VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

1054

Total

334

Share

Exotic ceramics in Óc Eo culture through archaeological documents of Go Thap Relic Site (Dong Thap province, Vietnam)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Oc Eo culture is the material civilization of Funan – an ancient state in Southeast Asian history, lasting from the 1st century to the 7th century A.D. and was centered on the lower Mekong Delta. The results of research on currencies, commodities, bronze statues, and seals, etc. of the kingdom such as gold coins in the time of Antonius Pius (138-161) and Marcus Aurelius (161-180) from Roma, bronze mirror dated from the later Han dynasty, bronze Buddha statue from the Northern Wei period, seals influenced by the culture of India, etc. show that Oc Eo is a culture with wide relations and exchanges with East Asia, South Asia to Western Asia and Rome in ancient times. However, there have not been many studies on exotic ceramics. Based on the new findings from the excavations at the Go Thap relic site (in Dong Thap, Vietnam) carried out by the University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City from 2010 to present, and based on the results of comparative research, this article presents some relics including Chinese pottery from the Eastern Han dynasty to the Southern Song dynasty, Indian pottery and pottery influenced by the culture of India found in Go Thap relic site; thereby, contributing to the demonstration that the international exchange development of Phu Nam not only took place in the western region of Hau river having the seaport but also developed in Oc Eo culture inland – the central region of Dong Thap Muoi. Go Thap relic site is an urban area, a cultural religious political economic and foreign trade center which plays an important role in the development of Oc Eo culture – Funan kingdom

ĐẶT VẤN ĐỀ

Khu di tích Gò Tháp (còn gọi là Prasat Pram Loven) thuộc xã Tân Kiều (trước tháng 4 năm 1984 thuộc xã Mỹ Hòa), huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, là tên gọi chung cho một khu vực gồm nhiều gò nhỏ nằm trên một giồng đất dài gần 1km, rộng 300 - 400m chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam và những cánh đồng ruộng trũng xung quanh trên một diện tích được xây dựng đê bao quy hoạch khoảng 6km 2 .

Từ năm 2010 đến nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã có nhiều cuộc hợp tác với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Đồng Tháp, Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp trong việc điều tra, thăm dò, khai quật và nghiên cứu Khảo cổ học ở khu di tích Gò Tháp. Từ các cuộc hợp tác này, đã xuất lộ thêm nhiều dấu tích kiến trúc, những chứng tích của các khu sản xuất đồ gốm, gỗ, đá, các dấu vết của các khu cư trú cùng với đó là sự phong phú, đa dạng của các loại hình di vật, trong đó có những hiện vật khá xa lạ với các hiện vật thường gặp trong văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở Nam Bộ. Dựa vào kết quả nghiên cứu so sánh giữa các di vật tìm thấy trong các cuộc khai quật ở Gò Tháp với các hiện vật khảo cổ học đã phát hiện trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, các hiện vật đồng đại hay có mối tương đồng về văn hóa ở Ấn Độ, Trung Quốc,… bài viết sẽ giới thiệu một số hiện vật có nguồn gốc nước ngoài đã phát hiện trong tầng văn hóa Khu di tích Gò Tháp, từ đó, đóng góp thêm một số nhận thức mới về văn hóa Óc Eo ở khu di tích Gò Tháp nói riêng và vùng trũng Đồng Tháp Mười nói chung.

LỊch sỬ phát hiỆn và nghiên cỨu Khu di tích Gò Tháp

Khu di tích Gò Tháp được biết tới lần đầu tiên do ông Silvestre, một thanh tra người Pháp làm việc tại đây vào những năm 1869-1878, phát hiện được 1 bánh xe bằng đá và dấu tích móng của một ngôi đền cổ (đền Gò Tháp Mười hiện nay) [ 1 , tr. 232]. Tới khoảng năm 1878 – 1879, một minh văn Phạn ngữ tìm thấy tại chùa Prasat Pram Loven (Gò Tháp) được đưa về tỉnh lỵ Sa Đéc, sau đó chuyển về Bảo tàng Sài Gòn năm 1928, được G. Coedes công bố trong tác phẩm Hai bi ký chữ phạn ở Phù Nam ( Deux inscriptions Sanskrites de Fou-nan) vào năm 1931. Bản văn bia được ký hiệu (K.5), khắc trên trụ cửa phiến thạch có chốt (1,90m x 0,92m x 0,23m) [ 2 , tr. 1-7]. Văn bia gồm 22 dòng chữ Khmer cổ (old Khmer) chia làm hai cột. Nội dung nói về việc vua Phù Nam là Jayavarman cử thái tử Gunavarman đến cai quản xứ sở sùng đạo chinh phục từ đầm lầy, đồng thời bia còn nhắc đến việc thái tử dâng cúng hai bàn chân thần Vishnu để cầu mong sự che chở và bảo vệ của thần. Bia hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Bi ký này được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 6 AD [ 2 , tr. 1-23].

Tiếp sau đó, một số bản minh văn khác cũng được tìm thấy ở khu Gò Tháp gồm: Bản văn bia ký hiệu K.6. [ 3 , tr. 5], bản bi ký được khắc trên đá, gồm 10 dòng sử dụng ngôn ngữ Khmer cổ, có niên đại thế kỷ 6 – 7 AD 4 . Nội dung bản bi ký ghi việc tôn vinh thần Puspavatasvami thông qua việc dâng một số nô lệ kèm theo 400 cây cau và 40 cây dừa lấy từ trong làng và xung quanh đền [ 3 , tr. 5]. Nội dung văn bia cho thấy Gò Tháp Mười ngày nay có thể là một vùng có diện tích lớn hơn so với diện tích được xây dựng đê bao bảo vệ hiện nay. Nơi đây có dân cư sống bao quanh và được phủ xanh bởi rất nhiều thực vật trong đó có cau và dừa.

