VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

552

Total

365

Share

Golden Week - Documentary and awareness






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Right at the time of national financial difficulties, the Provisional Government of the Democratic Republic of Vietnam launched the Golden Week in the framework of the Independence Fund, exhorting the entire people to raise money and wealth to help the country. Golden Week became one of the events that started Vietnam's modern history with feats and meanings that surpass the time. This article reproduces the progress and results of the event based on contemporary media sources, especially the Cuu Quoc newspaper, the Government's daily mouthpiece and propaganda agency. The concrete facts have contributed to restoring the face and stature of the event, correcting perceptions that contain many erroneous information that has been defaults before, through some scientific manipulations of quantification, statistics, matching, etc. The results of the study showed that Golden Week was conducted in two spaces associated with two diffirent time periods, including Hanoi capital from September 16, 1945 to September 30, 1945 and the whole country from September 16, 1945 to January 9, 1946; the activities of Golden Week in Hanoi capital are actually organized in seven different locations, of which there was Bac Bo palace, which gathered dozens of capitalists and landlords with the value of donations up to half of the total value of 7 million Indochina of Golden Week, demonstrating the leading role in the financial support of the rich and patriotic classes at the beginning of the consolidation of national independence.

MỞ ĐẦU

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền lãnh thổ ba xứ thuộc địa của đế quốc Pháp, nguyên là vương quốc Việt Nam/Đại Nam thống nhất thời quân chủ. Tuy nhiên, nền độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia vừa được khôi phục đang bị thách thức nghiêm trọng từ nhiều phía trong phân cảnh một trật tự thế giới cũ mưu toan tìm mọi cách vãn hồi. Khó khăn chồng lấn khó khăn, trong đó có vấn nạn trống rỗng nguồn tài khố do chính sách vơ vét tham tàn của thực dân - phát xít Pháp - Nhật.

Một giải pháp cấp thời do Chính phủ đề xuất nhằm huy động tập trung nguồn tài vật đang được cất giữ tản mác trong nhân dân khắp cả ba miền vừa tái hợp quần. Đó là cuộc vận động lập QĐL được luật định thông qua Sắc lệnh 04/SL ban hành ngày 4/9/1945 trên quy mô toàn quốc, đồng thời phát động ngay trong khuôn khổ của Quỹ một cuộc lạc quyên rầm rộ với tộc thức cao trào gọi là TLV. Đó là một đối sách cách mạng tuy mang tính tình thế và bất đắc dĩ, song lại có ý nghĩa sâu sắc trong chủ trương tập hợp sức mạnh toàn thể dân tộc kháng cự lâu dài. Chính trong hoàn cảnh hoạn nạn này của đất nước, lòng dân càng tỏ rõ quyết tâm đoàn kết cùng Chính phủ vượt thoát mọi trở ngăn. Tuần lễ Vàng, bởi thế là sự kiện biểu thị tập trung ý thức quốc gia trong một thời khắc mang tính sống còn của vận mệnh.

Tuy vậy, những hiểu biết về sự kiện trước nay hầu như chỉ được mặc định trong những sao chép rập khuôn của tài liệu. Sự kiện, từ nhận thức về phạm vi thời gian, diễn tiến hoạt động, cho đến các thống kê về kết quả chưa được lượng hóa và xác chứng một cách thuyết phục. Từ đó, bài viết này đặt ra nhiệm vụ làm sáng tỏ phần nào những vấn đề đã nêu trên cơ sở một số nguồn tư liệu khai thác được, chủ yếu từ báo CQ, cơ quan tuyên truyền chính thức của Tổng bộ Việt Minh và là tờ nhật báo lớn nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương thời.

THỜI ĐIỂM CỦA TUẦN LỄ VÀNG (TLV)

Thời điểm khởi đầu

Trước khi chính thức phát động TLV, báo CQ từ số ngày 9/9/1945 đã đăng tải một số lời kêu gọi hay khẩu hiệu có tính thông điệp cho sự kiện, cùng với nhiều đoạn ca dao cổ động khác. Đến CQ ngày 11/9 mới chính thức đăng tải thông báo rằng “TLV bắt đầu từ 16/9/45 đến 23/9/45 thu riêng Vàng cho QĐL”; cùng đó là bản thông cáo công bố Mục đích và Chương trình của sự kiện, tuy nhiên có thể do nhầm lẫn nên phần Chương trình đã thông tin TLV “Bắt đầu từ 16/9/45 đến 24/9/45” 1 .

Đặc biệt, có hai tờ báo thông tin về sự kiện trước cả CQ là Nước Nam (NN) và Trung Bắc Tân Văn (TBTV). NN ngày 8/9 đưa tin “TLV: Để giải quyết những vấn đề quốc phòng, Chính phủ cần đến rất nhiều vàng. Đồng bào hãy sửa soạn gửi vàng giúp Chính phủ”; còn TBTV số ngày 9/9 đăng lời kêu gọi: “Giữ vàng làm gì? Trong ‘TLV’ hãy bỏ vàng ra giúp nước để ủng hộ nền độc lập hoàn toàn của nước. Nếu nước bị nô lệ thì còn đeo vàng làm gì cho nhục!” 2 , 3 . Tuy vậy, các báo này đều không đề cập các mốc thời gian của sự kiện.

Ngoài ra, Cờ Giải Phóng (CGP) ngày 12.9 cũng đã cập nhật về TLV với khung chữ khổ lớn: “TLV: vàng tuy là quý, Độc lập và Tự do lại còn đáng quý hơn. Đồng bào hãy đem vàng bảo vệ đất nước và kiến thiết quốc gia”; song cũng không có khung thời gian sự kiện 4 .

