VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Short Communication - Social Sciences

HTML

1477

Total

568

Share

The phenomenon of code switching between Vietnamese and English in communication of Vietnamese office staff






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Under globalization, Vietnam has been one of the investment destinations for many foreign partners. Intercultural communication becomes an indispensable requirement for countries in general and Vietnam in particular. In Vietnam, intercultural communication can be found regularly among office staff in foreign-invested companies as well as those working for companies with relation to foreign partners. This has made a great influence on the language used. This article mentions the phenomenon of language switching among office employees in Vietnam, which happens so naturally that speakers are often unaware of it. Some English words are included in normal Vietnamese sentences, not only in spoken but also in written communication because of no Vietnamese equivalent. This trend becomes inevitable with the presence of cultural interaction and fuzziness. In addition, the article also identifies a number of not only some daily-used but also professional English words in trading. From this interesting perspective, it is expected that we would have a positive view towards the phenomenon of including English in the daily communication language among Vietnamese youth.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Từ lâu, giao tiếp liên văn hóa vẫn luôn là khái niệm được các nhà khoa học trên thế giới bàn luận. Ở Việt Nam, dù ra đời muộn hơn nhưng điều đó không có nghĩa là nó ít được quan tâm. Nguyễn Vũ Hảo có nhận định giao tiếp liên văn hóa chính là sự giao tiếp giữa các nền văn hóa, giữa các cộng đồng văn hóa khác nhau với những phương thức sống và thế giới quan khác nhau 1 . Nhận định này được đúc kết từ những nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Với Gudykunst, giao tiếp liên văn hóa là “giao tiếp giữa những người thuộc những nền văn hóa khác nhau” [ 2 , tr. 179]. Barnett và Lee thì cho rằng đó là “sự trao đổi thông tin giữa những nhóm người khác biệt với những nền văn hóa rất khác nhau” [ 3 , tr. 277] . Còn Arent thì đưa quan điểm “giao tiếp liên văn hóa là phát và nhận thông điệp xuyên qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa” [ 4 , tr. 2].

Vì thế giới đang trở nên bé nhỏ hơn nên chúng ta ngày càng có nhiều tương tác với các nền văn hóa khác. Nếu chúng ta không biết cách giao tiếp với con người và xây dựng mối quan hệ giữa các nền văn hóa khác với chúng ta thì chúng ta sẽ khó hội nhập với thế giới. Chính vì thế, vấn đề đặt ra đối với các quốc gia hiện nay là làm sao để giao tiếp cho hiệu quả với các nền văn hóa. Chưa bao giờ “giao tiếp liên văn hóa” (intercultural communication) được quan tâm nhiều như thời điểm hiện nay. Nói như Samovar & Porter (1991), chúng ta đang sống trong “một ngôi làng toàn cầu” (a global village) , nơi mà không thể có sự đồng bộ giữa các quốc gia với nhau 5 . Với tinh thần đó, trong quá trình giao tiếp, các quốc gia sẽ tác động lên nhau về nhiều mặt. Những gì xuất hiện ở quốc gia này sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Không nằm ngoài quy luật đó, giới trẻ Việt Nam đã và đang sử dụng đan xen nhiều từ ngữ tiếng Anh không chỉ trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày mà trong cả các văn bản công việc.

LỊCH SỬ VÀ VAI TRÒ CỦA GIAO TIẾP LIÊN VĂN HÓA

Thuật ngữ “Giao tiếp liên văn hóa” lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1959, do nhà nhân học người Mỹ tên Edward T. Hall khởi xướng trong cuốn sách nổi tiếng The silent language (Tạm dịch: Ngôn ngữ im lặng ). Khi đó, ông và các cộng sự của mình đang làm việc tại Học viện dịch vụ nước ngoài (Foreign service institute) . Tác giả đưa ra khái niệm này nhằm áp dụng vào thực tế giao tiếp, phục vụ cho những người đặc biệt cần tăng cường kỹ năng giao tiếp như các chính trị gia người Mỹ và các nhân viên phát triển cộng đồng. Cuốn The hidden dimention (tạm dịch: Chiều kích ẩn giấu ) (1966) của ông đưa ra hai “chiều kích văn hóa” (dimension of culture) cổ điển là “ngữ cảnh cao” (high context) và “ngữ cảnh thấp” (low context) . Theo đó, “giao tiếp ngữ cảnh cao là thông tin đã được lập trình trước với người nhận và trong ngữ cảnh, chỉ có một lượng thông tin nhỏ được truyền qua thông điệp. Còn giao tiếp ngữ cảnh thấp thì ngược lại: hầu hết thông tin phải được truyền qua thông điệp nhằm bù cho thông tin bị thiếu hụt trong ngữ cảnh.” [ 6 , tr. 101].

