VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

273

Total

136

Share

Irrigation in the western region of Cochinchina under the Nguyen Dynasty (1802-1867)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In the first half of the 19th century, when regional relations had many fluctuations, the Nguyen Dynasty implemented the resolute policies to protect the Southwest border and dug canals along the border to defend the territory. The responsibility and obligation to protect the sovereignty of the military force were strictly regulated in the Gia Long Code completed in the 11th Gia Long year (Lunar year 1812). The Nguyen Dynasty made the total land recording directory of the entire Luc Nam Ky province (1836), established and consolidated the administrative organization, and completed the social management apparatus from the village (commune) to the intermediate local administrative unit between a district and a commune, district, and province. In addition to the administrative apparatus, the Theravada Buddhist pagoda of the Khmer, cultural institutions, and folk beliefs of the Vietnamese were formed and operated: the tutelary deity temple, the Taoist temple, and the Mahayana Buddhist pagoda. The institutions, cultural facilities, and folk beliefs help calm people's minds, stabilize society, and contribute to the exercise of Vietnam's sovereignty over new lands. The digging of canals, embankment of roads, and development of water and road transport such as Thoai Ha canal (1817), Vinh Te canal (1819-1824), and Vinh An canal (1843-1844) created artificial moats combined with natural ones to protect the territory. Facing the invading force of the French colonialists, the Nguyen Dynasty gradually ceded the provinces of Cochinchina to the French in 1862, 1867, and 1874 although this showed the inability of the Nguyen Dynasty, legally, especially in the international legal sense, these treaties are evidence of Vietnam's indisputable territorial sovereignty over the land of Cochinchina. France could not sign a treaty dividing part of a country's territory if the country did not have sovereignty over that territory, which proved the ingenious leadership of the Nguyen Dynasty at that time, specifically King Minh Mang. Although he was in Phu Xuan capital (Hue), he extended his power to the whole country, carried out a drastic administrative reform, and reorganized the entire state apparatus under the Nguyen Dynasty. Thanks to that, Dai Nam became a country that unified administrative territories and rituals from the exercise of sovereignty over the islands in the South China Sea.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Khái quát điều kiện tự nhiên

Về vị trí, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802), lấy niên hiệu Gia Long, đánh dấu mốc vương triều nhà Nguyễn được thành lập, ông đã xây dựng một thiết chế quản lý đất nước từ Bắc chí Nam. Lúc đầu, vùng đất Nam Kỳ được chia thành các trấn trực thuộc phủ Gia Định, sau đó, từ năm 1832 dưới thời vua Minh Mệnh, lại được chia thành 6 tỉnh (Lục tỉnh) trực thuộc trung ương. Đứng trước sức ép vũ lực của thực dân Pháp nhà Nguyễn ký bản Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1867, dâng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, và năm 1867 dâng nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cho Pháp. Không lâu sau đó, lại ký tiếp bản Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874 thể hiện sự bất lực của nhà Nguyễn. Nhưng về mặt pháp lý, nhất là ý nghĩa pháp lý quốc tế đây lại là bằng chứng về chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam đối với vùng đất Nam Kỳ và địa phận Tây Nam Kỳ (cũng nằm chung trong này, còn được gọi là vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày nay) 1 . Cụ thể như sau: phía Bắc giáp ranh với biên giới Campuchia; phía Nam giáp biển Đông; phía Tây giáp vịnh Thái Lan; phía Đông là hệ thống sông Vàm Cỏ.

Về địa hình , Tây Nam Kỳ được hình thành trên một tam giác châu, nơi chuyển tiếp giữa biển và lục địa 1 . Vì địa hình khá bằng phẳng, cao độ mặt đất biến đổi từ 0,3 - 4,0m, trong đó, cao trình đất từ 0,5 - 0,75m chiếm hơn 60%, nên hàng năm đều bị nước ở thượng nguồn sông Mekong đổ về, gây ngập lụt nghiêm trọng ở những địa hình trũng thấp.

Về khí hậu , vùng Tây Nam Kỳ mang đặc tính nhiệt đới gió mùa, quanh năm nắng nóng và có sự phân chia mùa khô – mùa ẩm sâu sắc, tùy theo hoạt động của hoàn lưu gió mùa. Trong vùng có lượng bức xạ dồi dào, số giờ nắng bình quân hàng ngày trên 6 giờ (2000 - 2500 giờ/năm). Nhiệt độ trung bình tháng trong năm thay đổi từ khoảng 27 - 28 độ C. Nhìn chung toàn vùng Nam Kỳ có độ ẩm cao, lý do là “nằm trên vỏ trái đất mỏng, bốc hơi và bão hòa trong không khí”[ 2 ; tr.114]. Lượng mưa ở Tây Nam Kỳ khoảng 1800mm, phân bố không đều cả theo không gian và thời gian. Dải phía Tây từ Hà Tiên đến Cà Mau có lượng mưa lớn hơn cả, từ 2000 - 2400mm và giải trung tâm từ Châu Đốc đến Gò Công có lượng mưa thấp nhất, từ 1200 - 1600mm. Trong một năm, khoảng 87 - 90% lượng mưa tập trung trong các tháng mùa mưa. Từ tháng 1 đến tháng 3 hầu như không mưa.

Hệ thống sông ngòi, kênh rạch tự nhiên

Vùng Tây Nam Kỳ là nơi “chằng chịt hàng nghìn con sông lớn nhỏ, kênh rạch chạy theo mọi hướng” [ 2 ; tr.119]. Trong số đó, sông Mê kong là một trong những con sông dài nhất thế giới và lớn nhất ở Đông Dương (4.200 km), nhận nước với lưu vực rộng 800.000 km 2 [ 3 ; tr.24]. Phần hạ lưu của sông chảy vào Nam Kỳ dài khoảng 250 km, chảy theo hai nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu. Ngoài ra, còn có sông Vàm Cỏ và hệ thống kênh mương chảy chằng chịt.

