VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

654

Total

361

Share

Understanding the hydrologyand weather knowledge of the fishermen in the Southwest coastal area: A case study of An Thuy commune (Ba Tri district, Ben Tre province) and Song Doc town (Tran Van Thoi district, Ca Mau province)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This paper aims to provide an indigenous knowledge system on the weather and hydrology system of the fishermen in the Southwest coastal area which is based on the research data in two specific communities: An Thuy commune (Ba Tri district, Ben Tre province) and Song Doc town (Tran Van Thoi district, Ca Mau province). The research results show that this knowledge is rich, diverse, and has been accumulated by the community for generations, especially to enable them to forecast the weather to preserve assets and lives during fish processing activities. The knowledge of the community related to weather and hydrology includes the insight of monsoon, water and storms. Offshore fishermen mastering each of this knowledge items can predict the weather to avoid the risks of sudden storms by choosing an optimal or preventive plan. This study is based on the data collected from qualitative research methods, including ethnographic fieldwork, in-depth interviews with experienced fishermen together with field notes in two areas of An Thuy commune, and Song Doc town. Besides, the paper recommends a proper proposal to preserve this knowledge in current conditions. The research results of this paper have shown the differences in local knowledge of those communities due to the weather and hydrological characteristics of the two Southeast and Southwest regions of the East Sea.

MỞ ĐẦU

Vùng ven biển Tây Nam bộ trải dài qua 7 tỉnh giáp biển gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Các tỉnh này thuộc khu vực Nam bộ tiếp giáp với biển Đông và vùng biển Tây Nam, chiều dài bờ biển là 732 km. Ngoài khơi vùng biển Tây Nam Bộ gồm nhiều cụm đảo, quần đảo: Hòn Đá Bạc, hòn Khoai, hòn Chuối, quần đảo Nam Du, quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc, quần đảo An Thới, quần đảo Thổ Chu. Vì thế, ngành thủy sản Tây Nam Bộ phát triển nhanh , qui mô lớn của cả nước do có nhiều bãi tôm, bãi cá lớn, lại có vùng biển rộng, nước biển ấm, thềm lục địa nông. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế nơi đây rộng khoảng 360 nghìn km², chiếm 37% tổng diện tích vùng đặc quyền kinh tế của cả nước [ 1 , tr.137]. Ngoài ra, theo một đánh giá khác: Trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Tây Nam bộ ước lượng là 610 ngàn tấn. Riêng trữ lượng cá nổi ở đây có 945.400 ngàn tấn và khả năng khai thác là 472.700 ngàn tấn [ 2 , tr.20]. Vì vậy, đây là tiền đề hình thành các cộng đồng ngư dân ở ven biển, hải đảo ở Tây Nam Bộ.

Sự hình thành và phát triển cộng đồng ngư dân đánh bắt thủy hải sản nhằm từng bước khai thác nguồn lợi hải sản ở trong, ven bờ cho đến xa bờ. Qua tìm hiểu, những địa phương phát triển mạnh nghề đánh bắt hải sản ở Tây Nam Bộ là thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), xã Bình Thắng (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), thị trấn Đại An (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau),… Ngoài ra, chưa kể đến ngư dân đang sinh sống trên các đảo, quần đảo ngoài khơi biển Tây Nam khai thác tôm cá trước nay để mưu sinh, tồn tại.

Nhờ vào hoạt động đánh bắt thủy hải sản-sinh kế chính của cộng đồng hình thành mảng văn hóa biển trong bức tranh văn hóa Tây Nam Bộ. Nhắc đến văn hóa biển Tây Nam Bộ cần nhắc đến hệ thống các thành tố nổi bật như: Tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống đặc trưng (nước mắm, chế biến khô, đóng ghe tàu, làm muối), ẩm thực. Đồng thời, càng không thể bỏ qua tri thức bản địa vốn được hình thành, tích lũy qua nhiều thế hệ ngư dân nhờ vào quá trình đánh bắt hải sản lâu đời, thích ứng với điều kiện sinh tồn gian nan, bất trắc. Cho nên, vấn đề này cần nghiên cứu, đánh giá nhằm hệ thống hóa tri thức bản địa của ngư dân, qua đó giúp hiểu hơn bức tranh văn hóa biển Tây Nam Bộ.