Sau đó, giao tiếp liên văn hóa thực sự phát triển mạnh mẽ ở Mỹ vào những năm 1970 và được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học ở Mỹ, tiếp đến là ở Anh. Đến nay, giao tiếp liên văn hóa đã phát triển thành một lĩnh vực học thuật và tự xây dựng cho mình một hệ thống lý thuyết đồ sộ. Rất nhiều nhà khoa học trên toàn thế giới đã và đang nghiên cứu lĩnh vực này, tiêu biểu là Hofstede và Trompenaars. Hofstede đã tiến hành nghiên cứu nhân viên của hơn 70 nước của công ty IBM từ năm 1967 và đưa ra sáu “chiều kích văn hóa” (cultural dimension) để phân biệt văn hóa các nước: (1) “Khoảng cách quyền lực” (Power distance) , (2) “Cá nhân/ Tập thể” (Individualism versus Collectivism) , (3) “Nam tính / Nữ tính” (Masculinity versus Femininity ), (4) “Tránh bất ổn” (Uncertainty avoidance) , (5) “Định hướng dài hạn” (Long-term orientation) và (6) “Nhiệt tình/ Dè dặt” ( Indulge versus Restraint) 7 . Căn cứ trên những chiều kích này, ông cùng cộng sự đã đưa ra những chỉ số cho từng chiều kích tương ứng với đặc điểm văn hóa của từng quốc gia.

Sau Hofstede, học trò của ông là Trompenaars cùng cộng sự Hampden-Turner đã mở rộng nghiên cứu. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Riding the waves of culture (tạm dịch: Cưỡi các làn sóng văn hóa ) (1997), ông cho rằng có thể đánh giá sự khác biệt về văn hóa các nước qua bảy thước đo: (1) “Phổ quát/ Đặc thù” (Universalism versus Particularism) , (2) “Chủ nghĩa cộng đồng/ Chủ nghĩa cá nhân” (Communitarianism versus Individualism) , (3) “Trung tính/ Xúc cảm” (Neutral/ Emotional) , (4) “Tổng hợp/ Đặc trưng” (Defuse versus Specific Cultures) , (5) “Thành tích/ Thân thế” (Achievement versus Ascription) , (6) “Quan hệ con người – thời gian” (Human-time relationship) và (7) “Quan hệ con người – bản chất” (Human-nature relationship) 8 .

Giao tiếp liên văn hóa đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho con người trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Theo Martin và Nakayama, có sáu “yêu cầu cấp bách” (imperative) phải nghiên cứu giao tiếp liên văn hóa là (1) “Yêu cầu cấp bách về công nghệ” (Technology imperative) , (2) “Yêu cầu cấp bách về dân số học” (Demographic imperative) , (3) “Yêu cầu cấp bách về kinh tế” (Economic imperative) , (4) “Yêu cầu cấp bách về hòa bình” (Peace imperative) , (5) “Yêu cầu cấp bách về đạo đức” (Ethical imperative) và (6) “Yêu cầu cấp bách về hiểu biết bản thân” (Self-awareness imperative) 9 . Thời hiện đại, con người đối diện với những thay đổi về kỹ thật hàng ngày. Sự xuất hiện của internet khiến lượng thông tin cung cấp đến con người nhiều hơn và nhanh hơn. Rất nhiều thông tin đến từ các nền văn hóa và dân tộc khác được gửi đến chúng ta, cho phép chúng ta gặp gỡ những người ta chưa từng biết đến, những người giống chúng ta và cả những người rất khác chúng ta,…

Nghiên cứu về giao tiếp liên văn hóa tại Việt Nam, Nguyễn Hòa (2009) cho rằng những yếu tố văn hóa có ảnh hưởng lớn đến giao tiếp chính là “giá trị văn hoá, niềm tin, hay quan niệm”. Ông cũng đưa ra giải pháp giao tiếp liên văn hóa là thiết lập sự đối lập nhị phân ở những nhân tố văn hóa này, chính xác hơn là một “quang phổ” đóng vai trò như một khung tham chiếu cho giao tiếp liên văn hóa 10 . Nguyễn Vũ Hảo (2006) cũng có quan điểm tương đồng khi đề xuất chấp nhận sự tồn tại hòa bình của các nguyên tắc khác nhau, thuyết phục và hướng đến một thế giới quan phổ quát toàn cầu 1 .