Bản văn bia ký hiệu K.7 . Phần chữ được khắc trên một cột hình tám cạnh, một đầu vuông, có mộng và chốt (một cấu kiện kiến trúc) để ghép với bệ dưới và đầu cột bên trên. Trụ đá sau đó đã bị vỡ và phần dưới gồm 6 dòng chữ đã bị thất lạc. Bản văn bia còn lại gồm khoảng 20 dòng nói đến việc dựng tượng (hay đền) thờ vua Puskaraksa, do hoàng tử Sambhuvarmmadeva lập. Phần ghi năm tháng bên trên đã bị mòn, không đọc được; văn bản được viết bằng lối chữ thảo, còn giữ lại đôi nét cổ xưa. Theo G. Coedes niên đại của minh văn vào thế kỷ 8 AD [ 3 , tr. 3-5].

Bản văn bia ký hiệu K.8. Bản văn được khắc trên một trụ sa thạch xám đen (1,48m x 0,51m x 0,12m) gồm 10 dòng, nói đến việc dâng nô lệ lên thần Sri Amratakesvara, một hóa thân của Shiva [ 5 , tr. 79]. Trên bia có ghi niên đại thế kỷ thứ 6 Saka (Thế kỷ 7 AD) 4 .

Bản văn bia ký hiệu K.9. Bản bia này thường được gọi là bia Phú Hữu, có khả năng là của Gò Tháp, trước khi đưa về ngôi chùa ở Cái Tàu Hạ, rồi chuyển về Sa Đéc và Bảo tàng Sài Gòn năm 1928 (với ký hiệu Kp. 1,1) 4 . Nội dung bản văn song ngữ gồm 8 dòng chữ Sanskrit và 20 dòng chữ Khmer ghi nhận việc xây dựng ngôi đền thần Cri-Vizesvara vào năm 651 Saka (tức năm 639 AD) [ 6 , tr. 35].

Bản văn bia ký hiệu K.421 được ghi nhận năm 1913 là còn nằm trong một di tích kiến trúc ở Tháp Mười lộ ra ở phía tây nền của một ngôi chùa. Kích thước của văn bia là 1,25, x 0,50m. Bản bia gồm 18 dòng minh văn được công bố trong tác phẩm Bi ký ở Cambodia tập 8 ( Inscriptions du Cambodge VIII ) vào năm 1923 [ 7 , tr.148]. Nội dung minh văn liệt kê 9 quốc gia, 4 trong số đầu tiên được đặt tên theo sông, 2 quốc gia tiếp theo theo độ cao và 3 quốc gia cuối cùng được đặt tên theo tên rừng. Các quốc gia này, có tên được sao chép dưới đây đã đóng góp một số tô, thuế nhất định bằng mật ong (madhu), và mật ong dạng sáp (madhucchista). Dòng chữ này trên văn bia tương tự văn bia được phát hiện ở Vat Kdei Rovàn Càs dans Prei Vên [ 6 , tr. 272]. Bia được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ 8 A.D [ 7 , tr.148].

Bản văn bia ký hiệu K.517 Bản văn gồm 19 dòng, liệt kê các loại tô, thuế mà các làng xã phải đóng cho một ngôi đền. Bia được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ 6 – 7AD 4 .

Bản văn bia ký hiệu K.798 văn bia được đưa về Bảo tàng Sài Gòn. Văn khắc trên một cấu kiện kiến trúc đã bị mòn là phần chân của một trụ đá, gồm 2 dòng đã bị ăn mòn nên không giải mã được 4 .

Nhiều chục năm sau những phát hiện đó, lần lượt các nhà khảo cổ học Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ đến khảo sát, đào thám sát. Cuộc khảo sát sớm nhất là từ năm 1931 do Henri Parmentier và J.Y. Claeys thực hiện. J.Y. Claeys đã đào vài hố thám sát chung quanh ngôi chùa mới, và đã ghi nhận một vỉa gạch xây ở sườn phía tây của gò. Xung quanh chùa thấy ngổn ngang nhiều gạch, ngói cổ. Trên gò này Henri Parmentier đã ghi nhận vào năm 1931 nhiều cấu kiện kiến trúc và vật thờ [ 8 , tr. 242]. Ông đã quan sát được ở Tháp Mười, 5 trụ cửa bằng đá (nguyên vẹn và 5 mảnh vỡ), tương ứng với ít nhất 3 ngôi tháp. Ngoài ra, ở khoảng 200m về phía đông bắc ngôi chùa, Henri Parmentier còn ghi nhận được một mô gạch đã bị đào ở bên trên, cùng một bồn nước thánh (dày 0,10m) [ 8 , tr. 243].

Tới năm 1963, những nghiên cứu trước đó về vùng Đồng Tháp Mười trong đó có Gò Tháp đã được Louis Malleret tập hợp lại và trình bày trong tập 4 sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông (L’archéologie du Delta du Mékong) , tập sách giới thiệu những di tích vùng “Cisbassas” và những sự kiện văn hóa.

Những ghi nhận từ những năm 1869 cho đến 1943 cho thấy Gò Tháp là một khu di tích khảo cổ rất phong phú về mặt di tích và di vật. Cho đến những năm 1940, ít nhất đã phát hiện 8 minh văn với hàng chục cấu kiện kiến trúc đá cỡ lớn, hàng chục vết tích kiến trúc gạch xuất lộ trên mặt gò và ít nhất là 14 pho tượng đá, gần nguyên vẹn hoặc mảnh vỡ lớn có thể ráp nối và nhận diện được đầy đủ kích thước trung bình và tượng nhỏ. Những tượng và vật thờ tìm thấy ở đây phản ánh tính đa dạng trong tín ngưỡng cổ đại của địa phương: tục thờ thần mặt trời - thần Surya, tục thờ Shiva gắn liền với tục thờ linga, sự phổ biến của tục thờ thần Vishnu và đạo Phật. Những pho tượng này tạc theo nhiều mẫu nhân dạng khác nhau với nhiều loại trang phục khác nhau cho thấy những dòng giao lưu văn hóa cổ đã để lại nơi đây những dấu ấn sâu đậm từ những thế kỷ đầu công nguyên [ 8 ,tr. 245-246].

