VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

876

Total

281

Share

Community participation in tourism development in Tan Chau - An Giang






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Within the framework of development orientation and branding to strive to turn An Giang into a tourist center of the Mekong Delta and the whole country, Tan Chau town has been identified as one of the satellites of the key tourist area of Chau Doc City - Sam Mountain cultural-historical and tourist relic area. To create a highlight, Tan Chau exploits tourism activities based on unique and available local resources and pays special attention to the effectiveness of tourism for the community. The research on community participation helps Tan Chau town’s authorities be more aware of the economic, cultural, and social goals that need to be brought to the people in tourism development. The study uses ethnographic field methods, in-depth interviews, and distributing questionnaires to survey people's interest, understanding, and participation in tourism development, conducted in May 2020. The statistical results show the types of tourism services with the people's participation and the need as well as willingness to participate in tourism development in the locality. In addition, the study also measures the level of people's participation in tourism development, creating a premise for further studies in proposing solutions to enhance the level of people's participation in tourism development in Tan Chau town.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch. Trong đó, các công trình tập trung tìm hiểu: 1) Nhóm đối tượng tham gia vào quá trình phát triển có thể là cá nhân, gia đình hoặc bất cứ thành viên nào trong cộng đồng của Oakley & Marsden 1 , Pakdeepinit 2 ; 2) Những hoạt động mà cộng đồng có thể tham gia trong quá trình phát triển bao gồm: ra quyết định, thực hiện, chia sẻ lợi ích và đánh giá của Cohen & Uphoff 3 , Pretty 4 , Timothy 5 , Aree 6 ; 3) Đề cập đến những lợi ích mà cộng đồng nhận được trong quá trình tham gia có Paul 7 , Timothy 5 , Tosun 8 , và 4) Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển nói chung của Drack 9 , Cater 10 , Simon 11 , C.&Timothy 12 , Sherpa 13 . Ngoài ra theo Wang & Fesenmaier sự tham gia của cộng đồng là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu tổng thể phát triển trong lĩnh vực du lịch. Để cộng đồng tham gia du lịch hiệu quả, các bên cần được xem xét từ khi bắt đầu quy hoạch đến khi kết thúc, hay chăng các thành viên của cộng đồng nên tham gia vào tất cả các bước của quá trình 14 . Taylor thì lại cho rằng cộng đồng nên tham gia vào quá trình ra quyết định để họ nhận thức được nguồn vốn xã hội đến mức “trở thành một phần của ý thức xã hội của điểm đến”. Hơn nữa, nếu người dân đồng tình với các mục đích và mục tiêu du lịch đặt ra cho khu vực của họ, họ sẽ hài lòng với kết quả và điều này giúp đạt được du lịch bền vững 15 . Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, thường thiếu sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định trong phát triển du lịch hoặc sự tham gia này thường bị hạn chế, bị đặt trong khuôn khổ nhất định 16 . Do vậy, với mục tiêu phát triển du lịch bền vững địa phương, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới ủng hộ quan điểm xem xét: Sự tham gia của cộng đồng là một quá trình, khuyến khích và tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào tất cả các giai đoạn phát triển du lịch tại địa phương.

Bên cạnh đó ở Việt Nam, nghị quyết số 08-NQ/TW kí ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đã nhấn mạnh đến việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng địa phương phát triển du lịch 17 . Nghị quyết đã nêu rõ cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động du lịch; nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch. Vì cộng đồng vừa là nền tảng động lực, vừa là mục tiêu cho phát triển bền vững. Song song đó, cộng đồng còn là nhân tố tạo điểm nhấn, góp phần làm nên bản sắc đặc trưng cho du lịch địa phương, gia tăng tính cạnh tranh và khác biệt giữa các địa phương trong tỉnh cũng như trong vùng.

Đề cập đến địa bàn nghiên cứu thị xã Tân Châu, theo dòng lịch sử từ những năm 1757, chúa Nguyễn cho thành lập đạo Tân Châu là một trong 3 đạo phòng thủ giặc ngoại xâm và được xem là một trong những tiền đồn, án ngữ vùng cực Nam của Tổ quốc 18 . Tân Châu với ưu thế về vị trí là đô thị trung tâm thương mại dịch vụ, sản xuất quan trọng, còn là đầu mối giao thông đón khách du lịch quốc tế từ biên giới Campuchia và các nước ASEAN thông qua khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Nơi đây có khả năng thu hút và giữ chân du khách từ các tiềm năng về: du lịch sinh thái 19 , làng nghề dệt 20 , 21 , 22 , du lịch nông thôn – nông nghiệp 23 , du lịch dựa vào cộng đồng (đặc biệt là cộng đồng người Chăm) 24 , 25 ,.. Từ các lợi thế đó, hoạt động phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở Tân Châu được tiếp nối từ chuỗi các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh An Giang nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình chung trên địa bàn toàn tỉnh, thị xã Tân Châu cũng đã có những kế hoạch chi tiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của tỉnh đề ra như cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đồ án quy hoạch khu vực phục vụ phát triển du lịch, thực hiện kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, thực hiện nhiều đề án gắn với du lịch nhằm tìm kiếm giải pháp, xây dựng sản phẩm du lịch Tân Châu 26 , 27 , 28 , 29 . Những kết quả tổng hợp về tình hình phát triển du lịch của địa phương từ phòng Văn hóa thông tin Thị xã Tân Châu cho thấy, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, lượng khách du lịch đến tham quan và lưu trú trên địa bàn thị xã Tân Châu tương đối ổn định. Cụ thể số lượt khách tham quan và lưu trú tại Tân Châu: năm 2017 đạt 9.904 lượt khách; năm 2018 đạt: 6.123 lượt khách; năm 2019 đạt: 6.555 lượt khách. Từ thời điểm tháng 12 năm 2019 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mọi hoạt động liên quan đến du lịch trên địa bàn thị xã tạm ngưng hoạt động 30 .