Sông Tiền chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đây là nhánh thứ nhất của sông Cửu Long men theo ĐTM, qua Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh. Từ Vĩnh Long trở đi, sông chia thành nhiều nhánh và chảy qua 6 cửa để ra biển: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu.

Sông Hậu chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đây là nhánh thứ hai của sông Cửu Long chảy vào Việt Nam qua Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và chảy qua 3 cửa để ra biển: cửa An Định, cửa Bát Xác và cửa Tranh Đề.

Sông Vàm Cỏ gồm Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông. Sông Vàm Cỏ Tây có chiều dài 148 km, bắt nguồn từ Svây Riêng (Campuchia), chảy vào Việt Nam ở Bình Tứ qua huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hoá (hiện nay là thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hoá ) đến thành phố Tân An hợp với sông Vàm Cỏ Đông ở cuối huyện Tân Trụ. Sông Vàm Cỏ Đông có tổng chiều dài là 260 km, bắt nguồn từ Kông Pông Chàm (Campuchia), đổ vào Việt Nam ở Sa Mát (tỉnh Tây Ninh), thị trấn Gò Dầu, Bến Cầu, Đức Huệ, Bến Lức, hợp với sông Vàm Cỏ Tây đổ ra biển ở cửa Soài Rạp.

Ngoài những con sông lớn kể trên, nơi đây còn có một hệ thống sông nhỏ ở phía Nam miền Tây Nam Bộ, đổ ra Vịnh Thái Lan. Đó là các sông Giang Thành (cũng gọi là Kiên Giang), sông Cái Lớn, sông Cái Bé, sông Mỹ Thanh, sông Ông Đốc, sông Cửa Lớn, sông Gành Hào, sông Bảy Háp, sông Trèm Trẹm, sông Cái Tàu v.v..

Hệ thống sông, rạch thiên nhiên mà chủ yếu là tam giang Tiền – Hậu – Vàm Cỏ có lượng nước luôn dồi dào trở thành nguồn cung cấp nước ngọt và lượng phù sa khổng lồ cho đồng bằng Tây Nam Bộ. Không dừng lại ở đó, hệ thống sông, rạch này còn là những tuyến thủy lộ đầu tiên của con người khi chưa có giao thông đường bộ.

Tầm quan trọng hết sức to lớn của ĐBSCL nói lên sự phát triển của vùng này và một lần nữa khẳng định rằng vị thế vùng đất Tây Nam Kỳ được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt nên đã trở thành mảnh đất màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp và khai thác nguồn thuỷ sản thiên nhiên. Song, bên cạnh đó, những khó khăn như nhiều nơi nhiễm chua phèn, xâm nhập mặn; lũ lụt theo chu kỳ (mỗi năm) cũng là trở ngại lớn đối với sản xuất và phát triển xã hội của vùng. Do đó, trị chua phèn và trị thủy là mối quan tâm hàng đầu của cư dân vùng này từ xưa đến nay. Để giải quyết căn cơ các vấn đề đó, con người đã tìm ra biện pháp hữu hiệu là thi công các công trình thuỷ lợi mà chủ yếu là đào, vét kênh rạch thường xuyên nhằm tiêu nước, xả phèn. Đồng thời, đào kênh còn đem lại sự tiện lợi hơn trong giao thông đường thuỷ, phục vụ cho sự nghiệp khai hoang, phục hoá, chinh phục vùng đất mới.

Mục đích của nhà Nguyễn trong việc đào, vét kênh rạch

Khi Nhà Nguyễn cầm gươm đi mở cõi, họ đã gặp được điều kiện thiên nhiên sông nước đầy thuận lợi cho việc làm này. Để cho hệ thống sông ngòi, kênh rạch hiệu quả hơn, họ đã ra sức cải tạo, nạo vét, khai mương, đào kênh, bổ sung cho những khiếm khuyết của thiên nhiên. Công cuộc cải tạo trên là một nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình khai hoang lập ấp tiến đến thành công. Công cuộc này đã vạch hệ thống dẫn nước vào các đồng ruộng, đồng thời tạo những con đường thủy thuận tiện cho việc di chuyển, buôn bán tại đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường sức mạnh về kinh tế và giao thông cho hệ thống sông ngòi vốn đã rất phong phú.

Còn ngập lụt tại Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, Tứ giác Hà Tiên có thể đỡ nghiêm trọng hơn ngày nay nhờ môi trường chưa bị tàn phá nhưng chắc chắn diện ngập, độ ngập, thời gian ngập không khác nhau nhiều lắm [ 4 ; tr. 70].

Cuối thế kỷ XVIII, cư dân Việt đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tiến xuống khai hoang vùng Tây Nam kỳ, nhiều vùng đất màu mỡ đã được khai thác. Vào khoảng những năm 1866-1867, toàn đồng bằng chỉ mới khai thác được khoảng hơn 200.000 ha, việc mở rộng diện tích sản xuất và tập trung lực lượng là rất khó khăn. Trong khi đó, vùng ĐBSCL có diện tích đất mênh mông, cò bay thẳng cánh.