Bài viết trình bày tri thức liên quan đến thủy văn, thời tiết của ngư dân ven biển Tây Nam Bộ, cụ thể ở hai địa bàn nghiên cứu xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Thời gian nghiên cứu từ năm 2018 đến 2020 với nhiều lần đi thực địa, khảo sát tại hai cộng đồng. Xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đều gắn với sự hình thành, phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản từ ven bờ đến xa bờ của Tây Nam Bộ. Xã An Thủy nằm cạnh cửa sông Hàm Luông, ghe tàu có 960 chiếc và thu hút 7.000 lao động (tính đến năm 2015). Kề cửa biển Sông Đốc là một thị trấn sầm uất-Thị trấn Sông Đốc, đặc biệt thị trấn đã thu hút nhiều ghe tàu từ nhiều tỉnh, thành khác đến lưu trú để ra biển Tây Nam khai thác. Năm 2015, thị trấn có đến 1.373 ghe tàu với hàng chục ngàn lao động ra biển đánh bắt. Đây là hai cộng đồng ngư dân tiêu biểu thuộc loại hình bãi ngang, nhất là gắn với hoạt động ngư nghiệp khoảng 100 năm trở lại. Nhờ có thời gian dài đánh bắt, tích lũy nhiều kinh nghiệm, phải chăng tri thức bản địa cũng như tri thức liên quan đến thủy văn, thời tiết của ngư dân ở hai cộng đồng này dồi dào, phong phú? Bên cạnh đó, cộng đồng ngư dân An Thủy nằm về phía Đông Nam của biển Đông, còn ngư dân Sông Đốc khai thác trên vùng biển Tây Nam. Cho nên, qua những tư liệu thu thập hi vọng sẽ nhận biết được những khác biệt về môi trường sinh thái ở hai phía Đông Nam và Tây Nam của biển Đông.

NỘI DUNG

Tri thức bản địa và tri thức bản địa của ngư dân

Trước tiên, tri thức liên quan đến thời tiết của ngư dân thuộc về tri thức bản địa (Indigenous knowledge) của cộng đồng. Mỗi cộng đồng tộc người tích lũy hệ thống tri thức bản địa để thích nghi môi trường sinh thái lẫn môi trường xã hội, được biểu hiện qua cách thức quản lý tài nguyên, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giao tiếp xã hội.

Hiện nay, đi tìm một định nghĩa về tri thức bản địa là một thách đố [ 3 , tr. 7]. Tuy không đưa ra định nghĩa cụ thể, nhưng hai nhà nhân học phương Tây Roy Ellen và Holly Haris đã liệt kê 10 đặc điểm nổi bật của tri thức bản địa, đó là: 1/ Mang tính địa phương, bắt nguồn từ địa điểm cụ thể, 2/ Là tri thức truyền miệng, được lưu truyền qua truyền thông qua hình thức mô phỏng, mô tả, 3/Là hệ quả gắn kết thực tế trong đời sống hàng ngày và liên tục được củng cố bằng các kinh nghiệm, thử nghiệm, 4/ Là loại kinh nghiệm mang tính thực tiễn và giả thiết-kinh nghiệm nhiều hơn là mang tính lý thuyết theo đúng nghĩa, 5/Sự lập lại, 6/ Liên tục thay đổi, được tạo ra và tái tạo, hình thành và mất đi dường như thể hiện trong một trạng thái tĩnh, 7/ Được chia sẻ ở mức độ rộng lớn hơn các loại tri thức khác, 8/ Sự phân bố của nó luôn gián đoạn, không tồn tại một cách tổng thể ở nơi nào hoặc cá nhân nào, không hẳn được chuyển giao từ cá nhân đến cá nhân mà do người trao đổi với nhau trong từng việc làm và trong giao tiếp xã hội, 9/ Cấu tạo cực kỳ thực tế, chứa đựng sự “ biết thế nào ” cho những hoạt động thực tiễn, 10/ Mang tính chỉnh thể thống nhất và tồn tại trong khuôn khổ của những truyền thống văn hóa rộng lớn [ 4 , tr.5-7]. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Ngân hàng thế giới đưa ra định nghĩa về tri thức bản địa như sau:

  • Tri thức bản địa là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thức ăn, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội và cộng đồng. Tri thức bản địa còn cung cấp các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương ” [ 3 , tr.2].

Ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh cho rằng tri thức dân gian/tri thức bản địa/tri thức địa phương chính là toàn bộ những hiểu biết của cộng đồng về tự nhiên, xã hội và bản thân con người, được trao truyền qua trí nhớ, truyền miệng và thực hành xã hội. Nó giúp con người có được những ứng xử thích hợp với môi trường tự nhiên, điểu hòa các quan hệ xã hội, những hiểu biết cần thiết trong sản xuất, trong dưỡng sinh và trị bệnh. Tri thức dân gian của mỗi cộng đồng tương thích với môi trường tự nhiên, hoàn cảnh xã hội và trình độ phát triển văn hóa nhất định. Ngoài ra, ông đã phân chia tri thức dân gian thành năm lĩnh vực chủ yếu: Tri thức về môi trường tự nhiên, tri thức về bản thân con người, tri thức về sản xuất, tri thức về sáng tạo nghệ thuật, tri thức về quản lý xã hội [ 5 , tr.95-96]. Trong bài viết này, chúng tôi dựa vào quan niệm, cách tiếp cận của Ngô Đức Thịnh để tìm hiểu, phân tích tri thức bản địa tại hai cộng đồng được chọn nghiên cứu.