Từ sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, khảo cổ học Nam Bộ bước qua thời kỳ mới với vai trò chính của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Công tác nghiên cứu ở Khu di tích Gò Tháp đã có bước tiến đáng kể với sự tham gia khảo sát, thăm dò, khai quật của nhiều cơ quan. Khu di tích khảo cổ Gò Tháp đã được tiến hành thăm dò, thám sát, khai quật vào các năm 1984, 1993, 1998, 2003, 2009, 2010, 2011, 2013, 2015 và 2016. Quá trình khai quật khảo cổ đã phát hiện một khối lượng tư liệu đồ sộ về nhiều loại hình di chỉ như kiến trúc, cư trú, công xưởng… cùng với khối lượng lớn đồ đá, đồ gốm, đồ kim loại, thủy tinh.

Những hoạt động điều tra, khảo sát, khai quật tại hiện trường khu di tích Gò Tháp đã trải qua gần 150 năm với sự tham gia của nhiều nhà khoa học người Pháp và các nhà khảo cổ Việt Nam. Từ đó đến nay nhiều di tích kiến trúc, di chỉ cư trú, di chỉ xưởng quan trọng đã được phát lộ, nhiều di vật văn hóa cổ được phát hiện và thu thập. Đây là những bằng chứng cho sự ra đời, phát triển một khu đô thị cổ, trung tâm văn hóa, trung tâm tôn giáo – chính trị đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa Óc Eo – vương quốc Phù Nam. Đồng thời, những phát hiện mới trong những năm gần đây còn mang đến nhiều bằng chứng về mối quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi giữa cư dân vùng trũng trung tâm Đồng Tháp Mười với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ như: kiến trúc, đồ trang sức, bi ký, đồ gốm,…

HiỆn vẬt gỐm nưỚc ngoài phát hiỆn Ở Gò Tháp

Gốm Trung Quốc

Trong đợt thăm dò tổng thể khu di tích Gò Tháp năm 2016, ở phía bắc miếu Bà Chúa Xứ, khi khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng kiến trúc chùa Tháp Linh theo quy hoạch mới (hố thăm dò ký hiệu 16GT.TD30AL1), phát hiện một số khu vực có xuất hiện loại hình gốm cứng văn in ( Figure 1 ). Hoa văn xuất hiện trên loại gốm có thành phần sét pha cát hạt mịn, màu xám ghi. Sản phẩm được nung ở độ nung cao, cứng mang nét đặc trưng của một truyền thống riêng của gốm Đông Hán niên đại khoảng thế kỷ 2-3 AD, khá xa lạ với những đồ gốm Óc Eo đã phát hiện ở đây. Hoa văn trên các mảnh gốm này có dạng những ô vuông nhỏ.

Figure 1 . Hiện vật gốm cứng văn in

Figure 2 . Hũ gốm cứng văn in thời Đông Hán 9

Figure 2 
<a class=9" width="300" height="200">

[Download figure]

Loại hình gốm này trước đây, ở trong lớp cư trú thuộc giai đoạn Óc Eo sớm ở Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Tư Trăm,… và gần đây là cuộc khai quật khu Nền Chùa (Kiên Giang) đã tìm thấy [ 10 , tr.79 ; 11 , tr. 46]. Hiện vẫn đang có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của loại hình gốm này với hai khả năng: thứ nhất có thể gốm được sản xuất tại Trung Quốc vào cùng thời kỳ ( Figure 2 ). Do quá trình giao lưu thương mại, trao đổi buôn bán, những hiện vật gốm này được mang đến như một vật phẩm buôn bán, hoặc là những đồ dùng của những thương nhân người Hán buôn bán ở Phù Nam những thế kỷ đầu công nguyên. Khả năng thứ 2 loại hình gốm này được sản xuất và mang đến từ lò gốm Hán ở Tam Thọ, Đông Sơn, Thanh Hóa. Tam Thọ là khu gốm cổ nổi tiếng có từ thời Đông Hán nằm ở Đông Vinh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Khu lò này được O.Janse, nhà khảo cổ học Thụy Điển phát hiện đầu tiên vào tháng 2/1937. Trong các năm từ 1937-1939, O.Janse đã khai quật và phát hiện 8 lò nung gốm cổ cùng nhiều sản phẩm gồm ngói ống và các loại đồ gốm sinh hoạt đặc trưng thời Hán [ 12 , tr.35-47]. Trong đó có rất nhiều loại vò trang trí văn ô vuông nhỏ hay văn xương cá có đặc điểm giống như loại vò gốm tìm thấy ở tại một số di tích văn hóa Óc Eo trong đó có Gò Tháp.

