VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

584

Total

242

Share

Ethnic Consciousness with the assumption of thinking paradigm in cultural issues that ethnic minorities of Viet Nam are facing






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

From the viewpoint of anthropology, conducting surveys on ethnic consciousness is not only visually collecting and analyzing anthropological data, but also studying natural factors and history of the mode of production belonging to a particular form of human community, in which, people share the same history of territorial defense, beliefs, customs, a collective personality established and maintained consciously that formed the unique cultural nuances of each ethnic – especially ethnic minorities. The alienation (being alien to oneself) in the consciousness of ethnic minorities in Vietnam is taking place. Nature and spiritualites are transformed into an essence alien to man, into a means of sustaining one's individual existence. Cultural preservation must promote cultural development. However, the space of modern life has caused interruptions in the flow of the memory-history-nation heritage. There should be an alarm that the spiritual time and space of traditional rituals and legends – a unique feature of the connection between culture and the manifestations of ethnic consciousness – are faded away in Vietnam nowadays If we identify culture as spiritual endogenous elements, it will be neccesary to posit a theory shaping ethnic thinking into two paradigms - “preservation for autogenesis” and “accompanying for development” - in order to re-determine the cultural values of ethnic people that need to be preserved.

VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Sự biến động trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của các tộc người thiểu số, một mảng nghiên cứu quan trọng của nhân học Việt Nam đương đại, diễn ra như một tất nhiên khi nó thường xuyên chịu sự tác động từ những nhân tố khách quan của hoàn cảnh. Trong sự biến động này, có những tộc người có sự vượt lên thành công nhưng lại có những tộc người dường như đang tự đánh mất mình . Từ đây không thể không đặt ra những câu hỏi: Đâu là căn nguyên của thực trạng này?

Điều hiển nhiên là toàn bộ hoạt động sống của tộc người đều thông qua ý thức của tộc người đó. Như vậy, ý thức tộc người phải là xuất phát điểm của việc đi tìm nguyên nhân để trả lời cho câu hỏi trên. Tìm hiểu ý thức tộc người thì không thể không đề cập đến văn hóa tộc người. Vì văn hóa là sự nội sinh tinh thần, là những hiện tượng hiện ra từ ý thức và được ý thức thực thể hóa vào trong hoạt động sống của con Người. Do đó, ý thức tộc người và văn hóa tộc người là nội dung mở đầu của bài viết trước khi tiếp cận đến luận điểm mang đậm tính hiện sinh trong triết học Marx về sự tự đánh mất mình , xa lạ với chính mình của những tộc người “khiến cho con người, vì là một sinh vật có ý thức, chỉ biến chính hoạt động sinh sống của mình, bản chất của mình thành phương tiện để duy trì sự tồn tại của mình, mà thôi” [ 1 , tr.119]. Tiếp đến, bài viết minh chứng luận điểm trên qua nhiều chiều tiếp cận thực trạng văn hóa của các tộc người, đi đến xác lập giả thuyết về sự phân định tư duy thành hai hệ hình “bảo toàn để tự sinh” và “hòa hợp để phát triển” để tìm câu trả lời từ góc nhìn riêng của bản thân với mong muốn góp phần nhỏ vào thành quả nghiên cứu về những biến động trong cộng đồng các tộc người thiểu số ở Việt Nam đã được các nhà khoa học công bố trước đây.

LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ Ý THỨC TỘC NGƯỜI VÀ VĂN HÓA TỘC NGƯỜI

Con người sống và làm ra lịch sử của mình. Lịch sử loài người là sự tiếp nối hoạt động sống của con người trong các thực thể khởi đầu như gia đình, thị tộc, bộ lạc sau khi giới tự nhiên đã tạo ra tiền đề để xã hội loài người xuất hiện. Do đó, việc xác định căn nguyên của ý thức tộc người buộc chúng ta phải đi từ khởi điểm mang tính quy định chung cho sự hình thành xã hội loài người. Đó chính là lao động với tính chất là quá trình nhân tính hóa tự nhiên và vật thể hóa con người. Trong lao động, con Người “tách mình” ra khỏi tự nhiên, đối diện với tự nhiên để tự khẳng định mình. Do đó, trong nghiên cứu về ý thức tộc người, điều quan trọng là không chỉ thu thập và phân tích các dữ liệu nhân học một cách trực quan mà còn phải nghiên cứu những nhân tố tự nhiên và lịch sử của những cách thức sản xuất của một hình thái cộng đồng người nhất định trong lịch sử.

Khởi nguyên cho sự hình thành ý thức tộc người từ nhân tố tự nhiên là lãnh thổ đến nhân tố xã hội là ngôn ngữ – mà trong sự vận động mang tính nội tại của nó với tính cách là “vỏ vật chất của tư duy” – ý thức tự giác về tộc người và tính bền vững của tộc danh đã hình thành. Tộc danh thường gắn với đặc điểm nhân chủng, đặc điểm lãnh thổ cư trú và nhất là đặc điểm chung về văn hóa. Ta có thể liên hệ trường hợp này ở Việt Nam: “Ví dụ, Jörai được nhiều tác giả khác nhau viết theo nhiều cách khác nhau: Chréai, Trà lai. Djiais, Chréray, Giraies… Mơ Nông được viết thành Bunong, Punong, Mnong… Người đọc có thể nhận ra là tộc người nào căn cứ theo ngữ cảnh” [ 2 tr.17].

Nghiên cứu văn hóa tộc người như là sự biểu hiện ý thức tộc người là nghiên cứu sự trải dài nền văn hóa ấy trên địa bàn tộc người sinh sống và cần phải được tham chiếu từ thuộc tính chung cho đến thuộc tính riêng biệt. Đây là dấu hiệu ban đầu tuyệt đối cần thiết trong sự xác định văn hóa cộng đồng tộc người. Văn hóa tộc người luôn bao hàm một sự tự khẳng định của ý thức tộc người: ý thức về cội nguồn tộc người, ý thức về lãnh thổ, ý thức về khát vọng của tộc người phản ánh trong chính trị đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo; tạo thành khung nhận thức thông qua sự biểu đạt bằng ngôn ngữ của tộc người; là một thành tố hoà nhập vào đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân, dân tộc. Do đó, một cộng đồng dân tộc bao giờ cũng có sự thống nhất trong sự đa dạng văn hóa của các tộc người.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ngành nhân học ở các trung tâm nhân học trên thế giới, chúng ta thấy rằng nghiên cứu tộc người và văn hóa tộc người chiếm một vị trí quan trọng, thể hiện ở chỗ tộc người là đơn vị nghiên cứu, tộc người là chủ đề nghiên cứu, và tộc người là đối tượng nghiên cứu như Viranjini Munasinghe [ 3 , pp.1-12]. Điểm nổi bật trong các công trình nghiên cứu tộc người những thập niên cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX là các nhà nhân học thường tập trung tìm hiểu các xã hội truyền thống với giả định trở thành thông lệ rằng mỗi xã hội tộc người có tính đồng nhất, các thành viên của nó chia sẻ những đặc trưng văn hóa chung tồn tại biệt lập với thế giới bên ngoài [ 3 , pp.1-12].

