VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

484

Total

221

Share

Conceptions of the digital scholarship of the university community at the Vietnam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Developing the digital scholarship, particularly the application of digital technologies to academic activities, has become a common trend at universities around the world. Universities in Vietnam are no exception to that trend. The results of the study presented in the paper are part of a larger research project conducted to propose a model of digital scholarship services for the Vietnam National University Ho Chi Minh City. This paper mainly focuses on the research results related to the conception of the university community at the Vietnam National University Ho Chi Minh City towards the concept of the digital scholarship. To achieve the goal, the study employed in-depth interviews to collect data from a sample of 31 purposely selected individuals, including university administrators, library managers, lecturers, graduate and undergraduate students, from the six member universities of the Vietnam National University Ho Chi Minh City and the Central Library. The research results show that there are three main points of view regarding the concept of the digital scholarship within the University Ho Chi Minh City's university community: (1) The digital scholarship is the application of technologies to all academic activities; (2) The digital scholarship is the application of technologies to a type of academic activities, such as teaching and learning, or the provision and use of digital materials; (3) The digital scholarship is the application of technologies in the management of universities' academic activities. The research results also indicate that there is still part of the university community, which has been unaware of or unfamiliar with the concept of the digital scholarship.

GIỚI THIỆU

Hiện nay việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập của cộng đồng học thuật, bao gồm người nghiên cứu, người dạy và người học, đang ngày càng phổ biến, thậm chí trở thành một yêu cầu không thể tránh khỏi. Từ đó môi trường học thuật số (HTS) dần hình thành và phát triển. Trong xu thế hội nhập với cộng đồng học thuật trên thế giới, các trường đại học (ĐH) tại Việt Nam cũng dần chú trọng đến hoạt động HTS. Mặc dù trên thế giới đã có nhiều nghiên cứ về HTS trong môi trường ĐH nhưng tại Việt Nam các nghiên cứu về đề tài này còn đang thiếu vắng.

Bài viết này trình bày những kết quả ban đầu của một dự án nghiên cứu lớn hơn được thực hiện nhằm đề xuất một mô hình hỗ trợ HTS phù hợp với bối cảnh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM). Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài viết này nhằm trả lời câu hỏi “Cộng đồng ĐH tại ĐHQG-HCM định nghĩa khái niệm HTS như thế nào?”. Ở đây, cộng đồng ĐH bao gồm người học, người dạy và người quản lý có liên quan đến các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

Để trả lời cho câu hỏi trên, nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu của 31 cuộc phỏng vấn cá nhân bao gồm lãnh đạo nhà trường, quản lý thư viện, giảng viên, học viên cao học và sinh viên của sáu trường thành viên thuộc ĐHQG-HCM , gồm có ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc tế và ĐH Khoa học Tự nhiên.

Kết quả nghiên cứu này cung cấp sự hiểu biết về nhận thức của cộng đồng ĐH tại ĐHQG-HCM đối với khái niệm HTS để từ đó đưa ra những gợi ý cho các đề xuất liên quan đến nhận thức của cộng đồng ĐH về HTS.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ KHÁI NIỆM HỌC THUẬT SỐ

Thuật ngữ HTS xuất hiện từ cuối những năm 1990 với hàm ý nói đến việc ứng dụng công nghệ và công cụ mới vào các hoạt động học thuật 1 . Trước đây, thuật ngữ “học thuật” chủ yếu ngụ ý đến hoạt động nghiên cứu hàn lâm. Tuy nhiên, về sau này, nội hàm của thuật ngữ này được mở rộng. Theo Boyer 2 , học thuật bao gồm các hoạt động khám phá (nghiên cứu), tích hợp (tổng hợp tri thức), áp dụng (ứng dụng tri thức vào đời sống và phục vụ cộng đồng) và dạy-học (hoạt động nghiên cứu và học tập có hệ thống trong suốt quá trình dạy và học). Theo đó, HTS được hiểu là việc ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ cũng như thực hiện các hoạt động học thuật như vừa nêu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều phát biểu khác nhau về khái niệm HTS và vẫn đang tiếp tục được tranh luận 1 , 3 , 4 .

Khái niệm HTS được xem xét dưới nhiều khía cạnh. Theo Fan & Liu 5 , tuỳ vào bối cảnh, HTS có khi được coi là (1) hành vi thực hiện hoạt động học thuật thông qua công nghệ số, hoặc (2) kết quả đầu ra của các hoạt động học thuật được thực hiện bằng công nghệ số, hay (3) khả năng thực hiện các hoạt động học thuật trong bối cảnh số. Zhifang & Huifang 1 cũng nhận thấy nội hàm của HTS có thể được hiểu theo năm quan điểm: (1) dạy và học số, (2) nghiên cứu số, (3) giao tiếp và kết nối số, (4) công nghệ số, (5) sản phẩm số.

