VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

300

Total

332

Share

The cremation method and the influential factors to the development of cremation in Japan






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In the context of population aging and with change of religious views as well as heightened awareness of environmental sanitation today, cremation is being actively accepted around the world. Accordingly, topics related to “cremation” have attracted a lot of attention of researchers in the world. In this paper, the author studied the cremation method in Japan - a typical country with a cremation rate of over 99,9%. This study was based on the method of collecting, systematizing, and analyzing primary and secondary documents including academic articles, books, and newspapers regarding burial and cremation culture of Japan and the comparative research method between the cremation of Japan and other countries like China, western countries, etc. Specially, through the relationship with the influential factors to cremation, the author studied the origin and characteristics of cremation, the religious viewpoints, and the family culture reflected in Japan’s cremation method. The study result showed that in addition to the common influential factors such as the awareness of environmental sanitation, etc., popularly found in many countries, it is the family regime, the grave system, and the concept of “shie” (impurity of death) characterized in Japanese culture that have had a great impact on the early and positive acceptance of cremation in Japan.

PHẦN MỞ ĐẦU

Trong bối cảnh quan niệm tôn giáo truyền thống gắn liền văn hóa mai táng thay đổi, nhận thức môi trường ngày càng sâu sắc, kỹ thuật phát triển dẫn đến sự ra đời các phương thức xử lý tro cốt phong phú,… phương thức hỏa táng ngày càng được chọn lựa tích cực trên thế giới. Các chủ đề liên quan đến “hỏa táng” đang thu hút nhiều sự quan tâm hiện nay. Nhật Bản chính là đất nước hỏa táng điển hình với tỷ lệ hỏa táng gần 100%. Trong bài viết này, thông qua phương pháp nghiên cứu thu thập, hệ thống và phân tích các tài liệu sơ cấp và thứ cấp gồm các bài viết, sách, bài báo liên quan đến văn hóa mai táng, hỏa táng của Nhật Bản và phương pháp so sánh giữa hỏa táng tại Nhật với các quốc gia khác như Trung Quốc, các nước phương Tây,… tác giả tìm hiểu về phương thức hỏa táng của Nhật Bản. Trong đó, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, những luận điểm chính khi bàn về phương thức hỏa táng thường bao gồm quan điểm tôn giáo, hiệu quả kinh tế sử dụng vốn đất, vệ sinh môi trường, đạo đức, tác giả đặt trọng tâm nhìn từ các yếu tố ảnh hưởng này để tìm hiểu về hỏa táng tại Nhật. Hỏa táng tại Nhật Bản có những đặc điểm gì, bên cạnh những điểm chung với các quốc gia khác, yếu tố đặc trưng nào đã tác động đến sự tiếp nhận hỏa táng sớm và tích cực tại Nhật, và qua đó đặc điểm tôn giáo và văn hóa gia đình Nhật Bản,… được phản ánh như thế nào chính là các nội dung tác giả muốn làm rõ. Qua đó, tác giả hy vọng có thể đóng góp cho việc tìm hiểu về đề tài còn mới mẻ này tại Việt Nam.

Định nghĩa “hỏa táng”

Theo luật pháp Nhật Bản, “hỏa táng” được định nghĩa là “phương thức mai táng thi thể bằng cách thiêu đốt” 1 . Giống như định nghĩa ở Việt Nam “hỏa táng quy định việc thiêu thi hài hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao” 2 , hoặc hỏa táng là “thiêu xác người chết thành tro theo nghi thức” [ 3 , tr.564], có thể thấy hỏa táng thường được định nghĩa theo cách thức truyền thống là “thiêu thi thể bằng nhiệt”. Bên cạnh đó, định nghĩa “hỏa táng” tại Nhật Bản còn được diễn giải mở rộng là hành vi “thiêu cháy thi thể” để tiến hành nghi thức đưa tiễn người mất. Tương tự, “nhà hỏa táng” được diễn giải “không phải là nơi “thiêu đốt thi thể” mà chính là nơi thực hiện nghi thức đưa tiễn người mất 4 .

Dựa theo phân loại phương thức xử lý thi thể của nhà dân tộc học Gorai Shigeru, phong táng được xếp vào loại “phương thức mai táng tự nhiên”, và những phương thức chủ yếu dựa vào sự can thiệp của con người như thổ táng, hỏa táng, v.v. được xếp loại là “phương thức mai táng văn hóa” 5 .

Về mặt luật pháp, ngoại trừ một số khu vực tại Tokyo và Osaka, bên cạnh hỏa táng, thổ táng cũng chính thức được công nhận tại Nhật Bản, tuy nhiên, hiện nay trên thực tế tỷ lệ hỏa táng đạt gần 100% 6 .

Lịch sử ra đời và phát triển của hỏa táng tại Nhật Bản

Quá trình phát triển của hình thức hỏa táng tại Nhật Bản thường được chia thành 3 giai đoạn như sau.

Hỏa táng trong thời kỳ cổ đại cho đến thời kỳ Edo (1603 ~ 1868)

So với thời điểm các nhà khảo cổ học phát hiện “cánh đồng chum” hỏa táng tại nhiều nơi ở châu Âu vào năm 1500 TCN, và ở phương Đông, hỏa táng đã thực hiện sớm ở Ấn Độ từ thiên niên kỷ 2 TCN [ 7 , tr.54] thì tại Nhật, hỏa táng được nhận định ra đời trễ hơn. Như Gishiwajinden – sách đầu tiên viết về dân tộc Nhật (thế kỷ 3) đã ghi chép thổ táng chính là phương thức mai táng được thực hiện trong thời kỳ Nhật Bản cổ đại 8 . Và hỏa táng được xem là phương thức ra đời dưới ảnh hưởng của Phật giáo sau này.

Bên cạnh đó, đã có giả thuyết cho rằng ở thời điểm trước khi Phật giáo du nhập vào Nhật, việc phát hiện dấu vết của hỏa táng là các hũ tro cốt ở các địa phương đã chứng minh cho sự tồn tại của hỏa táng ở Nhật từ khoảng 10.000 năm trước 9 . Cụ thể, vết tích hỏa táng được phát hiện ở miền trung Nhật Bản giữa thời kỳ Jomon (14.000~400 TCN), đầu thời kỳ Yayoi (300 TCN~250) và ở cao nguyên miền trung đến vùng tây bắc Kanto giữa thời kỳ Yayoi” [ 10 , tr.25]. Năm 1956, giáo sư Mori Koichi của đại học Doshisha đã phát hiện ra vết tích gò hỏa táng ở quần thể mộ “Tokisenzuka” ở Osaka, Nhật Bản. Và dựa vào vết tích mộ hỏa táng dạng lò nung của đoàn thợ làm gốm từ bán đảo Triều Tiên đến Nhật này, nhà nghiên cứu nhận định hỏa táng đã có mặt tại Nhật vào khoảng năm 600 11 . Tuy vậy, liên quan đến giả thuyết, như nhà nghiên cứu Yamaori Tetsuo nhận định, trên thực tế những dấu vết hỏa táng được phát hiện với số lượng quá ít, vì vậy trước thời kỳ Nara (710-794), sự tồn tại của hỏa táng có nhiều điểm chưa sáng tỏ và chưa được chứng minh rõ ràng 12 . Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng hỏa táng là phương thức Phật giáo và ra đời chính thức vào thời kỳ Nara.

