Abstract
The 1960s - 1970s were marked by the dynamism of the Western intellectual milieu, especially with the flourishing of new theoretical trends in the social sciences and humanities. Pierre Bourdieu's field theory appeared as an intellectual response to pre-existing theoretical trends, including Structuralism, Marxism, or Émile Durkheim's concept of collective consciousness, etc. Starting from the theoretical principle of social cognition, considered as an authentic form of non-consciousness, Bourdieu dealt with the social relationships established between social conditions and positions. Accordingly, the social relationships are more realistic than the subjects participating in those ones. Thereby, he proposed structural mechanisms of dominance and competition to prove the existence of the social game. The space of the social game is what Bourdieu calls "field". There are different fields corresponding to different social sectors. This article outlines in general the process of forming the literary field theory. It aims to show the relationships between the literary field and others in Bourdieu’s sociological system as well as his contributions to the landscape of the contemporary literary theory.
Mở đầu
Hai thực thể quen thuộc nhưng rất quan trọng trong tiến trình nghiên cứu lược đồ văn học hay văn học sử, đó là nghiên cứu tiểu sử và nghiên cứu trước tác của nhà văn. Nói một cách thông dụng, đó là tìm hiểu cuộc đời và tác phẩm của nhà văn. Một lộ trình tiếp cận như thế có vẻ khá đơn giản theo nghĩa chúng ta quan tâm thiết lập mối tương quan giữa hai thực thể này để diễn giải ý nghĩa tác phẩm. Đây cũng là lối tiếp cận thể hiện nhu cầu thu thập và khám phá những dữ kiện và tình tiết bí ẩn gắn kết con người nhà văn với các công trình sáng tạo của họ. Điều này đã cho phép phương pháp nghiên cứu tiểu sử nhà văn chiếm ưu thế trong một thời gian dài, đặc biệt khi phương pháp này thỏa mãn được cảm thức khát khao tìm kiếm trong cuộc đời nhà văn một thế giới sâu thẳm và thầm kín. Diễn ngôn tiểu sử học càng trở nên thú vị hơn khi nó góp phần vào việc thiết lập một nhãn quan cá nhân luận về sản phẩm văn học, tạo ra từ nhà văn một động cơ đệ nhất cho hiện tượng văn bản, tức là vai trò thiết yếu của tác giả đối với sản phẩm của mình [ 1 , tr. 139-140].
Từ viễn tượng đó, chúng ta có thể hiểu rằng diễn ngôn tiểu sử học có khuynh hướng đặt trọng tâm vào sự tồn tại giữa một bên là tác phẩm và một bên là con người (người sáng tạo). Cũng từ đó xuất hiện một ảo tưởng về sự gắn kết mật thiết và trực tiếp giữa hai thực tại này, nghĩa là gạt bỏ mọi sự can thiệp khác vào mối quan hệ đó – Bourdieu đề cập đến khái niệm “ảo tưởng tiểu sử” [ 2 , tr. 69-72] . Đây chính là quan niệm truyền thống của tiểu sử học 3 . Tuy nhiên, viễn tượng hiện đại về tiểu sử đã cho thấy lối tiếp cận truyền thống như thế không còn là thành trì bất khả xâm phạm, đặc biệt khi ranh giới của các mối quan hệ vật chất và tinh thần có khuynh hướng bị xóa nhòa để ưu tiên cho những sự hòa trộn, phân mảnh, lan tỏa – hệ quả của cảm thức hậu hiện đại. Khái niệm tiểu sử hay tự thuật theo cách gọi truyền thống, cũng là một thể loại văn chương, đã dễ dàng bị đặt nghi vấn và bị thay thế bằng những khái niệm mới khác như “tân tự thuật” (Nouvelle Autobiographie) 4 , “tự hư cấu” (Autofiction) 5 . Cùng với sự nở rộ của trào lưu triết học chủ thể, tiểu sử học hiện đại/ hậu hiện đại có khuynh hướng nhìn nhận rằng một tác giả có thể tạo nên tác phẩm như là một tác phẩm hư cấu, và chính tác phẩm cũng tạo nên đặc tính hư cấu của tác giả. Hơn nữa, điều quan trọng liên quan đến xã hội học văn học, đó là giữa hai tình trạng hư cấu cấu này có sự can thiệp của “một không gian” mà ở đó tác phẩm và tác giả cùng kiến tạo lẫn nhau. Không gian đó chính là không gian văn học hay trường văn học (champ littéraire). Chính sự can thiệp của không gian này gợi lên những quan tâm đặc biệt đến yếu tố thẩm mỹ trong nghiên cứu văn học sử nói chung và tiểu sử nói riêng [ 6 , tr. 9-10].
