nội tại (intrinsic values) và khía cạnh đạo đức sinh thái tôn giáo trong ứng xử với môi trường thực vật, động vật và các hệ sinh thái 20 .

Hướng thực hiện

Ba hướng mà chúng ta có thể thực hiện trong nghiên cứu tôn giáo và sinh thái học hiện nay để đáp ứng yêu cầu trên là: truy xuất , đánh giá lại kiến tạo lại .

Truy xuất

liên quan đến việc điều tra học thuật về các nguồn kinh thánh và bình luận nhằm làm rõ các quan điểm tôn giáo liên quan đến mối quan hệ giữa con người và Trái Đất. Điều này đòi hỏi các nghiên cứu lịch sử và văn bản phải khám phá ra các nguồn tài nguyên tiềm ẩn trong truyền thống. Việc truy xuất có thể xác định các quy tắc đạo đức và phong tục nghi lễ của truyền thống để khám phá cách những giáo lý này được áp dụng vào thực tế. Kiến thức môi trường truyền thống là một phần quan trọng của điều này đối với tất cả các tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là các truyền thống bản địa.

Đánh giá lại

Các giáo lý truyền thống được đánh giá dựa trên sự phù hợp của chúng với hoàn cảnh đương thời. Những ý tưởng, lời dạy hay đạo đức có trong những truyền thống này không thích hợp để hình thành thái độ nhạy cảm hơn về mặt sinh thái và các thực hành bền vững. Đánh giá lại cũng đặt câu hỏi về các ý tưởng có thể dẫn đến các thực hành môi trường không phù hợp. Ví dụ, có phải một số khuynh hướng tôn giáo phản ánh các khuynh hướng thế giới khác hoặc phủ nhận thế giới không hữu ích liên quan đến các vấn đề sinh thái cấp bách? Nó cũng đặt câu hỏi liệu một mô hình đạo đức chỉ tập trung vào các tương tác của con người có đủ để giải quyết các vấn đề môi trường hay không.

Kiến tạo lại

Gợi ý những cách mà các truyền thống tôn giáo có thể điều chỉnh giáo lý của họ cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại theo những cách mới và sáng tạo. Những điều này có thể dẫn đến sự tổng hợp mới hoặc sửa đổi sáng tạo các ý tưởng và thực hành truyền thống cho phù hợp với các phương thức biểu đạt hiện đại. Đây là khía cạnh thách thức nhất của lĩnh vực tôn giáo và sinh thái đòi hỏi sự nhạy cảm đối với những người đang nói về một truyền thống trong quá trình đánh giá lại và kiến tạo lại. Tuy nhiên, các nhà thực hành và các nhà lãnh đạo của các tôn giáo cụ thể đang tìm cơ sở để đối thoại sáng tạo với các học giả của các tôn giáo trong những gian đoạn giải thích khác nhau này.

Cơ sở để đối thoại sáng tạo với các học giả của các tôn giáo là hệ sinh thái – tôn giáo và vũ trụ học tôn giáo là những cách mà các tôn giáo đã hoạt động trong quá khứ và vẫn có thể hoạt động ở hiện tại. Sinh thái - tôn giáo tạo ra nền tảng và đem lại những định hướng, nhờ đó con người tiến hành những cách thức cụ thể để nuôi dưỡng và biến đổi bản thân và cộng đồng trong một bối cảnh vũ trụ cụ thể, coi thiên nhiên là những giá trị của sự sống. Thông qua những câu chuyện kể về vũ trụ, con người có thêm trải nghiệm hơn về một ma trận bí ẩn, trong đó sự sống nảy sinh, mở ra và phát triển. Đây là những gì chúng ta gọi là vũ trụ quan tôn giáo. Sinh thái – tôn giáo và vũ trụ quan tôn giáo có thể được phân biệt nhưng không được tách rời, cùng nhau cung cấp bối cảnh để điều hướng những thách thức trong cuộc sống và khẳng định giá trị tinh thần phong phú của mối quan hệ giữa con người và trái đất 21 .

