VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

371

Total

306

Share

Japan-Netherlands East Indies trade relationship in the late 19th Century to the 1930s






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In 1868, after the Meiji goverment was established, the new goverment conducted a comprehensive restoration. Regarding trade, the Meiji government established free trade domestically, then it also pushed to secure cooperation with countries around the world. Southeast Asia where there were long-standing trade relationships was quickly approached to establish business premises by Japanese businesses and traders. Especially after Japan's victory in the Russo-Japan War (1904- 1905), Japan quickly boosted cooperation on trade and invested in Southeast Asia. Since the end of the 19th century, except for Thailand, most of the Southeast Asian countries were under the domination of Western countries. In particular, Netherlands East Indies (Indonesia) was under Netherlands' control. In the policy of promoting trade relations with Southeast Asian countries, Japan actively entered Maritime Southeast Asia, especially Netherlands East Indies because of favorable natural conditions, the diverse natural resources for industry and defense. In this paper we shall analyze Japan and Netherlands East Indies trade relationship in the late 19th Century to the 1930s, then elucidate the Netherlands East Indies position in the promoting of Japan's trade during this period.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Giai đoạn cuối thế kỷ XIX đánh dấu bước chuyển mình của Nhật Bản, sau khi chính quyền Minh Trị lên nắm quyền, chính quyền mới đã chú trọng phát triển quan hệ thương mại, đặc biệt quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á. Trong giai đoạn này, ngoại trừ Siam là nước có nền độc lập tương đối nên Nhật Bản có thể trực tiếp thiết lập quan hệ, còn với các nước còn lại, Nhật Bản thiết lập quan hệ thông qua các mẫu quốc như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha. Các doanh nhân và doanh nghiệp Nhật Bản từng bước xâm nhập thị trường Đông Nam Á, định hình, đầu tư và phát triển kinh tế thương mại. Trong các nước thuộc Đông Nam Á giai đoạn này, quan hệ thương mại của Nhật Bản với Đông Ấn Hà Lan có những điểm sáng và chiếm một vị thế tương đối lớn. Bài viết được thực hiện dựa trên phương pháp lịch sử, logic để xem xét và đánh giá các sự kiện theo trình tự thời gian, đặt các sự kiện trong bối cảnh lịch sử và phương pháp nghiên cứu liên ngành để phân tích, đánh giá một cách đa chiều không những ở khía cạnh lịch sử mà còn trên các khía cạnh như kinh tế, quan hệ quốc tế,… giữa Nhật Bản với Đông Ấn Hà Lan trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1930.

Khái quát quan hệ giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan trong giai đoạn tiền cận đại

Từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, các Châu Ấn thuyền (Châu Ấn thuyền là các thuyền buôn của Nhật Bản được chính quyền cấp phép cho ra nước ngoài giao thương) của Nhật Bản đã bắt đầu tiến tới các nước Đông Nam Á. Từ năm 1419 đến năm 1570, có 8 lượt thuyền đến buôn bán tại Đông Ấn Hàn Lan (tên gọi của Indonesia dưới thời Thực dân Hà Lan cai trị). Từ năm 1647 đến năm 1720 có 93 thuyền mành Trung Hoa đến Nhật Bản xuất phát từ Jakarta và Bantam thuộc Đông Ấn Hà Lan [ 1 , tr.68]. Ngoài việc đến Đông Ấn Hà Lan để buôn bán, người Nhật còn lập các khu phố Nhật tại đây để thuận tiện hơn cho việc thu mua hàng hóa như lập phố Nhật tại các đảo Patabiya, Anbon vào năm 1619.

Sau thời kỳ Châu Ấn thuyền, trong một thời gian dài hàng thế kỷ, do chính sách sakoku (tỏa quốc) của Nhật Bản, hoạt động giao thương giữa hai nước tạm thời lắng xuống.

Đến cuối thế kỷ XIX, sự thành công của cuộc cải cách Minh Trị đã tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và đẩy mạnh hoạt động ngoại thương. Đặc biệt là sau chiến thắng của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nhật - Trung, Nhật - Nga, Nhật Bản đã trở thành một nước mạnh được thế giới công nhận. Nhật Bản cũng xóa được những hiệp ước bất bình đẳng đã ký trước đây. Chính vì vậy, Nhật Bản từng bước thực thi các chính sách thương mại của mình.