Trong thời gian tới khi hoạt động du lịch dần phục hồi, việc khuyến khích người dân tham gia du lịch sẽ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập và giúp cộng đồng hiểu, trân quý, giữ gìn và bảo tồn hơn nữa bản sắc văn hóa dân tộc. Để đạt được mục tiêu trên bài nghiên cứu muốn tìm hiểu, đánh giá thực trạng sự tham gia của người dân tại thị xã Tân Châu trong hoạt động du lịch nhằm đo lường mức độ tham gia, những rào cản và mong muốn của họ trong quá trình tham gia. Kết quả của nghiên cứu sẽ là căn cứ cho những khuyến nghị và giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho du lịch thị xã Tân Châu.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Cho đến nay, có nhiều lý thuyết phổ biến có thể được dùng để giải thích mối quan hệ giữa cộng đồng và phát triển du lịch ở nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau như nhận thức của cộng đồng về các tác động của du lịch đối với đời sống, kinh tế, xã hội của địa phương; sự nhìn nhận và mức độ tham gia du lịch của cộng đồng địa phương; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch,…Có thể kể đến như lý thuyết công bằng, lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết cam kết với cộng đồng, lý thuyết trao đổi xã hội,... Việc nghiên cứu tổng quan và áp dụng lý thuyết sẽ là nền tảng, kim chỉ nam giúp nghiên cứu hiểu rõ bản chất các sự việc, vấn đề xảy ra có liên quan giữa cộng đồng và hoạt động phát triển du lịch của địa phương; lý giải được các hiện tượng, nguồn gốc phát sinh vấn đề và từ đó đưa ra được các giải pháp cụ thể, thiết thực trong hoạt động phát triển du lịch.

Lý thuyết trao đổi xã hội (SET – Social Exchange Theory) là một lý thuyết tổng quan ra đời từ những năm 1950 do Homans khởi xướng. Lý thuyết này được hình thành để hiểu những hành vi xã hội của con người, thông qua các trao đổi kinh tế. Tất cả các mối quan hệ của con người được hình thành bởi việc phân tích lợi ích – chi phí chủ quan và so sánh chi phí với lợi ích đó 31 . Trong nghiên cứu du lịch, trao đổi xã hội đã trở thành một khung lý thuyết phổ biến giúp những nghiên cứu hiểu được nhận thức của cộng đồng địa phương về phát triển du lịch và các tác động của du lịch; cũng như giải thích thái độ và hành vi của họ trong quá trình phát triển hoạt động du lịch. Việc xem xét cộng đồng địa phương là một trong những chủ thể chính tham gia hoạt động du lịch sẽ làm xuất hiện trao đổi xã hội giữa cộng đồng và các chủ thể khác trong quá trình hoạt động và được mô hình hóa như Figure 1 .

Figure 1 . Trao đổi xã hội giữa cộng đồng địa phương và các bên tham gia du lịch (Nguồn: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 2016)

Lý thuyết trao đổi xã hội trong nghiên cứu này được sử dụng nhằm xác định nhận thức của người dân về các tác động của phát triển du lịch phần nào dựa vào các tác động kinh tế, sự hiểu biết của người dân về môi trường văn hóa – xã hội trên chính địa bàn cư trú của mình và từ đó đánh giá được những nhận thức đó ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu, mong muốn tham gia hay không tham gia phát triển du lịch của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, để đo lường mức độ tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch, nhiều nghiên cứu về thang đo đã ra đời. Trong đó thang đo của Arnstein (xem Figure 2 ), được phân thành 8 bậc mô tả chi tiết mức độ tham gia của người dân. Các cấp bậc thấp nhất là Bị lôi kéo Được đào tạo, mô tả mức độ không tham gia của người dân 32 . Họ không tham gia vào quá trình ra quyết định hay hoạch định các công việc, nhưng được những người nắm quyền giáo dục hoặc được đào tạo từ những người tham gia. Cấp bậc này thể hiện cộng đồng địa phương không có hoặc chưa có khái niệm, ý định về tham gia du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các bên có liên quan có ý định sử dụng các nguồn lực tại địa phương bắt đầu có ý định lôi kéo, hướng dẫn, đào tạo cộng đồng biết về các hoạt động du lịch trong tương lai.

Các cấp bậc thứ 3 và thứ 4: Được thông báo , Được tham vấn làm tăng mức độ tham gia của người dân: được nghe nói/ biết đến/ thông tin đến những vấn đề có liên quan đang xảy ra tại địa phương. Tiếp đó là bậc thang thứ 5 – Tư vấn , người dân được thể hiện vai trò tư vấn, trình bày quan điểm của cộng đồng trong những quá trình xây dựng, hoạch định phát triển. Những bậc tiếp theo trong thang đo thể hiện vai trò, tiếng nói của cộng đồng. Ở cấp Hợp tác , người dân được lên tiếng tranh luận và tự quyết định các mức độ tham gia của mình trong quá trình phát triển. Cao nhất trong thang đo chính là bậc Trao quyền và bậc Kiểm soát , người dân được trao quyền và kiểm soát toàn bộ quá trình ra quyết định và giữ hoàn toàn quyền quản lý, điều hành hoạt động phát triển du lịch tại địa phương.