Trong công cuộc khai hoang, nhà Nguyễn chủ trương không nhằm mục đích thu lấy mối lợi, mà chú trọng nhiều hơn đến mục đích an ninh quốc phòng. Vì thế, việc chọn địa điểm để đào kênh không nhất thiết phải thuận lợi, mà có khi phải đi vào vùng sâu, vùng xa. Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy, chúng tôi có nhận xét về mục đích của làm thuỷ nông thời nhà Nguyễn ở vùng Tây Nam Kỳ như sau:

Thứ nhất : Việc đào kênh là để rút ngắn khoảng cách đi lại và để củng cố an ninh quốc phòng. Chẳng hạn, để thuận tiện cho việc đi lại giữa Long Xuyên với Rạch Giá, Hà Tiên (để không phải đi đường biển xuống Cà Mau), nhà Nguyễn cho đào kênh Đông Xuyên - kênh Thoại Hà. Tiếp theo là kênh Vĩnh Tế, đây là công trình lớn của nhà Nguyễn. Kênh này ngoài việc cung cấp nước cho đồng ruộng để thau chua rửa mặn còn phát huy được vai trò phòng biên lúc bấy giờ, nơi kênh đi qua đã xác định được ranh giới lãnh thổ của ta với nước bạn Campuchia.

Thứ hai , các công trình thuỷ nông có vai trò là đầu mối giao thương. Nhiều tuyến giao thông thuỷ đạo được hình thành, giúp kết nối các vùng trong đồng bằng lại với nhau. Nơi các tuyến kênh đào đi qua do có điều kiện thuận lợi nên đã trở thành lực hấp dẫn, quy tụ lưu dân về định cư để khai hoang, lập nghiệp. Trong đó, kênh Vĩnh Tế trở thành tuyến giao thông đa năng khi mà “việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng” [ 5 ; tr. 89].

Thứ ba , một số vùng như ĐTM, Tứ giác Long Xuyên còn hoang hóa, giao thông chủ yếu dựa vào đường thủy. Vấn đề thoát úng, rửa phèn trở nên cần thiết, đồng thời xuất hiện nhu cầu nối liền các vùng với nhau: Rạch Giá – Hà Tiên – An Giang, Cần Thơ - Mỹ Tho - Gia Định (Kênh Thoại Hà - kênh Bảo Định - kênh Vĩnh Tế) nhằm huy động nguồn nhân lực, vật lực để khai phá và phát triển Nam Kỳ Lục tỉnh.

Như vậy, mục đích của việc đào kênh về lâu dài là phục vụ dân sinh; phát triển nền nông nghiệp lúa nước, dẫn nước vào đồng ruộng để thau chua rửa mặn; rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các vùng miền; để thuận tiện trong việc giao thương sông nước của cư dân và phát huy vai trò bảo vệ an ninh – quốc phòng.

Về ý tưởng và chỉ huy đào kênh

Dưới nhà Nguyễn, để thực hiện kế hoạch này, triều đình đã phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong cuộc cuộc trị thuỷ, củng cố quốc phòng và mở rộng lãnh thổ lúc bấy giờ.

Công việc đào kênh thường có liên quan đến kinh tế, chính trị và cả ngoại giao nên cần phải có chủ trương thông suốt. Thời các vua Nguyễn, công tác đào kênh được tổ chức chu đáo từ triều đình giao cho trấn, trấn xuống tỉnh, tỉnh bổ xuống phủ, huyện. Các vấn đề lương thực – thực phẩm, lực lượng và dụng cụ đào kênh được tính toán và chuẩn bị rất kĩ lưỡng, chủ yếu bằng ngân khố quốc gia. Việc chỉ huy đào, vét kênh rạch thuộc về tầng lớp quan lại, phần lớn xuất thân từ võ tướng. Chưa có tư liệu lịch sử ghi chép thời Nguyễn ở vùng Nam Kỳ đã có cơ quan chuyên sâu về lĩnh vực thuỷ lợi. Vì thế, việc này là do các quan đứng đầu địa phương bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình tổ chức đào với sự nhất trí của triều đình. Một số quan lại tổ chức đào kênh thành công có thể kể đến như: thời các chúa Nguyễn, Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân tổ chức đào kênh Vũng Cù và Nguyễn Cửu Đàm cho quân đào kênh Ruột Ngựa; dưới triều vua Gia Long và vua Minh Mạng, đa số kênh đào ở Nam Kỳ đều do tướng lĩnh chỉ huy thi công như: năm 1819, Huỳnh Công Lý (phó tổng trấn thành Gia Định) chỉ huy đào kênh An Thông ở Sài Gòn; năm 1829, Lê văn Duyệt (Tổng trấn thành Gia Định) chỉ huy đào kênh Thủ Đoàn – Lợi Tế v.v.. Như vậy, tầng lớp quan lại tuy không được đào tạo về chuyên ngành thủy lợi nhưng bằng kinh nghiệm, tính nhạy bén và sự sáng tạo của bản thân, họ đã có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng các công trình thủy lợi ở Tây Nam Kỳ.

Về quy mô kênh đào

Phần lớn hệ thống kênh đào dưới nhà Nguyễn ở vùng đất Tây Nam Kỳ trong giai đoạn 1802-1867 có quy mô lớn (kênh đào thường có độ sâu từ 3–5m và bề rộng từ 30–40m) nhằm mục đích hướng đến phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng cường giao thông thương mại đi lại dễ dàng, phục vụ dân sinh, mở rộng lãnh thổ và bảo vệ vùng biên viễn. Hệ thống kênh đào này phân bố dần từ những đô thị đã phát triển như Tân An, Mỹ Tho cho đến vùng biên giới Châu Đốc và Hà Tiên.

