VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

1517

Total

417

Share

The direct investment of Japan in Vietnam through the case study of Binh Duong province (1997 - 2016)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Foreign Direct Investment (FDI) is an effective foreign economic strategy that has been bringing positive economic effects to Japan in the modern era. Foreign investment activities have contributed to creating an important position for Japan in the world economy. Japan's investment market is very diverse and increasingly tends to move to Asia, especially Southeast Asia, where there are many developing economies, including Vietnam. Japan’s investment in Vietnam officially started in the early 1990s and has grown in both breadth and depth. Japan has quickly become one of the leading countries in terms of the number of investment projects as well as the amount of capital in Vietnam. Japanese enterprises not only operate in various areas but also show a very unique business identity compared to other foreign investors. This article selects Binh Duong province, which early received Japan’s investment and is evaluated as one of the bright spots in attracting foreign investment for economic development, as a typical case to study the Japanese investment in Vietnam. The research results will clarify the cause, process, scale, and field of the Japanese investment in Binh Duong, thereby contributing to reflecting the trends and characteristics of the Japanese direct investment activities in Vietnam in the period 1997 - 2016.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Dirext Investment - FDI) là sự gia tăng giá trị ròng của các khoản đầu tư vào một quốc gia do các nhà đầu tư của một quốc gia khác nắm giữ [ 1 , tr. 120]. Theo đó, có thể hiểu rằng đầu tư nước ngoài là một loại hình di chuyển vốn quốc tế, trong đó người chủ sỡ hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động dòng vốn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa FDI là một hoạt động đầu tư quốc tế nhằm đạt được những lợi ích lâu dài trong một doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của một nền kinh tế khác [ 2 , p. 7-8]. Theo khái niệm này, đầu tư trực tiếp nước ngoài được đặc trưng bởi “lợi ích lâu dài" đối với lĩnh vực kinh doanh đang được thực hiện đầu tư.

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, đầu tư trực tiếp nước ngoài là hoạt động kinh tế đối ngoại nổi bật của Nhật Bản tại các nước Đông Nam Á, nhất là tại những nước có nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định như Việt Nam. Nhật Bản luôn giữ được tốc độ đầu tư cao, ổn định vào Việt Nam và là một trong hai nước dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cùng với Hàn Quốc. Vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam phân bố tương đối rộng. Tính đến tháng 8 năm 2015, các doanh nghiệp của quốc gia này đã đầu tư vào 49/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó tỉnh Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với 10 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 9,68 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là Hà Nội với 661 dự án với với tổng vốn đầu tư là 4,1 tỷ USD (chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư) 3 .

Đến cuối năm 2015, Bình Dương là tỉnh đứng thứ ba trong việc thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản với 236 dự án với vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD [ 4 , tr.106]. Từ chỗ hoạt động đầu tư còn khiêm tốn về số lượng dự án và nguồn vốn, từ giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI, các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng tốc đầu tư, kết quả từ năm 2012, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất tại Bình Dương. Một điểm đáng chú ý là quy mô trung bình của các dự án Nhật Bản tại đây khá cao, trong đó có một số dự án có số vốn đăng ký thuộc hàng lớn nhất nước.

Việc tăng tốc đầu tư tại Bình Dương cũng như một số tỉnh thành khác tại Việt Nam là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp và chính phủ Nhật Bản đối với các nước ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là tại những nơi có lợi thế so sánh cũng như có chính sách thu hút đầu tư thông thoáng. Tuy nhiên, cho đến nay việc nghiên cứu về vấn đề đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương vẫn còn bỏ ngỏ. Tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, bài viết này hướng đến mục tiêu làm rõ hoạt động đầu tư Nhật Bản tại Bình Dương thông qua bốn vấn đề chính: nguyên nhân, tiến trình, quy mô, lĩnh vực đầu tư. Thêm vào đó, vì Bình Dương là một trong ba địa phương thu hút được đầu tư nhiều nhất từ Nhật Bản, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm từ khi tái lập tỉnh (1997-2016) nên bài viết có thể góp phần phản ánh xu hướng cũng như những đặc điểm trong hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Dù trải qua từng giai đoạn khác nhau, xu hướng đầu tư của một quốc gia có thể thay đổi, nhưng kết quả được trình bày trong bài viết có thể giúp chính quyền tỉnh Bình Dương hiểu hơn về một giai đoạn tương đối thành công của tỉnh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư từ Nhật Bản nói riêng, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư để tạo ra động lực phát triển trong thời gian tới.

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Những đóng góp của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực trong quá trình đầu tư tại Việt Nam đã đặt ra nhu cầu nghiên cứu về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Từ đó, đã có nhiều nghiên cứu về quan hệ giữa hai nước đã được công bố, trong đó có một số công trình phản ánh hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Nghiên cứu về nguyên nhân thúc đẩy hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản, Phạm Thị Thanh Bình và Dương Hồng Nhung (2002) trong bài viết “Vai trò của Nhật Bản trong phát triển kinh tế ASEAN thập niên cuối thế kỷ XX” cho rằng: trước hết, đó là việc đồng Yên tăng giá từ sau Hiệp định Plaza năm 1985. Đồng Yên được định giá cao đã tạo ra thuận lợi lớn cho Nhật Bản khi xuất khẩu tư bản. Tuy nhiên, vì nền kinh tế Nhật phụ thuộc vào xuất khẩu, nên việc tăng giá đồng Yên đã đe dọa tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Để tăng sức cạnh tranh, các công ty Nhật Bản đã xây dựng nhiều cơ sở sản xuất ở nước ngoài [ 5 , tr. 14], tạo thành làn sóng FDI của Nhật Bản. Cũng theo các tác giả này, từ thập niên 1990, Nhật Bản rất tích cực trong việc thực hiện chiến lược “Đổi mới - sản xuất - xuất khẩu - đầu tư trực tiếp nước ngoài - nhập khẩu” [ 5 , tr. 12]. Trong chiến lược này, Nhật Bản sẽ chuyển hướng tới các nước có giá trị nhân công thấp hơn, sau đó lại xuất khẩu đi những nước phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, bằng cách di chuyển một số loại hoạt động sản xuất ra nước ngoài, kể cả các nước đang phát triển, Nhật Bản có thể tập trung vào những lĩnh vực mà mình có ưu thế, đặc biệt phát triển những lĩnh vực kỹ thuật cao [ 6 , tr. 354]. Phùng Thanh Quang cho rằng để thúc đẩy hoạt động đầu tư của mình, Nhật Bản đã “dọn đường” cho dòng vốn FDI chảy vào các quốc gia khác thông qua nguồn ODA hỗ trợ cho các nước đang phát triển, tạo ra lượng “vốn mồi” [ 7 , tr. 31], từ đây Nhật Bản thuận lợi hơn trong việc thâm nhập thị trường, tiến hành đầu tư, tận dụng cơ hội tốt để kinh doanh.