Từ thập niên 1960 đến nay, vấn đề tộc người tiếp tục là vấn đề nghiên cứu trọng tâm của các nhà nhân học Marxist. Họ đã dần nhận ra những hạn chế của trường phái tiến hóa luận đơn tuyến của Morgan mà Marx và Engels đã phần nào chịu ảnh hưởng trong việc phân định các nền văn hóa theo thang bậc của sự phát triển: cao - thấp, văn minh - dã man giữa các nền văn hóa vốn đã đem lại nhiều hệ lụy từ trong khoa học dẫn đến những tác hại khi ứng dụng vào trong đời sống xã hội. Các công trình nghiên cứu đã mở ra những chiều kích mới trong việc xác định tộc người, bản sắc văn hóa các cộng đồng tộc người, những biến động, xung đột trong sự hợp nhất, phân ly của các cộng đồng tộc người như Yu.V. Bromley hoặc đề cao vai trò của các điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội trong quá trình kiến tạo các đặc trưng văn hóa tộc người như Trebosarov và Trebosarova [ 4 , tr.109-127]. Tuy có nhiều khác biệt nhưng vẫn có điểm tương đồng giữa những nhà dân tộc học Liên Xô và những nhà nhân học Âu Mỹ [ 3 , tr.1-9] trong việc lấy bản sắc văn hóa làm chủ đề chính khi nghiên cứu về các tộc người.

Ở Việt Nam, nếu tính từ thời điểm Viện Viễn đông bác cổ Pháp được thành lập từ 1900 cho đến nay thì ngành dân tộc học trước đây và là nhân học hiện nay đã có lịch sử hơn 120 năm với sự ghi nhận công lao của hai nhà nghiên cứu cho hai giai đoạn chuyển đổi của ngành là Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Đức Từ Chi. Chịu ảnh hưởng truyền thống Dân tộc học Pháp và truyền thống Dân tộc học Xô-viết, ngành nhân học Việt Nam tuy xác định vấn đề tộc người là vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu nhưng vẫn có hướng đi riêng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn Việt Nam:

- Thứ nhất là nghiên cứu cơ bản về tộc người dựa trên ba tiêu chí: có chung ngôn ngữ, có chung các đặc điểm văn hóa, và ý thức tự giác tộc người (ý thức mình thuộc về một tộc người nào đó);

- Thứ hai là bản sắc tộc người, thường gắn với nghiên cứu các thành tố văn hóa tộc người cụ thể, như trang phục, nhà cửa, ẩm thực, quan hệ gia đình và dòng họ, các thực hành tôn giáo và tín ngưỡng [ 5 , tr.109-126];

- Thứ ba là quan hệ tộc người được nhìn nhận từ nhiều chiều cạnh, như quan hệ giữa các thành viên trong một tộc người, quan hệ giữa các tộc người thiểu số với nhau, quan hệ giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số, quan hệ tộc người xuyên quốc gia (tức quan hệ giữa các tộc người ở các quốc gia có chung biên giới hoặc không chung biên giới), và quan hệ tộc người với quốc gia - dân tộc (giữa một hay các tộc người với quốc gia - dân tộc Việt Nam);

- Thứ tư là nghiên cứu phát triển , tức tri thức và phương pháp luận dân tộc học được ứng dụng một cách hiệu quả vào giải quyết các vấn đề hoạch định và thực thi chính sách trong thực tiễn đời sống của đất nước 6 .

Trên các hướng nghiên cứu này, ngoài hai nhà khoa học kể trên, ngành nhân học Việt Nam đã có được một đội ngũ nghiên cứu mạnh về tộc người và văn hóa tộc người được tiếp nối qua nhiều thế hệ như: Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Khoan, Ngô Quý Sơn, Nguyễn Thiệu Lâu, Phan Hữu Dật, Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Dương Minh, Khổng Diễn, Nguyễn Quốc Lộc, Mạc Ðường, Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Hồng Dương, Phan Xuân Biên, Bế Viết Đẳng, Vương Xuân Tình, Bùi Minh Đạo, Trần Hồng Hạnh, Ma Ngọc Dung, Phan Yến Tuyết, Nguyễn Văn Huy, Phạm Quang Hoan, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Khắc Đức, Ngô Thị Thanh Tâm, Hoàng Minh Đô,…

Những công trình nghiên cứu về tộc người và văn hóa tộc người ở Việt Nam đang từng bước khẳng định giá trị trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Thời gian gần đây, ngành nhân học Việt Nam cũng đón nhận những công trình nghiên cứu cách đây 50 năm của các nhà dân tộc học, nhân học người Pháp vừa mới được dịch thuật và xuất bản ở Việt Nam. Sau khi thực dân Pháp áp đặt được sự thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, sự tìm hiểu cộng đồng cư dân thuộc địa bắt đầu. Có lẽ từ quan điểm “văn hóa là những gì còn lại sau khi người ta quên đi tất cả, nó là những gì còn lại khi bạn học hết mọi thứ” của Edouard Herriot (1872-1957) - một chính trị gia, từng 3 lần giữ chức thủ tướng nước Pháp, mà việc nghiên cứu các tộc người thiểu số ở Việt Nam, nhất là các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng vì là tâm điểm giao lưu của ba nước Đông Dương, có sự mời gọi kỳ bí đầy hấp dẫn đối với những nhà nghiên cứu nhân học đến từ “mẫu quốc”. Hầu hết họ là những nhà truyền giáo, nhà thám hiểm… có nền tảng kiến thức vững vàng về khoa học xã hội - nhân văn. Khi là nhà nhân học, họ đã tự mình sống vì cái khác (là cộng đồng tộc người thiểu số Tây Nguyên) trong chính bản thân mình (là một nhà nhân học). Để rồi giờ đây, gần như toàn cảnh vùng đất và văn hóa của các cộng đồng tộc người thiểu số ở Tây Nguyên trong các hồi ký hay công trình nghiên cứu của Pierre Dourisboure (1825-1890), Henri Maître (1883-1914), Georges Condominas (1921-2011), Jacques Dournes (1922-1993), Anne de Hautecloque-Howe, Jean Boulbet (1926-2007) hiện ra một cách chân thực và sinh động. Nếu Pierre Dourisboure là người, từ rất sớm, kiên trì khai phá Tây Nguyên ở góc độ tôn giáo thì Henri Maître là người tiên phong trong khoa học, trong nghiên cứu về nền văn minh, con người, vùng đất và núi rừng Tây Nguyên. Công trình của Maître trở nên kinh điển là nhờ phương pháp nghiên cứu thực địa và khảo cứu tư liệu để tổng hợp về các dân tộc cao nguyên miền Thượng trong suốt chiều dài lịch sử 7 .

Như vậy, trong bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu tộc người và văn hóa tộc người ở Việt Nam, bên cạnh thành quả nghiên cứu chuyên sâu và phong phú trên nhiều phương diện của các nhà dân tộc học và nhân học Việt Nam, còn có thành quả nghiên cứu hết sức ấn tượng, độc đáo, đầy cá tính và xứng đáng được trân trọng của các nhà dân tộc học, nhân học Pháp. Tuy nhiên, những công trình này chỉ là những “hồi quang” của sự nghiệp nghiên cứu của các nhà dân tộc học và nhân học người Pháp, chỉ là những thông điệp về một thời đoạn lịch sử của tộc người Tây Nguyên. Giá trị học thuật thì không thể phủ nhận nhưng cũng khó có thể ứng dụng vào trong thực tiễn hiện nay. Tất nhiên, chúng ta có thể tìm hiểu là làm thế nào để họ có được thành quả như vậy? Một sự tìm hiểu có thể là cần thiết để nâng tầm nghiên cứu của ngành nhân học Việt Nam trong thời gian tới. Bước đầu, người viết bài này nhận định như sau:

- Họ đã hòa mình vào thực địa nghiên cứu, nghe - nói và sống như người bản địa. Nghĩa là họ đã tự “bản địa hóa” thành một thành viên đúng nghĩa của cộng đồng tộc người đang nghiên cứu nhưng vẫn giữ được thế đứng độc lập, thận trọng và khách quan của người làm khoa học để tự do quan sát, thâm nhập để hiểu đời sống nội tại của cá nhân trong liên kết với cộng đồng và thực tại bên ngoài đang tác động đến cộng đồng đang nghiên cứu. Nói khác đi, họ đã tự mình sống hoàn toàn vì cái khác (là cộng đồng tộc người thiểu số) trong chính bản thân mình (là một nhà nhân học tỉnh táo và sắc sảo, chăm chú quan sát mọi sự diễn ra quanh mình, từng ngày, từng giây phút, nhận xét, phân tích, ghi chép) … Như Jacques Dournes đã nói, “nếu người ta không dầm chân trần trong ruộng, thì sẽ không biết gì hết, bởi vì mọi sự diễn ra trong đầu con người” [ 8 , tr.4]. Andrew Hardy cũng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi hiểu cặn kẽ, từ mọi phía: phía Pháp, phía Việt Nam, và phía những người dân tộc thiểu số” [ 8 , tr.20-21].

- Họ đã có một tình yêu thật sự trước nền văn hóa sơ khai lãng mạn và sự mộc mạc, chất phác của con người Tây Nguyên, tự nguyện gắn bó lâu dài với Tây Nguyên, thật lòng trân trọng và gìn giữ giá trị văn hóa của cộng đồng tộc người Tây Nguyên. Họ thật sự yêu và nhờ đó đã hiểu Tây Nguyên .

- Họ đã thực hiện đúng yêu cầu của phương pháp nghiên cứu trong nhân học là kết hợp phương pháp nghiên cứu đồng đại và lịch đại. “Đương nhiên, nghiên cứu dân tộc học có phần đồng đại, chăm chú vào hiện tượng đang diễn ra và trong so sánh với hiện tượng đồng thời ở các tộc người hay các hoàn cảnh khác, nhưng Dournes luôn nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của phương pháp lịch đại, ở lại đủ lâu tại chỗ để theo dõi biến động của một sự kiện theo dòng thời gian” 9 .

Có thể nói rằng khi các nhà dân tộc học Pháp đến Việt Nam nghiên cứu các tộc người Tây Nguyên, họ gần như hội đủ ba điều kiện lý tưởng của một nhà nghiên cứu: năng lực, tình cảm và phương pháp. Đối với các nhà dân tộc học và nhân học Việt Nam hiện nay, hội đủ ba điều kiện này là điều không thể, nhưng vẫn có thể rút ra điều gì đó thích hợp với bản thân, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành nhân học Việt Nam trong điều kiện mới.

GIẢ THUYẾT VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH HỆ HÌNH TƯ DUY TRONG NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM ĐANG ĐỐI MẶT

Văn hóa các tộc người thiểu số ở Việt Nam và vấn đề đặt ra trong nghiên cứu.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh không có một sự phát triển nào trong xã hội mà không được bắt đầu từ văn hóa. Bảo tồn bản sắc văn hóa của các tộc người là vấn đề quan trọng hàng đầu trong xây dựng chính sách khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở quyền bình đẳng của tộc người, tạo lực phát triển cho dân tộc.

Như đã trình bày và phân tích ở trên, văn hóa là sự nội sinh tinh thần, là những hiện tượng hiện ra từ ý thức và được ý thức thực thể hóa vào trong hoạt động sống của con Người. Bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người không nhất thiết và cũng không thể bảo tồn toàn bộ những gì mà tộc người đã và đang có trong khi sự biến động và tiếp biến văn hóa luôn diễn ra. Do đó, chỉ cần bảo tồn những yếu tố văn hóa nào mà khi tộc người thể hiện ra, họ được là chính mình chứ không phải là người khác, là chủ thể văn hóa chứ không phải là đối tượng văn hóa. Nói rõ hơn họ là chủ thể cảm thụ, biểu hiện, phê bình và sáng tạo văn hóa của tộc người mà họ là thành viên. Người viết bài này đề nghị ba yếu tố cần lưu giữ và có thể được lấy làm tiêu chí đánh giá là tộc người đó có đánh mất bản sắc văn hóa của tộc người mình hay không, đó là:

Thứ nhất là ngôn ngữ. Đây là giá trị gốc riêng có, là linh hồn văn hóa của tộc người. Ngôn ngữ mất thì bản sắc văn hóa tộc người sẽ mất. Ngôn ngữ trước hết gồm tiếng nói và chữ viết, trong đó tiếng nói là yếu tố quyết định. Vì giữ được tiếng nói thì mới có thể phục hồi hay sáng tạo chữ viết. Một tộc người còn sử dụng được ngôn ngữ của chính tộc người mình thì mới là chủ thể văn hóa của tộc người đó;

Thứ hai là kiến trúc nhà ở, trang phục với những kiểu dáng, màu sắc, hoa văn và trang sức có tính đặc thù của tộc người. Đây là bản sắc văn hóa được cảm nhận đầu tiên và dễ gây ấn tượng nhất trong giao tiếp với cộng đồng tộc người khác

Thứ ba là nghi thức cưới xin, ma chay, nghi lễ thờ phụng đấng thiêng liêng… Đây là động thái văn hóa được “trình diễn” trong những thời điểm đặc biệt, thường bị pha lẫn với văn hóa của tộc người khác. Vì thế khó giữ được tính “nguyên mẫu” trong thực tế bảo tồn.

Yếu tố thứ hai và thứ ba cũng mang yếu tố ngôn ngữ nếu xem đây là những “văn bản”. Bằng phương pháp hiện tượng học hiện sinh và phương pháp thông diễn học, chúng ta có thể “đọc” và “hiểu” được phần nào bản sắc văn hóa của một tộc người qua những “văn bản” này.

Bản sắc văn hóa như là kết quả của “bộ lọc” những giá trị Sống trong tâm thức tộc người. Trải qua quá trình sống và giao tiếp với các tộc người khác, bộ lọc này dần loại trừ những giá trị văn hóa mà tự thân tộc người cảm thấy không còn phù hợp và tiếp nhận “một cách tự nhiên” những giá trị văn hóa của các tộc người khác, nhưng vẫn không làm mất giá trị gốc riêng có (ngôn ngữ) của tộc người.