Cách phân loại tri thức bản địa của ngư dân ven biển ở Việt Nam hiện vẫn chưa thống nhất qua nhiều công trình nghiên cứu. Trước hết, cần nhắc đến bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam (8 tập) do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện. Sách đã khái quát những mảng tri thức bản địa của ngư dân ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và đảo Phú Quốc. Trên phương diện giá trị nhận thức, nhóm tác giả phân loại tri thức bản địa thành 4 lĩnh vực chính: 1/Giá trị nhận thức về thời tiết, biển cả, 2/ Giá trị nhận thức trong khai thác, đánh bắt hải sản, 3/ Giá trị nhận thức trong chế biến hải sản, 4/ Giá trị thể hiện chủ quyền quốc gia trên biển [ 6 , tr. 330-393]. Tiếp đó, Ngô Đức Thịnh, trong quyển sách Văn hóa dân gian làng ven biển , phân chia tri thức dân gian làng ven biển thành 3 nhóm: Kinh nghiệm về thời tiết (gió bão, con nước), kinh nghiệm về nguồn tôm cá, kinh nghiệm về kỹ thuật đánh bắt [ 6 , tr.65-67]. Phan Thị Yến Tuyết tiến hành phân loại tri thức bản địa của nghề đánh bắt vùng biển Nam bộ gồm: 1/Tri thức bản địa về thiên nhiên để đoán biết thời tiết đi biển (nhìn trời, nhìn sao, nhìn chớp, nhìn mây, nhìn trăng, nhìn gió, nhìn nước biển, nhìn sóng biển, nhìn cá biển, nhìn chim), kinh nghiệm tránh bão khi ghe tàu còn ở ngoài khơi, 2/Tri thức bản địa về nghề đánh bắt ở vùng biển Nam bộ (Tri thức bản địa về đánh cá, nhận biết các loài cá biển), tri thức về nghề “lưới lặn” và “nghe tiếng cá dưới biển”, 3/Tri thức bản địa về chữa bệnh ở vùng biển [ 7 , tr. 466-486]. Như vậy, việc phân loại tri thức bản địa của ngư dân đến nay vẫn chưa thống nhất tiêu chí, chủ yếu dựa vào những tư liệu sưu tầm, sau đó tiến hành phân chia cho hợp lý, dễ nhận biết.

Tri thức bản địa mang tầm quan trọng đối với hoạt động đánh bắt của ngư dân nước ta, trở thành mối quan tâm lớn của nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam hiện nay. Hệ thống tri thức liên quan đến ngư nghiệp là kho tàng tri thức mang tính thực tiễn, tích lũy qua nhiều thế hệ, nhất là giúp ích cho ngư dân mỗi khi ra khơi phải đối diện với nỗi lo sợ về tính mạng- “ hồn treo cột buồm ”. Trong bối cảnh hiện nay, vì tính chất quan trọng, tri thức bản địa của ngư dân biển đảo nước ta cần được bảo tồn và phát huy giá trị như nhận định:

  • Khuyến khích người dân tiếp tục sử dụng hệ thống tri thức bản địa, những kinh nghiệm quí báu trong các hoạt động khai thác biển, sống chung với biển. Tuy nhiên, đây lại là những dạng thức văn hóa truyền miệng rất dễ bị mai một theo thời gian nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời và phù hợp. Do vậy, để có thể bảo tồn và phát huy giá trị các tri thức bản địa cần khẩn trương tiến hành các dự án sưu tầm, văn bản hóa các tri thức dân gian liên quan đến biển. Điều này không những góp phần vào việc bảo tồn di sản, mà những thế hệ ngư dân hôm nay vẫn có thể tham khảo và vận dụng những tri thức còn hữu ích và phù hợp, qua đó tiếp tục phát huy những mặt tích cực trong kinh nghiệm khai thác biển của ông cha ”[ 6 , tr.489].

Những tri thức bản địa liên quan đến thủy văn, thời tiết của cộng đồng ngư dân An Thủy và Sông Đốc

Đã từ lâu các ngư dân Tây Nam Bộ nói chung cũng như ngư dân xã An Thủy và thị trấn Sông Đốc nói riêng dần tích lũy vốn tri thức liên quan đến thủy văn, thời tiết. Những tri thức này giúp họ rất nhiều trong việc nhận biết tình hình thời tiết để chủ động công việc đánh bắt mỗi ngày trên biển. Tuy gọi là tri thức liên quan đến thủy văn, thời tiết vùng biển, nhưng qua thu thập tư liệu từ thực tế điền dã, chúng tôi phân chia thành 3 mảng chính:1/ Những tri thức về các loại gió mùa hoạt động , 2/Những tri thức liên quan đến con nước, 3/Những tri thức mưa bão trên biển. Nhiều ngư dân có kinh nghiệm nắm vững các mảng tri thức này trong lúc ghe tàu lênh đênh ngoài khơi. Đặc biệt, trong thời điểm cách đây hơn 30 năm, ghe tàu chưa thể đầu tư các trang thiết bị hiện đại về thông tin để nhanh chóng nắm bắt tình hình thời tiết. Cho nên, những tri thức này hữu ích đối với ngư phủ dù đi đánh bắt ở ven, gần bờ. Tại thị trấn Sông Đốc, từ sau sự kiện cơn bão số 5 tàn phá (1997), ghe tàu được đóng mới, bắt đầu lắp đặt các trang thiết bị hiện đại để ra khơi đánh bắt dài ngày với hai hình thức phổ biến là lưới đèn và câu mực. Trước ngư dân Sông Đốc, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ngư dân An Thủy bắt đầu vươn ra biển đánh bắt qua việc nhà nước hỗ trợ vay tiền đầu tư máy móc, ngư lưới cụ để phát triển nghề ghe cào- cách thức đánh bắt thủy hải sản chủ lực của địa phương.