Về lực hút từ phía địa bàn đầu tư, theo các nghiên cứu thì ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là địa bàn hấp dẫn đối với hoạt đầu tư nước ngoài. Phan Minh Tuấn nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng do dân số đông, sức mua ngày càng tăng, có tiềm năng trở thành thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa của Nhật. Khi đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản sẽ kết hợp đồng thời sản xuất phục vụ thị trường nội địa với sản xuất phục vụ xuất khẩu [ 8 , tr. 10]. JETRO (Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản) khi đánh giá về hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đã nhận định yếu tố nhân công giá rẻ và quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng cũng là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản [ 9 , tr. 6]. Một yếu tố thuận lợi khác đó là các nước ASEAN cũng rất tích cực trong trong việc thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài [ 5 , tr. 14].

Về các giai đoạn đầu tư, các tác giả chỉ ra hai giai đoạn phát triển. Đầu tiên là từ giữa thập niên 1980 đến cuối thập niên 1990 là giai đoạn thăm dò, mở đường cho các dự án của Nhật Bản vào ASEAN và Việt Nam [ 5 , tr. 14-15]. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 đã làm cho đầu tư Nhật Bản giảm xuống nhanh chóng. Sau thời gian đó, đầu tư Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi từ năm 2004 và đặc biệt đột phá từ năm 2006 với 160 dự án đăng ký trong năm này [ 10 , tr. 33].

Các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam thường chọn khu vực đồng bằng, nơi tập trung dân cư và nhu cầu tiêu dùng cao [ 8 , tr. 6]. Đối với lĩnh vực đầu tư, đa số các nghiên cứu đều thống nhất rằng các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến nhiều lĩnh vực công nghiệp 5 , 8 , 11 . Nguyễn Tuấn Dũng trong nghiên cứu về vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam cho rằng có đến 81% tổng số vốn của Nhật Bản tập trung vào lĩnh vực sản xuất, 85% số đó đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng [ 11 , tr. 32]. Về quy mô, các dự án của Nhật Bản trước thập niên 2010 thường có quy mô trung bình và nhỏ 5 , 8 .

Tổng quan tình hình nghiên cứu về đầu tư Nhật bản tại Việt Nam đã phản ánh rất nhiều đặc điểm của hoạt động đầu tư của nhật Bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần bổ khuyết: thứ nhất là về giai đoạn, các nghiên cứu hiện có chủ yếu đến nửa sau thập niên 2000, vì vậy chưa phản ánh những điểm mới trong đầu tư Nhật Bản trong thập niên tiếp theo. Thứ hai, vẫn còn ít nghiên cứu về đầu tư Nhật Bản tại một tỉnh, thành cụ thể, trong đó có Bình Dương, một trong những tỉnh hút đầu tư nước ngoài lớn của cả nước. Nghiên cứu này trên cơ sở đối chiếu với những kết quả nghiên cứu trước đây và qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Bình Dương, vừa phản ánh tính đa dạng của đầu tư của Nhật Bản khi triển khai một các địa phương cụ thể, đồng thời sẽ góp phần làm rõ thêm về hoạt động đầu tư trực tiếp của quốc gia này tại Việt Nam, đặc biệt là những điểm mới trong thập niên 2010.

Từ việc điểm qua một số công trình cứu có liên quan nêu trên, có thể thấy rằng việc nghiên cứu về đầu tư Nhật Bản đã chỉ ra một số vấn đề chính:

Thứ nhất về nguyên nhân thu hút đầu tư của Nhật Bản thường tập trung vào các yếu tố mang tính hấp dẫn từ phía địa bàn đầu tư như điều kiện tự nhiên, dân số, quy mô thị trường. Đây là những yếu tố thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể đảm bảo lợi ích lâu dài cho các nhà đầu tư.

Thứ hai về tiến trình đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng thăm dò thị trường, đánh giá và lựa chọn địa bàn tiềm năng nhất để đẩy mạnh đầu tư. Vì vậy, việc có những chính sách thuận lợi cho các đầu tư Nhật Bản trong giai đoạn thăm dò này là hết sức quan trọng để thu hút đầu tư.

Thứ ba về quy mô đầu tư, các dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trước năm 2000 thường có quy mô trung bình và nhỏ, chưa có nhiều dự án tập trung vốn lớn. Điều này chứng tỏ, Việt Nam vẫn chưa phải là địa bàn đầu tư chiến lược của Nhật Bản.

Thứ tư là cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác, các dự án của Nhật Bản trong giai đoạn từ giữa thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000 thường tập trung lĩnh vực sản xuất, chế tạo công nghiệp, trong khi lĩnh vực thương mại – dịch vụ vẫn chưa thu hút được nhiều đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU, NGUỒN DỮ LIỆU, GIẢ THUYẾT VÀ CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết được thực hiện trên quan điểm lịch sử cụ thể, được hình thành trên cơ sở nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển, cho rằng mỗi sự vật, hiện tượng hay quá trình tồn tại trong hiện thực đều được tạo thành từ những yếu tố, bộ phận khác nhau; có muôn vàn sự tương tác với nhau và với các sự vật, hiện tượng hay quá trình khác nhau. Đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương bên cạnh việc phản ánh những điểm chung, nổi bật của các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam, còn phản ánh những yếu tố mang tính đặc trưng của địa phương. Vì vậy, dưới góc độ lịch sử cụ thể, việc nghiên cứu vấn đề này là cần thiết và mang lại những hiểu biết nhất định.

