VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Reviews - Science Sciences

HTML

436

Total

181

Share

International students: potential clients for Mekong Delta Tourism






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

International students are becoming a significant part of global mobility. Studies from different parts of the world have shown they not only have impacts on education but also contribute to tourism. They make up a distinctive group of international tourists characterized by travelling frequency, types of tourist activities, accommodation preferences, levels of expenditure and potentials of attracting visits of friends and relatives. In other words, international tourists not only directly contribute to but could also have long term impact on the destination country's tourism. As Vietnam has proactively engage in international integration in higher education, which would result in an increase in the influx of international students, an exploratory study on this group of potential tourists is needed. Based on researches from different countries this article identifies features of international students in conducting tourist activities before proposing recommendations for more effective engagement in this group of clients with the highlights of the role of Vietnam National University-Ho Chi Minh City (VNU-HCM) and linkages among higher education institutions in Ho Chi Minh City Metropolitan Area and the Mekong Delta.

Đặt vấn đề: sinh viên quốc tế và tiềm năng du lịch

Sinh viên quốc tế ngày càng trở thành một lực lượng đông đảo trong dòng dịch chuyển công dân toàn cầu với tốc độ tăng trưởng đều đặn hàng năm. Trong 20 năm từ 1998 đến 2017, tổng số người học tham gia vào các chương trình giáo dục đại học bên ngoài quê hương mình đã tăng 165%, từ 2 triệu lên 5,3 triệu người 1 . Không chỉ gia tăng về số lượng, điểm đến của dòng chảy sinh viên toàn cầu cũng ngày càng trở nên đa dạng. Nếu như trước kia người học bậc đại học trở lên trên thế giới có xu hướng chủ yếu chuyển dịch đến các quốc gia phát triển ở phương Tây, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh thì từ những năm 2000 trở lại đây, các quốc gia châu Á cũng đang dần trở thành những điểm đến hấp dẫn của sinh viên quốc tế. Minh chứng cho việc này là số lượng du học sinh học tập tại các điểm đến ở châu Á đang ngày càng gia tăng, khiến cho các quốc gia này dần vươn lên vị trí quan trọng trong giáo dục toàn cầu 2 . Ví dụ như trường hợp Trung Quốc, theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong năm 2018 đã có 492.185 lượt sinh viên đến từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ theo học tại hơn 1.000 cơ sở giáo dục đại học ở quốc gia này, trong đó hơn 50% theo học các chương trình chính quy dài hạn 3 . Con số này cho thấy sự gia tăng vượt bậc về số lượng khi so sánh với số liệu năm 2000 với 52.150 lượt người học từ các quốc gia khác đến Trung Quốc 4 .

Các nghiên cứu từ các quốc gia đón nhận sinh viên quốc tế còn chỉ ra rằng nhóm đối tượng này không chỉ có tác động tích cực trong giáo dục mà còn có những tiềm năng đóng góp cho nền kinh tế trong vai trò là khách hàng thực hiện các hoạt động du lịch trong quá trình học tập. Ở Australia, một khảo sát gần đây cho thấy trong 8,5 triệu du khách quốc tế đến đất nước này vào năm 2019, có 576.000 người đến vì các mục đích liên quan đến học tập và 25% trong số này đón người thân hay bạn bè đến thăm trong suốt quá trình học tập của mình với đóng góp ước tính từ các hoạt động du lịch có liên quan đạt 1,1 tỷ AUD 5 . Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Malaysia, Đài Loan và Trung Quốc, tuy chưa có thống kê quy mô và cụ thể như Australia, nhưng các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng sinh viên quốc tế là nhóm đối tượng tiềm năng cho du lịch.

Mặc dù sinh viên quốc tế chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số khách quốc tế, nhưng nhóm đối tượng này có những đặc điểm khiến họ trở thành một nhóm đối tượng cần thu hút. Một mặt, học tập là mục đích chính để họ quyết định dịch chuyển sang một quốc gia khác, nhưng du lịch cũng góp phần đáng kể thúc đẩy quá trình này; thậm chí trong nhiều trường hợp, cơ hội có những trải nghiệm khác biệt là động lực chính để sinh viên ra nước ngoài theo đuổi việc học 6 . Do vậy, sinh viên quốc tế trở thành những du khách rất tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch không chỉ tại địa phương họ theo học mà còn ở những khu vực xung quanh, thậm chí là các quốc gia lân cận 7 . Họ chính là đối tượng chủ động đóng góp vào ngành du lịch, không chỉ bằng các hoạt động trực tiếp của bản thân mà còn thông qua các tác động gián tiếp lâu dài, thậm chí mang tầm chiến lược góp phần xây dựng hình ảnh du lịch quốc gia mà họ theo học cũng như thu hút thêm các đối tượng du khách khác, bao gồm cả những sinh viên tiềm năng cho nền giáo dục sở tại. Sau đây, chúng tôi sẽ làm rõ những đặc điểm quan trọng trong các trải nghiệm du lịch của sinh viên quốc tế trên thế giới qua các khía cạnh: tần suất và phạm vi, loại hình du lịch, độ dài và loại hình lưu trú, mức chi tiêu cho bản thân và người thân đến thăm trong quá trình học tập.