Theo ghi chép trong ShokuNihongi , sự kiện hỏa tàng của nhà sư Dosho vào năm 700 được công nhận chính thức là sự kiện hỏa táng đầu tiên và cổ xưa nhất tại Nhật Bản [ 6 , tr.60]. Sau đó, vào năm 701, triều đình đã ban hành Đại Bảo luật lệnh quy định cách thức tổ chức mai táng và hỏa táng. Năm 703, Thiên hoàng Jito là Thiên hoàng đầu tiên thực hiện hỏa táng sau khi mất, và từ đó hỏa táng được thực hiện trong gia đình Thiên hoàng và tầng lớp quý tộc. Cụ thể, trong Nihonshoki có ghi chép về sự việc “đám mây trắng nổi bật bay lên trời cao”, hiện tượng này được nhiều nhà nghiên cứu diễn giải “đám mây” có ý nghĩa chỉ “đám khói của hỏa táng”. Và theo kết quả khảo cổ thực tế cũng đã xác nhận một cách khoa học về sự tồn tại của các vết tích hỏa táng trong thời kỳ này [6]. Lúc bấy giờ, hỏa táng được thực hiện bằng cách thức rất thô sơ: chất củi thiêu đốt thi thể ngoài đồng trống (noyaki).

Sau đó, từ thời kỳ Heian (794-1185), hỏa táng được nhận định ngày càng tiếp nhận nhiều yếu tố Phật giáo.

Điều này phản ánh thông qua ghi chép trong Kuyarui của các nhà sư về hoạt động thu thập thi thể thường bị vứt bỏ (phong táng) tại cánh đồng để hỏa táng, niệm Phật và tổ chức nghi lễ mai táng từ giữa thời kỳ Heian 10 . Điều này được miêu tả tương tự với hoạt động xã hội thiện nguyện ngày nay 11 . Trên thực tế, vào thời kỳ Heian, hỏa táng là một phần của nghi thức mai táng, tuy nhiên hỏa táng chỉ thực hiện một cách giới hạn trong tầng lớp xã hội cấp trên 9 . Trong thời kỳ Kamakura (1185-1333), hỏa táng chính là phương thức thường thấy trong gia đình Thiên hoàng và tầng lớp quý tộc 13 . Thế kỷ 10 chính là cột mốc hỏa táng bắt đầu được phổ biến rộng rãi dưới ảnh hưởng của Phật giáo [10]. Đặc biệt, trong thời kỳ Kamakura, Muromachi có nhiều chiến tranh và thiên tai, các nhà sư đã thực hiện nghi thức hỏa táng cho nhiều người mất vì nạn đói, dịch bệnh 11 . Từ lúc đó, hỏa táng đã bắt đầu được truyền bá trong tầng lớp võ sỹ và ngay cả trong dân chúng.

Tuy nhiên, xét về cách thực hiện lúc bấy giờ, hỏa táng cần nhiều củi, sức lực nên hỏa táng bị cho là phương thức xa xỉ và khó thực hiện. Ngoài ra, về phạm vi ảnh hưởng của Phật giáo, lúc bấy giờ chỉ một phần triết học đạo Phật được tiếp nhận trong tầng lớp cấp trên, hầu như chưa phổ biến trong đại chúng, vì vậy triết lý ẩn sau sự tồn tại của hỏa táng thời kỳ này bị đặt dấu chấm hỏi lớn.

Hỏa táng trong thời kỳ Edo ~ thời kỳ Minh Trị (1868-1912)

Trên thực tế, thổ táng vẫn chiếm vị trí áp đảo trong thời kỳ này. Theo kết quả khai quật trong chùa Zojoji – nơi bị tàn phá vì chiến tranh của gia đình Tướng quân Tokugawa có quyền lực tối cao trong thời Edo, đã phát hiện hầu hết các ngôi mộ là mộ thổ táng, thi thể được chôn theo hình thức “kusso” (thi thể tư thế ngồi gập), thể hiện ý nghĩa mô phỏng tư thế thai nhi đầu thai hoặc ngăn người mất trở lại 14 . Đặc biệt, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Nho giáo, hỏa táng bị chỉ trích là “trái quy luật tự nhiên”, vô đạo đức vì đối xử “tàn bạo” với thi thể cha mẹ. Suy nghĩ này được thể hiện phổ biến qua các bài giảng của nhà Nho và có tác động đáng kể đến các phong trào bãi bỏ hỏa táng trên thực tế 13 . Thậm chí ở một số địa phương như Aizu, Hagi,... đã quy định cấm hỏa táng, hoặc hỏa táng bị chỉ định chỉ tiến hành đối với thi thể của người phạm tội 11 , 6 .

Tuy vậy, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng từ thế kỷ trước, khi sự tham dự của các nhà sư ngày càng tăng trong nghi thức đám tang của thường dân thì hỏa táng cũng dần lan rộng trong dân chúng 15 . Cột mốc quan trọng đánh dấu sự phổ biến của hình thức hỏa táng là thời điểm xuất hiện rải rác các “phòng hỏa táng” (hiya) ở các đô thị như Edo, Kyoto, Osaka 6 . Các “phòng hiya” này sử dụng nguyên liệu là củi gỗ, rơm rạ và thời gian thiêu thường mất cả đêm. Cách hỏa táng ở cánh đồng vẫn được duy trì với cách thực hiện đào lỗ và rải củi rơm dưới lỗ, trên quan tài và châm lửa đốt 14 .

Thêm vào đó, nhằm trấn áp ảnh hưởng của đạo Thiên chúa, chính quyền Mạc phủ đã thiết lập chế độ “Dankaseido” quản lý xã hội dựa vào chế độ đăng ký hộ tịch ở chùa, mai táng theo nghi thức hỏa táng,... đã góp phần phổ biến ảnh hưởng đạo Phật. Ngoài ra, ở khu vực thường dân, các nhóm 5 người được thành lập để có thể bảo vệ trị an, hỗ trợ nhau trong các hoạt động cuộc sống như cưới hỏi, đám tang và đặc biệt là hoạt động tiến hành hỏa táng 11 .

Ở khu vực Kyoto thuộc Edo, việc người dân có thể chọn lựa thổ táng hay hỏa táng đã thể hiện phần nào sự phổ biến của hình thức hỏa táng. Ngoài ra, trong sách lịch sử xã hội Kyoto Kyotogaishokushusei đã có một số nội dung đề cập đến hỏa táng, cụ thể như ở Kyoto có 4 “nhà hỏa táng”, nhưng “nhà hỏa táng” ở Amidabo, Awataguchi không còn được sử dùng, vì vậy chỉ còn 3 “nhà hỏa táng” hoạt động [ 14 , tr.15]. Qua đó, đã phản ánh phần nào mức độ tiếp nhận và sự phổ biến của phương thức hỏa táng lúc bấy giờ.

Và liên quan đến hỏa táng-hình thức gắn liền với Phật giáo, vào thế kỷ 17, các học giả Nho giáo đã “than thở” rằng ở hơn 60 địa phương chỉ có ít nơi là không cho phép thực hiện hỏa táng” 13 . Thậm chí, tại một số khu vực như tỉnh Niigata, Toyama,...hỏa táng được nhìn nhận tích cực, và các khu vực đông dân như Edo, Kyoto, Osaka, có diện tích khu mộ chôn cất hạn chế, buộc phải phụ thuộc vào hỏa táng và hỏa táng chiếm tỉ lệ cao tại đây 11 . Không có số liệu thống kê chính thức, nhưng cho đến trước thời Minh Trị, tỷ lệ hỏa táng được dự đoán là 29% [ 6 , tr.61], đây là tỷ lệ khá cao khi so sánh với các quốc gia chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo khác. Điều này cho thấy hỏa táng đã được nhìn nhận một cách tích cực từ sớm tại Nhật.

Hỏa táng từ thời kỳ Minh Trị đến nay

Tuy hỏa táng đã được thực hiện ở mức độ nhất định trong thời kỳ trước, nhưng vào đầu thời kỳ Minh Trị, chính phủ đã can thiệp để xóa bỏ hỏa táng và đẩy mạnh khuyến khích thổ táng nhằm đưa thổ táng thành phương thức duy nhất được triển khai trên toàn quốc.

