VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

1032

Total

474

Share

Indigenous knowledge of Vietnamese cultivation in the Mekong Delta






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Being passed from generation to generation, indigenous knowledge is unique and confined to a particular culture or society. This knowledge is generated and transmitted through communities, over time, in an effort to cope with their own agro-ecological and socio-economic environments (Fernandez, 1994). Vietnamese residents in the Mekong Delta during the development of cultivation activities have accumulated a lot of folk experiences, creating a large amount of indigenous knowledge in daily life and farming production. This knowledge has supported the Vietnamese people to adapt themselves to survive for several hundred years. However, throughout the time, under the strong impact of scientific knowledge, indigenous knowledge nowadays is no longer applied as much as before. In the context of increasing climate change, understanding and reevaluating the correct value of this knowledge, besides preserving, also contribute to public policy implications in environmental change adaptation strategies in the near future. With an interdisciplinary approach to geography and anthropology, via long fieldwork methods, face-to-face meetings with farmers and group discussions, 10 in-depth interviews were conducted on issues related to this current production model and production experience. Indigenous knowledge has been and is being applied in flooded areas with representatives being An Giang and Hau Giang provinces. The author has systematized the indigenous knowledge of Vietnamese people on cultivating to better adapt to nature.

DẪN NHẬP

Tri thức bản địa là những kiến thức mang tính địa phương thuộc về một cộng đồng tộc người nhất định trong quá trình thích nghi và khai thác môi trường tự nhiên. Những tri thức này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng và cũng có khi cộng đồng khác tiếp nhận trong quá trình giao lưu văn hóa. Hình thức truyền đạt chủ yếu là truyền miệng, thực hành làm theo, ít được ghi chép bằng văn bản. Những tri thức này là nền tảng để duy trì đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng liên quan đến hầu hết các khía cạnh của sản xuất, của chăm sóc sức khỏe, của sinh hoạt, của giáo dục… Tuy vậy, một thực trạng nghiêm trọng là nhiều tri thức bản địa đang mất dần và cũng với sự mất mát này là những kiến thức về cách sống bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vùng đất của sự trù phú về tài nguyên thiên nhiên và các điều kiện tự nhiên lẫn kinh tế-xã hội đã được cư dân trong vùng khai thác và thích ứng 1 để thúc đẩy một nền sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng xuất khẩu. Kể từ thời khai hoang mở cõi cho đến hôm nay, cư dân đồng bằng, cụ thể là cư dân Việt đã sáng tạo ra một khối lượng lớn tri thức bản địa trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Những tri thức này đã hỗ trợ cho người Việt thích ứng để tồn tại trong suốt mấy trăm năm. Tuy vậy, qua thời gian cùng với sự tác động mạnh mẽ của tri thức khoa học, những tri thức bản địa ngày nay không còn và không áp dụng nhiều như trước. Đồng thời, hoạt động khai thác của con người trong những năm qua đã đặt đồng bằng đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng sinh thái.

Trên cơ sở đó, bài viết được thực hiện nhằm mục đích hệ thống hóa các tri thức bản địa liên quan đến trồng trọt tại ĐBSCL đã và đang được áp dụng bởi nông dân địa phương. Từ việc phân tích đó, bài viết hướng đến việc đóng góp cho hàm ý chính sách trong những chiến lược phát triển bền vững đồng bằng trong thời gian tới.

CƠ SỞ LÝ LUẬN

Mỗi tộc người trong các giai đoạn phát triển khác nhau đều lưu giữ những kinh nghiệm về về môi trường cư trú và được gọi là tri thức bản địa 2 . Thuật ngữ tri thức bản địa có liên quan đến một số thuật ngữ như: tri thức dân gian (folk knowlegde), tri thức truyền thống (traditional knowledge), tri thức địa phương (local knowledge) và được sử dụng lần đầu tiên bởi Howes và Chambers 3 . Nghiên cứu về tri thức bản địa qua các thời kỳ với việc định nghĩa tri thức bản địa là một công việc đầy thách thức 4 .

Tri thức địa phương hay còn gọi là tri thức bản địa là hệ thống tri thức của các cộng đồng dân cư bản địa ở các quy mô lãnh thổ khác nhau, được hình thành trong quá trình lịch sử lâu đời, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường xã hội, được định hình dưới nhiều dạng thức khác nhau, được truyền từ đời này sang đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Nó hướng đến việc hướng dẫn và điều hòa các quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người và thiên nhiên 5 .

Tri thức bản địa là toàn bộ những hiểu biết của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân, hình thành và tích luỹ trong quá trình lịch sử lâu dài của cộng đồng, thông qua trải nghiệm trong quá trình sản xuất, quan hệ xã hội và thích ứng môi trường. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội 6 bao gồm rất nhiều lĩnh vực liên quan đến sản xuất, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tổ chức cộng đồng hình thành trong quá trình sống và lao động của cả cộng đồngđược lưu giữ bằng trí nhớ và lưu truyền bằng miệng 7 .

