VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Short Communication - Arts & Humanities

HTML

5361

Total

298

Share

From the female writer in A Room of One’s Own to the female reader in The Reader: feminist voices






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Virginia Woolf (1882-1941) is the pioneers of the very first movement of feminism. Her work A Room of One's Own (1929) shows gender discrimination with discourse of feminism and of literary creativeness, and also thoughts for fighting for gender equality. For Woolf, a liberal writer is the one who has his/her own room to work and is adequately educated. Despite of the wide gap of generation, the novel The Reader (1995) by Bernhard Schlink (1944-) continued with feminism from the view of female readers. It also shows his view point of a liberal reader who has the right to participate in literary reception. As a continuation of Woolf, Schlink argues that the very basic step to all to become a free reader is to educate, to eliminate illiteracy and to foster cultural and social knowledge. It can be seen that the feminist voices in these two works have much in common, creating a deep feminist dialogue. We believe that link between them as well as between the works and the readers can evoke further feminist voices and discourses, contributing to the development of this approach.

Dẫn nhập

Theo tư liệu của nhiều nhà nghiên cứu thu thập được cho thấy, vấn đề nữ quyền đã bắt đầu nhen nhóm vào thế kỷ thứ XV trong công trình của một nhà nghiên cứu nữ người Pháp là Christine de Pisan. Trong bài viết của mình, bà đã lên tiếng về việc phụ nữ bị coi thường và có vị thế xã hội thấp hơn so với nam giới. Tiếp đó, đến khoảng thế kỷ XVII, XVIII, các công trình khoa học về nữ quyền tiếp tục xuất hiện ở Anh, tuy nhiên nhiều công trình vẫn xuất bản vô danh. Bên cạnh đó, vẫn có một số nhà nghiên cứu dũng cảm xuất bản bài viết của mình và thường được nhắc đến trong lịch sử của phong trào này như: Aphra Behn, Mary Astell, Valeria Bryson, Gerda Lerher. Anh và Mỹ là hai quốc gia diễn ra sự đấu tranh mạnh mẽ nhất của phong trào nữ quyền. Vì thế, nhiều lý thuyết và trường phái nữ quyền cũng xuất phát từ hai quốc gia này.

Tại Anh, vào cuối thế kỷ XVIII, tư tưởng nữ quyền theo chủ nghĩa tự do được khai sáng và vận dụng để giải quyết nhiều mâu thuẫn về giới. Những diễn ngôn của phong trào nữ quyền trong giai đoạn này đã tác động lớn đến hoạt động chính trị xã hội, các hoạt động nghệ thuật như sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học. Những tên tuổi nổi bật giai đoạn này có thể kể đến như Mary Wollstonecraft với tác phẩm tạm dịch là Một biện luận về quyền của phụ nữ (A Vindication of the Rights of Woman), Simon de Beauvoir với tác phẩm Giới nữ (Le deuxième sexe), Virginia Woolf với tác phẩm Căn phòng riêng (A Room of One’s Own),… Ở thời kỳ tiên phong này, các nhà nữ quyền thường là những người tham gia và cũng là quan sát viên ở hàng loạt các cuộc cách mạng trong xã hội. Họ nhìn lại thực tiễn đời sống của chính mình và những người phụ nữ khác, thấy rằng phụ nữ đang bị lạm dụng, bị phân biệt đối xử, là nạn nhân của nhiều định kiến xã hội.

Tại Mỹ, vào những năm giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa nữ quyền đã trở thành một làn sóng chính trị mạnh mẽ. Phong trào đòi quyền lợi cho phụ nữ bắt nguồn từ cuộc vận động chống chế độ nô lệ, đòi quyền bầu cử,… đã thu hút nhiều phụ nữ tham gia. Từ đó, nhiều tổ chức, hội đồng bênh vực và đòi hỏi quyền lợi cho nữ giới tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác đã được thành lập.

Căn phòng riêng của Virginia Woolf được xem như sách vỡ lòng của phê bình nữ quyền giai đoạn đầu. Trong tác phẩm này, nhà văn cũng đồng thời là nhà hoạt động nữ quyền xây dựng những quan điểm về người sáng tác nữ. Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của độc giả nữ thì quan điểm nữ quyền đã có sự thay đổi rõ rệt. Từ việc chỉ là độc giả thụ động, các nhà nữ quyền đã lên tiếng và có những tiếng nói riêng của mình về vai trò, vị trí của người sáng tác nữ trong xã hội và trên văn đàn. Từ đó, đã hình thành nên những quan niệm, chuẩn mực và cách nhìn nhận mới về văn học nữ bao gồm mối quan hệ giữa sáng tác và thụ hưởng, mối quan hệ tác giả – tác phẩm – người đọc. Có thể thấy, những quan điểm về nhà văn nữ trong Căn phòng riêng và độc giả nữ trong Người đọc đã tạo ra được một mối quan hệ liên kết vô hình giữa tác giả – độc giả về những tiếng nói nữ quyền và giá trị diễn ngôn văn hóa.

Tình trạng của người nữ trong việc tiếp cận tri thức

Điểm nổi bật chung được thể hiện trong hai tác phẩm Căn phòng riêng Người đọc là người nữ bị hạn chế trong việc tiếp cận tri thức. Một thời gian dài trong lịch sử, phụ nữ dường như không được nhắc tới trong rất nhiều hoàn cảnh, thậm chí khi kết hôn họ vẫn không thể tự quyết định và bị tước đi quyền tự do. Đến thời đại Virginia Woolf, điều này cũng không được cải thiện nhiều. Bà đã dẫn ra nhiều thời điểm trong lịch sử người phụ nữ bị ép duyên, bị bạo hành nếu không chịu lấy chồng theo ý của cha mẹ. Đến khi lập gia đình, phụ nữ lại bị gán vào những vai trò tái sản xuất xã hội, họ bị phân chia lao động theo cách thức hoàn toàn thụ động. Chăm sóc gia đình, con cái,… và những công việc nội trợ đã níu chân phụ nữ, từ đó làm cho xã hội hình thành quan niệm phụ nữ không thể đi đâu xa và không thể làm nên những việc lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng về giới mà theo thuyết chủ nghĩa nữ quyền tự do đưa ra chính là sự nghèo nàn về kinh tế. Trong Căn phòng riêng , Virginia Woolf đã chỉ ra những nguyên nhân gây nên sự nghèo nàn về kinh tế của người phụ nữ. Trong đó, có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, phụ nữ bị gán vai trò chăm sóc gia đình, duy trì nòi giống, từ đó dẫn tới tình trạng sự phân công lao động trong xã hội của họ sẽ bị hạn chế và gián đoạn. Phụ nữ dành phần lớn thời gian của mình để chăm lo cho gia đình, vì thế họ bị hạn chế đến mức tối đa điều kiện để suy nghĩ và phát triển khả năng trí tuệ. Đặc điểm thứ hai mà Virginia Woolf chỉ ra là phụ nữ bị hạn chế những quyền lợi cơ bản trên pháp luật. Họ thậm chí còn không có quyền sở hữu tài sản. Có thời kỳ tất cả của cải mà phụ nữ làm ra đều là tài sản của người chồng. Phụ nữ sau khi lấy chồng còn phải theo họ của người chồng. Đặc điểm thứ ba chính là phụ nữ không có động lực kiếm tiền và tạo ra nhiều của cải vật chất, bởi những hạn chế về sở hữu tài sản khiến họ không thể tự lập về mặt kinh tế. Virginia Woolf đã dẫn ra nhiều ví dụ thực tế về điều này: “Vô ích thôi bởi, thứ nhất kiếm tiền là cái gì gần như bất khả đối với họ; thứ hai, cứ cho là họ có thể thì luật lệ thời đó không cho phép họ có quyền giữ riêng đồng tiền do chính tay họ làm ra… Ở những thế kỷ trước, tiền tài bà làm ra là tài sản của người chồng… mỗi đồng xu tôi làm ra đều bị lấy đi và do chồng tôi định đoạt việc tùy nghi tiêu dùng” [ 1 , tr.43].