Kinh tế phát triển, các quốc gia giờ đây không chỉ hoạt động gói gọn trong quốc gia của mình mà đã vươn ra thế giới. Như Dahl có nhận định, “nghiên cứu so sánh và liên văn hóa đang trở nên ngày càng quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay” [ 11 , tr. 1]. Giao tiếp liên văn hóa thắt chặt mối quan hệ giữa các nhân viên trong công ty, giúp làm việc hiệu quả và thúc đẩy kinh tế phát triển.

SONG NGỮ VÀ CHUYỂN MÃ NGÔN NGỮ

Một đứa trẻ khi được sinh ra và lớn lên trong môi trường tiếng mẹ đẻ sẽ tự nhiên phát triển được khả năng ngôn ngữ của mình. Ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. “Ngôn ngữ là cái mà người ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, là cái người ta sử dụng để trình bày, sáng tạo và diễn giải ý nghĩa, để thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội và giữa con người với nhau” [ 12 , tr. 16]. Nói cách khác, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp giữa người với người.

Khác với ngôn ngữ mẹ đẻ, ngoại ngữ chỉ ngôn ngữ bên ngoài. Bất cứ ngôn ngữ nào không phải của dân tộc mình đều có thể gọi là ngoại ngữ. Theo Tomlinson, ngoại ngữ là “ngôn ngữ không thường được sử dụng để giao tiếp trong một xã hội nhất định” [ 13 , tr. x]. Như thế, ngôn ngữ nào không được sử dụng để giao tiếp trong một dân tộc hay một quốc gia thì đó chính là ngoại ngữ của dân tộc hoặc quốc gia đó.

Mối quan hệ giữa các quốc gia trong lịch sử đã để lại những quốc gia và cộng đồng người cùng lúc biết hai hoặc nhiều thứ tiếng. Ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ, họ còn biết thêm một hoặc nhiều thứ tiếng khác tùy mức độ thông thạo khác nhau. Bên cạnh đó, thời kỳ toàn cầu hoá và phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay đã dẫn đến nhu cầu giao tiếp liên văn hóa của con người, đòi hỏi con người ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ còn cần phải biết thêm ít nhất là một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Số lượng người “biết hai thứ tiếng” (bilingual) vì thế ngày càng nhiều. Trong tình huống đó, đã có rất nhiều những ghi nhận về hiện tượng “chuyển mã ngôn ngữ” (code switching) trong giao tiếp. Chuyển mã ngôn ngữ là hiện tượng người nói chuyển đổi qua lại giữa hai hoặc nhiều ngôn ngữ trong giao tiếp. Nghiên cứu của Jacobson (2004) đối với cộng đồng song ngữ người Malaysia cho thấy người Malaysia thường xuyên chuyển mã ngôn ngữ cả trong những tình huống giao tiếp trang trọng và không trang trọng 14 . Theo Tay (1989), Myers-Scotton (1995) và Adendorff (1996), việc chuyển mã ngôn ngữ trong giao tiếp là do người nói biết hai ngôn ngữ nhưng lại gặp khó khăn khi tìm cách diễn đạt một ý nào đó trong một ngôn ngữ cụ thể bởi “thiếu ngôn ngữ” (linguistic deficiency) , lúc đó họ sẽ chuyển mã, sử dụng một từ nào đó bằng ngôn ngữ khác để thay thế 15 , 16 , 17 . Nhìn chung, chuyển mã ngôn ngữ diễn ra một cách tự nhiên mà đôi khi ngay cả người nói cũng không nhận ra. “Người nói có thể không nhận thức được là mình đã chuyển mã ngôn ngữ hoặc sau khi kết thúc cuộc nói chuyện không thể xác định mã ngôn ngữ nào mình dùng cho một chủ đề cụ thể” [ 18 , tr. 103].

