VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

389

Total

136

Share

Proposing the evaluation criteria for linguistic errors through surveying the Chinese-Vietnamese translation by students at the elementary level: a case study at the Faculty of Chinese Linguistics and Literature, USSH, VNUHCM






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In the course of translation-related subject teaching, we have found that the translation teaching at the Faculty of Chinese Linguistics and Literature, USSH, VNUHCM has not had a consensus on the evaluation criteria for the Chinese-Vietnamese translation in accordance with the teaching environment, which makes it difficult for both teachers and learners in the teaching and learning process. Therefore, specifying the error scale is essential for the objective assessment of students' learning outcomes. With the goal of building an error scale as a basis for evaluation, the study uses the actual data on linguistic translation errors collected from learners' Chinese-Vietnamese translation practice, combined with Chinese-Vietnamese translation theories (selecting the criteria that can be applied to the teaching environment) and translation analysis methods, thereby proposing the suitable criteria for the error scale of evaluating the Chinese-Vietnamese translation at the elementary level. The research results suggest the criteria for identifying common linguistic errors in the Chinese-Vietnamese translation at the elementary level. In addition, these results will support teachers better in marking and evaluating elementary-level translation tests as well as helping learners better understand common errors in the process of learning and practicing elementary-level translation.

MỞ ĐẦU

Những năm gần đây, các vấn đề về tiêu chuẩn đánh giá bản dịch được các nhà nghiên cứu và đội ngũ đào tạo biên phiên dịch quan tâm thảo luận. Nhưng tiêu chí đánh giá cho một bản dịch trong môi trường giảng dạy vẫn chưa được thống nhất. Nghiên cứu này thực hiện trên cơ sở vận dụng lý thuyết và khảo sát thực tế cho các tiêu chí đánh giá bản dịch của người học trong môi trường dạy và học các môn dịch. Từ đó, vận dụng kết quả nghiên cứu tiêu chuẩn đánh giá bản dịch vào khâu chấm bài dịch viết của sinh viên, nhằm nâng cao tính khách quan cho việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Theo quan điểm “Việc quyết định về thành quả học tập của người học có thể thông qua so sánh với những người học cùng học khác (theo chuẩn) hoặc so với mục tiêu học tập đã được xác định (theo tiêu chí)” [ 1 , tr.10], tiêu chí đánh giá bản dịch của người học ở từng giai đoạn cụ thể trong tiến trình học tập không chỉ giúp người dạy và người học xác định rõ mục tiêu học tập mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá kết quả học tập.

Qua các tài liệu nghiên cứu chúng tôi tiếp cận được, các nghiên cứu liên quan đến phiên dịch tiếng Anh đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc nghiên cứu lý luận cũng như áp dụng vào thực tiễn các tiêu chuẩn đánh giá bản dịch. Dựa vào các phương pháp đánh giá bản dịch Nida (1964), Newmark (1982), Reiss (1989), House (2001) và một số học giả khác mà các trường đại học có ngành biên phiên dịch đã từng bước xây dựng các tiêu chí đánh giá bản dịch. Những tiêu chí này được vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong công tác biên phiên dịch, làm căn cứ cho bản dịch văn học, làm tiêu chí đánh giá biên phiên dịch khi tham gia một hiệp hội dịch thuật chuyên nghiệp như Hội đồng Biên dịch và Phiên dịch viên Canada, Hệ thống đánh giá chất lượng ngôn ngữ Canada, Hội dịch thuật Hoa Kỳ (ATA), Tổ chức cấp quốc gia cấp bằng về lĩnh vực dịch thuật NATTI. Các tiêu chí đánh giá bản dịch không phải chỉ là những lý thuyết suông mà nhằm nâng cao ý thức chung về sự cần thiết phải có bộ tiêu chí cụ thể để giảm thiểu độ chủ quan của người chấm bài thi viết 2 . Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy được tính quan trọng của bộ tiêu chí đánh giá bản dịch, nhưng hiện nay tại cơ sở đào tạo, vấn đề đánh giá bản dịch vẫn chưa được làm rõ và thống nhất. Có nhận định cho rằng cách kiểm tra, đánh giá biên phiên dịch ngành Ngôn ngữ Trung Quốc hiện nay vẫn tồn tại tính đơn nhất trong cách ra đề, tính chủ quan trong tiêu chuẩn đánh giá 3 , tuy bài nghiên cứu nêu trên chưa chỉ rõ đối tượng nghiên cứu, số liệu thực tế về thực trạng thiếu tiêu chuẩn đánh giá, nhưng cũng đã phần nào phản ảnh được sự chưa hoàn chỉnh trong hệ thống đánh giá bản dịch. Dẫn lời Lê Đình Khẩn về công tác phiên dịch Hán sang Việt “Khi so sánh tiếng Hán với tiếng Việt, người ta thấy chúng rất giống nhau. Giống về cấu trúc, về hoạt động cú pháp v.v... Đặc biệt trong tiếng Việt có một số lượng lớn từ ngữ vay mượn tiếng Hán. Thế là, có người vội nghĩ rằng vấn đề phiên dịch Việt – Hán, hay Hán – Việt chẳng có gì phải bàn. Nó đơn giản lắm. Đó là một kiểu suy nghĩ phiến diện rất dễ dẫn đến nhầm lẫn. Bởi vì, chỉ ra chỗ khác nhau giữa hai đối tượng gần giống nhau là một công việc cần có sự nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ càng và tinh tế, không hề đơn giản.” [ 4 , tr.28]. Bài viết không nhằm đưa ra vấn đề đánh giá bản dịch phức tạp, những công trình nghiên cứu đồ sộ về phương pháp đánh giá bản dịch... Bài viết muốn hướng tới tiêu chí xác định lỗi ngôn ngữ trong bản dịch của sinh viên trong khuôn khổ dạy và học dịch ở giai đoạn sơ cấp.