CQ ngày 17/9/1945 có bài TLV đã bắt đầu! với dòng thông tin nổi bật đầu trang nhất rằng: “Số vàng thu được hôm qua: 835 lạng 2 đồng cân” 5 . Ngay sau là những mô tả về quang cảnh buổi lễ khai mạc: “Trên đài, một chiếc đỉnh lớn. Sau đỉnh, một tấm màn rộng, lớn, phản chiếu một màu vàng tươi rực rỡ. Màu của thứ kim khí quý nhất! Vàng! Toàn vàng! Suốt buổi lễ khai mạc, vàng được nói đến! Diễn văn của ông Trưởng ban tổ chức gợi lên những ý nghĩ cũng là vàng… Trước khi chiếc đỉnh được mang trong lòng những khối vàng lớn hay nhỏ, phải có một cái gì thật trang trọng. Sự tô vàng cho TLV, quốc dân muốn dành phần cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng đến phút cuối cùng tới khai mạc lễ, cụ bận việc. Cụ gửi một bức thư, ủy anh Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đọc để toàn quốc đồng bào cùng nghe” 5 .

Lưu ý rằng bài viết trên báo CQ phát hành ngày 17/9 là tường thuật lại sự kiện đã diễn ra của ngày 16/9, có nghĩa lễ khai mạc và tiết mục đọc thư do Chủ tịch nước gửi đều được tiến hành cùng thời điểm, đó là ngày 16/9/1945 5 .

Thời điểm kết thúc

Cũng như phạm vi vận động của QĐL, TLV được phát động ngay tại trung tâm Hà Nội và ở các tỉnh thành cả nước. Từ đó, cũng không có thời điểm chung cục cho sự kiện này.

Ở Hà Nội

Thời gian tổng kết của TLV xác định là ngày 23/9/1945. CQ thứ bảy, 22/9/1945 thông báo một chương trình bế mạc tóm lược như sau:

Ngày bế mạc TLV

Ngày bế mạc TLV vào hôm chủ nhật sắp tới sẽ có Cố vấn Vĩnh Thụy làm Chủ tịch.

Chương trình

Suốt cả ngày sẽ là ngày bế mạc TLV…” 6 .

CQ số tiếp theo, mà đúng ra sẽ là bản tin tường trình đầy đủ về chuỗi hoạt động diễn ra trong ngày bế mạc TLV, tuy nhiên đã bố cáo bởi Nha Thông tin và Tuyên truyền Bắc Bộ rằng “Vì có mưa bão, nên ngày bế mạc TLV ở khu Hoàng Diệu (Hà Nội) phải hoãn đến ngày chủ nhật 30/9/45, bắt đầu từ 8 giờ sáng. Sẽ theo đúng như chương trình đã định” 7 .

Sang ngày thứ bảy 29/9/1945, lễ bế mạc sự kiện lại có lịch bổ sung chương trình như sau:

Chương trình bế mạc ‘TLV’

Chiều thứ bẩy hồi 3 giờ toàn thể Nam Nữ Thanh niên Việt Nam cùng sẽ biểu diễn lực lượng chống Pháp xâm qua các phố.

Tối thứ bẩy…

Chủ nhật

6 giờ 30 bán quà cứu quốc tại các phố (…)

20 giờ cơm danh dự để mừng ban tổ chức ‘TLV’. Sẽ có Chính phủ và Cố vấn Vĩnh Thụy cùng các đại biểu các giới tới dự. Có bán đấu giá theo lối Hoa Kỳ bức chân dung cụ Chủ tịch, bức chân dung do nhóm tân nghệ sĩ Việt Nam vẽ” 8 .

Như vậy, chương trình bế mạc TLV đã được dời lên sớm hơn dự kiến khoảng nửa ngày, tức bắt đầu từ 3 giờ chiều ngày thứ bảy 29/9/1945 kéo dài cho đến hết ngày chủ nhật 30/9/1945.

Trong khi đó, báo VN số khai trương vào ngày thứ bảy 29/9/1945 cũng thông tin trang trọng ngay giữa trang nhất bởi một bài viết dài có tiêu đề nổi bật rằng 8 giờ 30 sáng mai bế mạc TLV 9 .

Như vậy, ngày kết thúc TLV là ngày 30/9/1945, hay một cách chính xác nhất, hoạt động bế mạc sự kiện bắt đầu tiến hành từ lúc 3 giờ chiều ngày 29/9 cho đến hết ngày 30/9.

Ở các địa phương

Việc lập QĐL cũng như phát động TLV chủ yếu nhằm vào các trung tâm lớn của đất nước là Hà Nội, Hải Phòng, Huế cùng các địa phương thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên. Trong khi đó, Sài Gòn cùng các địa phương thuộc Nam Bộ ngay từ những ngày đầu tháng 9/1945, tình hình xung đột chính trị - quân sự đã trở nên cực kỳ căng thẳng bởi mưu mô tái lập chế độ thuộc địa của đế quốc Pháp, để rồi cuộc kháng chiến của quân dân nơi đây đã chính thức bùng nổ từ ngày 23/9/1945. Bởi vậy, không chỉ huy động toàn bộ nhân - tài - vật lực tại chỗ để dốc sức cho cuộc chiến đấu, quân dân Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên còn phải có trách nhiệm chia sẻ, gánh vác đối với quân dân Nam Bộ. TLV cùng QĐL mang một ý nghĩa kép đặc biệt như vậy, vừa giúp sức Chính phủ vừa ủng hộ miền Nam.