Các đặc điểm du lịch của sinh viên quốc tế

Tần suất và phạm vi thực hiện các hành trình du lịch

Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng sinh viên quốc tế kể cả ngắn hạn lẫn chính quy là nhóm đối tượng tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch trong và ngoài địa phương mình theo học. Nghiên cứu của Weaver (2003) đối với du học sinh ở Úc cho thấy 83% sinh viên được khảo sát đã tham gia ít nhất một chuyến du lịch trong suốt quá trình học tập 8 . Kết quả nghiên cứu của Lee và King (2015) đối với sinh viên nước ngoài ở Đài Loan cũng cho thấy đến 70% số người tham gia nghiên cứu cho biết đã đi du lịch dài ngày trong suốt quá trình học tập [10].

Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt trong thực hành du lịch của nhóm đối tượng này nằm ở tần suất tham gia các hoạt động du lịch của họ trong quá trình học tập và làm việc tại quốc gia điểm đến. Theo Weaver (2003) gần 50% sinh viên được khảo sát cho biết đã đi từ hai chuyến trở lên, và gần 30% là trên ba chuyến 8 . Ở Malaysia, tỷ lệ du học sinh thực hiện từ 2-4 hành trình trong một năm cũng đạt gần 50% khảo sát, kết quả này gần như tương đồng trong mọi nghiên cứu ở quốc gia này. Về độ dài lưu trú, các trải nghiệm này đều từ 2 ngày 1 đêm hoặc dài hơn 9 . Đối với trường hợp Đài Loan, tỷ lệ số hành trình kéo dài từ 1-3 ngày đạt gần 45%, trong khi đó tỷ lệ quay lại những điểm du lịch đã tham quan là hơn 90% 10 .

Không chỉ giới hạn trong địa phương mình tham gia học tập, sinh viên quốc tế có xu hướng tham gia các trải nghiệm lữ hành ở nhiều nơi trong và ngoài quốc gia điểm đến mà mình đã lựa chọn. Ở Nhật Bản, công trình của Shi, Nakatani, Sajiki, Sawauchi, và Yamamoto (2010) cho thấy các địa phương xung quanh Sapporo, là nơi có Đại học Hokkaido, là những điểm du lịch lý tưởng thu hút nhiều sinh viên nước ngoài đến tham quan 11 . Trong khi đó, sinh viên quốc tế ở Malaysia thường du lịch ở các địa điểm nằm rải rác trên khắp đất nước bao gồm Kuala Lumpur, Penang (cách Kuala Lumpur 354 km) và Langakawi (cách Kuala Lumpur 416 km) 9 .

Lựa chọn loại hình du lịch

Sinh viên quốc tế với đặc điểm trẻ trung và năng động có những xu hướng du lịch rất đa dạng và phản ánh những đặc thù văn hóa riêng biệt của từng nhóm đối tượng. Theo Moisă (2010), đối tượng khách sinh viên do nguồn tài chính hạn chế nên chi tiêu chủ yếu tập trung chi tiêu cho các loại hình du lịch trải nghiệm thực tế và tại địa phương 12 . Nhận định này cơ bản tương đồng với các nghiên cứu về hành vi du lịch của đối tượng du khách này. Khảo sát của Mundia (2014) với các đối tượng du học sinh ở Thượng Hải cho thấy gần 80% lựa chọn tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và cách mạng trong suốt thời gian học tập, hơn 60% thưởng thức các món ăn Trung Quốc trong các hành trình 13 . Trong khi đó, nghiên cứu Shi, Nakatani, Sajiki, Sawauchi, & Yamamoto (2010) cho thấy sinh viên quốc tế ở Nhật Bản cũng có xu hướng lựa chọn các hoạt động ngoài trời và thiên nhiên mang đặc trưng của đất nước này như tắm suối nước nóng và ngắm hoa anh đào và thưởng thức đặc sản địa phương 11 . Ở Malaysia, Varasteh, Marzuki, & Rasoolimanesh (2015) chỉ ra các hoạt động du lịch yêu thích của du học sinh bao gồm: du ngoạn cảnh quan, mua sắm và du lịch biển, trong khi đó các công viên giải trí, sự kiện văn hóa và các hoạt động thể thao ngoài trời ít được yêu thích hơn 9 . Trong khi đó Lee & King (2015) cho biết các yếu tố đóng góp tích cực vào trải nghiệm du lịch của sinh viên quốc tế ở Đài Loan bao gồm các danh lam thắng cảnh, đời sống nhộn nhịp về đêm, các lựa chọn nghỉ dưỡng và ẩm thực phong phú 10 .