-Tri thức về gió mùa

Trước tiên, về các loại gió mùa hoạt động trên biển Đông, ngư dân cho biết có 2 loại hai mùa gió chính: Gió nam và gió chướng (gió mùa đông bắc). Chu kỳ hoạt động của hai loại gió này ảnh hưởng rất nhiều đến tổ chức đánh bắt của ngư dân Tây Nam Bộ, điển hình là An Thủy và Sông Đốc. Theo họ, mùa gió chướng hoạt động từ tháng mười đến tháng ba âm lịch, còn mùa gió nam thổi trong khoảng tháng tư đến tháng chín âm lịch. Trong mùa gió này, ngư dân An Thủy lo ngại những cơn gió bấc nổi lên từ tháng chín đến tháng mười hai âm lịch làm cho biển động mạnh kết hợp với giông bão, thời tiết lạnh lẽo và luồng tôm cá thưa thớt. Họ cho rằng đây là thời điểm đánh bắt khó khăn, nhất là lo sợ gây nguy hiểm tài sản và tính mạng. Trước năm 1975, ngư dân làm nghề đóng đáy (đáy bè, đáy rạo, đáy song cầu, đáy sáu,…) hoặc ghe đánh bắt gần bờ ngưng khai thác trong thời điểm này. Nhiều người cho rằng, những chiếc ghe kích thước nhỏ khi bị gió thổi mạnh, kèm sóng đánh cao, dễ dàng bị lật úp ngoài cửa sông Hàm Luông. Ngược lại, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Sông Đốc trên vùng biển Tây Nam thích hợp với mùa gió chướng. Vào mùa này, họ đánh bắt tôm cá bằng hình thức lưới rùng, lưới cá gộc, lưới rê, nò xiêm, chà chim, câu kiều… Theo một số ngư dân có kinh nghiệm cho biết: Trước thập niên 80 của thế kỷ trước, với điều kiện đánh bắt thô sơ, sử dụng loại ghe nhỏ có gắn buồm, nên nghề cá hoạt động vào mùa gió chướng, từ tháng chín cho đến tháng ba âm lịch. Lúc đó, ngư dân ra cửa sông làm nghề nò xiêm cũng như thả lưới đánh bắt. Mùa này, mặt biển yên lặng, ít xuất hiện gió mạnh, không những thuận lợi cho đánh bắt mà còn giúp tôm cá sinh sản nhiều hơn. Cho nên, ngay từ cuối tháng tám âm lịch, ngư dân đi ghe ra ngoài cửa sông đóng cọc, làm nò hoặc thả chà nhằm chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới. Còn những tháng thuộc gió mùa tây nam (tức gió nam), họ tạm ngưng khai thác vì ngoài khơi xuất hiện các đợt sóng mạnh cuồn cuộn, cao từ 4 đến 5m, gây cản trở hoạt động đánh bắt. Lúc này, ngư dân làm nò xiêm phải thu dọn ngư cụ, lo sợ sóng đánh cao và mạnh sẽ làm hư nò. Tương tự, các ụ chà của hình thức đánh bắt chà chim sẽ bị sóng đánh sập ngoài cửa sông. Nò xiêm và chà chim là hai hình thức đánh bắt thủy hải sản chủ lực, đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân Sông Đốc. Đối với ngư dân đánh bắt phía đông nam của biển Đông, trong đó có An Thủy, tháng ba là tháng đi biển tốt nhất, vì họ luôn tin rằng “ Tháng ba bà già đi biển ”. Nhiều ngư dân giải thích: Tháng ba âm lịch là “ mùa đồng chung ”, tức thời điểm giao thoa giữa mùa gió chướng và gió nam. Vì vậy, ngư dân ở các cửa sông làm nghề đáy tích cực đánh bắt vì tôm cá tháng này rất nhiều, thời tiết trên biển cũng yên lặng, hoàn toàn thích hợp cho ngư dân đi ghe ra khơi. Bên cạnh đó, nhờ vào trải nghiệm lẫn tích lũy những kinh nghiệm, họ rất nhạy bén trong việc nhận biết biểu hiện các loại gió xuất hiện ở vùng biển. Nếu thấy gió heo may thổi làm cho thời tiết vùng biển lành lạnh, ngư dân nên chuẩn bị tinh thần đối phó với mưa, bão qua câu: “ Gió heo may chẳng mưa dầm thì bão giật ”, “ gió may quay nồm ”.