Khái niệm HTS được thể hiện từ mức độ đơn giản cho đến phức tạp và chuyên sâu. Có những tác giả định nghĩa một cách khái quát và đơn giản, như là “HTS là việc sử dụng công nghệ số để hỗ trợ học thuật” [ 6 , p.2]. Cũng có tác giả nhấn mạnh đến việc sử dụng công cụ, kỹ thuật và phương pháp số để hỗ trợ thực hiện tất cả các hình thức khác nhau của các hoạt động học thuật 5 . Có những tác giả nêu định nghĩa bằng cách liệt kê rất nhiều nội dung của HTS, như cách của Mulligan “HTS là thuật ngữ rộng bao phủ rất nhiều hoạt động như là số hoá các phương tiện analog và định dạng lại một loạt phương tiện truyền tin khác nhau, tạo ra các siêu dữ liệu, tạo lập các bộ sưu tập và các bộ trưng bày số, thực hiện mã hoá và phân tích dữ liệu, và trình bày dữ liệu bằng hệ thống thông tin không gian và bản đồ số hoá, mô hình 3D, hỗ trợ xuất bản số; đồng thời hỗ trợ quản lý dữ liệu, phát triển phần mềm và thiết kế giao diện” [ 7 , p.2]. Có tác giả nêu định nghĩa thể hiện mức độ sử dụng công nghệ một cách chuyên sâu trong quá trình hoạt động học thuật, điển hình như HTS có thể là việc chế tạo ra những tạo tác (hiện vật nhân tạo) hoặc làm ra các công cụ để chế tạo ra tạo tác, hoặc sử dụng lưu trữ số để tạo ra những sản phẩm trí tuệ, hoặc tạo ra những công cụ số để nghiên cứu tạo tác hoặc tạo ra công cụ biên tập mà giúp sử dụng sản phẩm trí tuệ ở dạng truyền thống hoặc dạng số 8 .

Bên cạnh đó, có những định nghĩa tập trung vào từng hoạt động cụ thể của học thuật. Tập trung vào hoạt động dạy và học, HTS là tạo ra cách tiếp cận mới, phương pháp mới cho dạy và học và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số trong việc theo dõi, tham dự vào trao đổi tri thức 9 . Hay như Schlosser 10 định nghĩa HTS là nghiên cứu và giảng dạy mà sử dụng khả năng của công nghệ số hoặc tận dụng lợi thế của công nghệ để đặt câu hỏi và trả lời theo những phương thức mới.

Tập trung vào hoạt động nghiên cứu, nhiều tác giả cho thấy việc ứng dụng công nghệ số được thực hiện trong từng bước của chu trình nghiên cứu. Đúng như mô tả của Holliman 11 , mọi hoạt động trong chu trình nghiên cứu đều có thể chuyển đổi sang phương thức số, từ việc thu thập và phân tích tài liệu để từ đó hình thành ý tưởng và câu hỏi nghiên cứu cho đến việc tìm tài trợ nghiên cứu đều có thể thực hiện trên nền tảng số, từ việc tìm kiếm kết bạn với cộng đồng nghiên cứu qua mạng xã hội cho đến thực hiện nghiên cứu bao gồm thu thập và phân tích dữ liệu, và sau cùng là xuất bản cũng đều sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Định nghĩa HTS tập trung vào nghiên cứu của Rumsey [ 12 , p.158] được nhiều người trích dẫn hơn cả “HTS là việc sử dụng các minh chứng/dữ liệu và phương pháp số, biên tập số, công bố, xuất bản số, quản lý dữ liệu số, bảo quản và sử dụng và tái sử dụng tài nguyên số trong hoạt động học thuật”.

Tập trung vào quá trình giao tiếp và kết nối học thuật, HTS là việc sử dụng các phương tiện truyền thông số trong nghiên cứu và kết nối học thuật. Các định nghĩa thuộc quan điểm này nhấn mạnh rằng HTS khiến cho hoạt động học thuật trở nên mở và dễ dàng lan truyền và bắt đầu ảnh hưởng đến cách mà cộng đồng học thuật thực hiện việc nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ xã hội 5 . Ngoài ra, Koh 13 còn bổ sung ý kiến là việc sử dụng các phương tiện truyền thông số và mạng xã hội trong HTS được thực hiện một cách đáng tin cậy, chuyên nghiệp và chính thống cho hoạt động nghiên cứu và liên lạc.

Tập trung vào sản phẩm học thuật, HTS là việc tạo ra sản phẩm đầu ra dạng số từ quá trình thực hiện các hoạt động học thuật 14 . HTS bao gồm sáng tạo ra, sản xuất ra, phân tích hoặc xuất bản và phổ biến bằng cách sử dụng công nghệ số hoặc công nghệ máy tính 15 . Các sản phẩm số này bao gồm các sản phẩm được tạo thành bằng kỹ thuật số, sản phẩm đa phương tiện, cơ sở dữ liệu dựa trên nền tảng công nghệ, văn bản và hình ảnh số, các loại hình âm nhạc và nghệ thuật số và các dạng vật mang tin số khác 16 .