Vào ngày 18/7/1873, lệnh cấm hỏa táng được ban hành trên toàn quốc, trong đó, các nguyên nhân đến từ khói hỏa táng gây hại đến môi trường, sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà Nho,… được nhấn mạnh. Đặc biệt, dựa theo Lệnh Thần Phật phân ly ban hành năm 1868, nhằm mục đích quốc giáo hóa Thần đạo, nâng cao thế lực của Thần đạo vốn gắn liền với hình ảnh Thiên hoàng, đã bài trừ Phật giáo và dẫn đến cấm đoán hỏa táng; thay vào đó, phương thức mai táng theo nghi thức Thần đạo được khuyến khích, phổ biến trên toàn quốc 14 . Thành phố Kyoto đồng loạt gửi đề nghị cấm hỏa táng đến chính phủ vào năm 1869 vì cho rằng đây là phong tục “vô nhân tính” khó chấp nhận và khẳng định còn nhiều diện tích cho mộ thổ táng. Thành phố Osaka đề xuất tịch thu và tận dụng đất trong các thôn làng chung quanh để bổ trợ cho các nghĩa trang chính. Tokyo cũng thông báo có thể đảm bảo đủ diện tích mộ thổ táng trong khoảng 200 năm 16 . Thậm chí, tỉnh Shiga đã có ý kiến gửi cho báo Tokyo nichi nichi nhấn mạnh không cần hỏa táng người mất vì bệnh truyền nhiễm nếu họ được chôn ở nơi xa tách biệt 11 . Theo đó, trên toàn quốc đã có nhiều ý kiến đồng lòng phản đối hỏa táng - hình thức mai táng Phật giáo, và nhấn mạnh việc nhà nước (hoặc tỉnh, thành phố,..) sẽ đảm bảo quỹ đất dành cho mộ thổ táng ngay cả khi khu mộ truyền thống của chùa bị thu hẹp.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi ban hành lệnh cấm hỏa táng đột ngột này đã gây nên sự hỗn loạn nghiêm trọng trong xã hội. Những khu mộ trong chùa có từ thời kỳ Edo, đã nhanh chóng bị lấp đầy, và ngay cả khu mộ chuyên thổ táng cũng không thể đáp ứng nhu cầu chôn cất đột ngột tăng nhanh. Đặc biệt, tại thành phố lớn như Tokyo, Osaka, nhu cầu thổ táng tăng cao đã dẫn đến tình trạng thiếu mộ và tăng chi phí 14 . Trong bối cảnh như vậy, những phản đối đối với lệnh cấm hỏa táng ngày càng trở nên gay gắt. Những thành phố lớn có ít đất để xây mộ thổ táng đã nhanh chóng gửi yêu cầu được thực hiện hỏa táng và nhấn mạnh tính cần thiết của hỏa táng tựa trên quan điểm vệ sinh môi trường. Một số chùa vốn là nơi đã thực hiện hỏa táng và những nhà ủng hộ hỏa táng đã lập tức gửi văn bản “Lợi ích của hỏa táng” thỉnh cầu chính phủ chấp thuận đưa hình thức hỏa táng trở lại trong đời sống.

Kết cục chỉ sau hai năm, vào ngày 23/5/1875, lệnh cấm hỏa táng đã bị hủy bỏ, các nhà hỏa táng cũ trước đây được chấp thuận tái mở cửa. Thậm chí tại vùng đô thị, nơi đông dân đã lần lượt cấm thổ táng, đồng thời đẩy mạnh việc tu sửa và xây mới nhà hỏa táng trên toàn quốc. Ở Kyoto, vào tháng 8/1875, đã ban hành cấm thổ táng ở khu mộ chùa Kiyomizu và chùa Awataguchi Rengekoin; đẩy nhanh xây dựng các nhà hỏa táng cận đại, lắp đặt lò hỏa táng trong phòng với nhiên liệu sử dụng vẫn là củi gỗ, rơm và phần lớn lò hỏa táng thiết kế dành cho quan tài chứa thi thể tư thế ngồi gập. Hỏa táng tiến hành sau hoàng hôn và gia đình người mất sẽ thu gom tro cốt vào sáng hôm sau [ 14 , tr.23]. Sau đó, vào đầu thời kỳ Showa (khoảng 1920 ~ 1930), đã thử nghiệm chuyển đổi nhiên liệu trong các nhà hỏa táng từ củi gỗ sang dầu hỏa 11 .

Về mặt luật pháp, nội dung về hỏa táng ngày càng được kiện toàn thông qua các quy định trong bộ luật. Năm 1879, “Hạng mục văn phòng thuộc ban vệ sinh địa phương” đã ban hành quy định vị trí, môi trường của nghĩa trang, thủ tục thổ táng, cách quản lý xây dựng mộ và nhà hỏa táng,... Năm 1884,“Quy định quản lý nghĩa trang và mai táng” được ban hành gồm các hạng mục liên quan đến việc tiến hành hỏa táng. Bộ luật ban hành bởi Thái chính quan này được duy trì đến sau chiến tranh và được kế thừa trong nội dung của “Bộ luật liên quan đến nghĩa trang và mai táng,...” hiện hành. Năm 1897, chính phủ ban hành bộ luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, quy định nghĩa vụ hỏa táng thi thể bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm; đẩy nhanh việc thành lập và quản lý nhà hỏa táng ở địa phương.

Theo đó, từ thời kỳ Minh Trị, hỏa táng đã ngày càng phổ biến trên toàn quốc. Theo thống kê, vào năm 1900, tỷ lệ hỏa táng là 29,2%, trong đó ở Tokyo là 59,78% 14 ; năm 1905, tại Osaka và Tokyo lần lượt là 90%, 58%; tuy nhiên ở các địa phương Iwate, Kumamoto có tỷ lệ dưới 10%; ở những nơi như Miyazaki, Kagoshima, Okinawa tỷ lệ hỏa táng dưới 1% còn các tỉnh gần Tokyo như Saitama, Chiba là dưới 5% 6 .

Figure 1 . Tỷ lệ thổ táng và hỏa táng qua các năm [ 17 ,tr.176]

Tình trạng hỏa táng trên toàn quốc những năm tiếp theo có thể quan sát qua Figure 1 . Năm 1925, tỷ lệ hỏa táng đã tăng lên 43,2%, những năm 1930, đã xuất hiện khuynh hướng đảo ngược, so với thổ táng ngày càng giảm, tỷ lệ hỏa táng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, khác với biểu đồ, có ý kiến cho rằng phải chú ý vào thời kỳ chiến tranh xã hội hỗn loạn, nhà hỏa táng bị tàn phá nặng nề, thiếu nhiên liệu,…dẫn đến hỏa táng đã buộc phải tạm ngừng, và tỷ lệ hỏa táng chỉ còn 30% vào năm 1945 [ 6 , tr.69]. Nhưng sau đó hỏa táng đã sớm hồi phục với tỷ lệ 54% (1950), 57%(1955). Vào năm 1952, dựa trên chế độ vay lãi suất thấp đặc biệt dành cho địa phương, việc tu sửa và xây mới các nhà hỏa táng được đẩy mạnh trên toàn quốc. N ăm 1955, lần đầu tiên quyển sách hướng dẫn hỏa táng “Cải tiến trung tâm mai táng - Đặc biệt nhìn từ phương diện cải thiện cuộc sống –”, đã được Ban vệ sinh môi trường Bộ an sinh xã hội và Hiệp hội vệ sinh môi trường phát hành tại Nhật Bản.