Bản sắc văn hóa như là cá tính trong văn hóa tộc người, là sự nội sinh tinh thần của tộc người và có thể thay đổi trong sự tác động của hoàn cảnh. Nhưng sự thay đổi đó diễn ra trong sự tự nguyện chứ không phải trong sự cưỡng bước. Khi sự cưỡng bức văn hóa diễn ra, buộc tộc người phải từ bỏ giá trị riêng có đến mức những giá trị này dần trở nên xa lạ với chính tộc người đó thì sự tha hóa (tự đánh mất mình) đã diễn ra.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 tộc người theo danh mục được Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Dân tộc Trung ương, Tổng cục Thống kê công bố từ năm 1979 (theo quyết định số 121-CCTK/PPCĐ)

Những thành quả đóng góp của các nhà nhân học trong công tác xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong hơn bốn mươi năm qua là không thể phủ nhận, nhất là các Chương trình xóa đói, giảm nghèo. Nhưng từ kết luận “Thực tế này xuất phát từ chỗ các nhà nhân học đã nghiên cứu sâu về các tộc người ở các địa phương cụ thể, thấu hiểu những nền tảng và các nhân tố kiến tạo hay ảnh hưởng đến cuộc sống, bản sắc văn hóa, sự phát triển kinh tế và cố kết xã hội tộc người ở địa bàn nghiên cứu” 6 thì với những ai đang trăn trở, suy tư về hướng đi tiếp của ngành nhân học Việt Nam (trong đó có người viết bài này) không thể không đặt ra những vấn đề sau:

- Vì sao giới nghiên cứu nhân học Việt Nam cho đến nay vẫn chưa xây dựng một “khung lý thuyết - nguyên tắc ứng dụng” đáp ứng tính đặc thù của cộng đồng tộc người thiểu số ở Việt Nam để đáp ứng cho yêu cầu phát triển mới trong bước chuyển mới của hoàn cảnh? Sự cần thiết của “khung lý thuyết - nguyên tắc ứng dụng” này là điều hiển nhiên và hoàn toàn khả thi. Điều 5, Hiến pháp năm 1980 đã công nhận: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”. Điều 42, Hiến pháp năm 2013 tiếp dẫn cụ thể hơn về quyền này: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Triết lý để phát triển các dân tộc thiểu số cũng được xác định trong Điều 5 Hiến pháp năm 1992 “ Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Tinh thần này vẫn được tiếp tục duy trì trong Điều 5 Hiến pháp 2013 “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.

Có thể vì chưa có “khung lý thuyết - nguyên tắc ứng dụng” đáp ứng tính đặc thù của cộng đồng tộc người thiểu số ở Việt Nam nên các nhà nghiên cứu dân tộc học, nhân học Việt Nam chưa thể tham vấn, kiến nghị từ Quốc hội đến Chính phủ để có được một Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các tộc người thiểu số mang tính ổn định và thống nhất cao trong hành động? “Kể từ những năm 1980, Chính phủ đã đưa ra một hệ thống chính sách nhằm đoàn kết các dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển đất nước, với hơn 100 văn bản pháp lý được trên 10 cơ quan nhà nước ban hành. “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” là văn bản thống nhất các chính sách này. Kế hoạch thực hiện đề án đã được Chính phủ ban hành vào năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia tương ứng hiện đang được soạn thảo. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh luận về việc các chính sách này liệu có thể hiện được nhu cầu của người dân tộc thiểu số hay không” 10 .

- Có lẽ do sự hạn chế về kinh phí và thời gian, các công trình nghiên cứu về các tộc người ở Việt Nam tuy có áp dụng phương pháp định lượng và định tính nhưng gần như đều được thực hiện theo phương thức khảo sát - điều tra - mô tả - phân loại - nhận định - đánh giá - kết luận. “Về nguyên tắc, cần phải tham vấn ý kiến của người dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách, nhưng các quy trình này không dễ tiếp cận được đến với tất cả các dân tộc thiểu số” 10 . Phương thức nghiên cứu cũng như xây dựng và hoạch định chính sách từ bên ngoài đối tượng như vậy dễ mang tính áp đặt hơn là nắm bắt được mong muốn thiết thân mà thành viên tộc người muốn nói ra. Đây có phải là nguyên nhân làm cho việc áp dụng các thành quả nghiên cứu vào thực tế kém phần hiệu quả? Báo cáo chính trị Ðại hội XIII trong khi bàn về đầu tư phát triển vùng miền núi, dân tộc thiểu số, cũng đã có ý kiến cho rằng chính sách kinh tế của Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số như là “đổ dầu vào đèn, cháy hết rồi lại đổ cho đèn khỏi tắt”; hiệu quả kinh tế ít thành công, chưa phát huy được sức mạnh của các dân tộc trong phát triển kinh tế 11 .

- Nghiên cứu các tộc người thiểu số ở Việt Nam không chỉ đến từ “yêu cầu” của khoa học mà còn đến từ “mong muốn” của chính trị là “vùng cao tiến kịp vùng thấp, miền núi tiến kịp miền xuôi” - một mong muốn hết sức chính đáng của những người ra quyết sách về an sinh xã hội. Có lẽ, từ mong muốn này đã dẫn đến sự phiến diện trong nghiên cứu, nóng vội trong hoạch định và triển khai chính sách chỉ với yêu cầu là làm sao để giúp cho các dân tộc thiểu số thoát khỏi đói nghèo.

Sau hơn 40 năm thực thi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các tộc người thiểu số, như đã nói ở trên, sự nỗ lực đóng góp của các nhà dân tộc học, nhân học Việt Nam rất lớn, thành quả đạt được là không thể phủ nhận. “Tuy nhiên, không có nhiều tiến bộ trong hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực, phát triển văn hóa, phát huy tiếng nói và tăng sự tham gia của người dân tộc thiểu số vào phát triển cộng đồng. Chẳng hạn, văn hóa và lịch sử dân tộc Kinh vẫn chiếm ưu thế trong sách giáo khoa chính thống, các sách này chỉ được in bằng tiếng Việt. Các dự án xây dựng đập quy mô lớn và nông nghiệp hàng hóa gây ra tác động đáng kể đến hệ sinh thái rừng cùng với việc phân bổ lại đất đai đã đẩy người dân tộc thiểu số từ lối sống dựa vào rừng sang định canh nông nghiệp và sản xuất nông lâm nghiệp. Cách tiếp cận trong việc phân bổ đất đã bỏ qua tầm quan trọng của rừng cộng đồng trong thực hành tôn giáo và truyền thống của người dân tộc thiểu số. Các tổ chức tài trợ, cũng như Chính phủ, đã bày tỏ quan ngại về các chương trình này như: được thực hiện từ trên xuống, không dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về văn hóa và tôn giáo dân tộc thiểu số, được xây dựng mà không có sự tham khảo ý kiến ​​đầy đủ với các đại diện dân tộc thiểu số, chồng chéo về nội dung, thực hiện không đầy đủ và thiếu hiệu quả. Các nhà phê bình khác cho rằng các chương trình mang tính trợ cấp này không giúp cho các dân tộc thiểu số có quyền tự quyết” 10 .

Nhận định trên chưa hẳn thuyết phục được nhiều người và cũng không khó để viện dẫn nhiều căn nguyên khách quan lẫn chủ quan làm cho thực tế không thể vươn đến tầm mong muốn, cũng như mong muốn không đến được với thực tế một cách trọn vẹn. Ở đây, người viết bài này chỉ quan tâm đến vấn đề riêng về văn hóa các tộc người thiểu số. Chúng ta biết rằng, trong hoạch định chính sách thì điều tra là khâu đầu tiên cực kỳ quan trọng, đòi hỏi các hạng mục điều tra phải đủ và đúng với mục đích của cuộc điều tra. Thế nhưng, “Điều tra 53 Dân tộc thiểu số lại không được thật sự phong phú ở khía cạnh văn hóa (chỉ có 3 câu hỏi về việc sử dụng bài hát truyền thống, nhạc cụ truyền thống, điệu múa truyền thống của dân tộc) nên việc bổ sung chiều về văn hóa dân tộc không thực sự có ý nghĩa” [ 12 , tr.29-30]. Thực tế đang diễn ra chiều hướng “hy sinh văn hóa để đổi lấy kinh tế” trong triển khai các chính sách đến với các tộc người thiểu số.