-Tri thức về con nước

Những hiểu biết của ngư dân liên quan đến con nước ảnh hưởng ít nhiều đến công việc đánh bắt hằng ngày của họ. Với loại hình ngư dân bãi ngang, các cộng đồng ngư dân cư trú bên trong đất liền, ra vào các cửa sông lớn ở những địa phương ven biển. Cho nên, hoạt động ghe tàu phụ thuộc vào chế độ thủy triều của những con sông này. Nhìn chung, chế độ thủy triều ở các cửa sông ven biển Tây Nam Bộ khác biệt rõ rệt giữa hai phía đông nam và phía Tây Nam của biển Đông. Thủy triều ở phía đông nam của biển Đông theo chế độ bán nhật triều, mỗi ngày con nước lên xuống hai lần. Ngược lại, ở biển Tây Nam, mực nước mỗi ngày lên xuống một lần, nên gọi là chế độ nhật triều. Lê Bá Thảo giải thích như sau: Sông nước ở Nam bộ, hằng ngày cũng có từ hai con nước trở lên (nước lớn và nước ròng). Những ngày rằm và ba mươi (âm lịch) có những con nước lớn hơn những con nước bình thường làm chao động cả mặt sông vì sự vận động của chúng. Còn ở vịnh Rạch Giá-Hà Tiên, triều ở đây lên xuống ngày một lần. Triều không những làm mực nước sông và kênh rạch đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng mà còn làm cho dòng chảy bị đảo ngược [ 8 , tr. 245]. Vốn gắn liền với sông nước ngay từ nhỏ, ngư dân ở An Thủy và Sông Đốc am tường chế độ thủy triều để đóng đáy, cho ghe ra khơi hoặc vào bờ neo đậu. Cụ thể, “ nước kém cạn sông, nước rong cạn vũng” là qui luật phổ biến mà ngư dân phải nắm bắt để chọn thời gian ghe ra vào sông rạch mỗi ngày. Họ nắm vững qui luật triều lên xuống trong chu kỳ nửa tháng. Khi triều lên gọi là con nước lớn, triều xuống thấp gọi là con nước ròng, độ chênh lệch giữa nước lớn và ròng từ 2,5 đến 3,5 m. Vào ngày rằm, ngư dân gọi thủy triều này là “ con nước chánh ” hay “ con nước cường ”, tức mực nước dâng cao hơn những ngày khác. Từ đó, họ có thể tính toán mức triều lên xuống mỗi ngày một cách chính xác những giờ nước lên, giờ nước ròng. Tại xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), các ngư dân cao tuổi cho biết thêm: Ngảy rằm và ngày ba mươi hằng tháng, con nước sông Hàm Luông dâng lên cao nhất lúc giữa trưa (lúc 12g) và khuya (lúc 24g). Vào mùa gió chướng, kết hợp với sóng và gió mạnh, nên đôi khi “ nước nhảy ” làm tràn bờ, nước cao hơn bờ khoảng từ 5 đến 7 tấc. Còn đến mùa gió nam, mực nước không cao bằng mùa chướng. Từ mốc thời gian này, ngư dân địa phương có thể tính toán chính xác giờ con nước lên cao nhất ở những ngày kế tiếp, xê dịch thời điểm nước triều lớn nhất cho ngày tiếp theo là một giờ. Tương tự, ở cửa sông Ông Đốc, hai ngày rằm và ba mươi là những ngày nước lớn, con nước lên cao nhất lúc khuya (24g) rồi sẽ hạ dần. Các ngày sau đó, “ con nước chánh ” sẽ trễ hơn mỗi ngày một giờ đồng hồ. Vào mùa gió nam kết hợp với giông mạnh, nhất là vào các tháng tư, năm và sáu âm lịch, xảy ra hiện tượng triều cường, “ nước nhảy ” dẫn đến ngập nhà dân sinh sống ven sông, rạch. Nhiều ngư dân cho biết rằng: Nắm qui luật con nước giúp ích cho việc lưu thông ghe tàu ra vào cửa sông tránh mắc cạn, nắm qui luật các loại cá đi theo con nước mỗi tháng, mỗi mùa. Họ nhấn mạnh lúc nước vừa lên đi câu, quăng lưới là thời điểm tốt nhất, nhiều con cá lớn đi theo dòng nước, thậm chí ghe bủa lưới đánh bắt trọn bầy cá.

