VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

439

Total

223

Share

The self-strengthening literary union’s literature of education program in Southern Vietnam (1955 - 1975)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Vietnamese education is in the process of program and textbook reformation in order to satisfy the needs of the 4.0 industrial era. Literature is an important subject that has always received the attention of society for its role in not only developing the student's cognitive ability, but also in developing their morality. With that said, the task of creating a textbook has never been easy. The education system of the Southern Republic of Vietnam, though with its shortcomings, has managed to construct a program considered fairly progessive. In order to meet the educational goals of being humanitarian, nationalist, and liberal, Literature is a subject that has received lots of care from education managers. Our article, by researching the Self-Strengthening Literary Union's literature in Southern Vietnam during the period of 1955 to 1975, to understand the criteria of corpus choice of the area's textbook editors and the literary value of Self-Strengthening Literary Union - a literary group that had significant contribution in cultural and literary reformation in early 20th century.

MỞ ĐẦU

Tự Lực Văn Đoàn là một tổ chức văn học đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Đóng góp lớn nhất của Văn đoàn là góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá văn học, đưa văn học Việt Nam chuyển mình bước từ phạm trù Trung đại với ảnh hưởng của văn hoá, văn học Trung Hoa vào phạm trù hiện đại, đến gần hơn với văn học phương Tây và thế giới. Tuy nhiên, để có được sự thừa nhận như ngày hôm nay, Tự Lực Văn Đoàn đã phải trải qua nhiều thăng trầm, có thời kỳ bị lên án, phủ nhận. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 1945 đến 1975, do lịch sử đất nước có sự khác biệt về chế độ chính trị giữa hai miền Nam - Bắc nên việc đánh giá một số hiện tượng văn học giai đoạn trước năm 1945, trong đó có Tự Lực Văn Đoàn, cũng có nhiều khác biệt. Theo đó, Tự Lực Văn Đoàn được đề cao ở miền Nam nhưng lại bị phê phán ở miền Bắc. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu văn chương Tự Lực Văn Đoàn trong hệ thống giáo dục dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam 1955-1975, qua đó hiểu thêm về vị trí của Văn đoàn này trong đời sống cũng như hiểu thêm về một nền giáo dục được xem là có những tiến bộ nhất định.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Hệ thống giáo dục miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955-1975 với triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng

Năm 1955, sau khi chế độ Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) được thiết lập tại miền Nam, các nhà lãnh đạo giáo dục ở đây đã bắt tay vào việc xây dựng một chế độ giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội. Với tinh thần chọn lọc và kế thừa truyền thống tích cực của cả ba nền giáo dục: Nho học (cựu học), Tân học (giáo dục thực dân) và Tây học (giáo dục Pháp quốc), các nhà giáo dục của Việt Nam Cộng hoà đã nỗ lực xây dựng nền tảng quan trọng cho giáo dục quốc gia với những nguyên tắc làm thành triết lý giáo dục là nhân bản, dân tộc và khai phóng . “Đại hội Giáo dục Quốc gia lần I năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật..., đã chính thức đưa ra ba nguyên tắc “nhân bản”, “dân tộc”, và “ khai phóng . Ba nguyên tắc nền tảng cho triết lý giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã được ghi cụ thể trong tập tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959, và sau đó được lặp lại trong phần đầu quyển Chương trình Trung học do Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1960 (tr. 11)” [ 1 , tr. 13]. Theo đó, giáo dục nhân bản có thể hiểu là lấy con người và cuộc sống của con người làm mục đích chính; giáo dục dân tộc là tôn trọng và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc; giáo dục khai phóng là tôn trọng tinh thần khoa học, phát huy tinh thần dân chủ và xã hội, tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa thế giới. Với một triết lý như thế, nền giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955-1975 hướng tới mục tiêu đào tạo ra những con người phát triển toàn diện, có tinh thần quốc gia, dân tộc, tinh thần dân chủ và khoa học.