Đối với cộng đồng thư viện, nội hàm của HTS tập trung vào việc quản lý và tạo lập tài nguyên số, cụ thể là việc xây dựng bộ sưu tập số phục vụ nghiên cứu, học tập; tạo ra công cụ số để xây dựng các bộ sưu tập số; tạo ra các công cụ số để phân tích và nghiên cứu các bộ sưu tập số; sử dụng các bộ sưu tập số và các công cụ phân tích để tạo ra các sản phẩm học thuật mới, tạo ra các công cụ biên tập cho các sản phẩm học thuật mới này 17 . Bên cạnh đó, với nhiệm vụ hỗ trợ và phục vụ các hoạt động của cộng đồng học thuật, các thư viện ĐH thường hiểu khái niệm HTS trong mối liên quan với khái niệm “dịch vụ HTS”. Đó là một mô hình hỗ trợ cộng đồng học thuật trong từng bước của chu trình nghiên cứu số, cụ thể là sử dụng công cụ và phương tiện số để hỗ trợ các hoạt động như quản lý và bảo quản dữ liệu, kết nối học thuật, quản lý truy cập mở, đáp ứng các yêu cầu về bản quyền và xuất bản, cung cấp tư vấn cho người dùng 18 .

Như vậy, khái niệm HTS được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau cũng như dưới những góc độ khác nhau. Nhìn chung, HTS là việc ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động học thuật, từ đó tạo ra một hệ sinh thái số trong học thuật. Hệ sinh thái số bao gồm công nghệ số, sản phẩm HTS, phương thức dạy và học số, phương thức nghiên cứu số, và phương thức giao tiếp và kết nối số 1 .

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Mẫu nghiên cứu

Mẫu mục tiêu được sử dụng để chọn mẫu phỏng vấn cá nhân. Mẫu mục tiêu cho phép nghiên cứu tiếp cận với một nhóm mẫu nhỏ có sự hiểu biết và trải nghiệm đối với vấn đề nghiên cứu, từ đó nhóm mẫu này có thể cung cấp dữ liệu sâu sắc và có giá trị liên quan đến vấn đề nghiên cứu 19 . Theo đó, mẫu mục tiêu của nghiên cứu này cần có sự hiểu biết và trải nghiệm nhất định về các hoạt động học thuật trong bối cảnh số. Để đảm bảo điều này, nghiên cứu chọn mẫu phỏng vấn trong nhóm các đối tượng sau.

  1. Lãnh đạo phụ trách quản lý hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường;

  2. Quản lý thư viện của nhà trường, đây là những người quản lý công tác hỗ trợ cho các hoạt động học thuật;

  3. Giảng viên đã có kinh nghiệm giảng dạy 05 năm trở lên và đã thực hiện ít nhất một công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở;

  4. Học viên sau ĐH (cao học, nghiên cứu sinh) đã hoàn thành ít nhất 01 học kỳ (đối với nghiên cứu sinh) hoặc 02 học kỳ (đối với học viên cao học) trong chương trình đào tạo và đang trong giai đoạn thực hiện đề tài nghiên cứu;

  5. Sinh viên đã hoàn thành ít nhất 02 học kỳ trong chương trình đào tạo và có thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên để đảm bảo nhóm

Với từng nhóm đối tượng (05 nhóm) của từng trường thành viên (06 trường), 01 người được mời tham gia nghiên cứu, ngoài ra 01 người quản lý thư viện trung tâm ĐHQG-HCM cũng được mời. Kết quả, đã có 31 cá nhân trở thành mẫu phỏng vấn cho nghiên cứu này.

Phương pháp thu thập dữ liệu

Việc tìm hiểu nhận thức về khái niệm HTS của người tham gia nghiên cứu là một phần trong một cuộc phỏng vấn dài hơn để tìm hiểu các vấn đề xoay quanh thực tiễn HTS và các dịch vụ hoặc các hỗ trợ đối với HTS tại các trường thành viên của ĐHQG-HCM.

Để đảm bảo thu thập được các dữ liệu phản ánh chính xác quan điểm của người tham gia nghiên cứu về khái niệm HTS, nhà nghiên cứu đã không cung cấp bất cứ định nghĩa cụ thể nào về HTS trước khi cuộc phỏng vấn được diễn ra.

Để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu, tờ thông tin về đề tài nghiên cứu đã được gửi đến những người tham gia phỏng vấn tiềm năng. Khi chấp thuận tham gia nghiên cứu, họ ký cam kết vào phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu.

Phương pháp phân tích dữ liệu

Dữ liệu thu thập được từ các cuộc phỏng vấn trong nghiên cứu này là dữ liệu định tính. Do đó, phương pháp phân tích nội dung theo hướng định tính đã được áp dụng. Quy trình phân tích dữ liệu được thực hiện như sau:

  1. Tháo băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, mã hoá tên người tham gia phỏng vấn để đảm bảo quy tắc ẩn danh. Quy tắc mã hoá như sau: lãnh đạo – LĐ, quản lý thư viện – TV, giảng viên – GV, học viên sau ĐH – HV, sinh viên – SV. Sáu trường thành viên và Thư viện trung tâm được mã hoá lần lượt bằng số tự nhiên từ 1 cho đến 7.

