VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

646

Total

266

Share

International migration - a household survival strategy in coastal communities in Ha Tinh province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Many studies have shown that the decision to migrate as a survival strategy in areas facing political conflicts, climate change, and severe scarcity of natural resources is an urgent need. In 2016, the Formosa phenomenon occurred in the communes of Thach Ha district, Ha Tinh province, which caused thousands of workers to lose their jobs and have to find other livelihoods by migrating. In recent years, the cross-border labor migration in Vietnam, especially the migration of undocumented workers, is attracting researchers’ attention. This article describes the role of migration for people in the North Central Coast of Vietnam. Based on the results of the field survey through in-depth interviews in Thach Long, Thach Tri, and Thach Van communes in Thach Ha district, Ha Tinh province, the author points out the push and pull factors of migration, forms of labor migration, and results of livelihood strategies of local households in the current social context. In addition to improving and changing the quality of household resources, labor migration also creates diversified and effective household livelihood restructuring. However, no strategy is considered sustainable and migrant workers are always faced with the possibility of failure and with challenges from their illegal status.

Giới thiệu

Nghiên cứu di cư như một chiến lược sinh tồn và cải thiện sinh kế cho hộ gia đình đã được chứng minh bởi nhiều công trình khoa học 1 , 2 , 3 . Trường phái kinh tế học về di cư lao động mới (New Economics Labour Migration) của Stark 1 định nghĩa di cư là một công cụ được các hộ gia đình sử dụng để vượt qua những thất bại kinh tế do thị trường. Bằng cách cử một hay vài thành viên trong gia đình đi lao động xa nhà, các hộ gia đình thực hiện cân đối chi phí đầu tư và lợi nhuận thu hồi khi dòng kiều hối của người di cư chuyển về. Những khoản thu nhập này bù đắp cho thị trường lao động tại địa phương đang gặp bất ổn vì thiếu các chính sách bảo hiểm của chính phủ cũng như những hiện tượng rủi ro trong xã hội. Di cư lúc này không phải là kết quả từ một quyết định của cá nhân mà có sự tồn tại của một thỏa thuận ngầm hoặc rõ ràng giữa gia đình và người di cư 4 . Họ tập trung vào di cư lao động ngắn hạn, có định hướng mục tiêu, xác định rõ bối cảnh kinh tế xã hội của gia đình mình và mong muốn trở về thay vì định cư ở nước sở tại. Theo Ellis 3 đa dạng sinh kế là quá trình các hộ gia đình nông thôn xây dựng một chuỗi các hoạt động phong phú có khả năng hỗ trợ cho sự tồn tại và cải thiện tiêu chuẩn sống của họ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người dân ở các nước đang phát triển có chiến lược sinh kế đa dạng nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình và thích ứng với một xã hội đang chuyển đổi thông qua việc di chuyển từ nông thông ra thành thị 5 . Hầu hết đó là những mô tả về hình thức di cư nội địa để tìm kiếm thu nhập tại các đô thị lớn. Khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, di cư quốc tế là một điểm sáng trong sự lựa chọn của người lao động. Sự phát triển của công nghệ đã dần dần thu hẹp những khoảng cách về địa lý, không gian, văn hoá, xã hội của các quốc gia cho người di cư.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ (Việt Nam) hiện nay có chính sách khuyến khích người lao động di cư sang nước ngoài do tình trạng thất nghiệp, sa sút kinh tế. Nguyên nhân do sự đầu tư phát triển công nghiệp hoá ngày càng nhiều, cộng đồng nơi đây phải gánh chịu hệ quả nặng nề từ việc ô nhiễm môi trường do chất thải làm thiệt hại tài nguyên biển. Ngoài ra, tại Hà Tĩnh đã chứng kiến hàng loạt những rủi ro do thiên tai gây tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, những yếu tố như thiếu đất canh tác, thiếu nước trong mùa khô và các điều kiện không thuận lợi khác như thời tiết bất thường chính là những khó khăn lớn nhất. Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, thử thách lớn nhất là kỹ năng nghề nghiệp bị hạn chế, không có cơ hội tiếp cận vốn vay thương mại… Đứng trước tình huống này, việc tìm kiếm nguồn kinh phí trước mắt là cách giải quyết phổ biến của các hộ gia đình nông thôn. hiều hộ gia đình có khả năng tự phục hồi bằng cách tái đầu tư, làm việc nhiều hơn và giảm chi tiêu. Nhiều người lựa chọn di cư như là một chiến lược hộ gia đình để đa dạng hóa rủi ro và tối đa hóa thu nhập. Bài viết sử dụng dữ liệu từ Luận án của tác giả: “Chiến lược ứng phó rủi ro của lao động Việt Nam di cư tự do sang Thái Lan” để làm rõ các mục tiêu: (1) Nguyên nhân khiến người lao động di cư từ hai cấp độ (cá nhân và cộng đồng); (2) Lợi ích và hệ quả của việc sử dụng di cư như chiến lược sinh kế cải thiện đời sống gia đình.

Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Với ý tưởng xem di cư như một chiến lược tập thể, mô hình lý thuyết của Chant 2 xem xét cơ cấu quyền lực và quyền ra quyết định của hộ gia đình, bao gồm nam và nữ, già, trẻ, kết hợp với việc phân tích cấu trúc về hộ gia đình. Lý thuyết này xem xét người di cư không như một cá nhân bị động chạy theo giải pháp thoát nghèo dưới sức ép kinh tế, mà là sự chủ động với chiến lược ứng phó cuộc sống thông qua di cư. Cùng ý tưởng bàn về cách thức nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, Massey và cộng sự 6 tập trung vào vai trò tăng trưởng của kiều hối đối với các cộng đồng gốc (đặc biệt là các cộng đồng nông thôn). Tại một số địa phương, sự hạn chế trong sản xuất dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói tăng cao. Trước tình huống đó, các quyết định di cư và mô hình sử dụng tiền từ nơi khác chuyển về là một phần trong hàng loạt các chiến lược sinh tồn 7 . Các nguồn tài nguyên này có sẵn để cung cấp cho các nhu cầu tức thì, các trường hợp khẩn cấp và kế hoạch cho tương lai 8 . Đầu tiên và quan trọng nhất, kiều hối mang lại nhiều vốn cần thiết (dưới dạng tiền và hàng hóa) cho các hộ gia đình để sinh sống. Bên cạnh đó, kiều hối cung cấp một mạng lưới an toàn cho những hộ gia đình không được hưởng những quyền lợi an sinh, bảo hiểm xã hội tại địa phương. Cuối cùng, kết quả di cư và các nguồn vốn kinh tế lẫn vốn xã hội có thể nâng cao vị thế và vai trò của các thành viên di cư hoặc hộ gia đình trong cộng đồng 9 .