Trong tác phẩm của mình, Virginia Woolf thể hiện những thiệt thòi của người phụ nữ trong việc tiếp cận tri thức. Đầu tiên, chúng ta có thể thấy, bà tức giận khi phụ nữ bị xem thường và không được tự do đặt chân đến thư viện: “Phụ nữ chỉ được phép đặt chân vào thư viện khi nào có giảng sư đại học đi kèm hoặc trong tay có thư giới thiệu” [ 1 , tr.21]. Chính những hạn chế này có thể là rào cản trong việc tiếp thu kiến thức của phụ nữ. Trong một thời gian dài, phụ nữ dường như bị mù chữ. Họ không được đi học, thậm chí còn bị xem thường: “trí tuệ của cô nữ sinh viên xuất sắc nhất cũng chẳng thể nào vượt qua nổi cậu sinh viên kém cõi nhất” [ 1 , tr.91] hay mang cái nhìn đầy định kiến bởi quan niệm “đừng kỳ vọng gì vào trí tuệ của người nữ” [ 1 , tr.92]. Virginia Woolf đã phê phán một cách quyết liệt sự phân biệt này trong tác phẩm cũng như những lần diễn thuyết của mình.

Có thể thấy, xã hội trong Người đọc là một xã hội đầy tính nam trị giữa nước Đức, trong đó, nam giới nắm giữ những vị trí quan trọng trong các thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa, … Vai trò của người đàn ông trở nên to lớn và quyết định số phận của những người phụ nữ. Trong gia đình Berg, mẹ cậu phải luôn nghe theo mọi quyết định của bố. Trong toàn bộ tác phẩm, người đàn ông luôn ở vị thế cao hơn, như giáo sư trường đại học, thẩm phán, ... còn người phụ nữ luôn ở vai trò thấp hơn (phạm nhân, người bị hại, quản tù, nội trợ, …), thậm chí phụ nữ còn trở thành nạn nhân của chính họ. Những người phụ nữ buộc tội lẫn nhau, đẩy hết trách nghiệm cho Hanna để mong mình được giảm án. Trong vụ án cháy nhà thờ làm chết hàng trăm tù binh, các bị cáo bị đem ra xét xử lại là những nữ quản tù chứ không phải những người lính, những người quản lý của họ (những người đàn ông). Bởi theo lời kể lại của Hanna, lúc sự cố xảy ra có mặt rất nhiều thành phần khác nhau : “Nhà linh mục bốc cháy, đàn ông và ô tô vừa còn đấy, giờ thì họ biến mất, đột nhiên chúng tôi chỉ còn lại một mình với những người đàn bà trong nhà thờ” [ 2 , tr.125]. Phải chăng vì vị thế xã hội thấp hơn, người phụ nữ bị bỏ mặc và không được hướng dẫn cách giải quyết vấn đề cấp bách liên quan đến tính mạng con người. Thậm chí khi nhìn lại cuộc thế chiến do Đức khởi xướng, thì vấn đề đó vẫn luôn bị đem ra soi xét. Với thế hệ con cháu của người tham chiến, họ đã thừa nhận trong tác phẩm rằng: “nhưng khi một số người bị buộc tội và trừng phạt, và chúng tôi, thế hệ hậu sinh phải câm miệng trước nỗi kinh hoàng, hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi” [ 2 , tr.103]. Vì thế, để làm xoa dịu đi sự phẫn nộ của cả thế giới và để có lời giải thích với những thế hệ sau, người ta buộc phải tìm ra người gánh tội cho cái “tội lỗi tập thể” ấy. Các phiên tòa xét xử những vụ án về trại tập trung, phải chăng đang tìm ra những đại diện để hứng chịu tội lỗi cả về mặc đạo đức để xoa dịu mặc cảm tội lỗi dân tộc. Thậm chí, có một luận điểm mà Bernhard Schlink muốn thể hiện là, làm nghề quản ngục có phải cũng là làm một việc phạm tội. Ông thậm chí còn so sánh việc làm quản ngục với công việc của người đao phủ, họ giết người đơn giản vì đó là công việc của họ chứ không vì bất cứ lý do cá nhân nào. Vì thế, khi nhìn các phạm nhân trong vụ xét xử, ông từng phát ngôn rằng: “Anh chị hãy quan sát các bị can – và sẽ không thấy một ai trong họ thực sự cho là mình hồi đó được phép giết người” [ 2 , tr.91].

Chẳng những có địa vị xã hội thấp, người nữ trong Người đọc còn bị hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức văn hóa xã hội. Nhân vật nữ chính trong tác phẩm – Hanna là một người mù chữ. Vấn đề này chính là rào cản lớn nhất để người nữ tiếp cận tri thức. Mặc dù tự ti vì mù chữ, nhưng Hanna vẫn luôn khao khát các tác phẩm văn chương và tìm nhiều cách để được tiếp cận nó một cách gián tiếp. Cách đọc sách của cô là thông qua lời đọc to của các nữ tù binh và nhân vật Berg.

Những khát vọng tự do của người nữ sáng tạo và người nữ tiếp nhận

Mặc dù đứng trước những rào cản ngăn cách việc tiếp cận tri thức, nhưng người nữ trong Căn phòng riêng Người đọc vẫn luôn thể hiện khát vọng tự do hướng tới sự sáng tạo và tiếp nhận. Đó là niềm khát vọng có mối liên hệ gắn kết với nhau, một bên là khao khát sáng tác ra những tác phẩm văn chương có giá trị, một bên là ước vọng có thể được tự mình đọc những tác phẩm mình muốn đọc.