  2. Đọc lướt dữ liệu phỏng vấn để tiến hành hiệu chỉnh dữ liệu trước khi tiến hành mã hoá chính thức.

  3. Quy trình mã hoá mở (open coding) được áp dụng để nhận diện những hạng mục chủ đề (code) từ dữ liệu.

  4. Tổng hợp các chủ đề để xác định cách người tham gia nghiên cứu định nghĩa về HTS.

Microsoft Excel đã được sử dụng để thực hiện việc mã hoá và tổng hợp các chủ đề từ dữ liệu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Với góc nhìn từ vị trí công việc, sự hiểu biết và trải nghiệm cá nhân, những người tham gia phỏng vấn đã trình bày nhận thức của họ về HTS. Một cách khái quát, hầu hết người tham gia phỏng vấn cho rằng HTS là việc ứng dụng công nghệ bao gồm công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ số (gọi chung là công nghệ) vào học thuật. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy, mỗi cá nhân có nhận thức khác nhau khi diễn giải việc ứng dụng công nghệ vào học thuật. Có thể nhóm các ý kiến của mẫu phỏng vấn thành ba quan điểm: (1) HTS là việc ứng dụng công nghệ vào tất cả hoạt động học thuật; (2) HTS là ứng dụng công nghệ vào một loại hoạt động học thuật, cụ thể là vào giảng dạy và học tập, hay vào việc cung cấp và sử dụng tài liệu số; (3) HTS là ứng dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động học thuật của trường ĐH. Ngoài ra, kết quả phân tích chỉ ra rằng đối với một số người, khái niệm này còn khá mơ hồ hoặc thậm chí là chưa được nhận biết.

Học thuật số là ứng dụng công nghệ vào tất cả hoạt động học thuật

Nhóm ý kiến thứ nhất thể hiện một quan điểm bao quát và khá toàn diện về nội hàm của thuật ngữ HTS, coi đây là sự ứng dụng các công nghệ vào tất cả các hoạt động học thuật, bao gồm nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Tuy vậy, việc phân tích các phát biểu thể hiện quan điểm này cho thấy, không hẳn những người phát biểu có cùng mức độ hiểu biết khi đề cập đến phạm vi và khả năng của việc ứng dụng công nghệ vào quá trình thực hiện các hoạt động học thuật. Những ví dụ dưới đây, cho thấy sự hiểu biết khái niệm HTS của một số cá nhân dừng ở mức khái quát.

Mình hiểu HTS là tất cả những hoạt động học thuật nào mà có thể dựa trên phương tiện kỹ thuật số. (HV1)

HTS là sử dụng tiện ích, tính năng của công nghệ thông tin, phần mềm được sử dụng cho nghiên cứu, học tập, giảng dạy. (TV1)

HTS là ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động về giảng dạy và nghiên cứu. Sử dụng những công ngh , công cụ, phương pháp số để thực hiện . (LĐ4)

Cùng quan điểm này nhưng một số người khác bổ sung thông tin làm rõ hơn việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động học thuật. Qua đó đã cho thấy, họ hiểu khái niệm HTS cụ thể và toàn diện hơn. Cụ thể, có người đã đưa giải thích các mức độ ứng dụng công nghệ vào hoạt động học thuật, tiêu biểu như ý kiến sau.

HTS có nhiều mức độ khác nhau khi dùng công nghệ, đầu tiên là máy tính, rồi đến hệ thống mạng dùng để học tập, giảng dạy, trao đổi thông tin giữa người dạy và người học. Xung quanh là hệ sinh thái tương tác hỗ trợ. Bây giờ thì hệ sinh thái này không chỉ là trực tiếp mà còn là mạng. Tầm cao hơn là dùng trí tuệ nhân tạo, big data để nghiên cứu và học tập . (LĐ5)

Có người cho thấy HTS là việc sử dụng công nghệ để thực hiện các hoạt động học thuật bao gồm công nghệ được ứng dụng vào các bước trong chu trình nghiên cứu và tạo ra phương thức mới trong trao đổi và kết nối học thuật, cũng như trong dạy và học.

