VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Reviews - Science Sciences

HTML

200

Total

73

Share

Improving the quality of scientific research associated with teaching and learning activities at universities






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In order to meet the requirements of the industrialization and modernization of the country in the new situation, scientific research activities associated with teaching and learning at universities are very important. The context of the industrial revolution 4.0 along with the process of international integration increasingly requires a comprehensive view to further improve the quality of this activity as an important content of the university culture building strategy of each school in the new period. On the basis of inheriting some previous research results by the main method of direct participation, the field surveys combined with the references to the secondary and primary documents with the summary reports, as well as the in-depth interviews with some scientists, educational administrators, etc., and at the same time, through the interdisciplinary approach of education combined with pedagogy, psychology, culturology, sociology, etc., and based on the common views and guidelines of UNESCO, the Communist Party and the State of Vietnam on education, the article mainly focuses on the case study of the University of Social Sciences and Humanities (Vietnam National University Ho Chi Minh City) and Nguyen Tat Thanh University to find out common issues related to research topics at universities (public and private) in the current period. On that basis and from the classic arguments in relation to the principles of education compared with actual requirements, the article initially outlines the contents, which need to be promoted or adjusted and improved in both awareness and understanding about management and organization, do not only contribute to a clearer definition of the methods and methodologies for improving the quality of scientific research in human resource training in the different fields of science and engineering and technology, but also step by step go deeper into specific specialized fields such as culture, art, physical training and sports, tourism, etc., which is a growing trend in universities today.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Giáo dục Việt Nam hiện nay bên cạnh những thành tựu thì đang phải thường xuyên đối đầu với những thách thức mới ngày càng gay gắt cho quá trình phát triển của mình. Quá trình toàn cầu hóa cùng với xã hội hóa giáo dục ngày càng mở rộng sẽ làm gia tăng cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo ở trong nước lẫn ngoài nước trên nhiều mặt từ nguồn nhân lực, tài chính cho đến trình độ quản lý, đặc biệt là về chất lượng đào tạo, gồm cả chất lượng NCKH gắn với dạy và học. Theo đó, nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định quan điểm: “Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả…” trên cơ sở: “Tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh…Có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học” [ 1 , tr.3 & 10]. Cũng từ đó, sự phát triển của các trường đại học trong cả nước đã ngày càng được tập trung nâng cao nhiều hơn về chất lượng, gồm cả chất lượng các hoạt động NCKH gắn với dạy và học thông qua nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là về kiểm định chất lượng. Cụ thể, lấy mốc từ năm 2008 trở đi, thông qua Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT với 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí đánh giá trường đại học (gồm cả đánh giá chất lượng NCKH gắn với dạy và học). Tiếp theo, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí theo chuẩn kiểm định mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA), tiếp sau đó là sự tham gia của các tổ chức kiểm định uy tín trên thế giới (như ABET, AUN-QA, CTI, ACBSP và FIBAA, …). Đến hết năm 2020, đánh giá ngoài xong vòng một đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế 2 …Chỉ tính riêng các tỉnh phía Nam, đã có nhiều trường đại học tích cực thực hiện nhiệm vụ này như các trường thành viên Đại học Quốc Gia TP. HCM (ĐHQG-HCM) (trong đó có Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH An Giang, ĐH Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm TP. HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc Tế Hồng Bàng, Đại học Văn Lang,… Trên cơ sở đó, trong tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ GDĐT đã khẳng định: “Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19” nhưng “Tự chủ đại học trong năm qua cũng được đẩy mạnh, tạo đột phá về quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học” 3 ... Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đồng thời với sự phát triển cả số lượng lẫn chất lượng các công trình NCKH, đặc biệt là về các bài báo công bố quốc tế thuộc danh mục hệ thống ISI, Scopus…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên vẫn còn một số hạn chế đáng lưu ý như Nghị quyết 29-NQ/TW đã từng nêu ra: “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp… Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động” [ 1 , tr.2]. Đó chính là những yêu cầu trọng tâm đặt ra cho bài viết, thông qua khảo sát thực tế tại hai đơn vị mang tính tiêu biểu cho các trường đại học cả công lập và tư thục (có liên hệ đối chiếu với một số trường khác) về chất lượng của các hoạt động NCKH gắn với dạy và học, cụ thể là qua các công trình công bố quốc tế và trong nước (tạp chí, hội thảo, tọa đàm…), đề tài của cán bộ giáo viên, các sách/giáo trình được thực hiện, các công trình gồm cả khóa luận, luận văn, luận án của SV, HV, NCS,… Vấn đề trọng tâm đặt ra là bên cạnh những thành tựu cần khẳng định, đâu là những tồn tại cần tháo gỡ và những giải pháp cần đề xuất để có thể tiếp tục nâng cao chất lượng NCKH gắn trong hoạt động dạy và học của các trường đại học nói chung.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Một số cơ sở lý luận

Về nghiên cứu khoa học

Với ý nghĩa chung nhất, nghiên cứu khoa học (NCKH) là dạng hoạt động thuộc hình thái ý thức xã hội, vừa là một dạng hoạt động thực tiễn, một công cụ không chỉ nhằm nâng cao nhận thức mà còn để cải tạo thực tế đời sống, góp phần tích cực vào sự phát triển con người và xã hội 4 . Theo đó, khái niệm NCKH ở đây dùng để chỉ các hoạt động nhằm phát triển các tri thức về tự nhiên, về xã hội và tư duy (rộng ra gồm cả trong kỹ thuật và công nghệ) được tích lũy thông qua quá trình nhận thức và thực hành một cách bài bản, có phương pháp trên cơ sở từ thực tiễn và có thể ứng dụng vào thực tiễn nhằm đem lại sự phát triển cho bản thân khoa học, kỹ thuật và công nghệ, cao nhất là vì lợi ích xã hội và hạnh phúc con người.

Từ bản chất trên, trong mối quan hệ với thực tế, người ta tạm phân loại NCKH theo bốn hệ thống loại hình 4 : (1) Khoa học tự nhiên (chủ yếu liên quan các quy luật tự nhiên); (2) Khoa học xã hội (hoặc Khoa học xã hội và nhân văn : chủ yếu liên quan các quy luật thuộc đời sống xã hội và con người); (3) Khoa học kỹ thuật (chủ yếu vận dụng lý thuyết khoa học vào hoạt động thực tiễn thông qua những phương tiện, phương pháp, kỹ năng nhằm tạo ra các sản phẩm cụ thể phục vụ đời sống vật chất, tinh thần…); (4) Khoa học công nghệ (kiến thức, khả năng sử dụng thành tựu khoa học kỹ thuật với các yếu tố cụ thể: Vật tư - kỹ thuật (technoware), con người (humanware), thông tin (inforware), tổ chức (orgaware)…thông qua việc thực hiện tốt quá trình học tập, đào tạo, chuyển giao để nhằm trực tiếp tạo ra những “quy trình”, “dây chuyền” công nghệ góp phần nhanh chóng ứng dụng phục vụ đời sống hoặc nâng cao trình độ phát triển nền sản xuất xã hội…). Nội dung mỗi loại hình NCKH như vừa nêu gồm có: (1) Tri thức lý luận; (2) Tri thức kinh nghiệm; (3) Giả thuyết và giải pháp khả thi; (4) Phương pháp, cách xử lý và ứng dụng…Và, tất cả dựa trên hai hệ thống phương pháp: Nghiên cứu cơ bản và Nghiên cứu ứng dụng. Nghiên cứu cơ bản (Fundamental/Basic Reasearch) chủ yếu dựa trên những định đề khoa học có sẵn, tạo ra những tri thức/chân lý mới bằng lý thuyết/lý luận (theory) nhằm “phản ánh các thuộc tính, quan hệ, quy luật khách quan của lĩnh vực hiện thực nghiên cứu…”, đó là một loại hoạt động “thí nghiệm trong tư tưởng” [ 5 , tr.136]. Theo đó, Nghiên cứu ứng dụng (Applied/Action research) tuy không tách rời, có thể vận dụng lý thuyết/luận của Nghiên cứu cơ bản như vừa nói nhưng mục đích cuối cùng là nhằm để tạo ra các nguyên lý, giải pháp, phương thức, phương tiện áp dụng vào thực tế đời sống. Ngoài ra, liên quan Nghiên cứu ứng dụng còn có các hình thức Nghiên cứu triển khai (Expanded reasearch) tức kết quả, thành tựu NCKH được chuyển hóa thành quy trình công nghệ, phương pháp tác nghiệp tạo ra sản phẩm, dịch vụ để góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống xã hội và con người (có thể kiểm chứng được).