Figure 2 . Tám nấc thang tham gia của người dân (Nguồn: Arnstein, 1969 32 )

Mô hình nấc thang tham gia của người dân (xem Figure 2 ) sẽ giúp nghiên cứu xác định được các cấp bậc tham gia hiện tại của cộng đồng tại thị xã Tân Châu ở vị trí nào, có hay không sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch tại địa phương.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để tiến hành nghiên cứu, các nguồn tài liệu thứ cấp có liên quan đến sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch thị xã Tân Châu – An Giang đã được tác giả tiến hành tìm hiểu, tổng hợp và phân tích thông qua sách, các bài nghiên cứu khoa học, các số liệu thống kê, văn bản chỉ đạo đã được các Sở, Ngành công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông bởi sự kiểm duyệt của Chính phủ. Nghiên cứu dữ liệu thứ cấp giúp tác giả nhận thức tổng quan về vấn đề, đối tượng nghiên cứu và thực trạng phát triển du lịch hiện nay trên địa bàn thị xã Tân Châu.

Song song với quá trình nghiên cứu tài liệu, phương pháp khảo sát thực địa cũng được tác giả tiến hành vào tháng 05/2020. Quá trình khảo sát chủ yếu tập trung vào các địa điểm là di tích lịch sử cách mạng như Kiến trúc nghệ thuật đình thần Long Phú, đình thần Tân An, chùa Giồng Thành, danh thắng Phù Sơn Tự, Miếu Hội, chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, kiến trúc nghệ thuật đình thần Châu Phong; di tích kiến trúc nghệ thuật thánh đường hồi giáo MuBaRak; di tích lịch sử đình thần Vĩnh Hòa. Khảo sát các di tích, địa điểm tham quan ở Tân Châu giúp tác giả đánh giá được hiện trạng tài nguyên du lịch hiện có của thị xã Tân Châu. Ngoài ra, quá trình điền dã còn tập trung vào các địa điểm, cơ sở kinh doanh, làng nghề hiện vẫn còn duy trì hoạt động như cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long, cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc với sản phẩm đặc trưng là lãnh Mỹ A và khu vực nuôi cá da trơn trên địa phận cồn Vĩnh Hòa. Các địa điểm khảo sát trên chủ yếu là cơ sở kinh doanh của người dân có kết hợp khai thác hoạt động du lịch thông qua việc đón tiếp, giới thiệu khách du lịch về các sản phẩm, làng nghề hiện có trên địa bàn. Quá trình khảo sát bước đầu đã xác định được hoạt động khai thác du lịch chỉ mới được triển khai tại các phường: Long Thạnh, Long Hưng, Long Châu, Long Sơn, Long Phú và 3 xã lân cận xung quanh thị xã Tân Châu là Tân An, Vĩnh Xương, Châu Phong nơi tập trung phần lớn cộng đồng Chăm sinh sống.

Quá trình khảo sát bước đầu giúp nghiên cứu giới hạn lại phạm vi thực hiện phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc (25 bảng hỏi phỏng vấn), kết hợp với phát bảng hỏi khảo sát điều tra (100 bảng hỏi) cho 2 nhóm đối tượng: 1) Nhóm cộng đồng người Chăm; 2) Nhóm cộng đồng người Kinh trên địa bàn 5 phường, 3 xã có hoạt động du lịch. Việc xử lý thông tin và số liệu thu được từ quá trình khảo sát giúp nghiên cứu có căn cứ trong việc khái quát sự tham gia, vai trò của người dân trong giai đoạn đầu phát triển du lịch thị xã Tân Châu, An Giang.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch tại Tân Châu

Tân Châu là một thị xã trẻ thuộc tỉnh An Giang, là điểm đầu nguồn của dòng sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia. Qua quá trình khảo sát thực địa, có thể nhận thấy nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng,.. Theo số liệu thống kê, lượng du khách quốc tế đến Tân Châu ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn qua các năm từ năm 2017 đến năm 2019; chủ yếu tìm hiểu đời sống văn hóa của dân tộc Chăm, tham quan các làng nghề truyền thống hiện vẫn còn được duy trì hoạt động trên địa bàn như dệt thổ cẩm của người Chăm, làng dệt lụa với sự nổi tiếng của lụa lãnh Mỹ A, dệt chiếu U-Zu và các hoạt động tham quan khác 33 .

Quá trình khảo sát thực địa và thực hiện điều tra bảng hỏi, phát mẫu thuận tiện trong phạm vi địa bàn đã giới hạn, với số lượng mẫu đưa vào xử lý là 100 mẫu:

Table 1 Hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch của người dân địa phương

Từ Table 1 : Hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch của người dân địa phương có thể nhận thấy, số lượng người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch chiếm số lượng ít, chỉ có 42 hộ dân được khảo sát hiện đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch trong đó có những gia đình cung cấp nhiều hơn một dịch vụ. Bên cạnh đó, người dân tham gia vào các hoạt động du lịch rải rác, với số lượng ít, mang tính nhỏ lẻ tự phát, chưa có sự đầu tư trong các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Người dân địa phương hiện nay chỉ mới tham gia vào các hoạt động mang tính chất đơn giản như vận chuyển, dẫn đường khách tham quan xung quanh các điểm du lịch trong thị xã Tân Châu, đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan tại các cơ sở sản xuất hàng thủ công, vườn cây ăn trái.