CƠ SỞ LÝ LUẬN

Theo ý kiến của Hoàng Văn Vân thì “So với bản thân thông dịch viên, người đánh giá chất lượng bản dịch thường gặp phải những vấn đề hóc búa hơn nếu họ muốn từ bỏ toàn bộ cách đánh giá trực cảm và cố gắng làm rõ khái niệm chất lượng bản dịch” [ 5 , tr.249]. Trong giảng dạy, giáo viên hoặc giảng viên chính là những người đánh giá chất lượng bản dịch, cho dù bản dịch đó là bài tập, bài kiểm tra thuộc trình độ sơ cấp, trung cấp hay cao cấp. Do đó nếu không có tiêu chí cụ thể để đánh giá bản dịch thì quá trình nhận xét hay chấm bài thực hành dịch, ít nhiều sẽ có phần đánh giá trực cảm. Người đánh giá bản dịch để hoàn thành công việc phải hoàn thành ba nhiệm vụ: một là, phải so sánh ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích; hai là, phải tái tạo lại các quá trình tâm lý ngôn ngữ dẫn đến ngôn bản ngữ đích; ba là: phải cố gắng tìm ra các công thức để đánh giá sự thỏa mãn liên ngôn bản [ 5 , tr.249]. Tác giả Hoàng Văn Vân cho rằng khái niệm “tương đương tự nhiên gần nhất” của Nida (1974) là mô tả tốt nhất trong đánh giá chất lượng bản dịch, khái niệm này thể hiện bản dịch khi phù hợp với ngôn ngữ và nền văn hóa của ngôn ngữ đích được xem là bản dịch đạt. Trên bình diện đánh giá bản dịch, các học giả nước ngoài sử dụng thang đo, gọi là tiêu chí đánh giá bản dịch (criteria) để làm căn cứ chấm điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên hay người đánh giá bản dịch làm việc cho các tổ chức dịch thuật tiến hành đánh giá bản dịch một cách khách quan nhất trong phạm vi có thể. Công trình nghiên cứu của Yildiz (2020) đã hệ thống quá trình đánh giá bản dịch của các hiệp hội dịch thuật có uy tín như Hội dịch thuật Hoa Kỳ (ATA), Hội đồng chuyên gia về dịch thuật ngữ và phiên dịch viên (CITTIC), Viện nghiên cứu biên dịch và phiên dịch (ITI), Tổ chức cấp quốc gia cấp bằng về lĩnh vực dịch thuật (NATTI) và Viện nghiên cứu của phiên dịch viên khu vực Nam Mỹ (SATI). Trong quá trình đó, có một bước gọi là nhận diện lỗi và chấm điểm (marking and grading), mỗi tổ chức nêu trên đều có một khung tiêu chí lỗi nhằm hướng dẫn người chấm nhận diện lỗi ngôn ngữ thường gặp. Các khung tiêu chí có nhiều thang đo, nhưng có thể thấy lỗi ngôn ngữ và lỗi dịch thuật là một phần quan trọng cho tiêu chí đánh giá bản dịch. Để đánh giá lỗi dịch thuật ngoài việc xem xét bản dịch, người đánh giá cần phải quan tâm đến khái niệm “sự trung thành” với ngôn ngữ nguồn 6 .

Melis và Albir (2001) (Martínez Melis, Nicole & Hurtado Albir, Amparo %J Meta: journal des traducteurs/Meta: Translators' Journal, 2001)đã đưa ra một bộ tiêu chí thang độ lỗi (correcting scales) và thang điểm (rating scales), đây là cách đánh giá bản dịch trong môi trường giảng dạy, thang độ lỗi nhằm xác định kiểu lỗi và thang điểm nhằm đo lường chất lượng bản dịch 7 . Nghiên cứu này chủ yếu phân tích lỗi sai trên bản dịch nên chỉ bàn về việc xác định thang độ lỗi. Theo Newmark nhận dạng lỗi bản dịch bao gồm hai loại: lỗi quy chiếu (referential mistakes) và lỗi ngôn ngữ (linguistic mistakes) 2 . Lỗi quy chiếu là những lỗi liên quan đến thực tế, thế giới bên ngoài trong khi lỗi ngôn ngữ bao gồm lỗi ngữ pháp và lỗi từ vựng. Farrús (2010) sau khi lấy kết quả nghiên cứu định tính từ 10 chuyên gia về lĩnh vực dịch thuật, đã liệt kê ra một hệ thống lỗi ngôn ngữ làm tiêu chí đánh giá để xác định các lỗi dịch tự động, trong đó gồm lỗi chính tả - Orthographic errors (dấu chấm câu, dấu, sai trọng âm, viết hoa chữ cái, từ nối, khoảng trống, sai từ có gốc tiếng nước ngoài); lỗi hình thái – Morphological errors (từ chỉ giới tính và hình thái của số nhiều, lược âm cuối, lỗi hình thái của động từ, thay đổi hình thái do những thay đổi trong cấu trúc cú pháp); lỗi từ vựng - Lexical errors (từ vựng của ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích không có sự tương ứng, thiếu từ vựng, không dịch danh từ riêng hoặc dịch khi không cần thiết); lỗi ngữ nghĩa - Semantic errors (đa nghĩa, đồng âm, giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích có cách biểu đạt khác nhau); lỗi cú pháp - Syntactic errors (lỗi về giới từ, lỗi về mệnh đề quan hệ, trường phức cú, không mang trọng âm, thiếu quán từ trước danh từ riêng, sắp xếp lại các thành phần cú pháp 8 . Trong mỗi nhóm lỗi đều liệt kê tương đối cụ thể những lỗi ngôn ngữ thường phát sinh trong quá trình dịch thuật. Dựa trên phương pháp nghiên cứu của các học giả đi trước, việc xác định lỗi của bản dịch là nhiệm vụ cần thiết. Qua các tài liệu chúng tôi hiện tiếp cận được về việc xác định lỗi của bản dịch Hán – Việt (nói cách khác là thang đo độ lỗi) cụ thể như trên để đánh giá bản dịch từ Hán sang Việt vẫn còn chưa được thống nhất cho việc dạy và học dịch ở trình độ sơ cấp, do vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm phân tích lỗi trong bản dịch của sinh viên, qua đó đề xuất các tiêu chí nhận diện lỗi ngôn ngữ cụ thể, góp phần cụ thể hóa các tiêu chí phân tích đánh giá bản dịch phục vụ mục đích sư phạm.