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử để làm rõ quá trình đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương. Phương pháp lịch sử là cách thức giúp cho chúng ta hiểu được quá khứ. Phương pháp này sử dụng được phổ biến trong các nghiên cứu lịch sử nhằm tái hiện bức tranh quá khứ của sự vật, hiện tượng theo đúng trình tự thời gian và không gian như nó đã từng diễn ra [ 12 , tr.48]; nó liên quan đến việc xác định các thông tin về sự phát triển lịch sử, kiểm tra tính hợp lệ của các nguồn tài liệu, sau đó lựa chọn và tổ chức các dữ liệu này thành một mô tả chân thật về lịch sử như nó từng xảy ra [ 13 , tr.14]. Nói cách khác, phương pháp lịch sử là những kỹ thuật và nguyên tắc được sử dụng để nghiên cứu và mô tả về lịch sử trong quá khứ. Tài liệu lịch sử (dữ liệu) thu thập được có thể là định lượng hoặc định tính. Phương pháp lịch sử được áp dụng trong bài viết này nhằm làm rõ bối cảnh và nguyên nhân thu hút đầu tư Nhật Bản vào địa bàn tỉnh Bình Dương, đồng thời phân tích những biến đổi về quy mô và lĩnh vực hoạt động đầu tư của Nhật Bản qua các năm.

Nguồn dữ liệu

Để tiến hành phương pháp này, bài viết sử dụng nguồn dữ liệu (định lượng) thu thập từ Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương và một số nguồn tư liệu thứ cấp. Nguồn số liệu lúc thu thập ở dạng thô, sau đó được xử lý lại thành các bảng và hình để phục vụ cho việc nghiên cứu.

Khung lý thuyết

Để có cơ sở tiến hành nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một số câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu, thể hiện ở Table 1 .

Table 1 Bảng đối sánh câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Những nguyên nhân thu hút đầu tư Nhật Bản của tỉnh Bình Dương

Cũng như nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia khác, các doanh nghiệp Nhật Bản thường không “trói” mình vào những địa bàn nhất định mà luôn liên tục tìm kiếm những địa bàn đầu tư hấp dẫn và thuận lợi. Tỉnh Bình Dương là một trong những điểm đến tại Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu trên:

Thứ nhất, chính quyền tỉnh Bình Dương luôn nhất quán trong thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư:

Bình Dương đã thực thi nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Cụ thể, về cấp phép đầu tư, chỉ trong vòng ba ngày kể từ khi nộp hồ sơ, các doanh nghiệp sẽ có giấy phép đầu tư. Bình Dương còn áp dụng việc ưu đãi thuế theo quy định cho các nhà đầu tư tùy theo lĩnh vực, địa bàn, mục tiêu đầu tư,... Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Bình Dương luôn tỏ ra năng động và có thái độ cầu thị trong việc đối thoại với doanh nghiệp. Lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Với cách làm này, Bình Dương vừa chọn được các nhà đầu tư tiềm năng là các tập đoàn mạnh, vừa chọn được các dự án đầu tư công nghiệp có công nghệ hiện đại, dự án đầu tư thương mại – dịch vụ – đô thị,… theo định hướng phát triển bền vững của Tỉnh, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, Bình Dương có hệ thống cơ sở hạ tầng tập trung hoàn thiện và nguồn nhân lực phong phú:

Hệ thống khu công nghiệp của Bình Dương được đầu tư khá đồng bộ. Từ Sóng Thần 1, khu công nghiệp đầu tiên được xây dựng từ 1994, đến năm 2017, Tỉnh đã có 28 khu công nghiệp mới lần lượt ra đời với những cái tên đã thành thương hiệu: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), Khu công nghiệp Mỹ Phước, Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương,… Tất cả đều được đầu tư những tiện ích hiện đại, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh, đáp ứng quy mô sản xuất công nghiệp tập trung. Ngoài ra, Tỉnh còn ban hành các chính sách nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực và đưa vào hoạt động các trung tâm đào tạo kỹ thuật, dạy nghề để cung cấp lao động kỹ thuật cho các khu công nghiệp và các doanh nghiệp.

Thứ ba, chính quyền Tỉnh không ngừng đổi mới, cải cách thủ tục hành chính công, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư:

Nằm trong hệ giải pháp thúc đẩy đầu tư bên ngoài, Bình Dương đã sớm tiến hành cải cách hành chính. Ngay từ 1994 để cụ thể hóa chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, Bình Dương xây dựng cơ chế “một cửa, một dấu” dành cho lĩnh vực thu hút đầu tư. Cải cách hành chính góp phần hình thành môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp Bình Dương thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện các dự án đạt tỷ lệ cao, qua đó đẩy nhanh tốc độ phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Thứ tư, Bình Dương không ngừng đa dạng hóa lĩnh vực thu hút đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư Nhật Bản:

Lĩnh vực đầu tư không ngừng được mở rộng, từ chỗ thu hút chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất có hàm lượng kỹ thuật thấp, sử dụng nhân công phổ thông giá rẻ , từ đầu thế kỷ XXI, cùng với chủ trương chuyển hướng công nghiệp hóa, việc Bình Dương đã chuyển hướng kêu gọi việc ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, ít tác động đến môi trường là một trong những lý do thu hút được nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong thập niên 2010, Bình Dương còn ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị hiện đại cũng như trên lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Động thái này không những tạo ra những cơ hội thu hút đầu tư mới mà còn mở đường cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này tham gia đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

Tiến trình và tốc độ đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương, Việt Nam

Xét về số dự án

Nhật Bản bắt đầu quan tâm và đầu tư vào Bình Dương từ đầu thập niên 1990, ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực. Từ năm 1991 đến năm 1996, đã có 10 dự án đầu tư trên địa bàn Bình Dương. Nếu như trong các năm từ 1991 đến 1995, số lượng dự án còn “thưa thớt” thì năm 1996 có thể xem là cột mốc đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư từ Nhật khi có đến 5 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký đầu tư, trong đó dự án công ty TNHH kính Asahi Việt Nam có vốn đăng ký lên đến hơn 125 triệu USD.