Như vậy, từ thời kỳ Minh Trị, dưới sự hỗ trợ của chính phủ, hỏa táng đã dần trở nên phổ biến, và thực tế sự chuyển đổi từ thổ táng sang hỏa táng đã mất khoảng hơn 100 năm. Đặc biệt từ cột mốc năm 1965, tỷ lệ hỏa táng đã tăng vọt hơn 70%, và hiện nay vào năm 2015, tỷ lệ hỏa táng đạt 99,98%, trong đó số lượng thổ táng chỉ chiếm 185 người/năm 18 .

Và để có thể hiểu rõ về sự tiếp nhận, đặc trưng của phương thức hỏa táng tại Nhật, như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, cần phải xem xét những luận điểm chính là các quan điểm tôn giáo, hiệu quả sử dụng vốn đất, vệ sinh môi trường, vấn đề đạo đức,... 19 .

Yếu tố ảnh hưởng đến hỏa táng tại Nhật Bản

Ảnh hưởng của quan niệm tôn giáo

Như đã nêu trên, hỏa táng tại Nhật Bản thường được gắn liền với ý nghĩa Phật giáo, tuy nhiên, hỏa táng cũng được chứng minh một phần đã xuất hiện trước khi Phật giáo du nhập vào Nhật. Và các nhận định cũng cho rằng hỏa táng không quy định chính thức trong học thuyết Phật giáo. Thêm vào đó, nhằm mục đích truyền đạo, không ít giáo phái Phật giáo tại Nhật vẫn công nhận thổ táng. Trên thực tế, ở một số khu vực như tỉnh Ibaraki,...số lượng hỏa táng không vượt quá thổ táng cho đến cuối những năm 1970 16 . Theo đó, không thể nói rằng phương thức mai táng Phật giáo tại Nhật chỉ có hỏa táng.

Tuy nhiên, như suy nghĩ phổ biến thông qua hỏa thiêu thi thể, con người có thể thành Phật 13 và sự kiện thi thể Đức Phật được hỏa táng vào năm 480 TCN, hỏa táng được nhận định là phương thức mai táng Phật giáo điển hình. Cùng với Phật giáo, hỏa táng đã được du nhập vào Trung Quốc, Triều Tiên,...Ví dụ ở Triều Tiên, trong thời đại Cao Ly (918 - 1392), văn hóa Phật giáo nở rộ cùng với sự phổ biến của hỏa táng trong tầng lớp quý tộc 11 . Tương tự, ở Nhật Bản, cùng với Phật giáo, phương thức hỏa táng được du nhập cùng với tín ngưỡng thờ xá lị Phật - là tiền đề của việc xây mộ truyền thống lưu tro cốt sau này 18 . Đặc điểm này khác với cách thức rải tro hỏa táng ở Ấn Độ, Thái Lan. Hơn nữa, theo người Nhật, việc thu gom tro cốt bằng đũa có ý nghĩa tượng trưng cho “cầu Sanzu” nối hai thế giới theo suy nghĩ Phật giáo. Tên gọi khác của “hỏa táng” trong tiếng Nhật là “dabi” có nguồn gốc tiếng Phạn (Sanskrit) với ý nghĩa là một nghi thức Phật giáo. Theo đó, hỏa táng mang đậm màu sắc Phật giáo tại Nhật.

Nhưng sau đó, dưới ảnh hưởng của Nho giáo, đặc biệt từ thế kỷ 17, hỏa táng đã bị lên án là hành vi bất hiếu, không thể chấp nhận. Ví dụ ở Hàn Quốc, cuối thời đại Cao Ly, hỏa táng bị chỉ trích nặng nề là hành vi tàn nhẫn bất hiếu tột cùng và bị nghiêm cấm 11 .Và ở Nhật, theo tinh thần Nho giáo, hỏa táng cũng bị xem là bất hiếu, ngoại lai chỉ nhằm truyền bá ảnh hưởng của Phật giáo 16 . Các nhà Nho cũng chính là thế lực đầu tiên phản đối chính sách bảo hộ Phật giáo của chính quyền Mạc Phủ thông qua lý luận phủ nhận hỏa táng.

Trên thực tế, từ thời Kamakura, trong tầng lớp thống trị, khuynh hướng phản đối hỏa táng ngày càng trở nên mạnh mẽ nhìn từ tư tưởng đạo đức. Và đây cũng được xem là một nguyên nhân chính mà Thiên hoàng Gokomyo khi băng hà (1654) đã không thực hiện hỏa táng như các Thiên hoàng khác 13 .

Đặc biệt sang thời kỳ Minh Trị, dưới khẩu hiệu Thần đạo phục cổ, Vương chính phục cổ, tôn giáo chính trị hợp nhất, với mục đích phát triển đạo đức quốc gia dựa trên “quốc giáo hóa Thần đạo”, vào năm 1868, chính phủ đã ban hành Lệnh Thần Phật phân ly, tách rời Thần đạo một cách độc lập với thế lực của chùa - vốn giữ vai trò chủ đạo trong phong tục mai táng từ thời Edo, bài trừ Phật giáo bằng việc đốt chùa, tượng Phật và bao gồm loại bỏ hỏa táng 13 , 14 . Các ý kiến gửi đến Báo Tokyo nichi nichi liên tục chỉ trích hỏa táng, thậm chí cho rằng đây là phương thức tàn bạo hơn cả hành vi chặt thi thể bằng gươm, và một người con hiếu thảo không thể thực hiện điều tệ hại, không tôn trọng này đối với cha mẹ 13 . Những chỉ trích này được xem là yếu tố tác động chính yếu đến việc ban hành lệnh cấm hỏa táng vào năm 1873 của chính phủ Minh Trị.

Qua đó, có thể thấy hỏa táng chịu tác động của các yếu tố tôn giáo rất sâu sắc tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến yếu tố Thiên Chúa giáo lúc bấy giờ.

Ở châu Âu, khi đế quốc La Mã nắm quyền thống trị, hỏa táng - phong tục vốn có của Hy Lap, Etruria,... đã được thực hiện tương đối rộng rãi trong tầng lớp quý tộc giàu có. Thậm chí, hỏa táng với kỹ thuật độc đáo như bao bọc xương cốt bằng Amiang để tránh lẫn tạp chất, bình tro cốt được chạm trổ tinh vi, đã được xem là phương thức xa hoa tốn kém 6 . Tuy nhiên, sau khi đế quốc La Mã diệt vong, Thiên chúa giáo trở thành nền tảng tinh thần ở khắp châu Âu, phong tục hỏa táng đã bị tàn lụi vì bị chi phối bởi nhiều yếu tố như thuyết phục sinh - một giá trị cốt lõi của Thiên chúa giáo vốn đòi hỏi phải bảo toàn thi thể 20 , truyền thống mộ chôn cất có ảnh hưởng từ quan điểm về mộ của Chúa cứu thế và xem hỏa táng như phong tục đa giáo cổ xưa lạc hậu 7 . Thêm vào đó, theo tục xưa người dị giáo phản đối nhà thờ sẽ bị xử tử bằng hỏa táng, vì vậy ác cảm đối với hình thức hỏa thiêu thi thể rất sâu đậm 14 . Một số Giáo hoàng chỉ trích hỏa táng là “sự trừng phạt tồi tệ” đối với cơ thể con người 19 và thậm chí còn khẳng định rằng ngọn lửa hỏa táng là lửa địa ngục bất tận, nếu thi thể bị thiêu cháy thì linh hồn cũng sẽ bị hủy diệt 20 . Theo đó, suốt một thời gian dài hỏa táng đã không được chấp nhận ở phương Tây. Trên thực tế, nhà thờ công giáo đã cấm hỏa táng chính thức vào năm 1886 và cho đến năm 1964 quy định mới được nới lỏng.