Trong tiếng Việt, lỗi chính tả, lỗi từ vựng lỗi và ngữ pháp là những lỗi phổ biến, nhưng lại chưa có nhiều các nghiên cứu khảo sát về hệ thống lỗi, nhất là lỗi về từ vựng. Do vậy, Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tài trợ thực hiện đề tài nhằm xác định “Các lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp và cách khắc phục (lỗi qua các bài viết trong nhà trường và trên phương tiện truyền thông)” 9 . Nghiên cứu nêu trên là căn cứ quan trọng trong việc xác định lỗi tiếng Việt, nhất là lỗi trên bình diện từ vựng và ngữ pháp. Ngoài ra, các tác giả nghiên cứu trong lĩnh vực dịch thuật Hán – Việt như Lê Đình Khẩn (2007), Trần Thị Thanh Liêm, Trần Hoài Thu (2013) và Nhật Phạm (2019) có một số phân tích về lỗi sai trong bản dịch, những phân tích đó được trình bày trong các xuất bản của những tác giả này.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp đối chiếu ngôn ngữ: việc đối chiếu ngôn ngữ được thực hiện trên bình diện ngữ pháp, bình diện từ vựng. Đối chiếu ngôn ngữ được kết hợp với phương pháp miêu tả để xác định nguyên nhân của lỗi dịch thuật khi người học tiến hành dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Phân loại lỗi ngôn ngữ trong quá trình dịch của sinh viên trong giai đoạn sơ cấp mà nhóm đã khảo sát được. Qua đó, khái quát thành các tiêu chí để nhận diện lỗi sai bản dịch.

Phương pháp nghiên cứu định tính: gồm 2 bước cụ thể; một là, đưa các dữ liệu thu thập được về lỗi dịch thuật qua tài liệu tham khảo vào phỏng vấn 5 giảng viên, nhằm thăm dò mức độ đồng tình cũng như thu thập thêm các lỗi mà giảng viên quan sát được trong quá trình giảng dạy; hai là, tổng hợp và cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá thành những ví dụ cụ thể, sau đó thiết kế bảng khảo sát cho người học có trình độ tiếng Hán sơ cấp để kiểm tra mức độ lỗi của người học.

Phương pháp nghiên cứu định lượng: mẫu được chọn theo phương pháp thuận tiện phi xác suất (convenience sampling). Đối tượng khảo sát của bài nghiên cứu là sinh viên năm thứ nhất (giai đoạn sơ cấp) ngành ngôn ngữ Trung Quốc tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thời gian học tiếng Hán của sinh viên dao động bình quân từ 10 đến 24 tháng (một số sinh viên đã học tiếng Hán trước khi tham gia khóa học). Các sinh viên này học cùng một lớp và đều tham gia học môn dịch sơ cấp với hai học phần là dịch sơ cấp 1 và dịch sơ cấp 2, từ đó thu thập và kiểm chứng lại các lỗi mà người học đã mắc phải trong quá trình thực hành. Khảo sát bài thực hành dịch của sinh viên được tiến hành 2 lần, với nhóm sinh viên gồm 39 bạn. Các lượt khảo sát cách nhau khoảng 3 tháng, lần lượt vào cuối kỳ của môn dịch sơ cấp 1 và cuối kỳ của môn dịch sơ cấp 2.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Lỗi ngữ pháp

Căn cứ vào các lý thuyết về ngữ pháp tiếng Việt, hiện tượng lỗi ngôn ngữ trên bình diện ngữ pháp được trích lọc và phân tích từ các mẫu khảo sát gồm các vấn đề ngôn ngữ như sau: một là, dịch câu chữ “把” của tiếng Hán; hai là, dịch câu chữ “被”; ba là, dịch câu có các giới từ tiếng Hán như “在”, “跟”, “向”, “往”.

Vận dụng các lý thuyết về ngữ pháp tiếng Việt, nhóm tác giả đã đưa ra những luận điểm và luận cứ để chứng minh lỗi của bản dịch trong công trình nghiên cứu “Phân tích lỗi ngữ pháp trong quá trình thực hành dịch Hán – Việt của sinh viên trình độ sơ cấp ngành Ngôn ngữ Trung Quốc”. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi xin trình bày lại một cách ngắn gọn về lỗi ngữ pháp, để đưa vào tiêu chí chấm bài môn dịch ở trình độ sơ cấp.