Định vị lý thuyết trường
Lý thuyết trường nói chung và trường biểu tượng nói riêng đã được lập thành từ những năm 1960 do nhà xã hội học Pierre Bourdieu (1930-2002) khởi xướng. Phiên bản hoàn chỉnh nhất của lập thuyết này có lẽ được trình bày trong công trình quan trọng của ông, Quy tắc của nghệ thuật [Les Règles de l’art] (1992) 7 – Bản Việt ngữ do Phùng Ngọc Kiên và Nguyễn Phương Ngọc thực hiện, NXB. Tri Thức ấn hành năm 2018. Công trình này góp phần giải quyết những “ảo tưởng” của diễn ngôn tiểu sử, vốn gây cảm hứng cho khuynh hướng xã hội học Marxisme trước đó, mà đại diện là Lucien Goldmann (1913-1970) và Erich Köhler (1924-1981). Truyền thống xã hội học Marxisme thừa nhận một mối quan hệ đồng nhất giữa tác phẩm và xã hội, tác giả không còn là một chủ thể cá nhân, mà là đại diện cho tầng lớp xã hội của mình, đồng thời là tác nhân trung giới của một thế giới quan tập thể: “Các nhà lý thuyết Marxisme vẫn luôn nghĩ rằng đời sống xã hội chỉ có thể được diễn đạt trên bình diện văn chương, nghệ thuật hay triết học, thông qua điểm trung giới của ý thức tập thể” [ 8 tr. 42-43] .
Lý thuyết trường của Bourdieu thuộc dự trình xã hội học mang tính tổng thể, được thiết lập để mô tả thế giới xã hội như là một hệ thống, trong đó có sự tồn tại của các bộ phận nhỏ. Lý thuyết này gần gũi với tư tưởng liên kết (pensée relationnelle) của Gaston Bachelard (1884-1962) hay tư tưởng cấu trúc luận của Claude-Lévi Strauss (1908-2009). Theo đó, các thành phần khác nhau của thế giới xã hội này chính là các trường khác nhau, không thể bị quy giản vào cấu trúc tổng thể, như trường kinh tế, trường chính, trị, trường tôn giáo, trường khoa học, vv. Có những quy tắc chung cho các trường này, nghĩa là các trường đều có quy tắc vận hành bất biến. Nhưng “một trường chỉ có thể được xác định khi nó giới hạn các vấn đề và các lợi ích riêng, không thể quy chiếu vào các vấn đề và lợi ích của các trường khác” [ 9 , tr. 113-114]. Vì vậy, đôi khi chúng ta quy lược trường văn học vào cách diễn đạt “tiểu vũ trụ văn chương” hay “bối cảnh định chế”, nơi hình thành tác phẩm và dự trình sáng tác.
Trường như một cách thế tồn tại xã hội
Khái niệm trường gợi mở một quan niệm về “xã hội”, nhìn nhận “xã hội” không phải như một môi trường tập thể sở thuộc nằm ngoài hay tách biệt với chủ thể cá nhân, mà như một không gian đồng thời nằm bên trong và bên ngoài chủ thể. Ý tưởng này chắc chắn xuất phát từ chính nguyên lý mà Bourdieu gọi là “cấu trúc luận tạo sinh” (structuralisme génétique). Theo nhà xã hội học, có hai cách thế tồn tại mang tính xã hội. Thứ nhất là tồn tại ngoại tại: cách thế này thường cho ta thấy sự phân bố không đồng đều của các nguồn tài nguyên và các khả năng để tiếp cận và chinh phục nguồn tài nguyên . Thứ hai là cách thế tồn tại nội tại: cách thế này thể hiện quá trình chủ thể xã hội kết nhập các điều kiện tồn tại khách quan của mình, dưới hình thức các sơ đồ tinh thần và vật chất.
Từ hai cách thế tồn tại xã hội này, có thể hiểu rằng xã hội chính là cái ở trong ta như là thế giới quan xã hội và nhãn quan về vị thế của ta trong thế giới, đồng thời xã hội cũng chính là cái xung quanh ta, như một tổng thể các cấu trúc, tôn ti, tầng lớp [ 10 , tr. 16-20]. Cấu trúc luận tạo sinh, với các khái niệm chìa khóa như trường và tập tính ( habitus ) – là tổng thể quan hệ các lực lượng và các ý nghĩa, quyết định các mối tương quan giữa các tâm thái, vị thế và sự nắm giữ vị thế của các cá nhân và các tầng lớp trong một xã hội cụ thể [ 11 , tr. 21] –, cho phép Bourdieu thoát khỏi các hình thức đối lập vốn thường thấy ở những trào lưu tư tưởng trước ông, như đối lập giữa xã hội và cá nhân, giữa cấu trúc luận và hiện sinh luận, giữa tất định luận và tự do.
Khái niệm trường tương ứng với cách thế tồn tại ngoại tại, nghĩa là phản ánh các cấu trúc khách quan của thế giới xã hội, vì nó được xem như là không gian kết cấu của các vị trí mà chủ thể cá nhân nắm giữ và chuyển dịch ở đó. Theo nguyên lý tổng thể nhất, cá nhân chỉ có cái nhìn về không gian đó theo vị trí mà mình có. Về phương diện cấu trúc và quy tắc, như đã nêu trên, mọi trường đều có ranh giới, nghĩa là đều có những điều kiện để có thể tiếp nhận một tác nhân vào đó. Tuy nhiên, mỗi trường có những mức độ khắt khe của quy tắc tùy thuộc vào đặc tính của nó. Ví dụ trường văn học có những điều kiện mở rộng hơn so với trường pháp luật và trường tôn giáo; một nhà văn tham gia vào trường văn học thì không nhất thiết phải trải qua quá trình đào tạo chuyên môn và những khả năng bắt buộc như một luật sư tham gia vào trường pháp luật hay một nhà nghiên cứu tham gia vào trường khoa học. Cũng vậy với trường tôn giáo.
