VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

234

Total

84

Share

Learners’ and employers’ feedback on Library and Information Science training program, University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Updating training program to meet practical requirements is one of the important tasks of educational institutions. A study accordingly was conducted to find out employers’ and learners’ feedback to the Library and Information Science training program, Faculty of Library and Information Science, University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City. The study employs a survey research method through the use of questionnaires for 38 fourth-year Library and Information Science students, combined with the results from questionnaires and group interviews with 15 employers who are working in libraries and information centres in Ho Chi Minh City. Research results show that there is a consensus among employers and students on the training program. They provided positive feedback on the program. The study also found differences in opinions between employers and students. Despite positive feedback, changes to the curriculum objectives, learning outcomes, curriculum framework, and subject content still need to be made to ensure the practicality of the program. The study also helps to draw some experiences for future surveys.

GIỚI THIỆU

Công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) yêu cầu chương trình đào tạo (CTĐT) phải kịp thời cập nhật với những thay đổi của thực tiễn. Điều này liên quan đến một quá trình xem xét liên tục phản hồi của các bên liên quan (BLQ). Chính vì vậy, bộ tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định CTĐT cần được cập nhật có sự tham khảo ý kiến của các BLQ theo định kỳ hai năm một lần, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phản hồi của nhà tuyển dụng (NTD) và người học 1 . Mỗi BLQ có hiểu biết nhất định về nội dung đào tạo và có yêu cầu khác nhau đối với công tác đào tạo. Do đó, để xác định chính xác cũng như sử dụng được yêu cầu của các BLQ trong việc cập nhật CTĐT, các đơn vị đào tạo cần triển khai công tác này dựa trên các phương pháp và nguyên tắc khoa học 2 .

Không nằm ngoài bối cảnh chung đó, Khoa Thư viện – Thông tin học (TV-TTH), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có những nỗ lực nhằm ĐBCL cho các CTĐT của khoa, trong đó có ngành Thông tin – Thư viện (TT-TV). Từ năm 2013 đến 2018 ngành TT-TV được chia thành hai chuyên ngành là Thư viện – Thông tin (TV-TT) và Quản trị thông tin. Bắt đầu từ năm 2019, việc chia chuyên ngành không còn được thực hiện; thay vào đó, CTĐT của chuyên ngành TV-TT tiếp tục được sử dụng và phát triển cho ngành TT-TV. Hay nói cách khác, CTĐT của chuyên ngành TV-TT là cơ sở để xây dựng CTĐT ngành TT-TV từ khoá tuyển sinh năm 2019 trở về sau.

Bên cạnh các khảo sát và hoạt động ĐBCL được thực hiện thường xuyên dưới sự điều phối của Phòng Khảo thí và ĐBCL của nhà trường, tháng 10 năm 2020 một nghiên cứu khảo sát đã được thực hiện thêm nhằm tìm kiếm phản hồi của NTD và sinh viên (SV) năm thứ tư của chuyên ngành TV-TT với mục đích điều chỉnh CTĐT ngành TT-TV cho khoá tuyển sinh 2021 trở về sau. Bài viết này tập trung trình bày kết quả của nghiên cứu khảo sát trên.

Một CTĐT lý tưởng sẽ gồm sáu thành phần: mục tiêu của CTĐT, chuẩn đầu ra (CĐR), ý tưởng chủ đạo để thiết kế CTĐT, khung CTĐT, ma trận các môn học, đề cương các môn học 3 . Mô hình này đã được sử dụng để định hướng cho quá trình thực hiện nghiên cứu khảo sát phản hồi của NTD và người học đối với CTĐT ngành TT-TV.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Mục tiêu hàng đầu của các cơ sở giáo dục (CSGD) đại học (ĐH) là tối đa hoá việc học tập và phát triển của SV; và ĐBCL sẽ giúp các CSGD đạt được mục tiêu này thông qua quá trình cải tiến liên tục 4 . Quá trình cải tiến này cần có sự tham gia của các BLQ. BLQ được định nghĩa như một cá nhân hoặc nhóm người/tổ chức chịu ảnh hưởng hoặc có khả năng tác động đến việc đạt được các mục tiêu của tổ chức 5 . Các BLQ thường được chia thành hai nhóm: bên trong và bên ngoài. SV được xem là đại diện cho nhóm các BLQ bên trong, còn NTD là đại diện cho nhóm các BLQ bên ngoài 6 . Cả hai BLQ bên trong và bên ngoài có nhu cầu và kỳ vọng khác nhau đối với một CSGD ĐH nói chung và CTĐT nói riêng; do đó việc thu thập ý kiến đa chiều từ các BLQ hỗ trợ cho quá trình cải tiến đặc biệt được nhấn mạnh 7 .