Tuy vậy, theo kế hoạch dự kiến được lập ra và công bố trên truyền thông báo chí vào ngày 11/9/1945 thì TLV vẫn tổ chức khắp ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam; cũng như Sài Gòn vẫn là một trung tâm vận động lớn của sự kiện, được đem ra đối sánh với thủ đô Hà Nội, như theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc hội kiến ở Bắc Bộ phủ với các nhà hào phú, được dẫn lại bởi phóng viên tờ nhật báo CQ rằng “… các phú gia Hà Nội cố làm cho TLV ở thủ đô Bắc Bộ kết quả hơn ở Sài Gòn…” 10 . Chương trình của TLV trích lược như sau:

“A) Tại Hà Nội: do các thân hào Hà Nội, ban Tuyên truyền Bắc Bộ và Ban Trung ương QĐL tổ chức.

Bắt đầu từ 16/9/45 đến 24/9/45 [?]…

B) Tại các tỉnh Trung, Nam, Bắc:

Sẽ gửi chương trình này đi và sổ sách sẽ do các Ủy ban địa phương đảm đang, vàng thu được sẽ đưa vào quỹ Chính phủ” 1 .

Do vậy, trên thực tế sự quyên góp cho TLV của các địa phương ở Nam Bộ, kể cả đô thị Sài Gòn là không ngoại lệ.

Thông tin sớm nhất về TLV, sau thủ đô Hà Nội là cố đô Huế, lúc này đổi gọi thành thị xã Thuận Hóa. Có lẽ hưởng ứng TLV do Trung ương Chính phủ phát động, Thuận Hóa cũng đã tiến hành các hoạt động liên quan trong giới hạn thời gian quy định của chương trình, tức từ 16/9 đến 24/9 công bố trên báo CQ ngày 11/9/1945. Tuy nhiên, do thông tin kéo lùi thời gian bế mạc từ Hà Nội, ngay từ ngày 24/9 kế hoạch về TLV nơi đây cũng được cập nhật mới. Bản tin CQ ngày 28/9/1945 cho biết: “ Huế, 24/9 … ‘TLV’ ở Thuận Hóa sẽ bế mạc ngày 30/9, chứ không phải 24/9 như đã định” 11 .

TLV ở các địa phương phía Nam, bao gồm Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên có lẽ đã bắt nhịp ngay từ những ngày đầu cuộc vận động. Những địa phương được biết đến cụ thể đều có kết quả thông tin trên mặt báo trong năm 1945, không ngoại trừ Nam Bộ, Phan Thiết và Đà Lạt, được biết đến chậm bởi vàng gửi theo chuyến kinh lý kéo dài đến cuối tháng 2/1946 của phái bộ Lê Văn Hiến [ 12 , p. 613-615].

Trong khi tại đồng bằng Bắc Bộ, TLV của tỉnh Hải Dương tiến hành theo đúng kế hoạch và bế mạc vào ngày 23/9/1945 13 .

Có lẽ TLV được tổ chức cuối cùng trong cả nước đã diễn ra duy nhất ở một địa phương thuộc chiến khu Việt Bắc: tỉnh Bắc Kạn. Đã bước qua năm 1946, song CQ lại gây bất ngờ với một mẩu tin cực ngắn nằm cuối trang 2, cũng là trang cuối của tờ nhật báo: “TLV - Bắc Kạn 9/1/46 - Kết quả TLV tỉnh Bắc Kạn được: vàng 0kg70.515, bạc thoi 27kg027, bạc đồng 834đ4 hào, bạc giấy 55.500 đồng” 14 .

Có thể lấy cột mốc thời gian này giới hạn cho TLV đối với các địa phương trên toàn quốc.

DIỄN BIẾN CHÍNH CỦA TLV Ở HÀ NỘI

Theo diễn tiến hoạt động, TLV ở Hà Nội tiến hành trong bảy ngày, từ chủ nhật 16/9/1945 đến thứ bảy 22/9/1945, để sang ngày chủ nhật 23/9/1945, mà sau đó tiếp tục lùi đến ngày 30/9 sẽ tổ chức lễ bế mạc. Lịch trình của bảy ngày này diễn ra luân phiên tại bảy địa điểm khác nhau với các thông số quyên góp chi tiết như sau:

- Ngày 16/9, khai mạc tại nhà Hát Lớn, thu nhận số vàng 835 lạng 2 đồng cân 5 . Phóng viên báo CGP ghi nhận thêm rằng “Tám nghìn người đến nộp vàng, riêng trong hôm đầu” 15 .

- Ngày 17/9, tổ chức tại nhà Văn hóa Cứu quốc (Hội Khai Trí Tiến Đức), thu nhận số vàng 223 lạng 5 đồng 4 phân 16 .

- Ngày 18/9, tổ chức tại Hội quán Trí Tri, phố Hàng Quạt, thu nhận số vàng 463 lạng 188 vàng 5 cân tây 180 bạc, tiền thay vàng 24.103 đồng.

Trong ngày này, tại Bắc Bộ phủ còn có cuộc họp mặt của khoảng hơn 30 nhà hào phú trong thành phố bàn việc lập Hội Việt Nam Thân sĩ Cứu quốc, đồng thời mở ngay tại chỗ cuộc lạc quyên ủng hộ TLV với sự ghi nhận đáng kể số lượng tài vật được thống kê. Có thể xem đây như là một địa điểm vàng khác trong TLV của Hà Nội 10 .

- Ngày 19/9, tổ chức tại sân Thể Dục, phố Hàng Đẫy, thu nhận 183 lạng 472 vàng, 7 lạng tây 10 bạc, bạc đồng và hào cũ 46đ40, chinh đồng 1đ10, xu cũ 100đ, tiền thay vàng 8.608đ.

- Ngày 20/9, tổ chức tại Hội quán Trung Đồ, phố Huế, thu nhận 169 lạng 762 vàng, 3 cân tây 460 đồ bạc, bạc đồng và hào cũ 31đ90, đồng 5 xu cũ 7đ, xu đồng 9đ, tiền thay vàng 12.855đ và nhiều đồ đồng: 1 cái đỉnh to, 1 cái chuông to, 2 đôi nến, 10 cái mâm tất cả ước độ 2 tạ 17 .