Trong nghiên cứu này, tác giả đồng thuận với quan điểm của Stark 1 cho rằng việc di chuyển của người lao động không chỉ là hệ quả do chênh lệch thu nhập giữa hai khu vực mà còn là phản ứng của cá nhân từ sự khuyến khích của gia đình. Những người dân vùng ven biển tại Hà Tĩnh đã và đang tiếp cận di cư quốc tế như một cách thức để phân tán rủi ro trước bối cảnh kinh tế xã hội khó khăn tại quê nhà. Họ mạnh dạn bước ra khỏi thị trường lao động vốn gặp nhiều thách thức tại địa phương sau khi cân nhắc so sánh các yếu tố bất lợi và thuận lợi của điểm đến và nơi xuất cư. Yếu tố kinh tế theo Stark 1 là quan trọng nhưng không phải duy nhất. Di cư không đơn giản là “xoá đói, giảm nghèo” mà còn mang lại nhiều lợi ích xã hội cho các thành viên cùng chung sống trong hộ gia đình.

Tác giả thu thập dữ liệu định tính với kỹ thuật phỏng vấn sâu và quan sát tham dự. Mẫu được chọn là mẫu phi xác suất với hình thức lấy mẫu theo mục tiêu và mẫu viên tuyết lăn với các tiêu chí sau:

  • Không phải là Việt kiều đang định cư tại Thái Lan;

  • Là lao động không đăng ký và làm việc tại Thái trên 2 tháng, có kinh nghiệm gia hạn thị thực;

  • Có những đặc điểm nhân khẩu học xã hội khác nhau về: giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, quê quán, nghề nghiệp.

Thời gian nghiên cứu thực địa được tiến hành trong hai đợt vào tháng 9/2018 (Thái Lan) và tháng 4/2019 (Hà Tĩnh). Đa số người lao động di cư không đăng ký được giới thiệu đến từ các xã ven biển Thạch Hà, Thạch Văn, Thạch Long, Thạch Trị thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Tại hai thành phố Bangkok và Hà Tĩnh, tác giả phỏng vấn 41 đối tượng là người lao động Việt Nam, 4 cán bộ phụ trách tại Phòng Lao động – Việc làm tại các xã, huyện, thành phố và 8 thành viên trong gia đình có người lao động di cư sang Thái Lan.

Kết quả nghiên cứu

Nguyên nhân di cư

Hiện nay, Hà Tĩnh đang có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Angola, Lào, các nước Châu Âu 10 . Theo số liệu của Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Hà Tĩnh năm 2019 10 , Thạch Hà là một trong những huyện có số lượng lao động di cư đi nước ngoài đông nhất tỉnh với hơn 5.000 người. Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển , ngư dân không làm nghề biển được nữa nên phần đông họ bán tàu, thuyền. Một số hộ chuyển sang làm ruộng, nhưng thu nhập cũng không ổn định do thời tiết khắc nghiệt. Chính vì tình hình kinh tế không khả quan nên chính quyền địa phương nơi đây khuyến khích việc đi lao động nước ngoài tại các quốc gia đã có ký kết hợp đồng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, hiện tượng người lao động di cư tự do sang Thái Lan đang ở mức báo động 11 . Nguyên nhân lực hút được mô tả là do nhu cầu tuyển dụng và mức thu nhập tại Thái Lan cao, vị trí địa lý di chuyển thuận lợi, ít tốn kém chi phí, mạng lưới xã hội người Việt đông.

Trên thực tế, cá nhân phải “quản lý” các mối quan hệ xã hội của mình để hình thành và điều chỉnh hành vi theo hướng có hiệu quả trong trường hợp di cư. Boyd 12 xem xét di cư như một "sản phẩm xã hội", nghĩa là các cá nhân không bị đóng khung trong một không gian nào, họ có quyền tự do sáng tạo, điều chỉnh các hành động xã hội, tương tác xã hội trong gia đình, cộng đồng mà họ là thành viên. Trước những biến động của xã hội, gia đình, giá trị và lợi ích của tập thể có xu hướng ảnh hưởng đến quyết định của các cá nhân. Vì vậy, phân tích nguyên nhân di cư phải được nhìn nhận từ các bên liên quan để xem xét việc họ cùng nhau đạt được mục tiêu chính như thế nào.

Từ phía gia đình và cá nhân

Tác giả đưa ra ba trường hợp có đặc điểm khác nhau về giới tính, độ tuổi, hoàn cảnh kinh tế gia đình, tình trạng hôn nhân để phân tích và so sánh. Tên toàn bộ thành viên được khảo sát đã thay đổi.

Xuân (nữ, 24 tuổi, độc thân, hộ gia đình nghèo), Thanh (nữ, 30 tuổi, có chồng và 2 con, gia đình có hoàn cảnh kinh tế trung bình), Tú (nam, 29 tuổi, đã ly hôn và đang nuôi 2 con, kinh tế hộ cận nghèo). Tất cả 3 lao động di cư (LĐDC) này đều đã sang Thái Lan trên 2 lần để làm việc và từng gửi tiền cho gia đình của họ. Thanh và Tú đều gửi con lại cho cha mẹ mình nuôi dạy giúp.

Trường hợp của Xuân di cư để kiếm tiền trả nợ lãi suất cho cha mẹ và trang trải thêm chi phí cho gia đình làm nghề đánh bắt thuỷ sản. Cách đây 3 năm, Xuân đã được cha mẹ gợi ý đi Nhật Bản do gia đình cô nằm trong diện hưởng chính sách ưu đãi về vấn đề giải quyết việc làm cho hộ bị ảnh hưởng bởi Formosa. Do Nhật Bản chỉ tuyển lao động dưới 35 tuổi nên Xuân là sự lựa chọn phù hợp nhất trong khi các em của cô ấy vẫn còn nhỏ. Vì vậy, có thể thấy quyết định di cư của Xuân bị tác động bởi biến cố và sự phân công lao động của các thành viên khác để cải thiện kinh tế cho gia đình. Do có kinh nghiệm đi lao động tại Nhật Bản trước đó nên sau 3 năm về nước, cô dễ dàng tự ra quyết định tiếp theo cho việc thay đổi nơi di cư sang Thái Lan. Đến lúc này thì trường hợp di cư trên phải được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn của mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các nhóm 13 . Khi được hỏi về tình trạng hôn nhân trong tương lai, Xuân cho biết thời điểm này di cư để tích luỹ kinh tế cá nhân và thực hiện một số mục tiêu nhằm mang lại cuộc sống khả quan hơn cho gia đình có quy mô lớn hơn:

  • “Lúc trước gia đình em được hưởng hỗ trợ của địa phương cho đi học nghề để qua Nhật làm việc . Lúc đó bố em phải vay tiền ngân hàng để lo thủ tục. Đi Hàn thì cam kết 4 năm 10 tháng, còn đi Nhật chỉ 3 năm. Đợt đi Nhật của em hết 250 triệu, trong đó họ bắt nhà em đặt cọc 100 triệu vì sợ mình trốn ở lại, còn tiền chi phí thì họ giảm vài chục triệu. Lương tháng bên đó được 10 triệu, em nóng ruột vì làm mãi vẫn chưa trả hết nợ. Sau 3 năm em trả hết nợ gia đình vay cho, trừ các khoản chi phí này nọ tính ra em tích góp chưa đến 100 triệu, quá ít cho 3 năm làm việc luôn. Với lại, mình ở vùng xa xôi ở bên ấy, cuộc sống buồn chán , không muốn ở nữa nên khi về em đi Thái Lan làm theo bạn bè. Tốn có 2.000 baht (khoảng 1,5 triệu đồng cho chi phí di chuyển, không phải mượn nợ ai, thích đi lúc nào thì đi, tiền lương cũng cao tuy không ổn định đều đều hàng tháng bằng ở Nhật thôi ”. [PVS X, 24 tuổi, Thạch Long]

Trường hợp thứ hai là một cặp vợ chồng. Thanh và chồng quyết định thực hiện chuyến đi đến Thái Lan vào năm 2003, sau khi có hai người chị gái đã di cư trước đó. Cô có một vẻ ngoài khá trau chuốt và hợp thời trang. Thanh làm việc tại một quán rượu trong thành phố Bangkok. Cô quyết định rời khỏi Việt Nam để kiếm tiền nuôi 2 con đang gửi tại nhà ông bà ở quê. Kể về quyết định di cư, Thanh cho rằng do nhìn thấy LĐDC từ Thái Lan trở về có thể mua sắm nhiều thứ đẹp đẽ, đặc biệt là từ hai người chị gái làm cho cô mong muốn được thay đổi. Ở đối tượng này, tác giả nhận thấy chủ đích ban đầu xuất phát từ diễn biến cá nhân, tuy nhiên nó được Thanh chuyển đổi thành nguyên nhân từ phía các thành viên khác để tạo ra ý nghĩa cho việc di cư của mình.

  • Ở quê bị ảnh hưởng từ vụ Formosa, chồng em không đi biển được nữa nên hai vợ chồng quyết định đổi nghề. Qua đây làm một tháng có thể kiếm được 8-10 triệu, có kinh nghiệm là lương lên gấp 1,5 thậm chí gấp 2 cũng được. Ở xứ nhà em có ai làm ăn kinh tế gì được đâu, cả cái làng này như thế chị ạ, họ kháo nhau đi . Làng em được lên tivi VTV3 luôn, là cái làng đổi đời nhờ Thái Lan , thành công lắm! Nhà quê mà toàn xây hai gác, ba gác hết … nói đến chuyện làm nhà, làm cửa là họ toàn dùng tiền Thái gửi về. Vì vậy em mới làm liều sang Thái, ít nhất em làm được tháng bình quân 10 triệu tiền Việt Nam mình ấy, 10.000 baht là em làm đơn giản . Hầu như phần đa như vậy chắc không riêng gì em, nói chung thì 10 người thì được 3 - 4 người làm có tiền , là con gái sang thì dễ kiếm tiền lắm. Vì vậy em nghĩ ‘mình cũng đi đi’...Em lên xe tham gia cùng mọi người...Vài tháng đầu em còn phải lo chi phí này nọ, nhưng dần dần em có thể gửi tiền và nhiều đồ dùng công nghệ mà ở quê không có như điện thoại thông minh, máy tính bảng”. [PVS, T, nữ, 30 tuổi, Thạch Hà].

Quyết định di cư của Thanh, khi không gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng, có thể liên quan đến nguyện vọng cá nhân nhằm đạt được lợi ích nào đó. Khi di cư gắn liền với ý tưởng thành công, nó có thể thúc đẩy một ‘văn hóa di cư’ coi quyết định ở nhà là thất bại 6 . Việc có thể gửi tiền và quà công nghệ có thể góp phần làm tăng một cách tượng trưng hình ảnh hiện đại của một người thành đạt.

Tú là một trường hợp đặc biệt do đã ly hôn và đang nuôi con nhỏ. Tình hình tài chính của gia đình Tú đặc biệt thiếu thốn và đằng sau quyết định di cư của anh ấy là triển vọng có thể tăng thu nhập cho gia đình. Khi tôi gặp Tú bên ngoài nhà trọ tại Thái Lan, anh ấy vừa đi mua thuốc về. Tú mắc bệnh suyễn bẩm sinh mà không tiết lộ cho các chủ sử dụng lao động của mình biết để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội làm việc nào. Lúc còn ở quê nhà, Tú không phải làm việc gì nặng nhọc vất vả. Tất cả đã có cha mẹ và vợ anh gánh vác. Vì vậy, thu nhập gia đình đè nặng lên vai của hai người cao tuổi và một người phụ nữ để nuôi 6 miệng ăn trong nhà. Lý do chính thúc đẩy Tú di cư đến Thái Lan do trải nghiệm tâm lý tiêu cực mà anh ta có với người vợ trước của mình:

  • “Trước khi đi, tôi chỉ phụ làm nông nghiệp, hoặc ai kêu gì làm nấy, tiền kiếm được chỉ đủ ăn hàng ngày… Tôi cũng đã kết hôn được 5 năm...vợ bỏ theo một người đàn ông khác. Tại thời điểm đó, tôi nghĩ rằng bản thân mình cũng sẽ bỏ đi vì đau khổ. Vì vậy, tôi quyết định hỏi một trong những người bạn của mẹ tôi ở quê về chuyến đi Thái Lan vì bà là người đưa quân (môi giới). Bây giờ số tiền mà tôi kiếm được ở đây, tôi gửi về cho cha mẹ để nuôi cháu vì công việc đồng ruộng cũng không thể kéo dài được lâu…” [PVS. T, nam, 29 tuổi, Thạch Trị]

Tìm hiểu quá trình ra quyết định di cư, có thể nhận định rằng người LĐDC xem di cư như một chiến lược nhanh chóng và thành công hơn để khắc phục các vấn đề liên quan đến thất nghiệp hoặc thiếu hụt nguồn kinh tế và cơ hội làm việc như trường hợp của Tú và Xuân. Ngoài ra, đó còn là giá trị kỳ vọng về hình ảnh “người di cư thành đạt” của người lao động trong trường hợp của Thanh. Cô ấy đặt nặng những giá trị mong đợi về việc trở thành người có ích hoặc hoàn hảo hơn trong mắt người khác.