GIAO TIẾP LIÊN VĂN HÓA QUA NGÔN NGỮ CỦA MỘT SỐ NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG TẠI VIỆT NAM

Như trên đã đề cập, giao tiếp liên văn hóa là rất cần thiết trong nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Với sự phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay, giao tiếp liên văn hóa hiện đang có ý nghĩa rất lớn trong việc hợp tác và giao thương quốc tế. Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như khá nhiều doanh nghiệp trong nước đang làm việc hàng ngày với các khách hàng nước ngoài. Theo W. Welsch (1996), các nền văn hóa hiện nay có sự tác động sâu sắc lẫn nhau và tiếp tục thâm nhập nhau 19 . Với những người làm việc ở môi trường đa văn hóa, được gặp gỡ và làm việc với nhiều người trên thế giới chính là cơ hội để họ tiếp xúc với những nét văn hóa mới lạ từ bên ngoài. Dần dần, họ điều chỉnh bản thân không chỉ về thái độ, hành vi mà còn về ngôn ngữ để có thể giao tiếp được hiệu quả hơn. Có thể nói, giao tiếp liên văn hóa là môi trường để con người tiếp nhận những thuật ngữ với những ý nghĩa mới lạ, tiếp biến và điều chỉnh chúng, để rồi hình thành nên những đặc điểm ngôn ngữ mới qua thời gian.

Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi xin trình bày hiện tượng chuyển mã ngôn ngữ của bộ phận nhân viên văn phòng tại Việt Nam trong giao tiếp hàng ngày mà chúng tôi quan sát được. Đây là những người biết và sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày. Họ dùng tiếng Việt để trao đổi với người Việt và dùng tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài. Dần dần, ở họ hình thành thói quen chuyển mã qua lại giữa tiếng Việt và tiếng Anh cho dù đang giao tiếp với người Việt. Cũng xin nói thêm rằng việc đệm những từ ngữ quốc tế như thế, xét về mặt tích cực, là việc tiếp nhận và sử dụng những sản phẩm văn hóa, đóng góp phần nào cho giao tiếp văn hóa vốn đã và đang trên đà phát triển.

Từ việc đệm tiếng Anh trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày …

Từ lâu, chúng ta đã chứng kiến nhiều từ ngữ có nguồn gốc tiếng Anh được du nhập vào Việt Nam và xuất hiện trong ngôn ngữ hàng ngày của người Việt. Trong các doanh nghiệp, cường độ sử dụng những từ này lại càng cao. Lý do là những từ này rất phổ thông, ngắn gọn và có thể được sử dụng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Không khó để nhận thấy những từ như “ok” hay “bye” được sử dụng trong giao tiếp thường ngày ở bộ phận rất lớn nhân viên văn phòng. Họ là những người trẻ tuổi, vốn rất nhanh nhạy với những cái mới. Do đó, khi nhiều lần tiếp nhận những từ ngữ này từ các đối tác nước ngoài, họ dần cảm thấy quen thuộc và không ngần ngại sử dụng, trước hết là với những đồng nghiệp xung quanh, sau đó là với khách hàng của mình. Hơn nữa, vì hầu hết thời gian của họ là ở công ty, tiếp xúc với những người cùng độ tuổi nên giữa họ có những ảnh hưởng lẫn nhau, những từ ngữ này lại càng dễ dàng lan tỏa và được sử dụng rộng rãi trong doanh nghiệp.

Ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi mức độ tiếp xúc với người nước ngoài và văn hóa nước ngoài nhiều hơn thì giao tiếp liên văn hóa càng được tiến hành thường xuyên hơn. Như nhận định của Mikhail Epstein thì đây là lúc xuất hiện những “tập mờ văn hóa” (fuzziness) và tạo ra những “điểm giao thoa văn hóa” (interference) 20 . Các thuật ngữ tiếng Anh được đưa vào ngôn ngữ hàng ngày còn đáng kể hơn. Ngoài những chữ thông dụng như “ok” hay “bye” nêu trên, chúng tôi nhận thấy trong ngôn ngữ thường ngày của nhân viên văn phòng còn xuất hiện một số lượng đáng kể những từ tiếng Anh với những phổ nghĩa riêng biệt. Đó là những chữ như “confirm”, “deadline”, “take care”, “follow up”, “off”, “rest room”, “email”, “urgent”, “confidential”, “for your approval”, “balance sheet”, “overtime”, “discount”, “check in”, “check out”, “time sheet”, “free”,… Những từ ngữ này đi vào giao tiếp hàng ngày hết sức tự nhiên. Không nhất thiết phải là lúc giao tiếp với người nước ngoài, cả những lúc giao tiếp với người Việt, họ vẫn sử dụng xen kẽ những từ ngữ tiếng Anh để trao đổi thông tin với nhau bởi nếu dùng tiếng Việt vào vị trí đó, ý nghĩa mà người nói muốn truyền tải sẽ không được trọn vẹn.