Trong đó, hai dịch vụ thiết yếu nhằm phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch là dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống chỉ mới có 7 và 19 hộ tham gia. Dịch vụ cung cấp sản phẩm ăn uống tuy chiếm số lượng tương đối nhưng qua khảo sát thực tế thì hầu hết các dịch vụ ăn uống cơ bản đáp ứng nhu cầu của cư dân trên địa bàn thị xã là chủ yếu, dẫn đến hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như các tiêu chuẩn về không gian hầu như chưa đạt được các tiêu chuẩn cần thiết để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho khách du lịch. Thực trạng trên dẫn đến việc khách du lịch không thể kéo dài thời gian lưu trú, sử dụng các sản phẩm dịch vụ nhằm tăng doanh thu cho hoạt động du lịch nói chung và cho người dân địa phương nói riêng. Hệ quả kéo dài của tình trạng này sẽ làm suy giảm và dần mất đi sức hút, nhu cầu đến tham quan du lịch của du khách tại Tân Châu trong thời gian sắp tới. Mặt khác, người dân địa phương hiện chỉ tham gia du lịch trên cơ sở tự phát, nhận thấy nhu cầu của khách và khởi phát các sản phẩm dịch vụ để cung cấp, do vậy phần lớn các hoạt động cũng chỉ bắt đầu khi có khách đến và tạm ngưng vào các mùa thấp điểm, không có khách. Nhu cầu tham gia du lịch chỉ mang tính chất tạm thời, việc phát triển du lịch nhằm đem lại nguồn thu cho cộng đồng chưa đạt hiệu quả như mong muốn để có thể thu hút sự quan tâm và tham gia một cách chủ động hơn của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch chỉ mới được chính quyền địa phương tại thị xã Tân Châu đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện trong những năm gần đây. Các dịch vụ hầu như còn đơn sơ, chưa có sự đầu tư đáng kể. Bên cạnh đó, với tần số 42 người dân tham gia du lịch, trong đó, tỷ lệ người dân hoạt động từ 3 năm trở lên chiếm 64,29% và từ 1 đến 3 năm chiếm tỷ lệ 26,19%. Thông qua quá trình khảo sát, có thể nhận thấy người dân tham gia cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch nhận thức rõ các lợi ích cơ bản về mặt kinh tế mà hoạt động du lịch mang lại. Cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình cộng đồng, chiếm tỷ lệ cao trên 54%, song song đó, nó cũng mang lại nguồn thu nhập thêm với tỷ lệ lần lượt là 16.67%, 16,67%, 9,52% và 2,38% như được thể hiện ở Figure 3 . Theo lý thuyết trao đổi xã hội, việc cộng đồng địa phương nhận thức được các lợi ích kinh tế từ khách du lịch sẽ thúc đẩy họ tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển du lịch.

Figure 3 . Hoạt động du lịch mang lại nguồn thu cho cộng đồng địa phương (Nguồn: Nhóm nghiên cứu thực hiện điều tra khảo sát năm 2020).

Hoạt động du lịch chỉ mới được chính quyền thị xã Tân Châu chú trọng triển khai thực hiện trong những năm gần đây. Do đó, sự kêu gọi đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch tham gia kinh doanh hay kêu gọi sự chung tay hợp tác từ các cộng đồng địa phương còn gặp rất nhiều thách thức. Người dân tham gia du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn vốn, thông tin thị trường khách, thiếu kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, bên cạnh đó là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hộ kinh doanh trong cùng địa bàn khu vực hay sự thiếu hụt về nhân sự có trình độ để phục vụ khách du lịch quốc tế,.. Những khó khăn này hiện đang là vấn đề nổi bật mà nhóm nghiên cứu tìm hiểu được thông qua việc khảo sát và phỏng vấn sâu nhóm cộng đồng tham gia du lịch. Đặc biệt trong đó, việc thiếu các nguồn thông tin và thiếu kỹ năng được những người dân thực hiện phỏng vấn quan tâm và có nhu cầu cần được các cấp chính quyền tại địa phương, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ cộng đồng về sự hỗ trợ trong quá trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch, phần lớn người dân địa phương chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Tiếp đến, có một số hộ dân đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các tổ chức, cơ quan, cá nhân khác, được thể hiện thông qua sơ đồ như Figure 4 .

Figure 4 . Nhóm các đối tượng hỗ trợ người dân trong quá trình phát triển du lịch (Nguồn: Nhóm nghiên cứu thực hiện điều tra khảo sát năm 2020).

Từ Figure 4 : Nhóm các đối tượng hỗ trợ người dân trong quá trình phát triển du lịch, có thể nhận thấy chưa có sự gắn kết mật thiết giữa các bên liên quan nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tham gia du lịch. Các bên tham gia một cách rời rạc, chưa tạo được sự thống nhất và tiếng nói chung trong việc nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù cho thị xã Tân Châu.