Khảo sát và thiết kế

Vùng Tây Nam Kỳ với cấu tạo địa chất là đất sét, bùn, địa hình thấp, phẳng, nhiều sông rạch và ao hồ nên khá thuận lợi cho hoạt động đào kênh. Nhiều con kênh chỉ cần đào vét phần giữa nối hai ngòi lại với nhau. Cũng có thể là từ lối mòn lâu năm của vùng trũng đọng nước, người ta vét lại trở thành một con kênh. Để đào một con kênh, đầu tiên con người tổ chức khảo sát và đo đạc tuyến kênh định đào. Đây là khâu rất quan trọng trong hoạt động đào kênh nên đòi hỏi tính chính xác phải cao. Tuy khâu này trải qua nhiều công đoạn nhưng có các công đoạn chính, cụ thể như sau:

Thứ nhất , việc khảo sát và đo đạc thực tế hiện trường được giao cho một viên quan trực tiếp thực hiện công đoạn này được tiến hành nhiều lần vì chiều dài con kênh có nhiều đoạn, đi qua nhiều nơi khác nhau nên cần đo đạc chính xác để vẽ bản đồ. Chẳng hạn như kênh Thoại Hà được đo đạc hai lần: lần thứ nhất đo từ Thang Lung đến bến Thang Lung dài 174 trượng và lần thứ hai đo từ lạch Lạc Duyên đến lạch Song dài 6.247 trượng 6 . Thế nhưng, trường hợp kênh Vĩnh Tế thì khâu khảo sát và đo đạc phức tạp hơn nên được chia ra làm mười đoạn 6 .

Thứ hai , người ta cắm mốc tiêu tại hiện trường để lấy điểm thực hiện và vẽ phác thảo bản đồ con kênh đó, chủ yếu sử dụng các biện pháp thủ công nhưng rất sáng tạo, phù hợp với những nơi hoang vắng, sình lầy ở đoạn kênh đi qua. Chẳng hạn như khi đào kênh Vĩnh Tế, để con kênh được thẳng, tương truyền rằng các dân phu phải phát cỏ sẵn, đợi lúc ban đêm đốt đuốc trên đầu những cây sào cao rồi nhắm theo hướng đường thẳng mà cắm. Để sào được thẳng, người ta cắm một cây rọi to (ngọn đuốc được quấn bằng vải tẩm dầu), đứng trên cao phất qua phất lại cho người cắm sào tìm đúng hướng 6 .

Tổ chức đào kênh

Trong thi công, để có được một lực lượng lao động khỏe mạnh và dồi dào thì người chỉ huy thường tổ chức đào theo đợt, theo phiên và theo đội nhóm. Chẳng hạn như khi đào kênh Vĩnh Tế, đợt một đã huy động được 10.500 binh dân (5.500 người Việt và 5.000 người Cao Miên). Số binh dân này làm việc trong vòng một tháng, sau đó nhóm khác đến thay để họ về nghỉ 6 .

Như vậy, từ khâu khảo sát, thiết kế và thi công, có thể biết được ông cha ta rất sáng tạo, linh động vận dụng thực lực có sẵn cho việc cải tạo thiên nhiên. Đồng thời, sự vận dụng này đã làm giảm xuống mức thấp nhất chi phí cho việc đào kênh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và mang lại hiệu quả cao trong sự nghiệp khai hoang, phục hóa.

Lực lượng, công cụ đào kênh

Lực lượng tham gia đào kênh: Nhà Nguyễn huy động được một đội ngũ dồi dào có nhiều thành phần khác nhau như: binh lính triều đình đang tại ngũ, nông dân, trai tráng khỏe mạnh trong vùng nơi con kênh đi qua hoặc được huy động từ nhiều địa phương khác đến. họ được gọi chung là dân binh, dân phu hay phu đào kênh. Cũng có trường hợp người phạm tội được tổ chức đi đào kênh để “đới tội lập công”, họ được quyền khai hoang và định cư nơi vùng đất mới. Có một điểm đáng lưu ý là khi thi công kênh Rạch Giá – Long Xuyên, kênh Vĩnh Tế, vua Gia Long và vua Minh Mạng không những huy động một lực lượng lớn nhân công trong nước mà còn chủ trương huy động cả người dân và các quan chức người Cao Miên đến thi công, điều này đã tạo ra một lực lượng đào kênh khá dồi dào. Như vào năm 1842, khi chuẩn bị đào kênh Long An, vua Thiệu Trị giao cho các quan ở tỉnh An Giang, Hà Tiên, Định Tường “Làm kế hoạch trù tính số người thuê đào… Nguyễn Công Trứ dâng bảng tính đến hết 72.522 công, phải thuê 10.000 phu và 2.000 biền binh các hạng đi làm” [ 7 ; tr. 367]

Công cụ đào kênh : Các dụng cụ là nông cụ gắn liền với sản xuất hàng ngày của nông dân như cuốc, xẻng, quang gánh, mai để đào; phảng, dao để chém chặt: sọt, ky để đựng đất… Công cụ được phân bổ theo đội như sau: “mỗi đội có 50 người mang theo 10 cây cuốc, 10 cây mai, phảng rìu, cây mù u, gàu nước, gióng, gánh, ky mỗi thứ 30 cái, còn lại là dây tre dài một trượng” [ 7 ; tr. 113]. Qua đoạn trích dẫn, ta thấy công cụ đào kênh rất thô sơ, lạc hậu nhưng đã góp phần quan trọng và không thể thiếu trong đào, vét kênh rạch. Điều đó cũng cho thấy sự sáng tạo, tìm tòi chế tác công cụ của nhân dân ta trong lao động sản xuất.