Để thực hiện quy trình ĐBCL cho CTĐT, nhiều nghiên cứu đã tiến hành thu thập phản hồi của các BLQ thông qua việc sử dụng kết hợp dữ liệu định lượng và định tính. Larusdottir, Daniels & McDermott 8 đã thu thập ý kiến của giảng viên và NTD nhằm giải thích và cải tiến chất lượng chương trình cử nhân của Khoa Khoa học máy tính tại Đại học Reykjavik, Iceland. Nghiên cứu này đã thu thập cả dữ liệu định lượng và định tính thông qua việc sử dụng phỏng vấn bán cấu trúc và bảng hỏi với các BLQ để giúp nâng cao nhận thức của các khoa trong việc cải tiến CTĐT của một khoá học cụ thể dưới góc độ của các tiêu chuẩn quốc tế. Shah, Grebennikov & Nair 9 đã trình bày kết quả của bốn nghiên cứu riêng biệt được thực hiện tại hai trường đại học của Úc từ năm 2003 đến năm 2012 về phản hồi của NTD đối với với chất lượng của SV tốt nghiệp ĐH. Các dữ liệu định lượng và định tính thu thập được từ các nghiên cứu này đã chứng minh có sự đồng thuận giữa các NTD về những kỹ năng và năng lực mà SV tốt nghiệp cần phải có để bắt đầu làm việc tại các cơ quan, tổ chức. Tương tự, trường ĐH Curtin, Úc đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đảm bảo tính ưu việt và bền vững cho các CTĐT của trường vào năm 2010 thông qua việc xác định hình mẫu SV tốt nghiệp 10 . Ba chiến lược đã được sử dụng để giúp trường ĐH Curtin đạt được mục tiêu này: (1) tích hợp các đặc điểm của SV tốt nghiệp vào chương trình cấp bằng và đảm bảo sự tương thích giữa CĐR và phương pháp kiểm tra đánh giá; (2) tìm kiếm ý kiến của SV tốt nghiệp, NTD và các nhóm quản lý CTĐT về hình mẫu SV tốt nghiệp; (3) SV tự đánh giá và đánh giá chéo hình mẫu SV tốt nghiệp thông qua hệ thống hồ sơ điện tử (eportfolio) toàn trường. Nghiên cứu cũng đã xác định ba thách thức liên quan đến hình mẫu SV tốt nghiệp và việc đổi mới gồm: sự tham gia của đội ngũ giảng dạy và nhân viên của trường, thời gian cần thiết để đảm bảo đổi mới hiệu quả và chứng minh việc đạt được hình mẫu SV tốt nghiệp. Không tập trung vào ý kiến của NTD, nghiên cứu được thực hiện tại một khoa đào tạo về Kinh doanh của Hoa Kỳ đã sử dụng phản hồi của SV như một nguồn dữ liệu cần thiết trong quá trình cải tiến CTĐT 11 . Nghiên cứu này đã sử dụng kết hợp khảo sát bảng hỏi và nhóm tập trung đối với SV để thu thập phản hồi trong hai vấn đề: (1) cấu trúc, hoạt động và tác động của môn Nhập môn kinh doanh được cung cấp trong năm nhất; (2) tiềm năng bổ sung các chuyên ngành, nội dung và yêu cầu môn học cho CTĐT của khoa Kinh doanh.

Các nghiên cứu được đề cập ở trên cho thấy vai trò quan trọng của các BLQ trong việc phát triển CTĐT, trong đó có NTD và người học. Đồng thời, phản hồi của các BLQ có thể được thu thập bằng nhiều phương thức khác nhau để cung cấp các dữ liệu phù hợp hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các CSGD ĐH.

Mặc dù các nghiên cứu tìm kiếm phản hồi của các BLQ đã được thực hiện đối với một số chuyên ngành đào tạo như trình bày ở trên, tuy nhiên tổng quan tài liệu cho thấy có sự thiếu hụt các công bố khoa học liên quan đến phản hồi của NTD đối với CTĐT ngành TT-TV. Việc thực hiện khảo sát tìm kiếm phản hồi của các BLQ là hoạt động thường niên của đa số các trường có đào tạo ngành TT-TV tại Việt Nam, nhưng kết quả khảo sát chủ yếu được sử dụng nội bộ để điều chỉnh CTĐT.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Mẫu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát thông qua (1) bảng hỏi đối với người học và (2) bảng hỏi kết hợp với phỏng vấn nhóm đối với NTD.

Về phía người học, nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu từ toàn bộ 38 SV năm thứ tư chuyên ngành TV-TT của Khoa TV-TTH. SV năm thứ tư được lựa chọn tham gia nghiên cứu vì có nhiều trải nghiệm đối với CTĐT hơn so với các SV từ năm thứ ba trở xuống.

Về phía NTD, thông qua chiến lược mẫu tiện lợi, 15 NTD đến từ các cơ quan TT-TV trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý tham gia nghiên cứu. Các NTD tham gia khảo sát chủ yếu đến từ các thư viện (TV) ĐH (86,7%) bao gồm khối trường công lập, tư thục, nước ngoài; số còn lại (13,3%) đến từ các trung tâm thông tin và TV công cộng.

Phương pháp thu thập dữ liệu

Trước khi thu thập dữ liệu, NTD được cung cấp các tài liệu trình bày mục tiêu CTĐT, CĐR, ý tưởng chủ đạo để thiết kế CTĐT, khung CTĐT, ma trận các môn học, đề cương tổng quát. Trong khi đó, ngoại trừ phần ý tưởng chủ đạo để thiết kế chương trình, SV được cung cấp năm thành phần còn lại của CTĐT. Để đảm bảo tính cập nhật và có ý nghĩa cho việc điều chỉnh CTĐT của khoá 2021, nghiên cứu sử dụng CTĐT ngành TT-TV được phê duyệt vào tháng 08 năm 2019 để khảo sát 12 . CTĐT chuyên ngành TV-TT cho khoá 2017 (đối tượng khảo sát của nghiên cứu này) không có nhiều sự khác biệt so với CTĐT ngành TT-TV của khoá 2019 ngoại trừ cách phát biểu CĐR theo cách thức mới.