Giá trị của những bài học lịch sử đã qua và chính thực tiễn sôi động của ngày hôm nay chắc chắn sẽ khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn nữa về vấn đề dựng nước và giữ nước: dựng nước và giữ nước cũng là để cho nước tồn tại và phát triển được ý thức cộng đồng của các tộc người thông qua việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các tộc người. “Các nền văn hóa, trước hết là những vùng di sản - ký ức của các tộc người, các cư dân phân bố theo không gian Sống của các cộng đồng dân tộc. Nền văn hóa dân tộc thường bao gồm các tiểu văn hóa (sous-cultures) mà mỗi tiểu văn hóa này có thể được đặc trưng bằng một lịch sử độc đáo với những nét đặc thù và bằng cả một kiểu riêng biệt với nền văn hóa chung” [ 13 , tr.150]. Có thể nói rằng bảo tồn bản sắc văn hóa của các tộc người là sự tái hiện lại ký ức mà các tộc người đó lưu giữ từ quá trình trải nghiệm sống của tổ tiên được lưu truyền trong ngôn ngữ, sử thi, phong tục, tập quán, lễ hội… Ký ức của tộc người vốn được tiếp nối qua từng thế hệ, cho nên ý thức tộc người có sử tính của nó. Sử tính lại như dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại. Nhưng tương lai nền văn hóa này sẽ ra sao khi ý thức tộc người và văn hóa của một số tộc người thiểu số đang có sự đứt gãy bởi những biến động trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay?

Ở vùng Tây Bắc, điều kiện cuộc sống còn khó khăn; tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo còn cao; khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế; có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn; có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống. “Tình trạng bản sắc văn hóa dân tộc Tây Bắc của nhiều tộc người bị mai một nghiêm trọng. Các dân tộc ít người nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me như: Kháng, Mảng, Khơ Mú… đang có nguy cơ bị “Thái hóa”. Các dân tộc ở vùng biên giới với Trung Quốc lại có nguy cơ bị “Hán hóa”, “Choang hóa”… Còn các dân tộc ở vùng ven đô thị, ven đường giao thông lại có nguy cơ bị “Kinh hóa”. Người Hà Nhì ở Ý Tý (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu) bỏ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục của người Hà Nhì - Trung Quốc sản xuất bằng vải công nghiệp” 14 .

Trong khi triết học đương đại quan niệm ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại và ngôn ngữ được suy tưởng như là nơi chốn để tồn tại “cư lưu” trong đó, thì lại có những tộc người thiểu số như “Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Lò Văn Lả ở Sơn La cho biết: Người Thái là một trong những tộc người thiểu số có số lượng đông nhất nước ta, cũng có chữ viết từ sớm; nhưng từ những năm 70 của thế kỷ XX trở lại đây, tiếng Thái rất ít được dùng. Chỉ có đài phát thanh, truyền thanh ở các huyện, thị xã có chương trình tiếng Thái; còn trong giao tiếp hằng ngày ở thành thị, thậm chí tại nhiều gia đình có bố mẹ là người Thái, chỉ toàn dùng tiếng phổ thông. Ở nông thôn, một số nhà vẫn dùng tiếng Thái nhưng rất ít. Hiện số người biết viết chữ Thái chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, các trường học cũng chỉ dạy bằng tiếng phổ thông. Ngôn ngữ dân tộc thiểu số không được giảng dạy như một song ngữ cho chủ thể văn hóa, cho nên ngày càng mất chỗ đứng trong đời sống hằng ngày” 15 . Tình cảnh đứt gãy ngôn ngữ này không chỉ diễn ra với tộc người Thái mà còn ở các tộc người khác. Những sử thi, như là tiếng nói của linh hồn tổ tiên của các tộc người, vốn chỉ được truyền khẩu qua từng thế hệ, giờ đây đã trở thành những “linh hồn chết” đối với những thành viên tộc người đang sống.

Ý thức các tộc người thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị xóa nhòa đi những ký ức - lịch sử về tộc người của mình là có thật, nhất là các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Sự hình thành các lâm trường cây công nghiệp, sự xâm nhập của kinh tế thị trường cùng với sự biến động dân cư bởi di cư và nhập cư khiến cho địa bàn sinh sống và phương thức canh tác tự nhiên của các tộc người thiểu số có sự biến động rất lớn. Nền kinh tế tự nhiên - hái lượm và săn bắt không còn. Quan hệ đặc thù giữa con người và giới tự nhiên trong nền kinh tế này đã biến mất. Các đấng thần linh vốn là những “giá đỡ tinh thần” khởi nguyên cho sự hình thành ý thức tộc người đã dần mất đi tính thiêng liêng của sử thi thần thánh. Nhu cầu tâm linh thì vẫn luôn luôn có nên các tộc người thiểu số phải tìm cách “bù đắp” bằng những thế lực siêu nhiên “hư ảo” khác. Việc họ gia nhập các tôn giáo, thậm chí là “tà giáo”, khác với tín ngưỡng phiếm thần truyền thống là điều cần phải suy nghĩ. Cùng với sự xâm thực của các dạng thức tinh thần ngoại lai, ý thức của các tộc người thiểu số đang có sự “biến dạng” chứ không phải là đang biến đổi để phát triển. Sự “tự nhân đôi mình một cách tích cực” đã không diễn ra khi không có sự kết hợp đồng bộ giữa chất lượng của sự canh tác tự nhiên với chất lượng tinh thần - xã hội biểu hiện qua những diễn biến văn hóa “không xuất phát từ” hoặc “không gắn với” ký ức – lịch sử của tộc người. Kể cả những nghi lễ, tập tục vốn mang tính truyền thống giờ cũng trở nên xa lạ khi đã ở trong không gian khác, thời điểm khác, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu quảng bá du lịch, như là sản phẩm hàng hóa của thị trường du lịch, chứ không phục vụ cho nhu cầu tinh thần nội tại vốn lắng đọng qua ngàn đời trong nếp sống du canh, du cư của cộng đồng tộc người. Những nghi lễ đã bị bứng ra khỏi “không gian thiêng” và “thời gian thiêng”. Hồn thiêng của núi rừng giờ chỉ là tiếng đồng vọng khắc khoải trong nắng chiều tàn trên nương rẫy hoang liêu.

Một dạng thức tha hóa trong cộng đồng tộc người đã xuất hiện. Nhưng cũng không dễ gì nhận ra sự tha hóa này. Chỉ có cách “đắm mình” trong đời sống của tộc người như cách mà J. Dournes đã từng trải nghiệm: “Đối với Dournes không gì bằng lắng nghe người Jörai nói, không phải khi họ trả lời phỏng vấn của ta – cái đó thường chẳng có giá trị mấy đâu, thậm chí rất có thể là thông tin giả, đánh lừa – mà là lúc họ trò chuyện bình thường cùng nhau hằng ngày, lúc họ đọc lời khấn, kể huyền thoại akhan cho nhau bên bếp lửa đêm nhà sàn, cả lúc họ nói nhịu hay vô tình nhớ nhầm… không hề biết và không quan tâm có một nhà dân tộc học đang chăm chú dõi theo từng lời của họ… Ông sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi có khi đến nhiều năm để tình cờ nghe được trong một cuộc trò chuyện bình thường, trong một đoạn một câu của một truyện kể, bỗng bất ngờ xuất hiện một thông tin quý mà ông còn thiếu… Tất nhiên ông còn nói thêm: cộng với lắng nghe, là một chút “trực cảm” của người đi tìm. Song trực cảm này nói cho cùng cũng do trải nghiệm lắng nghe trên thực địa lâu dài và tận tụy mà có” 9 .