Có thể nói nhóm đối tượng du khách này với đặc điểm lứa tuổi và bối cảnh văn hóa đa dạng tham gia vào các hoạt động du lịch trải nghiệm rất phong phú. Từ các nghiên cứu trên có thể tạm rút ra được rằng sinh viên quốc tế có xu hướng lựa chọn các hoạt động mang đến những trải nghiệm khác biệt về mặt cảnh quan, văn hóa, ẩm thực và môi trường mang những nét đặc trưng của điểm đến học tập mà họ đã lựa chọn. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu đạt được những trải nghiệm thực chất tại địa phương khi người học quyết định đến một quốc gia khác để học tập 14 .

Độ dài lưu trú và loại hình lưu trú

Một đặc điểm đặc biệt nữa của sinh viên quốc tế khi thực hiện các hoạt động du lịch là độ dài lưu trú dài hơn đáng kể các nhóm du khách khác. Weaver (2003) cho biết hơn 50% các hành trình của sinh viên quốc tế ở Australia kéo dài từ 3-6 ngày, và 24% từ 7-13 ngày 8 . Trong khi đó Varasteh, Marzuki, & Rasoolimanesh (2015) cho biết du học sinh ở Malaysia đa số thực hiện các chuyến đi dài hơn 2 ngày. Đối với trường hợp Đài Loan, tỷ lệ số hành trình kéo dài từ 1-3 ngày đạt gần 45% 10 . Tuy nhiên, nếu khoảng cách và phương tiện giao thông thuận lợi, du học sinh cũng có xu hướng lựa chọn những điểm tham quan nằm xung quanh thành phố mà mình học tập. Ví dụ như trường hợp nghiên cứu của Shi và cộng sự (2010), đa số các sinh viên quốc tế ở Hokkaido thực hiện các chuyến du lịch trong ngày với điểm đến xa nhất là 140 km cách Sapporo chỉ mất chưa đến 1 giờ di chuyển bằng tàu hỏa cao tốc 11 .

Đối với loại hình lưu trú, các khảo sát trên thế giới cũng cho thấy tùy vào từng nhóm cụ thể mà sinh viên quốc tế có sự lựa chọn cơ sở lưu trú tương ứng, tuy nhiên một trong những tiêu chí quan trọng là giá cả phải chăng 13 , 15 . Trong trường hợp của Na Uy, du học sinh có xu hướng chọn các dịch vụ “nghỉ đêm và bữa sáng” (bed & breakfast) như homestay, khách sạn bình dân (hostel), hay Airbnb với lý do giá cả phải chăng và dịch vụ phù hợp 16 . Tương tự như vậy 46,7% sinh viên gốc Á trong nghiên cứu của Lee & King (2015) lựa chọn ở qua đêm trong các khách sạn balô (backpacker hostel), còn các du học sinh phương Tây có xu hướng chọn lưu trú tại khách sạn với tỷ lệ 40%. Kết quả này có phần tương đồng với nghiên cứu của Mundia (2015) ở Thượng Hải với hơn 50% sinh viên tham gia khảo sát lựa chọn các dịch vụ lưu trú giá trung bình như khách sạn bình dân hay nhà nghỉ, chỉ có cho biết lựa chọn khách sạn có chuẩn sao để lưu trú trong quá trình du lịch.

Có thể thấy sinh viên quốc tế là nhóm khách hàng tiềm năng có độ dài lưu trú khá cao so với các đối tượng khác, đặc biệt khi xem xét cùng với yếu tố tần suất du lịch dày đặc hơn các đối tượng khác quốc tế khác, và đa số sinh viên quốc tế trên thế giới có xu hướng lựa chọn những cơ sở lưu trú có giá cả phải chăng phù hợp với túi tiền.