Những điều kiện đặc thù này của trường thể hiện và đảm bảo tính tự chủ tương đối của nó, đồng thời chứng minh cho thấy mỗi một trường đều vận hành như một viễn tượng hay một lăng kính về những tất định mang tính xã hội bắt nguồn từ bên ngoài. Chính cấu trúc của trường như nó tồn tại ở một thời điểm nhất định nào đó có vai trò trung giới hóa vốn xã hội, văn hóa, các vị thế và quỹ đạo hay hành trình của một tác nhân tham gia vào trường đó. Như vậy, việc sở thuộc vào một tầng lớp nào đó của chủ thể cá nhân sẽ không tạo nên các hiệu ứng tức thời, mà nó phải trải qua quá trình trung giới hóa của trường.
Như vậy, trường là một không gian đặc thù và có khả năng sở hữu một mức độ tự chủ nào đó đối với những tất định ngoại tại và với những ràng buộc bắt nguồn từ những quyền lực khác nhau như chính trị và tôn giáo... Theo Bourdieu, mức độ tự chủ của trường càng cao thì hệ số khúc xạ của các tất định ngoại tại càng lớn [ 12 , tr. 68]. Chúng ta có thể hiểu mọi trường như một hệ thống các mối quan hệ mà trong đó tất cả các vị trí nắm giữ hoặc có khả năng được duy trì và quyết định lẫn nhau sẽ không cho phép chúng ta thực hiện cách thức phân tích theo từng phân đoạn hay từng phần một cách cứng nhắc. Chẳng hạn, khi nghiên cứu hệ thống xuất bản như một định chế trong trường văn học, chúng ta không thể nghiên cứu nó một cách độc lập, bởi vì định chế này không chỉ tự xác định bởi nội dung hoạt động của nó, mà còn bởi những sự khác biệt của nó đối với những định chế khác của trường; thậm chí, chính nội dung hoạt động của nó cũng được xác định bởi những gì mà các định chế khác nắm giữ. Cũng vậy, đối với các diễn ngôn, thể loại, thi pháp hay chế độ văn phong, bản thân chúng không thể tự trở thành nền tảng hoàn chỉnh và không thể tự khép kín vào chính mình. Chúng chỉ có ý nghĩa, hiệu ứng và tác dụng khi chúng được quan sát trong mối tương quan giữa chúng theo cách thức đồng đại và theo vị trí nắm giữ của chúng trong một hệ thống các giá trị. Paul Aron và Alain Viala nói đến một loại xã hội học thi pháp (sociopoétique), quan tâm đến những dấu vết và những giá trị xã hội của hình thể, và theo các tác giả, “một trong những nét căn bản của thế giới nghệ thuật […] đó là tính thay đổi bất thường của các hệ thống hình thể” [ 13 , tr. 99]. Việc nghiên cứu những tình trạng chuyển hóa văn chương từ một thực hành xã hội nào đó nhất thiết phải xem xét sự biến đổi của nó trong thời gian. Một thể loại nghệ thuật thường phải trải qua các giai đoạn: ra đời, thịnh hành và có thể mất đi. Khái niệm thể loại thơ ở thời kỳ cổ đại Hy Lạp không thể hiện cùng một ý nghĩa với khái niệm thể loại thơ ở thế kỷ XIX…
Vẫn ở bình diện cấu trúc, tất cả các trường đều có những quy tắc hành xử và hành động, cũng có thể gọi đó là quy tắc của trò chơi, đồng thời thể hiện những vấn đề và lợi ích chung của toàn thể các tác nhân của trường. Chẳng hạn, đối với trường văn học, lợi ích đặc thù chính là khả năng được thừa nhận rộng rãi, các giải thưởng nhận được, các vị trí quan trọng trong các hiệp hội văn chương, trong các nhà xuất bản, trên các diễn đàn văn chương, tác phẩm được giảng dạy trong hệ thống trường học, vv.