Môn Ngữ văn trong hệ thống giáo dục của miền Nam 1955-1975

Về tên gọi : Ở cấp tiểu học, môn học này được gọi là Việt ngữ, ở cấp trung học được gọi là Quốc văn 2 . Trong bài viết này, để thống nhất và để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi gọi theo tên gọi hiện hành là môn Ngữ văn.

Về mục đích giáo dục : Ở mỗi cấp học, đều đặt ra những mục đích rất cụ thể. Ví dụ, ở cấp tiểu học, trong Lời chỉ dẫn , ghi rất rõ mục đích của việc giáo dục môn Việt ngữ:

“1) Về thực tế, trực tiếp làm cho học sinh bậc Tiểu học có một căn bản ngữ vựng cần thiết trong sự học tập.

2) Giúp cho học sinh có những tài liệu dùng trong sự tiếp xúc hằng ngày:

a) Phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói hoặc câu văn.

b) Hiểu biết tư tưởng của những người chung quanh mình khi nghe lời nói hoặc khi đọc câu văn.” [ 3 , tr. 192]

Ở cấp trung học, “mục đích là làm cho học sinh thấu hiểu giá trị về hình thức và nội dung của một tác phẩm hay một đoạn văn, để nhờ đó hun đúc tính khí và tâm hồn, mở mang kiến thức về văn học và thâu thái những điều bổ ích cho việc luyện văn” 4 .

Về sách giáo khoa : Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ ra Sắc lệnh hoặc Nghị định về chương trình khung (nội dung giảng dạy, tác giả, tác phẩm, thời lượng cho từng tác giả tác phẩm, v.v.) cho từng lớp của cấp học, chứ Bộ không độc quyền biên soạn hay chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa. Bộ để cho các nhà giáo có khả năng, có kinh nghiệm và uy tín đang giảng dạy cấp trung học trực tiếp biên soạn. Sau khi được Hội đồng thẩm định thuộc Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục gồm những học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo có kinh nghiệm và uy tín xét duyệt, bỏ phiếu đồng ý tán thành là có thể được sử dụng. Với môn Ngữ văn, có nhiều bộ sách giáo khoa của các soạn giả: Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà, Trần Trọng San, Võ Thu Tịnh, Tạ Ký, v.v. để học sinh có thể lựa chọn học tập và tham khảo.

Về tiêu chí biên soạn sách giáo khoa, dựa trên tinh thần nhân bản, dân chủ, môn Ngữ văn ở cả ba cấp Tiểu, Trung và Đại học đều có những tác giả tiêu biểu không phân biệt trường phái và xu hướng chính trị: “Riêng phần Kim văn (tức văn học hiện đại) của môn Quốc văn, trích giảng đầy đủ của các tác giả không phân biệt thân nhân, xu hướng chính trị hay ý thức hệ, vì thế hầu hết các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học đang sống và làm việc cho phía đối kháng “Bên kia dòng Bến Hải” đều được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy như Nguyên Hồng, Tô Hoài, Trần Tiêu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Lân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…” [ 3 , tr. 234-125]. Tiêu chí là ưu tiên lựa chọn những văn bản có giá trị văn chương và tư tưởng cao: “Sách soạn theo chương trình ngữ vựng lớp nhất là hướng về đạo đức cổ truyền, về tình cảm, về tinh thần quốc gia, xã hội, nhằm mục đích rèn luyện tâm tình, đồng thời làm nảy nở tinh thần yêu nước thương nòi của các em”… “Trong việc lựa chọn những bài nói trên, chúng tôi chú trọng về giá trị văn chương và tư tưởng để nâng cao tâm hồn các em trong khi rèn Việt - ngữ. Chúng tôi cũng không quên tính cách thiết thực của các bài, để trong khi đọc và học, các em được gần gũi với hoàn cảnh xã hội và đời sống thực tế hàng ngày” (Bộ giáo dục xuất bản, 1969) [ 5 ; tr.10] “Đó phải là những văn bản đáp ứng được mục tiêu đào tạo ra những con người toàn diện theo đúng triết lý giáo dục đã đề ra: “Một chương trình Quốc văn thực sự có giá trị và đáp ứng được nhu cầu tiến bộ của xứ sở, phải là một chương trình mà khi áp dụng xong có thể đào tạo cho học sinh trở thành một người Việt Nam thuần tuý, biết thương mến quốc gia của mình, biết sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thuần thục và có tâm hồn nhân bản. Chương trình ấy không chỉ phát huy tính dân tộc, mở mang kiến thức, rèn luyện khả năng suy luận của học sinh mà còn đạt tới những lợi ích thực tiễn, lại phải thích hợp với trình độ tinh thần của học sinh” [ 5 ; tr. 10].