HTS là việc ứng dụng, sử dụng công nghệ vào trong quá trình học thuật bao gồm từ giai đoạn tìm kiếm dữ liệu, thu thập dữ liệu, xử lý, trao đổi thông tin với nhau, đến công bố. Ngoài nghiên cứu, HTS còn liên quan đến việc giảng dạy. Những buổi trao đổi, chia sẻ giữa các đồng nghiệp giúp cho nhau hiểu thêm các vấn đề liên quan đến chuyên môn và các kiến thức khác thì cũng là một dạng của học thuật. (GV1)

Nghiên cứu cho thấy, một bộ phận người tham gia phỏng vấn, trong đó có cả người lãnh đạo, người dạy và người học đã hiểu khái niệm HTS khá toàn diện khi đề cập đến việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động học thuật. Có thể thấy, bộ phận mẫu phỏng vấn này đã có cùng quan điểm được nhiều tác giả trình bày khi đưa ra định nghĩa về HTS. Ở đây, cũng có người trình bày khái niệm HTS một cách khái quát và đơn giản, cũng có người làm rõ việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động cụ thể, cũng như những đề cập đến phương thức mới của hoạt động học thuật trong bối cảnh số. Tuy vậy, khi tập trung phân tích và tổng hợp các ý kiến có phần làm rõ nội dung của khái niệm HTS thì kết quả cho thấy, những người tham gia phỏng vấn chưa đề cập một cách cụ thể mức độ hay khả năng ứng dụng công nghệ vào hàng loại công việc khác nhau trong các hoạt động học thuật như đã được nêu lên trong những định nghĩa của Mulligan 7 hay Rumsey 12 .

Học thuật số là ứng dụng công nghệ vào một loại hoạt động của cộng đồng học thuật

Phần lớn người tham gia phỏng vấn có quan điểm HTS là việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động dạy và học, hoặc trong cung cấp và sử dụng tài nguyên thông tin dạng số.

Học thuật số là ứng dụng công nghệ vào học tập và giảng dạy

Đa số mẫu phỏng vấn, bao gồm cả người học, giảng viên, nhà lãnh đạo và quản lý, HTS chủ yếu là việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy và học tập. Ví dụ, một sinh viên đã nói:

HTS liên quan đến mảng học tập, giáo dục […] Tức là các hoạt động học tập dựa trên nền tảng internet có thể truy cập được. (SV3)

Diễn đạt mạch lạc hơn, một giảng viên phát biểu:

HTS là những hoạt động được thực hiện trong môi trường số, mà môi trường số được hiểu là môi trường trong đó người dạy và người học sử dụng công nghệ số ngày nay để hỗ trợ cho quá trình dạy và học. (GV5)

Đối với nhiều người, học tập trực tuyến (e-learning) là ý tưởng đầu tiên được nêu lên khi bắt đầu trao đổi về khái niệm HTS. Một vài ý kiến tiêu biểu như sau:

HTS bao gồm các platfom để học và tương tác môi trường trực tuyến . (TV4)

HTS ở Trường [được triển khai] vào 2007, khi được tiếp cận với platform của Moodle. E-learning giúp cung cấp tài liệu. Giảng viên post bài lên, sinh viên có cơ hội để tiếp cận tài liệu . (LĐ2)

Thậm chí, có người tin rằng HTS chủ yếu là việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy:

Trường em mà nói tới hoạt động học tập, đào tạo gắn với công nghệ thì qua trận Covid này mọi người mới thấy nhiều hơn là hoạt động giảng dạy gắn liền với công nghệ số, đó là giảng dạy trực tuyến, tương tác với sinh viên thông qua công nghệ, vậy là mọi người mới bắt đầu hình thành khái niệm HTS. (TV5)

Phân tích dữ liệu cho thấy hầu hết người tham gia phỏng vấn có trải nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động dạy và học, các trải nghiệm này ngày càng phổ biến trong các trường ĐH kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid. Do đó, cũng là dễ hiểu khi nêu nhận thức về khái niệm HTS, nhiều người tập trung vào mô hình giảng dạy trực tuyến, các phương thức tương tác cũng như cung cấp học liệu trực tuyến. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy, các ý kiến phân tích việc ứng dụng công nghệ trong dạy và học dừng lại ở mức khái quát. Không tìm thấy có các ý kiến nói đến việc sử dụng công nghệ hoặc cách thức mới trong tìm tòi, khám phá cho quá trình dạy và học, hay sử dụng nền tảng kỹ thuật số để theo dõi và tham dự vào quá trình trao đổi thông tin, trí thức khi dạy và học như các định nghĩa của Schlosser 10 và Kim 9 .

Học thuật số là ứng dụng công nghệ vào cung cấp và sử dụng tài liệu

Bên cạnh cách hiểu HTS là e-learning, nhiều mẫu phỏng vấn hiểu HTS là việc cung cấp và sử dụng tài nguyên thông tin số cho quá trình giảng dạy và học tập. Có thể tự tin hay do dự, tất cả người quản lý thư viện đều có ý kiến phản ánh quan điểm này. Điều này thật dễ hiểu, công việc của họ gắn liền với việc cung cấp tài nguyên thông tin cho hoạt động học thuật, do đó khi nói đến HTS họ nghĩ ngay đến tài nguyên thông tin số, điển hình như ý kiến sau đây:

Đó là sự chuyển đổi tài liệu truyền thống sang số hoá, cách thức truyền thống thì chuyển qua có

ứng dụng công nghệ thông tin để sử dụng cho những mục đích khác nhau” (TV1)

Ngoài ra, một quản lý thư viện đã cho thấy HTS còn được hiểu theo quan điểm là sản phẩm số.