Tuy nhiên, về cơ bản, đây là giai đoạn thăm dò thị trường nên số lượng doanh nghiệp Nhật Bản còn tương đối ít; tốc độ đăng ký dự án cũng khá chậm, trung bình mỗi năm có chưa đến 02 dự án. Phân bố đầu tư cũng mới chỉ tập trung tại huyện Thuận An (được tách thành hai huyện Dĩ An và Thuận An từ tháng 7/1999) với 08 dự án và thị xã Thủ Dầu Một với 02 dự án. Đa số các dự án Nhật Bản đến thời điểm 1996 đều nằm ngoài khu công nghiệp, chỉ có 02 dự án triển khai tại khu công nghiệp Việt Hương và VSIP 1.

Sau khi tách khỏi tỉnh Sông Bé năm 1997, với chính sách đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, đặc biệt với sự bùng nổ của các khu công nghiệp, số lượng dự án Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương tăng không ngừng qua từng năm. Đầu tư của Nhật Bản trong thời kỳ này, dựa vào số lượng dự án, có thể chia thành hai giai đoạn: từ 1997 đến 2006 và từ 2007 đến 2016. Nếu như trong giai đoạn 1997-2006, bình quân mỗi năm chỉ có khoảng hơn 6 dự án đầu tư thì trong giai đoạn 2007-2016, trung bình mỗi năm, Bình Dương đón nhận gần 20 dự án đầu tư (tính theo Figure 1 ).

Figure 1 . Số lượng dự án đầu tư FDI của Nhật Bản vào tỉnh Bình Dương giai đoạn 1997-2016. (Nguồn: Xử lý theo 14 )

Năm 2007, mốc khởi đầu của giai đoạn này, có 35 dự án được Nhật Bản đăng ký đầu tư tại Bình Dương, tăng gấp hai lần so với năm 2006. Trong một số năm sau đó, số lượng dự án đầu tư của Nhật Bản được cấp phép khá cao, có tính tăng trưởng vượt trội như các năm 2008 (27 dự án), năm 2012 (27 dự án), năm 2013 (27 dự án), năm 2014 (35 dự án). Tổng số lượng dự án của Nhật Bản giai đoạn 2007 - 2016 là 199 dự án, gấp ba lần giai đoạn 1997 - 2006 (65 dự án) (tính theo Figure 1 ).

Như vậy, càng về sau, các doanh nghiệp Nhật Bản càng quan tâm và tăng tốc đầu tư vào Bình Dương. Điều này phản ánh ưu thế và năng lực cạnh tranh của Tỉnh đang ngày càng được cải thiện, thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản vốn luôn tìm kiếm những thị trường đầu tư mới, tiềm năng cho hoạt động kinh doanh của mình. Trên bình diện quốc gia, việc Nhật Bản đổ vốn đầu tư mạnh mẽ vào Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung trong những năm đầu của thập niên 2010 trước hết là do tác động của Hiệp định đối tác Việt Nam - Nhật Bản được ký ngày 25/12/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/10/2009. Bên cạnh đó, những nỗ lực trong đối ngoại mà chính quyền Tỉnh tiến hành cũng là lý do khiến các doanh nghiệp Nhật ngày càng quan tâm đến Bình Dương. Ngoài ra, còn có thể kể đến quá trình phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế của Nhật Bản sau khủng hoảng kinh tế năm 2009 đã thúc đẩy các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư ra nước ngoài.

Tuy vậy, trong giai đoạn 2007-2016, mặc dù nếu xét trên lượng dự án thì đầu tư Nhật Bản tại Bình Dương khởi sắc hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, nhưng mức độ biến động cũng lớn hơn. Figure 1 cho thấy số lượng dự án các năm 2009-2011 ít hơn khá nhiều so với hai năm 2007-2008. Tương tự, năm 2015 - 2016, đầu tư Nhật Bản tụt giảm hẳn so với các năm 2012-2014. Điều này phần nào phản ánh tính thiếu ổn định trong quá trình thu hút các dự án đầu tư Nhật Bản của tỉnh Bình Dương.

Xét về vốn đăng ký

Mặc dù đầu tư tại Bình Dương từ khá sớm nhưng nguồn vốn của các dự án Nhật Bản tại Bình Dương chỉ thực sự tăng tốc từ giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI. Trong giai đoạn 2005 - 2008, vốn đăng ký của các dự án mới tăng vọt so với giai đoạn trước. Cụ thể, trong vòng 4 năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào Bình Dương, gấp ba lần tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1997 - 2004 (418 triệu USD). Tính trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 300 triệu USD, gấp 5 lần so với trung bình mỗi giai đoạn trước (gần 60 triệu USD/năm) (tính theo Figure 2 ).

Figure 2 . Vốn đăng ký của các dự án đầu tư Nhật Bản vào Bình Dương giai đoạn 1997 - 2016. (Nguồn: Xử lý theo 14 )

Sau giai đoạn 2005 - 2008, nguồn vốn Nhật Bản có xu hướng chững lại do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009. Cụ thể, trong ba năm 2009 - 2011, Bình Dương chỉ thu hút được hơn 188 triệu USD với 33 dự án, thấp hơn giai đoạn trước rất nhiều (tính theo Figure 1Figure 2 ). Riêng trong năm 2009, chỉ có 6 dự án của Nhật Bản đăng ký đầu tư tại Bình Dương với số vốn 14,1 triệu USD. Giai đoạn này vì vậy có thể xem là một “khoảng lặng” khá ảm đạm trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản của Bình Dương.