Nghiên cứu đã tìm hiểu phản hồi của NTD đối với CTĐT thông qua bảng hỏi với các câu hỏi đóng kết hợp một số lượng nhỏ câu hỏi mở, tập trung vào các nội dung như mục tiêu CTĐT, CĐR, khung CTĐT, nội dung các môn học. Bảng hỏi dành cho NTD được thiết kế trực tuyến bằng Google Forms, được phân phối và hoàn thành vào tháng 10 năm 2020. Sau đó, các NTD tiếp tục tham gia vào một phỏng vấn nhóm vào đầu tháng 11 năm 2020. Các câu hỏi của phỏng vấn nhóm được thiết kế dựa trên kết quả của khảo sát bảng hỏi nhằm làm rõ các kết quả, vấn đề của khảo sát bảng hỏi. Nghiên cứu không tiến hành ghi âm và thu hình đối với phỏng vấn nhóm vì không nhận được sự chấp thuận của một số NTD, vì vậy nội dung phỏng vấn được ghi chú lại bằng tay.

Đồng thời, nghiên cứu thực hiện một khảo sát bằng bảng hỏi đối với SV, chủ yếu là các câu hỏi đóng kết hợp một số lượng nhỏ câu hỏi mở. Bảng hỏi giấy được cung cấp cho SV vào tháng 10 năm 2020. Nội dung của bảng hỏi tập trung vào hai nội dung chính: (1) phản hồi về CTĐT (mục tiêu CTĐT, CĐR, khung CTĐT và nội dung các môn học); (2) thái độ đối với ngành học và dự định trong tương lai về nghề nghiệp. Trong đó, nội dung thứ nhất được thiết kế dựa trên các thành phần của CTĐT đã cung cấp cho SV tham khảo trước khi thực hiện bảng hỏi. Nội dung thứ hai giúp tìm kiếm thêm thông tin về thái độ và dự định của SV sau khi đã trải nghiệm gần hết CTĐT.

Từ kinh nghiệm của cuộc khảo sát đã được thực hiện trước đây của khoa cho thấy NTD và SV không có những đóng góp về ý tưởng thiết kế chương trình và ma trận các môn học, nguyên nhân có thể xuất phát từ hạn chế trong hiểu biết về thiết kế CTĐT của NTD và SV. Vì vậy, trong nghiên cứu này, hai nội dung trên đã được giảm tải khỏi khảo sát.

Cả hai bảng hỏi đều chủ yếu thể hiện các đáp án thể hiện mức độ cần thiết/phù hợp của các hạng mục nội dung, cụ thể:

  • Mục tiêu CTĐT và khung CTĐT: sử dụng ba mức độ gồm “không phù hợp”, “phù hợp, nhưng cần điều chỉnh”, “phù hợp, không cần điều chỉnh’.

  • CĐR: sử dụng bốn mức độ gồm “không cần”, “khá cần”, “cần”, “rất cần”.

Phương pháp phân tích dữ liệu

Đối với dữ liệu định lượng từ bảng hỏi, nghiên cứu tiến hành mã hoá và sử dụng phương pháp thống kê mô tả để tính tỷ lệ các câu trả lời bằng Excel.

Đối với dữ liệu định tính từ các câu hỏi mở trong bảng hỏi cũng như phỏng vấn nhóm, nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích nội dung. Excel cũng được sử dụng để phân tích các dữ liệu định tính bằng cách tổng hợp các câu trả lời và ghi chú phỏng vấn cũng như xác định các nội dung chính.

Đồng thời, để thuận tiện cho việc phân tích dữ liệu và trình bày kết quả, các CĐR cũng đã được mã hoá (Bảng 1).

Table 1 Mã hoá chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành Thông tin - Thư viện

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Phản hồi của nhà tuyển dụng

Phản hồi đối với mục tiêu CTĐT

Kết quả phân tích cho thấy mục tiêu CTĐT nhận được sự đồng thuận của các NTD. Cụ thể, trong bảng hỏi, toàn bộ 15 NTD đều cho rằng mục tiêu CTĐT được thiết kế phù hợp và không cần điều chỉnh. Kết quả này được củng cố bởi kết quả phỏng vấn nhóm khi 100% NTD đều thể hiện mục tiêu CTĐT là phù hợp và không có ý kiến nào liên quan đến việc điều chỉnh mục tiêu CTĐT.

Phản hồi đối với CĐR của CTĐT

Kết quả phân tích bảng hỏi cho thấy đa số bốn nhóm CĐR đều được đánh giá ở mức “rất cần”, “cần”, “khá cần”.

Đối với nhóm CĐR về kiến thức, nhìn chung các CĐR đều được đánh giá ở mức “rất cần”, “cần”, “khá cần” ( Figure 1 ). Trong đó, mức “rất cần” cao nhất thuộc K2 và K3 (07 NTD, chiếm 46,7%), và thấp nhất là K1 (02 NTD, chiếm 13,3%). Mức “khá cần” không có sự chênh lệch lớn giữa K2, K3, K4. Tuy nhiên, có 01 NTD (6,7%) cho rằng K3 là “không cần”. Như vậy, các CĐR về kiến thức cần có sự điều chỉnh để đạt được mức độ đánh giá cần thiết cao hơn.