Tri thức bản địa là khối kiến thức được tích lũy từ các tập quán được duy trì và phát triển trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên. Tri thức này là cơ sở cho việc ra quyết định về nhiều khía cạnh cơ bản của cuộc sống hàng ngàysăn bắn, đánh cá, hái lượm, nông nghiệp và chăn nuôi; chuẩn bị thức ăn, bảo tồn và phân phối thức ăn, xác định vị trí, lấy nước và dự trữ nước; đấu tranh chống lại bệnh tật và thương vong; giải nghĩa các hiện tượng thời tiết và khí tượng; sản xuất các công cụ và quần áo; xây dựng và bảo dưỡng nhà ở; định hướng và đi lại trên đất liền và biển; quản lý các mối quan hệ sinh thái của xã hội và tự nhiên, thích nghi với các thay đổi về môi trường, xã hội 4 .

Tri thức bản địa là những hệ thống tri thức và thực nghiệm được phát triển qua nhiều thế hệ trong một lĩnh vực cụ thể tới một nền văn hóa chuyên biệt 8 phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội 9 và tồn tại trong từng điều kiện môi trường cụ thể 10 . Tri thức này tồn tại và phát triển dưới các điều kiện cụ thể của những người dân bản địa trong một khu vực địa lý nhất định 11 . Theo Bùi Hoài Sơn “trong một quốc gia, nhiều khi những tộc người thiểu số được gọi là bản địa. Trên phạm vi toàn cầu, đôi khi người ta gọi những dân tộc có lịch sử sinh sống lâu đời trên một vùng đất là dân tộc bản địa. Như vậy, người Việt có thể được coi là dân bản địa ở phương diện thế giới, nhưng không được coi là dân tộc bàn địa trong phạm vi quốc gia” 12 . Khái niệm “cư dân bản địa” hay “tộc người bản địa” phải đặt trong những trường hợp cụ thể và tại một địa bàn cụ thể 9 .

Sự phát triển của hệ thống kiến thức bản địa trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, kể cả việc quản lý môi trường tự nhiên, từ lâu đã là một vấn đề sống còn đối với những con người đã sáng tạo ra chúng. Các hệ thống kiến thức bản địa cũng có tính động, kiến thức mới liên tục được bổ sung và cũng sẽ tiếp nhận, sử dụng, thích nghi với kiến thức bên ngoài nhằm phù hợp với điều kiện của địa phương 13 .

Theo Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc 14 tri thức bản địa có một số đặc điểm như sau:

- Tri thức bản địa được hình thành và biến đổi liên tục qua các thế hệ trong một cộng đồng địa phương nhất định . Bởi vì, tri thức bản địa là sản phẩm được tạo ra trong quá trình lao động sản xuất của toàn cộng đồng. Theo thời gian, những kinh nghiệm truyền thống này được biến cải để ngày càng hoàn thiện hơn, nghĩa là có hiệu quả thích ứng cao hơn đối với các thay đổi môi trường tự nhiên và kinh tế-xã hội.

- Tri thức bản địa có khả năng thích ứng cao với môi trường riêng của từng địa phương-nơi hình thành và phát triển tri thức đó . Môi trường tự nhiên ở đây bao gồm cấu tạo thổ nhưỡng, đất đai khí hậu, thảm thực vật, các loài động vật, sông ngòi. Những điều kiện tự nhiên này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đến tổ chức đời sống, đến việc thuần dưỡng các cây trồng vật nuôi… Do được hình thành tại địa phương, hoặc được du nhập rồi cải biến nhiều lần để phù hợp với thiên nhiên và tập quán xã hội nên kiến thức bản địa thích ứng tốt với địa bàn cư trú của cộng đồng. Đây là đặc điểm quan trọng mà kiến thức kỹ thuật bên ngoài không có được.

- Tri thức bản địa do toàn thể cộng đồng sáng tạo ra qua lao động trực tiếp, đúc kết kinh nghiệm về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội . Ngược lại với kiến thức hàn lâm chỉ do một hoặc một nhóm người sáng tạo ra, tri thức bản địa hình thành một cách tự nhiên trong quá trình lao động của toàn thể cộng đồng. tuy nhiên, mỗi cộng đồng có những thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực.

- Tri thức bản địa được lưu giữ bằng trí nhớ và truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng và thực hành văn hóa . Đây là điểm khác biệt so với kiến thức khoa học và thường gây khó khăn cho những người nghiên cứu về tri thức bản địa, đặc biệt là những người ngoài cộng đồng, không cùng văn hóa và ngôn ngữ.

- Tri thức bản địa luôn gắn liền và hòa hợp với nền văn hóa và tập tục địa phương ; vì vậy, khả năng tiếp thu, ứng dụng trong cộng đồng là rất dễ dàng. Trong thực tế, nhiều người dân không chấp nhận thực hiện các khoa học-kỹ thuật vì không phù hợp với hoàn cảnh địa phương.

- Tri thức bản địa có giá trị cao trong việc xây dựng các mô hình phát triển nông thôn bền vững theo hướng người dân tham gia và ít tốn kém . Một số nghiên cứu đã xem tri thức bản địa là cơ sở đề xuất các chương trình phát triển trong các lĩnh vực của sản xuất và đời sống ở nông thôn vì tính hiệu quả về tài chính và triển vọng thành công.

- Tri thức bản địa có tính đa dạng cao . Vì tri thức bản địa được hình thành trong những điều kiện tự nhiên khác nhau và được mọi thành viên trong cộng đồng sáng tạo nên sự khác biệt về giới tính, tuổi tác, nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã làm cho hệ thống tri thức bản địa của cộng đồng hết sức phong phú.