Về nghiên cứu khoa học gắn với hoạt động dạy và học ở các trường đại học

Khi nói đến NCKH nhất thiết phải nói đến môi trường và điều kiện cơ bản ngoài các cơ quan chuyên trách nghiên cứu, đặc biệt phải nói tới các hoạt động giáo dục nhà trường nói chung. Trong đó, giáo dục đại học có vị trí quan trọng và vai trò quyết định đối với việc đào tạo nguồn nhân lực và sự phát triển xã hội. Khác với các bậc học trước đó mang tính chất trang bị “trình độ phổ thông”, chương trình giáo dục đại học nhằm đào tạo ra các cử nhân theo nghĩa đó là những “người lớn” thực sự vừa có đủ tư cách làm công dân vừa có nghề nghiệp rõ ràng, đủ khả năng tự lập để có thể làm chủ cuộc sống của mình. Hơn thế nữa, giáo dục đại học còn bao gồm cả chương trình sau đại học có thể góp phần đào tạo những người có trình độ chuyên môn cao và khả năng nghiên cứu chuyên sâu trên các lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, người ta khẳng định rằng văn hoá đại học thuộc về một nền văn hóa “giáo dục đỉnh cao” (higher education, theo nghĩa đen) hoặc “giáo dục hàn lâm” (academic education) theo cách như một giảng viên Triết học và Khoa học chính trị của Đại học Paris II đã từng nói: “Văn hoá đại học bao gồm một sự tổng hợp giữa (tính) bách khoa toàn thư và (tính) cá biệt của việc nghiên cứu đang được thực hiện” 6 . Nhờ tính chất đó, trong bối cảnh thời đại ngày nay, người ta đã khẳng định: “Các trường đại học là một phần của hội nhập toàn cầu về văn hoá, công nghiệp và xã hội” [ 7 , tr.39].

Từ những nhận thức như vậy kết hợp với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình hình thành nền giáo dục hiện đại và vai trò, vị trí của giáo dục đại học trong sự phân cấp của hệ thống giáo dục hiện nay, nghị quyết 29-NQ/TW đã xác định: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo…Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân” với mục tiêu cụ thể là phải “Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia…Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề” [ 1 , tr.3 & 4].

Về chất lượng NCKH trong quan hệ với chất lượng dạy và học ở các trường đại học

Từ trước đến nay, chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau đến độ người ta cho rằng rất khó thống nhất “quan niệm về chất lượng trong giáo dục đại học” và đó “là một khái niệm mang tính tương đối” [ 8 , tr.32]. Tuy nhiên, điểm gặp nhau khi nói đến chất lượng đào tạo đại học (gồm cả NCKH) theo ý kiến chung vẫn là nói đến mục tiêu và kết quả thực tế của mọi quá trình giáo dục ở trong bất kỳ cơ sở đào tạo đại học nào, bao gồm: “Chất lượng ấy trên tầm vĩ mô được quyết định ở mục tiêu đào tạo phản ánh đúng và đáp ứng kịp các nhu cầu xã hội…Chất lượng ấy ở tầng vi mô không có gì khác hơn đó chính là vốn văn hóa…và vốn nghề nghiệp…được truyền thụ và tiếp thu tốt nhất thông qua các quá trình dạy và học tích cực tại từng khoa, bộ môn cụ thể…” [ 9 , tr.106]. Đây cũng chính là lý do để người ta có thể khẳng định về mối quan hệ tất yếu giữa chất lượng giảng dạy và học tập gắn với chất lượng NCKH trong thực tế hoạt động của các trường đại học, là nhân tố góp phần quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo đại học nói chung.

Về nguyên lý, nói đến chất lượng NCKH là nói đến chất lượng của một khâu cụ thể có quan hệ hữu cơ với toàn bộ các khâu trong quá trình đào tạo của một trường đại học. Do vậy không thể khác, tiêu chí đánh giá chất lượng NCKH trong thực tế phải gắn với các quan điểm, tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục đại học nói chung. Chẳng hạn, trên thế giới đó là các tiêu chí theo các quan điểm phổ biến đánh giá chất lượng giáo dục 10 , hoặc cụ thể gần đây, Tổ chức Đảm bảo chất lượng Giáo dục đại học quốc tế (INQAAHE) với hai tiêu chí gồm : “ Tuân theo các chuẩn quy định ” (dựa theo “Bộ tiêu chí chuẩn”), và “ Đạt được các mục tiêu đề ra ” (xác lập theo từng lĩnh vực trên cơ sở trình độ kinh tế - xã hội của đất nước và đặc thù của mỗi trường đại học), trong đó NCKH là một tiêu chuẩn gắn liền với các mục tiêu dạy và học của trường 11 . Nhìn chung, nét cơ bản các tiêu chí này đều đặt vấn đề trọng tâm “Làm phong phú thêm kho tàng kiến thức thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học”, do đó “Tương tác giữa nghiên cứu khoa học và chất lượng đào tạo” là vấn đề tất yếu, trong đó NCKH là “một chức năng không thể thiếu được để đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo” thông qua “các phương pháp hoặc quy trình được tiến hành nhằm kiểm tra đánh giá xem các sản phẩm có thể đảm bảo được các thông số chất lượng theo yêu cầu, mục đích đã định sẵn” [ 8 , tr.33&46]. Cũng theo hướng như vậy, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo dùng cho các trường đại học Việt Nam với 8 lĩnh vực và 26 tiêu chí đánh giá, trong đó lĩnh vực 5 là về “Nghiên cứu khoa học” với các quy định rất cụ thể…[ 8 , tr.87 - 97]. Hoặc, Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng có những tiêu chí cụ thể liên quan NCKH gắn với dạy và học 12 ...

Thực tiễn về chất lượng nghiên cứu khoa học gắn với hoạt động dạy và học ở các trường đại học (qua thực tế trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

Khái quát về chất lượng NCKH gắn với hoạt động dạy và học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM (trong hệ thống các trường đại học công lập)

Các trường đại học công lập từ khi bước vào thời kỳ “Đổi mới” và “Mở cửa” mà thực chất là xóa cơ chế quan liêu bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường (theo định hướng xã hội chủ nghĩa) và hội nhập với thị trường toàn thế giới, phải chuyển động mạnh mẽ theo hướng sẽ được phân tầng thành các đại học định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành theo tinh thần Nghị định 73/2015/NĐ-CP 13 . Từ đó, vấn đề tự chủ đại học cũng ngày càng được đề cao và dần được hình thành, tạo điều kiện để các đại học chủ động hơn trong đào tạo và cả trong NCKH theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ “Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi mới các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017” và Nghị định 16/2015/NĐ-CP 14 . Sự phát triển năng động của các trường đại học công lập (cùng các trường ngoài công lập cũng ngày càng phát triển mạnh) sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh không chỉ về cung cấp dịch vụ đào tạo và dịch vụ khoa học công nghệ mà còn về thu hút, thúc đẩy sự phát triển năng động nguồn nhân lực của các trường đại học nhằm góp phần nâng cao chất lượng NCKH và đào tạo ngày càng tốt hơn.