Ăn, ở, trả công thưởng phạt: Phần lớn người đào kênh là lực lượng tại chỗ nên họ có chỗ ăn ở, còn lại một số lực lượng là binh lính và dân phu tham gia đào kênh được Nhà nước cấp gạo và tiền để trả công. Nhìn chung, tình cảnh lao động của dân phu là khổ cực, vất vả và bị nhiều nguy hiểm đe doạ đến tính mạng vì những nguyên nhân như: tai nạn lao động do đất sạt lở, do công việc nặng nhọc; có khi phải làm ban đêm thì bị thú dữ tấn công như bị cọp vồ, rắn độc cắn. Do lao động quá mệt nhọc, nhiều người đã bỏ trốn nhưng phải bỏ mạng dọc đường vì gặp ác thú, vì bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước uống, thiếu thuốc men,... Việc Thoại Ngọc Hầu đi chiêu tập hài cốt dân binh chết do đào kênh và bài Tế nghĩa trủng văn đã khẳng định sự cực khổ và nguy hiểm đó. Về phía binh dân, họ không những được cung cấp lương thực mà còn có cả tiền lương được tính trong mỗi tháng, điều này được thể hiện rõ qua việc đào kênh Vĩnh Tế như: “Dân người Hán (Việt) cùng với binh đồn Uy Viễn mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền và 1 phương gạo; dân Chân Lạp mỗi tháng cũng cấp cho mỗi người 4 quan 5 tiền, 1 phương gạo”[ 8 ; tr. 1469].

Về chế độ khen thưởng: Thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã có sự khác nhau trong chế độ khen thưởng. Các chúa Nguyễn không ban thưởng bằng hiện vật quý báu mà chỉ ban thưởng bằng thổ điền như trường hợp Nguyễn Cửu Vân có công đào kênh Vũng Cù và khai phá vùng Nhơn Thạnh Trung (huyện Tân Trụ, Long An ngày nay) nên sau này chúa Nguyễn Phúc Chu đã dùng bút son phê chuẩn ban ruộng cho Nguyễn Cửu Tiêm (con trai cả của Nguyễn Cửu Vân) để thờ cúng và gọi là ruộng Châu phê. Thời nhà Nguyễn, chế độ thưởng phạt đối với người tham gia đào kênh rất rõ ràng và được phân chia ra nhiều loại theo thứ bậc, cụ thể là:

- Các quan lại và chức sắc như Tổng trấn, Phó tổng trấn, Giám tu, Phó cơ, Cai cơ, Cai đội, Đội trưởng, Tri huyện, Đốc áp làm nhiệm vụ tổ chức và quản lý đào kênh được ban thưởng. Trong đó, có ba kênh đào được nói đến trong việc vua ban thưởng cho họ là kênh Vĩnh Tế, Lợi Tế và Long An. Hình thức khen thưởng đều bằng hiện vật như vải vóc, quần áo và tiền bạc. Ví như năm 1823, sau khi hoãn đào kênh Vĩnh Tế lần hai, vua Minh Mạng đã khen thưởng cho Lê Văn Duyệt một vòng đai ngọc, một tấm đoạn thêu hình mãng xà; Trương Tấn Bửu được thưởng một tấm lan sa thêu hình mãng xà và 3 tấm sa; 6 Giám tu mỗi người được 2 tấm đoạn biểu ký [ 6 ; tr. 264].

- Về phía Cao Miên, vua Minh Mạng tặng cho Quốc vương Nặc Chăn một đạo sắc thư, 2 tấm gấm Tàu đời Tống, 2 tấm tất nền, 2 tấm tất ki, 20 tấm sa nam, 20 tấm lụa nam. Ngoài ra, bồi thần cũng được ban thưởng bạc, quần áo bằng lụa và nhiều phẩm vật quý báu khác,… [ 6 ; tr. 265].

- Ngoài ra, người thợ đào kênh cũng được ban thưởng sau mỗi đợt đào kênh. Công việc ban thưởng này được thực hiện cho đến khi con kênh được khánh thành 1 .

Từ chế độ thưởng phạt rõ ràng của nhà Nguyễn, ta có thể nhận xét rằng, ngay từ đầu, họ rất quan tâm đến lực lượng lao động tham gia đào kênh, cụ thể: trong đợt 3 đào kênh Vĩnh Tế, để tăng thêm tinh thần cho quan chức, binh lính và dân phu, triều đình đã chi ra 1.000 quan tiền để mua trâu, rượu làm tiệc khao những người này.

Tóm lại, công cuộc đào, vét kênh rạch đã phản ánh nhà Nguyễn rất chú trọng công tác thuỷ nông. Để đạt được mục đích này, các vua nhà Nguyễn tìm ra nhiều biện pháp trong việc huy động nội lực và ngoại lực để thi công nhiều công trình thuỷ nông như kênh, rạch, cầu, mương máng,... Các công trình đó thể hiện ý chí, nghị lực và sự sáng tạo nhằm cải tạo thiên nhiên, đồng thời cho thấy khát khao chinh phục, khẳng định chủ quyền dân tộc của các bậc tiền nhân ở vùng đất phương Nam.

Một số kênh đào tiêu biểu

Cảnh buôn bán đi lại tấp nập trên bến dưới thuyền của cư dân ở vùng Tây Nam Kỳ trong thời nhà Nguyễn đã phản ánh phần nào đời sống ấm no, giao thương thông suốt. Tuy nhiên, họ chủ yếu di chuyển trên những con ghe, xuồng nhỏ, dựa vào kênh rạch tự nhiên. Nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân và khẳng định tầm nhìn xa cho tương lai đất nước trong việc giao thương và mở rộng lãnh thổ bằng con đường sông nước ở vùng này (kể cả vùng hải đảo xa xôi), nhà Nguyễn đã cho đào mới, vét thêm một số con kênh rạch tiêu biểu:

Kênh Thoại Hà

Kênh Thoại Hà hay còn có các tên: kênh Tam Khê, kênh Đông Xuyên hay Đông Xuyên Cảng đạo, nối rạch Long Xuyên (có khi gọi là sông, tên cũ là rạch Đông Xuyên, thuộc An Giang) với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá (Kiên Giang). Đây là công trình thoát lũ đầu tiên của nhà Nguyễn ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.