Thông qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu bằng các nguồn điều tra bảng hỏi, phỏng vấn sâu, bức tranh thực trạng tham gia du lịch của cộng đồng địa phương tại thị xã Tân Châu đã dần rõ nét và có thể nhận thấy các ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

  • Cộng đồng địa phương đã bắt đầu nhìn nhận và có ý thức hơn trong việc tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch như vận chuyển, dẫn đường, hướng dẫn khách du lịch, bán các sản phẩm/ hàng thủ công mỹ nghệ, giới thiệu các làng nghề truyền thống, tham quan các trang trại sản xuất hoa màu/ rau, làng bè tại địa phương;

(“Nếu có điều kiện để phát triển du lịch thì em nghĩ sắp tới em cũng đang ấp ủ một đề tài sử dụng cây lúa làm chỗ cho khách tham quan và tìm hiểu về quy trình trồng lúa”

Trích phỏng vấn sâu anh V.H.N (Chủ vườn dưa lưới), 14/5/2020)

  • Cộng đồng địa phương có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo các cảnh quan xung quanh khu vực mình sinh sống, tạo cảnh quan thoáng mát, có ý thức giữ gìn các làng nghề truyền thống của gia đình, địa phương và cảm thấy tự hào khi nhắc đến những sản vật địa phương;

(“ Đúng rồi, cũng nên có người giữ để lỡ mai mốt bị thất truyền thì cũng uổng, vì dù gì mình cũng là món đặc sản của Tân Châu”

Trích phỏng vấn sâu sạp bán mắm dì S. ở Tân Châu, 13/5/2020)

  • Cộng đồng dân tộc Chăm trên địa bàn thị xã Tân Châu cũng hiểu rõ và duy trì các giá trị văn hóa tộc người qua nhiều thế hệ thông qua việc vẫn sử dụng các trang phục dân tộc trong đời sống hằng ngày, tham gia các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán sinh hoạt, cưới hỏi.

Nhược điểm:

  • Căn cứ vào thang đo tám bậc của Arnstein, có thể nhận thấy sự tham gia của người dân địa phương chỉ mới ở mức độ hình thức, ở các cấp bậc được thông báo, được tham vấn và tư vấn trong quá trình phát triển du lịch. Bên cạnh đó, sự tư vấn chỉ mới chủ yếu diễn ra trong một vài hộ gia đình, cộng đồng tham gia du lịch chứ chưa được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng tại địa phương. Do đó, sự tham gia của người dân chưa mang lại được những hiệu quả như mong muốn;

  • Theo lý thuyết trao đổi xã hội, nhận thức về các lợi ích kinh tế từ khách du lịch, từ chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mang lại chưa thực sự rõ ràng là một trong những nhân tố cản trở sự quan tâm và tham gia của cộng động trong việc phát triển du lịch địa phương hiện nay;

  • Ngoài ra, sự hạn chế của các yếu tố nhân lực, trình độ, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cũng là các nhân tố cản trở sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động phát triển du lịch cho thị xã Tân Châu.

(“ Nói chung là thứ nhất là mình thấy kỹ năng giao tiếp của mình không có nè. Cái thông tin về khách cũng không có nè. Thứ ba thì nói chung lớn nhất là vốn .”

Trích phỏng vấn sâu hộ dân N.T.N (Xã Phú Vĩnh, Thị xã Tân Châu, An Giang), 14/5/2020

Nhu cầu của cộng đồng trong tham gia phát triển du lịch tại Tân Châu

Phát triển du lịch đã và đang được chính quyền thị xã quan tâm và kêu gọi sự hưởng ứng đầu tư không chỉ từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, mà song song đó, thị xã Tân Châu cũng rất khuyến khích sự tham gia của chính cộng đồng địa phương.

Kết quả thu về từ quá trình điều tra khảo sát đối với những nhận định về mức độ sẵn sàng cung cấp các dịch vụ du lịch phần nào ghi nhận được những nhu cầu, mong muốn và dự định tham gia hoạt động du lịch tại địa phương của người dân Tân Châu.

Table 2 Khảo sát mức độ đồng ý đối với những nhận định về sự sẵn sàng cung cấp các dịch vụ du lịch

Từ kết quả của Table 2 : Khảo sát mức độ đồng ý đối với những nhận định về sự sẵn sàng cung cấp các dịch vụ du lịch thông qua thang đo 5 mức độ từ không đồng ý đến hoàn toàn đồng ý khảo sát những nhận định về sự sẵn sàng cung cấp các dịch vụ du lịch, có thể nhận thấy: cộng đồng địa phương tại thị xã Tân Châu thể hiện rất rõ ràng mong muốn có thể giữ gìn và duy trì các nghề thủ công truyền thống của địa phương (nghề dệt chiếu Uzu, nghề dệt thổ cẩm Chăm, lụa Lãnh Mỹ A,..) và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch khi đến tham quan, tìm hiểu và lưu trú có giá trị trung bình cao nhất lần lượt là 3.72 và 3.70.

(“Để tiếp tục cái nghề này chắc phải kết hợp với du lịch, mà muốn có nhiều người tham gia thì chắc cũng phải ý kiến lên là có một lớp tập huấn cho bà con về du lịch, tạo ra sản phẩm rồi buôn bán như thế nào đó”.