Đặc điểm quan trọng khác của trường thể hiện ở chỗ nó chính là một trường tranh đấu và cạnh tranh. Bởi vì nó được thiết lập trên sự phân chia không đồng đều các vốn tượng trưng giữa những vị trí khác nhau, nên hiện tượng tranh đấu là cần thiết để chiếm lĩnh, tích lũy và duy trì các vốn. Những hình thức tranh đấu được thể hiện một cách cụ thể qua lợi ích kinh tế, trách nhiệm nghề nghiệp, các giải thưởng và các hình thức thừa nhận khác nhau. Bourdieu đã sử dụng lại các phạm trù của Max Weber để bàn đến hiện tượng tranh đấu và các “chiến thuật” để chiếm lĩnh vốn tượng trưng. Đối với trường tôn giáo của Max Weber, luôn phải tuân thủ một sự tranh đấu thường trực giữa các lực lượng chính thống và các lực lượng dị giáo. Hai lực lượng này được thể hiện sự tương ứng giữa một bên là các tác nhân linh mục, những người bảo vệ và nắm giữ tín điều truyền thống, và một bên là các nhà tiên tri, những người dự báo về một kiểu tôn giáo tách khỏi truyền thống của nó. Khi đối sánh với trường văn học, ởvị trí của các linh mục, chúng ta có thể đặt vào các nhà văn, các nhóm hay các trường phái nắm giữ vị trí thống trị. Còn ở vị trí của các nhà tiên tri chính là những nhà văn mới tham gia vào trường văn học. Đối với các tác giả này, để có được một vị trí tôn dương trong hào quang văn chương, họ thường không có cách nào khác là thực hiện con đường lệch chuẩn, sự khác biệt hóa gây tranh cãi và thách thức đối với những vị trí và quan điểm truyền thống. Diễn ngôn của thi phái Tượng trưng xuất hiện ở cuối thế kỷ XIX trong trường văn học Pháp đã phần nào chứng minh cho thấy sự tranh đấu mãnh liệt của các thi sĩ muốn tạo ra từ thơ một thứ “Tân Công giáo” (Néocatholicisme), và dĩ nhiên loại diễn ngôn này ban đầu đã gây ra những sự ngờ vực và những cuộc tranh luận mãnh liệt trên văn đàn Pháp. Lịch sử văn chương đã chứng kiến nhiều hiện tượng tranh đấu và chiến thuật chinh phục vốn tượng trưng như thế. Trường phái nghệ thuật Ready Made của Marcel Duchamp cũng cho thấy quá trình tranh đấu của nó để chinh phục quyền lực trong trường nghệ thuật Pháp và thế giới. Những hiện tượng tranh đấu có thể làm phát sinh ra hoặc làm biến đổi quan niệm và ý thức thẩm mỹ. Thi phái Tượng trưng khiến người ta có một cảm giác như tinh thần duy mỹ phải gắn liền với một chủ nghĩa bí truyền nào đó, và thơ ca không phải thứ dành cho đại chúng mà dành cho giới độc giả tinh hoa. Giá trị tuyệt đối của nó là cái đẹp, một giá trị chứng minh tính tự trị của thơ đối với cái gì là chân và thiện, nghĩa là sự đòi hỏi tự trị của thơ Tượng trưng chính là khả năng và sự khẳng định vốn biểu tượng của nó, đối lập với chủ nghĩa duy vật văn chương của trào lưu Tự nhiên và Hiện thực.
Trường, tập tính và quy tắc
Nếu khái niệm trường phản ánh cách thế tồn tại ngoại tại về mặt xã hội, thì khái niệm tập tính thể hiện cách thế tại nội tại. Hai cách thế tồn tại này gắn bó với nhau một cách mật thiết, nghĩa là khái niệm trường luôn được nghiên cứu cùng với khái niệm tập tính trong hành trình xã hội của một nhà văn. Khái niệm tập tính bắt nguồn từ tư tưởng Kinh viện (scolastique) [ 14 , tr. 146] , mô tả nguyên lý quy định hành động. Bourdieu định nghĩa tập tính như một “hệ thống tâm thái bền vững và có khả năng chuyển vị” [ 15 , tr. 88]. Đó là toàn thể các phạm trù thẩm thấu và tri nhận thế giới có khả năng điều khiển hành động thực tế của chủ thể. Như vậy, nếu khái niệm trường là thế giới xã hội ngoại tại, thì khái niệm tập tính gắn liền với các cấu trúc diện mạo và tâm lý của các cá nhân. Trong ý nghĩa tư tưởng cấu trúc luận tạo sinh, có thể nhận thấy khái niệm “tâm thái bền vững” tương ứng với khái niệm “cấu trúc”. Theo đó, Bourdieu nhấn mạnh rằng tập tính vừa là cấu trúc chủ tạo [structure structurante] vừa là cấu trúc thụ tạo [structure structurée]: “Là cấu trúc chủ tạo khi tổ chức các thực hành và tri nhận về thực tại, tập tính cũng là cấu trúc thụ tạo: nguyên lý phân chia các tầng lớp hợp lý để cấu tạo tri nhận về thế giới xã hội cũng chính là sản phẩm từ sự sáp nhập của đơn vị vào các tầng lớp xã hội” [ 16 , tr. 191].