- Ngày 21/9, tổ chức tại Đại lý Hoàn Long, thu nhận 338 lạng 582 vàng, 6 kilô 100 bạc, 33đ80 hào cổ, 6đ xu đồng và chinh cũ, 93đ20 bạc hào, 11đ đồng 5 xu, 2 vạn 8 nghìn 950 đồng bạc giấy… Còn có: “Ông Mai Văn Hàm biếu một cái nhà diện tích 1.192 th. [thước] vuông đáng giá 24.726 đồng; ông Trần Lưu Vị cúng 30 tấn thóc vụ tháng 10; ông Hoàng Gia Luận 150 tấn thóc; hai bà Bùi Huy Đức và Nguyễn Bá Chính 130 tấn thóc. Rất nhiều đồ đồng” 6 .

Riêng ngày 22/9 theo dự kiến sẽ được tổ chức tại khu ngoại vi Gia Lâm, song thông tin chính thức không có trên các số báo tiếp sau của CQ cũng như các báo khác (CGP, NN…). Có thể ngày vàng này thực tế đã không được tiến hành.

Tuy vậy, về mặt địa điểm tổ chức quyên góp, vẫn có đủ bảy nơi như đã đề cập.

Trong khi cuộc bế mạc của TLV hoãn đến ngày chủ nhật 30/9/1945, tức cách quãng một tuần lễ so với lễ bế mạc dự kiến ngày chủ nhật 23/9, các hoạt động chuẩn bị cho buổi lạc quyên cuối cùng vẫn được chuẩn bị sôi nổi, như một số hình thức tác nghiệp của giới nghệ sĩ mỹ thuật 8 , 18 , 19 . Thêm nữa, thời gian giãn cách còn có tác động tích cực ở chỗ “Nhưng, biết đâu, ngày bế mạc hoãn là thêm một thời gian cho các nhà giầu nghĩ cho thật kỹ, đối với Tổ quốc, đối với TLV, mình đã làm tròn nhiệm vụ hay chưa”, như ý tưởng nối dài của tác giả Công Dân 20 ; hoặc, hùng hồn như lời biện bạch của Vì Nước (VN): “Chúng ta hãy nhìn kỹ vào đống vàng thu được trong TLV. Vàng lặt vặt thì nhiều. Còn vàng lá, vàng thoi, vàng nén, hiếm lắm! (…) Đã đến lúc những người có vàng không thể do dự được nữa. Tình thế đã cấp bách lắm rồi. Là một công dân lúc này, đối với nước không ai có quyền tiếc một thứ gì. Nước mất, đời sống của chúng ta bị coi là thừa. Ở trong tình trạng đó, vàng còn có giá trị gì nữa…” 9 .

Từ đó, cả về danh nghĩa lẫn thực tế, hiển nhiên TLV tại Trung ương, tức trung tâm Hà Nội cùng vùng phụ cận, không phải kết thúc vào ngày thứ hai 24/9, cũng không phải nhằm ngày chủ nhật 23/9 mà chính là ngày chủ nhật 30/9/1945. Cũng đồng nghĩa rằng, TLV tại đây không giới hạn trong phạm vi một tuần lễ hoặc bảy/tám ngày mà đã diễn ra trong suốt quãng thời gian từ ngày 16/9/1945 đến ngày 30/9/1945, cho dù địa điểm tổ chức chính thức chỉ được cắt đặt ở một số nơi cố định như đã nêu.

KẾT QUẢ CỦA TLV

Có thể dẫn ra các số liệu từ những tài liệu chính thống trước nay đề cập về kết quả chung cục của TLV như sau:

- Chính phủ Việt Nam 1945 - 2000: Tư liệu xác định: “Chính phủ phát động TLV (17 đến 24/9/1945), đã quyên góp được 370kg vàng và 40 triệu đồng cho QQP và 20 triệu đồng cho QĐL” [ 21 , p. 31].

- Thủ đô Hà Nội 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển cho biết: “Trong TLV, các tầng lớp nhân dân Hà Nội thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội với tinh thần yêu nước và niềm tin vào cách mạng đã hăng hái tự nguyện đóng góp được 2.201 lượng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và nhiều hiện vật giá trị. Cùng với Hà Nội, nhân dân cả nước đã góp được 370kg vàng và 60 triệu đồng” 22 .

Có hai vấn đề cần phân biệt để nhận thức đúng ở đây:

Thứ nhất, TLV nằm trong khuôn khổ của QĐL và là cao trào của Quỹ này, được Ban Tổ chức QĐL đứng ra chủ trương phát động để thu riêng vàng như theo mục đích lúc ban đầu, diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 16/9/1945 đến 30/9/1945 như vừa xác định ở trên. Từ đó, kết quả của TLV không thể bao hàm kết quả của QĐL và hoàn toàn chẳng liên quan gì đến QQP [ 23 , p. 142-143]. Văn bản tổng kết của Bộ Tài chính xác định rất rõ: “Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính ngày 20/5/1948 thì QĐL đã thu được trên 20 triệu đồng Đông Dương, TLV đã động viên được khoảng 370kg vàng, tương đương số thuế thu được trong một năm dưới chế độ cũ ở nước ta” [ 24 , p. 23-24].