Trong hệ thống các trường trực thuộc ĐHQG-HCM, trường ĐH KHXH&NV với lịch sử hơn 60 năm hình thành cùng với ĐH KHXH&NV (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong hai trung tâm đào tạo các ngành khoa học xã hội lớn nhất nước trong đó, ĐH KHXH&NV là đại học công lập lớn hàng đầu ở phía Nam. Trên cơ sở giá trị cốt lõi “Sáng tạo – Dẫn dắt – Trách nhiệm” (ban hành từ năm học 2018 – 2019), nội dung “ Sáng tạo ” của nhà trường được xác định trọng tâm là “Làm mới tri thức và sáng tạo tri thức mới, phát huy tinh thần khai phóng” và Tầm nhìn được xác định là “Xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành trường đại học nghiên cứu trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong tốp đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của châu Á” cùng với Sứ mạng : “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn…” 15 . Trên thực tế với vị thế của một trung tâm lớn hàng đầu cả nước về đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội, từ lâu hoạt động NCKH gắn trong dạy và học của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong công trình “ Thư mục các công trình khoa học 60 năm hình thành và phát triển Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM ” (năm 2017) với độ dày 1.655 trang (khổ lớn), “Bảng tra đề mục” công trình chia thành 22 mục liên quan các lĩnh vực đào tạo của trường, mỗi mục gồm: Tài liệu tham khảo, giáo trình; Đề tài nghiên cứu khoa học (của giảng viên, của sinh viên); Kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học; Luận án, luận văn. Tổng cộng trong bộ Thư mục này đã có 7.656 công trình được liệt kê chính thức 16 . Cũng trên thực tế, càng về sau hoạt động NCKH (gắn với dạy và học) của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM ngày càng phát triển mạnh hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Báo cáo Tổng kết năm học 2019-2020 & Kế hoạch công tác năm học 2020 -2021 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn liên quan phần đánh giá về NCKH với một vài bảng thống kê cụ thể được trích ra như trình bày tại Table 1 , Table 2 , Table 3 15 , 17 .

Table 1 Số lượng đề tài NCKH và chuyển giao công nghệ ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM
Table 2 Đề tài cấp ĐHQG-HCM C
Table 3 Kết quả NCKH của sinh viên ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM

Gần đây, Kế hoạch chiến lược Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035 bao gồm cả “Chiến lược phát triển khoa học & công nghệ, phục vụ cộng đồng” với “Mục tiêu chung” là: “Nâng cao chất lượng nghiên cứu KH&CN và năng lực công bố khoa học, đóng góp thiết thực cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước và các địa phương”. Trong các “Mục tiêu cụ thể/Giải pháp/Đơn vị chủ trì” có mục tiêu: “Nâng cao chất lượng các nghiên cứu cơ bản và đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực KHXH&NV”, cụ thể gồm có: (1) Xác định các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trọng tâm hàng năm; (2) Ưu tiên triển khai các đề tài NCKH có tính ứng dụng; (3) Tăng cường các nghiên cứu liên ngành dựa trên sức mạnh hệ thống của ĐHQG-HCM; (4) Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các đề tài NCKH của Trường; (5) Định hướng ứng dụng các nghiên cứu cơ bản vào hoạt động tư vấn, xây dựng chính sách về kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương và vào việc phát triển ngành; (6) Chủ động quảng bá và thực hiện các nghiên cúu theo nhu cầu của đối tác…Ngoài ra, văn bản này còn có phần Phụ lục về “Các chỉ số đo lường kết quả thực hiện NCKH…” gồm: (1) (2) Tỉ lệ bài/GV/năm đăng tạp chí quốc tế không thuộc danh mục ISI/Scopus và thuộc danh mục ISI/Scopus; (3) Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản trọng điểm được thực hiện; (4) Số lượng đề tài nghiên cứu ứng dụng được thực hiện; (5) Số lượng ứng dụng các nghiên cứu cơ bản vào hoạt động tư vấn, xây dựng chính sách, chiến lược về kinh tế - xã hội tại các địa phương… 18 .

Vài nét về chất lượng hoạt động NCKH gắn với dạy và học của Đại học Nguyễn Tất Thành (trong hệ thống các trường đại học tư thục)

Bên cạnh các trường công lập, các đại học tư thục ngày càng được khẳng định rõ và phát huy tốt vai trò của mình trong hệ thống giáo dục đại học, trong đó việc kết hợp giữa NCKH với dạy và học vẫn là một vấn đề quan trọng. Theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số: 34/2018/QH14) do Quốc hội ban hành ngày 19/11/2018: “Loại hình cơ sở giáo dục đại học bao gồm công lập, tư thục…” và tất cả “đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều 12. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học đã đặt rõ vấn đề “có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học” trên cơ sở vấn đề chung cho các trường đại học (gồm cả tư thục) đó là “Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ…” 19 .

Đại học Nguyễn Tất Thành vốn xuất thân là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, được thành lập từ năm 2011 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành (thành lập từ năm 2005), gồm 14 khoa, 54 chương trình đào tạo hệ chính quy và các ngành đào tạo liên thông các bậc học. Với triết lý giáo dục “ Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp ”, Đại học Nguyễn Tất Thành xác định: “Người học hình thành năng lực thông qua môi trường học thuật được tạo lập và gắn kết với doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phục vụ cộng đồng...”, với Sứ mạng “cung cấp nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập, có sức cạnh tranh cao trong thị trường lao động trong và ngoài nước thông qua hoạt động đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ…” và với một trong những Giá trị cốt lõi là “Năng động (trong học tập, nghiên cứu, và làm việc)”, đặc biệt: “Phát triển và đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ theo định hướng nghiên cứu ứng dụng để nâng cao chất lượng đào tạo; chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số, nâng cao vị thế khoa học của Trường trong và ngoài nước”...Nhờ những nỗ lực cao theo định hướng như vậy, ngoài thành tích đạt nhiều chuẩn kiểm định quốc gia và quốc tế, Đại học Nguyễn Tất Thành là trường đại học ngoài công lập duy nhất tại TP. Hồ Chí Minh lọt Top 20 về các chỉ số NCKH tại Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam (UPM) 20 . Tính đến nay, Trường đã có 1500 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, gồm 30 đề tài cấp Nhà nước, 32 đề tài cấp Bộ, 24 đề tài cấp Sở, và 4 đề tài hợp tác quốc tế, 712 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tổng số lượng bài báo công bố trong nước và quốc tế gần 3.000 bài, trong đó trên 1.000 bài bài báo đăng trong tạp chí trong nước và gần 2.000 bài được đăng trên tạp chí thuộc Scopus/ISI...Trong năm 2020, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có hơn 660 công bố đăng trên tạp chí ISI/ Scopus, hơn 450 bài đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế, 10 đơn đăng ký giải pháp hữu ích và độc quyền sáng chế được chấp nhận. Tổng kinh phí dành cho tất cả các đề tài các cấp này hơn 60 tỷ đồng, trong đó đầu tư 3 - 5% kinh phí tự có cho các dự án NCKH. Table 4 trình bày thống kê chung 21 .

Table 4 Thống kê số liệu về NCKH của Đại học Nguyễn Tất Thành

Một số nhận định chung

Qua nghiên cứu thực tế các trường đại học mà ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM và Đại học Nguyễn Tất Thành là những mẫu khảo sát điển hình, điểm nổi bật là NCKH cùng với dạy và học luôn được xác định là hai nhiệm vụ trung tâm trong các hoạt động thường xuyên của các khoa, bộ môn của các trường này. Lẽ đương nhiên các hoạt động đó đã trở thành là một trong những nhân tố cốt lõi có vai trò quyết định đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung. Cụ thể đó là các chỉ tiêu, kế hoạch hoạt động NCKH cùng với dạy và học mặc nhiên trở thành chỉ tiêu, kế hoạch hoạt động chủ yếu của từng cá nhân và cả tập thể đơn vị, trực tiếp là ở các khoa, bộ môn và gián tiếp chi phối toàn bộ hoạt động các bộ phận chức năng trong trường. Kể cả công tác thi đua, khen thưởng, các danh hiệu, học hàm học vị... nhìn chung đều được dựa trên cơ sở các hoạt động này. Do thực tế như vậy nên các trường đại học nhìn chung đều từng bước chú ý xây dựng hoàn thiện các quy chế, kế hoạch về NCKH gắn với dạy và học gồm cả việc nâng cao chất lượng hoạt động ấy. Trong quá trình thực hiện các chính sách về NCKH, nhà trường đã có những điều chỉnh, bổ sung và đổi mới các quy định để sát với thực tế, động viên được giáo viên, SV/HV/NCS và phù hợp với chiến lược của từng trường, từng khoa, bộ môn trong từng giai đoạn cụ thể… Đáng chú ý là các trường ngày càng quan tâm đối với hoạt động tham gia đấu thầu các chương trình NCKH cấp tỉnh hoặc hợp tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, xây dựng kinh tế các địa phương. Đây là phương thức có nhiều hiệu quả cả về NCKH lẫn dạy và học của giáo viên cũng như của SV/HV/NCS,…