Sau một thời gian trầm lắng, năm 2012 đánh dấu cột mốc lớn trong dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Bình Dương. Trong năm này, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 1,4 tỷ USD và đã trở thành quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Bình Dương với các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, thương mại - dịch vụ như Khu đô thị Tokyu Bình Dương có vốn đăng ký lên đến 1,2 tỷ USD, dự án Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary có vốn đăng ký 95 triệu USD,… Đây là thành công khá quan trọng giúp Bình Dương nhanh chóng đạt được mục tiêu tăng cả lượng và chất trong thu hút đầu tư. Tiếp tục đà phát triển đó, trong các năm tiếp theo, vốn đầu tư Nhật Bản tiếp tục “chảy mạnh” vào Bình Dương. Năm 2013, Bình Dương thu hút 238,8 triệu USD, năm 2014 thu hút 217,7 triệu USD vốn đăng ký từ các doanh nghiệp Nhật Bản ( Figure 2 ).

Quy mô đầu tư

Xét về số vốn đăng ký, số lượng các dự án của Nhật Bản có vốn đầu tư đăng ký dưới 5 triệu USD là 166 dự án, chiếm tỷ lệ 62,9%, trong đó có 110 dự án có vốn dao động từ 1 đến 5 triệu USD. Các dự án có vốn đầu tư trên 5 triệu USD cũng khá nhiều với 98 dự án chiếm 38,1%, trong đó có đến 31 dự án có quy mô lớn từ 20 triệu USD trở lên, chiếm tỷ lệ 11,8% tổng số dự án đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương ( Table 2 ). Đặc biệt, trong 264 dự án của Nhật Bản, có 9 dự án số vốn đăng ký từ 50 đến 100 triệu USD và 3 dự án trên 100 triệu USD. Năm 2012, Bình Dương đón nhận dự án tỷ đô đầu tiên từ Nhật Bản: lĩnh vực hạ tầng đô thị do tập đoàn Tokyu đầu tư (1,2 tỷ đô). Hai dự án còn lại cũng có quy mô đầu tư lớn, bao gồm công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics đầu tư 450 triệu USD vào lĩnh vực sản xuất vật liệu công nghiệp (điện tử) và công ty TNHH Maruzen Foods Việt Nam đầu tư sản xuất thực phẩm (105 triệu USD). Đây cũng là những dự án có vốn đầu tư vào loại lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm năm 2016.

Table 2 Quy mô đầu tư của các dự án Nhật Bản tại Bình Dương. (Nguồn: Xử lý theo 14 )

So với dự án đầu tư nước ngoài nói chung của Bình Dương, các dự án đầu tư Nhật Bản tại Bình Dương thường có vốn đăng ký cao hơn. Table 3 cho thấy, tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến tháng 12/2016 số lượng dự án của Nhật Bản tại Bình Dương ít hơn khá nhiều so với Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng số vốn đăng ký của các dự án Nhật Bản cao hơn hẳn, trung bình khoảng 18,2 triệu USD/1 dự án so với 6,9 triệu USD/dự án của Đài Loan và 3,9 triệu USD/dự án của Hàn Quốc,… Nếu chỉ tính trong giai đoạn 1997 - 2016, trung bình vốn đăng ký của mỗi dự án của Nhật Bản tại Bình Dương cũng rất cao, vào khoảng 14,5 triệu USD.

Table 3 Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép phân theo đối tác đầu tư chủ yếu (lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 31/12/2016). [ 15 , tr.78]

Điều này chứng tỏ quy mô đầu tư Nhật Bản lớn và khá tập trung, đồng nghĩa với giá trị của các dự án tương đối lớn và độ ổn định trong hoạt động của dự án được đảm bảo hơn. Qua đó cũng cho thấy cách thức đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương có khác so với một số quốc gia khác. Chẳng hạn, chủ đầu tư Đài Loan chủ trương vốn bỏ ra ban đầu thấp, sau đó tùy theo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh mà ra quyết định tăng hay giảm vốn đầu tư. Chính vì vậy, các doanh nghiệp từ quốc gia này thường đầu tư các dự án vừa và nhỏ, trung bình khoảng 5 triệu USD vì các dự án nhỏ sẽ ít bị ảnh hưởng khi có sự cố tài chính, dễ chọn lựa và thuê nhân công, đầu tư nhanh có lời.

Lĩnh vực đầu tư

Cơ cấu lĩnh vực đầu tư

Lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương tương đối đa dạng, có thể chia thành hai nhóm chính là sản xuất - gia công và phi sản xuất. Trong nhóm sản xuất - gia công, các dự án sản xuất chiếm 69,7%; sản xuất, gia công 15,9% và gia công 2,6%. Trong nhóm phi sản xuất, có hai lĩnh vực gồm thương mại - dịch vụ chiếm 11,4% và hạ tầng đô thị 0,4% tổng số 31 dự án. Cụ thể, có đến 233 dự án đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, gia công (sản xuất: 184; sản xuất, gia công: 42; gia công: 7), trong khi đó chỉ có 31 dự án thương mại - dịch vụ và hạ tầng đô thị (tính theo Table 4 ). Cơ cấu trên cho thấy các nhà đầu tư của Nhật Bản vào Bình Dương dành sự ưu tiên nhiều nhất cho hoạt động sản xuất dựa trên ưu thế về khu công nghiệp và hạ tầng sản xuất của Tỉnh.

Table 4 Cơ cấu lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương giai đoạn 1997 - 2006 xét theo số lượng dự án. (Nguồn: Xử lý theo 14 )

Xu hướng này phản ánh đúng tính chất của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong giai đoạn 1997 - 2006, lĩnh vực kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Tỉnh, đặc biệt là kinh tế công nghiệp. Chính vì vậy, số lượng dự án của Nhật Bản và nhiều nước khác thường tập trung vào lĩnh vực sản xuất, gia công. Trong khi đó, nhu cầu kinh doanh - dịch vụ tăng cao chủ yếu do sự bùng nổ của quá trình đô thị hóa, vốn là hệ quả trực tiếp của quá trình công nghiệp hóa diễn ra trên địa bàn Tỉnh từ đầu thế kỷ XXI.