Trích phỏng vấn sâu hộ dân sản xuất thổ cẩm M.R.B, 31/05/2020 )

Người dân địa phương đã phần nào nhận thức được tầm quan trọng của giá trị văn hóa từ những làng nghề, những lễ hội, phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng,… chính là nguồn tài nguyên quan trọng không chỉ để thu hút, phát triển du lịch mà hơn nữa, đó còn là là sự nhận diện cho bản sắc của cộng đồng nơi đây.

(“Cái gì họ cũng thích hết trơn. Bây giờ họ tới đây để coi mình làm, rồi giới thiệu cái sắc phục quần áo họ cũng muốn mặc nữa, mặc để giống người Chăm hay cái gì đó…”

Trích phỏng vấn sâu hộ dân sản xuất thổ cẩm M.R.B, 31/05/2020)

Tuy nhiên, kết quả khảo sát thu về cũng nhận thấy được 2 hoạt động không thu hút sự quan tâm từ phía cộng đồng đó là hoạt động đón tiếp khách du lịch vào tham quan vườn rau/hoa, xưởng sản xuất và cung cấp nguyên vật liệu, thực phẩm tươi sống cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú có giá trị thấp lần lượt 2.62 và 2.33. Xử lý kết quả phỏng vấn sâu xác định sự e ngại xuất phát từ các nguyên nhân: trồng vườn rau/ hoa hay xưởng sản xuất vốn là hoạt động kinh tế chính của các hộ dân, sự e ngại kết hợp du lịch sẽ ảnh hưởng và tác động xấu ảnh hưởng đến nguồn nhu nhập chính của họ. Song song đó, các hoạt động của quán ăn và cơ sở lưu trú hiện tại ở Tân Châu còn hạn chế về số lượng nên hầu như không nhận được sự chú ý từ phía các hộ dân trong cùng khu vực.

Thảo luận

Như đã nhận định từ thực trạng sự tham gia của người dân khi căn cứ vào thang đo của Arnstein (1969), cộng đồng tại Tân Châu chỉ mới tham gia ở mức độ hình thức, tức là được thông báo, được tham vấn và tư vấn các kế hoạch, nghị quyết, và quá trình phát triển du lịch tại địa phương trong khoảng thời gian gần đây và chỉ được thông báo những nội dung chính sẽ triển khai phát triển du lịch. Đặc điểm của mức độ tham gia hình thức đã hạn chế rất nhiều sự tham vấn, đóng góp những ý kiến thiết thực, phù hợp trong phát triển đối với từng địa phương cụ thể. Bên cạnh đó, việc chỉ mới tham gia ở dạng hình thức sẽ khiến cho cộng đồng không nắm rõ các phương hướng, mục tiêu, chính sách, cũng như tầm nhìn phát triển du lịch trong những giai đoạn khác nhau. Từ đó, có thể dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả của người dân, dẫn đến các vấn đề về lãng phí nhân lực, vật lực, gây ra những tổn thất và sự chán nản, thất vọng của cộng đồng khi không mang lại những hiệu quả về kinh tế, việc làm như họ mong muốn. Ngoài ra, những tình huống xấu có thể gây ra sự xung đột giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dẫn đến phát triển du lịch không mang tính bền vững như mục tiêu ban đầu mà Tân Châu đã đề ra. Từ kết quả khảo sát, nhận thấy rõ ràng hơn mong muốn được tham gia vào các cuộc họp của địa phương về việc phát triển du lịch cộng đồng mong muốn đóng góp ý kiến vào việc lập kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương với giá trị trung bình đạt lần lượt là 3.37 và 3.33, chiếm tỷ lệ cao người đồng thuận trong những nhận định được đưa ra khảo sát. Đây cũng là những dấu hiệu khả quan cho du lịch Tân Châu khi đã dần thu hút được sự quan tâm từ phía cộng đồng địa phương.

Khảo sát mức độ đồng ý về những nhận định sẵn sàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch còn nhận được các kết quả lần lượt đều ở trên mức đồng ý khi người dân địa phương được khảo sát đều có sự đồng ý trong việc sẽ tham gia vào các nhóm, tổ chức du lịch cộng đồng, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ cho tham quan vườn trái cây/ rau quả, xưởng sản xuất hàng thủ công địa phương, hay cũng có thể chỉ là cung cấp sản lượng nông sản thu hoạch được cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch.

(“Sẵn sàng, coi cấp trên người ta sao, họ (chính quyền địa phương) quyết thì mình mới làm được…

Trích phỏng vấn sâu hộ dân cô S.R – chủ vườn dưa lưới, 14/5/2020)

Từ những nguồn thông tin thu thập được, nghiên cứu nhận thấy rằng người dân Tân Châu có nhu cầu và sẵn sàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch của thị xã, có ý thức hơn trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống của địa phương và sẵn sàng tham gia ở các cấp độ cao hơn thay vì chỉ dừng lại ở mức độ tham gia hình thức.

Table 3 Khảo sát mức độ đồng ý với những nhận định về nhu cầu tham gia phát triển du lịch của cộng đồng tại Tân Châu

Kết quả nhận được từ Table 3 : Khảo sát mức độ đồng ý với những nhận định về nhu cầu tham gia phát triển du lịch của cộng đồng tại Tân Châu, thông qua các tiêu chí khảo sát nhu cầu tham gia phát triển du lịch của người dân địa phương phản ánh những mong muốn chính đáng, thiết thực về những vấn đề người dân đã và đang quan tâm trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương. Cá nhân, gia đình, cộng đồng có nhu cầu tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch.