Mức chi tiêu bản thân, du lịch theo nhóm và thu hút người thân đến thăm (VFR)

Đối với mức chi tiêu cho du lịch, các nghiên cứu cho thấy sinh viên quốc tế ở các quốc gia châu Á có mức chi tiêu/người/ngày không thua kém nhiều mức bình quân của khách du lịch quốc tế ở cùng một điểm đến. Ví dụ, đối với du học sinh ở Australia, một khảo sát quốc gia vào năm 2010 cho thấy chi tiêu du lịch của nhóm đối tượng này dao động từ dưới 100 AUD/hành trình cho các chuyến 1 ngày, và trên 1.000 AUD cho các chuyến đi dài ngày 17 . Trong trường hợp Đài Loan, mức chi tiêu bình quân cho một hành trình kéo dài trong ngày hoặc 1-3 ngày là khoảng 200 USD/người, tương đương 65-200 USD/người/ngày so với mức 184 USD bình quân chung 10 , 18 . Đối với Malaysia, gần 60% sinh viên quốc tế cho biết đã chi tiêu từ 500-1.500 Ringgit trong suốt chuyến đi, tương đương 165-500 Riggit/người ngày, so với mức bình quân cả nước là 500 Riggit/người/ngày 9 , 19 .

Các nghiên cứu cũng cho thấy sinh viên quốc tế có xu hướng đi theo nhóm cùng với bạn bè gặp mặt trong quá trình học tập, tỷ lệ du lịch riêng lẻ rất thấp. Daina & Rasa (2010) cho biết hơn 50% du học sinh ở Latvia tiến hành các hoạt động du lịch cùng với bạn mới quen trong quá trình học tập hoặc bạn cùng lớp, trong khi đó chỉ có 12% cho biết có xu hướng đi một mình. Sinh viên quốc tế ở Thượng Hải cũng thể hiện rõ xu hướng du lịch theo nhóm khi đến 98% khảo sát cho biết họ lựa chọn đi cùng bạn bè thuộc nhiều thành phần khác nhau 13 .

Ngoài tham gia trực tiếp, sinh viên quốc tế còn gián tiếp đóng góp vào ngành du lịch thông qua việc thu hút người thân và bạn bè (visiting of friends and relatives, VFR) đến thăm trong quá trình học tập ở quốc gia điểm đến. Tại Australia, khảo sát của Weaver (2003) đã cho thấy đến 78% số sinh viên nước ngoài học tập ở quốc gia này có đón tiếp ít nhất một lần bạn bè hoặc người thân của mình đến thăm trong thời gian theo học. Đặc biệt hơn, thời gian lưu trú của khách dạng VFR này đạt đến 15 ngày, dài hơn rất nhiều so với các đối tượng khách nước ngoài khác. Một thống kê gần đây cho thấy sinh viên quốc tế đã thu hút gần 300.000 lượt khách quốc tế đến Australia theo dạng VFR và đóng góp đến gần 1 tỷ AUD cho ngành du lịch nước này 5 .

Tác động của sinh viên quốc tế đối với việc thu hút thêm khách du lịch quốc tế thông qua các hoạt động thăm viếng cũng được phản ánh qua các nghiên cứu ở các quốc gia khác trên thế giới. Daina và Rasa (2010) đã chỉ ra rằng 67% sinh viên đang du học ở Latvia được khảo sát có bạn bè hay người thân đến thăm trong quá trình học tập. Thời gian lưu trú của nhóm đối tượng này cũng cao hơn hẳn thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch thông thường ở quốc gia này (bình quân 6 ngày so với 1,4 ngày) 15 . Jarvis (2020) cũng cho thấy bức tranh tương tự ở Estonia với 75% số sinh viên tham gia nghiên cứu có thấy họ đã hay sẽ đón người thân hoặc bạn bè đến du lịch trong suốt quá trình học tập của mình 7 . Ở châu Á, Nghiên cứu của Lee và King (2015) cho thấy đến gần 90% du học sinh ở Đài Loan cho biết có ý định mời bạn bè hay người thân của mình đến viếng thăm vùng lãnh thổ này. Mặc dù khảo sát cho thấy chỉ gần 40% trong số này đã thực sự đón người nhà đến thăm, nhưng điều đáng quan tâm là đa số nhóm đối tượng VFR trong khảo sát này cũng tương tự như các nghiên cứu ở trên có thời gian lưu trú trên một tuần, chiếm đến hơn 60%.

Như vậy có thể thấy rằng du khách VFR có liên quan đến du học sinh cũng có vai trò đáng kể đóng góp vào ngành du lịch của quốc gia điểm đến. Thứ nhất, tỷ lệ của nhóm này chiếm trên 50% trên tổng số sinh viên quốc tế, điều này có nghĩa là nếu số lượng du học sinh càng đông, số lượng khách VFR phái sinh có khả năng tăng theo. Thứ hai, số khách VFR này cũng chia sẻ những đặc tính du lịch của sinh viên quốc tế với thời gian lưu trú dài hơn đáng kể so với khách quốc tế khác và tiềm năng chi tiêu theo đó cũng tăng theo.