Về câu chữ “把”: qua phần thực hành dịch của sinh viên giai đoạn sơ cấp, nhóm nghiên cứu quan sát thấy sinh viên có xu hướng đưa cấu trúc câu chữ “把” dịch thành cấu trúc tương đương trong tiếng Việt là “Chủ ngữ+đem+tân ngữ+động từ+thành phần khác”. Có một số động từ trong câu chữ “把” khi thực hành dịch thì phù hợp với kết cấu dịch này, nhưng cách dịch này không đúng với mọi trường hợp câu chữ “把” trong tiếng Hán và cũng không đúng với cách hiểu của câu chữ “把”

Ví dụ:

(1) 他把本子还给我。

Dịch chính xác: Anh ấy trả vở cho tôi.

Sinh viên thực hành dịch: Anh ấy đem vở trả cho tôi.

Trong câu tiếng Hán chỉ cung cấp thông tin quyển vở đó được trả lại cho tôi, không miêu tả thêm chủ thể đem trả hay gửi trả, nhưng qua bản dịch của sinh viên, người nghe lại được xác định là quyển vở được trực tiếp hoàn trả.

(2) 他把包裹寄了

Dịch chính xác: Anh ấy gửi gói hàng rồi.

Sinh viên thực hành dịch: Anh ấy đem gói hàng gửi rồi.

(3)他把窗户打开。

Dịch chính xác: Anh ấy mở cửa sổ ra.

Sinh viên thực hành dịch: Anh ấy đem cửa sổ mở ra.

Trong ví dụ (1) và (2) cách dịch của sinh viên có thể tạm chấp nhận, nhưng đến ví dụ (3) cách dịch trở nên xa lạ với cách biểu đạt tiếng Việt.

Về câu chữ “被”: qua phần thực hành dịch của sinh viên giai đọan sơ cấp, nhóm nghiên cứu quan sát thấy sinh viên có xu hướng giữ nguyên trật tự cú pháp của ngôn ngữ nguồn (tiếng Hán) làm câu biểu đạt tiếng Việt chưa đạt được mức độ dịch hay.

Ví dụ:

(4) 大碗被他打破了。

 Cái tô bị nó làm vỡ rồi.

 Nó làm vỡ cái tô rồi. (+)

(5) 他被选为副校长。

Anh ấy bị bầu làm phó hiệu trưởng (-)

Anh ấy được bầu làm phó hiệu trưởng. (+)

(6) 那本词典被借走了。

 Quyển từ điển đó bị mượn mất rồi. (-)

 Quyển từ điển đó có người mượn rồi. (+)

Theo Lê Đình Khẩn (2007), các giới từ trong câu bị động của tiếng Hán dường như không có sắc thái biểu cảm, nhưng tiếng Việt “bị” có biểu cảm âm, còn “được” có biểu cảm dương. Ngoài ra, nhiều trường hợp tuy trong tiếng Hán diễn đạt theo cấu trúc bị động, nhưng khi dịch sang tiếng Việt thì không nên giữ nguyên cấu trúc của ngôn ngữ nguồn. Chỉ vì thói quen ngôn ngữ không cho phép 4 .

Về câu có giới từ “在”, “跟”, “向”, “往”, do vị trí của giới từ và những tổ hợp do chúng tạo nên trong tiếng Hán và tiếng Việt cũng có chỗ giống nhau và đôi khi trái ngược. Qua khảo sát các bản dịch của sinh viên, lỗi sai thường xuất hiện với các giới từ nêu trên. Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, người học ở giai đoạn sơ cấp bị ảnh hưởng bởi kết cấu ngữ pháp của ngôn ngữ nguồn, do chỉ theo quán tính dịch theo trật tự tuyến tính của câu, bỏ qua sự khác biệt về vị trí của giới từ, làm ảnh hưởng đến chất lượng bản dịch.

Ví dụ:

(7) 张林在上海工作。

Bản dịch của sinh viên: Trương Lâm tại Thượng Hải làm việc.

Nên dịch: Trương Lâm làm việc tại Thượng Hải.

(8) 我跟经理说我的事。

Bản dịch của sinh viên: Tôi cùng giám đốc nói chuyện của tôi.

Nên dịch: Tôi nói với giám đốc chuyện của tôi.

(9)他们向大家说对不起。

Bản dịch của sinh viên: Tôi hướng về các bạn nói xin lỗi

Nên dịch: Tôi xin lỗi các bạn.

(10)大家往东走吧!

Bản dịch của sinh viên: Mọi người hướng về phía đông đi nhé!

Nên dịch: Mọi người đi về hướng đông nhé!

Chúng ta có thể thấy lỗi sai về ngữ pháp trong các bản dịch Hán – Việt chủ yếu do: một là, trật tự các thành phần câu bị đảo lộn; hai là, giữ nguyên kết cấu câu từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích. Qua phỏng vấn sinh viên, hơn 70% người được phỏng vấn cho biết sở dĩ đồng tình với cách dịch theo trật tự từ như tiếng Hán là do sợ dịch sai trật tự sẽ bị trừ điểm khi làm bài kiểm tra, hoặc dịch theo trật tự cú pháp tiếng Việt sợ sẽ bị sai lệch lớn so với ngôn ngữ nguồn. Theo Cao Xuân Hạo (2009) đây là những lỗi sai về đặt sai vị trí thành phần câu, dùng sai từ nối và giới từ, sai trong sử dụng kết cấu “được, bị” đây là những lỗi sai về lầm lẫn kết câu 10 .