Văn chương Tự Lực Văn Đoàn trong sách giáo khoa Ngữ văn chương trình phổ thông của giáo dục miền Nam 1955-1975

Như trên đã trình bày, Tự Lực Văn Đoàn sau năm 1945 có nhiều khác biệt trong tiếp nhận và đánh giá giữa hai miền Nam - Bắc.

Ở miền Bắc, do bị chi phối bởi những định kiến chính trị, các nhà nghiên cứu giai đoạn này khi viết về Tự Lực Văn Đoàn đã có những nhận định rất khắt khe. Các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, rộng hơn là của văn học lãng mạn bị “kết tội” là khiến con người thờ ơ với hiện thực nô lệ của dân tộc, chỉ đắm chìm vào tình yêu đôi lứa và hưởng lạc cá nhân chủ nghĩa. Trong khi đó, ở miền Nam với không khí sôi nổi của đời sống văn học nghệ thuật, nhiều tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn được in lại và phổ biến rộng rãi. Không chỉ thế, nhiều tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn còn được lựa chọn đưa vào chương trình giáo dục. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy văn chương Tự Lực Văn Đoàn được trình bày có hệ thống, cơ bản, từ trích giảng các đoạn văn ở các cấp tiểu học, trung học đệ nhất cấp (từ lớp 6 đến lớp 9) và trung học đệ nhị cấp (từ lớp 10 đến lớp 12) đến việc giới thiệu toàn tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm của ba tác giả trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo. (Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ có thể lựa chọn ở mỗi cấp một cuốn giáo khoa để làm rõ điều này, chưa kể, việc tìm kiếm những tài liệu về giáo dục miền Nam trước 1975 cũng gặp rất nhiều khó khăn).

Ở cấp tiểu học, cuốn tập đọc lớp nhất do Bộ Giáo dục xuất bản năm 1969 có các đoạn trích lấy từ tác phẩm của các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn như Hoàng Đạo, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thạch Lam. Cụ thể, Hoàng Đạo có đoạn Tinh thần thể thao trích từ mục Bùn lầy nước đọng [ 6 , tr. 14]; Tú Mỡ có bài thơ Cậu bé bán báo [ 6 , tr.108]; Khái Hưng có hai đoạn trích: Một lực sĩ trích từ tác phẩm Trống mái [ 6 , tr.16]và đoạn trích Trong chùa trích từ Hồn bướm mơ tiên [ 6 , tr. 168] Thạch Lam có 2 đoạn: Đi chợ trích từ tác phẩm Sợi tóc [ 6 , tr. 128] và Cho áo trích từ Gió đầu mùa [ 6 , tr. 142]