Tập tính như là sự hiện diện sống động của quá khứ, nó hướng dẫn tác nhân xã hội căn cứ vào hành trình quá khứ và vốn kinh nghiệm đã tích lũy. Như vậy, tập tính mang tính phức hợp và phân tầng. Khả năng thực tiễn của một tác nhân sẽ kết nối những hình ảnh, lợi thế và các giá trị bắt nguồn từ tầng lớp xuất xứ của tác nhân đó. Đây cũng là những yếu tố mà một tác nhân có thể thủ đắc trong quá trình học vấn và từ quá trình hội nhập và sống trải trong một vũ trụ hay không gian chuyên biệt tạo nên sự nghiệp của mình. Nói một cách ngắn gọn như Bourdieu [ 9 , tr. 119], tập tính là một hệ thống tâm thái thủ đắc được qua quá trình học hỏi một cách tường minh hay ngầm ẩn, quá trình này vận hành như một hệ thống các sơ đồ tạo sinh. Tập tính chính là hệ thống tạo sinh các chiến thuật có thể thích hợp với những lợi ích khách quan của các tác giả.
Như vậy, phạm trù xã hội học của Bourdieu đòi hỏi nghiên cứu những hình thức tương tác giữa hai thực tại là trường và tập tính. Đó là nghiên cứu cách thức mà các cá nhân góp phần tạo thành và quyết định các cấu trúc vật chất, và chính cấu trúc này lại đóng vai trò quyết định đến mỗi cá nhân. Vì vậy, nguyên lý cấu trúc tạo sinh của Bourdieu đề cao khái niệm “quy tắc”, cho phép chứng minh các tác nhân xã hội không nhất thiết phải áp dụng các quy tắc tiền lập hay vận dụng những cách ứng xử đã được vạch sẵn, mà chính bản thân họ có khả năng làm thay đổi một cách tích cực các quy tắc của trò chơi xã hội.
Dù khái niệm “quy tắc” được cho là quan trọng hơn khái niệm “chiến thuật” (stratégie), nhưng khi nghiên cứu các trường, khái niệm chiến thuật vẫn chi phối mạnh mẽ các phạm vi phương pháp luận. Khái niệm này ở Bourdieu tạo thành một lý thuyết về hành động tượng trưng (action symbolique). Mọi chiến thuật, mọi quan điểm, nghĩa là mọi can thiệp hướng đến mục đích vì lợi ích phải thỏa mãn và vì những vấn đề cần giải quyết, theo Bourdieu, đều bắt nguồn từ một “mối quan hệ vô thức giữa một tập tính và một trường” [ 9 , tr. 119]. Nhà văn, nghệ sĩ, triết gia, giáo sư đại học, khi theo một chuyên ngành, một quá trình dấn thân, một quan điểm nào đó, thì qua sự lựa chọn này, họ đã làm hiện tại hóa điều mà trường sở thuộc của họ áp đặt cho họ dựa vào những khả thể mà trường đó mang lại cho họ, và căn cứ vào khả năng vốn xã hội của họ.
Những bàn luận khác
Với khái niệm trường của Bourdieu, hệ hình lý luận xã hội học văn học đã chứng minh tính hiệu năng của nó trong nghiên cứu văn học. Dĩ nhiên, để hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của khái niệm này, ngoài những gì chúng tôi vừa tổng thuật trên đây, cần thiết phải tìm hiểu sâu hơn bối cảnh lập thuyết của nhà xã hội học này, điều có lẽ vượt ra ngoài phạm vi của bài viết này. Chúng ta chỉ có thể nhắc lại rằng chính trong bối cảnh phát triển rầm rộ của các hệ hình lý thuyết ở phương Tây hậu bán thế kỷ XX mà Bourdieu đã cố gắng mang lại những sắc thái mới cho khái niệm trường, trước tiên với cao vọng vượt qua khuôn khổ lý thuyết xã hội Marxisme như đã trình bày trên đây, và xa hơn hơn là thoát khỏi lý thuyết xung đột xã hội của Marx. Thực vậy, những nét đặc trưng của lý thuyết xung đột nằm ở chỗ hiện tượng xung đột được cho là tác nhân làm thay đổi xã hội, là cách diễn đạt những mâu thuẫn nội tại của xã hội, đồng thời cũng là cách diễn đạt các cuộc đấu tranh giai cấp. Cũng trên cơ sở đó người ta sẽ có thể diễn giải các mối quan hệ sản xuất và các trào lưu ý tưởng nghệ thuật. Với việc khai thác khái niệm trường, Bourdieu muốn đặt ra một tiến trình diễn giải khác không hoàn toàn chỉ lệ thuộc vào việc quan sát các mối quan hệ vật chất.
Ngoài ra, cũng rất thú vị khi những suy tưởng của Bourdieu về khái niệm trường còn đánh dấu sự khác biệt với quan niệm của Émile Durkheim ở khái niệm ý thức tập thể. Nếu như khái niệm ý thức tập thể của Durkheim là sức mạnh cho phép diễn giải sự gắn kết của xã hội, thì đối với Bourdieu, nó dường như đã giới hạn ý thức cá nhân vào một hữu thể toàn diện duy nhất, nghĩa là ý thức tập thể chiếm ưu thế đối với ý thức cá nhân.