Tóm lại, nguyên nhân người lao động di cư tại các tỉnh ven biển Hà Tĩnh xuất phát từ nhiều cấp độ: cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đối với cộng đồng, đứng trước rủi ro do thiên tai, ô nhiễm môi trường, cán bộ địa phương cũng khuyến khích và thúc đẩy di cư để cải thiện sinh kế cho người dân. Giai đoạn đầu, gia đình sẽ hỗ trợ vốn để người di cư bảo hiểm rủi ro thất nghiệp hoặc để tồn tại trong khoảng thời gian tìm kiếm việc làm tại Thái Lan. Giai đoạn sau, tiền gửi chuyển về quê nhà được coi là một chiến lược giảm thiểu rủi ro để đảm bảo và gia tăng nguồn thu nhập. Số tiền người di cư chuyển về sẽ được phân phối trực tiếp tuỳ theo nhu cầu và bối cảnh kinh tế xã hội tại khu vực của hộ gia đình đang sinh sống.

Thảo luận về kết quả sinh kế của người lao động di cư

Những người di cư không có giấy tờ trong bối cảnh nghiên cứu này là những lao động Việt Nam ở lại làm việc không đăng ký bằng thị thực du lịch được cấp trong vòng 30 ngày tại Thái Lan. Họ thường di chuyển bằng xe qua cửa khẩu biên giới Lào – Thái Lan, hoặc Campuchia – Thái Lan. Đối tượng lao động di cư này tập trung trong khu vực kinh tế phi chính thức với các nghề nghiệp như: công nhân may mặc, giúp việc nhà, phục vụ nhà hàng - quán bar, phục vụ mát – xa, người hàng rong và đánh bắt cá biển. Một số nghề đặc thù tuyển dụng theo giới tính là đánh bắt cá (nam), giúp việc nhà (nữ lớn tuổi), mát – xa (nữ trẻ tuổi). Các ngành nghề này tại Thái Lan được đánh giá là nghề hạng ba, người bản địa không tham gia do lương thấp và rủi ro cao. Hiện nay, Việt Nam và Thái Lan có ban hành Biên bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác lao động MOU (Memorandum of Understanding) vào cuối 2015 nhưng chỉ mới thông qua hai ngành nghề xây dựng và đánh bắt cá. Các lĩnh vực nghề nghiệp phổ biến khác như làm nông nghiệp, lâm nghiệp, giúp việc nhà.. đều chưa có tính pháp lý.

Lợi ích kinh tế

Dòng kiều hối trong di cư ngoài việc cải thiện kinh tế còn mạng lại những giá trị sống khác cho các hộ gia đình 14 . Trong kết quả khảo sát, một số hộ gia đình có thể chuyển đổi cơ cấu kinh tế như chăn nuôi, ngư nghiệp, dịch vụ…nhờ dòng tiền đầu tư của người di cư. Do đó, di cư không chỉ được coi là phương tiện sinh tồn mà còn là một phần của chiến lược sinh kế tích lũy, liên quan đến đầu tư vào sản xuất và giáo dục.

Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho gia đình khiến người lao động phải chịu những áp lực khác nhau trong việc kiếm tiền và gửi tiền. Nhóm chịu nhiều áp lực hơn là: nhóm lao động nữ, nhóm đã kết hôn; nhóm có hoàn cảnh kinh tế nghèo. Nếu là người kiếm tiền duy nhất như trường hợp của Xuân thì áp lực cao gấp đôi so với nam giới. Mặc dù thời gian làm việc trong ngày và số ngày làm việc trong tuần của nam và nữ tương đối giống nhau, song nhóm lao động nữ vẫn có mức thu nhập cao hơn với 10 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi nhóm nam có mức thu nhập trung bình là 7,5 triệu – 9 triệu/ tháng. Nguyên nhân là do LĐDC nữ làm thêm từ hai đến ba nghề khác nhau, cụ thể: ban ngày giúp việc nhà, rửa bát tại quán ăn, ban đêm phục vụ tại quán bar, bida. Sống tại thành phố lớn, đắt đỏ như Bangkok, định mức chi tiêu của LĐDC cũng tăng theo từng năm. Trên thực tế nhóm lao động nam có mức chi tiêu cao hơn nữ. Phụ nữ chi tiêu tiết kiệm hơn, họ thường giảm thiểu chi phí ăn uống và không có nhu cầu sử dụng tiền cho việc giải trí. Số tiền LĐDC tích góp chuyển về quê nhà không cố định theo tháng. Vì là lao động không có giấy tờ chính thức nên họ chỉ có thể gửi qua môi giới trung gian, cụ thể là người đưa quân.

Trường hợp của Xuân là một ví dụ. Gia đình gồm 6 người chỉ trông chờ vào nghề đi biển của những người đàn ông như bố, anh/ em trai của Xuân. Sau sự cố Formosa, tuy đã được đền bù nhưng vẫn không thể thay thế mức thu nhập trước kia. Dòng tiền mà Xuân gửi về được gia đình tính toán dùng vào nhiều việc.

  • “Trước kia em làm bên Nhật thì lương được gửi về đều đặn, giờ qua Thái khoảng mấy tháng em mới chuyển 1 lần tầm 20 triệu đồng. Ở nhà bố mẹ cũng không hối, khi nào cần làm gì gấp thì báo trước em xoay hoặc vay mượn bên này. Giờ nhà không đi biển thì mẹ đi bán thêm, bố phụ hồ nên tiền ăn trong ngày vẫn kiếm được. Em chưa có gia đình, tiền gửi về chủ yếu để mẹ mua giống về chăn nuôi. Nhưng mình không có kỹ thuật, rủi ro bệnh tật gia cầm cao, nhà em không bán được. Giờ thì chuyển qua buôn bán cá tại chợ. Theo em biết, bố mẹ chi nhiều nhất là để trả nợ. Nợ lãi suất ngân hàng có, nợ người thân họ hàng có, để cho em đi xuất khẩu lao động và sắp tới là thằng em trai cũng đang tính đi làm”. [PVS X, 24 tuổi, Thạch Long]

Trường hợp của gia đình Tú:

  • “Kinh tế nhà ni không biết làm chi, đất đai chỉ trồng khoai cũng không thể buôn bán gì. Số tiền mà Tú gửi về chỉ để lo cho cả nhà để ăn qua ngày và trả nợ… tôi biết bên đấy con làm nhiều nghề từ bưng bê chạy bàn, rửa chén, trông xe… giờ thì có kinh nghiệm hơn thì xin được công việc phun sơn trong công ty lắp ráp xe. Nghề này bị cái tiếp xúc với hoá chất độc hại thường xuyên , quanh năm cứ bị ám ảnh cái mùi …nhưng cũng phải ráng. May được trời thương cho gặp ông chủ tốt là giả giấy tờ để không bị bắt. Cái chính là làm ăn được còn lo cho 2 đứa cháu chứ ông bà già yếu không thể tính nổi đến chuyện học hành… nhà nước trợ cấp giáo dục được đến đâu thì hưởng đến đấy thôi…”. [PVS, mẹ Tú, 59 tuổi, Thạch Trị]