(“Đầu tư lại cơ sở hạ tầng, phải cải tạo cái môi trường tự nhiên, thay thế những hệ thống cây tạp thành những cây cho nó đẹp”.

Trích phỏng vấn sâu hộ dân V.H.N, 14/5/2020)

Tuy nhiên, để có thể thực hiện một cách hiệu quả, đạt được những mục tiêu như mong muốn, người dân sẽ cần sự hỗ trợ rất nhiều, không chỉ từ các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong việc cung cấp cho người dân kiến thức cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khác, bước đầu hỗ trợ người dân trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương, nguồn tài liệu, bước đầu giới thiệu khách đến địa phương,… mà song song đó, còn từ phía chính quyền địa phương thị xã Tân Châu.

(“Có chứ, nếu chính quyền địa phương có mở các tổ chức hay hiệp hội du lịch như cô nói thì tui tham gia chứ, để mở rộng mối quan hệ, mở mang kiến thức này kia,..”

Trích phỏng vấn sâu hộ dân M.R – chủ cửa hàng dệt thổ cẩm, 14/5/2020)

Hay như:

(“Cần thứ nhất là sự quyết tâm của chính quyền địa phương, nếu mà chính quyền địa phương quyết tâm làm và minh chứng cho người dân thấy điều đó là tốt thì người dân người ta sẽ làm.

Trích phỏng vấn sâu hộ dân V.H.N – chủ vườn dưa lưới, 14/5/2020)

Kết quả nghiên cứu đã đo lường, đánh giá được mức độ tham gia du lịch của người dân thị xã Tân Châu hiện tại chỉ dừng lại ở mức độ tham gia hình thức. Song song đó là xác định nhu cầu, thực trạng tham gia và mong muốn của cộng đồng khi hoạt động du lịch được triển khai tại địa phương trong thời gian tới. Đó là những mong muốn cụ thể như: hoạt động du lịch có mang lại hiệu quả về kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, đặc biệt là có thể giữ chân và thu hút lao động trẻ ở địa phương.

(“Với cả một khó khăn nữa là nhân công á, cũng ít người chọn nghề này, nhất là ít lớp trẻ.”

Trích từ phỏng vấn sâu hộ dân M.R – chủ cửa hàng dệt thổ cẩm, 14/5/2020)

Ngoài ra có thể mang một phần doanh thu từ du lịch để cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng cơ sở cho địa phương và trên hết, có thể góp phần chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch đến với tất cả người dân trên địa bàn. Điều này giúp người dân được cùng nhau hưởng lợi và cùng tham gia phát triển du lịch thị xã Tân Châu ngày một phát triển hơn trong tương lai.

KẾT LUẬN

Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã hình thành, phát triển trên địa bàn thị xã Tân Châu – An Giang và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực trong việc thu hút sự quan tâm, tham gia của người dân. Do đó, trong nghiên cứu này bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng với vai trò là một trong các bên liên quan sẽ tác động đến sự phát triển du lịch. Khái quát thực trạng sự tham gia của người dân địa phương tại thị xã Tân Châu trong hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ như tham gia vào đội vận chuyển khách du lịch bằng xe lôi, bán sản phẩm thủ công, hàng lưu niệm, giới thiệu làng nghề dệt truyền thống,…cũng như các kết quả tích cực ban đầu mà các hoạt động đó mang lại cho người như: tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, gia tăng sự hiểu biết của người dân về các giá trị văn hóa đặc sắc của thị xã,... Đối chiếu với thực trạng phát triển, bài viết cũng tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của cộng đồng trong quá trình tham gia du lịch để từ đó các nghiên cứu tiếp theo có thể đề xuất những giải pháp phù hợp nhất nhằm thỏa mãn được những nhu cầu và mong muốn của người dân địa phương.

xung đột lợi ích

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

đóng góp của tác giả

+ Bài viết được thực hiện dựa trên kết quả thực địa của tác giả và tham khảo số liệu khảo sát từ đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch thị xã Tân Châu giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030” do TS. Phạm Thị Thúy Nguyệt chủ nhiệm đề tài và nhận được sự chấp thuận cho phép sử dụng các kết quả khảo sát sau khi đề tài đã được nghiệm thu.

+ Tuyên bố đóng góp về mặt khoa học của nghiên cứu:

Bài viết đóng góp về mặt lí luận bằng việc nghiên cứu sự tham gia, mức độ tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch của địa phương. Đóng góp về mặt thực tiễn của bài viết là thông qua điều tra, khảo sát, bài viết thể hiện rõ các loại hình dịch vụ du lịch, nhu cầu cũng như sự sẵn sàng tham gia phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Tân Châu – tỉnh An Giang.