Lỗi từ vựng

Đối tượng khảo sát về các lỗi từ vựng cũng cùng đối tượng với các khảo sát về lỗi ngữ pháp. Đại đa số đối tượng được khảo sát là sinh viên mới tiếp cận với tiếng Hán, lượng từ vựng không nhiều, nên khảo sát về từ vựng chúng tôi chỉ nhằm vào những từ mà sinh viên đã hiểu và biết rõ nghĩa của từ, nhưng khi chuyển ngữ vào tiếng Việt lại xuất hiện lỗi sai. Còn những lỗi sai do người học chưa tri nhận được nghĩa của từ vựng mới không nằm trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi. Theo Hồ Lê (2002) dựa vào nguyên nhân khách quan thì lỗi từ vựng có thể phân ra thành những loại sau:

1) Lỗi viết sai âm gây ra những sự lẫn lộn về nghĩa; 2) Lỗi do hiểu sai nghĩa của đơn vị từ vựng được sử dụng; 3) Lỗi dùng sai chức năng ngữ pháp của nó; 4) Lỗi do phối hợp nghĩa không ăn khớp với những đơn vị từ vựng khác đi với nó; 5) Lỗi về ý – tình thái; 6) Lỗi về tu từ; 7) Lỗi về phong cách; 8) Lỗi về ý – tình huống; 9) Lỗi về chuẩn đạo đức trong hành vi nói năng. [ 9 , tr. 19]

Cũng theo Hồ Lê (2002) lỗi thứ hai và lỗi thứ tư – những lỗi về nghĩa – chiếm tỷ lệ cao nhất. Qua khảo sát của chúng tôi, lỗi sai về nghĩa của đơn vị từ vựng là lỗi sai chủ yếu. Sau khi tổng hợp và phân tích lỗi sai dựa trên cơ sở lý thuyết là nguyên nhân lỗi của từ vựng, những lỗi sai chúng tôi thu thập được chủ yếu lỗi từ vựng do “quá trung thành với ngôn ngữ nguồn, ưu tiên lựa chọn cách đọc Hán – Việt trong bản dịch” 9 . Theo Lê Đình Khẩn (2007) “Nhiều người đã không phân biệt được, hoặc cố tình không cần phân biệt sự khác nhau giữa quá trình phiên dịch Hán – Việt và phiên âm Hán – Việt, nên trong rất nhiều trường hợp người ta đã dùng lối phiên âm Hán – Việt để thay cho phiên dịch Hán – Việt. Chẳng hạn, khi phiên dịch một văn bản tiếng Hán sang tiếng Việt, hễ gặp phải những từ ngữ khó hiểu, khó xử lý, người dịch lập tức nghĩ ngay đến âm đọc Hán – Việt”. Nó có thể giúp người dịch gỡ thế bí bằng thao tác cực kỳ đơn giản, ai cũng có thể làm được, đó là phiên âm...Tùy theo trình độ và lương tâm người dịch mà số lượng các đơn vị Hán giả Việt có nhiều hay ít trong bản dịch tiếng Việt. Không phải bây giờ, mà từ lâu, việc lạm dụng âm đọc Hán – Việt đã trở thành một căn bệnh nan y trong ngành phiên dịch Hán – Việt” [ 4 , tr.87]. Thông qua khảo sát của chúng tôi, nhận định trên là hoàn toàn có căn cứ.

Ví dụ:

(11)昨天我没量体温,但感觉有点发烧

Bản dịch của sinh viên: Hôm qua, tôi chưa đo nhiệt độ cơ thể nhưng cảm thấy phát sốt một chút.

(12)他用那双颤抖的小手拿旧报纸将月饼包了一层又一层,小心地放在篮子里。

Bản dịch của sinh viên: Anh ấy dùng đôi tay khéo léo đó cầm gói bánh trung thu được bọc trong giấy báo cũ từng tầng từng tầng một, cẩn thận bỏ vào rổ.

(13)我心中又唱起了这支歌:不经历风雨怎么见彩虹,没有人能随随便便成功。

Bản dịch của sinh viên: Trong lòng của tôi lại hát lên bài hát này, không trải qua mưa gió làm sao thấy được cầu vồng, không có ai có thể tùy tiện thành công.

(14)首先,要请重要的客人、老师、领导和长辈上座。

Bản dịch của sinh viên: Đầu tiên, cần phải mời những vị khách quan trọng, thầy cô giáo, lãnh đạo hay các trưởng bối ngồi ở thượng tọa/chỗ thượng.

(15)她是日本人,她叫山本,家在东京。

Bản dịch của sinh viên: Cô ấy là người Nhật, tên là Sơn Bổn, nhà ở Đông Kinh.