Khát vọng sáng tạo của người nữ được Virginia Woolf thể hiện trong Căn phòng riêng một cách đầy tâm huyết. Trong các luận điểm của mình, Virginia Woolf đã cho thấy tầm quan trọng của không gian sáng tác đối với một nhà văn. Để trở thành một nhà văn độc lập, phụ nữ cần có một không gian sáng tác riêng và được tự do trong học tập, trau dồi kiến thức khoa học, xã hội. Bất kỳ nhà văn nào, nam hay nữ đều luôn cần có một không gian học thuật riêng của mình. Đó có thể là một căn phòng đầy sách như của bố Berg ( Người đọc ), cũng có thể là một căn phòng nhỏ hẹp như căn phòng của cô con gái do Thái ( Người đọc) , nhưng hơn hết đó là một căn phòng của sự riêng tư, nơi nhà văn có thể tập trung sáng tác mà không bị bất kỳ ai làm phiền. Ở đó, phụ nữ có thể viết về bản thân họ, viết về những trải nghiệm, … thậm chí là viết nên những diễn ngôn đấu tranh cho sự bình đẳng giới trong xã hội. Trong không gian sáng tác đó, phụ nữ được tự do, được tôn trọng khả năng sáng tạo của họ.

Tiếp nối quan điểm về không gian sáng tác, Virginia Woolf nhấn mạnh trong tác phẩm của mình luận điểm về phụ nữ và sáng tác văn học. Bà luôn canh cánh trong mình một nghi vấn rằng liệu nhà văn nữ có sáng tác được những tác phẩm tầm vóc không. Bà đưa ra giả thuyết về người em gái song sinh của Shakespeare. Nhân vật này dù có tài năng cách mấy đi chăng nữa, nhưng sống trong thời đại đó, không được học hành bài bản cũng không thể nào sáng tác được những tác phẩm lừng danh như người anh của mình. Bên cạnh đó, bà cũng phân tích vai trò của phụ nữ trong từng thể loại văn học mà họ có thể sáng tác. Khi những thể loại cổ đại như thi ca đã ra đời từ cách đây rất lâu và có những “cây đa cây đề” thì lúc bấy giờ, phụ nữ nên tìm một thể loại mới phù hợp hơn với mình. Thêm vào đó, vì tính thời đại của tác phẩm văn học nên tiểu thuyết lúc bấy giờ rất phù hợp với sáng tác nữ giới bởi: “Tất cả những thể loại văn học cổ đó đến thời phụ nữ bắt đầu viết văn đã có nền tảng vững chắc và định hình rõ rệt. Chỉ có tiểu thuyết là thể loại tương đối mới mẻ, có thể mềm mại ngã vào đôi tay chị - có lẽ, đó là một lí do chị viết tiểu thuyết” [ 1 , tr.127]. Vì thế, chúng ta mới có được những tác phẩm nổi tiếng của chị em nhà Brontë, Ethel Lilian Voynich, Jane Austen, … Khát vọng của Virginia Woolf không chỉ dừng lại ở việc người nữ được tự do sáng tạo văn chương mà còn ở niềm hi vọng văn chương của tác giả nữ sẽ có được những tác phẩm giá trị, nổi tiếng và được nhiều độc giả biết đến.

Khát vọng với người sáng tác là được tự do sáng tạo còn khao khát của người tiếp nhận là được tự do thưởng thức và bình luận về tác phẩm văn chương. Niềm khao khát đó của độc giả nữ được Schlink thể hiện rõ nét thông qua nhân vật Hanna trong tác phẩm Người đọc . Vì bị mù chữ, Hanna phải tiếp nhận tác phẩm văn chương một cách gián tiếp thông qua việc đọc sách của người khác. Cô ra lệnh cho các tù binh nữ đọc to cho mình nghe trong thời gian cô làm quản tù. Sau đó, khi gặp Berg, cô tiếp tục yêu cầu cậu đọc sách cho mình nghe mỗi khi hai người gặp nhau. Khát vọng của Hanna còn thể hiện thông qua hành động và ánh mắt của cô khi nhìn vào các quyển sách được đặt trên kệ ở phòng sách của bố Berg. Không chỉ có lúc được tự do, Hanna mới khao khát được nghe đọc sách mà đến khi bị giam trong tù, cô vẫn thể hiện khao khát đó của mình ngày càng rõ hơn khi yêu cầu Berg đọc những thể loại sách mới. Cô lui tới thư viện để mượn những cuốn sách mình cần và thường xuyên yêu cầu bổ sung thêm sách mới.

Với thân phận của người nữ trong cả hai tác phẩm Căn phòng riêng Người đọc , các nhân vật luôn chất chứa trong mình niềm khao khát được tự do để tiếp cận nguồn tri thức rộng lớn ngoài thế giới. Đó là sự kết nối người sáng tạo – người tiếp nhận qua chiếc cầu nối là văn học.

Các điều kiện để người nữ tự do sáng tạo và tiếp nhận

Trước những thực trạng của người nữ trong xã hội và khát vọng của họ đối với văn chương, Virginia Woolf và Bernhard Schlink đã có những diễn ngôn về điều kiện cần để người nữ được tự do sáng tạo và tiếp nhận. Với Virginia Woolf, những diễn ngôn đó được thể hiện thông qua quan điểm đấu tranh về nữ quyền của bà.

Theo John J. Macionis thì “Chủ nghĩa nữ quyền là suy nghĩ về sự bình đẳng của hai phái trong xã hội và sự phản đối có tổ chức đối với chế độ gia trưởng và phân biệt đối xử giống phái. Chủ nghĩa nữa quyền không thừa nhận mẫu văn hóa chia khả năng của con người thành những đặc điểm nam tính và nữ tính và tìm cách xóa bỏ sự bất lợi trong xã hội mà phái nữ thường gặp” [ 3 , tr.416].

Judith Lorber trong bài viết “Sự đa dạng của những chủ nghĩa nữ quyền và những đóng góp vào sự bình đẳng giới” từng quan niệm rằng: “Chủ nghĩa nữ quyền là một phong trào xã hội mà mục đích căn bản là sự bình đẳng giữa đàn bà và đàn ông. Ở nhiều thời và nhiều nơi trong quá khứ, người ta từng kiên quyết rằng đàn bà và đàn ông có những khả năng tương tự nhau và đã cố gắng cải thiện địa vị xã hội của tất cả đàn bà, cũng như các địa vị của những đàn ông. Tuy nhiên, như một phong trào có tổ chức, nữ quyền trỗi dậy trong thế kỉ mười chín ở châu Âu và châu Mĩ để đáp ứng những bất bình đẳng lớn lao giữa những vị thế pháp lí của những công dân nữ và nam ở những xứ sở phương Tây đã công nghệ hoá” 4 .