- Tri thức liên quan đến mưa bão

Những kinh nghiệm của ngư dân liên quan đến mưa bão quan trọng, cần thiết cho hành trình ra khơi, giúp họ nắm bắt thay đổi nhanh chóng của thời tiết trong điều kiện ghe tàu chưa được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại như hiện nay để trú ẩn hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra,trong thời điểm hiện tại, tuy được trang bị nhiều phương tiện hiện đại như bộ đàm, máy định vị, máy dò luồng cá,…, nhưng gặp thời tiết diễn biến phức tạp, hoặc mất điện, mất liên lạc, thiếu thông tin thì việc vận dụng những tri thức dân gian truyền thống rất cần thiết để hạn chế rủi ro [ 9 , tr. 168]. Cho nên, Ngô Đức Thịnh đánh giá tầm quan trọng của tri thức này:

  • Các kinh nghiệm đó không chỉ mang lại cho họ bát cơm manh áo, mà còn là bảo bối để họ vượt qua hiểm nguy, cứu lấy tính mạng trước sự đe dọa của bão gió trên biển ” [ 10 , tr.65]

Những tri thức này được nhiều thế hệ ngư dân đánh bắt vùng biển Tây Nam Bộ trao truyền để giúp nắm bắt những thay đổi từ hiện tượng tự nhiên nhằm ứng phó giông bão. Qua khảo sát, các tri thức này lưu truyền phổ biến qua ký ức của ngư dân, tuy phong phú, đa dạng nhưng lại khó thống kê đầy đủ. Trường hợp ngư dân An Thủy, mỗi khi chuẩn bị ra khơi hoặc đang lênh đênh trên biển, nếu nhìn thấy những đàn chim én và chim hải âu vội vàng quay vào bờ thì dự đoán giông bão xuất hiện ngày hôm sau. Ngoài ra, nhiều người còn kể lại nhìn dưới biển xuất hiện loài cá mặt quỉ trồi lên thì biển sẽ động mạnh những ngày sau đó. Cho nên, ngư phủ không được đánh bắt loài cá này. Bên cạnh đó, đi biển đánh bắt, ngư dân quan tâm đến tình hình mặt nước biển mỗi ngày. Họ chú ý hiện tượng “ động nước trước động trời ”, tức là mặt biển bỗng dưng sủi bọt liên tục sẽ xảy ra hiện tượng ngọn sóng biển dâng cao, giông bão ầm ầm kéo đến. Quan sát đám mây, các vì sao trên bầu trời giúp ngư dân tiên liệu giông bão. Khi nhìn thấy những đám mây đen xuất hiện, ngư phủ yên tâm, vì đó chỉ là cơn mưa lớn trút xuống và nhanh tan. Nhưng khi thấy những làn mây xám xịt trôi trên trời sẽ gây hiện tượng mưa âm ỉ dài ngày, khó khăn cho việc đánh bắt qua câu:

Khói đèn tui chẳng âu lo

Sợ mây váng cháo phủ đầu bay qua”

Ngoài ra, quan sát sự xuất hiện ít hay nhiều các vì sao trên bầu trời buổi tối, ngư phủ dự đoán tình hình mưa nắng ngày hôm sau:

Đông sao thì nắng, vắng sao thì mưa

Người đi biển kinh nghiệm ở An Thủy, Sông Đốc chú ý đến các vì sao trên trời. Sao cá liệt giúp cho ghe xác định phương hướng ra biển hoặc vào bờ một cách chính xác nhất. Vì thế, nếu ghe đi phía dưới vì sao này sẽ vào bờ an toàn, nhất là những ngày trời tối mịt. Ngoài ra, theo một số ngư dân cao tuổi tại An Thủy cho biết: Đánh bắt lúc trời tối, để xác định phương hướng vào bờ, họ căn cứ vào ba loại sao mai, sao hôm, sao cày. Sao mai mọc ở thời điểm hai, ba giờ sáng. Vì thế, tài công nhìn hướng ngôi sao này chiếu thẳng phía sau buồng lái mà chạy ghe theo, nhờ đó ghe sẽ quay về bờ. Chòm sao cày gồm ba ngôi sao, hình dạng nằm xéo nhưng thẳng hàng giống lưỡi cày, mọc lúc hai, ba giờ sáng. Người lái ghe căn cứ sao này để ghe đi thẳng hướng sẽ xác định phương hướng từ ngoài biển về đất liền. Ngược lại, nếu ghe muốn vào bờ lúc trời vừa tối, tài công nhìn sao hôm mọc lúc bảy, tám giờ tối để định hướng cho ghe di chuyển.

Ngoài ra, ngư dân giàu kinh nghiệm biết cách xem màu của ráng trời dự đoán mưa nắng trên biển. Nếu ráng trời đổi màu tím bầm, không còn đỏ tươi như bình thường, thì vài ngày sau biển động mạnh, ghe tàu khó đánh bắt nên cần di chuyển nhanh vào bờ. Ngoài ra, nhìn màu sắc của mây đang trôi trên nền trời dễ nhận biết diễn biến mưa, nắng hàng ngày: “ Mây xanh trời trắng, mây trắng trời mưa ”, “ Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa ”,...[ 7 , tr. 471]. Ở trong bờ hoặc ngoài biển, nhìn thấy mây cuốn như vòi rồng sẽ dự đoán: “ Rồng đen lấy nước thời nắng, rồng trắng lấy nước thời mưa” . Ngoài khơi, ngư phủ thấy đoạn cầu vồng xuất hiện buổi sáng sớm hoặc chiều. Hiện tượng này gọi là mống, đồng thời dẫn đến: “ Mống chiều mưa sáng, ráng chiều mưa hôm ”, “ Mống cao gió táp, mống áp mưa rào ”,...