Thương mại của Nhật Bản trong giai đoạn này đặc biệt dựa theo chính sách “hướng Nam”. Trong chính sách thương mại của Nhật Bản, thương mại với Đông Nam Á được xem là mục tiêu quan trọng. Trong đó, Đông Ấn Hà Lan được xem là trung tâm của mục tiêu đó. Đông Ấn Hà Lan được nhận định là một thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng và là vùng cung cấp nguyên nhiên liệu đa dạng, phong phú. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đông Ấn Hà Lan trong giai đoạn này gồm: dầu khí, bauxite, cao su, nông sản, trà, mía, cùi dừa, kina,… Chính vì vậy, Nhật Bản đã tăng cường xúc tiến thương mại và đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào Đông Ấn Hà Lan.

Đông Ấn Hà Lan trong giai đoạn này tuy có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng nhưng do là nước thuộc địa nên cấu trúc kinh tế vẫn mang tính điển hình của nước thuộc địa, tức mang tính chất là một thị trường tiêu thụ sản phẩm, đầu tư tư bản và cung cấp nhiên nguyên liệu chủ yếu cho mẫu quốc. Đông Ấn Hà Lan nằm dưới quyền kiểm soát của một tổng đốc của Hà Lan, các lãnh chúa địa phương vẫn được duy trì nhưng nằm dưới quyền của tổng đốc. Năm 1905, chính quyền thuộc địa Hà Lan thi hành chính sách “mở cửa” cho các nước tư bản khác đầu tư khai thác tại Đông Ấn Hà Lan [ 2 , tr.396]. Chính vì vậy, các nước tư bản đã tranh thủ thời cơ đầu tư và mở rộng quan hệ thương mại tại đây. Về thương mại tại Đông Ấn Hà Lan giai đoạn này, nắm quyền chi phối vẫn là những doanh nghiệp Hà Lan, tiếp theo đó là Anh, Đức và Mỹ. Các thương nhân người Hoa cũng chiếm ảnh hưởng lớn đối với thương mại tại đây.

Vào năm 1899 mối quan hệ giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan chính thức được thiết lập, theo đó công dân Nhật Bản được hưởng các quyền lợi ngang với công dân châu Âu tại Đông Ấn Hà Lan như về nơi ở, thuế, các hoạt động kinh tế.... Vào năm 1909, Lãnh sự quán Nhật Bản được lập tại Batavia (nay là Jakarta) [ 3 , tr.89]. Như vậy, có thể nhận định rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự ưu tiên Đông Ấn Hà Lan trong chính sách đẩy mạnh thương mại của Nhật Bản với Đông Nam Á. Thứ nhất, Đông Ấn Hà Lan có nhiều nguyên nhiên liệu có giá trị phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, quốc phòng và là một thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng của Nhật Bản. Cụ thể, Nhật Bản đã tăng cường nhập khẩu bauxite (nguyên liệu chính trong sản xuất nhôm), cao su tươi từ Đông Ấn Hà Lan, ngược lại tăng cường xuất khẩu các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp dệt. Thứ hai, chính sách thương mại đối với thuộc địa của Hà Lan mang tính cởi mở và thông thoáng hơn các nước phương Tây khác tại Đông Nam Á. Cụ thể, chính quyền mẫu quốc Hà Lan đã áp dụng chính sách tự do thương mại và bình đẳng thuế tại Đông Ấn Hà Lan [ 4 , tr.142], ngược lại chính quyền mẫu quốc Pháp đã áp dụng chính sách thương mại mang tính cực đoan tại Đông Dương với hình thức miễn thuế đối với thương mại giữa Pháp và Đông Dương nhưng áp dụng thuế xuất thấp nhất hoặc cao nhất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước khác [ 4 , tr.146].