Theo quan điểm về giới, Lê Ngọc Văn cho rằng: “chủ nghĩa nữ quyền là hệ thống các quan điểm về tình trạng của phụ nữ. Hệ thống các quan điểm này bao gồm sự mô tả, sự phân tích, sự giải thích nguyên nhân cũng như hậu quả của tình trạng áp bức phụ nữ và đưa ra những chiến lược giải phóng phụ nữ. Có thể nói rằng lý thuyết nữ quyền là hệ tư tưởng giải phóng phụ nữ, là chủ nghĩa nam nữ bình quyền” [ 5 , tr.31].

Trong Giáo trình xã hội học về giới , Hoàng Bá Thịnh đã dẫn lại Bản tuyên ngôn Nữ quyền và Nữ dân quyền của Olympe de Gouges rằng: “Xét rằng sự dốt nát, bỏ quên hay khinh thường Nữ quyền là những nguyên nhân gây ra bất hạnh và làm hư Chánh phủ, những quyền tự nhiên và bất khả nhượng của phụ nữ được tuyên bố long trọng trong bản văn này để mọi người ghi nhớ mà hành động phù hợp với mục đích của định chế chánh trị. Người Phụ nữ đòi hỏi duy trì Hiến pháp, luân lý và hạnh phúc cho tất cả”. [ 6 , tr.13].

Là một trong những nhà nữ quyền giai đoạn đầu, Simone de Beauvoir từng khẳng định trong Giới nữ rằng: xã hội đã kiến tạo nên bản tính của con người, gây nên sự khác biệt giữa nam và nữ. Các chuẩn mực của văn hóa, xã hội vô tình hoặc hữu ý đã khuôn định hành vi ứng xử của con người, là phụ nữ phải làm những điều này còn nam giới được hành xử thế kia: “Một xã hội không phải là một loài: trong xã hội loài được thể hiện với tư cách là sự sống, xã hội vươn tới thế giới và tương lai; phong tục tập quán của xã hội không thể rút ra từ trong sinh học, các cá thể không bao giờ bị bỏ mặc cho bản chất của chúng, chúng tuân theo một bản chất thứ hai là tập tục, và trong bản chất thứ hai, được phản ánh những nguyện vọng và nỗi sợ hãi thể hiện thái độ bản thể luận của chúng” [ 7 , tr.48].

Nghiên cứu về lý thuyết nữ quyền, Hồ Khánh Vân từng chỉ ra hướng triển khai trên hệ thống khái niệm chính là: Phái tính (sex) và giới tính (Gender). Trong đó, tác giả chỉ ra rằng: “Trong hành trình tồn tại của loài người, ý thức về giới cùng với những đặc trưng khác biệt giữa các giới tính đã chi phối, tác động và quy định hành vi đời sống của con người. Giới tính giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống vì đây là yếu tố gắn liền với bản chất tự nhiên của con người, là một thuộc tính trong bản năng loài…. Khi người phụ nữ bắt đầu trở thành đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học, thì vào khoảng những năm 1970, khái niệm giới tính (gender) được đưa vào sử dụng như một thuật ngữ chỉ sự khác biệt của từng giới do quy định của văn hóa” [ 8 , tr. 16-17].

Lý thuyết nữ quyền có thể được xem là một trong những lý thuyết hoàn thiện không ngừng và phát triển nhanh chóng so với các lý luận khoa học xã hội khác trong lịch sử. Với những làn sóng đấu tranh nữ quyền từ khắp nơi trên thế giới đã hình thành nên nhiều trường phái lý thuyết nữ quyền khác nhau như: Lý thuyết nữ quyền tự do (Liberal Feminism), Lý thuyết nữ quyền cấp tiến (Radical Feminism), Lý thuyết nữ quyền Phân tâm học (Psychoanalytic Feminism), Lý thuyết nữ quyền hiện sinh (Existentialist Feminism), Lý thuyết nữ quyền hậu hiện đại (Post-morden Feminism), Lý thuyết nữ quyền da đen (Black Feminism),…

Trong các xu hướng nghiên cứu về nữ quyền, phê bình văn học nữ quyền (Feminist Literary Criticism) ra đời và tạo nền tảng cho việc nghiên cứu văn học nữ giới. Elaine Showalter trong bài viết Thuyết phê bình nữ quyền ở miền đất trống (Feminist Criticism in Wilderness) từng phát biểu rằng: “Cả sáng tác nữ giới lẫn Phê bình nữ quyền về bản chất tất yếu đều là những diễn ngôn lưỡng giọng, đều hiện thân cho cả sự bị trị và thống trị, là tiếng nói bên trong của cả phê bình nữ quyền và các khuynh hướng phê bình chủ nghĩa” [ 9 , tr.191].

Phê bình văn học nữ quyền lấy hình tượng trung tâm là người phụ nữ, Nguyễn Thị Khánh đã tổng hợp và chỉ ra những mục đích của phê bình nữ quyền luận gồm: “1. Phê phán những tiêu chuẩn văn học mang nặng tư tưởng gia trưởng phụ hệ. 2. Đánh giá lại những tác gia nữ và những tác phẩm văn học do phụ nữ viết ra mà đã bị đánh giá sai và phát hiện những tác phẩm văn học của phụ nữ đã bị mất, bị bỏ quên hay bị gạt sang bên lề của dòng văn học chính thống được coi là của nam giới. 3. Xác lập lãnh địa của “Phê bình nữ quyền luận”, nghiên cứu bút pháp và thiết lập tiêu chuẩn Phê bình nữ quyền luận. 4. Thăm dò cấu trúc văn hóa và đặc điểm riêng của nữ giới” [ 10 , tr.3].

Nở rộ tại nhiều nơi trên thế giới với nhiều hình thức đấu tranh, nên các trường phái lý thuyết nữ quyền cũng thể hiện quan điểm, nhận thức và các giải pháp đấu tranh đòi bình đẳng giới khác nhau. Đây là chủ nghĩa xuất phát từ phong trào xã hội để hình thành nên sự phát triển của nó cũng gắn với các phong trào đấu tranh về đòi bình đẳng nam nữ về luật pháp lẫn trong xã hội, bao gồm các quyền được giáo dục, có việc làm, sở hữu tài sản, quyền bầu cử, tham gia quốc hội,… và chấm dứt nhiều hình thức phân biệt đối xử với người phụ nữ trong gia đình và xã hội khác.