Xét góc độ trường ĐH, HTS đó là kết quả từ quá trình đào tạo và nghiên cứu mà có áp dụng phương pháp số. Góc độ của thư viện là đơn vị hỗ trợ cho hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu số đó, thì với thư viện, HTS là công nghệ ứng dụng để phát triển tài nguyên số, và dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ cho các hoạt động học tập, giảng dạy . (TV7)

Ở đây quan điểm của người tham gia nghiên cứu về HTS có sự tương đồng với Hurrell 14 và Lewis et al. 15 khi xem HTS là việc tạo sản phẩm đầu ra dạng số từ quá trình thực hiện các hoạt động học thuật. Đồng thời, người này cũng đề cập đến cách hiểu về HTS của cộng đồng thư viện thế giới khi xác định rằng HTS là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên thông tin 17 cũng như vào các phương thức phục vụ người dùng tin 18 .

Với giảng viên, có vẻ như vì đa số người phỏng vấn đã có trải nghiệm sử dụng tài nguyên số nên nhiều người đồng thuận ý kiến cho rằng HTS là việc sử dụng tài nguyên số khi thực hiện các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Dưới đây là vài ý kiến tiêu biểu.

HTS là tất cả các dịch vụ liên quan đến thông tin, tài liệu và tạp chí, các sách vở […] truyền tải qua phần mềm như là qua dạng file, qua việc xem trên online. (GV4)

HTS được hiểu đơn giản là mình cung cấp cho học viên các tài liệu số bao gồm bài giảng, bài báo, ebook, tài liệu tham khảo, tài liệu học chính và các tài liệu khác ở định dạng số. (GV2)

Nhiều người học cũng có quan điểm này, tuy nhiên cách diễn đạt ý tưởng của họ đã cho thấy, ngay cả khi nhận thức về HTS đã bị giới hạn trong việc sử dụng tài nguyên thông tin số, thì sự hiểu biết của họ về việc này cũng chưa sâu sắc. Những ý kiến dưới đây cho thấy khái niệm HTS được hiểu gói gọn trong việc sử dụng tài liệu số.

HTS là một kho lưu trữ dữ liệu số, được dùng để tra cứu nhằm phục vụ cho việc học. (HV3)

HTS thì cũng giống như digital book nhưng digital book chỉ giới hạn trong mảng sách […] trong quá trình nghiên cứu em cũng cần sử dụng các nghiên cứu của các thạc sĩ, tiến sĩ, và các bài báo […] Như vậy HTS sẽ là một khái niệm rộng hơn so với digital book. (SV2)

Tương tự như Schlosser 10 và Kim 9 , nhiều mẫu phỏng vấn đã trình bày quan điểm HTS là việc ứng dụng công nghệ vào học tập và giảng dạy. Có thể những trải nghiệm trong việc dạy và học trực tuyến cũng như sử dụng tài nguyên thông tin số đã khiến họ nhận thức về HTS theo cách này một cách phổ biến.

Học thuật số là ứng dụng công nghệ vào quản lý hoạt động học thuật

Dữ liệu cho thấy HTS còn được hiểu là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động của nhà trường. Có khá nhiều ý kiến cho rằng HTS bao gồm cả hệ thống thông tin quản lý giúp nhà trường tích hợp và chia sẻ dữ liệu về nhân sự cũng như các hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu trong nhà trường.

Theo một số lãnh đạo, mặc dù quản lý không phải là hoạt động học thuật nhưng các hoạt động học thuật được triển khai dưới sự quản lý của nhà trường. Do đó, khi ứng dụng công nghệ vào hoạt động học thuật của nhà trường thì cũng bao gồm ứng dụng công nghệ trong quản lý học thuật. Cụ thể là dùng công nghệ để vận hành hệ thống thông tin tích hợp giúp quản lý hoạt động của cộng đồng học thuật, đồng thời qua đó phục vụ các hoạt động học thuật trong môi trường số. Hệ thống thông tin sẽ giúp cộng đồng học thuật kết nối, từ đó chia sẻ dùng chung nguồn lực, hợp tác nghiên cứu. Dưới đây là một ý kiến tiêu biểu.