Với những chủ trương đó, tháng 11 năm 1817, vua Gia Long “sai trấn thủ Nguyễn Văn Thụy điều động dân Hán (Việt) dân Di (Miên) 1.500 người vét sông Tam Khê. Sau hơn một tháng mới xong, ngang hơn 10 trượng, sâu 18 thước. Vua khen công của Thụy, đặt tên sông là Thụy Hà. Ở phía đông sông có núi Lạp Sơn, cũng đặt tên núi Thụy Sơn, cấm dân không được chặt cây cối” [ 8 ; tập 1, tr. 1412].

Đoạn trích dẫn phản ánh một vấn đề trong quá trình đào kênh Thoại Hà là: vua Gia Long đã huy động được sức lao động trong nước và ngoài nước. Như vậy, vấn đề hợp tác quốc tế để làm thuỷ lợi được vua Gia Long triệt để khai thác, tạo tiền đề cho các vị vua kế nhiệm vận dụng theo. Ngoài ra, quá trình thi công kênh Thoại Hà chỉ hơn một tháng đã hoàn thành, bởi lẽ: người ta chỉ đào ở khoảng giữa, nơi đất bùn, nối ngọn hai con rạch vì đã có đoạn đầu và đoạn cuối, chỉ vét lại đoạn giữa để nối liền vùng đất Hậu Giang qua Rạch Giá bên bờ vịnh Xiêm La (sau này cho đào thêm vùng đất thấp, sát chân núi Ba Thê, nối qua núi Sập); thêm một nguyên nhân nữa rằng đây là con đường trước kia dân thường đi 7 .

Kênh Vũng Cù – Bảo Định

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí thì sông Bảo Định là: “Tục danh Vũng Cù, cửa sông này gối vào sông Hưng - Hòa, cách phía Đông Bắc trấn 47 dặm rưỡi. Thưở xưa phía Đông Bắc, từ sông nhỏ Vũng-Cù chảy đến quán Thị-Cai là hết, phía Tây từ sông nhỏ Mỹ-Tho cũng xuống đông đến chợ Lương-Phú là hết…” [ 5 ; tr. 63].

Đầu thế kỉ XIX, kênh Vũng Cù đã bị cạn lấp dần do nước bị ứ đọng nên “Năm kỉ Mão niên hiệu Gia Long 18 (1819) vua xuống chỉ dụ sai trấn thủ Định Tường Bửu Thiện Hầu Nguyễn Văn Phong đem 9.679 dân phu trong trấn đào mở, bề ngang 15 tầm, sâu 9 thước, 2 bên có đường quan lộ rộng 6 tầm. Khởi công từ ngày 28 tháng giêng đến ngày 4 tháng 4 nhuần thì xong. Vua cho đặt tên là Bảo-Định-Hà” [ 5 ; tr. 64]. Trong đợt đào thứ hai này, vua Gia Long đã cho phép huy động một số lượng nhân công khá lớn để thi công. Điều này đã cho thấy vai trò quan trọng của con kênh.

Vì sao kênh Bảo Định được vua Gia Long quan tâm đầu tư đào, vét với quy mô lớn như vậy? Điều này có thể là do kênh Bảo Định gần trung tâm Gia Định, đồng thời nối Mỹ Tho với Tân An – hai địa danh nằm hai nhánh sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây nên nó có thể cải thiện giao thông đường thuỷ tiến tới phát triển giao thương,…

Kênh Vĩnh Tế

Năm 1816, khi xem bản đồ thành Châu Đốc, vua Gia Long sai trấn thủ Vĩnh Thanh và phó là Nguyễn Đức Sĩ đo vẽ cả bản đồ Châu Đốc – Hà Tiên. Sau khi bản đồ được dâng lên, vua đã bàn với triều đình “mở đường sông thông với Hà Tiên” nhằm thuận tiện cho làm ruộng, buôn bán, tập hợp dân cư khai hoang nhưng Nguyễn Văn Nhân can rằng “việc đào sông là công trình to lớn. Nay dân nước Phiên mới phụ, nếu việc thổ mộc phiền nhọc, thần sợ họ kinh động mà công việc khó thành. Xin hãy tạm thôi” [ 8 , tập 1; tr. 1387]. Như vậy, ngay từ đầu kế hoạch đào kênh Vĩnh Tế đã có sự liên quan với hoạt động ngoại giao với người Chân Lạp nên vua Gia Long cũng như triều đình rất thận trọng. Thế nhưng vua Gia Long vẫn cho đào và nạo vét nhiều kênh rạch ở Nam Bộ trong thời gian này như là: kênh Thoại Hà (1817), kênh An Thông (1818), kênh Bảo Định (1819) v.v..

Xét về vị thế thì kênh Vĩnh Tế có tầm quan trọng và chiến lược trong đời sống chính trị, kinh tế, giao thoa văn hoá,... nên ngay từ khi mới khởi công đào, vua Gia Long xuống chiếu: “Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc” [ 8 , tập 1; tr. 1469]..