Ngược lại, đúng ra thì QĐL phải bao gộp số quyên được trong TLV, song có thể do quan niệm TLV đặt tiêu chí thu riêng vàng nên kết quả đã được kê riêng; nghĩa là kết quả của QĐL bao gồm khoản thu tiền 20 triệu đồng cộng với khoản thu vàng 370kg (tương đương trị giá 3.936.800đ). Tổng cộng số thu toàn Quỹ xấp xỉ 24 triệu đồng Đông Dương, tương đương tổng ngân sách địa phương huy động từ các nguồn thuế thuộc ba kỳ vào năm 1926 (23.522.537 đồng) [ 25 , p. 158].

Việc cho rằng TLV vừa quyên vàng vừa thu tiền cho cả QĐL lẫn QQP theo các tài liệu đã nêu là một sự lầm lẫn.

Tuy nhiên, trên thực tế TLV vừa quyên vàng vừa thu tiền, thóc gạo cùng vô số hiện vật giá trị khác. Cách nêu kết quả riêng vàng theo tổng kết của Bộ Tài chính có thể đã tính gộp trị giá quy đổi của các loại hiện vật này, song cũng có thể đã loại trừ hoặc bỏ sót. Kết quả của TLV sẽ thuyết phục hơn nếu như sự thống kê báo cáo dựa trên các số liệu thực tế, tức là ngoài số vàng thu nhận được còn có cả tiền, kim khí, thóc…

Thứ hai, kết quả nêu ra của TLV tại Hà Nội cho thấy không khớp và không đầy đủ so với các số liệu thống kê thực tế.

Mặc dù trong một tổng kết khác có nêu rằng “Riêng tại Hà Nội, trong ‘TLV’ nhân dân đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và các hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương” 26 , tài liệu cho thấy giá trị từ hai khoản thu vàng và thóc kê ra có khoảng giãn cách quá xa so giới mốc đạt tới, bởi trị giá quy đổi mới chỉ là 1 triệu đồng chẵn (xem chú thích bên dưới). Dưới góc độ số liệu, tổng kết trên tỏ ra thiếu xác đáng .

Chính CQ ngày 1/12/1945 thông tin trong một bài viết ngắn mang tính phân tích đối sánh số liệu có tiêu đề Vàng để làm gì? cho biết: “Tổng số vàng thu được trong TLV đáng giá 7 triệu đồng. Tổng số đạn đã bắn… đáng giá bao nhiêu tiền?...” 27 . Thông tin chắc chắn dựa trên một tổng kết đáng tin cậy bởi vì TLV đã kết thúc sau hai tháng chẵn.

Số thu của TLV theo công bố có tổng trị giá bằng tiền lên đến 7 triệu đồng Đông Dương tương đương với khoảng 657,9kg vàng (tính thời giá 400 đồng Đông Dương/lạng), trong khi:

- Số thu của Hà Nội theo công bố trên đây trị giá bằng tiền là:

880.400đ (của 2.201 lạng x 400đ) + 119.600đ (của 920 tạ x 130đ) = 1.000.000đ.

- Số thu 370kg vàng của cả nước quy đổi thành tiền là:

370kg x 26,6 lạng x 400đ = 3.936.800đ.

Vậy cần lý giải thế nào về số thu 7 triệu, tương ứng 17.500 lạng vàng hay 657,8kg vàng này?

Ta thấy TLV ở Hà Nội có số thu thực tế từ các nguồn như sau gộp lại:

(1). Theo Table 1 , sáu ngày vàng tổ chức ở sáu địa điểm công khai cho toàn thể dân chúng Hà Thành (bỏ qua các số thập phân của vàng và trị giá các hiện vật khác) có trị giá 1.394.642 đồng Đông Dương.

Table 1 Số lượng và trị giá bằng tiền của các hiện vật trong sáu ngày/địa điểm vàng tại Hà Nội
Ngày Vàng (lạng) Tiền thay vàng (đồng) Thóc (tấn) Ghi chú
16/9 835
17/9 223
18/9 463 24.103
19/9 183 8.608
20/9 169 20.855
21/9Còn có: 338 28.950
- Ô. Mai Văn Hàm 24.726 Trị giá nhà hiến tặng
- Ô. Trần Lưu Vị 30
- Ô. Hoàng Gia Luận 150
- Hai bà Bùi Huy Đức và Nguyễn Bá Chính 130
Tổng cộng 2.211 107.242 310 Tổng giá trị quy tiền là 1.394.642 đồng

(2). Theo Table 2 , ngày vàng 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ với sự đóng góp của các nhà tư sản và điền chủ có trị giá 3.609.050 đồng Đông Dương 10 .