Thực trạng quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan

Hà Lan thực thi chính sách bình đẳng thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Đông Ấn Hà Lan nên đã tạo được một thị trường tự do cạnh tranh tại Đông Ấn Hà Lan đối với các nhà đầu tư - doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Việc Hà Lan thực thi chính sách bình đẳng thuế quan tại Đông Ấn Hà Lan là do những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đông Ấn Hà Lan trong giai đoạn này như đường và cao su không thể được tiêu thụ hết tại thị trường Hà Lan. Bên cạnh đó, những mặt hàng do Hà Lan sản xuất cũng không thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu đa dạng cùng với số lượng lớn của Đông Ấn Hà Lan [ 4 , tr.142].

Về kim ngạch xuất nhập khẩu

Tuy thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan đã được hình thành từ sớm nhưng quan hệ giữa hai bên chỉ thật sự trở nên sôi nổi từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 1. Khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 1 bùng nổ, lợi dụng các nước châu Âu tham gia chiến tranh, Nhật Bản tăng cường xuất khẩu hàng hoá vào các nước Đông Nam Á trong đó có Đông Ấn Hà Lan. Đông Ấn Hà Lan là một thị trường quan trọng của Nhật Bản trong giai đoạn từ Chiến tranh Thế giới thứ 1 đến những năm 1930. Kim ngạch xuất khẩu bình quân của Nhật Bản từ năm 1921 đến 1930 đã đạt trên 65 triệu yên.

Table 1 Kim ngạch thương mại của Nhật Bản với Đông Ấn Hà Lan (đơn vị: triệu yên) ( Nguồn: [ 5 , tr.142])

Năm 1929 nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng đại khủng hoảng. Tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản. Tuy nhiên, điều này lại tạo cơ hội cho những tập đoàn kinh tế Nhật Bản trong việc thâu tóm thị trường và tăng vốn tư bản, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế. Theo Table 1 , kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường Đông Ấn Hà Lan từ năm 1930 đến giai đoạn cuối của khủng hoảng 1933 đã tăng gấp hai rưỡi từ 66 triệu yên lên trên 157 triệu yên. Hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 30% tổng lượng hàng nhập khẩu của Đông Ấn Hà Lan. Việc hàng hóa của doanh nghiệp Nhật Bản xâm nhập mạnh vào thị trường Đông Ấn Hà Lan giai đoạn này đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác như Hà Lan, Mỹ, Anh, Đức,... Nhằm điều chỉnh cơ cấu kinh tế và bảo hộ các công ty, bạn hàng vốn có trong nước, chính quyền Hà Lan đã ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng của Nhật Bản vào những tháng cuối của năm 1933, đặc biệt hướng tới 2 mặt hàng chính là xi măng và bia. Bên cạnh đó, chính sách này cũng hạn chế sản lượng hàng nhập khẩu. Lượng hàng hóa sẽ dựa trên lượng hàng hóa thực nhập năm 1932. Vào năm 1934, Hà Lan cũng thi hành chính sách hạn chế người nước ngoài nhập cảnh vào Đông Ấn Hà Lan, đồng thời cũng hạn chế nhập khẩu các mặt hàng vải trắng và cotton, ban hành những qui định về vận tải biển [ 5 , tr.101] ( Table 1 ).

Các chính sách của Hà Lan đã gây bất lợi cho hàng hóa và các công ty thương nghiệp của Nhật Bản tại Đông Ấn Hà Lan. Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc Hà Lan vi phạm chính sách về tự do thương mại và hiệp ước về vận tải biển mà hai bên đã ký trước đó. Phía Đông Ấn Hà Lan cũng cho rằng thương mại giữa Nhật Bản và Hà Lan chưa mang tính hai chiều. Đông Ấn Hà Lan yêu cầu một mối quan hệ có tính chất song phương và bình đẳng, trong đó có sự cân bằng giữa cán cân nhập khẩu và xuất khẩu. Dựa trên Table 1 , có thể nhận thấy vào những năm 1930, trong khi hàng hóa Nhật Bản xâm nhập mạnh vào thị trường Đông Ấn Hà Lan thì ngược lại, hàng hóa Đông Ấn Hà Lan xuất sang Nhật Bản bị giảm sút mạnh. Từ gần 113 triệu yên năm 1928 đã rớt xuống còn khoảng một nửa. Vì vậy, tháng 1 năm 1934, chính phủ Đông Ấn Hà Lan đã đề nghị tổ chức cuộc họp giữa hai bên. Tuy nhiên, cuộc họp này đã không giải quyết được những vấn đề của hai bên.