Tri thức bản địa trong trồng trọt là một trong 05 lĩnh vực 1) Tri thức về trồng trọt; 2) Tri thức về chăn nuôi; 3) Tri thức về quản lý rừng và tài nguyên cộng đồng; 4) Tri thức về dinh dưỡng và sức khoẻ con người; 5) Tri thức về tổ chức cộng đồng và truyền thụ kinh nghiệm cho con cháu 14 . Chung quy, tri thức bản địa là toàn bộ những hiểu biết kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội ở những địa phương, những khu vực cụ thể được tích lũy, thực hành, chọn lọc và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được bổ sung và phát triển trong đời sống 9 . Nhiều nghiên cứu nhận ra rằng, muốn phát triển kinh tế-xã hội nếu chỉ dựa vào khoa học hiện đại thì không đủ, mà phải bổ sung bằng các tri thức bản địa và kết hợp hai loại tri thức đó cho sự phát triển.

LƯỢC SỬ NGHIÊN CỨU

Các nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào các nhóm dân tộc thiểu số tại Trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung. Các nghiên cứu về tri thức bản địa tại ĐBSCL hầu như rất ít, đặc biệt là tri thức bản địa của người Việt. Một số nghiên cứu tại khu vực này có thể kể đến như:

Nghiên cứu của Judith Ehlert 15 tập trung vào tri thức địa phương liên quan đến tài nguyên nước bởi vì nước và lũ lụttheo mùa ở ĐBSCL tạo ra nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho hoạt độngsinh kếdựa vào nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đa dạng trong khu vực. Kể từ khi có sự tự do hóa kinh tế vào giữa những năm 1980, đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phát triển kinhtế mạnh mẽ nhờvào thâm canh nông nghiệp, sự phong phú nguồn tài nguyên nước ngọt theo mùa và sự đầu tư lớn cho kiểm soát tưới tiêu và lũ lụt. Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập trong một năm thực địa dân tộc học ở hai huyện (ba xã) của TP. Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy những tri thức bản địa liên quan đến lũ rất cần thiết để tham gia vào các quyết định liên quan đến quản lý lũ và tài nguyên nước của người dân. Mặc dù tri thức khoa học phát triển mạnh nhưng để đảm bảo phát triển bền vững thì tri thức bản địa vẫn cần được lưu giữ và trao truyền.

Nghiên cứu của Phạm Xuân Phú, Nguyễn Ngọc Đệ và Ngô Thụy Bảo Trân 16 nhằm tìm hiểu hiện trạng và mức độ tin cậy ứng dụng kiến thức bản địa thích nghi với lũ lụt trong sản xuất và đời sống của nông dân ở tỉnh An Giang.Kết quả nghiên cứu đã tổng hợp được 39 kiến thức bản địa và khả năng thích ứng với lũ lụt, dự báo thời tiết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân địa phương ở địa bàn nghiên cứu vẫn được nông dân duy trì sử dụng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những kiến thức này chưa được ghi chép cụ thể và lưu trữ phù hợp để truyền lại cho các hệ sau và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng có một số kiến thức bản địa của người dân không còn phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Chính vì vậy, các giải pháp bảo tồn, phát huy, điều chỉnh nhóm kiến thức địa phương này cũng được nhóm nghiên cứu nêu ra.

Nhìn chung, các nghiên cứu về tri thức bản địa tại ĐBSCL chủ yếu là các tri thức liên quan đến hiện tượng ngập lũ và ứng phó với ngập lũ là chủ yếu. Các khía cạnh khác của tri thức bản địa vẫn chưa được nhiều tác giả đề cập, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Do vậy, bài viết này được thực hiện nhằm tiếp nối và bổ sung vào những thiếu hụt này.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp thu thập dữ liệu

Dữ liệu sơ cấp

- Lựa chọn địa bàn nghiên cứu

Theo Lê Anh Tuấn 17 , ĐBSCL được thành các vùng sinh thái như vùng ngập lũ bao gồm các tỉnh thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, vùng nước ngọt gồm các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu, vùng nước lợ và mặn gồm các tỉnh duyên hải phía đông, bán đảo Cà Mau. Theo đó, bài viết sẽ tập trung vào khu vực vùng ngập lũ và địa phương điển hình là An Giang (TX. Tân Châu, xã Vĩnh Xương) và Hậu Giang (huyện Phụng Hiệp, xã Phụng Hiệp).

- Phương pháp thu thập

Tại hai địa phương điển cứu là An Giang vào đầu tháng 7 (ngày 1-10) và Hậu Giang vào cuối tháng 7 (ngày 20-30), phương pháp điều tra xã hội với công cụ phỏng vấn sâu được thực hiện. Nội dung phỏng vấn liên quan đến mô hình sản xuất hiện tại, kinh nghiệm sản xuất, những tri thức bản địa đã và đang được áp dụng tại địa phương.

- Tiêu chí chọn mẫu

Tại mỗi địa phương sẽ tiến hành phỏng vấn sâu với các hộ nông dântiêu biểu tại văn phòng Hội nông dân với số lượng từ5 hộ/địa phương. Tiêu chí lựa chọn là những hộ trồng trọt (lúa, hoa màu, cây ăn trái...). Những nông dân tham gia là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong canh tác (trên 15 năm).