Khi lĩnh vực tôn giáo và sinh thái học đã phát triển trong giới học thuật, thì sức mạnh của chủ nghĩa môi trường tôn giáo cũng xuất hiện trên khắp hành tinh. Ở nhiều nơi trên thế giới, những người thực hành tôn giáo đang cùng nhau đúc kết những cách thức tôn trọng nơi ở, đất đai và cuộc sống với sự hiểu biết về khoa học môi trường và nhu cầu của cộng đồng địa phương.

Các thực hành tôn giáo chắc chắn “phản ánh môi trường tự nhiên và cách sống mà chúng xuất hiện”. Đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh xuất hiện dưới góc nhìn như những lực lượng tự nhiên sâu sắc, ngay cả “tư duy cũng là một quá trình của tự nhiên”. Do đó, tôn giáo không những phải tôn trọng các chiều kích chủ quan, văn hóa xã hội và lịch sử của các truyền thống tôn giáo, mà còn phải tôn trọng các chức năng sinh thái của đức tin [ 22 , p.1-32] .

KẾT LUẬN

Sự ra đời sinh thái học-tôn giáo như một mô hình tích hợp và đồng thuận giữa giá trị khoa học và giá trị tôn giáo là điều tất nhiên trước thảm cảnh nhân loại bị hủy diệt đang cận kề. Đi tìm một định thức để ngăn chặn hiểm họa sinh thái là một mệnh lệnh đặt ra cho mô hình sinh thái học-tôn giáo.

Đạo đức sinh thái – tôn giáo là điểm giao nhau trong sự cộng hưởng hai thế giới quan đối lập: khoa học và tôn giáo. Đạo đức sinh thái –tôn giáo không phải là điểm khởi đầu mà là điểm đến cuối cùng của diễn trình từ khoa học sinh thái đến pháp luật sinh thái và dẫn đến đạo đức sinh thái mà tầm giá trị nhân sinh đã mang tính phổ quát gắn liền với sự thiêng hóa vũ trụ có tính cưỡng chế từ tâm linh vượt trên tầm lợi ích của giai cấp mang ý nghĩa toàn nhân loại khi con người ý thức được bảo vệ sinh quyền chính là bảo vệ sự sống của con người. Đạo đức sinh thái-tôn giáo giờ đây đã trở thành mệnh lệnh mang tính pháp luật toàn cầu.

Từ đây đặt ra sự thách thức không chỉ từ khoa học mà còn từ tôn giáo. Thách thức lớn nhất và quan trọng nhất là sự đòi hỏi thế giới quan tôn giáo phải thay đổi. Tôn giáo phải tự hiện đại hóa chính mình khi không thể từ bỏ chức năng hoàn thiện thế giới, cứu vãn con người. Đây là một tiến trình đầy trăn trở đối với mỗi tôn giáo. Nhưng không còn cách nào khác.

Bài toán đã được đặt ra bao giờ cũng có lời giải. Lời giải sẽ được tìm ra trong việc truy xuất, đánh giá lại và kiến tạo lại truyền thống tôn giáo từ chính bản thân của các tôn giáo, đó là:

- Sự thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, duy trì sự hài hòa xã hội của các tôn giáo góp phần hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ xác định và nhận diện trách nhiệm của tín đồ trong việc thực hiện đạo đức sinh thái-tôn giáo xây dựng lối sống tốt đẹp hơn.

- Sự tìm kiếm phương thức đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo; giữa tôn giáo và khoa học; vai trò của chính sách công trong không gian công và sự tham gia của các tôn giáo trong các vấn đề sinh thái toàn cầu.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

IPCC - The Intergovernmental Panel on Climate Change - Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu

COP - Conference of the Parties – Hội nghị các bên

NDC - Nationally Determined Contributions - Đóng góp do quốc gia tự quyết định

ICC - International Criminal Court - Tòa án Hình sự Quốc tế.

SDGs – Mục tiêu phát triển bền vững

LHQ – Liên Hiệp Quốc

COP26 – Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

NDC – Đóng góp do quốc gia tự quyết định

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả xác lập tiến trình hình thành của sinh thái học – tôn giáo như là một mô hình tất yếu của sự tích hợp giá trị khoa học và giá trị tôn giáo mà hệ quả là đạo đức sinh thái-tôn giáo với những đặc trưng phổ quát mang tính toàn cầu khi triển khai vào thực tiễn.