Figure 1 . Phản hồi của nhà tuyển dụng về mức độ cần thiết của chuẩn đầu ra về kiến thức

Đối với nhóm CĐR về kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp, hầu hết các NTD đều đánh giá ở mức “rất cần” và “cần” ( Figure 2 ). Trong đó, mức “rất cần” cao nhất thuộc về PSA2 và PSA3 với 13 NTD (86,7%), thấp nhất là PSA1 với 07 NTD (46,7%). Duy nhất chỉ có PSA4 được 01 NTD (6,6%) cho là “khá cần”. Như vậy, không có nhiều sự thay đổi đối với nhóm CĐR này, ngoại trừ việc xem xét thêm đối với PSA4.

Figure 2 . Phản hồi của nhà tuyển dụng về mức độ cần thiết của chuẩn đầu ra về kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp

Đối với nhóm CĐR về kỹ năng và phẩm chất cá nhân, tất cả các CĐR đều được đánh giá là “rất cần” và “cần” ( Figure 3 ). Trong đó, mức “rất cần” cao nhất lần lượt thuộc về ISA4 (11 NTD, chiếm 73,3%), thấp nhất là ISA1 (07 NTD, chiếm 46,7%). Như vậy, không có nhiều sự thay đổi đối với nhóm CĐR này, ngoại trừ việc xem xét thêm ISA1.

Figure 3 . Phản hồi của nhà tuyển dụng về mức độ cần thiết của chuẩn đầu ra về kỹ năng và phẩm chất cá nhân

Đối với nhóm CĐR về năng lực thực hành nghề nghiệp, đa số các CĐR đều đạt được mức “rất cần” cao hơn, ngoại trừ C2 ( Figure 4 ). Mức “rất cần” cao nhất thuộc về C1 và C3 (09 NTD, chiếm 60%), thấp nhất là C2 (07 NTD, 46,7%). Có 01 NTD (6,7%) đánh giá C1 ở mức “khá cần”. Như vậy, có sự đồng thuận cao với các CĐR này nhưng vẫn cần xem xét điều chỉnh.

Figure 4 . Phản hồi của nhà tuyển dụng về mức độ cần thiết của chuẩn đầu ra về năng lực thực hành nghề nghiệp

Ý kiến của NTD trong phỏng vấn nhóm chỉ ra rằng các CĐR của CTĐT cần chú trọng hơn nữa đến các CĐR về kiến thức K1, K3, K4. Cụ thể:

  • Ý kiến về việc CTĐT cần giúp người học “Phân tích được bối cảnh môi trường thông tin và hoạt động TT-TV” nhận được sự đồng thuận cao của các NTD (liên quan đến K1).

  • Ý kiến về việc làm thế nào để người học không chỉ thực hiện được các công tác nghiệp vụ mà phải “Phân tích được các lý thuyết, nguyên tắc, cách thức của các công tác trong hoạt động TT-TV” (liên quan đến K3) và “Xác định được các ứng dụng CNTT&TT trong hoạt động TV trong môi trường số” (liên quan đến K4) cũng nhận được sự đồng thuận cao của các NTD.

Như vậy, kết quả phỏng vấn nhóm và bảng hỏi đều chủ yếu đề cập đến việc điều chỉnh đối với các CĐR về kiến thức. Ngoài ra, một số điều chỉnh nhỏ đối với ba nhóm CĐR còn lại cũng cần được xem xét dựa trên kết quả của bảng hỏi.

Phản hồi đối với khung CTĐT

Kết quả khảo sát bảng hỏi cho thấy có 20% NTD (03 NTD) cho rằng khung CTĐT là phù hợp và không cần phải điều chỉnh, 80% (12 NTD) cho rằng khung CTĐT là phù hợp nhưng vẫn cần có sự điều chỉnh.

Kết quả phỏng vấn nhóm chỉ ra những điểm cần điều chỉnh trong khung CTĐT, cụ thể:

  • Giảm tín chỉ khối kiến thức giáo dục đại cương.

  • Giảm/lược bỏ những môn học chú trọng trang bị các kỹ thuật nghiệp vụ TV, ví dụ như Thư mục học, các môn về xử lý hình thức và nội dung tài liệu. Thay vào đó, nên thiết kế các môn học tập trung vào kỹ năng tổ chức dịch vụ TT-TV hiện đại, kỹ năng mềm, kỹ năng sử dụng các ứng dụng CNTT&TT.

Như vậy, kết quả phỏng vấn nhóm và bảng hỏi đều chỉ ra sự cần thiết của việc điều chỉnh khung CTĐT, cụ thể là khối kiến thức giáo dục đại cương và sự chuyển đổi các môn học kỹ thuật nghiệp vụ sang các môn về dịch vụ, kỹ năng mềm và ứng dụng CNTT&TT. Việc điều chỉnh khối kiến thức giáo dục đại cương nằm ngoài phạm vi quản lý của khoa, vì vậy sự chuyển đổi giữa các môn học sẽ được lưu ý khi điều chỉnh CTĐT.

Phản hồi đối với nội dung trong các môn học

Kết quả khảo sát bảng hỏi và phỏng vấn nhóm cho thấy những điều chỉnh trong nội dung giảng dạy của các môn học như sau:

  • Các môn học về tài nguyên thông tin: chú trọng hướng dẫn về quy trình và chính sách bổ sung, so sánh quy trình giữa các cơ quan TT-TV, giao dịch và đánh giá chất lượng thông tin/tài liệu điện tử/cơ sở dữ liệu (CSDL), tài nguyên giáo dục mở và giấy phép bản quyền mở.