Bên cạnh các nỗ lực với những thành quả tích cực như nêu trên, các trường vẫn tự đánh giá rằng hoạt động NCKH vẫn là việc khó trong thực tế triển khai để đem lại chất lượng và hiệu quả thực sự so với yêu cầu dạy và học đại học, đặc biệt là sau đại học. Rõ nét nhất là ngay cả chất lượng khoa học và đặc biệt là về thực tiễn của các khóa luận, luận văn, luận án nhìn chung vẫn còn hạn chế...Vẫn còn nhiều tiềm năng và khả năng của các trường chưa được phát huy hết, chẳng hạn như số lượng các công trình NCKH cũng như các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế chưa nhiều. Các giải pháp quản lý, cơ chế khen thưởng để khuyến khích giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ NCKH đôi khi chỉ đạt chỉ tiêu mang tính hình thức, chưa thật sự gắn sát với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học... Nhìn trên tổng thể, các trường đại học nói chung đến nay đang ở trong tình trạng vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định về tổ chức, quản lý, cơ chế, chính sách và cả về nội dung học thuật, phương pháp…để đảm bảo nâng cao chất lượng NCKH gắn trong hoạt động dạy và học, hoàn toàn khắc phục hạn chế mà Nghị quyết 29-NQ/TW đã từng nêu ra trước đây liên quan vấn đề này 1 … Đây là những vấn đề chắc chắn vẫn đòi hỏi cần phải có những nỗ lực cao hơn nữa trước những yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tế kết hợp đối chiếu với tiêu chuẩn đánh giá theo các văn bản pháp quy hiện hành. Ví dụ, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo dùng cho các trường đại học Việt Nam với 8 lĩnh vực (LV) và 26 tiêu chí (TC) đánh giá, trong đó LV5 là về “Nghiên cứu khoa học” với quy định rất cụ thể như TC 18: Đề tài nghiên cứu khoa học được xác định là “thước đo hoạt động nghiên cứu khoa học”; “Hoạt động khoa học phục vụ xã hội” (Tư vấn và chuyển giao công nghệ) được khẳng định “là khâu triển khai các kết quả nghiên cứu, kết quả sáng tạo…phản ánh chất lượng nghiên cứu và chất lượng giáo viên” 8 … Hoặc, Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT) với Điều 10, Tiêu chuẩn 6 về “Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên” đã nêu rõ: “Tỉ lệ giảng viên/người học và khối lượng công việc của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được đo lường, giám sát làm căn cứ cải tiến chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng”; Điều 14. Tiêu chuẩn 10: về “Nâng cao chất lượng” cũng đã nói rõ: “Các kết quả nghiên cứu khoa học được sử dụng để cải tiến việc dạy và học” 12 … Những tiêu chí như vậy không chỉ đặt ra những chuẩn mực mang tính chất vừa là yêu cầu để phấn đấu trong thực tế quản lý xây dựng văn hóa đại học vừa là cơ sở cho những nhận thức khoa học ngày càng đầy đủ hơn về những giải pháp nâng cao chất lượng NCKH gắn với dạy và học.

Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học gắn trong hoạt động dạy và học ở các trường đại học

Từ những cơ sở lý luận kết hợp khái quát tình hình thực tế như đã nêu, một số giải pháp mang tính định hướng nhận thức và hành động thực tiễn bước đầu được đề xuất sau đây dựa trên nền tảng tổng kết những kinh nghiệm tốt đã có cùng những tồn tại cần phải tiếp tục giải quyết đối với mục tiêu nâng cao chất lượng NCKH gắn với hoạt động dạy và học của các trường đại học giai đoạn hiện nay.

Đẩy mạnh NCKH ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong trường đại học

Như đã đề cập, NCKH vốn có hai phương pháp chính từ đó tùy theo đặc thù chức năng, nhiệm vụ các trường (hoặc ngành) đào tạo đại học có thể được xác định phát triển theo định hướng chung đó là thiên về Nghiên cứu cơ bản (Fundamental/ Basic Reasearch) hoặc về Nghiên cứu ứng dụng (Applied/Action research). Trong đó, các trường (ngành) theo định hướng nghiên cứu (cơ bản) chủ yếu tập trung nhiều hơn về NCKH lý luận/lý thuyết mang tính học thuật (theory of science/theoretical science) tức những nhận thức khoa học hoàn chỉnh về bản chất và các quy luật phát triển thuộc phạm trù nhận thức (tư duy), từ khái niệm, định nghĩa cho tới những quan điểm, trường phái nghiên cứu, rộng hơn là hệ thống lý thuyết về các quy luật trong mọi lĩnh vực hoạt động liên quan đối tượng nghiên cứu cụ thể…Bên cạnh đó, các trường (hoặc ngành) đào tạo đại học theo định hướng (nghiên cứu) ứng dụng chủ yếu tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống thông qua nhận thức và hiện thực hóa bằng những phương pháp nghiên cứu, tác nghiệp cụ thể (có thể vận dụng các cơ sở lý luận, lý thuyết của nghiên cứu cơ bản…). Và đến nay đây vẫn là một xu thế của giáo dục nói chung đồng thời là một yêu cầu quan trọng của thực tế NCKH gắn với dạy và học đại học nói riêng. Như chúng ta đã biết, từ Aristotle (384-322 TCN), Galileo (1564-1642) cho tới Newton (1643-1727) ... đều cho rằng nghiên cứu ứng dụng/thực nghiệm phải là nền tảng cho giáo dục (và cho nhiều lĩnh vực xã hội khác…). Đi xa hơn, John Dewey (1859-1952), một triết gia đồng thời là nhà tâm lý - giáo dục học kinh điển trong tác phẩm How we think [ 22 , pp. 224] đã phê phán gay gắt đối với quan điểm tách rời giữa hiểu biết với hành động, giữa lý thuyết với thực tiễn và khẳng định rõ tầm quan trọng của kinh nghiệm với vai trò là nhân tố trao đổi, tương tác giữa người với người… Từ đó ông đưa ra nguyên lý “ Learning by doing ” trở thành nội dung định hướng cho phương thức “ Giáo dục thực nghiệm ” được ứng dụng ngày càng rộng rãi và được nhiều nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu phát triển lý thuyết ngày càng sâu hơn, trong đó Kurt Lewin (1890-1947) đã đặt nền tảng lý luận, phương pháp của NCKH ứng dụng là “nghiên cứu - hành động” và cho rằng không thể hiểu được một hệ thống nào đó nếu chúng ta không cố gắng tìm cách thay đổi nó, và “nghiên cứu miêu tả” chỉ có ý nghĩa nếu nó liên quan tới những tác động can thiệp 23 . Theo hướng như vậy từ năm 1972, Chiến lược giáo dục mới của UNESCO đã được thể hiện qua 21 điểm, trong đó có: “Giáo dục phải được tiến hành và tiếp thu bằng nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng không phải là học theo cách nào mà là học cái gì và học được cái gì” 24 … Từ đó, không phải ngẫu nhiên khi Nghị quyết 29-NQ/TW đặt vấn đề: “Đổi mới cách tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng công việc thực tế, không quá nặng về bằng cấp”. Như là tất yếu, nghị quyết đã khẳng định mục tiêu và giải pháp cụ thể: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học…Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học” [ 1 ,tr.6 & 7]. Qua khảo sát thực tế cho thấy, bên cạnh Nghiên cứu ứng dụng nhằm tìm kiếm thông tin và giải pháp có thể tác động làm thay đổi thực tiễn trong các tình huống cụ thể liên quan trực tiếp người nghiên cứu , các hoạt động Chuyển giao công nghệ với nhiều hình thức linh hoạt được đẩy mạnh rõ ràng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng NCKH gắn với dạy và học mà còn đem lại hiệu quả chung là làm cho trường đại học gắn bó thật sự với đời sống xã hội, gồm cả hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học thực sự.