Ngư dân đánh bắt ở vùng biển Tây Nam thông thuộc các đảo lớn, đảo nhỏ để tìm kiếm nguồn nước ngọt hoặc làm nơi trú ẩn. Hòn chuối cách cửa biển Sông Đốc 6 hải lý, là nơi ghe tàu neo đậu mỗi khi bão ập đến. Vì thế, ngư dân cửa biển Sông Đốc lưu truyền bài vè:

Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè sông Ông Đốc

Lòng sông uốn khúc

Dòng nước chảy quanh

Bước ra đầu gành

Thấy hòn Đá bạc

Nhìn kĩ quan sát

Thấy cụm hòn Khoai

Đứng thẳng nhìn ngay

Chân trời hòn Chuối

Ba bề thấy núi

Mây ấp từng từng

Nhìn thẳng xuống rừng

Rừng xanh biếc biếc…”

Mặt khác, người dân trong bờ có thể dự đoán tình hình thời tiết ngoài khơi. Ở An Thủy, nhiều người kể rằng: Nếu người phụ nữ nhóm lửa trên bếp, khi nhắc nồi, chảo xuống, nếu tàn lửa nhỏ bay lan rộng thì có thể đoán được biển động, mưa bão sắp kéo đến. Còn trong bờ xuất hiện nhiều kiến cánh bay thì lo âu vì: ” Kiến cánh vỡ tổ bay ra, bão táp mưa sa gần tới ”. Nhìn chung, những kinh nghiệm của ngư dân An Thủy, Sông Đốc liên quan đến mưa bão khó liệt kê đầy đủ vì chúng phong phú, nhất là tùy thuộc vào thời gian bám biển lẫn kinh nghiệm cá nhân của từng người.

KẾT LUẬN

Nói chung, tri thức liên quan đến thời tiết của ngư dân An Thủy và Sông Đốc là bộ phận quan trọng của hệ thống tri thức bản địa cộng đồng, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa hoạt động ngư nghiệp với đặc điểm thời tiết phía đông nam biển Đông và vùng biển Tây Nam. Cho nên, điều này cho thấy tính độc đáo, đặc trưng của những tri thức bản địa được giới thiệu ở trên. Ngoài ra, các tri thức này trở thành một bộ phận quan trọng của khái niệm văn hóa dân gian về thiên tai do học giả người Nhật Sakurai Tatsuhiko đề xuất. Trong bài viết Tìm hiểu thảm họa thiên tai từ văn hóa dân gian , ông nhấn mạnh:

  • Cho đến nay, dữ liệu văn hóa dân gian về thiên tai còn chưa đầy đủ. Từ nay trở đi, văn hóa dân gian về thiên tai cần phải được ghi nhận như một lĩnh vực độc lập của văn hóa dân gian…..Và khi chúng ta rút ra tri thức và trí khôn trong văn hóa dân gian về thiên tai từ những cơ chế giữ gìn kí ức tập thể (tượng đài, nghi lễ, diễn xướng, thói quen, hệ thống,….) chúng ta muốn có sự hiểu biết sâu sắc hơn về những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa thảm họa” [ 11 , tr. 92]

Tìm hiểu tri thức dân gian liên quan đến thủy văn, thời tiết của ngư dân ven biển An Thủy và Sông Đốc cho thấy đây không chỉ là những kinh nghiệm mà còn biểu hiện sự trao truyền tri thức giữa nhiều thế hệ ra khơi đánh bắt vì mục tiêu mưu sinh và nhu cầu phát triển cuộc sống. Mặt khác, cũng chính là quá trình thích nghi với môi trường sinh thái tạo ra một dấu ấn thiên nhiên độc đáo trong đời sống văn hóa của họ.

Tìm hiểu tri thức liên quan đến thủy văn, thời tiết của ngư dân ven biển ở xã An Thủy và thị trấn Sông Đốc cho thấy sự khác biệt môi trường sinh thái, chủ yếu là qui luật gió mùa hoạt động và chế độ thủy triều, ở hai vùng biển phía đông nam và tây nam của biển Đông, mà hai địa phương này là đại diện tiêu biểu. Sự khác biệt này đã ảnh hưởng lớn đến qui luật đánh bắt thủy hải sản ngoài khơi của ngư dân trước nay. Hiện tại, tuy ghe tàu đã được đóng mới, chắc chắn hơn trước đây rất nhiều cũng như đầu tư phương tiện thông tin hiện đại, nhưng ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng bởi qui luật gió mùa hoạt động, tạo ra thuận lợi lẫn khó khăn trong đánh bắt. Cụ thể, dịp ra khơi đầu năm tại An Thủy, nếu gió chướng vẫn còn hoạt động mạnh, sức gió thổi lớn, toàn bộ ghe tàu phải ở trong bờ, không dám ra khơi. Họ dự đoán rằng ghe tàu dễ dàng bị gió thổi lật ngay tại cửa sông Hàm Luông. Điều này cho thấy, tri thức về gió mùa vẫn quan trọng đối với quá trình đánh bắt thủy hải sản của ngư dân địa phương hiện tại.