  • Các môn học về quản lý hoạt động TT-TV : bổ sung nội dung về giám sát và đo lường hiệu quả hoạt động.

  • Các môn học về biên mục, phân loại tài liệu, tóm tắt: chú trọng kỹ năng tìm kiếm và đánh giá chất lượng biểu ghi từ các nguồn khác nhau. Đối với biên mục chủ đề cần dạy người học biết lựa chọn chủ đề phù hợp với loại hình cơ quan TT-TV và người sử dụng.

  • Các môn học về dịch vụ TT-TV: chú trọng các nội dung về việc tạo ra các sản phẩm thông tin có giá trị gia tăng; các phương thức phục vụ thông tin hiện đại; tìm tin theo yêu cầu bao gồm cả đánh giá tài liệu dịch vụ tham khảo; kỹ năng truyền tải sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng khai thác CSDL trực tuyến; thiết kế brochure, video clip, giới thiệu tài liệu và dịch vụ; công cụ nghiên cứu người dùng tin; quản trị chất lượng dịch vụ; các dịch vụ mới như hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ giảng dạy/học tập, đổi mới/sáng tạo, không gian sáng chế và khu vực sáng tạo.

  • Môn học về hệ thống tìm tin: cần có các nội dung liên quan đến cấu trúc CSDL, đặc biệt các CSDL lớn và nổi tiếng.

  • Các môn học về ứng dụng CNTT&TT: cung cấp kiến thức về các hệ thống quản lý TV hiện đại trên thế giới; bối cảnh, tiêu chuẩn liên quan đến CNTT thường được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới; so sánh các phần mềm nước ngoài và phần mềm sản xuất tại Việt Nam; nhận diện được nhu cầu của người sử dụng đối với các sản phẩm công nghệ và các ứng dụng CNTT; xây dựng bộ tiêu chuẩn để tư vấn cho các TV khi lựa chọn công nghệ; các phần mềm mã nguồn mở; ảo mật thông tin/an toàn thông tin; các ứng dụng trong hoạt động TT-TV.

  • Các môn học về kỹ năng mềm: không chỉ đơn thuần dạy các kỹ năng mà cần giúp người học tự nhận thức được các kỹ năng cần có và cách khắc phục điểm yếu của bản thân; giảng dạy kỹ năng giao tiếp, thuyết minh và tranh luận, tổ chức các sự kiện, tổ chức không gian, ứng xử trong môi trường công sở.

  • Phần thực tập thực tế: cho phép chọn nội dung thực tập theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp.

Như vậy, kết quả khảo sát chỉ ra sự cần thiết của việc điều chỉnh nội dung các môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành, bổ trợ và thực tập thực tế theo hướng cập nhật các kiến thức mới của ngành TT-TV cũng như điều kiện thực tiễn công việc. Điều này cũng sẽ được lưu ý khi điều chỉnh CTĐT.

Phản hồi của người học đối với chương trình đào tạo

Phản hồi đối với mục tiêu CTĐT

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có nhiều sự khác biệt giữa phản hồi của SV và NTD đối với mục tiêu CTĐT. Hầu hết các SV (76,3%) thể hiện sự đồng thuận đối với mục tiêu CTĐT. Mục tiêu của CTĐT được cho là đã được phát biểu phù hợp và không cần điều chỉnh gì. Số SV còn lại (23,7%) cho rằng mục tiêu CTĐT là phù hợp nhưng vẫn cần có sự điều chỉnh.

Phản hồi đối với CĐR của CTĐT

Tương tự kết quả khảo sát NTD, kết quả phân tích bảng hỏi SV cho thấy đa số bốn nhóm CĐR đều được đánh giá ở mức “rất cần”, “cần”, “khá cần”.

Đối với nhóm CĐR về kiến thức, nhìn chung các CĐR đều được đánh giá ở mức “rất cần”, “cần”, “khá cần” ( Figure 5 ). Trong đó, mức “rất cần” cao nhất thuộc K3 (19 SV, chiếm 50%), và thấp nhất là K1 (08 SV, chiếm 21,1%). K1 nhận mức “cần” thấp nhất (13 SV, chiếm 34,2%) và mức “khá cần” cao nhất (17 SV, chiếm 44,7%). K2, K3 và K4 cũng nhận được những phản hồi là “khá cần” nhưng với số lượng SV ít hơn K1. Như vậy, có sự tương đồng trong ý kiến của NTD và SV khi đều thể hiện cần có sự cải thiện đối với nhóm CĐR kiến thức, trong đó K1 cần được chú ý xem xét nhiều hơn.

Figure 5 . Phản hồi của sinh viên về mức độ cần thiết của chuẩn đầu ra về kiến thức

Đối với nhóm CĐR về kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp, hầu hết các SV đều đánh giá ở mức “rất cần” và “cần” ( Figure 6 ). Trong đó, mức “rất cần” cao nhất thuộc về PSA4 với 22 SV (57,9%), thấp nhất là PSA1 với 08 SV (21,1%). Các ý kiến “khá cần” và “không cần” được phân chia cho cả năm CĐR với số lượng SV không cao. Nhìn chung, có sự tương thích giữa kết quả khảo sát NTD và SV khi đều cho thấy PSA1 đạt mức “rất cần” thấp nhất. Tuy nhiên, sự đồng thuận của SV đối với các CĐR về kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp không cao bằng NTD khi xuất hiện các ý kiến thể hiện sự “không cần” đối với các CĐR, trong khi điều này không thấy được trong kết quả khảo sát NTD.