Học thuật thì tập trung vào việc hàm lâm, nhưng hoạt động hàn lâm thì cũng đặt trên nền tảng của trường […] như vậy hệ thống của nhà trường cũng phải có sử dụng HTS. Ứng dụng công nghệ vào hoạt động hàn lâm là góc độ của nhà khoa học, nhưng đối với nhà trường, thì phải biết về nhân sự của nhà trường và phải biết họ đang làm gì [phải có hệ thống thông tin tích hợp theo dõi và quản lý] . (LĐ1)

Quan điểm HTS là ứng dụng công nghệ trong quản lý học thuật chủ yếu được các vị lãnh đạo và quản lý thư viện phát biểu; không thấy giảng viên và người học đề cập đến quan điểm này. Điều này đã ủng hộ phát hiện của các tác giả như Raffaghelli et al. 4 khi nêu rằng khái niệm HTS được hiểu theo những cách riêng, được tiếp cận theo nhiều quan điểm và được định nghĩa theo những cách khác nhau. Quan điểm HTS là ứng dụng công nghệ trong quản lý học thuật không được tìm thấy trong các định nghĩa về HTS đã được công bố. Tuy nhiên, nghiên cứu của Li et al. 3 cho thấy HTS là một lĩnh vực mới nổi trong cả hoạt động thực tiễn lẫn nghiên cứu, chưa có định nghĩa thống nhất về HTS. Ở đây, ứng dụng công nghệ trong quản lý học thuật có thể được coi là một quan điểm về HTS trong bối cảnh của Việt Nam.

Học thuật số là khái niệm chưa quen thuộc

Mặc dù, mẫu mục tiêu được áp dụng cho nghiên cứu này để đảm bảo người tham gia phỏng vấn có hiểu biết nhất định về HTS, tuy vậy, quá trình phỏng vấn cho thấy một số ít cá nhân có phần ngập ngừng khi trình bày nhận thức của họ về khái niệm HTS. Một giảng viên nói:

Tôi chưa hiểu khái niệm HTS và dịch vụ HTS. (GV6)

Một người khác tỏ ra không tin tưởng vào nhận thức của mình:

HTS là tài nguyên số phải không? Tôi hiểu không biết có đúng không. (TV6)

Ngoài ra, dữ liệu thu được còn có các bình luận của người tham gia phỏng vấn phản ánh thực tế là khái niệm HTS chưa được tất cả cộng đồng ĐH tại ĐHQG-HCM hiểu rõ. Một lãnh đạo cho biết:

Admin [chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin của trường] có ý thức về tầm quan trọng của công nghệ, tuy nhiên HTS là gì thì họ chưa rõ lắm đâu. (LĐ1)

Dữ liệu đã phản ánh rằng một bộ phận cộng đồng ĐH còn xa lạ với thuật ngữ HTS. Điều này cho thấy, mặc dù việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và học tập đã được thực hiện trong các trường ĐH; tuy nhiên tính phổ biến của khái niệm HTS vẫn còn hạn chế trong một bộ phận nhân sự tại các trường thành viên của ĐHQG-HCM.

KẾT LUẬN

Trong khuôn khổ nguồn lực cho phép của nghiên cứu này, mẫu mục tiêu đã đảm bảo bao phủ các đối tượng liên quan đến HTS trong cộng đồng ĐH của ĐHQG-HCM. Kết quả nghiên cứu này cho thấy cộng đồng này đồng thuận rằng HTS là việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động học thuật. Trong đó, ba quan điểm chính về HTS đã được nhận diện gồm (1) HTS là việc ứng dụng công nghệ vào tất cả hoạt động học thuật; (2) HTS là ứng dụng công nghệ vào một loại hoạt động học thuật, cụ thể là vào giảng dạy và học tập, hay vào việc cung cấp và sử dụng tài liệu số; (3) HTS là ứng dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động học thuật của trường ĐH. Kết quả nghiên cứu đã ủng hộ các nhận định rằng các định nghĩa về HTS được tiếp cận với nhiều quan điểm, và mỗi cộng đồng học thuật có cách hiểu về HTS của họ 1 . Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, cộng đồng ĐH tại ĐHQG-HCM chia sẻ quan điểm với các tác giả quốc tế, tuy nhiên bổ sung một quan điểm nữa, đó là HTS là ứng dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động học thuật.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu đã phản ánh sự hiểu biết về khái niệm HTS của cộng đồng ĐH tại ĐHQG-HCM chưa thực sự sâu sắc. Các ý kiến về khái niệm HTS chủ yếu dựa trên những trải nghiệm cá nhân hoặc quan sát từ thực tiễn về việc ứng dụng công nghệ trong nhà trường. Thậm chí, với một số cá nhân, khái niệm này còn chưa được nhận biết. Không có dữ liệu cho thấy họ đã tiếp cận hay tìm hiểu khái niệm này từ các nguồn thông tin khác, như từ sách vở, từ hội thảo hay toạ đàm khoa học, hay từ đồng nghiệp. Điều này đặt ra một lưu ý là cần tận dụng hiệu quả những kênh thông tin và diễn đàn học thuật trong các trường ĐH để thường xuyên phổ biến và cập nhật những xu hướng, trào lưu và kinh nghiệm của cộng đồng học thuật thế giới. Sự nhận biết có thể tạo ra sự nhận thức; từ đó sẽ hình thành nhu cầu cũng như định hướng cho cộng đồng ĐH chủ động tham dự vào HTS. Theo đó, các nỗ lực phát triển năng lực HTS cũng như hỗ trợ HTS sẽ dần gia tăng trong các trường ĐH.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số B2020-18b-01.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐH: Đại học

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

HTS: Học thuật số

TV: Quản lý thư viện

LĐ: Lãnh đạo

GV: Giảng viên

HV: Học viên Sau Đại học

SV: Sinh viên

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Cả ba tác giả Ninh Thị Kim Thoa, Nguyễn Hồng Sinh và Ngô Thị Huyền đều tham gia vào việc thiết kế câu hỏi phỏng vấn, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và viết bản thảo bài báo.