Ở cấp trung học đệ nhất cấp, cuốn Quốc văn lớp 6 của Đoàn Huy Oánh có trích giảng các đoạn văn của các tác giả như: Khái Hưng với tác phẩm Trống mái có đoạn trích Con thằn lằn [ 7 , tr. 91]; Dọc đường gió bụi có các đoạn trích: Ông ấm Hải [ 7 , tr. 109], Một niềm vui [ 7 , tr. 120], Quán nước bên đường [ 7 , tr. 139 - 140]; Thừa tự có các đoạn trích: Cụ Giáp [ 7 , tr.118], Chia kẹo [ 7 , tr. - 155 - 156]; Nửa chừng xuân có các đoạn trích: Người lão bộc [ 7 , tr. 119], Phút lâm chung [ 7 , tr. 150 - 151]; Những ngày vui có đoạn trích Bán con [ 7 , tr. 153 - 154]. Nhất Linh với tác phẩm Đoạn tuyệt có đoạn trích Chiều cuối năm [ 7 , tr. 129]; Đôi bạn có đoạn trích: Nhặt lá bàng [ 7 , tr. 135 - 136]. Thạch Lam với Gió đầu mùa có các đoạn trích: Đói [ 7 , tr. 121], Phố chợ [ 7 , tr. 131], Một cái chết thê thảm [ 7 , tr. 146]. Hoàng Đạo với tác phẩm Con đường sáng có các đoạn trích: Chiều mùa gặt [ 7 , tr. 123], Đập lúa đêm trăng [ 7 , tr. 133]. Anh phải sống của Khái Hưng và Nhất Linh có đoạn trích Kiếp nghèo [ 7 , tr. 143 - 144].

Ở trung học đệ nhị cấp, lớp 12, hai tác giả của Tự Lực Văn Đoàn được giới thiệu là Khái Hưng với Hồn bướm mơ tiên và Nhất Linh với Đoạn tuyệt . Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng được giới thiệu ở chương IX - chương viết về tình cảm lãng mạn, như một tác phẩm đánh dấu cho sự chuyển hướng từ xu hướng buồn thảm, bi thương của các tác phẩm lãng mạn thời kì đầu sang xu hướng lãng mạn dù đau khổ, tuyệt vọng nhưng không còn chết chóc và uỷ mị nữa. Đoạn tuyệt của Nhất Linh được giới thiệu chương ở X - chương viết về tư tưởng tự do dân chủ với hai nhân vật Loan - đại diện cho tinh thần đả phá gia đình và xã hội cũ, đòi quyền tự do bình đẳng cho cá nhân và Dũng - đại diện cho quan niệm về dân chủ của Nhất Linh. Chúng tôi xin nói thêm một chút về cuốn sách này để thấy rõ hơn tiêu chí và mục đích của những người biên soạn, qua đó, hiểu hơn về giá trị của những tác phẩm được lựa chọn. Sách được lựa chọn giảng dạy các kiến thức để đáp ứng mục đích: “Khi chấm dứt chương trình trung học, học sinh sẽ tiếp tục học ở các đại học, bước vào đời, trong bất cứ trường hợp nào, họ cũng là người trưởng thành, điều này buộc họ phải có những kiến thức tổng quát về văn học nước nhà để giữ vững được bản sắc dân tộc khi phải tiếp xúc với các trào lưu văn hoá ngoại nhập…”, “…Tối thiểu một học sinh phải có cái nhìn bao quát và quán xuyến cả chương trình, phải hiểu biết một cách tổng quát các vấn đề và các bộ môn văn học…”, “Cho nên, ở tuổi sắp trưởng thành này, chúng tôi quan niệm cần phải cung cấp cho học sinh những kiến thức văn học, kiến thức này vừa chú trọng vào chiều sâu của tư tưởng, vừa trải rộng trên các bộ môn văn học” [ 5 , tr. 8]. Với mục đích như thế, cấu trúc của cuốn sách gồm có 2 phần lớn: phần lý thuyết với Các tư tưởng lớn trong văn chương Việt Nam như tư tưởng thuần tuý dân tộc trong văn chương bình dân; tư tưởng bắt nguồn từ phương Đông, tư tưởng bắt nguồn từ Tây phương và lược sử về bộ môn văn học như thi ca, báo chí và tiểu thuyết. Phần thực hành với hai kiểu văn bản là luận văn và trần thuyết.