Table 2 Số lượng và trị giá bằng tiền của các hiện vật trong ngày vàng ở Bắc Bộ phủ
STT Người quyên góp Vàng (lạng) Tiền (đồng) Thóc (tạ) Ghi chú
1 Ô. Trịnh Văn Bô 459.200 Trừ khoản đã góp 102 lạng vàng để đủ số 50 vạn đồng
2 Ô. Đỗ Đình Thiện (Cát Lợi) 1.000.000 Đã góp trước 81 lạng vàng
3 Bà Hòa Tường, bà Đức Sinh và một người khác 1.000.000 “cộng với số vàng đã cúng”, nhưng không có con số đích xác để trừ ra
4 Ô. Nguyễn Hữu Tiệp 600
5 Ô. Sen Hồ “Cả số thóc thu trong vụ mùa sắp tới”: không tính được
6 Ô. và bà An Sơn 10 20
7 Bà Nghĩa Tường 100
8 Ô. Quảng Thái 10
9 Ô. Trương Công Quyền 10.000
10 Ô. Tạ Văn Hoan 5.000
11 Ô. Phạm Đỗ Bính 10.000 2.000
12 Ô. Khôi Ký 12
13 Ô. Ngô Thuận Quế 5 5.000
14 Ô. Dương Lộc 10 1.950 Quy đổi từ 1 tấn gạo
15 Ô. Đỗ Lợi 11 10.000
16 Ô. Lê Thuận Khoát 10 10.000
17 Ô. Ngô Khắc Thiện 1.000
18 Ô. Trần Khánh Lạc 500
19 Ô. Đỗ Mạnh Ất 10.000 Vàng xin cúng sau
20 Ô. Nghĩa Lợi 1.000
21 Ô. Quảng Tường 10.000
22 Ô. Chí Khôi “1 nén vàng”: không tính được
23 Ô. và bà Bùi Huy Đức 10 661.600 Thóc từ 600 mẫu ruộng quy đổi
24 Bà Đốc Chính 10
25 Bà Vũ Huy Quang 1.000
26 Ô. Nguyễn Hữu Như 5.000
27 Ô. Cự Dzoanh 2.000
28 Bà Phó Gia Tường “1 đôi vòng, 1 đôi xuyến, 1 chuỗi hạt vàng”: không tính được
29 Ô. Đức Thuận 10.000
30 Ô. Quảng Tường 5.000
31 Ô. Chí Lợi “1 kiềng vàng, 4 chiếc vòng vàng”: không tính được
32 Ô. Thiện Tường 2.000
33 Ô. Nguyễn Hữu Hợp “Ông nói sẽ để bà Hợp mang vàng đến cúng vào Tuần lễ Vàng”
Tổng cộng(37 người trong danh sách) 88 3.220.250 2.720 Tổng trị giá bằng tiền là 3.609.050 đồng (tương đương 339,3kg vàng)

Tổng cộng hai bảng kê (1) và (2): 1.394.642đ + 3.609.050đ = 5.003.692đ.

(3). Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác lạc quyên cho TLV, trong đó có hình thức mua ảnh chân dung Hồ Chủ tịch. Như CQ thông tin, nhà tư sản - trí thức Đỗ Đình Thiện chi đến 1 triệu đồng để mua ảnh rồi tặng lại Chính phủ trong ngày bế mạc sự kiện. CQ từ ngày 18/9 đã công bố với tít báo Ai sẽ mua được? như sau:

“Bức chân dung của cụ Hồ Chủ tịch sẽ đem bán đấu giá trong ngày bế mạc TLV (23/9/1945)…

Hiện nay trong một bữa tiệc, một nhà hào phú ái quốc ở Hà Thành đã tuyên bố trước một ông Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ nhất định mua tới giá một triệu đồng (1.000.000đ.00)…” 28 .

Kết cục, nhà hào phú đó chính là ông Đỗ Đình Thiện, Trưởng ban QĐL Trung ương. Cũng CQ đã xác nhận khi giới thiệu đại biểu ứng cử Quốc hội sau đó rằng “Gần đây, chúng ta phần nhiều biết tên tuổi ông Đỗ Đình Thiện vì:

Ông là nhà triệu phú đã quyên vàng vào TLV.

Ông đã giúp Chính phủ và mua bức chân dung của vị Chủ tịch với số bạc triệu” 29 .

(4). Nếu tính gộp các khoản quyên bằng hiện vật khác trong sáu ngày vàng chưa được thống kê cùng các hoạt động trong lễ bế mạc, số thu này cũng có thể đạt hàng triệu đồng.

Như vậy TLV tại Hà Thành có tổng thu tương ứng với con số tổng kết của nhật báo CQ.

Đối sánh các số liệu, có thể nhận thấy rằng các tài liệu trước nay đã đưa ra những thống kê bất nhất và không đầy đủ. Từ đó, chắc chắn TLV đã đạt số quyên vượt xa giới mốc mặc định 370kg vàng và vượt trên thống kê 657,9kg vàng (7 triệu đồng) vào ngày 1/12/1945 được tính cho Hà Nội, khi vàng từ các địa phương trên toàn quốc chưa quy tập về Trung ương đầy đủ cũng như TLV vẫn còn đang tiếp diễn. Hà Nội đã phát huy nguồn lực to lớn trong cuộc vận động bởi sự tiên phong của “những nhà giàu có” như kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với riêng một ngày vàng ấn tượng của hơn ba mươi nhà tư sản và điền chủ hàng đầu tại Bắc Bộ phủ, chưa kể các hoạt động quyên góp khác, mà nhà tư sản Nguyễn Đình Thiện là người dẫn đầu với tổng số quyên gồm 81 lạng vàng và 2 triệu đồng Đông Dương, cho dù chủ hiệu buôn Lợi Quyền đoạt chức “quán quân” của sự kiện và được tặng thưởng chiếc huy chương đặc biệt 30 .

KẾT LUẬN

TLV rõ ràng là một sự kiện lịch sử mang ý nghĩa tích cực sâu sắc trong bối cảnh cách mạng Việt Nam đương thời, không chỉ về mặt tài khố mà là cả sự sống còn của một sinh mệnh quốc gia.

Nhìn lại sự kiện trong mối quan hệ bao quát nhiều mặt của một chính thể, giải pháp tài chính mang tính sách lược này đã góp phần cứu vãn kịp thời nền độc lập mong manh mà dân tộc Việt Nam vừa giành lấy được. Vì vậy, việc minh định lại tầm vóc của sự kiện trong bối cảnh cụ thể về thời gian và không gian giúp nhận thức lịch sử hiện đại Việt Nam vào thời điểm khởi đầu trở nên chân thực và sống động hơn.

1. TLV không giới hạn về khuôn khổ thời gian như tên gọi, tức kéo dài bảy hay tám ngày. Thực tế, có thể chia sự kiện ra thành hai không gian riêng biệt, ứng với hai quãng thời gian khác nhau.