Năm 1935, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Đông Ấn Hà Lan bị giảm sút so với những năm trước đó. Nguyên nhân chính là do những chính sách siết chặt thương mại của Hà Lan đối với Nhật Bản. Trước tình hình đó, chính phủ Hà Lan và Nhật Bản đã có những động thái tích cực để cải thiện mối quan hệ thương mại này. Tháng 4 năm 1937, Nhật Bản và Hà Lan đã ký Hiệp định Ishizawa - Hart với các nội dung chính như củng cố quan hệ thương mại hiện tại, tiếp tục duy trì nhập khẩu những mặt hàng trước đây [ 6 , tr.36]. Chính phủ Hà Lan đã đặt ra hạn ngạch nhập khẩu đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản. Nhờ đó, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan đã có dấu hiệu khôi phục vào năm 1937. Tuy nhiên, trong cùng năm này, Nhật cũng đã tỏ rõ mục đích chính trị của mình thông qua việc ký “Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản”, đứng ở phe đối đầu với “nhóm những nước đồng minh”. Chính vì vậy, quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan trở nên xấu đi, kim ngạch xuất nhập khẩu đều bị giảm.

Bên cạnh hoạt động thương mại, số lượng các thương nhân Nhật Bản tại Đông Ấn Hà Lan cũng chiếm vị trí đáng kể. Từ cuối thế kỷ XIX, các di dân Nhật Bản đã bắt đầu tiến vào Đông Ấn Hà Lan. Đến đầu thế kỷ XX, số lượng thương nhân Nhật Bản ở Đông Ấn Hà Lan chiếm tỷ lệ khá cao và phân bố rộng khắp các địa phương ( Table 2 ).

Table 2 Số lượng thương nhân Nhật ở các địa phương Đông Ấn Hà Lan từ 1913 - 1918(Nguồn: [ 7 , tr.102])

Năm 1920, số lượng người Nhật Bản làm việc nhiều nhất tại Đông Ấn Hà Lan thuộc về lĩnh vực thương mại, trong đó chỉ tính riêng nam giới là 72,6% và chỉ tính riêng nữ giới là 69,0%, tương đương với 71,6% tổng số người Nhật đang làm việc tại Đông Ấn Hà Lan [ 3 , tr.99]. Những công ty của Nhật cũng nhanh chóng mở chi nhánh tại Đông Ấn Hà Lan, trong đó có thể kể đến như: Mitsui & Co., Suzuki Shoten, Mitsubishi Trading Co., Nippon Menka, Arima Yoko, Toyo Menka, Nanyo Shokai, Shioya Shokai,... Các công ty của Nhật đã mở rộng mạng lưới và tạo thành một chuỗi từ nhập khẩu đến các nhà bán lẻ. Ở Đông Ấn Hà Lan, người Nhật chủ yếu tập trung tại những đô thị lớn, có tiềm năng thương mại như Java, Batavia, Sumatra,...

Cơ cấu hàng hóa

Đông Ấn Hà Lan không những giàu về nông lâm sản mà còn giàu về tài nguyên dưới lòng đất. Có thể kể đến như trà và mía từ Java, cao su và dầu dừa từ Sumatra và Nam Borneo, dầu mỏ từ Sumatra. Các mặt hàng xuất khẩu của Đông Ấn Hà Lan có thể kể đến cao su, đường, cùi dừa, thuốc lá, kina, dầu mỏ, thiếc, các sản phẩm nông nghiệp, cây gia vị,... Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Nhật Bản gồm có: sản phẩm thuộc ngành dệt may như sợi, vải cotton, lụa, tiếp theo là thực phẩm, máy móc, xe đạp, thủy tinh, xi măng,...

Trong quan hệ thương mại của Nhật Bản với Đông Ấn Hà Lan, các sản phẩm thuộc ngành dệt may là những mặt hàng chủ lực. Kim ngạch xuất khẩu trung bình các sản phẩm thuộc ngành dệt may của năm 1931 đến 1933 chiếm đến 49% [ 5 , tr.95].