Xét về cơ cấu vốn đầu tư của Nhật Bản, sản xuất - gia công cũng là lĩnh vực đầu tư có nguồn vốn lớn nhất, chiếm 63,5% tổng nguồn vốn (2,43 tỷ USD), trong đó, chủ yếu là vốn từ các dự án sản xuất hoặc vừa sản xuất vừa gia công. Các dự án thương mại - dịch vụ và hạ tầng đô thị mặc dù chỉ chiếm 11,8% về số lượng nhưng nguồn vốn đạt đến 36,5% (1,4 tỷ USD) ( Figure 3 ). Điều này chứng tỏ các dự án trong nhóm lĩnh vực phi sản xuất chiếm vị trí đặc biệt trong việc huy động vốn đầu tư từ Nhật Bản vì mức độ tập trung vốn rất cao. Cũng vì thế, khả năng tác động của các dự án này đối với tiến trình phát triển của Bình Dương cũng lớn hơn so với các dự án sản xuất.

Figure 3 . Cơ cấu lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản giai đoạn 1997 - 2016 xét theo nguồn vốn. (Nguồn: Xử lý theo 14 )

Hoạt động đầu tư trên lĩnh vực sản xuất

Sản xuất, gia công là lĩnh vực đầu tư chính của các dự án Nhật Bản tại Bình Dương. Cho đến năm 2016, có hơn 230 doanh nghiệp Nhật Bản đặt cơ sở sản xuất với các loại hình ngành nghề đa dạng. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, gia công hoạt động trong các nhóm ngành hàng liên quan đến nguyên, vật liệu công nghiệp với 152 dự án ( Table 5 ), chiếm 65,2% tổng hoạt động sản xuất của Nhật Bản tại Bình Dương. Điều này thể hiện ưu thế của các doanh nghiệp Nhật Bản so với các nhà đầu tư từ các quốc gia khác như Đài Loan, Hàn Quốc thường chủ yếu sản xuất các mặt hàng may mặc, thực phẩm,…

Phổ biến trong nhóm ngành hàng này là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị và vật liệu phục vụ cho ngành cơ khí bao gồm các loại máy, rô-bốt, các loại khuôn đúc, các phụ tùng, chi tiết máy và các loại linh kiện liên quan khác. Các mặt hàng sản xuất của Nhật Bản thường hướng đến cơ khí chất lượng cao, cơ khí chính xác, mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhưng cũng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Nhóm ngành hàng nhựa, điện tử, dân dụng, kim loại, giấy, in ấn, hóa chất,… cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư sản xuất với nhiều loại mặt hàng đa dạng như bo mạch, linh kiện điện tử, khuôn nhựa và thành phẩm nhựa, các cấu kiện kim loại chính xác và kim loại thành phẩm, các loại hóa chất và phụ liệu công nghiệp, các nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất dân dụng,… Bên cạnh đó, tại Bình Dương còn có 8 dự án tham gia vào ngành công nghiệp ô tô với các mặt hàng linh kiện, phụ tùng xe hơi như chi tiết máy, săm, lốp, ắc quy xe hơi,… ( Table 5 ).

Table 5 Các mặt hàng sản xuất nguyên, vật liệu công nghiệp chính của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương.( Nguồn: Xử lý theo 14 )

Ngoài sản xuất nguyên vật liệu công nghiệp, một số dự án đầu tư Nhật Bản hướng đến sản xuất hàng tiêu dùng thành phẩm như may mặc, hàng gia dụng và trang trí nội thất. Số lượng doanh nghiệp sản xuất mặt hàng liên quan đến may mặc của Nhật Bản tại Bình Dương không nhiều: chỉ có 15 dự án, phân bố rải rác trong các khu công nghiệp của các huyện; số vốn đầu tư của các doanh nghiệp này cũng khá nhỏ so với các lĩnh vực khác, lớn nhất chỉ đạt gần 5 triệu USD (Toyotsu Vehitecs Việt Nam). Tuy nhiên, sản phẩm của các dự án hàng may mặc của Nhật Bản có nội hàm kỹ thuật và giá trị kinh tế tương đối cao như áo cưới, túi xách, ba-lô, giày,…

Bên cạnh may mặc, các doanh nghiệp Nhật Bản còn tham gia sản xuất các mặt hàng gia dụng và trang trí nội thất. Đồ gia dụng khá phong phú như văn phòng phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, các vật dụng thiết yếu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của con người như các loại bàn ghế - giường tủ, đồ chơi, đàn, lưỡi câu, đũa, mắt kính,… Về trang trí nội thất, có các loại đèn, rèm cửa, các sản phẩm và vật liệu trang trí bằng gỗ, nhựa,… Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tương đối ít so với các ngành hàng khác. Theo thống kê đến năm 2016, chỉ mới có khoảng 22 doanh nghiệp hàng gia dụng và 18 doanh nghiệp hàng trang trí nội thất, chưa xứng đáng với tiềm năng và truyền thống sản xuất hàng thủ công của đất Thủ.

Cũng liên quan đến nhu yếu phẩm phục vụ đời sống con người, một số doanh nghiệp Nhật Bản còn hoạt động sản xuất thực phẩm với 11 dự án. Các sản phẩm chủ yếu là sữa, sữa lên men, các loại thức uống, mì ăn liền, rau củ quả, thức ăn Nhật và thức ăn công nghiệp. Một số dự án có vốn đầu tư lớn như Maruzen Foods, Acecook, Yakult,… tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, phục vụ cho nhu cầu ngày càng phong phú của nhân dân trong và ngoài Tỉnh.

Về y tế, có 10 doanh nghiệp tham gia sản xuất các mặt hàng liên quan như thiết bị y tế (máy đo huyết áp, ống truyền dịch, kim tiêm,…), dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe (dung dịch chăm sóc mắt, sản phẩm chăm sóc da,…), phụ kiện ngành y tế. Đa số các dự án y tế tập trung tại các khu công nghiệp với số vốn đầu tư trung bình trên 15 triệu USD, trong đó có một số tập đoàn lớn như Nippon Chemiphar, Rohto Mentholatum, Forte Grow Medical,… Sự có mặt của doanh nghiệp y tế không những làm đa dạng hóa hoạt động đầu tư của Nhật Bản mà còn góp phần mở rộng hoạt động sản xuất của Bình Dương theo chiều hướng ngày càng phong phú hơn, tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Tỉnh theo hướng hiện đại.