Khá nhiều người chuyển mã ngôn ngữ do gặp khó khăn khi tìm cách diễn đạt một ý nào đó trong một ngôn ngữ cụ thể 15 , 16 , 17 . Vì không thể tìm một từ ngữ phù hợp để diễn đạt nên họ dùng một từ nào đó bằng ngôn ngữ khác để thay thế. Chẳng hạn, trong văn phòng, người ta thường hay nói câu “ Anh hãy take care khách hàng mới này ”. Chữ “take care” trong tiếng Anh có nghĩa là “chăm sóc” . Nhưng nếu nói “ Anh hãy chăm sóc khách hàng mới này ” thì sẽ không diễn đạt được đúng ý nghĩa và sẽ làm người ta cảm thấy khó chịu bởi “chăm sóc” chỉ việc chăm sóc người thân hay những người bị bệnh tật. Ý nghĩa “take care” khách hàng không liên quan gì đến bệnh tật mà nó có nghĩa là liên lạc, hỗ trợ, giúp đỡ, thỏa mãn nhu cầu… Tiếng Việt không có bất kỳ từ nào có thể diễn tả được đầy đủ và trọn vẹn được tất cả những ý này. Trong trường hợp đó, người nói đã “thiếu ngôn ngữ” và buộc phải dùng đến chuyển mã ngôn ngữ sang chữ “take care” thì mới diễn tả được chính xác nhất nội dung mình muốn giao tiếp.

Trong một tình huống khác, khi muốn nói mình đang trực tiếp cập nhật thông tin, xử lý một việc nào đó, người ta sẽ nói “ Tôi đang follow up vụ này ”. Chữ “follow up” có nghĩa là “theo” hoặc “theo dõi” . Tuy nhiên, trong tình huống này, nếu nói “ Tôi đang theo dõi vụ này ” thì thực ra rất phản cảm vì “theo dõi” trong tiếng Việt có nghĩa là theo dõi một hiện tượng đáng ngờ nào đó, tức có nghĩa bản thân việc mình đang theo dõi là một việc xấu. Trong khi đó, việc giao thương hợp tác với nhau chỉ có thể là cơ hội và hoàn toàn không thể xem là đáng ngờ. Nếu nói là “theo dõi” , chắc chắn đối tác sẽ cảm thấy rất phiền lòng. Khi đó, nội dung giao tiếp sẽ trở nên sai lệch vì từ vựng sử dụng không phù hợp. Như thế, không còn cách nào khác, người nói buộc phải chuyển mã ngôn ngữ sang tiếng Anh ( Tôi đang follow up vụ này) để tránh những hiểu nhầm đáng tiếc có thể xảy ra, không chỉ với đối tác mà cả với đồng nghiệp.

Có lẽ môi trường làm việc đa quốc gia hiện nay đã trở thành những “tập mờ văn hóa” và những “điểm giao thoa văn hóa” 20 giữa văn hóa Anh và văn hóa Việt khi mà có rất nhiều trường hợp tương tự mà người làm trong các công ty đa quốc gia đã hết sức quen thuộc. Nếu muốn hỏi hạn nộp một cái gì đó, tốt hơn hết hãy dùng chữ “deadline” như trong câu “ Cái này deadline là khi nào ?” thay vì “ Cái này chừng nào hết hạn nộp? ”. Hay nếu muốn nói đến việc làm ngoài giờ hành chánh thì hãy dùng chữ “overtime” như “ Hôm nay phải làm overtime ” chứ không nên nói “ Hôm nay phải làm ngoài giờ hành chánh ” vừa lạ tai, lại vừa dài dòng.