Quan điểm của Virginia Woolf thể hiện rõ nét trong Căn phòng riêng , đó là ý thức nữ quyền tự do. Để có thể giành lại sự bình quyền cho giới nữ cần phải giải quyết triệt để nguồn gốc tạo nên sự bất bình đẳng này. Nguyên nhân là do tâm lý của người phụ nữ bị ảnh hưởng, bị lập trình theo các khuôn phép xã hội, gắn liền với vai trò của giới mình, từ đó hình thành nên những thói quen, sự phục tùng theo vô thức. Bà cho rằng, để tạo ra sự bình đẳng giới thì xã hội cần xem trọng giới nữ như một nửa của nhân loại, phụ nữ cũng cần được đề cao khả năng trí tuệ. Muốn thực hiện được điều này, Virginia Woolf thấy rằng xã hội phải xóa bỏ được những định kiến về vị trí của người đàn ông trong gia đình. Chính những kiến tạo này đã vô hình trung quy định cách thức sắp xếp vị trí, công việc, vai trò của người đàn ông và phụ nữ trong xã hội.

Phụ nữ muốn có được tiếng nói và được xem trọng như đàn ông thì trước hết, cần độc lập về kinh tế. Và khi bàn về vấn đề viết văn, sáng tác, Virginia Woolf đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm tác giả cần có căn phòng riêng để viết sách: “Tất cả những gì tôi có thể làm là gửi đến các bạn quan điểm của riêng mình dựa trên một điểm nhỏ - đó là nếu viết văn, người đàn bà phải có tiền và một căn phòng riêng” [ 1 , tr.15]. Quan điểm này được bà lặp lại nhiều lần trong quyển sách Căn phòng riêng và trở thành luận điểm chính của cả tác phẩm. Trước khi đưa ra kết luận trên, Virginia Woolf đã có sự phân tích chi tiết về thực trạng vị thế của nữ giới từ xưa cho đến thời đại bà đang sống. Bà đã phân tích để thấy được sự mờ nhạt trong vai trò của người phụ nữ ở tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội. Và cho đến thời đại của bà thì có nhiều người phụ nữ đã đứng lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Virginia Woolf đưa ra ví dụ về người phụ nữ có tiếng nói trong xã hội như bà Margaret Thatcher - Thủ tướng Anh.

Đến tác phẩm Người đọc , Schlink cho rằng điều kiện căn bản để trở thành một độc giả tự do đó là họ phải được “xóa mù chữ”. Thông qua giáo dục, người đọc có thể được cải thiện nhiều mặt về văn hóa, nhận thức lẫn cách tiếp nhận tác phẩm văn học. Người nữ tiếp nhận tự do cần điều kiện tiên quyết là được xóa mù chữ và tiếp đó là được tự mình quyết định thể loại sách muốn đọc.

Mù chữ là một vấn nạn văn hóa thường được đề cập trong các chiến lược cải cách văn hóa của rất nhiều nước. Có thể thấy Căn phòng riêng của Virginia Woolf ra đời năm 1929 cũng là giai đoạn đầu của chủ nghĩa nữ quyền. Như Virginia Woolf đã phân tích, phụ nữ trước thời đại của bà đa phần không được đến trường học và thậm chí bị mù chữ. Mặc dù cách một khoảng thời gian khá dài, nhưng chính những biến động về chính trị, xã hội mà vấn đề mù chữ của Hanna trong Người đọc không chỉ là vấn đề cá nhân của nhân vật này mà còn có thể là vấn đề chung của rất nhiều phụ nữ trong giai đoạn đó.

Ngôn ngữ, chữ viết là những công cụ để giúp người phụ nữ tiếp cận với nhiều kiến thức khác nhau, trong đó có cả kiến thức khoa học, đạo đức, pháp luật,… Phụ nữ bị gán cho vai trò chăm lo gia đình và không có đủ thời gian, tiền bạc để tự trang bị kiến thức cho mình. Quay lại với tác phẩm Người đọc , Hanna lớn lên trong thời đại thế chiến thứ hai, ngoài những tác động của định kiến xã hội, thì chiến tranh cũng là một trong những nhân tố khiến cô không thể đến trường. Mặc cảm vì “mù chữ” đã làm người phụ nữ này thu mình lại, mất đi nhận thức. Trong suốt tác phẩm, Bernhand Schlink đã xây dựng chuỗi các sự kiện để thấy rằng Hanna đã giấu giếm sự “mù chữ” của mình. Cô hỏi tên cậu bé bởi theo lời Michael Berg “Khi tôi đặt sách trên bàn nhà cô thì tên tôi có trên vở, cả trên các cuốn sách mà tôi bọc bằng giấy cứng và dán nhãn ghi đầu đề sách và tên tôi. Nhưng cô không để ý” [ 2 , tr.37] . Đến sự việc trong lần Hanna và Berg đi dã ngoại, Berg đột nhiên biến mất và để lại một tờ giấy. Vì không biết chữ, Hanna đã nhầm tưởng Berg bỏ rơi mình, cô đã vô cùng thất vọng, tức giận khi Berg quay lại.

Bernhand Schlink đã phát biểu diễn ngôn của mình về vấn nạn này thông qua lời của nhân vật Berg: Tôi biết sự bất lực của người mù chữ trong những việc cần thiết hằng ngày… “Mù chữ là chưa trưởng thành”. Hay như lời thuật lại của nhân vật này:“trường trung học của tôi lâu nay chỉ nhận học sinh nam. Khi có cả học sinh nữ thì ban đầu có ít đến mức họ không thể chia đều được vào các lớp song song…” [ 2 , tr.65]. Qua lời kể này, một câu hỏi lớn có thể được đặt ra rằng phải chăng đến cả giai đoạn này, phụ nữ Đức vẫn ít được chú trọng đến việc học hành và học lên các bậc học cao? Với một con người sống trong thời hiện đại, chữ viết là một trong những công cụ, yếu tố không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, trong quá trình trưởng thành gắn với cuộc sống và vai trò xã hội. Người bị mù chữ có thể trưởng thành về mặt thể chất, nhưng không thể trưởng thành về mặt tư duy.