Liên quan định hướng này, chẳng hạn một số nơi đã ứng dụng mô hình Học tập phục vụ cộng đồng (tên tiếng Anh Service - Learning hoặc Community- Engaged (Based) Learning, thường viết tắt là SL/CEL) nhằm tạo hiệu quả cao hơn cho NCKH kết hợp học tập trong mối quan hệ dạy - học của các trường đại học. Mô hình SL/CEL vốn đã có từ những năm 1960 tại Mỹ và đến nay đã được áp dụng tại nhiều trường đại học trên khắp thế giới và hiện đang bắt đầu được quan tâm phát triển tại một số trường đại học ở Việt Nam như Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh... Về nhận thức, đó là “Các phương pháp sư phạm gắn kết cộng đồng,… kết hợp các mục tiêu học tập và phục vụ cộng đồng theo những cách có thể nâng cao cả sự phát triển của người học và lợi ích chung” với “sự tham gia của cộng đồng được đưa vào một khóa học hoặc một chuỗi khóa học thông qua một dự án có cả mục tiêu học tập và hành động cộng đồng” 25 . Nói cách khác, SL/CEL là một phương pháp dạy và học mà thông qua đó người học áp dụng được những kiến thức học được trong lớp vào điều kiện thực tế, đồng thời kết quả của quá trình học đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và được cộng đồng sử dụng. Thực chất đây là một trong các phương pháp giảng dạy chủ động bao gồm 2 nhóm: (1) Nhóm giúp sinh viên học tập chủ động (Active Learning) thông qua các phương pháp Động não (Brainstorming), Suy nghĩ – Từng cặp – Chia sẻ (Think-pair-share), Dựa trên vấn đề (Problem based learning), Hoạt động nhóm (Group based Learning), Đóng vai (Role playing); (2) Nhóm giúp sinh viên học tập qua trải nghiệm (Experiential Learning) thông qua phương pháp Học dựa vào dự án (Project based Learning), Mô phỏng (Simulations), Nghiên cứu tình huống (Case studies)… 26 . Trong thực tiễn giáo dục của nhiều nơi, một số cách thức để áp dụng SL/CEL có hiệu quả như: (1) SL/CEL được thiết kế và xây dựng thành một môn học cụ thể nằm trong khung chương trình đào tạo mang tính bắt buộc hoặc tự chọn tuỳ thuộc điều kiện của từng chương trình; (2) SL/CEL được tổ chức là một chương trình hoạt động ngoại khoá có tính chất bắt buộc hoặc như một trong những môn học điều kiện cần để SV tốt nghiệp;(3) SL/CEL được lồng ghép trong chính từng môn học cụ thể, đặc biệt là các môn học có thời lượng thực hành tương đối nhiều để SV tham gia phục vụ cộng đồng theo nội dung môn học… 27 . Theo mục tiêu, nội dung đã được xác định, kết hợp SL/CEL có thể xem như một trong các giải pháp quan trọng để tạo chất lượng, hiệu quả cao hơn cho NCKH kết hợp học tập trong mối quan hệ dạy – học của các trường đại học trong bối cảnh, điều kiện chung hiện nay và sắp tới đây.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ năng lực và trang bị phương pháp để nâng cao chất lượng NCKH gắn với chất lượng dạy và học

Xét về bản chất, nhiệm vụ trung tâm của giảng dạy và học tập đại học (đặc biệt là sau đại học) không phải chỉ là “kiến thức” mà chủ yếu là “phương pháp” để làm chủ kiến thức và quan trọng hơn là để “tự nghiên cứu/sáng tạo” có ý nghĩa khoa học. Do đó, thông qua hoạt động NCKH, người dạy và người học trở thành những “đồng nghiệp”, “đồng môn” cùng cộng tác để hướng tới mục đích tìm “chìa khóa” giải mã các nguồn tri thức cơ bản đã và đang có liên quan các lĩnh vực chuyên môn cụ thể, hướng đến rèn luyện những khả năng sáng tạo ra những tri thức mới là chủ yếu [ 28 , tr.20]. Đây là một cơ sở quan trọng để UNESCO khẳng định rằng trong phát triển giáo dục thế kỷ XXI: “Giáo viên phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức” 24 . Điều đó càng rõ ràng hơn khi việc chia sẻ tri thức ở cấp ĐH và SĐH vốn là những tri thức có tính khái niệm hóa, hệ thống hóa và khái quát hóa cao, đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển xã hội theo cách: “Không có khả năng khái quát tri thức của loài người hẳn sẽ không có các nền văn minh…, nguyên tắc sư phạm và sự cần thiết của việc kết hợp và cân bằng giữa tri thức tổng quát - hệ thống với tri thức kinh nghiệm - thực tiễn, giữa tri thức trừu tượng và tri thức cụ thể trong sự chia sẻ tri thức… để thực sự tạo ra tri thức từ những cộng đồng khác biệt, biến “ tri thức của ” (knowledge of) thành “ tri thức dành cho ” (knowledge for)…” [ 29 , tr. 22-23]. Điều này có ý nghĩa trực tiếp liên quan việc nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH của cán bộ giảng viên, nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng học tập và NCKH của SV/HV/NCS trong trường đại học theo cách đó là “những nhà giáo dục - sư phạm giỏi, nhà khoa học có trình độ cả về cơ bản lẫn ứng dụng, có thể giúp sinh viên thu được những thông tin cần thiết và bổ ích, những phương pháp tư duy khoa học để có thể từng bước đi lên trong quá trình tự học tập, tự nghiên cứu, định hình được thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn...” [ 30 , tr. 38]…Chính vì thế Nghị quyết 29-NQ/TW cũng đã đặt vấn đề “Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục” để trên cơ sở đó: “Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về…nghiên cứu khoa học” [ 1 , tr.5 & 9].

Bản thân hoạt động NCKH phải là một khoa học. Do vậy, trang bị phương pháp NCKH gắn với việc trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, trong đó môn “Phương pháp nghiên cứu khoa học” cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt cho SV/HV/NCS là rất quan trọng, nhất thiết phải được chú ý triển khai thật tốt. Riêng về phương pháp NCKH ứng dụng, như đã đề cập từ lâu, Kurt Lewin 23 đã từng đặt nền tảng với các bước cơ bản của nó nhưng về sau, một số nhà khoa học đã đặt lại vấn đề phải khắc phục những giới hạn của các phương pháp (NCKH) truyền thống để đi sâu nghiên cứu vào các tình huống cụ thể nhằm không chỉ tìm kiếm dữ liệu và đạt đến hiểu biết đỉnh cao, trọn vẹn vấn đề vào thời điểm khám phá mà nó còn có thể góp phần hướng tới tương lai, theo cách: “Trong thời 4.0, triết lý giáo dục cần có khả năng đi đầu, dẫn dắt sự phát triển hơn là thích nghi với phát triển” [ 31 , tr. 98]…Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với các phạm vi áp dụng kết quả NCKH theo các quy mô khác nhau mà trong đó, về cơ bản nó phải trực tiếp đi tìm và giải quyết những mâu thuẫn bản chất và quy luật vận động phát triển các vấn đề thực tiễn trên cơ sở “đi tìm vấn đề có vấn đề” mang tính trọng tâm nhất. Thực tế cho thấy hạn chế của chất lượng các công trình NCKH đã thực hiện, đặc biệt là các khóa luận, luận văn, luận án đã bảo vệ ở các trường thường chủ yếu liên quan phương pháp, trong đó có sự lẫn lộn giữa các thao tác (kỹ thuật) nghiên cứu với cái nhìn vừa tổng thể ( tổng hợp, hệ thống ) vừa chi tiết ( phân tích ), kết hợp với phân biệt chính, phụ, giống, khác ( so sánh ) để tìm vấn đề bản chất cần giải quyết với các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu theo cách nghiên cứu định tính (qualitative research) thông qua điền dã khảo sát phân tích tình hình thực tiễn là chính hoặc nghiên cứu định lượng (quantitative research) thông qua điều tra thống kê dữ liệu thực tế là chính. Ngoài ra, hạn chế khác cũng đáng lưu ý, đó là bên cạnh phương pháp Nghiên cứu trường hợp (Case study) để giới hạn phạm vi vấn đề, các đối tượng nghiên cứu (đặc biệt liên quan lĩnh vực khoa học xã hội) thường mang tính đa diện, đòi hỏi cần phải tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, do đó phương pháp Tiếp cận liên ngành (Interdisciplinary approach) nhất thiết phải được vận dụng tốt để giải quyết đề tài trên cơ sở xác định rõ phương pháp của chuyên ngành chính (góc độ khoa học chủ đạo) và các ngành phụ (các ngành khoa học liên quan) nhằm góp phần làm rõ quy luật tồn tại, phát triển của đối tượng nghiên cứu theo nguyên tắc xác định liên ngành từ gần đến xa…