- Tại Hà Nội (chủ yếu là khu Hoàng Diệu và vùng phụ cận Hoàn Long): TLV diễn ra từ ngày 16/9/1945 đến ngày 30/9/1945. 30/9 là ngày bế mạc chính thức với các hoạt động vừa tổng kết vừa tiếp tục quyên góp cả ngày.

- Ở các tỉnh (được thông tin chủ yếu là trung châu Bắc Bộ): TLV diễn ra từ ngày 16/9/1945 đến ngày 9/1/1946. 9/1 là ngày tổng kết TLV của tỉnh Bắc Kạn theo tin phóng viên báo CQ ghi nhận tại chỗ. Đối với các địa phương phía Nam, TLV có thể đã diễn ra từ trước so với mốc thời gian này, không tính theo thời gian mà phái đoàn của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi nhận việc giao chuyển vàng từ các cán bộ đại diện.

2. Đối tượng vận động chính của TLV là giới tư sản và điền chủ giàu có, trước hết ở Hà Nội và cùng đó là các nơi trên cả nước. Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp TLV của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đến năm lần nhắc và nhấn mạnh đến đối tượng này với một cụm từ nhất quán rằng “nhất là những nhà giàu có” hoặc “nhất là các nhà giàu có”. Bởi vậy, đã có một cuộc vận động lạc quyên ngay tại chỗ trong Bắc Bộ phủ đối với khoảng hơn 30 nhà đại phú của thủ đô vào ngày thứ ba (18/9) của diễn tiến sự kiện. Chỉ riêng đóng góp trong một ngày tính ra (3.609.050 đồng) đã chiếm trị giá phân nửa tổng trị giá 7 triệu đồng của TLV theo như công bố sau đó. Thực tế, đóng góp của giới doanh nhân này tại Hà Nội chiếm tỉ lệ vượt trội như các số liệu thống kê trong bài viết đã nêu.

3. TLV không chỉ thu riêng vàng, tức không nhất quán với mục đích đặt ra ban đầu khi công bố về Chương trình hành động của sự kiện trên CQ ngày 11/9/1945, rằng “Muốn đáp lại lòng sốt sắng của quốc dân lo đến việc quốc phòng mà đã thấy rõ chỉ có vàng mới sắm được chiến cụ… Số vàng thu được sẽ là kích thước để đo tinh thần cứu quốc của dân chúng… số vàng thu được sẽ dùng riêng về việc quốc phòng” 1 .

Thực tế, trong ngày khai mạc 16/9 và ngày thứ hai 17/9 là hai ngày vàng đúng nghĩa của TLV, số thu cho thấy chỉ gồm ròng vàng. Quyên góp bằng tiền đã không được chấp nhận, như trường hợp xảy ra ngay ngày vàng thứ nhất, được phóng viên CQ xác nhận 31 , song đồ đồng và bạc cũng đã được thu nhận nhưng không thấy công bố trên bảng kê khai 16 . Số thu trong ngày vàng thứ ba (18/9) cho thấy đã xuất hiện “tiền thay vàng”, và từ đây trở đi thì các món lạc quyên cho TLV bao gồm nhiều loại, thậm chí có cả lựu đạn và thuốc nổ thay vàng 32 .

4. Vì thiếu tư liệu nên hoạt động thực tế của ngày bế mạc TLV tại Hà Nội đã không được cập nhật (mất cả hai số 55, ngày 1/10/45 và 56, ngày 2/10/45 của CQ). Dù vậy, không thể có một con số tổng kết đầy đủ đối với sự kiện trong ngày bế mạc 30/9/1945, bởi nhiều hiện vật đóng góp chưa thể thu nhận trực tiếp hoặc quy đổi thành tiền/vàng, ví dụ như số lượng thóc mà các nhà điền chủ hứa quyên trong ngày 18/9 ở Bắc Bộ phủ (ông bà Bùi Huy Đức với tất cả số thóc thu hoạch của 600 mẫu ruộng trong vụ mùa này; ông Nguyễn Hữu Tiệp với 600 tạ thóc để ở Thanh Hóa, bà Nghĩa Tường với 100 tạ thóc để ở Hưng Yên hay ông Sen Hồ với tất cả số thóc trong vụ mùa sắp tới…) 10 .

5. TLV với tính cách là cao trào/đỉnh điểm của QĐL được pháp chế hóa bởi một trong những sắc luật đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tận dụng những lợi thế tiên phong trong thực tiễn để cuốn hút toàn dân, nhất là tầng lớp giàu có tự nguyện tham gia sôi nổi trên tinh thần yêu nước tinh tuyền cuồng nhiệt. Sau Tuần lễ Vàng thành công vang dội, các cuộc vận động và lập quỹ khác mới được tổ chức như phong trào Hũ gạo đồng tâm, Quỹ Cứu tế, Quỹ Kháng chiến, Quỹ Vệ Quốc đoàn, QQP…

Nói cách khác, nhiệt thành yêu nước và lợi thế của một cuộc vận động được tổ chức trước tiên đã mang lại thành công tốt đẹp cho TLV với tính cách một trong những sự kiện khai mở lịch sử hiện đại Việt Nam.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CGP: Cờ Giải Phóng (báo)

CQ: Cứu Quốc (báo)

NN: Nước Nam (báo)

QĐL: Quỹ Độc lập

QQP: Quỹ Quốc phòng

TBTV: Trung Bắc Tân Văn (báo)

TLV: Tuần lễ Vàng

VN: Vì Nước (báo)

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA BÀI VIẾT

1. Đính chính các sử liệu trước nay liên quan đến sự kiện: Tuần lễ Vàng không diễn ra một cách chung chung vào quãng thời gian từ 17/9/1945 đến 24/9/1945 hoặc 16/9/1945 đến 23/9/1945 mà có hai không gian tương ứng với hai khoảng thời gian khác nhau:

- Hà Nội: từ 16/9/1945 đến 30/9/1945.