Một người phụ nữ muốn trở thành độc giả độc lập và trưởng thành cần phải được “xóa mù chữ” và được tự mình chọn đọc những tác phẩm văn chương mình mong muốn. Vấn đề độc giả tự do cũng được thể hiện rõ nét thông qua nhân vật Hanna. Cô chính là đại diện cho độc giả nữ luôn khao khát có thể chinh phục những tác phẩm văn chương. Niềm say mê đó được thể hiện qua hành động của cô khi bắt các tù nhân biết chữ phải đọc sách cho mình nghe và luôn bắt Berg đọc một quyển sách khi hai người gặp nhau. Quá trình “trưởng thành” của Hanna thể hiện rõ nét thông qua quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học của cô. Nếu như lúc đầu, Hanna thụ động tiếp nhận một tác phẩm do người khác đọc cho nghe, thì sau đó “Hanna lại dõi theo một cách hồi hộp đồng cảm. Cô thích những đoạn thơ xen vào. Cô thích những chuyện hóa trang, lầm lẫn, rối rắm, bám đuổi mà người hùng bị cuốn vào ở Ý… Cô suy tính hàng tiếng đồng hồ sau khi tôi đã thôi đọc vẫn hỏi tiếp” [ 2 , tr.58]. Và dần dần, sự cảm thụ trong cô đã thay đổi “Nhưng khác với từ trước đến nay, cô không bày tỏ nhận xét của mình nữa, không biến Natasha, Andrey và Pierre thành một phần trong thế giới của mình như cô đã làm với Luise và Emilia, mà bước vào thế giới của họ, như ai đó ngơ ngác trên một chuyến viễn du hay được phép bước vào một lâu đài, nhưng không thể rũ được hết vẻ rụt rè” [ 2 , tr.70] . Mặc dù là một người mũ chữ, nhưng Hanna lại là một độc giả đặc biệt. Cô vẫn có một sự tiếp xúc với thế giới văn chương với một phổ rộng bao quát từ những tác phẩm kinh điển đến hiện đại, tiếp xúc nhiều thể loại văn học, nhiều nền văn hóa, nhiều phong cách văn chương của các tác giả khác nhau thông qua lời đọc của các nhân vật khác nhau. Sự bao quát đó đã tạo nên một thế giới, một không gian văn học trong tác phẩm qua những cái tên rất quen thuộc trong thế giới văn chương như: trường ca Homer, diễn thuyết của Cicero, truyện của Hemingway, sử thi Odyssey, vở kịch Emilia Calotti, Âm mưu và tình yêu, Chiến tranh và hòa bình, Tolstoy, Schnitzler, Chekhov, Keller, Fontane, Heine, Moerike, Kafka, Frisch, Johnson, Bachmann, Lenz,…

Để trở thành tác giả tự do, Virginia Woolf đã đặt ra trong Căn phòng riêng vấn đề về giáo dục. Đến Người đọc , giáo dục cũng tác động mạnh mẽ và giúp độc giả có thể trở thành một người đọc tự do. Độc giả tự do là người có thể tự do đưa ra ý kiến của mình về tác phẩm văn học mà họ được tiếp xúc. Độc giả tự do là người không bị phân biệt đối xử dù ở vị trí xã hội nào, như Hanna trong Người đọc là một tù nhân, người từng bị xem là có vị trí rất thấp trong xã hội, nhưng khi đến với thế giới văn chương cô cũng được góp tiếng nói của mình trong việc lý giải tác phẩm. Schlink đã thể hiện quan điểm này qua nhiều chi tiết trong tiểu thuyết của mình như việc Hanna tự mình học chữ và tự chọn đọc sách, cô bắt đầu nhận xét về một tác giả, một bài thơ hoặc nhân vật tiểu thuyết, thậm chí như Berg kể lại “Những nhận xét của cô về văn học nhiều lúc chính xác đến ngạc nhiên” [ 2 , tr.183]. Sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật này còn thể hiện qua việc Hanna yêu cầu bà quản tù tìm cho cô những quyển sách mà cô muốn đọc. Hanna đọc hết những sách về phụ nữ trong trại tập trung – tù nhân và quản tù” [ 2 , tr.198]. Trở thành một độc giả tự do, Hanna chọn sách đọc một cách chủ động và hiểu nó theo khả năng của mình. Điều này đã góp phần củng cố và tiếp nối thêm những khát khao tiếng nói, sự bình đẳng của phụ nữ trong văn chương từ quan điểm của Virginia Woolf.

Mối quan hệ giữa nữ tác giả và nữ độc giả

Trong thế giới của văn chương, mối quan hệ giữa tác giả - độc giả là mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời. Không thể có tác phẩm sáng tác mà không có độc giả, lực lượng độc giả cũng chỉ tồn tại và phát triển nhờ vào có tác phẩm. Quan điểm của Virginia Woolf về sáng tác văn chương và diễn ngôn của Bernhard Schlink về độc giả nữ có một sự nối tiếp và bổ trợ lẫn nhau, làm rõ hơn mối quan hệ giữa tác giả - độc giả. Nếu như theo Virginia Woolf, tác giả sáng tác cần có căn phòng riêng thì theo Schlink độc giả lại cần có căn phòng chung để chia sẻ những góc nhìn của họ về tác phẩm; độc giả tự do phải là người có định hướng riêng chứ không thể hướng theo cách nhìn của người khác.

Ở góc độ của người sáng tác, Virginia Woolf tự đặt ra cho mình câu hỏi rằng nhà văn nữ quan tâm đến những vấn đề gì, có những sáng tác văn học nào viết về họ. Thậm chí có một thực trạng dễ thấy, đó là, đàn ông có nhiều tác phẩm viết về phụ nữ theo quan điểm của họ. Nhưng đa phần những sáng tác của nhà văn nữ đều viết về phụ nữ, ít ai sáng tác một tác phẩm văn học để nói về người nam: “Đàn bà không viết sách về đàn ông - một sự kiện tôi không thể không nhẹ nhõm đón chào” [ 1 , tr.50]. “Các bạn có biết trong khoảng thời gian một năm trời có bao nhiêu cuốn sách viết về đàn bà không? Các bạn có biết bao nhiêu cuốn do đàn ông viết? Các bạn có nhận ra rằng có lẽ các bạn là sinh vật được bàn luận đến nhiều nhất trong vũ trụ?” [ 1 , tr.49].

Phụ nữ viết văn không thể chỉ chăm chăm vào tác phẩm của mình mà còn phải có cái nhìn sâu và rộng. Những nhà văn nữ thời kỳ đầu phải chịu áp lực từ những lời phê bình, chỉ trích bất lợi từ rất nhiều phía. Một nhà văn thực thụ phải có một giọng văn tự nhiên và riêng biệt của mình. Sáng tác cần gắn liền với sáng tạo, không nên rập khuôn theo những thủ pháp sáng tác của các nhà văn tên tuổi khác, bởi đó chỉ là học tập những kỹ xảo sẽ khiến cho sáng tác của nhà văn nữ không có điểm đặc biệt. Theo Virginia Woolf hai yếu tố cơ bản của nghệ thuật là sự tự do và sự phong phú trong phong cách biểu hiện” [ 1 , tr.126]. Không những thế, nhà văn thành công còn cần có một tâm thức sáng tạo. Vượt qua thời gian đầu sáng tác, nữ giới đã lấn sân sang những thể loại khác như: khảo cổ, mỹ học, địa lý,… “đủ mọi đề tài mà cách đây một thế hệ, đàn bà không ai đụng đến. Có cả thơ, kịch và phê bình; rồi sách lịch sử, tiểu sử, sách du lịch, sách nghiên cứu; thậm chỉ có cả vài cuốn về triết học, khoa học và kinh tế” [ 1 , tr.129].