Theo chương trình giáo dục của miền Nam, hầu như năm nào văn chương Tự Lực Văn Đoàn cũng hiện diện trong đề thi với dạng hoặc là câu hỏi giáo khoa, hoặc là đề nghị luận văn chương. Xin nêu sau đây ví dụ về chương trình thi Tú tài bán phần môn Ngữ văn.

Đề thi Tú tài I - Ban Sinh ngữ - khoá 1, năm 1956: Thế nào là tiểu thuyết luận đề? Hãy phê bình một tiểu thuyết luận đề của một văn sĩ trong Tự lực văn đoàn” [ 8 , tr. 111].

Đề thi tú tú tài I ban C - khoá II, 19/9/1957: Tự lực văn đoàn có khuynh hướng gì và đã gây ảnh hưởng ra sao? [ 8 , tr. 111].

Đề Tú tài I A, B, 11/6/1964: Nói rõ ý nghĩa hai tiếng “Đoạn tuyệt” mà Nhất Linh dùng làm tựa cho tác phẩm của ông [ 8 , tr.113].

Đề Tú tài I A, B, 11/6/1967: Ảnh hưởng của Đoạn tuyệt về phương diện xã hội [ 8 , tr. 113].

Những dẫn chứng trên cho phép đi đến kết luận: văn chương Tự Lực Văn Đoàn có một vị trí quan trọng trong chương trình môn Ngữ văn của hệ thống giáo dục ở Miền Nam giai đoạn 1955-1975. Có thể lý giải điều này như thế nào? Phải chăng vì những giá trị mà văn chương Tự Văn Đoàn đạt được đã đáp ứng được triết lý giáo dục của giáo dục miền Nam 1955-1975?

Các nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn, nhất là người đứng đầu Nhất Linh, vừa là một nhà văn vừa là một nhà cải cách xã hội muốn dùng văn chương như một phương tiện để thực hiện khát vọng canh tân đất nước. Dương Quảng Hàm trong công trình Việt Nam văn học sử yếu đã xếp Nhất Linh (và các nhà tiểu thuyết của Tự lực Văn Đoàn) vào nhóm thuộc khuynh hướng xã hội và đã công nhận những đóng góp của ông cho việc cải tiến xã hội, canh tân văn hoá, “muốn phá bỏ các phong tục xưa và cải tạo xã hội theo một lý tưởng mới”, “công kích những phong tục, tập quán họ cho là hủ lậu và giãi bày những quan niệm mới đối với các vấn đề thuộc về gia đình hoặc xã hội” [ 9 , tr. 451]. Chính vì thế, họ đã sáng tác văn chương với chủ trương đề cao con người cá nhân, giải phóng cá nhân ra khỏi những ràng buộc lễ giáo và định kiến của xã hội phong kiến - một xã hội không chấp nhận con người cá nhân với những cá tính riêng của mình. Bằng việc giải phóng con người cá nhân ra khỏi những ràng buộc ấy, văn chương Tự Lực Văn Đoàn cổ vũ tinh thần tự lập, vui sống, vị tha, biết cầu tiến, biết tin vào sự tiến bộ và sống theo lý tưởng sẽ góp phần tạo nên một xã hội văn minh, phát triển.