Từ những nghiên cứu trên thế giới có thể thấy sinh viên quốc tế có vai trò trực tiếp lẫn gián tiếp và tích cực đối với các hoạt động du lịch ở địa phương và quốc gia họ theo học. Trong vai trò là khách du lịch, đây là nhóm khách hàng có nhiều tiềm năng thể hiện qua sự khác biệt so với du khách quốc tế vãng lai ở các điểm sau: 1) tần suất thực hiện các hoạt động du lịch cao hơn; 2) độ dài lưu trú cao hơn, đặc biệt khi tính thêm yếu tố tần suất; 3) tổng chi tiêu lớn với mức bình quân/ngày gần bằng mức bình quân chung; 4) có thói quen du lịch theo nhóm và là yếu tố hạt nhân thu hút thêm bạn bè và người thân cùng đến thăm viếng quốc gia mà mình học tập (VFR). Ngoài những hoạt động du lịch trực tiếp, sinh viên quốc tế còn là một kênh quan trọng quảng bá hình ảnh du lịch của điểm đến thông qua việc chia sẻ các trải nghiệm của mình thông qua các hình thức thông tin đặc trưng của giới trẻ toàn cầu như mạng xã hội và sự loan truyền tự nhiên (words of mouth). Đây là một kênh phi truyền thống rất quan trọng và hữu hiệu so với các biện pháp tiếp thị qua các kênh truyền thống, đặc biệt trong việc tìm kiếm khách hàng mới 20 . Vì vậy đây là một phân khúc khách hàng tiềm năng cần phải được quan tâm khai thác, không chỉ cho những mục tiêu ngắn hạn mà còn phục vụ những mục tiêu dài hạn để quảng bá hình ảnh du lịch của quốc gia điểm đến.

Tiềm năng thu hút sinh viên quốc tế đến du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện theo thống kê trong năm 2019, cả nước có hơn 21.000 sinh viên nước ngoài đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta nước 21 . Trong bối cảnh công tác hội nhập quốc tế ngày càng trở nên quan trọng đối với các trường đại học, con số này sẽ có xu hướng gia tăng trong tương lai. Đây là nhóm đối tượng khách hàng sẵn có, và như đã trình bày ở trên, có nhu cầu du lịch cao và tiềm năng quảng bá du lịch Việt Nam cho giới trẻ toàn cầu. Vì vậy, để có thể tiếp cận hiệu quả phân khúc khách hàng này phục vụ hiệu quả phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các khu vực khác trên cả nước nói chung, nhóm tác giả có những đề xuất như sau:

Trong bối cảnh liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các trường đại học có thế mạnh hợp tác quốc tế ở TP.HCM cùng các trường đối tác ở khu vực này cần mở rộng quan hệ hợp tác kết hợp thêm các hoạt động liên quan đến sinh viên quốc tế. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) với sức mạnh hệ thống gồm 7 trường đại học thành viên và một phân hiệu đào tạo cùng các đơn vị trực thuộc có quan hệ mật thiết với các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tối ưu hóa thế mạnh sinh viên quốc tế trong phát triển du lịch vùng. Hàng năm số lượng người nước ngoài đến học tập tại các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM xấp xỉ trên dưới 3.000 sinh viên, chưa kể đến các học giả đến trao đổi hàng năm. Đây là nhóm du khách tiềm năng có thể thông qua các liên kết giữa các trường đại học thiết kế các chương trình du lịch-giáo dục kết hợp liên trường, trước tiên là với các đơn vị thành viên và trực thuộc là Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM (AGU, VNU-HCM) và Phân hiệu Bến Tre, sau đó là với các trường có cam kết hỗ trợ như Trường Đại học Bạc Liêu (BLU). Như thế không gian liên kết với đầu mối là ĐHQG-HCM sẽ bao quát cả không gian du lịch phía Tây (An Giang, Bạc Liêu) và phía Đông (Bến Tre) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phân bổ đều những tác động tích cực mà sinh viên quốc tế có thể mang lại nhằm phát triển du lịch cho toàn vùng.