Người ta thường chỉ nói đến sự tha hóa của công nhân và của sự sản xuất của công nhân trong kinh tế chính trị học hiện đại mà không quan tâm đến những lời bàn của Marx về bản chất ở tầng sâu của sự tha hóa trong xã hội mà người viết bài này xin được nhắc lại, đó là:

“3. Bản chất có tính loài của con người , giới tự nhiên cũng như năng khiếu tinh thần có tính loài của con người, bị biến thành một bản chất xa lạ với con người, thành phương tiện duy trì sự tồn tại cá nhân của con người…

4. Kết quả trực tiếp của việc con người bị làm cho trở thành xa lạ với sản phẩm lao động của mình, với hoạt động sinh sống của mình, với bản chất có tính loài của mình, là kết quả sau đây: con người bị làm cho trở thành xa lạ với con người. Khi con người đối diện với bản thân mình thì con người kia đối diện với nó…

Nói chung, luận điểm cho rằng bản chất có tính loài của con người bị làm cho trở thành xa lạ với con người, có nghĩa là một người này bị làm cho trở thành xa lạ với người khác và từng người trong số họ bị làm cho trở thành xa lạ với bản chất nhân loại” [ 1 , tr.121].

Như vậy là đã rõ: Bản chất có tính loài của con người (bản chất nhân loại) bị làm cho trở thành xa lạ với con người mới chính là dạng thức tha hóa mà Marx muốn nói đến (theo người viết bài này, có thể là muốn nhấn mạnh) khi nói về tha hóa. Căn cứ vào nội hàm của nó, ta có thể khẳng định rằng: dạng thức tha hóa này có thể diễn ra trong bất cứ hệ hình nào của tư duy về văn hóa.

Hiện tại, trong đời sống của các tộc người thiểu số ở Việt Nam, dạng thức tha hóa này đang diễn ra. Biểu hiện cụ thể là ý thức về lãnh thổ, ngôn ngữ, tộc danh, trang phục, các nghi lễ tôn giáo… đang dần trở nên xa lạ với chính thành viên của các tộc người. Chính họ cũng đã dần nhận ra dạng thức tha hóa này. Điều quan trọng là họ có chấp nhận hay không? Nếu họ chấp nhận thì nguy cơ cạn kiệt bản sắc văn hóa của các tộc người là có thật và hết sức cận kề. Nếu họ không chấp nhận thì xung đột có lẽ đang ngấm ngầm diễn ra trong ý thức giữa các tộc người.

Tác giả bài viết không đến mức cực đoan để khẳng định rằng tất cả các cộng đồng tộc người ở Việt Nam đều ở trong dạng thức tha hóa như đã nói trên vì đây là một tiến trình đan xen giữa biến động và ổn định của các tộc người trong lịch sử. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến dạng thức tha hóa này?

Giả thuyết về sự phân định hệ hình tư duy

Tính chất của hệ hình tư duy và cách tiếp cận

Trên cơ sở phân tích sự hình thành ý thức tộc người và dạng thức tha hóa văn hóa trong tộc người, chúng ta có thể đưa ra giả thuyết phân định ý thức tộc người ở Việt Nam thành hai hệ hình tư duy để trả lời cho câu hỏi trên 16 .

- Nhóm tộc người thuộc hệ hình tư duy “hòa hợp để phát triển”, theo nghĩa là luôn mở rộng sự giao tiếp, thậm chí chấp nhận sự đối đầu với nghịch cảnh để tìm cơ hội phát triển cho mình. Những tộc người này khi đối diện với cái đang là , họ luôn nghĩ đến cái cần phải tạo ra .

- Nhóm tộc người thuộc hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh”, theo nghĩa là bảo vệ nguyên vẹn cái ổn định đang có để an tâm về sự tồn tại của mình. Những tộc người này khi đối diện cái đang là , họ luôn nghĩ đó cũng là cái sẽ là .

Bản thân tư duy vốn là thể thống nhất mang tính lưỡng phân, một trạng thái đối lập nhị nguyên mang tính bất định. Sự phân chia thành hai hệ hình “hòa hợp để phát triển”và “bảo toàn để tự sinh” chỉ là sự định danh cho hai trạng thái đối lập và như là sự quy ước trong khoa học để phục vụ cho nghiên cứu về ý thức tộc người . Tính trội của một hệ hình có thể chuyển biến qua từng thời đoạn của lịch sử để trở thành hệ hình đối lập mang tính tiềm ẩn. Nghĩa là trong hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh” vẫn có sự tiềm ẩn của nhân tố “hòa hợp để phát triển” và ngược lại.

Ý nghĩa thực tiễn của giả thuyết này là: Mỗi hệ hình tư duy chỉ thích ứng cho mỗi thời kỳ nhất định của lịch sử. Việc duy trì quá mức hạn định của lịch sử cũng như việc vội vàng chuyển đổi khi lịch sử chưa đặt ra yêu cầu đối với một hệ hình tư duy cũng gây tác hại như nhau.

Việc xác định tính chất nào thể hiện trội hơn, rõ hơn để định danh một hệ hình tư duy thật sự thuyết phục được giới nghiên cứu cũng là điều không đơn giản, nếu không nói là vô cùng khó . Phải có những luận cứ rõ ràng và luận chứng một cách tường minh từ những nhân tố “nội sinh từ tinh thần” của tộc người đến những nhân tố “ngoại sinh từ hoàn cảnh”. Khó nhưng phải tiến hành để có cơ sở trong việc đánh thức tiềm năng của tộc người đang trong hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh”. Khó nhưng phải thực hiện để có cơ sở trong việc cảnh báo sự vượt quá giới hạn của tộc người đang trong hệ hình tư duy “hòa hợp để phát triển”. Người viết bài này tạm thời giả định những bước thực hiện khi ứng dụng giả thuyết về hệ hình tư duy trong nghiên cứu trở lại ý thức của các tộc người từ những công trình đã có.

Bước một: Thiết lập danh mục những thuộc tính riêng biệt của bản sắc văn hóa tộc người với ba yếu tố như đã trình bày trên, trong đó trọng điểm là ngôn ngữ.

Bước hai: Hệ thống những công trình nghiên cứu đã có về văn hóa tộc người thiểu số ở Việt Nam của các nhà dân tộc học và nhân học như là đối tượng nghiên cứu. Vì giờ đây, những công trình này trở thành những khả thể chưa được khai thác, những tiềm năng cần khám phá trở lại . Hy vọng sẽ phát hiện ra nhiều điều chứ không chỉ là bản sắc văn hóa.

Bước ba: Đối chiếu những kết quả nghiên cứu đạt được trong sự tác động của hoàn cảnh xã hội (nhân tố khách quan cực kỳ quan trọng) để đảm bảo tính đồng đại và lịch đại của kết quả nghiên cứu. Nếu là tộc người ở Tây Nguyên thì vấn đề được tiếp tục khảo sát từ thực trạng đời sống kinh tế - văn hóa xã hội của tộc người này trong các thời đoạn mà Chính quyền Việt Nam cộng hòa áp dụng triết lý Dân tộc - Dân hòa - Dân tiến [ 17 , tr.281] trong các chính sách đối với vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên thông qua những chuyên khảo rất có giá trị về chủ đề này. Tiếp đến là thời đoạn quan trọng nhất là từ sau năm 1975, với bao biến động trước làn sóng di dân của các tộc người khác đến Tây Nguyên, cùng với sự tác động của hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ những năm 1980 đến nay.