References

  1. Oakley P, Marsden D. Approaches to participation in rural development / Peter Oakley and David Marsden. International Labour Office for the ACC Task Force on Rural Development,; 1984. tr X, 91 p. . ;:. Google Scholar
  2. Pakdeepinit P. a Model for Sustainable Tourism Development in Kwan. 2007;281. . ;:. Google Scholar
  3. Cohen JM, Cornell Univ. NY (USA). Rural Development Committee eng I, Uphoff NT. Rural development participation: concepts and measures for project design, implementation and evaluation. Ithaca, NY (USA) Rural Development Committee, Center for International Studies, Cornell Univ. . ;:. Google Scholar
  4. Pretty JN. Participatory learning for sustainable agriculture. World Dev [Internet]. 1995;23(8):1247-63. . ;:. Google Scholar
  5. Timothy DJ. Participatory planninga View of Tourism in Indonesia. Ann Tour Res [Internet]. 1999;26(2):371-91. . ;:. Google Scholar
  6. Naipinit A, Maneenetr T. Community Participation In Tourism Management In Busai Village Homestay, Wangnamkheo District, Nakhon Ratchasima Province, Thailand. Int Bus Econ Res J. 2010;9(1):103-10. . ;:. Google Scholar
  7. Paul S. Community Participation in Development Projects,World Bank Discussion Paper. 1987. 35 tr. . ;:. Google Scholar
  8. Tosun C. Towards a typology of community participation in the tourism development process. Anatolia. 1999;10(2):113-34. . ;:. Google Scholar
  9. Drake SP. Local participation in ecotourism projects, nature tourism: Managing for the enviroment. Washingt DC Isl Press. 1991;132:63. . ;:. Google Scholar
  10. Cater E. Ecotourism in the third world: problems for sustainable tourism development. Tour Manag [Internet]. 1993;14(2):85-90. . ;:. Google Scholar
  11. Simmons DG. Community participation in tourism planning. Tour Manag. 1994;15(2):98-108. . ;:. Google Scholar
  12. Timothy DJ, Tosun C. Arguments for community participation in the tourism development process. J Tour Stud. 2003;14(2):2-15. . ;:. Google Scholar
  13. Sherpa YD. PUBLIC PARTICIPATION IN TOURISM DEVELOPMENT: A case study of the Himalayan Ski Village (HSV) project in Manali, India. 2011;(Turnbull 1986):6-17. . ;:. Google Scholar
  14. Wang Y, Fesenmaier DR. Towards understanding members' general participation in and active contribution to an online travel community. Tour Manag. 2004;25(6):709-22. . ;:. Google Scholar
  15. G T. The community approach: does it really work? Tour Manag. 1995;16(7):478-89. . ;:. Google Scholar
  16. Dola K, Mijan D. Public Participation in Planning for Sustainable Development: Operational Questions and Issues. Alam Cipta Int J Sustain Trop Des Res Pract. 1 Tháng Giêng 2006;1. . ;:. Google Scholar
  17. Chính phủ. Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Số 08-NQ/TW. 2017. . ;:. Google Scholar
  18. Hiển M. Tân Châu 260 năm hình thành và phát triển. 2017. . ;:. Google Scholar
  19. Hạnh NTV. Du lịch sinh thái tại thị xã Tân Châu, An Giang: tiềm năng và thực trạng. Tạp chí khoa học Đại học Thủ Dầu Một. 2021;5:51-61. . ;:. Google Scholar
  20. Khởi ĐLM. Khôi phục làng dệt Châu Phong, tỉnh An Giang gắn với phát triển du lịch. Đại học Văn hóa TP.HCM; 2018. . ;:. Google Scholar
  21. Duy K. Giữ gìn, phát huy nghề dệt Lãnh Mỹ A ở Xứ Lụa Tân Châu. Cổng thông tin điện tử An Giang [Internet]. 2021. . ;:. Google Scholar
  22. Hiền VT. An Giang phát triển sản phẩm du lịch từ nghề dệt truyền thống. Tạp chí Du lịch. 2016;8:34-5. . ;:. Google Scholar
  23. Phô V. Tân Châu: Khai thác tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Cổng thông tin điện tử thị xã Tân Châu [Internet]. 2021. . ;:. Google Scholar
  24. Hiền VT. Văn hóa Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch. Tạp chí khoa học xã hội. 2020;1+2 (257,2:124-38. . ;:. Google Scholar
  25. Hiền VT. Ẩm thực người Chăm Islam. Tạp chí Du lịch. Tháng Sáu 2017;26-7. . ;:. Google Scholar
  26. UBND Thị xã Tân Châu. Kế hoạch số 310/KH-UBND Thị xã Tân Châu về Chương trình hành động số 59/Ctr-UBND tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. 2017. . ;:. Google Scholar
  27. UBND Thị xã Tân Châu. Kế hoạch số 1403/KH-UBND Thị xã Tân Châu về việc Triển khai chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Tân Châu. 2020. . ;:. Google Scholar
  28. UBND Thị xã Tân Châu. No TitleBáo cáo số 93/BC-UBND Thị xã Tân Châu về Tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Tân Châu. 2021. . ;:. Google Scholar
  29. UBND tỉnh An Giang. Quyết định Về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đến năm 2035. 2017. . ;:. Google Scholar
  30. Phòng Văn hóa thông tin Thị xã Tân Châu. Báo cáo thống kê cơ bản về hoạt động du lịch tại thị xã Tân Châu. 2019. . ;:. Google Scholar
  31. Hạnh NTM. Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi: Nghiên cứu điển hình tại Sa Pa, Lào Cai. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; 2016. . ;:. Google Scholar
  32. Arnstein SR. A Ladder Of Citizen Participation. J Am Plan Assoc. 1969;35(4):216-24. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 1635-1646
Published: Sep 30, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i3.715

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, V. (2022). Community participation in tourism development in Tan Chau - An Giang. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(3), 1635-1646. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i3.715

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 876 times
PDF   = 281 times
XML   = 0 times
Total   = 281 times