Figure 6 . Phản hồi của sinh viên về mức độ cần thiết của chuẩn đầu ra về kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp

Đối với nhóm CĐR về kỹ năng và phẩm chất cá nhân, hầu hết các CĐR đều được đánh giá là “cần” và “khá cần” ( Figure 7 ). Mức “rất cần” cao nhất lần lượt thuộc về ISA5 (08 SV, chiếm 21,1%), thấp nhất là ISA4 (02 SV, chiếm 5,3%). Một số lượng tương đối cao SV cho rằng các CĐR chỉ ở mức “khá cần” hoặc “không cần”, đặc biệt là ISA1 và ISA5. Kết quả này cho thấy có sự khác biệt giữa NTD và SV về mức độ đồng thuận với nhóm CĐR này khi SV thể hiện sự đồng thuận thấp hơn so với NTD.

Figure 7 . Phản hồi của sinh viên về mức độ cần thiết của chuẩn đầu ra về kỹ năng và phẩm chất cá nhân

Đối với nhóm CĐR về năng lực thực hành nghề nghiệp, đa số các CĐR đều đạt được mức “rất cần” cao hơn ( Figure 8 ). Mức “rất cần” cao nhất thuộc về C1 và C3 (27 SV, chiếm 71,1%), thấp nhất là C2 (23 SV, chiếm 60,1%). Kết quả cho thấy có sự tương đồng giữa NTD và SV đối với các CĐR về năng lực thực hành nghề nghiệp khi đều thể hiện sự đồng thuận cao với các CĐR đã thiết lập.

Figure 8 . Phản hồi của sinh viên về mức độ cần thiết của chuẩn đầu ra về năng lực thực hành nghề nghiệp

Tương tự như khảo sát NTD, kết quả khảo sát SV chỉ ra phản hồi tích cực đối với các CĐR và chủ yếu đề cập đến việc điều chỉnh các CĐR về kiến thức. Tuy nhiên, SV không thể hiện sự đồng thuận cao bằng NTD đối với các CĐR về kỹ năng và phẩm chất. Do đó, khoa cần lưu ý việc điều chỉnh đối với các CĐR kiến thức, CĐR kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp và cá nhân.

Phản hồi đối với khung CTĐT

Kết quả khảo sát cho thấy có 71% NTD cho rằng khung CTĐT là phù hợp và không cần phải điều chỉnh, 29% cho rằng khung CTĐT là phù hợp nhưng vẫn cần có sự điều chỉnh.

Đồng thời, SV cũng đưa ra một số phản hồi liên quan đến việc bổ sung/tăng cường và lược bỏ/giảm tải các môn học, cụ thể:

  • Bổ sung/tăng cường các môn học tập trung đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng liên quan đến CNTT&TT, tiếng Anh chuyên ngành, kiến thức về dịch vụ thông tin hiện đại, marketing, tâm lý học.

  • Lược bỏ/giảm tải các môn học có nội dung thiên về kỹ thuật nghiệp vụ gồm các môn liên quan đến biên mục, phân loại tài liệu, thư mục, dịch vụ TV truyền thống.

  • Lược bỏ/giảm tải các môn học đại cương.

Có thể thấy, các phản hồi về bổ sung/tăng cường hay giảm tải/lược bỏ các môn học là khá tương đồng với một số phản hồi của NTD.

Phản hồi đối với nội dung các môn học

SV không cung cấp nhiều ý kiến liên quan đến nội dung các môn học như NTD. Các ý kiến tập trung vào hai nội dung:

  • Lược bỏ một số nội dung cũ, lạc hậu;

  • Tăng cường các bài tập có tính áp dụng thực tế cao và bài tập thực hành.

Mặc dù không cung cấp nhiều phản hồi về nội dung các môn học nhưng các góp ý của SV cũng cho thấy sự tương đồng với một số ý kiến của NTD khi đều đề cập đến sự cập nhật và tính thực tế trong nội dung các môn học.

Thái độ đối với ngành học và dự định tương lai

Các phản hồi cho thấy ngành TT-TV không nhận được sự quan tâm theo đuổi của người học. Điều này được thể hiện qua lý do chọn ngành học, đó là 15,8% SV theo học vì mong muốn thực sự của bản thân, 84,2% theo học vì không đủ điều kiện học ngành đúng nguyện vọng ưu tiên hoặc vì một sự tình cờ nào đó. Điều này cũng được thể hiện qua con số 36,8% SV có ý định chuyển ngành trong quá trình học với các lý do như ngành học “nhàm chán”, “không đúng nguyện vọng, sở thích”, “không hiểu về ngành học”, “khó kiếm việc làm”. Ngay cả trong 63,2% SV không có ý định chuyển ngành học, cũng có một bộ phận do không đủ điều kiện chuyển ngành học. Đây thực sự là thách thức lớn đối với người dạy và người quản lý chương trình khi người học không có động lực theo đuổi ngành học.