Hoạt động đầu tư trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, đến năm 2016, có 30 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ với nhiều loại hình phong phú như kho vận, nhà hàng, xuất khẩu, bất động sản, trung tâm thương mại, giao thông công cộng,… ( Table 6 ), góp phần vào sự đa dạng của hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương.

Table 6 Các loại hình thương mại - dịch vụ chính của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương.(Nguồn: Xử lý theo 14 )

Điểm nổi bật là tất cả các dự án đầu tư thương mại - dịch vụ đều bắt đầu hoạt động từ năm 2000 trở đi, trong đó có đến 25 trên tổng 30 dự án (83,3%) được đăng ký từ năm 2010 trở đi. Điều này chứng tỏ, trong thập niên 2010, với những thay đổi về lĩnh vực thu hút vốn nước ngoài, Bình Dương đã bắt đầu đón “làn gió mới” trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, đó chính là những dự án trên lĩnh vực phi sản xuất.

Một đặc điểm khác cũng đáng lưu tâm là so với hoạt động sản xuất, các dự án dịch vụ, thương mại của Nhật Bản chỉ phân bố tại các huyện, thị phía Nam gần Thành phố Hồ Chí Minh, vốn là những địa bàn tập trung các khu đô thị, đông đúc dân cư, thuận lợi cho loại hình kinh doanh này. Cụ thể, tại Dĩ An có 8 dự án, Thuận An có 12 dự án và Thủ Dầu Một 10 dự án. Sự phân bố này cho thấy sự thiếu cân bằng về điều kiện kinh tế - xã hội giữa hai khu vực phía Nam và phía Bắc của Bình Dương đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của Tỉnh, nhất là trên các lĩnh vực đầu tư phi sản xuất.

Nổi bật trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Nhật Bản tại Bình Dương là việc xây dựng trung tâm thương mại theo mô hình Nhật Bản. Đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có một trung tâm thương mại lớn của Nhật đang hoạt động là Aeon Mall. Trung tâm thương mại này gồm có hai tầng và một tầng trệt, với tổng diện tích sàn 70.000m 2 thuộc loại lớn nhất trong khu vực; cùng bãi đậu xe có sức chứa 6.000 xe máy và 1.000 xe ô tô. Bên trong trung tâm có khu Bách hóa tổng hợp Aeon và khoảng 150 gian hàng cho thuê.

Hoạt động đầu tư trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đô thị

Từ đầu thập niên 2010, trước những chuyển biến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng của Bình Dương trong quá trình đô thị hóa, các nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này nhiều hơn. Trong đó, việc tiến hành xây dựng Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương (thường được biết đến với tên gọi “Thành phố Mới Bình Dương”) trở thành trọng tâm thu hút vốn từ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tháng 6 năm 2011, trước môi trường đầu tư hấp dẫn của Tỉnh cũng như tiềm năng của Thành phố Mới Bình Dương, tập đoàn Tokyu - một trong những tập đoàn kinh tế lớn và lâu đời của Nhật Bản, hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực phát triển đô thị, đã quyết định đầu tư vào đây. Đến đầu tháng 3/2012, dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương (Tokyu Binh Duong Garden City), liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex IDC chính thức được khởi công xây dựng tại Thành phố Mới Bình Dương.

Khu đô thị Tokyu Garden City được xây dựng trên diện tích gần 71,5 ha bao gồm khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại, văn phòng; tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 25.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,2 tỷ USD; được chia thành 03 khu đô thị chính: Đô thị cửa ngõ (Gate City), Đô thị hạt nhân (Core City) và Đô thị vườn (Garden City). Đây được xem là dự án khu đô thị lớn nhất tại Bình Dương và là dự án có vốn đầu tư nước ngoài tham gia lớn nhất trên địa bàn Tỉnh đến thời điểm trên.

Bên cạnh nhà ở đô thị, hạ tầng giao thông và vận tải cũng là lĩnh vực được chính quyền Bình Dương hết sức quan tâm và kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia, nhất là dịch vụ giao thông công cộng. Trên cơ sở đó, tháng 6/2012, hai công ty mẹ của Becamex Tokyu là Tokyu Corporation và Becamex IDC Corp đã tiến hành điều tra nghiên cứu thực tế và đề ra kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng với trọng tâm là hệ thống xe buýt tại tỉnh Bình Dương và các khu vực lân cận. Đến tháng 02/2014, Bình Dương đã cấp phép thành lập công ty TNHH xe buýt Becamex Tokyu (Becamex Tokyu Bus). Từ tháng 9/2014, dự án xe buýt của Nhật Bản tại Bình Dương được hiện thực hóa bằng hệ thống xe buýt “Kaze Shuttle” kết nối Thành phố Mới Bình Dương và thành phố Thủ Dầu Một.

THẢO LUẬN VÀ KẾT LUẬN

Từ thực tế hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương, chúng ta có thể đưa ra một số nhận định về xu hướng và đặc điểm trong đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản tại Việt Nam đầu thế kỷ XXI như sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp Nhật Bản rất tích cực và luôn tìm kiếm những cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh mới ở các thị trường bên ngoài, nhất là tại những khu vực có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản khi lựa chọn địa bàn đầu tư, ngoài yếu tố địa hình và dân cư như các nghiên cứu trước đây đã đề cập, còn rất chú trọng đến những điều kiện sản xuất kinh doanh, nhất là về hạ tầng và chính sách. Chẳng hạn việc các nhà đầu tư Nhật Bản chọn Bình Dương để đầu tư là kết quả của sự cân nhắc kỹ lưỡng từ phía Nhật Bản trên cơ sở đánh giá về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư FDI của chính quyền. Bên cạnh đó, trong bối cảnh có rất nhiều tỉnh, thành đều thực hiện chính sách thu hút đầu tư như hiện nay, việc thể hiện thành ý thông qua sự quan tâm, sâu sát của chính quyền cũng được xem là ưu đãi để thu hút hơn sự chú ý của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Thứ hai, nếu như trước đây các dự án của Nhật Bản thường có quy mô vừa hoặc nhỏ, thì trong thập niên 2010 trở đi, đã có nhiều dự án quy mô lớn với vốn đăng ký từ vài trăm triệu cho đến trên 1 tỷ USD. Điều này chứng tỏ các nhà đầu Nhật Bản ngày càng tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, từ đó tạo ra thời cơ mới để thu hút đầu tư và hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Một đặc điểm cũng đáng lưu ý của các dự án từ Nhật Bản là tiến độ triển khai nhanh và thường xuyên bổ sung vốn để mở rộng quy mô, năng lực và lĩnh vực sản xuất. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt và sẽ gắn bó lâu dài với địa phương mà họ đầu tư hơn.