- Toàn quốc: từ 16/9/1945 đến 9/1/1946.

2. Công bố tư liệu qua báo Cứu Quốc về 7 địa điểm tiến hành Tuần lễ Vàng tại Hà Nội, cùng số liệu kết quả quyên góp từng ngày, trong đó có ngày vàng tại Bắc Bộ phủ mà trước nay chưa từng được một tài liệu nào đề cập.

3. Thống kê và bước đầu lý giải một số số liệu liên quan đến kết quả của Tuần lễ Vàng.

References

  1. Tuần lễ Vàng. Báo Cứu Quốc 11/9/1945. . 1945;1:4-5. Google Scholar
  2. Tuần lễ Vàng 8/9/1945. Báo Nước Nam. 1945;2:4-5. Google Scholar
  3. Giữ vàng làm gì? 9/9/1945. Báo Nam Bắc Trung Văn. 1945;22:1-2. Google Scholar
  4. Tuần lễ Vàng 12/9/1945. Báo Cờ Giải Phóng. 1945;1:1. Google Scholar
  5. Tuần lễ "Vàng" đã bắt đầu! 17/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;1:1-5. Google Scholar
  6. Ngày vàng (21/9) tại Đại lý Hoàn Long, ngoại châu khu Hoàng Diệu 22/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;1:1-3. Google Scholar
  7. Nha Thông Tin và Tuyên Truyền Bắc Bộ. Hoãn ngày bế mạc Tuần lễ Vàng 24/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;2:1. Google Scholar
  8. Để bế mạc Tuần lễ Vàng 29/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;1:2-5. Google Scholar
  9. 8 giờ 30 sáng mai bế mạc Tuần lễ Vàng 29/9/1945. Báo Vì Nước. 1945;1:2-3. Google Scholar
  10. Ai sẽ nhận chức Xung phong Tuần lễ "Vàng"? 21/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;2:1. Google Scholar
  11. Ngày bế mạc Tuần lễ "Vàng" tại Thuận Hóa 28/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;2:1. Google Scholar
  12. Hiến LV. Nhật ký của một Bộ trưởng. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng. 2004;2:. Google Scholar
  13. Cuộc bế mạc Tuần lễ Vàng ở Hải Dương có đại biểu quân đội Trung Hoa và Hoa kiều đến dự 28/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;2:2. Google Scholar
  14. Tuần lễ Vàng 11/1/1946. Báo Cứu Quốc. 1946;2:7. Google Scholar
  15. Điêu Tử. Lòng vàng yêu nước 23/9/1945. Báo Cờ Giải Phóng. 1945;2:6. Google Scholar
  16. Công Dân. Ngày thứ hai trong Tuần lễ Vàng 17/9 (18/9/1945). Báo Cứu Quốc. 1945;1:1-5. Google Scholar
  17. Dân C.. Vài ngày "Vàng" tại sân Thể Dục Hàng Đẫy và tại quán Trung Đồ. Báo Cứu Quốc. 21/9/1945;1:2-5. Google Scholar
  18. Ba CĐ, và một số người ưa mỹ thuật. Để bế mạc 'Tuần lễ Vàng" tại Hà Nội sẽ có một cuộc biểu dương tinh thần chống Pháp xâm 27/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;1:1-4. Google Scholar
  19. Ba CĐ, và một số người ưa mỹ thuật. Phòng triển lãm tranh ảnh "chống Pháp xâm" và Đế Thiên, Đế Thích 28/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;1:2-4. Google Scholar
  20. Dân C.. Ngày cuối cùng của Tuần lễ Vàng 24/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;1:1. Google Scholar
  21. Văn phòng Chính phủ. Chính phủ Việt Nam 1945 - 2000: Tư liệu. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia. 2000;:. Google Scholar
  22. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Thủ đô Hà Nội 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển. . 2014;:. Google Scholar
  23. Phong Đ. Lịch sử kinh tế Việt Nam (1945 - 1954). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. 2002;1:. Google Scholar
  24. Bộ Tài chính. 60 năm tài chính Việt Nam 1945 - 2005. Lưu hành nội bộ. Hà Nội: Nxb Tài chính. 2005;:. Google Scholar
  25. Anh NT. Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Sài Gòn: Nxb Lửa Thiêng. 1970;:. Google Scholar
  26. Viện Lịch sử Đảng. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc 1945 - 1954; vol III). Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật. 2009;:. Google Scholar
  27. Vàng để làm gì? 1/12/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;1:6-7. Google Scholar
  28. Ai sẽ mua được? 18/9/1945. Báo Cứu Quốc. ;1:5. Google Scholar
  29. Những bạn biết rõ ông Đỗ Đình Thiện và yêu mến ông. Ô. Đỗ Đình Thiện 5/1/1946. Báo Cứu Quốc. 1946;2:3-4. Google Scholar
  30. Trong C.D.. "Ngày Phụ nữ" Hồ Chủ tịch đã gắn huy chương vàng cho bà Lợi Quyền, gửi ảnh tặng ông Nguyễn Sơn Hà 13/11/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;2:1-2. Google Scholar
  31. Dân C.. Ngày "Vàng" ở phố Hàng Quạt (18/9) 19/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;1:5. Google Scholar
  32. Cúng thuốc nổ và lựu đạn vào Tuần lễ Vàng 19/9/1945. Báo Cứu Quốc. 1945;2:4. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 3 (2020)
Page No.: 494-504
Published: Oct 1, 2020
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i3.577

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Giac, N. (2020). Golden Week - Documentary and awareness. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 4(3), 494-504. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i3.577

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 552 times
Download PDF   = 365 times
View Article   = 0 times
Total   = 365 times