Đây cũng chính là triết lý giáo dục của giáo dục miền Nam giai đoạn 1955-1975 - giáo dục nhân bản. Bên cạnh đó, Tự Lực Văn Đoàn, thông qua các tác phẩm văn chương của mình, muốn gìn giữ và cổ vũ những nét đẹp truyền thống của văn hoá dân tộc. Với tôn chỉ “Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của đất nước mà có tính cách bình dân, khiến người nghe đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái” 10 , các tác giả của Tự Lực Văn Đoàn đã tái hiện lại trên những trang sách của mình những sinh hoạt dân quê, thi vị hoá nhiều phong tục tốt đẹp như tục viếng mộ người chết ( Đoạn tuyệt ), cảnh đón giao thừa, năm mới ( Lạnh lùng ), cùng với đó là những cảnh sắc tuyệt đẹp của thiên nhiên đất trời Việt Nam. Đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, độc giả sẽ cảm nhận được hương quê, khí thiêng và sức sống của dân tộc phảng phất, chan hoà trong những bức tranh tuyệt đẹp như thế. Điều này phù hợp với triết lý giáo dục dân tộc của giáo dục miền Nam. Cuối cùng, để đạt được mục đích giúp học sinh có thể thấy được vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc, biết sử dụng ngôn ngữ ấy để phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói hoặc câu văn, thì văn chương của Tự Lực Văn Đoàn thật phù hợp bởi một trong những đóng góp lớn nhất của Tự Lực Văn Đoàn là đã xây dựng thành công lối viết văn giản dị, trong sáng và mang đậm bản sắc dân tộc.

Trong Tôn chỉ được công bố trên Phong Hoá số 87 ra ngày 2/3/1934, gồm 10 điều của mình, Tự lực Văn Đoàn xác định lấy văn chương phụng sự cho một cộng đồng đông đảo người bình dân ( điều 3, 4, 6 ) đem đến cho cộng đồng đó “những sách có tư tưởng xã hội”, “chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn” ( điều 2 ) 10 . “Những sách có tư tưởng xã hội” không phải gì khác hơn là những tác phẩm, như Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Nửa chừng xuân, Con đường sáng ..., hướng con người đến quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và cho cộng đồng, để cho “người và xã hội ngày một hay hơn”, biết cư xử đẹp đẽ với nhau. Điều này phù hợp với mục đích giáo dục của nền giáo dục miền Nam như Nguyễn Duy Cần trong bài viết Đường lối giáo dục ngày nay phải như thế nào (trích từ sách Văn hoá giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu? ) đã khẳng định: “[P]hải cố gắng cá nhân hoá giáo dục để cho mỗi cá nhân được phát triển tự do khả năng đặc biệt của mình đến tột độ và đồng thời phải hướng tới những cá nhân ấy vào việc cộng đồng hợp tác, tức là cũng phải biết vừa xã hội hoá cá nhân tránh cho học sinh có những cơ hội chia rẽ, ganh tỵ thù oán nhau” [ 11 , tr. 32].

KẾT LUẬN

Nền giáo dục miền Nam giai đoạn 1955-1975 chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 20 năm. Khoảng thời gian ấy không đủ dài để những nhà giáo dục ở đây hoàn thiện chương trình, hệ thống giáo dục và khắc phục những chỗ khiếm khuyết đã được nhận thức. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực đầy thiện chí và sáng tạo của những nhà lãnh đạo giáo dục để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến và hiện đại. Tự Lực Văn Đoàn là một tổ chức văn học được thành lập cũng với mục đích thông qua văn chương để hướng tới một xã hội văn minh, phát triển. Chính điểm gặp gỡ này là một trong những lý do để Tự Lực Văn Đoàn có một vị trí quan trọng trong chương trình của giáo dục miền Nam giai đoạn 1955-1975.