Câu (11) từ 发烧 được dịch thành “phát sốt”, có thể thấy cách sử dụng chịu sự ảnh hưởng bởi âm Hán – Việt. Theo Từ điển Trung Việt, 发烧 được giải thích là “sốt” [ 11 , tr.327]. Định nghĩa của từ điển tiếng Việt về sốt: “1. Tăng nhiệt độ cơ thể lên quá mức bình thường, do bị bệnh; 2. (thường dùng cơn sốt) Tăng nhu cầu đột ngột, làm cho hàng trở nên khan hiếm” [ 12 , tr.868]. Riêng về “phát sốt” hiện chưa chưa xuất hiện trong mục từ của từ điển, nhưng giữa lý thuyết và thực hành lúc nào cũng có một khoảng cách, trong ngôn ngữ giữa từ điển và thực tế cũng có khoảng cách nhất định. Do hiện tại chúng tôi chưa thể tiếp cận được kho ngữ liệu tiếng Việt, nên đành sử dụng công cụ tìm kiếm Google để kiểm chứng xu hướng tần suất sử dụng của “phát sốt”. Chúng tôi nhập “phát sốt” vào phần tìm kiếm của Google vào ngày 30 tháng 09 năm 2020, thu thập được 123 liên kết có nội dung chứa từ liên quan đến “phát sốt”. Sau khi loại bỏ các trường hợp như “khởi phát sốt”, “bùng phát sốt xuất huyết”, các từ như “sốt”, “bị sốt”, “cơn sốt”, “phát sốt” được thống kê tần suất sử dụng. Kết quả thống kê cho thấy xu hướng sử dụng một từ “sốt” trong tiếng Việt chiếm số đông. “Phát sốt” đa số được sử dụng với tầng nghĩa tăng đột ngột về cảm xúc như các ví dụ: “'Phát sốt' với phiên bản 'Anh không đòi quà' của vợ chồng Hoài Linh”, “Phát Sốt Với Hàng Loạt Ảnh Chuột Mickey Tại Việt Nam”, “Mỹ phát sốt khi Nga lập 6 căn cứ tại châu Phi ”. Có 7 liên kết sử dụng “phát sốt” với tầng nghĩa là tăng nhiệt độ cơ thể lên quá mức bình thường, trong đó 5 liên kết đến từ các bản dịch truyện ngôn tình được dịch và đăng tải miễn phí, 2 liên kết có nội dung liên quan đến y học được phòng khám tư nhân biên tập và đăng tải. Theo Nguyễn Thiện Giáp (2015): “Nhiều từ Hán – Việt được tiếp nhận vào Việt Nam từ lâu, chúng đã trở thành một bộ phận hữu cơ của từ vựng tiếng Việt. Người Việt đã sử dụng những từ gốc Hán đó làm chất liệu để cấu tạo nên những đơn vị từ vựng mới theo cách của Việt Nam, cho nên chúng ta không thể tìm thấy một từ ngữ nào tương đương trong tiếng Hán hiện nay” [ 13 , tr.285]. “Phát sốt” có thể là đơn vị từ vựng được cấu tạo bởi yếu tố Hán Việt kết hợp yếu tố thuần Việt. Người Việt sử dụng “phát sốt” thường không được sử dụng với nghĩa “tăng nhiệt độ cơ thể lên quá mức bình thường”, thiết nghĩ nếu không cứng rắn trong quan điểm về điểm lỗi này trong quá trình giảng dạy thì người học cũng không có nơi nào để nhận thức được rằng không nên lạm dụng các yếu tố Hán – Việt.

Câu (12) “一层又一层” trong hoàn cảnh này không thể dịch là “từng tầng từng tầng”. Theo Từ điển tiếng Việt “tầng” được định nghĩa là “mặt phẳng ngang ngăn chia không gian thành những phần trên dưới khác nhau về độ cao” [ 12 , tr. 900]. Như vậy, việc sử dụng tầng trong bản dịch chỉ do yếu tố tác động là âm Hán – Việt chứ hoàn toàn không phù hợp với nghĩa từ tiếng Việt.

Câu (13) cũng theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt “tùy tiện” được giải thích “1.tiện đâu làm đó, không có nguyên tắc nào cả; 2. Như tùy nghi (theo hoàn cảnh làm thế nào cho thích hợp)” [ 12 , tr. 1067]. Qua định nghĩa tùy tiện chắc chắn không thể kết hợp thành công, nhưng người học vẫn cho ra những bản dịch bị ảnh hưởng nhiều bởi ngôn ngữ nguồn.

Câu (14) từ “thượng tọa” trong tiếng Việt có định nghĩa như sau “Chức trong Phật giáo, trên đại đức, dưới hòa thượng” [ 12 , tr. 978], việc sử dụng thượng tọa hoặc chỗ thượng để dịch cho cụm “上座” là lỗi sai từ vựng.

Về câu (15) chúng tôi xin được dẫn lời của Lê Đình Khẩn về vấn đề dịch nhân danh địa danh “Ít sử dụng âm Hán – Việt khi dịch nhân danh địa danh từ tiếng Hán sang tiếng Việt là bước đầu hạn chế việc lạm dụng từ Hán, góp phần ngăn chặn xu hướng Hán hóa tiếng Việt” [ 4 , tr. 93].

Thông qua dữ liệu khảo sát trên bài thực hành dịch của sinh viên ( Figure 1 : Số liệu thống kê tỉ lệ lỗi sai ngôn ngữ trong khảo sát), chúng tôi có thể đưa ra một số nhận xét như sau:

1) Những lỗi sai dự đoán được đưa ra đều được thể hiện cụ thể trên thực tế trong quá trình thực hành dịch.

2) Qua quá trình học tập trong giai đoạn sơ cấp, người học vẫn còn mắc những lỗi sai về dịch thuật, mặc dù tỉ lệ có chiều hướng giảm.

3) Việc đưa những lỗi sai này vào thang lỗi sẽ góp phần cụ thể hóa hơn cho việc xác lập thang điểm, phân loại được khả năng phiên chuyển ngôn ngữ của người học.