Dữ liệu thứ cấp

Nguồn dữ liệu này được thu thập từ các bài viết đăng tải trên tập san chuyên ngành, sách chuyên khảo về nông học, dân tộc học, địa lý học…

Phương pháp xử lý dữ liệu

Dữ liệu sơ cấp và thứ cấp sau khi thu thập sẽ được phân tích, tổng hợp để bổ sung các nội dung khảo sát theo từng hợp phần của bài viết.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tri thức về sử dụng và quản lý đất đai cho trồng trọt

Đất đai ở ĐBSCL tương đối đa dạng, là kết quả của quá trình tương tác giữa đá mẹ, khí hậu và thủy văn. Nhìn chung, ở đây có các nhóm đất phù sa, nhóm đất phèn, nhóm đất mặn, nhóm đất cát… và theo kinh nghiệm của người Việt thì việc phân loại cũng tương tự như kiến thức trong thổ nhưỡng học.

Nhóm đất phèn là nhóm đất có diện tích lớn nhất ở ĐBSCL, phân bố chủ yếu tại Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười 18 . Người Việt cho biết ở khu vực ngập nước thường xuyên (tình trạng yếm khí) đất rất dễ bị phèn hóa, “loại đất chua này khó canh tác lắm, muốn mần lúa là phải làm đất kỹ dữ lắm không thôi là lúa chết hết” .

Nhóm đất phù salà nhóm đất có diện tích lớn thứ hai ở ĐBSCL, phân bố dọc sông Tiền và sông Hậu 18 . Đây là nhóm đất màu mỡ nhất, người Việt thường sử dụng để trồng lúa. Theo người Việt cho biết “đất này rất tốt mùa nước lên nó còn tốt thêm, chỉ cần cày sơ sơ rồi mần lúa thôi chứ cũng không làm gì nhiều” .

Nhóm đất mặn có diện tích đứng thứ ba sau đất phèn và đất phù sa. Loại đất này chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong mùa khô, thường được người Việt sử dụng nuôi tôm và mùa mưa độ mặn giảm xuống người Việt sẽ canh tác lúa.

Đối với việc nhận biết các loại đất tốt, đất khá tốt và đất xấu, một số người Việt tham gia khảo sát cũng cho biết như sau: Đất tốt trong kinh nghiệm của người người Việt là “những đất nào mà có màu nâu sẫm, ít có váng vàng thì đất đó mới tốt có thể trồng lúa nhiều vụ” . Người Việt gọi loại đất này là đất bồi (nghĩa là đất được bồi phù sa). Căn cứ vào các nhóm đất đã phân tích ở trên thì đây là nhóm đất phù sa, phân bố ở trung tâm đồng bằng. Đất khá tốt trong kinh nghiệm của người Việt là những đất nào ít chua (tần suất ngập lũ tương đối ít, không thường xuyên trong tình trạng yếm khí), ít mặn (tần suất ngập triều tương đối ít, có nước ngọt để tưới tiêu) và đất cát giồng. Còn loại đất xấu thì người Việt cho rằng “loại đất nào mà phèn nhiều, mặn nhiều khó cải tạo, trồng cây gì cũng chết thì đó là đất xấu, nếu mua ruộng mà trúng mấy mảnh như vậy là tiêu luôn” .

Ở một số khu vực tại An Giang, Hậu Giang, khi “tháng bảy kiến bò” thì người Việt biết mùa lũ sắp đến, tận dụng nước tràn vào ruộng vừa có tác dụng dọn sạch những rơm rạ còn sót lại vừa bồi thêm phù sa cho đất thêm màu mỡ. Theo người Việt cho biết “năm nào nước càng sẫm màu thì năm đó phù sa về càng nhiều” . Song, đất phèn mới là loại đất chiếm diện tích lớn nhất ở đồng bằng nên người Việt buộc phải thích nghi và có những biện pháp cải tạo loại đất này để canh tác, cụ thể là trồng lúa.

Theo chia sẻ củanông dân thì “tụi tôi sẽ đào đường mương dẫn nước sông vào ruộng và giữ ở đó để ém phèn ở tầm chừng sáu tấc đến một thước để hông có hại lúa” . Sau khi gặt lúa, nếu ruộng bị khô, người Việt cày ải để cắt đứt mao dẫn, phèn vẫn bị giữ ở lớp dưới. Ở những vùng phèn không trồng được lúa nước, chỉ trồng được hoa màu, người người Việt lên liếp để lớp đất trên liếp được cách ly với đất sinh phèn ở dưới, đồng thời đào mương để lấy nước tưới cho cây trồng trên liếp.

Ở khu vực ven sông Hậu (An Giang, Hậu Giang), vụ đông-xuân người Việt sạ ngầm bằng cách khi nước rút còn chừng hơn một tấc thì sẽ sạ giống đã ủ nẩy mầm để khoảng 20 ngày sau cây mạ vươn khỏi mặt nước nhờ vậy mà người Việt tiết kiệm được nhiều chi phí cải tạo đất. Sang vụ hè-thu, người Việt chuyển sang sạ khô bằng cách sắp đến mùa mua thì đốt sạch cò dại, bừa một lần, cày hai lần rồi sạ khô và bừa lấp, hạt sẽ nảy mầm vào đợt mua đầu mùa đến khi mà “lóng phèn” thì cây đã được 1-2 tháng tuổi đủ sức chống chịu độc tố.