Table 3 Vải cotton nhập vào Java và Madura từ các nước (Đơn vị: ngàn guilders,%)(Nguồn: [ 3 , tr.109])

Đối với mặt hàng này, thị trường tiêu thụ lớn nhất ban đầu của Nhật Bản là Trung Quốc. Nhưng từ đầu những năm 1930, thị trường này đang dần bị thu hẹp do vấp phải cạnh tranh từ hàng nội địa của Trung Quốc và do quan hệ giữa hai bên đang bị xấu đi. Đông Ấn Hà Lan trở thành một thị trường tiêu thụ số 1 cho các sản phẩm thuộc ngành dệt may của Nhật Bản thay thế cho thị trường Trung Quốc. Có thể nói rằng trong giai đoạn những năm 1930, hàng hóa của Nhật mà đặc biệt là hàng dệt may chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đông Ấn Hà Lan. Trong giai đoạn này, các nước châu Âu đang bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên việc sản xuất bị giảm sút. Vì vậy, các mặt hàng dệt may từ Châu Âu xuất sang Đông Ấn Hà Lan không đáp ứng đủ nhu cầu tại đây. Về cơ bản, việc tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Nhật Bản một phần là do thiếu những doanh nghiệp cạnh tranh ở Đông Ấn Hà Lan và chính sách thương mại tự do từ phía Hà Lan, phần khác là do tỷ giá hối đoái sụt giảm. Table 3 cho thấy năm 1916, các sản phẩm của ngành dệt may chỉ chiếm khoảng 1,2% trong tổng số lượng hàng này mà Đông Ấn Hà Lan đã nhập khẩu. Nhưng nó đã nhanh chóng chiếm hơn 50% thị phần sau 4 năm và đạt được hơn 90% thị phần vào năm 1932, con số này cho thấy tốc độ xâm nhập thị trường cao của các sản phẩm thuộc ngành dệt may của Nhật Bản tại Đông Ấn Hà Lan ( Table 3 ).

Dầu mỏ là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình phát triển công nghiệp của Nhật Bản. Trong giai đoạn này, Mỹ đứng đầu thế giới trong việc kiểm soát dầu mỏ. Để hạn chế sự lệ thuộc vào Mỹ về nguồn nguyên liệu này, ngay từ sớm, chính phủ Nhật đã giao quyền trực tiếp cho Hải quân về vấn đề dầu mỏ. Mục tiêu về chính sách dầu mỏ của Hải quân là tích trữ dầu, khai thác tài nguyên và phát triển dầu nhân tạo. Hải quân đã xúc tiến thành lập công ty chuyên về khai thác dầu ở hải ngoại bằng hình thức thành lập công ty quy mô lớn bằng vốn tư nhân. Mặc dù ngân sách thấp hơn dự kiến nhưng vào tháng 10 năm 1936, công ty cổ phần khai thác dầu khí đã ra đời. Công ty tiến hành khảo sát, khoan thăm dò ở Đông Ấn Hà Lan gồm các đảo Borneo, Java và các vùng đảo phụ cận. Trong trường hợp tìm thấy dầu, Hải quân sẽ dùng ngân sách để đảm bảo việc thu mua và ổn định thu chi [ 5 , tr.151-152].

Table 4 Lượng xuất khẩu dầu của Đông Ấn Hà Lan (đơn vị tính: 1000 tấn)(Nguồn: [ 3 , tr.54])

Dựa vào Table 4 , có thể thấy trong thập niên 30 của thế kỷ 20, khoảng 10% sản lượng dầu của Đông Ấn Hà Lan được xuất khẩu sang Nhật Bản. Con số 10% này cũng đáp ứng khoảng 10% nhu cầu về dầu mỏ của Nhật Bản, phần còn lại Nhật Bản vẫn phải mua lại của Mỹ [ 6 , tr.55]. Mặc dù chỉ đạt được con số khiêm tốn nhưng điều đó phần nào cũng đã giúp Nhật Bản không bị lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ trong việc nhập khẩu nguyên liệu này.

Đối với các mặt hàng Nhật Bản nhập khẩu từ Đông Ấn Hà Lan, đường của Java được các thương nhân Nhật nhập khẩu từ những năm 1901. Tuy nhiên, khi ngành sản xuất đường trong nước phát triển, việc nhập khẩu đường từ Đông Ấn Hà Lan đã gây rủi ro cho thị trường đường trong nước. Thế nên đường của Đông Ấn Hà Lan vấp phải sự phản đối của ngành công nghiệp đường nội địa Nhật Bản.