Thứ hai, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng xây dựng sản phẩm đặc thù như du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa và du lịch sông nước, đây là những sản phẩm đặc trưng có thể vận dụng để thu hút du khách 22 . Đây là những yếu tố hấp dẫn thu hút sinh viên quốc tế đến để thưởng thức, trải nghiệm và lưu trú từ đó hình thành nên hình thái du lịch giáo dục. Ngoài ra với khoảng cách địa lý chỉ cách TP.HCM từ 1-8h di chuyển bằng ô-tô và các đường bay đến Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc, Vùng ĐBSCL nằm trong phạm vi lý tưởng để sinh viên quốc tế với đặc thù trẻ trung, năng động, mong muốn khám phá có thể thực hiện được các tour từ 1-3 ngày, một độ dài thường được lựa chọn trong các nghiên cứu trên thế giới. Như vậy nếu có chiến lược phát triển hợp lý, vùng ĐBSCL hoàn toàn có điều kiện trở thành một điểm nhấn để ĐHQG-HCM và các trường đại học trong vùng một mặt tối ưu nguồn lực sinh viên quốc tế hiện có trong phát triển du lịch, mặt khác là điểm sáng để quảng bá và thu hút các đối tượng người học nước ngoài tiềm năng để đến học tập và giao lưu.

Nhìn rộng ra phạm vi quốc gia, vùng ĐBSCL với vai trò là một trong 5 vùng du lịch cả nước, với các khu du lịch quốc gia và các sản phẩm du lịch đặc thù tiềm năng của mình, cùng với các đường bay trực tiếp từ các địa phương Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc hay gián tiếp qua Tân Sơn Nhất có nhiều thuận lợi để thu hút sinh viên quốc tế không chỉ ở TP.HCM và nội vùng mà còn từ các trường đại học ở các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung. Một số liên kết liên vùng có thể nghĩ đến bao gồm: TP.HCM-ĐBSCL (50-350km), Hà Nội-ĐBSCL (2000 km), và Đà Nẵng-ĐBSCL (1000km). Các cự ly này tương ứng với các lịch trình kéo dài 1-3 ngày, 4-7 ngày, và 4-6 ngày là những độ dài lịch trình phổ biến đối với sinh viên quốc tế trên thế giới.

Ngoài ra, du lịch kết hợp với các hoạt động xã hội, tình nguyện cũng là một loại hình trải nghiệm thu hút sinh viên quốc tế nhiều tiềm năng mà hiện nay đã và đang được thực hiện tại ĐBSCL. Du lịch tình nguyện (volunteer tourism) là hình thức trải nghiệm du lịch mà khách hàng có thể tham gia vào các hoạt động tham quan kết hợp với các yếu tố hoạt động tình nguyện, từ đó tăng cường quá trình tương tác trao đổi văn hóa giữa du khách và người dân địa phương 23 . Loại hình du lịch này đã phát triển từ lâu và được dự báo là sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với ngày càng nhiều đối tượng cung cấp dịch vụ và quy mô thị trường sẽ ngày càng mở rộng trên phạm vi toàn cầu cùng với quy mô ngày càng tăng của dòng chảy du khách trên thế giới, trong đó có sinh viên quốc tế 24 . Đối với đối tượng sinh viên quốc tế, vừa đi du lịch vừa tham gia vào các hoạt động xã hội và tình nguyện là một loại trải nghiệm đặc biệt thú vị, mang lại cho họ những cảm nhận chân thật về môi trường, con người, văn hóa cũng như cuộc sống ở địa phương thông qua các hoạt động tương tác. Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện còn giúp sinh viên quốc tế được thực hiện “ước mơ” của mình, phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội và phần nào thực hiện được lý tưởng của mình thông qua các hoạt động hỗ trợ cộng đồng 25 . Hiện nay, theo Ngô Thanh Loan & Ngô Huỳnh Thủy Tiên (2018), các hoạt động du lịch tình nguyện ở ĐBSCL khá phong phú và đã có các chương trình do các tổ chức quốc tế cũng như các công ty du lịch trong nước tổ chức kết hợp các hoạt động tham quan với tình nguyện, tham dự hoạt động ở một dự án xã hội, tham gia hoạt động từ thiện, hoặc mua sắm, sử dụng dịch vụ tại một cơ sở xã hội. Với đối tượng du khách của những chương trình này đa phần là các tình nguyện viên-sinh viên quốc tế, thì đây là một loại hình du lịch ở ĐBSCL có nhiều tiềm năng thu hút đối tượng sinh viên nước ngoài. Có thể nói, nếu như có sự quan tâm đúng mức và khai thác hiệu quả thì du lịch tình nguyện ở ĐBSCL không chỉ là một yếu tố thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập và trải nghiệm, mà còn, như nhóm tác giả Ngô Thanh Loan & Ngô Huỳnh Thủy Tiên (2018) đã lập luận, giúp các hoạt động du lịch đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Kết luận và đề xuất