Phát hiện quan trọng và thú vị thứ hai là một số mảnh gồ gốm men trắng xanh tìm thấy ở lớp trên cùng của thăm dò ký hiệu 16GT.TS14A giống với loại hình gốm Trung Quốc thời Đông Tấn (317-420). Đấy là cái vòi gắn trên vai của loại ấm có tay cầm rất nổi tiếng ở Trung Quốc từ khoảng thời Đông Tấn được gọi là ấm có vòi hình đầu gà (Chicken-Headed Ewer). Đầu ấm dài 4,6cm, bị vỡ mất phần mào gà. Đường kính lỗ vòi phần ráp với thân là 1cm. Đường kính lỗ phần rót nước là 0,6cm. Mỏ gà được tạo hình là lỗ tròn để rót nước, 2 bên có 2 mào gà rủ xuống, phía trên có mồng gà nhưng đã bị gãy và 2 mắt gà được tạo hình lồi. Phía trong có miết tạo thành những đường gờ trước khi được phủ men [ 13 , tr.91] ( Figure 3 ). Xét về mặt kiểu dáng và chất liệu, đầu ấm phát hiện ở đây có những nét tương đồng với hiện vật phát hiện được ở lò gốm Yue (một lò gốm cổ ở khu vực Chiết Giang) ( Figure 4 ) 14 .

Loại ấm đầu gà này thường được tìm thấy trong các ngôi mộ ở Nam Trung Quốc từ thời Đông Tấn, và tiếp tục phổ biến vào triều đại nhà Tùy. Trên cơ sở các kết quả khai quật, loại hình hiện vật này có diễn trình phát triển từ dạng bình có đầu rót hình đầu gà, tay cầm đơn giản vào cuối thế kỷ thứ 3 đầu thế kỷ thứ 4 đến loại bình cao với thêm nhiều các chi tiết trang trí phức tạp, như tay cầm rồng, vào thế kỷ thứ 5 15 .

Figure 3 . Vòi của loại bình có vòi hình đầu gà khoảng thế kỷ 4 - 5

Figure 4 . Ấm đầu gà thời Đông Tấn ở lò Yue (Chiết Giang) 14

Figure 4 
<a class=14" width="300" height="200">

[Download figure]

Tại địa điểm này cũng phát hiện thêm một đế chén gốm men trắng xanh gồm phần đế và 1 phần thân của chén gốm. Đường kính đế 3,4cm; độ dày đế 1,3cm, dày thân 0,5cm. Gốm được làm bằng bàn xoay. Men bị bong tróc nhiều. Đế tròn loe nhỏ. Về phần loại hình và chất liệu thì nó khá tương đồng với loại ấm có vòi hình đầu gà thời Đông Tấn. Tuy nhiên, phần vành thân có dấu vết ghè tròn giống loại gốm ghè thời Óc Eo [ 13 , tr. 91]. Vì vậy, có thể sau khi bị vỡ, đế của bát gốm này được tận dụng để ghè tròn, tạo thành một đồ chơi cho trẻ em.

Trong đợt khai quật “Tường thành phía Tây Gò Tháp Mười”, cũng đã phát hiện một số mảnh sứ men ngọc của loại hộp gốm hình trái bí giống loại hình hiện vật khá phổ biến thời Tống (960–1279) ( Figure 6 ) 16 .

Hiện vật thứ nhất là hộp gốm men ngọc hình trái bí cao 3,7cm; đế dày 0,39cm; thân dày 0,4cm. Xương gốm trắng, có lẫn cát mịn màu xám đen. Dáng hình trái bí có các múi được tạo hình rõ. Có phủ men 1 phần thân, men ngọc. Đế bằng, phần đế và phần vành miêng không phủ men khá giống với loại hình gốm hình cánh hoa cúc cùng thời. Mặt trong hộp có phủ một lớp men mỏng. Hộp bị vỡ chỉ còn 1/3. Đồng thời, ở đây cũng phát hiện được một nắp hộp gốm. Hiện vật có đường kính 5,2cm, cao 1,75cm, phần còn lại là ½ nắp có 7 khía. Áo gốm bên ngoài phủ men ngọc, phía trong phủ lớp men mỏng đã bị bong tróc một số vị trí. Xương trắng có lẫn 1 số hạt cát đen mịn. Ở tâm của nắp có tạo hình núm của cuống.

Hiện vật thứ 3 là một hộp gốm men ngọc, cao 2,65cm, dày 0,3cm. Hộp gốm được phủ men ngọc cả mặt trong và mặt ngoài, nhưng không phủ men phần đáy ( Figure 5 ).

Figure 5 . Nắp hộp gốm men ngọc hình trái bí ở Gò Tháp

Figure 6 . Hộp gốm men ngọc hình trái bí thời Tống ở Bảo tàng Dương Châu 17

Figure 6 
<a class=17" width="300" height="200">

[Download figure]

Ngoài ra, khi kiểm kê lại toàn bộ hiện vật văn hóa Óc Eo ở Bảo tàng Đồng Tháp, chúng tôi đã phát hiện một hiện vật Nam Tống có khoảng niên đại 1127–1279 ( Figure 8 ) 18 . Hiện vật được cháu Nguyễn Thành Luân nhặt được đằng sau đình Đốc Binh Kiều và giao nộp Bảo tàng Đồng Tháp vào ngày 5.8.2001. Đây là một mảnh vỡ của của một bát gốm men ngọc, lòng bát có trang trí hình hai con cá (chỉ còn thấy hình của 1 con cá). Xương gốm được lọc kỹ nên trắng, men gốm phủ một lớp dày, hình cá được in nổi rõ nét ( Figure 7 ).