Ở đây, các “ thesis ” (tiếng Pháp: “ thèse ”), tức các khóa luận (cử nhân), luận văn (cao học), luận án (nghiên cứu sinh) thực hiện ở cuối khóa của các bậc học Đại học (ĐH) và Sau đại học (SĐH) phải được xác định có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ thể hiện kết quả học tập của người học mà nhìn rộng nhất đó là sản phẩm của một nền giáo dục, trình độ khoa học của một quốc gia và nhìn hẹp hơn nó còn là kết quả của cả một quá trình đào tạo, dạy và học, quản lý đào tạo nhất định của một khoa/bộ môn tại một trường đại học cụ thể... Trước hết và trên hết, đó là kết quả NCKH nghiêm túc, những thể nghiệm về phương pháp nghiên cứu, sáng tác của cá nhân người học: “Quá trình thực hiện luận văn, luận án là quá trình người học rèn luyện phương pháp suy nghĩ, đọc, giải quyết vấn đề học thuật nhằm nâng cao về chất trình độ lý luận chuyên môn và về khoa học nói chung,…là quá trình tự hoàn thiện năng lực khoa học bản thân mình mà không ai có thể thay thế được” [ 9 , tr.107-108], trong đó “giáo viên hướng dẫn là tác nhân góp phần đào tạo bằng định hướng về phương pháp , khích lệ và thúc đẩy mọi suy nghĩ độc lập, sáng tạo; học viên/nghiên cứu sinh là người tự đào tạo nhân cách khoa học bằng tinh thần thái độ, phương pháp, kế hoạch làm việc, sự nỗ lực không ngừng với kỷ luật làm việc tự giác”[ 9 , tr.108]. Khái niệm “nhân cách khoa học” ở đây có thể được xác định “không chỉ là nhân tố thuộc về tư cách riêng của người học mà nó còn là một đối tượng, mục tiêu quan trọng thuộc về chất lượng - hiệu quả của quá trình đào tạo sau đại học mà cả người dạy và đơn vị đào tạo đều cần phải quan tâm” [ 28 , tr.22]. Đó không chỉ là trình độ, năng lực, phẩm chất (khoa học) mà còn là tinh thần, thái độ khiêm tốn, cầu thị, sự trung thực trong học tập/nghiên cứu của SV/HV/NCS…Có thể không đều nhau nhưng nhìn chung chất lượng các khóa luận, luận văn, luận án cần phải đạt chuẩn trên cả ba khía cạnh: (1) Tính pháp lý: Đảm bảo quy chế, quy định; (2) Tính khoa học: Những quá trình nhận thức các phương pháp và phương pháp luận nhằm nắm bắt các tri thức khoa học cơ bản và chuyên ngành; (3) Tính chuyên môn: Đi sâu vào các khía cạnh khác nhau liên quan quy luật đặc thù của từng loại khoa học/ngành nghề nói riêng…[ 9 , tr.107]. Để đạt các chuẩn chất trên từ việc xác định đề tài, xây dựng đề cương chi tiết và triển khai thực hiện đề tài cho đến lúc báo cáo/bảo vệ tất cả phải như là một “quy trình công nghệ” khép kín với những thao tác mang tính chuẩn mực nhất định với mục đích cuối cùng là giải quyết tốt một vấn đề cụ thể trong thực tiễn.

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa đại học và triển khai thực hiện tốt các tiêu chí để nâng cao chất lượng NCKH gắn với dạy và học

Theo tinh thần “ Chiến lược văn hóa quốc gia” 32 đã ban hành, giáo dục và đào tạo đại học đã được xác định là một bộ phận của văn hóa theo nghĩa: “Hệ thống giáo dục mạnh sẽ tác động đến mọi khía cạnh của đời sống làm cho quá trình giao lưu với bên ngoài gia tăng, dẫn đến hình thành những giá trị mới…Giáo dục dù là giáo dục thông thường hay giáo dục bậc cao (giáo dục đại học) đều hướng tới cung cấp cho người học những tri thức, kỹ năng, để có thể sống phù hợp với chuẩn mực giá trị, văn hóa của một tộc người…” [ 33 , tr. 11&15]. Do vậy, xây dựng “ Văn hoá Dạy – Học và Nghiên cứu khoa học ” của trường đại học là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với văn hóa đại học nói chung, với nâng cao chất lượng NCKH gắn với dạy và học nói riêng, trước hết liên quan trực tiếp đối với giáo viên/người dạy và sinh viên/người học, tức những đối tượng đóng vai trò trung tâm của sự tồn tại và phát triển của bản thân văn hoá đại học. Trong đó, vai trò, vị trí của giáo viên chỉ có thể thực hiện và phát huy tác dụng thực tế trong mối quan hệ với sinh viên/người học vốn được xem là mục tiêu cao nhất, là trung tâm theo cách: “Sinh viên/người học trong môi trường văn hóa đại học phải trở thành chủ thể quyết định chất lượng học tập, là người chủ động trong mọi quá trình học tập, rèn luyện để trở thành những con người có nhân cách văn hoá, thực sự đủ trình độ, bản lĩnh để thích nghi với quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và toàn cầu hoá, bước đầu có khả năng NCKH, phấn đấu trở thành những nhân tài, những người có ích cho xã hội” [ 9 , tr.103]. Trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay, điều đó càng có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam, một đất nước có bề dày “văn hiến” và truyền thống văn hóa giáo dục mà như Thông điệp từ UNESCO tại Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Giáo dục 24/01/2021 đã đặt vấn đề: “đã đến thời điểm để tiến thêm một bước nhằm nâng cao hơn nữa những phẩm chất công dân toàn cầu của người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, hướng tới nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự thấu cảm của họ đối với sự đa dạng và khác biệt trong một thế giới ngày càng kết nối mà chúng ta đang sống” 34 . Đây là vấn đề có ý nghĩa lớn trong quá trình hiện thực hóa nghị quyết 29-NQ/TW theo tinh thần: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt…”, “Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo...”, “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo...”; trong đó có “Triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu” [ 1 , tr.3 & 9].

Điều trên có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng văn hóa tổ chức nhằm tăng cường chất lượng quản trị đại học phù hợp với quy luật kinh tế - xã hội, trong đó các trường nhất thiết phải xem NCKH như là con đường chủ đạo để thực hiện chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ thế giới, là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của chất lượng - hiệu quả đào tạo cả về trước mắt lẫn trong tương lai lâu dài. Trước mắt, với mục tiêu nhằm từng bước triển khai tổ chức quản lý xây dựng nhà trường theo định hướng mô hình “tự trị đại học”, đối với mục tiêu đẩy mạnh NCKH gắn trong quá trình quản lý kết hợp dạy - học như đã nêu ở trên, không thể khác các điều kiện thực tế cần quan tâm giải quyết cụ thể đó là: “Nhà trường như là một hệ sinh thái học tập (learning ecosystem) trong đó bao gồm các hệ thống chủ thể học tập (giảng viên, sinh viên, nhóm học tập); hệ thống tri thức học tập (chương trình, bài giảng, sách giáo khoa, tài liệu thư viện, tri thức người dạy, tri thức người học…); hệ thống công nghệ học tập (mạng internet, hệ thống e-leaning, các phần mềm hỗ trợ học tập…)…” [ 35 , tr. 155]. Qua các tài liệu lý luận và các văn kiện về giáo dục đối chiếu với thực tế, người ta ngày càng có thể thấy rõ hơn mối quan hệ của hoạt động NCKH với quá trình dạy, học trong tổng thể văn hóa đại học như sau: “chất lượng - hiệu quả đào tạo, nhân tố trung tâm của sự phát triển bền vững văn hoá đại học được quyết định và thể hiện ra trước hết ở việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo với hoàn cảnh, điều kiện thực tế cho việc đào tạo, ở kết quả tổ chức quản lý hoạt động của các bộ phận chức năng và các khâu của quá trình đào tạo từ đầu vào cho đến đầu ra trong mọi thời điểm lịch sử - cụ thể của tất cả các lĩnh vực đào tạo trong trường...” [ 9 , tr. 107].