Cơ sở thực tiễn của giả thuyết về sự phân định hệ hình tư duy

Trong thời điểm hiện tại, ta có thể trực quan được sự khác biệt giữa các tộc người, nghĩa là có thể tạm thời phân định được tộc người nào thuộc hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh”, tộc người nào thuộc hệ hình “hòa hợp để phát triển”. Thận trọng hơn, chúng ta đẩy lùi sự cảm nhận này vào trong quá khứ để đối chiếu với hiện tại, qua đó hiểu được sự thăng trầm số phận của cộng đồng tộc người trong sự tồn tại đầy gian truân và cũng hết sức nghiệt ngã do sự tác động với các nhân tố khách quan ngoài ý muốn của họ. Như vậy, ta mới có thể xác tín vào sự phân định hệ hình tư duy của một tộc người. Ở đây, người viết bài này bước đầu chỉ mới tiếp cận vài tác phẩm về tộc người ở Tây Nguyên nhưng cũng đã có cơ sở của niềm tin vào giả thuyết về hệ hình phân định tư duy tộc người. Trọng tâm là hướng về tộc người có hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh” nhằm có những biện pháp vực họ đứng lên, hòa bước vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Lịch sử của các tộc người thuộc hệ hình tư duy “hòa hợp để phát triển” cũng rất nghiệt ngã. Vì để có sự hòa hợp để phát triển, phần lớn các tộc người này phải đối đầu với sự xung đột, phải đánh đổi bằng cả sinh mạng mới thoát khỏi sự thôn tính của tộc người khác. Có tộc người để tránh bị tiêu diệt đã phải di cư mong tìm thấy sự hòa hợp ở vùng đất mới để phát triển không chỉ một mà nhiều lần trong lịch sử của mình. Thường xuyên đối đầu với nghịch cảnh khiến cho ký ức của họ đã không bị đứt gãy mà luôn được tái hiện mới trong biến động mới. Tính kiên trì thích ứng với hoàn cảnh, luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh trở thành căn tính của tộc người thuộc hệ hình tư duy “hòa hợp để phát triển” mà vẫn có ý thức bảo toàn bản sắc văn hóa. Có thể dẫn chứng trường hợp của nhiều tộc người thiểu số ở Việt Nam như Dao, Nùng, Thái, Hoa, Giáy, Bố Y, Hà Nhì, Sán Dìu, Sán Chay. Những tộc người này nhanh chóng hoà nhập với cư dân bản địa, cùng vào sinh ra tử trong các cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Họ đã tự nguyện gia nhập vào cộng đồng dân tộc như một thành viên của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Lịch sử của những tộc người này cũng diễn biến đầy bi kịch nhưng thân phận tộc người này cũng luôn có những cuộc hồi sinh. Để hiểu rõ được nguồn lực của những cuộc hồi sinh này, thật lòng mà nói, là một yêu cầu quá xa tầm tay với của người viết bài này chứ không phải vì giới hạn bài viết không cho phép.

Cùng hệ hình tư duy “hòa hợp để phát triển”, cũng phải nói đến những tộc người từ các vùng của đất nước tự di cư đến địa bàn các tỉnh Tây Nguyên-Việt Nam như là cuộc đi tìm vùng đất mới sau khi đất nước thống nhất. Việc tìm hiểu điều gì đã diễn ra trong ý thức của những tộc người di cư trong sự bình yên cũng là điều hết sức thú vị nhưng người viết bài này lại chưa có điều kiện tiếp cận.

Đối tượng chính mà bước đầu người viết bài này muốn đề cập để định hướng cho sự tìm hiểu tiếp của bản thân là dạng thức tha hóa của những tộc người thuộc hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh”.

Thuộc hệ hình tư duy này trước hết là những tộc người vốn đã “yếu ớt về sinh thể”, ít về số lượng thành viên lại vướng vào những tình huống lịch sử khiến họ phải ở vào thế tồn tại biệt lập với cộng đồng, như tộc người Rục, người Sách, người Mày, người Mã Liềng, người Arem… mà tổ tiên là cư dân tiền Việt - Mường ở Việt Nam. Họ sống ở những vùng sâu, vùng xa còn phải đối mặt với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Nhưng thuộc hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh” còn có những tộc người vốn đã có một lịch sử thành công trong việc bảo vệ nền văn hóa và quyền tự trị của mình mà tộc người Jörai là một điển hình. Chính sự thành công trong bảo toàn nguyên vẹn cái đang có đã tạo ra sự “an phận” trong tồn tại, tạo nên sức ì quá lớn trong tư duy của tộc người Jörai. Tính bảo thủ, ngại tự mình thay đổi, khi có cơ hội thì chần chừ, do dự, chỉ mong người khác đem lại sự thay đổi cho mình là căn tính của tộc người thuộc hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh”. Những tộc người thuộc hệ hình tư duy này thường duy trì sự thiết kế một hệ thống cấu trúc xã hội rất chặt chẽ theo thứ bậc cùng với các cấu trúc coi trọng quan hệ huyết thống trong các liên minh của cộng đồng. Hệ thống này có năng lực kìm hãm sự xung đột nội tại rất lớn nhưng lại chông chênh không điểm tựa vì chỉ có hoặc là tồn tại hoặc là sụp đổ khi gặp xung đột ngoại lực chứ không có năng lực vừa tồn tại vừa biến đổi để thích ứng.

Ngay từ những năm của thập niên 70 thế kỷ XX, tộc người Jörai đã phải đối mặt với thách thức được và mất trong chặng đường tồn tại tiếp theo mà sự đánh đổi là điều đương nhiên phải chấp nhận nếu muốn phát triển. Vì “…môi trường sống đã bị quá trình đô thị hóa thay đổi… Hình thức thì thay đổi nhưng hệ thống vẫn vẹn nguyên – điều này sẽ cho thấy người Jörai có thể tự chuyển biến mà vẫn giữ được mình là mình. Đời sống tâm linh thì bị xáo trộn sâu sắc hơn, bởi nghi thức cúng bái vốn gắn quá chặt với vùng đất họ sinh sống và tín ngưỡng thì quá đặc thù (yang của nơi ở); tín ngưỡng - ma thuật vẫn tồn tại, thậm chí dưới lớp vỏ của một chủ nghĩa vô thần thực dụng…” [ 18 tr.375]. Cũng qua tác phẩm Pötao,một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương (1977), Jacques Dournes đã cho ta thấy cộng đồng tộc người Jörai có “một hệ thống chính trị mà không có thể chế chính trị, không có nhà nước, quân đội hay những giáo điều chính trị, tôn giáo” [ 8 , tr.65].

Nếu nói thiết chế cấu trúc xã hội của người Jörai đã dẫn đến hệ quả như thế nào , thì lại một lần nữa, khó có nhận định nào xác thực hơn nhận định của Jacques Dournes, nhà nhân học đã xem Tây Nguyên là quê hương thứ hai của đời mình. Ông đã nói lên sự “chông chênh không điểm tựa” của nền văn hóa, tôn giáo nguyên thủy của tộc người thuộc hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh” này như sau: “Dưới vẻ bên ngoài của các thiết chế và đằng sau các quy định về Pötao (cái chính trị - tôn giáo) và về H’Bia (cái gia đình) là những sức đề kháng giữ cho tình trạng vô chính phủ không thoái hóa thành hỗn loạn, thực tế xã hội – chính trị cuối cùng có thể chính là nền tự do không thể nắm bắt và không thể cai trị được họ, là trò chơi tinh tế của kẻ làm ra vẻ xu thời trong khi vẫn làm điều anh ta muốn, cười nhạo Quyền lực, Trật tự và cả chính mình – như ta có thể thấy qua các cử động trong các lễ hội và các tình huống trong huyền thoại. Lột nốt “lớp vỏ bọc” cuối cùng, chỉ thấy còn lại mỗi Rit , hoàn toàn trần truồng và hoàn toàn đơn độc, đi tìm cái điều mà những kẻ Quyền uy muốn cướp lấy của anh: mơ ước của anh, cuộc sống của anh, H’Bia ” [ 2 , tr.543].