Vấn đề được Bourdieu đặt ra là làm thế nào để xã hội học có thể giải quyết được sự đối lập giữa thế giới vật chất và thế giới ý niệm, sự đối lập giữa tập thể và cá nhân, đồng thời đề nghị một cách diễn giải thỏa đáng cho mối quan hệ này. Cũng từ cách đặt vấn đề của Bourdieu, chúng ta sẽ đi đến những chất vấn khác để xem xét các hiện tượng liên quan đến đời sống xã hội của các hoạt động sáng tạo nghệ thuật: Thế nào là bản chất của thực tại xã hội? Thực tại xã hội có nằm ở những đặc điểm có khả năng ngoại hiện hóa hay không? Diễn ngôn cá nhân của các tác nhân xã hội đóng vai trò gì trong việc tạo thành bản chất của thực tại, trong khi đó chính các diễn ngôn này cũng được thiết lập trên quan điểm riêng của mỗi tác nhân xã hội? Khái niệm trường có thể giúp giải quyết phần nào những vấn đề này, khi mà các tác nhân xã hội có vai trò tham gia xây dựng và làm chuyển hóa trường với tư cách là một thực tại xã hội.
Trên bình diện chuyên biệt của xã hội học văn học, lý thuyết trường văn học của Bourdieu có sự cạnh tranh với một lý thuyết khác do Jacques Dubois đề xướng, đó là lý thuyết định chế văn học. Theo tác giả này, văn chương được xác định như là các bộ máy sản xuất và phổ biến, với các cơ quan thừa nhận và hợp thức hóa, và với các trình tự sự nghiệp của nó. Chính từ những yếu tố này mà văn chương có khả năng đảm bảo “quá trình xã hội hóa của các cá nhân bằng cách đặt định một hệ thống các chuẩn mực và các giá trị” [ 17 , tr. 33]. Bourdieu cho rằng khái niệm định chế áp đặt cho văn chương một quy luật vận hành rõ ràng, trong khi đó khái niệm trường mô tả không chỉ đặc tính liên kết cốt lõi của các sự kiện văn chương, mà còn cả tính cách ngầm ẩn của các quy tắc điều khiển trò chơi văn chương. Các quy tắc này không xuất hiện một cách tường minh mà chỉ có thể hoạt động ở trạng thái ngầm ẩn và vô thức nơi các chủ thể vận hành chúng. Như vậy, có một sự khác biệt giữa định chế văn học và trường văn học. Vấn đề quan tâm hiện nay là khả năng kết hợp hai khuynh hướng này với nhau. Nếu quan sát kỹ hơn hơn cấu trúc trường văn học, chúng ta có thể nhận thấy sự đan xen của hai khái niệm này, đặc biệt khi hiểu định chế văn học như là hạ tầng cấu trúc, bao gồm nhà xuất bản và phát hành, các tạp chí, báo, các nhóm hay các hiệp hội nhà văn; đồng thời, trong không gian văn học, trường đặt trọng tâm vào yếu tố liên kết và giao thoa, từ hệ thống các tâm thái được các tác nhân kết nhập đến việc thể hiện các tâm thái đó trong sự hình thành quan niệm thẩm mỹ.
Xin nhắc lại một cách cụ thể hơn, Bourdieu định nghĩa trường như là “những không gian xã hội mà ở đó mỗi tác nhân được đặt định vị trí khi tham gia vào việc sản sinh ra các tác phẩm văn hóa” [ 18 , tr. 3]. Trường văn học được tác giả xác định như “một trường lực tác động đến tất cả những ai tham gia vào đó, và tham gia một cách khác biệt nhau tùy vào vị trí họ nắm giữ [...], đồng thời cũng là một trường tranh đấu để duy trì và chuyển hóa chính trường lực đó” [ 18 , tr. 3-4]. Như vậy, có thể nói trường văn học tạo thành một trung giới nền tảng. Dù vậy, khái niệm này vẫn tạo ra không ít trở ngại cho việc tìm hiểu nội hàm của nó. Trước đó, chính Bourdieu đã lưu ý rằng không nên hiểu khái niệm trường như cách hiểu truyền thống là ý tưởng về một “bối cảnh xã hội” hoặc một “môi trường văn học”, mà phải hiểu nó như là không gian xã hội tương đối tự chủ, được tạo thành bởi tổng thể các tác nhân, các tác phẩm và các hiện tượng của các thực hành văn học, đồng thời nó có những cấu trúc được xác định bởi hệ thống các lực có khả năng hành động và bởi sự xung đột của các lực đó [ 19 , tr. 5].
Cũng lưu ý thêm rằng một trường văn học có thể thay đổi và chuyển hóa thường xuyên, nên việc vận dụng tiếp cận trường chỉ có thể được thực hiện đối với những thời đoạn và những hoàn cảnh cụ thể. Là trung giới của văn học, trường không chỉ là không gian mà qua đó các định chế xã hội tác động đến văn học, mà chính văn học được lập thành theo những nguyên lý của trung giới này. Như vậy, ở một mức độ nào đó, với khái niệm trường, Bourdieu đã cố gắng thiết lập một khoa học về các tác phẩm văn học.