Dù theo quan niệm nào, mô hình tổ chức nào vấn đề đặt ra cho nâng cao chất lượng NCKH gắn với dạy và học trong trường đại học vẫn là “phải xây dựng một hệ thống rõ ràng, mạch lạc các tiêu chí với những chỉ số được lượng hóa, nêu rõ các phương thức đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng sẽ được sử dụng trong và ngoài giáo dục đại học với xu hướng tiếp cận dần với chuẩn của khu vực và thế giới nhằm đưa giáo dục đại học Việt Nam hòa nhập với giáo dục đại học thế giới”[ 8 , tr. 32]. Theo đó việc nghiên cứu vận dụng mang tính cập nhật các văn bản pháp quy hiện hành liên quan vấn đề này có ý nghĩa rất thiết thực. Chẳng hạn, Bảng hướng dẫn đánh giá theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học với rất nhiều tiêu chí và giải pháp cụ thể như: Các chính sách về đào tạo, NCKH và phục vụ cộng đồng được rà soát thường xuyên (TC 5.3); Thiết lập được hệ thống chỉ đạo, điều hành, thực hiện, giám sát và rà soát các hoạt động nghiên cứu, chất lượng cán bộ nghiên cứu, các nguồn lực và các hoạt động liên quan đến nghiên cứu (TC 18.1.) 36 …Gần dây, Quyết định phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ với Quan điểm chỉ đạo : “Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học” theo Mục tiêu chung : “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo…”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 với những chỉ tiêu về “nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đề tài, chương trình hoặc dự án hợp tác với nước ngoài trong nghiên cứu khoa học hằng năm…”... Đặc biệt trong nội dung “ Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng ”, Quyết định này đã nhấn mạnh vấn đề: “Huy động các nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và đầu tư có trọng điểm cho một số cơ sở giáo dục đại học có kết quả nghiên cứu nổi bật, tạo ra những hướng nghiên cứu mũi nhọn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam” và “Khuyến khích các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra; đẩy mạnh chuyển giao các kết quả nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội” 37 …Qua thực tế trường Đại học KHXHNV, ĐHQG-HCM và Đại học Nguyễn Tất Thành cũng như nhìn rộng ra một số trường khác cho thấy, những tiêu chí này đã từng bước được hiện thực hóa, tuy nhiên đây vẫn còn là những mục tiêu lớn ở phía trước, đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng NCKH gắn với dạy và học ở các trường đại học nước ta một cách căn cơ, bền vững nhất...

KẾT LUẬN

Nguyên lý giáo dục cũng như các quan điểm mang tính pháp lý trong các văn bản liên quan giáo dục đào tạo hiện nay đều xác định theo cách thức: “Trường đại học là trường giáo dục, và trường nghiên cứu. Nhưng lý do cơ bản cho sự tồn tại của chúng sẽ không được tìm thấy hoặc trong kiến thức đơn thuần được truyền giao cho sinh viên hoặc cơ hội đơn thuần cho việc nghiên cứu được dành cho các giảng viên” [ 38 , tr.165]. Qua thực tế cho thấy, hoạt động NCKH gắn với dạy và học nhìn chung đã như là một nội dung cốt lõi có mối quan hệ hữu cơ với nhau đồng thời chất lượng của nó có quan hệ biện chứng với chất lượng và hiệu quả đào tạo của các trường đại học. Tuy vậy, đến nay vì nhiều lý do hoạt động này vẫn đang còn một số khó khăn, bất cập nhất định về tổ chức, quản lý, cơ chế, chính sách và cả về nội dung học thuật, phương pháp… Điều đó đang đặt ra những vấn đề phải tiếp tục giải quyết trước hết do chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mỗi trường đồng thời quan trọng hơn còn là vì mục tiêu phát triển đội ngũ khoa học trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng phát triển sâu rộng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày không chỉ làm thay đổi mô hình kinh tế - xã hội mà còn tác động mạnh đối với toàn bộ phương thức tổ chức quản lý, phương thức giáo dục và dạy - học trong các trường đại học [31]. Chính vì vậy, sự nâng cao nhận thức toàn diện hơn về mục tiêu, phương pháp nâng cao chất lượng NCKH gắn với dạy và học trong trường đại học, bắt đầu từ việc tiếp tục xác định lại vấn đề trong quan hệ với mục tiêu chất lượng - hiệu quả đào tạo của các trường đại học là rất cần thiết. Bên cạnh đó là việc triển khai thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn kiểm định và đánh giá chất lượng NCKH gắn với đào tạo theo các văn bản pháp quy hiện hành; tập trung đẩy mạnh hơn nữa NCKH ứng dụng và chuyển giao công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ, năng lực đồng thời với nâng cao phương pháp để nâng cao chất lượng NCKH gắn với học tập, rèn luyện của SV, HV, NCS; tiếp tục nỗ lực xây dựng văn hóa đại học gắn với tiêu chí nâng cao chất lượng NCKH trong quan hệ với dạy và học, gắn sát nhiều hơn với thực tiễn đời sống…

Như thế vẫn chưa đủ, chất lượng cao nhất của NCKH bất cứ ở đâu và lúc nào cũng vẫn là làm sao giúp con người có thể vươn lên làm chủ tốt hơn các quy luật khách quan. Trong một thế giới ngày càng nhiều bất trắc với những biến động phức tạp cả về tự nhiên lẫn về xã hội như hiện nay thì quả thực NCKH nói chung, NCKH gắn với dạy và học trong trường đại học nói riêng chắc chắn vẫn còn nhiều câu hỏi lớn ở phía trước về nhiều mặt. Trong đó, từ xu thế ứng dụng ngày càng sâu theo chuyên ngành từ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cho tới các lĩnh vực đặc thù trong đời sống xã hội như văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch v.v…rõ ràng hiện đang và sẽ là những vấn đề ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng để có hiệu quả cao hơn của NCKH gắn với dạy và học của các trường đại học…Trước mắt, chắc chắn đây vẫn luôn là việc quan trọng và cần thiết không chỉ về phương pháp và phương pháp luận, về kỹ thuật và thao tác nghiên cứu theo từng nhiệm vụ khoa học cụ thể gắn trong quá trình dạy và học bậc đại học mà nó còn phải vừa theo kịp yêu cầu thực tế vừa phù hợp với các quy luật khách quan mà giáo dục hiện đại thế giới đang nghiên cứu vận dụng vừa đúng theo các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn về giáo dục của Đảng, Nhà nước đã đưa ra, là điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa chiến lược xây dựng văn hóa đại học với yêu cầu ngày càng cao đặc biệt là về chất lượng giáo dục trong đó có chất lượng NCKH gắn với dạy và học. Mấu chốt và bản chất của vấn đề chính là quá trình dạy - học trình độ ĐH và SĐH bên cạnh quá trình “trao truyền, chuyển giao” còn là quá trình “nghiên cứu, khám phá, sáng tạo” về tri thức, khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Theo cách đó, giáo dục nhà trường đại học sẽ thực sự trở thành là một “kênh” (channel) giao lưu và tiếp biến văn hóa (cultural interchange and acculturation) quan trọng đối với các giá trị, thành tựu văn hóa của dân tộc và nhân loại../.