KẾT LUẬN

Quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 30 của thế kỷ XX đã diễn ra tương đối sôi nổi. Nhìn chung, trong giai đoạn này, các mặt hàng Nhật Bản xuất khẩu sang Đông Ấn Hà Lan là các sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm thuộc công nghiệp nhẹ. Ngược lại, mặc dù Đông Ấn Hà Lan giai đoạn này là thuộc địa của Hà Lan, một nước cởi mở trong phát triển kinh tế và giao thương, nhưng Đông Ấn Hà Lan vẫn xuất khẩu chủ yếu là nguyên nhiên liệu. Ngành công nghiệp tại đây còn mang tính tiểu thủ công nghiệp nên chưa tạo được sức bật cho nền kinh tế tại Đông Ấn Hà Lan. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan có những thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển, đem lại cho Đông Ấn Hà Lan một nguồn thu ngoại tệ đáng kể, góp phần kích thích nền sản xuất của Đông Ấn Hà Lan, tạo cơ sở cho sự phát triển của nền kinh tế Đông Ấn Hà Lan cũng như quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan trong những giai đoạn sau.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được thực hiện từ tiền đề phát động viết bài tham luận Hội thảo sau đại học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG - HCM).

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Về mặt khoa học: Bài viết góp phần làm sáng tỏ quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan từ cuối thế kỷ 19 đến những năm 1930. Từ đó góp thêm một phần tư liệu cho nghiên cứu về quan hệ giữa Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á nói chung, cũng như Nhật Bản và Indonesia nói riêng.

Về mặt đóng góp cụ thể cho việc hình thành bài viết các tác giả đã thực hiện các công việc sau: sưu tầm, tổng hợp, khai thác và phân tích những tư liệu mới về quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với Đông Ấn Hà Lan từ cuối thế kỷ 19 đến những năm 1930. Các tư liệu tác giả đã tiếp cận là những tư liệu đáng tin cậy được viết bằng tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Anh.

Tác giả Huỳnh Phương Anh: định hướng đề cương, chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung

Tác giả Trần Thị Kiều Oanh: tìm tài liệu, viết bài dựa trên đề cương

References

  1. Tana Li. Nguyễn Cochinchina (Southern Vietnam in the seventeenth and eighteenth centuries). New York: Cornell University Press. . 1998;:. Google Scholar
  2. Ninh Lương. Đông Nam Á lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia sự thật. . 2018;:. Google Scholar
  3. Shiraishi Saya, Shiraishi Takashi. The Japanese in Colonial Southeast Asia. New York: Cornell University. . 1993;:. Google Scholar
  4. Isao Tanno. Chiến lược và căn bản của quá trình xuất tiến Đông Nam á của các xí nghiệp Nhật Bản. Tokyo: NXB Doubunkan. . 2017;:. Google Scholar
  5. Shinya Sugiyama, Ian G. Brown biên soạn: Sự ma sát kinh tế của Đông Nam Á trong thời kỳ chiến tranh - Nam tiến của Nhật Bản với Châu Á và Âu Mỹ. Tokyo: NXB Doubunkan. . 1990;:. Google Scholar
  6. Hiroaki Adachi. Nhật Bản và Đông Nam Á giai đoạn trước chiến tranh - Nhìn từ quan điểm khai thác tài nguyên. Tokyo: NXB Yoshikawa Kobunkan. . 2002;:. Google Scholar
  7. Murayama Yoshitada. The pattern of Japanese economic penetrations of the prewar Netherlands East Indies. The Japanese in Colonial Southeast Asia. New York: Cornell University Press. . 2018;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 3 (2021)
Page No.: 1074-1080
Published: Aug 8, 2021
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.611

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Huynh, A., & Tran, O. (2021). Japan-Netherlands East Indies trade relationship in the late 19th Century to the 1930s. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(3), 1074-1080. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.611

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 371 times
Download   = 306 times
View Article   = 0 times
Total   = 306 times