Figure 7 . Mảnh vỡ bát gốm họa tiết hai con cá

Ký hiệu hiện vật BTĐT.CV.1026

Figure 8 . Bát gốm có họa tiết hai con cá thời Nam Tống thế kỷ 12-13 18

Figure 8 
<a class=18" width="300" height="200">

[Download figure]

Gốm Ấn Độ

Ở Nam Bộ, nghề làm gốm vốn là nghề truyền thống của cộng đồng cư dân nơi đây. Tuy nhiên, cùng với việc du nhập tôn giáo từ Ấn Độ, kỹ thuật của một dòng sản phẩm gốm có chất lượng cao cũng được du nhập [ 10 , tr. 90]. Những trao đổi đầu tiên của Văn hóa Óc Eo và văn hóa Ấn Độ có thể được nhìn nhận qua loại hình đồ gốm mịn màu vàng cam: gốm có thành phần sét mịn được lọc rất kỹ, xương gốm có màu vàng nhạt hay nâu vàng, bề mặt áo gốm thường có tô lớp màu rất mịn, láng màu vàng cam hay nâu đỏ, được dùng để sản xuất các sản phẩm cao cấp chủ yếu phục vụ nhu cầu tôn giáo như: các loại hình bình, bình có vòi, ly chân cao, nắp đậy hình đĩa có vành móc, núm cầm… Loại đồ gốm này được tìm thấy ở hầu hết các di chỉ tiền Óc Eo và Óc Eo sớm như: Gò Cây Tung, An Phú, Gò Me-Gò Sành, Phum Quao, Gò Châu Thi, Gò Tư Trăm, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị (An Giang); Gò Tháp (Đồng Tháp)…

Các loại bình hình cầu, bình có vòi xiên ngắn, ly chân cao, nắp đậy có vành móc, tô sâu lòng đáy tròn… có đặc điểm loại hình rất gần gũi với một số loại đồ gốm phổ biến ở miền nam Ấn Độ như Arikamedu.

Ngoài ra, loại hình gốm mịn đen: có xương gốm có dấu vết giống với bã thực vật song được nghiền rất nhuyễn, mịn, màu xám đen, bề mặt ngoài có lớp áo dầy màu xám trắng đục, trong lòng đáy bát bồng, vành miệng bình/vò… có lớp áo mỏng màu đen bóng. Loại gốm này rất phổ biến trong các di tích tiền Óc Eo ở Nam Bộ và một số di chỉ Óc Eo Sớm như (Gò Ô Chùa, Gò Hàng, Gò Dung, Gò Đế, Giồng Cá Vồ, Giồng Lớn, Phú Chánh…), khu vực Đông Nam Á như Mimot, Prohear, Angkor Borei (Campuchia), các di tích ở Kelantan (Malaysia) cũng gần giống với loại gốm có lớp áo mỏng đen bóng (black polished ware) thường phổ biến ở miền bắc Ấn Độ, có niên đại vào cuối thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên [ 10 , tr. 90].

Ở giai đoạn Óc Eo phát triển từ khoảng thế kỷ 3 – 4, những loại hình gốm có nguồn gốc Ấn Độ phát hiện ở Nam Bộ nói riêng và Đông Nam Á nói chung đã có tính địa phương hóa rõ nét. Trong đó, nổi bật nhất và dễ dàng nhận biết là loại bình Kundika có dáng chiếc bình (hoặc vò) đựng nước có phần cổ bình giống bầu sữa (biberon), vòi phình nở ở phía dưới, xuất hiện từ vài thế kỷ trước Công nguyên ở Ấn Độ. Chúng được sử dụng nhiều trong các nghi lễ Hindu giáo và Phật giáo. Trong Văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, một loại hình hiện vật có hình dáng gần gũi với Kundika chính là Kendi. Đây là một loại hình đồ gốm có cội nguồn từ Ấn Độ được du nhập, được làm theo nguyên mẫu kết hợp với những sáng tạo về kiểu dáng, ở nhiều vùng lãnh thổ thuộc Đông Nam Á mà Óc Eo – châu thổ sông Cửu Long được nhìn nhận như là điểm trung chuyển đến Trung Hoa và bán đảo Triều Tiên. Sự phát triển của luồng trao đổi các loại gốm kendi này kéo dài đến cuối thiên niên kỷ 1 [ 8 , tr.83].

Một bằng chứng quan trọng trên những hiện vật gốm khác là những mảnh gốm có chữ. Trong đợt khai quật khu cư trú chân Gò Minh Sư chúng tôi cũng đã phát hiện được 3 mảnh gốm có chữ ( Figure 9 ). Qua trao đổi với tiến sỹ Umakanta Mishra, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Ravenshaw (Ấn Độ), ông cho rằng chữ viết trên gốm là một kiểu chữ Brahmi được sử dụng ở Ấn Độ khoảng từ thế kỷ 4-6.

Figure 9 . Một số mảnh gốm có chữ phát hiện ở Gò Minh Sư

Do những đặc điểm chung về chất liệu, kỹ thuật và độ nung của những mảnh gốm này hoàn toàn giống với loại gốm mịn được sản xuất tại chổ của cư dân Óc Eo ở Gò Tháp, vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là bằng chứng cho sự ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ tới Gò Tháp chứ có thể không phải là hiện vật được mang trực tiếp từ Ấn Độ qua.