Như vậy có thể thấy được sinh viên quốc tế là một phân khúc tiềm năng vẫn chưa được khai thác ở nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng. Để khai thác hiệu quả nhóm đối tượng khách hàng này, trước tiên ngành du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo đại học nhằm tạo hiệu ứng tương hỗ, một mặt mang các sản phẩm du lịch đến với sinh viên quốc tế hiện đang học tập ở Việt Nam, mặt khác sử dụng hiệu quả hình ảnh du lịch ĐBSCL để thu hút thêm sinh viên quốc tế đến nước ta. Các trường đại học trong Vùng cần phát huy vai trò điểm hội tụ để tạo hiệu ứng lan tỏa toàn vùng. ĐHQG-HCM có vị thế đặc biệt trong việc tận dụng thế mạnh sinh viên quốc tế hiện có. ĐBSCL cần mạnh dạn quảng bá hình ảnh như một vùng du lịch quan trọng cho các tỉnh phía Nam cũng như trên phạm vi toàn quốc.

Ngành du lịch và ngành giáo dục cần có sự liên kết để tối ưu các lợi thế cạnh tranh mà sinh viên quốc tế có thể mang lại. Ngành du lịch có vai trò cung cấp các thông tin quảng bá, giúp cho các trường đại học có sinh viên quốc tế có phương tiện truyền thông các điểm đến du lịch cho các đối tượng này để tăng cường nhận thức của họ đối với các lựa chọn du lịch hiện có. Ngoài ra các thông tin du lịch nên được tích hợp vào các kênh thông tin tuyển sinh nước ngoài của các trường đại học, một mặt tạo điều kiện dễ dàng chia sẻ thông tin qua mạng xã hội, mặt khác góp phần tạo điểm nhấn thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại cơ sở đào tạo cũng như quốc gia điểm đến. Về phía các trường đại học, trong quá trình giới thiệu nhà trường đến với sinh viên quốc tế, cần quan tâm kết hợp các tài liệu thông tin quảng bá du lịch như là một yếu tố cộng hưởng thu hút tuyển sinh bênh cạnh các chương trình đào tạo 19 . Ngoài ra do đặc thù nhóm đối tượng này có thể thu hút thêm bạn bè và người thân đến thăm (VFR), ngành du lịch và các trường đại học có thể kết hợp thiết kế những tour du lịch trọn gói thiết kế riêng cho mục đích VFR không chỉ giới hạn xung quanh khu vực học tập mà còn có thể mở rộng ra các điểm đến xa hơn nhằm tạo sự khác biệt 10 .

Ngoài ra, các bên liên quan (stakeholders) trong bức tranh chung của ngành du lịch ĐBSCL nói chung và các tỉnh trong vùng nói riêng cần xác định được các thế mạnh đặc trưng, từ đó phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù ở từng địa phương nhắm vào các đối tượng khách du lịch phù hợp. Nếu như các sản phẩm du lịch tâm linh, văn hóa, hay trải nghiệm sông nước có thể thu hút du khách ở các độ tuổi từ trung niên trở lên, thì du lịch tình nguyện, như đã nói ở trên, đặc biệt phù hợp với yêu cầu mong muốn được trải nghiệm thực tế và thực hiện lý tưởng của đối tượng sinh viên quốc tế. Như vậy nên chăng cần có những chương trình kết hợp du lịch tình nguyện với trải nghiệm văn hóa nhắm đến nhóm đối tượng này, đặc biệt từ liên kết trường đại học-doanh nghiệp du lịch. Nếu làm được điều này, các chương trình du lịch trải nghiệm-tình nguyện sẽ trở thành một sản phẩm có lượng du khách ổn định, vừa tăng cường các trải nghiệm của sinh viên quốc tế, vừa góp phần vào quá trình giao lưu văn hóa tạo sự hiểu biết giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cũng như đóng góp thiết thực vào công tác xã hội và phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương trong khu vực ĐBSCL.

danh mục từ viết tắt

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

ĐBSCL: Đồng bằng sông Cửu Long:

VFR: thu hút người thân và bạn bè (Visiting of friends and relatives)

AUG, VNU-HCM: Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM

Lời cảm ơn

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2020-18.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả cam kết không có xung đột lợi ích trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

- Mai Thị Kim Khánh: Triển khai ý tưởng, phân tích tư liệu và dữ liệu thu thập được, soạn thảo, hiệu đính cuối cùng.