Tại Nhật Bản, trong thời kỳ Minh Trị chịu ảnh hưởng lớn từ phương Tây, một số học giả phương Tây đã giải thích việc cấm hỏa táng của chính phủ Minh Trị là vì hỏa táng khác với cách thức mai táng châu Âu, nghĩa là phi Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, đối với ý kiến này, như Sabata Toyoyuki đã phản bác đó là sự nhầm lẫn vì trên thực tế chính phủ Minh Trị không có ý định chấp nhận Thiên Chúa giáo” [ 14 , tr.31].

Qua đó, có thể thấy trong thời kỳ Minh Trị duy tân, hỏa táng là một vấn đề gây tranh cãi và thu hút nhiều sự chú ý. Thời gian đầu, hỏa táng bị nghiêm cấm và là chủ đề nổi bật trong phong trào loại bỏ “phong tục xấu của quá khứ” gắn liền với đạo Phật, vi phạm đạo đức và bất hiếu vì hỏa thiêu thi thể thể hiện sự không tôn trọng đối với cha mẹ đã mất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do đã nêu trên, hỏa táng đã được tái chấp nhận và ngày càng phổ biến tại Nhật.

Thêm vào đó, quan niệm “shie” (ô uế của sự chết) trong suy nghĩ cổ xưa, gắn liền tư tưởng Thần đạo là một yếu tố phải xem xét.

Trong phong trào bài trừ Phật giáo và hỏa táng, thổ táng được chấp nhận và xem là phương thức mai táng truyền thống gắn liền với Thần đạo 14 . Tuy nhiên, từ xa xưa, như thể hiện qua ý nghĩa tiêu cực của hình ảnh “thi thể đầy giòi bọ của nữ thần Izanami đã qua đời” trong Thần đạo, “cái chết” là nguồn gốc của sự sợ hãi và làm lây lan sự ô uế (“kegare” hoặc “shie”). Theo đó, khác với thời đại Kofun xây mộ bảo tồn thi thể, do quan niệm “shie” bám rễ sâu đậm này, thi thể bị phân hủy không được xem là đối tượng thờ cúng. Trên thực tế, tục phong táng để thi thể ở nơi xa xôi như khu mộ rìa làng, thung lũng núi rừng hẻo lánh 17 hoặc tập tục hai mộ “ryobosei” với mộ chôn thi thể được xây ở nơi hẻo lánh và mộ trống để thờ cúng được duy trì trong thời gian dài. Trong thời Heian, bên trong thành Heian thực hiện tránh “shie” nghiêm khắc triệt để và khu mộ thi thể đều được đặt ở nơi xa xôi hẻo lánh ngoài thành.

Ngược lại, quan niệm “shie” là cơ sở của việc tiếp nhận dễ dàng đối với hỏa táng vì cho rằng nhờ hỏa táng, thi thể người mất được tẩy rửa và chuyển thành tro cốt sạch sẽ-đối tượng thờ cúng linh thiêng 16 . Điều này gắn liền với phong tục thu gom và thờ cúng tro cốt đã có mặt từ lâu đời thậm chí trước khi Phật giáo được du nhập. Sự phát hiện các hũ tro cốt có mặt từ sớm, đặc biệt từ thời kỳ Nara, với số lượng ngày càng nhiều, đã cho thấy sự tồn tại song song của hỏa táng và phong tục lưu trữ, thờ cúng tro cốt 12 . Đặc biệt, vào thế kỷ 10 chính là cột mốc lớn khi tầng lớp quý tộc, nhằm tránh triệt để “shie” đã thực hiện hỏa táng và lưu trữ một phần tro cốt trong bình tre hoặc cành dâu và để thờ cúng trong chùa 10 , 21 . Quan điểm tương tự cũng được nhìn thấy ở một số nền văn minh khác ví dụ người La Mã đã kế thừa văn hóa Hy lạp tiến hành hỏa táng nhằm tẩy sạch linh hồn và giải phóng linh hồn khỏi thể xác. Ở một số vùng Bắc Âu, tầng lớp cao quý sau khi mất được hỏa táng để giải phóng linh hồn khỏi thể xác bị phân hủy, để có thể chuyển kiếp hoặc ngăn không gây hại đến người còn sống, thậm chí những chiến binh được tôn vinh bằng việc hỏa táng trên “con thuyền lửa” 7 . So sánh với điều này, tại Nhật Bản, dựa trên tín ngưỡng bản địa thống nhất và lâu đời là Thần đạo, quan niệm “kegare”, “shie” đã bám rễ sâu đậm xuyên suốt văn hóa Nhật Bản. Đây là cơ sở quan trọng để hỏa táng có thể dễ dàng được chấp nhận tại Nhật. Nhờ hỏa táng, thi thể được gột rửa sạch sẽ, nhờ đó làm nảy sinh mối gắn kết với người mất thông qua lưu trữ và thờ cúng tro cốt. Đây có thể xem là đặc trưng riêng trong văn hóa hỏa táng của người Nhật.

Qua đó, có thể thấy mối liên hệ giữa hỏa táng và các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng rất rõ ràng và sâu đậm. Bên cạnh đó, “ie” và mộ gia đình “ie” (ie haka) truyền thống cũng được xem là yếu tố đặc trưng cho sự thúc đẩy hỏa táng tại Nhật.

Ảnh hưởng của “ie”, “ie haka”

Trên cơ sở kế thừa phong tục thờ cúng tổ tiên, chế độ gia đình truyền thống, đặc điểm phụ hệ,... kết hợp với quan điểm đại gia đình Nhật Bản cận đại đứng đầu là Thiên hoàng, trong thời kỳ Minh Trị, chế độ gia đình “ie”đã chính thức được quy định trong luật pháp vào năm 1898. Trong lịch sử trước đây, tiền thân của khái niệm“ie” đã tồn tại nhưng chỉ giới hạn trong tầng lớp quý tộc, võ sỹ hoặc thương dân giàu có 14 , nhưng trong thời kỳ Minh Trị, dựa trên pháp luật, “ie” đã được phổ biến toàn dân. Gắn liền với “ie”, mộ gia đình “ie haka” đã chính thức ra đời và là một yếu tố tích cực thúc đẩy sự phổ biến của hỏa táng.

Liên quan đến nguồn gốc “ie haka”, trên thực tế mối liên kết gia đình qua việc thu gom tro cốt hỏa táng đã có từ lâu đời. Thêm vào đó, từ cuối thời Edo, không chỉ giới hạn ở tầng lớp trên, không ít thị dân đã tiến hành hỏa táng và xây mộ gia đình lưu tro cốt ở các khu mộ chùa chật hẹp 13 .

Trong “Lợi ích của hỏa táng” (1873) ghi rõ khác với châu Âu, ở Nhật không thực hiện xếp chồng các quan tài thi thể khi chôn cất, vì vậy mộ thổ táng gia đình đòi hỏi diện tích lớn. Thời kỳ trước, mộ gia đình thổ táng của tướng quân đều phải sử dụng quan tài đặt thi thể tư thế ngồi gập và dân cư đô thị không thể xây dựng dạng mộ này 14 . Thêm vào đó, thời kỳ Minh Trị trong bối cảnh di cư lớn và mối gắn kết làng xóm, thân tộc, gia đình vẫn chặt chẽ; việc có thể lưu trữ hũ tro cốt bên cạnh, dễ di chuyển, hoặc phân chia lưu trữ tro cốt hai nơi là mộ tổ tiên ở quê và mộ mới ở đô thị có ý nghĩa rất lớn. Đồng thời, bằng lưu trữ hũ tro cốt hỏa táng, nhiều gia đình vẫn có thể duy trì mối quan hệ từ xưa với các chùa ở xa.