LỜI CẢM ƠN

Chúng tôi xin cảm ơn Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia trực tiếp qua nhiều hoạt động để tiến tới thực hiện nghiên cứu này.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

BCHTƯ: Ban chấp hành Trung ương

GDĐT: Giáo dục và Đào tạo

GDĐH: Giáo dục đại học

ĐH, SĐH: Đại học, sau đại học

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

ĐHKHXHNV: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

GV, NCV: Giảng viên, Nghiên cứu viên

NCKH: Nghiên cứu khoa học

SV/HV/NCS: Sinh viên/học viên/nghiên cứu sinh

TĐDMVN: Tập đoàn Dệt may Việt Nam

TPHCM: Thành phố Hồ Chí Minh

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích với bất cứ cá nhân, tập thể nào.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Để hoàn thành bài viết, tác giả đã trải qua một số kinh nghiệm thực tế với quá trình quản lý giáo dục và giảng dạy khá nhiều năm cùng trực tiếp hướng dẫn, tham gia nhiều hội đồng chấm luận văn, luận án, dự một số hội thảo khoa học liên quan…Ngoài tham khảo những tài liệu nghiên cứu liên ngành, các văn bản pháp quy liên quan, ở phần phân tích dữ liệu, nhận định và đề xuất tác giả cũng đã trao đổi tham khảo ý kiến một số đồng nghiệp, chuyên gia có quá trình nghiên cứu đối với vấn đề.

References

  1. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Hội nghị lần thứ 8 (khóa XI). Nghị quyết "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Số 29-NQ/TW; 4/11/2013. . ;:. Google Scholar
  2. Xuân Mạnh. Kiểm định chất lượng, chuẩn hóa giáo dục đại học. [Internet]. 09-2018 [truy cập 03/8/2021]. . ;:. Google Scholar
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. [Online]. 01/2021 [Truy cập: 5/8/2021]. . ;:. Google Scholar
  4. Quốc hội. Luật Khoa học công nghệ Việt Nam: Số 04/VBHN-VPQH; 29/6/2018. . ;:. Google Scholar
  5. Nhiều tác giả. Từ Điển Bách Khoa Việt Nam. Tập 3. Hà Nội: Từ điển Bách khoa; 2005. . ;:. Google Scholar
  6. Lara Philippe De. Qu'est-ce que la culture universitaire? [Internet]. 2009 [truy cập 14/12/ 2020]. . ;:. Google Scholar
  7. Arnold Satis. Higher education in the new context. Tài liệu bồi dưỡng Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng năm 2008. Hà Nội: Bộ Giáo dục và Đào tạo; 2008. p. 37 - 45. . ;:. Google Scholar
  8. Chính NĐ (chủ biên). Kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học.NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. . 2002;:. Google Scholar
  9. Thắng Huỳnh Quốc. Chức năng văn hoá đại học tiếp cận từ góc nhìn văn hoá học. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế "Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập". TPHCM: ĐHKHXHNV-ĐHQG-HCM; 2018. p. 96-110. . ;:. Google Scholar
  10. Jones G.A.. Conceptions of Quality and the Challenges of Quality Improvement in Higher Education. Ontario Institute for studies in Education of the University of Toronto, Canada. 1996. . ;:. Google Scholar
  11. National Assessment and Accreditation Council. Conference Papers: 6th Biennial Coference of INQAAHE on Quality Assurance in Higher education: Quality, Standards and Recognition, Bangalore. India. March 2001. . ;:. Google Scholar
  12. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. . ;:. Google Scholar
  13. Thủ tướng Chính phủ, Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, Số: 73/2015/NĐ-CP, [Online]. [Truy cập: 30/11/2021]. . ;:. Google Scholar
  14. Thủ tướng Chính phủ, Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Số: 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 [Online]. [Truy cập: 30/11/2021]. . ;:. Google Scholar
  15. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM - Đại học Quốc gia TP.HCM. Giới thiệu tổng quan. [Online]. 2020 [truy cập 12/6/2021];. . ;:. Google Scholar
  16. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Thư mục các công trình khoa học 60 năm hình thành và phát triển. TPHCM: ĐHKHXHNV- ĐHQG-HCM. 2017. . ;:. Google Scholar
  17. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Tổng kết năm học 2019-2020 & Kế hoạch công tác năm học 2020 - 2021 (Bản vi tính). . ;:. Google Scholar
  18. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Kế hoạch chiến lược trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2035. 2021 (Bản vi tính). . ;:. Google Scholar
  19. Quốc hội. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Luật số: 34/2018/QH14, ngày 19/11/2018. . ;:. Google Scholar
  20. Đại học Nguyễn Tất Thành. Tầm nhìn, sứ mạng. [Online]. 2020 [truy cập 12/6/2021]. . ;:. Google Scholar
  21. Đại học Nguyễn Tất Thành - Hành trình 21 năm xây dựng và phát triển. [Online]. 06/2020. [truy cập 12/6/2021]. . ;:. Google Scholar
  22. John Dewey. How we think. Lexington, Mass: D.C. Heath; 1910. . ;:. PubMed Google Scholar
  23. Kurt Lewin và lý thuyết của ông về mối quan hệ giữa các cá nhân. [Online] (truy cập 22/7/ 2021). . ;:. Google Scholar
  24. Vụ Giáo dục Thường xuyên. Chiến lược giáo dục mới của UNESCO. [Online]. 2018 (truy cập 22/6/2021). . ;:. Google Scholar
  25. Bandy Joe. What is Service Learning or Community Engagement? [Internet]. 2011[truy cập 24/9/2021]. . ;:. Google Scholar
  26. Hải Nguyễn Thành. 9 Phương pháp giảng dạy chủ động được sử dụng phổ biến tại các trường trên thế giới. [Internet]. 2020. [truy cập 24/9/ 2021]. . ;:. Google Scholar
  27. Phương Bùi Hà. Học tập phục vụ cộng đồng: yêu cầu đổi mới giảng dạy chuyên ngành thư viện - thông tin. Tạp chí Thư viện Việt Nam 2015; 3: 15 - 23. . ;:. Google Scholar
  28. Huỳnh Quốc Thắng. Mục tiêu chất lượng - hiệu quả đào tạo sau đại học giai đoạn hiện nay. Tạp chí khoa học Đại học Văn Lang 2019; 15(5): 17-26. . ;:. Google Scholar
  29. Adam B. Seligman. Pedagogic principles for the production of shared knowledge. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế "Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập". TPHCM: ĐHKHXHNV-ĐHQG-HCM; 2018. p. 19-27. . ;:. Google Scholar
  30. Trung Phạm Ngọc. Văn hóa học đường, cấu trúc và quan hệ. Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật 2010; 315(10): 32-39. . ;:. Google Scholar
  31. Tỉnh Mai Văn, Ngọc Lê Đức. Bàn về triết lý giáo dục truyền thống và triết lý giáo dục thời 4.0. Trong sách "Những vấn đề về triết lý giáo dục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại". TPHCM: ĐHQG-HCM; 2021. p. 86-107. . ;:. Google Scholar
  32. Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020. Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009. . ;:. Google Scholar
  33. Ngô Văn Lệ. Văn hóa học đường - Một hướng tiếp cận. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế "Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập". TPHCM: ĐHKHXHNV-ĐHQG-HCM; 2018. p. 10-18. . ;:. Google Scholar
  34. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Thông điệp từ UNESCO tại Việt Nam nhân Ngày quốc tế Giáo dục. [Online]. 01/2021 [truy cập 02/7/2021]. . ;:. Google Scholar
  35. Oanh Ngô Minh. Văn hóa học đường đại học Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế "Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập". TPHCM: ĐHKHXHNV-ĐHQG-HCM; 2018. p. 151-157. . ;:. Google Scholar
  36. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bảng hướng dẫn đánh giá theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (Kèm theo Công văn số 1668/QLCL-KĐCLGD ngày 31/12/2019 của Cục Quản lý chất lượng, thay thế Bảng hướng dẫn đánh giá ban hành kèm theo Công văn số 768/QLCL-KĐCLGD ngày 20/4/2018 của Cục Quản lý chất lượng). . ;:. Google Scholar
  37. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025, Số: 69/QĐ-TTg, ngày 15/01/2019. . ;:. Google Scholar
  38. Alfred North Whitehead. Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác. Hoàng Phú Phương, Tiết Hùng Phát, Hà Dương Tường dịch. TP.HCM: Đại học Hoa Sen - Hồng Đức. 2016. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1384-1398
Published: Dec 30, 2021
Section: Reviews - Science Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.692

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Quoc Thang, H. (2021). Improving the quality of scientific research associated with teaching and learning activities at universities. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(4), 1384-1398. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.692

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 200 times
PDF   = 73 times
XML   = 0 times
Total   = 73 times