References

  1. Haeckel Oecologie und Chorologie, tập II, chương 11. Tr. 286-289. Tái bản trong Acot. (1998): II, tr. 703-706. Lời giải thích của ông về sinh thái học (Stauffer dịch) 1957: 140-141.. . 1866;:. Google Scholar
  2. Tông Lại Hiền. Tư tưởng bảo vệ mội trường sinh thái của Phật giáo. (Thích Nhuận Đạt dịch). . 2012;:. Google Scholar
  3. Trường Lê Minh. Sinh thái học là gì? Cấu trúc, vai trò và ý nghĩa của sinh thái học. . 2021;:. Google Scholar
  4. Chính Vũ Kim. Thử tìm một nền thần học về Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên. . ;:. Google Scholar
  5. Harrison Paul. Phiếm thần luận - một lối đi tâm linh cho thiên niên kỷ mới. (Đỗ Tư Nghĩa dịch). Hà Nội: Tri thức. . 2018;:. Google Scholar
  6. Grim John. Religion and Ecology. . 2016;:. Google Scholar
  7. Croll E, Parkin D. Bush base: forest farm Culture, environment and development. London and New York: Routledge. . 1992;:. Google Scholar
  8. MOISEEV Nikita. Tồn tại hay không tồn tại… Nhân loại?. (Phạm Vĩnh Cư dịch). Hà Nội: Tri thức. . 2019;:. Google Scholar
  9. The Pháp luật và bạn đọc. Báo động đỏ từ LHQ: Còn 4 năm ngắn ngủi để cứu nguy hàng tỷ người trên Trái Đất!. . 2020;:. Google Scholar
  10. United Nations Department of Economic and Social Affairs, Population Division. Global Population Growth and Sustainable Development. . 2021;:. Google Scholar
  11. The Guardian. Legal experts worldwide draw up 'historic' definition of ecocide. . 2020;:. Google Scholar
  12. BBC Future. (19/12/2020). Huỷ hoại môi trường sẽ là tội hình sự quốc tế?. . ;:. Google Scholar
  13. Hassler. "Climate emergency" là cụm từ của năm do từ điển Oxford bầu chọn. . 2020;:. Google Scholar
  14. Minh Hợp. Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới. . 2021;:. Google Scholar
  15. Soloviep Vladimir. Triết học đạo đức. (Phạm Vĩnh Cư và Từ Thị Loan dịch). Hà Nội: Văn hóa thông tin. . 2004;:. Google Scholar
  16. Berkes F. Sacred Ecology (Second Edition). New York and London: Routledge Taylor & Francis Group. pp 17-18. . ;:. Google Scholar
  17. Eliade Mircea. Thiêng và Phàm: Bản chất của tôn giáo. (Huyền Giang dịch). Hà Nội: Tri thức. . 2016;:. Google Scholar
  18. Descola Philippe. Bên kia tự nhiên và văn hóa. (Phạm Văn Quang và Võ Thị Ánh Ngọc dịch). Hà Nội: Đại học Sư phạm. . 2021;:. Google Scholar
  19. Århem K.. The cosmic food web: human-nature relatedness in the Northwest In Nature and society: Anthropological Perspectives. Philippe Descola & Gí́sli Pálsson (Eds). London & New York: Routledge. . 2004;:. Google Scholar
  20. Wapner Paul, Matthew A Richard. The Humanity of Global Environmental Ethics. . ;:. Google Scholar
  21. Tucker Mary Evelyn, Grim John. Introduction: The Emerging Alliance of Religion and Ecology. Daedalus 2001 Fall. . 2001;130(4):1-22. Google Scholar
  22. Jenkins Willis, Turker Mary Evelin, Grim John. Routledge Handbook of Religion and Ecology. New York: Routledge. . 2018;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 1507-1518
Published: Apr 30, 2022
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.724

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Dong, T. (2022). Religious Ecology: The environment is the spiritual realm. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(1), 1507-1518. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.724

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 481 times
PDF   = 285 times
XML   = 0 times
Total   = 285 times