Nguồn tiền của những LĐDC tại Thái Lan chuyển về Việt Nam được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình. Sự phân bổ nguồn tiền chuyển về của lao động di cư thường được sắp xếp theo 3 nhóm mục đích. Ưu tiên một là việc đáp ứng nhu cầu chi tiêu cơ bản, mua sắm các vật dụng, tài sản có giá trị trong cuộc sống hàng ngày. Có nguồn thu nhập, tình trạng tinh thần của các gia đình sẽ bớt căng thẳng, bữa ăn được cải thiện nhiều hơn. Nhóm mục tiêu quan trọng thứ hai được dùng để trả nợ (lãi suất ngân hàng hoặc vay mượn từ họ hàng), xây/ sửa nhà và đổi mới sản xuất, chuyển đổi việc làm của hộ gia đình. Nhóm mục tiêu cuối cùng kém quan trọng hơn sẽ được họ thực hiện như đầu tư giáo dục cho thế hệ sau, cho vay hoặc hỗ trợ thành viên khác tiếp tục di cư nếu nguồn tiền gửi còn dư dả.

Những đóng góp về kinh tế tuy không phải là yếu tố quyết định vị thế của một cá nhân trong gia đình, song đây có thể được xem là yếu tố tác động. Nếu trước kia, “đi lao động xa” được xem là lựa chọn của nam giới thì hiện nay bối cảnh nữ giới di cư lao động ngày càng nhiều. Như trường hợp của Xuân, là con thứ, còn nhỏ tuổi nhưng cô ấy có tiếng nói trong gia đình của mình vì đã từng đi lao động 2 lần ở Nhật Bản và Thái Lan. Tần suất và số lượng tiền cô gửi về để hỗ trợ các thành viên khác đổi mới sản xuất, trả nợ, xây nhà,… là một dạng cống hiến được ghi nhận đã nâng cao tầm quan trọng và vị thế của Xuân trong mắt mọi người. Tuy nhiên, cô cho biết đây cũng là áp lực chính khiến cô nỗ lực hơn nữa để đáp ứng sự kì vọng của gia đình mình.

Tóm lại, theo kết quả nghiên cứu, tiền chuyển về đã mang lại cuộc sống no ấm sung túc hơn đối với nhiều hộ gia đình nông thôn, đây được xem như nguồn cung không thể thiếu. Tuy nhiên, dòng tiền này thường được các hộ gia đình sử dụng để tiêu xài, còn lại tỷ lệ rất ít cho các khoản đầu tư có hiệu quả trong tương lai. Trong mẫu khảo sát, tới 95% trường hợp gia đình bày tỏ nguyện vọng tiếp tục mong muốn người thân của mình duy trì cuộc sống di cư lao động. Điều này cho thấy việc sử dụng kiều hối làm điểm tựa để thực hiện các quá trình chuyển đổi cuộc sống là một khía cạnh quan trọng cần được xem xét để hiểu các tác động của di cư.

Lợi ích vốn con người

Mặc dù không thể phủ nhận vai trò quá lớn của kiều hối trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình nhưng việc nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của kiều hối có thể làm mờ nhạt những kết quả/ lợi ích khác trong quá trình di cư lao động. Trong nghiên cứu của De Haas 13 đã thiết lập Chỉ số Phát triển con người thông qua di cư với mong muốn chuyển trọng tâm từ thu nhập sang các giá trị xã hội khác của người di cư. Đó là phát triển kỹ năng sống, trình độ kỹ năng làm việc, tâm lý, các vấn đề xã hội hoặc sức khỏe để đo lường sự thay đổi từ trước khi di cư đến sau khi di cư.

Lao động di cư không đơn thuần là sự dịch chuyển lao động mà còn là quá trình giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng. Văn hoá Việt Nam – Thái Lan cùng là nền văn hoá Á Đông, có nhiều điểm tương đồng và gần gũi. Trong hệ giá trị văn hoá của người Việt luôn tồn tại nhiều phẩm chất tốt như tính cẩn thận, cần cù, chịu khó, khéo tay được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Người LĐDC vùng nông thôn Việt Nam đã mang các phẩm chất ấy đến nơi làm việc và tạo được ấn tượng với cộng đồng nhập cư. Họ không chỉ thẩm thấu văn hoá nơi đến mà tự bản thân họ cũng tự gột bỏ những thói xấu như tính hay cãi vã, hay tụ tập uống rượu, ồn ào. Đa số LĐDC qua Thái Lan thích ứng rất nhanh với văn hoá, ngôn ngữ bản địa. Do tính chất công việc mà LĐDC Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ Thái Lan nên họ học tiếng rất nhanh. 33/41 lao động trong mẫu khảo sát cho biết có thể nghe hiểu ở mức độ bình thường, 12/41 lao động giao tiếp lưu loát, riêng khoản đọc viết thì còn lúng túng.

Một số trường hợp lao động cho biết họ học hỏi thêm những kiến thức, kỹ năng xã hội khác như:

  • “Kỹ năng học thêm được là do trước kia em đi Nhật nên phải đóng phí tập huấn, họ dạy ngôn ngữ, cách thức làm việc, quy định làm việc, văn hoá này kia… nhưng thật sự qua bên đó cũng cắm đầu vào làm từ sáng đến tối, giao tiếp với người rất hạn chế. Qua Thái vài tháng thôi là em có thể giao tiếp được nhiều câu mà không cần phải học. Đợt còn làm móng, mát-xa em học được nhiều thứ mà bà chủ còn phải khen người Việt mình siêng năng chịu khó”. [PVS X, 24 tuổi, Thạch Long]

  • “Người Thái sống rất tốt, anh thấy họ nhẹ nhàng, ít khi thấy to tiếng, ở đây họ theo đạo Phật hết mà nên tâm tính họ cũng hiền lành, không thích tụ tập ăn nhậu như dân mình. Hồi còn ở quê, chuyện nhậu nhẹt rượu bia của bọn anh diễn ra hàng tuần, không có dịp gì cũng lê la qua hàng xóm tụ tập đàn hát để giải trí. Qua đây rồi, nhiều khu ở trọ chủ họ không đồng ý, bạn bè cũng sống không gần nhau, thời gian đi làm suốt nên việc nhậu nhẹt cũng giảm đi rất nhiều, mình thấy sức khoẻ tốt hơn” [PVS , nam, 40 tuổi, Thạch Văn]