Trong bất kỳ hệ thống giáo dục nào thì môn Ngữ văn vẫn là một môn học quan trọng. Đó là môn học không chỉ giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ với các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe mà còn giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hoá, văn học, về ngôn ngữ dân tộc, phát triển những cảm xúc lành mạnh như lòng nhân ái, tình yêu quê hương đất nước, thấu hiểu con người, sống vị tha… Giáo dục Việt Nam hiện nay đang trong quá trình đổi mới Chương trình và sách giáo khoa, thực hiện công cuộc cải cách để đáp ứng những nhu cầu của thời đại công nghiệp 4.0. Với những thay đổi tích cực trong việc đa dạng hoá sách giáo khoa và việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, rất mong những nhà biên soạn sách giáo khoa xác định được những nguyên tắc lựa chọn ngữ liệu phù hợp và sáng suốt với môn Ngữ văn. Hy vọng những giá trị văn hóa – văn học kết tinh trong nhiều sáng tác một thời (như trường hợp Tự Lực Văn Đoàn) sẽ được thế hệ học sinh ngày nay biết đến và nâng niu, trân trọng.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là kết quả của việc tìm hiểu về lịch sử nghiên cứu và tiếp nhận văn chương của Tự Lực Văn Đoàn trong quá trình tác giả viết luận án tiến sĩ cho đề tài “Tiểu thuyết Nhất Linh với việc hiện thực hoá chủ trương canh tân văn hoá văn học của Tự Lực Văn Đoàn”. Từ thực tế tìm hiểu, tác giả của bài viết đã nhận thấy những điểm khác biệt trong tiếp nhận văn chương của văn đoàn này ở hai miền Nam - Bắc giai đoạn 1955-1975, được thể hiện khá rõ trong chương trình giáo dục của hai miền. Nội dung của bài viết tập trung tìm hiểu vị trí của văn chương Tự Lực Văn Đoàn trong môn Ngữ văn của hệ thống giáo dục miền Nam 1955-1975 dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà để hiểu thêm về tiêu chí lựa chọn ngữ liệu cho việc biên soạn sách giáo khoa của những nhà giáo dục giai đoạn này. Điều này thực sự hữu ích cho công tác giảng dạy môn Ngữ văn mà tác giả đang đảm nhận.

References

  1. Chánh Trần Văn. Giáo dục miền Nam Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển. Tạp chí Nghiên cứu và phát triển 2014; (7 - 8): 4-52. . ;:. Google Scholar
  2. Lý Nguyễn Công. Chương trình và sách giáo khoa môn Văn bậc trung học ở miền Nam trước năm 1975. 2019 [19/11/2019]. . ;:. Google Scholar
  3. Chánh Trần Văn. Chương trình giáo dục và sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hoà. Tạp chí Nghiên cứu và phát triển 2014; (7 - 8): 184-241. . ;:. Google Scholar
  4. Liêm Nguyễn Thanh. Nền giáo dục miền Nam trước 1975 (trích lược) (Online). 2020 [01/07/2020]. . ;:. Google Scholar
  5. Nhóm nghiên cứu quốc văn. Quốc văn 12 abcd diễn giảng. Sài Gòn: Thiện Mỹ; 1973. . ;:. Google Scholar
  6. Bộ Giáo dục. Tập đọc lớp nhất. Sài Gòn: Bộ Giáo dục; 1969. . ;:. Google Scholar
  7. Oánh Đoàn Huy. Quốc Văn, lớp 6. Sài Gòn: Nhân loại xuất bản; 1974. . ;:. Google Scholar
  8. Sơn Chu Đăng. Chương trình giảng dạy đệ nhị A-B-C-D: Đoạn tuyệt, Nửa chừng Xuân, Mười điều tâm niệm. Sài Gòn: NXB Sáng; 1963. . ;:. Google Scholar
  9. Hàm Dương Quảng. Việt Nam văn học Sử yếu. Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, Ấn hành trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ giáo dục và cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; 1968. . ;:. Google Scholar
  10. Phong Hoá số 87 ra ngày 2/3/1934. . ;:. Google Scholar
  11. Cần Nguyễn Duy. Văn hóa giáo dục miền Nam đi về đâu?. Sài Gòn: Nam Hà; 1970. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 3 (2021)
Page No.: 1166-1171
Published: Aug 25, 2021
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.675

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Mai, N. (2021). The self-strengthening literary union’s literature of education program in Southern Vietnam (1955 - 1975). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(3), 1166-1171. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.675

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 439 times
PDF   = 223 times
XML   = 0 times
Total   = 223 times