Từ những phân tích đó, Virginia Woolf lại một lần nữa khẳng định quan điểm về sáng tác một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình. Sự bình đẳng trong vấn đề phụ nữ và sáng tác văn học cũng xuất phát từ cách gọi “nhà văn nữ” hoặc tác phẩm dành cho nữ giới. Chính cách gọi này đã vô hình trung mang trong nó một sự đánh giá ngầm.“Giới tính và bản chất của nó có thể thu hút y sĩ và các nhà sinh học; nhưng điều đáng ngạc nhiên và thật khó giải thích là vấn đề giới tính, nói cho rõ là đàn bà - cũng thu hút không ít những nhà phê bình ba phải, những tiểu thuyết gia nhanh tay, những người trẻ tuổi có bằng thạc sĩ; những người chẳng có bằng cấp gì cả; những người rõ ràng không đủ tư cách ngoại trừ họ không phải là đàn bà” [ 1 , tr.49-50]. Vấn đề văn học nữ rõ ràng có nhiều cách nhìn nhận và đánh giá, tuy nhiên đây cũng là một vấn đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành phần. Các nhà nữ quyền phải là người khẳng định được giá trị sáng tác văn chương của người nữ. Vì thế, chúng ta cũng dễ dàng thấy rõ rằng, bản thân những nhà nữ quyền cũng chính là những nhà văn có tên tuổi và có nhiều đóng góp cho văn học. Họ mong muốn được thoát khỏi được những định kiến xã hội, được coi trọng khả năng trí tuệ, sự sáng tạo. Phụ nữ không thể chỉ phụ thuộc vào phong tục tập quán, bị giáo lý kìm hãm suy nghĩ và nhận thức. Một trong những điều cải cách được quan niệm này đó chính là thông qua giáo dục để có quyền bình đẳng. Bà đưa ra một lời đề nghị những sinh viên tại các trường đại học rằng: “với thời gian có trong tay và với kiến thức học được từ sách vở - các kiến thức khác chắc chắn các bạn không thiếu, bởi lý do các bạn đến trường đại học là để được giáo dục – chắc chắn các bạn sẽ dấn thân vào một chặng đường khác của sự nghiệp rất dài, rất khó nhọc và rất mờ mịt của mình… Riêng tôi, tôi phải thú nhận là đề nghị của tôi khá huyễn hoặc, rằng tôi rất muốn các bạn chọn con đường văn học” [ 1 , tr.180]. Để có một lực lượng sáng tác tốt, người viết văn trước hết cần có được môi trường giáo dục tạo nền tảng tốt. Với nhiều điều kiện cải thiện trong xã hội, người nữ ở những thế hệ càng về sau càng có được nhiều điều kiện để học hành. Đây cũng là một trong những điểm cốt lõi để nhà văn nữ được khẳng định tên tuổi.

Ở làn sóng nữ quyền thứ nhất, nhà nữ quyền vừa là người sáng tạo cũng vừa là người tiếp nhận. Người nữ thể hiện những diễn ngôn đấu tranh đòi bình đẳng nam – nữ thông qua các bài phát biểu và trong các tác phẩm của mình. Cạnh đó, họ còn là những độc giả có định hướng riêng, rõ ràng là nguồn cổ vũ tinh thần cho các nhà văn nữ sáng tác thêm nhiều tác phẩm về giới nữ. Đến thời đại của Người đọc , người nữ cũng khao khát trở thành một người sáng tác và là một độc giả tự do. Tác giả nữ cũng xuất hiện trong Người đọc . Đó là cô con gái của người tù binh may mắn còn sống sót sau vụ cháy nhà thờ đã làm chết hàng trăm nữ tù binh. Nhân vật này là người Do Thái, nhưng sau cuộc thế chiến đã chuyển đến Mỹ sinh sống. Và mặc dù sống ở một khu dân cư có phần khó khăn về mặt kinh tế nhưng cô sống một mình và quan trọng là cô có một “căn phòng riêng”. Một không gian đủ riêng tư để cô có thể tự do sáng tác. Không chỉ vậy, nhân vật nữ này còn có phát ngôn đáp lại Berg về vấn đề mù chữ rằng :“tuy nhiên nạn mù chữ không hẳn là một vấn đề Do Thái” [ 2 , tr.207]. Cuộc thế chiến đã gây nên nhiều tổn thương sâu sắc đến dân tộc này và rất nhiều dân tộc khác trên thế giới. Sự nỗ lực vươn lên để khẳng định tiếng nói nữ quyền yếu ớt của nhân vật thể hiện qua cách cô vượt qua vấn nạn mù chữ. Nhân vật cô con gái không chỉ biết tiếng Đức mà còn biết tiếng Anh. Cô sáng tác tác phẩm viết về đoàn tù binh nữ bằng tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ, nơi được cho là môi trường tạo điều kiện cho tự do ngôn luận. Chi tiết này cũng phần nào thể hiện được diễn ngôn của Schlink về vấn đề sáng tác văn chương ở Đức về đề tài thế chiến đang bị hạn chế và khó được sự chấp thuận như thế nào.

Nếu như tác giả cần căn phòng riêng để sáng tác thì độc giả (những người thưởng thức tác phẩm) lại cần có căn phòng chung để chia sẻ góc nhìn, cách đọc của mình về tác phẩm. Điều này được thể hiện thông qua nhân vật độc giả Hanna trong tiểu thuyết Người đọc của Bernhard Schlink. Sự dịch chuyển không gian thưởng thức văn học đó không phải là không gian vật lý thuần túy. Độc giả trong Người đọc được Schlink thể hiện với từng bước chuyển biến từ phụ thuộc đến tự do. Nếu như lúc đầu, không gian thưởng thức tác phẩm văn học của Hanna được xây dựng thông qua người đọc sách cho cô (qua lời kể của Berg, các nữ tù binh) và cô tiếp nhận tác phẩm theo định hướng của người đọc sách. Sau khi tiếp cận nhiều tác phẩm hơn, không gian tiếp nhận của Hanna bắt đầu thay đổi dần, bên cạnh việc tiếp thu cách nhìn của người đọc sách cho mình, Hanna đã có một vài phát biểu về tác phẩm. Định hướng về tác phẩm của người khác giống như “trại giam” gò bó cách hiểu của Hanna về một tác phẩm văn học mà cô được tiếp cận. Thế nhưng, khi ở trong căn phòng riêng của mình (căn phòng tại trại giam) Hanna mặt dù bị bó buộc trong không gian vật lý, nhưng không gian tiếp nhận văn học của cô đã bắt đầu mở rộng. Từ việc nghe băng ghi âm tác phẩm ngẫu nhiên mà Berg chọn, Hanna đã bắt đầu chủ động lựa chọn tác phẩm để đọc sau khi biết chữ. Từ đó, cô cũng trở thành một độc giả độc lập, hòa nhập vào căn phòng chung của các độc giả khác và có góc nhìn về tác phẩm của riêng mình. Cùng một căn phòng riêng (không gian vật lý) nhưng lại là hai không gian gắn với điều kiện thuận lợi để tác giả nữ có thể sáng tác và độc giả nữ có thể trở thành độc giả tự do.