Figure 1 . Số liệu thống kê tỉ lệ lỗi sai ngôn ngữ trong khảo sát (Nguồn: Tác giả)

Trong dịch thuật chuyên nghiệp, chất lượng bản dịch là điều được chú trọng hàng đầu. Trong bài thực hành dịch của người học, chất lượng bản dịch nên dựa vào tiêu chí nào để đánh giá, nhất là khi dịch sang tiếng Việt, là tiếng mẹ đẻ của người học. Đánh giá chất lượng bản dịch là một việc làm hết sức khó khăn và phức tạp, nó phức tạp như chính việc nghiên cứu ngôn ngữ và quá trình dịch thuật. Mọi tiêu chí đánh giá còn phụ thuộc vào dấu ấn chủ quan của người đánh giá. Tuy nhiên, đánh giá theo đường hướng ngôn ngữ học cũng là một cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng bản dịch qua bình diện ngôn bản và phân tích lỗi [ 5 , tr. 272-273]. Theo Lê Đình Khẩn (2008): “Phiên dịch là dùng thông thoát ngôn ngữ dịch để diễn đạt chính xác đầy đủ nội dung tư tưởng và phong cách của nguyên tác” [ 5 , tr. 10-11]. Một bản dịch được xem là thông thoát khi trên cơ bản nó diễn đạt chuẩn xác trôi chảy và dễ hiểu, không có tình trạng dịch rời rạc, cứng nhắc từng từ, tạo sự trúc trắc khó hiểu [ 14 , tr. 10-11]. Khi so sánh tiếng Hán với tiếng Việt nhận xét sơ bộ là chúng rất giống nhau, giống nhau về cấu trúc,về cú pháp v.v... Đặc biệt trong từ vựng tiếng Việt lại có một lượng lớn các từ vựng vay mượn từ tiếng Hán. Điều này dễ dẫn đến nhầm lẫn, điều này đang gây khó khăn trong việc đánh giá chất lượng bản dịch từ Hán sang Việt. Những yếu tố ngôn ngữ Hán muốn du nhập vào tiếng Việt đã phải qua những quá trình Việt hóa sâu sắc, theo những quy luật trong giao tiếp biến cải tiếp thu ngôn ngữ. Đặc điểm nổi bật cần nêu lên là tiếng Việt chỉ vay mượn những từ vựng đơn lẻ, còn vẫn giữ nguyên bản chất của ngôn ngữ, đó là cấu trúc ngữ pháp cơ bản [ 15 , tr. 45-47]. Qua thực tế khảo sát lỗi sai bản dịch của người học, chúng tôi đưa ra một số gợi ý nhận diện lỗi ngôn ngữ trong ngôn bản tiếng Việt ( Table 1 : Gợi ý nhận diện lỗi ngôn ngữ). Những lỗi ngôn ngữ được nêu ra đôi khi bị bỏ qua vì chưa quan tâm đến trật tự của ngôn ngữ nguồn, tạm hài lòng với thành quả của việc dịch từ đối từ, và dừng quá trình dịch mà thiếu sự phục hồi nội dung và hình thức văn bản nguồn trong ngôn ngữ đích.

Table 1 Gợi ý nhận diện lỗi ngôn ngữ

THẢO LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Chúng tôi đề xuất nên vận dụng lý thuyết ngôn ngữ học đối chiếu tiến hành dự đoán lỗi sai ngôn ngữ trong quá trình thực hành dịch từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích, sau đó kiểm chứng lại bằng việc khảo sát bài thực hành của sinh viên, cuối cùng sử dụng kho ngữ liệu hoặc lý thuyết ngôn ngữ học để giải thích được cho những phán đoán đạt chuẩn hay không đạt chuẩn dịch thuật. Nguyễn Thượng Hùng (2005) có phần diễn giải cách tiếp cận khác nhau về nghiên cứu bản dịch giữa các nhà ngôn ngữ học và các nhà nghiên cứu lý thuyết dịch, các nhà ngôn ngữ học khi nghiên cứu lý thuyết dịch thường có xu hướng đi sâu tìm hiểu những vấn đề lý luận từ góc độ ngôn ngữ học, điều này tuy cần thiết, nhưng lại không đưa ra được những gợi ý, giải pháp hay những điểm cần chú ý để người dịch có thể vận dụng lý thuyết đó vào thực tiễn. Trong khi đó đại đa số những người làm công tác biên phiên dịch lại không đúc kết, khái quát, nâng lên thành lý luận những điều đã trải nghiệm trong công tác dịch của mình 16 . Bài viết này lấy đề xuất các tiêu chí đánh giá làm kiến nghị, để bước đầu hình thành thang lỗi đánh giá dịch thuật trong môi trường sư phạm. Lý thuyết ngôn ngữ được vận dụng vào để phân tích lỗi, mục tiêu chủ yếu là khái quát hóa các lỗi trở thành những tiêu chí cụ thể góp phần chuẩn hóa các công cụ đánh giá trong việc xây dựng môn dịch trong giảng dạy. Từ đó thiết lập được mục tiêu đào tạo của đề cương chi tiết và xây dựng ma trận đề thi với tỉ lệ các câu hỏi nhấn mạnh vào việc kiểm tra được kỹ năng nhận biết về các điểm dễ mắc lỗi của người học. Thang lỗi không chỉ giúp cho phía đào tạo là nhà trường, khoa, bộ môn và giáo viên xác lập những thang đo trong quá trình giảng dạy, mà còn giúp người tham gia đào tạo hiểu rõ chuẩn đầu ra của môn học được đào tạo, người học không mắc lỗi liên quan đếc các vấn đề đưa ra trong thang lỗi khi thực hành dịch đồng nghĩa với việc cơ bản đạt được chuẩn đầu ra của môn học.