Sự “chông chênh không điểm tựa” của nền văn hóa xuất phát từ hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh” của một hệ thống cấu trúc xã hội cạn kiệt sinh lực đã tạo sức ì quá lớn đến mức làm cho tộc người Jörai mất đi khả năng thích ứng đã tạo ra hệ lụy khó lường cho chính họ.

KẾT LUẬN

Thực tiễn của công cuộc đổi mới đã cho thấy việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ hòa bình rõ ràng không đơn giản như thời kỳ chiến tranh. Để đạt được sự đồng tâm nhất trí, chính sách đại đoàn kết dân tộc phải thỏa mãn nhu cầu và nguyện vọng riêng trong tập quán sinh hoạt đời sống vật chất và đời sống tinh thần của từng cộng đồng tộc người. Để cho chính sách đại đoàn kết dân tộc có được những luận cứ khoa học và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc được triển khai một cách có hiệu quả thì vấn đề ý thức tộc người và văn hóa tộc người là vấn đề cần phải được khảo sát trở lại trên nhiều phương diện.

Trước tình hình có những tộc người thiểu số vươn lên thành công, cuộc sống ngày càng phát triển, có những tộc người thiểu số vẫn mãi lâm vào đói nghèo, cuộc sống ngày càng lâm vào bế tắc trong khi cùng nhận được sự hỗ trợ như nhau từ các chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước, việc đề xuất một giả thuyết để tìm ra những giải pháp căn cơ là việc cần làm.

Quá trình hội nhập và phát triển đòi hỏi các tộc người phải có nội lực. Nội lực chỉ có được khi nội tâm được thức tỉnh. Có như vậy, mọi áp lực bên ngoài mới trở thành động lực bên trong ý thức của các tộc người. Sự đề xuất giả thuyết về sự phân định hai hệ hình tư duy “bảo toàn để tự sinh” và “hòa hợp để phát triển” nhằm giúp ta hiểu rõ hơn về ý thức tộc người và bước đầu đã có cơ sở minh chứng từ thực tiễn. Giả thuyết này sẽ được tiếp tục nghiên cứu để từ đây có được những giải pháp phù hợp cho việc giải quyết tình trạng “bằng mặt không bằng lòng” trong quan hệ giữa các tộc người trong cộng đồng cư dân ở Việt Nam; “hoá giải” được những bất đồng của các tộc người bản địa với chính quyền sở tại do việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước có lúc chưa “thấu tình, đạt lý”, không phù hợp với “cách suy, nếp nghĩ” vốn có của các tộc người thiểu số này; có những phương thức hiệu quả trong việc ngăn chặn những chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nhiều khi đến từ sự vô tình của chính quyền làm cho tộc người “bảo toàn để tự sinh” vốn tự ti nên dễ ngộ nhận là sự kỳ thị về văn hóa. Có như vậy mới phát huy được truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường và lòng tự hào của cả cộng đồng dân tộc. Nếu không, đến một lúc nào đó, sẽ có những tộc người thiểu số ở Việt Nam phải sống lưu vong trên Tổ quốc của mình.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả cảnh báo một dạng thức tha hóa trong văn hóa có thể diễn ra trong bất cứ tộc người nào, đó là: Bản chất có tính loài của con người (bản chất nhân loại) bị làm cho trở thành xa lạ với con người .

Tác giả đưa ra giả thuyết cùng với những luận cứ và luận chứng để phân định hai hệ hình tư duy “hòa hợp để phát triển” và “bảo toàn để tự sinh” trong ý thức tộc người thiểu số ở Việt Nam, mở ra hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu căn tính tộc người.

References

  1. C. Mác và Ph.Ăngghen. Tuyển tập, tập I. Hà Nội: Sự Thật. . 1980;:. Google Scholar
  2. Dournes Jacques. Pötao, một lý thuyết về quyền lực của người Jörai Đông Dương. (Nguyên Ngọc dịch). Hà Nội: Tri thức. . 2013;:. Google Scholar
  3. Munasinghe .Viranjini. Ethnicity in Anthropology. . 2018;:. Google Scholar
  4. Tình Vương Xuân. Cộng đồng kiến tạo: Tộc người với quốc gia - dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam. Hà Nội: Khoa học xã hội. . 2019;:. Google Scholar
  5. Chi Nguyễn Từ. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Hà Nội: Văn hóa dân tộc. . 2003;:. Google Scholar
  6. Tình Vương Xuân, Mười Vũ Đình. Nhân học tộc người. . 2021;:. Google Scholar
  7. Diệu Nguyễn Quang. Tây nguyên qua khám phá của các học giả người Pháp. . 2021;:. Google Scholar
  8. Hardy Andrew. Nhà nhân học chân trần: Nghe và đọc Jacques Dournes. (Nguyên Ngọc dịch). Hà Nội: Tri thức. . 2013;:. Google Scholar
  9. Ngọc Nguyên. Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội người Jörai. . 2021;:. Google Scholar
  10. Chính sách và quyền của người dân tộc thiểu số và người bản địa. . 2020;:. Google Scholar
  11. Que Lù Văn. Ðề cao vai trò, vị trí của đồng bào dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển đất nước. . 2021;:. Google Scholar
  12. Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển/Nhóm Ngân hàng Thế giới 1818 H Street, NW, Washington, DC20433 USA (2019). Báo cáo nghiên cứu Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Hà Nội: Hồng Đức. . ;:. Google Scholar
  13. Đồng Trần Kỳ. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Phật giáo châu Á và Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhìn từ hệ quan điểm Ký ức - Lịch sử - Dân tộc. Trong Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 & Môi trường bền vững. Hà Nội: Tôn giáo. . 2019;:. Google Scholar
  14. Hoài Nguyễn Thị Thu. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tộc người thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay. . 2020;:. Google Scholar
  15. Trang Hồng. Chung tay giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. . 2017;:. Google Scholar
  16. Đồng Trần Kỳ. Từ tư duy dân tộc Việt, nhận định sự hợp lưu tư tưởng trong thời kỳ Lý Trần. Trong Tư tưởng Việt Nam thời Lý Trần. Hà Nội: Chính trị Quốc gia. . 2008;:424-443. Google Scholar
  17. Tiệp Nguyễn Văn. Chính sách dân tộc của chính quyền Việt Nam cộng hòa và tác động của nó đến vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên (1955-1975). Hà Nội: Tri thức. . 2020;:. Google Scholar
  18. Dournes Jacques. Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai. (Nguyễn Phương Chi dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính). Hà Nội: Thế giới. . 2021;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1345-1356
Published: Dec 15, 2021
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.699

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Đồng, T. (2021). Ethnic Consciousness with the assumption of thinking paradigm in cultural issues that ethnic minorities of Viet Nam are facing. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(4), 1345-1356. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.699

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 584 times
PDF   = 242 times
XML   = 0 times
Total   = 242 times