Các chia sẻ của SV về dự định tiếp theo trước ngưỡng cửa tốt nghiệp đại học, một lần nữa cho thấy, người học không thực sự quan tâm tới ngành TT-TV. Chỉ có 31,6% SV có ý định tìm kiếm một công việc trong cơ quan TT-TV. Trong khi đó, đa số (68,4%) cho biết sẽ tìm kiếm một công việc khác ngành hoặc học thêm một văn bằng liên quan đến các lĩnh vực như truyền thông, marketing, kinh doanh, văn phòng, báo chí, ngôn ngữ.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, các dữ liệu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong thái độ của người học đối với ngành học. Trong số 63,2% SV không có ý định chuyển ngành học, bên cạnh lý do không có điều kiện để chuyển (như đã đề cập ở trên) thì có những lý do phản ánh tính ưu việt của CTĐT, như là “cảm thấy ngành học phù hợp với bản thân”, “nhiều môn học hấp dẫn”, “nội dung đào tạo không chỉ về hoạt động TV mà còn có nhiều kiến thức hữu ích khác”. Khi bắt đầu theo ngành học, chỉ có 15,8% SV coi đây là mong muốn của bản thân thì đến khi kết thúc CTĐT đã có 31,6% SV có ý định tìm kiếm một công việc trong cơ quan TT-TV.

Như vậy, các dữ liệu trên thể hiện hai khía cạnh về chất lượng hiện nay của CTĐT. Một là, xuất hiện nguy cơ CTĐT không đảm bảo thực hiện được mục tiêu CTĐT (nhằm cung cấp lực lượng lao động cho lĩnh vực TT-TV). Hai là, phản ánh tính mở của CTĐT. Chính vì CTĐT đã cung cấp phổ kiến thức và kỹ năng khá rộng nên đã giúp người học phát hiện ra sở trường hoặc ít nhất là sở thích của mình; từ đó họ có cơ sở để nhận định được hướng phát triển bản thân.

THẢO LUẬN

Nhìn chung, NTD và SV có sự đồng thuận trong việc đánh giá mức độ cần thiết và phù hợp của mục tiêu CTĐT, CĐR, khung CTĐT và nội dung môn học, ngoại trừ sự khác biệt trong đánh giá đối với nhóm CĐR về kỹ năng và phẩm chất. Các thành phần của CTĐT đều nhận được phản hồi tích cực về sự phù hợp và cần thiết, mặc dù một số điều chỉnh là cần thiết. Các nghiên cứu được thực hiện bởi Larusdottir, Daniels & McDermott 8 và McCuddy, Pinar & Gingerich 11 cũng chỉ ra tính tích cực trong phản hồi của NTD và SV đối với CTĐT và ý nghĩa của các phản hồi trong quá trình cải tiến CTĐT. Mặc dù vậy, mỗi BLQ có những kỳ vọng và đánh giá khác nhau đối với CTĐT, và điều này dẫn đến những mâu thuẫn/khác biệt trong ý kiến của các BLQ 13 . Các phản hồi của NTD và SV cần được đối xử như nhau để xác định được những vấn đề cần quan tâm khi cải tiến CTĐT. Việc sử dụng các phản hồi cần được thực hiện một cách thận trọng để đảm bảo sự phù hợp của các phản hồi với định hướng phát triển chương trình cũng như khuynh hướng phát triển lý thuyết của lĩnh vực khoa học liên quan. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng nhiều trường ĐH đã thực hiện các khảo sát các BLQ nhưng vẫn còn những hạn chế trong nỗ lực sử dụng kết quả khảo sát để đổi mới chương trình giảng dạy. Trong hầu hết các trường hợp, các cuộc khảo sát chủ yếu được thực hiện để đảm bảo tuân thủ khung chất lượng của CSGD và tiêu chuẩn kiểm định 9 . Tuy nhiên, việc bỏ qua những phản hồi của các BLQ đối với CTĐT sẽ mang lại những thiếu sót cho quá trình cải tiến CTĐT 14 . Do đó, các phản hồi của NTD và SV đối với CTĐT ngành TT-TV đã được sử dụng để cải tiến CTĐT cho khoá tuyển sinh 2021.

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy những khía cạnh tương đồng cũng như khác biệt giữa phản hồi của NTD và SV. Các ý kiến này cần được xem xét khi điều chỉnh CTĐT kết hợp cùng những nguyên tắc ĐBCL để đảm bảo tính giá trị, ổn định, và khả thi cho quá trình vận hành CTĐT.

Nhìn chung, các phản hồi đều thể hiện sự đồng thuận đối với các thành phần của CTĐT. Sự đồng thuận của NTD và SV khi đánh giá cao mức độ cần thiết của các CĐR xác nhận giá trị của các năng lực mà CTĐT đã trang bị cho người học. Bên cạnh các phản hồi tích cực của NTD và SV, CTĐT vẫn cần tiếp tục được xem xét và điều chỉnh liên quan đến mục tiêu CTĐT, CĐR, khung CTĐT, nội dung các môn học.