  • “Mình qua đây phụ bán quần áo nhưng cũng học được nhiều thứ. Văn hoá kinh doanh của người Thái là đảm bảo “uy tín”, sự trung thực trong giao dịch với khách hàng để giữ “hình ảnh”…Không phải buôn bán là muốn nói thách sao thì nói để lừa lọc khách hàng. Ví dụ như họ bán sỉ là 150 – 180 THB/ 3 áo, bán lẻ là 200 THB/ áo, cả chợ họ quy định như vậy, khách nước nào cũng bán giá đó, ai đi buôn hàng từ Thái về đều biết quy tắc, coi vậy chứ biết ứng xử quan trọng lắm”. [PVS, M, nữ, 28 tuổi, Thạch Trị]

Theo William và cộng sự 15 đã lập luận, mọi người di cư đều là người học hỏi kiến ​​thức, hoặc là người chuyển giao kiến thức tiềm năng. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người di cư tích cực tham gia vào quá trình thu nhận, kiến tạo kỹ năng được coi như một dạng vốn 16 . Thậm chí, tình trạng di cư, hình thức di cư khó khăn cũng tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đạt được một loạt các kỹ năng và năng lực xã hội tốt hơn. Thông qua việc di cư và vượt qua những thách thức, người di cư trau dồi sự tự tin, xây dựng mạng lưới, học hỏi, thích nghi, trở nên tự chủ với các tình huống nảy sinh. Giai đoạn trở về, những kỹ năng xã hội đó tạo cho họ lợi thế khi tham gia vào thị trường lao động quốc gia hoặc nâng cao năng lực cải thiện sinh kế hộ gia đình 17 .

Năm 2019 vừa qua, hàng loạt LĐDC Việt Nam tại Thái Lan bị mất việc làm vì dịch Covid. Họ quay về quê nhà tiếp tục tìm kiếm và đầu tư công việc mới cho bản thân và gia đình. Chủ yếu họ bỏ qua nông nghiệp và tìm đến những ngành dịch vụ như vận chuyển hàng hoá, kinh doanh xe du lịch… Tất cả lao động trong mẫu nghiên cứu đều khẳng định họ được gia tăng về kỹ năng xã hội sau một thời gian làm việc tại Thái Lan. Tuy nhiên, theo tác giả, những kỹ năng xã hội mà lao động có được thông qua quá trình di cư chưa thể tạo cho họ một nền tảng cơ bản để tham gia vào thị trường lao động lành nghề. Đây mới được xem là những kinh nghiệm thông qua việc xử lý các tình huống tại nơi nhập cư. Một số trường hợp có vốn liếng, khởi nghiệp buôn bán hàng hoá từ Thái nhưng chỉ phát triển manh mún, không được đầu tư có sự tính toán lâu dài. Số khác, quay về nước vẫn tiếp tục di chuyển vào các thành phố lớn để làm công nhân. Quá trình để biến đổi những kỹ năng học được vận dụng vào thực hành nghề nghiệp vẫn còn hạn chế với lao động phổ thông tại đây.

Một số hệ quả tiêu cực

Đối với những lao động chọn mưu sinh theo con đường xuất ngoại, lẽ dĩ nhiên, họ có thu nhập hơn về kinh tế, kỹ năng sống cũng như các mối quan hệ xã hội được mở rộng hơn, tốt hơn. Nhiều địa phương khác trong huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh còn vận động người dân đi xuất khẩu lao động để đóng góp kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Thế nhưng không phải ai cũng thành công trở về. Trong nghiên cứu của tác giả đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của việc LĐDC. Họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm trong nhiều tình huống. Vì không có tình trạng pháp lý nên nhóm LĐDC sang Thái Lan này gặp nhiều rủi ro trong quá trình di chuyển, nhập cư và quay trở về. Nếu muốn cư trú hợp pháp, người LĐDC phải bỏ ra số tiền khoảng 2 triệu mỗi tháng để gia hạn tại biên giới Thái Lan – Lào hoặc Thái Lan – Campuchia. Đa số LĐDC chấp nhận để hộ chiếu chết (quá hạn) để không phải tốn kém chi phí trên. Khi trở thành người cư trú bất hợp pháp, họ không được hưởng những quyền lợi của người lao động nước ngoài, không được pháp luật và hệ thống phúc lợi chính thức hỗ trợ, bị hạn chế cơ hội di chuyển và tìm kiếm việc làm và thường phải dễ dàng chấp nhận những công việc lương thấp, điều kiện làm việc thấp kém mà không dám lên tiếng phản đối.

Nhiều trường hợp lao động may mắn trở về, có tiền đã “vung tay quá trán”, sa vào các tệ nạn xã hội. Tiền kiếm được từ di cư chưa được người lao động đầu tư phát triển kinh tế một cách bền vững, mà chủ yếu chạy theo những giá trị hào nhoáng khác như mua đất, xây nhà, sắm xe hơi… Thậm chí, không ít trường hợp gia đình ly tán sau một thời gian chấp nhận cho vợ/chồng đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp của Xuân bị lừa tiền gửi về nên lâm vào cảnh nợ nần:

  • “Đợt trước em bị người đưa quân lừa. Em không dám gửi về nữa vì ngày xưa em bị mất nhiều lắm. Đợt đó em và nhỏ bạn gộp tiền cùng gửi về 1 xẻng (100 ngàn baht) ở quê cần tiền để bố mẹ mua giống chăn nuôi. Em gửi cho anh đưa quân, tin tưởng vì bạn bè với nhau bình thường , những lần trước em cũng gửi ít ít. Mà anh này xưa giờ uy tín lắm, gửi về bữa này đến bữa sau là anh đến từng nhà một 5.000 baht, 3,000 baht anh đưa hết nên ai cũng tin tưởng. Lần này gửi nhiều 1 xẻng thì đi biệt tăm luôn… Người đưa quân cầm 1 cục tiền của người dân làm bên này khi về bên Lào là cứ đánh bài sạch hết. Bố em đợt đó phải đi bán máu lấy tiền để xoay sở vì nhà không còn gì ngoài nợ…” [PVS, X, nữ, 24 tuổi, Thạch Long]

Di cư lao động để phát triển kinh tế là sự lựa chọn của số đông lao động ở Hà Tĩnh hiện nay, nhất là đối với người trẻ. Tuy nhiên, bức tranh về người Việt mưu sinh ở nước ngoài sẽ tươi sáng hơn nếu đó là con đường xuất ngoại hợp pháp, với những công việc nghiêm túc, được pháp luật Việt Nam và nước sở tại bảo hộ. Còn với LĐDC “chui”, sự rủi ro đi liền với những hậu quả mà chính người lao động và gia đình cũng không lường hết được.