Bằng chứng về chức năng của các loại gốm cao cấp trong văn hóa Óc Eo phục vụ cho mục đích tôn giáo có ảnh hưởng bởi Ấn Độ còn được thể hiện qua loại hình di vật đặc trưng là loại bình, vò gốm có lỗ dưới đáy có thể được dùng để tưới mát cho Linga ở khu đền thần Shiva được tìm thấy khi khai quật các di chỉ văn hóa Óc Eo. Đây là loại bình, vò gốm có lỗ thủng hình tròn đường kính khoảng 1cm. Các mảnh đáy có lỗ này chủ yếu được làm từ gốm mịn hoặc gốm pha cát mịn ( Figure 10 ). Trong các đền Hindu, dù là ngôi đền dành cho vị thần nào cũng thường có đặt thêm Linga ở một vị trí quan trọng. Xung quanh Linga có thể có thêm tượng thần Ganesha, Pravati, bò thần Nadin. Đặc biệt, ở phía trên nhiều Linga người ta thường có một cái bình hoặc nồi có một lỗ nhỏ phía trên Linga (Shiva Linga Assembly with Dripping Vase), nhằm thông qua các lỗ nhỏ nước rơi xuống tưới mát cho Linga. Tín đồ đến hành lễ hoặc các tu sĩ trong đền sẽ liên tục đổ nước vào bình để nước theo lỗ nhỏ dưới đáy chảy lên đầu linga. Ý nghĩa của hành động này cũng có thể hiểu là đang giúp thế giới nguội đi. Theo quan điểm Hindu giáo, Shiva Linga là biểu trưng của lửa, của huỷ diệt và tái tạo. Vì vậy, mỗi người cầu nguyện Shiva Linga hoặc duy trì Shiva Linga trong một ngôi đền hoặc trong nhà, người ta sẽ để Linga được giữ ở nơi lạnh, và nước lạnh, sữa hoặc paniyam khác tưới liên tục lên Linga. Điều này sẽ giúp làm mát mọi người và mọi thứ. Các tín đồ Hindu giáo còn quan niệm những nơi không có mưa hoặc đang đau khổ vì đói kém hoặc hạn hán, nên làm ướt và luôn giữ mát Shiva Linga mà họ để trong nhà. Linga mát mẻ sẽ giúp giữ cho thế giới mát mẻ và thanh bình. Biểu tượng nước nhỏ giọt từ nồi cho thấy cuộc sống luôn luôn là về chuyển động, không có trì trệ. Nếu chúng ta trì trệ chúng ta sẽ trở nên chết mòn và điều này là chống lại tự nhiên ( Figure 11 ) 19 .

Figure 10 . Mảnh đáy bình gốm có lỗ tìm thấy ở di tích 16GT.TD17DL2

Figure 11 . Shiva Lingam in the temple of Lord Shiva Rajbiraj 20 .

Có thể nói, các kiểu mẫu đồ gốm từ văn hóa Ấn Độ cùng với kỹ thuật chế tác được du nhập Nam bộ vào và sản xuất bởi những người thợ thủ công bản địa đã tạo nên những sản phẩm gốm mang sắc thái riêng của văn hóa Óc Eo mà giới nghiên cứu khảo cổ thế giới vẫn thường gọi là gốm Phù Nam (funan ceramic). Trong đồ gốm Óc Eo “ hai yếu tố văn hóa ngoại nhập và bản địa song song tồn tại và ghi đậm dấu ấn của mình, để rồi trở thành một phức hợp gốm riêng biệt , có tính đặc trưng cao và không giống với bất kỳ phức hợp gốm nào ở Đông Nam Á” [ 21 , tr.371].

Ngoài đồ gốm, một số mảnh diềm ngói được tìm thấy ở Gò Tháp cũng có yếu tố ảnh hưởng từ Ấn Độ như sau:

- Nhóm diềm ngói có đề tài trang trí hình người: gồm có 02 tiêu bản:

+ Hiện vật diềm ngói mang ký hiệu GT 286/Gm.140 có trang trí đắp nổi một phù điêu thể hiện toàn thân người bằng chất liệu gốm thuần sét (gốm Gò Tháp loại 1) ( Figure 12 ). Hiện vật được sưu tầm tại chân di tích đền thần ở Gò Minh Sư vào năm 2012. Phù điêu được tạo nhỏ hơn mặt của diềm ngói, thể hiện người/tu sĩ có khuôn mặt tròn, đầy đặn, đang ngồi thiền định, hai tay bắt ấn để trước bụng, do bị vỡ nên không thấy rõ thủ ấn. Các chi tiết của khuôn mặt không thấy rõ nét. Tóc xõa bồng bềnh như một vành mũ rộng bao quanh đầu dài đến thùy tai, cổ có 2 ngấn. Mặt sau của phù điêu lồi lõm, ghồ ghề, còn thấy rõ đường viền cong dạng chữ U lật ngược, đây chính là dấu vết của phần lòng máng ngói dương được ghép vào diềm ngói. Kích thước còn lại: cao 12,0 cm, rộng 11,0 cm, dày 3.5 cm.

Figure 12 . Diềm ngói mang ký hiệu GT 286/Gm.140

+ Diềm ngói mang ký hiệu GTM.H11-1 là diềm ngói chất liệu sét pha cát mịn, màu đỏ, trên bề mặt diềm ngói có đắp nổi hình người ngồi trong tư thế ngồi xổm (malasaña pose) ( Figure 13 ). Mảnh ngói này rất giống mảnh diềm ngói tìm được ở di tích Gò Trâm Quỳ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có niên đại khoảng thế kỷ 12 ( Figure 14 ). Kích thước còn lại: 11.5 x 12.8 x 3,0 cm. Đây là đề tài thể hiện rõ tính chất Hindu giáo. Nguyên mẫu của đề tài này được phát hiện rất sớm ở Ấn Độ, trong văn hóa Harappa. Đó là hiện thân của nữ thần Lakshmi dưới hình thức nữ thần phồn thực [ 22 , tr. 143].

Figure 13 . Diềm ngói mang ký hiệu GTM.H11-1 ở Gò Tháp (Đồng Tháp)

Figure 14 . Diềm ngói ở di tích Gò Trăm Quỳ (Long An)

Nguồn: Bảo tàng Long An

Ngoài các hiện vật gốm chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nhưng được sản xuất ở Óc Eo như trên, thì ở Gò Tháp cũng tìm thấy những hiện vật có nguồn gốc trực tiếp từ Ấn Độ, được những người Ấn mang tới và sử dụng trong quá trình sinh sống và hoạt động tôn giáo tín ngưỡng ở đây. Cụ thể gồm:

- Hai viên xúc xắc (xí ngầu) bằng đất nung được phát hiện trong cuộc khai quật khu cư trú chân Gò Minh Sư năm 2012-2013. Hai viên xúc xắc bằng đất nung, đều tìm thấy ở lớp 3 trong hố khai quật có kí hiệu 12GMS.H2, độ sâu tương đối là 57 – 77cm, viên thứ nhất còn nguyên và thấy rõ các mặt, các cạnh dài 1,8cm. Viên thứ 2 đã bị vỡ, bị mòn phần bề mặt, các cạnh dài 1cm. Mặt 1 và mặt 6 được đặt ở 2 mặt trên và dưới. Các mặt còn lại gồm 2,3,4,5 được đặt ở 4 mặt xung quanh liền kề nhau ( Figure 15 , Figure 16 ).