Nghiên cứu này vẫn còn những hạn chế và cần được giải quyết trong các nghiên cứu trong tương lai. Mặc dù NTD và SV được cung cấp các tài liệu liên quan đến CTĐT trước khi thực hiện bảng hỏi và phỏng vấn nhưng NTD và SV vẫn chưa thực sự đưa ra nhiều đóng góp dưới dạng dữ liệu định tính cho mục tiêu CTĐT và CĐR. Điều này có thể xuất phát từ những hạn chế trong hiểu biết về thiết kế CTĐT hoặc cách cung cấp các tài liệu về CTĐT chưa phù hợp. Vì vậy, các khảo sát trong tương lai cần lưu ý để cung cấp các tài liệu phù hợp hơn cũng như có những trao đổi để giúp các BLQ hiểu rõ hơn nội dung của các tài liệu về CTĐT. Bên cạnh đó, các BLQ không chỉ có NTD và SV, do đó việc thực hiện những khảo sát đảm bảo tính khoa học với các bên BLQ khác, ví dụ như cựu SV và GV, sẽ giúp việc cải tiến CTĐT được thực hiện dưới góc nhìn đa chiều hơn.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BLQ: Bên liên quan

CĐR: Chuẩn đầu ra

CNTT&TT: Công nghệ thông tin và truyền thông

CSDL: Cơ sở dữ liệu

CSGD: Cơ sở giáo dục

CTĐT: Chương trình đào tạo

ĐBCL: Đảm bảo chất lượng

ĐH: Đại học

NTD: Nhà tuyển dụng

SV: Sinh viên

TT-TV: Thông tin – Thư viện

TV: Thư viện

TV-TT: Thư viện – Thông tin

TV-TTH: Thư viện – Thông tin học

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả Nguyễn Hồng Sinh thu thập và tổng hợp các tài liệu về ĐBCL và CTĐT ngành Thông tin – Thư viện, thu thập dữ liệu, viết bản thảo bài báo.

Tác giả Ngô Thị Huyền thiết kế công cụ thu thập dữ liệu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, viết bản thảo bài báo.

ĐÓNG GÓP VỀ MẶT KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA BÀI BÁO

Bài viết cung cấp sự hiểu biết về thực tiễn ĐBCL giáo dục thông qua việc tìm kiếm phản hồi từ các BLQ tại một đơn vị đào tạo của Việt Nam, cụ thể là tại Khoa Thư viện – Thông tin học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở đáng tin cậy để Khoa Thư viện – Thông tin học thực hiện việc điều chỉnh CTĐT ngành Thông tin – Thư viện đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

References

  1. Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tài liệu hướng dẫn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (Kèm theo Công văn số: 1669/QLCL-KĐCLGD ngày 31/12/2019 của Cục Quản lý chất lượng) [Internet]. Hà Nội; 2019. . ;:. Google Scholar
  2. Leisyte L, Westerheijden DF. Stakeholders and quality assurance in higher education. In: Eggins H, editor. Drivers and barriers to achieving quality in higher education. Rotterdam: Sense Publishers; 2014. p. 83-97. . ;:. Google Scholar
  3. Trinh Đoàn Thị Minh, Nghĩa Nguyễn Hội. Hướng dẫn thiết kế và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra. Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia TP.HCM; 2014. . ;:. Google Scholar
  4. Tam M. Measuring quality and performance in higher education. Quality in Higher Education. 2001;7(1):47-54. . ;:. Google Scholar
  5. Freeman E. Strategic management: A stakeholder approach. London: Pitman Publishing; 1984. . ;:. Google Scholar
  6. Beerkens M, Udam M. Stakeholders in higher education quality assurance: Richness in diversity? Higher Education Policy. 2017;30(3):341-359. . ;:. Google Scholar
  7. Liasidou A. Critical policy research and special education policymaking. A policy trajectory approach. Journal for Critical Education Policy Studies. 2009;7(1):107-130. . ;:. Google Scholar
  8. Larusdottir M, Daniels M, McDermott R. Quality assurance using international curricula and employer feedback. In: D'Souza D, Falkner K, editors. Proceedings of the 17th Australian computing education conference (ACE 2015), 27-30 January 2015, Sydney, Australia [Internet]. Sydney: Computer and Information Sciences Educational Sciences; 2015. p. 19-27. . ;:. Google Scholar
  9. Shah M, Grebennikov L, Nair CS. A decade of study on employer feedback on the quality of university graduates. Quality Assurance in Education. 2015;23(3):262-78. . ;:. Google Scholar
  10. Oliver B. Graduate attributes as a focus for institution-wide curriculum renewal: Innovations and challenges. Higher Education Research & Development. 2013;32(3):450-63. . ;:. Google Scholar
  11. McCuddy MK, Pinar M, Gingerich EFR. Using student feedback in designing student-focused curricula. International Journal of Educational Management. 2008;22(7):611-37. . ;:. Google Scholar
  12. Khoa Thư viện-Thông tin học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Chương trình đào tạo trình độ đại học khoá 2019-2023. 2019. . ;:. Google Scholar
  13. Ulewicz R. The role of stakeholders in quality assurance in higher education. Human Resources Management & Ergonomics. 2017;XI(1):93-107. . ;:. Google Scholar
  14. Elassy N. A model of student involvement in the quality assurance system at institutional level. Quality Assurance in Education. 2013;21(2):162-198. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 3 (2021)
Page No.: 1102-1113
Published: Aug 8, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.637

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ngô, H., & Nguyễn, S. (2021). Learners’ and employers’ feedback on Library and Information Science training program, University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(3), 1102-1113. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.637

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 234 times
Download   = 84 times
View Article   = 0 times
Total   = 84 times