Trường hợp của Tú, một người đàn ông với bản tính nhút nhát và hay lo về bệnh tật của mình, sau một thời gian sống và làm việc không hợp pháp tại Thái Lan đã khiến anh trở nên dạn dĩ hơn rất nhiều. Tú đang tham gia vào đường dây môi giới lao động. Anh tiếp cận với nhiều lao động mới có ý định di cư để móc nối, giới thiệu cho môi giới người Thái Lan và nhận “tiền cò” cho vai trò trung gian.

  • “Chẳng qua, mình kiếm thêm ở chỗ gửi tiền, nhận hàng buôn qua bán lại, rồi mấy trường hợp đặc biệt như hộ chiếu chết phải đi chui qua sông…Vì có kinh nghiệm nên tôi chỉ lại cho họ, họ có nhu cầu thì chúng tôi cung cấp, cùng giúp đỡ nhau thôi, chuyện này khó lỡ có liên luỵ gì thì tôi cũng bị theo mà…” [PVS. T, nam, 29 tuổi, Thạch Trị]

Vai trò môi giới của Tú được mô tả là trung gian thứ ba giữa người lao động và người cung ứng các dịch vụ vận chuyển người phi pháp. Anh ấy không hề che giấu việc mình làm nhưng chỉ thừa nhận rằng đang cung cấp thêm lựa chọn cho người lao động di cư để tìm kiếm việc làm. Nếu bị phát hiện, theo anh “cùng lắm là bị phạt tiền hoặc ngồi tù vài năm rồi cũng trả về nước”. Tú hồi tưởng với tôi về câu chuyện năm ngoái anh cùng một số người Việt vượt sông Mekong và bị cảnh sát Lào giam giữ trong 27 ngày:

  • Nói chung là ở tù mà, khổ và sợ lắm … Ăn ở kham khổ, nó cho ăn xôi lẫn với cứt chuộ t, ngày nào cũng như ngày nào , cứ sáng dậy là ngày ba bữa y nhau . Một phòng giam ở 103 người , có một bể tắm chung, người nào ở lâu bị ghẻ trước thì dùng chung nguồn nước nó lây. Nói xin lỗi chứ đang ở đó , đi vệ sinh ở đó luôn , hôi hám và dơ bẩn lắm , ở được đến ngày thứ 27 thì nó thả” [PVS. T, nam, 29 tuổi, Thạch Trị]

Đối với những hộ gia đình có thu nhập trung bình thì di cư là một lựa chọn thoải mái, không bị ràng buộc trách nhiệm kinh tế. Trường hợp của vợ chồng Thanh là một ví dụ. Họ di cư nhưng không sống cùng nhau tại Thái Lan. Thanh làm tiếp viên trong quán rượu. Chuyện “sờ mó, động chạm tay chân” với cô cũng là điều bình thường do đã có chồng con, không phải mất gì mà vẫn kiếm được nhiều tiền. Cô cho biết thêm:

  • “Công việc nhà em ở quán rượu chủ yếu là đưa khách vô xong lại rót rượu hay đi mua đồ nhắm cho họ, đi mua như thế cho họ là họ cho tiền như kiểu họ sai đi làm cho họ thì họ cho tiền. Chỗ em làm nhận người Việt đông nên nhiều chuyện lắm, người Việt đông thì tranh giành cướp khách của nhà em , kiểu tranh giành trước mắt mình không nể nang . Dĩ nhiên làm ở đây có người này người kia, sờ mó chân tay là chuyện bình thường. Có người đi tăng 2, tăng 3 với khách, em thì không đi ra ngoài”. [PVS, T, nữ, 30 tuổi, Thạch Hà].

Cuộc sống gia đình vốn dĩ không khó khăn nhưng vợ chồng Thanh không muốn làm lụng vất vả trong nghề nông. Họ lại không có trình độ lẫn kĩ năng nghề nghiệp để hoạt động trong các lĩnh vực khác nên di cư để đổi đời. Tính chất công việc mà vợ chồng Thanh chọn tại Thái Lan cũng là những ngành nghề phục vụ, giải trí. Ngoài những lợi ích được mô tả phần trên thì việc vợ chồng Thanh bỏ mặc con cái, tạo thêm gánh nặng nuôi dưỡng và chăm sóc cháu cho cha mẹ già là đáng phải suy ngẫm…Để tìm kiếm thu nhập phục vụ cho việc hưởng thụ mà vô tình bước vào cái bẫy của hoạt động mại dâm, cái mà vợ chồng cô mất là niềm tin, hệ giá trị của gia đình khi chấp nhận di cư lao động.

Nữ di cư lao động luôn là khái niệm quan trọng được khai thác trong nhiều nghiên cứu. Những kinh nghiệm và đóng góp tích cực của lao động nữ di cư chỉ có thể được đảm bảo một cách đầy đủ khi quyền lao động và quyền con người của họ được bảo vệ hoàn toàn. Phụ nữ có ít lựa chọn hơn so với nam giới trong công việc, họ thường được thuê với mức lương thấp ở các khu vực phi chính thức. Cụ thể, trong nghiên cứu của tác giả, các lao động nữ di cư phần lớn làm giúp việc nhà và nhân viên mát- xa, tiếp viên quán rượu… khiến họ dễ bị bóc lột, lạm dụng, bị ép làm mại dâm.

Tóm lại, việc lao động không có giấy tờ tại Thái Lan khiến cho LĐDC rơi vào tình trạng mất nhân quyền. Khi bị phát hiện làm việc không đăng ký và trục xuất về nước, người lao động vẫn phải đối mặt với tình trạng nợ nần do tiền kiếm được từ nước ngoài chưa đủ trả các chi phí di cư, môi giới việc làm người thân hoặc chính bản thân sử dụng tiền gửi về không hiệu quả. Ngoài ra, họ phải đối mặt với tình trạng “chênh” trong văn hóa về nhận thức và cách thức làm việc, mất thời gian hòa nhập lại với cộng đồng xuất cư và tìm việc mới để ổn định cuộc sống. Đặc biệt đối với những người trong danh sách đen bị trả về nước và cấm xuất ngoại còn là nỗi lo về hình ảnh, vị thế của mình trong mắt cộng đồng ở quê nhà bị giảm sút và bị xa lánh.