Công việc chuẩn bị để đào kênh Vĩnh Tế được chuẩn bị rất chu đáo từ trung ương xuống tận địa phương, trong đó khâu chuẩn bị con người và lương thực luôn được coi trọng. Sau khi công việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành, ngày rằm tháng Chạp năm 1819 khởi công đào. Công việc đào kênh này vua Gia Long đã “sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất 5.000 người và binh dân đồn Uy Viễn 500 người, Đồng Phù quản suất dân Chân Lạp 5.000 người” và binh dân đào kênh được hưởng “mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền và một phương gạo; dân Chân Lạp mỗi tháng cũng cấp cho mỗi người 4 quan 5 tiền, 1 phương gạo” [ 8 ; tr. 1469]. Đoạn trích dẫn đã phản ánh được đợt đầu đào kênh và thể hiện được tính quy mô của kênh Vĩnh Tế, đồng thời ta nhận thấy đã có sự phối hợp và huy động lực lượng đào kênh từ nước Chân Lạp; vua Gia Long và triều đình luôn quan tâm đến đời sống dân phu đào kênh.

Kênh đào xong được vua Minh Mạng đặt tên là Vĩnh Tế, tên vợ Thoại Ngọc Hầu, vì bà có công chăm lo cho chồng để ông toàn tâm toàn ý với công việc đào kênh. Năm 1836, để ghi nhận sự đóng góp của nhân dân, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc vào Cao đỉnh (Vĩnh Tế Hà). Đây là một bảo vật đối với cá nhân Thoại Ngọc Hầu cũng như lực lượng lao động tham gia vào công trình đào kênh này 9 .

Để tránh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Chân Lạp và tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động nguồn lực từ bên ngoài, vua Gia Long đã dụ sứ thần nước này rằng: “Nước ngươi giáp với Vĩnh Thanh. Nay đào sông này không những lợi cho người Hán (Việt) mà còn lợi cho nước người vô cùng…” 8 .

Vậy, toàn bộ quá trình khảo sát, vẽ bản đồ và thời gian từ lúc khởi công đào cho đến ngày hoàn thành công trình kênh Vĩnh Tế dài gần 10 năm (1816 - 1824); quy mô kênh đào với chiều dài gần 100km, ngang 25m, độ sâu trung bình 3m; công trình huy động khoảng 80.000 nhân công người Việt, người Khơme, trong đó hàng ngàn người đã bỏ mạng khi tham gia đào kênh v.v.. Với những số liệu này, chúng tôi khẳng định rằng: kênh Vĩnh Tế là một kỉ lục về kênh đào và là một đại công trình thuỷ nông ở Việt Nam thời cận đại.

Đào kênh Long An nối sông Tiền với sông Hậu

Nhà Nguyễn cho đào kênh từ Long An để nối sông Tiền với sông Hậu là nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thuỷ, di chuyển từ Tân Châu (sông Tiền Giang) lên phía thủ Châu Giang (sông Hậu Giang), hoặc từ Tân Châu đến vịnh Thái Lan qua kênh Vĩnh Tế. Ngoài ra, vua Thiệu Trị cũng khẳng định: “Khai hoang đào kênh để giữ vững biên cương” [ 10 ; tr. 133].

Xuất phát từ thực tế trên, các quan chức đứng đầu tỉnh An Giang, Hà Tiên, Định Tường đưa ra ý tưởng đào kênh nối đồn Châu Đốc với đồn Tân Châu. Vào tháng 6 năm 1842, tổng đốc Lê Văn Đức dâng biểu xin đào “Một đoạn từ An Giang đi ngang qua Tân Châu và An Lạc, xin cho quan tỉnh thuê vát (điều động), dân đào thành đường sông để dễ cho sự khống chế tiếp ứng. Đó cũng là một việc cốt yếu nên làm” [ 8 ; tập 6; tr. 366]. Vua Thiệu Trị đồng ý, rồi “giao cho Nguyễn Công Nhàn (Tổng đốc An - Hà) và Nguyễn Công Trứ (Tuần phủ An Giang) trù tính công làm, rồi tâu lên”, tỉnh An Giang trù tính số lượng nhân công làm việc này. Theo tính toán thì: “phải lên tới 72.522 công, thuê 10.000 dân phu ở 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Định Tường và bắt 2000 biền binh các hạng đi làm, dự định đào hai tháng thì xong” [ 8 ; tr. 367]. Thế nhưng việc đào kênh đã bị hoãn lại do trời nắng nóng, sinh ra dịch bệnh.

Tháng 10 Quý Mão (1843), Tổng đốc An Hà Nguyễn Công Nhàn, thự Tổng đốc Long Tường Nguyễn Tri Phương, Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ tâu xin cho đào kênh Tân Châu với “5.000 nhân công khơi trước một đoạn (5.500 trượng), trong một tháng sẽ cho về, đợi sang đông, sẽ làm tiếp” [ 8 ; tr. 548].

Như vậy, quá trình phục dựng và miêu tả hoạt động đầu tư nhiều công sức của triều đình, của nhân dân để thi công một hệ thống kênh đào dưới nhà Nguyễn mà chủ yếu là hai vị vua Gia Long và Minh Mạng đã phác họa được một bức tranh toàn cảnh về việc làm thuỷ nông ở vùng Tây Nam Kỳ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XIX. Tuy vẫn biết rằng còn nhiều kênh đào có quy mô nhỏ khác chưa được đề cập đến, trong đó có cả một số con kênh do nhân dân tự tổ chức đào vét để nối vào các con kênh lớn do nhà nước đào, song theo chúng tôi, một số kênh đào tiêu biểu được miêu tả, được phục dựng lại ở trên đã phản ánh khá đầy đủ về thủy nông thời nhà Nguyễn ở vùng Tây Nam Kỳ lúc bấy giờ.