Trên thực tế, vào năm 1873, đơn thỉnh cầu ủng hộ hỏa táng gửi đến thị trưởng Tokyo đã nhấn mạnh trong trường hợp rời quê lên Tokyo thì cách duy nhất không trở thành linh hồn vất vưởng, có thể về với gia đình sau khi mất chính là dựa vào hỏa táng. Do đó, lệnh cấm hỏa táng bị chỉ trích là góp phần chia rẽ các thành viên gia đình khi họ qua đời 16 .

Trong bối cảnh đó, vào thời kỳ Minh Trị, hỏa táng cùng hệ thống“ie haka” đã được tiếp nhận tích cực và ngày càng trở nên phổ biến. “Ie haka” tượng trưng cho gia đình “ie” thống nhất, là nơi thờ cúng tổ tiên và được kế thừa theo dòng nam. Theo cách làm thông thường, hũ tro cốt đặt tạm ở nhà hoặc bàn thờ Phật, sau lễ cúng 49 ngày sẽ được chôn cất vào “ie haka”. Đây cũng là khoảng thời gian tạm biệt người mất và có thể quyết định người kế thừa thờ cúng tổ tiên. Theo nghĩa rộng, việc có thể vận chuyển tro cốt người lính mất trong chiến tranh về nhà có ý nghĩa lớn trong hình ảnh quốc gia thống nhất gắn liền với khái niệm đại gia đình Nhật Bản lúc bấy giờ.

Qua đó, có thể thấy tại Nhật, hỏa táng gắn liền với các tín ngưỡng tôn giáo đã bén rễ sâu đậm như Thần đạo, Phật giáo, phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình huyết thống. Đây chính là yếu tố truyền thống quan trọng, đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản để hỏa táng có thể được chấp nhận một cách tích cực từ sớm.

Ngoài yếu tố mang tính truyền thống này, từ thời cận đại, nhận thức chung về vệ sinh môi trường, sự phát triển kỹ thuật,... đã tác động lớn đến sự phổ biến hỏa táng.

Ảnh hưởng của quan điểm vệ sinh môi trường

Như đã nêu, trong nhiều nguyên nhân phản đối lệnh cấm hỏa táng trong thời kỳ Minh Trị, bên cạnh các yếu tố văn hóa truyền thống, quan điểm vệ sinh môi trường như tại nhiều quốc gia được nhấn mạnh.

Đầu tiên phải xét đến sự phai nhạt của nhận thức tôn giáo vốn gắn liền với hỏa táng.

Điển hình như mối liên hệ với đạo Thiên chúa giáo, ví dụ ở Anh quốc, tỷ lệ hỏa táng cao 71% (năm 1996) được lý giải là do giáo hội nước Anh ngay từ đầu đã không can thiệp vì nhận định mai táng thuộc phạm vi “thế tục” do người dân tự quyết định 6 . Phong trào vận động hỏa táng phất cờ mạnh mẽ ở nhiều quốc gia châu Âu trong thời cận đại chính là kết quả của sự phản đối nhà thờ 6 . Hỏa táng được gắn liền với tư tưởng tự do tôn giáo, chủ nghĩa vô thần và ý nghĩa thế tục hóa dựa trên phát triển khoa học tự nhiên và ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội-chủ nghĩa Marx [19]. Vào năm 1874, đầu tiên là ở Anh và Thụy sỹ, các hiệp hội thúc đẩy hỏa táng đã được thành lập, 2 năm sau đó “Hội nghị hỏa táng châu Âu” - tiền thân của “Hiệp hội hỏa táng thế giới” đã ra đời. Hỏa táng được nhà thờ chính thức công nhận vào năm 1963.

Và trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn từ phương Tây lúc bấy giờ, tại Nhật, mặc dù sau khi lệnh cấm hỏa táng bị hủy bỏ, đạo Phật vẫn tiếp tục can thiệp sâu rộng trong nghi thức mai táng, hoạt động của nhà hỏa táng 15 , nhưng nhận thức tôn giáo vốn gắn liền với hỏa táng đã dần trở nên phai nhạt.

Thay vào đó, ở cả phương Tây và Đông, hỏa táng đã được hỗ trợ mạnh mẽ dựa trên quan điểm vệ sinh môi trường. Vào năm 1933-1934, khái niệm “hỏa táng” đã khoác ý nghĩa rộng hơn vì cõng thêm nhiều ý nghĩa chính trị, khoa học tiến bộ. Đặc biệt, tranh luận liên quan đến hỏa táng đã trở nên sôi nổi vào những năm 1970. Luận điểm khoa học, ý nghĩa vệ sinh môi trường đã thay thế cho việc đặt nặng quan điểm tôn giáo trước kia. Quyển sách bán chạy lúc bấy giờ là “Tuần hoàn của sự sống" đã nhấn mạnh hỏa táng góp phần ngăn cản sự nghèo nàn hóa thổ nhưỡng gây nên bởi thổ táng, và những chất trong tro cốt có thể góp phần làm giàu dinh dưỡng cho thổ nhưỡng 19 . So với tro cốt sạch sẽ, nghĩa trang thổ táng bị chỉ trích làm ô nhiễm nguồn nước, không khí và lan truyền bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng 7 . Quan điểm này đặc biệt được hỗ trợ với sự ra đời của các lò hỏa táng kỹ thuật mới. Và trên thực tế, các phong trào ủng hộ hỏa táng khắp châu Âu được khởi xướng đầu tiên từ quan điểm vệ sinh môi trường của các y bác sỹ..

Tại Nhật, như đã nêu, trong xã hội xưa, dù việc thực hiện hỏa táng đã gây nên khói độc và mùi khó chịu tổn hại đến sức khỏe ( Figure 2 ) 16 .

Figure 2 . Quang cảnh hỏa táng tại chùa thời kỳ Edo 16

Figure 2 
<a class=16" width="300" height="200">

[Download figure]

Nhưng nhìn từ quan điểm “shie”, hỏa táng được xem là hình thức gột rửa thi thể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vào cuối thời Edo, hỏa táng bị thực hiện bắt buộc đối với người mất vì bệnh truyền nhiễm như lao phổi, bệnh phong, dịch tả 16 . Theo đó, tại Nhật, từ xa xưa quan điểm vệ sinh môi trường đã gắn liền mật thiết với hỏa táng. Và trong thời kỳ Minh Trị, do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phương Tây, phong trào ủng hộ hỏa táng ở châu Âu với nhận thức mới hỏa táng là phương thức văn minh, sạch sẽ đã tác động lớn đến nhận thức về hỏa táng tại Nhật.

Trong đơn thỉnh cầu của các nhà tu đến chính phủ đã miêu tả rõ quan điểm của các bác sỹ phương Tây ủng hộ hỏa táng, chỉ trích chôn cất thi thể gây nguy hại đến môi trường. Hàng loạt tờ báo tường thuật chi tiết hội nghị ủng hộ hỏa táng tại Anh năm 1874, cũng như sự kiện công nhân xây đường sắt ở Quebec đã nhiễm bệnh đậu mùa sau khi đào đất ở nơi chôn cất thi thể người mất vì dịch bệnh 16 . Các thành phố lớn đều nhấn mạnh nguyên nhân thiếu đất thổ táng trầm trọng, an toàn trong vệ sinh môi trường để phản đối mạnh mẽ lệnh cấm hỏa táng. Đồng thời cũng nêu rõ sự vô lý khi dành đất vĩnh viễn cho người mất, đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi đất nghĩa trang thành đất sản xuất có giá trị kinh tế không lãng phí nguồn đất. Trong thời gian cấm hỏa táng, người dân Tokyo còn gửi báo cáo đến báo Yubin hochi về dịch bệnh truyền nhiễm từ thi thể chôn cất và khẳng định hỏa táng là phương thức đúng đắn để giảm bớt mối nguy hại này 16 . Và vào năm 1897, trong bối cảnh dịch tả lan rộng,chính phủ ban hành bộ luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên quy định sở ban ngành địa phương có nghĩa vụ hỏa táng thi thể bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, nếu trước đây hỏa táng thường được gắn với quan điểm tôn giáo và bị chỉ trích lạc hậu và không văn minh vì mang ý nghĩa Phật giáo 13 , thì sau này hỏa táng đã ngày càng được chấp nhận một cách tích cực vì tro cốt hỏa táng sạch sẽ cũng như có thể lập nên hệ thống xử lý tro cốt dựa trên quan điểm vệ sinh môi trường và hợp logic trong bối cảnh đô thị tập trung đông người. Trong đó, sự phát triển kỹ thuật hỏa táng giữ vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa và phổ biến hỏa táng.