Về cấu trúc tổng thể, trường văn học được hình thành từ hai chiều kích 20 . Ở chiều kích thứ nhất, những quan sát tập trung vào mức độ phụ thuộc tài chính hay giá trị kinh tế của một nhà văn ở phạm vi số lượng xuất bản. Có hai tiểu trường sẽ được nghiên cứu ở chiều kích này: tiểu trường sản xuất hẹp, nghĩa là các tác phẩm chủ yếu dành cho giới độc giả chọn lọc – Chúng ta liên tưởng đến một kiểu học thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đề cao giá trị đặc thù của một nhà văn – và tiểu trường sản xuất đại trà, nghĩa là tác giả công bố một số lượng lớn tác phẩm dành cho đại chúng. Ở chiều kích thứ nhất này của cấu trúc trường, chúng ta có thể định giá được vốn kinh tế của một nhà văn, hay chính xác hơn, có thể nhận thấy mức độ can thiệp của trường kinh tế đối với trường văn học.
Chiều kích thứ hai của cấu trúc trường cho chúng ta thấy mức độ thừa nhận văn học ở bình diện vốn tượng trưng. Giá trị này thường tập trung vào các tác giả mang tính tiên phong và được thừa nhận bởi giới đồng nghiệp, hoặc các tác giả có những thành công qua đánh giá của giới phê bình. Chiều kích về giá trị tượng trưng của nhà văn đồng nghĩa với việc xác nhận sự hình thành quan điểm và quan niệm văn học của tác giả và sự nắm giữ ưu thế của tác giả trong trường văn học.
Như vậy, cấu trúc của trường văn học cho chúng thấy luôn có sự tồn tại các mối tương quan và thể hiện một trạng thái sinh động của nó. Bourdieu nhấn mạnh đến “một tình trạng tương quan về lực giữa các tác nhân hay các định chế tham gia và cuộc tranh đấu” [ 16 , tr. 114]. Ý nghĩa của cuộc tranh đấu này là cho phép xác định sự phân bố các vốn chuyên biệt của mỗi tác nhân hay mỗi nhà văn, đồng thời để làm sáng tỏ tiến trình và các chiến thuật chinh phục và nắm giữ các vốn và vị trí trong cấu trúc trường. Hơn nữa, các chiến thuật được sử dụng một cách khác nhau bởi mỗi tác nhân còn góp phần mô hình hóa và lập định các nguyên lý của trường, nghĩa là chúng tác động một cách mạnh mẽ đến sự chuyển hóa của trường.
Kết luận
Từ những năm 1980 đến nay, đã có rất nhiều công trình lý luận quan tâm vận dụng khái niệm trường văn học để đặt vấn đề về sự vận hành của một đời sống văn học, nhất là trong giới văn học Pháp ngữ. Hiện tượng khai thác khái niệm này gắn liền với sự phát triển của một số trào lưu lý thuyết, trong đó nổi bật là lý thuyết hậu thuộc địa. Với mục đích so sánh giữa các không gian định chế văn hóa chịu sự chi phối ít nhiều bởi quá trình thuộc địa, lý thuyết hậu thuộc địa nghiên cứu những dấu vết tương tác và giao thoa của các tác nhân trung giới giữa các định chế này. Cũng có thể nói đến một sự tương ứng giữa khái niệm trường văn học và khái niệm định chế văn học như vừa đề cập trên đây. Khái niệm định chế văn học đã được khai triển một cách sâu rộng trong các công trình của Jacques Dubois và Paul Aron & Alain Viala 13 , 17 . Thừa nhận nguyên lý biện chứng của Pierre Bourdieu, các tác giả này đồng thời chỉ ra sự cần thiết và tính chính đáng để nghiên cứu văn học dưới góc độ xã hội học, khi xem xét bổ sung các mối tương quan giữa văn chương và ý hệ. Đây cũng chính là ý tưởng của Louis Althusser và các nhà lập thuyết khác như Lucien Godlmann, Pierre Macherey, Thomas Herbert, Ulrich Ricken, Claude Duchet, Philippe Hamon... Trong viễn cảnh đó, văn chương được định nghĩa như là một định chế, một tổ chức hữu hình, một hoạt động xã hội hóa cá nhân bằng cách đưa ra các chuẩn mực và các giá trị. Đó cũng là bộ máy ý thức hệ. Như vậy, bên cạnh tiêu chí giao tiếp, tiêu chí định chế cho phép chúng ta đề cập đến các hoạt động khác trên bình diện xã hội như quá trình sản sinh, phổ biến và tiếp nhận tác phẩm như là những chiều kích tham gia vào cùng một hoạt động có tính định chế.