Người Việt quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá” nên mọi việc sản xuất đều khấn lạy thổ công, sơn trạch để cầu mong một vụ mùa bội thu. Tuy vậy, khác với người Khmer sợ việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sẽ làm ô uế đất đai, xúc phạm đến thần Đất thì người Việt trong giai đoạn sản xuất hiện nay lại sử dụng khá nhiều các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu để bảo vệ mảnh ruộng trước sự tấn công của nhiều loại sâu bọ dịch bệnh.

Đối với việc sở hữu đất đai thì người Việt sở hữu theo hình thức tư hữu nghĩa là mỗi gia đình sẽ có một diện tích đất nhất định được cấp sổ đỏ (nông dân gọi là bằng phán) từ chính quyền địa phương. Quyền canh tác thuộc về quyết định của mỗi gia đình, tuy nhiên trên thực tế những mảnh ruộng gần nhau đều canh tác cây trồng giống nhau ví dụ nếu xung quanh đều trồng lúa thì nông hộ còn lại cũng sẽ trồng lúa. Điều này phản ánh tính cố kết cộng đồng, như theo chia sẻ “bây giờ người ta trồng lúa thì mình cũng trồng lúa thôi chú, ai sao thì mình vậy đi” .

Tri thức về phương thức canh tác

Khác với tộc người ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, người Việt ở ĐBSCL do chủ động được nước tưới và có kiến thức về sử dụng phân bón nên họ không có lối canh tác luân canh, trồng luân khoảnh mà định cư định canh. Cây lúa là cây trồng chính của người Việt với kiểu canh tác một vụ, hai vụ và ba vụ. Lối canh tác này mặc dù mang đến sản lượng lớn lương thực nhưng lại làm đất đai bạc màu, không có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi độ phì nhiêu.

Một số hình thức cấy lúa của người Việt Việt ở ĐBSCL:

Lúa cấy một lần được áp dụng phổ biến ở vùng dưới của châu thổ, chiếm 2/3 diện tích của ĐBSCL. Tùy thuộc độ cao thấp của ruộng, mực nước trong mùa canh tác mà người người Việt gieo giống lúa sớm, lúa trung hay lúa muộn. Thường mạ gieo vào đầu mùa mưa và thu hoạch vào tháng X với giống lúa sớm và tháng I cho giống lùa muộn.

Lúa cấy hai lần được áp dụng ở vùng trung châu thổ, trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, nơi ruộng lúa thấp, không có điều kiện tiêu nước. Vào đầu mùa mưa người Việt gieo mạ trên những ruộng mạ chiếm khoảng 2% diện tích ruộng lúa. Mạ được chăm sóc tại đây trong vòng 40-50 ngày. Khi ruộng mạ thứ nhất bị ngập, mạ được chuyển đến ruộng mạ thứ hai ở cao hơn, chiếm khoảng 20% diện tích ruộng lúa. Mạ được nuôi ở đây khoảng 50-60 ngày cho đến khi thân dài khoảng 0,7m thì đem cấy vào ruộng lúa. Ở một vài vùng khác người ta còn cấy lúa ba lần. Việc cấy hai hoặc ba lần cốt làm chậm lại quá trình phát triển của cây lúa trên những mảnh đất cực kì giàu chất hữu cơ, khắc phục tình trạng cây lúa nhiều lá ít hạt. Cách cấy lúa hai lần là điểm độc đáo của đồng bằng sông Cửu Long, trên thế giới không có nơi nào có.

Khi đốt ruộng để dọn vệ sinh cũng như cải thiện độ phì nhiêu cho đất nhờ vào tro của rơm rạ, người Việt Việt cũng có nhiều bài học kinh nghiệm. Thường những đám ruộng sẽ được đốt vào sáng sớm khi mặt trời chưa lên và sương còn đọng trên cây cối, đốt ngược chiều gió từ bìa ruộng vào trong để rơm rạ cháy từ từ, âm ỉ, không lan sang những mảnh ruộng khác.

Dựa vào kinh nghiệm thực tiễn người dân có thể biết được lượng phù sa trên ruộng do lũ mang tới để tính lượng phân bón cần dùng cho vụ mùa tiếp theo. Ngoài ra, kết quả tiên đoán mưa nhiều hay mưa ít còn được kiểm chứng bằng các thông tin khác, như lũ kiến đen tha trứng dời tổ từ đưới đất lên cao là có nguy cơ mưa to nước ngập lâu; tháng Tư mà cá rô đồng mang trứng thè lè là năm nay mưa sớm; hay nước đổ về từ thượng nguồn trong tháng Bảy mà phù sa đỏ au là năm đó có nguy cơ lụt lớn.

Người Việt có tục đặt bàn thờ Ông Thiên trước nhà với vật phẩm cúng tế là gạo, nước và muối. Nước để cúng là nước mưa trên rời rơi xuống chưa được chứa trong bất kỳ thứ gì trước khi cho vào hũ và không được đậy nắp. Dựa vào lượng nước có trong cái hũ sành này mà người Việt tiên đoán cho thời tiết sắp tới. Nếu mới đầu mùa mưa mà đã đầy nước thì năm đó sẽ có mưa nhiều, nguy cơ gây ra ngập lụt là rất cao. Ngược lại, nếu mới vào mùa khô mà hũ sành đã cạn nước, thì mùa khô năm đó hạn hán sẽ xảy ra. Lượng nước trong cái hũ sành là một trong các cơ sở thông tin đáng tin cậy nhất để người ta dự đoán là sắp tới sẽ có mưa nhiều hay mưa ít. Sở dĩ gọi là đáng tin cậy nhất là vì thông tin đó được tập hợp lại của rất nhiều gia đình trong xóm. Rồi chúng được bàn bạc, so sánh giữa nhà này với nhà kia, giữa năm nay với các năm đã qua, giữa người già với người trẻ, nên nó đã giúp họ tiên đoán được hiện tượng thay đổi thời tiết trong năm.Ví như năm nào mưa nhiều thì nước sẽ ngập sâu, nên chọn giống cao giàn; còn năm nào có hạn hán thì sẽ chọn giống ngắn ngày để có thể thu hoạch sớm hơn.