Những từ tiếng Anh kể trên giờ đây được sử dụng rộng rãi, đan xen với tiếng Việt trong giao tiếp kinh doanh. Nó tự nhiên và phổ biến đến mức nếu có ai đó vì yêu mến tiếng Việt mà cố gắng nghĩ ra và sử dụng từ những cụm từ thuần Việt thì nghe sẽ rất lạ tai và đôi khi buồn cười. Có lẽ ai đã từng làm việc trong môi trường nước ngoài cũng sẽ rất bất giờ nếu nghe câu: “ Này anh, nhà vệ sinh ở đâu? ” bởi chữ “nhà vệ sinh” trong văn hóa Việt là nơi người ta chỉ vào khi có nhu cầu vệ sinh cho bản thân. Trong khi đó, “rest room” trong văn hóa nước ngoài là nơi rất sạch sẽ và tiện nghi. Đó là nơi mà nhân viên văn phòng có thể vào trò chuyện, nghỉ ngơi hay tạm thời thư giãn. Làm việc trong môi trường đa quốc gia, tất nhiên người ta cũng sẽ hiểu được ý nghĩa và vai trò của “rest room” trong văn hóa phương Tây. Chữ “nhà vệ sinh” trong tiếng Việt hoàn toàn không tương thích với chữ “rest room” trong tiếng Anh. Thế nên, trong trường hợp này, cách giao tiếp tốt nhất là câu “Này anh, rest room ở đâu?” .

Trường hợp khác, nếu ai đó nói: “Tôi vừa nhận thư điện tử của khách hàng ” thì chắc chắn ngay lập tức sẽ được liệt vào loại những người khôi hài. Xã hội phát triển, e-mail đã quá quen thuộc với chúng ta đến nỗi đôi lúc ta quên mất e-mail trong tiếng Việt là từ gì. Nếu nghe câu “Tôi vừa nhận thư điện tử của khách hàng ”, người ta lại phải cố suy nghĩ xem “thư điện tử” có nghĩa là gì để rồi sau một hồi suy nghĩ mới gật gù nhận ra rằng đó là cái “e-mail” . Trong trường hợp này, rõ ràng “e-mail” mới là chữ được người ta đón nhận chứ không phải là “thư điện tử” cho dù đang trong tình huống giao tiếp giữa những người Việt với nhau.

Và nếu bạn có đi công tác thì hãy nói là: “Tôi vừa check in xong” chứ đừng nói: “Tôi vừa kiểm tra vào phòng xong” .

… đến các thuật ngữ sử dụng trong văn bản

Chuyển mã ngôn ngữ trong văn phòng các công ty đa quốc gia tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở những giao tiếp hàng ngày mà còn rất phổ biến trong các văn bản. Trong những bức thư gửi cho nhau trong nội bộ doanh nghiệp và cả những thông tin gửi cho khách hàng hiện nay, không khó để chúng ta nhận ra những chữ viết tắt mà bất cứ nhân viên văn phòng nào làm việc hay tiếp xúc với khách hàng nước ngoài nào cũng có thể nhận ra. Ai đã từng làm việc trong môi trường đa quốc gia hẳn đã hơn một lần nhìn thấy bức e-mail chỉ có ba ký tự “FYI” kèm theo một tài liệu đính kèm, ngoài ra không còn bất kỳ chữ gì khác. Điều quan trọng là những bức e-mail kiểu này xuất hiện thường xuyên, không chỉ giữa người Việt với người nước ngoài mà ngay cả những người Việt với nhau. Chữ FYI là viết tắt của “For Your Information” , tức là “Để anh có thông tin”, nhưng rõ ràng không thể viết nguyên cụm từ này trong tiếng Việt vì nó không thuận tai. Chỉnh sửa lại một tý, “Tôi xin báo để anh được rõ” cũng không thể mang lại kết quả tốt hơn vì có thể người mình gửi là nữ, là cấp trên hoặc cấp dưới, v.v.. Giờ đây, FYI” có thể dùng để giao tiếp liên văn hóa. Người gửi chỉ cần viết FYI , rất nhanh, rất ngắn gọn mà không cần phải lo lắng chỉnh sửa câu chữ cho phù hợp với đối tượng người nhận, có thể áp dụng với bất kỳ ai, dù là đồng nghiệp, đối tác, hay cấp trên của mình. Còn người nhận chỉ cần nhìn qua cụm FYI và chỉ cần quan tâm đến thông tin đính kèm, không cần phải đọc nguyên cả câu dài dòng hay truy cứu mối quan hệ giữa mình với người gửi.