Sự phát triển của kỹ thuật hỏa táng

Thời kỳ Minh Trị, khi ý nghĩa vệ sinh môi trường của hỏa táng ngày càng được nhấn mạnh, do tác động của đô thị hóa cùng với sự sụp đổ nhanh chóng của nền tảng cộng đồng làng quê Nhật Bản chung tay giúp nhau thực hiện hỏa táng thì việc cải tiến kỹ thuật trong việc loại bỏ khí độc, giảm giá thành và thời gian hỏa táng là những yêu cầu cấp bách được đặt ra. Ví dụ vào năm 1877, chính phủ đã mở cuộc điều tra nhà hỏa táng vì tin đồn hỏa táng chính là vật trung gian truyền bệnh dịch tả. Kết quả là tin đồn không đúng, ngược lại hỏa táng hữu hiệu trong việc ngăn chặn bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, nhu cầu khẩn trương cần cải thiện ngay các lò hỏa táng vì mùi hôi và khí độc tác động không tốt đến môi trường xung quanh.

Trong bối cảnh châu Âu, thông qua những phong trào ủng hộ hỏa táng, tâm lý kỳ thị hỏa táng giảm bớt đã góp phần thúc đẩy phát triển kỹ thuật. Năm 1873, triển lãm tại Wien đã ra mắt lò hỏa táng tiên tiến, năm 1874, ở Dresden, lò hỏa táng dạng tích nhiệt lần đầu xuất hiện ở châu Âu. Ở Ý, sự ra đời của lò hỏa táng cận đại đầu tiên ở Milano vào năm 1876 đã thu hút nhiều sự chú ý. Năm 1877, lò hỏa táng dạng nhiệt gió được phát minh và năm sau đó đã xây dựng nhà hỏa táng sử dụng lò hỏa táng này. Sau đó, kỹ thuật hỏa táng bằng điện đã ra đời và nhanh chóng được đưa vào sử dụng 6 .

Kỹ thuật hỏa táng dần được phổ biến từ Tây sang Đông, dựa trên đó hỏa táng từ “phong tục xấu của quá khứ” đã được nhận thức là hình thức “hiện đại,văn minh”. Ngược lai, suy nghĩ mộ thổ táng chính là nguồn gốc nguy hại đến sức khỏe dần dần được nhận thức sâu rộng trong xã hội Nhật Bản. Năm 1878, lò hỏa táng kỹ thuật tiên tiến đã xây dựng tại Kyoto. Năm 1923, lò hỏa táng điện đã được đưa vào sử dụng và cho đến đầu thời kỳ Showa, khoảng 50 nhà hỏa táng trang bị lò hỏa táng điện được xây dựng khắp toàn quốc. Đặc biệt, mô hình nhà hỏa táng hiện đại chuyên nghiệp như nhà hỏa táng công lập Mizue (Tokyo) được xây dựng ở thành thị và cải tiến phù hợp với thực trạng địa phương đã đóng góp to lớn trong việc cận đại hóa, tăng hiệu suất của các nhà hỏa táng. Điều này đã góp phần nâng cao tỷ lệ hỏa táng đạt 57% vào năm 1942 6 . Hỏa táng trở thành niềm “tự hào” của Nhật 15 và ngược lại còn đem lại cảm hứng cho phong trào thúc đẩy hỏa táng trên thế giới.

Cùng với sự phát triển kỹ thuật, như từ sau thời kỳ Showa, vào tháng 6/1927, lò hỏa táng bằng dầu 2 tầng được trang bị trong nhà hỏa táng ở Tokyo đã rút ngắn đáng kể thời gian từ lúc hỏa táng đến lúc thu gom tro cốt. Nhờ đó, lệnh cấm hỏa táng vào ban ngày được bãi bỏ 14 . Sau chiến tranh, các hoạt động phục hồi hỏa táng được đẩy mạnh. Năm 1969, trung tâm vệ sinh môi trường Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu tiêu chuẩn xây dựng nhà hỏa táng do quỹ nghiên cứu khoa học hành chính an sinh xã hội tài trợ và đã biên soạn sách hướng dẫn với nội dung trọng tâm “khoa học hóa hỏa táng”. Sau đó được cải biên thành “Cẩm nang hướng dẫn xây dựng - duy trì và quản lý nhà hỏa táng” hiện đang lưu hành (Hiệp hội mai táng môi trường Nhật Bản phát hành). Năm 1972, trung tâm vệ sinh môi trường Nhật Bản đã phái cử đoàn điều tra hỏa táng đến châu Âu tìm hiểu về hỏa táng trong 19 ngày và báo cáo kết quả về chế độ đào tạo, kỹ thuật hỏa táng,... Dựa trên tham khảo mô hình châu Âu, tháng 12/1972, Hiệp hội xây dựng quản lý trung tâm hỏa táng Nhật Bản (tiền thân của Hiệp hội NPO mai táng môi trường Nhật Bản) được thành lập nhằm mục đích đẩy mạnh quá trình cận đại hóa các trung tâm hỏa táng [11]. Hiện nay, hiệp hội tiếp tục duy trì các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật hỏa táng tại Nhật.

Trải qua quá trình phát triển lịch sử lâu dài, hỏa táng lúc đầu gắn kết chặt chẽ với quan niệm tôn giáo, nhưng từ thời kỳ Minh Trị cùng với sự ảnh hưởng của kỹ thuật phương tây, ý thức môi trường nâng cao,… phương thức hỏa táng đã được tổ chức quy củ, thống nhất theo luật pháp trên toàn quốc và trở thành một phần không thể tách rời trong quá trình phát triển hiện đại hóa tại Nhật.

Kết luận

Trong bối cảnh hỏa táng ngày càng gia tăng trên thế giới, chủ đề liên quan “hỏa táng” đang thu hút nhiều sự quan tâm hiện nay. Nhật Bản là một quốc gia hỏa táng điển hình với tỷ lệ khoảng 99,9%. Trong bài viết, tác giả tìm hiểu về hỏa táng tại Nhật Bản từ nhiều góc độ bao gồm quan điểm tôn giáo, ý niệm gia đình và nhận thức vệ sinh môi trường.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tôn giáo là yếu tố mạnh ảnh hưởng đến phương thức mai táng trong xã hội trước đây. Ví dụ quan điểm Thiên chúa giáo đã hỗ trợ thổ táng; và hỏa táng vốn bị xem là “man rợ” vì phá hủy thi thể bằng lửa nhưng vì gắn liền với ý nghĩa Phật giáo đã có thể trở nên tiếp nhận dễ dàng hơn. Trên thực tế, các quốc gia như Ấn Độ từ xưa đến nay tiến hành hỏa táng dựa trên niềm tin tôn giáo, sự ít can thiệp của nhà thờ ngay từ đầu đã tác động lớn đến tỷ lệ hỏa táng cao ở Anh. Tại Nhật Bản, mặc dù mối quan hệ giữa Phật giáo và hỏa táng còn nhiều nội dung chưa làm rõ 22 , nhưng theo nhận thức thông thường hỏa táng chính là phương thức mang đậm tính chất Phật giáo tại Nhật.