Lý thuyết trường đã làm nên tên tuổi của Pierre Bourdieu trong môi trường tri thức phương Tây và thế giới. Nó cho phép quan sát mối quan hệ thống trị giữa các trường hay các lĩnh vực thực hành xã hội trong một không gian xã hội nhất định, như quan hệ giữa trường kinh tế và trường văn chương, giữa trường chính trị và trường văn chương... Từ lý thuyết trường của Bourdieu, thường bị giới hạn trong việc nghiên cứu thực địa một quốc gia, các nhà nghiên cứu sau này đã mở rộng biên độ của nó để mô tả sự vận hành của văn chương thế giới, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Pascale Casanova đã mạnh dạn khai triển ý niệm của bà về một “Nền Cộng hòa thế giới văn chương” (République mondiale des lettres) 21 . Luận đề của tác giả khởi đi từ không gian văn chương quốc tế dựa trên mô hình chính trị thế giới, là một không gian được cho là trừu tượng, luôn tồn tại ở đó đặc tính bất công bằng giữa các tác nhân. Luận đề của Casanova cho phép chúng ta ý thức về hoàn cảnh bất lợi của các các nền văn học mới nổi từ các quốc gia bị đô hộ, đặc biệt ở thời kỳ thuộc địa. Vì thế các nhà văn của những không gian xã hội này có khuynh hướng thực hiện một cuộc “nổi dậy” để làm đảo ngược vị trí nắm giữ của mình trong trường, ở đây chủ yếu là trường văn học xuyên quốc gia. Dự trình mở rộng lý thuyết trường trên bình diện liên quốc gia cũng đã được các nhóm nghiên cứu khác thực hiện. Ví dụ, trong một viễn tượng khá rộng của lý thuyết chuyển giao văn hóa ra đời vào những năm 1980 22 , khái niệm trường văn học được đặt ra như một đối tượng của sự chuyển giao, trong đó có nhiều tác nhân tham gia và trở thành các vec-tơ trung giới. Từ đây, văn chương được nghiên cứu không chỉ từ cách tiếp cận so sánh truyền thống nữa, mà từ giác độ chuyển giao, thích ứng, tái diễn giải và tái ngữ nghĩa hóa.
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Bản thảo này không có xung đột lợi ích
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Bài viết là một phần kết quả của quá trình tìm hiểu và nghiên cứu lý thuyết xã hội học văn học. Tác giả đặc biệt quan tâm đến cách thức tiếp cận được Pierre Bourdieu đặt ra để thiết lập lý thuyết “trường” nói chung và “trường văn học” nói riêng. Một cách cụ thể, bài viết giới thiệu và phân tích sự hình thành của lý thuyết trường văn học, cũng như vị thế của nó trong môi trường tri thức hiện nay. Việc giới thiệu lý thuyết này là một sự cần thiết trong bối cảnh học thuật ở Việt Nam, khi mà các công trình dịch thuật về nhà xã hội học Pierre Bourdieu còn tương đối hạn chế.
References
- Quang Phạm Văn. Xã hội học văn học. Một số vấn đề cơ bản. TP. HCM.: Nxb ĐHQG-HCM; 2019. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. L'illusion biographique. Actes de la Recherche en Sciences Sociales 1986; 62-63: 69-72. . ;:. Google Scholar
- Quang Phạm Văn. Tiểu sử học. Những nguyên tắc thực hành. Hà Nội: Nxb Tri thức; 2018. . ;:. Google Scholar
- Heuvel Van den. L'espace du sujet: la "Nouvelle Autobiographie". Espace et Frontières. Munich: Iudicium; 1990: 85-90. . ;:. Google Scholar
- Doubrovsky S. Fils. Paris: Galilée; 1977. . ;:. Google Scholar
- Escarpit R. Le littéraire et le social. Paris: Flammarion; 1970. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. Les Règles de l'art. Paris: Seuil; 1992, 1998. . ;:. Google Scholar
- Goldmann L. Pour une sociologie du roman. Paris: Gallimard; 1964. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. Questions de sociologie. Paris: Minuit; 1984. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. và Wacquant L. Réponses. Pour une anthropologie réflexive. Paris: Seuil; 1992. . ;:. Google Scholar
- Michel J. Ricœur et ses contemporains. Paris: PUF.; 2013. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. Raisons pratiques. Sur la theorie de l'action. Paris: Seuil; 1994. . ;:. Google Scholar
- Aron P & Alain V. Sociologie de la littérature. Paris: PUF.; 2006. . ;:. Google Scholar
- Riœur P. Soi-même comme un autre. Paris: Seuil; 1990. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. Le Sens pratique. Paris: Minuit; 1980. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. La Distinction. Critique sociale du jugement. Paris: Minuit; 1979. . ;:. Google Scholar
- Dubois J. L'institution de la littérature. Paris-Bruxelles: Nathan-Labor; 1978. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. Le champ littéraire. Actes de la recherche en sciences sociales 1991; 89: 3-46. . ;:. Google Scholar
- Bourdieu P. Le champ littéraire. Préalables critiques et principes de méthode. Lendemain 1984; 36: 3-20. . ;:. Google Scholar
- Dirkx P. Sociologie de la littérature. Paris: Armand Colin; 2000. . ;:. Google Scholar
- Casanova P. La République mondiale des Lettres. Paris: Éditions du Seuil; 1999. . ;:. Google Scholar
- Espagne M. La notion de transfert culturel. Revue Sciences/Lettres 2013. http://journals.openedition.org/rsl/219; DOI: https://doi.org/10.4000/rsl.219. . ;:. Google Scholar