Ngày nay, nhiều ngư dân ra khơi, ghe tàu được đầu tư trang thiết bị hiện đại nên họ vững vàng, yên tâm hơn trước. Thế nhưng, một số ngư phủ cho rằng đối với họ tri thức liên quan thủy văn, thời tiết vẫn còn hữu ích khi hoạt động dự báo bão vẫn còn chưa chuẩn xác. Bên cạnh đó, một số ngư dân cao tuổi cho rằng hệ thống những tri thức này rất hữu ích cho ngư phủ trẻ, bên cạnh công việc dự báo ngày nay chủ yếu phụ thuộc vào truyền thông. Theo họ, đây là điều đáng tiếc vì tri thức đang dần bị lãng quên, cần có những hình thức bảo tồn, lưu giữ một cách hợp lý. Cho nên, việc nghiên cứu tri thức bản địa của ngư dân ven biển Tây Nam Bộ cần tiếp tục quan tâm cũng như thảo luận các giải pháp bảo tồn hữu hiệu, các biện pháp đưa những tri thức đã được chọn lọc, mang tính hợp lý đến thế hệ ngư phủ trẻ để họ nắm bắt, vận dụng trong đánh bắt khi các phương tiện kỹ thuật đánh bắt ngày nay vẫn còn một số hạn chế. Vì thế, đề nghị sau đây của hai học giả Roy Ellen và Holly Haris mang tính hợp lý:

  • “Nó sẽ phải luôn được hiểu và thích nghi với hoàn cảnh địa phương và sẽ vẫn phải phụ thuộc vào những gì cá nhân biết và tái hiện lại một cách độc lập về văn hóa tri thức sách vờ và chính thống” [ 4 , tr. 40]

LỜI CẢM ƠN

Đây là nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số B2018-18B-02, chúng tôi xin chân thành cám ơn chủ nhiệm đề tài đã tài trợ cho nghiên cứu này.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả bài viết cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả nghiên cứu các tài liệu tham khảo liên quan đến tri thức bản địa và tri thức bản địa vùng ven biển, hải đảo Việt Nam. Ngoài ra, các tư liệu liên quan đến tri thức liên quan đến thời tiết tại hai cộng đồng được tác giả rút ra từ kết quả khảo sát thực tế nhiều lần cũng thông qua phỏng vấn sâu các ngư dân giàu kinh nghiệm, sau đó tiến hành phân loại, hệ thống hợp lý để dễ dàng nắm bắt. Những kết luận của bài viết này thể hiện quan điểm của tác giả sau khi khảo sát, nghiên cứu ở hai cộng đồng.

References

  1. Việt T.V.. Vai trò và tiềm năng của ngành thủy sản đối với sự phát triển kinh tế củaĐ ồng bằng Sông Cửu Long. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 2013;27:. Google Scholar
  2. Tiến T.N., Trâm P.N.. Nhận diện và phát huy các giá trị tài nguyên biển đảo phục vụ phát triển bền vững vùng Nam bộ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 2014;:. Google Scholar
  3. Lệ N.V., Thu H.N.. Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ ở Đắk Nông. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 2017;:. Google Scholar
  4. Ellen R., Parkes P., Bicker A.. Tri thức bản địa về môi trường và những biến đổi. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới. 2010;:. Google Scholar
  5. Thịnh N.D.. Văn hóa văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. 2006;:. Google Scholar
  6. Bền N.C.. Văn hóa biển đảo Việt Nam (tập 1). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật. 2019;:. Google Scholar
  7. Tuyết P.T.Y.. Đời sống xã hội - kinh tế - văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam bộ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 2014;:. Google Scholar
  8. Thảo L.B.. Thiên nhiên Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật. 1977;:. Google Scholar
  9. Oanh P.L.. Văn hóa biển đảo Việt Nam (tập 7). Hà Nội: Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia sự thật. 2019;:. Google Scholar
  10. Thịnh N.D.. Văn hóa dân gian làng ven biển. Hà Nội: Nxb. Văn hóa dân tộc. 2000;:. Google Scholar
  11. Hội Folklore Châu Á . Giá trị và tính đa dạng của Folklore Châu Á trong quá trình hội nhập. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới. 2006;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 4 (2020)
Page No.: 522-529
Published: Oct 18, 2020
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i4.580

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Loc, D. (2020). Understanding the hydrologyand weather knowledge of the fishermen in the Southwest coastal area: A case study of An Thuy commune (Ba Tri district, Ben Tre province) and Song Doc town (Tran Van Thoi district, Ca Mau province). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 4(4), 522-529. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i4.580

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 654 times
Download PDF   = 361 times
View Article   = 0 times
Total   = 361 times