Một cụm từ nữa cũng rất “quốc tế hóa” và cũng thường xuyên xuất hiện trong những thư từ trao đổi bất kể là người của quốc tịch nào là “RSVP” . Chỉ cần nhìn thấy “RSVP , người nhận ngay lập tức biết mình cần phải phản hồi cho đối tác vì đây là chữ viết tắt quốc tế cho cụm từ tiếng Pháp “Répondez, s'il vous plaît” (vui lòng trả lời) . Ở các doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam, chữ này rất thường xuyên xuất hiện vì đây là hoạt động rất cần thiết đối với công việc kinh doanh. Vì thế, dù là người Pháp, người Anh, hay người Úc, người Việt, một khi đã giao tiếp hay làm việc với nhau, ai ai cũng hiểu và sử dụng “RSVP” cho những hoạt động giao tiếp của mình.

Không kém phần phổ biến là cụm từ “ASAP” . “ASAP là viết tắt của cụm từ “ As Soon As Possible” trong tiếng Anh, nghĩa là “ càng sớm càng tốt” . Rõ ràng những chữ như thế, trước hết là hết sức ngắn gọn, không làm mất thời gian khi soạn thảo, đồng thời phổ nghĩa rất chính xác điều mà người viết mong muốn trong khi vẫn giữ được tính lịch sự, trang trọng cần thiết. Ngoài ra, những từ này có thể dùng để giao tiếp với bất kỳ đối tượng nào, dù là trong nước hay ngoài nước, với bất kỳ quốc tịch nào trên thế giới. Đó là những gì mà giới nhân viên văn phòng đang sử dụng hiện nay.

Ngoài những chữ viết tắt mang tính giao tiếp nêu trên, trong hoạt động kinh doanh, ta còn bắt gặp những thuật ngữ quốc tế mà cho dù là người Việt vẫn chỉ được phép dùng đúng thuật ngữ tiếng Anh chứ không được dùng tiếng Việt thay thế. Trong các công ty có hoạt động mua bán quốc tế, không ai lạ gì với các chữ như “FOB” (Free On Board) , “CIF” (Cost Freigh Insurance) , Packing List , BL (Bill of Lading), L/C (Letter of Credit) , …. Những chữ này tuy có thể diễn giải ý nghĩa bằng tiếng Việt, nhưng dùng hẳn tiếng Việt là điều không thể bởi đây là những điều khoản giao nhận và những chứng từ quốc tế đã được cả thế giới công nhận. Một khi doanh nghiệp có tiến hành mua bán quốc tế thì doanh nghiệp và nhân viên của doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng những từ tiếng Anh ấy. Trong trường hợp này, nếu ai đó có yêu mến tiếng Việt mà sử dụng ngôn ngữ thuần Việt thì người đó sẽ bị xem như là người kém hiểu biết.

Có thể nói, việc sử dụng pha trộn các từ tiếng Anh vào trong ngôn ngữ hàng ngày của nhân viên văn phòng bước đầu có ý nghĩa tích cực. Do làm việc trong môi trường đa quốc gia nên họ có cơ hội làm quen với những thuật ngữ chuyên sử dụng trong công việc. Cách sử dụng những từ này trước hết rất hiệu quả trong giao tiếp với người nước ngoài bởi chúng có tính liên văn hóa. Bên cạnh đó, chúng cũng rất có ích cho giao tiếp giữa những người Việt với nhau nhờ diễn tả chính xác sự việc muốn nói mà không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tôn ti hay thứ bậc vốn hết sức nhạy cảm đối với người Việt.

KẾT LUẬN

Cùng với đà phát triển của toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa về kinh tế nói riêng, giao tiếp liên văn hóa là vấn đề hết sức cấp thiết và rất có ý nghĩa trong việc mang lại một bức tranh hợp tác tốt giữa các nước. Ở Việt Nam, giao tiếp liên văn hóa rất dễ dàng nhìn thấy trong hoạt động giao tiếp hàng ngày giữa các nhân viên văn phòng ở các công ty đa quốc gia. Kết quả là hiện tượng chuyển mã ngôn ngữ, sử dụng đan xen những từ ngữ có tính quốc tế vào tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày. Đây thật sự là một hiện tượng văn hóa đang ngày càng phổ biến và mang ý nghĩa tích cực xét về góc độ giao tiếp liên văn hóa. Hiểu được bản chất của sự việc này, thiết nghĩ chúng ta cần có cái nhìn cởi mở hơn đối với hiện tượng sử dụng đan xen tiếng Anh vào ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của giới trẻ Việt Nam.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả xin gửi lời cám ơn đến GS.TS. Phan Thị Thu Hiền vì những định hướng về hiện tượng chuyển mã ngôn ngữ, giúp tác giả bổ sung thêm nền móng lý thuyết cho bài tham luận này.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

  1. Nghiên cứu về giao tiếp liên văn hóa và hiện tượng chuyển mã ngôn ngữ ở những người biết cùng lúc hai thứ tiếng trở lên trong bối cảnh toàn cầu hóa.