KẾT LUẬN

Qua khảo sát thực tế, bài viết đã đưa ra bốn nhóm lỗi thường gặp trong bài tập dịch của nhóm sinh viên tiếng Trung năm thứ nhất (trình độ sơ cấp) tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các nhóm lỗi lần lượt là: câu chữ “把”, câu chữ被”, giới từ tiếng Hán “在”, “跟”, “向”, “往”, lỗi từ vựng do lạm dụng âm Hán – Việt. Trên cơ sở mục đích nghiên cứu và số liệu thực tế, bài viết đưa ra một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, đưa các nhóm lỗi này vào thang lỗi, cụ thể hóa bằng giải thích miêu tả và ví dụ cụ thể.

Thứ hai, cụ thể hóa các lỗi trên thành những kiến thức cơ bản trong đề cương chi tiết môn học, nhấn mạnh những điểm khác biệt của ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích.

Thứ ba, khái quát hóa các lỗi đã qua tổng hợp, khảo sát và phân tích thành thang lỗi, chuyển tải thành chuẩn đầu ra cụ thể về mặt kiến thức.

Thứ tư, tiếp tục khảo sát lỗi sai nhằm xây dưng tiêu chí chấm bài thi môn dịch cho mọi trình độ của người học theo chương trình đào tạo.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2020-11.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Bài viết ngoài việc tổng quan các ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh việc, còn kết hợp với các số liệu khảo sát thực tế. Những kết quả nghiên cứu này được đúc kết lại thành các tiêu chí cụ thể để chấm bài thi môn dịch Hán – Việt của người học ở trình độ sơ cấp. Các tiêu chí đề ra có thể phục vụ cho việc xây dựng thang kiểm tra đánh giá môn học.

Trong bài viết này, các tác giả đã có những đóng góp cụ thể như sau:

- Tác giả Trần Trương Huỳnh Lê đã xây dựng ý tưởng và thực hiện nội dung bài viết.

- Tác giả Lê Minh Thanh đã thực hiện thiết kế bài tập thực hành và tiến hành cho sinh viên thực hiện bài tập, phục vụ cho số liệu khảo sát.

References

  1. Nhân Nguyễn Thành. Đánh giá kết quả học tập môn học theo định hướng phát triển năng lực của sinh viên. TP. HCM: NXB Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.. . 2016;:. Google Scholar
  2. Thu Nguyễn Thị Kiều. Đánh giá bản dịch: Tiêu chí chấm bài thi môn Biên dịch trong các trường đại học. Kỷ yếu hội thảo giảng dạy biên-phiên dịch bậc đại học. . 2016;:. Google Scholar
  3. Vũ Lưu Hớn, Dung Nguyễn Ngọc Phương. Giảng dạy biên phiên dịch cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc: những vấn đề tồn tại và kiến nghị. Kỷ yếu hội thảo giảng dạy biên-phiên dịch bậc đại học. . 2016;:346-356. Google Scholar
  4. Khẩn Lê Đình. Phiên dịch Việt Hán-Hán Việt. TP.HCM: NXB Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh. . 2007;:. Google Scholar
  5. Vân Hoàng Văn. Nghiên cứu dịch thuật. TP.HCM: NXB Khoa học xã hội. . 2005;:. Google Scholar
  6. Yildiz Mehmet. A critical perspective on translation quality assessments of five translators' organizations: ATA, CTTIC, ITI, NAATI, and SATI. RumeliDE Dil ve Edebiyat Araştırmaları Dergisi. . 2020;18:568-589. Google Scholar
  7. Melis Martínez. Journal des traducteurs/Meta: Translators' Journal. Assessment in translation studies: Research needs. . 2001;46(2):272-287. Google Scholar
  8. Cabeceran Farrús. Linguistic-based evaluation criteria to identify statistical machine translation errors. Paper presented at the 14th Annual Conference of the European Association for Machine Translation. . 2010;:. Google Scholar
  9. Lê H, Lang Trần Thị Ngọc, Nghĩa Tô Đình. Lỗi từ vựng và cách khắc phục. TP. HCM: NXB Khoa học Xã Hội. . 2002;:. Google Scholar
  10. Hạo Cao Xuân. Lỗi ngữ pháp và cách khắc phục. TP. Hồ Chí Minh: NXB Khoa học xã hội. . 2009;:. Google Scholar
  11. Các Phan Văn. Từ điển Trung Việt. TP. HCM: NXB Khoa học Xã hội. . 2006;:. Google Scholar
  12. Phê H (Chủ biên). Từ điển tiếng Việt. Hà Nội: NXB Đà Nẵng. . 2005;:. Google Scholar
  13. Giáp Nguyễn Thiện. Từ và từ vựng học tiếng Việt. Hà Nội: NXB Đại học quốc gia Hà Nội. . 2015;:. Google Scholar
  14. Khẩn Lê Đình. Nghiên cứu lý thuyết phiên dịch và phiên dịch Việt_Hán, Hán_Việt. TP.HCM: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. . 2008;:. Google Scholar
  15. Trạc Hà Học. Lịch sử lí luận và thực tiễn phiên chuyển các ngôn ngữ trên thế giới. Hà Nội: NXB Tri thức. . 2010;:. Google Scholar
  16. Hùng Nguyễn Thượng. Dịch thuật: từ lý thuyết đến thực hành. TP.HCM: NXB Thành phố Hồ Chí Minh. . 2005;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1365-1373
Published: Dec 30, 2021
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.668

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thanh, L., & Le, T. (2021). Proposing the evaluation criteria for linguistic errors through surveying the Chinese-Vietnamese translation by students at the elementary level: a case study at the Faculty of Chinese Linguistics and Literature, USSH, VNUHCM. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(4), 1365-1373. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.668

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 389 times
PDF   = 136 times
XML   = 0 times
Total   = 136 times