- Nguyễn Thị Quỳnh Như: tập hợp, xử lý tư liệu, chỉnh sửa văn bản theo mẫu tạp chí.

References

  1. OECD. Education at a Glance: OECD Indicators . Paris: OECD Publishings. . 2019;:. Google Scholar
  2. Chan S.J.. Shifting Patterns of Student Mobility in Asia. Higher Education Policy. . 2012;(25):207-224. Google Scholar
  3. Ministry of Education. Statistical report on international students in China for 2018. . 2019;:. Google Scholar
  4. Yang Z.. International Students in China: facts, paths and challenges. International Higher Education. . 2019;(97):18-20. Google Scholar
  5. Godfrey A., Hall R.. International Education Association of Australia. Edu-tourism and the impact of international students. . 2020;:. Google Scholar
  6. Glover P.. International Students: Linking Education and Travel. Journal of Travel & Tourism Marketing. . 2011;28(2):180-195. Google Scholar
  7. Jarvis J.. Study in Estonia: the strategic implications of hosting international students on Estonia's tourism economy. Journal of Baltic Studies. . 2020;:. Google Scholar
  8. Weaver D.. The contribution of international students to tourism beyond the core educational experience: Evidence from Australia. Tourism Review International. . 2003;7(2):95-105. Google Scholar
  9. Varasteh H.. International students' travel behaviour in Malaysia. Anatolia. . 2015;26(2):200-216. Google Scholar
  10. Lee C.F., King B.. International Students in Asia: Travel Behaviors and Destination Perceptions. Asia Pacific Journal of Tourism Research. . 2015;:. Google Scholar
  11. Shi Y.. Travel Behavior of International Students at a University in Japan: A Comparison of Chinese and Non-Chinese Students. Journal of China Tourism Research. . 2010;6(1):61-72. Google Scholar
  12. Moisă C.O.. The Distinctiveness Of The Youth Travel Product. Annales Universitatis Apulensis Series Oeconomica. . 2010;12(2):638-648. Google Scholar
  13. Mundia M.. A study on the travel behavior of Shanghai International Students. IOSR Journal of Business and Management. . 2014;16(3):88-94. Google Scholar
  14. Freestone P., Geldens P.. For More tha Just the Postcard: Student exchange as a tourist experience? Annals of Leisure Research. . 2008;11(1-2):41-56. Google Scholar
  15. Daina V., Rasa R.D.. Foreign students as a contributing factor for Tourism in Latvia. Journal of Turiba University Acta Prosperitatis. . 2010;10:. Google Scholar
  16. Lantai T., Mei X.Y.. Travel behaviour of Mainland Chinese international students in Norway. Anatolia. . 2017;28(3):394-403. Google Scholar
  17. Davidson M.. International Education. Gold Coast : CRC for Sustainable Tourism Pty Ltd. . 2010;:. Google Scholar
  18. Tourism Bureau, MOTC (Taiwan). Annual Report on Tourism Taiwan ROC. Taipei. . 2017;:. Google Scholar
  19. Shankar A.C.. Tourists spent RM41.69b in Malaysia in the first half of 2019. . 2019;:. Google Scholar
  20. Trusov M.. Effects of Word-of-Mouth VersusTraditional Marketing: Findings froman Internet Social Networking Site. Journal of Marketing. . 2009;73:90-102. Google Scholar
  21. Tiền Phong. Gần 21.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập ở Việt Nam. Tiền Phong. . 2019;:. Google Scholar
  22. Sen V.V.. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long. TP.HCM: NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM. . 2018;:. Google Scholar
  23. Loan N.T.. Du lịch kết hợp với các hoạt động xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long. In V. V. Sen, N. T. Lan, & N. T. Loan, Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long. TP.HCM: NXB ĐHQG-HCM. . 2018;:383-395. Google Scholar
  24. Benson A.M.. Volunteer tourism: theory and practice. In A. M. Benson (Ed.), Volunteer tourism: Theory framework to Practical applications. New York: Routledge. . 2011;:1-6. Google Scholar
  25. Chan J.K.. Developing and promoting sustainable volunteer tourism sites in Sabah, Malaysia: experiences, dimensions and tourists' motives. In A. M. Benson (Ed.), Volunteer tourims: Theory framework to Practical applications. New York : Routledge.. . 2011;:71-89. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 1 (2021)
Page No.: 947-954
Published: Mar 31, 2021
Section: Reviews - Science Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i1.652

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Khanh, M., & Nhu, N. (2021). International students: potential clients for Mekong Delta Tourism. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(1), 947-954. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i1.652

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 436 times
Download PDF   = 181 times
View Article   = 0 times
Total   = 181 times