  2. Quan sát, ghi nhận hiện tượng chuyển mã ngôn ngữ và những từ ngữ tiếng Anh được chuyển mã sang tiếng Việt ở một số văn phòng làm việc có giao tiếp với nước ngoài tại Việt Nam.

  3. Lý giải nguyên nhân chuyển mã ngôn ngữ và ý nghĩa của một số từ ngữ tiếng Anh được chuyển mã sang tiếng Việt trong giao tiếp.

References

  1. Hảo Nguyễn Vũ. Giao tiếp liên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa: Một số vấn đề triết học. (ngày truy cập16/09/2020). . 2006;:. Google Scholar
  2. Gudykunst WB. Intercultural communication theories. Handbook of International and Intercultural Communication. . 2002;:183-205. Google Scholar
  3. Barnett GA, Lee M. Issues in Intercultural Communication Research. Handbook of International and Intercultural Communication. . 2002;:275-290. Google Scholar
  4. Arent R. Bridging the culture gap: Listening and speaking task for developing fluency in English. Michigan: University of Michigan Press. . 2009;:. Google Scholar
  5. Samovar LA, Porter, Richard E. Communication between cultures. Belmont. CA: Wadsworth. . 1991;:. Google Scholar
  6. Hall ET. The hidden dimension. (ngày truy cập 16/09/2020). . 1966;:. Google Scholar
  7. Hofstede GH. Cultures and organizations : software of the mind. London, New York: McGraw Hill. . 1991;:. Google Scholar
  8. Trompenaars F, Hampden¬-Turner C. Riding the Waves of Culture. New York: McGraw-Hill Professional Publishing. . 1997;:. Google Scholar
  9. Matin JN, Nakayama TK. Intercommunication in Context. London, Toronto: Mayfield Publishing Company. . 2010;:. Google Scholar
  10. Nguyễn Hòa. Một số đối lập giá trị văn hóa và quan niệm phổ biến trong giao tiếp liên văn hóa. (ngày truy cập 10/09/2020). . 2009;:. Google Scholar
  11. Dahl S. An overview of intercultural research. (ngày truy cập 24/08/2020). . 2003;:. Google Scholar
  12. Scarino A, Liddicoat AJ. Teaching and Learning Languages: A guide. Deakin: Geon Impact Printing Pty Ltd. . 2009;:. Google Scholar
  13. Tomlinson B. Materials in Language Teaching. New York: Cambridge University Press. . 1998;:. Google Scholar
  14. Jacobson R. The broadening spectrum of a Malaysian experience: From informal codemixing to formal codeswitching. Kuala Lumpur: Dewan Bahasa dan Pustaka. . 2004;:. Google Scholar
  15. Tay MW. Code switching and code-mxing as a communicative strategy in multilingual discourse. World Englishes. . 1989;8:407-417. Google Scholar
  16. Myers-Scotton C. Social motivations for code-switching: Evidence from Africa. Oxford: Oxford University Press. . 1995;:. Google Scholar
  17. Adendorff R. The functions of code-switching among high school teachers and students in KwaZulu and implications for teacher education. Voices from the language classroom: Qualitative research in second language education. . 1996;:388-406. Google Scholar
  18. Wardaugh R. An introduction to sociolingusitics. Massachusetts: Blackwell Publishers Ltd. . 1998;:. Google Scholar
  19. Welsch W. Transculturality: The puzzling form of culture today. Spaces of Culture, City, Nation, World. . 1996;:. Google Scholar
  20. Epstein M. Transcultural Experiments: Russian and American Models of Creative Communication. New York: St. Martin's Press (Scholarly and Refernce Division). . 1999;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 3 (2021)
Page No.: 1139-1145
Published: Aug 19, 2021
Section: Short Communication - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.690

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thi Van Hoai, T. (2021). The phenomenon of code switching between Vietnamese and English in communication of Vietnamese office staff. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(3), 1139-1145. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.690

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1477 times
Download   = 568 times
View Article   = 0 times
Total   = 568 times