Thứ ba, các dự án sản xuất các doanh nghiệp Nhật Bản tương đối phong phú về loại hình như cơ khí chế tạo máy, linh kiện điện tử, sản xuất linh kiện lắp ráp ô tô, sản xuất thép, công nghiệp phụ trợ,… Đặc biệt, Nhật Bản ngày càng chú trọng đến việc đầu tư vào lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động, đồng thời cũng dần quan tâm hơn đến các loại hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm, đồ gia dụng, may mặc, thiết bị y tế,… Từ năm 2010 trở đi, hoạt động đầu tư trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Nhật Bản trở nên sôi nổi với các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp như kho vận, tư vấn và các dịch vụ phục vụ sinh hoạt cộng đồng như trung tâm thương mại, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe,…

Thứ tư, việc đầu tư vào các dự án hạ tầng và đô thị quy mô lớn góp phần đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản rất nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế biến đổi kinh tế - xã hội của địa phương mà họ đến. Từ đó, có thể thấy rằng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản không những chỉ dừng lại ở mục tiêu lợi nhuận, mà còn đồng hành kiến tạo không gian đô thị và phát triển môi trường thương mại - dịch vụ hiện đại cho các địa phương ở Việt Nam mà Bình Dương là một trong những trường hợp minh chứng của điều đó.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ASEAN - Association of South East Asian Nations: Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á;

FDI - Foreign Direct Investment : Đầu Tư trực tiếp nước ngoài;

JETRO - The Japan External Trade Organization: Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản;

MTV - Một thành viên;

OECD - Organization for Economic Co-operation and Development: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

ODA - Official Development Assistance: Hỗ trợ phát triển chính thức;

TNHH - Trách nhiệm hữu hạn;

USD - United States dollar: Đồng đô la Mỹ;

VSIP - Vietnam - Singapore Industrial Park: Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore.

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Đối với nhóm tác giả: Nhóm tác giả đã sưu tầm số liệu về hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Bình Dương từ Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở đó, phân tích và chuyển các số liệu thành các bảng và hình để phục vụ cho việc nghiên cứu về hoạt động đầu tư của Nhật Bản. Bài viết thông qua việc trình bày và phân tích về tiến trình và tốc độ đầu tư, quy mô đầu tư và lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương đã góp phần làm rõ đặc điểm cũng như xu hướng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản Việt Nam.

Phân công công việc cụ thể cho thành viên trong nhóm như sau:

Dương Quỳnh Nga: Thu thập dữ liệu;

Lê Vy Hảo: Viết bài;

Ngô Hồng Điệp: Chỉnh lý bài viết.

References

  1. Graham EM. Foreign Direct Investment in the World Economy. IMF Working Papers. . 1995;:. Google Scholar
  2. Organisation for Economic Co-operation and Development. OECD Benchmark Definition of Foreign Direct Investment Third edition. OECD. . 2007;:. Google Scholar
  3. Cục đầu tư nước ngoài. Tăng cường thu hút FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam. . 2015;:. Google Scholar
  4. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương. Niên giám Thống kê tỉnh Bình Dương năm 2015. Bình Dương. . 2016;:. Google Scholar
  5. Bình Phạm Thị Thanh, Nhung Dương Hồng. Vai trò Nhật Bản trong phát triển kinh tế ASEAN thập niên cuối thế kỷ XX. Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á. . 2002;1(37):11-21. Google Scholar
  6. Trịnh Lưu Ngọc. Kinh tế Nhật Bản những bước thăng trầm trong lịch sử. Hà Nội: Thống kê. . 1998;:. Google Scholar
  7. Quang Phùng Thanh. Đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam vào nước CHDCND Lào trong điều kiện hội nhập quốc tế, Luận án tiến sĩ ngành Kinh tế. Hà Nội: Trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. . 2016;:. Google Scholar
  8. Tuấn Phan Minh. Đầu tư trực tiếp Nhật Bản vào Việt Nam, cơ hội, thách thức và triển vọng. Nghiên cứu Đông Bắc Á. . 2007;02(72):6-17. Google Scholar
  9. JETRO. Thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Hà Nội: JETRO. . 2015;:. Google Scholar
  10. Chính Phan Trung. Thu hút đầu tư của Nhật Bản vào nước ta và giải phát phát triển công nghiệp phụ trợ. Nghiên cứu Đông Bắc Á. . 2008;4:33-39. Google Scholar
  11. Dũng Nguyễn Tuấn. Vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Kinh tế và dự báo. . 2012;8:31-33. Google Scholar
  12. Vĩnh Phạm Phúc. Phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử. Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. . 2015;:. Google Scholar
  13. Satpathy Binod Bihari. Historical theory and methods. India: DDCE, Utkal University. . 2004;:. Google Scholar
  14. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương. Số liệu đầu tư Nhật bản tại Bình Dương. Bình Dương. . 2017;:. Google Scholar
  15. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương. Niên giám Thống kê tỉnh Bình Dương năm 2016. Bình Dương. . 2017;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 1484-1496
Published: Mar 31, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.680

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Hảo, L., Điệp, N., & Nga, D. (2022). The direct investment of Japan in Vietnam through the case study of Binh Duong province (1997 - 2016). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(1), 1484-1496. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.680

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1517 times
PDF   = 417 times
XML   = 0 times
Total   = 417 times