Ngày nay, có thể thấy từ sự cải thiện bình đẳng trong giáo dục, văn hóa, chính trị,… nhiều nhà văn nữ đã có được không gian sáng tác và không gian tiếp nhận tác phẩm rộng mở. Tên tuổi của các nhà văn nữ lần lượt được khẳng định qua những giải thưởng văn học danh tiếng. Năm 1909, Selma Ottiliana Lovisa Lagerlöf là nhà văn nữ đầu tiên đạt giải thưởng Nobel đã chứng minh cho sức sáng tạo và khả năng văn chương của người nữ. Tiếp đó lần lượt là tên tuổi nữ khác như: Sigrid Undset (1928), Perl Buck (1938), Gabriela Mistral (1945), Nelly Sachs (1966), Nadine Gordimer (1991), Toni Morrison (1993), Wislawa Szymborska (1996), Elfriede Jelinek (2004), Doris Lessing (2007), Herta Müller (2009), Svetlana Alexievich (2015), Olga Tokarczuk (2018), Louise Glück (2020).

Giữa một xã hội còn chịu nhiều dư chấn của chiến tranh và vết thương văn hóa thì vấn đề “mù chữ” trong tác phẩm Người đọc đã thể hiện nỗi đau, một vết hằn trong văn hóa của người Đức. Phụ nữ thực sự nhận thức được vai trò của mình, đấu tranh cho các vấn đề bình đẳng giới thì trước tiên họ cần phải biết chữ, có tri thức. Từ đó, người nữ mới có thể trở thành những tác giả - độc giả tự do, được tiếp cận nhiều vấn đề khác về khoa học, pháp luật, đời sống, văn hóa, xã hội,… để tự chứng minh cho giá trị của mình.

Kết luận

Với Căn phòng riêng, Virginia Woolf đã thức tỉnh được ý thức nữ quyền của giai đoạn sơ khai. Đó chính là ý thức về nữ quyền tự do. Phụ nữ cần được công nhận về giá trị bản thể, trí tuệ, năng lực sáng tạo và có khả năng độc lập về tài chính. Phụ nữ muốn sáng tác ra một tác phẩm văn học hay thì cần có không gian làm việc và có năng lực tự chủ về kinh tế. Khi đã không còn phụ thuộc vào những yếu tố ngoại biên đó, họ sẽ có thể chuyên tâm hơn để vận dụng khả năng sáng tạo của mình.

Phụ nữ muốn được tôn trọng và có tiếng nói, trước hết cần phải biết chữ. Mù chữ không chỉ là vấn đề mặc cảm mà còn gián tiếp gây nên nhiều bi lụy cho cuộc đời của người phụ nữ. Như diễn ngôn của Bernhard Schlink trong Người đọc “một người mù chữ là chưa trưởng thành” , vì thế phụ nữ phải xóa mù chữ để có thể trưởng thành từ trong tư duy. Từ đó, phụ nữ sẽ có thể trở thành một độc giả độc lập, có nhận thức rõ về vai trò, vị trí của mình trong xã hội và có thể góp lên những tiếng nói nữ quyền có giá trị.

LỜI CẢM ƠN

Tôi xin chân thành cảm ơn TS. Đào Lê Na – người hướng dẫn khoa học của tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu tại trường, cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân – người giới thiệu cho tôi những lý thuyết về chủ nghĩa nữ quyền để tôi có được ý tưởng kết nối vấn đề tác giả - độc giả trong tác phẩm Căn phòng riêng Người đọc . Tôi cũng xin cảm ơn gia đình và bạn bè đã nhiệt tình cỗ vũ, động viên và hỗ trợ tôi để hoàn thành bài viết này.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan không có xung đột về lợi ích trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết thể hiện cách nhìn nhận của tác giả về những tiếng nói nữ quyền thông qua mối quan hệ tác giả - độc giả trong hai tác phẩm Căn phòng riêng (Virginia Woolf) và Người đọc (Bernhard Schlink). Thông qua vấn đề tác giả - độc giả để khám phá những diễn ngôn nữ quyền của Virginia Woolf và Bernhard Schlink.

References

  1. Woolf Virginia. Căn phòng riêng. (Trịnh Y Thư dịch). Hà Nội: NXB Tri Thức. . 2008;:. Google Scholar
  2. Schlink Bernhard. Người đọc. (Lê Quang dịch). Hà Nội; NXB Hội nhà văn. . 2014;:. Google Scholar
  3. Macionis John J.. Xã hội học. (Trung tâm dịch thuật thực hiện). Hà Nội: NXB Thống kê Hà Nội. . 2004;:. Google Scholar
  4. Lorber Judith. Sự đa dạng của những Chủ nghĩa nữ quyền và những đóng góp vào sự bình đẳng giới. . 2005;:. Google Scholar
  5. Văn Lê Ngọc. Nghiên cứu gia đình - lý thuyết nữ quyền, quan điểm giới. Hà Nội: NXB KHXH Hà Nội. . 2007;:. Google Scholar
  6. Thịnh Hoàng Bá. Giáo trình xã hội học về giới. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. . 2008;:. Google Scholar
  7. Beauvoir Simone de. Giới nữ. (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch). Hà Nội: NXB Phụ nữ Hà Nội. . 1996;:. Google Scholar
  8. Vân Hồ Khánh. Từ lý thuyết phê bình nữ quyền (Feminist Criticism) nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi của các tác giả nữ Việt Nam từ năm 1990 đến nay. Luận văn Thạc sĩ. Tp. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, 60.22.34. . 2008;:. Google Scholar
  9. Showalter Elaine. Feminist Criticism in the Wilderness. . 1981;:. Google Scholar
  10. Khánh Nguyễn Thị. Phê bình nữ quyền luận. Tạp chí Thông tin khoa học xã hội. . 2000;213:15-21. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 2 (2021)
Page No.: 1056-1065
Published: Jun 25, 2021
Section: Short Communication - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i2.583

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thạch Thị, C. (2021). From the female writer in A Room of One’s Own to the female reader in The Reader: feminist voices. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(2), 1056-1065. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i2.583

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 5361 times
Download   = 298 times
View Article   = 0 times
Total   = 298 times