Figure 15 . Các mặt của viên xúc xắc thứ nhất 23

Figure 15 
<a class=23" width="300" height="200">

[Download figure]

Figure 16 . Hai viên xúc xắc đã được phát hiện 23

Figure 16 
<a class=23" width="300" height="200">

[Download figure]

Theo chúng tôi được biết trong phạm vi khu vực văn hóa Óc Eo, cụ thể là Nam Bộ, cho tới nay chưa từng tìm thấy hạt xúc xắc nào. Vì vậy, rất có khả năng hai hạt xúc xắc này không có nguồn gốc bản địa, có thể là bằng chứng cho sự giao lưu văn hóa với bên ngoài của cư dân Gò Tháp, có thể là Ấn Độ nơi đã tìm thấy những hạt xúc xắc từ thời văn minh Harappa - Mohenjo Daro, thuộc nền văn minh sông Ấn có niên đại 3500 – 1700 TCN ( Figure 17 ).

Figure 17 . Xúc xắc (dice) phát hiện ở cuộc khai quật Mohenjo Daro 24

Figure 17 
<a class=24" width="300" height="200">

[Download figure]

Con cờ bằng đất nung: 2 hiện vật Quân cờ vua được phát hiện trong địa tầng hố khai quật Gò Minh Sư. Hiện vật thứ 1 hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Đồng Tháp có ký hiệu GT/Gm-126 cũng dạng giống quân mã trong bàn cờ vua, có bờm dựng thẳng đứng chạy từ cổ xuống vai, toàn thân hiện có màu xám tro, bị rạn nứt phần cổ của con ngựa ( Figure 18 ). Hiện vật thứ hai làm bằng đất nung, còn nguyên vẹn, kích thước cao 2,2cm và đường kính phần đế 1,6cm; có hình dạng giống quân mã trong bàn cờ vua. Đế tròn, bằng phần thân nhọn dần, đầu hơi nhô về phía trước. Phần đầu còn thấy rõ hai mắt hơi lõm vào và miệng ( Figure 19 ). Nguyên liệu để nung hiện vật là đất sét pha cát mịn, độ nung không cao, toàn thân hiện vật có màu hồng nhạt [ 25 , tr. 742].

Figure 18 . Quân cờ vua bằng đất nung thứ nhất

Figure 19 . Quân cờ vua bằng đất nung thứ 2

Theo lịch sử của cờ vua thì phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng tiền thân của cờ vua có nguồn gốc từ Ấn Độ trong đế chế Gupta 26 . Lúc mới sáng lập, trò chơi này được gọi là “Saturanga” tức là trò chơi chiến trận đối kháng có hai bên tham gia. Các quân tượng trưng cho một thế trận gồm đầy đủ chỉ huy và bốn binh chủng quân đội thời bấy giờ. Phía trước là một hàng quân tiến bước, tiếp đến là các chàng kỵ mã và các đội voi chiến (Ấn Độ có rất nhiều voi). Mé ngoài cùng là những chiếc xe di động. Nằm giữa hàng quân là đức Vua cùng với các cận thần.

Qua tìm hiểu nguồn gốc của cờ vua trên thế giới và so sánh đối chiếu các di vật khác trong lớp đào, có thể đoán định niên đại tương đối của hiện vật là khoảng thế kỷ 6-7 AD. Trong 2 hiện vật đã phát hiện thì đây, xét về hình dáng, chất liệu, độ nung, loại hình và màu sắc, chúng tôi cho rằng con cờ vua thứ nhất là hiện vật được mang trực tiếp từ Ấn Độ tới Gò Tháp, con cờ vua thứ 2 là hiện vật được sản xuất tại vùng Nam bộ.

KẾT LUẬN

Như vậy, những kết quả nghiên cứu mới gần đây đã cho chúng ta thấy được sự hiện diện của đồ gốm sứ Trung Quốc, Ấn Độ trong văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp, Đồng Tháp, Việt Nam. Những phát hiện này là bằng chứng sinh động và rõ ràng cho mối quan hệ giữa Óc Eo ở Gò Tháp với các nền văn hóa lớn trên thế giới trong lịch sử, chúng cho thấy hoạt động giao lưu buôn bán không chỉ có trong bộ phận cư dân và những khu vực gần các cảng biển lớn như Óc Eo với tiền cảng là Nền Chùa mà nó rộng khắp lãnh thổ của vương quốc Phù Nam.

Việc phát hiện các đồ gốm Trung Quốc có niên đại từ thời Đông Hán (2 – 3 AD), Đông Tấn (317 - 420 AD), thời Tống (960–1279 AD) tới thời Nam Tống (1127–1279 AD) cho thấy quá trình giao lưu với văn hóa Trung Hoa của cư dân cổ Óc Eo ở Gò Tháp được diễn ra thường xuyên suốt lịch sử từ thời Óc Eo kéo dài sang tới hậu Óc Eo. Phát hiện này cũng giúp làm sáng tỏ hơn những ghi chép trong thư tịch cổ của Trung Quốc về nhiều chuyến đi sứ của Vương quốc Phù Nam sang Trung Quốc 27 .