Ðộc canh cây lúa liên tục trong nhiều năm đã bộc lộ những yếu điểm như đất đai ngày càng bị suy kiệt, kém màu mỡ, đồng ruộng mất cân bằng sinh thái, sâu bệnh có điều kiện bộc phát gây hại, năng suất lúa có khuynh hướng giảm dần... Chuyển đổi sản xuất ở nhiều vùng sinh thái của ĐBSCL theo hướng phá thế độc canh cây lúa, đưa cây màu xuống chân ruộng là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phương thức canh tác này gọi là luân canh hoặc xen canh.

Luân canh là một hệ thống canh tác trồng luân phiên các loài cây trồng khác nhau theo thứ tự vòng tròn nhất định trên cùng một mảnh đất, nhằm sử dụng hợp lý nguồn nước, các chất dinh dưỡng có trong đất và nguồn phân bón đưa vào đất để tạo ra năng suất cây trồng cao nhất. Còn xen canh là hệ thống canh tác trong xen kẽ giữa các giống cây trồng không có sự ảnh hưởng khả năng sinh trường và năng suất lẫn nhau nhằm tận dụng tối ưu nguồn nước, phân bón, diện tích đất trống để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nông dân chọn cách thức luân canh và xen canh thay vì chỉ trồng lúa trong năm thể hiện lối ứng xử theo kiểu tạo ra những điều kiện sinh thái bất lợi cho dịch hại, đặc biệt là tạo được sự gián đoạn về nguồn thức ăn thích hợp đối với dịch hại ở các vụ (hoặc năm) tiếp theo. Ví dụ các loài sâu bệnh chính hại lúa không gây được các cây rau màu như dưa hấu hay cà chua, khoai tây, ớt… và ngược lai một số sâu bệnh gây hại những loại cây trồng này cũng không gây hại trên cây lúa. Vì vậy việc luân canh hay xen canh giữa lúa và cây trồng kháctheo kiểu lúa-màu-lúa hoặc màu-lúa-màu là phương thức canh tác có lợi để phòng trừ sâu bệnh.Một số người Việt áp dụng khi được khảo sát cho biết: “Cái mà mần lúa bị đạo ôn, sâu cuốn lá hại thì kết hợp trồng rẫy hoặc vụ sau ngưng mần lúa thì cũng đỡ sâu bệnh hơn”; “Cỏ tranh, cỏ gấu tưởng khó diệt mà nếu trồng lúa thì nó cũng khó phát triển. Mà nếu có cỏ lồng vực thì cây lúa cũng không phát triển nổi, phải trồng thêm rau màu thì mới mong cuối vụ thu hoạch được nhiều” .

Tri thức về phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng

Thâm canh tăng vụ đã làm cho đất mất rất nhiều dưỡng chất nhưng lại không có thời gian phục hồi, đồng thời sức đề kháng của cây trồng cũng yếu đi và sâu bệnh ngày một phát triển và khó tiêu diệt tạo cho ra nhiều áp lực cho người Việt trong việc đồng áng. Bên cạnh việc luân canh, xen canh cây trồng để tăng thêm thu nhập, tác dụng của phương thức canh tác này còn được xem như biện pháp phòng trừ sâu bệnh.Trước khi sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật người Việt người Việt đã biết đến việc sử dụng một số loại côn trùng để tiêu diệt sâu bệnh hại và khi sử dụng phân thuốc trừ sâu nhiều khu vực người Việt vẫn duy trì biện pháp sinh học này. Những loại côn trùng gọi là thiên địch, vốn là những sinh vật tự nhiên có ích, chúng ăn hoặc gây bệnh những loài sâu bọ gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Mỗi hệ sinh thái nông nghiệp có những nhóm thiên địch khác nhau, giữ vai trò quan trọng giúp hạn chế sự phát triển của quần thể sâu gây hại. Nhìn chung có 03 nhóm thiên địch: 1/ nhóm thiên địch ký sinh, 2/ nhóm thiên địch bắt mồi, 3/ nhóm thiên địch vi sinh vật.

Nhiều người Việtduy trì và phát triển nhiều chủng loại trong quần thể thiên địch giúp cân bằng hệ sinh thái góp phần kiềm chế dịch hại cho cây trồng. Một số loài thiên địch được quan tâm có thể kể đếnmột số loại thiên địch được sử dụng trong trồng trọt qua Table 1 .