KẾT LUẬN

Lịch sử đã ghi nhận công lao to lớn của nhà Nguyễn trong việc thực thi nhiều chính sách, biện pháp thủy nông, thủy lợi, kênh rạch ở vùng Tây Nam Kỳ. Tuy kết quả chưa được như mong muốn, nhưng đó cũng là công lao của triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta nhằm mở rộng lãnh thổ và diện tích canh tác, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khai thác và tận dụng những gì vốn có ở vùng đất tự nhiên màu mỡ này. Để phục vụ công cuộc khai hoang mà đầu tiên là phải ổn định tình hình an ninh - chính trị, hoạt động đào, vét kênh rạch đã được thực thi dưới thời nhà Nguyễn. Cho dù nguồn tài liệu chính sử ghi chép về các công trình thuỷ lợi ở vùng Tây Nam Kỳ thời nhà Nguyễn không nhiều, song trong thực tế, ông cha ta đã đầu tư nhiều sức người, sức của, thậm chí trả giá bằng tính mạng để biến vùng đất ngập nước mênh mông ấy thành một trong những vựa lúa lớn nhất ở Đàng trong, suốt từ thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XVIII.

Trong công cuộc đào kênh ở Tây Nam Kỳ, nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa thành quả đào kênh thời các chúa Nguyễn, đó là: dựa vào những kênh đào có sẵn, nhà Nguyễn nạo vét lại để khai thác, đồng thời học kinh nghiệm về cách đào kênh phải có độ sâu, độ dài của lòng kênh nhằm thoát nhanh chua phèn ra biển và giao thông thủy thuận tiện. Bên cạnh đó, kênh đào thường nằm ở những nơi thuận lợi như đông dân cư, rạch nước đã có sẵn chỉ vét lại là thành một con kênh; nhà Nguyễn cũng tận dụng nhân công bao gồm quân đội, nông dân và kể cả tội phạm để đào, vét kênh rạch.

Mặc dù việc đào kênh còn nhiều hạn chế nhưng nhờ vào các kênh đào này mà công cuộc khai hoang trở nên thuận lợi đối với các vùng biên giới. Bên cạnh đó, kênh đào còn giữ vai trò phòng biên và khẳng định lãnh thổ quốc gia dân tộc; tiêu nước ở những vùng ngập úng do mưa và lũ lụt, cùng đó là giải quyết việc thau chua rửa mặn làm cho đất đai màu mỡ, tăng diện tích canh tác, hình thành hệ thống giao thông kênh đào phù hợp với đặc thù vùng sông nước, sự thuận tiện của nó là kết nối nhiều đô thị lại với nhau; kênh đào đã dẫn bước chân người khai hoang đi xa hơn vào những vùng hoang vắng, chinh phục và biến nơi đây trở thành xóm làng đông đúc dân cư; kênh đào tạo ra nét sinh hoạt đặc thù của cư dân vùng Tây Nam Kỳ , đó là văn hóa kênh rạch, sông nước, ngoài ra còn góp phần thúc đẩy giao thoa văn hóa giữa các cộng động dân cư và tiếp nhận văn hóa, văn minh từ đô thị Gia Định./.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐBSCL: Đồng bằng sông Cửu Long

ĐTM: Đồng Tháp Mười

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả bài viết là người trực tiếp sưu tầm toàn bộ tư liệu có liên quan đến bài viết, hình thành ý tưởng và triển khai viết, chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết.

References

  1. Châu bản triều Nguyễn. Tập 20b, tờ 202, mục lục trang 33 ngày 22.12, Minh Mạng thứ 7, Minh Mạng tập 6 tờ số 53, Minh Mạng tập 8 tờ số 22, Minh Mạng tập 9 tờ số 177 và 192. Hà Nội: TT lưu trữ quốc gia I. . ;:. Google Scholar
  2. Doumer Paul. Xứ Đông Dương, Nxb Thế Giới, Hà Nội. . 2016;:. Google Scholar
  3. Huỳnh Lứa chủ biên. Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ. TP.HCM: Nxb Tổng hợp. . 1987;:. Google Scholar
  4. Sâm Lê. Thuỷ nông ở Đồng Bằng Sông Cửu Long TP.HCM: Nxb Nông nghiệp. . 2006;:. Google Scholar
  5. Đức Trịnh Hoài. Gia Định thành thông chí, tập thượng, quyển 1- 2. (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch). Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn Hóa. Nxb Tổng hợp Đồng Nai. . 1972;:. Google Scholar
  6. Vũ Trần Hoài. Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới. Nxb Tổng hợp TPHCM. . 2017;:. Google Scholar
  7. Nam Sơn. Lịch Sử khẩn hoang Miền Nam. TP. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ. . 2009;:. Google Scholar
  8. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 5. (Viện Sử học dịch). Nxb Thuận Hóa. . 2006;:. Google Scholar
  9. Thắng Phạm Hồng. Thuỷ nông Tiền Giang từ năm 1976 đến năm 2010. Luận văn thạc sĩ Lịch sử. Lưu trữ tại ĐH Sài Gòn và ĐH Vinh. . 2012;:. Google Scholar
  10. Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ. (Viện Sử học dịch). Huế: Nxb Thuận Hóa. . 2004;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1357-1364
Published: Dec 30, 2021
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.671

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Huyen, N. (2021). Irrigation in the western region of Cochinchina under the Nguyen Dynasty (1802-1867). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(4), 1357-1364. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.671

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 273 times
PDF   = 136 times
XML   = 0 times
Total   = 136 times