Cùng với những phát hiện của các nhà nghiên cứu người Pháp về các văn bia khắc chữ Brahmi/Sanskrit cổ, hệ thống tượng thần, vật thờ và các kiến trúc tôn giáo ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ,… những phát hiện gần đây về đồ gốm, đồ đất nung kiểu Ấn Độ được sản xuất tại Óc Eo và những vật phẩm được mang trực tiếp từ Ấn Độ đến Gò Tháp đã cho thấy Óc Eo là một nền văn hóa lớn, hội tụ nhiều yếu tố văn hóa nước ngoài.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

AD: Anno Domini (Công nguyên)

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

KCH: Khảo cổ học.

KHXH: Khoa học Xã hội.

KHXH&NV: Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nxb: Nhà xuất bản.

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Với nguồn tài liệu khá đầy đủ đã được sưu tầm từ nhiều nguồn, đặc biệt là những tư liệu khảo cổ đã phát hiện trong những cuộc khai quật có sự tham gia trực tiếp của tác giả, bằng phương pháp hệ thống hóa tác giả đã đưa ra những minh chứng cho thấy Gò Tháp là một đô thị lớn và quan trọng của vương quốc Phù Nam.

References

  1. MALLERET L. La status de Ganesa de Rochefort-sur-mer. Arts Asiatiques. . 1956;3(3):211-224. Google Scholar
  2. Coedès G. Deux inscriptions Sanskrites de Fou-nan, BEFEO. . 1931;31:1-23. Google Scholar
  3. Coedès G. Études Cambodgiennes : 32. La plus ancienne inscription en pāli du Cambodge, BEFEO. . 1936;36:1-21. Google Scholar
  4. Corpus of Khmer (CIK). . ;:. Google Scholar
  5. Coedès G. Inscriptions du Cambodge (vol. II), Paris: Editions de Boccard. . 1942;:. Google Scholar
  6. Coedès G. Inscriptions du Cambodge (vol. V), Paris: Editions de Boccard. . 1937;:. Google Scholar
  7. Coedès G. Inscriptions du Cambodge VIII. Paris, Editions de Boccard. . 1966;:. Google Scholar
  8. Côn ĐL, Diệm LX. Báo cáo đề tài khoa học cấp Bộ Giá trị văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh. . 2010;:. Google Scholar
  9. Sohu. . 2019;:. Google Scholar
  10. Mạnh NQ. Các di tích tiền Óc Eo ở vùng Tứ Giác Long Xuyên trong quá trình hình thành văn hóa Óc Eo ở miền tây Nam Bộ. Luận án Tiến sĩ. Hà Nội. . 2009;:. Google Scholar
  11. Trí BM. Đồ gốm nước ngoài trong văn hóa Óc Eo và một vài nhận thức mới về văn hóa Óc Eo tiếp cận từ nghiên cứu so sánh. Tạp chí Khảo cổ học (số 2/2020). Hà Nội: nxb Khoa học Xã Hội. . 2020;:. Google Scholar
  12. Trọng ĐQ. Khu lò gốm cổ Tam Thọ xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá. Thanh Hoá Di tích và Thắng cảnh (tập 2). Thanh Hóa: Nhà xuất bản Thanh Hóa. . 2002;:. Google Scholar
  13. Thắng ĐV, Như VTH., Sương HT. Báo cáo Thăm dò tổng thể khu di tích Gò Tháp và khai quật phần còn lại di tích Gò Tháp Mười. Đồng Tháp: Tài liệu BQLKDT Gò Tháp. . 2016;:. Google Scholar
  14. Met Museum. Chicken-Headed Ewer 4th-5th century. . ;:. Google Scholar
  15. Art Museum. Chicken-headed ewer. . 2004;:. Google Scholar
  16. Bảo tàng Cung điện Đài Bắc. . 2020;:. Google Scholar
  17. Manyart. . 2014;:. Google Scholar
  18. Artsmia. Collections. . ;:. Google Scholar
  19. Rajendran A. Symbolism in the water pot above Shivling. . ;:. Google Scholar
  20. Wikimedia. Shiva Lingam in the temple of Lord Shiva Rajbiraj. . ;:. Google Scholar
  21. Tấn HV. Khảo cổ học Việt Nam tập II: Thời đại Kim khí. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. . 1999;:. Google Scholar
  22. Liên LT. Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở ĐBSCL trước thế kỷ X. Hà Nội: Nxb Thế giới. . 2006;:. Google Scholar
  23. Thắng ĐV. Báo cáo khai quật chân Gò Minh Sư Gò Tháp - Đồng Tháp năm 2013. Đồng Tháp: Tài liệu BQLKDT Gò Tháp. . 2013;:. Google Scholar
  24. Gottlieb Richard. The Ancient Games and Toys of Mohenjo Daro. . 2017;:. Google Scholar
  25. Sương HT. Quân cờ vua bằng đất nung phát hiện trong đợt khai quật di chỉ cư trú chân Gò Minh Sư. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013. Hà Nội: Nxb KHXH. . 2014;:. Google Scholar
  26. Соболевой ВО. Шахматное искусство. . 2008;:. Google Scholar
  27. Lê PH. Qua di tích văn hóa Óc Eo và thư tịch cổ thử nhận diện nước Phù Nam. Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004). Hà Nội : Nxb Thế Giới. . 2008;:229-246. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 2 (2021)
Page No.: 1008-1018
Published: May 20, 2021
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i2.656

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thi Suong, H. (2021). Exotic ceramics in Óc Eo culture through archaeological documents of Go Thap Relic Site (Dong Thap province, Vietnam). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(2), 1008-1018. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i2.656

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1054 times
Download   = 334 times
View Article   = 0 times
Total   = 334 times