Tuy nhiên, từ nửa sau thế kỷ 19, như các bài báo năm 1883 phản ảnh, năm 1873 hỏa táng bị cấm vì cho là nghi lễ Phật giáo “không văn minh”; vì vậy có lẽ không người Nhật nào có thể tưởng tượng chỉ 10 năm sau, báo chí ở Nhật cảm thấy miễn cưỡng khi nhắc lại nguồn gốc Phật giáo của hỏa táng 16 . Thay vào đó, quan điểm chung phổ biến tại nhiều quốc gia gắn liền với sức khỏe công cộng, vệ sinh môi trường, phát triển kỹ thuật chính là mối quan tâm lớn nhất khi nhắc đến hỏa táng.

Dựa trên quan điểm nhấn mạnh tính vệ sinh của tro cốt, vô hại với môi trường, và hệ thống lưu trữ tro cốt đa dạng, đã cho thấy sự thay đổi lớn trong phong tục thờ cúng người mất gắn liền mộ thổ táng, quan niệm phong thủy, tôn giáo,... Qua đó, cũng phản ánh ý nghĩa “thế tục hóa” gắn kết với cách nhìn chú trọng khoa học kỹ thuật hiện đại trong văn hóa mai táng - một lĩnh vực vốn gắn bó chặt chẽ với quan điểm tôn giáo truyền thống.

Tuy nhiên bên cạnh đó, như đã phân tích, để hiểu rõ văn hóa hỏa táng Nhật Bản cần phải xem xét bối cảnh đặc trưng riêng tại Nhật. Ví dụ, mặc dù bộ luật phòng chống bệnh truyền nhiễm bàn hành vào năm 1897 đã đánh dấu sự gia tăng nhanh chóng của hỏa táng tại Nhật 21 , nhưng nhiều ý kiến phản bác đó không phải là yếu tố chính yếu 14 . Trên thực tế, các lý do thiếu đất mộ thổ táng, quan niệm vệ sinh môi trường là điểm chung của nhiều quốc gia, vì vậy chỉ dựa trên đó, sẽ không đủ thuyết phục khi lý giải về sự tiếp nhận hỏa táng sớm và tích cực tại Nhật.

Trong bối cảnh riêng của Nhật, cần xem xét các yếu tố gia đình “ie”, mộ gia đình “ie haka” gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên truyền thống, cùng với quan niệm “shie” trong Thần đạo được nhận thức sâu sắc đã tác động lớn đến thái độ đối với hỏa táng tại Nhật. Chính các yếu tố này đã tạo ra khác biệt trong việc tiếp nhận hỏa táng một cách tích cực và từ sớm tại Nhật khi so sánh với các quốc gia khác. Thêm vào đó, qua tính chất kế thừa mộ truyền thống theo nguyên tắc phụ hệ, hoặc ví dụ thông qua sự phân chia vai trò chỉ người nam khuân chuyển thi thể đến nơi hỏa táng và chỉ người nữ thực hiện thu gom tro cốt sau hỏa táng tại vài khu vực tỉnh Fukui 13 có thể thấy quan điểm giới cũng được thể hiện trong văn hóa hỏa táng Nhật Bản. Ngay trong bộ luật mai táng hiện nay, trên cơ sở kế thừa “quy định nghĩa trang và phương thức mai táng” của bộ luật Minh Trị năm 1884, luôn nhấn mạnh sự kết hợp tôn trọng tinh thần tôn giáo toàn dân và quan điểm phúc lợi công cộng và vệ sinh môi trường. Đây chính là nội dung cần tìm hiểu sâu rộng để có thể hiểu rõ hơn về văn hóa mai táng, văn hóa hỏa táng của Nhật Bản. Đây cũng chính là đề tài nghiên cứu tương lai của tác giả.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả muốn gửi lời cảm ơn đến “The Sumitomo foundation fiscal 2019 grant” đã tài trợ cho nghiên cứu này.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả thu thập, dịch, tổng hợp và phân tích tài liệu, viết kết quả nghiên cứu. Tác giả liên hệ và chỉnh sửa bài báo.

References

  1. Bộ luật liên quan đến mộ, phương thức mai táng,... Nhật Bản (ban hành 1/5/1948). . ;:. Google Scholar
  2. Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng tại Việt Nam. . ;:. Google Scholar
  3. Phê H. Từ điển tiếng Việt: Hồng Đức; 2019. . ;:. Google Scholar
  4. Itaru T. Nhà hỏa táng không gian thờ cúng - Nghĩ về nhà tang lễ. . 2016;:. Google Scholar
  5. Shigeru G. Tử sinh quan và lịch sử nghĩa trang. . 2008;:. Google Scholar
  6. Mutsumi Y. "Nơi đến" của xương tro cốt, kỹ thuât hỏa táng Nhât Bản. . 2000;:. Google Scholar
  7. Harris M. Grave matters: Scribner USA; 2007. . ;:. Google Scholar
  8. Tamura S.Tìm hiểu nghi lễ mai táng tương lai -từ quan điểm "nhà tang lễ" và tinh thần tôn giáo thờ cúng.Tap chí Văn hóa mai táng 13;2-19. . ;:. Google Scholar
  9. Picone M. Cremation in Japan: bone Buddhas and surrogate bodies. Etudes sur la Mort 2007;132:131 - 40. . ;:. Google Scholar
  10. Takanori S. Tang lễ& Lich sử về cái chết và an ủi linh hồn: Yoshikawa Kobunkan; 2009. . ;:. Google Scholar
  11. Hội quản lý Kỹ thuật mai táng Nhât Bản . Lich sử hỏa táng. . ;:. Google Scholar
  12. Tetsuo Y. Dân tôc hoc về cái chết: Iwanami; 2002. . ;:. Google Scholar
  13. Bernstein A. Fire and Earth: The Forging of Modern Cremation in Meiji Japan. Japanese Journal of Religious Studies. 2000;27(Mortuary Rites in Japan (Fall, 2000)):297-334. . ;:. Google Scholar
  14. Toyoyuki S. Văn hóa hỏa táng: Shincho Sensho; 1990. . ;:. Google Scholar
  15. Kasama T. Ảnh hưởng của việc tu sửa nhà hỏa táng trong đô thị đến giá đất. Chương trình phát triển đô thị;2011. . ;:. Google Scholar
  16. Bernstein A. Modern Passings: Death Rites, Politics, And Social Change in Imperial Japan University of Hawai'i Press; 2006. . ;:. Google Scholar
  17. Kenji M. Thưc trang của mô và mai táng: Tokyodo; 2000. . ;:. Google Scholar
  18. Society G-FP. Thổ táng và hỏa táng. . ;:. Google Scholar
  19. Hiroshi K. Hỏa táng tai Đức thời cân đai - Khảo sát về ý nghĩa xã hôi của khái niêm - Tokyo univesity Annual review of religious studies 1999;17:27-46. . ;:. Google Scholar
  20. Rosen F. Cremation in America: Prometheus Books USA; 2004. . ;:. Google Scholar
  21. Masao F. Phong tuc xử lý tro cốt và cái chết: Futabaraifu Shinsho; 2000. . ;:. Google Scholar
  22. Midori K. Tang lễ thay đổi, mô sẽ không tồn tai: Iwanami Shoten; 2000. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 1421-1431
Published: Mar 31, 2022
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.700

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, C. (2022). The cremation method and the influential factors to the development of cremation in Japan. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(1), 1421-1431. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.700

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 300 times
PDF   = 332 times
XML   = 0 times
Total   = 332 times