Table 1 Một số loại thiên địch được sử dụng trong trồng trọt
STT Loài thiên địch Tác dụng
1 Bọ rùa đỏ trên lúa Bọ rùa hoạt hoạt động vào ban ngày, tìm ăn bọ gầy, sâu non và trứng gầy trên thân lúa.
2 Ong xanh trên lúa Ong cái đẻ trứng ký sinh vào trứng sâu đục thân để khi trứng ong nở ra thì tiêu diệt và không cho sâu non ra đời.
3 Ruồi xám trên lúa Ruồi cái tìm đậu lên lưng và đẻ trứng ký sinh lên sâu cuốn lá lớn và khi trứng nở thành giòi thì ăn thịt ký chủ.
4 Kiến vàng trên cây có múi Kiến vàng là loại côn trùng có thể tiêu diệt bệnh vàng lá gân xanh, ngoài ra còn có sâu vẽ bùa, rầy mềm, nhện đỏ… trên các loại cây trồng có múi.

Ốc bươu vàng thường lây lan qua nguồn nước và tích lũy số lượng gây hại trên các trà lúa giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Vì vậy, người Việt thường thu gom ốc, ổ trứng bằng cách đào các rãnh nhỏ cặp theo bờ ruộng. Khi rút nước, ốc sẽ tập trung vào các đường rãnh này và người Việt thu bắt một cách dễ dàng. Trường hợp lấy nước vào ruộng người Việt dùng lưới chắn ốc từ bên ngoài “để chúng không có cơ hội phát tán gây hại cho trà lúa” .Trước khi làm đất, cần vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp sạch cỏ dại là nơi ốc cư trú lây truyền sang vụ sau. Người Việt nhốt vịt không cho ăn một ngày rồi thả cho vịt vào ruộng, vịt sẽ mò bắt hết ốc nhỏ, trứng trong ruộng. “Có thể sử dụng thức ăn như lá đu đủ, xơ mít, lá khoai, súng... dẫn dụ tập trung ốc bươu vàng để dễ thu gom hơn” . Các loại lá bó thành từng bó để ở góc ruộng, gần bờ; sau 12 - 24 giờ, dùng rổ, rá xúc lên để bắt ốc. Ở nhiều nơi bà con dùng cây xương rồng, cành lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mì… chặt thả xuống nước, nhựa cây dẫn dụ ốc làm ốc say, nổi lên mực nước giúp thu nhặt ốc dễ dàng hơn.

THẢO LUẬN

Quá trình khai phá vùng đất Tây Nam Bộ đã trải quan hàng trăm năm. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, nông dân Việt đã tích lũy một khối lượng lớn tri thức bản địa trên nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Tuy vậy, nông dân người Việt chiếm đại đa số ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung nên mức độ tiếp xúc với những nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự biến đổi trong tri thức bản địa (chủ yếu là sự mất mát và lãng quên).

Các biện pháp thủy lợi đã cải tạo phần lớn diện tích đất phèn, đất mặn ở ĐBSCL để hỗ trợ nông dân thâm canh tăng vụ (từ sản xuất một, hai vụ sang sản xuất ba vụ) và nông dân hiện tại sử dụng rất nhiều phân hóa học có chứa đạm, lân, kali để bổ sung dinh dưỡng cho đất sau mỗi mùa vụ. Điều này đã làm cho đất đai không có thời gian nghỉ ngơi và bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các biện pháp thủ công để cải tạo đất đã không còn sử dụng mà thay thế vào đó là máy cày, máy xới.

Luân canh và xen canh được nông dân sử dụng ngày càng nhiều, trở thành mô hình kinh tế nhân rộng ở nhiều địa phương ở đồng bằng. Lối canh tác không còn kiểu tận dụng đầu vào dư thừa từ cây trồng chính mà hiện nay đã chuyên nghiệp hơn từ khâu lựa chọn cây trồng phối hợp, phương pháp chăm sóc (sử dụng nhiều khoa học-kỹ thuật hơn).

Hiện nay, khi nói đến vấn đề phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, hầu hết nông dân đều cho biết là sử dụng phân hóa học thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng và đảm bảo năng suất. Các biện pháp sinh học mà tiêu biểu là sử dụng thiên địch không còn được áp dụng vì thứ nhất nông dân không còn biết đến tri thức sử dụng thiên địch, thứ hai là việc sử dụng phân thuốc quá nhiều đã giết chết các thiên địch và phá vỡ chu trình chuỗi thức ăn, cân bằng sinh thái trong tự nhiên.

KẾT LUẬN

Hoạt động kinh tế của người Việt ở ĐBSCL khá phong phú, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Với trồng trọt, người Việt Việt lựa chọn cây lúa là cây trồng chính, bên cạnh đó là các loại cây ăn quả nhiệt đới như cam, quýt, chôm chôm, nhãn, vú sữa…; cây công nghiệp như dừa, đậu nành…; rau màu: dưa leo, bầu, bí, dưa hấu... Những tri thức bản địa của người Việt Việt trong trồng trọt tập trung chủ yếu vào (1) sử dụng và quản lý đất đai, (2) phương thức canh tác và (3) phòng trừ sâu bệnh hại.

Trong sử dụng và quản lý đất đai, ứng với từng nhóm đất (đất mặn, đất phèn, đất phù sa) người Việt có những loại cây trồng tương ứng, có những phương pháp cải tạo tương ứng. Trong phương thức canh tác, những lối canh tác luân canh, đa canh được người Việt áp dụng nhiều để tận dụng nguồn tài nguyên đầu vào và cũng như giảm thiểu rủi ro khi vụ canh tác chính mất mùa. Trong phòng trừ sâu bệnh hại, một số người Việt vẫn còn duy trì và một số người Việt khác tái sử dụng thiên địch như một phương thức tận dụng thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên trong sản xuất.