Kết luận

Di cư là một hoạt động tất yếu khách quan trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào. Trong đó, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa được xem là “lực hút” lao động đến các khu vực có mức độ phát triển nhanh và cao hơn. Kết quả của nghiên cứu này đã chỉ ra rằng nguyên nhân kinh tế vẫn luôn có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến việc đưa ra quyết định di cư của hộ gia đình. Các điều kiện này gắn liền với sinh kế của hộ, những nhu cầu thiết yếu cần đáp ứng của con người để tồn tại và phát triển. Bối cảnh xã hội, cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định di cư, đặc biệt là đối với vùng ven biển Bắc Trung Bộ, nơi chịu nhiều tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và môi trường sống.

Bài viết mô tả bức tranh chung về việc di cư được xem như là một chiến lược đối phó với những cú sốc và hành vi chia sẻ rủi ro của hộ để giảm thiểu rủi ro thu nhập. Kết quả là, các hộ gia đình có người LĐDC có đủ khả năng để đầu tư vào các hoạt động sản xuất nhằm cải thiện phúc lợi của họ như việc chuyển đổi công việc, xây dựng nhà cửa, đầu tư y tế và giáo dục…Một số ít người di cư hồi hương cũng đã thành lập các cơ sở kinh doanh tại quê hương của họ, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Không thể phủ nhận, việc đi lao động ở nước ngoài của người Việt đã phần nào làm thay đổi diện mạo của không chỉ cá nhân, gia đình mà còn góp phần khởi sắc cho nhiều địa phương trong cả nước. Xã Thạch Long - huyện Thạch Hà là một ví dụ điển hình của sự thay da đổi thịt nhờ di cư lao động. Tại đây, chẳng biết tự bao giờ, người dân Hà Tĩnh đã đặt tên cho địa phương này là “làng Thái Lan”. Theo quan sát của tác giả, phần lớn họ sống trong những ngôi nhà khang trang theo lối kiến trúc Thái, thường xuyên trao đổi tiền tệ Thái, sử dụng các vật phẩm, đồ dùng đến từ Thái…Tuy nhiên, di cư lao động là quá trình xã hội hai mặt. Mỗi thành viên tham gia vào quá trình này đều phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đặc biệt là nhóm LĐDC với tình trạng không hợp pháp khiến họ phải chấp nhận những công việc bấp bênh, độc hại, thu nhập thấp, bị bóc lột, lừa gạt, kể cả việc tham gia vào đường dây tệ nạn như mại dâm hoặc buôn bán người. Không ít lao động vẫn biết việc “đi chui” là phạm pháp, sai trái, thậm chí chấp nhận mạo hiểm đánh cược mạng sống của mình để mưu cầu công việc và thu nhập nhằm đổi đời thông qua di cư. Hy vọng đóng góp của bài viết sẽ mở thêm nhiều hướng nghiên cứu mới về chính sách từ các bên liên quan cho nhóm di cư lao động này để hạn chế và ngăn chặn những mối nguy hại, rủi ro cho con người.

LỜI CẢM ƠN

Dữ liệu bài viết trích từ kết quả Luận án của chính tác giả: “Chiến lược ứng phó với rủi ro của lao động Việt Nam di cư tự do sang Thái Lan” được khảo sát vào năm 2018 – 2020

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

LĐDC: Lao động di cư

MOU: Memorandum of Understanding: Biên bản ghi nhớ

PVS: Phỏng vấn sâu

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

- Bài viết là sản phẩm khoa học của chính tác giả

- Kết quả khoa học mà bài viết đem lại: mô tả về di cư quốc tế tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh như một chiến lược sinh tồn của người lao động vùng ven biển, chứng minh những lợi ích về kinh tế, xã hội cũng như các hệ quả mà quá trình di cư mang lại. Từ đó, góp phần đề xuất ý tưởng cho những nghiên cứu mới về chính sách cho đối tượng lao động này.

References

  1. Stark O. Migration in LDCs: risk, remittances, and the family. Finance and Development. . 1991;28(4):39-41. Google Scholar
  2. Chant S. Women, work and household survival strategies in Mexico, 1982-1992: past trends, current tendencies and future research. Bulletin of Latin American Research. . 1994;13(2):203-233. Google Scholar
  3. Ellis F. Household strategies and rural livelihood diversification. The journal of development studies. . 1998;35(1):1-38. Google Scholar
  4. Stark O, Lucas R.E.. Migration, remittances, and the family. Economic development and cultural change. . 1988;36(3):465-481. Google Scholar
  5. Ikuteyijo L. O.. Irregular Migration as Survival Strategy: Narratives from Youth in Urban Nigeria. In West African Youth Challenges and Opportunity Pathways (pp. 53-77). Palgrave Macmillan, Cham. . 2020;:. Google Scholar
  6. Massey D.S.. Worlds in motion : understanding international migration at the end of the millennium. Oxford: Clarendon Press. . 1998;:. Google Scholar
  7. Jong De. Expectations, gender, and norms in migration decision-making. Population studies. . 2000;54(3):307-319. PubMed Google Scholar
  8. Taylor J. E.. International migration and community development. Population index. . 1996;:397-418. Google Scholar
  9. Roberts K.D.. Fortune, Risk, and Remittances: An Application of Option Theory to Participation in Village‐Based Migration Networks 1. International Migration Review. . 2003;37(4):1252-1281. Google Scholar
  10. Theo Báo Hà Tĩnh, Lao động "chui" ở nước ngoài: "Đánh bạc với số phận". . ;:. Google Scholar
  11. Truyền N.N.. Đánh giá mức độ phục hồi sinh kế của ngư dân sau ảnh hưởng của sự cố Formosa tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Hue University Journal of Science: Agriculture and Rural Development. . 2019;128(3D):53-65. Google Scholar
  12. Boyd M.. Family and Personal Networks in International Migration: Recent Developments and New Agendas. The International Migration Review. . 1989;23(3):638-670. Google Scholar
  13. Faist T. Transnational social spaces out of international migration: Evolution, significance and future prospects. European Journal of Sociology / Archives Européennes De Sociologie / Europäisches Archiv Für Soziologie. . 1998;39(2):213-247. Google Scholar
  14. Haas H. Migration and development: A theoretical perspective. International migrationreview. . 2010;44(1):227-264. PubMed Google Scholar
  15. Fukuda-Parr S. The human development paradigm: operationalizing Sen's ideas on capabilities. Feminist economics. . 2003;9(2-3):301-317. Google Scholar
  16. Williams A.M., Baláž V. What Human Capital, Which Migrants? Returned Skilled Migration to Slovakia From the UK 1. International migration review. . 2005;39(2):439-468. Google Scholar
  17. Hagan J.. Skills of the Unskilled. University of California Press. . 2015;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 1497-1506
Published: Apr 30, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.718

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyễn, A. (2022). International migration - a household survival strategy in coastal communities in Ha Tinh province. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(1), 1497-1506. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.718

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 646 times
PDF   = 266 times
XML   = 0 times
Total   = 266 times