ĐÓNG GÓP VỀ MẶT KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA BÀI BÁO

Bài viết cung cấp sự hiểu biết về nhận thức của cộng đồng ĐH tại ĐHQG-HCM đối với khái niệm HTS. Bài viết đóng góp vào mảng nghiên cứu còn thiếu hụt - nghiên cứu về vấn đề HTS trong các trường ĐH tại Việt Nam.

Bài viết là tài liệu tham khảo cho cộng đồng nghiên cứu về HTS. Đồng thời, bài viết cung cấp cơ sở để những người làm công tác quản lý đưa ra những quyết định liên quan đến nhận thức của các bên liên quan trong phát triển HTS trong các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam.

References

  1. Zhifang T, Huifang X. Digital scholarship skills and librarian training toward digital scholarship services - Case studies of academic libraries in China. In Kuala Lumpur, Malaysia: IFLA. . ;2018:1-12. Google Scholar
  2. Boyer E. Scholarship reconsidered: priorities of the professoriate. Princeton, NJ: Carne-gie Foundation for Teaching and Learning; 1990. . ;:. Google Scholar
  3. Li B, Song Y, Lu X, Zhou L. Making the digital turn: identifying the user requirements of digital scholarship services in university libraries. The Journal of Academic Librarianship. 2020;46(2):102135. . ;:. Google Scholar
  4. Raffaghelli JE, Cucchiara S, Manganello F, Persico D. Different views on digital scholarship: separate worlds or cohesive research field? Research in Learning Technology. 2016;24(1):1-17. . ;:. Google Scholar
  5. Fan W, Liu Q. Open scholarship ranking of Chinese research universities. Scientometrics. 2016;108:673-691. . ;:. Google Scholar
  6. Scanlon E. Digital scholarship: identity, interdisciplinarity, and openness. Frontiers in Digital Humanities [Internet]. 2018;5(3). . ;:. Google Scholar
  7. Mulligan R. Supporting digital scholarship. SPEC Kit 350 [Internet]. Washington, DC: Association of Research Libraries; 2016. . ;:. Google Scholar
  8. Farrow R, Coughlan T. Reflecting on digital scholarship through activity visualisation. In Plenary Talk at the 2nd Conference on Visual Learning. Budapest: Budapest University of Technology and Economics; 2011. . ;:. Google Scholar
  9. Kim J. Dimensions of user perception of academic library as place. The Journal of Academic Librarianship. 2016;42(5):509-514. . ;:. Google Scholar
  10. Schlosser M. Defining digital scholarship [Internet]. 2013. . ;:. Google Scholar
  11. Holliman R. From analogue to digital scholarship: implications for science communication researchers. Journal of Science Communication. 2010;9(3):1-5. . ;:. Google Scholar
  12. Rumsey AS. Scholarly Communication Institute 9: new-model scholarly communication: road map for change [Internet]. Charlottesville, Virginia; 2011. . ;:. Google Scholar
  13. Koh A. The challenges of digital scholarship. 2012. . ;:. Google Scholar
  14. Hurrell C. Aligning the stars: understanding digital scholarship needs to support the evolving nature of academic research. Partnership: The Canadian Journal of Library and Information Practice and Research. 2019;14(2):1-17. . ;:. Google Scholar
  15. Lewis V, Spiro L, Wang X, Cawthorne JE. Building expertise to support digital scholarship: a global perspective. Washington DC: Council on Library and Information Resources; 2015. . ;:. Google Scholar
  16. University of Washington. Demystifying the digital humanities [Internet]. 2015. . ;:. Google Scholar
  17. Weller M. The digital scholar: how technology is transforming scholarly practice. Basingstoke: Bloomsbury Academic; 2011. . ;:. Google Scholar
  18. Miller A. DS/DH start-ups: a library model for advancing scholarship through collaboration. Journal of Web Librarianship. 2016;10(2):83-100. . ;:. Google Scholar
  19. Pickard A. Research methods in information. 2nd ed. London: Facet Publishing; 2013. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1278-1285
Published: Nov 7, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.691

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ninh, T., Nguyễn, S., & Ngô, H. (2021). Conceptions of the digital scholarship of the university community at the Vietnam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(4), 1278-1285. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.691

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 484 times
PDF   = 221 times
XML   = 0 times
Total   = 221 times

Most read articles by the same author(s)