Những tri thức bản địa trong trồng trọt của cư dân Việt, mặc dù khó nhận biết và cũng mất mát khá nhiều theo thời gian cùng với những biến đổi do tác động của một số yếu tố nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người Việt thích ứng với những biến đổi môi trường hiện nay và việc phổ biến lại rộng rãi những tri thức này có thể cải thiện và giảm thiểu suy thoái môi trường ở đồng bằng trong tương lai.

LỜI CÁM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số B2018-18b-02.

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết này không có xung đột lợi ích.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, nơi quy tụ diện tích trồng trọt cao và người dân có kinh nghiệm trồng trọt lâu đời. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu những năn gần đây, việc nghiên cứu những kinh nghiệm địa phương cho canh tác, sản suất rất cần thiết. Bài báo cho kết quả về tri thức bản địa của nông dân trong trồng trọt đáp ứng cho nhu cầu hiện tại khi người Việt càng gặp nhiều khó khăn trong trồng trọt do hạn, mặn họ càng chú ý phát huy tri thức bản địa để thích ứng. Cụ thể qua khảo sát cho thấy người Việt đã đốt đồng để mong vụ sau lúa tốt hơn tại An Giang và Hậu Giang. Tại những vùng trồng cây có múi của An Giang người dân đã dùng kiến vàng để diệt những loài thiên địch có hại. Khảo sát thực tế đã cho thầy rõ lợi ích từ việc vận dụng tri thức bản địa vào trồng trọt.

References

  1. Lan N.T.P.. Sinh kế và biến đổi văn hóa của người Khmer ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. TP. HCM: NXB. Đại học quốc gia TP.HCM. 2019;:. Google Scholar
  2. Emery A.R., Patten L.. Guidelines for Environmental Assessments and Traditional Knowledge. A Report from the Centre for Traditional Knowledge to the World Council of Indigenous People, Ottawa, Canada. . 1997;:. Google Scholar
  3. Howes M., Chambers R.. Indigenous technical knowledge: Analysis, implications and issues. IDS Bulletin. 1979;10(2):5-11. Google Scholar
  4. Mcelwee P.. Việt Nam có "tri thức bản địa" không? Hội thảo Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: những cách tiếp cận nhân học. Quyển 1. TP.HCM: NXB. Đại học quốc gia TP.HCM. 2010;:. Google Scholar
  5. Cúc L.T.. Đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 2004;:. Google Scholar
  6. Thịnh N.D.. Thế giới quan bản địa. Tạp chí Văn hóa dân gian. 2004;(4):3-15. Google Scholar
  7. Khánh T.C., Ơn T.V.. Tri thức bản địa trong chăm sóc sức khỏe. Hội thảo "Tri thức bản địa". 2005;:. Google Scholar
  8. Warren D.M.. Using indigenous knowledge in agricultural development. World Bank Discussion. 1991;:. Google Scholar
  9. Lệ N.V.. Nghiên cứu tri thức bản địa cùa các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên và Nam bộ: Một số vấn đề đặt ra. Dân Tộc học. 2012;:. Google Scholar
  10. Lệ N.V., Thu H.N.. Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ ở Đắc Nông. TP. HCM: NXB. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 2017;:. Google Scholar
  11. Mạnh N.H.. Tri thức bản địa trong việc canh tác nương rẫy của người Sila, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (Trường hợp Xã Can Hổ). Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. 2016;:. Google Scholar
  12. Sơn B.H.. Tri thức bản địa - những bước thăng trầm. Trong: Nhiều tác giả, Tri thức bản địa và văn hóa sinh thái. Hà Nội: NXB Thế giới. 2009;:. Google Scholar
  13. Grenier L.. Working with indigenous knowledge: A guide for researchers. Canada: The International Development Research Centre (IDRC). 1998;:. Google Scholar
  14. Tý H.X., Cúc L.T.. Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Hà Nội: Nhà xuất bản nông nghiệp. 1998;:. Google Scholar
  15. Ehlert J.. Living with flood local knowledge in the Mekong Delta, Vietnam. Doctor thesis. The University of Bonn. International graduate school for development research. 2011;:. Google Scholar
  16. Phú P.X., Đệ N.N., Trân N.T.B.. Kiến thức bản địa: Hiện trạng, ứng dụng trong sản xuất và đời sống ở tỉnh An Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 2019;55(1):68-78. Google Scholar
  17. Tuấn L.A.. ĐBSCL: Từ sống chung với lũ đến sống chung với biến đổi khí hậu. Hội thảo Quốc tế về Giải pháp Thích nghi với Biến đổi Khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Kiên Giang. 2010;:. Google Scholar
  18. Nhung T.T.H.. Nguồn tài nguyên đất và sự phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL. Hội thảo Cơ sở khoa học cho phát triển vùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, Hà Nội. 2009;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 4 (2020)
Page No.: 513-521
Published: Oct 17, 2020
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i4.579

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trang, N. (2020). Indigenous knowledge of Vietnamese cultivation in the Mekong Delta. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 4(4), 513-521. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i4.579

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1032 times
Download PDF   = 474 times
View Article   = 0 times
Total   = 474 times